Nhớ ngày mồng Bảy tháng BaTrở vào hội Láng, trở ra hội Thầy!Đó là câu truyền khẩu quen thuộc trong dân gian, nay đã trở thành câu ca dao để nhắc nhở nhau đến ngày mở hội tại Chùa Thầy vào ngày 7 tháng 3 Âm lịch hằng năm. Nhưng tại sao lại còn có câu “Trở vào hội Láng”? Vì cùng ngày này tại chùa Láng (Hà Nội) - nơi thờ Thánh Tưa, tức Từ Đạo Hạnh - cũng có lễ hội lớn. Mà Thầy ở Chùa Thầy và Thánh Tưa Từ Đạo Hạnh ở chùa Láng chỉ là một người, nên ngày đó có hai địa điểm cử hành lễ lớn.
Từ Đạo Hạnh được dân ta thời ấy tôn xưng như một vị đại thánh, một vị Phật tại thế, trong kinh sách thì xếp Ngài vào hàng ngũ các vị thiền sư nổi tiếng của Phật giáo nước nhà, và chung quanh cuộc đời của Ngài là những câu chuyện nửa hư nửa thực thập phần kỳ bí huyền ảo, hay những truyền thuyết vô cùng sinh động mang đậm màu sắc của Mật giáo với ấn chú pháp thuật thần thông vi diệu.
Ngoài chùa Láng và chùa Thầy ra, ở đền Lý Quốc Sư (Hà Nội) và chùa La Phù (tên chữ là Trung Hưng Tự - Hà Tây), và một số đền chùa khác cũng có thờ Từ Đạo Hạnh cùng với hai vị thiền sư khác là Không Lộ (Minh Không) và Giác Hải, thường gọi là Tam Thánh.
Từ Đạo Hạnh họ Từ, tên Lộ, tự là Đạo Hạnh, sống vào thời Lý Nhân Tông (1072-1127). Theo truyền thuyết, cha của Ngài là Từ Vinh, thuở nhỏ xuất gia đầu Phật, có pháp thuật cao cường, sau đó hoàn tục làm Đô Sát Ngạch Tăng Quan tại kinh thành, lấy một người con gái trong làng An Lãng (tức làng Láng bây giờ) tên là Tăng thị Loan. Ông bà sinh được hai người con, một gái một trai, gia đình ở trong một ngôi nhà được xây dựng trên mảnh đất phía Nam của làng An Lãng. Người con trai thứ hai của ông bà chính là Từ Đạo Hạnh sau này, và ngôi nhà của gia đình quan Từ Vinh nay chính là Chùa Láng. Từ Đạo Hạnh có cốt cách tiên Phật, rất khác thường, nhưng từ nhỏ đã kết bạn kết bè ham chơi lêu lổng, đánh đàn đánh bạc, thổi sáo đá cầu, làm cho cha phải mắng nhiếc nhiều lần. Cho đến khi ông từ Vinh tình cờ phát hiện con trai mình ngồi tựa án bên ngọn đèn tàn, sách bày la liệt xung quanh, tay còn cầm cuốn sách ngủ gục, thì mới biết té ra cậu quý tử rất chăm học và chỉ thích học về đêm, lòng mới hết lo lắng. Sau đó ít lâu, Từ Đạo Hạnh ra thi khoa Bạch Liên đỗ ngay thứ hạng cao nhất, nhưng thật không may là gia đình gặp biến cố nên không ra làm quan. Số là, ông Từ Vinh có dùng pháp thuật phạm vào nhà ông Diên Thành Hầu, gặp phải nhà Diên Thành Hầu có vị pháp sư tên là Đại Điên đã cao tay ấn hơn nên dùng bùa trấn áp, giết chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Xác ông Từ Vinh trôi đến cầu Tây Dương trước nhà Diên Thành Hầu thì dừng lại không chịu trôi nữa, pháp sư Đại Điên nghe vậy vội đến nơi chỉ xác ông Từ Vinh mà rằng: “Người tu hành không được hận mãn kiếp, nên biết rằng sống chỉ là một trường đũa bỡn, chết mới thành đạo bồ đề!”. Vừa dứt lời thì xác ông Từ Vinh liền trôi đi, đến xã Nhân Mục thì dừng lại, được dân địa phương vớt lên an táng, cho rằng linh thiêng nên lập miếu đắp tượng thờ, hằng năm đều có giỗ vào mồng 10 tháng Giêng, tế lễ long trọng. Riêng bà Tăng Thị Loan - mẹ của Từ Đạo Hạnh - khi qua đời được dân mai táng tại chùa Ba Lăng, xã Thượng An (nay là chùa Hoa Lăng, quận Cầu Giấy –Hà Nội), và được thờ phụng cùng với ông Từ Vinh.
Từ Đạo Hạnh mất cha, đau buồn nên không muốn làm gì ngoài việc nung nấu ý chí phục thù cho cha mình. Một lần cầm gậy rình định giết pháp sư Đại Điên, nhưng biết mình không có pháp thuật thì không làm gì được kẻ thù, nên nảy ý định tầm sư học đạo, bèn lặn lội đường xa cùng với hai bạn là Minh Không và Giác Hải sang Ấn Độ ở Tây Thiên học pháp thuật về báo thù. Sau khi sang Tây Thiên học đạo rồi, Từ Đạo Hạnh trở về ẩn trong chùa Thiên Phúc núi Phật Tích, nhất tâm trì niệm “Đại Bi Tâm Đà La Ni” đủ mười vạn tám nghìn biến, đạt được pháp thuật viên mãn, liền tìm Đại Điên để trả thù cho cha. Gặp được Đại Điên, Từ Đạo Hạnh đánh cho một gậy, khiến Đại Điên về ngã bệnh mà lìa đời. Thù xưa rửa sạch, hận lòng nguôi tan, Ngài mới đi khắp nơi để cầu ấn quyết, được gặp cao tăng khai tâm điểm đạo về “chân tâm”, liền trở về lại chùaThiên Phúc để tu đạo, luyện thêm pháp thuật và bắt đầu dùng pháp thuật cao siêu để chữa bệnh cho dân trong vùng, tiếng thơm được lan truyền… Bấy giờ vua Lý Nhân Tông không có con trai, cầu tự mãi cũng không được. Nghe đồn ở bãi bể Thanh Hoa có một cậu bé tuổi mới lên ba đã xưng tên là Giác Hoàng, việc gì cũng biết, nhà vua vội tìm đến gặp có ý định nhận làm con nuôi, nhưng quần thần can ngăn. Từ Đạo Hạnh tuy đang ở tận chùa Thiên Phúc nhưng vẫn hay tin, và đoán biết rằng Giác Hoàng chính là Đại Điên đầu thai để tìm cách báo thù mình, nên đã dùng mấy tấm bùa nhờ chị gái đem đến nơi Giác Hoàng đang sống để yểm. Ba ngày sau, Giác Hoàng bệnh nặng, trối với mọi người: “Khắp nơi đều có lưới sắt bủa vây, ta muốn đầu thai làm con nhà vua mà không cách nào đi được, nay đành chịu xuống âm phủ vậy!”, rồi tắt thở. Vua Lý Nhân Tông nghe tin liền nổi giận, sai quan quân bắt Từ Đạo Hạnh về giam trong hoàng cung. Người em của vua là Sùng Hiền Hầu (cùng là con Lý Thánh Tông và Ỷ Lan Thái Hậu) nghĩ rằng Từ Đạo Hạnh đã trừ được Giác Hoàng thì chắc cũng có pháp thuật cao cường để ban cho mình mụn con để sau này được nối ngôi vua, bèn đứng ra xin can gián với vua tha cho Từ Đạo Hạnh, rồi mời Ngài về nhà ở một ngày. Cảm ân cứu mạng của Sùng Hiền Hầu, Từ Đạo Hạnh nhận lời giúp ân nhân có con trai quý tử, căn dặn Hầu trước khi chia tay: “Khi nào phu nhơn khai hoa nở nhụy thì báo gấp cho tôi biết trước!”.
Một thời gian sau, quả nhiên phu nhơn Sùng Hiển Hầu có thai, rồi đến kỳ sinh nở, vội báo tin cho Từ Đạo Hạnh biết. Nhận được tin, Ngài tắm rửa, thay áo, gọi đồ đệ lại dặn rằng: “Nhân duyên của ta chưa hết, ta phải tạm thác sinh làm đế vương trong thời hạn gần một kỷ (12 năm). Đến lúc ấy, nếu thấy thân thể ta rữa nát thì mới là lúc ta vào cõi Niết Bàn, vì vậy bây giờ các ngươi đừng than khóc tiếc nuối làm gì!”. Dứt lời thì Ngài bỏ đi vào núi mà hóa, nhằm ngày mồng bảy tháng ba Âm lịch. Đúng vào ngày giờ Ngài hóa là lúc phu nhơn Sùng Hiền Hầu trở dạ hạ sinh được một con trai, đặt tên là Dương Hoán. Lạ thay, cậu bé mỗi ngày mỗi khác, nuôi nấng sơ sài mà chóng lớn, chưa học hành mà đã bộc lộ thông minh, càng lớn càng đẹp người, khi ba tuổi được Lý Nhân Tông đưa vào cung nuôi dạy rồi lập cho làm Hoàng Thái tử. Khi vua Nhân Tông băng hà, Thái tử được lên làm vua, lấy hiệu Thần Tông. Lý Thần Tông tức là hóa thân của Từ Đạo Hạnh. Năm 21 tuổi, vua Lý Thần Tông bỗng nhiên mắc bệnh quái lạ, mình mẩy mọc đầy lồng lá, tâm thần bấn loạn, rống tiếng kêu như hổ, danh y khắp nơi được triệu vào hoàng cung chữa bệnh cho vua nhưng ai nấy cũng đều bó tay. Bấy giờ, từ Thần Quang Tự tỉnh Ninh Bình ( Chùa Keo nay thuộc tỉnh Thái Bình), thiền sư Minh Không (Không Lộ) lặn lội vào cung chữa cho vua khỏi bệnh bằng pháp thuật cao cường, được vua ban cho nhiều bổng lộc và phong làm “Lý Triều Quốc Sư” (sau này dân gọi tắt là Lý Quốc Sư). Thiền sư Minh Không ngoài công lớn chữa bệnh cho vua, còn có công sang Trung Quốc xin đồng về đúc Tứ Đại Khí (gồm chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên, Phật Quỳnh Lâm và Vạc Phổ Minh) cho nước nhà, và trở thành ông Tổ đúc đồng của Việt Nam. Về vua Lý Thần Tông, đúng như đại thánh Từ Đạo Hạnh đã báo trước cho đồ đệ khi Ngài hóa, là chỉ tạm thời làm vua trong thời gian gần một kỷ, sau khi khỏi bệnh quái, nhà vua sống thêm được hai năm thì băng hà vào năm 1138, hưởng dương 23 tuổi. Khi nhà vua mất, ở Thiên Phúc Tự núi Sài Sơn tự nhiên có khí thiêng bốc lên, ai thấy cũng kinh hãi. Chuyện đến tai vua Lý Anh Tông (con Lý Thần Tông), nhà vua vội sai đại thần đến làm lễ tế, tôn phong Từ Đạo Hạnh làm “Thượng Đẳng Tối Linh Thần”, khi ấy thân xác của Ngài vẫn còn nguyên trong khám thờ, không bị hủy hoại và còn có hương thơm thoang thoảng. Từ đó, trải qua bao triều đại đất nước thăng trầm thịnh suy, Thiên Phúc Tự nổi tiếng linh thiêng với tên gọi là chùa Thầy…
Đây xin nói về ChùaThầy, ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, nằm cách Hà Nội 30 km. Chùa được xây dựng trên sườn Tây Nam núi Phật Tích vào thời vua Lý Nhân Tông, với diện tích khoảng 2.500 m2, được thiết kế 3 dãy nhà song song với nhau. Hai bên chánh điện là hai dãy hành lang và hai gác chuông. Trong chánh điện ngoài tượng Phật Thích Ca, chư vị Bồ tát ra, còn có ba pho tượng thờ “chuyển tiếp ba kiếp” của Thiền sư Từ Đạo Hạnh: tượng giữa là tượng Ngài đã thành Phật, đội mũ hoa sen, tay chắp trước ngực, khoác áo vóc vàng, đặt trên bệ đá quý có chạm trổ hoa chim sắc sảo; tượng bên trái là tượng toàn thân Ngài bằng gỗ bạch đàn, chân tay có khớp nên cử động được, là hình tướng của Ngài lúc đang còn tu hành trong am Hương Hải trên núi Sài, chính thời gian này Ngài đã chữa bệnh cứu khổ cho dân và bày ra trò múa rối cho dân giải trí. Bên phải là tượng của Ngài khi đầu thai trở thành vua Lý Thần Tông, đầu đội mão bình thiên, mình khoác long bào, ngồi trên ngai vàng. Trong chùa còn có thờ Thánh Phụ và Thánh Mẫu, song thân của Từ Đạo Hạnh. Hai bên chùa là hành lang dài thờ 18 vị La Hán. Trước mặt chùa chênh chếch bên trái là dãy núi Long Đầu, có hồ nước rộng tên gọi Long Trì (hay Long Chiểu), giữa hồ có nhà Thủy Đình tám mái lợp ngói xinh xắn dùng để biểu diễn rối nước đặc sắc. Hai bên chùa có hai chiếc cầu cổ ba nhịp lợp mái che, làm tăng thêm vẻ đẹp cổ kính cho chốn già lam tôn nghiêm, tương truyền rằng do chính Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan bỏ tiền ra xây dựng vào năm 1602. Ngoài ra còn có thắng cảnh hang Cắc Cớ, nơi trai gái trẩy hội chen nhau theo như câu ca: “Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ; Trai chưa vợ nhớ Hội Chùa Thầy!”, có chùa Cao ở lưng chừng núi, chùa Một Mái, đền Thượng, các hang Gió, hang Phật Tích và đặc biệt là hang Thánh Hóa là nơi đại thánh Từ Đạo Hạnh hóa để thác sinh kiếp mới.
Năm 1997, Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem“Thắng Cảnh Việt Nam” gồm 3 mẫu, trong đó có mẫu (3-1) giá mặt 400 đồng đưa hình ảnh “Phong Cảnh Chùa Thầy” do họa sĩ Trần Thế Vinh thiết kế (xem ảnh), và bưu ảnh về phong cảnh hữu tình này, là mẫu tem đẹp mà người sưu tập tem về đề tài “văn hóa nghệ thuật” không thể không có.
Chùa Thầy không chỉ là ngôi cổ tự trong quần thể danh lam có kiến trúc độc đáo của tỉnh Hà Tây, mà còn là một thắng cảnh được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Hằng năm, rất đông du khách ở trong cũng như ngoài nước về thưởng ngoạn vãn cảnh Chùa Thầy, cũng là để nghe những câu chuyện truyền thuyết khác nhau rất kỳ ảo huyền diệu về một vị thánh, vị vua, vị thiền sư phải nói là hiếm có của lịch sử Việt Nam…