Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu học Phật pháp »» Giảng giải phẩm Phổ Môn - Bài giảng thứ tư »»

Tu học Phật pháp
»» Giảng giải phẩm Phổ Môn - Bài giảng thứ tư

Donate

(Lượt xem: 2.059)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Giảng giải phẩm Phổ Môn - Bài giảng thứ tư

Font chữ:

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA

PHẨM PHỔ MÔN - BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

Hoa Tạng Đồ Thư Quán, Cảnh Mỹ, [Đài Bắc], Đài Loan

Bài giảng thứ tư - Tháng 12 năm 1983

Số lưu trữ: 08-004-0004  

(Xem trọn quyển sách ở đây.)

Mời quý vị mở [sách Pháp Hoa Kinh Đại Thành, quyển hạ], trang 802. Chúng ta sẽ xem phần giảng giải. Quý vị đếm ngược từ bên trái sang đến hàng thứ năm, câu thứ hai: “Từ chữ Thế Tôn[1] trở đi...” Bây giờ tôi sẽ đọc lên mấy câu từ trong sách:

“Từ chữ Thế Tôn trở đi, thưa hỏi về Bồ Tát Quán Âm, ý muốn nói về việc danh hiệu của ngài vang xa, được tôn kính trong khắp pháp giới, các bậc hiền thánh đều thuận theo. Danh hiệu như thế không phải tự nhiên mà có, phải nhân nơi ý nghĩa mà hiển lộ ra. Cho nên, Bồ Tát Quán Âm sở dĩ được gọi là Quán Âm, nhất định phải có nhân duyên mới có danh xưng như vậy. Có rất nhiều nhân duyên, chỉ lược nói tổng quát, lấy hai căn cơ hiền thiện và xấu ác của chúng sanh làm nhân, trí tuệ linh ứng với tâm từ bi của Bồ Tát làm duyên.”

Những câu này thật hết sức quan trọng, thiết yếu, bất kể là nói ra nhiều ít các loại nhân duyên, tất thảy cũng đều không đi ra ngoài hai nguyên tắc nêu ra trong đó. Chúng ta phải nắm hiểu, ghi nhớ những câu này.

Tiếp theo, phần sau nói:

“Đại Kinh nói: ‘Đầy đủ hai pháp trang nghiêm là bậc có thể hỏi, có thể đáp.’[2] Nay Bồ Tát Vô Tận Ý có đầy đủ hai pháp trang nghiêm là định và tuệ cho nên có thể thưa hỏi, đức Như Lai rốt ráo trọn đủ hai pháp trang nghiêm cho nên có thể giải đáp.”

Những câu vấn đáp như vậy thật là thuộc tầm học vấn rất cao, chẳng phải hạng người tầm thường có thể nêu ra được câu hỏi như vậy, cũng chẳng phải hạng người tầm thường có thể giải đáp được vấn đề như vậy. Huống chi đây là câu hỏi về Bồ Tát Quán Thế Âm, một vị Bồ Tát có nhân địa cực kỳ sâu xa, lòng từ bi rộng lớn, cho nên nếu không phải đức Như Lai thì chắc chắn là không ai khác có thể giải đáp được trọn vẹn vấn đề.

Trong câu này nói đến “Đại kinh”, vậy Đại kinh là chỉ đến kinh nào? Chữ “đại kinh” này không phải chỉ nói đến duy nhất một bộ kinh. Như chúng ta thường nói Đại Kinh là nói đến kinh Hoa Nghiêm, tức Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh. Đây là bộ kinh lớn nhất, quan trọng nhất. Thế nhưng theo tông Thiên Thai thì nói Đại kinh là chỉ kinh Niết-bàn, nên ở đây gọi kinh Đại Bát Niết-bàn là Đại kinh. Kinh Pháp Hoa là kinh điển thực hành chủ yếu của tông Thiên Thai, nhưng ở đây trong bài giảng nói đến Đại kinh đương nhiên là nói đến bộ kinh được tôn trọng nhất, tức là kinh Đại Bát Niết-bàn. Nếu quý vị xem trong các kinh luận của Tịnh độ tông, như chúng ta đã xem qua Di-đà kinh sớ sao. Trong Sớ sao thường trích dẫn “Đại kinh nói rằng”. Tịnh độ tông nói đến Đại kinh thì đó là nói kinh Vô Lượng Thọ. Cho nên, cùng là hai chữ Đại kinh nhưng tùy theo trong mỗi tông phái và sớ luận của tông phái ấy mà chúng ta biết là chỉ đến bộ kinh nào. Đó là điều chúng ta phải hiểu rõ.[3]

Đây là nói theo trong kinh Niết-bàn giảng giải, phải có đủ hai pháp trang nghiêm thì mới có khả năng nêu câu hỏi, phải rốt ráo trọn đủ hai pháp trang nghiêm thì mới có khả năng giải đáp. Bồ Tát Vô Tận Ý có đầy đủ hai pháp trang nghiêm là định và tuệ. Đó mới là sự trang nghiêm chân thật.

Chúng ta mỗi ngày đọc kệ hồi hướng đều có câu “trang nghiêm cõi Phật”, chúng ta dùng những gì để trang nghiêm? Là dùng những thứ như hương hoa trà nước, những món lễ vật nọ kia để trang nghiêm. Đó hoàn toàn chỉ là những việc bên ngoài, hoàn toàn chỉ là hình thức biểu hiện mà thôi. Sự trang nghiêm chân thật chính là các pháp định và tuệ.

Bồ Tát Vô Tận Ý là bậc Bồ Tát Đẳng giác, có đủ hai pháp định và tuệ, cho nên ngài có khả năng nêu câu hỏi. Đức Như Lai là bậc chứng quả vô thượng nên không cần phải nói nhiều, tất nhiên là đối với các pháp định tuệ ngài đều viên mãn, rốt ráo viên mãn, cho nên đức Như Lai có khả năng giải đáp. Trong câu kinh này là Bồ Tát Vô Tận Ý nêu vấn đề thưa hỏi, tiếp theo phần sau là đức Phật Thích-ca Mâu-ni giải đáp cho câu hỏi.

Thật ra, Bồ Tát Vô Tận Ý chỉ là thay chúng ta thưa thỉnh, vì không có lẽ nào mà ngài lại không biết. Chính chúng ta mới không hiểu biết, cho nên ngài thay chúng ta thưa hỏi Phật. Đức Phật giải đáp cho ngài, thật ra chính là vì chúng ta mà thuyết pháp, dạy cho chúng ta biết về Bồ Tát Quán Thế Âm, về nhân duyên thuở xưa của ngài cùng với công đức sự nghiệp làm lợi ích chúng sanh.

Mời quý vị tiếp tục xem trong sách, phần trước có 4 hàng đều là ý nghĩa phân đoạn, chúng ta xem qua câu này.

“Đức Như Lai rủ lòng từ giải đáp.” Phần kinh văn tiếp theo đây là một đoạn lớn, dùng câu này làm tiêu đề. Qua tiêu đề ấy chúng ta có thể hiểu được nội dung của đoạn lớn này. Đoạn lớn này lại chia thành 3 đoạn vừa. Đoạn thứ nhất là “giải đáp tổng quát”, đoạn thứ hai là “giải đáp cụ thể”, đoạn thứ ba là “khuyên trì niệm danh hiệu”.

“Giải đáp 3 đoạn này tức là 14 công đức vô úy trong kinh Thủ-lăng-nghiêm. Trong kinh ấy, Bồ Tát tự trình bày.”

Nói “kinh ấy” là chỉ kinh Thủ-lăng-nghiêm, trong pháp hội Bồ Tát Quán Thế Âm tự nói ra việc ngài chứng đắc 14 công đức vô úy như thế nào, nhưng trong kinh Pháp Hoa này thì là do đức Phật nói ra.

“Kinh ấy nêu rõ nguyên nhân, kinh này nói về quả đức.”

Tại pháp hội Lăng-nghiêm, Bồ Tát Quán Âm nói ra ngài đã tu nhân như thế nào, đạt được quả báo như thế nào để giải thích rõ về sự tu chứng của tự thân mình. Trong kinh Pháp Hoa này thì hoàn toàn dựa trên quả vị Bồ Tát của ngài làm lợi ích chúng sanh để nói, cho nên không có câu nào để nói về nhân tu tập của ngài cả.

Chúng ta đọc kinh điển nhất thiết phải có một cái nhìn chung, tổng hợp các kinh. Nếu không hợp lại nhìn chung thì phẩm kinh Phổ Môn này thật rất khó tin nhận, cũng giống như những gì đức Phật Thích-ca Mâu-ni thuyết giảng ở pháp hội Di-đà, quả thật là “nan tín chi pháp” (pháp khó tin nhận).

“Kinh ấy chỉ nêu rõ năng lực cảm ứng”, kinh ấy tức là chỉ kinh Lăng-nghiêm; “kinh này nêu rõ cả căn cơ và sự cảm ứng”.

Tại pháp hội Lăng-nghiêm, chỉ riêng Bồ Tát Quán Âm tự nói ra, trình bày về phương diện khả năng cảm ứng của tự thân ngài. Còn ở kinh Pháp Hoa, trong phẩm Phổ môn này nêu rõ việc chúng sanh có sự chiêu cảm thì Bồ Tát có sự cảm ứng, sự cảm ứng giao hòa giữa hai bên đều được nói rõ.   

“Hợp cả 2 kinh để luận bàn”, chúng ta thường chỉ xem riêng một bản kinh [Phổ môn này] về Bồ Tát Quán Âm. Trong thực tế nên xem và tổng hợp ý nghĩa trong cả 3 bản kinh thì “mới có thể biết được sự chân thật trong danh xưng của Đại sĩ”. Tổng hợp cả 3 bản kinh thì ý nghĩa mới trọn vẹn, đầy đủ. Vì thế, quý vị nên tận dụng những lúc có thời gian rãnh rỗi mà đọc thêm chương Quán Tự Tại trong kinh Hoa nghiêm. Đọc thật kỹ chương kinh ấy một lần rồi thì mới hiểu được chúng ta nên thọ trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm theo phương pháp như thế nào.

Hiện tại chúng ta thường chỉ chú trọng ở việc trì niệm danh hiệu. Đại sư Thanh Lương trong sách Chú giải Hoa nghiêm kinh có dạy ta rằng:

“Niệm danh hiệu bằng miệng, dùng khẩu nghiệp mà thọ trì, nếu được sự cảm ứng của Bồ Tát thì Bồ Tát ứng hiện giúp cho được thoát khỏi 7 loại tai nạn. Dùng ý nghiệp mà thọ trì, tức là trong tâm thường nhớ nghĩ không quên, thì mới có khả năng dứt trừ được ba độc: tham, sân, si.[4] Dùng thân thể lễ bái Bồ Tát thì cảm ứng được hai sự mong cầu.”[5]

Như vậy có thể thấy được rằng, tu tập pháp môn Quán Âm này ắt phải thọ trì bằng cả ba nghiệp thân, khẩu, ý. Nếu chỉ duy nhất dùng khẩu nghiệp để trì niệm thì quý vị chỉ được một phần ba công đức mà thôi. Cho nên, vào lúc sáng sớm có chút thời gian, quý đồng học nam ở bên Phật đường Thất Lâu nên thường lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm. Tốt nhất là có thể lễ bái trong khoảng thời gian tàn một cây hương, tức là vào khoảng 30 đến 40 phút. Quý đồng học nữ số lượng ít hơn, cũng có thể đến đó lễ bái, có thể lễ bái ở phạm vi bên cạnh. Khi miệng niệm và trong tâm nhớ nghĩ, cộng thêm sự lễ bái thì ba nghiệp cùng chiêu cảm thỉnh cầu, Bồ Tát nhất định sẽ có sự cảm ứng. Quý vị đọc kinh Hoa nghiêm thì có thể hiểu được như vậy.

Tiếp theo kinh văn nói:

“Đức Phật bảo Bồ Tát Vô Tận Ý: Thiện nam tử! Nếu có vô số trăm ngàn vạn ức chúng sanh.”

Đây là tiểu đoạn thứ nhất trong đoạn “giải đáp tổng quát”, là tiểu đoạn “nêu lên số lượng chúng sanh”. Xem từ đoạn kinh này trở đi thì thấy rõ đức Bồ Tát Quán Thế Âm quả thật là thần thông quảng đại.

Trong sách nói “căn cơ trong mười pháp giới”, căn cơ là chỉ đến chúng sanh, là nói những chúng sanh gặp tai nạn, không chỉ nói riêng trong thế giới Ta-bà này, mà là trong vô lượng vô biên thế giới, nên chúng sanh gặp khổ nạn cũng là vô lượng vô biên.

“Nhưng nói ‘trăm ngàn vạn ức’ không phải là nói chúng sanh trong mười pháp giới cộng lại mà có con số đó.”

Câu giảng giải này rất hay. “Đây là nói cho mọi người biết mỗi một loại nghiệp nhân của chúng sanh.” Nghiệp là vô lượng vô biên, nên mỗi một loại nghiệp chính là “có vô số trăm ngàn vạn ức chúng sanh”.

Vô lượng cũng là một chữ số, là chữ số quá lớn, rất lớn. Chúng ta thấy ở đây dùng đến ức (100.000) làm đơn vị thì có thể thấy số lượng nói đến là hết sức rộng lớn.

Phần tiếp theo nêu ra một thí dụ để làm rõ nghĩa trên: “Như trong một địa ngục, chúng sanh cùng chịu một loại khổ não”, lấy sự khổ đó mà suy nghiệm về người, liền hiểu rõ được, “nên biết là cùng chung một loại nghiệp”. Những chúng sanh ấy không phải là tạo cùng một loại nghiệp giống nhau, vì sao lại cùng chịu chung một quả báo? Đó là trường hợp tôi vẫn thường nói là do cộng nghiệp chiêu cảm. Theo đó mà suy ra thì chúng sanh sinh vào một cảnh giới nào, nhận chịu một loại quả báo nào, “cũng đều là như vậy”. Cho nên, chữ số vô lượng này là chỉ đến một loại nghiệp, một loại quả báo, “cho nên biết rằng con số đó là để nêu ý cùng chung một loại nghiệp”.

“Đây là nêu chung căn cơ của chúng sanh rất nhiều.” Nói căn cơ thì phần trước đã giảng qua, có căn cơ hiền thiện, có căn cơ xấu ác, dù thiện hay ác cũng đều có thể cảm ứng giao hòa cùng Bồ Tát. Phần sau sẽ nói rõ điều này với quý vị.

“Làm rõ việc Bồ Tát có sự quán sát sâu xa”, quán sát là công phu của tự thân Bồ Tát, công phu này rất sâu xa, “cảm ứng lớn rộng”, bất kể ở nơi đâu, khi chúng sanh có sự chiêu cảm thì Bồ Tát đều có sự ứng hiện.

Kinh văn nói tiếp, những chúng sanh rất nhiều như vậy “đang chịu đựng các điều khổ não”.

Câu kinh này là một tiểu đoạn tiếp theo, là tiểu đoạn “nêu tổng quát về chúng sanh gặp khổ não”. Câu này là nói nghĩa tổng quát.

Trong phần giảng giải nói: “Đây là nêu việc gặp những khổ ách, tự thân có nhiều sự khổ.” Đây là nói khổ khổ, như tôi thường giảng về ba loại khổ, trong đó có khổ khổ; bao gồm hoại khổ, hành khổkhổ khổ. Ba loại khổ này bao gồm tất cả mọi nỗi khổ.

“Một chúng sanh hoặc nhiều chúng sanh cùng chịu một nỗi khổ; một chúng sanh chịu nhiều nỗi khổ; hoặc một chúng sanh chịu ít nỗi khổ”, đó đều là nêu các trường hợp tiêu biểu để nói.

“Trong kinh này”, tức là nói trong bản kinh đang giảng giải đây có nói, “trăm ngàn vạn ức” là nói rất nhiều người, “đang chịu đựng các điều khổ não” là nói nhiều nỗi khổ.

Số lượng chúng sanh rất nhiều, lại chịu các nỗi khổ cũng nhiều, nhưng phần trước giảng rằng số chúng sanh tuy nhiều mà chỉ tạo một loại nghiệp, đó là nói theo cách “nêu số nhiều để làm rõ số ít”. Nghiệp của chúng sanh chỉ một loại, nhưng do tạo một loại nghiệp đó mà có rất nhiều chúng sanh phải nhận chịu khổ não.

Trong sách nói tiếp “rất nhiều khổ não còn có thể cứu được, huống chi chỉ một ít nỗi khổ”. Phần trước nói “trăm ngàn vạn ức”, là nói những chúng sanh cùng một loại nghiệp, cùng chịu một loại khổ não; bây giờ nói các loại khổ não, mỗi loại khổ não tức là một loại nghiệp, như vậy tức là có trăm ngàn vạn ức loại khổ não. Phần trước nêu số lượng như nhau, ở đây nói nghiệp khác nhau, dụng ý là nói đến muôn vạn căn cơ của chúng sanh trong khắp các pháp giới, thật là số lượng không thể nghĩ bàn. “Không thể nghĩ bàn” cũng là chữ để nêu số lượng. Trong những cách nói chỉ số lượng của Ấn Độ thì cách nói này chỉ số lượng lớn nhất.

Đoạn giảng giải này của Pháp sư Đại Nghĩa thật hết sức rõ ràng. Chúng ta đọc kinh văn, xem qua đoạn giảng giải này rồi thì tự mình nhất định cần có sự cảnh giác. Đây chính là ý nghĩa “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Chúng sanh phàm phu mê hoặc điên đảo nên khi quả báo đến rồi mới biết sợ. Khi ấy, dù sợ cũng không làm gì được nữa, trốn chạy cũng không khỏi. Bồ Tát thấu hiểu rõ ràng ý nghĩa này, cho nên ngay từ lúc tạo nhân các ngài đã hết sức cẩn thận. Tạo nhân chính là tạo nghiệp, cho nên Bồ Tát rất cẩn thận, quyết định không tạo nghiệp. Vì sao vậy? Vì Bồ Tát thấu hiểu rõ việc tạo nghiệp xấu ác thì tương lai phải chịu quả báo khổ não. Có thể hiểu biết rõ ràng như vậy mới gọi là Bồ Tát. Phàm phu không có sự hiểu biết như vậy nên buông thả tâm ý tạo nghiệp, chịu quả báo ngay trong hiện tại, đó là nghiệp nhất định. Đối với nghiệp nhất định thì dù Phật, Bồ Tát cũng không có cách nào cứu được quý vị. Điều này chúng ta nhất thiết phải hiểu rõ. Phần sau tôi sẽ giảng lại về sự cảm ứng giao hòa, việc này không hề đơn giản.

Việc  tạo nghiệp không chỉ nói đến những hành động của thân, gọi là thân nghiệp. Miệng nói ra lời cũng là tạo nghiệp, gọi là khẩu nghiệp, hay ngữ nghiệp, tức nghiệp của lời nói. Cho nên, lời nói nên hạn chế càng ít càng tốt, tránh bớt việc tạo nghiệp. Ngoài ra lại còn một hình thức tạo nghiệp nghiêm trọng nhất là ý niệm, suy nghĩ, tức là ý nghiệp. Khởi tâm suy nghĩ việc thiện, ác cũng tức là tạo nghiệp. Một khi khởi lên ý nghĩ, trong thức a-lại-da liền chứa lại một hạt giống, tức là chủng tử. Chủng tử đó khi gặp nhân duyên thích hợp liền phát khởi hiện hành, nên tất yếu phải chịu quả báo. Chúng ta cần phải thực sự hiểu rõ ý nghĩa này.

Đã vậy thì tại sao trong mỗi một ý niệm lại không niệm tưởng Phật A-di-đà? Với ý nghiệp như vậy thì trong tương lai chính mình rồi cũng sẽ được thành Phật A-di-đà. Đã vậy thì tại sao trong mỗi một ý niệm lại không niệm tưởng Bồ Tát Quán Thế Âm, mà lại khởi lên những vọng tưởng khác? Nếu không có niệm tưởng thì thôi, đã có niệm tưởng thì nên tưởng đến Phật, Bồ Tát. Như vậy thì trong tương lai quả báo của quý vị là sẽ được thành Phật, Bồ Tát. Cho nên cần phải thấu hiểu rõ ràng ý nghĩa này.

Việc tốt đẹp trong thế gian chính là hạn chế khởi sinh vọng tưởng. Vì sao vậy? Nói chung về tất cả các nghiệp [dù thiện hay ác] trong sanh tử, đều không thoát ra ngoài ba cõi, đều không tránh khỏi luân hồi. Đã không tránh khỏi sự luân hồi, nói cách khác là không tránh khỏi quả báo khổ não trong ba đường ác. Đó là ý nghĩa chắc chắn phải vậy. Cho nên chúng ta mỗi ngày từ sáng đến tối, khởi tâm động niệm, sao không dùng phép ghi lỗi[6] để tự kiểm điểm? Suốt trong một ngày, rốt lại thì ta khởi lên nhiều ý niệm hiền thiện, hay nhiều ý niệm xấu ác? Là nhiều ý niệm thanh tịnh, hay nhiều ý niệm nhiễm ô? Điều này chúng ta nhất định phải có công phu tự mình kiểm điểm, nhận biết rõ sự thật để phản tỉnh. Nếu như quả thật ta tạo ý nghiệp ô nhiễm rất nhiều, nghiệp thanh tịnh rất ít, thì đạo nghiệp không thể thành tựu. Lại trong những nghiệp ô nhiễm đó, nếu như nghiệp xấu ác rất nhiều, nghiệp hiền thiện rất ít, thì chúng ta nhất định phải đọa vào trong ba đường ác. Cho nên, những việc này đừng hỏi nơi người khác, mà phải tự mình thấu hiểu, biết được rõ ràng. Chúng ta tạo nhân như thế nào, sau này chịu quả báo như thế nào, đó là ý nghĩa nhất định rõ ràng, cần gì phải hỏi nơi người khác?

Khi khổ nạn đã đến, chúng ta cần phải biết hồi tâm chuyển ý, như câu nói “quay đầu là bờ”, quay đầu tức là sám hối lỗi lầm. Người thực sự giác ngộ rõ biết, chấp nhận quay đầu, đó gọi là chân thật sám hối. Sau khi đã chân thật sám hối rồi, xưng niệm danh hiệu Bồ Tát mới có được sự cảm ứng giao hòa, mới thực sự có tác dụng. Nếu không phải vậy, chẳng hóa ra Bồ Tát Quán Thế Âm trở thành người bao biện, che chở cho tội ác, là kẻ cầm đầu các thế lực xấu ác trong xã hội, đâu có gì đáng để tôn kính? Chúng ta cứ tạo nhiều tội lỗi, chẳng có gì phải sợ, chỉ cần niệm danh hiệu ngài là được che chở, bảo vệ, như vậy chẳng phải ngài là người cầm đầu những kẻ xấu ác trong xã hội đó sao? Không thể là như vậy, làm gì có sự cảm ứng như thế!

Vậy người như thế nào mới có thể cầu được Bồ Tát? Đó là những người đã chân thật quay đầu, sám hối mọi nghiệp chướng, rõ biết những sai trái mình đã làm, từ đó không làm các việc xấu ác, vâng làm theo mọi việc lành. Những người như vậy thì niệm Bồ Tát Quán Âm mới có sự cảm ứng. Bằng như một mặt thì niệm Bồ Tát Quán Âm, cầu xin Bồ Tát gia hộ cho mình tai nạn tiêu trừ, một mặt lại không ngừng tạo nghiệp xấu ác, hạng người như thế thì Bồ Tát cho dù có muốn cứu cũng không thể nào cứu được. Quý vị nên hiểu rõ ý nghĩa này: Phải chân thật sám hối lỗi lầm.

Kinh văn nói: 

“Nghe biết đến Bồ Tát Quán Thế Âm, một lòng chuyên nhất xưng niệm danh hiệu của ngài.”

Ở đây, ý nghĩa then chốt nằm ở chữ “một lòng chuyên nhất”. Trong mấy dòng tiếp theo, pháp sư Đại Nghĩa cũng giải thích ý nghĩa “một lòng chuyên nhất”. Giải thích tuy đơn giản, yếu lược nhưng cũng rất rõ ràng.

Quý vị xem như Đại sư Liên Trì trong khi giảng giải kinh A-di-đà cũng giải thích ý nghĩa “một lòng chuyên nhất không tán loạn”. Phần giải thích này rất rõ ràng chi tiết, chiếm đến nửa quyển, tức là khoảng một phần tám của bộ Di-đà kinh sớ sao.

Chỗ này đơn giản nhưng rất quan trọng, quý vị xem lại những điều tôi mới vừa giảng qua đều có ý nghĩa này.

“Do những việc ác trong quá khứ và hiện tại”, đây là nói quá khứ đã tạo nhân xấu ác,hiện tại tạo nhân xấu ác, nên mới “gặp nhiều khổ não”, tức là nhận lấy quả báo, quả báo phải chịu khổ não.

Quý vị cũng cần phải hiểu rằng, trong thế gian không có người nào là hoàn toàn xấu ác, tức là nói người từ xưa đến nay hoàn toàn không làm một việc tốt lành nào. Quý vị cứ thử tìm xem, thật không thể nào tìm được người như vậy. Lại nói có người từ xưa đến nay hoàn toàn chỉ làm những việc hiền thiện, không có một chút xấu ác nào, quý vị cũng không thể tìm thấy được người nào như vậy. Hết thảy chúng sanh vốn đều là xen tạp giữa thiện và ác, chỉ là việc thiện nhiều việc ác ít, hoặc việc ác nhiều việc thiện ít mà thôi. Do tạo nghiệp ác nên phải chịu quả báo khổ, “chịu nhiều khổ não”. Lại do trong quá khứ hoặc hiện tại tạo những nghiệp lành nên “lại được nghe biết danh hiệu Bồ Tát”. Quý vị có cơ duyên được nghe đến danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, đọc được kinh điển nói về Bồ Tát Quán Thế Âm, đó đều là nhờ nơi căn lành trong quá khứ, nghiệp lành trong hiện tại của quý vị, cho nên quý vị mới có được những cơ duyên như vậy.

“Đó là việc thiện, việc ác bao hàm trong nhau”, trong việc xấu ác có việc hiền thiện, trong việc hiền thiện có việc xấu ác. Nên khi việc thiện khởi lên, có tác dụng, ta nên dùng việc thiện ấy để dứt trừ việc ác, phát khởi tâm lành, tu tập việc thiện, đoạn trừ việc ác. “Hợp nhau thành căn cơ cảm ứng”, đây là một trong những điều kiện để có được sự cảm ứng từ Bồ Tát Quán Thế Âm.

Vậy người như thế nào có thể cầu được Bồ Tát Quán Thế Âm? Người tu thiện trừ ác như trên là tự có đủ tư cách để cầu Bồ Tát Quán Thế Âm, chỉ có điều cần phải có công phu. “Một lòng chuyên nhất xưng niệm” tức là nói đến công phu. Niệm một câu thánh hiệu như vậy, không phải là dùng tâm tán loạn để niệm, phải dùng tâm chuyên nhất, một lòng xưng niệm.

“Nói một lòng chuyên nhất, cũng có sự, có lý.” Nói có sự có lý, đương nhiên cũng là có công phu chuyên nhất thành khối, phần tiếp theo sau sẽ giải thích một cách đơn giản để quý vị hiểu.

“Nếu dùng tâm còn nhiều ý niệm”, tức là nói tâm ý thức, tâm phân biệt, tâm bám chấp, “niệm niệm tiếp nối nhau, tâm khác không thể xen vào”, quyết định không thể có tạp niệm, một niệm dứt, niệm khác nối liền, liên tục nối nhau như thế, suốt ngày suốt đêm chỉ một câu Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát, không để cho bất kỳ một ý niệm xen tạp nào khác chen vào.

“Một lòng quy y nương dựa”, quy y là nương theo, nương dựa là dựa theo, “hoàn toàn không có ý nào khác”, là không có bất kỳ một ý niệm nào khác, đó gọi là “một lòng chuyên nhất xưng danh, hiểu theo sự”. Quý vị thử nghĩ xem, công phu trì niệm như vậy mới có thể cảm ứng giao hòa với Bồ Tát Quán Thế Âm, mới có thể khỏi được 7 nạn, trừ được 3 độc, đáp ứng 2 sự mong cầu, tức là có cầu có ứng.

Chúng ta niệm Phật A-di-đà cầu vãng sanh Tây phương, cũng là vận dụng cùng một phương pháp, cùng một nguyên lý tương đồng như vậy. Quý vị thử nghĩ xem, công phu như vậy quả thật không hề dễ dàng.

Nói là không dễ dàng, nhưng cũng không phải là quá khó. Vậy vấn đề khó dễ nằm ở đâu? Vấn đề chính là ở nơi tự thân chúng ta. Tự mình quyết tâm làm thì không khó; tự mình không quyết tâm làm thì rất khó. Khó ở chỗ nào? Khó ở chỗ là không quyết tâm làm, khó ở chỗ là trong một ngày từ sáng đến tối thường khởi sinh vọng tưởng.

Cho nên, tu tập pháp môn này sẽ biến tất cả những vọng tưởng của chúng ta thành thánh hiệu Bồ Tát. Đã không khởi niệm thì thôi, một khi khởi niệm thì đều là niệm thánh hiệu Bồ Tát, quyết định không có một niệm tưởng nào khác. Xin nói cho quý vị biết, công đức lợi ích như vậy là không thể nghĩ bàn.

Bây giờ chúng ta xem phần tiếp theo, giảng đến nghĩa “một lòng chuyên nhất, hiểu theo lý”.

“Nếu đạt đến tâm chuyên nhất, hiểu theo sự”, đạt được như vậy là công phu của quý vị đã đến mức chuyên nhất về sự. Một lòng chuyên nhất về sự tức là còn bám chấp nơi hình tướng, một lòng chuyên nhất về lý là lìa khỏi hình tướng. “Tự tha đều dứt lìa”, tự là nói tự thân người niệm, tha là nói Bồ Tát Quán Thế Âm, tức là người được niệm.

Thế nào là niệm mà không niệm? Là nói công phu xưng niệm hoàn toàn như trước đã nói, chỉ một danh hiệu Bồ Tát, suốt cả ngày đêm không hề gián đoạn, tâm đang niệm danh hiệu đó cũng không thể nắm bắt, cho đến thánh hiệu được niệm cũng không thể nắm bắt.

“Tự tha đều dứt lìa, đều không thể nắm bắt, không có tâm, không có niệm.” Đó chính là niệm mà không niệm, không niệm mà niệm. “Định và tuệ tương ứng nhau, người xưng niệm với danh hiệu được xưng niệm đều không thể nắm bắt. Đó chính là một lòng chuyên niệm về lý.”

Nếu như hỏi rằng, một lòng chuyên niệm về lý như vậy thì là có niệm hay không niệm? Quả thật có niệm. Tâm chuyên nhất về lý là không bám chấp hình tướng, nhưng cũng vẫn là suốt ngày trì niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Quán Thế Âm… So với việc một lòng chuyên niệm về sự cũng không hề khác biệt. Chỉ có điều, chuyên nhất về sự thì còn bám chấp nơi hình tướng, chuyên nhất về lý thì dù niệm suốt ngày nhưng không có sự bám chấp nơi hình thức niệm đó. Niệm cho đến mức ba luân đều không,[7] tự mình và đối tượng xưng niệm đều không thể nắm bắt, cũng giống như trong Tâm kinh nói “vô trí diệc vô đắc” (không có trí tuệ, cũng không có gì đạt được), như kinh Lăng-nghiêm cũng nói: “Trọn vẹn đạo Bồ-đề, quy về chỗ không có gì để đạt được.” Đó chính là tâm chuyên nhất không tán loạn về lý.

Tâm chuyên nhất không tán loạn về lý cũng chính là cảnh giới của Bồ Tát Sơ trụ, cũng chính là như trong kinh Lăng-nghiêm nói: “Sanh diệt đã dứt, tịch diệt ngay nơi hiện tiền.” Chữ diệt trong tịch diệt không phải là chữ diệt trong sanh diệt, tuy là viết giống nhau, âm đọc cũng giống nhau nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Chữ diệt trong sanh diệt là nghĩa tương đối, chữ diệt trong tịch diệt là nghĩa xa lìa tương đối, cảnh giới đó mới gọi là tịch diệt. Cho nên, tịch diệt là tự nhiên, không phải tương đối. Cảnh giới như vậy không cách gì có thể nói ra được, cho nên mới nói “dứt mọi ngôn ngữ, diệt mọi tâm hành”, đó mới là cảnh giới chân thật. Theo Viên giáo thì chứng đắc cảnh giới ấy là Bồ Tát Sơ trụ. Hàng Bồ Tát ấy là chỉ mới vừa chứng đắc.

Cho nên, tâm chuyên nhất không tán loạn về lý là tương đương với hàng Bồ Tát Sơ trụ, tương đương với 41 giai vị Pháp thân Đại sĩ trong kinh Hoa nghiêm, có lý nào lại nói người như vậy mà không cảm ứng giao hòa được với Bồ Tát Quán Thế Âm? Sự hiển lộ của Bồ Tát Quán Thế Âm tại pháp hội Lăng-nghiêm chính là ở hàng Bồ Tát Sơ trụ theo Viên giáo. Công phu tự thân của quý vị nếu đạt được đến mức Bồ Tát Sơ trụ thì mới chân thật có sự cảm ứng giao hòa. Vì thế, xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, xưng niệm danh hiệu Phật A-di-đà, đều phải thấu hiểu rõ ràng được ý nghĩa này, hiểu rõ được danh hiệu Phật phải xưng niệm theo phương pháp như thế nào.

Ban đầu, đương nhiên vẫn phải sử dụng tâm ý thức. Đạt đến mức chuyên tâm không tán loạn thì buông bỏ tâm ý thức, đưa cảnh giới tự tâm của mình hướng lên cao hơn nữa. Nếu nói ngay lúc ban đầu đã có thể lìa bỏ tâm ý thức thì từ xưa đến nay chưa từng thấy ai được như vậy. Trong chỗ tôi biết thì chưa từng có.

Vào lúc tôi bắt đầu học Phật, nói đúng ra chưa hẳn là học Phật, chỉ là bắt đầu được tiếp xúc với Phật pháp, quyển kinh sách đầu tiên mà tôi được đọc là quyển Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục tổ, do Đinh Phúc Bảo chú giải. Đó là trong một chuyến đi chơi đến Đài Trung, tôi ngụ lại ở nhà một người bạn. Trong nhà anh ấy có rất nhiều bản sách xưa. Trong tủ sách của anh ấy, tôi gặp được quyển Pháp Bảo Đàn Kinh, loại sách cổ dùng chỉ khâu ở gáy, hình dạng màu sắc cổ kính. Tôi bỏ ra 3 ngày đọc trọn quyển sách ấy, thấy quả thật có rất nhiều đạo vị.

Về sau tôi học Phật, theo học với một bậc thầy chỉ dạy cho tôi rất nhiều điều tốt đẹp trong Phật giáo, đó là tiên sinh Phương Đông Mỹ. Tôi thưa với thầy là tôi có đọc qua Đàn kinh rồi. Thầy nghe xong lắc đầu, chỉ nói với tôi một câu, rằng trước Lục tổ Đại sư thì ở Trung quốc chưa từng có ai như ngài, từ sau Lục tổ cho đến nay, cũng chưa có ai như ngài. Đó là người chỉ có thể xa trông, không thể nào theo kịp, không cách gì có thể học theo. Con người ấy sanh ra đã tự biết, chẳng phải do học mà biết.

Lại về sau tôi được gần gũi Đại sư Chương Gia, Đại sư cũng hỏi tôi đã đọc qua được những gì. Tôi thưa với ngài là đã đọc qua Đàn kinh. Đại sư Chương Gia lắc đầu, không nói gì.

Sau khi Đại sư Chương Gia viên tịch, tôi đến Đài Trung thân cận với Lý lão sư.[8] Lý lão sư hỏi tôi đã đọc qua những kinh điển nào. Tôi cũng thưa với thầy như vậy, thầy nghe tôi nhắc tên đến Đàn kinh thì cũng lắc đầu.

Cả ba vị thầy đều lắc đầu, đều nói rằng Đàn kinh không thể nào học theo được. Phương tiên sinh thuở ấy bảo tôi phải bắt đầu học từ Duy thức. Thầy nói rằng, trong Thiền tông chỉ có Đàn kinh là độc đáo nhất, có thể nói là dạy người “một bước lên trời”. “Ông học được điều đó, như lên không được mà ngã xuống thì tan xương nát thịt.” Thầy bảo tôi học Duy thức, bảo tôi đọc luận Bách pháp minh môn, đọc các chú giải của Đại sư Khuy Cơ. Thầy nói rằng, Pháp tướng tông nói chung cũng giống như cái thang để lên lầu, khi leo thang có thể cứ từng bậc, từng bậc một mà leo, leo được đến đâu thì lên cao đến đó.

Như vậy thì quá tốt! Tôi liền đi tìm các sách chú giải của Đại sư Khuy Cơ, nhưng thật cũng không dễ tìm được. Kết quả khi vừa mở ra xem qua một lần, thật giống như đọc thiên thư, dù một câu cũng không hiểu nổi. Thầy nói điều đơn giản dễ dàng nhất, tôi xem qua cũng không hiểu được. Thầy nói điều khó hiểu nhất, lại khó đến mức không thể hiểu được. Tôi thấy Phật pháp thật quả là mênh mông phong phú. Bất quá tôi chỉ còn biết tin theo lời thầy. Đại khái thầy nói là, tuy tôi chưa hiểu được, nhưng chỉ sợ nhất ở chỗ là tương tợ như hiểu mà không phải hiểu, còn tôi nhận biết mình chưa hiểu thì đó thực sự là chưa hiểu.

Quý vị xem đó, chuyện sơ sài cạn cợt nhất mà còn không hiểu, những ý nghĩa sâu xa làm sao hiểu được? Huống chi cả 3 bậc thầy đều xác định như nhau, hẳn nhiên phải có chung một ý. Cho nên, học Phật pháp phải có tâm nhẫn nại, cứ chầm chậm dần dần mà thăm dò học hỏi, không được gấp rút, không được sợ sệt, cứ từng bước từng bước mà học tập.

Trong kinh luận của pháp môn Tịnh độ, pháp trì danh niệm Phật được cho là dễ thực hành, nhưng cũng phải có đầy đủ điều kiện. Chính là như trong việc tham thoại đầu nhà thiền có nói: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ chậm biết.” Một câu Phật hiệu của chúng ta cũng chính là thoại đầu, từng giây từng phút phải luôn luôn nắm giữ, nêu cao. Trong tâm không có vọng niệm, không có danh hiệu Phật cũng không hề gì. Một khi vừa khởi vọng niệm, câu Phật hiệu liền lập tức đề khởi. Câu Phật hiệu đó chính là có tác dụng.

Bình thường chúng ta niệm Phật cũng giống như luyện tập quân binh. Vọng niệm vừa khởi lên liện vận dụng để trấn áp, có thể so với một cuộc chiến tranh. Bình thường luyện tập quân binh hết sức chuyên cần, đến lúc có chiến tranh lại không dùng đến, để cho kẻ địch mặc sức tấn công, đó thật là hết sức sai lầm. Khi vọng niệm vừa sinh khởi, phải ngay lập tức vận dụng câu Phật hiệu để trấn áp, đó gọi là dụng công, gọi là xoay chuyển cảnh giới, đó gọi là chân thật niệm Phật. Nếu không phải như vậy thì quý vị sớm tối công phu niệm Phật rốt lại để làm gì? Sớm tối niệm Phật chính là nêu cao tỉnh giác, là rèn luyện quân binh. Trong sinh hoạt hằng ngày, mỗi khi khởi tâm động niệm cần phải ngay nơi ý niệm đó mà chuyển hóa, làm cho vọng tưởng không sinh khởi, như vậy thì quý vị mới có thể đạt đến tâm chuyên nhất không tán loạn về sự. Như vậy thì câu Phật hiệu mới thật sự có chỗ vận dụng.

Đương nhiên là vào lúc mới bắt đầu phải chuyên cần nỗ lực hành trì cho công phu thành khối, đó là vì quý vị hoàn toàn chưa thể dứt trừ được phiền não, chỉ có thể dựa vào sức tu tập để khống chế, kiềm giữ. Có thể liên tục khống chế, kiềm giữ được phiền não, đó là công phu ban đầu, gọi là công phu thành khối. Đến lúc tu tập được như thế thì nhất định có sự cảm ứng của Bồ Tát Quán Thế Âm, thực sự trừ được 7 nạn, tuyệt đối kinh điển không lừa dối người.

Phần tiếp theo giảng đến công đức “đều được giải thoát”. Kinh văn nói:

“Bồ Tát Quán Thế Âm tức thời quán xét theo âm thanh đó, hết thảy đều được giải thoát.”

Phần giảng giải ở đây rất hay: “Kinh văn nói, vừa nghe danh hiệu Bồ Tát liền xưng niệm, đó là nói căn cơ nhanh nhạy; xưng niệm danh hiệu liền có cảm ứng, tức là nói cảm ứng nhanh chóng.” Tốc độ cảm ứng giao hòa thật là rất nhanh chóng.

Nói “được nghe danh hiệu”, chữ nghe này tức là đối với những lý luận, phương pháp, cảnh giới của danh hiệu đều đã thấu hiểu rõ ràng, mới nói là “được nghe danh hiệu”. Nhờ đó nên khi quý vị niệm một câu Phật hiệu thì luôn đúng pháp, đúng lý đúng pháp. Không phải như người đời chỉ tụng niệm nơi cửa miệng, như vậy chẳng ích gì, như vậy không hề có sự tương ưng. Quý vị hiểu rõ được ý nghĩa này rồi liền khởi sự niệm, niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, niệm Phật A-di-đà, cũng đều như vậy. Khi quý vị niệm một câu, Bồ Tát liền lập tức cảm ứng; quý vị niệm được nhanh, Bồ Tát cảm ứng cũng nhanh.

“Đều được giải thoát”, tức là nói được sự ứng hiện lợi ích. Bồ Tát Quán Thế Âm cảm ứng căn cơ chúng sanh, quý vị liền được công đức lợi ích.

Phần tiếp theo, Đại Sư giảng giải cho chúng ta rất chi ly đầy đủ. Tuy đoạn văn này không nhiều nhưng đã nói rõ được hết những chỗ mà chúng ta thường có sự nghi hoặc.

“Nói ‘đều được’ tức là không chỉ làm ích lợi cho chúng sanh có nhiều căn cơ, mà cũng hiển lộ sự cảm ứng trọn vẹn khắp mọi nơi.” Như trong phần trước cũng đã nói, hết thảy chúng sanh trong mười phương pháp giới, như có bất kỳ chúng sanh nào theo đúng pháp xưng niệm danh hiệu, Bồ Tát đều có sự cảm ứng.

Trong sự cảm ứng cũng có cảm ứng ngấm ngầmcảm ứng hiển lộ, điều này cần phải hiểu rõ. Cảm ứng ngấm ngầm tức là quý vị nhận được sự cảm ứng, được sự lợi ích nhưng tự mình không hay không biết. Cảm ứng hiển lộ là sự cảm ứng bộc lộ rõ ràng. Sự việc này chúng ta cần thiết phải nhận hiểu, nhất là trong giai đoạn hiện nay, trong trường hợp quả thật thấy được một hiện tượng cảm ứng hiển lộ rõ ràng, chẳng hạn như thấy Bồ Tát Quán Thế Âm hiện thân.

Có một vị đồng tu chụp được một bức ảnh, trong khi chụp quang cảnh một tai nạn xe thì trong ảnh chụp chiếc xe lại thấy hiện ra một tượng Phật, vị ấy nói là ở chùa Kim Long, mang đến đưa cho tôi xem. Vị ấy gặp ai cũng lấy bức ảnh ra, đưa cho mọi người xem. Tôi liền bảo vị ấy cất vào, không nên đưa cho mọi người xem như thế.

Những việc như thế này chúng ta cần phải tự mình nhận hiểu. Bồ Tát nếu có cảm ứng hiện thân như vậy đều phải là vì lợi ích của chúng ta. Chúng ta xem chương Quán Tự Tại trong kinh Hoa nghiêm, nói rằng Bồ Tát có sự ứng hiện đều là vì thuận theo lợi ích của chúng sanh, tuyệt đối phải là có lợi ích cho chúng sanh. Nếu như Bồ Tát quả thật hiện thân, hiện ra hình tướng như vậy, thì đó là phá hoại tâm thanh tịnh của chúng ta. Trong lòng chúng ta thực sự đang chuyên tâm thanh tịnh, nhìn thấy bức ảnh đó liền lập tức dao động, khởi sinh vọng niệm, đó chính thật là ma hiện ra trước mắt. Những trường hợp như vậy, đặc biệt là trong thời mạt pháp này, quả thật rất nhiều.

Chúng ta xem kinh Lăng-nghiêm, phần sau nói về 50 loại ấm ma. Năm mươi loại đó là nói 50 chủng loại, trong mỗi một loại lại có vô lượng vô biên những cảnh ma, chúng ta phải tự mình hiểu rõ, không thể để cho cảnh ma ngăn che. Cho dù là hiện ra thân tướng gì, hiện ra điềm lành gì, chúng ta phải thấy như không thấy, nghe như không nghe. Vì sao vậy? [Phật dạy rằng,] hết thảy những gì có hình tướng đều là hư dối. Trong tâm chúng ta phải không nắm giữ hình tướng, phải lặng yên không dao động, như vậy thì quý vị mới có thể đạt đến tâm chuyên nhất, như vậy quý vị mới có thể một lòng chuyên nhất xưng niệm danh hiệu.

Cho nên, Bồ Tát Quán Thế Âm đối với chúng ta hết thảy đều là ngấm ngầm gia hộ độ trì, không thể hiện thân. Một khi Bồ Tát hiện thân thì sự tu tập của quý vị xem như đã hỏng! Công phu của quý vị chưa hoàn mãn, trình độ chưa có đủ, một khi thấy Bồ Tát hiện thân liền rơi vào tâm ma, lập tức cao hứng mất cảnh giác, tự nghĩ: “Tôi được thấy Bồ Tát, Bồ Tát đối với tôi đặc biệt ưu ái, các người đều tu hành chẳng ra gì, các người không được như tôi.” Quý vị xem lại tâm mình khi ấy, lập tức không còn sự chuyên nhất, đi đến đâu rồi cũng tạo khẩu nghiệp. Bồ Tát tuyệt đối không thể làm cho quý vị tạo thành tội nghiệp, cho nên Bồ Tát không hiện thân, chỉ có sự ngấm ngầm gia hộ độ trì cho quý vị.

Quý vị hiểu rõ được ý nghĩa này thì nếu thấy Bồ Tát hiện thân, nên tự xét lại công phu tu tập của mình, có thực sự đủ tư cách chiêu cảm được Bồ Tát ứng hiện hay không? Khi tự thấy mình không có công phu, không có căn lành, không có phước đức, không có sự tu trì, thì nếu như Phật, Bồ Tát đến, lại thường tới lui thì quả thật rất phiền, đích thị đó là ma vương giả mạo. Điều đó chúng ta phải tự mình rõ biết.

Việc này cũng giống như ở thế gian có người chẳng làm được việc gì tốt đẹp, cũng chẳng có lòng tốt, lại nói rằng có bậc đại nhân, đại phú quý, đại trưởng giả thường đến chơi chỗ tôi, thường quan tâm đến tôi, quý vị xem liệu có hợp lý không? Đức Khổng tử trong kinh Dịch có nói: “Vật dĩ loại tụ, nhân dĩ quần phân.” (Con vật tụ tập theo cùng loài, con người tùy sự tương đồng mà phân chia.) Không cùng một loại, không tương đồng làm sao có sự cảm ứng? Nếu như tâm của chúng ta quả thật là tâm Phật, hành vi của chúng ta quả thật là công hạnh Bồ Tát, như vậy mà cảm ứng với Phật, Bồ Tát thì có thể tin được. Vì sao vậy? Vì chúng ta với chư Phật, Bồ Tát có sự tương đồng. Nếu chúng ta suốt ngày khởi sinh vọng tưởng, vốn dĩ không có sự tương đồng với chư Phật, Bồ Tát, như thấy có Phật, Bồ Tát hiện đến thì đó nhất định là giả mạo, không thể là chân thật.

Cho nên, nếu quý vị hỏi tôi, chuyện [Bồ Tát hiện thân] như vậy có hay không có? Tôi sẽ trả lời là có, quả thật là có. Nhưng có thì có đấy, mà rốt lại là Phật hay ma thì còn khó nói. Việc này chúng ta phải tự có khả năng phân biệt rõ ràng.

Trong Đại tạng kinh có một bộ kinh tên là kinh Pháp diệt tận. Tương lai Phật pháp cũng sẽ diệt mất thôi. Vậy kinh nào sẽ mất trước? Kinh Lăng-nghiêm sẽ mất trước. Bộ kinh bị mất trước nhất là kinh Lăng-nghiêm. Do ý nghĩa gì mà kinh Lăng-nghiêm là bộ kinh sẽ mất trước tiên? Bởi vì, kinh Lăng-nghiêm chính là bộ kinh bị hết thảy bọn ma vương, ngoại đạo phản đối nhiều nhất. Vì kinh Lăng-nghiêm phơi bày rõ ràng chân tướng của hết thảy bọn chúng. Có được bộ kinh Lăng-nghiêm, đọc qua kinh Lăng-nghiêm rồi thì khai mở tuệ nhãn, có thể phân biệt được giữa Phật với ma.

Cho nên, khi giảng kinh Lăng-nghiêm, sau những lời răn dạy về bốn sự thanh tịnh,[9] đến 50 loại ấm ma, tôi có nói rằng đây là đức Phật Thích-ca Mâu-ni ban cho chúng ta một loại kính chiếu yêu. Quý vị hiểu được những điều này rồi thì bất kỳ loại yêu ma quỷ quái nào quý vị cũng đều thấy biết rõ ràng, khiến chúng phải lộ ra hết cả nguyên hình. Cho nên bọn ma vương, quỷ quái yêu ma đối với kinh Lăng-nghiêm này căm hận thấu xương, chỉ mong muốn làm sao phá hoại hoàn toàn pháp này, diệt mất đi pháp này.

Vì thế, việc Bồ Tát cảm ứng đối với chúng ta không thể nói là không có, nhưng có sự cảm ứng ngấm ngầm, như chỗ này trong sách giảng là “nên biết có cảm ứng ngấm ngầm và cảm ứng hiển lộ”. Cảm ứng ngấm ngầm là rất nhiều, cảm ứng hiển lộ chỉ là thỉnh thoảng, một đôi khi hiếm hoi mà thôi.

Đối với những người ban đầu mới học Phật, nếu gặp được những trường hợp hiển lộ hiếm hoi này sẽ có tác dụng gì? Tác dụng chính là khơi mở, phát triển niềm tin cho họ. Quả thật có những sự hiện thân như vậy, quả thật đó là không thể nghĩ bàn, khiến cho người ấy khởi lòng tin. Khởi lòng tin rồi thì về sau không còn thấy như vậy nữa. Quý vị nên biết, đó không phải là do quý vị thối tâm. Nhưng có niềm tin rồi mà sau đó vẫn thường thấy [Bồ Tát hiện thân] thì đó là điều đáng ngờ. Làm gì có chuyện thường hiện như vậy? Có vị đồng tu nói với tôi, khi mới học Phật thường được thấy rất nhiều điềm lành, còn hiện nay đã qua nhiều năm rồi chẳng hề thấy gì cả. Không thấy gì cả chính là điều tốt. Nếu ngày nào cũng thấy thì không được rồi! Đó là tâm của quý vị bị cảnh ma xoay chuyển.

Thỉnh thoảng có sự thị hiện hình tướng là để giúp cho quý vị tăng trưởng niềm tin [lúc ban đầu]. Ngoài ra còn có thể có vào thời điểm nào? Đó là lúc quý vị đã thành tựu công phu tu tập. Khi công phu tu tập đã thành tựu, thỉnh thoảng cũng có thể thấy [Bồ Tát hiện thân], đó là để khảo nghiệm công phu của quý vị. Khảo nghiệm xem quý vị có thực sự đạt đến chỗ nhìn thấy hình tướng mà không động tâm hay chưa. Cho nên, điều này so với việc người mới học Phật nhìn thấy [Bồ Tát hiện thân] là có dụng ý khác nhau.

Người thật sự có công phu thành tựu thì khi thấy được sự cảm ứng hiển lộ [của Bồ Tát] tuyệt đối sẽ không nói cho người khác biết. Điều này quý vị cần phải rõ biết. [Bồ Tát] vì quý vị mà thị hiện, quý vị lại đi nói với người khác thì hóa ra là việc của ma. Thị hiện cho quý vị thấy, quý vị nhất định không được nói ra câu nào. Nếu không nói ra, đó mới thật sự là Phật, mới là chân thật. Vậy đến lúc nào có thể nói ra? Là lúc quý vị sắp vãng sinh, sắp ra đi thì có thể nói cho mọi người biết. Nói cho mọi người biết vào lúc đó là để làm tăng thêm lòng tin của họ. Quý vị xem như trường hợp của Đại sư Tuệ Viễn. Trong đời ngài đã 3 lần nhìn thấy cảnh Tây phương Cực Lạc, nhưng chưa từng nói cho ai biết. Đến khi sắp vãng sinh ngài mới nói với mọi người, tuyên bố trước mọi người rằng: “Ta sắp vãng sinh, Phật A-di-đà đã đến đây để tiếp dẫn ta. Thế giới Tây phương Cực Lạc thì ta đã từng nhìn thấy được 3 lần rồi.” Chỉ khi ấy ngài mới nói ra.

Chúng ta hiện nay làm sao thấy được Phật hiện thân? Chỉ vừa thấy được một chút gì đó mơ mơ hồ hồ thì đã vội tô vẽ là chứng đắc, chỉ sợ người khác không biết đến. Như vậy có nghĩa là gì? Là không đủ tư cách để tiếp nhận sự cảm ứng hiển lộ [của Phật, Bồ Tát]. Nếu như quý vị có nhìn thấy sự cảm ứng hiển lộ [của Phật, Bồ Tát] thì đó chính là ma vương giả mạo hiện ra, hiện ra để dụ hoặc quý vị, để phá hoại tâm đạo của quý vị, phá hoại tâm chuyên nhất của quý vị. Không chỉ là phá hoại quý vị, chúng còn khiến cho quý vị truyền rộng việc ấy, phá hoại đến người khác nữa. Nhìn thấy người khác có công phu tu tập tạm ổn, quý vị liền đến phá hoại. Rốt lại là quý vị nhận chịu sự lừa dối [của ma vương], trở thành sứ giả của ma, phục vụ cho ma, đi phá hoại người khác. Điều này chúng ta phải thấu hiểu rõ ràng.

Quý vị có thể xem trong sách Giảng nghĩa của Pháp sư Viên Anh. Pháp sư vào năm 20 tuổi dụng công tu tập, từng thấy có cảnh giới hiện ra. Chỉ có điều một khi ngài khởi tâm mừng vui, cảnh giới ấy liền biến mất. Về sau không nhìn thấy nữa. Qua đó có thể thấy được rằng, hết thảy mọi cảnh giới đều là từ trong tâm chuyên nhất không tán loạn mà thấy được. Trong khi ấy, nếu quý vị vừa khởi lên một niệm phân biệt, có một chút cảm thụ, cảm thấy tốt đẹp thì điều ấy liền lập tức mất đi.

Đó là giảng về sự cảm ứng [của Bồ Tát], có cảm ứng ngấm ngầm, có cảm ứng hiển lộ. Trong sự cảm ứng ngấm ngầm, xin thưa với quý vị rằng chư Phật, Bồ Tát gia hộ bảo vệ cho tất cả chúng sanh đều bình đẳng như nhau. Bất kể là quý vị có thỉnh cầu hay không, quý vị có xưng niệm danh hiệu hay không, Bồ Tát cũng đều gia hộ độ trì một cách bình đẳng cho tất cả quý vị. Nhất định không có chuyện quý vị xưng niệm danh hiệu ngài thì ngài mới “quán sát âm thanh của chúng sanh, hết thảy đều được giải thoát”, còn nếu quý vị không xưng niệm thì Bồ Tát không quan tâm đến. Nếu như vậy thì tâm Bồ Tát không bình đẳng, lòng từ bi của Bồ Tát không hề rộng lớn.

Nhưng Bồ Tát nhất định phải có tâm bình đẳng. Chỉ có điều là khi quý vị xưng niệm thì quý vị sẽ nhận được sức gia trì bình đẳng của Bồ Tát, còn khi quý vị không xưng niệm thì sức gia trì bình đẳng đó quý vị không tiếp nhận được.

Vì sao không tiếp nhận được? Phần sau Đại sư có giả thiết một hình thức vấn đáp để giải đáp cho chúng ta vấn đề này. Bây giờ tôi sẽ đọc lên đoạn văn này, phần giải đáp nằm ngay trong đoạn văn sau đó.

“Hỏi: Căn cơ chúng sanh trong mười pháp giới nhiều vô số,” là nói chúng sanh chịu khổ nạn trong mười pháp giới nhiều đến vô lượng vô biên, “làm sao cùng một lúc có thể đều được giải thoát”.

Đây là câu hỏi vì hoài nghi, Bồ Tát Quán Thế Âm rốt lại có năng lực lớn lao đến mức nào? Vô lượng vô biên chúng sanh cùng một lúc khẩn cầu ngài, ngài đều có cách giúp họ giải quyết vấn đề, như vậy thật là không thể nghĩ bàn, chúng ta thật khó mà tin được.

Câu trả lời dùng phương pháp so sánh, “ví như cha mẹ, lòng nhớ nghĩ đến con rất sâu nặng”, là nói trong thế gian, ân tình sâu nặng nhất không gì hơn cha mẹ đối với con cái. Con cái yêu kính cha mẹ thì không nhất định lúc nào cũng vậy, tình cảm này có thể thay đổi, nhưng tấm lòng cha mẹ nhớ nghĩ đến con cái thì đích thực là vĩnh viễn không thay đổi, không gián đoạn. Điều này theo thế gian có thể nói là lòng từ bi chân chánh, không hề có mảy may điều kiện. Con cái nếu có mất đi, cha mẹ vẫn luôn nhớ nghĩ không quên, cũng không bao giờ muốn thấy con cái chịu khổ nạn. Bồ Tát Quán Thế Âm cũng giống như cha mẹ của tất cả chúng sanh. Ngài có “nhiều tài nhiều trí”, lại cũng “đầy đủ thế lực lớn lao”, đây là theo thí dụ như trước đã nói, quả thật đúng như vậy. “Các con gặp tai nạn, cha mẹ liền cứu giúp tất cả, Bồ Tát lại cũng như vậy”, Bồ Tát có năng lực, có trí tuệ, ngài có thể cứu giúp được. Bồ Tát sử dụng “tâm từ bi vô duyên”, duyên tức là chỉ các điều kiện, không hề có điều kiện, hoàn toàn không điều kiện, đó là “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”.

“Trí tuệ quyền biến và trí tuệ chân thật đều sâu xa”, Bồ Tát ở giai vị Đẳng giác tất nhiên là vậy, huống chi trong kinh còn nói cho chúng ta biết rất rõ ràng, Bồ Tát Quán Thế Âm vốn đã thành Phật từ trước, ngài xoay hướng thuyền từ đến thế gian này cứu độ chúng sanh, cho nên hai trí quyền, thật của ngài đều đã rốt ráo viên mãn.

“Thánh tài của ngài vô lượng, sức thần thông lớn, chúng sanh trong mười pháp giới tuy rất nhiều, vẫn thừa sức cứu giúp”, nói về Bồ Tát Quán Thế Âm thì có việc gì là khó khăn đối với ngài? Điều này chúng ta nhất định phải tin tưởng. Vì sao vậy? Chỉ cần có một chút nghi hoặc liền gây chướng ngại cho sự cảm ứng giao hòa với Bồ Tát. Phần trước nói “một lòng chuyên nhất xưng niệm danh hiệu”, quý vị phải ghi nhớ câu này, nếu có một chút nghi hoặc thôi, tâm quý vị sẽ không còn chuyên nhất. Phần vấn đáp tiếp theo sẽ giải thích rõ vấn đề này.

“Hỏi: Nay thấy có người xưng niệm danh hiệu trong nhiều năm, không thấy được một chút hiệu nghiệm nào, vì sao vậy?”

“Nay thấy” tức là nói người này trong hiện tại nhìn thấy. Quả thật chúng ta cũng nhìn thấy trước mắt đúng là như vậy, có nhiều việc giống như vậy. Xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm đã qua nhiều năm, mong cầu điều gì đó mà rốt lại không cầu được, không hề có sự cảm ứng, duyên do là vì đâu?

Trước đây rất nhiều năm, ước chừng khoảng mười năm, khi ấy tôi vừa đến Đài Bắc để giảng kinh, từng ở lại chùa Pháp Hoa, nằm kế bên Tây Môn Đình, trên đường Tây Ninh Nam Lộ. Hình như là khi ấy vừa giảng kinh Địa Tạng xong, rồi tôi có giảng thêm điều gì đó. Có một vị pháp sư đến nghe giảng, nghe đến đoạn nói về sự cảm ứng giao hòa với Bồ Tát linh cảm như thế nào, vị này liền nói với tôi: “Việc này tôi không tin lắm.” Tôi hỏi: “Vì sao vậy?” Vị ấy nói: “Tôi ngày ngày lễ bái Phật, lễ bái Bồ Tát, cầu được một cái tủ lạnh, mà cầu đã 3 năm rồi chẳng được. Bồ Tát chẳng hề ban cho tôi.” Cầu như vậy là hoàn toàn không đúng pháp, chỉ là suốt ngày vọng tưởng mà thôi. Lấy chuyện này mà giải đáp [vấn đề trên] thì rất rõ ràng.

“Việc một lòng chuyên tâm xưng niệm danh hiệu cũng phải có sự, có lý; không theo đúng hai điều ấy thì làm sao cảm được bậc thánh.” Điều này chúng ta nhất định phải ghi nhớ.

Phần trước đã một lần giải thích về chuyên tâm xưng niệm danh hiệu, hoặc nói về sự, hoặc nói về lý, như vậy mới có thể cảm ứng giao hòa, có cầu liền có ứng. Quý vị hiện nay nếu như cả hai điều này, [hoặc sự hoặc lý] đều không có, cho dù ngày ngày ở đó xưng niệm danh hiệu, ở đó niệm Phật, niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, quý vị không hề đạt đến tâm chuyên nhất. Quý vị niệm với tâm xen tạp, niệm với tâm bán tín bán nghi, hoặc niệm với tâm ý muốn thăm dò để thử xem, quý vị niệm chẳng qua chỉ muốn thử xem có linh ứng hay không. Như vậy thì làm sao có sự cảm ứng? Đó là chuyện không thể nào có được.

“Ví như dùng gương soi đặt ở sau lưng”, ở đây ví dụ quý vị có một tấm gương soi, “trong gương hoàn toàn không có hình người”. Tấm gương soi của quý vị đặt ở phía sau lưng, đương nhiên là chẳng soi được gì. Đó là lỗi tại người soi gương, không phải lỗi của tấm gương.

“Như đứng trong khe núi ngậm miệng”, chúng ta ở nơi khe núi mà kêu to một tiếng thì nhất định phải nghe tiếng vọng, nhưng quý vị ngậm chặt miệng lại, không kêu không nói, làm sao có tiếng vọng? Những thí dụ này đều là để làm rõ, việc cảm ứng giao hòa với Bồ Tát có chướng ngại đều là do nơi chính mình, về phía Phật, Bồ Tát hoàn toàn không có chướng ngại. Chướng ngại đều là do chúng ta tự tạo ra.

Phần tiếp theo, Đại sư dẫn một đoạn kinh Lăng-nghiêm để giải thích.

Kinh Lăng-nghiêm nói: “Thứ nhất, do con không tự quán âm thanh, dùng pháp quán để quán người đang quán, nên khiến cho chúng sanh khổ não trong mười phương, khi quán âm thanh của mình liền được giải thoát.”

Kinh Lăng-nghiêm có một đoạn kinh văn như vậy. Đoạn kinh này là Bồ Tát Quán Thế Âm tự mình nói ra chỗ đạt được trong sự tu chứng. Ngài đem chỗ đạt được qua sự tu chứng của mình mà gia hộ độ trì cho hết thảy chúng sanh. Sức mạnh như vậy là không thể nghĩ bàn, đích thật là có thể gia hộ được, không phải là không thể, quả thật là có thể gia hộ độ trì cho chúng sanh.

Trong kinh Lăng -nghiêm so với sự giảng giải ở đây tương đồng về đại thể nhưng cũng có chút khác biệt nhỏ. Ở đây nói về 7 nạn, trong kinh Lăng-nghiêm nói có 8 nạn, nhưng trong số 8 nạn thì giúp cho chúng sanh “khổ não” không sợ sệt là một điều bao quát tất cả. “Khổ” là nói sự khổ do thân thể ta cảm thụ, đủ mọi sự bức bách khó chịu. “Não” là nói sự khổ do nội tâm cảm nhận, tức là những điều bức bách, thúc ép,buồn lo trong tâm, làm cho ta đau khổ.

Kinh văn nói: “Con không tự quán âm thanh, dùng pháp quán để quán cái đang quán”, hai câu này là nêu công phu tu chứng của tự thân Bồ Tát. “Khiến cho chúng sanh khổ não trong mười phương, khi quán âm thanh liền được giải thoát.” Đây là nói rõ chỗ vận dụng tâm từ bi của Bồ Tát, giúp cho người khác giải trừ được sự đau đớn khổ não.

Chúng ta nhất định phải thấu hiểu rõ ràng ý nghĩa đoạn kinh văn này thì sau đó mới có thể tin tưởng và hiểu được năng lực của Bồ Tát Quán Thế Âm do đâu mà có. Chúng ta biết được năng lực của Bồ Tát do đâu mà có thì mới tin được là quả thật có năng lực như thế. Khi ấy, chúng ta xưng niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, một lòng chuyên nhất xưng niệm danh hiệu Bồ Tát cầu cảm ứng, liền đạt được tâm an ổn, lý thấu đạt. Lý sáng tỏ rõ ràng, thấu đạt, tâm liền an ổn, không còn nghi hoặc, không khởi vọng tưởng, tâm chuyên nhất xưng niệm danh hiệu, thì mới có thể đạt được sự cảm ứng giao hòa.

Cho nên có rất nhiều vị đồng tu hỏi tôi, việc tu hành phải bắt đầu từ đâu? Trước hết là phải thấu hiểu lý một cách sáng tỏ. Quý vị chưa hiểu rõ được đạo lý, mù quáng tu hành, tu được một thời gian chẳng thấy có sự cảm ứng gì, đối với pháp Phật liền hoài nghi, sinh tâm thối thất. Cho nên, nhất định phải hiểu lý sáng tỏ. Hiểu lý sáng tỏ thì sự tu tập mới thực sự có hiệu quả vận dụng.

Kinh văn nói “do con” là Bồ Tát Quán Thế Âm tự xưng [khi thưa với Phật]. Phương thức tu học của ngài là “không tự quán âm thanh”. Vậy ngài quán những gì? Ngài “dùng pháp quán để quán cái đang quán”. Câu kinh này cực kỳ vi diệu. Quán là nói đến trí thực hiện việc quán. Phần trước tôi có giảng qua rồi, đó là “vào dòng”, là “xoay cái nghe vào trong”. Bồ Tát Quán Thế Âm đối với hết thảy các loại âm thanh trong thế gian này, như phần trước đã giảng, âm thanh trong thế gian phân ra làm 4 loại lớn, tâm của Bồ Tát Quán Thế Âm không chạy đuổi theo, trôi giạt ra bên ngoài, ngài có thể xoay vào bên trong. Xoay vào bên trong thì quán những gì? Quán “cái nghe đó là gì”. Ngài không quan tâm đến loại âm thanh nào được nghe, không quan tâm điều đó, ngài chỉ quán chiếu xem “cái nghe” đó là gì. “Cái nghe” chính là tánh nghe, đó là “xoay cái nghe lại để nghe tự tánh của mình”.

Nghe tự tánh (văn tánh) tức là nói nhĩ căn. Nhãn căn là thấy tự tánh (kiến tánh). Nhà thiền thường nói “minh tâm kiến tánh” hay “kiến tánh thành Phật”. Văn tánh với kiến tánh cũng đều như nhau. Kiến tánh thành Phật, lẽ nào văn tánh không thành Phật? Làm sao để có thể văn tánh? Xoay cái nghe vào là văn tánh. Bồ Tát Quán Thế Âm vận dụng công phu như vậy. Cho nên khi quán ngài dùng trí quán, trí quán đối với gì? Đối với tánh nghe năng quán.

Bồ Tát Quán Thế Âm có thể từ nơi 6 trần cảnh mà không phân biệt hết thảy các âm thanh, không quan tâm đến hết thảy âm thanh. Âm thanh chỉ là sự cảm phát mà thôi, tức là trợ duyên. Dựa vào sự trợ duyên đó mà Bồ Tát có thể xoay lại cái nghe, đó gọi là lìa trần cảnh (ly trần). Âm thanh tức là thanh trần, Bồ Tát không tự quán âm thanh, đó cũng là lìa trần cảnh. Bồ Tát có thể quán tánh nghe, đó gọi là chiếu tánh, cũng gọi là thấy tánh. Ly trần (lìa trần cảnh) cũng là bội trần (ngược với trần cảnh), chiếu tánh tức là hợp giác (hợp với tánh giác), bội trần hợp giác, Bồ Tát vận dụng phương pháp như vậy. Điều này không cần phải nói nhiều, trước đây tôi đã từng giảng giải rất chi tiết.

Phương pháp tu học này là nguyên tắc chỉ đạo quan trọng nhất trong hết thảy các pháp tu. Bất kể là quý vị tu tập theo pháp môn nào, trong 84.000 pháp môn, cũng đều không thể trái với nguyên tắc này. Trái với nguyên tắc này thì không thể kiến tánh, trái với nguyên tắc này thì niệm Phật không thể đạt được tâm chuyên nhất. Quý vị phải vận dụng đúng phương pháp này thì mới có thể thấy tánh, mới có thể đạt được tâm chuyên nhất không tán loạn. Vận dụng được công phu như thế trên đường tu tập là sự hưởng thụ cao quý nhất trong mọi sự hưởng thụ của thế gian và xuất thế gian, đó là sự thật. Tự mình an trụ trong đại định, đối với hết thảy mọi cảnh giới đều có thể như như bất động, lúc đó gọi là chân tâm thường trụ hiện tiền. Chân tâm hiện tiền cũng chính là tâm thanh tịnh hiện tiền, tôi cũng thường nói là tâm Bồ-đề hiện tiền. Tâm Bồ-đề hiện tiền chính là giai vị Bồ Tát Sơ trụ.

Tâm Bồ-đề khởi sinh tác dụng, chính là như trong kinh Lăng-nghiêm nói “diệu lực vô tác, gia bị chúng sanh” (sức nhiệm mầu không làm mà gia hộ trợ giúp chúng sanh). Vì sao gọi là “vô tác” (không làm)? Vì Bồ Tát không hề có sự khởi tâm động niệm, do vậy mới có được tác dụng rộng lớn đến như thế. Nếu như quý vị thật có sự chiêu cảm, Bồ Tát liền nhận biết ngay lập tức. Nếu như nói rằng “ta sẽ ứng hiện, chúng sanh vừa niệm danh hiệu ta, ta sẽ lập tức tìm đến chúng sanh ấy”, vị Bồ Tát như vậy sẽ mệt mỏi đến chết được. Bồ Tát không khởi tâm niệm. Vì không khởi tâm niệm nên Bồ Tát không mệt mỏi, không chán bỏ; vì Bồ Tát làm mà như không làm, không làm mà làm. Đó gọi là sức nhiệm mầu. Năng lực của Bồ Tát như vậy hết sức nhiệm mầu.

Nếu quý vị không tin, hãy thử nghĩ xem, như ở đây chúng ta có mõ gỗ, chuông đồng, những thứ này có tâm hay không? Một khi quý vị đánh gõ vào, liền lập tức vang lên âm thanh. Chúng không hề nói rằng “khi các ông gõ vào một cái, tôi sẽ lập tức vang lên một tiếng”, chúng không có tâm như vậy. Không có tâm, nên khi quý vị cứ liên tục đánh gõ, đánh gõ suốt một năm, chúng cũng không mệt mỏi. Nếu có tâm sẽ có sự mệt mỏi, không có tâm nên không mệt mỏi.

Tôi ở đây giảng kinh cũng không có tâm, giảng mà không giảng, không giảng mà giảng. Ngồi ở đây suốt ngày, giảng kinh từ sớm đến chiều tối, không mệt mỏi, không mệt mỏi chút nào. Vì sao vậy? Vì giống như không giảng. Nếu như quý vị có tâm, giảng khoảng vài giờ đã mệt mỏi lắm. Vài giờ là mệt rồi. Như quý vị niệm Phật, lễ Phật, khoảng một giờ trở đi là mệt mỏi. Vì sao vậy? Vì có tâm. Nếu quý vị có thể đạt đến chỗ vô tâm như đã nói, quý vị suốt ngày từ sáng đến tối công phu không gián đoạn, ngày ngày lễ bái, trong một ngày lễ bái đủ 24 giờ, quanh năm lễ bái như vậy, nhất định cũng không mệt không chán, không hề mệt mỏi. Khi tu tập lễ bái như vậy không mệt mỏi thì quý vị ở thế gian làm bất cứ công việc gì cũng không mệt mỏi. Pháp môn này thật quá tốt đẹp! Cho nên nếu quý vị học được rồi thì ở giữa thế gian, bất kể là làm công việc gì, quý vị đều sẽ dẫn đầu, không thua kém ai. Vì sao vậy? Vì quý vị có trí tuệ, có định lực, có công phu, phàm phu ở đời không thể nào sánh được với quý vị.

Cho nên Bồ Tát mới có thể thành tựu Kim cương tam-muội. Tam-muội là gì? Tam-muội là thọ nhận chân chánh, tam-muội là hưởng thụ, là sự hưởng thụ bình thường. Kim cương là gì? Là không thể hủy hoại. Sự hưởng thụ của Bồ Tát chính là thanh tịnh vô vi, không làm gì cả, nhưng khi khởi lên tác dụng thì không gì là không làm. Tuy không có gì không làm, nhưng vẫn là không làm gì cả, rất nhiệm mầu như vậy. Nếu vô vi với hữu vi phân thành hai bên thì không có gì là mầu nhiệm. Nhưng đó là một, chẳng phải hai, cho nên mới gọi là “sức nhiệm mầu không làm”. Sức mạnh, năng lượng của Bồ Tát như vậy, gia hộ độ trì cho hết thảy chúng sanh trong mười phương pháp giới. Như vậy mới thực sự đạt đến sự cảm ứng rộng lớn khắp nơi. Ý nghĩa lý luận này là hết sức thâm sâu.

Nhưng tuy là ý nghĩa rất thâm sâu như vậy, cũng không phải là không thể nhận hiểu. Chúng ta có thể nhận hiểu được rồi, chúng ta mới có thể tin nhận. Tin nhận được rồi mới không còn nghi hoặc, chỉ y theo phương pháp ấy mà tu hành, chúng ta nhất định sẽ thành tựu.

Trong kinh văn có những câu hết sức quan trọng thiết yếu. Có khi trong kinh Lăng-nghiêm không có thì trong phẩm Phổ môn lại có, hoặc trong phẩm Phổ môn không có thì trong kinh Lăng-nghiêm lại có. Ví dụ như trong kinh Lăng-nghiêm không nói “nhất tâm xưng danh” (một lòng chuyên nhất xưng niệm danh hiệu), câu này rất là quan trọng thiết yếu, nhưng kinh Lăng-nghiêm không có. Thế nhưng trong kinh Lăng-nghiêm lại có đủ các phương pháp tu hành quan trọng thiết yếu, như “không tự quán âm thanh, dùng pháp quán để quán cái đang quán”. Điều này hết sức quan trọng thiết yếu, nhưng trong phẩm Phổ môn của kinh Pháp Hoa lại không có. Cho nên, chúng ta hợp cả 3 kinh lại để xem thì có bao nhiêu nghi vấn đều có thể tìm được lời giải đáp. Như vậy mới có thể dứt sạch lòng nghi, khởi sinh tín tâm. Pháp sư Đại Nghĩa trong sách giảng giải, ở đoạn này trích dẫn kinh Lăng-nghiêm rất nhiều chỗ, hầu như chỗ nào cũng có trích dẫn kinh Lăng-nghiêm để giải thích.

Phần tiếp theo, Pháp sư viết: “Dùng pháp quán để quán tánh thể, dùng cái nghe để nghe tự tánh.” Đây là Pháp sư Đại Nghĩa giải thích đoạn kinh Lăng-nghiêm vừa dẫn trên. Tánh thể tức là chân như bản thể. Trong kinh Hoa nghiêm nói đến tam đại là thể, tướng và dụng; thể tức là chân như bản tánh. Bồ Tát quán là quán chân như lý thể; Bồ Tát nghe là nghe chân như bản tánh. Thểtánh là một, chẳng phải hai. Thể tánh là gì? Có thể nói với quý vị, đó là tâm chuyên nhất. Khi giảng giải tiêu đề kinh tôi đã có nói qua, hết thảy các pháp đều quy về trong 3 pháp: chúng sanh pháp, Phật pháptâm pháp. Ba pháp đó trong thực tế cũng chỉ là một tâm pháp, tức là nhất tâm, hay tâm chuyên nhất.

Tâm chuyên nhất tức là tâm thanh tịnh, tâm phân hai là tâm không thanh tịnh. Tâm chuyên nhất là tâm tỉnh giác, tâm phân hai là tâm nhiễm ô. Trong tâm chuyên nhất vốn không có khổ, vui. Cho nên Lục tổ Đại sư nói: “Xưa nay không một vật.” Đó cũng chính là nhất tâm, cũng là tâm tánh. Trong tâm tánh không có gì cả, ngay cả cái “không có gì cả” đó cũng không có. Nếu như trong tâm chuyên nhất mà vẫn còn có cái “không có gì cả” thì đó vẫn còn là tâm phân hai, không thực sự là tâm chuyên nhất.

Trong tâm chuyên nhất vốn không có khổ hoặc vui, vậy khổ vui trong tâm từ đâu đến? Điều này phải nói đến Duy thức. Khổ hoặc vui chỉ ở trong vọng tâm mới có, trong chân tâm hoàn toàn không có. Khi mê hoặc để mất chân tâm thì gọi là vọng tâm. Vọng tâm đó tức là nói thức a-lại-da, là căn bản của vọng tâm. Từ nơi thức a-lại-da lại biến hiện ra thức mạt-na với 6 thức[10] hướng ra ngoài, được gọi chung là 7 chuyển thức, đều do thức a-lại-da biến hiện ra. Đó đều là thể của tâm, thể của vọng tâm. Trong thể của vọng tâm, xin thưa với quý vị là cũng không hề có khổ hoặc vui. Tám thức trải qua đều là hư vọng, khổ vui từ đâu mà có? Khổ vui từ những tâm tương ưng [của 8 thức] mà có, có thể thấy rằng đó là hư vọng ở trong hư vọng, đối với chân tâm của chúng ta hoàn toàn không có liên quan gì, mà đối với vọng tâm của chúng ta cũng chẳng có quan hệ gì đáng nói, chính là từ trong các tâm sở mà phát sinh, từ trong 51 tâm sở phát sinh.

Nếu như chúng ta thực sự thấu hiểu rõ ràng ý nghĩa này, đó gọi là quay lại quán chiếu. Một lần quay lại quán chiếu liền thấy biết rõ ràng minh bạch. Chúng ta làm sao có thể để cho tâm hư vọng đó sai khiến? Như vậy chẳng phải là điên đảo sao? Tâm sở trở thành chủ nhà, làm chủ nhân ông; bản tánh, tâm vương lại phải nghe theo chúng, có lý nào lại như vậy? Ở chư Phật, Bồ Tát đều là chân như, bản tánh làm chủ, các tâm sở đều phải nghe theo sự chỉ huy của tâm vương. Như vậy thì trở thành như thế nào? Đó là thành sở tác trí, thành tựu vô lượng vô biên sự nghiệp lợi ích chúng sanh. Phật muốn làm lợi ích chúng sanh nên dùng đến tâm vương, cũng có thể dùng các tâm sở, thế nhưng đó không phải là chỗ tự thọ dụng. Chỗ tự thọ dụng của chư Phật là tâm thanh tịnh, là cảnh giới tịch diệt, đó là tự thọ dụng. Về tha thọ dụng thì từ trong bản tánh biến hiện ra tâm vương, tâm sở, đó là tha thọ dụng, dùng để giáo hóa chúng sanh, hoàn toàn xem đó là công cụ, phương tiện, biến thành hậu đắc trí, biến thành thành sở tác trí. Đó chính là hiệu quả của việc xoay cái nghe, quay lại quán chiếu [tự thân].

Phần sau nói “theo âm thanh mà lưu chuyển”, tức là nói kẻ phàm phu, tùy theo cảnh giới bên ngoài mà khởi tâm động niệm, tâm bám chấp chạy đuổi theo cảnh giới. Chạy theo ngoại cảnh, thấy hợp với ý muốn của mình liền khởi tâm vui mừng, thấy không hợp với ý muốn của mình liền khởi tâm sân hận. Tâm đã bám víu chạy theo ngoại cảnh thì suốt ngày từ sớm đến tối luôn bị ngoại cảnh xoay chuyển.

Xin nhắc lại với quý vị, cảnh giới bên ngoài đó là giả; cảnh giới bên ngoài vốn là thanh tịnh, chẳng phải Phật cũng chẳng phải ma. Nếu tự tâm quý vị là tâm Phật thì hết thảy cảnh giới bên ngoài đều là Phật. Nếu tự tâm quý vị là tâm ma thì hết thảy cảnh giới bên ngoài đều là tâm ma. Trong kinh điển, đức Phật đã giảng giải cho chúng ta rất rõ ràng, cảnh theo tâm mà chuyển.

Cho nên, chúng ta ở trong cảnh giới có thể biết được trình độ tu tập của chính mình. Nếu ta ở trong cảnh giới chỉ thấy toàn là ma, đó chính là trong tâm ta có ma. Nếu trong tâm ta không có ma, làm sao có thể thấy ma nơi ngoại cảnh? Cần phải thấu hiểu rõ ràng ý nghĩa này. Nếu quý vị đạt được tâm đồng thể đại bi thì sẽ thấy được ngoại cảnh đều là tướng tịch diệt thanh tịnh. Như trong kinh Hoa nghiêm có dạy, pháp giới vốn là nhất chân, do chúng ta khởi tâm động niệm nên đối với pháp giới nhất chân ấy nhìn thấy sai lệch, nhìn thấy thành ra mười pháp giới, nhìn thấy thành ra vô lượng vô biên pháp giới, đó đều là do chính mình tạo thành.

Khi tâm quý vị thanh tịnh không khởi sinh bất cứ ý niệm nào, quý vị sẽ nhìn hết thảy mọi người đều không có sự phân biệt, thấy hết thảy mọi người đều không thể nói là người tốt, cũng không thể nói là người xấu, hoàn toàn không có sự phân biệt.

Cho nên, cảnh giới vốn là bình đẳng. Khởi lên một niệm tâm lành, “hết thảy đều là người tốt”; khởi lên một niệm “người ấy có vẻ xấu ác, thì hết thảy đều là kẻ ác”. Đều là do tâm quý vị động. Có người nào là tốt hay xấu? Đều là do tâm của quý vị động. Quý vị khởi niệm thiện, cảnh giới liền thiện; khởi một niệm ác, cảnh giới liền ác; khởi một niệm Phật, hết thảy đều là cảnh giới Phật; khởi một niệm ma, hết thảy đều là cảnh giới ma. Đích thật là vạn pháp duy tâm (muôn pháp đều do nơi tâm)!

Khi chúng ta vào trong cảnh giới, như trong xã hội hiện nay, mỗi người đều ngày ngày suy nghĩ, ham muốn những mẫu thời trang mới, đặc biệt là các đồng tu phái nữ. Chúng ta hãy lấy ngành thời trang y phục làm thí dụ. Các nhà thiết kế y phục thời trang ngày ngày suy nghĩ tạo ra kiểu mẫu, suy nghĩ được một mẫu mới, đưa ra thịnh hành trong năm. Tốt thôi! Nhưng rồi năm trước quý vị vừa may một bộ y phục, còn chưa mặc qua được vài lần, năm nay có mẫu thời trang mới, mẫu cũ thành lỗi thời, quý vị liền lập tức suy nghĩ tìm cách làm sao để mua cho được một bộ hợp thời trang. Khi quý vị vừa mua được mẫu thời trang ấy rồi, qua mấy ngày sau thì họ lại thiết kế ra một mẫu khác, mẫu cũ thành lỗi thời. Quý vị bị những người thiết kế thời trang điều khiển, xoay chuyển. Quý vị vất vả khổ sở kiếm tiền rồi đều mang đến nuôi dưỡng những người ấy, đều bị họ phỉnh gạt hết sạch. Đó là gì vậy? Là ma, chính thật là ma. Ma ở chỗ nào? Đó chính là ma vương, ngày ngày suy nghĩ kiểu mới, làm cho quý vị không được an ổn trong tâm, lôi kéo quý vị chạy theo.

Các nhà thiết kế thời trang đó đối với người xuất gia chẳng làm gì được. Vì sao vậy? Vì người xuất gia chỉ có một hình thức. Người xuất gia mặc y phục chỉ một hình thức, không bao giờ thay đổi. Mấy trăm năm nay cũng một hình thức đó, nên họ quả thật không làm gì được. Nếu như quý vị đã nhận hiểu được rồi, y phục dù lỗi thời cũng vẫn mặc được, y phục đó vẫn còn rất tốt. Tôi mặc một bộ quần áo ít nhất cũng 10 năm, 8 năm chưa hư rách, cần gì phải chịu ảnh hưởng sự bày đặt của bọn họ?

Nếu như quý vị nói, mặc những quần áo như vậy thì người ta sẽ chê cười. Cười thì cũng chẳng phải cười quý vị. Nếu cười đến chết thì họ chết, không phải quý vị chết, chúng ta không chết; cười đến chết là họ chết, ta không chết, họ chết như vậy cũng đáng đời, ta không chết. Như vậy quý vị không bị họ sai khiến. Ngày ngày họ bày trò thêm kiểu, quý vị cứ như như không dao động.

Nói cho quý vị biết, quý vị nên nhìn họ như Phật, họ mỗi ngày đều khảo nghiệm quý vị, quý vị không động tâm, đó là như trước đây có một lần tôi đã nói với quý vị về việc vâng theo tam quỹ (3 quy tắc).[11] Đây chính là “tư thành quỹ”. Họ hỗ trợ giúp đỡ cho quý vị, thành tựu cho quý vị, thành tựu cho sự như như bất động của quý vị. Bồ Tát ở trong cảnh giới tu tập những gì? Chính là trải qua sự việc mà rèn luyện tâm mình. Những người này không phải Phật thì ai mới là Phật? Chính họ giúp đỡ, hỗ trợ cho quý vị thành Phật.

Khi quý vị buông thả tâm chạy đuổi theo ngoại cảnh thì những người ấy là ma; quý vị là ma thì họ cũng là ma. Quý vị giữ tâm như như bất động, quý vị là Phật thì họ cũng là Phật. Cho nên, Phật với ma ở đâu? Đều ở trong một niệm tưởng mà thôi. Hy vọng quý vị suy xét kỹ về ý nghĩa này. Ý nghĩa này được thông suốt rồi thì sự tu hành của quý vị tự nhiên rộng đường mở lối, mới có lý luận để y cứ, không rơi vào chỗ mù quáng đi theo, không rơi vào mê tín, có thể đạt được lợi ích chân thật.

Nói chung, khi tâm buông thả hướng ra bên ngoài thì đều dẫn đến khổ não, cho nên nói “do đó chịu khổ não”. Không chỉ là trong pháp thế gian, trong Phật pháp cũng là như vậy. Quý vị đã biết rằng, trong Phật pháp thì chư Phật Bồ Tát khuyến khích chúng ta phải hoằng pháp lợi sinh. Quý vị bám chấp nơi hình tướng của việc hoằng pháp lợi sinh, ngày ngày cố nghĩ ra đủ mọi phương pháp để hoằng pháp lợi sinh. Như vậy là hỏng! Quý vị bám chấp thành ma, tâm của quý vị toàn chạy theo nơi ngoại cảnh. Cho nên, Bồ Tát phải có đại nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.” Chỉ có điều là tuyệt đối không phải đi tìm chúng sanh để hóa độ. Có nguyện rồi, không được khởi tâm, tức là nói không được có vọng niệm. Chúng sanh phải có cơ duyên thành thục mới có thể được hóa độ. Cơ duyên thành thục thế nào đều là thuận theo tự nhiên, gượng ép tạo ra thì phải chịu khổ não. Xin thưa với quý vị, tùy duyên mà làm thì trong mỗi một niệm đều viên mãn công đức.

Ví dụ như nói về sự bố thí, tôi xin nêu ra một việc mà chúng ta rất thường thấy. Ở ngôi chùa kia hôm nay có pháp hội, dù có việc gì ta cũng nên đến đó vun bồi phúc đức, đến đó cúng dường một đôi chút. Quý vị dùng hết khả năng của mình để cúng dường, điều đó rất tốt, đó là tu phúc. Lại có người khác không có khả năng, thấy mình không đủ sức cúng dường, liền đi vay mượn tiền lãi cao để cúng dường tạo phúc. Như vậy là sai lầm, cực kỳ sai lầm. Chuyện vượt quá sức mình mà gượng ép miễn cưỡng làm, đó gọi là chạy theo ngoại duyên, không phải tùy duyên. Trong việc tùy hỷ liền có công đức, việc chạy theo ngoại duyên không có công đức, chỉ có khổ não. Một mặt thì làm việc cúng dường tạo phúc, một mặt phải lo tiền vay bạc mượn lãi cao, phải trả ra rất nhiều tiền bạc, có lẽ nào đó lại là bản ý đại từ đại bi của nhà Phật! Chỉ có ma mới bức bách quý vị phải làm như thế, mới khiến cho quý vị đi vay tiền lãi cao để cho ma hưởng thụ, ma mới làm những việc như vậy. Phật thì không, không bao giờ như vậy.

Chuyện mê muội như vậy nhưng quả thật có không ít người làm theo, chúng ta đều đã từng thấy rất nhiều trường hợp. Miễn cưỡng gượng ép mà làm, đó là sai lầm. Đem hết sức mình mà làm, hoàn toàn không miễn cưỡng, như vậy là công đức viên mãn. Không cần phải so sánh với người khác. Như người có khả năng, có thể quyên góp cả chục ngàn đồng,[12] chúng ta vốn không có khả năng, mỗi tháng thu nhập chỉ được vài ngàn, làm sao có thể so sánh với họ? Người ta mỗi tháng thu nhập đến mấy trăm ngàn, hoặc đến mấy triệu đồng, họ đưa ra mười ngàn vốn không đáng kể, chúng ta đưa ra một trăm, vài trăm đã thấy hết sức rồi. Nhưng một trăm, vài trăm đó của quý vị được phước báo vượt hơn người kia đưa ra mười ngàn, vài chục ngàn, vì thu nhập của họ nhiều, so theo tỷ lệ thì sự góp sức của quý vị lớn hơn, phước báo của quý vị cũng lớn hơn họ. Như vậy mới là thật sự công bằng.

Không phải chỉ người có tiền mới có thể tu phúc. Phúc đức tu được của người không có tiền lại nhiều hơn so với người có tiền. Cho nên trong đời sau quý vị sẽ giàu có hơn cả họ. Người giàu không phải là đời đời kiếp kiếp luôn luôn giàu. Người nghèo cũng không phải đời đời kiếp kiếp luôn luôn nghèo. Như vậy thì chẳng có công bằng. Nếu như nói người giàu mới có khả năng tu phúc, người nghèo không thể tu phúc, như vậy thì ông trời không công bằng.

Trong Phật pháp là hết sức công bằng. Kinh Phật kể lại cho chúng ta nghe một câu chuyện thời xưa. Có một cô gái nghèo, khổ sở vất vả đến nỗi chẳng kiếm được bữa cơm ăn. Một hôm được gặp Phật, cô gom góp hết toàn bộ tài sản của mình chỉ được một đồng tiền. Cô mang một đồng tiền ấy cúng dường lên Phật, với tâm hết sức thành kính. Đó là cung kính cúng dường toàn bộ những gì mình có được. Đời sau cô sinh ra được quả báo cực kỳ giàu có, cực kỳ sang quý, được làm hoàng hậu. Vì sao vậy? Vì cô cúng dường toàn bộ tài sản, lại hết sức thành tâm thành ý, cho nên được quả báo lớn lao như vậy. Khi được sinh ra làm hoàng hậu như vậy, cô lại sinh tâm kiêu ngạo. Nhưng do căn lành đời trước nên mỗi khi gặp người xuất gia cũng đều cúng dường, gặp chùa, miếu cũng cúng dường rất nhiều. Trong chùa có một vị hòa thượng chứng đắc thần thông, biết được tiền thân của cô gái, nói với cô rằng: “Công đức của cô ngày nay so với công đức đã tạo đời trước thật chênh lệch với nhau rất nhiều, rất nhiều. Công đức đời này của cô chỉ nhỏ nhặt bằng phần ngàn, phần vạn của công đức đời trước. Công đức đời trước của cô là cúng dường toàn bộ những gì mình có.” Nói như vậy mới là công bằng, như vậy mới có ý nghĩa.

Cho nên, khổ, vui từ đâu mà có, chúng ta cần phải hiểu rõ.

“Bồ Tát lìa trần cảnh, trở lại chân tánh”, tức là trừ thoát năm dục sáu trần, tâm như vậy tuyệt đối không trụ yên trong cảnh giới của sáu trần cảnh. “Trở lại chân tánh”, tánh đó là tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì thân cũng thanh tịnh. Thân tâm thanh tịnh thì cảnh giới thanh tịnh, thế gian này đối với sự cảm thọ tự thân của quý vị chính là cõi nước Cực Lạc, chính là Tịnh độ. Tịnh độ từ đâu mà có? Tâm tịnh ắt cõi nước tịnh. Hiện tại được thanh tịnh, đến thế giới Tây phương Cực Lạc cũng thanh tịnh như vậy. Cho nên đạt được tâm thanh tịnh thì mới có thể cảm ứng được Tịnh độ của chư Phật hiện tiền. Chỉ cần có thể “lìa trần cảnh, trở về chân tánh, các vọng tự thoát”, thoát là thoát ly, lìa khỏi, được giải thoát.

“Có thể khiến cho những chúng sanh khổ não”, tức là nói năng lực như vậy của Bồ Tát có thể gia hộ độ trì cho chúng sanh đang chịu khổ não, chúng sanh chưa được giác ngộ, chúng sanh mê hoặc điên đảo, gia hộ độ trì cho khắp thảy. Tuy Bồ Tát gia hộ cho khắp thảy, nhưng tự thân quý vị tất yếu phải có sự giác ngộ, thì quý vị mới có thể thọ dụng được sức gia trì của Bồ Tát. Điều này cũng giống như tấm gương có khả năng phản chiếu, nhưng quý vị không đặt trước mặt để soi lại đặt phía sau lưng thì không có tác dụng, trong gương không thể có hình. Cho nên, bản thân quý vị phải có sự dụng tâm.

Chỗ này lại nói “trì niệm danh hiệu được Bồ Tát quán chiếu”, nhờ Bồ Tát quán chiếu nên được sức gia hộ, “cũng được giải thoát, đó là nhờ sức quán từ bi chân thật thanh tịnh gia hộ mà được”.

Đoạn kinh văn này là đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói với ngài Vô Tận Ý, nêu rõ về công đức của Bồ Tát Quán Thế Âm, về năng lực của ngài, về sự thật là ngài cứu độ hết thảy chúng sanh gặp khổ nạn. Chúng ta sở dĩ không nhận được sự cảm ứng, không chỉ là như Đại sư giảng giải ở đây, mà còn do chúng ta xưng niệm danh hiệu Bồ Tát không hề đạt đến sự nhất tâm, chúng ta trong lúc xưng niệm danh hiệu Bồ Tát mà vẫn còn có sự nghi hoặc. Thậm chí ngay từ căn bản chúng ta đã không thể tin nhận. Nhưng đã không tin thì vì sao còn niệm? Là chỉ vì muốn thử nghiệm, muốn thử xem sao. Niệm thử như vậy rồi thấy không hề có sự cảm ứng. Niệm như vậy thì không niệm còn tốt hơn.

Từ câu “không thể làm gì được” trở đi nói trường hợp bị bức bách không thể nào không xưng niệm, cầu Bồ Tát để thử xem có kết quả không. Dùng tâm như vậy mà niệm, làm sao có thể được thành tựu? Trường hợp như vậy tức là không nhận hiểu được rõ ràng ý nghĩa của việc trì niệm. Xin nhắc lại với quý vị rằng, ý nghĩa này, chúng ta ở đây học tập trong 7 ngày, suốt 7 ngày để lắng nghe học hỏi ý nghĩa này cho thật rõ ràng minh bạch. Nếu thực sự nghe hiểu và tin nhận được thì quý vị đúng là bậc thượng căn, là bậc xuất chúng. Nếu là người bình thường thì sau 7 ngày nghe giảng sẽ đạt được đến mức nào? Chỉ là ở mức bán tín bán nghi thôi. Cho nên, ý nghĩa này phải thường xuyên giảng nói, thường xuyên nghiên cứu thảo luận, như vậy thì mới có thể thực sự nhận hiểu sáng tỏ rõ ràng, rồi mới có thể thực sự tin nhận.

Đó là sự thật. Như bản thân tôi học Phật đến 7 năm mới có thể thực sự tin nhận việc niệm Phật, thời gian trước đó căn bản là chưa tin nhận. Tôi là người đối với Phật học cực kỳ ham thích, rất vui thích trong việc nghiên cứu, học hỏi khảo sát, nhưng phải mất đến 7 năm mới thực sự tin nhận. Làm sao có thể tin nhận? Chỉ là bán tín bán nghi, tức là không chống lại, trong suốt 7 năm chỉ là không chống lại ý nghĩa này, cũng tụng đọc, cũng nghiên cứu những kinh luận liên quan. Nếu quý vị hỏi tôi rằng, vậy khi nào tôi mới thực sự tin nhận? Xin nói thật cùng quý vị, tôi đến hôm nay mới thật sự tin nhận. Bởi vì tín tâm của ngày hôm qua không giống như ngày hôm nay, tín tâm của ngày mai so với ngày hôm nay lại sẽ tiến xa hơn một chút nữa. Điều này quả thật không đơn giản. Mỗi ngày đều có thêm chỗ hiểu.

Cho nên, quý vị đến đây nghe tôi giảng kinh, trong số chúng ta ở đây cũng có cả nhiều vị đồng tu lớn tuổi, trước đây mười mấy năm cũng đã từng đến nghe tôi giảng. Nếu như tìm lại những băng ghi âm các buổi giảng của tôi trước đây, so với ngày nay sẽ thấy không giống nhau. Cùng một bộ kinh, mỗi lần giảng là một lần khác nhau. Cùng một bộ kinh, từ đầu kinh giảng đến cuối kinh, cảnh giới ban đầu với cảnh giới về sau không giống nhau.

Cho nên, nếu quý vị hỏi tôi từ lúc nào mới có tín tâm, tôi sẽ nói với quý vị đến ngay lúc này mới có tín tâm. Nếu như ngày mai nói có tín tâm, thì tất nhiên là ngày hôm nay không tính.

Hy vọng quý vị có thể nhận hiểu được một chút ý nghĩa trong việc này. Nếu có tâm nhẫn nại, có tâm kiên trì, có nghị lực, làm tốt việc nghiên cứu học hỏi, thì sự lợi ích nhận được không thể nào nói hết.

Thuở ban sơ tôi bắt đầu tìm hiểu Phật pháp, nhờ một câu nói của Tiên sinh Đông Phương Mỹ đã thôi thúc, làm động cơ cho sự tu học của tôi.

Khi ấy, tôi theo tiên sinh học triết học, thầy bảo tôi rằng, triết học trong kinh Phật so với hết thảy các loại triết học là cao nhất, là tột bậc, không gì hơn được. Đó chỉ là nói về phương diện học thuật, không hề làm cho tôi động tâm. Sau đó thầy lại nói: “Đọc kinh Phật là sự hưởng thụ cao nhất ở thế gian.” Câu nói này thực sự làm tôi động tâm. “Sự hưởng thụ cao nhất”, như vậy thì tôi nhất định phải đạt đến cho bằng được. Kết quả là thầy không hề dối gạt tôi. Đích thật là khi đạt được rồi mới thấy đó quả là sự hưởng thụ cao nhất. Cho nên lòng tôi đối với ân đức của thầy không giây phút nào quên. Con đường tôi đi chính là nhờ thầy chỉ lối. Tôi thực sự đạt được lợi ích, đó cũng là không phụ công ơn thầy.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.


______________________

CHÚ THÍCH

[1] Tức là nói bắt đầu từ câu kinh “Thế Tôn! Quán Thế Âm Bồ Tát dĩ hà nhân duyên danh Quán Thế Âm.”

[2] Kinh Đại Bát Niết-bàn, quyển 25: “具二莊嚴者能問能答 - Cụ nhị trang nghiêm giả, năng vấn năng đáp.” Xem Đại Chánh tạng, Tập 12, số 375, trang 767, tờ c, dòng 16.

[3] Ở đây giảng rộng về ý nghĩa “Đại kinh” được dùng trong các tông phái khác nhau. Riêng trường hợp trong câu giảng giải trên là trích từ kinh Đại Bát Niết-bàn như chúng tôi đã dẫn.

[4] Ở đây nhắc lại nội dung phần trước đã giảng về “miễn thất nạn, ly tam độc”.

[5] Hai sự mong cầu được nói trong phẩm Phổ môn là cầu sanh con trai và cầu sanh con gái. Tuy nhiên, đây chỉ là cách nói biểu trưng hàm ý tất cả những sự mong cầu của chúng sanh nếu cảm ứng đến Bồ Tát thì đều được thỏa mãn.

[6] Nguyên bản dùng “công quá cách”, chỉ phương pháp sửa lỗi bằng cách dùng một quyển sổ ghi lại tất cả những điều thiện ác, đúng sai đã làm rồi tự mình xem lại, suy ngẫm và tự sửa chữa.

[7] Tam luân thể không: tức là thấy được rằng cả ba yếu tố liên quan đều không: không có người niệm, không có người được niệm, cũng không có cả việc xưng niệm.

[8] Tức Cư sĩ Lý Bỉnh Nam.

[9] Tức “tứ chủng thanh tịnh minh hối”, Phật răn dạy về việc người tu hành nhất thiết phải đoạn trừ 4 việc là dâm dục, giết hại, trộm cắp và nói dối.

[10] Sáu thức chỉ nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

[11] Tức là chân tánh quỹ, quán chiếu quỹ và tư thành quỹ. Ba nội dung này cũng nằm trong thập diệu của kinh Pháp Hoa, tức mục thứ năm là Tam pháp diệu.

[12] Hòa thượng giảng tại Đài Loan nên ở đây nói đến đồng tiền của Đài Loan, số tiền 10.000 này tương đương khoảng 8.000.000 đồng Việt Nam.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1494 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đức Phật và chúng đệ tử


Kinh Phổ Môn


Sen búp dâng đời


Phật giáo và Con người

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.238.202.29 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (246 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...