Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Cuộc sống ở thế giới này trở thành nguy hiểm không phải vì những kẻ xấu ác, mà bởi những con người vô cảm không làm bất cứ điều gì trước cái ác. (The world is a dangerous place to live; not because of the people who are evil, but because of the people who don't do anything about it.)Albert Einstein
Khi thời gian qua đi, bạn sẽ hối tiếc về những gì chưa làm hơn là những gì đã làm.Sưu tầm
Điều khác biệt giữa sự ngu ngốc và thiên tài là: thiên tài vẫn luôn có giới hạn còn sự ngu ngốc thì không. (The difference between stupidity and genius is that genius has its limits.)Albert Einstein
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» GIÁO PHÁP TỊNH ĐỘ »» Chuyện Vãng Sanh - Tập 2 »» 99. NGUYỄN ĐỨC LỢI (1998 - 2015, 17 tuổi) »»

Chuyện Vãng Sanh - Tập 2
»» 99. NGUYỄN ĐỨC LỢI (1998 - 2015, 17 tuổi)

(Lượt xem: 4.106)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Chuyện Vãng Sanh - Tập 2 - 99. NGUYỄN ĐỨC LỢI (1998 - 2015, 17 tuổi)

Font chữ:



SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Em Nguyễn Đức Lợi sinh năm 1998, cư ngụ tại ấp Thới Thạnh, phường Thới Long, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Cha là ông Nguyễn Văn Ngon; mẹ là bà Lê Thị Hạnh. Em là con Út trong gia đình, có ba người chị gái.

Từ lúc chào đời em bị bệnh mãi cho đến năm lên bốn tuổi. Lúc sáu tuổi (2005) lại xuất hiện một trận bệnh “thập tử nhất sanh”. Các bác sĩ đều tiên lượng thọ mạng của em không quá 24 tháng. Nhưng dần dần mọi chuyện cũng tạm xuôi qua. Khi lên mười tuổi (2008) bỗng nhiên lặp lại một lần “nhất sinh thập tử” nữa. Trải nhiều năm tháng em kết bạn tri kỷ tri âm với bệnh viện nên cơ bắp tay chân của em có dáng vóc quá ư khiêm nhường. Nếu như chỉ nhìn gương mặt của em không thôi, thì nét đầy đặn, tròn trịa tươi sáng hiện ra rất rõ rệt, và không ai nhận biết ra rằng em là nạn nhân của bệnh tim bẩm sinh. Cho nên cứ không bao lâu thì gia quyến phải đưa em vào bệnh viện nghỉ mát khoảng một tuần trăng, mà sự việc cứ lặp đi lặp lại đều đặn như thế!

Tính tình của em rất ngoan hiền, lễ phép, dường như xuất phát từ thiện căn của quá khứ thì đúng hơn, bởi vì chẳng ai chỉ dạy cả. Đặc biệt là tính cách điềm đạm, trầm tĩnh, chững chạc của một người lớn lại có đủ nơi em, nơi đứa bé chỉ mới lên mười!

Chẳng hạn như, khi nói chuyện thì em đều dạ thưa, lúc nhận quà, bất cứ là ai cho gì, nhiều hay ít, em cũng đều nhận bằng hai tay, nhận xong rồi thì cúi đầu nói: “cám ơn”. Nếu cha cho, nhận xong cúi đầu rồi nói: “Con cám ơn cha”; nếu mẹ cho thì nói: “Con cám ơn mẹ”.

Thỉnh thoảng thấy cha mẹ bất hòa cự cãi với nhau, em liền chạy lại ôm mẹ, vừa dùng tay vuốt vuốt vào mình của mẹ vừa nói:

- Mẹ! Mẹ thương con, nhịn cha một chút đi mẹ, bỏ qua đi mẹ!

Rồi chạy sang cha, năn nỉ cha:

- Cha ơi cha! Nhịn mẹ đi cha!

Nhìn thấy con mình như thế, cả hai chẳng ai bảo ai, trong lòng đều tan hết mọi não phiền!

Còn đến giờ ăn, em đợi cho cha mẹ và chị ăn trước, rồi em mới dùng sau. Hoặc khi cha mẹ đi vắng, cơm vừa dọn xong em cũng chờ chị ăn trước, rồi em mới bắt đầu ăn.

Mỗi lần cha đi làm về, mồ hôi tuôn đổ dầm dề, nhưng em vẫn chạy lại ôm chầm lấy cha để hôn, và chờ cha tắm xong, liền nói:

- Cha tắm rồi cha hôn con một cái, đi cha!

Lắm lúc cha em sợ lây bẩn cho con mình nên la rầy không cho, nhưng em vẫn không thay đổi, vì biết cha ngoài miệng mặc dù la trách chứ thực sự trong lòng tột độ mừng vui!

Thấy con tuy là đau yếu triền miên, hình hài ốm tong ốm teo, mà bỗng dưng có được hạnh nết rất ư đặc biệt, vượt hẳn những đứa trẻ khác cùng trang lứa, thậm chí nhiều người lớn tuổi hơn mà cũng chẳng sánh kịp con mình, nên hai ông bà rất đỗi hài lòng, vì đó là niềm an ủi, niềm tự hào lớn nhất và cảm nghe con tim ấm áp lạ thường!

Gần cuối năm 2008 vào khoảng tháng 11, chị của em từ nước ngoài về thăm nhà thấy em mình sao cứ bệnh rề rề hoài nên nói:

- Sanh mày ra… toàn là mày báo không à!... Bệnh hoạn hoài vậy đó!... Tới mười tuổi rồi… mà còn bệnh nữa!

Em trả lời:

- Chị ơi! Trên đời này không có ai muốn mình bệnh... Em bệnh em cũng mệt dữ lắm đó chị! Tại chị không có bệnh, chị không biết! Tại vì kiếp trước chắc em làm cái gì tội lắm, nên bây giờ em mới bệnh như vậy đó!”

Năm 2009 cha và mẹ của em phát tâm ăn chay trường tu hiền, lúc này em vào trường học vừa hết lớp 1.

Vào khoảng tháng 3 năm 2010, đang học lớp 2 em xin với mẹ:

- Mẹ ơi, mẹ! Cho con ăn chay cúng lạy chung với mẹ đi! Cho con nghỉ học để con tu. Con bệnh hoạn con đi học cũng rất là mệt!

Cha mẹ em đồng ý. Từ đó mỗi buổi chiều em cầm cái bọc và chiếc kéo chạy sang nhà hàng xóm xin bông trang về cúng Phật, và lau dọn bàn Phật, thay nước cúng mỗi ngày. Tối em cố gắng theo cha mẹ hành trì đều đặn các công khoá thường nhật.

Mỗi lần thấy mẹ làm cá nấu cho hai chị em ăn, trông con vật bị đập đầu, nó giãy giụa đành đạch, lúc mổ bụng thì máu me của nó tuôn ra lênh láng. Cảnh tượng ấy biểu lộ sự đau đớn gớm ghiếc hãi hùng. Thế nên em xin với mẹ:

- Mẹ ơi! Con thấy mẹ đập đầu con cá, con sợ quá. Từ đây sắp lên mẹ cho con ăn tương luôn đi, mẹ!

Ban đầu bà còn ngần ngừ, sợ con mình ăn chay sẽ bị thiếu dinh dưỡng, vì bệnh đã nhiều năm trong khi hiện giờ còn đang dây dưa chưa dứt, nên bà đã im lặng phớt lờ, nhưng em nài nỉ miết, bà nhận thấy con mình tuy tuổi đời hãy còn thơ dại, thế mà tầm nhìn của nó lại hợp với lẽ Đạo, vượt xa lắm kẻ niên kỷ đã ở vào vị trí trưởng thành! Vả lại nếu mình tu, mà mình ngăn cản không cho con mình ăn chay… sợ e có lỗi, nên bà đành phải tùy thuận nhận lời. Khi thấy em dùng chay, người chị cũng ăn chay theo. Thế là cả nhà đều trường trai, giới sát.

Một điều hết sức kỳ lạ là, kể từ ngày em dùng trường trai, con ma bệnh lần lần biến mất, dần dà em phát tướng ra, mặc dù chẳng bằng ai, nhưng vẫn không còn nằm bệnh viện, không còn uống thuốc uống men gì nữa cả!

Thường ngày cha em đi làm từ thiện, mẹ thỉnh thoảng đi công chuyện, chỉ còn chị thì lo công việc nội trợ nên không khí gia đình cũng như đạo tràng rất trang nghiêm thanh tịnh, suốt ngày em chỉ lo niệm Phật xem kinh và nghe Pháp mà thôi.

Năm em 13 tuổi, ăn chay được một năm, mọi người trong nhà phát hiện một sự việc, là mỗi lúc chiều tối em đi giăng mùng cho cha, mẹ, và trước khi đi ngủ em chạy lại nói với cha: “ Con chúc cha ngủ ngon!”; chạy lại mẹ cũng nói: “Con chúc mẹ ngủ ngon!”, mà ngày nào cũng như thế. Còn khi giăng mùng cho chị thì nói: “Chị nấu cơm cho em ăn… Chị giặt đồ cho em nên em phải giăng mùng cho chị ngủ!”

Những ngày rằm và 30 em thường đến chùa Vạn An, ngôi chùa gần nhà để lễ Phật.

Quyển sách mà em thường đọc là quyển Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ; còn băng đĩa mà em thường xuyên nghe là đĩa: “Cách Thức Hành Trì Pháp Môn Tịnh Độ”. Nên những khi rảnh rỗi em thường diễn tả cảnh giới Cực Lạc cho cha mẹ và chị nghe:

“Cõi ấy chẳng não phiền đau khổ,

Tuổi sống lâu vô số vô biên;

Muốn chi thì được có liền,

Thân người nào cũng bằng sen hóa thành.

Cõi ấy vốn trọn lành trọn tốt,

Cõi ấy không ai chết ai già;

Thường ngày có đức Di Đà,

Dùng thần thông hóa hiện ra muôn hình.

Người nào cũng quanh mình đều sáng,

Ai cũng đều viên mãn thần thông;

Đường xa muôn dặm Tây Đông,

Nhưng đi chỉ mất độ trong phút giờ.

Người cõi ấy thường trưa mỗi bữa,

Đi cúng dường Phật ở khắp nơi;

Đi về trong buổi ngọ thời,

Người nào cũng muốn thỉnh lời Như Lai.

Nên ai cũng đồng giai Bồ Tát,

Không người nào sa lạc phàm phu;

Hạ ngươn kẻ phát tâm tu,

Cầu về Cực Lạc là đầu nhập môn.

Cõi ấy vốn người nhân thiện cả,

Ai muốn sang phải dạ lương hiền;

Cõi sen người phải như sen,

Gần bùn mà chẳng ố hoen mùi bùn.

Cõi lành kẻ dữ hung khó bước,

Phật từ bi chẳng rước bất lương;

Muốn về Cực Lạc Tây phương,

Các điều hung dữ chớ vương điều nào!”

***

Năm 2013, ngoài hai thời lễ niệm sớm tối ra, em còn tăng thêm thời giữa trưa. Qua năm sau thì em trở lại hai thời, vì không muốn phô trương hình thức, và sức khoẻ cũng không khả quan lắm! Bởi sự tu hành quý ở thành tâm, ở thực chất, chứ không phải ở hình thức bên ngoài. Có lần em khuyên chị nên niệm Phật thầm trong tâm chớ đừng nên niệm Phật ngoài miệng; vì niệm Phật ngoài miệng không có được bao nhiêu mà lại mệt lắm!

Thấy chị hay nổi quạu, hay la rầy, nên lần nọ em hỏi chị:

- Chị ơi! Chị có biết hai ông Thần (Ông Thiện và Ông Ác) ở trong chùa không, chị?

- Biết!

- Tu hành mà khó khăn quá nữa thành Thần đó!

Và còn nói:

- Tu mà cái mặt cứ... cà nhăn, cà nhăn hoài là thành Thần giữ núi đó!

Cũng nhiều lần em khuyên chị đừng nên lập gia đình; nếu có gia đình sẽ không được tự do hành đạo, mà cũng rất là khổ! Đặc biệt là em hay ca ngợi những người nữ có vóc dáng giống người xuất gia, và khuyên chị cần phải tu dưỡng hạnh đức, còn dẫn chứng:

“Lớn lên phận gái cần chuyên,”

Trong nhà có treo hai bức tranh rồng phụng, em nhờ cha gỡ đem xuống. Em nói với chị:

- Hai bức tranh cũ này nó không phù hợp với gia đình mình, em sẽ làm hai bức tranh khác để gia đình mình nhìn mà tu hành!

Và em tháo kiếng ra, dùng dầu lửa hòa với dấm bôi vào để cạo sạch sẽ, rồi lấy giấy cal màu (loại giấy mà người ta thường dùng trang trí trên các sườn xe đạp) cắt thành hình bông sen và các mẫu chữ cái, dán lên thành bức tranh mới. Một bức là: “Tu cầu gia đạo vuông tròn; Chồng hòa vợ thuận cháu con thảo hiền”; còn bức tranh kia: “Rán tu đắc đạo cứu cửu huyền; Thoát chốn mê đồ đến cảnh tiên.”

Em làm rị mọ cả tháng trời mới xong, khi treo lên em nói với chị:

- Em dán mấy câu này để cho cha, mẹ và chị xem!

Lúc ấy, đúng dịp đón xuân năm 2015. Cũng từ đó trở đi em ít nói chuyện hơn trước, oai nghi càng nghiêm cẩn hơn trước, thường ngồi một mình trầm ngâm im lặng.

Đến cuối tháng 2, sau khi buổi công phu tối lễ Phật sám nguyện xong, thấy trong người hơi mệt, em không ngồi niệm Phật mà đi ra nhà sau, chợt bị té xỉu, vài phút sau tỉnh lại. Gia đình đòi đưa đi bệnh viện, em không chịu. Thấy mẹ khóc, hôm sau em phải theo cha để đến Bệnh Viện Tâm Đức khám bệnh mang thuốc về uống.

Đến ngày 18 tháng 3, đường tiêu hoá của em hơi kém, ăn uống không được ngon. Chị em mới nói:

- Em đi bác sĩ khám bệnh đi!

Và còn hỏi:

- Em có sợ chết không?

- Em không có sợ chết, tại vì cái nghiệp em phải trả… Đi bác sĩ nó còn dây dưa hoài à chị ơi! Chị đừng có nói với mẹ. Bởi vì mẹ kêu em đi bác sĩ thì em phải đi. Chị giấu, đừng nói với mẹ, giùm em!

- Em mà chết, chắc mẹ chết theo đó!

- Không có đâu! Em chết, mẹ còn có chị!

Chiều ngày 21 tháng 3, thấy em mặc chiếc áo tràng bị chật cứng, chị mới nói:

- Em cho chiếc áo tràng đó cho chị đi! Nữa mẹ sẽ may cái áo khác cho em?

- Thôi khỏi may! Để ba hôm nữa em cho chị cái áo tràng này luôn!

Chị ngỡ là ai đó đã hứa cho em mình cái áo tràng mới rộng hơn, vừa định hỏi thì thấy em đã bước đến ngôi Tam Bảo đảnh lễ, nên định bụng chừng nào công phu xong sẽ hỏi, nhưng rồi lại quên bẳng đi cho đến ba ngày sau là ngày 24.

Sáng ngày 24, thực hành công khoá xong em nói với cha rằng mình thèm ăn chôm chôm, nhờ cha đi mua cho mình. Cha em vô cùng hoan hỷ, nên đi liền. Mà lạ một điều là hồi nào tới giờ em chưa từng thèm chôm chôm cái kiểu này! Kế đó người chị đi chợ, bèn hỏi:

- Chị đi chợ mua thuốc cho chị, em ăn cháo không? Sẵn chị mua cháo luôn!

Em đáp:

- Ừ! Chị đi nhanh nhanh về, để không thôi không gặp mặt em!

Chị em hỏi:

- Đi nhanh nhanh về cho em ăn, em đói bụng chứ gì?

Em không trả lời mà đi thẳng ra nhà tắm, rồi tắm sớm. Tắm xong rồi em vào nói với mẹ:

- Mẹ bóp cái lưng dùm con. Con mỏi quá!

Lúc đó mẹ em đã trải chiếc chiếu trên nền gạch của nhà sau. Em đến ngồi kề bên bà và nói thêm:

- Mẹ ơi mẹ! Mẹ ở lại rán lo tu hành. Mẹ đừng quan tâm tới con!

Nói xong em chắp tay lại niệm Phật trong tư thế ngã người dựa vào mẹ. Niệm Phật được hơn 5 phút thì em thở một hơi dài rồi duỗi tay chân ra tự sửa mình thẳng thớm, nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng. Lúc ấy gần 6 giờ sáng ngày 24 - 3 - 2015, em hưởng dương 17 tuổi. Thấy con mình đã thực sự ra đi mẹ em liền ra phía sau nhà gọi to báo tin cho các chị em của bà hay, phút chốc mọi người lần lượt kéo đến.

***

Chị của em đi chợ về, mới dựng xe xong, người dì ở trong nhà chạy ra cho hay Đức Lợi mới mất. Cô thất kinh hồn vía, tối tăm mặt mày, đôi chân bủn rủn, không đi được nữa, phải nhờ người dì dìu vào nhà. Vô thẳng nhà sau thấy em mình đang nằm, cô nhào lại ôm chầm lấy thi thể của em mình tay đặt lên trên trái tim em để xem tim còn đập hay không. Mẹ cô đang niệm Phật bèn ngưng lại nói:

- Thôi! Em con mất rồi, con đừng có đè nó nữa!

Kế đó mọi người đưa thi thể của em lên giường và tiếp tục hộ niệm.

Trong khi tâm trí bấn loạn không cam tâm chấp nhận cái cảnh vĩnh biệt, thì chị của em bắt gặp một mùi hương kỳ lạ từ thi thể của em mình phát ra, không giống bất kỳ loại hương thơm nào. Nhờ đó mà thần trí dần dần an định trở lại. Trong gia đình chỉ có mẹ tương đối cứng cỏi hơn cha và chị của em, nên em đã nhờ cha đi mua chôm chôm, đây quả là em đã chủ động cách ly những duyên trở ngại cho việc vãng sanh của mình!

Lễ an táng được tiến hành trong ngày. Khi nhập liệm gương mặt của em hồng hào, sáng đẹp, tươi vui, mùi hương trên thân hãy còn; các khớp xương mềm mại và đỉnh đầu rất nóng.

(Thuật theo lời: Nguyễn Văn Ngon, Lê Thị Hạnh, Nguyễn Thị Ngọc Bích, cha mẹ và chị của em).

LỜI PHỤ

* Bức tranh thứ nhất:

“Tu cầu gia đạo vuông tròn,

Chồng hòa vợ thuận cháu con thảo hiền.”

Chữ “tu” ở đầu câu thứ nhất có nghĩa là tu tạo, là tạo tác. Sự ra công, ra sức nỗ lực… Tu có hai lãnh vực là làm lành và lánh dữ:

1. Lánh dữ: bỏ những xấu ác, tà dại của thân khẩu ý (tu sửa).

2. Làm lành: tất cả mọi hành động của thân, lời nói của miệng và ý nghĩ trong lòng luôn luôn hướng đến những điều thiện, ích lợi mọi người, lợi ích chúng sanh (tu bổ).

Chữ “cầu” trong câu thứ nhất chỉ cho lòng mong muốn, nguyện vọng, hy vọng, mơ ước…

Bốn chữ “gia đạo vuông tròn” chỉ về lý thể.

Câu thứ hai “Chồng hòa vợ thuận cháu con thảo hiền”: chỉ về sự tướng.

Hợp bốn chữ “gia đạo vuông tròn” và tám chữ “Chồng hòa vợ thuận, cháu con thảo hiền” lại, chỉ cho thành quả tốt đẹp mỹ mãn trọn vẹn không khiếm khuyết. Đây là niềm vui “thiên luân” theo lý niệm cổ của người Đông phương.

Theo luật nhân quả thì muốn ăn dưa thì phải trồng dưa, muốn dùng đậu thì phải gieo đậu. Mong hưởng quả gì thì phải gieo trồng nhân đó.

* Ý nghĩa đại khái của hai câu trên là: Nếu mình muốn hưởng thọ cái niềm vui “thiên luân” ở lúc tuổi xế chiều, như là gia đình hòa thuận, êm ấm, con cháu hiếu thảo hiền lành, thì chính mình khi còn trẻ khoẻ phải gắng hết sức làm tròn bổn phận và trách nhiệm, nêu gương cho con cháu, người thân trong nhà. Rồi kế đó mới dùng lời lẽ khuyên dạy chỉ dẫn. Nếu không như thế, nghĩa là đối với cha mẹ mình không hiếu kính, phụng dưỡng; đối với vợ chồng con cháu mình vô trách nhiệm… Không tuân giữ thường đạo (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), không hành thiện tích đức (ngũ giới, thập thiện)… mà mong có được gia đình hòa thuận con cháu ngoan hiền, hiếu hạnh là điều vô cùng phi lý!

Những người Tây phương du lịch sang các nước Á châu họ rất đỗi kinh ngạc khi chứng kiến hiện tượng “tam đại đồng đường” hoặc“tứ đại đồng đường”, họ không thể hiểu nổi tại sao ba, bốn thế hệ lại có thể cùng sống chung với nhau một nhà!

Ngày nay ở phương Tây, tỷ lệ người già tự tử ngày một tăng cao, lý do là vì họ bị con cháu bỏ rơi, nên rất buồn khổ khi nằm ở Viện Dưỡng Lão để chờ chết; người Đông phương chúng ta hiện thời chạy theo văn minh vật chất, từ từ vất bỏ thuần phong mỹ tục, luân lý đạo đức lần hồi sa sút, tụt dốc đến mức báo động, vô phương cứu chữa…

“Có nhiều kẻ lớn rồi quên lãng;

Nuôi mẹ cha tính tháng tính ngày.

Lại còn nhiều tiếng đắng cay;

Sao không chết phứt sống hoài làm chi!”

* Bức tranh thứ hai:

“Rán tu đắc đạo cứu cửu huyền,

Thoát chốn mê đồ đến cảnh tiên”

“Đắc đạo” là chứng đắc đạo quả. Quả thấp nhất là “Tu-đà-hoàn” (vị bất thối) còn gọi là nhập lưu (vào dòng Thánh); quả vị cao nhất là “Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”, hay còn gọi là “Diệu Giác”, tức là Phật quả.

“Cửu huyền” gọi đủ là “cửu huyền thất tổ”, theo nghĩa hẹp là chỉ chung cho tất cả ông bà tổ tiên cha mẹ nhiều đời.

Hai chữ “mê đồ” nghĩa là con đường mê mờ, tăm tối, lầm lạc, tà vạy.

Chữ “tiên” ở cuối câu thứ hai không có nghĩa hạn hẹp là chỉ cho tiên nhân (chư thiên), mà là danh từ đối lại với chữ “tục” (tiên - tục), như cách dùng trong các cặp từ: thánh - phàm, Bồ Tát - chúng sanh, Phật - ma...

Vậy thì “thoát chốn mê đồ” (ra khỏi nẻo đường tà vạy, lầm lạc) là NHÂN; mà “đến cảnh tiên” (cõi an lạc, tốt lành) là QUẢ.

Bởi vì mức độ mê mờ có cạn có sâu, cho nên cảnh giới an lạc có rộng - hẹp, có tương đối - tuyệt đối, có chưa viên mãn và viên mãn…

Giả như ở trong “phàm thánh đồng cư độ” thì tam ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) là “mê đồ”; mà quả báo của tam thiện đạo (trời, người, a-tu-la) là “cảnh tiên”.

Nhưng nếu xét nơi “phương tiện hữu dư độ” thì trời, người, a-tu-la là “mê đồ”, mà Tứ thánh pháp giới mới là “cảnh tiên”.

Lại xét nơi “Thật báo trang nghiêm độ” thì Tứ thánh pháp giới là “mê đồ” (vì chưa minh tâm kiến tánh), mà chư Bồ Tát từ Sơ trụ của Viên giáo trở lên mới là “cảnh tiên”.

Sau cùng, nếu xét nơi “Thường tịch quang độ” thì chư Bồ Tát vẫn còn là “mê đồ” mà chỉ có chư Phật quả viên mãn (tức Diệu Giác) mới là “cảnh tiên”!

Tu “đắc đạo” thì có hai cách: một là tự lực, hai là tha lực. Mà trong kinh Tượng Pháp Quyết Nghi, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã chọn lựa cho chúng ta: “Thời kỳ chánh pháp giới luật thành tựu” (sau Phật nhập diệt một ngàn năm thứ nhất, người giữ giới đầy đủ sẽ đắc đạo); “Thời kỳ tượng pháp thiền định thành tựu” (một ngàn năm thứ hai sau khi Phật nhập diệt, ai tu đạt được định sẽ đắc đạo); “Thời kỳ mạt pháp Tịnh Độ thành tựu” (sau hai ngàn năm trở đi, người tu nên tu niệm Phật cầu vãng sanh, nếu đầy đủ tín - nguyện chắc chắn sẽ đắc đạo).

“Tự lực” là tự dùng sức của mình tu thẳng đến Diệu Giác (Phật quả viên mãn) thì trước nhất phải đoạn kiến hoặc và tư hoặc, chứng A La Hán, được vào Phương Tiện Hữu Dư Độ. Rồi tiếp tục đoạn trần sa và căn bản vô minh hoặc, chứng quả Sơ Trụ của Viên giáo (hay Sơ Địa của Biệt giáo) tức nhập vào Thật Báo Trang Nghiêm Độ; rồi phải lần lượt đoạn 41 phẩm tập khí vô minh để phần chứng Pháp Thân... cho đến viên mãn cứu cánh Phật quả sẽ nhập trọn vẹn Thường Tịch Quang Độ. Vì phải trải qua thứ lớp nhất định như đã kể trên nên gọi là thụ xuất (ra khỏi sanh tử luân hồi, chứng quả Phật rốt ráo theo chiều đứng từ dưới thẳng lên trên). Cách tu này rất khó, Cổ Đức dùng hình ảnh con mọt ở trong gốc cây tre ra bên ngoài bằng cách đục từng đốt, từng đốt lên đến tận ngọn rồi mới chui ra ngoài nên rất lâu và rất khó!

Còn “tha lực” là pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh, ngoài sức của chính mình ra còn có lực nhiếp thọ của Đức Phật A-di-đà; mặc dù nghiệp còn mà vẫn được ra khỏi Phàm Thánh Đồng Cư Độ, cõi Ta Bà của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, được sinh sang Phàm Thánh Đồng Cư Độ, cõi Cực Lạc của Đức Phật A-di-đà. Cũng giống như con mọt không đục từng đốt lên trên ngọn cây tre để ra ngoài, mà chỉ đục ngang qua đốt tre để chui ra bên ngoài, vì vậy nên rất nhanh và rất dễ. Con đường này là hoành siêu (từ phàm phu còn dẫy đầy hoặc nghiệp mà được thoát khỏi sinh tử luân hồi, thẳng vào Phật quả viên mãn theo chiều ngang), vì không qua thứ lớp đoạn hoặc như tự lực ở trên!

Vả lại, bốn cõi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là “Pháp Tướng Độ” nên có riêng biệt, có ngăn ngại, có chia cách; Còn bốn cõi của Đức Phật A-di-đà là “Pháp Tánh Độ” nên dung thông nhau. Đây là điểm rất đặc biệt hy hữu, bất khả tư nghì. Do đó mười phương chư Phật đều tán thán thế giới Cực Lạc, đồng thời khuyên chúng sanh trong cõi nước mình nên phát nguyện sanh về đó. Cho nên khi vãng sanh là: “nhất sanh nhất thiết sanh”, nghĩa là đã sanh sang cõi Phàm Thánh Đồng Cư Độ của Đức Phật A-di-đà thì cũng đồng được vào Phương Tiện Hữu Dư Độ, Thật Báo Trang Nghiêm Độ và Thường Tịch Quang Độ. Cho nên vãng sanh tức là thành Phật hay vãng sanh tức là “đắc đạo”.

Vậy thì ý nghĩa hai câu “Rán tu đắc đạo cứu cửu huyền; Thoát chốn mê đồ đến cảnh tiên”, người tu theo pháp môn Tịnh Độ tạm hiểu đại khái là: rán niệm Phật vãng sanh Tây Phương, học đạo cho hoàn toàn rồi trở lại cứu độ ông bà cha mẹ cũng như tất cả chúng sanh. Như thế sẽ được vĩnh viễn không còn khổ nạn (mê đồ), tiêu dao nhàn nhã, hưởng quả an lạc trường cửu bất sanh bất diệt (cảnh tiên).

***

Hai bức tranh mà Đức Lợi làm để lại cho cha mẹ và chị xem, để theo đó mà tu, quả thật rất xác đáng, khế hợp với lời của Cổ Đức: “Dục tu tiên đạo, tiên tu nhân đạo, nhân đạo bất tu, tiên đạo viễn hỹ.” Tạm hiểu là: Chúng ta muốn thành Phật, thành tiên, siêu phàm nhập Thánh, thì trước hết phải tu cho được cái đạo làm người. Bởi vì nhân đạo là gốc rễ, là nền tảng của Phật đạo; nếu như làm một con người tốt trong xã hội làm còn chẳng xong, mà mong đạt đến quả vị tiên Phật là chuyện mộng mị xa vời!

***

Dù rằng đối với Tịnh Độ Tông vẫn có những trường hợp “sám hối vãng sanh”, tức là có người cả đời tạo ác nghiệp, đến giờ phút lâm chung duyên may gặp được thiện tri thức khai thị, hướng dẫn cho Pháp môn Tịnh độ, người ấy nghe xong bèn chí thành sám hối, liền niệm Phật cũng được vãng sanh, nhưng số người ấy rất hiếm hoi, vẫn là thiểu số do thiện căn quá khứ quá lớn và chín muồi. Cho nên chúng ta đừng nên nuôi cái tâm lý cầu may ấy. Cần phải nỗ lực trong lúc bình thời!

    « Xem chương trước «      « Sách này có 52 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phật Giáo Yếu Lược


Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa


Truyện cổ Phật giáo


Vô niệm (Pháp bảo Đàn kinh)

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 34.229.223.223 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (129 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - ... ...