Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Người vấp ngã mà không cố đứng lên thì chỉ có thể chờ đợi một kết quả duy nhất là bị giẫm đạp.Sưu tầm
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Thành công có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời so với những gì cuộc đời mang đến cho bạn. (To do more for the world than the world does for you, that is success. )Henry Ford

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Vai trò của Tánh Không trong phương thức trị liệu hý luận »»

Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn
»» Vai trò của Tánh Không trong phương thức trị liệu hý luận

Donate

(Lượt xem: 6.914)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Vai trò của Tánh Không trong phương thức trị liệu hý luận

Font chữ:

Trong cuộc sống thường nhật của con người, ngôn ngữ đóng vai trò vô cùng trọng yếu. Không có ngôn ngữ con người không thể diễn đạt được bất cứ điều gì, từ những cảm quan thường nghiệm đến những tư duy siêu việt.

Nhưng cũng chính từ ngôn ngữ, con người biết sử dụng trò chơi duy lý dẫn đến những biện giải có tích cách thuần lý hoặc chỉ đưa đẩy con người vào mê lộ của tư tưởng đảo điên. Tự buổi ban sơ, ngôn ngữ là phương tiện truyền thông thực tại trung thực nhất. Rồi lần hồi, con người biến ngôn ngữ thành công cụ đáp ứng những thao tác buông lung của ý thức vọng niệm quay cuồng. Bấy giờ, ngôn ngữ không đơn thuần là biểu thị của thực tại mà trở thành đầu mối cho mọi hành tác vọng động của thức tâm.

Từ đó, vọng niệm và ngôn ngữ như một cặp nhân duyên tương ứng, tương hệ. Từ vọng niệm lưu lộ qua ngôn ngữ. Từ ngôn ngữ mở lối cho vọng niệm phát sinh. Cái thế tương quan, tương duyên này giữa vọng niệm và ngôn ngữ đã đặt thân phận chúng sanh vào trận đồ vô minh và triền phược không biết khởi thủy từ lúc nào.

Vì vọng niệm và ngôn ngữ quyện vào nhau biến thành đám mây mờ che khuất chân tâm, cho nên con người đã rơi vào thế trận nhị nguyên, đa nguyên, nhất nguyên của tư tưởng và ngôn ngữ mà không có lối thoát. Trong mê lộ này, con người dựng lập các triết thuyết theo quan kiến chủ quan và cục bộ rồi bám chặt vào đó, xem như là những chân lý tối hậu. Nào là chủ trương các pháp tự nhiên sinh không do bất cứ tác nhân và trợ duyên nào. Nào là lập thuyết vạn hữu do một đấng thần linh hay thượng đế toàn năng toàn quyền tác tạo, mà đấng siêu nhiên này thì vượt ra ngoài tất cả mọi tương quan tương đối, là vĩnh hằng bất diệt. Nào là quan điểm cho rằng vạn pháp thường hằng bất biến không lệ thuộc vào bất cứ quy luật biến thiên nào cả. Nào là chủ trương vạn vật sau khi chết rồi thì đoạn diệt vĩnh viễn không còn tái sanh. Có chỗ thì cho rằng tổng thể của ngũ uẩn là giả danh nhưng cá biệt từng uẩn là thật thể thường trụ. Có nơi thì quan niệm rằng các pháp là biểu tượng hiện hành của thức tâm và ngoài thức tâm ra không có gì khác.

Dựa vào vô số những luận thuyết, những quan kiến đó, con người suy diễn ra chân thân của thực tại theo vị thế nhận thức mà mình đang đứng. Thực tại, vì vậy, là cái này mà không là cái kia. Chân lý, vì thế, chỉ là chân lý của người này, nhóm này, chủ thuyết này mà không là chân lý của người kia, nhóm kia, chủ thuyết kia. Ngôn ngữ bấy giờ không đứng ở vị thế là chức năng thông truyền chân lý mà là hiện thân bất động tỉnh chết của thực tại, vì chân thân sinh động của thực tại đã bị khái niệm hóa, phạm trù hóa trong ngôn ngữ. Chính vì lý do này, con người chỉ cần nghe nói đến hai chữ “thực tại” hay “chân lý” là có thể hình dung ra cái thực tại hay chân lý như thế nào đó theo ý thức vọng niệm của riêng mình. Nhưng thực ra đó không là thực tại, không là chân lý, mà là sản phẩm của thức tâm điên đảo, là con đẻ của đôi phối ngẫu vọng niệm và ngôn ngữ. Làm sao những khái niệm ấy có thể là thực tại hay chân lý trong khi chính khái niệm và ngôn ngữ tự nó biến thiên sinh diệt không ngừng, tự nó chỉ là giả danh? Khái niệm nào là chân lý? Là khái niệm của sát-na trước hay của sát-na sau? Khái niệm của sát-na trước đã diệt rồi và khái niệm của sát-na sau thì chưa đến. Là khái niệm của sát-na hiện tiền? Khái niệm của sát-na hiện tiền thực ra không là khái niệm vì nó trôi chảy liên tục không ngừng, lấy đâu mà bám víu để hình tượng khái niệm?

Tất cả chỉ là hý luận, là trò đùa của luận thuyết tư tưởng. Bám víu vào đó chỉ dẫn dắt con người đến mê lộ của vô minh và triền phược mà không là giác ngộ giải thoát chân thật. Tai hại này thật khôn lường! Tất cả những danh ngôn ước lệ đã trở thành thực tại tuyệt đối. Con người không bận tâm khai phát chân lý bị vùi dập sâu dưới bản thể của vạn hữu mà chỉ nỗ lực săn đuổi theo quán lệ của vọng niệm và ngôn ngữ ứ đọng ở lớp vỏ bề ngoài. Nhưng càng đi càng không thấy bến bờ, vì ý thức vọng niệm là dòng thác lũ không bao giờ dừng lại. Ý niệm sau xô đẩy ý niệm trước, tạo thành những chuỗi xích ý niệm chập chùng. Bằng vào ý thức phân biệt vọng chấp, con người nỗ lực đào bới trong ngôn ngữ nội dung của thực tại, có khi thậm chí còn biện biệt ngôn từ đến mức như sợi tóc chẻ làm tư. Trận đồ của ngôn ngữ như vậy đã đạt đến tình trạng như tơ tằm rối rắm, càng vùng vẫy càng bị buộc trói nhiều hơn.

Hý luận giờ đây đã là chướng ngại lớn lao nhất đối với người tìm cầu giác ngộ. Làm thế nào con người có thể đoạn diệt hý luận để chứng ngộ thực tại? Tánh Không và toàn bộ tư tưởng Bát-nhã đều tập chú vào việc giải quyết vấn nạn thiên nan vạn nan này.

Hãy bình tâm mà liễu giải lại tất cả nguồn cội của vấn đề, may ra có thể nhìn thấy được đâu là đầu mối cần phải tháo gỡ. Vấn đề không là ngôn ngữ, vì ngôn ngữ chỉ là hoạt dụng tự nhiên của nguồn tâm. Vấn đề cũng không nằm ở nguồn tâm, vì nguồn tâm vốn không động không tịnh. Vấn đề là ở chỗ vọng niệm, vì từ vọng niệm đẩy ngôn ngữ thành trò chơi hý luận, từ hý luận trở lại làm nhân duyên cho vọng niệm tồn tục. Vậy phương thức trị liệu là gì? Phải chăng con người chấm dứt mọi hoạt dụng của ngôn ngữ, ngày đêm câm lặng không mở lời nào thì có thể tận diệt được hý luận và ngộ chứng thực tại tức khắc? Không, tuyệt đối không! Bởi lẽ sự câm lặng của lời nói không bảo chứng được sự vắng mặt thật sự của ngôn ngữ, hơn nữa nó cũng không có nghĩa là sự câm lặng thật sự của vọng tâm thác loạn không ngừng. Vậy phải chăng con người cần chặt đứt dòng thác lũ vọng niệm để trả bản tâm về lại thể viên minh? Phải! Nhưng bằng cách nào? Bằng cách ngồi im như gỗ đá để cố gắng diệt trừ từng ý niệm khởi sanh? Không, vì làm như vậy thì có khác gì là gỗ đá?

Như trước đã nói, ngôn ngữ hiện đang là phương tiện kiến hiệu của trò chơi hý luận, ngôn ngữ tự chân thân cũng là biểu thị của thực tại. Vậy hãy bắt tay vào chính ngôn ngữ để thực hiện phương thức trị liệu hý luận này. Tại sao phải là ngôn ngữ? Bởi vì, hý luận đã dựa vào ngôn ngữ như là phương tiện trọng yếu thì phương thức trị liệu hý luận không thể không nhắm vào ngôn ngữ. Hý luận thực hiện trò chơi của nó y cứ trên nền tảng nhận thức rằng ngôn ngữ, và rộng hơn là tất cả các pháp, đều là thật hữu hay là thật không xét như là một thực thể. Nếu không thừa nhận nguyên tắc này, trò chơi hý luận không thể thực hiện được. Tại sao? Vì con người trước hết phải tin chắc rằng ngôn ngữ hay các pháp hoàn toàn là thực thể, rồi họ mới có thể đặt niềm tin vào những gì mà ngôn ngữ diễn bày.

Vấn đề là ở đây. Con người bị lừa gạt một cách tinh vi bởi trò chơi hý luận, chấp giả làm thật, lấy không làm có. Trong trò chơi hý luận, con người bị đánh lừa để ngộ nhận rằng thực tại là cái này hay là cái kia, là sinh hay diệt, là thường hay đoạn, là đồng nhất hay dị biệt, là đến hay đi. Nhưng thực ra, khi con người chưa thể nhập thực tại, chưa giác ngộ chân tâm thì làm sao biết được nó là cái gì? Cho nên, mọi ước định về thực tại khi chưa giác ngộ đều là ảo tưởng, là hý luận. Muốn tháo gỡ cái gút mắc này thì cần phải mở nó ra từ chính trong ngôn ngữ. Nhưng hãy coi chừng, vì ngôn ngữ đang là công cụ của hý luận, nếu không khéo con người chỉ chuốc lấy tai họa vào thân giống như người chơi lửa có thể sẽ bị lửa đốt thân. Cái khó khăn tột bực của phương thức trị liệu hý luận là ở chỗ này. Dùng ngôn ngữ mà không để nó trở thành công cụ của hý luận. Đây là chức năng ưu việt bậc nhất của Tánh Không Bát-nhã.

Chính trong ý nghĩa đó, Tánh Không thận trọng tối đa và đã không để một kẽ hở nào cho hý luận có cơ may đột nhập. Hễ đi qua thì tức khắc bôi xóa dấu vết, như chim nhạn không lưu bóng giữa hư không, như lằn dao rạch xuống nước lấy lên là không còn vết tích nào. Sử dụng ngôn ngữ, nhưng là thứ ngôn ngữ có công năng tẩy trừ mọi vướng mắc của tâm thức vọng niệm có thể bám víu. Dưới lằn kiếm của Tánh Không thì không một ý niệm thiên chấp nào, không một mầm móng khởi sinh hý luận nào mà không bị chặt đứt tận gốc. Xin hãy nghe Bồ Tát Long Thọ dạy trong Trung Quán Luận, phẩm Quán Nhân Duyên thứ nhất của Ngài:

“Bất sanh diệc bất diệt
Bất thường diệc bất đoạn
Bất nhất diệc bất dị
Bất lai diệc bất khứ
Năng thuyết thị nhân duyên
Thiện diệt chư hý luận.”

(Không sanh khởi cũng không diệt mất
Không thường hằng cũng không đoạn tuyệt
Không đồng nhất cũng không dị biệt
Không tụ đến cũng không ra đi
Có thể diễn nói pháp nhân duyên như vậy
Để diệt trừ một cách rốt ráo các hý luận.)

Khi thấy các pháp có sanh diệt, thường đoạn, nhất dị, lai khứ là vì khẳng quyết rằng các pháp có thực thể, rằng các pháp thực hữu. Nhưng các pháp từ một ý niệm vi tế đến sơn hà đại địa đều không có thực thể, không thực hữu. Vì sao? Vì các pháp do duyên khởi. Do duyên hay điều kiện tụ họp mà một pháp được hình thành, như cái bàn nhờ các duyên là gỗ, đinh, thợ mộc, bào, đục. v.v... tụ họp lại mà có. Nếu trả tất cả các duyên ấy về lại bản vị của chúng thì cái bàn không còn hiện hữu. Như thế, cái bàn ngay trong lúc đang hiện hữu ở đó đã là một tập hợp giả tạm của các duyên rồi và tất nhiên không thực có tự thể như là thực thể. Rồi từng duyên của cái bàn đó như cái đinh chẳng hạn, cũng là một tập hợp giả tạm của nhiều duyên khác như nhân công, kim loại, nhà máy. v.v... mà hiện hữu, tự nó không có thực thể, nó là giả hợp, là không. Quán chiếu như vậy cho đến khắp cùng vũ trụ pháp giới không có gì ra ngoài ý nghĩa của duyên khởi, và do đó, không có gì không là giả danh, là không tự thể, là không. Không có tự thể tức là không thực thể, không thực thể tức là không hiện hữu như một pháp, như vậy làm sao còn nói đến việc sinh hay không sinh. Đã không sinh làm sao có diệt? Không sinh thì không tồn tại, như thế làm sao có thể nói là thường hằng. Không diệt thì làm sao có thể nói là đoạn tuyệt. Pháp không sinh diệt hay thường đoạn, như thế làm sao nói là đồng nhất hay dị biệt. Các pháp đã không sinh tức là không đến và không diệt tức là không đi.

Bốn cặp song quan luận này chính là “Bát bất” (bất sanh - bất diệt, bất thường - bất đoạn, bất nhất - bất dị, bất lai - bất khứ) là phương thức tinh diệu tối thắng của Tánh Không để trị liệu hý luận. Tâm thức hý luận không còn chỗ khởi phát vì Bát bất như thanh kiếm sắc bén chặt phăng tất cả những đầu mối của vọng niệm. Khởi ý niệm sanh đã không được mà ý niệm diệt cũng không xong. Quay đầu về lối ngõ thường đoạn thì cũng bị đốn tận gốc rễ. Trở lui lại nẻo đồng nhất và dị biệt thì đã bị đốt sạch sành sanh. Dự tính vượt qua sông lai-khứ thì chiếc cầu duy nhất cũng bị phá sập tự bao giờ.

Vạn pháp mặc dù không có thực thể, nhưng chính do ở chỗ chúng không thực thể cho nên chúng có thể tụ họp với nhau để làm khởi sinh ra pháp. Giống như một hóa chất khi muốn hòa hợp với hóa chất khác thì tự nó phải hủy thể để cùng với hóa chất kia hình thành nên hóa chất mới. Nếu các hóa chất cứ giữ nguyên bản chất của mình thì chúng không thể hòa tan vào nhau để sinh khởi một hợp chất mới. Một hóa chất có thể hủy đi bản chất của mình để hòa nhập vào với hóa chất khác là vì tự hóa chất ấy vốn không có tự thể. Đấy chính là ý nghĩa do không có tự tánh nên các pháp mới có thể duyên sanh. Và cũng do chúng duyên sanh nên cho thấy rằng chúng không có tự tánh, chúng là không. Vì vậy trong Trung Quán Luận , phẩm Quán Tứ Đế thứ 24, Bồ Tát Long Thọ đã dạy:

“Dĩ hữu không nghĩa cố
Nhất thiết pháp đắc thành
Nhược vô không nghĩa giả
Nhất thiết pháp bất thành.”

(Do có diệu nghĩa Không cho nên
Tất cả các pháp được sinh thành
Nếu không có diệu nghĩa Không thì
Tất cả các pháp không thể sinh thành được.)

Đến đây con người không thể nói các pháp là có bởi vì chúng vốn không có tự tánh. Con người cũng không thể nói các pháp là không vì chúng do các duyên tụ họp mà sinh thành. Con người lại càng không thể nói các pháp là vừa không có vừa không không, bởi vì không có tức là không, không không tức là có; có và không đã không thể thành lập thì phi hữu phi không làm sao thành lập được? Con người cũng không thể nói các pháp là không phải phi hữu, không phải phi không, bởi vì không phải phi hữu tức là cách nói khác của hữu và không phải phi không tức là cách nói khác của không; nhưng phủ định trong ý nghĩa xác lập một thực thể nào đó đều là cách thế vướng kẹt trong ý niệm giữa có và không; như thế đã rơi vào chiều hướng khẳng quyết các pháp có hoặc không, điều này đã không thể thành lập.

Nói có cũng không được, nói không cũng chẳng nhằm. Khởi niệm, mở miệng đều sai. Tánh Không quả thật đã đẩy ý thức vọng niệm và trò chơi hý luận vào tuyệt lộ! Nhưng có lẽ ngay chính trong tình cảnh không bám víu được vào đâu ấy, thức tâm mới có thể rũ sạch tất cả mọi hệ phược, mọi u khuất, mọi vô minh từ vạn kiếp để một lần rồi vĩnh viễn soi chiếu vào tận cùng bản thể viên minh.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1485 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn


Yếu lược các giai đoạn trên đường tu giác ngộ


Phật giáo và Con người


Học Phật Đúng Pháp

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 44.201.97.138 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách ... ...

Việt Nam (233 lượt xem) - Hoa Kỳ (33 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - ... ...