Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. (The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Chấp tướng tu phước khó tránh khỏi luân hồi »»

Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn
»» Chấp tướng tu phước khó tránh khỏi luân hồi

(Lượt xem: 6.646)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Chấp tướng tu phước khó tránh khỏi luân hồi

Font chữ:

Trong phẩm Hết Lầm Thấy Phật của kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật dạy rằng: “Hạng chúng sinh này, các căn lành trồng, không hay lìa tướng, không cầu huệ Phật, đắm sâu dục lạc, phước báo nhân gian. Tuy cũng tu phước, cầu quả Trời Người. Ðến khi quả kết, tất cả đầy đủ, nhưng chưa thể ra khỏi ngục ba cõi. Giả sử như là: cha mẹ vợ con, quyến thuộc nam nữ, muốn cùng cứu thoát, song nghiệp tà kiến, chưa thể xả lìa, luân hồi chao đảo, không được tự tại. Các ông hãy nhìn, bao kẻ ngu si, căn lành không trồng, mà chỉ biết đem, thế trí biện thông, tăng lớn tâm tà, hỏi sao thoát khỏi, nạn lớn sinh tử.” Đức Phật bảo, chấp tướng tu phước thì khó tránh khỏi luân hồi. Ly tướng cầu vãng sanh Cực Lạc thì vĩnh viễn được giải thoát.

Trước hết Phật nói đến việc chấp vào phước thế gian chẳng thoát nổi luân hồi. Những chúng sanh này tuy họ trồng các căn lành, nhưng lại tham đắm phước báo nhân thiên, cầu quả trời người, chẳng thể ly tướng để cầu Phật huệ, nên chẳng thoát nổi ngục tam giới (Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới). Lý do tại sao? Vì khi một người tâm chấp vào phước báo trời người rồi thì chẳng thể xả bỏ được tình chấp vào tài sắc, mà tài sắc là cái nhân sanh ra các nghiệp tham, sân, si. Người chấp tướng tu phước, tuy họ tạm được quả báo thọ hưởng sự vui sướng thế gian, nhưng khi hết phước lại bị đọa, hậu hoạn vô cùng, nên Kinh nói: “Ðến khi quả kết, tất cả đầy đủ, nhưng chưa thể ra khỏi ngục ba cõi.” Sau khi mạng chung, dẫu thân quyến vì họ sám hối tội lỗi cầu phước, tu pháp, tụng Kinh hầu cứu độ cho, nhưng vì kẻ ấy nghiệp tà kiến, chưa thể xả lìa, cội rễ tà kiến sâu chắc, chấp mê chẳng ngộ, nên chẳng sanh chánh tín, chẳng thể xả bỏ thế gian. Vì vậy, tà kiến tham, sân, si đúng là vua của các ác nghiệp, bởi thế nên thường phải luân hồi chao đảo, không được tự tại. Do đó, người có trí tuệ không thể không niệm Phật. Người có trí tuệ không niệm Phật thì không thể thành tựu. Cho dù họ đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, cũng chẳng qua là để đổi lấy phước báo đời sau mà thôi. Nguyên nhân gì vậy? Không thể ra khỏi tam giới. Cho nên nhất định phải niệm Phật. Người niệm Phật tại sao cần trí tuệ vậy? Có trí tuệ niệm Phật sẽ vững chắc, hiểu rõ đạo lý của niệm Phật, biết phương pháp niệm Phật, lại biết được công đức lợi ích của niệm Phật, tất cả đều rõ ràng, tất cả đều sáng tỏ, thế là vô lượng vô biên pháp môn trước mắt cũng không thể chướng ngại họ, cũng không thể làm họ dao động, họ có trí tuệ, ý chí của họ kiên định quyết định thành tựu.

Đức Phật lại dạy tiếp: “Lại có chúng sinh, tuy trồng căn lành, làm ruộng phước lớn, nhưng tâm vẫn còn, trước tướng phân biệt, tình chấp sâu nặng, cầu thoát luân hồi, trọn không thể được. Nếu ai biết đem, trí huệ vô tướng, trồng các cội đức, thân tâm thanh tịnh, xa lìa phân biệt, cầu sinh Tịnh Ðộ, hướng Phật Bồ Ðề, sẽ sinh cõi Phật, vĩnh viễn giải thoát.” Hạng người được nói đến trong đoạn kinh văn này, chướng ngại còn nặng hơn hạng trên. Hạng trên còn tu thiện, chỉ vì cầu phước báo thế gian, nên chẳng thoát khỏi luân hồi. Còn hạng người được nói đến trong đoạn này còn si mê hơn nữa. Tuy rằng họ cũng trồng căn lành, nhưng lại cậy vào thế trí biện thông, kiêu mạn, tự cao tự đại, chẳng sanh chánh tín nơi pháp môn này, khiến tà tâm càng thêm lớn. Họ chẳng biết rằng thế trí biện thông chính là một trong tám nạn. Tà kiến điên đảo lại tưởng là hay nên thường hay chê bai, phỉ báng, bài xích Kinh pháp vô thượng này của Phật. Phật nói, hạng người như thế làm sao thoát nổi biển khổ sanh tử!

Có không ít đồng tu trước đây đã tu rất tốt, họ niệm Kinh Vô Lượng Thọ, niệm A Di Đà Phật rất nhiều năm. Nhưng sau khi gặp được một vị tri thức khuyên là “còn có pháp môn khác thù thắng hơn so với pháp môn này.” Vừa nghe vậy thì tâm của họ liền dao động, không tin Kinh Vô Lượng Thọ nữa, cũng không niệm A Di Đà Phật nữa. Họ vứt bỏ ngay pháp môn này để đi học với người khác. Trong Kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật nói những người bài xích pháp môn này là thế trí biện thông, tà tâm lừng lẫy, nên chẳng thể tin Kinh giáo này của Phật. Đây chính là phá hoại pháp hành của người khác, là việc ác như trong Kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Thời kỳ mạt pháp, tà sư thuyết pháp như Hằng hà sa.” Mỗi người đều có nghiệp nhân, nghiệp duyên riêng của họ. Phật cũng không làm gì được thì chúng ta có năng lực gì để giúp họ chứ? Chúng ta khuyên bảo họ là làm tròn trách nhiệm của một người bạn, họ có tin hay không là việc của họ, chúng ta không thể can thiệp. Chúng ta can thiệp vào, tức là làm nhiễu loạn đạo tâm của chính mình rồi.

Kế tiếp, Phật đáp lời Ngài Từ Thị, nói chung, chúng sanh trong cõi này, tuy cũng tu thiện, nhưng chẳng chịu cầu sanh Tịnh Ðộ, thường có ba hạng: Một là tham đắm vào phước lạc thế gian, cầu quả nhân thiên. Hai là thế trí biện thông, tà tâm lừng lẫy, chẳng tin Kinh giáo này của Phật. Ba là hạng trước tướng phân biệt, tình chấp sâu nặng. Ba hạng người này, dẫu tu phước rất nhiều, nhưng cũng chỉ đạt được phước báo thế gian, khác nào mộng, huyễn, bọt nước, như hình bóng thoáng qua, chớp mắt đã hết. Vì thế, những hạng người này cầu thoát luân hồi, trọn không thể được. Trong câu “Lại có chúng sinh, tuy trồng căn lành, làm ruộng phước lớn,” chữ “ruộng phước lớn” ám chỉ “trì danh hiệu Phật.” Bởi “trì danh hiệu Phật” là vua của các điều thiện, nên gọi là “ruộng phước lớn, ” nhưng hiềm vì người đó trước tướng phân biệt, tình chấp sâu nặng, nên tuy niệm Phật cũng chẳng thoát nổi luân hồi. Ba bậc vãng sanh được dạy trong Kinh Vô Lượng Thọ đều do từ phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm Phật A Di Ðà mà thành tựu. Bồ Ðề tâm chính là đại trí, đại bi, đại nguyện, tâm viên dung nhất thể. Ngược lại, “tình chấp sâu nặng” là si mê thì làm sao gọi là đại trí được chứ? “Trước tướng phân biệt” là còn có lấy, bỏ, nên không thể hưng khởi nổi vô duyên đại từ, đồng thể đại bi. Đây cũng chính là nguyên nhân mà phàm phu chúng ta không thể phát khởi nổi tâm Bồ Ðề! Do đó, dẫu niệm Phật cũng chẳng thuộc vào ba bậc vãng sanh nổi!

Ngẫu Ích đại sư dạy, nếu niệm Phật mà chẳng có tín nguyện thì cũng chẳng vãng sanh nổi. Hơn nữa, chấp tướng tu phước, thì phước ấy có giới hạn, như Kinh Kim Cang đã dạy: “Nên không trụ vào đâu cả mà hành bố thí, tức là: chẳng trụ vào sắc để bố thí, chẳng trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp để bố thí. Này Tu Bồ Ðề! Bồ tát nên bố thí như vậy, chẳng trụ vào tướng. Vì sao thế? Bồ tát chẳng trụ vào tướng mà bố thí, thì phước ấy chẳng thể suy lường nổi.” Trong tác phẩm Phá Không Luận, đại sư Linh Phong giảng câu Kinh này như sau: “Lấy pháp không trụ vào đâu cả để trụ vào Bát Nhã, chăm chăm thực hành sáu ba la mật mà chẳng chấp tướng. Bởi thế có thể khiến cho chút phước thành nhiều như hư không… Do trụ vào tướng, nên chúng sanh tự hư vọng tính nhân, tính quả, xét lớn, xét nhỏ. Nếu có thể xứng hợp với tánh mà trụ thì chẳng trụ vào các tướng. Ví như tánh của hư không chứa đựng trong hạt cải cùng với tánh của hư không trong mười phương, không hai, không khác, vì hư không chẳng phải là trong, ngoài, đây, kia, phương, góc, hình tướng, Tiểu Không cũng lại chẳng khác với Ðại Không. Cái phước vô tướng ấy rất lớn.”

Kinh Kim Cang còn dạy: “Nếu tâm chấp tướng, thì chấp vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.” Kinh còn dạy thêm: “Nếu Bồ tát có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, thì chẳng phải là Bồ tát.” Các đoạn văn trong Kinh Kim Cang Bát Nhã đã nói lên cái tai hại của việc chấp tướng phân biệt. Vì thế, trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật mới bảo: “Cầu thoát luân hồi, trọn không thể được.” Phật lại dạy: Nếu ai biết đem, trí huệ vô tướng, trồng các cội đức, cầu sanh Tịnh Ðộ thì vĩnh viễn được giải thoát, vì sao vậy? Vì cội của hết thảy các đức chính là phát Bồ Ðề tâm, một dạ chuyên niệm A Di Đà Phật!

Tại sao trong đoạn Kinh này, Phật lại nêu lên và đề thăng “trí huệ vô tướng” của Kinh Kim Cang và Bát Nhã? Vì Ngài thấy chúng sanh dù đã niệm Phật nhiều năm mà công phu không đắc lực. Tại sao không đắc lực? Bởi vì không có trí tuệ vô tướng. Hôm nay nghe có một người tham thiền đến, là trong tâm đã động rồi, muốn đi ngồi thiền. Ngày mai có một vị thượng sư đến, họ lại muốn đi quán đảnh, cái này có đáng lo hay không? Đây chính là không có trí tuệ. Ở trong tâm không có chủ tể, bị dao động theo cảnh giới bên ngoài, đem công phu niệm Phật của chính mình phá sạch hết rồi! Chúng ta phải biết trí tuệ vô tướng rất quan trọng. Vô tướng chính là không có mười tướng: sắc, thanh, hương, vị, xúc, nam, nữ, sanh, trụ, hoại, diệt. Vì chấp tướng nên khiến tâm bị dao động theo cảnh giới bên ngoài, đem công phu niệm Phật của mình phá sạch hết; đấy là cái họa của người niệm Phật mà không có “trí huệ vô tướng.”

Kinh Bát Nhã ghi: “Niết Bàn gọi là vô tướng.” Vô tướng có nghĩa là tịch diệt. Nhưng tịch diệt chỉ do tự tâm mà chứng, chứ chẳng thể từ cái khác mà có được, nên không có các tướng như sắc, thanh, hương, vị, xúc, nam, nữ, sanh, trụ, hoại, diệt. Kinh Kim Cang cũng dạy: “Hễ cái gì có tướng, thì đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng là phi tướng, thì chính là thấy Như Lai” và “Lìa hết thảy tướng, thì gọi là chư Phật.” Ðấy đều là “trí huệ vô tướng” được nói trong Kinh Vô Lượng Thọ. Vậy, câu “Nếu ai biết đem, trí huệ vô tướng, trồng các cội đức, thân tâm thanh tịnh, xa lìa phân biệt, cầu sinh Tịnh Ðộ, hướng Phật Bồ Ðề, sẽ sinh cõi Phật, vĩnh viễn giải thoát” là nói lên diệu chỉ “vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả tu hết thảy thiện pháp, thì chính là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác” của Kinh Kim Cang.

Đem hai Kinh Vô Lượng Thọ và Kim Cang so sánh với nhau, ta thấy những chỗ tương đồng như sau: Những câu “trí huệ vô tướng, xa lìa phân biệt” trong Kinh này chính là “vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả” của Kinh Kim Cang. Những điều như “trồng các cội đức, cầu sinh Tịnh Ðộ, hướng Phật Bồ Ðề” trong Kinh này chính là “tu hết thảy pháp lành” được nói trong Kinh Kim Cang. Ngoài ra, “sẽ sinh cõi Phật, vĩnh viễn giải thoát” chính là “liền đắc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác” trong Kinh Kim Cang. Chúng ta thấy “Kinh Kim Cang” từng câu từng chữ đều tương ưng với “Kinh Vô Lượng Thọ.” Cho nên nó có thể giúp đỡ chúng ta hiểu rõ thế nào là buông xả thân tâm thế giới, thật thà niệm Phật. Kinh dạy chúng ta phải lìa hết thảy danh tự, lìa văn tự, lìa cảnh giới, lìa tướng quả báo, mới có thể được tâm thanh tịnh. Kinh Di-Đà yêu cầu chúng ta phải nhất tâm bất loạn. Thế thì “nhất tâm bất loạn” chính là tâm thanh tịnh. Muốn được tâm thanh tịnh thì phải buông xả vạn duyên.

Tịnh Ðộ là pháp môn mà hết thảy thế gian khó tin được nổi, mà tin được pháp này, thì đó cũng chính là “trí huệ vô tướng,” giống như Kinh Kim Cang dạy: “Nghe chương cú này, dẫu chỉ sanh lòng tin thanh tịnh trong một niệm… thì các chúng sanh ấy chẳng còn có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng nữa.” Kinh còn nói: “Nếu có chúng sanh được nghe Kinh này, tin hiểu, thọ trì thì người ấy chính là hy hữu bậc nhất, vì sao vậy? Người ấy không có ngã tướng, không có nhân tướng, không có chúng sanh tướng, không có thọ giả tướng.” Sách Phá Không Luận giảng: “Giả sử còn có chút xíu nhân tướng, ngã tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng v.v... thì chẳng thể tin nổi Kinh này. Dẫu cho có tin hiểu, thọ trì Kinh này thì quyết chẳng thể hiểu thông suốt các tướng: nhân, ngã, chúng sanh và thọ giả đương thể chính là vô tướng.”

Do đó ta thấy rằng toàn thể của diệu đức của “năng tín” chính là “trí huệ vô tướng.” Tịnh tông chính là pháp môn vi diệu tối cực viên đốn, siêu tình ly kiến chẳng thể nghĩ bàn, lìa hết thảy các tướng có, không, chẳng có, chẳng không. Nếu ai có thể sanh được lòng tin chân thật nơi pháp môn này, tức là tin Sự, tin Lý, tin Tự, tin Tha, tin Nhân, tin Quả. Hành nhân nào có đầy đủ cả sáu thứ tín ấy chính là người đã khế hợp với “trí huệ vô tướng.” Bởi đó, Kinh này mới nói: “Nếu nghe Kinh này, tin ưa thọ trì, là khó trong khó, chẳng gì khó hơn.” Ở đây, Kinh giảng về công năng của việc ly tướng cầu sanh Cực Lạc. Trước tiên, Kinh nói đến cái hại của việc chấp tướng là: Đối với người trước tướng phân biệt, tuy rằng họ gieo đại phước điền để hồi hướng cầu thoát luân hồi, nhưng trọn không thể được. Kế tiếp, Kinh lại dạy: Nếu ai biết đem, trí huệ vô tướng, trồng các cội đức, sẽ sinh cõi Phật, vĩnh viễn giải thoát.

Tóm lại, hành nhân thuộc vào trong ba bậc vãng sanh, bị đọa trong nghi thành hay bị rơi vào các cõi luân hồi hoàn toàn ở điểm mấu chốt này. Vì thế, trí tuệ vô tướng quan trọng lắm! Nếu hành nhân không có trí huệ vô tướng thì công phu niệm Phật sẽ không được đắc lực, rất khó thành tựu. Thân tâm thanh tịnh cũng chính là do nhờ vào trí huệ vô tướng. Vì sao? Vì nhờ vào trí huệ vô tướng mà hành nhân giác ngộ rằng, vạn pháp đều giống hệt như nhau, nhiễm và tịnh đều bình đẳng, nên thân tâm được thanh tịnh. Vì lẽ đó, Bát Nhã Tâm Kinh mới nói: “Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung, vô sắc, thọ, tưởng, hành thức.”

Hết thảy đều là do xa lìa phân biệt, niệm Phật nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối. Bởi vì nhiếp trọn sáu căn nên thân tâm thanh tịnh. Và bởi vì tịnh niệm tiếp nối nên xa lìa phân biệt. Vì thế, lúc sắp vãng sanh, Liên Tông ngũ Tổ, Thiếu Khang Đại Sư, họp hết hàng đạo tục đến mà dặn bảo rằng: “Các vị nên phát tâm chán lìa cõi Sa bà ác trược, ưa thích miền Tịnh độ an vui, mà cố gắng tu hành tinh tấn.” Nói xong, Ngài phóng vài tia sáng lạ đẹp dài, rồi ngồi yên lặng mà tịch. Ngũ Tổ đã căn dặn hàng hậu bối chúng ta như thế, vậy mà có người nghi rằng: “Tịnh tông lấy việc “nhàm chán Sa Bà, ưa cầu Cực Lạc” làm nguyện thì chẳng phải là phân biệt hay sao? Lời Sách Diệu Tông Sao đáp: “Ðến chỗ cùng cực thì ‘lấy bỏ’ và ‘chẳng lấy bỏ’ cũng chẳng sai khác gì.” Chúng ta nhận thấy lời dạy của ngũ Tổ Thiếu Khang trước khi nơi mình tự phóng quang, rồi vãng sanh vô cùng thâm thúy, ý của Ngài là: Nếu chán Sa Bà đến chỗ cùng cực, thì vạn duyên nơi cõi này đều tự nhiên có thể buông xuống hết, sáu căn tịch tĩnh. Nếu lấy Cực Lạc đến chỗ cùng cực, thì chỉ còn giữ lại một niệm “A Di Đà Phật.” Nếu hành nhân niệm Phật như vậy thì nào khác chi chẳng “chẳng lấy, chẳng bỏ,” thì đấy chẳng phải là xa lìa hết thảy các tướng phân biệt rồi sao? Lời dạy của ngũ Tổ hoàn toàn lưu xuất từ “trí huệ vô tướng,” thuận theo diệu lý của Kinh Kim Cang dạy: “Nếu thấy các tướng là phi tướng, thì chính là thấy Như Lai” và “Lìa hết thảy tướng thì gọi là chư Phật.” ngũ Tổ đã lìa hết thảy các tướng, nên Ngài thấy các tướng như là “bỏ Sa Bà và lấy Cực Lạc” đều là phi tướng, nên “bỏ, lấy” và “chẳng bỏ, chẳng lấy” đều bình đẳng như nhau, nên Ngài liền tự mình phóng quang, lặng yên mà tịch, tức Ngài đã thấy Như Lai và thành Phật rồi!

Hòa thượng Tịnh Không cũng nói: “Người mê học Phật, việc ở thế gian họ sẽ dần dần không hiểu. Khi việc thế gian không hiểu thì bạn liền rời khỏi thế gian này. Càng hiểu nhiều việc thế gian, bạn càng không thể rời khỏi, phiền não của bạn sẽ lớn. Đó là những việc xen tạp của thế gian, chúng ta không nên biết. Ưa thích biết, đều không rời khỏi luân hồi. Chúng ta phải hạ quyết tâm, không làm những việc này” (trích trong Đại Thừa Vô Lượng Thọ - Phần 33). Chấp trì danh hiệu Phật có sự, có lý. Người do đọc Kinh, nghe pháp nên thấu suốt nghĩa lý, dứt đoạn mê lầm, phát sanh chân tín, niệm niệm đều tương ứng với tự tánh Di Đà, Duy tâm Tịnh độ. Nếu chúng ta chẳng có đại trí để làm được điều này, thì chỉ cần thật thà, cung kính vâng lời, hết lòng tin tưởng Phật A Di Đà, chuyên nhất chấp trì danh hiệu Phật cũng được vãng sanh. Đó gọi là Sự trì. Sự trì là do chưa hiểu lý; mặc dù chưa hoàn toàn hiểu rõ Lý, chưa thấu triệt thông suốt Lý, nhưng do tịnh niệm tương tục một câu A Di Đà Phật nên có thể chế ngự phiền não. Đạo lý này rất rõ ràng dễ hiểu, người căn tánh trung hạ đều có thể hiểu và làm được: Khi sáu căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp) bèn dùng một câu A Di Đà Phật để khuất phục ý niệm, đè nén nó xuống. Đừng sợ không hiểu lý! Chỉ niệm theo mặt sự tướng, niệm niệm chế ngự tham, sân, si. Niệm niệm chiết phục phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, trong mỗi niệm có Tín-Nguyện-Hạnh là được rồi, sẽ có thể vãng sanh.

Nếu hiểu rõ toàn bộ những lý luận trong pháp môn Tịnh độ, thì một câu A Di Đà Phật sẽ là Lý trì - trong Lý có Sự, trong Sự có Lý. Người hiểu "Lý,” mà niệm một câu Phật hiệu tuyệt đối chẳng gián đoạn giữa chừng, nhất định còn siêng năng, sốt sắng và mạnh mẽ hơn người chỉ "Sự trì,” vì sao? Bởi vì người ấy thông hiểu giá trị của câu Phật hiệu, nên quyết chí chẳng rời câu Phật hiệu. Còn người hiểu lý mà chẳng thể hành nơi mặt sự thì chưa chắc kẻ ấy đã thực sự nhận biết giá trị của câu Phật hiệu. Vì vậy, nếu hiểu rõ ý nghĩa của Lý trì và Sự trì thì quyết định chẳng thể phế bỏ Sự trì. Chẳng thể nói là hiểu Lý rồi thì không cần niệm Phật, không có đạo lý này. Nếu nghĩ như vậy là lầm lẫn quá lớn, là chấp Lý, phế Sự. Người chấp Lý, phế Sự nhất định chẳng đạt được gì.

Nếu hành nhân “cầu sanh Tịnh Độ” với chí tâm tin ưa, với tâm Tín sâu, Nguyện thiết, thì chính là đem một niệm tâm nguyện nhỏ nhiệm của mình mà gieo vào trong biển nguyện vô biên của Phật Di Ðà, và đó cũng chính là đem cả biển nguyện Nhất Thừa vô biên của Phật A Di Đà trút vào trong một niệm tâm nhỏ nhiệm của ta. Vì thế, mười niệm liền được sanh, có nguyện đều được thỏa mãn. Sự thật mầu nhiệm thâm sâu như thế của pháp môn niệm Phật, chúng ta thật chẳng thể dùng tình chấp, kiến giải để lãnh hội nổi! Câu “Hướng Phật Bồ Ðề” có nghĩa là: Nhân là phát Bồ Ðề tâm, quả là bổ xứ thành Phật, rốt ráo Bồ Ðề. Do đó, sáu câu “Nếu ai biết đem, trí huệ vô tướng, trồng các cội đức, thân tâm thanh tịnh, xa lìa phân biệt, cầu sinh Tịnh Ðộ, hướng Phật Bồ Ðề” chính là Tông chỉ của Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ: Phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật. Nếu hành nhân tu hành đúng theo Tông chỉ ấy, tất nhiên sẽ sinh cõi Phật, vĩnh viễn giải thoát!




    « Xem chương trước «      « Sách này có 1411 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phật Giáo Yếu Lược


Lược sử Phật giáo


Phát tâm Bồ-đề


Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 54.166.234.171 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (128 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - ... ...