Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )Albert Camus
Thêm một chút kiên trì và một chút nỗ lực thì sự thất bại vô vọng cũng có thể trở thành thành công rực rỡ. (A little more persistence, a little more effort, and what seemed hopeless failure may turn to glorious success. )Elbert Hubbard

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tùy bút »» Một mảnh ký ức của đời tôi »»

Tùy bút
»» Một mảnh ký ức của đời tôi

(Lượt xem: 4.087)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Một mảnh ký ức của đời tôi

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Vài lời dẫn truyện.

Theo tôi, cuộc đời của mỗi người được ví như là một bản trường ca với nhiều đoản khúc, mỗi đoản khúc diễn tả những diễn tiến trong một khoảng thời gian ngắn hay dài nào đó trong cuộc đời. Nội dung của đoản khúc đó sôi động hay buồn tẻ; cao cả hay thấp hèn; nhục nhã hay quang vinh… Tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố liên quan đến tài năng, thời điểm trong cuộc đời, không gian và cả thời gian mà người đó sinh sống. Có người sinh ra trưởng thành trong may mắn, giàu sang, ở một quốc gia, xã hội thịnh vượng, suốt cuộc đời của họ được diễn biến trong hoan lạc, hạnh phúc, thì bản trường ca của họ có lẽ nhiều phần là êm ả, an bình. Ngược lại một người sinh ra trong tao loạn chiến tranh hay ở một xã hội bất minh thấp kém về đạo đức, thì cuộc đời họ được phủ đen bằng những bất hạnh triền miên, nhưng cũng không có nghĩa là không có những lỗ soi kim rất nhỏ để họ vươn lên, thoát khỏi nghịch cảnh. Sự biến chuyển đó trong toán học gọi là xác suất, trong nhân gian thông thường gọi là số mệnh.

Tôi cũng như rất nhiều người Việt Nam khác mà không có tí chút loại trừ, cũng bị vùi dập với đói nghèo, chiến tranh nhưng cũng từng có những phút mơ mộng về một ngày tỉnh dậy dưới ánh bình minh chói lọi. Rồi nhờ ý chí vươn lên cùng với sự hy sinh tột cùng của bố mẹ, kèm theo những may mắn, tôi đã tìm được cái gốc an định của cuộc sống.

Ngày nay, ở độ tuổi trên 75, ngoái nhìn lại quá khứ đời mình, rà soát lại những âm thanh đa dạng phát ra từ những nhạc cụ trong bản trường ca khá nhiều sắc thái của đời, nhiều lúc cũng có cảm giác thích thú pha trộn tí chút ngỡ ngàng. Trong cái không gian lạnh lẽo, tuyết rơi phủ trắng của đất trời Thuỵ Sĩ mang đến cho tôi cái cảm khoái muốn dùng sự bay bướm của văn chương, chữ nghĩa để viết về một khúc hòa âm trong đời tôi với đề tựa “Một mảnh ký ức của đời tôi”.

Đó là khoảng thời gian kéo dài hơn 2 năm trời với nghề bán báo dạo tại Sàigon, khi tôi ở độ tuổi 14, 15.

Thời gian đó, vì hoàn cảnh đưa đẩy, tôi đã phải bước vào nghề bán báo dạo để kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Với hơn 2 năm cực nhọc đó tôi đã có được rất nhiều kỷ niệm buồn vui và cả những ước mơ, mà có lẽ chính nhờ đó mà tôi đã đứng dậy vươn lên để thay đổi thân phận hẩm hiu của đời tôi. Viết ra đây như một dấu tích để hoài niệm về một khoảng thời gian đáng nhớ của mình và cũng làm một món quà văn chương kỷ niệm cho vài ba người bạn thân quen trai gái của tôi, dĩ nhiên cũng cho bất cứ ai có tí chút thời gian để tìm thấy cái thích thú mà thưởng thức cho vui.

&&&

1. Con đường dẫn tôi vào nghề bán báo dạo

Sau khoảng gần một năm lên Đà Lạt làm rẫy cho chủ nhân, khoảng cuối năm 1955 gia đình tôi trở lại Sàigòn, sinh sống trong con hẻm 116 đường Tô Hiến Thành, còn được gọi là xóm Tre. Một xóm nghèo, cư dân phần lớn là du đãng, lính tráng và đĩ điếm, nơi đây có đầy đủ mọi tật ách của xã hội. Khi đó tôi đã lên 9 tuổi, nhờ ông nội dạy tôi học tại nhà nên tôi biết đọc, biết viết, làm được 4 phép tính khá thành thạo, nên được nhận thẳng vào lớp tư (lớp 2 ngày nay) trường tiểu học Chí Hòa. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thực sự biết đến trường học và thầy cô. Một phần vì sớm nhìn thấy bố mẹ cực nhọc, nhịn ăn nhịn mặc lo cho mình ăn học, lại may mắn gặp được những vị thầy cô rất tốt như thầy Hà Mai Anh, cô Mỹ Linh... Họ đã cấy vào trí óc và trái tim non nớt của tôi những ước vọng vươn lên trong khuôn phép của người công dân tốt trong xã hội.

Thời gian đẩy tôi tiếp tục tiến tới, tôi xong văn bằng tiểu học rồi lại vượt kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất của trường trung học Chu Văn An, một ngôi trường trung học nổi tiếng của Sàigòn. Việc học của tôi ở mức trung bình trong suốt năm đệ thất, nhưng đến khoảng giữa năm lớp đệ lục nó xuống dốc thê thảm, gần như luôn đội sổ! Lý do là bố tôi bị thuyên chuyển lên sư đoàn 22 Bộ Binh tại Kontum. Với tiền lương èo ọt của người trung sĩ phải chi trả cho 10 miệng ăn (7 đứa con và ông nội) cũng đã thiếu trước hụt sau rồi, làm sao mà đủ khi phải chia 2, một phần cho gia đình, một phần khác cho bố tôi. Trong tình trạng bi thảm, thiếu thốn đó lại thêm mẹ tôi cứ nay ốm mai đau… gia đình tôi thật sự bước vào hoàn cảnh quá u buồn. Tôi đã phải làm những việc lặt vặt để giúp đỡ gia đình, hằng ngày khi đi học về tôi phải xách nước giếng hay ra vòi nước công cộng (trước cửa nhà thờ Chí Hòa, đường Tô Hiến Thành) xách nước máy nấu ăn cho vài gia đình trong xóm. Tất cả những công việc lặt vặt đó là mong góp thêm một tí, rất nhỏ cho cuộc sống của gia đình tôi mà thôi.

Có lẽ ngày nay khi về già, ngoái nhìn lại đời mình, tôi có cảm tưởng phần rất lớn những biến chuyển trong cuộc đời của tôi đều được khởi đầu bằng một sự đưa đẩy nào đó (hình như có tí gì đó ngẫu nhiên, lạ kỳ?). Để rồi những đưa đẩy đó đã lái cuộc đời tôi đến một trạng thái khác, đôi khi làm tôi ngỡ ngàng.

Đúng như vậy, tôi đã bước vào nghề bán báo dạo trong một cơ duyên khá đặc biệt, cũng từ đó tôi đã có rất nhiều thay đổi trong cuộc sống.

Hôm đó, một buổi chiều nắng nóng, tôi đang hứng nước tại vòi nước công cộng, thình lình có một thanh niên hơi lớn tuổi hơn tôi, dựng chiếc xe đạp vào lề đường rồi tiến đến gần tôi, anh hỏi:

-Tao nóng và mệt quá, mày có thể cho tao tí nước rửa mặt cho mát được không?

Tôi đưa mắt nhìn anh ta, khuôn mặt nhem nhuốc đầy mồ hôi và bụi đường. Tôi vui vẻ cầm chiếc lon không đưa cho anh ta:

- Thoải mái đi, mày múc nước mà rửa mặt, nếu thích thì gội đầu cho mát mẻ.

Nói xong, tôi bê cái thùng nước vừa đầy một nửa vào lề đường cho anh ta. Anh ta nói vài câu cám ơn tôi, rồi chẳng ngại ngần múc nước rửa mặt, gội đầu. Sau khi xong với vẻ thoải mái, anh ta mang chiếc thùng không trả lại tôi, gật đầu ra vẻ rất sảng khoái:

- Đã thật, cám ơn mày nhé!

Chẳng để tôi trả lời anh ta nói tiếp:

- Mày hứng nước máy về nấu ăn hả?

Thế là tôi và anh ta nói chuyện, tôi cho anh ta biết hằng ngày tôi vẫn ra đây xách nước máy về bán cho hàng xóm dùng vào việc nấu ăn để lấy tiền giúp đỡ gia đình. Mỗi ngày với công việc này, tôi đã mất gần hết buổi chiều với khoảng 4 hay 5 chuyến, tiền kiếm được cũng chỉ khoảng 6-7 đồng. Anh ta nhìn tôi ra vẻ tội nghiệp và nói:

- Từ chỗ này đến khu nhà mày cũng khoảng một cây số, phải è lưng ra xách mỗi lần 20 lít, mỗi ngày mày phải mất 3, 4 tiếng đồng hồ với công việc nặng như vậy mà chỉ được 6 hay 7 đồng thì khổ quá!

Ngần ngừ tí chút anh ta nói tiếp:

- Nếu mày muốn, tao sẽ chỉ dẫn cho mày đi bán và bỏ báo dạo như tao, mất khoảng thời gian hơn một tí, nhưng ít nhất mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 20 đến 25 đồng. Đó mới chỉ là lúc khởi đầu, sau đó quen thuộc mà kiếm được mối cho thuê báo hay bỏ báo tháng, kèm theo việc bán rong thì còn nhiều hơn nữa, đã thế công việc nhẹ nhàng, nhàn nhã hơn rất nhiều.

Nghe anh ta nói xong, tôi mới chú ý đến chiếc cặp đựng báo treo vào khung chiếc xe đạp của anh ta. Đến lúc đó tôi mới biết Định là người bán báo dạo. Rồi Định kể cho tôi nghe rất kỹ lưỡng, từng chi tiết của công việc bán báo dạo mà Định đã có 5, 6 năm kinh nghiệm. Định cũng chẳng giấu giếm cho tôi biết mức thu nhập hằng tháng của mình, đã làm tôi ngẩn ngơ vì nó quá nhiều, ra khỏi sự tưởng tượng của tôi. Cuối cùng Định nói nếu tôi thích thú, muốn bước vào nghề, Định sẽ tận tình chỉ dẫn những khôn ngoan của công việc và nhất là giới thiệu tôi với những người bạn cùng trong nghề để không có những rắc rối vì tranh giành trong việc bán và bỏ báo.

Thế là ngay ngày hôm sau, vào lúc khoảng 3 giờ chiều tôi đã đến chỗ hẹn với Định tại trung tâm Sàigòn, theo Định đến từng tòa soạn để xem Định mua báo mới, đổi báo cũ v.v... Định chỉ dẫn rất tận tình cho tôi biết những thủ tục cần thiết cũng như những mánh lới liên hệ với bạn cùng nhóm giúp nhau để giảm thiểu hay không bị thiệt hại nhiều khi đổi số báo cũ còn thừa lấy báo mới theo qui định của toà báo v.v...

Tôi đã dành hẳn 2 ngày đạp xe theo Định đến các bùng binh đông xe cộ vào giờ tan sở để xem Định và các bạn khác bán báo. Định cũng không quên chỉ dẫn cho tôi cách thức phân chia khu vực để mời chào khách, tránh xảy ra tình trạng giẫm chân lên nhau sinh mâu thuẫn giữa các bạn đồng nghiệp. Định giới thiệu tôi với nhóm bạn, yêu cầu họ giúp đỡ tôi nếu cần thiết. Không những thế còn dẫn tôi đến các khu vực đông dân cư trong thành phố, nơi có nhiều cư dân hay những nơi có nhiều hãng xưởng, văn phòng vào giờ nghỉ trưa để bán số báo còn lại mà chiều tối hôm trước chưa bán hết.

Tóm lại với 2 ngày lẽo đẽo theo Định, tôi đã hiểu rất tường tận công việc cũng như quen biết vài ba người bạn khác trong nghề.

Ngày thứ ba, với sự tự tin tràn đầy trong lòng, tôi đã bước vào ngày đầu tiên. Công việc khá trôi chảy với kết quả ra ngoài mong đợi. Với khoảng 5 tiếng đồng hồ kể cả việc đến từng toà soạn mua báo, đạp vội xe đến các bùng binh rao bán lúc giờ tan sở, rồi vào khoảng 6 giờ chiều khi người đi làm về đã thưa thớt, tôi mới đạp xe đến các vùng đông dân như khu Bàn Cờ, Phú Thọ, Chí Hòa v.v... để rao bán đến khoảng 8 giờ tối thì hết 25 tờ báo. Với kết quả đó không là nhiều so với những người khác, nhưng với tôi ngày đầu tiên như vậy được coi là khá tốt, đã mang cho tôi một món tiền lời hơn 20 đồng, một kết quả không ngờ so với việc xách nước phông-tên thì quá nhiều và nhàn nhã!

Công việc bán báo dạo của tôi càng lúc càng khá hơn, lợi tức gia tăng theo năm tháng nhờ quen biết khách mua báo cũng như tìm được những mối thuê báo và bỏ báo tháng. Cuộc sống của gia đình tôi có phần ổn định hơn xưa. Phẩm chất những bữa ăn hằng ngày trên mâm cơm gia đình đã khá hơn, dĩ nhiên chưa thể nói đến chữ dư thừa. Tôi và lũ em vẫn thường phải nhịn đói buổi sáng đến trường. Điều mà tôi, có lẽ cả mẹ tôi cũng nhìn thấy, đó là việc học hành của tôi đã bị lơ là, xuống dốc quá nhanh. Tôi không chăm chỉ học hành như xưa nữa. Những bảng thành tích học hành của tôi vào mỗi tháng rất u buồn, nhưng biết sao khi mỗi ngày tôi phải quần quật với việc bán báo và trở về nhà luôn sau 8 giờ tối với thân xác mệt nhoài? Tôi giấu nhẹm kết quả học tập không cho mẹ tôi biết, mẹ tôi cũng chẳng hỏi đến nhưng tôi đoán bà không ngớ ngẩn đến nỗi không biết, nhưng bà không muốn nói ra mà thôi. Mỗi buổi tối, khi tôi bán báo xong, trở về nhà, mẹ tôi im lặng nhìn tôi với ánh mắt rất buồn, bà pha ly nước chanh đường cho tôi rồi chuẩn bị cho tôi bữa ăn tối. Lúc tôi ăn cơm, mẹ thường ngồi bên cạnh im lặng nhìn với vẻ không vui. Tôi biết, tôi hiểu ý nghĩa ánh mắt của mẹ, nhưng làm gì hơn là im lặng?!

Tôi đã bước vào nghề bán báo như vậy được khoảng gần 2 năm thì bố tôi được trở lại Sàigòn, nhưng vì việc bán báo đã quen thuộc và nhất là thu hoạch cũng rất khá trong khi 6 đứa em của tôi càng lớn càng có nhiều nhu cầu hơn. Bố tôi cũng vừa trở lại nên việc sinh hoạt nhất là vấn đề tài chánh dù đã có tí chút loé sáng nhưng vẫn chưa vào nề nếp, cuộc sống của gia đình vẫn chưa bình thường, nên tôi vẫn tiếp tục việc bán báo trong lo buồn của bố mẹ. Nhưng cũng chỉ được khoảng 6 tháng, một sự việc đau thương xảy ra cho Định, người bạn thân thiết và cũng là người đã giúp đỡ tôi vào nghề bán báo. Định bị giết chết tại khu nhà ga xe lửa, cống Bà Xếp, xác Định bị bỏ xuống con rạch cạnh nhà ga, nguyên nhân chỉ vì món tiền mà Định vừa thu được từ những người mua báo tháng. Với vụ án mạng kinh hoàng đó, bố mẹ tôi đã quyết định bắt tôi phải bỏ việc bán báo để trở lại với việc học hành. Đó là vào khoảng giữa năm đệ ngũ khi tôi vừa bước sang tuổi 15.

2. Vài cảm xúc, những ước mơ của thời bán báo dạo

Có lẽ một cảm xúc mà bất cứ người bán báo dạo như tôi đều phải có trong công việc sinh nhai, đó là cảm giác cô đơn, buồn tủi và dĩ nhiên cũng có đôi lúc đựng đầy những ước mơ, tưởng tượng đẹp đẽ. Tôi vẫn nghĩ, người nào vì hoàn cảnh mà phải bước vào công việc bán báo dạo như tôi mới chảy nước mắt hay im lặng, thẩn thờ cảm thông khi đọc truyện ngắn viết về cô bé bán diêm đã chết với nụ cười sung sướng ở một góc phố dưới trời tuyết rơi lạnh lẽo, bởi vì cô bé đã đốt những cây diêm sưởi ấm cho chính mình thay vì đem đi bán kiếm tiền. Một câu chuyện rất buồn nhưng rất thật với những đứa trẻ vì cuộc sống mà phải cực nhọc mang niềm vui cho kẻ khác. Cũng vậy, khi xem cuốn phim Người Phu Xe của Nhật Bản, ở đoạn kết tài tử Shintaro Katsu trong vai người phu xe cũng chết vì lạnh lẽo trong căn nhà nghèo nàn, tuyết phủ. Anh ta để lại bức thư tỏ tình cùng với món tiền nho nhỏ đã dành dụm nhờ lao lực trong công việc kéo xe, tặng bà quả phụ của một thiếu tá trong quân đội Nhật Hoàng, người mà anh ta thầm kín yêu thương. Hai câu truyện khác tí chút với nghề bán báo của tôi nhưng nếu nhìn rất kỹ sẽ thấy nó vẫn có những điểm tương đồng. Đúng thế, tôi cũng đã bao lần thẩn thờ buồn bã vì những ước mơ, những ước mơ rất nhỏ mà những đứa trẻ cùng lứa tuổi của tôi quá dễ dàng sở hữu, còn đối với tôi thì chỉ là những điều mông lung không có thật.

Với nghề bán báo dạo như tôi, dù chỉ với thời gian ngắn ngủi hơn 2 năm nhưng tôi đã có biết bao lần phải cúi đầu, gò mình đạp xe, miệng rao bán báo… nhưng trong lòng mình chất đầy những ước mơ và tưởng tượng. Viết ra đây vài ba cảm xúc coi như hoài niệm về cái khoảng thời gian cơ cực của mình và cũng để nhắc nhở chính tôi hãy nhớ rằng bên cạnh sự ấm cúng, hạnh phúc của mình vẫn còn rất nhiều những ước mơ dù rất nhỏ của người khác.

Ngày đó, có đôi lần vì cảm thấy mình thiệt thòi quá tôi tự hỏi, những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi như tôi hằng ngày được ngủ trong nệm ấm, chăn êm hay ngồi quanh chiếc bàn với những món ăn nóng hổi, thơm ngon… chúng có bao giờ hiểu được tâm trạng buồn bã, hoặc những mơ ước của tôi, thằng bé bán báo dạo cũng ở tuổi như chúng, đang gò mình đạp xe dưới trời mưa như trút nước, trong bụng trống không, cồn cào vì đói không? Những đứa bé trong chăn êm, nệm ấm đó có khi nào chúng hình dung ra cảnh thằng bé bán báo với đầu tóc, thân thể, quần áo ướt sũng vì mưa, nhưng vẫn phải giữ làm sao cho cái cặp đựng báo không thấm ướt để những tờ báo vẫn khô trong mưa gió bão bùng không? Cũng rất nhiều lần thằng bé bán báo đến trước cánh cổng của một gia đình mua báo tháng, một bà mẹ hay đôi khi cô bé gái xinh xinh ra mở cửa nhận tờ báo. Thằng bé bán báo đưa mắt nhìn vào căn phòng ăn ấm cúng, trên bàn những món ăn bốc khói thơm tho… Nó cố tìm cách đứng lại lâu hơn một tí để nhìn vào mâm cơm như cố thu nhận hình ảnh của những món ăn bốc khói. Nó há miệng, phồng mũi cố hít lấy những mùi thơm của món ăn mà tưởng rằng mình đang thưởng thức?! Dù nó biết rằng đó cũng chỉ là ước mơ và ảo ảnh. Đúng như vậy, tất cả là những ước mơ, tưởng tượng đó hòa trộn trong thực tế vẫn thường đến với tôi trong thời gian bán báo, lúc tôi ở tuổi 14, 15.

Nhưng cũng phải nói rất thật, trong thời gian bán báo, không phải tôi chỉ toàn gặp gỡ hay nhìn thấy những hiện tượng trong ước mơ và tưởng tượng. Đôi lần tôi cũng có được những niềm vui rất thật, hoàn toàn thật không phải là niềm vui trong tưởng tượng. Chẳng hạn như một lần khi tôi gõ vào cánh cổng của một căn nhà mua báo tháng, một phụ nữ khoảng tuổi mẹ tôi ra mở cửa lấy báo. Bà chợt thấy trên ngực áo của tôi có thêu tấm etiket nho nhỏ “Trường trung học Chu Văn An” in chữ đỏ. Với tí chút ngạc nhiên, bà nhìn tôi và hỏi:

- Cháu là học sinh của trường Chu văn An sao?

Dĩ nhiên tôi trả lời là đúng, tiếp theo là những lời hỏi han rất thân tình, có chút cảm phục của bà dành cho tôi. Rồi bà kể cho tôi nghe đứa con trai lớn của bà đã mấy lần thi tuyển vào Chu Văn An nhưng đều không thành công. Bà hỏi rất nhiều về hoàn cảnh sống của gia đình tôi cũng như sự học hành của tôi. Dĩ nhiên tôi nói tất cả và rất thật và cũng không quên cho bà biết tôi học rất kém trong lớp, xếp hạng gần như đội sổ… Nhưng bà cũng không vì lời nói thật của tôi mà coi thường, ngược lại bà còn khen tôi chân thật. Bà an ủi tôi vì đó là lẽ đương nhiên khi tôi phải cực nhọc với sinh nhai thì làm sao mà không yếu kém học hành được. Rồi ngày hôm sau cũng vào khoảng giờ đó, tôi đến bỏ báo, chỉ với tiếng gõ nhẹ. Cô bé gái rất dễ thương, con của bà ra mở cánh cổng với nụ cười rất tươi nhìn tôi, cô bé nói:

- Anh bán báo, chờ mẹ em một tí!

Thế là hôm đó tôi được bà mẹ cho một tầy bánh mì thịt khá to… rồi cũng từ đó thỉnh thỉnh thoảng tôi lại được bà cho các món ăn khác, lúc thì cái bánh bao, khi thì gói xôi thịt… Tất cả đều là những món ăn trong ước mơ rất ngon mệng của tôi trong những ngày tháng kiếm sống đó. Rồi cũng có những ký ức đẹp khác cũng làm cho tôi ngẩn ngơ cảm động, chẳng hạn có người cho thêm tiền báo tháng hay cho tôi những chiếc quần, chiếc áo cũ nhưng vẫn còn tốt mà con của họ thải ra vì không thích hay vì lý do nào đó, chỉ vì họ nhìn thấy chiếc áo hay quần của tôi đang mặc với những miếng vá hai ba lớp bằng tay thô thiển của mẹ tôi.

Đó là một trong vài ba trường hợp đẹp đẽ đã in sâu vào trong ký ức tôi, làm tôi nhớ mãi, không quên những kỷ niệm đẹp trong đời bán báo dạo của tôi. Hôm nay viết ra đây như hoài niệm về một đoản khúc trong bản trường ca của đời tôi với hơn 2 năm bán báo dạo và cũng giúp cho tôi hiểu được rằng quá khứ dù cực nhọc nhưng vẫn có cái gì đó rất đẹp để mình nhớ mãi và thương hoài.

3. Bán báo cho thầy PHONG LỬA, Chu Văn An

Hoài niệm trong thời gian bán báo của tôi không chỉ có mùi vị của những món ăn bay ra từ những nhà hàng ăn mà tôi đi qua hay từ những chiếc bàn chất đầy những món ăn bốc khói thơm ngon của những nhà mua báo tháng mà tôi đã nhìn qua khung cửa sổ của họ… mà còn có những kỷ niệm rất đẹp, rất đáng nhớ, nó nối kết tôi với một vị thầy kính yêu. Thầy Nguyễn văn Phong, người thầy dạy toán cho tất cả 4 lớp của cấp trung học đệ nhất cấp. Lũ học sinh cũng như hầu hết nhân viên, giáo chức của nhà trường đều biết danh hiệu của thầy là Thầy Phong Lửa.

Thầy Phong, vị thầy rất khô khan, nghiêm nghị trong học hành, chỉ với ánh mắt rất lạnh, đôi lông mày hơi chau lại của thầy rà theo từng bước chân của đứa học trò khi bị thầy gọi lên bảng làm bài tập đã quá đủ làm cho học sinh run sợ. Sau đó, chỉ lớ ngớ không hiểu hay chưa kịp hiểu thì đã nhận được ánh mắt chau lại của thấy nhìn “nạn nhân” với một câu rất ngắn ngủi:

- Đi về!

Thế là chẳng có gi khác hơn là 2 con zero rất tròn trịa trong tờ sổ điểm của lớp và cũng chẳng lạ lùng gì khi chỉ cần khoảng 15, 20 phút đã có nhiều chục đứa học trò bị đuổi đi về và lãnh 2 zero. Thầy Phong là thế và cũng vì thế nên cả lũ học trò học với thầy đều sợ hãi và hình như không ai trong chúng tôi mà không gọi tên thầy là thầy PHONG LỬA. Tuy nhiên phải công nhận là thầy dạy toán rất giỏi, tôi dám chắc chắn bất cứ ai học với thầy chỉ cần ở mức trung bình thì không có chuyện trượt văn bằng trung học đệ nhất cấp.

Cá nhân tôi thì đương nhiên là nạn nhân thường trực của thầy bởi vì tôi quá dốt, nhất là trong năm đệ lục và đệ ngũ, việc học của tôi ở mức rất u buồn! Hình ảnh tôi run sợ lo lắng khi bị thầy gọi lên bảng làm bài tập gần như chẳng có gì thay đổi. Những phương trình toán học còn chỗ đâu mà len lỏi được vào những khoảng trống rất nhỏ trong trí nhớ của tôi, khi hằng ngày tôi vẫn phải lê lết trên đường phố với chiếc cặp da không đựng sách vở mà là những tờ báo giúp tôi kiếm sống, sinh nhai?! Tuy nhiên, người bạn may mắn đã không quá bạc đãi tôi, để rồi từ khoảng giữa năm đệ ngũ tôi đã rời bỏ nghề bán báo, trở lại với học đường của một đứa học sinh đúng nghĩa. Tôi đã qua văn bằng trung học rồi tú tài 1, tú tài 2 một cách đầy tự tin. Rồi cũng từ đó tôi tiến bước xa hơn để tìm cho mình một sự thoải mái trong sinh nhai và tặng cho mẹ cha một niềm vui.

Bài viết này sẽ bị khiếm khuyết, không trọn vẹn nếu tôi không kéo trí nhớ của mình về một hoài niệm rất đáng nhớ mà trong thời bán báo của tôi với thầy Phong Lửa, người thầy mà tôi mãi mãi kính yêu.

***

Hôm đó, khi tôi đang học lớp đệ ngũ, vào khoảng trời hơi xâm xẩm tối, tôi đạp xe chầm chậm tại một con hẻm khá rộng trong khu Bàn Cờ để bán báo, miệng rao:

- Báo mới ngày mai đây, báo đây!

Thình lình tôi nghe tiếng gọi từ phía sau:

-Báo, báo!

Dừng xe, khi quay lại thì tôi và cả người mua báo đều ngẩn ngơ, người gọi mua báo là thầy Phong Lửa. Thầy và tôi nhìn thấy nhau trong ngỡ ngàng, tôi vội vàng chào thầy:

- Con chào thầy ạ!

Thầy nhìn tôi, nhưng vẫn chưa hết vẻ bàng hoàng trong ánh mắt, thầy nói nhẹ:

- Em phải bán báo ư?

- Vâng ạ, thưa thầy mua báo gì ạ?

Thầy vẫn còn vẻ ngẩn ngơ nhìn tôi và nói nhẹ:

- Bán cho thầy tờ Ngôn Luận.

Tôi đưa báo cho thầy, nhưng hình như thầy vẫn chưa hết vẻ thẩn thờ dù đã cầm lấy tờ báo từ tay tôi. Thầy nhìn tôi với ánh mắt buồn buồn rồi hỏi nhẹ:

- Em bán báo lâu chưa? Rồi học hành ra sao?

- Thưa thầy con mới bán được khoảng hơn 1 năm nay, việc học hành thì vẫn bình thường vì con chỉ bán vào buổi chiều tối mà thôi.

Rồi thầy hỏi tôi vài câu nữa liên quan đến gia đình, bố mẹ tôi, tôi cũng chỉ cho thầy biết rất thoáng qua mà thôi. Hình như nhìn thấy sự ngại ngần của tôi, thầy im lặng một lúc rồi nói bâng quơ:

- Tội nghiệp em quá!

Nói xong, thầy móc túi lấy ra tờ giấy 10 đồng, đưa tận tay tôi. Tôi móc túi lấy ra 8 đồng trả lại tiền thừa cho thầy, nhưng thầy gạt tay tôi và nói:

- Thôi khỏi “thối”, thầy tặng em đó!

Sau mấy lần đưa đẩy, nhất định thầy không nhận, cuối cùng tôi không làm sao hơn được đành phải chào thầy, tiếp tục đạp xe đi bán. Từ lần gặp mặt mua, bán báo đó của tôi và thầy, hình như tôi ít bị thầy gọi lên bảng làm bài tập hơn thì phải, nếu bị gọi lên tôi thường được thầy gà cho tí chút khi nhìn thấy tôi chưa nhìn ra thể mẫu của bài toán. Thí dụ thầy nói nhẹ: “Có nhìn thấy dạng (a + b ) bình phương không?” v.v... đại khái là thế.

Rồi thời gian qua mau, tôi học với thầy tiếp theo trong lớp đệ tứ và đệ tam (theo tôi biết thì dù thầy là thầy giáo ban trung học đệ nhất cấp nhưng chương trình toán của lớp đệ tam là ôn lại toán của 4 lớp ban trung học đệ nhất cấp nên thầy được chỉ định dạy tiếp). Vào khoảng giữa năm đệ ngũ tôi đã bỏ công việc bán báo dạo, việc học của tôi tiến triển dần dần, tôi bước qua cấp trung học phổ thông, rồi đại học. Thời gian, sự may mắn và cả số phận đã chuyển đưa tôi đến Thuỵ Sĩ sống và làm việc.

Một lần, vào khoảng năm 1983, khi tôi sang Madagasca, một quốc gia biển đảo tại Nam Phi Châu công tác, trong một lần tôi đã đi máy bay sang thăm đảo Réunion thuộc Pháp. Tôi muốn được đặt chân, nhìn tận mắt một địa danh mà tôi biết đến nhờ những bài học lịch sử. Nơi mà thực dân Pháp đã lưu đày 2 vị vua yêu nước và cũng là cha con, đó là vua cha Thành Thái và vua con Duy Tân. Đến đó tôi lang thang khắp thành phố Saint Denis, thủ phủ của đảo Réunion, một thành phố nhỏ nhưng rất đẹp, nơi đó vua Thành Thái và gia đình đã sống rất cực nhọc vì nghèo khổ.

Trong khoảng 4 ngày tại đó, tôi đã 2 lần ra ngân hàng BNP (Banque Natioanl de Paris) để đổi tiền nhưng tôi hoàn toàn không chú ý đến nhân viên của ngân hàng. Cho đến khi vào khoảng năm 1990 khi tôi liên lạc được Thầy Phong, lúc thầy đã rời đảo về hưu, sống tại Nice, một thành phố xinh đẹp, du lịch tại miền Nam pháp, sát cạnh Monaco và Italy. Qua nói chuyện, mới biết là thời gian tôi sang Réunion du lịch cũng là lúc thầy còn đang làm việc tại ngân hàng đó, thầy ngồi rất gần cửa ra vào! Đúng là thầy trò rất gần nhau nhưng vì không chú ý nên không biết để nhận ra nhau!

Sau này khi thầy sống tại Nice, tôi và thầy vẫn thường liên lạc với nhau qua điện thoại, tâm tình về đủ mọi chuyện rất thân thương. Một điều làm tôi rất vui và nhớ mãi, mỗi khi tôi điện thoại sang nói chyện với thầy, hầu như tất cả đều do cô bắt máy, khi nghe thấy giọng nói của tôi là cô cất tiếng gọi thầy rất to:

-Ông Phong Lửa ơi, thằng học trò của ông ở Thuỵ Sĩ muốn điện thoại nói chuyện với ông đây này! (Nếu tôi không lầm thì vợ thầy cũng là cô giáo dạy tại Trưng Vương.)

Một sự thân thiết rất tự nhiên pha tí chút hài hước đã làm tôi nhớ mãi và càng mang lòng kính mến thầy hơn. Mối liên lạc của tôi và gia đình thầy kéo dài nhiều năm trong thân tình, cởi mở cho đến khoảng năm 2001 hay 2002, tôi đã không liên lạc với thầy thường xuyên như trước vì phải đi công tác xa, lại dính kết với lần đi Nhật Bản và Việt Nam. Cho đến một lần tôi điện thoại sang thăm thầy thì trung tâm cho biết số điện thoại đó không còn hiện hữu! Thế là từ đó tôi và thầy mất liên lạc. Tôi nghĩ gia đình thầy chắc có chuyện không may vì lúc liên lạc với tôi thầy đã ở tuổi trên 85 rồi. Dù thế nào tôi cũng cầu mong thầy, cô vẫn còn hiện diện trên thế gian để một kỳ tích nào đó tôi lại được gặp hay nói chuyện với thầy. (Nếu tính ra thời gian hiện tại, có lẽ thầy đã khoảng trên 100 tuổi!)

4. Lời kết

Ngày nay khi thời gian đã qua, ngoái đầu nhìn lại quá khứ của mình ngày đó, có lẽ cũng nhờ may mắn, nhờ định số đẩy đưa tôi ra khỏi vũng lầy của đời tôi thời điểm đó, thời điểm rất tối tăm của đời tôi mà có lúc vì quá chán chường tôi đã nghĩ đến bỏ ngang việc học hành để tìm một con đường khác rộng rãi hợp với bản chất hùng hổ, thích lang thang của tôi hơn. Nếu như vậy chắc chắn đời tôi ngày nay đã bị lái theo một hướng khác! Có thể tôi đã là một tên du đãng trong xã hội, sống nhờ những hoạt động đâm thuê chém mướn của Việt Nam đang lúc ngùn ngụt máu lửa chiến tranh.

Nhưng cũng có thể với văn bằng tiểu học, đến tuổi đi lính tôi sẽ đầu quân vào một binh chủng dữ dằn nào đó như nhảy dù, Thủy quân lục chiến hay Biệt kích v.v... mà mộng tưởng dáng vẻ anh hùng như người ta thường mô tả trong âm nhạc, văn chương. Nhưng có lẽ cũng chỉ được vài ba năm, mộng vàng tan rã, hình tượng anh hùng trong sách báo, thơ văn chỉ là chuyện tìm vui trong mộng ảo. Khi đó có lẽ tôi lại tìm cách cởi bỏ chiến y dưới một dạng nào đó mà người ta gọi là đào ngũ. Nhưng xã hội làm sao có chỗ cho những kẻ không bình thường và tôi lại trở về với quân ngũ để kết cục cuối đời là phơi thân nơi chiến địa trong một góc rừng rậm nào đó dọc theo dãy Trường Sơn, hay tan thây vì mìn bẫy ở một tỉnh sông nước miền Nam v.v... Tất cả những dạng thức u buồn đó mà rất nhiều bạn bè ấu thơ của tôi trong cái xóm tre đầy tật ách đã đi qua. Họ chỉ đi qua duy nhất có một lần bởi vì không ai được chết hay sống lần thứ 2! Nhưng may mắn thay, tôi đã không bỏ ngang việc học nhờ đó mà thoát được cái định mệnh đau thương để rồi ngày nay tôi vẫn hiện diện trên cõi đời, sống trong không gian thanh bình, tuyệt vời của Thuỵ Sĩ mà viết ra một đoản khúc hoài niệm của đời mình, may mắn lắm thay!

Lưu An, Vũ Ngọc Ruẩn
(Switzerland, Zuerich, January, 2021)


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1411 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 54.226.25.246 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (128 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...