Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )Albert Camus
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Thương yêu là phương thuốc diệu kỳ có thể giúp mỗi người chúng ta xoa dịu những nỗi đau của chính mình và mọi người quanh ta.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Giải thoát Bồ Tát »»

Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn
»» Giải thoát Bồ Tát

Donate

(Lượt xem: 7.716)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Giải thoát Bồ Tát

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

“Giải Thoát” biểu thị sự trừ diệt những phiền não trói buộc làm cho con người khổ đau trong luân hồi sanh tử. Muốn được giải thoát thì phải căn cứ vào nội dung trong kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ mà tu hành để vãng sanh Tịnh độ, mãi mãi rời khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đạt đến cảnh giới tự tại vô vi, như kinh này dạy: “Chỉ làm việc thiện, không làm việc ác, thân tự độ thoát, đặng phước đức kia, mạng sống dài lâu, đặng đạo Niết-bàn,” “Có chúng sanh nào được gặp kinh này, tùy theo ý nguyện đều đặng độ thoát.” Vào thời đức Phật còn tại thế, có một ẩn sĩ Bà-la-môn khi gặp Ngài Xá Lợi Phất liền hỏi: “Niết-bàn, Niết-bàn, này ông bạn Xá Lợi Phất xin nói cho biết Niết-bàn là cái gì vậy?” Tôn giả Xá Lợi Phất trả lời: “Sự tiêu diệt lòng tham muốn, sự tiêu diệt lòng nóng giận hận thù, sự tiêu diệt lòng si mê sai lạc là cái mà con người gọi là Niết-bàn. Khi nói về Niết-bàn, đức Phật dạy rằng: “Nếu chúng sanh nào đã từ bỏ thú vui và lòng tham muốn, đã đầy đủ trí tuệ thì họ đã đạt đến sự tịch tĩnh và sự giải thoát sanh tử; đã đạt đến Niết-bàn, tức là đến được nơi an dưỡng thường tồn, vĩnh cửu ngay ở trong cõi đời nầy.” Như vậy, Niết-bàn không phải là một cõi, một cảnh, một tâm trạng và dĩ nhiên Niết-bàn cũng không phải là cái hư vô. Rõ ràng là chúng ta không thể dùng văn tự, ngôn ngữ của con người để diễn tả Niết-bàn. Nói như vậy, Niết-bàn thật sự có hay không có?

Trong kinh Na Tiên Tỳ kheo, vua Milinda hỏi Na Tiên Tỳ kheo: “Thế nào là Niết-bàn?” Ngài Na Tiên trả lời: “Tâu Hoàng thượng, thật sự có Niết-bàn và Niết-bàn chỉ có thể lấy trí mà nhận biết. Nếu chúng sanh giữ được tâm thanh tịnh và chánh trực, thoát khỏi các nghiệp chướng và thoát khỏi được các tham muốn thấp hèn thì chính họ sẽ thấy được Niết-bàn.” Nhà vua hỏi Ông Na Tiên: “Xin Ngài cho một thí dụ về Niết-bàn.” Ngài Na Tiên nói tiếp: “Hoàng thượng biết có một cái gọi là gió phải không? Nhưng Hoàng thượng có biết gió có màu sắc gì? Hình dáng ra sao? Nó dày hay mỏng? Dài hay ngắn như thế nào không?” Nhà vua đáp: “Gió thì vô hình vô sắc, làm sao chỉ được. Tuy không chỉ được, nhưng nó vẫn có.” Bây giờ Tỳ kheo Na Tiên mới kết luận: “Cũng giống như thế, tâu Hoàng thượng, Niết-bàn là cái thật sự có, nhưng nó không có hình sắc, nên không thể dùng văn tự ngôn ngữ để diễn tả cho con người thấy được.” Nhà vua lại hỏi: “Thế thì làm sao biết được Niết-bàn? Thế nào là nhờ sự thoát khỏi phiền não, giải thoát nghiệp chướng, nhờ sự an ổn, an lạc thanh tịnh thì mới có được Niết-bàn?” Rồi Ngài Na Tiên lại trả lời tiếp: “Như người té vào đống lửa ngùn ngụt, nếu họ cố gắng vượt ra khỏi và lên được chỗ mát thì người ấy sẽ cảm thấy sung suớng vô cùng; đó chính là Niết-bàn. Cũng thế, người thoát khỏi lửa của tham, sân, si sẽ huởng cái sung sướng an tịch của Niết-bàn. Cũng như người thoát ra khỏi những tâm niệm bất thiện, người ấy sẽ hưởng cái sung sướng Niết-bàn. Và sau cùng, những ai thoát khỏi cái lo sợ của sanh, lão, bệnh, tử thì người ấy sẽ hưởng cái sung sướng Niết-bàn.”

Hơn thế nữa, đức Phật có cốt cách siêu phàm, có thần thông diệu dụng, có trí huệ thù thắng là vì Ngài đã thật sự chứng ngộ Niết-bàn. Ấy thế mà chính Ngài cũng phải xác định rằng: “Ta không là Thượng đế, cũng không phải là thần linh, mà chỉ là một con người, nhưng con người đã chiến thắng thế gian.” đức Phật là đấng Chiến Thắng, Ngài là bậc Độc Tôn Vô Úy trong thế gian bởi vì Ngài đã chiến thắng thế gian. Thế nhưng Ngài không cần ngai vàng để ngự trị và cũng không cần thần dân để được họ tôn vinh, phụng sự. Ngài sống rất đơn độc với ba mảnh y và một bình bát, nhưng Ngài đã chiến thắng được tâm mình để sống với Chân tánh; đó mới là cái chiến thắng vĩ đại của bậc Đại giác, Đại hùng, Đại lực vậy! Ngược lại, Thành Cát Tư Hãn, Tần Thủy Hoàng, Nã Phá Luân tuy chiến thắng lẫy lừng trên chiến trường, nhưng không thể chiến thắng nổi tâm mình, làm nô lệ cho vô minh điên đảo và cho đến lúc chết, tâm vẫn còn chất đầy tham vọng đau khổ, không thể giải thoát; vậy cái chiến thắng ấy có ích lợi gì đâu? Do đó, đối với nhân sanh vũ trụ, đức Phật dạy rằng tất cả hiện tượng đều là: “Đương xứ xuất sanh, đương xứ diệt tận,” nghĩa là sanh ra ngay từ nơi này và diệt mất cũng ngay nơi này. Còn đối với Phật thì tất cả hiện tượng là “sanh mà vô sanh,” nên ứng thân của Phật thị hiện khắp nơi mà vẫn là “vô sanh.” Vì vậy, đối với Phật giáo, tâm thanh tịnh mới là cứu cánh giải thoát, vì khi có được tâm thanh tịnh, chúng ta sẽ nghiệm chứng được chân tướng của vạn pháp. Mà chân tướng là vô hình vô sắc thì làm sao mà giải thích được. Vì thế, Vĩnh Gia đại sư mới nói: “Trong mộng, sáu đường vằng vặc có. Giác rồi, tam giới rỗng toang hoang.” Đấy mới chính là cảnh giới của các bậc thật sự được giải thoát.

Con người từ muôn kiếp luôn lặn hụp, trôi nổi trong sanh tử luân hồi cũng vì nghiệp. Có gây nghiệp thì phải chịu thọ báo tái sanh trầm luân trong sanh tử, đời này tan, đời khác đến vô cùng vô tận. Chúng ta vì sống trong màn vô minh đen tối, chạy theo ngoại trần làm tâm điên đảo, nên quên mất Chân tâm Tự tánh vốn sẵn thanh tịnh của mình. Chúng ta càng chạy theo lục dục thất tình thì càng tạo nghiệp chồng chất chẳng khác nào như là chùm cây độc Ác Xoa mọc cây con rất nhanh, lại kết với nhau thành bụi rậm chằng chịt rất to và rất khó diệt trừ. Cái tâm của con người thật là quan trọng, nó là trung tâm của sự sống, của vũ trụ và của tất cả muôn pháp. Nó là hào lũy ẩn náu của mọi tật xấu, nhưng cũng là mảnh đất phì nhiêu nẩy sanh mầm giống giác ngộ. Vì thế, chính cái tâm này tạo ra hạnh phúc và cũng chính cái tâm này tạo ra biết bao nhiêu nỗi phiền não khổ đau. Chúng sanh bị nghiệp sai sử cũng vì không biết phân biệt hai món căn bản vọng tâm và Chân tâm; cho nên xưa nay, ngay cả những người tu hành đạo Phật cũng không thể đắc quả vị Phật mà tối đa chỉ là chứng đắc những Thánh quả trong hàng Thanh Văn, Duyên Giác, hoặc chỉ có thể thành chư thiên; tệ hại nhất là thành ma vương. Con người trải qua nhiều đời nhiều kiếp tu hành, rốt cuộc rồi trở thành ma vương, như vậy có phải là oan uổng lắm không?

Hai món căn bản “vọng tâm” và “Chân tâm” nghĩa là như thế nào? Vọng tâm là từ nhiều kiếp xa xưa cho đến nay, chúng ta lầm tưởng mắt, tai, mũi, lưỡi và thân này là ta và lại nhận lầm cái suy nghĩ bởi ý căn là tâm của ta, nên phan duyên rong rủi theo trần cảnh bên ngoài mà phát sanh ra các vọng thức (thọ, tưởng, hành, thức). Ý niệm trước vừa phát sanh thì ý niệm sau liền sanh khởi làm cho con người có vui, có buồn, có hờn, có giận, có tham, có muốn v.v..., tức là tâm luôn thay đổi theo duyên cảnh bên ngoài, chất chứa đầy vọng tưởng, bất tịnh. Chân tâm là Thể tánh thanh tịnh Bồ-đề Niết-bàn vốn có sẵn trong tất cả mọi chúng sanh. Đó chính là Chân tâm thường trú, Thể tánh tịnh minh không thay đổi, bất sanh bất diệt theo thời gian và không gian, lúc nào chỗ nào cũng trong sáng thanh tịnh, bình đẳng. Tuy con người đã có sẵn Chân tánh thanh tịnh trong họ, nhưng vì trần cảnh mê hoặc nên họ quên mất Chân tâm của mình mà sống trong điên đảo khổ đau. Ví như một người có viên kim cương trong túi áo mà không biết, hằng ngày cứ lo buôn tảo bán tần, làm ăn cực khổ, nhưng vẫn thiếu thốn đủ điều; bây giờ thức tỉnh thò tay vào túi lấy viên kim cương đem bán thì sẽ được giàu sang phú quý. Chúng ta cũng thế, nếu biết thức tỉnh, biến mê thành giác, diệt hết vô minh phiền não thì Bồ-đề Niết-bàn tự nhiên hiển bày.

Con người có sáu căn: mắt, tai, mũi, lưởi, thân và ý. Đây là sáu cánh cửa để giao tiếp với sáu trần bên ngoài: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà phát sanh ra sáu thức: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý. Trong sáu căn thì mắt và tai là hai căn sắc bén nhất vì nó tiếp xúc với ngoại trần nhiều hơn các căn khác. Tuy nhiên, giữa tai và mắt thì tai nghe âm thanh vẫn là nhạy bén hơn hết. Thí dụ: Chúng ta đang ở trong một căn phòng kín thì đâu có thấy gì bên ngoài, nhưng tai vẫn nghe âm thanh rồi từ đó phát sanh ra vọng tưởng. Tuy có sáu căn, nhưng chúng ta chỉ cần chọn một căn để tu là đủ; ví dụ, Quán Thế Âm và Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát tu chứng nhĩ căn viên thông, năm căn còn lại cũng tự nhiên theo đó mà hoàn toàn thanh tịnh. Vì trong tâm của chúng sanh có bốn mươi tám ngàn phiền não chướng, nên đức Phật mới bày ra bốn mươi tám ngàn pháp môn để giải trừ các phiền não ấy. Người tu pháp môn Niệm Phật thường chọn ý căn để tu; vì sao? Bởi vì khi ý căn hoàn toàn thanh tịnh thì năm căn khác cũng theo đó mà viên thông, tức là được Niệm Phật tam muội, trở về với bản lai diện mục của chính mình. Khi hành nhân đạt Niệm Phật tam muội thì luôn sống trong bốn tướng oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi đều thanh tịnh, tức là thường hằng sống trong Pháp thân đó. Chánh định Niệm Phật khác với định của Tiểu thừa là phải ngồi thiền, nên còn lệ thuộc vào các tướng xuất, nhập và trụ. Tiểu thừa lúc ngồi thiền thì tâm còn định, nhưng khi xả thiền thì vọng tâm liền sanh trở lại. Còn người tu niệm Phật của Đại thừa thì ngay trong cuộc sống hằng ngày, từng giây, từng phút, đi, đứng, nằm, ngồi, lúc nào cũng có thể an trú tâm trong Chánh định, không cần công phu xuất, nhập.

Xưa kia, tuy Ngài A Nan là đệ tử đa văn bậc nhất của Phật, nhưng do vì Ngài chưa nhìn thấu suốt muôn pháp bằng Chân tâm; Ngài chấp lấy những cảnh trần lao bên ngoài vào tâm mà nhận lầm đó là Chân tâm. Một người muốn đạt được đạo giải thoát thì phải biết hồi quang phản chiếu, quay vào bên trong để loại bỏ tất cả vọng thức thì tâm mới được tâm thanh tịnh. Thí dụ: Người tu Tịnh Nghiệp thấy cảnh vui sướng mà sanh lòng hoan hỷ thì đã phá hỏng công phu của mình rồi, huống là thấy cảnh trái ý, nghịch lòng mà sanh tâm sân hận, hoặc thấy người thống khổ làm tâm mình đau thương. Thử nghĩ nếu muốn tu hành để có tâm thanh tịnh mà lại luôn để ngoại cảnh chi phối, làm khởi dậy tâm tham, sân, si, mạn, nghi như vậy, thì phải tu đến bao giờ mới có tâm thanh tịnh. Vì thế mà cả đời ông A Nan tuy đi theo Phật suốt hai mươi lăm năm, nhưng vẫn không tu chứng được Chân tâm; đó là bởi do ông sống với tình cảm bên ngoài thay vì quay trở về sống với trí tuệ bên trong.

Chúng ta vì có quá nhiều tập khí và vọng tưởng nên cuộc sống mới đau khổ triền miên! Vọng tưởng là bề ngoài, là văn tự, là danh tướng, là tâm duyên. Nếu người học Phật còn mê chấp vào những thứ này, thì không cách nào nhận biết được đạo lý chân thật của Phật mà tìm về với Chân tâm Tự tánh. Chúng ta càng loại bỏ vọng tưởng bao nhiêu thì tâm mình càng thêm thanh tịnh và hiểu sâu bấy nhiêu; đến khi tâm trở nên bình đẳng thì sẽ tiến đến cảnh giới khai ngộ! Thanh tịnh là Kiến Tư phiền não mỏng nhẹ. Khi nào Kiến phiền não và Tư phiền não đoạn thì tâm thanh tịnh mới hiện tiền; khi nào Trần Sa phiền não đoạn thì tâm bình đẳng mới hiện tiền. Thế nhưng, do đâu mà tâm mình chẳng thể thanh tịnh bình đẳng? Bởi vì còn có ngã! Còn có ngã thì tâm chẳng thể thanh tịnh, bình đẳng. Thí dụ, nếu chúng ta nghĩ là mình giỏi hơn người khác một chút thì đó là ngạo mạn, là ngã chấp, là không thanh tịnh bình đẳng. Trong duy thức học, ngã chấp chính là thức thứ bảy, gọi là Mạt-na thức. Trong pháp Đại thừa, có câu: “Phụ mẫu vị sanh tiền bản lai diện mục,” nghĩa là ngã chẳng phải là do cha mẹ sanh ra rồi mới có. Vì ngã sanh ra từ Mạt-na thức, nên nó đã có mặt trước khi được cha mẹ sanh ra mình. Thức này nương theo A-lai-da thức (thức thứ tám) như bóng theo hình và lấy thức thứ tám làm căn bản mà chuyển hiện. Cho nên, có A-lai-da thức là có Mạt-na thức; A-lai-da thức sinh về cõi nào thì Mạt-na thức chuyển hiện theo cõi ấy. Mạt-na thức lại luôn lấy cảnh sở duyên nơi A-lai-da mà suy xét và so đo, khiến cho tâm bị dấy động và ô nhiễm. Thí dụ: Nếu ví A-lai-da thức là mảnh đất thì Mạt-na thức là rễ cây luôn bám chặt vào đất; nếu ví Ý thức là thân cây thì ngũ thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) là những nhánh cây vươn lên từ thân cây. Một thí dụ khác: Nếu ví A-lai-da thức là nước trong những con sông thì Mạt-na thức là gốc rễ của những cây lục bình trôi nổi trên mặt nước, nếu ví Ý thức là thân thì ngũ thức là cành lá của cây lục bình.

Do chấp ngã, nên cho đến lúc chết, dù đã mất thân củ rồi, nhưng con người vẫn còn chấp vào cái linh hồn có tồn tại nên bị chuyển vần trong lục đạo, không thoát ra khỏi thân luân hồi, vì sao? Vì linh hồn cũng chỉ là tướng dạng khác của ngã. Người thật sự giác ngộ, buông bỏ luôn cả linh hồn, tâm không còn bị ràng buộc bởi bất cứ một ngã tướng nào hết, thì linh hồn liền tự nhiên chuyển thành linh tánh. Khi ấy tâm mới thật sự thanh tịnh và giải thoát, không gian hoạt động cũng theo đó mà rộng mở lớn hơn. Thí dụ, cảnh giới hoạt động của các bậc A-la-hán, Bồ-tát rộng lớn hơn cảnh giới của phàm phu rất nhiều bởi vì tâm của các Ngài thanh tịnh hơn con người chúng ta. Thế nhưng cảnh giới của chư vị Thanh Văn, Bồ-tát vẫn chưa vượt thoát ra khỏi mười phương pháp giới, vì sao vậy? Bởi vì các Ngài chưa phá hết vô minh, nên vẫn còn khởi tâm động niệm. Sau khi phá hết vô minh, linh tánh cũng chẳng còn tồn tại nữa, mà nó chuyển thành Tự tánh. Lúc này, tâm đã trở về nguồn, tức là trở về Chân tâm thường trụ, nên được gọi là Phật, là một chân Phật chớ chẳng phải giả Phật. Chúng ta thấy, chỉ có một cái tâm mà lại được gọi đến ba cái tên khác nhau: linh hồn, linh tánh và Tự tánh. Như vậy, cái niệm hiện tiền của chúng ta là vọng hay chân? Vọng là mê, chân là giác, chỉ cần một niệm bị mê thì Tự tánh liền biến thành A-lai-da thức. Ngược lại, khi giác thì A-lai-da thức liền quay trở về Tự tánh.

Nói theo Khoa học hiện đại, vũ trụ thành lập bởi ba thứ: năng lượng, vật chất và thông tin. Nói theo Phật pháp, A-lai-da-thức thành lập cũng bởi do ba thứ: vô minh nghiệp tướng, cảnh giới tướng và chuyển tướng. Ba thứ ấy có cùng một ý nghĩa với năng lượng, vật chất và thông tin trong cách diễn giải của Khoa học. Thế nhưng, Khoa học giảng giải không rõ ràng lắm về ba vấn đề: Năng lượng do đâu mà có? Vật chất do đâu mà có? Thông tin do đâu mà có? Nhiều cách giải thích của Khoa học về vũ trụ nhân sanh vẫn còn nằm trong vòng giả thuyết, chớ chẳng phải là định lý, huống là chân lý. Tuy nhiên, Khoa học cũng biết về sự bảo tồn của năng lượng là: Năng lượng không bao giờ mất đi, nó chỉ là chuyển hóa từ dạng này qua dạng khác mà thôi. Thí dụ: năng lượng điện có thể chuyển thành quang năng để rọi sáng căn phòng, hoặc chuyển thành nhiệt năng để sưởi ấm căn phòng, hoặc hơi lạnh để làm mát căn phòng v.v... Rồi từ các dạng này, năng lượng lại tiếp tục chuyển thành dạng khác hoặc trở về với dạng nguyên thỉ của nó mà chẳng hề mất đi; Khoa học gọi đó là Định Luật Bảo Tồn Năng Lượng. Trong Phật pháp, Phật nói đến cái Nhất thể đó chính là Tự tánh. Khi hết mê thì sẽ quay trở về với Nhất thể. Nói cách khác, khi hết vô minh thì ba thứ vô minh nghiệp tướng, cảnh giới tướng và chuyển tướng trở thành Nhất thể! Đấy chính là chỗ giống nhau của sự chuyển hóa năng lượng trong Khoa học Vật lý và sự chuyển hóa vô minh nghiệp tướng trong vũ trụ nhân sanh. Đấy cũng chính là ý nghĩa trong câu nói của Lục Tổ Huệ Năng Đại sư: “Nào ngờ Tự tánh vốn tự trọn đủ.” Tự tánh vốn sẵn có, nhưng chẳng hiện. Khi tâm khởi lên một niệm vọng động, thì Tự tánh bèn duyên theo niệm đó mà hiển hiện và có thể sanh ra vạn pháp. Vạn pháp gồm có chánh báo và y báo đồng thời khởi lên, không có trước sau. Chánh báo chính là vô minh nghiệp tướng, tức là cái ta. Y báo là cảnh giới tướng, tức là hoàn cảnh sống của ta. Nói cách khác chánh báo phát khởi chính là cái ngã xuất hiện. Y báo chính là hoàn cảnh sống xuất hiện. Hay nói rộng ra, chánh báo chính là nghiệp tướng của chúng sanh và y báo chính là cảnh giới sinh hoạt của chúng sanh. Đối với chuyện này, Khoa học lẫn Triết học hiện đại vẫn chưa thể nói rõ ràng; thế mà trong kinh Phật từ ba ngàn năm trước đã giảng tường tận đến dường ấy! Tiếc thay Khoa học chỉ dựa trên hiện tượng vật chất mà chưa rõ biết sự vận hành năng lượng của nghiệp thức. Trong Thật tế Lý thể không có hiện tượng này, Thật tế Lý thể chỉ hiện ra trí huệ, đức năng và tướng hảo, chẳng có vô minh nghiệp tướng.

Khi một niệm bất giác của chúng sanh dấy lên liền làm mê mất Tự tánh, rồi sanh ra các hiện tượng tham, sân, si, mạn. Vì sao? Vì Mạt-na thức có ngã kiến nên luôn suy tính, đo lường, phân biệt. Chính vì sự hằng thẩm tư lương này mà tánh chất nhận thức nơi Mạt-na thức không được khách quan trung thực, luôn bị bóp méo mà biến đổi khác đi; trong Duy thức học gọi là phi lượng. Vì thế, Mạt-na thức là chấp ngã và ngã sở, dính dáng với ngã ái. Ngã ái là tham lam, ưa thích cái ta nên sanh ra ngã mạn. Khi ngã mạn kết hợp với sân khuể thì con người bèn trở thành ngã si. Bốn đại phiền não: ngã kiến, ngã ái, ngã mạn và ngã si thường nương theo nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, làm che đậy và vẫn đục nội thức, tức là làm nhơ bẩn A-lai-da thức và phát sinh tiền lục thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý), khiến cho con người mãi trôi nổi trong sinh tử luân hồi; đó là những hiện tượng chuyển biến trong vũ trụ chúng sanh.

Khi người tu hành diệt được ngũ thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân) thì năm thức này sẽ chuyển tướng thành Thành Sở Tác trí. Khi diệt được ý thức (thức thứ sáu) thì thức này sẽ chuyển tướng thành Diệu Quán Sát trí. Tuy các vị A-la-hán, Duyên Giác và Bát-địa Bồ-tát diệt tận lục thức, nhưng các Ngài vẫn còn phải tiếp tục tu chứng để diệt “thọ” và “tưởng,” tức là nhập vào Diệt Tận định, thì các chấp ngã mới không còn sanh khởi trong Mạt-na thức nữa, nghĩa là các vị đã đạt đến trạng thái vô ngã. Chấp ngã không còn sinh khởi không có nghĩa là Mạt-na thức bị biến mất, không còn nữa. Đến khi các Ngài chuyển chấp ngã thành vô ngã rốt ráo rồi, thì Mạt-na thức mới chuyển thành Bình Đẳng Tánh trí; tức là thức thứ bảy (Mạt-na) bây giờ không còn nữa mà chỉ còn Duyên Chân Như cùng tất cả các pháp khác. Lúc này, các Ngài thấy được mọi căn cơ và mọi sai biệt nơi mỗi loài chúng sanh, tùy duyên hóa thân ứng hiện thuyết pháp độ sanh; cũng cùng lúc ấy A-lai-da thức chuyển thành Đại Viên Cảnh trí. Lúc này, người tu hành chứng được Thật tướng Lý thể. Thật tướng Lý thể còn gọi là Chân như Thật tướng. “Chân” là nói về thể, tức là cái Bản thể có thể sanh, có thể biến hiện. “Như” là nói về tướng, tức cái tướng được biến hiện ra từ Bản thể. Bản thể và Hiện tướng chẳng tách rời nhau; cho nên trong Phật giáo Đại thừa thường nói “Tánh Tướng bất nhị.” Tỷ dụ: Vàng ròng là Thể của những đồ vật làm bằng vàng, thì hình tướng của đồ vật ấy là Như. Vì sao những món đồ này gọi là Như? Bởi vì chúng tuy là khác nhau về hình dạng và công dụng, nhưng thể của chúng đều là vàng. Ví dụ: tràng hạt, nhẫn, vòng đeo tay, chén, đĩa v.v... đều có hình dạng và công dụng khác nhau, nhưng thể của chúng đều là vàng. Do vậy mới nói: “Tướng cũng như Tánh, Tánh cũng như Tướng, Tánh và Tướng chẳng hai.” Từ thí dụ này cho chúng ta thấy: Nếu người trí thì từ Tướng của các món vật mà nhận biết chúng đều là vàng ròng nên thuận tay chộp lấy ngay; còn người mê thì không nhận ra các món đồ đều là vàng, nên vứt bỏ nó đi. Trong Phật pháp cũng vậy; hãy mê rồi thì sanh tâm phân biệt, không thấy Tự tánh; còn nếu như là giác ngộ thì liền thấy cái gì cũng đều là do Tự tánh biến hiện ra! Do vậy, Tánh và Tướng chẳng hai! Tánh không có hình tượng, nhưng nó có thể biến hiện ra các Tướng; tuy nó hiện ra hình tượng, nhưng Tướng đó là huyễn tướng, chẳng thật! Thế nhưng người giác ngộ thì từ nơi các huyễn tướng ấy mà vẫn thấy Tự tánh của nó. Do vậy, người chạy theo Tướng mà chẳng thấy Tánh thì gọi là vô minh. Ngược lại, người trong tất cả các Tướng mà vẫn thấy Tánh thì chính là người giác ngộ. Vì thế, trong giáo pháp Đại thừa thường nói: “Vạn pháp đều là không, trọn chẳng thể được.” kinh Kim Cang lại nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng,” “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng.” Đấy chính là Chân như, là chân lý bất biến, không bao giờ thay đổi; chớ chẳng phải là những giả thuyết hay định lý thường bị biến đổi theo thời gian và không gian. Chân lý là lý của Thật tướng, chân tướng của sự thật muôn đời chẳng có thay đổi. Chân tướng đó là: Trong Tướng có Tánh, Tánh và Tướng không tách rời nhau. Thật vậy, Tánh không thể được mà Tướng cũng không thể được. Nếu Tánh đã là không thể được, làm sao có thể đạt được Tướng? Do vậy, trong một bộ kinh Đại Bát Nhã, Phật giảng: “Nhất thiết pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc” (hết thảy các pháp vô sở hữu, rốt ráo không, không thể được).

Hiện tại, phiền não của chúng ta từ đâu mà sanh? Phật đã nói là “bất khả đắc,” tức chẳng thể được. Thế mà chúng ta cứ nhất định muốn đạt cho được thì phải tự chuốc lấy phiền não khổ đau mà thôi. Trí tuệ của Như Lai không có bờ mé, khổ não của chúng sanh cũng không có bờ mé. Hễ giác ngộ, hiểu rõ chân tướng của sự thật thì chẳng còn chấp trước nữa, chẳng còn dấy khởi vọng tưởng nữa; bởi vì hết thảy các thứ vọng tâm như thọ, tưởng, hành, thức đều không thể được, đều là giả tướng. Thọ, tưởng, hành, thức do đâu mà có? Do Tự tánh mà có. Tự tánh có bốn tịnh đức “thấy, nghe, hay, biết;” sau khi mê mất Tự tánh thì tánh “thấy, nghe, hay, biết” ấy liền biến thành thọ, tưởng, hành, thức. Bốn thứ “thọ, tưởng, hành, thức” được gọi chung là thức tâm hay vọng tâm. Thức tâm (thọ, tưởng, hành, thức) là giả, chẳng thật, chỉ có Chân tâm (Thanh tịnh, Bình đẳng, Giác) mới là thật.

Kinh Phật có câu: “Lửa sân si tam độc, đốt hết rừng công đức, uốn hạnh Bồ-tát đạo, giữ thân tâm thanh tịnh.” Chúng ta đều biết, trên con đường tu đạo, gầy dựng, lượm lặt công đức rất khó; thế mà khi chúng ta chỉ vừa khởi lên một vọng niệm tham, sân, si, mạn, nghi, ganh ghét, liền dễ dàng giết chết đi những công đức thành tựu. Vì vậy, trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật dạy: Nếu chúng sanh muốn hướng về giải thoát giác ngộ rốt ráo, chứng Chân tâm thành Phật thì phải vượt hạnh Phổ Hiền lên bờ giác; nghĩa là phải thu nhiếp sáu căn, xa lìa khách trần, xoay tâm vào một chỗ để tịnh niệm tiếp nối một câu Phật hiệu. Phật bảo chúng ta chớ nên hướng tâm ra bên ngoài, bởi vì bên ngoài có biết bao nhiêu các thứ ma chướng như: thị phi, tham, sân, si, mạn, nghi, ganh ghét v.v... quấy động tâm mình. Do vậy, chúng ta không thể hoài nghi, quyết định không thể xen tạp vọng tưởng tạp niệm thì tâm mình mới được thanh tịnh giải thoát đúng với ý nghĩa của danh hiệu Bồ-tát Giải Thoát. Cho nên bình thường chúng ta phải luyện tập dùng tâm chân thành đối với tất cả mọi người thì chắc chắn sẽ không bị thiệt thòi. Tâm chân thành là đối với Phật chẳng thêm, đối với chúng sanh cũng chẳng bớt. Dù người ta dùng vọng tâm đối xử với mình, thì mình cũng không được dùng vọng tâm để đối đãi với họ. Vì mục tiêu của chúng ta là đến Thế Giới Cực Lạc, nên đối với mọi thứ trong thế giới này, chúng ta đều phải xả bỏ hết, không còn tham luyến, không còn muốn chiếm hữu. Người khác đối xử không tốt đối với ta, ta vẫn phải đối xử tốt với họ, người khác huỷ báng ta, ta vẫn phải tán thán họ. Vì sao? Vì chúng ta có trí huệ biết rõ, những điều thiệt thòi này chính là yếu tố giúp mình thành tựu sức nhẫn, đắc đại tịch định và lợi ích giải thoát; cho nên dù phải chịu thiệt thòi, thua lỗ cũng không hề gì.

Lại nữa, do chính mình đã thật sự buông xả, nên không còn xung đột với bất cứ người nào khác. Cái mà người thế gian không thể buông xả là tài, sắc, danh, lợi, năm dục, bảy tình. Đối với những thứ này, chúng ta thảy đều có thể buông xả, thậm chí ngay cả Phật pháp mà còn phải buông xả, huống hồ gì là những thứ phi pháp này. Có thể buông xả được vạn duyên, tâm không còn khởi một ý niệm nào nữa dù thiện hay ác, thì tự mình sẽ đạt được Vô tác Diệu lực, tức là không có phiền não, lo lắng, thật là tự tại, tâm khai ý giải, an vui không gì bằng; đấy chính là cảnh giới của Bồ-tát Giải Thoát. Bồ-tát Giải Thoát dùng Chân tâm này sanh hoạt, làm việc, đối người, tiếp vật, nên mỗi niệm trong tâm Bồ-tát đều giống như tâm Phật. Vì thế, tông chỉ của bổn kinh này là: “Phát tâm Bồ-đề, một lòng chuyên niệm A Di Đà Phật.” Chỉ cần chuyên niệm A Di Đà Phật với tâm vô tác thì chắc chắn có thể vãng sanh thành Phật.

Thế nhưng, do tập khí lâu đời, con người chúng ta thích chạy theo những trần cảnh bên ngoài, nên phải luôn sống trong hệ lụy của phiền não, khổ đau mà chẳng biết rằng mỗi cái chớp mắt có tới hàng trăm triệu ý niệm thay nhau sanh khởi trong tâm thức. Ý niệm trước vừa dấy khởi, thì liền được thay thế bằng ý niệm sau. Đó là lý do tại sao chúng ta có lúc vui, lúc buồn, lúc giận, lúc hờn, lúc thương, lúc ghét… Cái vui nhỏ thay thế cái vui lớn, cái tức giận mới thay thế cái tức giận cũ. Vài phút trước đang vui, nhưng vừa thoáng qua thì nước mắt đã chảy dài. Tất cả những thay đổi của tâm thức đều là do tác động của trần lao bên ngoài, nhà Phật gọi đó là thức tâm hay vọng tâm, tức là cái tâm sanh diệt biến đổi theo hoàn cảnh và thời gian.




    « Xem chương trước «      « Sách này có 1500 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.97.9.173 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (203 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - ... ...