Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Điều khác biệt giữa sự ngu ngốc và thiên tài là: thiên tài vẫn luôn có giới hạn còn sự ngu ngốc thì không. (The difference between stupidity and genius is that genius has its limits.)Albert Einstein
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tản văn Phật giáo »» Xem đối chiếu Anh Việt: NGƯỜI ĐI »»
Khi một người ra đi, rời chốn này, hay rời khỏi cuộc đời này, những kỷ niệm để lại từ những hình vật cụ thể cho đến tiếng nói giọng cười, chữ viết, hình ảnh, thơ văn, ý tưởng, thật và sống động như vẫn còn quanh đây. Niềm lưu luyến của người thân ở lại tưởng chừng không có ngày chấm dứt: dùng dằng, dai dẳng, vừa bám víu, vừa đẩy xô; vừa gọi kêu, vừa né tránh; để tim thắt lại, để hồn nhói đau, để nước mắt rơi dài những đêm thâu…
Nhưng rồi mọi thứ cũng qua đi. Nỗi đau trong hồn có khi còn phai nhanh hơn ngoại vật. Nỗi đau hay niềm vui, dù đậm hay nhạt, cũng phải đổi thay theo năm tháng. Không có nỗi đau trường cửu, không có niềm vui bất tận. Còn sống trong cảm giác là còn sống với vô thường. Sẽ là ảo giác khi tin rằng cảm giác hay ý niệm không bao giờ đổi thay. Cảm giác hay ý niệm đều là những biểu hiện của tâm thức: liên tục chuyển động. Chính vì chuyển động không ngừng mà niềm vui đoàn tụ sẽ không bao giờ kéo dài, và nỗi đau ly tán cũng không thể dìm chết một tâm hồn hay làm héo hắt một đời người.
Sau những biến thiên, con người tiếp tục gượng dậy và vươn lên.
Dẫu sao, không thể phủ nhận nỗi bâng khuâng và cái buồn hoang lạnh hắt hiu khi nhìn lại dấu tích đâu đó của người đi để lại. Cái áo hay chiếc gối đầu nằm. Cây bút hay cuốn sách trên bàn. Có khi thương cha nhớ mẹ quắt quay mà không dám tìm lại hơi ấm nơi chiếc giường đơn lạnh; cũng không đủ can đảm lục soạn đống thư từ cũ nằm trong hộc tủ. Nỗi trống trải quặn lên từ ký ức, trùm lấp cả không gian chung quanh. Nước mắt chỉ chực tuôn rơi khi nhớ lại người xưa.
Thiền gia có đời sống nhẹ nhàng hơn, nhưng cũng không thiếu những tâm cảnh tương tự. Xâu chuỗi và cây gậy của sư cụ còn lưu lại nơi thiền phòng. Tường rêu như còn in bóng thầy sau chiếc ghế gỗ đã mòn nhẵn lưng dựa. Nhớ ngày nào thầy còn ngồi đó, im như núi, tịnh một cõi tâm hư. Thoảng khi hồi tưởng, chỉ nhớ mơ hồ cánh hạc về tây không dấu tích. Thầy từng ngồi đó mà không ngồi đó. Thiền trượng, giày rơm, còn đây mà không còn đây. Dấu tích, chẳng qua là do nơi người sau giữ lại hoặc khởi họat từ tâm tưởng. Như Tuệ Trung một lần nhìn chiếc thuyền gác mái bên bãi cát ven sông mà liên tưởng hành trình vô tung biệt tích của tiền nhân:
“Tạ Tam nay đã không tin tức
Để chiếc thuyền trơ bãi cát này.” (1)
Giang hồ một thuở đã phỉ chí bình sinh. Lữ khách neo thuyền lên non ẩn tích.
Hình ảnh chiếc thuyền không, ghếch mình lên cát chính là ẩn dụ “qua sông bỏ bè” được nói trong kinh Phật (2).
Nhìn chiếc thuyền mà man mác hoài niệm cổ nhân một thời. Hoài niệm ở đây không phải là nỗi buồn thông thường của thế nhân. Chỉ là cảm khái về một hành trạng, một tâm thức xả ly siêu tuyệt tương ứng với sở hành sở đắc của tự thân.
Đã lên bờ rồi, còn mang thuyền theo làm gì!
Lên đường, là để đi đến chỗ tuyệt cùng cao thẳm.
Tiễn người đi, là tiễn đến nơi không bờ không bến.
Không buồn đau, không nuối tiếc. Chỉ là chút u hoài vu vơ trong một thoáng mơ mòng, chiêm bao.
California, ngày 22 tháng 02 năm 2021
Vĩnh Hảo
www.vinhhao.info
______________
(1) Bài “Giang hồ tự thích” của Tuệ Trung, được trích từ “Tuệ Trung Ngữ Lục”, bản dịch của Thiền sư Thích Thanh Từ (trong “Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải,” 1996).
(Trích):
VUI THÍCH GIANG HỒ
Tâm xưa hồ hải chửa từng khuây
Ngày tháng như tên dường tợ thoi.
Gió mát trăng thanh sanh kế đủ
Non xanh nước biếc nếp sống đầy.
Sáng sớm giương buồm băng nước thẳm
Chiều nâng sáo thổi cợt khói mây.
Tạ Tam nay đã không tin tức
Để chiếc thuyền trơ bãi cát này.
Thiền sư Thích Thanh Từ chú thích về nhân vật Tạ Tam như sau:
“Tạ Tam là Tạ Tam Lang, tức Thiền sư Huyền Sa Sư Bị, lúc còn cư sĩ ông là một người thả thuyền câu dưới sông, vui thú giang hồ nay đầu ghềnh mai cuối bãi. Đến ba mươi tuổi ông đem thuyền lên bãi để, rồi bỏ đi tu, sau trở thành một Thiền sư nổi tiếng.” (ngưng trích)
Một bản dịch khác rất hay, đã được phổ biến từ đầu thập niên 1970s, của Trúc Thiên, trích từ “Tuệ Trung Ngữ Lục,” xuất bản tại Sài-gòn năm 1968:
“Giang hồ tâm ấy chửa từng lau
Ngày tháng như thoi như bóng câu
Gió mát trăng thanh luôn vẫn đó
Non xanh nước biếc thiếu gì đâu
Chiều nghiêng sáo thổi sương lồng khói
Sớm cuốn buồm phăng sóng bạc đầu
Tăm bóng Tạ Tam nay vẫn bặt
Thuyền không bỏ đó gối cồn nâu.”
(2) “Nhữ đẳng tỳ-kheo, tri ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp.” Dịch: Các thầy tỳ-kheo nên biết rằng pháp của ta như ví dụ về chiếc bè; pháp còn nên buông xả, huống gì phi pháp. (Kinh Kim Cang, Đoạn 6 – Chánh Tín Hy Hữu). Ở đây chỉ nhắc đến hai chữ “phiệt dụ” (ví dụ về chiếc bè) chứ không nói rõ ý nghĩa của ẩn dụ này; nhưng từ những lần thuyết pháp khác của đức Phật trước đó, người đọc tự hiểu rằng người thực hành chánh pháp không nên cố chấp về sở tri, sở đắc của mình, giống như người qua sông, phải bỏ bè lại, không vác theo mình mọi nơi.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.218.181.138 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập