Kinh Kim Cang bảo: “Nên không trụ vào đâu mà sanh tâm mình.” Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm bao thái hư lượng chu sa giới.” Kinh Vô Lượng Thọ chép: “Tâm lượng bao dung ví như hư không, thích nghi Trung đạo trong ngoài tương ưng, nghiêm chỉnh tự nhiên, thân tâm khiết tịnh, tham ái không khởi.” Ba câu kinh này đều có cùng chung một ý nghĩa: Tâm Thánh chúng nơi cõi Cực Lạc thanh tịnh và bình đẳng giống như hư không. Do hư không không có bờ mé nên Tự tâm cũng không có bờ mé. Do hư không chẳng có một vật nên Tự tâm cũng chẳng có một vật. Do hư không rỗng không nên sum la vạn tượng, mười phương cõi nước đều nương vào hư không mà sanh. Do hư không tạo dựng vạn vật nên Tự tâm cũng tạo lập vạn vật. Do hư không chẳng có một vật nên chẳng rơi vào hữu biên. Do hư không dung chứa vạn vật nên chẳng bị rơi vào không biên. Do hư không chẳng có một vật mà lại dung chứa muôn vật nên chiếu soi được cả không lẫn hữu mà lại không hề có một vật nào cả, cả không lẫn hữu đều mất, thung dung Trung đạo. Do tâm Bồ-tát khế hợp Trung đạo nên những gì Bồ-tát vừa đạt được trong tâm lại vừa biểu hiện ra ngoài, cả trong lẫn ngoài đều như một, tự nhiên tương ưng, chẳng cần phải an bài, sắp đặt, tạo tác. Đức Phật khen những diệu đức này của Bồ-tát cõi Cực Lạc là: “Nghiêm chỉnh tự nhiên, thúc liễm đoan trực. Thân tâm khiết tịnh, tham ái không khởi,” đều là do Bồ-tát thích nghi Trung đạo mà tạo thành. Nói cách khác, đức tướng bên ngoài nơi thân của Bồ-tát thì oai nghi nghiêm túc, chỉnh tề, tâm ý bên trong thì chánh trực bình đẳng. Mắt, tai, miệng, lưỡi thảy đều tự đoan chánh, gìn giữ cái nghe, kiềm chế cái nhìn, dứt tuyệt các ý ngoại duyên, cả thân lẫn tâm đều đoan nghiêm; đấy đều là do Bồ-tát khế hội Trung đạo: “Sắc chẳng khác không, không nào khác sắc, chiếu phá khách trần, tự nhiên ly ái, chẳng có tham nhiễm, thân tâm khiết tịnh.”
Các thệ nguyện đã phát của Bồ-tát cõi Cực Lạc kiên định tự nhiên, chẳng hề chợt tăng, chợt giảm, chợt bỏ qua hay chợt bị khuyết thiếu, đúng như lời kinh Phật nói: “Ví dù thân đoạn lìa chư khổ, tâm nguyện con hằng chẳng thoái lui.” Ðấy chính là khuôn phép cho chí nguyện an định, không tăng khuyết giảm của Bồ-tát. Tuy Bồ-tát cõi Cực Lạc hòa bình, trung chánh, vui vẻ, tương ưng, hòa hợp, nhưng vì các Ngài cầu vô thượng đạo nên họ y theo lời kinh Phật dạy, chẳng dám sai quấy, như dây chỉ mực, chẳng bị những điều nghiêng lệch, tà vạy làm lầm lẫn, khuynh đổ, nên kinh bảo là: “Cầu đạo hòa chánh, không nghiêng theo tà, y lời kinh dạy như dây chỉ mực.” “Y lời kinh dạy” là tuân theo những ước thúc, giáo lịnh được ghi chép trong kinh điển của Phật, chẳng phải là những lời do phàm phu hay ngoại đạo nói. Đối với người tu Phật đạo, lời kinh dạy của Phật là mạng lịnh, là pháp luật, là giáo lịnh. “Như dây chỉ mực” là như khi thợ mộc thao tác, họ dùng sợi dây làm mực, căng thẳng ra rồi búng dây để đánh dấu. Người thợ mộc y cứ theo dấu mực ấy mà cắt gọt nên chẳng bị sai chạy, cong vạy, lệch lạc, hư hao. Phật bảo nếu Phật tử chúng ta y theo giáo pháp của Phật tu hành giống như vậy thì sẽ thẳng tắp thành tựu, không sợ bị luống uổng công phu. Trong phẩm Cần Tu Kiên Trì cũng có những câu như: “Tùy thuận ta dạy, đối Phật phải hiếu,” “không được khởi vọng, tăng giảm kinh pháp” cũng mang cùng ý nghĩa như vậy. Ðấy chính là rời ngoài một chữ trong kinh Phật thì giống như lời ma nói. Vì thế, phàm phu chúng ta tu hành trong đời này, nhất là trong thời Mạt pháp, phải nên lấy Thánh ngôn làm chỗ y chỉ, chẳng nên sáng tạo, dối bày. Người học Phật hiện nay thường nghĩ phải sáng tạo, phải phát minh, phải trội hơn thánh nhân, quan niệm ấy là gì? Là tư phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, là chẳng tôn thánh, kính thiện, nên mắc phạm bao nhiêu điều được dạy trong kinh. Cổ nhân luôn giữ mình đoan chánh, khiêm nhượng, ôn hòa, hiền từ, cung kính, tiết kiệm, nhường nhịn, chắc chắn chẳng tranh danh, đoạt lợi. Nếu tự mình có kiến giải giống như cổ nhân, chỉ nói những điều cổ nhân đã nói, chẳng nói những điều khác với cổ đức là đức hạnh, là tích đức. Chẳng mong cầu lập vị, chẳng ham tiếng tăm, lợi dưỡng là điều kiện căn bản của học vấn, là đức hạnh thế gian và xuất thế gian.
Phổ Hiền Bồ-tát dạy mười cương lãnh tu học, điều thứ nhất là “Lễ kính chư Phật.” Trong kinh này, Đức Phật dạy: “Các ông thảy đều được kinh Phật dạy, chiếu soi cặn kẽ, giữ mình đoan chánh, trọn đời không lười, tôn Thánh kính thiện.” Hết thảy Bồ-tát đều kính lễ chư Phật, đều mộ đạo, rỗng rang vô niệm, không khởi ưu tư, nên những điều mong cầu trong tâm của các Ngài đều chỉ là lẽ đạo tột cùng. Theo quan điểm của Tịnh tông, “thảy đều mộ đạo” là ý chỉ đề cao Nhất tâm niệm Phật, vì sao? Vì Nhất tâm niệm Phật chính là lẽ đạo tột cùng của Bồ-tát. “Rỗng rang vô niệm” chính là cái tâm buông bỏ vạn duyên, chẳng còn vọng niệm, nên cái tâm ấy thật là rộng lớn mênh mông, bao dung cùng khắp, không có hạn lượng. Kinh Hoa Nghiêm gọi cái tâm ấy là “tâm bao thái hư, lượng chu sa giới.” Do tín tâm kiên định, trí huệ rõ suốt không nghi ngờ nơi giáo pháp của Phật, chẳng còn có ý tưởng lo nghĩ, suy lường, nên trong một tiếng niệm Phật, muôn mối ưu tư đều tiêu tan, tất cả pháp đều tịch diệt, linh quang độc diệu, thoát khỏi căn trần, chỉ còn lại mỗi một cái tâm đã hết sạch phiền não, chẳng có cái gì là vui là buồn nữa. Vậy, “không khởi ưu tư” chính là ngay trong một niệm nhất tâm này chính là Phật!
Chúng ta nhất định phải biết, trên thế gian này chẳng có chuyện gì đáng để chúng ta bận lòng hết. Vì sao? Vì người trong thế gian chẳng thoát ra khỏi vận mạng, vận mạng đã định sẵn, chúng ta chẳng có bản lãnh chống chọi lại với nghiệp lực thì cần chi phải bận lòng, lo lắng? Nói cách khác, hễ chúng ta có thể buông xuống những chuyện vướng bận trong lòng, không khởi lên những mối ưu tư đối với những chuyện lo được lo mất. Tất cả những chuyện phiền bực trong lòng đều buông xuống hết, tâm mình bèn trở nên rỗng rang vô niệm. Khi xưa, Phật chứng kiến cả dòng họ Thích bị tiêu diệt dưới tay của vua Lưu Ly, trong lòng rất thương xót, nhưng chẳng thể giúp họ thay đổi vận mạng. Ngài Dalai Lama tuy biết trước nước Tây Tạng sẽ bị mất, cũng phải đành xui theo số mạng. Với cặp mắt thế gian, hết thảy mọi người trong dòng họ Thích bị diệt, nhưng hiện nay có muôn triệu người xuất gia đều mang họ Thích. Như vậy, dòng họ Thích có thật sự bị diệt hay không? Nước Tây Tạng bị mất, nhưng người Tây Tạng và các pháp sư Tây Tạng lại có mặt đầy khắp thế giới; từ đó phái Mật Tông được rộng truyền khắp nơi. Vậy, Tây Tạng đã mất hay đã và đang bành trướng khắp nơi trên thế giới? Đấy đã cho chúng ta thấy, trong nghịch cảnh lại có huyền cơ xuất hiện, trong thuận cảnh lại có mặt của tam ác đạo. Do thuận hay nghịch đều chẳng phải là thật tướng nên chúng ta chẳng cần phải bận lòng, lo lắng làm chi mà chẳng thể buông xả cả thân, tâm và thế giới để Nhất tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc.
Từ nơi Phật mà nói, kinh Vô Lượng Thọ chính là Viên giáo Xứng Tánh của A Di Đà Phật, bởi vì mỗi câu mỗi chữ trong kinh đều lưu xuất ra từ Tự tánh vô vi vô tác của A Di Đà Phật, nên kinh này tự nhiên hoàn toàn tương ưng với Tự tánh vô vi. Từ nơi chúng sanh mà nói, kinh này cũng là Tự tánh của chúng sanh, bởi vì Tự tánh của chúng sanh vốn sẵn đầy đủ đức tướng của Như Lai. Thế nhưng, Tự tánh của chúng sanh và Phật vốn chỉ là một thể, chứ không phải hai thứ khác nhau; cho nên, tất cả chúng sanh đều có khả năng vãng sanh thành Phật. Nếu nói Tự tánh chúng sanh vốn sẵn đầy đủ, vốn là Phật, thì tại sao lại bị luân chuyển trong sáu đường? Vấn nạn đó là do chúng sanh hành sử xứng tánh với phiền não, chẳng hành sử xứng tánh với Như Lai. Nếu chúng sanh tùy thuận với Như Lai Viên giáo Xứng tánh thì làm sao không thể đi đến Thế giới Cực Lạc chứ! Đến được Thế giới Cực Lạc rồi, tất nhiên sẽ xứng tánh với Như Lai mà thành một vị Phật trong Viên giáo, tức là thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Kinh gọi sự việc này là hóa nghi. Hóa nghi có nghĩa là biến hóa tùy thuận theo nghi thức và quy luật của lẽ tự nhiên. Quy luật của lẽ tự nhiên là gì? Nếu tâm mình tùy thuận phiền não thì sanh vào trong lục đạo, nếu tâm mình tùy thuận Viên giáo Xứng tánh của A Di Đà Như Lai thì sẽ đi vãng sanh Cực Lạc làm Phật. Nói tóm lại, tâm của chúng sanh vốn có đầy đủ các chúng tử từ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh v.v... cho đến Bồ-tát, Phật. Nếu tâm xứng tánh với pháp giới nào thì chủng tử ấy liền xuất hiện, rồi tùy thuận nhân duyên mà sanh vào trong pháp giới ấy. Chúng ta hoàn toàn có chủ quyền chọn lựa chủng tử nào để gieo trồng, hễ gieo nhân nào ắt sẽ gặt lấy quả ấy, trồng dưa thì được dưa, trồng cà thì được cà. Đó là quy luật của lẽ tự nhiên! Vì sao quy luật của lẽ tự nhiên lại là như vậy? Vì Tự tánh của chúng ta vốn có đầy đủ các chủng tử ấy và bao trọn đầy đủ hết thảy mười phương pháp giới, nên nó tùy thuận theo tánh của chủng tử xuất hiện mà hóa nghi. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm mới nói: “Tâm bao thái hư lượng chu sa giới.”
Đề tựa “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh” đã nêu rõ kink này chính là Viên giáo Xứng Tánh của A Di Đà Như Lai. Cho nên, xuyên suốt toàn bộ kinh này, Phật không nói gì khác ngoài cái thể tánh tự nhiên hóa nghi của Chân như Thật tướng. Nhưng vì chúng sanh không hiểu biết chân tướng của sự thật này, nên Phật phải thị hiện ở thế gian nhằm khai thị Phật tri kiến, làm tăng thượng duyên cho chúng sanh. Nếu Phật không độ chúng sanh bằng cách khai thị Phật tri kiến như vậy, thì làm sao chúng sanh có thể biết con đường mau chóng, chặt ngang tam giới, vãng sanh Cực Lạc để thành Phật? Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật lấy Bồ-tát cõi Cực Lạc làm ra tiêu biểu bởi vì Bồ-tát thích nghi Trung đạo, nên tâm của các Ngài tự nhiên an trụ trong pháp vô vi, chẳng có tạo tác, xứng hợp với Như Lai tánh. Thật vậy, nếu tâm có tạo tác thì đã trở thành hữu vi rồi, mà nếu là hữu vi thì sẽ tùy thuận phiền não mà hóa nghi, tức là sẽ tùy thuận theo định luật tự nhiên mà biến hóa trong lục đạo luân hồi. Do tâm của Bồ-tát tự nhiên vô vi nên tâm ấy rộng mở vô hạn, ly cấu vô nhiễm, chẳng nhận chứa mảy trần, chẳng lập một pháp nào cả, hết thảy các pháp đều tịch diệt trong tâm, nên kinh bảo là “hư không chẳng lập.” Thử hỏi, tâm ấy ví như hư không, mà hư không là tự nhiên, thì do đâu mà có thành lập? Kinh lại gọi cái trạng thái của tâm thanh tịnh và bình đẳng, tự nhiên viên mãn, lìa khỏi đoạn lẫn thường chính là cái tâm đạm bạc an nhiên, bởi vì nó giống như dòng nước tiếp nối nhau tuôn chảy liên tục, êm đềm, tràn đầy, chẳng dư, chẳng thiếu.
Tâm nhiễm ái trần cảnh là tâm phiền não, không bình đẳng, không viên mãn, vô thường, bất định. Tâm ấy luôn muốn nhận lấy các duyên bên ngoài nên gọi là “dục.” Vậy, “dục” chính là cái tâm nhiễm ái trần cảnh, mong cầu làm ra sự nghiệp. Vì tâm của Bồ-tát vô dục nên “không tham không muốn.” Cứ theo đó mà suy luận thì những điều như “xả bỏ ái trước” và “không vui không cầu, cũng chẳng không mong cầu” được nói trong kinh đều là vô dục cả. Nếu xét về mặt lý chân thật tế, Bồ-tát chẳng nhận lấy mảy trần nên một pháp cũng chẳng thành lập, nhưng đối với muôn hạnh môn lại chẳng bỏ một pháp nào, tùy duyên tự tại, chẳng có chấp trước. Vì vậy, các Ngài có thể làm đặng tất cả các nguyện lành, mà trong lại không tham không muốn, hết lòng cầu sách, điều này hiển thị rõ ràng diệu nghĩa sự lý vô ngại, viên dung tự tại của Trung đạo Thật tướng, xứng hợp với Như Lai tánh.
Phật dạy: “Khả đắc vi thế gian sự, bất khả đắc vi thế gian ý.” Câu này có nghĩa là đối với những duyên sự ở thế gian chúng ta đều có thể làm, nhưng đừng nên có ý tưởng của thế gian. Vì sao có thể làm nhưng đừng nghĩ tưởng? Vì chướng ngại chính là ở chỗ “thế gian ý,” chớ chẳng phải nơi việc làm. Thế gian ý là gì? Là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tất cả những thứ ấy đừng nên có. Ðức Thế Tôn thuyết pháp bốn mươi chín năm, giảng kinh hơn ba trăm hội. Ngài đã nói những gì? Đều là nói những thứ này, đối với người, đối với sự việc, đối với sự vật mà ta có ý tưởng sanh ra là đã rơi vào trong ý thức mà sai mất rồi. “Tưởng” ở đây là vọng tưởng! Chúng ta thử hỏi, có người nào không có ý tưởng như vậy? Rất tiếc là chúng ta chưa từng gặp qua, chúng ta gặp toàn là phàm phu, cho nên xem việc phát sanh vọng tưởng là rất bình thường, là sáng tạo, còn việc không có ý tưởng là bất bình thường, là ngu đần. Ngược lại, Bồ-tát chẳng bao giờ sanh ý tưởng, bởi vì các Ngài đắc lý Bát-nhã, nhập pháp môn Không, Vô tướng, Vô nguyện. Nhưng do các Ngài đều tuân tu theo đức hạnh của Phổ Hiền Đại sĩ, nên mới thị hiện đầy đủ vô lượng hạnh nguyện như vậy. Nói cách khác, Bồ-tát dụng tâm vô vi, vô nguyện, vô lập, vô dục để thực hiện hết thảy các nguyện lành thế gian lẫn xuất thế gian, nhưng không hề sanh lòng tham muốn những thứ ấy. Đó đã cho chúng ta thấy rõ, Thánh chúng cõi Cực Lạc đều tôn thờ A Di Ðà Phật, đều hết lòng cầu sách, chuyên gắng tu tập các pháp lành, nhưng tâm tâm vẫn luôn trụ chân thật huệ để thành tựu quả vị Phật.
Vì sao Bồ-tát trụ vô vi mà lại thường hành các pháp hữu vi? Kinh này nói: “Thương xót từ mẫn, lễ nghĩa đều hợp, bao dung sự lý, siêu độ giải thoát.” “Thương xót” là tâm đại bi. “Từ mẫn” là tâm đại từ. Do đại từ đại bi nên dẫu biết rõ ý nghĩa của câu “thật không có chúng sanh để độ” trong kinh Kim Cang, nhưng hạnh nguyện độ sanh của Bồ-tát vẫn chẳng cùng tận. Bồ-tát cõi Cực Lạc vì muốn cứu quần sanh, ban cho họ cái lợi chân thật, nên tâm của các Ngài thường luôn an trụ trong đạo độ đời. Cái đại nguyện được kết thành ấy tự nhiên khế lý khế cơ, chiếu chân, đạt tục. Do khế lý chiếu chân nên đại nguyện ấy lấy Thật tướng làm thể, liễu nghĩa rốt ráo, lực dụng vô lượng. Do khế cơ và thấu hiểu thế gian nên khéo phù hợp cơ nghi. Câu “lễ nghĩa đều hợp” ở đây là nói đến đạo đức thế gian của nhà Nho: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Hai chữ “lễ, nghĩa” này chỉ chung tất cả các chuẩn mực, quy luật đạo đức của xã hội trong các thời đại quá khứ, hiện tại và mai sau. Ðại nguyện của Bồ-tát phát ra phải phù hợp với đạo đức xã hội thì mới được xã hội đương thời chấp nhận; có như vậy mới có thể hoằng dương giáo nghĩa, lợi khắp chúng sanh, nên kinh bảo là “bao dung sự lý.” “Bao dung sự lý” chính là sự lẫn lý đều cùng viên mãn, chân lẫn tục cùng chiếu, trọn thâu hết thảy các điểm nhiệm mầu, nhiếp thọ khắp muôn loại, thượng, trí, hạ, ngu đều được độ thoát, thế gian lẫn xuất thế gian đều dung thông vô ngại. Chính vì lẽ đó mà kinh Hoa Nghiêm mới nói tâm Bồ-tát là “tâm bao thái hư lượng chu sa giới.”