Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Thành công là khi bạn đứng dậy nhiều hơn số lần vấp ngã. (Success is falling nine times and getting up ten.)Jon Bon Jovi
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Sự kiên trì là bí quyết của mọi chiến thắng. (Perseverance, secret of all triumphs.)Victor Hugo

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Phải nên tự độ »»

Tu học Phật pháp
»» Phải nên tự độ

(Lượt xem: 4.213)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Phải nên tự độ

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Phật bảo Di Lặc Bồ-tát: “Người tôn kính Phật, là việc lành lớn, thật nên niệm Phật, dứt đoạn hồ nghi, nhổ gốc ái dục, ngăn các nguồn ác, dạo khắp ba cõi. Không chỗ ngăn ngại, mở bày Chánh đạo, độ người chưa độ. Phải nên biết rằng, nhân dân mười phương, nhiều kiếp đến nay, luân chuyển năm đường, khổ lo không dứt, lúc sinh khổ đau, già cũng khổ đau, bệnh vô cùng khổ, chết vô cùng khổ, mùi hôi bất tịnh, chẳng có gì vui. Phải tự quyết định, rửa sạch tâm nhơ, nói làm trung tín, trong ngoài tương ứng.”

Như Lai vạn kiếp huân tu, nhập Phật tri kiến, rồi dùng tri kiến ấy khai thị chúng sanh để tất cả đều được ngộ nhập Phật tri kiến. Người tôn kính Phật ắt phải có tâm quyết, vui vẻ tiếp nhận, đảm đương và gánh vác Phật ân. Chúng ta phải nên tiếp nhận, đảm đương và gánh vác Phật ân bằng cách nào? Kinh bảo: “Thật nên niệm Phật, dứt đoạn hồ nghi, nhổ gốc ái dục, ngăn các nguồn ác, dạo khắp ba cõi, không chỗ ngăn ngại, mở bày chánh đạo, độ người chưa độ.” Do vậy, cương yếu của toàn bộ giáo lý trong Ðại Tạng của Tịnh tông chỉ nằm vỏn vẹn trong hai câu “Người tôn kính Phật là việc lành lớn” và “thật nên niệm Phật, dứt đoạn hồ nghi.” Kết quả của sự thành tựu trong nền giáo học của Tịnh tông chính là “nhổ gốc ái dục, ngăn các nguồn ác, dạo khắp ba cõi. Không chỗ ngăn ngại, mở bày chánh đạo, độ người chưa độ.” Người tôn kính Phật thì ắt phải biết dùng quả giác của Phật để làm cái nhân tâm của chính mình với một tấm lòng chân thật, chẳng sanh nghi. Người này chẳng phải hao tốn công sức tu hành suốt cả ba a tăng kỳ kiếp mà có thể chứng nhập Phật trí ngay trong một đời; đó đều là do họ thật thà, biết nghe lời Phật và nghiêm túc làm theo những điều Phật chỉ dạy, cho nên quả giác của Phật tự nhiên trở thành cái nhân tâm của họ. Nói một cách sâu xa hơn một tí, người tôn kính Phật thì phải tuân theo đúng lời Phật khai thị, nương vào Văn tự Bát-nhã trong kinh điển mà quán chiếu hết thảy các tâm, các pháp, mau chóng chứng nhập Trung đạo Thật tướng; đấy mới thật sự gọi là kính trọng, gánh vác Phật ân.

Thật thà tuân theo những điều Phật răn dạy trong kinh Vô Lượng Thọ: “đoan tâm chánh hạnh, dứt ác tu thiện, phát Bồ-đề tâm, một bề chuyên niệm A Di Ðà Phật” là nhân; quả báo của nó là sanh ngang qua bốn cõi Tịnh Ðộ, chứng trọn vẹn bất thoái, một đời thành Phật. Đây mới thật sự là hành vi của người tôn kính Phật! Hành nhân dùng cả ba nghiệp thanh tịnh nơi thân, khẩu và ý của chính mình để cung kính, phụng sự Như Lai, thì đó mới thật sự là người tôn kính Phật! Chẳng phải như người thế tục cứ nghĩ đốt hương, cúng hoa quả, sụp lạy mới gọi là tôn kính Phật. Thật thà mà nói, Phật chẳng hề cần những thứ này. Thứ hương thơm mà Phật muốn chúng ta cúng dường Phật chính là Giới Định Chân Hương, chớ không phải là loại hương từ nhang đèn khói độc. Nói thật ra, chỉ có dùng thân-khẩu-ý thanh tịnh niệm Phật để cúng dường Phật mới thật là việc lành lớn. Vì sao? Vì ngay sau câu “người tôn kính Phật là việc lành lớn,” Phật liền bảo chúng sanh “thật nên niệm Phật.” Kinh cũng nói: “Nếu ai thấy nghe đến danh hiệu Phật đều được lợi ích.” Vậy, niệm Phật mới chính thực là việc lành lớn nhất, chỉ có niệm Phật mới là tôn kính, gánh vác Phật ân đúng theo sự mong muốn của Phật đối với chúng sanh.

Vì sao niệm Phật lại là gách vác Phật ân? Bởi vì Nhất thừa Nguyện Hải, sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật chính là cái đặc ân tối thượng nhất trong những Phật ân mà Phật ban bố ho hết thảy chúng sanh, và Phật mong muốn tất cả chúng sanh đều hoan hỷ tiếp nhận. Thử hỏi, nếu Phật ban bố cho ta cái đặc ân tối thượng ấy mà ta chẳng chịu tiếp nhận thì làm sao có thế nói là gánh vác Phật ân? Thích Ca Mâu Ni Phật mới bảo: “Người tôn kính Phật là việc lành lớn, thật nên niệm Phật, dứt đoạn hồ nghi.” Hơn nữa, niệm Phật chính là tam nghiệp kính phụng, lại có thể thâu nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, tự được tâm khai. Hành nhân phải nên tập trung cả ba nghiệp thân-khẩu-ý chuyên chú nơi Phật mới đúng là quy kính Phật một cách trọn vẹn và chân thật nhất! Đương nhiên, người chân thật niệm Phật, trước hết phải dứt đoạn hồ nghi, hồ nghi nơi Phật chính là chẳng cung kính Phật! Tánh của loài hồ ly (loài cáo) thường hay nghi ngờ, nên kinh dùng chữ hồ nghi để chỉ người niệm Phật mà trong tâm lại nghi ngờ công đức của câu Phật hiệu. Do nghi ngờ công đức của câu Phật hiệu, nên lúc gặp nghịch duyên liền thoái lui, chẳng dám dũng mãnh tiến lên, chặt ngang tam giới, quyết định một đời này vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, cứu cánh thành Phật.

Trước tiên, Phật dạy phải đoạn nghi mà niệm Phật, kế tiếp Phật lại dạy phải niệm Phật để đoạn nghi. Vì sao thế? Hai vị Đại sư Liên Trì và Linh Phong đều bảo: “Phật hiệu gieo vào tâm loạn, tâm loạn chẳng thể chẳng thành Phật.” Chúng sanh si mê, kém trí, nên thường sanh tâm hồ nghi đối với những điều Phật dạy, nên Phật dạy phải niệm Phật để trừ nghi, nghi tình sẽ tự đoạn. Nghi tình đoạn sạch, chân tín kiên cố phát sanh, thì trong mỗi niệm mới tương ứng với Phật tâm “tâm này là Phật, tâm này làm Phật.” Chúng ta nên biết, khi chưa đoạn nổi cội nghi đối với pháp môn Niệm Phật thì tâm ý chưa yên. Khi tin, khi ngờ, nửa tin, nửa ngờ, miễn cưỡng niệm Phật, hoặc tuy miệng niệm Phật nhưng âm vẫn hâm mộ tông khác. Ðấy đều chẳng phải là chân thật niệm Phật, cũng chẳng phải là chân thật tôn kính Phật. Vì thế, Phật bảo Di Lặc Bồ-tát: “Người tôn kính Phật là việc lành lớn, thật nên niệm Phật, dứt đoạn hồ nghi.” Nói theo cách của Hòa Thượng Tịnh Không: “Thật thà, nghe lời, thật làm” đúng theo lời kinh Phật dạy thì đó mới là dứt đoạn hồ nghi. Hiện nay, có rất nhiều người tuy miệng niệm Phật cầu sanh Cực Lạc, nhưng đối với lời Phật dạy trong kinh Vô Lượng Thọ vẫn còn hồ nghi, chẳng muốn thọ trì, đọc tụng, thì đấy nhất định chẳng phải là người tôn kính Phật.

Nếu người tu niệm Phật có cái tâm thật thà, nghe lời và thật làm, không hồ nghi, nhất định sẽ chứng thực được lời Phật dạy: “Tâm tưởng thì sự thành.” Lục Tổ Huệ Năng cũng nói: “Nhất thiết pháp tùng tâm sanh.” Nếu tâm có tưởng thì sự ắt sẽ thành, nếu nghi tình chưa đoạn thì chánh tín khó sanh, nếu tín nguyện khiếm khuyết thì tư lương cũng khiếm khuyết theo. Nếu người niệm Phật tin được những chuyện hy hữu khó tin mà Phật nói về Đức Phật A Di Đà và cõi Cực Lạc, thì ngay trong đời này hãy dứt đoạn hồ nghi, ròng rặt niệm Phật, hâm mộ niệm Phật, hăm hở niệm Phật, vui vẻ niệm Phật, một bề niệm Phật, dốc trọn cả tính mạng mà niệm Phật cho tới chết không thôi, chẳng chút nghi ngờ, lo sợ! Người niệm Phật như vậy mới có thể chặt ngang tam giới, vãng sanh Cực Lạc, thẳng tiến một lèo thành Phật. Niệm Phật được kết quả “hoa nở thấy Phật, ngộ vô sanh” như vậy mới thật sự là việc lành lớn nhất trong tất cả các việc lành. Vì thế, trong phẩm Nhân Địa Pháp Tạng, A Di Đà Phật mới nói: “Dẫu cho cúng dường hằng sa thánh, chẳng bằng vững mạnh cầu chánh giác” và trong phẩm Phước Huệ Được Nghe, Thích Ca Mâu Phật cũng bảo: “Nên tin ta dạy lời như thật. Diệu pháp như thế may được nghe, phải thường niệm Phật mà sinh hỷ. Thọ trì rộng độ dòng sinh tử, Phật nói người này thật bạn hiền.” Lại nữa, tham dục chính là cội rễ của những nỗi khổ, Phật khuyên phải đoạn trừ ái dục, tất sẽ xa lìa phiền não. Phật dạy, thường tu niệm Phật sẽ có thể khử trừ được ái dục! Hết thảy các độc tham, sân, si, ngã mạn, đố kỵ, ganh ghét v.v… đều là những nguồn ác và hết thảy các chướng ngại đều do các nguồn ác này gây ra. Ác niệm là căn cội gây ra ác nghiệp, mà ác nghiệp lại là nguyên nhân khiến người ta phải bị đọa vào ác đạo. Phật dạy chúng ta phải ngăn chặn các ác niệm bằng một câu niệm Phật “tâm này là Phật, tâm này làm Phật” thì tâm này nhất định lìa hết thảy các ác nghiệp. Câu niệm Phật có khả năng đoạn sạch hết tất cả phiền não, chẳng để bất cứ một thứ phiền não nào sót lại, nên các đường ác tự đóng chặt, sanh tử tự diệt.

Đứng về phía Phật để bàn luận, trên trời dưới thế chỉ có mình Phật là tôn quý nhất, Phật thần thông biến hóa tùy ý, chẳng bị trở ngại, chẳng bị kềm giữ, làm việc gì cũng tự tại, chẳng cần phải suy tính, nên kinh bảo là “không chỗ ngăn ngại.” Phật thể hội tánh không, Pháp thân hiện hữu trên khắp tất cả quốc độ, nên kinh bảo là “dạo khắp ba cõi.” Đứng về phía phàm phu để bàn luận, người kiêm cả phát Bồ-đề tâm và niệm Phật được vãng sanh, do nương vào oai thần của Phật Di Đà, cũng có thể dạo khắp mười phương thế giới, tuyên thị diệu pháp Di Ðà viên đốn, Nhất thừa Nguyện Hải, sáu chữ hồng danh, nhằm dẫn dắt kẻ chưa được độ quy hướng Cực Lạc, nên kinh ghi: “Dạo khắp ba cõi, không chỗ ngăn ngại, mở bày chánh đạo, độ người chưa độ.” “Không chỗ ngăn ngại” là điều kiện rất cần thiết để hoằng truyền Phật pháp, mở bày chánh đạo, độ người chưa độ. “Không chỗ ngăn ngại” bao gồm hết thảy các thứ như nơi chốn, sự, vật, hoàn cảnh môi trường xung quanh v.v… không làm chướng ngại việc hoằng truyền Phật pháp. Thời nay, việc hoằng pháp của chúng ta thường gặp rất nhiều chướng ngại; đó đều là do chúng ta chưa thật sự rửa sạch tâm nhơ, chưa thật sự nhổ tận gốc ái dục, nên tâm chưa được mở sáng để hóa giải những chướng ngại trong đời và đạo. Khi nào chúng ta rửa sạch được tâm nhơ, nhổ tận gốc ái dục, tâm được mở sáng rồi, thì tự nhiên có thể chuyển hóa nghịch cảnh, không còn bị ngăn ngại nữa. Còn bây giờ, chúng ta chỉ biết thuận theo nhân duyên làm những gì mình có thể làm, không nên phan duyên mà chịu nhiều phiền phức.

Trong nữa đoạn đầu của phẩm kinh này, Phật khuyến dụ chúng sanh nên đoạn hoặc niệm Phật. Còn nửa đoạn sau, Phật lại khuyên chúng sanh nên biết khổ để tu thiện, Phật bảo: “Phải nên biết rằng, nhân dân mười phương, nhiều kiếp đến nay, luân chuyển năm đường, khổ lo không dứt, lúc sinh khổ đau, già cũng khổ đau, bệnh vô cùng khổ, chết vô cùng khổ, mùi hôi bất tịnh, chẳng có gì vui. Phải tự quyết định, rửa sạch tâm nhơ, nói làm trung tín, trong ngoài tương ứng.” Từ bao kiếp số lâu xa dằng dặc cho đến nay, tuy chúng ta gặp nhiều Đức Phật, phát đại tâm đã bao lần, nhưng việc tu Thánh đạo thật sự là quá khó thành tựu. Nguyên nhân là do chúng ta thường bị chìm đắm, lưu chuyển mãi đến nay vẫn chưa thoát khỏi sanh tử. Lão Hòa Thượng Tịnh Không bảo: “Nếu bạn không thể ra khỏi sáu cõi luân hồi, thì quyết định thời gian bạn ở trong ba đường ác sẽ dài, thời gian bạn ở trong ba đường thiện ngắn, đặc biệt là ở cõi người. Cho nên ở trong sáu cõi, ba đường ác là quê hương, ba đường thiện chỉ đi lại để tham quan du lịch thôi.” Theo đó cho thấy, người gặp được Phật mà vẫn còn phải trải qua nhiều kiếp trầm luân sanh tử, ưu khổ bất tuyệt, thì người chẳng gặp được Phật, ưu khổ còn hơn thế nữa! Bởi đó, kinh mới nói, nhân dân mười phương, nhiều kiếp đến nay xoay vần trong năm đường, thường đọa vào tam đồ, đau đớn tột bực, không lúc nào hết. Đấy là vì sanh, già, bệnh, chết đều là thuần khổ, không vui. Cái thân nghiệp báo xấu ác, hôi thối, bất tịnh của phàm phu nào đáng vui chi, cớ sao người đời cứ mãi tham đắm vào đó mà gây ra vô lượng, vô biên ác nghiệp?

Hiện nay, chúng ta sống trong thế giới hữu vi hữu lậu mà lại tu hành theo đạo pháp vô vi vô tướng để xuất ra khỏi tam giới, thì đúng là việc làm nghịch lưu với dòng đời, thật là một điều vô cùng khó khăn, trắc trở. Cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày của chúng ta đều bị thế duyên chi phối, thường thuận lưu theo dòng đời ô nhiễm trần cấu để mưu sinh, khó bề buông xả việc đời thế sự để gìn giữ tịnh niệm tiếp nối, nên niệm niệm xa dần Tự tánh vốn sẵn thanh tịnh của mình. Người Phật tử tại gia tu đạo xuất thế của Phật là người đi ngược lưu giữa dòng đời mà không được nghịch lưu ngoài dòng đời. Đây là điều vô cùng khó, đòi hỏi sự giác ngộ triệt-để giáo lý của nhà Phật và ý chí kiên cường dõng mãnh trước những chướng ngại của thế giới hữu vi. Phật dạy, muốn xả ly trần cấu, tịnh niệm tiếp nối thì giới cần phải được thực hiện trước tiên. Hành giả tu được giới, xả ly trần cấu, gìn giữ tam nghiệp thân-khẩu-ý thanh tịnh, mới hòng có được tâm thanh thản, an lạc. Nếu chưa xả ly trần cấu, rửa sạch tâm nhơ, thì dù có hạ thủ công phu khổ nhọc đến đâu, cũng chỉ là việc trồng cây trong bụi rậm mà thôi. Khi tam nghiệp thân-khẩu-ý được thanh tịnh thì dù ở xa Phật cũng hóa gần; nhược bằng buông lung tam nghiệp, thuận lưu theo vọng tình dục nhiễm thì dù gần Phật cũng hóa xa.

Khi chúng ta giữ giới, ôm pháp tịnh tu thì sẽ thấy tâm mình chao động rất nhiều. Đó không phải là tại pháp tu của Phật không có công hiệu, mà ngược lại nó chính là hiệu quả của tu tịnh nghiệp, vì sao? Vì khi tâm tịnh thì dù chỉ một ý niệm nhỏ khởi động liền nhận thấy ngay. Ví dụ, khi ném một hạt cát nhỏ bé vào trong mặt nước ao hồ phẳng lặng liền thấy rõ sự chuyển động của làn sóng nước. Ngược lại dù ném một cục đá to vào trong biển sóng lớn vẫn không thấy mặt biển nước bị đá làm động; đấy không phải là do đá không làm biển động, mà do sóng biển đã thường động như vậy nên khó thấy được sự dao động do cục đá làm ra. Trạng thái nhận biết của tâm cũng giống như thế, khi tâm thanh tịnh thì dù là một sự cố nhỏ xảy ra, tâm liền nhận biết rõ ràng đến mức tinh vi; còn nếu như khi tâm loạn động quá sức thì dù biến cố to lớn đang xảy ra xung quanh mình, tâm vẫn không nhận biết được hoặc chỉ nhận biết một cách mơ hồ, sai lầm. Pháp môn Niệm Phật là thâm diệu thiền, dùng quả giác của Phật A Di Đà làm nhân tâm, làm tư lương để chứng ngộ triệt để nguồn tâm của mình. Do đó, người tu pháp Tịnh nghiệp sẽ sớm được thanh thản an lạc và mau chứng được đạo quả giải thoát tối cực. Vì thế, hai vị Đại sư Liên Trì và Linh Phong đều dạy: “Phật hiệu gieo vào tâm loạn, tâm loạn chẳng thể chẳng thành Phật.”

Điều trọng yếu của pháp môn Tịnh độ nói riêng, hay của tất cả các pháp môn khác của Phật nói chung, đều là buông xả! Tâm tùy thuận và bằng lòng với mọi sự, mọi vật, mọi hoàn cảnh xung quanh là tâm không phiền não, không chướng ngại. Tâm không còn chướng ngại là tâm buông xả. Tâm buông xả là tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là tâm thiền định. Tâm thiền định là tâm lắng trong. Tâm lắng trong là tâm hết ô nhiễm. Tâm hết ô nhiễm là tâm đoạn dục. Tâm đoạn dục là tâm trí tuệ. Tâm trí tuệ là tâm giải thoát. Tâm giải thoát là tâm thanh thản, an lạc, vô sự. Dù cho tam thiên đại thiên thế giới chìm trong lửa lớn, tâm mình vẫn thanh thản, an lạc, vô sự thì đó chính là cảnh giới thâm điệu thiền của Tịnh tông. Lão Hòa Thượng Hải Hiền, thọ một trăm mười hai tuổi, trong đời nhiều lần thấy Phật A Di Đà. Lão sư đã có lần cầu xin Phật sớm tiếp dẫn Ngài vãng sanh Cực Lạc. Phật bảo: Chưa được, ông tu tịnh nghiệp quá giỏi nên phải ở lại cõi Sa-bà này để biểu tướng pháp. Ngài ở thế gian này đã biểu diễn tướng pháp gì? Ngài biểu diễn cho chúng ta thấy thế nào là tâm buông xả, Ngài dạy: “Cái gì cũng tốt, không có cái gì không tốt cả, thấy gì cũng cho là tốt, thấy gì cũng cho là vui vẻ, trong tâm mới có thể tràn đầy pháp hỷ. Trong tâm mới có thể thanh tịnh, mới không phiền não, mới không giận và hận người. Không có chia cái này tốt, cái đó xấu, cũng không có cái này ngon, cái kia không ngon. Tất cả đều tùy duyên. Trong lòng sẽ an tâm và vững chãi.”

Người tu tịnh nghiệp, trước tiên phải thường luôn niệm Phật. Niệm niệm tiếp nối nhau không hề gián đoạn là để cho vọng niệm không có chỗ hở mà khởi sanh, nhờ đó mà mau tỉnh giác, cũng nhờ sức tỉnh giác ấy nên mới có thể áp dụng giới luật vào đời sống hằng ngày để tu hành đạo giải thoát. Nói cách khác, tu tỉnh giác chính là buông xả ác pháp chướng ngại trong tâm mình, dứt trừ tâm ác độc, tâm đau khổ, để giải thoát tâm. Muốn giải trừ tâm ác độc, tâm đau khổ, chúng ta phải nhiếp thủ sáu căn, trụ tâm nơi câu Phật hiệu, tiếp nối nhau không gián đoạn! Niệm Phật ký số là phương pháp rất thông dụng giúp hành nhân có thể chú ý từng câu niệm của mình. Nương vào mỗi niệm đếm số rõ ràng, muốn đếm số rõ ràng thì phải nhớ rõ từng niệm số, vừa đếm xong số này thì phải nhớ số khác tới và phải hình dung số tới, cứ đếm mỗi niệm như vậy, không cho sai, thì tự nhiên nhiếp phục vọng tưởng, dần dần sẽ diệt trừ được những vọng tưởng, tư niệm lăng xăng. Khi tâm đã thuần thục và thanh tịnh an lạc rồi, có thể ngừng đếm số, chỉ cần tự nhiên niệm Phật một cách thung dung tự tại. Lúc bây giờ tâm không còn bị tưởng thức lừa gạt nữa. Hành giả thực hiện cách niệm Phật bằng đếm số, ý tứ từng câu niệm rõ ràng minh bạch sẽ có một sức tập trung chú ý rất mạnh vào câu Phật hiệu trong một thời gian khá dài, tâm không bị lảng xao hoặc chạy theo các đối tượng khác. Do sự tập trung không xao lảng mới phát xuất được trí thông minh, nhờ đó mới hiểu kinh, giữ giới và hành trì giới một cách chu đáo và tường tận, không bị phạm một lỗi nhỏ. Nhờ hàng rào giới này mới vào được định; lúc bây giờ nguồn tâm được thanh tịnh, an lạc, vô sự và cuối cùng đưa đến sự giải thoát ra khỏi sanh, già, bệnh, chết.

Phật nói “người đời khổ lo không dứt, lúc sinh khổ đau, già cũng khổ đau, bệnh vô cùng khổ, chết vô cùng khổ, mùi hôi bất tịnh, chẳng có gì vui.” Sanh, già, bệnh, chết là những sự xấu ác nhất trong thế gian mà chẳng có một ai có thể tránh khỏi. Vì sao con người luôn phải thọ khổ? Con người khổ đau chỉ là vì sống bằng ý tưởng. Ý tưởng càng nhiều thì tham sân si càng nhiều. Tham sân si nhiều thì mạn nghi nhiều. Mạn nghi nhiều thì đau khổ nhiều. Người tu tỉnh giác là người sống trở lại với thật trí của chính mình, gạt bỏ tưởng thức qua một bên, nên thoát ra hết thảy các khổ của thế gian. Phật, Bồ-tát là bậc dứt tuyệt tưởng thức thì lấy gì để cảm thọ khổ vui? Phật, Bồ-tát tuyệt đối chẳng có những cảm thọ khổ vui như phàm phu chúng ta. Buông xả tâm ý thức quan trọng lắm! Nếu chúng ta cứ mãi buông lung phóng túng, để cho ý tưởng của mình tự do thuận lưu theo dòng đời ô trược vô thường biến đổi, mà tạo tác các nghiệp nơi thân và khẩu, thì dù có khổ công niệm Phật lâu năm cũng chỉ là luống uổng công phu. Chúng ta buông xả được bao nhiêu thì bớt khổ đau bấy nhiêu. Chúng ta buông xả rốt ráo tâm ý thức thì gọi là thành Phật, thành Bồ-tát! Phật, Bồ-tát chẳng dụng tâm ý thức thì nơi các Ngài làm sao có cái gọi là khổ đau? Hoàn toàn chẳng có!

Cổ đức thường bảo: “Một sự vật nhỏ như đầu kim, ngọn cỏ của thế giới này cũng là chướng ngại vô cùng cho việc vãng sanh.” Thế giới này hiện hữu là do tâm ý thức của chúng ta biến hiện ra. Nay, nếu chúng ta muốn vãng sanh Cực Lạc, giải thoát nạn lớn sanh tử, dứt tuyệt mọi khổ đau thì chẳng thể chẳng buông xả thế giới này, mà muốn có thể buông xả thế giới này, trước hết phải tu tập buông xả tâm ý thức. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật khuyên răn chúng sanh phải thường luôn: “chí xả như hư không,” “niệm đạo tự nhiên,” “tự nhiên gìn giữ chân chân tinh khiết, chí nguyện vô thượng, tịch định an lạc.” Những điều Phật dạy này đều chỉ chung một chuyện; đó là buông xả tâm ý thức. Thân người phát sanh từ tinh cha, huyết mẹ. Lúc ở trong bào thai hấp thụ tinh huyết của mẹ để sống và nuôi lớn thân mình. Khi sanh ra khỏi bào thai thì phải ăn uống để nuôi thân, nên có tiểu tiện nhơ bẩn... toàn thân rốt ráo đều là những thứ bất tịnh. Cả thân mình lẫn thân người khác đều chẳng có chỗ nào đáng yêu nổi, thuần chỉ là khổ, chẳng có gì vui, lẽ ra con người phải sớm biết mà chán lìa! Phật dạy: “Phải tự quyết định, rửa sạch tâm nhơ.” “Quyết định, rửa sạch tâm nhơ” nghĩa là dứt khoát cắt đứt nhân ác; nhân ác ấy chính là tâm nhơ. Tâm nhơ là bụi nhơ tham-sân-si nơi tâm mình, trái với ba thứ ấy là tâm thiện vô tham, vô sân, vô si.

Chúng ta muốn thật sự quét sạch hết tâm nhơ thì phải có trí huệ Bát-nhã. Trí huệ Bát-nhã giống chiếc đủa thần, tâm nhơ giống như những vật bẩn dơ, chỉ cần quơ chiếc đủa thần một cái thì mọi nơi mọi vật trong nhà đều sáng sạch, chẳng cần phải khổ công làm lụng, lao chùi. Vậy, nếu chúng ta muốn mau chóng rửa sạch tâm nhơ thì phải có trí huệ. Thế nhưng, nhân dân mười phương, nhiều kiếp đến nay, luân chuyển trong năm đường, đều là do vô minh, không có trí huệ. Vậy, muốn dứt trừ tâm nhơ thì phải làm sao? Nhất định phải vâng lời Phật dạy, hết lòng niệm Phật! Niệm Phật chính là định huệ song tu, có thể tẩy sạch tâm nhơ, dứt tuyệt sáu đường thống khổ. Phật còn dạy chúng ta phải: “Nói làm trung tín, trong ngoài tương ứng.” Việc làm phải đúng như lời nói, lời nói phải đúng như việc làm, thì mới gọi là trung tín. Lời nói chẳng trái nghịch với tâm, tâm và khẩu đồng nhất, biểu thị lý tương ứng với trực tâm, mà trực tâm chính là chân tâm; bởi thế, kinh Tịnh Danh mới bảo: “Lấy trực tâm là đạo tràng.” Trên thật tế, nếu chúng ta thật sự muốn làm Phật thì ngay trong lúc này cũng có thể thành Phật. Nhưng cái chỗ chướng ngại mà ai ai cũng bị vướng mắc là không nói làm trung tín, trong ngoài tương ứng. Tức là nơi ý và miệng thì muốn làm Phật, nhưng trong tâm vẫn không chịu làm Phật, vẫn chưa chịu tự mình quyết định rửa sạch tâm nhơ, nói làm trung tín trong ngoài tương ứng. Chúng ta vẫn là người không thật thà, không nghe lời và cũng không thật làm theo lời Phật dạy, tức là vẫn không lấy trực tâm làm đạo tràng; cho nên, tu hành kiểu gì cũng khó thể thành công. Chúng ta phải y theo lời Phật dạy để tự độ cho chính mình thành Phật trước thì mới có thể độ được vô lượng chúng sanh thành Phật. Mà nay, chúng ta vẫn chưa thể tự độ mình thì làm sao có thể độ người khác. Tự độ ở đây có nghĩa là tự mình quyết định rửa sạch tâm nhơ, nói làm trung tín trong ngoài tương ứng. Một khi tâm nhơ được rửa sạch, trong ngoài sáng sạch như lưu ly thì tự nhiên là Phật rồi!




    « Xem chương trước «      « Sách này có 1411 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 44.206.248.122 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (128 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - ... ...