Thành công có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời so với những gì cuộc đời mang đến cho bạn. (To do more for the world than the world does for you, that is success. )Henry Ford
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Người vấp ngã mà không cố đứng lên thì chỉ có thể chờ đợi một kết quả duy nhất là bị giẫm đạp.Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Truyện ngắn »» Tượng »»

Truyện ngắn
»» Tượng

(Lượt xem: 5.966)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Tượng

Font chữ:

Tôi gặp hắn ở giữa một đám rừng tượng bằng đá, bằng đồng, bằng gỗ. Có những bức tượng to lớn cỡ người thật, đôi mắt long lanh, tay ôm cái mác dài, như chỉ đợi lệnh để nhào đến đâm lên quân thù, bên cạnh những bức tượng đá hiền hòa, bé nhỏ hơn. Nụ cười trên tượng đá thường có vẻ chất phác, khờ khạo. Nụ cười như bông hoa không ngừng nở trên môi, như mặt trời của những đêm hè miền Bắc Cực không ngừng chói sáng. Những bức tượng bằng gỗ, sáng tác của nhà nghệ sĩ ngây thơ, thoạt nhìn cũng thấy rõ từng nét dao lạng trên mình tượng.

Có thể hình dung ra được những giây phút căng thẳng của nhà nghệ sĩ lúc đang cấu tạo nên tác phẩm. Gặp phải thứ gỗ cứng rắn, bướng bỉnh, nhất định từ chối không vâng theo ý muốn của con dao, chắc nghệ sĩ phải cắn môi, phải mạnh tay lúc hạ những nhát dao xuống gỗ. Những đường gân trên cánh tay sẽ nổi hẳn lên, cũng như những mạch máu hai bên thái dương sẽ nhảy mạnh và tim cũng đập mạnh.

Tôi đi tìm một pho tượng, quay bao nhiêu vòng quanh gian phòng triển lãm rộng lớn này rồi mà vẫn chưa gặp.Tại sao đứng trước hằng nghìn tác phẩm mình lại đâm ra hoang mang, tự ngờ vực lấy mình? Tôi băn khoăn, còn băn khoăn hơn cả chàng trai khi đi vào “chợ đông” tìm vợ.

Chọn tác phẩm nào đây, tôi nhìn thẳng vào từng đôi mắt gỗ, mắt đá, thầm thì đặt câu hỏi: “Trong tất cả chúng bay đứa nào sẽ theo tao, sẽ sống nốt cuộc đời với tao, chứng kiến những phút vui buồn, thất vọng, bóp trán tìm đề tài của tao? Ai sẽ là đứa mỗi đêm bị lắng những những tiếng thở dài trong giấc ngủ của tao? Thở dài vì mệt mỏi sau một ngày làm việc, thở dài vì buồn, vì cảm thấy thừa thãi bất lực vô ích cho quê hương, cho xã hội. Thở dài sau những phút chán chường vì đã trót để tâm hồn yếu đuối?

“Đứa nào nhỉ? Đứa nào sẽ vào chung một cỗ quan tài với tao, sẽ chứng kiến những phút giây thịt xương tao rữa nát? Nước vàng trong cơ thể rịn ra ngoài, lan thấm đến tượng, để rồi một ngày kia tượng cũng mục nát, chịu chung phần số với xác thân tao…”

Tôi dừng chân trước một tượng nhỏ, chung quanh tôi số khách du lịch đông đảo như ở những phố chợ, chuyên bán hàng cho đủ các hành khách nhưng ở đây chỉ lơ thơ độ năm bảy người, hầu hết là những người khách trọ.

Đây là một thứ khách sạn rất lớn, tổ chức hệt theo lối khách sạn quốc tế đủ tiện nghi, bên trong có tất cả, đủ thứ phố xá cần thiết, nhà ngân hàng đổi tiền. Như thế khách sống trong nhà trọ này khỏi mất thì giờ tìm kiếm ở đâu xa những thứ hàng gì mình cần mua.

Sự kiện yêu tượng và yêu mặt nạ gỗ đòi hỏi một tâm hồn hơi khác biệt nhau. Muốn tìm ra cái đẹp trong sự thô sơ đơn giản, phải trải qua một thời đã yêu cái đẹp khuôn khổ bình thường rồi mới tới được.

Nghệ thuật của dân tộc châu Phi khác hẳn với loại tranh tố nữ của người Á Đông. Họ không thấy cần thiết trong vấn đề kính trọng quy luật. Bước đầu tiên của nghệ thuật là nói lên tiếng nói của tôn giáo, của sự tín ngưỡng. Nếu là những kẻ chưa được hướng dẫn thì nhất định sẽ không thể nào cảm thông được cái đẹp ở trong những đường nét thô sơ ấy và chỉ thấy cái xấu mà thôi là đằng khác.

Cái tượng của tôi, nói cho đúng là cái tượng mà tôi chọn đã bắt tôi phải dừng chân mấy lần đi trước và lần này nữa, chỉ là một cái tượng bé nhỏ, cao độ hai chục phân tây.

- Bonjour mày.

- Bonjour mày. Tượng trả lời tôi. Chữ “Bonjour” ngày nay đã trở thành một thứ tiếng chào quốc tế chứ nó không còn là của riêng nước Pháp nữa. Bằng chứng là khi nghe tôi chào tượng thì tượng chào lại tôi như thế rất tự nhiên, không chút gò ép ngượng nghịu. Tôi hỏi tiếp:

- Mày có chịu theo tao không? Quê tao ở Việt Nam xa lắm, phải đi hằng bao nhiêu đường đất, cách nhau đến mấy chục giờ bay.

Tượng trả lời tôi, giọng hơi líu lo nhưng tôi hiểu ngay. Khi người ta được định mệnh xếp gần nhau thì người ta hiểu nhau rất dễ dàng.

- Tao lạ gì nước Việt Nam mà mày phải giải thích. Trên thế giới này có ai không biết đến nước Việt Nam. Khối đứa làm giàu trên lưng sự đau khổ của nước Việt Nam đấy chứ!

Tôi ngạc nhiên, không ngờ quanh năm tượng chỉ sống ở dưới hầm một khách sạn mà cũng biết đủ mọi thứ như thế, có thể còn hiểu biết hơn nhiều người đã từng đi đó đi đây.

- Thế mày bằng lòng theo tao hả?

- Hỏi đến ngớ ngẩn, mày mua tao tức là mày đã chọn tao rồi, mày không nhớ câu hỏi của mày lúc nãy khi mới vào đây ư? Mày hỏi ai là đứa đó sẽ vào nằm chung trong một cỗ quan tài với mày. Nhưng mà tao không biết mày đã lựa chọn kỹ càng chưa, không rồi về sau lại hối tiếc đấy nhé. Sống chung với nhau mà cứ hối tiếc thì tao chịu thôi. Trước hết, xin mày nhớ hộ là tao không đẹp lắm đâu.

Tôi nghe giọng tượng đanh thép vang trong tai, thầm công nhận đây không phải là loại ăn no vác nặng, hoặc loại búp bê làm cảnh. Tôi cúi xuống nâng lấy tượng lên để nhìn gần, gần hơn chút nữa.

- Tao không phải là thứ gỗ tạp đâu, mặc dầu thân tao bị rạn nứt. Tao vào đây là một sự quáng mắt nhầm lẫn của chúng nó đấy, mày yên chí đi. Thời gian ghê quá mày ạ, đấy là thứ khí giới sắc bén nhất, đáng sợ nhất. Cũng đáng sợ như một phát súng, một nhát búa, một phút giận hờn điên loạn, một trận đại hồng thủy hay là lửa. Eo ôi, lửa…

Giọng tượng nghe đã có vẻ thân tình hơn. Tôi nhìn kỹ lại, quả thật trên mình tượng, ngay từ chỗ cuối vú xuống dài tận bụng gỗ đã bị nứt làm đôi. Giống hệt như vết sẹo mổ của người mắc chứng đau ruột gan. Người ta bảo cái thân hình bên trong của cô ca sĩ Edith Piaf cũng như thế. Vết sẹo dài nói lên nhiều tháng ngày đau thương bệnh hoạn.

Sợ tượng mặc cảm, tôi an ủi:

- Không sao đâu, tao vốn sợ những sự nguyên vẹn, những cô gái băng trinh, những chàng trai chưa bị đày đọa, những kẻ chưa hề ôm trong vòng tay một cái xác chết nào. Ôm tinh thần hay ôm thực sự cũng đều giống nhau, có khi chỉ tinh thần thôi nhưng còn đau thương hơn nhiều.

Nghe tôi có vẻ văn chương tiểu thuyết, tượng bật cười, giọng cười của tượng sao nghe âm u, gợi cho tôi khu rừng Phi Châu huyền bí.

Có một chiều tôi đã bỏ trốn các bạn để chui vào rừng sâu, tìm nghe lá cây thì thầm. Tôi không thể quên được cái cảm giác lạnh lẽo ẩm ướt trong khu rừng, vì nhiều cây quá nên mặt trời không có chỗ chen chân vào.Từng nghìn cánh muỗi, ngửi ra mùi thịt lạ đã nhào đến tấn công tôi. May mà trước khi vào rừng, các bạn đã cho tôi mượn một thứ thuốc để chà xát vào khắp cả tay chân mặt mũi.Tiếng muỗi kêu như tiếng gió thổi qua cành rậm, tiếng côn trùng dưới đất, chưa nghe mùi hương nắng êm vang.

Tất cả những thanh âm ấy đều dồn lại trong giọng cười của tượng, khiêu khích đó mà lạnh lùng đó.

- Tao còn một vết sẹo ở ngay mặt, chỗ từ cằm đến mang tai nữa chứ đã hết đâu. Mày nhìn kỹ đi.

Tôi nhìn và quả thật như thế, nhưng không sao. Hệt như một vết dao chém. Quê hương tôi nổi danh nhờ chiến tranh, nhờ hai mươi năm đau thương tang tóc. Tượng có mang mấy vết sẹo đi chăng nữa thì cũng chỉ có thể ngang hàng với một anh chiến sĩ can đảm khi ra trận và may mắn được cứu thoát là cùng.

- Còn hai ba vết trợt ở đầu vú mày không thấy sao, mày lơ đễnh như những thằng nghệ sĩ vô danh thực thụ.

- Sao lại vô danh thực thụ?

- Vì nghệ sĩ có danh ngày nay thường chi li lắm.

Tôi phải nhắc thêm một lần nữa cái ý nghĩ so sánh tượng với các chiến sĩ anh dũng ở quê tôi. Tượng lại cười. Giọng cười vẫn âm thầm nghe như tiếng gió thổi nhẹ qua từng cành lá cacao hay một thứ lá nào khác đặc biệt ở châu Phi.

Tôi nhắc đến rừng cacao vì tôi chợt nhớ đến những quả cacao vàng thắm, hình thoi, trĩu dưới thân cây như những thỏi vàng ai buộc vào đấy. Tôi đã hái ăn thử, ruột cũng ngọt giống quả cà phê mà hạt thì hơi đắng, bột màu nâu thơm ngậy như có trộn mỡ.

- Còn nhan sắc tao thì sao?

Tượng có vẻ không được bằng lòng, thoáng một chút hờn yêu vì mãi không thấy tôi nhắc đến cái nhan sắc của tượng. Hẳn tượng muốn dạy cho tôi biết dầu là gỗ đá, cỏ cây, tất cả đều muốn được chú ý, được phê bình đến cái nhan sắc của mình.

Tôi lại phải nhìn kỹ hơn một lần nữa.

Đầu tượng đội một thứ mũ gỗ có đuôi, đằng sau mũ được vạch từng nét dao sâu đậm hai bên búi tóc tròn ngay chỗ mang tai. Trán cao rộng vời vợi chứng tỏ sự bướng bỉnh, suy tư. Chân mày dài, phúc hậu, dài nhưng lại là hình bán nguyệt, láng bóng vì có nhiều bàn tay đã vuốt lên, thời gian nói lên sự có mặt của mình ở những chỗ ấy. Đôi mắt tượng nhắm kín nhưng thỉnh thoảng hình như có lúc đôi mắt ấy mở to để nhìn người qua lại.

Hẳn vì đôi mắt đã bắt gặp tôi, hay là tôi đã gặp đôi mắt mấy lần tiếp nhau nên tôi mới buộc phải dừng chân. Mũi tượng tẹt lét, ở đây phải nhìn cái đẹp qua mắt thẩm mỹ của một dân tộc, một nòi giống chứ không nên nhìn theo thông lệ. Loại mũi tẹt mà còn bành ra ở dưới là loại mũi đặc biệt của người da đen, nguyên thủy, chưa được văn minh điểm tô. Cái miệng hơi vẫu, rộng cỡ bằng mũi chứ không tum húm, chu hú như loại tượng đất vẫn được chưng bày ở các hàng bán áo nơi đô thị.

Cái miệng hơi vẫu ra, vừa mỉa mai, vừa khinh bạc mà lại vừa có vẻ cam phận chịu đựng. Hẳn tôi yêu tượng vì cái miệng ấy. Khổ mặt tượng dài trên to hơn dưới, cũng dài và thiếu cân đối như khúc thân hình từ bụng lên đến cổ.

Toàn thể mới nhìn qua thì nom thô bạo, tưởng anh chàng nghệ sĩ vô danh nào đó không hề có một điểm chú trọng đến nghệ thuật. Thực ra thì đây là cả một sự cố tâm nói lên cái nhìn của nghệ sĩ, nhân sinh quan của nghệ sĩ. Phải nhìn hằng giờ mới tìm thấy sự dụng ý, những nét thanh tú ẩn giấu trong cái hình thô sơ đó.

Đôi vú đứng thẳng, đặc điểm của người con gái châu Phi lúc nào cũng đội giang sơn lên đầu mà đi, giang sơn có thể là cả một cái hòm nặng hay là một quả cam. Vì thế hình dáng họ bao giờ cũng thẳng và toàn thân mạnh khỏe vững chắc để giữ thế quân bình cho bước chân đi. Đôi vú của tượng gọn gàng, không chảy dài như mấy bà mẹ phải cho hằng chục đứa con bú, cũng không vĩ đại sồ sề gào lên sự khao khát vật chất. Cánh tay và bộ đùi rắn chắc cứng cáp không sợ sự làm việc, sự khuân vác nặng nhọc, sự đi bộ đường xa băng qua rừng núi đá sỏi hiểm trở.

Toàn thân tượng được nghệ sĩ cho đứng trên một phiến gỗ tròn, hai tay dài đặt dưới rốn như muốn ôm giữ lấy rốn, sợ ai đánh cắp mất cái rốn yêu quý. Dáng dấp từ tốn phong nhã của những kẻ chuộng sự bình yên nhưng thoáng một chút ngạo nghễ mỉa mai.

Thế là đẹp lắm rồi, vừa nhu nhã vừa khinh bạc. Nghệ sĩ đã nói lên được tiếng nói hằng ngày của người dân sống trong rừng, khuất phục đấy nhưng hãy coi chừng. Có những lúc ta vùng lên, ta sẽ quật ngã hết, chà đạp hết, rồi đến đâu thì đến.

Màu da tượng không đen tuyền, bóng láng như các đồng bào mà lại là màu da nâu, màu của một cốc cà phê pha hơi nhiều sữa.

Tôi ôm tượng trong tay, nâng niu chùi nhẹ những lớp bụi phủ trên mình, vài sợi tơ nhện hớ hênh, trêu ngươi.

Hiệu này dành cho du khách nên không cần mặc cả, có ai lại đi mặc cả với người mình yêu bao giờ. Nhìn qua giá tiền ghi ở dưới chân tượng tôi mừng rỡ mang tiền lên quầy hàng trả, chỉ mong đi về phòng trọ. Tôi muốn có nhiều thì giờ để nhìn tượng kỹ hơn nữa. Tôi sẽ giới thiệu tượng với quê hương tôi, tượng sẽ theo tôi về Việt Nam, xứ của chiến tranh, của sự lọc lừa, khôn ngoan. Xứ của đau thương đói rách nhưng bên cạnh cũng vẫn có những sự xa hoa, kênh kiệu, thừa thãi, kém gì ai!

Tôi đưa tượng về Việt Nam sau khi đã lê chân trên vài xứ khác. Về đến quê hương tôi, tượng đã quáng mắt lên vì quê hương tôi quá xinh đẹp, khác xa với ý nghĩ của những kẻ chưa bao giờ được đặt chân tới. Không phải tôi nhìn quê hương với con mắt chủ quan hoặc bị chỉ huy chi phối, hay là với cặp mắt của người đạo Hồi giáo nhìn bản kinh Coran đâu. Quê hương tôi xinh đẹp thật, chẳng thế mà tượng phải hét lên.

- Trời ơi, vậy mà nghe người ta nói, tao cứ ngỡ rằng nước Việt Nam ngày nay chỉ là một đống gỗ mục, một đống gạch nát mà thôi.

- Mày nghe ai nói mà lạ vậy?

Tôi cau có hỏi vặn tượng, không giấu được vẻ giận dỗi mặc dầu đã biết rằng đó là do mấy ông nhà báo hay thổi phồng sự kiện lên để ăn đồng tiền của chủ báo mà không thắc mắc. Đi xa hay về nói dóc là thế. Biết tôi không bằng lòng, giọng tượng hạ thấp hơn ban nãy, ý muốn chuộc cái lỗi hớ hênh của mình.

- Tại tao tưởng vì có chiến tranh, ở đâu có chiến tranh thì cũng phải chịu cảnh đổ nát. Mày đừng tưởng tao chưa nếm cái mùi ấy. Ngày xưa ở xứ tao còn đánh nhau dữ dội hơn. Hai bộ lạc khi xáp trận với nhau, một người vật một người mới là kinh khủng, chứ cái thứ chiến tranh du kích đi len lén chôn mìn đợi người ta ngủ mới giật cho nổ là thứ chiến tranh không anh hùng. Cũng như cái thứ trèo lên trời bắn xuống, nếu không có cao xạ bắn lên hay là máy bay đối phương lên nghênh chiến thì đâu có ai thích. Còn hứng thú gì nữa.

Tôi ngạc nhiên nhìn tượng, không ngờ hắn mà cũng lắm trò nhiều chuyện đến thế, biết suy luận, biết nhận định. Thấy tôi mở tròn mắt ra nhìn mình, tượng ngại ngùng quay mặt đi.

Giọng hắn trở nên vời vợi, khi người ta quay lui về quá khứ người ta hay dùng cái giọng vời vợi ấy là sao thế? Tượng tiếp tục kể lể:

- Các bộ lạc thường vẫn đợi sau khi xong mùa màng gặt hái, lúa gạo cất kỹ vào kho vào vựa rồi, lúc ấy mới nghĩ đến chuyện đi đánh nhau. Bao giờ cũng vậy nên các nhà xã hội học sau này xếp đó làm một cái định luật, không phải như bây giờ mà đêm đánh, ngày đánh, bất kể ngày giờ thời tiết gì cả đâu. Người ta chà đạp lên mọi sự, vậy mà cứ học đòi cho mình là văn minh. Văn minh là phải như chúng tao kìa.

- Vậy tao hỏi mày có thích chiến tranh không?

- Sao mày hỏi vô duyên quá vậy? Chẳng ai có thể bảo rằng tôi thích hay không thích chiến tranh. Đấy là một sự kiện rất cần thiết cho nhân loại, mày không tin về lật lịch sử từ Đông sang Tây, nước nào cũng chỉ có thể sống thanh bình có một thời gian, sau đó sẽ chán ngấy và lại đi tìm chiến tranh. Đó là một lối thoát của con người.

Tôi lắc đầu không đồng ý với tượng, đưa tay gạt ngang như kẻ cầm dao san bằng lối đi:

- Thôi mày ơi, có chuyện gì hay hơn kể cho tao nghe coi, để lúc khác hẳn nói đến chiến tranh. Bây giờ tao mệt rồi.

- Mày muốn tao nói chuyện gì bây giờ? Tao chẳng có chuyện gì để nói cho mày nghe cả, suốt đời ở trong gian phòng triển lãm mà, đâu có được cuộc sống thủy thủ để kể cho mày nghe.

- Thế thì mày nói lại cho tao nghe sự cấu tạo của những con người tượng như mày đi vậy.

Tượng trề cái môi vẫu ra có vẻ không được hài lòng lắm. Những kẻ có chút ý thức thường hay mặc cảm khi phải nói đến cái tôi, ngoại trừ mấy ông nghị tập tễnh khi ra tranh cử mới dám huênh hoang vỗ ngực. Tuy vậy, chiều ý tôi, tượng đành phải kể lể:

- Mày biết không, từ trước đến giờ xứ tao vẫn còn cái thói xem thường người thợ, xem thường nhưng vẫn ngại, thế mới buồn cười! Nhất là đối với bác thợ rèn, vì khí giới gì cũng từ đôi cánh tay ấy cả.

Muốn cấu tạo một cái mặt nạ hay là một cái tượng như tao đây chẳng hạn, thì việc trước nhất là phải vào rừng sâu chọn gỗ. Chọn cây nào gỗ bền, chắc, không rỗng ruột, không quá già mà cũng không được non chưa đủ tuổi. Đẵn cây và róc cành ngay tại chỗ rồi mới kéo gỗ về nhà.

Về đến nhà còn phải tùy chiều cao của mỗi thân tượng mà cưa ra từng khúc. Lệ thường, khi gỗ khô hay nứt nẻ, muốn tránh khỏi cái nạn sẹo tai quái trên mình tượng người ta phải sấy gỗ qua trên lửa nhỏ. Xong rồi còn phải ngâm trong dầu kè hay dầu hạt cây karité là một thứ cây chỉ mọc ở Phi châu.

Muốn gỗ mang màu đen bóng loáng lại còn phải treo vài tháng trên giàn bếp cho ám khói, như vậy mới hợp ý thích của một số người cầu kỳ. Nhà nghệ sĩ Phi châu khắc tượng không bao giờ cần có mẫu trước mặt. Họ chỉ mang máng nhớ đến những hình ảnh của những người trước ở đâu đó mà họ đã có lần được xem qua.

- Thế tại sao người ta không phơi mày lên bếp?

Nghe tôi hỏi, tượng nhăn mặt trả lời:

- Tao không có nước da đen bóng loáng mà giá tiền tao những hai nghìn quan như thế này, chứng tỏ cho mày biết là gỗ tao có giá trị lắm, khỏi cần phơi. Nếu tao bị trầy nứt là vì thời gian, phong trần nhiều, chứng kiến nhiều đó thôi. Vả lại tao cũng không thích vì nó có vẻ giả tạo lắm, con người muốn bắt chước thiên nhiên chỉ làm trò cười cho thiên nhiên mà thôi.

Tôi bật cười nhìn tượng muốn phân trần nhưng tượng đã tiếp lời:

- Mà mày cũng đâu có thích cái màu da ám khói đó, chứng cớ là mày đã yêu tao, đã dừng chân năm lần bảy lượt trước mặt tao.

Lần này tôi không cãi. Câu chuyện của chúng tôi ngừng một chút vì có tiếng máy bay phản lực lướt qua nhà ầm vang, có nói cũng không nghe. Cả hai chúng tôi đều nhăn mặt vì câu chuyện bị ngừng dứt. Máy bay vừa rời khỏi khu vực của chúng tôi, tượng vội lên tiếng trước:

- Mày nghĩ gì về những cái cối xay lúa đó? Mày có thấy nó vô duyên một cách ngu xuẩn không? Thật là ăn tốn cơm, mấy cái đầu óc chỉ chuyên đi lo phát minh ra những thứ đồ… phản nhân loại.

- Cối xay lúa, sao lại cối xay lúa?

Tôi ngơ ngác hỏi tượng, không hiểu có phải tượng muốn ngạo những chiếc máy bay phản lực vừa bay qua, hay vì còn chìm mình trong cuộc sống nguyên thủy, rất phù hợp với hình dáng tư tưởng nên tượng đã nhầm lẫn.

- Sao? Mày không công nhận đó là những cái cối xay lúa à? Thì thôi vậy, mà gọi như thế kể cũng tội nghiệp cho mấy cái cối xay lúa. Nếu chúng nó biết nói biết nghe, nếu chúng nó có miệng, có tai, và nếu chúng nghe tao ví chúng nó với những chiếc máy bay kia chắc là chúng nó sẽ khóc.

- Khóc?

- Ừ, khóc, phải khóc, không phải chỉ khóc bằng nước mắt thôi, mà khóc bằng máu!

- Mày có điên không? Sao lại khóc, cối xay lúa làm gì biết khóc?

Tôi cau mặt hỏi lại tượng, nhưng tượng nhìn tôi lại bằng cái nhìn thương hại, cái nhìn của người trên khi cúi nhìn kẻ dưới, nhận thấy người đối thoại không được tương xứng với mình, bắt mình phải mất thì giờ.

Đọc cái nhìn tội nghiệp trong ánh mắt của tượng tôi càng bực tức, tôi đâu phải là phường giá áo túi cơm. Thế mà vừa bị cái nhìn đánh giá của tượng như ném đá vào mặt. Đánh giá một cách rẻ rúng, giá của mớ rau thiu trong phiên chợ chiều, không ức sao được.

Tượng hiểu ngay sức phản kháng im lặng của tôi, hình như hắn chợt hối hận, muốn tìm lời vớt vát.

- Thôi tao xin lỗi mày, mày cũng chỉ là đứa con của văn minh tiến bộ, mày chỉ có thể nhìn cuộc đời qua khía cạnh đó!

Tôi không để ý nghe câu nói vớt vát của tượng, tôi muốn tượng phải giải thích rõ hơn những ý nghĩ kỳ quái của hắn. Quả thật hắn không tầm thường một chút nào, và tôi tự hào vì mình đã có mắt, biết chọn hắn.

- Sao cái cối xay lúa lại khóc, và sao lại khóc không bằng nước mắt mà bằng máu mày nhỉ?

Tượng rú lên cười làm tôi chợt nhớ đến những buổi lễ cúng có mấy ông thầy phù thủy ở các vùng rừng núi, những nơi mà con người còn tin ở sức mầu nhiệm của mấy ông thầy cúng đó.

- Mầy kể cũng chưa đến nỗi bị đời chà đạp lắm đâu. Cái cối xay lúa khóc vì nó là hiện thân của sự thanh bình, của nhân đạo, mà bị tao đưa ra ví với mấy cái của phản nhân loại, phản Thượng đế đó thì khóc là phải chứ sao nữa!

- Ờ nhỉ, nhưng tao cũng chẳng đồng ý với mày đâu. Văn minh đã đưa mày đi từ quê hương mày sang quê hương tao, mất có hai ngày. Nếu mày đi bộ hoặc đi bằng cái thuyền ván ghép của mày thì bao nhiêu kiếp nữa mày mới tới xứ tao?

Tượng đưa tay lên gạt ngang cái ý nghĩ của tôi:

- Mày lầm quá rồi, tao đâu có trách văn minh ở cái điểm ấy, tao trách cái sự thiếu quân bình trong phép dụng binh.

Đôi mắt tượng lại trở nên mơ màng như ban nãy khi nhắc đến quê hương, tượng nói tiếp:

- Mày biết không, thời ấy tao cũng không bao giờ được ra dự một chiến trận nào vì tao là đàn bà, tao phải lo ở nhà giữ lửa, lo nấu ăn, tiếp tế lương thực. Nhưng tao vẫn được anh em trong bộ lạc kể chuyện lại. Mỗi mũi tên là một quân thù, đánh nhau như vậy mới thấy rõ cái tài dụng binh, mới biết anh tướng nào nhiều mưu mô thạo binh pháp. Còn như đây, kinh nghiệm sau cuộc Đệ nhị Thế chiến với 600.000 thường dân, 56.000 phi công Anh quốc, 44.000 phi công Hoa kỳ chết vì những cái cối xay lúa đó…

- Đấy nhé, mày lại làm cho cái cối xay lúa khóc.

Thấy tôi biết đùa trả lại chứ không đến nỗi đần độn lắm, tượng vui vẻ cười, bớt cái dáng điệu khinh miệt ban nãy. Tôi hỏi tiếp:

- Mày tìm đâu ra những con số ấy, hay là mày đặt bày cho có vẻ lâm li, mày muốn hạ tao, bắt tao phải tôn mày làm thầy đó chứ gì?

Tượng nghiêm mặt trả lời, không hưởng ứng câu nói đùa của tôi:

- Tao không bao giờ đặt bày, mày không tin thì cứ thử đi điều tra. Tao suy nghĩ rất nhiều, tao không chỉ thương những người ở dưới mà tao còn thương những vị phi công ngồi trên hơn nữa. Mỗi khi bị bắn rơi xuống thật chẳng khác nào con chim bị mèo vồ được. Chỉ còn một cách là chờ cái chết. Mày có bao giờ thấy một con chim bị mèo vồ chưa, nếu chưa thì cũng nên đón xem một hôm, thê thảm lắm.

Tôi rùng mình nhắm mắt, tượng cũng rùng mình nhắm mắt theo, cả hai chúng tôi đang bị ám ảnh bởi những ý nghĩ đen tối. Tôi ngập ngừng hỏi thêm tượng, muốn biết nốt những ý nghĩ của hắn:

- Theo ý mày thì phải làm thế nào để đi đến chỗ thỏa thuận tốt đẹp cho cả đôi bên?

- Không phải tao bài xích bênh vực bên nào và bỏ rơi bên nào, tao chỉ là một kẻ đứng ngoài nhận định. Tao chỉ là một cái tượng mà thôi, mày cũng đừng nên thắc mắc vì những ý nghĩ ngông cuồng của tao.

Im lặng một lúc tượng lại tiếp:

- Ngày nay chiến tranh không mang lại nguồn lợi trực tiếp ngay trước mắt nữa.

Tượng nói với giọng luyến tiếc, tôi có cảm tưởng như tượng đã từng được dự rất nhiều trận đánh giữa các bộ lạc, mặc dầu tượng đã giấu giếm bảo mình chỉ lo việc giữ lửa.

- Nguồn lợi gì mày nói tao nghe coi, ngày nay bộ mày tưởng không có lợi cho ai cả sao?

- Mày không hiểu đâu, mày lại là con nhà Phật hiểu sao nổi tụi tao. Xứ tao ngày trước mỗi khi đi đánh trận, bắt được quân thù về thường lấy gan, lấy tim, moi những chỗ quan trọng để ăn. Máu tươi thì để nhúng kiếm cho lưỡi kiếm được bền, người ta tin như thế. Đối với tao sự ăn gan, ăn tim kẻ thù, ngoài vấn đề hả cơn giận còn đón nhận được cái đức anh dũng và can đảm của quân thù vào mình. Vì sự khôn ngoan, can đảm và anh dũng thường chỉ ở trong mấy cái cơ quan đó. Cũng như người uống thuốc bổ, đấy không phải là một sự lợi ích trực tiếp thực tiễn đó sao?

- Còn thịt xương kia chúng mày chôn đi à?

- Sao lại chôn, ăn chứ, mày không biết nên tao cũng không muốn nói chứ thịt người ăn ngon hơn tất cả, nhất là những kẻ giàu sang, thường được nuôi bằng các thức ăn ngon.

Thấy tôi rùng mình nhắm mắt, tượng lại cất giọng rú lên cười, lần này nghe còn rợn người hơn mấy lần trước. Tượng cười một hồi rồi ngừng lại để giảng giải tiếp:

- Mỗi dân tộc mang những phong tục lề lối riêng, chẳng ai chỉ trích được ai. Nếu bây giờ mà đi từ cực Nam đến cực Bắc đều giống nhau, một thứ quần áo, một thứ ngôn ngữ, một màu da, một phong tục thì mày xem đời còn có nghĩa lý gì nữa không? Nhưng mà mày đừng lo, mày với tao là bạn, vả lại mày nhát như cáy, chẳng bao giờ tao thèm ăn thịt mày đâu.

Thì ra thấy tôi nhăn mặt tượng ngỡ là tôi lo sợ cho tôi một ngày nào đó sẽ bị tượng thanh toán.

Bên ngoài chiều xuống dần lướt thướt, kéo bóng tối như bà công chúa trong đêm dạ hội kéo chiếc áo dài sau mỗi bước đi. Tôi nhìn tượng, lúc này đôi mắt tượng nhắm hẳn lại, bất động như muốn tìm về với quê hương. Nhưng quê hương xa quá, chỉ có thể tìm về trong ký ức. Giờ phút này chắc tượng đang bị chứng sầu xứ hành hạ. Tội nghiệp, tôi cảm thấy mình độc ác, tôi nói thầm cho đủ một mình tượng nghe:

- Tao sẽ đưa mày về thăm quê hương, thế nào tao cũng có dịp đi nữa, mày đừng lo. Đi bằng... cái cối xay lúa…

Tượng lắc đầu nhè nhẹ không trả lời, không cười nữa.

Minh Đức Hoài Trinh
11.1967.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1411 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 34.228.7.237 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (128 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - ... ...