(Giảng ngày 22 tháng 5 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 4, số lưu trữ: 19-012-0004) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Trong xã hội Trung Quốc xưa nay, Thái Thượng Cảm ứng thiên là bản văn luôn được mọi người hết sức tôn trọng. Rất nhiều người y theo phương pháp trong bản văn này để tu tập, sự cảm ứng đạt được không thể nghĩ bàn. Sách Cảm ứng thiên vị biên đã sưu tập rất nhiều những chuyện tích cảm ứng như vậy, hiển bày hết sức rõ ràng những công năng hiệu quả của sự tu tập. Người xưa khuyên dạy rằng, tâm địa con người cốt yếu phải chân thật tử tế.
Có một lần tôi đến Úc châu, nhưng thời gian chỉ được 4 ngày. Dù thế, các vị đồng học ở đó cũng không muốn bỏ qua cơ hội nên yêu cầu tôi trong 4 ngày ấy đem đại ý sách Liễu Phàm tứ huấn giới thiệu với mọi người.
Về ý nghĩa cảm ứng, phần mở đầu đã nói rất rõ qua việc trích dẫn Kinh Dịch: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh; tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương.” (Nhà nào thường làm việc thiện, ắt sẽ được nhiều điều tốt đẹp. Nhà nào thường làm việc ác, ắt sẽ gặp nhiều tai ương.) Giữ tâm chân thật tốt đẹp nhất định ngày sau được hưởng phúc. Tâm ý khắc nghiệt khinh bạc thì cho dù trước mắt có hoàn cảnh hết sức tốt đẹp thịnh vượng, không bao lâu ắt cũng phải suy thoái. Thực tế cũng như lý luận này, từ xưa đến nay, từ gần đến xa, chỉ cần lưu tâm quan sát thì ai ai cũng thấy được, mà còn thấy hết sức rõ ràng. Cho nên, dù là cá nhân hay gia đình, đoàn thể hay quốc gia, cần phải hiểu rõ rằng sự hưng vượng là hoàn toàn do giữ tâm tốt đẹp chân thật, dứt ác tu thiện. Vì thế, người xưa nói rằng, nếu ai thấu hiểu rõ ràng ý nghĩa đó thì nên đem bản văn Cảm ứng thiên này truyền bá lưu hành rộng khắp.
Chúng ta nên học làm theo Tổ Ấn Quang. Trong suốt một đời ngài đã mang hết tâm ý, sức lực lo việc truyền bá lưu hành Cảm ứng thiên, cùng với các sách Liễu Phàm tứ huấn và An Sĩ toàn thư. Ba bộ sách này ngài đã in ấn lưu hành với số lượng vượt xa hơn so với kinh, luận trong Phật pháp. Ngài làm như thế là có dụng ý gì? Thật không gì khác hơn là muốn cứu vãn kiếp nạn hiện nay của thế gian này.
Kiếp nạn này thật hết sức nghiêm trọng, chúng ta cần phải nhận biết cho thật rõ ràng. Kiếp nạn do đâu mà thành? Đều do tâm địa, hành vi của con người mà thành. Do tâm địa, hành vi bất thiện nên tạo thành kiếp nạn, đúng như lời Phật dạy: “Y báo tùy trước chánh báo chuyển.” (Y báo tùy theo chánh báo mà thay đổi.) Y báo là hoàn cảnh sống quanh ta. Chánh báo là tâm địa, hành vi của con người. Tâm hiền thiện thì hoàn cảnh sống tự nhiên cũng được tốt lành. Tâm bất thiện thì hoàn cảnh cũng chuyển thành xấu ác, kém cỏi.
Cho nên, bản văn Cảm ứng thiên này nhất thiết phải đọc thật kỹ, suy ngẫm thật sâu xa, gắng sức vâng làm theo. Ngay trong đời sống hằng ngày, mỗi khi khởi tâm động niệm, nói năng hành động, đều phải suy xét xem có phù hợp với lời dạy trong Cảm ứng thiên hay không. Nếu là phù hợp thì đó là điều có thể nghĩ, có thể nói, có thể làm. Nếu không phù hợp thì nhất định là không thể. Trước hết phải đọc cho thật kỹ và thường xuyên suy ngẫm về nghĩa lý trong sách. Đọc kỹ, nghĩ sâu, gắng sức vâng làm, thì tương lai của quý vị sẽ vô cùng xán lạn.
Con đường học Phật của tôi, đến năm 26 tuổi mới được tiếp xúc với Phật pháp. Rất nhiều vị đồng tu đều biết rõ, bản thân tôi không có phước báo, cũng không có thọ mạng lâu dài. Đã có nhiều người xem tướng số, hầu hết đều đoán rằng tôi sống không qua tuổi 45. Tôi tin điều đó, vì trong gia tộc nhà tôi đa số đều sống không quá 45 tuổi.
Không có phước báo, hẳn vì trong đời quá khứ không tu phước. Cũng may là tuy tôi kém cỏi nhưng vẫn có được một chút căn lành, vẫn có được một chút trí tuệ sáng suốt để có thể tiếp nhận pháp lành. Năm ấy, lão cư sĩ Chu Kính Trụ mang hai quyển sách Liễu Phàm tứ huấn và Cảm ứng thiên đưa cho tôi xem. Tôi đọc qua rồi cảm nhận sâu sắc, xúc động trong lòng, tự biết được những thói hư tật xấu của mình, liền tự sửa lỗi, tự làm trong sạch tâm ý, học theo các hạnh nhẫn nhục, nhún nhường. Hiện nay tôi có thêm được chút tuổi thọ, thêm chút phước báu, đều không phải do nơi đời trước, chính là nhờ sự tu tập trong đời này, nên phải nói thật ra là nhờ sức giáo huấn khuyên răn của Tổ Ấn Quang.
Ba quyển sách Liễu Phàm tứ huấn, An Sĩ toàn thư và Cảm ứng thiên tôi đều đã giảng qua rất nhiều lần. Có lần, các vị đồng tu thỉnh tôi giảng lại. Tôi nói, tốt lắm, hiện nay là lúc rất thích hợp. Mọi người bây giờ học Phật, công phu tu tập không hiệu quả, niệm Phật không đạt nhất tâm, tham thiền không vào cảnh định, nghiên cứu Giáo pháp không hiểu thấu suốt, nguyên nhân do đâu? Cần phải tìm ra nguyên nhân ấy, dứt trừ cho được, thì dù tu tập pháp môn nào cũng đều sẽ đạt kết quả. Đặc biệt là trong thế gian hiện nay, mỗi một khu vực trên khắp thế giới này đều thường xảy ra tai nạn, mỗi năm một nhiều hơn, mỗi lần một nghiêm trọng hơn. Chúng ta cần phải lưu tâm tỉnh giác.
Tháng trước, có một đồng tu ở Úc châu mang cho tôi ba quyển sách khổ lớn, nói về những lời tiên tri thời cổ của phương Tây. Tôi bỏ ra hai tuần đọc qua hết, thực sự thấu hiểu rất rõ ràng. Trước đây tôi cũng từng xem qua một số bản, nhưng chỉ là các bản trích dẫn, không hoàn chỉnh, nên xem qua không hiểu rõ được. Cũng có thể do bản thân tôi chưa đủ công phu tu tập nên không hiểu. Nay được xem toàn văn nguyên bản nên tôi hiểu ra. Ông Nostradamus (Nặc-tra Đan-mã-tư), người phương Tây, là một nhà tiên tri lớn được cả thế giới biết tiếng. Trong thực tế, nếu so sánh với nội dung sách Liễu Phàm tứ huấn thì ông này cũng giống như nhân vật Khổng tiên sinh. Đối với những thay đổi trong tương lai của xã hội, ổn định hay rối loạn, ông đoán trước được hết sức chính xác, chỉ là không hề có biện pháp hóa giải. Trong sách Liễu Phàm tứ huấn, Khổng tiên sinh cũng đoán vận mệnh tương lai của Viên Liễu Phàm cực kỳ chính xác, nhưng chẳng đưa ra được biện pháp gì để thay đổi. Tiên sinh Liễu Phàm thật hết sức may mắn mới gặp được thiền sư Vân Cốc, dạy cho ông biết rằng mạng số do chính mình tạo ra, nên đương nhiên là tự mình có thể sửa đổi. Đó gọi là chuyển đổi số mạng. Và ông đã chuyển đổi thành công.
Tại Trung Quốc, trải qua các triều đại, những người giống như tiên sinh Liễu Phàm nhiều vô kể. Khi quý vị thấu hiểu được ý nghĩa, thấu hiểu được phương pháp, quý vị cũng có thể chuyển đổi số mạng, tạo ra vận mạng của chính mình, tương lai hoàn toàn xán lạn.
Thấu hiểu rõ ràng ý nghĩa này là khó, chẳng phải việc dễ dàng, mà thấu triệt phương pháp [chuyển đổi số mạng] cũng không dễ dàng. Cho nên, nhất định phải hướng thượng nỗ lực học tập.
Ý nghĩa [chuyển đổi số mạng] là cực kỳ sâu xa. Chúng ta tại Singapore này có cơ hội dành nhiều thời gian giảng kỹ các bộ kinh lớn, qua đó đã giảng rõ với quý vị ý nghĩa này rồi. Nhưng nghe qua một lần, hai lần, ba lần, quý vị liệu có thực sự thấu hiểu rõ ràng chăng? Cũng chưa chắc. Nếu nghe qua một lần, hai lần, ba lần... có khi quý vị còn chưa gầy dựng được lòng tin vững chắc, huống hồ là thấu hiểu rõ ràng?
Thật may là kinh Hoa Nghiêm có nội dung rất dài, theo tiến độ giảng giải hiện nay, tôi dự tính phải giảng đến 15 năm. Nếu có đủ nhân duyên làm được như vậy, trong 15 năm đến đây huân tu, tôi tin rằng sẽ có rất nhiều người được khai ngộ. Nếu không có thời gian dài như thế thì không làm được. Nếu không thể đến đây trực tiếp nghe giảng kinh, thì bất đắc dĩ mới phải dùng đến phương cách kém hơn là nghe qua băng ghi âm, xem băng ghi hình, hoặc xem qua mạng Internet. Đó đều là những phương thức kém hơn, bất đắc dĩ phải dùng đến. Ví như mỗi ngày đều có thể đến đây huân tập không gián đoạn, chỉ mong gầy dựng được lòng tin vững chắc, cũng phải mất đến năm ba năm công phu mới có thể đạt được.
Con người ngày nay so với thời xưa không giống nhau. Người xưa tâm an định lại hết sức chân thật, tử tế. Người thời nay tâm tánh khắc nghiệt, khinh bạc, xốc nổi, nóng nảy, nếu không trải qua năm ba năm ắt không thể gầy dựng được lòng tin vững chắc. Lại phải đến 8 năm, 10 năm mới thực sự hiểu ra, mới thực sự khế nhập [được nghĩa lý]. Bản thân tôi là một trường hợp có thể lấy làm ví dụ. Bình sinh tôi luôn giữ tâm ý bình tĩnh, điều này so với nhiều người có thể xem là ưu điểm. Tôi không có lòng tham muốn, đối với người khác không tranh giành, trong đời sống cũng không mong cầu gì, do đó tâm ý so ra có phần điềm tĩnh. Những điều này đối với sự tu học hết sức hữu ích.
Nếu trong lòng quý vị không được bình tĩnh, lại xốc nổi, nóng nảy, rất nhiều tham dục, muốn tranh giành danh lợi, mưu toan chạy theo năm món dục, sáu trần cảnh, như vậy là chướng ngại rất lớn cho sự tu tập. Những điều như thế chỉ tạo thêm nghiệp tội, cho nên công phu tu tập của quý vị không đạt kết quả. Ý nghĩa chính là ở chỗ này.
Mỗi người tu hành là một người được hưởng phước lành. Người trong một nhà cùng tu hành, cả nhà được hưởng phước lành. Người trong một địa phương cùng nhau tu hành, cả địa phương ấy được tiêu trừ hết thảy tai nạn. Vùng đất Singapore này cũng không lớn lắm. Tôi ở đây giảng kinh trước sau đã được 12 năm. Vì sao các địa phương khác cũng dành thời gian tu tập mười mấy năm như vậy lại không thấy hiệu quả, còn ở đây chúng ta đã thấy được đôi chút hiệu quả? Nguyên nhân là nhờ nền giáo dục ở Singapore không giống như giáo dục ở các nơi khác. Người dân ở đây hết sức chân thật, tuân thủ luật pháp, sống có khuôn phép. Cho nên, sau khi được nghe pháp Phật, họ thực sự suy ngẫm, hiểu được rồi thực hành theo, qua đó nhận biết được việc thực hành như vậy là tốt đẹp, lại càng nỗ lực thực hành. Khi đã có nhiều người thực hành pháp Phật, liền hình thành phong khí tốt đẹp của cả địa phương. Một quốc gia hết sức nhỏ bé, đa phần thành thị, lại có thể được mọi người trên khắp thế giới tôn trọng, kính nể, tất nhiên phải có nguyên do. Có thể thấy được, nguyên do đó chính là ở nơi giáo dục.
Có người bảo tôi, tiên sinh Lý Quang Diệu từng nói rằng ông ấy được giáo dục bằng Anh ngữ, nếu như ông ấy được giáo dục bằng Hoa ngữ thì nền chính trị Singapore hiện nay hẳn đã tốt đẹp hơn gấp nhiều lần. [Có thể nói được như thế quả] là trí tuệ chân thật, quả là người từng trải.
Nền giáo dục Hoa ngữ dạy người ta những gì? Chúng ta cần phải hiểu rõ, tôn chỉ giáo dục ở Trung quốc từ thời Tam đại, gồm ba triều đại Hạ, Thương, Chu, cho đến những năm cuối triều Thanh vẫn không hề thay đổi. Tôn chỉ ấy chỉ gồm ba điều. Thứ nhất, dạy về quan hệ giữa người với người, đạo làm người phải như thế nào. Thứ hai, dạy về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, môi trường. Thứ ba, dạy về mối quan hệ giữa con người với trời đất, quỷ thần siêu nhiên. Người học nếu có thể thông đạt rõ ràng được mối quan hệ này thì trở thành thánh nhân.
Giáo dục của nhà Phật cũng có ba điều. Bất kể là Đại thừa hay Tiểu thừa, bất kể là thuộc tông phái nào, việc giáo dục vẫn phải theo ba tôn chỉ. Thứ nhất là dứt ác, làm thiện. Xét trong Phật pháp của Ngũ thừa thì đây là pháp dành cho hàng trời người, giúp không bị đọa vào ba đường ác. Thứ hai là chuyển mê thành ngộ, giúp vượt thoát sáu đường luân hồi, vượt thoát ra ngoài Ba cõi, thành A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ Tát, Phật. Thứ ba là chuyển phàm thành thánh, vượt thoát cả Mười pháp giới, như trong kinh Hoa Nghiêm giảng là Pháp thân Đại sĩ.
Nếu chúng ta không nắm chắc được những điểm cốt yếu như trên của sự học, vậy thì học cái gì?
[Hãy lấy một ví dụ, chúng ta] phải thực sự sáng suốt rõ ràng hiểu được ý nghĩa tri ân [thì mới có thể] báo ân. Người thế gian không hiểu được thế nào là ân, vậy thì báo ân gì? Trong Phật pháp Đại thừa, tri ân và báo ân là chỗ tu tập của hàng Bồ Tát Nhị địa. Quý vị thử nghĩ xem, địa vị tu chứng như thế đã cao siêu đến đâu? Bồ Tát Nhị địa tổng cộng tu học 8 khoa mục, tri ân báo ân là một trong số đó. Mỗi một ý niệm đều không quên việc hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự bậc sư trưởng. Hai điều ấy là căn bản, tiếp theo mới từ đó mà phát triển lớn rộng, ý nghĩa sáng tỏ hơn, [trở thành] hiếu thuận hết thảy chúng sinh, phụng sự hết thảy chúng sinh.
Trong kinh Phạm Võng, còn gọi là Giới kinh, dạy rằng: “Hết thảy nam giới đều là cha ta; hết thảy nữ giới đều là mẹ ta.” Đó là đem ý nghĩa báo ân phát huy đến mức cùng cực.
Ngày nay tôi thường tiếp xúc với rất nhiều người khác biệt tôn giáo, khác biệt chủng tộc, tôi đối với họ vẫn luôn thương yêu chân thành, đem lòng vô tư bố thí, cúng dường vô điều kiện. Có nhiều người thấy vậy lấy làm lạ, đến hỏi tôi: “Pháp sư, vì sao ông lại làm như thế?” Tôi nói, đó là tôi thực hiện lời dạy của kinh Hoa Nghiêm trong thực tế. Chúng ta đã hiểu rõ ý nghĩa hết thảy chúng sinh trong hư không pháp giới đều là pháp thân thanh tịnh của chính mình, sao có thể không thương yêu bảo vệ, sao có thể không quan tâm chăm sóc, sao có thể không cúng dường, nuôi dưỡng?
Nếu mọi người hiểu rõ được ý nghĩa này, mọi người đều thực hiện theo phương pháp này, thì dù thiên tai hay tai họa do con người cũng đều không còn nữa. Đó gọi là pháp Phật. Pháp Phật ở giữa thế gian, nhưng có mấy người thực sự thấu hiểu được pháp Phật?
Chúng ta đã học được những lời khuyên dạy này, nhất định phải đưa vào trong đời sống hằng ngày, phải chuyển biến thành suy nghĩ, chuyển biến thành hành vi, như vậy mới có được lợi ích chân thật.
Cho nên, bản văn Cảm ứng thiên này không thể không học qua, không thể không nỗ lực tu tập làm theo. Sách Cảm ứng thiên vị biên thì sưu tập những chuyện tích và kết quả thực hành, những nhân duyên chuyện cũ hết sức phong phú, không thể mang ra giới thiệu từng chuyện, từng chuyện một, vì sẽ mất rất nhiều thời gian. Ở đây tôi chỉ muốn nhắc nhở các vị đồng tu, phải hết sức nỗ lực tụng đọc, gìn giữ làm theo Cảm ứng thiên, như vậy mới thực sự được lợi mình lợi người.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi. Như vậy là vẫn chưa giảng đến phần chánh văn, ngày mai chúng ta sẽ giảng đến.