Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Cơ học lượng tử cho biết rằng không một đối tượng quan sát nào không chịu ảnh hưởng bởi người quan sát. Từ góc độ khoa học, điều này hàm chứa một tri kiến lớn lao và có tác động mạnh mẽ. Nó có nghĩa là mỗi người luôn nhận thức một chân lý khác biệt, bởi mỗi người tự tạo ra những gì họ nhận thức. (Quantum physics tells us that nothing that is observed is unaffected by the observer. That statement, from science, holds an enormous and powerful insight. It means that everyone sees a different truth, because everyone is creating what they see.)Neale Donald Walsch
Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Người khôn ngoan học được nhiều hơn từ một câu hỏi ngốc nghếch so với những gì kẻ ngốc nghếch học được từ một câu trả lời khôn ngoan. (A wise man can learn more from a foolish question than a fool can learn from a wise answer.)Bruce Lee
Đừng làm một tù nhân của quá khứ, hãy trở thành người kiến tạo tương lai. (Stop being a prisoner of your past. Become the architect of your future. )Robin Sharma
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Thiền và Thi Ca trong thi kệ Mãn Giác Thiền Sư »»

Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn
»» Thiền và Thi Ca trong thi kệ Mãn Giác Thiền Sư

Donate

(Lượt xem: 9.950)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Thiền và Thi Ca trong thi kệ Mãn Giác Thiền Sư

Font chữ:



SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

“Ðừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Ðêm qua sân trước một cành mai”.

Mãn Giác, một thiền sư mang đầy nghệ sỹ tính đã để lại trần gian đóa mai vụt nở trước sân mà ngàn năm vang vọng trong vô cùng vẫn không hề tan rã, ở đó hương sắc quyện vào hư không tô thắm khung trời nghệ sỹ, trong ấy còn lại những vần thơ mang mang bao phủ đất trời.

Cả cuộc sống được dựng nên từ lời thơ, thế giới núp mình trong đóa mai chớm nụ và tính chất nghệ sỹ đượm nhuần trong hương sắc phảng phất đi vào cõi tĩnh mịch trong vô cùng. Chỉ có lúc đêm khuya bặt hết tiếng côn trùng, mọi vật chìm lặng trong màn đen cô tịch mờ ảo, chỉ còn đóa mai hé nụ điểm tô cho đêm trường, những rung cảm bỗng chốc đi vào từng thớ thịt làm ấm lại sinh động cho tâm thức, cuối cùng những tinh hoa của đất trời từ từ tuôn chảy dệt nên những vần thơ tiếng nói trong thời không.

Bóng dáng và dấu vết của chặng đường đó bật tung ra khỏi ngưỡng cửa quyền năng, còn lại những biến hóa phù thủy quyện vào đôi tay tung ra những vần thi kệ, mà cho đến bây giờ cành mai của năm xưa bỗng hiện hình làm tươi mát cho đất trời cho cuộc sống hôm nay.

I. CON NGƯỜI VÀ THI CA, BIÊN GIỚI CỦA MỘNG VÀ THỰC

Sự hiện hữu của con người được kể như vô nghĩa nếu không nhờ thi ca làm đẹp cuộc đời. Con người vốn là dòng sinh mệnh trôi lăn giữa những phong ba bão tố, thỉnh thoảng dừng lại với những biến động trá hình cuả hạnh phúc, mà đúng ra là cửa ngõ của những nghịch cảnh khác. Hạnh phúc mà chúng ta đang trực diện nếu có, chỉ là bóng dáng giữa mộng và thực, ranh giới của nó tựa như đường tơ kẽ tóc, như nhát kiếm chém phăng vào dòng nước đang chảy, biên giới nầy mong manh như chính thân phận con người.

Thực cũng chỉ là mộng được dệt nên từ có của thời gian, những khởi động đi qua nhanh như tia chớp, tạo cho ta tưởng chừng đó là hiện thực, sự thấp thoáng mờ ảo đó, biến thế nhân trở thành đối tượng chỉ sống với cảm quan phong phú, được dệt nên và hình thành từ cuộc sống vốn tràn ngập phi thực. Ý tưởng nhận thức được hưng khởi theo chiều hướng sai sử tác động, không nằm nơi nguyên ủy của lý lẽ vượt thoát.

Con người sống với niềm kiêu hãnh, ôm giữ những gì có được trong đôi tay, yên mình theo nghĩa thực hữu, quan cảm nếu được xuất hiện trở thành định lý bất di bất dịch, vì thế chặng đường đập vỡ thành trì cứng nhắc của tưởng quan lắm lúc trở nên bất lực.

Biên giới được xem là ngăn cách không tạo cho con người cảm thông với sự biết và không biết, giữa say với tỉnh, giữa mộng với thực. Khi nào ranh giới này bị san bằng tiêu hủy thì mộng và thực ấy còn lại một khối duy nhất, vượt ra ngoài những biên kiến, say bới tỉnh như cơn lốc cuốn hút vào hư vô. Có ai tỉnh hoài mà không say? Có ai say hoài mà không tỉnh? Nhưng, nếu tỉnh theo nghĩa tỉnh của thực tại thì điều này cũng chỉ trá hình của say, bởi lẽ hiện thực được dựng nên từ cảm quan, tưởng chừng chứ không phải là một thực tại với những tra vấn khám phá, những đặt lại nếu có, thì thực tại này trở thành phi thực ngay. Nếu trở thành phi thực thì sự có mặt của con người há không phải đang say hay sao?

Biên giới thi ca nằm ngay khoảng đó, tạo cho con người cách thức nhìn sự vật theo những cảm xúc lạ thường, vượt ra khỏi cuộc đời bên cạnh lối nhìn thi vị. Với thi nhân, nếu trăng là trăng thì trăng không còn thơ mộng, huyền ảo nữa và Lý Bạch đâu có tự mình nhảy xuống sông vì chỉ muốn ôm giữ một vầng trăng. Vầng trăng mà họ Lý muốn có được trong đôi tay bé nhỏ của mình chính là vầng trăng của mộng và thực. Vì nếu, họ Lý biết là trăng chiếu rọi bóng ở dưới nước, thì đâu tự mình tìm lấy cái chết oan uổng. Còn nếu bảo rằng trăng là thực thì ông cũng thừa hiểu rằng cỏi thực ấy chỉ có ở trên nền trời trong xanh chứ đâu nằm ở dưới nước, nhưng họ Lý đã thoát ra ngoài tương quan, nên tìm đến vầng trăng mà không cần biết trăng ấy từ cõi nào. Chừng đó cũng đủ rồi, tra vấn nhiều thì trăng không còn thơ mộng nữa.

Nhưng không có nhĩa nhìn trăng và thấy đó là đơn thuần thì cuộc sống và thi nhân hóa ra vô vị sao? Ngôn ngữ thi ca trở thành một thứ quyền năng biến hóa không lường. Có như thế Hàn Mặc Tử mới bắt “trăng nằm sóng sõi trên cành liễu” hay Xuân Diệu mới bắt “gió hôn trên má“.

Không phải thi nhân có quyền năng, nhưng sự sáng tạo để dệt nên thi ca trở thành quyền biến và đưa tri giác của thi nhân thoát ra ngoài những sai biệt mà một con người bình thường không thể tìm được. Thi nhân là kẻ cố gắng khám phá những gì đang bị che dấu, khuất lấp trong thực tại. Sự cố gắng này không có nghĩa phải nặn óc để có những vần thơ, mà điều này là cách nhìn mới lạ vốn đã được un đúc sẵn trong thi nhân, có cơ hội nhìn ngắm đối tượng thì cảm xúc trào dâng, vui buồn đối với thi nhân cũng chỉ là sự pha trộn giữa mộng và thực, khám phá truy tìm những mới lạ không có nghĩa để từ đó chạy trốn cuộc đời mà phải sống thực và gần gủi với đời. Trong niềm hoan lạc hay trong khổ đau ngôn ngữ thi ca đều có mặt, diễn tả những trạng huống nầy thơ mộng ngay lúc khổ đau đến độ dư thừa:

“Một chiếc cùm lim chân có Đế”
Ba vòng xích sắt bước thì Vương”

(Cao Bá Quát)

Điều quan trọng là phải hoán chuyển những thực trạng đó trở thành ngôn ngữ mà đối tượng thưởng thức tìm thấy giá trị siêu việt. Thi nhân không cần phải áp dụng đến nghệ thuật, vì thi nhân vốn đã là một siêu nghệ thuật rồi, nếu sự chuyển hóa phải có nghệ thuật thì sự trào dâng để có thi ca trở nên đè nén trong nghệ thuật. Thơ được xuất hiện khi đi qua quá trình cảm nhận và rung cảm, nếu muốn xử dụng nghệ thuật thì phải xử dụng trước khi rung cảm. Một khi rung động xuất hiện, thi nhân không nỡ chèn ép dù đó là nghệ thuật để thi vị lời thơ. Nhưng nếu thơ được xuất hiện trong ngăn ngại thì hồn thơ trở nên tức tưởi và ngôn ngữ thi ca không còn dệt từ những cảm quan tuyệt diệu nữa. Nó trở thành công lệ của nghệ thuật.

II. THIỀN TRONG THI CA

Thiền là thực thể của những sinh động, biến hóa liên tục, gây chấn động tâm thức để từ đó đạt được giác ngộ. Thiền hướng đến trực ngộ, chứng nghiệm thực trạng trong những sinh khởi bình thường, không qua lăng kính phân biệt mà phải nhìn thẳng bằng định lực, không đắm chìm trong những lý luận huyền ảo, quán chiếu mọi tương quan hiện tượng bằng đôi mắt cảm thông không ngần mé, nhưng hẳn chắc không gì ngăn trở nổi.

Trong hầu hết những công án của Thiền đều ẩn mang cốt cách văn chương thi ca, như một câu nói lơ lửng, một bài thơ không hiểu nổi. Nhưng, chính cái lửng lơ ấy tạo cho kẻ đối diện hoang mang, ray rứt, bí lối trước những suy luận và cuối cùng bỗng nhiên lăn mình trường tới cửa ngõ rỗng không.

Thiền bao phủ len lõi bàng bạc trong thi ca khá nhiều, nhất là thi nhân một khi muốn hiểu cảm thông đối tượng, trước hết phải cảm thông chính mình, và để từ đó bắt nhịp, phơi bày trao gởi lời thơ. Thơ là một cách hiểu, lối sống với sự vật trong mọi hoàn cảnh gợi hứng cho thi nhân, tuy nhiên sự hiểu lắm lúc vẫn còn kẹt vào những so đo phán xét, theo bản năng lôi kéo những hiện vật trở thành sản phẩm đơn thuần lý trí. Chỉ có sự hiểu biết của siêu nhgiệm, vượt thoát ra ngoài biên giới mọi tương quan thường nghiệm, thì mới có thể đạt tới đích của Thiền là tạo năng lực thể nhập vào thi ca, không còn nhị nguyên mà là một. Bởi vì trí huệ hình thành là nhờ phá tan đi chủ thể, khách thể, những lý luận nếu không tiêu hủy sẽ thành ngăn ngại, như thế chặng đường tìm đến sự dung hòa hội nhập biến thành hố thẳm chôn chặt cuộc đời.

Thiền có công năng linh diệu trong việc hướng tri thức khi nhìn muôn vật trở nên siêu thực, nhìn với cách nhìn, lối nhình như thị, không thành kiến mà phải ly khai ra khỏi những đối lập, phải biến sở hữu của riêng mình thành chung của vạn hữu – Thi nhân nếu không khơi dậy con đường cảm xúc, rung động toàn triệt thì thi ca không đạt được tận cùng vi diệu và như vậy lời thơ không trải hương, ươm mật. Thi nhân cũng có thể dệt những rung cảm của mình trên lối về thăng hoa hiện hữu, nhưng cũng có thể biến ray rứt của mình nhuộm đen tối khổ đau thêm cho đời. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào bản năng đang ngự tiềm ở thi nhân.

Chúng ta thử tìm những sắc thái đặc thù trong một vào công án bằng thi ca của Thiền, như Viên Chiếu Thiền Sư có lần đáp:

“Gốc tùng trổi gió âm buồn
Mưa qua lối đó vấy bùn nẻo đi”.

Ngài diễn tả thực trạng nhưng, trong ấy có một cái gì nhắn gởi bất động như chính cái yên lặng trổi buồn của cây tùng. Và cũng lần khác ngài đáp khi được hỏi về “Chân”

“Hoa rừng vướng lệ nữ thần
Gió xao cành trúc tiếng đàn Bá Nha”

Có ai hiểu được tiếng đàn Bá Nga ngoài Tử Kỳ? Cái lơ lửng của Thiền như chính cái lơ lửng của thi ca vậy. Nếu nhìn nước với con mắt của khoa học, của lý trí thì nước được cấu tạo bởi H2O nhưng, với nhãn quan thi nhân lại thấy nước là bến đò tiễn biệt, những hẹn hò chờ đợi hoang vắng, cô quạnh trong buồn đau, lững lờ trôi như dòng nước v.v… cách nhìn đó xuyên qua thực thể, chặng đường nầy gần giống với Thiền trong việc tìm những bí ẩn đằng sau mọi tương quan. Nhưng, thi nhân hầu hết từ đó khởi lên những hoài cảm, xót xa, thương tiếc, dĩ nhiên vẫn hơn những đối tượng không tìm thấy được lý lẽ này, vì còn cơ may nhìn lại sư đau thương ấy. Ngược lại, với Thiều truy cứu về hiện tượng bằng những cung cách nầy nhưng, vượt lên trên ở điểm Thiền không phải là thực thể chết cứng lặng thinh, mà rất linh diệu, tươi sáng, nhìn sự vật trôi qua, biến hiện, bằng con mắt thờ ơ, lãnh đạm không hề lo sợ mảy may nào.

Ngoài những điều trông thấy như nước chẳng hạn, nếu sự đơn thuần nước là nước thì bình thường quá, nhưng mặt trái nuớc vẫn là cái gì có thể là điểm nhớ nhung, hy vọng, tùy theo trạng huống mà đối tượng đã gặp. Thiền lột trái bộ mặt ấy và đưa con người nhìn thẳng vào đó, đừng lo sợ vu vơ và đặt tra vấn ngay nếu, mặt trái là sự hẳn nhiên thì tại sao không từ đó để thấy rằng đàng sau những xô bồ, tan rã có một cái gì rất thực, rất thi vị, mà ngôn ngữ không diễn tả được. Đừng run rẩy phải đối diện với hùng lực sẵn có trong mỗi người, dung hòa được điều này thì cuộc sống không còn đau khổ triền miên nữa, mà phải bắt nhịp cảm thông như thi nhân đã thi vị cuộc đời bằng chất liệu lời thơ, phải vượt ra khỏi trói buộc, như những Thiền sư đã từng vượt, thì cuộc đời không còn phù vân mộng ảo nữa, có một cái gì đáng yêu nên thơ trong ấy.

III. SỰ DUNG HÒA GIỮA THIỀN VÀ THI CA TRONG CON NGƯỜI MÃN GIÁC

Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096) đã tổng hợp dung hòa những sắc thái độc đáo của Thiền tác động và hưng khởi cho thi ca. Trong ấy ta tìm được những vần thơ theo hình thái thi kệ một cách bình dị, thường nhật, thanh thoát, nhưng đã chứa những nghĩa mầu thầm kín, vén mở chân trời huyền nhiệm mà thi ca ẩn mình trong đó.

Mãn Giác khơi dậy sự vật hiện hữu trước mắt với lối nhìn đặt nguyên vị trước và sau chính nó đã nằm, không hẳn phải tách rời ra khỏi tư thế. Điều quan trọng từ đó thăng hoa và đưa nó trở nên biểu tượng tối cần để ngắm nhìn. Mãn Giác đặt vấn đề hết sức dung dị, sự tồn tại, diệt vong của nó theo quan điểm con người và thi nhân, cũng như giữa thi nhân với Thiền Sư. Tra vấn của Mãn Giác được xuất hiện đồng lúc với thời điểm ngự trị của thời gian, nhưng điều này đã mở bày khi hình hài, hương sắc chính nó hiện diện ở trần thế.

Người nghệ sĩ thi nhân đến giữa cuộc đời không nhất thiết phải để lại những vần thơ bất hủ, sự có mặt của họ chính là vần thơ tô thắm cho những giá trị mà con người ít tìm thấy. Có làm thơ cũng chỉ dệt nên những rung động, và sự nói năng nầy là những tiếng vọng lên, sau đó vụt tắt qua mau, nhưng có ai dám bảo rằng kẻ ấy không gởi gấm cả một tấm lòng cho nhân thế? Hồn thơ khi đã được xuất hiện, nó bàng bạc ăn sâu và thâm nhiễm vào chính ngay đối tượng. Nếu, sự vật được đôi mắt thi nhân ghé qua dù không dệt nên thi ca thì nó vẫn in dấu và tỏa ra những sắc hương hơn những sự vật khác, sự vươn lên cuả nó đã tô thắm, làm đẹp cuộc đời bằng ngữ ngôn im lặng. Sắc vị ấy phảng phất bay chập chờn trong hư không, một lúc nào đó chúng ta thật sự nhìn ngắm giải lục trắng trên nền trời xanh, hay ánh trăng lung linh huyền ảo, màu sắc và yên lặng đó cho chúng ta những rung động mà chính nó đã được un đúc những cảm nhận của thi nhân từ trước.

“Cổ nhân bất kiến kim thời nguyệt
Thời nguyệt năng thường chiếu cổ nhân”

Người xưa không thể trông thấy được vầng trăng hôm nay, nhưng ánh trăng hôm nay trước đó vốn đã chiếu rọi người xưa. Để rồi bây giờ hương sắc người xưa vẫn còn đó, ẩn mình trong thăm thẳm mênh mang. Cổ nhân đã đi qua nhưng ánh trăng còn ở lại để điểm tô và làm đẹp cho con người. Sự ngự trị rung động của thi nhân có mãnh lực phi thường, hoán chuyển sự vật theo cách nhìn và tạo cho con người duyên theo đi vào lối khác tràn ngập màu sắc âm thanh kỳ ảo.

Mãn Giác thiền sư người đã để lại một bài thơ mà ngàn năm trôi qua giá trị vượt ra ngoài tử sinh. Âm vang của nó tựa như tiếng thì thầm được cất lên từ đỉnh cao chất ngất vang vọng xuống trần gian. Làm cho con người sực nhớ đến sự tàn phá hủy diệt của thời gian, nhưng trong đó âm hưởng vẫn tồn tại trong vô cùng, vượt thoát có không.

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Dịch:

Xuân trỗi, trăm hoa rụng
Xuân đến, trăm hoa cười
Trước mặt, việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai
(Ngô Tất Tố)

Thời gian là mấu chốt cột chặt, được con người lập nên và cũng chính từ đó hủy hoại những hình ảnh không chút tiếc thương. Nhưng với Thiền sư kẻ thoát ra ngoài cõi sống chết thời gian không còn đụng đến, bốn mùa không duyên theo thì lấy gì mà lập. Khi tạo cho đời sự dung hòa, Thiền sư y cứ nơi đó hé mở cho thế nhân đàng sau những chồng chất tàn phá ấy còn lại một cái gì rất là thơ, rất là thực. Hoa tàn rơi rụng để rồi chìm lặng ẩn mình trong hư vô, tạo nên kiếp lang thang trước ngưỡng cửa chờ đợi tiếp nối. Nhưng, đó là sự chuyển mình để sinh thức tồn tại ở môi giới khác. Với nhãn quan của Thiền sư nó đã bị chiếu vào tận cùng nguyên thể mà chính nó đã đi qua, đây cũng là phương cách huân trưởng cho sự vươn lên một lối và cách tồn tại khác. Sự hiển lộ nầy vẫn trá hình len lõi chứ không hẳn kết thúc một đời. Hoa tan biến theo bản năng thông thường được dựng nên theo những nguyên lý thành, trụ, hoại, diệt. Nhưng đêm qua sân trước một cành mai nở rộ, mãi mãi tồn tại trong vô cùng, không ai có thể tàn hủy mà chính nó đã hiện hữu trong vượt thoát. Cành mai Mãn Giác thi sỹ trông thấy, không được dựng lên từ thời gian, nó đã xuất hiện tồn tại ngay trong mọi sinh diệt của cuộc đời. Bóng dáng của nó không nằm ở đâu trong hay ngoài nhưng, tất cả chính là sự có mặt phi thường của nó.

IV. TÍNH CHẤT NGHỆ SĨ TRONG CON NGƯỜI MÃN GIÁC

Mãn Giác được mệnh xưng là con người nghệ sỹ, nhưng vượt lên trên tất cả những gì được gọi là nghệ sỹ. Nghệ sỹ ở đây được hiểu theo nghĩa những rung động, những cảm hứng vụt khởi, để rồi còn chỉ lại lời thơ, một chút gì đẹp thấp thoáng ẩn hiện trong vô cùng. Và nghệ sỹ ở đây theo nghĩa lãng quên, làm tất cả nhưng không hề nhớ mình đã làm cái gì cũng như không có cái gì để làm cả, không một vật nào có thể trói buộc ngăn ngại được. Nếu có nhớ thì sự nhớ ấy chỉ là cách để quên và đôi khi sự nhớ nầy trở thành vô niệm trong đó. Vượt lên trên những phê phán ngộ nhận, đạp tung những gì được gọi là định thước. Những thứ ấy không cần thiết và không làm trở ngại nhất là con người nghệ sỹ giải thoát.

Mãn Giác đã đẩy lui thời gian ra khỏi ngưỡng cửa chờ mong, phóng mình tới đích phi thời gian. Đêm trước sân cười một nhánh mai đã chấn động cả đất trời, như tiếnng vang đinh tai nhức óc làm con người chơi vơi giữa khoảng tử sinh.

Con người đo lường cuộc sống và sự sống bằng thời gian, chờ đợi để được trả lời những nghi vấn, thực ra nó hình thành cũng do chúng ta muốn kiểm chứng đo lường, để rồi sau đó chính nó gây nên những tác động, làm con người trở nên lệ thuộc và đau khổ khi bị đào thải, tàn phá, như Xuân Diệu chẳng hạn, xuân vừa đến bỗng sợ xuân mất. Dù rằng Xuân Diệu đã thấy được sự vô thường trong đó.

“Xuân đang đến nghĩa là Xuân đang qua
Xuân còn non nghĩa là Xuân sẽ già
Mà Xuân hết thì đời tôi cũng mất!”

Trái với Mãn Giác bỏ đi thời gian, quên đi mọi vật, chỉ còn cành mai đang phơi sắc tồn tại mãi nơi tâm thức, không còn gì có thể chi phối được nữa. Bản thể khi đã thấu rõ, đâu còn băn khoăn lo lắng, thương đau, ngược lại có thái độ bình tĩnh, tự tại, an nhiên trước những đổi thay biến hiện. Con người nếu đạt được điều này có thể vẫy tay chào tạm biệt thời gian không một luyến tiếc như Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu với mấy vần thơ:

“Người đời ai cảm? Ta không biết
Ta cảm thương ai viết mấy lời
Thôi thì: Cùng thu tạm biệt
Thu hãy tạm lui
Chỉ để khách đa tình đa cảm
Một mình thay cảm những ai ai?

Tính chất nghệ sỹ ấy nếu được khơi mở đúng lúc thì cuộc đời là một cuộc thơ, thăng hoa trên lối về, làm nở những đóa hoa trong vô cùng mà hình ảnh của nó tô thắm khung trời mơ. Mãn Giác đã ý thức một cách thâm thiết trọn vẹn về con người, những tương quan hiện hữu nếu không được buông bỏ ra khỏi cuộc đời thì trở thành gánh nặng cho mình. Chỉ có tính chất nghệ sỹ mới dám đạp tung ra khỏi đôi vai và tâm tư chính mình. Nếu, áp dụng Thiền trong sự pha trộn thì nghệ sỹ này rong chơi dạo khắp nẻo luân hồi hỗn độn mà không bị hề hấn chùng bước. Đi vào cuộc đời tựa như đến khu vườn với trăm ngàn hương thơm cỏ lạ đang chờ đón. Nếu trong ấy có những đóa hoa nào tàn rơi rụng thì với nghệ sỹ tính không khởi lên mối thương đau, vì đó là cách biến dạng để đến môi sinh khác. Và nếu có thương đau thì sự thương đau ấy chỉ là rung động để từ đó dệt nên lời thơ, chắc hẳn sau đó bỗng như gió thoảng mây bay, còn lại chút gì nghệ sỹ truyền trao cho nhân thế. Đôi lúc thi nhân không cần đến sự thưởng thức của kẻ khác, bởi lẽ mấy ai rung động trọn vẹn như thi nhân đã từng rung động, và nếu có, chắc gì hiểu được ý thơ. Với nghệ sỹ thơ nếu được trào dâng thì điều ấy có nghĩa là thông lệ, không nhất thiết để người thưởng ngoạn mà không bắt đúng nhịp.

Một bài thơ được kể như hay nhất là bài thơ không bao giờ được viết nên lời.

V. TẠI SAO MÃN GIÁC ĐỂ LẠI CHO ĐỜI BÀI THƠ

Đối tượng của thi ca là sự vật sinh động trong im lặng nhiều nhất, chính sự vô ngôn nầy tạo cho thi nhân những tiếng nói trở thành tiếng nói dùm cho đối tượng, theo nghĩa diễn tả những rung động bắt nguồn từ đối tượng.

Sự rung động tuyệt diệu chỉ xuất hiện một lần độc nhất trong một cuộc đời, ngoài ra nếu có rung động thì sự rung động ấy được hiểu theo nghĩa rung động để trào dâng nguồn thơ chứ không phải điều đắc ý nhất của thi nhân. Cuộc đời thi sỹ chỉ để lại một bài thơ đắc ý của mình, được hình thành trong một lần tung mình tới đích cảm xúc trào dâng. Truy tìm bài thơ tuyệt tác của thi nhân độc giả phải có những giây phút tiếp nhận những khởi cảm mà thi nhân đã từng rung động, thì mới có thể nhận được những gì thi nhân đã trao gởi trong đó. Và kẻ thưởng ngoạn nếu không đạt tới chiều sâu vi diệu, chính là mức độ thưởng ngoạn của mình bị giới hạn trước những dệt nên của thi nhân. Quả tim con người duy nhất một lần rung động tuyệt hảo, lúc người ấy tiếp nhận một cách trọn vẹn sâu xa, ngoài ra nếu có chỉ là dư hưởng còn lại.

Mãn Giác Thiền Sư thoáng gặp lần vụt mình trên những chấn động một cách toàn triệt, đó là giao điểm thời gian giữa đông và xuân, ở đó tìm về quá khứ của đông sự vật và con người co mình trước những giá buốt, tâm hồn trơ trọi run rẩy như những thân cây phủ tuyết đứng bất động ngoài đường. Ý thức trở nên băng giá khô cứng do thời gian tạo nên. Nhưng với Mãn Giác mùa đông ấy là chất liệu đang được huân trưởng trong ngài. Sự lạnh lùng băng tuyết là thực thể đang dội mạnh vào tâm tư của mình, như dòng nước từ cao điểm đổ xuống tung tóe lên những bông hoa. Mùa đông ấp nụ để chờ cơn gió xuân thổi qua, nụ hoa bổng nhiên bùng lên trong khí trời ấm áp. Nếu không có giao điểm đông tàn thì sự xuất hiện của mùa Xuân không làm cho cuộc đời trở nên đẹp, sỡ dĩ mùa xuân của hy vọng của muôn hoa, vì nhờ những tàn phá của Đông trước đó làm cho con người có ước vọng tìm đến mùa Xuân, để vơi đi những bẽ bàng run rẩy trong cô liêu.

Nhưng mấy ai thực sự hưởng trọn một mùa Xuân đúng với ý nghĩa của nó nhất. Nếu Xuân đến để rồi ra đi mang theo những đóa mai tàn rơi rụng, thì thà nàng Xuân không đến hay hơn. Nhưng rồi Xuân đến và ra đi như chính thân phận tan hợp, con người còn lại những nuối tiếc hoang mang, thương đau, hoài vọng, những dư hưởng vẫn còn phảng phất đâu đây để nhớ dâng chồng chất, để nuối tiếc cho một đời.

Với Mãn Giác mùa xuân không còn nằm nơi khe cửa, không phải chờ đợi chúa Xuân ngự đến, mà bất chợt khi đóa mai vụt nở trước thềm cả sự cảm xúc tuyệt hảo phi thường xuất hiện trong chớp nhoáng, để rồi dệt nên bài thơ trao lại cho đời, một đóa mai không tàn phai theo năm tháng.

Duy nhất và chỉ một lần đắc ý mà trong cuộc đời Mãn Giác đã tìm được, nếu không phải là lần cùng cực rung động, hẳn đã không có những vần thơ bất hủ như thế. Sự giác ngộ được kể như gõ thẳng vào tâm điểm để đạt đến sự thể nhập tuyệt cùng. Sự rung động cũng là cách cần phải thể nghiệm trọn vẹn mới có thể tìm hiểu được những gì mà đàng sau đó đang ẩn chứa. Và biết đâu chính những nguyên lý đó đưa đến giác ngộ?

Thiền sư là những con người có được sự bén nhạy nhanh và năng cảm nhất, vì khám phá uyên nguyên sự vật trước hết, trên hết phải chuyển mình trở thành sự vật đang hiện hữu, không thể đứng ngoài sự vật mà tìm thấy những thầm kín trong ấy, muốn tìm ra gốc rễ phải sống và thở như chính nó đã sống. Nếu không có những điều nầy thì làm sao có thể thành tựu trong việc truy lùng uyên nguyên vật thể.

Thiền sư là những kẻ đang thở và sống trong tất cả mọi hiện tượng và sự vật, hoán chuyển để trở thành nguồn sống nuôi dưỡng cho những trổi dậy, vượt thoát ra ngoài tương quan hiện thực.

Đoá mai không tàn phai khi mai chính là chất liệu được ngự trị, và Mai đã được nở một lần thể nhập vào vô cùng, thì cuộc đời lúc nào không có đóa Mai, không có mùa Xuân? Ý của Xuân và hương sắc quyện vào hư vô chỉ tan loãng nhưng không hề nhạt phai trong trời đất. Phải có cái nhìn như thật vượt thoát thì mới có thể trông thấy được những gì mà kẻ khác không trông thấy. Cái nhìn đó phải là cái nhìn của thi sỹ của Thiền sư của nghệ sỹ thì sự vật mới lộ nguyên hình.

“Nếu không là nghệ sỹ thì không là thiền sư. Nếu không là Thiền sư thì không là thi sỹ”

Nhưng tất cả cuối cùng rồi chỉ còn trên đường về của im lặng, những lời thơ không bao giờ được cất lên, nhưng ở đó một khung trời huyền nhiệm đang ngự tác. Mãn Giác để lại một bài thơ hay nhất, đắc ý nhất, và rung động tột cùng nhất. Và rồi sau đó tất cả đang mờ dần, kể cả những lần chấn động kế tiếp, nhưng không còn làm cho cảm tác dâng cao độ. Một khi nó đã ở từ đỉnh cao thì chặng đường sau không phải chỉ là cách gượng ép hay sao? Đúng ra không còn hứng thú nữa?

Lời thơ ấy cho đến bây giờ vẫn còn vang vọng và vang vọng cho đến khi nào bặt hết mọi ngôn từ, lúc ấy nó mới trở về từ nơi mà nó đã xuất hiện. Im lặng.




    « Xem chương trước «      « Sách này có 1489 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phóng sinh - Chuyện nhỏ khó làm


Vầng sáng từ phương Đông


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng


Kinh Di giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.207.255.67 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (20 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...