Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta nên hối tiếc về những sai lầm và học hỏi từ đó, nhưng đừng bao giờ mang theo chúng vào tương lai. (We should regret our mistakes and learn from them, but never carry them forward into the future with us. )Lucy Maud Montgomery
Đừng làm một tù nhân của quá khứ, hãy trở thành người kiến tạo tương lai. (Stop being a prisoner of your past. Become the architect of your future. )Robin Sharma
Yếu tố của thành công là cho dù đi từ thất bại này sang thất bại khác vẫn không đánh mất sự nhiệt tình. (Success consists of going from failure to failure without loss of enthusiasm.)Winston Churchill
Sự thành công thật đơn giản. Hãy thực hiện những điều đúng đắn theo phương cách đúng đắn và vào đúng thời điểm thích hợp. (Success is simple. Do what's right, the right way, at the right time.)Arnold H. Glasow
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Đoạn tam độc: Tham, sân, si »» Đoạn tam độc: Tham, sân, si »»

Đoạn tam độc: Tham, sân, si
»» Đoạn tam độc: Tham, sân, si

Donate

(Lượt xem: 12.387)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Đoạn tam độc: Tham, sân, si

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Trong Phẩm 32 - Thọ Lạc Vô Cực của kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật đã chỉ rõ những điểm thù thắng siêu tuyệt, tịnh định, an lạc của cõi Cực Lạc, mục đích là để khiến cho chúng sanh sanh lòng ưa thích, hâm mộ, phát nguyện cầu sanh Cực Lạc. Liền kế tiếp đó, đức Phật liền nêu lên những điều tệ ác của cõi Sa Bà trong Phẩm 33 - Khuyến Dụ Sách Tấn ( Nhiều Lần Khuyên Gắng) .

Những điều Phật nói được ghi lại trong Phẩm Khuyến Dụ Sách Tấn là: Chúng sanh nghiệp sâu, chướng nặng, ba độc tham, sân, si lừng lẫy, hừng hực như ngọn lửa lớn đốt cháy thân tâm của con người. Nguyên nhân chánh yếu tạo ra những nghiệp chướng sâu nặng này chính là do “si hoặc,” cho nên phải chịu khổ báo vô tận, chìm đắm trong biển khổ, đau đớn không cách gì diễn tả nổi. Vì thế, Phật thương xót khuyên bảo chúng sanh hãy nên chán lìa cõi Sa Bà này, dứt ác làm lành, tinh tấn hành đạo, cầu sanh An Lạc quốc.

Tham Độc

Trong Phẩm Khuyến Dụ Sách Tấn, trước hết kinh nói về “tham độc.” Đức Phật chỉ rõ, toàn bộ chúng sanh trong cõi này đều bị “tham độc” làm phiền não, khổ đau. Phật khuyên lơn chúng sanh nên nhàm lìa. Kinh chép: “Người đời tranh nhau, những việc không đâu, trong chốn ác nghiệp, cùng bao sự khổ, siêng làm kinh doanh, tự cung dưỡng thân. Cao sang nghèo khó, lớn nhỏ nam nữ, suy nhớ chồng chất, do tâm sai sử, không ruộng lo ruộng, không nhà lo nhà, họ hàng của cải, có không cũng lo, được một thiếu một, lo cho bằng người. Vừa được chút ít, lại càng lo hơn, nước lửa giặc trộm, oan gia trái chủ, đốt phá cướp giựt, hủy diệt tiêu tan, tâm tham ý chấp, không thể buông bỏ, mạng chung xuôi tay, chẳng mang được gì. Nghèo giàu như nhau, khổ lo muôn mối.”

Chúng sanh ở cõi Sa Bà này do vì chỉ tham mê danh lợi, nên chuốt lấy những nổi sầu khổ muôn bề, chẳng biết lúc nào mà thoát khỏi. Người đời cùng nhau tranh cạnh những chuyện thế tục không quan trọng, khẩn yếu, chẳng coi trọng đại sự cấp bách nơi bản thân mình, chẳng biết vô thường lướt qua rất nhanh chóng, sanh tử là việc lớn. Phật than thở rằng: Chuyện “sanh tử đại sự” là nhiệm vụ cấp bách trước hết; thế mà người đời cứ thờ ơ, lơ là đối với việc gấp như lửa cháy này. Ngược lại, đối với những việc chẳng gấp rút gì, thì lại hối hả lo toan. Khi mạng người sắp hết, dẫu hối hận, thì cũng đã muộn màng rồi; sao lúc còn khỏe mạnh không ráng lo tu thiện, đến lúc sắp lâm chung mới hối hận, gấp gáp lo toan, làm như vậy có ích lợi gì chứ ?

Cổ đức thường bảo: “Vật thì có gốc, ngọn; việc thì có gấp, hoãn.” Cho nên, Phật khuyên răn, chỉ nên coi sanh tử là đại sự, là nhiệm vụ cấp bách trước hết. Ví như người vào trong tòa thành lớn, trước tiên phải kiếm chỗ ở yên ổn, để đến khi chiều tà tăm tối, còn có chỗ nghỉ đêm, rồi sau đó mới ra tay làm lụng. “Trước tiên phải kiếm chỗ ở yên” chính là tu Tịnh Ðộ. “Đến khi chiều tà tăm tối” ám chỉ lúc gần kề với cái chết. “Có chỗ nghỉ đêm an ổn” là sanh trong hoa sen nơi ao thất bảo, chẳng bị lạc vào nẻo ác.

Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật ví thế gian này như căn nhà lửa đang cháy lớn, thì đương nhiên chẳng phải là chỗ an toàn để ở; vì thế, Phật khuyến dụ hết thảy chúng sanh hãy mau chóng chạy ra khỏi căn nhà lửa này. Nếu những ai tuân theo lời Phật dạy, buông bỏ mọi thứ trong căn nhà lửa ấy mà chạy thoát ra ngoài, Phật sẽ tùy tâm ý thích của họ mà ban cho họ xe dê, xe lừa hay xe trâu trắng lớn. Xe dê ví cho tiểu quả Thanh Văn, Duyên Giác, xe lừa ví cho đại quả Bồ tát và xe trâu trắng lớn ví cho Phật quả cứu cánh.

Trong kinh này đức Phật lại bảo: “Trong chốn ác nghiệp, cùng bao sự khổ,” tức là Phật đã sát định cho chúng ta biết cõi này đây chính là Trược Thế Ác Khổ, thế gian này đây chính là Ngũ Ác Kịch Khổ. Trong Phẩm Trược Thế Ác Khổ của kinh này nói : “Năm ác năm khổ, năm thiêu như thế, ví như lửa lớn, thiêu đốt thân người.” Ác là nhân, khổ là quả ! Giết chóc, trộm cắp, dâm dục, nói dối, nghiện ngập là những điều rất ác. Hễ ai tạo ra một trong năm thứ ác ấy, ắt phải lãnh chịu quả ác, nên năm điều ấy được gọi là năm thứ đau đớn, năm thứ lửa lớn hừng hực đốt cháy thân tâm của người đời, khiến họ khổ sở đến cùng cực.

Hết thảy các loại người trong thế gian này, từ những người có địa vị cao sang cho đến những kẻ thấp hèn, lớn tuổi hay nhỏ tuổi, trai hay gái v.v... Tất cả những hạng người sai khác này, chẳng ai lại không cùng ôm ấp tấm lòng ngu si, tham dục đến mức khiến cho thân lao, tâm khổ tứ bề. Phàm phu chúng ta hằng ngày đều là lo nghĩ chất chồng, bôn ba nhọc nhằn, vất vã toan tính, làm lụng để tự nuôi dưỡng tấm thân, để mình được đầy đủ, no ấm cho qua khỏi cái kiếp này. Như Phẩm kinh này nói: “Siêng làm kinh doanh, tự cung dưỡng thân, cao sang nghèo khó, lớn nhỏ nam nữ, suy nhớ chồng chất, do tâm sai sử.” Người đời thường do dục tâm sai sử và lôi kéo, khiến cho lúc nào cũng chộn rộn, bôn ba, lo nghĩ mãi chuyện đã qua, lo lắng hoài chuyện chưa tới. Với cái tâm niệm ấy nên chẳng lúc nào an nghĩ. Hễ khi tâm mình có điều gì mong muốn, khát khao, thì cái thân này phải lãnh chịu mọi sự cực khổ, nhọc nhằn theo, cốt làm sao cho cái tâm được thỏa mãn. Ví dụ như khi ta muốn sắm sửa một vật mình yêu thích, thì không ngại khó nhọc, bưng bê, khuân vác bề bộn, bôn ba sửa soạn. Thậm chí, nếu không có đủ tiền để mua sắm những thứ mình thích, thì phải đi vay mượn, rồi cả đời phải làm lụm cực nhọc để trả nợ. Không nói đến là có những lúc tuy thân tâm làm việc rất vất vả, cực nhọc, nhưng vẫn chẳng thể trả nổi món nợ đã vay mượn, nên những thứ mình sắm sửa ấy bèn bị chủ nợ đến kéo đi để trừ nợ, khổ lại càng khổ hơn.

Những điều mong cầu của người đời không thể buông bỏ, thường luôn mang theo canh cánh trong tâm niệm, đều chỉ là tài vật, danh lợi, tiếng tăm v.v... cho nên, tâm phải luôn suy nhớ chồng chất. Do cái “tâm tham ý chấp” ấy mà lúc nào cũng phải chăm chăm mong cho có được cái mà mình tham muốn, nên bị cái tâm ấy sai khiến, làm cho thân chẳng bao giờ được an nhàn. Hằng ngày con người thường suy nhớ chồng chất những thứ gì ? Phật nêu ra những điều ấy trong một đoạn kinh văn dài như sau : “Không ruộng lo ruộng, không nhà lo nhà, họ hàng của cải, có không cũng lo, được một thiếu một, lo cho bằng người. Vừa được chút ít, lại càng lo hơn, nước lửa giặc trộm, oan gia trái chủ, đốt phá cướp giựt, hủy diệt tiêu tan, tâm tham ý chấp, không thể buông bỏ, mạng chung xuôi tay, chẳng mang được gì. Nghèo giàu như nhau, khổ lo muôn mối.” Đây chỉ là vài thí dụ cụ thể mà Phật nêu ra để chúng sanh thấy rõ lý do vì sao chúng sanh lúc nào cũng phải “suy nhớ chồng chất.”

“Họ hàng” là nói chung những người trong nhà, thân thuộc, tôi tớ, bà con, hàng xóm v.v… “Của cải” là gia tài, sản nghiệp, các vật dụng dùng để sinh sống. Những thứ ấy đều là những điều khiến chúng ta phải suy nghĩ, lo lắng. Chưa có thì mong muốn, lo sao cho có; nhưng có rồi lại sợ mất đi, nên có rồi lại càng lo hơn nữa, lo được, lo mất, có hay không gì cũng lo. Lại nữa, vì lòng ham muốn của con người không có đáy, nên bể tham dục khó lấp bằng, hễ được một rồi, lại còn thấy thiếu một, lo muốn sao cho bằng người. Ví như kẻ đã có được tài khoản một triệu đồng, thấy người khác có đến hai triệu, thì liền nghĩ cách làm sao cho có được ít nhất một triệu đồng nữa để cho bằng hoặc hơn người khác. Kẻ đã có một cái TV, thấy người ta có hai cái TV, thì liền muốn mình có thêm một cái nữa cho bằng người ta. Muốn mà chưa được thì sanh lo âu, buồn phiền. Thỏa nguyện rồi cũng chẳng hết lo nghĩ; bởi ham muốn không cùng, lòng tham không đáy, chẳng thể lấp bằng, nên vĩnh viễn, mãi mãi cứ phải lo lắng không lúc nào ngơi dứt. Lại nữa, khi chúng ta vừa mới có được một chút của cải, bèn toan khư khư giữ lấy, sợ gặp tai biến mà mất mát đi, nên kinh mới nói: “Vừa được chút ít, lại càng lo hơn.”

Chúng ta thường hay lo lắng những gì ? Lo các tai họa thình lình phát sanh, như lửa có thể đốt cháy rụi, nước cuốn trôi mất hết, kẻ cướp cướp đoạt, kẻ trộm cuỗm mất, oan gia báo cừu, chủ nợ xiết nợ v.v.... Thậm chí trong khoảnh khắc, chẳng còn lại một thứ gì là của mình nữa. Cái giàu sang ngày trước đột nhiên chẳng còn sót lại chút gì hết ráo, nên kinh bảo là “nước lửa giặc trộm, oan gia trái chủ, đốt phá cướp giựt, hủy diệt tiêu tan.” Lại nữa, người đời do tâm tham, ý chấp, tấm lòng keo kiệt đến mức ngoan cố, nên dù tài vật đã bị mất hết rồi, nhưng không thể buông bỏ cho rãnh trí, cứ mãi nghĩ nhớ, tiếc của đã mất làm cho lòng mình càng tăng thêm phẫn nộ, lo buồn, oán hận, sầu khổ, ví như lửa lớn đang thiêu đốt thân mình, đau không kể xiết.

Người đời dù biết rất rõ, mất mạng là mất hết tất cả, nhưng vẫn ngoan cố không chịu buông bỏ. Chúng ta hãy thức tỉnh một phen mà xem: Lúc lâm chung, dù không muốn buông bỏ cũng không được, hết thảy tài vật, quyến thuộc yêu dấu, tiếc nuối v.v… , một chút xíu cũng chẳng thể mang theo. Ta một mình mình đến, thì sẽ một mình mình đi, không ai có thể cùng đến, cùng đi với ta để bầu bạn. Dẫu người mình thương yêu nhất cam chịu cùng chết chung với mình, thì cũng chẳng thể đến cùng họ ở chung một chỗ. Do vì nghiệp nhân bất đồng, quả báo của mỗi người ngàn lần sai khác, nên mỗi người sẽ phải tái sanh về một chỗ khác nhau, không sanh vào chung một chỗ như lòng mình mong muốn. Bởi thế kinh mới bảo: “Mạng chung xuôi tay, chẳng mang được gì ?” Chư cổ đức cũng thường nói: “Lúc chết, mọi thứ đều bỏ hết, chỉ còn cái nghiệp theo thân.” Bất luận giàu hay nghèo, không ai là chẳng giống như vậy, ai nấy đều ưu tư, khổ não vô tận; cho nên kinh mới nói: “Nghèo giàu như nhau, khổ lo muôn mối.”

Sân Độc

Kế tiếp, kinh Vô Lượng Thọ nói về “Sân độc.” Phật khuyên dạy người đời đối với thân thuộc và người khác đều phải nên hòa kính, vì nếu bất hòa với nhau thì cái nhân ấy sẽ trở thành cái nghiệp oán thù trong tương lai. Kinh chép: “Người trong thế gian, cha con anh em, vợ chồng quyến thuộc, yêu kính lẫn nhau, không ganh ghét nhau, có không thông nhau, không được tham tiếc, sắc mặt lời nói, thường phải nhu hòa, chớ nên chống trái. Lỡ lúc tranh cãi, có chỗ sân giận, đời sau chuyển tiếp, trở thành đại oán. Những việc thế gian, rốt gây họa nhau, tuy chưa tới lúc, nên gấp tưởng phá.”

“Yêu kính” là từ ái và cung kính. “Ganh ghét” là ghét bỏ và ganh tị. Phật dạy chúng ta phải thường dùng “hòa nhan ái ngữ” để đối đãi mọi người. “hòa nhan ái ngữ” là mặt mày hài hòa, chẳng cau có, bặm trợn, giọng nói vui vẻ diệu dàng chẳng nóng giận, lời lẽ chẳng chống trái, gay gắt, ôn hòa, khiêm cung v.v.. Những thể hiện như thế nhất định sẽ có thể tạo ra một thế giới hòa hoãn, thanh bình. Còn nếu như cứ gây bất hòa cho nhau, thì sau này cái nhân ấy sẽ kết thành nghiệp đại oán.

Thói đời lúc bình thường vốn chẳng phẫn hận, nhưng khi chợt gặp cảnh trái nghịch, bất bình, bèn gây ra tranh chấp lẫn nhau. Thậm chí, trong lúc đang tranh chấp, lại chợt khởi lên cái tâm đấu đá, kiện cáo cho đến giết hại lẫn nhau, nên Phật mới nhắc nhở chúng ta chớ nên sanh tâm chống trái nhau mà trở thành sân giận, nóng nảy, phẫn nộ, rồi từ việc nhỏ nhặt ấy mà trở thành đại oán cừu. Sân giận là một trong tam độc, một khi tâm sân nổi lên rồi, thì liền tạo thành mối hận thù, oan oan tương báo trong đời này và mãi mãi đời sau, không lúc nào thôi. Ở trong lục đạo, kẻ mình oán ghét thì lại thường chạm mặt nhau, gặp nhau để cướp đoạt, cưỡng bức, giết hại lẫn nhau v.v… Những chuyện nư vậy, càng lúc càng thêm dữ dội, chẳng lúc nào giảm bớt, thì làm sao có thể ngừng dứt đây ?

Đức Phật khuyên nhủ chúng ta, đối với những việc thế gian, nếu đã gây họa cho nhau rồi, thì tất nhiên sẽ có lúc gặp lại nhau để báo oán, tạo thành họa hại. Những sự báo ứng tuy chưa thành lập ngay trong hiện tại, nhưng nhân quả chẳng hư dối, nhất định sẽ có báo ứng trong đời sau. Nếu hiện tại đã lỡ lầm tạo ra cái nhân mâu thuẫn, tranh chấp, oán hận với người khác, thì phải nên gấp gáp nghĩ ra cách để phá bỏ nó đi, phải nghĩ hóa giải mối mâu thuẩn này đi, nếu không đời sau nghiệp thức oán hận nhỏ nhặt này sẽ chuyển biến thành đại oán cừu, oan gia gặp gở sẽ giết hại lẫn nhau vô cùng tàn bạo, khủng khiếp. Phật cũng đã từng nói: “Chúng sanh sợ quả, Bồ tát sợ nhân” chính là chuyện vậy !

Bồ tát không gieo nhân, nên chẳng gặp quả báo, xa lìa phiền não, nghiệp chướng, tự tại vô ngại. Chúng sanh sợ quả khổ báo mà cứ mãi tạo nhân ác, nên Phật gọi đó là “ngu si.” Đến khi túc duyên chín muồi, thì có hối hận cũng đã muộn màn rồi ! Lúc ấy, Phật có muốn cứu giúp, nhưng cũng chẳng thể được, vì thần thông không thắng nổi nghiệp lực. Vì vậy, kế tiếp, Phật khuyến dụ người đời nên bỏ ác tu thiện. Kinh chép: “Người nhiễm ái dục, sinh một mình tử một mình, đến đi một mình, khổ vui tự nhận, không ai gánh thay. Thiện ác biến hóa, nghiệp thức theo đuổi, đường đạo không đồng, không lúc gặp lại. Sao lúc còn khỏe, không gắng tu thiện, còn đợi bao giờ ?”

“Ái dục” là tình ái và tham dục. Cổ đức có câu: “Ái chẳng nặng, chẳng đọa Sa Bà.” Nếu chúng ta chẳng nặng tham quý ái, thì đã là bậc thánh rồi, tệ nhất cũng là một vị A La Hán đã dứt sạch Kiến Hoặc và Tư Hoặc đã thoát ra khỏi lục đạo luân hồi. Đấy đã cho ta thấy, ái dục chính là cội gốc của luân hồi sanh tử. Tất cả thế nhân do chìm đắm trong ái dục, nên mới bị chết đây sanh kia, lưu chuyển vô cùng tận. Dẫu cho quyến thuộc đầy nhà, nhưng lúc sanh tử thì “lúc sanh thì trơ trơ một thân đi đến, lúc chết thì riêng một mình mình ra đi”, chẳng có ai theo, cũng không ai chết thay thế cho mình được. Chết rồi phải đi về đâu, quả báo sướng hay khổ đều do tự mình tạo, tự mình hưởng, tự mình gánh chịu, không ai khác có thể thay thế được.

Nếu là thiện nghiệp thì quả báo sẽ là ở trong đường lành trời, người. Nếu là ác nghiệp thì quả báo là ở trong ba đường dữ. Đời này tuy có được thiện quả, nhưng nếu tạo nghiệp nhân ác thì đời sau sẽ chiêu cảm, biến thành tai ương. Ngược lại, đời này tuy là ác quả, nhưng nếu biết làm lành, thì đời sau sẽ hưởng vinh hoa, phước báo. Nghiệp lực thiên biến vạn hóa chẳng thể nào nói cho trọn hết; nếu gieo nhân ác thì phải chịu quả khổ, nếu gieo nhân lành thì sẽ hưởng quả vui. Vì quả báo thay đổi một cách rất nhanh chóng tùy theo nhân duyên của mỗi người, nên kinh nói là “nghiệp thức theo đuổi, đường đạo không đồng.”

Nghiệp thức theo đuổi chúng ta như bóng theo hình. Chúng ta sanh về đâu, quả báo cũng đuổi theo ngay nơi đó, chẳng hề bỏ rời. Trong Kinh Nhất Tăng A Hàm có kể lại câu chuyện quả báo nhãn tiền giữa Vua Lưu Ly và dòng họ Thích của Thích Ca Mâu Ni Phật. Kinh kể rằng, vào một kiếp xa xưa nào đó, lúc ấy dòng họ thích là dân cư đánh cá kiếm sống. Mỗi ngày họ đều cùng nhau đến hồ ao bắt cá để sanh sống. Lúc ấy, vua Lưu Ly là một con cá chúa sống trong ao nước ấy. Con cá chúa này thấy ngư dân mỗi ngày đều đến bắt con cháu của nó để ăn thịt, nên nó rất căm phẫn mà phát ra lời thề độc rằng, nếu một ngày nào đó, nó có đủ phước báo và quyền lực để trả thù, thì nó sẽ giết hết sạch dòng họ Thích. Thế là lời thề độc ấy đã xảy ra trong thời đức Phật còn tại thế. Con cá chúa ấy đã rải qua nhiều kiếp tu hành, tái sanh làm vua Lưu Ly và đã giết hết sạch dòng họ Thích. Trước sự việc ấy xảy ra, Phật đều biết trước và cũng đã hai lần khuyên ngăn vua Lưu Ly, nhưng chẳng thể được. Đến lần thứ ba, Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên mới ngỏ ý dùng thần thông để cứu dòng họ Thích, nhưng bị Phật ngăn cản. Phật bảo Ngài Đại Mục Kiền Liên: “Thầy có thể đem túc duyên của họ đưa sang thế giới khác được sao ? Thầy có thể đem túc duyên của họ Thích đặt lên hư không sao ? Thế nào Mục Kiền Liên, thầy có thể lấy cái lồng sắt chụp lên túc duyên chăng ?” Sau khi suy nghĩ một hồi, Tôn giả bạch Phật :“Thật không thể làm như vậy được.” Vì sao chẳng thể làm như thế được ? Vì mỗi người đều phải tùy theo nghiệp nhân của mình mà cảm lấy cái quả báo thiện hay ác, thần thông không thể nào thắng được nghiệp lực. Nhân quả của mỗi người mỗi sai khác, nên sẽ phải chết đi và sanh về những nơi khác xa nhau, làm lành thì quả báo ở chốn thiên đường chờ sẵn, làm ác thì núi đao rừng kiếm ở địa ngục A Tỳ đón chờ. Bởi vậy, lúc lâm chung chia tay nhau trọn thành vĩnh biệt ! Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật dù có thần thông đạo lực cao tột đến dường ấy mà chẳng thể cứu nổi dòng họ Thích của Ngài, thì làm sao Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên có thể cứu họ được chứ.

Một phen chịu quả báo trong tam đồ là cả năm ngàn kiếp, trôi lăn trong sáu nẻo, biết ngày nào gặp lại nhau đây. Dẫu có trùng phùng cũng chẳng hề nhận biết nổi nhau thì cũng coi như là “không lúc gặp lại.” Cũng do bởi đấy mà đức Thế Tôn xót thương, hết lòng cảnh tỉnh khuyên lơn người đời “sao lúc còn khỏe, không gắng tu thiện, còn đợi bao giờ ?” Người già thể xác suy yếu, khó bề siêng tu, như Kinh Niết Bàn nói: “Này Ca Diếp! Ví như cây mía đã bị ép rồi, bã mía chẳng còn vị gì. Tuổi trẻ sắc đẹp cũng giống như thế, khi bị tuổi già ép thì chẳng còn có ba thứ vị: một là vị xuất gia, hai là vị đọc tụng, ba là vị tọa thiền.” Tuổi già mất cả ba thứ vị như vậy, nên lúc còn khỏe phải gấp rút nỗ lực, tinh tấn tu hành, chớ nên chần chừ.

Sân Độc

Phật chỉ rõ, chúng sanh trong uế độ này ba độc lẫy lừng, tạo ác đáng sợ, đấy đều là do từ “Si độc” mà gây ra. Phật nói: “Người đời thiện ác, tự mình chẳng thấy, lành dữ họa phúc, tranh nhau tạo tác, tâm mê thần ám, triển chuyển gây nghiệp, điên đảo tương tục, vô thường là gốc, mờ mờ mịt mịt, không tin kinh pháp, tâm chẳng lo xa, ham muốn thỏa thích. Mê muội sân giận, tham tài đắm sắc, rốt cùng chẳng dứt, thật đáng thương thay! Người trước không thiện, không biết đạo đức, không ai khuyến tấn, chẳng gì làm lạ! Con đường sinh tử, đạo lý thiện ác, chẳng chút lòng tin, cho là không có, cùng nhau quán sát, rành rành trước mắt. Hoặc cha khóc con, hoặc con khóc cha, anh em chồng vợ, cùng nhau thương khóc.’’

Ðoạn kinh văn đầu tiên, Phật nói chúng sanh do tham độc mà “nghèo giàu như nhau, khổ lo muôn mối.” Đoạn kinh văn kế đó, Phật nói do sân độc mà “trở thành đại oán.” Nay, trong đoạn kinh văn này, đức Phật giảng về si độc, bằng những câu như: “tự mình chẳng thấy,” “tâm mê thần ám,” “không tin kinh pháp,” “mê muội,” “không biết đạo đức,” “con đường sinh tử, đạo lý thiện ác, chẳng chút lòng tin.” Đây đều là những si độc thông thường của người đời !

Đức Phật đã từng nói : “Kkông có cái khổ nào bằng cái khổ ngu si.” Vì sao ? Vì ngu si là cái gốc gây ra biết bao nhiệu sự khổ. Thật vậy, si độc chính là cái gốc của cả ba độc. Do si mới khởi lên tham và sân. Cái họa của si độc gây hại rất sâu, làm thương tổn huệ mạng của con người. Phật nói, người đời ngu si nên chẳng biết thế nào là thiện, thế nào là ác, cứ tự theo ý riêng của mình mà phân biệt, nhân ngã, phải quấy, chẳng chịu tin quy luật thường hằng “nhân quả thiện ác trong ba đời.” Phật lại bảo, người đời đã ngu si mà lại còn ngoan cố, đã không biết nhân, lại chẳng sợ quả, chỉ vì muốn thỏa mãn, khoái ý trong chốc lá, mà chẳng sợ hậu hoạn vô cùng về sau, cứ phóng túng càn rỡ, đua nhau mặc sức làm ác, chẳng đoái hoài hung họa trong tương lai.

Lành, dữ là nhân; họa, phúc là quả. Thí dụ: giết người, lường gạt, cưỡng bức, cướp đoạt tài vật, đất đai, tiền bạc của người khác, bán nước, hại dân để cầu vinh lợi cho riêng mình và gia đình mình, khiến muôn dân phải chịu cảnh lầm than, nước mất, nhà tan, khổ sở muôn bề là những điều cực ác, tất nhiên sẽ cảm lấy quả báo trong tam ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) trong tương. Thế nhân tâm mê thần ám, chẳng hiểu rằng, dù thiện hay ác đều chiêu cảm quả báo, nên thay nhau tạo tác, đốt phá, cướp giật, hại người oan uổng, diệt kẻ trung lương, chẳng lúc nào thôi, nên lúc chết đi bị rơi vào ba đường ác đạo, khổ đau sầu thống, đời đời kiếp kiếp, không thể thoát ra.

“Tâm mê thần ám” là tâm ý bế tắc, chẳng thể tự thấy nổi chuyện thiện ác sanh tử, nên cứ mãi tiếp tục triển chuyển gây nghiệp. “Tâm mê thần ám, triển chuyển gây nghiệp” còn được hiểu là “thân ngu dốt, tinh thần tối tăm.” Do thân tạo ác nên bảo là thân ngu dốt. Do tâm chẳng tin nơi nhân quả, nên gọi là tinh thần tối tăm. Như vậy, “tâm mê thần ám” là ngu dốt, tối tăm và cũng chính là si độc. Do ngu si nên tâm ý bế tắc, chẳng thể chánh tín nhân quả mà gây ra biết bao nhiêu hiểm họa trong thế gian. Do ngu si nên chẳng tin nhận nổi kinh pháp hòng thâm nhập vào Phật chánh đạo. Lại cũng do ngu si nên càng dễ đâm ra tin thờ các tà thuyết ngoại đạo, tin nhận các giáo lý khác với Phật pháp, nên kinh bảo những chúng sanh này là “điên đảo tương tục.” Phàm phu chúng ta do ngu si nên thấy biết điên đảo như thế liên tục chẳng dứt, cho nên phải chìm đắm mãi mãi trong sanh tử. Nguồn gốc của những tà kiến ấy chính là si nghiệp. Sanh tử vô thường là do “si” làm cội gốc, nên kinh nói “vô thường là gốc.” Ngu si đúng thật là cái gốc sanh ra mọi khổ đau !

Do ngu si, mù mịt, tối tăm, càn rỡ, nên dẫu có hai tròng con mắt mà vẫn mờ mờ mịt mịt, chẳng thấy gì hết. Chúng sanh mù mịt, lại càng thêm mù mịt hơn, vì sao ? Vì bị vọng tưởng, phân biệt, chấp trước che lấp nên chẳng sáng suốt. Tối tăm là do ám muội che lấp nên chẳng hiểu biết gì cả. Càng tối tăm, không hiểu chuyện nhân quả bao nhiêu, thì càng làm ra nhiều chuyện sai bấy nhiêu, càng làm sai lại càng thêm “mờ mờ mịt mịt.” Phật bảo, chúng sanh do ngu si nên chẳng hiểu biết gì hết, đụng việc là làm càn làm bậy, như con thú có sừng thấy gì húc đó, như đứa trẻ đi đêm, như chó dại chạy quàng, không điều gì không làm, mà đều gì làm ra cũng đều sai quấy. Do ngu muội, tăm tối đến mức như vậy, nên chẳng hiểu nghĩa kinh, lại quen tánh hung hăng, ngạo mạn, ưa thích đấu tranh xung đột, nên chẳng thể tin nhận nổi lời giáo huấn của Phật.

Do vì người đời tâm chẳng lo xa, mọi việc làm cốt chỉ là để khoái ý trong chốc lát, chẳng quan tâm đến đời sau, chỉ ham cầu cái vui hiện tại, nên mọi việc làm cốt chỉ là để thỏa thích lòng ham muốn. Kẻ ngu si lại thường ôm lòng giận dữ, tham tài, hiếu sắc chẳng lúc nào ngơi, nên Phật mới than thở: “Tâm chẳng lo xa, ham muốn thỏa thích, thật đáng thương thay !”

Phật quở trách chúng sanh: “Người trước không thiện, không biết đạo đức, không ai khuyến tấn,” ngụ ý là: Ðời cha ông chẳng hiểu biết nhân quả, chẳng biết tu đạo đức, cũng chẳng biết làm thiện. Ðã không hiểu biết lại còn làm ra những chuyện vô đức, vô hạnh thì thật là ngu si cùng cực. Ðời này tiếp nối đời kia, những lời cha dạy con toàn là tà thuyết, chẳng bàn đến quả báo thiện ác. Cha ông si độn, ngoan cố thì con cháu vô tri là chuyện tất nhiên, chẳng gì làm lạ !

Chẳng thể tự thấy “con đường sinh tử” là chẳng biết quả. Chẳng thể tự thấy “đạo lý thiện ác” là chẳng hiểu nhân. Tự tâm chẳng có chút hiểu biết cả nhân lẫn quả, lại không được ai chỉ bảo, nên trọn đời trọn kiếp cũng chẳng hiểu biết gì cả, cứ mãi sống giống như con thú hoang ỷ lại có cái sừng cứng chắc mà gặp gì húc đó, như đứa trẻ đi đêm chẳng biết lối quay về, như chó dại chạy quàng không biết chính mình đang làm gì, nên điều gì cũng dám làm, mà điều gì làm ra cũng đều là trái nghịch với “đạo lý thiện ác”, tạo tội nghiệp dữ. Đấy đều là do chẳng hiểu biết, chẳng chút lòng tin nơi Phật pháp, lại cho là không có “con đường sinh tử”, không có “đạo lý thiện ác.” Bọn vô thần thời nay, không tinh nhân quả thiện ác, nên mới dám đi cướp đất, đập phá chùa, hủy hoại tượng Phật, Bồ tát, thần linh; thậm chí còn đánh đập, giam hảm các vị xuất gia tu hành chân chánh, khiến thân Phật chảy máu. Tội nghiệp ấy là gì ? Đấy là tội ngũ nghịch, hủy báng Tam Bảo, quả báo của nó là địa ngục vô gián, chẳng có ngày ra.

Nếu chẳng biết việc sanh tử thì cứ tự mình xem đi: cha con, anh em, chồng vợ bị cái chết chia lìa, thương khóc lẫn nhau, có ai tránh khỏi đâu ! Phật bảo chúng sanh hãy mở to đôi mắt, cùng nhau quán sát những sự việc này hiện ra rành rành ngay ở trước mắt đó, chớ có đâu xa ! Những chuyện hiện ra rành rành trước mắt mà còn không thấy, thì làm sao có thể thấy được quả báo lâu xa trong tương lai ?

Người đời ngu si, tham ái, chẳng biết muôn sự trong đời đều chỉ như là huyễn mộng, như hoa đốm trên không, lầm tưởng những thứ ấy là thật có; nào hay vô thường vùn vụt, chẳng giữ mãi nổi. Lúc sanh ra càng thêm yêu mến bao nhiêu, thì lúc chết đi bội phần xót xa. Lúc sanh tử, người ở lại thương xót thân nhân từ nay vĩnh biệt; kẻ chết thương mình ra đi vĩnh viễn, lưu luyến nhau khó buông bỏ nổi, sự quyến luyến lúc phân ly như mũi dao xoáy vào tim. Những hạnh phúc ân ái xưa kia nay bổng biến thành ưu khổ. Hai điều “Nhất tử nhất sinh” và “thay nhau quyến luyến” cứ mãi trói buộc thân tâm của người đời như dây thắt chặt mối, chẳng thể thoát ra nổi. “Ràng buộc” chính là phiền não vô tận. Phiền não, ám hoặc trói buộc ta, ràng buộc cái tâm ta, nó chính là cái nhân kết tập hết thảy sanh tử. Hễ vướng vít vào tình ái thì liền bị sanh tử buộc ràng, chẳng có lúc nào thoát khỏi.

Xét cho đến tận cùng cội nguồn, những điều mà người đời yêu quý đều là do tình dục sai sử, mà chẳng biết rằng “dục là cội khổ, thuần tình ắt đọa,” nên kinh mới nói: “Tư tưởng ân hảo, không lìa tình dục.” Nếu đối với những điều ấy mà ta chẳng thể suy sâu nghĩ chín để nhất tâm tu đạo hòng cầu giải thoát, thì trong nháy mắt vô thường xộc đến, thọ mạng chấm dứt, đến lúc ấy, làm sao bươn bả, kêu van gì nổi ! Mạng người trong hơi thở, thở ra một cái, mà không hít vào được, thì trong nháy mắt, mạng này liền chấm dứt. Như vậy, khi tuổi thọ hết rồi, chúng ta phải đối phó sao đây !

Phật dạy, cái họa này là do từ si mê mà khởi lên sân hận. Phật nói: “Người mê hoặc nhiều, kẻ ngộ đạo ít, cưu mang sát độc, ác khí mịt mù, vọng tâm hưng khởi, trái nghịch trời đất, buông lung tạo tội, cướp nhanh mạng sống, đọa thẳng đường ác, chẳng có ngày ra.”

Cổ Đức có câu: “Một đốm lửa sân tâm, thiêu trụi rừng công đức.” Dù chúng ta có làm được rất nhiều công đức, nhưng một khi khởi lên tâm sân khuể, tất cả rừng công đức ấy đều bị đốt sạch sành sanh. Chúng ta phải biết trong ba ác nghiệp tham, sân, si, sân nghiệp là nhân của địa ngục. Phật nói, thế nhân lắm kẻ mê hoặc, ít kẻ tỉnh ngộ chánh đạo, nên lúc nào cũng ôm ấp tâm sân hận, nuôi dưỡng ý tưởng độc địa, muốn giết hại người khác, tạo ra ác khí mịt mù, hừng hực, nên từ trong chỗ tối tăm này, lại đi vào trong chỗ tối tăm hơn nữa.; đấy chính là tự mình đã đốt sạch hết cả rừng công đức mà mình đã làm được từ bấy lâu nay.

Hòa Thượng Tịnh Không dạy: “Giết chết tuệ mạng của một người bằng sát hại ngàn sanh mạng.” Đấy đã cho chúng ta biết rõ, sát sanh không những chỉ là giết chết thân mạng của chúng sanh, mà còn là giết chết tuệ mạng của người khác bằng những tà thuyết, tà kiến. Vì thế, kinh này mới ghi là: “vọng tâm hưng khởi, trái nghịch trời đất, buông lung tạo tội,”

Do vọng tâm hưng khởi, nên mới nghĩ cái gì cũng sai lầm, nói cái gì cũng bậy bạ, làm cái gì cũng sai quấy, bởi thế mới “trái nghịch trời đất.” “Trái nghịch trời đất” là trên chẳng thuận lòng trời, dưới nghịch ý vua Diêm La. Phật bảo, phàm phu chúng ta suốt ngày mặc tình buông lung tạo tội ngập hết cả trời đất, nhưng lại trái nghịch trời đất. Bởi đó, mà bị tội nghiệp lôi kéo, nên chẳng đợi đến khi tuổi thọ hết mà đã bị vua Diêm La cướp nhanh mạng sống, tức là chưa tới số chết mà bị vua Diêm La đột ngột cướp mất đi mạng sống một cách oan uổng để không có cơ hội tạo thêm tội mới; đấy cũng là do vua Diêm La phát lòng tù bi đối với người ấy vậy ! Nhưng người đời do ngu si, chẳng biết rõ sự thật, nên trở nên sân hận, oán trách vua Diên La đã cướp mất đi người thân yêu của họ.

Thêm nữa, người đời cũng do ngu si, nên sanh tâm sân hận mà giết chóc, tàn hại lẫn nhau, mặc tình làm ác, làm các điều xằng bậy. Kẻ tạo tội như thế sẽ chiêu cảm thêm nghiệp lực tội ác của đời trước, nên mặc sức làm những việc ác hơn nữa. Tới khi sự ác ngập đầu, quả báo ắt sẽ hiển hiện, nên đột nhiên bị chết mất đi, đọa thẳng vào ba đường ác, chịu lấy quả báo cùng cực, không biết khi nào mới thoát nổi.

Cuối cùng Phật khuyên chúng nên dứt ác làm lành, cầu sanh Cực Lạc. Phật bảo “Mọi người phải nên, nghĩ suy chín chắn, xa lìa việc ác, chọn đường lương thiện, siêng năng thực hành, sang giàu thương muốn, không thể bền giữ, đều phải lánh xa, chẳng thể an vui. Phải nên tinh tấn, sinh nước An Lạc, trí huệ thông suốt, công đức thù thắng. Chớ nên phóng tâm, vào chỗ ham muốn, phụ kinh bỏ giới, phải đứng sau người.”

Phật bảo chúng ta phải suy nghĩ chín chắn rằng: “Sang giàu thương muốn, không thể bền giữ, đều phải lánh xa, chẳng thể an vui.” Vì sao ? Vì vinh hoa, phú quý của thế gian là vô thường, chẳng thể giữ nổi, có lúc thạnh ắt sẽ có lúc suy. Ái dục trong thế gian cũng chẳng thường còn, nên có lúc hội hợp thì nhất định sẽ có lúc ly tán. Người đời điên đảo lầm tưởng cho vinh hoa, phú quý và tình ái là vui sướng, nhưng thật ra những điều ấy chẳng đáng để ưa thích. Vì sao chẳng đáng để ưa thích ? Vì những điều chúng sanh tưởng là vui, nhưng thật ra, chúng chính là cái nhân tạo khổ. Từ cái nhân tạo khổ ấy, ắt phải sanh ra quả khổ.

Cư Sĩ Bành Tế Thanh bảo: “Hết thảy người đời coi dục là vui, chẳng biết đó là khổ. Người trí xem thấy chỉ toàn là khổ, không chút vui nào. Vì sao vậy? Cứ coi “có” là vui, “không” là khổ, nào hay “có” chính cái nhân của “không.” Xem “được” là vui, coi “mất” là khổ, nào hay “được” chính là cái nhân của “mất.” Coi “tụ tập” là vui, “tan lìa” là khổ, nào hay “tụ tập” là cái nhân của “tan lìa.” Coi “sanh” là vui, coi “diệt” là khổ, nào hay “sanh” chính là cái nhân của “diệt”.”

Vì tất cả vinh hoa phú quý và ái tình trên thế gian này đều chẳng bền vững, lại là cái nhân tạo khổ, nên Phật khuyên chúng sanh phải nên lánh xa và phải nên tinh tấn, siêng năng cầu sanh nước Cực Lạc để hưởng cái vui chân thật và vĩnh viễn. Vì sao ? Vì hễ bất cứ một ai được sanh về cõi ấy, đều được “trí huệ thông suốt, công đức thù thắng,” tức là đều được cả hai thứ Trí lẫn Phước tột bậc, chẳng ai sánh bằng. Trí huệ thông suốt, công đức thù thắng” mới chính là cái vui chân thật và vĩnh viễn !

Trong Phẩm Khuyến Dụ Sách Tấn của Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ, đức Phật còn răn dạy chúng sanh rằng : Nếu muốn sanh về An Lạc quốc thì “chớ nên phóng tâm, vào chỗ ham muốn, phụ kinh bỏ giới, phải đứng sau người.” Kinh là giáo pháp chính từ kim khẩu của đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói ra. Giới là hạnh đức mà Phật chỉ dạy. Ở đây, Phật đặc biệt khuyên chúng ta phải luôn thọ trì kinh giới, bởi vì kinh là con đường dẫn chúng ta tiến nhập trong Phật đạo, và giới là nền tảng của muôn hạnh lành.

Thế nào mà “chớ nên phóng tâm” ? Kinh Tứ Thập Nhị Chương bảo: “Cẩn thận đừng tin tâm ý của ngươi, tâm ý ngươi không thể tin nổi !” Kinh Niết Bàn cũng dạy: “Làm thầy của cái tâm, chớ để cái tâm làm thầy mình.” Vì sao các kinh đều bảo chúng ta chẳng nên tin và chẳng nên tuân theo cái tâm của chính mình ? Vì tâm của chúng sanh đều là hư vọng, mà tâm hư vọng này chính là cội rễ sanh tử. Nếu ta để cho cái tâm hư vọng này sai khiến được mình, thì sẽ mắc sai lầm lớn. Cổ đức cũng nói, nếu chúng ta tuân theo cái vọng tâm của mình, thì khác nào nhận giặc làm con, mà toan nấu cát thành cơm, làm sao ăn cho nổi ? Đã biết tâm của phàm phu đều là hư vọng, lẽ nào lại rong ruổi, phóng theo cái tâm ấy mà làm những điều càn quấy hay sao ? Vì tâm phàm phu chẳng thể được, chẳng đáng tin cậy, nên Phật dạy mọi người phải lấy Kinh, Giới làm thầy mà y theo, đừng để vọng tâm của mình nó làm thầy của mình mà phải đứng sau người.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1494 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.238.202.29 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (246 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - ... ...