Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Không có ai là vô dụng trong thế giới này khi làm nhẹ bớt đi gánh nặng của người khác. (No one is useless in this world who lightens the burdens of another. )Charles Dickens
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Đạo Phật áp dụng vào đời sống hằng ngày »» Đạo Phật và sự sống »»

Đạo Phật áp dụng vào đời sống hằng ngày
»» Đạo Phật và sự sống

(Lượt xem: 7.605)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Đạo Phật và sự sống

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Đạo Phật Việt Nam Trong Quá Khứ

Đạo Phật Việt Nam trong quá khứ đã góp phần xây dựng con người và xã hội Việt Nam. Đạo Phật được đưa vào nước ta vào khoảng cuối thế kỷ thứ hai do những vị tăng sĩ và những thương gia Ấn Độ và Trung Á tới Việt Nam bằng đường biển Ấn Độ Dương. Từ đấy tới cuối thế kỷ thứ sáu các vị tăng sĩ và thương gia này liên tục tới Việt Nam. Và cộng tác với họ, dân ta đã dựng chùa, xây tháp, thờ Phật và đọc kinh. Các kinh điển thời đó hoặc bằng tiếng Sanskrit hoặc là bằng chữ Hán do những tăng sĩ Ấn Độ dịch ra với sự cộng tác của những người Việt giỏi Hán tự. Vào cuối thế kỷ thứ sáu, ở thủ đô Luy Lâu của nước ta đã có hai mươi ngôi chùa, hơn năm trăm vị tăng sĩ và mười lăm bộ kinh đã được phiên dịch và lưu hành. Nước ta hồi ấy là một trung tâm Phật Giáo, từ đó đạo Phật được truyền qua Trung Hoa. Các tăng sĩ từ Ấn Độ sang thường lưu trú tại Giao Châu để hoằng hóa một thời gian trước khi đi Trung Quốc. Từ đó tu sĩ Trung Quốc trên đường hành hương Ấn Độ cũng thường ghé qua lưu trú tại Giao Châu.

Cuối thế kỷ thứ sáu, một vị tăng sĩ Ấn Độ tên Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) sau khi vân du Trung Hoa, tới kinh đô Luy Lâu ở lại chùa Pháp Vân và thành lập phái thiền tông đầu tiên tại nước ta gọi là phái TỲ NI ĐA LƯU CHI. Vào đầu thế kỷ thứ chín, một vị thiền sư Trung Hoa tên là Vô Ngôn Thông sang nước ta, trú tại chùa Kiến Sơ và thành lập phái thiền tông thứ hai tại nước ta gọi là phái VÔ NGÔN THÔNG. Giữa thế kỷ thứ mười một cùng với Tháo Đường Thiền Sư, vua Lý Thánh Tông thành lập một phái thiền tông thứ ba gọi là phái THẢO ĐƯỜNG. Vào thế kỷ thứ mười ba, vua Trần Nhân Tôn sau khi xuất gia, lập một phái thiền tông thứ tư nữa gọi là phái TRÚC LÂM YÊN TỬ.

Các phái thiền tông này đã đóng góp rất nhiều trong công trình xây dựng nền độc lập chánh trị và văn hóa của nước ta. Phái TỲ NI ĐA LƯU CHI đã hỗ trợ đắc lực cho các triều đại độc lập đầu tiên ở Việt Nam là triều đại Đinh, Tiền Lê và Lý. Pháp Thuận Thiền Sư và Vạn Hạnh Thiền Sư là những vị cao tăng của phái này đã từng làm cố vấn văn hóa, chánh trị và quân sự cho các triều đình Việt và đem thế lực Phật Giáo hỗ trợ cho việc xây dựng quốc gia. Khuông Việt Thiền Sư của phái VÔ NGÔN THÔNG cũng đã phụ tá đắc lực cho vua Đinh Tiên Hoàng trong việc dựng nước. Đạo Phật đã xây dựng cho đời Lý những triều đình có kỷ cương, có văn hóa, có pháp chế. Kỷ cương, văn hóa và pháp chế này đã được xây dựng trên tinh thần Từ Bi và Khoan Dung. Triều Lý có thể gọi là triều đình từ bi và khoan dung nhất trong lịch sử Việt Nam, và điều đó là công của đạo Phật. Phái TRÚC LÂM YÊN TỬ ra đời tại Việt Nam vào đầu triều Trần, là một tông phái thiền Việt Nam hợp nhất các truyền thống thiền đã có từ trước. Những nhà lãnh đạo của phái TRÚC LÂM như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Điều Ngự Giác Hoàng, Pháp Loa Đại Sư và Huyền Quang Đại Sư... đã đóng góp rất nhiều cho nền học thuật, tư tưởng và văn hóa Việt Nam. Phật Giáo triều Trần tiếp nối Phật Giáo triều Lý, đã giúp đỡ phát huy Nho Giáo và xử dụng triết học hành động chánh trị của Nho Giáo trong tinh thần vị tha và cởi mở của Phật Giáo. Do đó cho nên Phật Giáo, Nho Giáo và Lão Giáo đã được hòa đồng một cách rất tốt đẹp trong những thời đại hưng thịnh ấy của đất nước Việt Nam. Đạo Phật đã đóng vai trò điều hợp và hóa giải giữa các thế lực tranh chấp, góp phần xây dựng tinh thần dân tộc, bảo vệ nền độc lập quốc gia. Đạo Phật đã ảnh hưởng tới đời sống tình cảm, tâm linh và trí thức của con người Việt Nam, khiến cho người Việt tuy ham chuộng hòa bình nhưng vẫn tự lực tự cường không để cho ai áp chế, tuy giữ gìn và quý trọng gia tài văn hóa dân tộc nhưng vẫn cởi mở đón chào và thâu nhận những tinh hoa của các nền văn hóa thế giới.



Đạo Phật Việt Nam Trong Hiện Tại

Đạo Phật Việt Nam trong hiện tại tiếp tục xây dựng con người và xã hội Việt Nam, đồng thời góp sức vào sự xây dựng cộng đồng nhân loại. Cuộc chiến tranh kéo dài trên hai mươi năm đã tàn phá bao nhiêu sinh mạng và tài sản của quốc gia Việt Nam. Không những thế, cuộc chiến tranh còn gây căm thù nghi kỵ giữa người Việt với người Việt. Phật Giáo Việt Nam trong hai mươi lăm năm qua đã đóng góp phần mình trong cuộc tranh đấu cho chủ quyền đất nước và hòa bình dân tộc và người Phật tử Việt Nam đã chịu chung gian lao nguy khó với đồng bào và đất nước. Để chống lại sự tàn phá đất nước và sự tàn phá những giá trị con người, đạo Phật Việt Nam đã nỗ lực giữ vững niềm tin của người Việt Nam nơi truyền thống và khả năng tổng hợp văn hóa của truyền thống dân tộc, giữ cho xã hội không tan nát vì phân hóa, hoài nghi và căm thù. Kêu gọi mọi người trở về với truyền thống văn hóa dân tộc, đạo Phật Việt Nam chống lại mọi mưu toan bên ngoài muốn xử dụng xương máu Việt Nam chống lại mọi mưu toan bên ngoài muốn xử dụng xương máu Việt Nam để làm hàng rào phòng thủ của họ. Ðạo Phật Việt Nam đồng thời cũng nhắm đến sự xây dựng xã hội Việt Nam về các phương diện kinh tế, y tế và giáo dục để làm nền tảng vững chắc cho hòa bình. Thế giới đang bị đặt trong tình trạng hiểm nguy: nạn nhân mãn, nạn đói kém, nạn nhiễm độc và chiến tranh nguyên tử đang đe dọa số phận con người Việt Nam cần sớm đạt tới hòa bình và kiểm soát được vận mệnh mình để có thể góp phần hữu hiệu với các quốc gia khác trong việc đối phó với những hiểm trạng kia. Một cộng đồng nhân loại trong đó người không bóc lột người, ranh giới giữa các quốc gia chủng tộc không còn là nguồn gốc của tranh chấp kỳ thị, đó cũng là mục tiêu mà Việt Nam nhắm tới.



Áp dụng Đạo Phật trong đời sống mới

Người Phật tử Việt Nam nhìn rõ thực tại tâm lý, kinh tế và xã hội của thời đại và áp dụng giáo lý đạo Phật một cách thông minh vào đời sống mới, không bị ràng buộc bởi thành kiến và thói quen. Đức Phật là một bực Đại Đạo Sư. Thâm hiểu những điều kiện tâm lý, kinh tế và xã hội con người của thời đại ngài, Đức Phật đã truyền dạy những giáo lý thích hợp với con người của thời đại ấy. Giáo lý của Đức Phật phù hợp với các điều kiện sinh hoạt tâm lý, kinh tế và xã hội của con người cho nên được gọi là một giáo lý KHẾ CƠ. Trong suốt lịch sử của Phật giáo, ta thấy xuất hiện nhiều hệ thống giáo lý mới phát xuất từ Phật Giáo Nguyên Thỉ, như giáo lý Tịnh Độ, giáo lý Thiền, giáo lý Duy Thức, giáo lý Thiên Thai. Những giáo lý này vừa khế hợp với căn bản đạo Phật vừa khế hợp với những điều kiện tâm lý và xã hội của con người đương thời. Phật giáo là một tôn giáo không báo thù, biết cởi mở và khai phóng để mở rộng chân trời tương lai. Tuy cởi mở, khai phóng và tiếp tục được truyền thống từ bi, khoan dung, vô úy và giải thoát. Thái độ bảo thủ vì thói quen vì thành kiến và cố chấp là một thái độ trái ngược với tinh thần cởi mở và tiến bộ của đạo Phật. Người Phật tử không thể nhắm mắt làm theo tất cả những điều mà người xưa đã làm, lấy cớ "xưa bày nay làm". Người Phật tử phải xét xem những điều do người xưa bày ra hiện còn có giá trị trong hoàn cảnh hiện tại hay không. Nếu còn thì ta vẫn tiếp tục thi hành. Nhưng nếu những điều ấy không còn giá trị nữa thì ta phải bỏ và tìm ra những điều khác thích hợp với ta hơn. Ngày xưa khi còn tại thế Đức Phật và các môn đệ cùng thời với ngài đã áp dụng pháp chế khất thực chẳng hạn. Ở các nước Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, trong suốt mười thế kỷ, tăng sĩ ít khi thực hành pháp chế tri bất khất thực đó, tại vì điều kiện phong thổ và tập quán ở các nước này khác với Ấn Độ thưở xưa. Như thế không có nghĩa là Phật Giáo các nước đó chống với Phật Giáo Ấn Độ. Như thế chỉ có nghĩa là Phật Giáo tại các nước đó đã biết chuyển biến để khế hợp với những điều kiện sinh hoạt tại các nước đó mà thôi. Lấy ví dụ ấy mà xét thì nếu ta muốn cho đạo Phật có sinh khí, ta phải biết áp dụng đạo Phật một cách thông minh vào những điều kiện sinh hoạt tâm lý, kinh tế và xã hội của đời sống chúng ta. Đạo Phật không phải là của riêng của một số người ẩn dật nơi tư viện. Đạo Phật là của mọi lớp người: của thiếu nhi, của thanh niên, của phụ nữ, của lao động trí thức và lao động chân tay. Đạo Phật chỉ có sinh lực khi nào giáo lý đạo Phật được áp dụng trong đời sống hàng ngày, trong các lãnh vực giáo dục, y tế, chánh trị, kinh tế, tổ chức, trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống gia đình, quốc gia và xã hội. Người Phật tử phải đặt những câu hỏi tương tự như sau đây: Trong một xã hội mà con người bị lôi cuốn theo guồng máy kinh tế và chánh trị đến nỗi con người khó có thể bảo tồn tự do và nhân tính của mình, thì đạo Phật dạy con người áp dụng thái độ nào và hành động những gì để khôi phục tự do và nhân tính ấy? Đối với những cuộc chiến tranh diệt chủng và tàn phá sinh mệnh và giá trị con người, đạo Phật dạy ta hành động thế nào? Trước hiểm họa mà nhân loại đang phải đương đầu, đạo Phật dạy ta con đường nào để có thể tự cứu? Nếu đạo Phật không trả lời được những câu hỏi như thế, thì ta không thể nói rằng đạo Phật là đạo của sự sống. Kỳ thực, người Phật tử tin rằng trong đạo Phật có hàm chứa những nguyên lý căn bản có thể trả lời được mọi vấn đề của sự sống; và do đó, đem những nguyên tắc kia áp dụng vào đời sống cá nhân và xã hội hiện tại ta sẽ tìm thấy những câu trả lời thích hợp. Bản thân ta và sự sống của ta chánh là môi trường thực nghiệm từ đó được tìm ra những câu giải đáp, gọi là ĐẠO PHẬT ỨNG DỤNG. Những điều kiện sinh hoạt tâm lý, kinh tế và xã hội luôn luôn thay đổi cho nên mỗi thời đại và mỗi địa phương cần có một đạo Phật ứng dụng thích hợp. Thành kiến và thói quen thường khiến cho người ta sợ hãi sự thay đổi và sự sáng tạo. Đạo Phật là một đạo sống động, do đó cần sự đổi thay và sáng tạo liên tục. Phật tử đừng để cho thành kiến và thói quen bó buộc. Phật tử cần luôn luôn nhận định lại về sự sống để mà thực hiện những thay đổi và sáng tạo cần thiết làm cho đạo Phật luôn luôn là một đạo sống động chứ không khô chết trong những cái vỏ hình thức và thiếu sinh khí.



Con Người Là Then Chốt

Đạo Phật được khai sáng bởi con người để phục vụ cho con người. Đạo Phật lấy con người làm gốc. Tinh thần nhân bản của đạo Phật được biểu lộ không những ở giáo lý đạo Phật mà còn ở thái độ và hành động của người Phật tử. Đạo Phật do con người sáng lập để phụng sự cho con người. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni) người sáng lập đạo Phật cách đây 2500 năm không bao giờ tự cho mình là một vị trời hay một đấng thần linh. Từ ngữ Phật (Buddha) chỉ có nghĩa là con người giác ngộ. Phật là một con người đã giác ngộ chân lý (tự giác) và đem chân lý ấy giác ngộ cho những kẻ khác (giác tha) để mong đạt tới sự nghiệp giác ngộ tràn đầy (giác hạnh viên mãn). Trước khi tu đạo và thành Phật, Đức Thích Ca có tên là Shiddharta, cũng đã có cha có mẹ và đã thành lập gia đình với công chúa Gia Du Đà La (Yasodhara) và có một người con tên La Hầu La (Rahula). Trí tuệ giác ngộ mà Phật đạt được không phải do nơi một vị thần minh nào trao truyền mà do chánh kinh nghiệm tâm linh của Phật chứng nhập.

Giáo lý đạo Phật chủ trương rằng con người chịu hoàn toàn trách nhiệm về bản thân mình và xã hội mình, rằng con người có thể thay đổi được bản thân và hoàn cảnh xã hội theo ý mình muốn. Những điều kiện hiện tại của sự sống, những gì đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra đều do hành động (nghiệp hay Karma) của mình tạo thành và thúc đẩy. Không có một đấng thần linh nào có quyền năng cứu rỗi được con người. Phật tử, theo lời Phật dạy, phải tự mình thắp đuốc lên mà đi. Con người phải tự cứu lấy mình.



Nhân Cách Phật Thích Ca

Đức Phật Thích Ca, người thành lập đạo Phật là một người đã phát triển nhân cách mình đến mức độ tuyệt hảo. Nhân cách của đức Phật Thích Ca còn quan trọng hơn cả giáo lý ngài dạy trong kinh điển, bởi vì nhân cách ấy là giáo lý sống động do chánh đời ngài phô diễn. Chánh nhân cách ấy đã hàng phục được bạo động, đã tạo được niềm tin, đã gây nên đoàn kết. Chánh nhân cách ấy đã hướng dẫn được giáo đoàn ngài lúc ngài tại thế và còn tiếp tục hướng dẫn được giáo đoàn Phật giáo hàng mấy thế kỷ sau khi ngài tạ thế. Được nhìn vào mắt Phật, được sống bên cạnh ngài và được chiêm ngưỡng nhân cách ngài chắc hẳn là còn hiểu được ngài nhiều hơn là học tập giáo lý ngài qua kho tàng kinh điển. Nhân cách của Phật làm sao ta có thể diễn tả nổi? Tuy vậy, ta cũng có thể căn cứ trên giáo lý đạo Phật để nói rằng nhân cách của Phật biểu lộ một trí tuệ lớn, một tình thương lớn và một ý chí lớn. Tình thương lớn ấy gọi là ĐẠI BI (Mahakaruna) được đi đôi với trí tuệ lớn gọi là ĐẠI TRÍ (Mahaprajna) và ý chí lớn gọi là ĐẠI LỰC (Mahabala). Đạt đến mức độ tuyệt hảo của nhân cách tức là đạt đến trình độ giác ngộ hoàn toàn, trình độ Phật, trình độ vô thượng giác (giác ngộ cao nhất) mà phạn ngữ gọi là ANUTTARA-SAMYAK-SAM-BODHI (a nậu lâu đa la tam miệu tam bố đề phiên âm theo tiếng Hán Việt).



Trí Tuệ, Từ Bi và Đại Lực

Mục đích của sự thực hành đạo Phật, do đó là để đạt tới nhận thức sáng tỏ về thực tại (trí), tình thương rộng lớn với mọi người và mọi loài (bi) và ý chí bền vững để thành tựu đại nguyện giúp đời (dũng). Đạo Phật không phải là một tôn giáo chuyên thờ cúng cầu xin các vị thần minh. Đạo Phật đòi hỏi người Phật tử thực hiện trí tuệ, tình thương và ý chí nơi bản thân và ngoài xã hội. Đạo Phật đại thừa trình bày những nhân vật gương mẫu của sự thực hiện đạo Phật như bồ tát Quan Thế Âm, bồ tát Văn Thù Sư Lợi, bồ tát Phổ Hiền, và bồ tát Địa Tạng. Đó là những người Phật tử lỗi lạc nhất, những người đang thực hiện tuệ giác đại trí, tình thương đại bi và công tác đại hạnh. Bồ tát (Bodhisattva) có nghĩa là người đang thực hiện sự nghiệp giác ngộ và độ sinh. Bồ Tát Quan Thế Âm là hình ảnh của tình thương đại bi và công tác đại hạnh, lắng tai nghe tiếng kêu thương của kẻ khổ đau mười phương mà có mặt để cứu độ (kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn). Bồ tát Văn Thù Sư Lợi là hình ảnh của tuệ giác đại trí và biện tài vô ngại (kinh Duy Ma). Bồ tát Phổ Hiền và bồ tát Địa Tạng là hình ảnh của hành động và đại nguyện để thành tựu sự nghiệp giác ngộ và cứu đời (kinh Hoa Nghiêm phẩm Phổ Hiền và kinh Địa Tạng). Tụng đọc những kinh điển nói về các vị Bồ Tát ấy là để thâm hiểu về đạo Phật qua đời sống, trí tuệ và hạnh nguyện của các vị ấy chứ không phải để cầu xin kể lể. Người Phật tử cần thấy nơi hình ảnh của các vị bồ tát ấy những tấm gương sáng để noi theo trong lúc học tập và thực hành đạo Phật. Đọc kinh suông và trì niệm danh hiệu suông thì không đem lại chút lợi ích thiết thực nào.



Những Đạo Lý Căn Bản

Đạo lý căn bản của Phật Giáo là đạo lý duyên khởi, tứ diệu đế và bát chánh đạo. Ba đạo lý này là nền tảng cho tất cả các tông phái Phật Giáo, nguyên thỉ cũng như đại thừa. Giáo phái Theravada hiện giờ thịnh hành tại các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào và Campuchia tự nhận là gần với Phật Giáo thời Phật tại thế, gọi là Phật Giáo Nguyên Thỉ. Giáo phái đại thừa hiện giờ thịnh hành tại Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên cũng tự nhận là phù hợp với tinh thần Phật Giáo Nguyên Thỉ, nhưng cho rằng ta phải thích nghi với những điều kiện sinh hoạt văn hóa và kinh tế của từng thời đại và địa phương thì ta mới có thể nuôi dưỡng tinh thần ấy được. Ở Việt Nam hai giáo phái Theravada và Đại Thừa, từ năm 1964 trở đi, đã được kết hợp cùng trong một giáo hội Phật giáo, gọi là GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT. Đây cũng là một điểm đặc sắc của đạo Phật Việt Nam, bởi vì chánh ở Việt Nam hai giáo phái Theravada và Đại Thừa được kết hợp đầu tiên trong một giáo hội. Theravada nguyên là giáo phái do các bậc trưởng lão trong giáo hội nguyên thỉ chủ trì, thuộc về thiểu số, còn Đại Thừa phát sinh từ giáo phái Mahasanghika gọi là ĐẠI CHÚNG BỘ tức là giáo phái của đa số những người trẻ trong Giáo Hội Nguyên Thỉ chủ trì, có tinh thần cấp tiến và dung hợp nhiều hơn Đại Thừa (Mahayana) là con đường hoặc cỗ xe lớn, chỉ cho sự hành đạo và cứu độ nhắm tới tập thể mà không phải là cá nhân.



Duyên Khởi

Đạo lý duyên khởi là một cái nhìn khoa học và khách quan về thế giới thực tại. Duyên khởi nghĩa là sự nương tựa lẫn nhau mà sinh thành và tồn tại. Không những các sự kiện thuộc thế giới nhân sự như thành, bại, thịnh, suy mà tất cả những hiện tượng thuộc thế giới tự nhiên như núi, sông, hoa, cỏ cũng đều vâng theo luật duyên khởi mà sinh thành, tồn tại và tiêu hoại.

DUYÊN (Pratyaya) là những điều kiện. Sự sinh thành của một cái bàn chẳng hạn, tùy thuộc ở những điều kiện như gỗ, cưa, đinh, búa, người thợ mộc, vân vân... Vậy gỗ, cưa, đinh, búa, người thợ mộc là những DUYÊN cần thiết cho sự phát sinh của cái bàn. Sự sinh thành của một đứa bé cũng tùy thuộc ở những DUYÊN như tinh huyết của cha mẹ, thời gian thai nghén, sức ấm vân vân... Sự sinh thành của một nền dân chủ cũng tùy thuộc ở những DUYÊN như ý thức về quyền lợi và bổn phận của người dân, sự tranh thủ chánh trị, sự bảo vệ hiến pháp, vân vân... Bất cứ một hiện tượng nào trong vũ trụ, tinh thần hay vật chất, đều do sự tập hợp của các DUYÊN mà thành. Sự vật nương vào nhau mà sinh thành và tồn tại, không có sự vật vào có thể tự mình sinh ra mình và tự mình tồn tại độc lập với những sự vật khác. Đó là yếu lý duyên khởi của đạo Phật.

Có bốn loại DUYÊN cần được phân biệt. Thứ nhất là NHÂN DUYÊN có thể gọi là điều kiện gần gũi nhất, ví như hạt lúa là nhân duyên của cây lúa, gỗ là nhân duyên của cái bàn và đất sét là nhân duyên của cái bình. Thứ hai là TĂNG THƯỢNG DUYÊN tức là những điều kiện trợ lực cho nhân duyên, ví như phân bón và nước là tăng thượng duyên cho hạt lúa trở thành cây lúa, người thợ mộc và cây cưa là tăng thượng duyên cho khúc gỗ trở thành cái bàn, nước và lò gốm là tăng thượng duyên cho đất sét trở thành cái bình. Thứ ba là SỞ DUYÊN DUYÊN tức là những điều kiện làm đối tượng cho nhận thức, như hình sắc phát sinh ra cái thấy, âm thanh phát sinh ra cái nghe và tư tưởng phát sinh ra ý lự. Thứ tư là ĐẰNG VÔ GIÁN DUYÊN tức là sự liên tục không gián đoạn cần thiết cho mọi sự phát sinh, trưởng thành và tồn tại.

Luật nhân quả cần được quan sát và áp dụng theo nguyên tắc duyên sinh mới có thể gọi là luật nhân quả đạo Phật. Theo đạo lý duyên sinh, một NHÂN đơn độc không bao giờ có khả năng sinh ra quả, và một NHÂN bao giờ cũng đóng vai trò QUẢ, cho một NHÂN khác.

Ta đã biết rằng hạt lúa là NHÂN của cây lúa. Nhưng ta cũng đã biết thêm rằng nếu không có những tăng thượng duyên như đất, ánh sáng, nước và thời gian thì hạt lúa không bao giờ trở nên cây lúa được. Vậy ta kết luận: một nhân đơn độc không bao giờ có khả năng phát sinh ra quả. Do đó ta có thể nói: Vạn vật trong vũ trụ nương nhau mà phát sinh; nên ta không thể nói: (ví dụ) thái cực phát sinh ra vũ trụ. Tại sao? Bởi vì thái cực và thần linh, nếu là những nguyên nhân đơn độc, làm sao có khả năng phát sinh ra quả tức là thế giới? Do đó, thuyết thái cực phát sinh hoặc thần linh sáng tạo vũ trụ đi ngược với đạo lý duyên khởi. Chẳng những thế mà khi nói chân như phát sinh vạn hữu, người Phật tử cũng đi ngược với đạo lý duyên khởi, nếu người Phật tử nghĩ rằng chân như là nguyên nhân đơn độc và đầu tiên. Có những triết gia và thần học gia cho rằng thái cực hoặc thần linh không phải là nguyên nhân đầu tiên mà chỉ là thực thể của hiện hữu vượt ngoài thời gian và không gian, trong trường hợp này họ cũng không đi ngược lại đạo lý duyên khởi của đạo Phật.





Trên thực tế, ta chưa từng thấy một nhân đơn độc nào có thể sinh ra quả, mà ta cũng chưa từng thấy một nhân mà không phải là một quả cho một nhân khác. Nếu ta cho rằng chân như hoặc thái cực hoặc thần linh làm phát sinh ra vũ trụ tức là ta công nhận: Một nhân đơn độc có thể làm phát sinh ra quả. Đó là một điều sai lạc. Hơn nữa, cái nhân đơn độc ấy do đâu mà có? Nếu không do đâu cả thì điều đó trái chống với luật nhân quả; nếu do một nhân khác sinh ra thì lại không phải là nguyên nhân đầu tiên. Cho nên ta thấy nhận thức về thái cực và về thần linh như THẬT THỂ CỦA VŨ TRỤ VƯỢT NGOÀI KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN có thể đi đôi với đạo lý duyên sinh của Phật dạy. Trong kinh A Hàm, Phật dạy: "Vì cái này có cho nên cái kia có, vì cái này không cho nên cái kia không, vì cái này sinh cho nên cái kia sinh, vì cái này diệt cho nên cái kia diệt". Đó là sự diễn tả đơn giản và đúng mức của đạo lý duyên khởi. Nhật thức duyên khởi có thể được kiểm chứng bởi bất cứ ai, bởi vì đó không phải là một tín điều siêu hình, đó là sự thật thực nghiệm, phù hợp với nhận thức khoa học thực nghiệm. Phát minh ra đạo lý duyên khởi, Đức Phật soi cho ta thấy rõ bộ mặt của thực hữu, tránh cho ta bao nhiêu ngộ nhận sai lầm về vấn đề nguyên ủy vũ trụ và giúp cho ta thành đạt trong phạm vi trí tuệ tu dưỡng cũng như trong phạm vi hành động thực tiễn. Thực vậy, đạo lý duyên khởi là đạo lý căn bản phá trừ vô minh và cố chấp, đồng thời cũng là một đạo lý căn bản cho hành động nhập thế. Phật tử phải tìm hiểu thấu đáo về đạo lý duyên khởi để áp dụng trong việc tu huệ cũng như trong việc tu phước; những diễn bày trong sách này về đạo lý duyên khởi chẳng qua chỉ mới là bước đầu mà thôi.



Vô Thường, Không và Vô Ngã

Trong đạo Phật, ta thường nghe nói đến giáo lý VÔ THƯỜNG, KHÔNG và VÔ NGÃ. Những giáo lý này cũng phát sinh từ một căn bản với giáo lý duyên khởi. VÔ THƯỜNG là tính cách thay đổi không ngừng của vạn sự vạn vật. Không có sự vật nào nằm yên bất biến, do đó không có sự vật nào giữ được tính cách đồng nhất tuyệt đối của nói; đó là VÔ NGÃ. Sự vật đã luôn luôn chuyển biến và không giữ được tính cách đồng nhất của chúng tức là sự vật trống rỗng: đó là KHÔNG. Chữ KHÔNG ở đây có nghĩa là trống rỗng, không chắc thật, chứ không có nghĩa là không có sự vật. Sự vật vẫn có, nhưng trong lòng sự vật người ta không tìm thấy tính cánh thường còn và đồng nhất, thế thôi.

Theo đạo lý duyên khởi, vạn vật nương vào nhau mà sinh khởi, tồn tại và tiêu hoại. Như thế vạn vật phải là VÔ THƯỜNG, bởi vì nếu không vô thường thì vạn vật sẽ bất sinh bất diệt. Vạn vật cũng VÔ NGÃ, bởi vì mỗi vật là do sự tập hợp của nhiều vật (duyên) mà thành. Vạn vật cũng là KHÔNG, bởi vì đã do các duyên mà thành, thì trong tự thân vạn vật không có một thực thể thường còn và đồng nhất.



Tứ Diệu Đế

Giáo lý căn bản thứ hai của đạo Phật là giáo lý TỨ DIỆU ĐẾ, tức là bốn sự thật lớn. Giáo lý này được diễn tả trong nhiều kinh điển, mà kinh điển đầu tiên là kinh CHUYỂN PHÁP LUÂN. Bốn sự thật lớn là: sự có mặt của những khổ đau (khổ), những nguyên nhân tạo nên khổ đau (tập), niềm an lạc khi khổ đau đã diệt (diệt) và con đường đạt tới niềm an lạc diệt khổ (đạo).

Giáo lý Tứ Diệu Đế là nguyên lý hành đạo có tính cách thực nghiệm và trị liệu. Tất cả các giáo lý Phật Giáo nguyên thỉ hay đại thừa đều được diễn bày theo nguyên lý Tứ Diệu Đế này. Cũng như giáo lý Duyên Khởi, giáo lý Tứ Diệu Đế không phải là những tín điều siêu hình mà là một nguyên lý có thể kiểm chứng được. Giáo lý "Bốn Sự Thật Lớn" được căn cứ trên luật nhân quả. Ta thấy hai cặp nhân quả sau đây:

1. QUẢ: Sự có mặt của khổ đau (khổ)

NHÂN: Những nguyên nhân tạo thành khổ đau (tập)

2. QUẢ: Niềm an lạc khi khổ đau đã diệt (diệt)

NHÂN: Con đường đi tới niềm an lạc diệt khổ (đạo).

Chúng ta hãy thử áp dụng nguyên lý tứ diệu đế vào trong một vấn đề y khoa. Ví dụ bệnh lao phổi là SỰ THỰC THỨ NHẤT: (Khổ). Sự thực này ai cũng phải công nhận, bởi vì ai cũng có thể biết rằng bệnh lao phổi là một bệnh có thật. Nếu bệnh lao phổi có thật thì những nguyên nhân tạo nên bệnh lao phổi cũng có thật: Đó là vì trùng Koch, là sự ăn ngủ thiếu điều độ, là sự thiếu ánh sáng và khí trời, vân vân... Sự có mặt của những nguyên nhân sinh ra bệnh lao phổi tức là SỰ THỰC THỨ HAI (Tập). Không những các bác sĩ mà tất cả chúng ta đều biết rằng bệnh lao phổi có thể chữa lành được. Sự lành bệnh ở đây là SỰ THỰC THỨ BA (Diệt). Và muốn đi đến sự lành bệnh, ta phải theo những phương pháp chữa trị khoa học nhằm loại trừ những nguyên nhân làm ra bệnh. Những phương pháp này, ví dụ sự xử dụng thuốc trụ sinh trong lành vân vân... là SỰ THỰC THỨ TƯ (Đạo). Bất cứ vấn đề nào của sự sống cũng có thể được chữa trị theo nguyên lý Tứ Diệu Đế.

Trong chúng ta, ai cũng công nhận rằng khổ đau có mặt trong cuộc đời. Nghèo đói, ốm đau, bệnh tật, chết chóc, thất vọng, biệt ly, bất đắc chí, đàn áp, bất công, tủi nhục...

SỰ THỰC THỨ NHẤT thật quá rõ ràng. Phật tử, sau khi nhận thức được sự thực thứ nhất, phải tĩnh tâm quan sát để tìm ra sự thực thứ hai tức là những nguyên nhân sinh ra đau khổ. Phương pháp do Phật chỉ dạy là phương pháp quán chiếu đạo lý duyên khởi. Tĩnh tâm, tâm trung ý và căn cứ vào thực nghiệm, ta có thể phát giác ra những nguyên nhân xa gần đã tạo ra những khổ đau ấy.

SỰ THỰC THỨ HAI cần được khám phá một cách triệt để, nếu ta quả thực muốn tìm ra căn nguyên đích thực của chứng bệnh để chữa trị. Đức Phật đã hướng dẫn ta nhìn vào sự thực thứ hai, những nguyên nhân của đau khổ, và ta cần nương theo những hướng dẫn ấy để khám phá. Trước hết, Phật dạy rằng vô minh là một nguyên do lớn của khổ đau. Vô minh là sự thiếu sáng suốt, là những nhận thức sai lạc về thế giới, thế giới nhân sự cũng như thế giới tự nhiên; những nhận thức đi ngược lại với đạo lý duyên khởi. Quán triệt đạo lý duyên khỏi, ta có thể phá bỏ được vô minh: Đó là chìa khóa của phương pháp Phật học. Bất cứ một khổ đau nào cũng có những gốc rễ gần và xa của nó và ta cần đối trị với những gốc rễ ấy, hoặc trên bình diện cá nhân hoặc trên bình diện tập thể. Hãy lấy ví dụ không khí ngột ngạt trong gia đình. Cái không khí ngột ngạt ấy không thể tự nhiên mà có; trái lại, nó do nhiều nguyên nhân sinh khởi. Có thể là những nguyên nhân kinh tế, có thể là những nguyên nhân tâm lý, có thể là những nguyên nhân xã hội. Sự cau có của người cha sau một ngày làm việc mệt nhọc, tự nó, cũng có nhiều gốc gễ phiền phức. Thái độ trách móc của người vợ, và sự thiếu hiểu biết của những người con có thể làm trầm trọng sự cau có kia lên. Nếu tất cả mọi người trong gia đình đều biết tĩnh tâm quán chiếu để thấy rõ những nguyên do xa gần của không khí căng thẳng ngột ngạt trong gia đình thì tự nhiên thái độ cau có, trách móc và hờn dỗi tan biến, không khí ngột ngạt sẽ không trở nên trầm trọng và mọi người trong gia đình sẽ cộng tác tìm cách xóa bỏ dần những nguyên nhân gần xa đưa đến sự cau có của người cha vào buổi cuối ngày. Thực ra thái độ dịu dàng, thông cảm và hiểu biết của người mẹ đã có thể làm dịu bớt nỗi cau có đó, và sự cộng tác của bà để chia xẻ những ưu tư, bực bội của chồng sẽ đóng góp rất nhiều trong việc tìm ra và tiêu diệt những nguyên nhân của sự cau có kia. Tìm ra sự thực thứ hai không phải là dễ dàng như ta tưởng; nó đòi hỏi công phu thực tập tĩnh tâm thiền quán hàng ngày của mỗi người. Thiếu công phu này, ta sẽ dễ dàng trút sự giận dữ và hờn oán lên kẻ khác, tại vì ta không thấy rõ đâu là nguyên nhân đích thực của những khổ đau mà ta chịu đựng.

Về mặt xã hội, sự vắng mặt các quyền căn bản dân chủ và tự do cũng có những nguyên nhân sâu xa của nó. Nguyên nhân mà người hay nhắc đến nhất là một chế độ độc tài. Nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất. Một chế độ độc tài chỉ có thể đứng vững được khi nó được hỗ trợ bởi một ngoại bang và khi mà dân chúng trong xã hội ấy không ý thức được quyền căn bản dân chủ và tự do của mình và không tranh đấu cho những quyền ấy. Dân chủ và tự do cũng như bất cứ thứ hạnh phúc nào, không phải là những món quà từ trên trời rơi xuống; trái lại, phải tạo dựng, bồi đắp và bảo vệ mới có. Những quyền dân chủ và tự do không phải là những điều do một chánh quyền tốt ban bố, người dân phải biết học tập và xử dụng các quyền dân chủ tự do, phải biết tôn trọng các quyền dân chủ tự do của kẻ khác và phải biết đoàn kết với nhau để bảo vệ và tranh đấu cho những quyền kia khi chúng bị đe dọa. Nếu ta biết rõ những nguyên nhân nào đã khiến cho các quyền dân chủ và tự do vắng mặt, chúng ta chắc chắn sẽ tìm ra được những phương pháp để thực hiện các quyền này trong xã hội của chúng ta. Tĩnh tâm và quan sát tìm cho ra những nguyên nhân này tức cũng là thực hành sự thực thứ hai vậy.

SỰ THỰC THỨ BA là mục tiêu mà ta hướng đến. Ta phải biết là ta muốn gì. Đã đành ta có thể nói rằng sự thực thứ ba là hạnh phúc, nhưng ta không nên lầm hạnh phúc chân thực với những hình thái mới nhìn qua thì trông như hạnh phúc mà kỳ thực chỉ là những nguyên nhân của khổ đau. Hạnh phúc chân thực được diễn tả trong đạo Phật như là sự vắng mặt của những khổ đau, là sự giải phóng của con người ra khỏi tham dục, hận thù và tối tăm, là sự đạt tới các đức vô úy, trầm tĩnh, đại hùng, khiến cho ta không còn là nạn nhân của sự sợ hãi, của những thành bại đắc thất tầm thường. Trên căn bản của sự giải phóng đó, chắc chắn hạnh phúc phải là chân thực và bền vững. Sức khoẻ, tài năng, sản nghiệp, tự do, công bình, dân chủ, vân vân... chỉ có thể trở nên những hình thái hạnh phúc thật sự trên nền tảng giải phóng đó. Người Phật tử phải nhận thức rằng theo đuổi sự nghiệp giải thoát không phải là từ bỏ mọi hạnh phúc của cuộc đời, trái lại chánh là để xây dựng một nền tảng vững chãi cho hạnh phúc. Nếu không đạt tới căn bản giải thoát thì dù có mắt cũng không biết nhìn, có tai cũng không biết nghe, có cuộc đời cũng không biết sống, có những điều kiện hạnh phúc cũng không biết hạnh phúc. Thế cho nên học tập để thấy rõ mục tiêu đích thực mà mình hướng tới tức là thực hành sự thực thứ ba. Phải nhận thức sự thực thứ ba như một thực tại mà không phải một mơ ước hão huyền hay một mộng tưởng. Sự an lạc mà chúng ta đạt đến do thực hiện những phương pháp Phật Giáo là điều có thể kiểm chứng được. Bất cứ một nhân nào gieo xuống đều có thể đưa đến kết quả; không một nổ lực nào của ta có thể gọi là vô ích. Nếu chúng ta kiểm điểm để nhận thấy kết quả và tính cách hữu hiệu của những nỗ lực hành đạo hàng ngày của chúng ta, chúng ta sẽ có thêm đức tin nơi sự thực thứ ba; rõ ràng như người nông phu, sau khi áp dụng những phương pháp canh tác khoa học, gặt hái được gấp bội và có thêm đức tin về nguyên tắc cải tiến nông nghiệp.

SỰ THỰC THỨ TƯ là con đường, là phương pháp hành động. Để đạt tới một đời sống an lạc hạnh phúc cho bản thân và cho xã hội, ta phải biết tìm đường, ta phải biết phương pháp hành động. Sự thực thứ tư không phải là một số giáo điều hoặc giới luật có thể học thuộc lòng, trái lại là kết quả của những chiêm nghiệm sâu sắc về các sự thực thứ nhất, thứ nhì và thứ ba cùng những kinh nghiệm sống của chúng ta về các sự thực ấy. Trong kinh ta thấy nói tới ngũ căn, ngũ lực, tam học, thất bồ đề, bát chánh đạo vân vân... Đó đều là những giáo lý thuộc sự thực thứ tư, những phương pháp có thể đem áp dụng trong đời sống để tiêu diệt khổ đau, kiến tạo an lạc. Những giáo lý này chỉ có giá trị và hiệu lực khi ta biết đem chúng áp dụng một cách thông minh vào sự sống. Trái lại nếu ta chỉ đọc tụng hoặc chiêm nghiệm mà không đem chúng áp dụng vào đời sống hàng ngày thì sự bổ ích sẽ không có được bao nhiêu. Sau đây ta thử xét qua một ví dụ về sự thực thứ tư: Đó là bát chánh đạo.



Bát Chánh Đạo

Bát chánh đạo là con đường của tám nguyên tắc hành động chân chánh (Astamaga). Tám nguyên tắc hành động ấy có liên hệ nhân quả rất mật thiết với nhau như sau:

1. Chánh kiến: Thấy đúng.
2. Chánh tư duy: Nghĩ đúng.
3. Chánh ngữ: Nói đúng.
4. Chánh nghiệp: Hành động đúng.
5. Chánh mệnh: Phương tiện mưu sinh chân chánh.
6. Chánh tinh tiến: Cần mẫn và nỗ lực chân chánh.
7. Chánh niệm: Ý thức chân chánh.
8. Chánh định: Thiền định chân chánh

Nếu ta chiêm nghiệm và áp dụng tám nguyên tắc trên vào cuộc sống thường nhật ta sẽ thấy tính cách liên hệ nhân quả giữa những nguyên tắc ấy. Hãy thử xét nguyên tắc thứ nhất là CHÁNH KIẾN. Ai cũng bảo nếu thấy đúng thì hành động mới đúng, do đó chánh kiến là cần thiết cho CHÁNH NGHIỆP. Nhưng làm thế nào để thấy đúng? Theo đạo Phật, sự thấy đúng không phải chỉ có thể đạt được do sự học hỏi trong sách vở hay do sự suy tư phân tích bằng trí thức. Sự thấy đúng là kết quả của kinh nghiệm sống và của sự tu chứng nữa. Ngày xưa, triết gia Vương Dương Minh của Trung Hoa có xướng thuyết TRI HÀNH HỢP NHẤT, có nghĩa là THẤY và HÀNH ĐỘNG là một. Do THẤY ĐÚNG mà HÀNH ĐỘNG ĐÚNG, do hành động đúng mà cái thấy càng đúng; hai điều bồi đắp cho nhau. Ý nghĩa của CHÁNH KIẾN và CHÁNH NGHIỆP trong đạo Phật cũng tương tợ như vậy; nhưng trong bát chánh đạo, không những chỉ có chánh kiến và chánh nghiệp mà còn sáu nguyên tắc khác nữa, tất cả điều liên hệ với nhau, bồi đắp cho nhau một cách thắm thiết đến nỗi trong tám chi của bát chánh đạo, mỗi chi đều bao gồm cả tám chi. Chi nào cũng làm nhân và đồng thời làm quả cho bảy chi kia. Chánh kiến không phải là bước đầu, cũng như chánh định không phải là bước cuối cùng; tám chi của bát chánh đạo cùng được áp dụng một lượt, do đó nên đạo Phật gọi đây là con đường của TÁM NGUYÊN TẮC HÀNH ĐỘNG CHÂN CHÁNH.

CHÁNH KIẾN là cái thấy về sự thực, sự thực bản thân cũng như sự thực xã hội, sự thực tâm lý cũng như sự thực về vũ trụ. Chánh kiến có nhiều mức độ cao thấp khác nhau tùy theo trình độ sinh hoạt và tu chứng của con người. Mức cao danh của chánh kiến gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác (Anuttara-samyak-sambodhi) tức là tri giác cao tột của Phật. Đối với người tu Phật, chánh kiến cần phải được khai mở và phát triển mãi mãi bằng học tập và thực hành. Quán sát đạo lý duyên khởi và áp dụng đạo lý ấy trong mọi lãnh vực của sự sống, ta sẽ nâng cao dần tầm chánh kiến của ta.

CHÁNH TƯ DUY là nghĩ đúng, và nghĩ đúng ở đây có nghĩa là suy tư phù hợp với đạo lý duyên khởi. Ví dụ như ta muốn có một cái nhìn chánh xác về tình trạng xã hội trong đó ta đang sống. Ta phải theo nguyên lý duyên khởi mà tìm ra mọi nguyên nhân xa gần, những nguyên nhân hiển nhiên hoặc bị che dấu, ta mới có thể đạt được tới cái nhìn chánh xác ấy. Nếu ta chỉ tùy theo thói quen, thành kiến và khuynh hướng đơn giản hóa vấn đề, ta sẽ không thấy được đúng, và do đó vì không có chánh tư duy nên ta không đạt tới được chánh kiến. Kết luận là ta phải biết tư duy theo nguyên lý duyên sinh.

CHÁNH NGỮ là nói đúng, và nói đúng ở đây có nghĩa là phát biểu sự thực căn cứ trên nguyên lý duyên sinh. Bất cứ một phát biểu nào của ta mà không phù hợp với nguyên lý duyên sinh đều không phải là chánh ngữ. Lời nói là một hình thức của hành động gọi là khẩu nghiệp. Lời nói là dụng cụ để diễn tả điều ta thấy và nghĩ; nếu thấy sai và nghĩ sai thì nói cũng sai. Mà khi ta nói sai, ta gây tác động lầm lạc cho chánh ta và cho người khác. Lời nói không những cần phải diễn tả sự thực mà còn nhắm đến sự xây dựng; ta phải thấy tất cả hậu quả của lời ta nói. Chỉ khi nào thấu được lý duyên sinh ta mới biết nói những lời có thể khai thị sự thực, tạo nên hòa khí, làm tiêu tan không khí nghi kỵ, oán thù và sợ hãi quanh ta.

CHÁNH NGHIỆP là hành động đúng, ở đây cũng có nghĩa là hành động phù hợp nguyên lý duyên sinh. Một hành động thuận theo lý duyên sinh là một hành động chắc chắn đem lại kết quả tốt, một người nông dân biết canh tác theo lý duyên sinh là một người nông dân thông minh, chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều hơn những người nông dân khác. Biết được hết mọi dữ kiện về hạt giống, phân bón, thời tiết, thị trường, người nông dân sẽ có nhiều cơ hội thành công. Trong gia đình và xã hội biết hành động theo nguyên lý duyên sinh, người Phật tử tạo được hòa khí và thương yêu xây dựng được đời sống an lạc của mình mà không phương hại đến an lạc của kẻ khác.

CHÁNH MỆNH là phương tiện sinh sống chân chánh. Một nghề nghiệp lương thiện, đó là chánh mệnh. Nhưng thế nào là một nghề nghiệp lương thiện? Điều này cũng chỉ có thể trả lời bằng sự nhận xét về xã hội trên nguyên lý duyên sinh. Những phương tiện sinh sống không gây tai họa và khổ đau cho kẻ khác trong hiện tại cũng như trong tương lai. Những phương tiện sinh sống thẳng thắn, không lừa đảo, không gieo rắc lầm lạc, không bóc lột kẻ khác, không vi phạm quyền tự do và bình đẳng kẻ khác, không phá hoại môi trường sinh hoạt của con người: Đó là chánh mệnh.

CHÁNH TINH TIẾN là nỗ lực chân chánh tức là sự cố gắng không ngừng trên mọi lãnh vực tu tập. Đây cũng là một phương diện của sự tu tập theo nguyên lý duyên sinh. Có khi những nỗ lực của ta không được gọi là chánh tinh tiến, chỉ vì những nỗ lực ấy không phải là chánh nghiệp, được hướng dẫn bởi chánh kiến. Những nỗ lực trên hướng danh lợi, tham lam hay căm thù đều không được gọi là chánh tinh tiến, bởi vì kết quả của những nỗ lực này có thể là khổ đau cho những người khác và do đó là cho chánh bản thân mình.

CHÁNH NIỆM là sự nhớ nghĩ chân chánh. Chúng ta đừng lầm chánh niệm với chánh tư duy. TƯ DUY là sự suy tưởng trong khi đó NIỆM là sự nhớ nghĩ, trái với sự quên lãng. Chánh niệm là một phương pháp tu luyện rất mầu nhiệm. Đó là ý thức sáng tỏ về sự sống của chánh bản thân mình. Người Phật tử chân chánh là người biết tập sống thường xuyên trong chánh niệm, nghĩa là sống có ý thức, biết mình đang làm gì, nghĩ gì, nói gì và do đó có thể soi sáng mọi tư tưởng, ngôn ngữ và hành động mình bằng nguyên lý duyên sinh. Sống trong sự quên lãng tự để cho mình bị kéo theo ngày tháng và hoàn cảnh mà không tự chủ được, không thấy được mình đang sống, không thấy được sự sống là mầu nhiệm, đó không phải là sống nữa mà là trôi lăn trong sinh tử.

CHÁNH ĐỊNH là phương pháp thiền định chân chánh. Thiền định là sự tập trung ý để đạt tới chánh kiến tức là cái thấy chân chánh. Định ở đây không có nghĩa là tư duy hay suy tưởng mà là những phương pháp tập trung tâm ý và thiền quán nhắm phát khởi trí tuệ. Những phương pháp này không nhắm đến sự tu luyện thôi miên, pháp thuật và trường sinh, mà nhắm đến sự phát hiện tuệ giác giác ngộ nên gọi là chánh định.



Ý Chỉ Của Đạo Phật Nhập Thế

Trên đây là đại cương các đạo lý duyên sinh, tứ diệu đế và bát chánh đạo. Học hỏi và thực tập các đạo lý này, người Phật tử xây dựng bản thân mình về ba mặt trí tuệ, tình thương và ý chí. Nhưng cá nhân liên hệ mật thiết với xã hội, do đó sự xây dựng bản thân liên hệ với sự xây dựng gia đình, xóm làng, giáo hội, quốc gia và thế giới. Đó là ý chỉ của đạo Phật nhập thế truyền thống tại Việt Nam.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1411 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ


Hoa nhẫn nhục


Nghệ thuật chết


Hạnh phúc khắp quanh ta

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.239.59.193 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (128 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - ... ...