Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 22 »»

Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 22


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.46 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.57 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Bản Hạnh Tập

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 26: Bồ-TÁT HỎI ĐẠO TIÊN A-LA-LA
(Phần 2)

Lúc bấy giờ Tiên A-la-la biết rõ tâm Bồ-tát có đầy đủ năng lực, nên trình bày giáo lý quyết định thành tựu trong luận của mình, mà nói kệ:
Sa-môn Cù-đàm hãy lắng nghe
Luận ta có nói “tổng thành tựu”
Tuy ngài còn ở trong phiền não
Mai sau giải thoát tự nhiên thành.
Sau khi nói kệ rồi, Tiên A-la-la lại nói:
-Phàm mỗi chúng sinh có hai phần: Một là bổn tánh, hai là biến hóa. Hợp hai phần này gọi là chúng sinh.
-Bổn tánh là gì? Tức là ngũ đại. Ngũ đại là gì? Đó là địa, thủy, hỏa, phong và không đại cùng ngã và vô tướng gọi là tánh Bản thể.
-Biến hóa là gì? Tức là cảnh giới của các căn như tay, chân, nói năng, đi đứng qua lại... và phần tinh thần gọi là Biến hóa.
Nếu biết các cảnh giới như vậy, gọi là biết cảnh giới. Biết cảnh giới nghĩa là gì? Là sự hiểu biết của ngã. Tư duy về ngã nghĩa là gì? Là sự tư duy của người trí.
Rồi vị ấy nói kệ:
Nếu như biết được các căn trần
Thế là biết rõ các cảnh giới.
Cảnh giới biết rõ phải thế nào?
Biết do tư duy của người trí.
Tiên nhân A-la-la nói:
-Thế nào là tư duy về ngã? Người này giống như Tiên Ca-tỳ-la và đệ tử của vị ấy cho sự suy lường là cảnh giới của ý. Còn con của Tiên nhân Ba-xà-ba-đề gọi chỗ hiểu biết sâu xa của ý cũng vậy. Như có người biết rõ con người luôn chịu sự đau khổ của cảnh sinh, già, bệnh, chết một cách chắc chắn, lại vì người khác giải thích, khiến họ xa lìa tư duy lý này, thì biết rõ tất cả các pháp đều vô tướng.
Tiên nhân lại nói:
-Nhân phiền não là gì? Là kẻ vô trí tham đắm các nghiệp, những nghiệp như vậy thuộc về nhân phiền não. Nhân phiền não đó có bốn loại. Người chưa giải thoát sinh tử, do vì họ chưa giải thoát phiền não. Bốn nhân phiền não là gì? Một là không tin. Hai là chấp ngã. Ba là nghi ngờ. Bốn là không xác định.
Thế nào là không tin? Thường làm trái ngược, đáng lẽ hiểu như thế này, mà ngược lại không biết. Như vậy gọi là không tin.
Thế nào là chấp ngã? Nói cái này là ta, cái kia chẳng phải là ta, ta nói như thế này, ta lãnh thọ như vậy, ta đi, ta đứng, tướng ta, thân ta.... Xưng ta như vậy, mà mình chẳng hay biết. Như vậy gọi là chấp ngã.
Thế nào là nghi ngờ? Đây không phải là nghi tất cả mà chỉ ở một vật. Như cục bùn. Như vậy gọi là nghi ngờ.
Thế nào là không xác định? Như vậy là đúng, phải cũng như vậy, chẳng phải cũng như vậy. Tâm ý tưởng đến tất cả các nghiệp đây là chúng, đây là ta, là đây, là kia ... Như vậy gọi là không xác định.
Dư tàn nghĩa là chưa biết chỗ thù thắng, chưa giác, bắt đầu giác, chưa chứng tự tánh, hay mới chứng biết, gọi là dư tàn.
Thế nào là không có phương tiện? Người không có trí tuệ thì không biết được phương tiện. Do không có phương tiện, không thể trình bày. Như vậy gọi là không có phương tiện.
Thế nào là nhiễm trước? Nghĩa là người vô trí đối với các cảnh được thấy, nghe, cảm xúc và hiểu biết liền sinh tâm tham nhiễm; hoặc ý tham đắm, hoặc thân tham đắm, hoặc khẩu tham đắm, hoặc ý nghiệp tham đắm tất cả cảnh giới. Với nơi không nên tham đắm mà mê hoặc tham đắm, như vậy gọi là nhiễm trước.
Thế nào là sa ngã? Nghĩa là ta là chỗ kia, chỗ kia là ta. Nếu có ý nghĩ tư duy như vậy, gọi là sa ngã. Do nhân duyên đó rơi vào phiền não, gọi là vô đức, gọi là vô trí, gọi là năm chỗ khổ não không vui.
Chỗ không vui gọi là hắc ám, ngu si, đại si và hai tạp trụ là năm chỗ.
Sao gọi là hắc ám? Nghĩa là lười biếng.
Sao gọi là ngu si? Nghĩa là sinh tử.
Sao gọi là đại si? Nghĩa là hành dục. Tại sao? Tại đây giả sử như có bậc đại đức mà vẫn còn bị mê hoặc không biết tỉnh ngộ.Cho nên gọi là đại si.
Hai tạp trụ nghĩa là giận và hờn; lại hai tạp trụ còn gọi là trễ nãi và biếng nhác.
Chúng sinh bị vô minh không biết như vậy để tu, nên si mê chìm đắm trong năm chỗ này, ở trong biển khổ phiền não thuận theo dòng sinh tử. Ta nghe, ta biết, ta thấy, ta làm rồi dạy cho người khác làm, ta đạt đến như vậy. Do tâm như vậy, do ý như vậy, đưa chúng ta đến chỗ luân hồi trong biển phiền não.
Bốn thứ nguyên nhân trên, nó ràng buộc quấn chặt chúng sinh trong phiền não, mà nói là không nhân quả! Đại đức Cù-đàm,Ngài phải biết các việc như vậy.
Rồi Tiên A-la-la nói kệ:
Nếu người muốn đạt đến chánh kiến
Tứ thiền thanh tịnh nơi giải thoát
Nếu tâm hiểu rõ trí kia rồi
Chân Thánh, phỉ Thánh đều biết rõ.
Phân biệt như trên cần thông suốt
Như vậy gọi là hiểu tứ thiền
Các hành vô hành đều xả bỏ
Ngữ văn ngôn tự đều không còn.
Đại phạm cảnh trời là chốn ấy
Tuyên dương phạm hạnh ở trần gian
Nếu ai giữ trọn pháp môn này
Sẽ được sinh về trời Đại phạm.
Lúc bấy giờ Bồ-tát nghe
Tiên A-la-la nói lời như vậy,
Ngài lại hỏi phương pháp thực hành:
-Nếu thực hành các phương tiện thì đến cõi nào và dựng tịnh hạnh, tu hành, cần phải hành chỗ nào và pháp gì? Xin Tôn giả vì tôi giải thích tất cả.
Lúc ấy Tiên A-la-la căn cứ nghĩa “tôn thể” trong tổng luận của mình, đem giải thích đầy đủ cho Bồ-tát nghe:
-Này Nhân giả Cù-đàm, phàm người muốn tu hành cần phải rời bỏ cung điện, theo hạnh người xuất gia khất thực để sống, phát thệ nguyện rộng lớn, giữ gìn giới hạnh, đời sống đạm bạc, ẩm thực y phục, đồ ngủ nghỉ phải biết thích nghi hoàn cảnh, sống một mình ở nơi vắng vẻ. Theo sự hiểu biết của tôi thì trong các luận có dạy: ‘Thấy các sai lầm của tham dục, sân hận, ngu si và cần phải lánh xa. Điều phục các căn, xa lìa dục vọng, nhập vào chánh định hưởng nhiều khoái lạc đi vào Sơ thiền. Bấy giờ ở nơi vắng lặng xa lìa các dục, không còn ác pháp, phân biệt sinh ly, tức chứng Sơ thiền. Được Sơ thiền rồi trở lại tư duy phân biệt như vậy, lần lần được an lạc. Đã được an lạc rồi, lại trụ trong định vắng lặng, do nương vào sức định này, ý lại càng xa lìa tham dục sân hận..., càng xa lìa phiền não, tâm được hoan hỷ, càng hoan hỷ thì trí tuệ lại càng thêm tăng trưởng, lúc ấy liền sinh lên cung điện Phạm thiên. Đã sinh vào cõi Phạm thiên rồi, lại tư duy phân biệt thế này: Cảnh giới này sẽ làm rối loạn trí tuệ của ta cần phải loại trừ. Loại trừ cánh giới này rồi liền chứng Nhị thiền, tâm rất hoan hỷ. Tâm đã được hoan hỷ rồi, lại thấy hoan hỷ làm rối loạn tâm, nên cầu mong sống cảnh giới tốt đẹp hơn, tức sinh lên cõi trời Quang âm. Đã đến cõi Quang âm rồi, được thọ lạc ở đấy, họ muốn xa lìa sự vui sướng đó; sau khi xa lìa sự vui sướng này, liền chứng Tam thiền. Ở trong Tam thiền hoàn toàn khoái lạc, mà các cõi trời Biến tịnh ở đây càng lên cao lại càng thù thắng, nếu có thể xả bỏ lạc thú này, không cảm thọ, không mê đắm tức là tâm đã xả bỏ được các thứ khổ vui, liền chứng Tứ thiền. Như vậy ở cảnh giới này tất cả khổ vui và tâm chấp đều bị xả bỏ.
Lại có người, tâm họ không thỏa mãn Tứ thiền, nên cầu pháp giải thoát, muốn vượt qua quả báo Tứ thiền, trong tâm tư duy quán sát, thấy chúng sinh trời Quảng quả cõi Tứ thiền trí tuệ thô thiển.”
Vị Tiên lại nói:
-Người này tư duy như vậy rồi, sau khi xuất định thấy sắc thân của mình có các tai họa, đau khổ, muốn xả bỏ sắc thân cầu trí tuệ tối thắng, nên phát tâm xa lìa cảnh Tứ thiền. Người này xả bỏ các tâm giống như khi phát tâm xả bỏ các dục vọng như vừa nói ở trước. Do vì muốn xả bỏ sắc thân thô, mà phát tâm xa lìa Tứ thiền như vậy. Lúc bấy giờ họ phân tích các sắc tướng trong thân thể trống không, không có ranh giới, đối với tất cả sắc tướng từ nội thân cho đến cây cối ngoại cảnh, phân tích tất cả vật chất thành hư không không có giới hạn. Phân tích tất cả sắc chất thấy rõ ràng trống không, không có giới hạn như vậy, tức là chứng được cảnh giới thù thắng.
Kệ nói:
Cõi trời Đại phạm thật nhiệm mầu
Tất cả vô ngôn, thường vô tướng
Người trí bảo rằng nhân giải thoát
Còn gọi đó là quả Niết-bàn.
Lúc ấy Tiên A-la-la nói kệ này rồi, lại bạch Bồ-tát:
-Thưa Nhân giả Cù-đàm, đây là cảnh giải thoát và phương tiện đạt đến cảnh giải thoát của tôi, nay tôi vì Nhân giả thuyết minh một cách rõ ràng. Theo như lời trình bày của tôi, nếu Nhân giả đối với pháp này sinh tâm hoan hỷ, Ngài có thể lãnh thọ.
Rồi vị Tiên nói kệ:
Thanh tịnh giải thoát pháp như đây
Ta đã biết rồi nay quảng diễn
Nhân giả tâm ý nếu hoan hỷ
Xin Ngài theo đây mà nhận lấy.
Tiên A-la-la lại nói:
-Thuở xưa có các Tiên nhân Kỳ-xa (nhà Tùy dịch cầu Thắng), Tỳ-du-xà-na (nhà Tùy dịch Ly Biệt Não), Ba-la-xa-la (nhà Tùy dịch Tha Tiễn) và một số các Tiên nhân khác đồng ca ngợi pháp giải thoát này, cũng đồng tu phương pháp này mà được giải thoát. Nhân giả là bậc Trượng phu đại trí, có khả năng tu tập pháp môn này. Nếu Ngài chịu tu tập sẽ được quả báo giải thoát tốt đẹp.
Khi ấy Bồ-tát nghe Tiên nhân A-la-la nói pháp môn thanh tịnh, nên lãnh thọ thực hành, muốn làm hạnh Sa-môn, muốn cầu quả Sa-môn, cho nên thực hành pháp môn này, liền chứng được. Bồ-tát khi nghe pháp môn này từ Tiên A-la-la nối ra tin tưởng thực hành không chút chống trái. Ngài cũng chẳng nói: “Ta đã biết trước”, chỉ thọ trì pháp, tư duy tinh tấn, phát sinh ý chí kiên cố cầu quả báo tốt đẹp. Khi Ngài chứng được cảnh giới tốt đẹp ấy, cũng không sinh tâm ngã mạn chê bai vị Tiên ấy. Nhưng, Ngài tự suy nghĩ: “Chẳng riêng gì Tiên A-la-la có đức tin, Ta cũng có đức tin như vậy! Chẳng riêng gì Tiên A-la-la có hạnh tinh tấn, Chánh hạnh tam-muội và Trí tuệ tam-muội... Ta cũng có các hạnh... trí tuệ cũng lại như vậy. Ngày nay Ta sẽ cầu chứng được pháp như Tiên A- la-la đã chứng, rồi phân tích rõ ràng cho người nghe để họ đạt được cảnh giới tốt đẹp đó.”
Bồ-tát theo sự hiểu biết mà thực hành, đã chứng được tất cả pháp hạnh do Tiên A-la-la chỉ bảo. Nhưng Bồ-tát tu pháp môn này không lấy làm khó nhọc, chỉ trong một thời gian ngắn Ngài đã chứng một cách trọn vẹn. Rồi theo chỗ tu chứng của mình thuyết minh một các thông suốt, giống như Tiên A-la-la không khác gì cả.
Rồi Bồ-tát đến trước Tiên A-la-la thưa:
-Bạch Tôn giả A-la-la, Ngài căn cứ vào pháp trí tu chứng của mình, rồi nói lại cho người khác nghe, phải chăng pháp giới đó cầu sinh cảnh giới Vô tưởng?
Bồ-tất vừa dứt lời, Tiên A-la-la lại đáp:
-Thưa Trưởng lão Cù-đàm, pháp trí như vậy tôi đã thật chứng, trình bày lại cho người khác một cách thông suốt rõ ràng.
Bồ-tát lại nói:
-Thưa Tôn giả tôi được nghe giáo pháp của Ngài, y như lời Ngài dạy, tôi tin hiểu và thực hành đã chứng được pháp ấy rồi. Nếu người trí biết thực hành và cầu sinh cảnh giới ấy, cũng không xả bỏ phương pháp này. Nhưng theo ý của tôi, thì pháp này tuy vi diệu nhưng chưa đạt đến chỗ rốt ráo. Tại sao? Với sự quán sát tư duy, theo ý tôi cho rằng pháp này còn có khi biến động. Nhưng bản tánh của cảnh giới này nó là như vậy, tuy đã biết trí này là vô trí, lại phát sinh các pháp khác. Tuy Tôn giả nói: “Ta được giải thoát thanh tịnh.” Nếu pháp giải thoát ấy do phân biệt quán sát mới có, thì đó chỉ là pháp nhân duyên, nên gặp duyên thì nó phát sinh trở lại, chẳng phải chân thật giải thoát. Giống như hạt giống gieo không phải mùa, hoặc không hợp thời tiết, hoặc khô nước, hoặc không gặp mưa, thì tiềm tàng trong đất không nảy mầm. Nếu hạt giống gieo đúng mùa, độ ẩm thích hợp, đầy đủ các duyên... hòa hợp, phát sinh. Nay đây cũng vậy, chỉ vì vô trí chấp trước nghiệp ái, khi xả bỏ được các thứ phân biệt chấp trước nghiệp ái này, cho là ta được giải thoát. Nhưng còn chấp ta giải thoát thì đều phải xả, tức phải xả các ái do vô trí, nghiệp không có chỗ kết hợp. Tuy hơn cảnh giới Tứ thiền ở trước, nhưng chưa phải là chỗ chân thật. Hễ còn phân biệt là còn chấp ngã, những vi tế ấy do ba việc mà có. Từ các thứ phiền não vi tế này, lại chấp có một cảnh giới vô tác dụng riêng biệt và chấp lấy tuổi thọ lâu dài, nói rằng ta đã giải thoát.
Rồi Ngài nói kệ:
Do các tai họa rất vi tế
Nên thọ dụng thân không tác dụng
Kiếp sổ thọ mạng thật lâu dài
Lại chấp cho là ta giải thoát.
Bồ-tát lại nói:
-Theo như Tôn giả đã nói ở trước “Ta đã xả ngã”. Đã nói “Ta đã xả ngã”, thì không gọi là “chân thật xả ngã”. Nếu còn căn cứ, còn phân biệt là chưa giải thoát, thì không thể nói là không còn nhiều đau khổ. Do vậy phải biết, chỗ có nhiều khổ không thể nói đó là chỗ vô ngã giải thoát”. Có ngã là có khổ, không thể tách rời ra được. Cũng như ánh lửa và sức nóng, sức nóng không thể tách rời ánh sáng lửa, ánh sáng lửa không thể tách rời sức nóng. Thể của hai thứ riêng nhau, trước không nay hợp lại mà có thì không đúng. Ngã đã như vậy thì tất cả khổ não cũng vậy. Giải thoát cõi này để đạt đến cõi kia, rồi bị cõi kia ràng buộc, do vì trí chấp lấy cảnh giới. Họ diệt hết sắc chỉ còn có thức, họ biết có ngã thức tức là hữu, do có hữu nên không được gọi là giải thoát. Vì cảnh giới thành tựu của ngã có hơn kém. Như vậy có thể biết cảnh giới tốt đẹp mà họ mong cầu là thế. Do vì nghĩa này, chẳng cần phải phân biệt đâu là ngã hay chẳng phải ngã, như gỗ như vách, gỡ bỏ từng lớp lại chồng lên từng lớp. Người có trí nên tư duy về ngã, đều buông xả tất cả cảnh giới để được tự lợi.
Rồi Ngài nói kệ:
Thứ tự các lớp đều buông bỏ
Như vậy mới là xả cảnh giới
Tất cả căn trần đều xả hết
Thế là tự lợi với tự tha.
Bấy giờ, trong đồ chúng của Tiên A-la-la có một đệ tử bạch Bồ-tát:
-Đại đức Cù-đàm, Ngài đến đây khiến chỗ ở của chúng tôi đều được tốt đẹp và có tám điều được tự tại.
Bồ-tát hỏi:
-Nơi này có tự tại gì?
Khi ấy Tiên A-la-la cắt ngang, bảo đệ tử:
-Con chớ suy nghĩ đến việc này. Vì lý do gì? Tự tại nghĩa là đối tất cả sự việc có khả năng quyết định, không lệ thuộc với người khác, không theo bạn bè, thân mình tự chứng cảnh an định mới sinh hoan hỷ.
Bồ-tát đáp:
-Tự tại không phải vậy.
Tiên A-la-la hỏi:
-Vậy việc ấy thế nào?
Bồ-tát liền đáp:
-Tự tại không phải như vậy, không phải như vậy.
Tiên A-la-la lại nói:
-Nhân giả cứ trình bày, không được nói lời uẩn khúc.
Bồ-tát nói:
-Nếu y như lời Tôn giả nói, thì hạnh này không còn luân hồi hay sao?
Tiên A-la-la lại hỏi:
-Nhân giả vì cớ gì đưa ra câu hỏi như vậy?
Bồ-tát đáp:
-Ngày nay tâm tôi nhàm chán sự sinh muốn cầu hỏi chỗ chân chánh.
Tiên A-la-la nói:
-Này Nhân giả Cù-đàm, Ngài muốn nghe chăng, tôi sẽ vì Ngài mà nói. Muốn khai hóa thế gian gọi đó là ngã, chỉ có danh từ mà không sinh không già, không thoái không lại, không trong không ngoài, không trước không sau gọi đó là ngã. Tự tại là có thể vào trong luân hồi, ở trong sinh tử cũng không tạm dừng. Nó là pháp và phi pháp, trời và tất cả các cõi, có thể đi xa, có thể tạo thành chiếc thuyền, ngồi trên chiếc thuyền này có thể vượt qua biển thẳm, lưu chuyển qua lại, hay tạo sinh tử, cũng hay biến hóa, tự tại tối thắng, tối diệu tối đại, làm chủ thế gian giáo hóa tất cả.
Bồ-tát hỏi:
-Biến hóa như thế có gì làm bằng chứng không?
Tiên A-la-la nói:
-Nghe lời hỏi của Nhân giả chắc chắn Ngài không chấp nhận giáo nghĩa mà tôi vừa nói, hoặc hiện giờ Nhân giả tâm không ham thích nữa.
Bồ-tát nói:
-Ta không có việc ấy.
Tiên A-la-la nói:
-Đại đức Cù-đàm chớ có nghi ngờ, tùy theo ý của Ngài, mà luận thuyết chủ trương của mình khéo tư duy thâm nhập, để tự soi sáng. Nếu tự hiểu biết thì không bị kẻ khác lừa dối, không nghe theo nghĩa lý khác. Chứng được như vậy gọi là tự lợi, người khác không bằng. Nếu tâm không quyết định, theo các luận sư khác mà chấp nhận giáo pháp của họ, thì trí tuệ của Ngài sẽ bị tổn giảm. Nhân giả nghe pháp của tôi, đối với mỗi pháp, hãy đọc tụng tư duy chân chánh, quán sát ý nghĩ sâu xa, xét chỗ hiểu biết của mình có điều gì nghi ngờ tùy ý hỏi, tôi sẽ mà giải thích cho Ngài.
Bồ-tát lại nói:
-Theo như lời nói của Tôn giả, có khả năng tạo tác biến hóa ra thế gian là bậc Tự tại. Đối với vấn đề này tôi có nghi ngờ.
Tiên A-la-la nói:
-Theo ý Nhân giả cho nghĩa này không đúng sao?
Bồ-tát lại nói:
-Tôi thấy không đúng!
Tiên A-la-la nói:
-Vì sao không đúng?
Bồ-tát lại nói:
-Lý do là tại sao nguyên nhân này chỉ có một? Nếu như trời Tự tại biến hóa tạo tác ra thế gian, thì các pháp chẳng được theo thứ lớp cùng nhau phát sinh như trong hiện tại. Vòng phiền não không nên theo thứ lớp như vậy mà chuyển. Lẽ ra tâm chúng sinh không cần ham lợi mà tự nhiên được lợi. Lẽ ra một chúng sinh không bị nhiều đau khổ. Lẽ ra chúng sinh trong thế gian cúng dường trời Tự tại như cúng dường cha mẹ, ngoài ra chư Thiên khác không được cúng dường. Người bần cùng lẽ ra không được nói những lời hủy nhục của họ, vì nghiệp thiện ác đều do vị ấy, nên chúng sinh không cần nương tựa, không cần tìm cầu, không cần tạo tác. Người đời không cần suy nghĩ có trời Tự tại hay không có trời Tự tại. Người đời phân biệt thế này: “Nên có tạo tác hay không tạo tác?” Nếu không có tạo tác các nghiệp thì lẽ ra tự nhiên sẽ được quả báo. Trời Tự tại do tu tập khổ hạnh để thành Tự tại. Nếu chúng sinh thế gian cũng thực hành như vậy, thì tất cả chúng sinh đó cũng đều gọi trời Tự tại hay sao? Nếu trời Tự tại vô nhân mà tự nhiên thành trời Tự tại. Như vậy chúng sinh khắp nơi cũng là trời Tự tại. Nếu chúng sinh không do tự tại kiến lập, thì không được gọi là có tự tại, đâu được gọi là trời Tự tại thành lập chúng sinh.
Tiên A-la-la tán thán Bồ-tát:
-Đại đức Cù-đàm trí tuệ cao xa, tiếp nhận các luận, khéo trình bày rõ ràng. Nói tóm lại, toàn thể đều do trí lực phân biệt hiểu biết của Ngài, nên thấy con đường để thành tựu chân thật một cách bình đẳng. Xin Ngài vì tôi trình bày, chớ nên từ nan lẫn tiếc pháp bảo.
Bồ-tát lại nói:
-Ta phải cúng dường Tôn giả.
Tiên A-la-la nói:
-Tiên nhân có nhiều hạng làm sao Nhân giả cúng dường hết được. Nhưng ngày nay Nhân giả đã là bậc Thượng thủ, Ngài cũng nên nhận lãnh sự cúng dường của các Tiên nhân.
Bồ-tát lại nói:
-Xin Tôn giả vì ta giải thích ý nghĩa này.
Tiên A-la-la nói:
-Hàng Tiên nhân thật ra hơn tất cả thế gian, nhưng trong số họ chưa hẳn đã sinh ra trước. Nhân giả có trí tuệ sâu xa, xin Ngài khéo tư duy: Nghiệp có trước hay thân có trước?
Bồ-tát hỏi:
-Nghĩa này như thế nào?
Tiên A-la-la nói:
-Vấn đề này rất nan giải! Tại sao? Nếu nghiệp có trước chẳng phải thân có trước, thì lẽ ra không thọ thân, thân không tạo nghiệp, mà nghiệp không tự sinh ra nghiệp, thì ai tạo ra nghiệp này? Nếu thân có trước chẳng phải nghiệp có trước, thì không có nghiệp. Nếu không có nghiệp, thì tại sao lại có chúng sinh (do nghiệp) thọ thân?
Cái gì có khả năng khai hóa thế gian, thì cái ấy không hư hoại, nhất định thường tồn, bị giữ mãi trong ba cõi. Đó là nguồn gốc sinh ra chúng sinh, sinh ra tự thân. Nếu không do trời Tự tại sinh thì tất cả chúng sinh yêu mến sắc thân, tự nó sẽ đầy đủ. Nếu tự nó đầy đủ, thì đối với mọi nơi lẽ ra phải tự có.
Bồ-tát nói:
-Như người bệnh cầu lương y chữa trị, Ta không vấn nạn nghĩa này nữa.
Lúc bây giờ có một Tiên nhân khổ hạnh là đệ tử của Tiên A-la- la, bạch Bồ-tát:
-Hay thay Cù-đàm! Theo như lời nói của Tôn sư tôi, xin không nên nạn vấn, như ý nghĩa của thầy tôi nói, hãy chấp nhận không nên tranh cãi vì việc làm như vậy không có lợi ích. Nhân giả nên nhận lãnh lời Tôn sư tôi.
Bồ-tát lại nói:
-Ta chẳng vấn nạn làm gì, chỉ muốn hỏi giáo pháp ấy truyền thừa ấy nguồn gốc như thế nào để biết sự thật.
Tiên nhân khổ hạnh nói:
-Nhân giả tùy nhân duyên mà thọ lãnh giáo pháp ấy, sẽ chứng được chân lý. Nếu nghi ngờ giáo pháp và tranh luận, thật là phi pháp, vị lai sẽ mắc tội.
Khi ấy vị Tiên khổ hạnh, đệ tử của A-la-la nói kệ:
Phàm người thưa hỏi, khi nghe pháp
Tâm ý không loạn nghĩa mới thông
Nếu như nghi ngờ lòng chê trách
Đó là soi mói cạnh tranh nhau.
Hai đàng tìm lỗi sinh oán hận
Tức giận hơn thua lời nói xấu
Người trí muốn trừ lỗi khẩu nghiệp
Nói lý, không ý tranh hơn thua
Nghị luận muốn hơn gọi là tham
Tranh danh, sĩ nhục hạ đối phương
Nhiều lời chỉ trích, thành lỗi lớn
Dua nịnh nghe theo, sinh kiêu hãnh.
Sân tâm ngã mạn, tội chướng tăng
Hủy báng cùng nhau tranh phải trái,
Điều phải chẳng làm, làm điều trái
Tranh cãi với nhau thành oán hận.
Bấy giờ Bồ-tát nghe kệ này rồi, nói với vị Tiên khổ hạnh:
-Đúng vậy! Lỗi của sự tranh cãi không thể nói hết. Nhưng Ta chỉ muốn tìm nguồn gốc truyền trao của việc thành tựu như thế nào, chứ không phải tranh cãi tận cùng.
Khi Bồ-tát nói như vậy, Tiên nhân khổ hạnh vẫn chưa vừa ý. Tiên A-la-la nói:
-Đại đức Cù-đàm, đối với con đường giải thoát này Ngài chẳng thích sao? Giáo pháp như đây là tùy duyên không có nguồn gốc?
Bồ-tát đáp:
-Khi muốn cầu quả giải thoát phải tìm hiểu như thế?
Lúc ấy vị đệ tử của Tiên nhân A-la-la lại nói:
-Thưa Sa-môn Cù-đàm, Nhân giả cầu quả giải thoát mà bỏ giáo pháp chúng tôi, chỉ nhọc thân vô ích mà thôi!
Bồ-tát đáp:
-Người cầu cái vui vô thường ở thế gian còn khó, huống gì cầu giải thoát không trở lại!
Vị đệ tử của Tiên nhân A-la-la lại bạch:
-Nhân giả nói không trở lại, vậy là thường đi mãi.
Bồ-tátđáp:
-Nơi ta đi đến theo ý muốn, nay đã đạt được thì trở lại làm gì?
Tiên A-la-la nói:
-Không đi đến chỗ kia mà cũng chẳng trở lại chỗ này, thì không được hay sao?
Bồ-tát nói:
-Việc như vậy thật là hy hữu! Tôn giả trước có nói: “Có thọ lấy đời sau.” Sau bây giờ lại nói không trở lại?
Tiên A-la-la đáp:
-Thật đúng như lời Nhân giả nói, thật là quá hy hữu! Thể chân như tịch tĩnh, không bắt đầu, không kết thúc, không có giới hạn, không trước không sau, đi không xác định hoạt động, hình thể không cùng tận. Nhưng do vị thầy vô tướng, ông chủ thiền định tạo ra. Đó là Đại Phạm thiên.
Bồ-tát lại nói:
-Ta xin hỏi Đại Tiên Tôn giả, đến kiếp hoại tất cả vạn vật trên cõi đại địa này như rừng rú, núi Tu-di... cho đến cung điện trời Đế Thích, tất cả đều bị kiếp hỏa đốt cháy. Lúc đó cõi trời Đại phạm ở chỗ nào? Là gì? Tên gì? Làm sao có nói năng? Quả báo công đức làm sao tồn tại? Làm sao khi kiếp hoại vạn vật đều bị tiêu diệt, tại sao trời Đại phạm không bị thiêu đốt?
Lúc bấy giờ Tiên A-la-la cười nhạt lặng thinh, nhưng đệ tử của vị ấy lại bạch Bồ-tát:
-Nhân giả là bậc trí tuệ hơn hết, tại sao Nhân giả không biết chư Tiên trong quá khứ đã chứng được Thánh đạo hay sao? Các Tôn giả Tiên nhân đó là Ba-la-xa-la, Phả-la-đọa-a-tu-lê-da, Bạt-đà-na, Ca-đố-bà-đà-na, Đà-na-đạt-đa, Đạt-lợi-đa-na-da, Bàn-giá-la-ba-để, A-sa-đà, Bạt-ma-đạt-đa, Na-hầu vương tử Da-da-để, Thiều-ba-lê, Ba- la-bà-giá-na, Tỳ-đề-a, Xà-na-ca, A-bàn-để-quốc-la-để-đề-bà, Xà-kỳ-xa-tỳ-da, Đề-tỳ-la, Tỳ-đà-ha-tỳ-da, Bà-nô, Đề-bà-da-na, Nê-sa-đa- na-da, Da-nhã-da-na, Ni-da-bạt-đô, Ha-lê-để, Bạt-xa-la-bà-hầu... Tất cả các Tiên nhân như vậy, vào trong ánh sáng mặt trời mà chứng Thánh đạo.
Lúc bấy giờ Bồ-tát bảo Tiên nhân:
-Nay người nói vào trong ánh sáng mặt trời cầu giải thoát. Nghĩa này như thế nào? Vậy Ta nên lễ bái các vị ấy, nhưng thật ra Ta không chấp nhận sự tự tại như thế.
Khi Bồ-tát nói lời ấy rồi, trong tâm suy nghĩ: “Giáo pháp của Tiên A-la-la không phải là giáo pháp rốt ráo.”, nên tâm Ngài chẳng vui.
Vị đệ tử của Tiên A-la-la đoán được ý Bồ-tát, liền từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Bồ-tát:
-Ngày nay Nhân giả đã vượt ra ngoài giáo pháp này, ý lại muốn cầu pháp giải thoát hơn nữa.
Bồ-tát đáp:
-Ý Ta nguyện muốn chứng được pháp như thế này: Không phải đất, không phải nước, không phải lửa, không phải gió, không phải hư không, không phải sắc, không phải thanh, không phải hương vị, không phải xúc, không phải tướng, không an vui, không sợ sệt, không chết, không bệnh, không già, không sinh, không phải có, không phải là không có, không thường, không phải không thường, không dùng ngôn ngữ diễn tả, không có giới hạn. Rồi Ngài nói kệ:
Không còn lỗi sinh, già, bệnh, chết
Không đất, nước, gió, lửa và không
Vượt khỏi ba cõi không thầy dạy
Thường tịnh tự nhiên được giải thoát.
Khi Tiên A-la-la nghe kệ rồi, lại bạch Bồ-tát:
-Thưa Nhân giả Cù-đàm, ngày nay bao nhiêu pháp tôi tự chứng, đối với người khác tôi đã trình bày một cách rõ ràng. Ngày nay, Nhân giả cũng chứng được pháp này, đối với người khác trình bày pháp ta đã chứng. Nhân giả đã chứng được cũng có thể làm thầy trong đại chúng này như ta đang làm thầy trong đại chúng này vậy. Cù-đàm ngày nay có thể cùng ta đồng tâm, hai chúng ta lãnh đạo đại chúng này, giáo hóa chỉ dạy họ.
Lúc bấy giờ Tiên A-la-la tuy ở địa vị thầy nhưng đối xử với Bồ- tát một cách bình đẳng, tự phân nửa tòa ngồi cho Bồ-tát, cúng dường Bồ-tát, tùy theo nhu cầu của Bồ-tát, Tiên A-la-la cung cấp một cách đầy đủ, hết sức lấy làm vui mừng, vô cùng sung sướng tràn ngập châu thân không thể tự chế.
Lúc ấy Bồ-tát tự suy nghĩ: “Giáo pháp này khồng thể đưa người đạt đến Niết-bàn, cũng không xa lìa các dục vọng vượt khỏi phiền não, cũng không phải thiền định tịch tịnh, diệt hết các lậu, chứng thần thông, lại cũng không tự giác ngộ và giác ngộ cho người khác thực hiện hạnh Sa-môn, chẳng có thể diệt trừ các phiền não ác. Tại sao? Tu pháp này, chỉ sinh lên cõi Phi tưởng để rồi lại tạo nghiệp. Nên biết pháp này chẳng là đạo quả cùng cực rốt ráo.” Suy nghĩ như vậy, Bồ-tát liền từ biệt Tiên A-la-la mà ra đi.
Có kệ:
Bồ-tát suy nghĩ các pháp này
Trong tâm không thể hoan hỷ lắm
Biết chẳng vượt đến chỗ cứu cánh
Từ giã La-la đi tầm đạo.
Lúc bấy giờ đồ chúng của vị Tiên A-la-la nói lời tạm biệt cùng chia tay Bồ-tát:
-Cầu nguyện Nhân giả, nơi nào Ngài đi đến luôn luôn được mọi sự an lành.
Phẩm 27: ĐÁP LỜI HỎI CON CỦA LA-MA
Lúc bấy giờ, nơi cõi Diêm-phù-đề có một vị Đại đạo sư tên là La-ma, ông ta đã qua đời, để lại đồ chúng cho trưởng tử tên là Ưu-đà-la La-ma Tử, làm chủ thống lãnh, ưu-đà-la thường vì đại chúng thuyết giáo pháp tu sinh lên cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng. Ông và đồ chúng sống trong A-lan-nhã tại khu vườn gần thành Vương xá.
Lúc bấy giờ, từ xa nghe danh giáo pháp ông ta hơn giáo pháp Tiên A-la-la, Bồ-tát suy nghĩ: “Ta cần phải đến cầu pháp với Ưu-đà-la La-ma Tử tu tập phạm hạnh.” Sau khi rời chỗ ỏ của Tiên A-la-la, Bồ-tát chậm rãi đi vượt qua sông Hằng, hỏi những người biết, rồi đi đến chỗ ông ta bạch:
-Thưa Tôn giả Ưu-đà, tôi muốn ở gần Ngài, cầu lời chỉ dạy về tu phạm hạnh.
Ưu-đà-la thưa Bồ-tát:
-Thưa Đại đức Cù-đàm, theo tôi nhận thấy Ngài là bậc Trí tuệ, có thể nhận lãnh giáo pháp của ta mà tu phạm hạnh. Nếu Ngài muốn thọ giáo tu phạm hạnh, cần phải thuận tu giáo pháp của ta bằng nghiệp thanh tịnh sẽ được quả báo.
Khi đó Bồ-tất thọ giáo tu tập khổ hạnh với Ưu-đà-la La-ma Tử.
Do vì cầu pháp Sa-môn, tu hạnh Sa-môn, nên Ngài cung kính chắp tay bạch:
-Thưa Nhân giả, tôi chưa rõ pháp thực hành của Ngài đã đạt đến cảnh giới nào? Xin Ngài hãy vì tôi giải thích.
Ưu-đà-la bảo Bồ-tát:
-Này Cù-đàm, phàm chấp tướng và vô tướng là một bệnh lớn, là ung nhọt lớn, là đại ngu si hắc ám, nếu chín chắn tư duy, tức chứng được hữu thể vi diệu, có thể theo thứ lớp giải thoát. Giáo pháp này của ta gọi là giải thoát vắng lặng tối diệu, tối thượng, tối thắng, quả giải thoát này chứng đến cõi Phi phi tưởng. Ta đang tu tập pháp môn tối thắng tối diệu này.
Rồi Ưu-đà-la lại nói:
-Ở trong cõi Phi tưởng phi phi tưởng này, ở trong quá khứ không có định nào vượt qua định này, hiện tại cũng không có, vị lai cũng không có. Định này tối thắng, tối diệu, tối thượng, ta đang tu pháp môn này.
Bồ-tát nghe pháp môn này, tư duy chẳng bao lâu liền chứng được. Ngài nghe lời chỉ giáo của Ưu-đà-la, nghe rồi tin theo lời ấy mà nghĩ như thế này: “Pháp như thế này Ta cũng có thể chứng được, tức có thể hiểu biết được lời thật không hư dối. Ta có thể thấy và biết như vị ấy.” Rồi Ngài lại nói với Ưu-đà-la:
-Chẳng riêng ngài hay là La-ma thân phụ của ngài có tín hạnh, mà Ta cũng có tín hạnh như vậy; chẳng riêng La-ma có tinh tấn chánh niệm, thiền định, trí tuệ, Ta nay cũng có tinh tấn cho đến... trí tuệ, Ta nay tu học pháp môn của La-ma này, ta sẽ chứng được rồi lại vì người khác thuyết minh. Ta biết pháp này rồi, ta chứng pháp này rồi, lại muốn cầu giáo pháp lối đẹp hơn.
Lúc Bồ-tát đạt được pháp môn này rồi, lại bạch Ưu-đà-la:
-Thân phụ của nhân giả thuở trước đối với cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng, sau khi chứng được có dạy lại cho người khác phải không?
Ưu-đà-la nói:
-Thưa Đại đức Cù-đàm, thân phụ tôi làm đúng như vậy.
Bồ-tát nói:
-Thưa Nhân giả Ưu-đà, tôi vâng lãnh giáo pháp của ngài rồi thực hành, nay chứng biết một cách thông đạt.
Ưu-đà-la lại bạch Bồ-tát:
-Thưa Đại đức Cù-đàm, nếu được như vậy thì Nhân giả cùng với thân phụ ta không khác. Nếu ngày nay Nhân giả đã chứng được pháp này rồi, lại vâng giữ thọ trì, thì Ngài sẽ như Tiên nhân La-ma thân phụ ta, thống lãnh đại chúng này, diễn giải chỉ dạy họ.
Thuở ấy Ưu-đà-la tự tu phạm hạnh không chút khuyết điểm, muốn giữ Bồ-tát đồng tu pháp môn, để đồng chứng pháp trí tăng thượng, nên đem đồ cúng dường thượng hạng cúng cho Bồ-tát, tâm rất vui mừng không thể tự chế.
Lúc ấy Bồ-tát nói với Ưu-đà-la:
-Thưa Nhân giả, pháp môn của Ngài không phải là pháp môn cứu cánh. Pháp cứu cánh phải là giải thoát dục vọng, diệt trừ phiền não, nhất tâm vắng lặng, không có các kết lậu... cho đến chứng các thần thông, thành hạnh Sa-môn vào Đại Niết-bàn. Còn pháp của ngài còn trở lại trong sinh tử. Vì sao? Vì đã sinh vào cõi Phi tưỏng phi phi tưởng, sau khi thọ hết phước báo sẽ trở lại phiền não.
Bồ-tát vừa nói xong, Ưu-đà-la lại bạch:
-Thưa Đại đức Cù-đàm, sao Ngài chẳng nghe Tiên La-ma thân phụ của tôi đã chứng pháp này, đối với mọi sự vật đều không còn hay biết, đã sinh vào Phi tưởng phi phi tưởng mà còn trở lại trong sinh tử là điều vô lý.
Ưu-đà-la tuy tu Xa-ma-tha nhưng chỉ chứng được pháp tịch tĩnh, cho rằng không tái sinh, lại cũng không thấy cảnh giới tái sinh, nên không cầu pháp thù thắng tối thượng, chỉ nói La-ma cha ta đã nói như vậy.
Bồ-tát lại tư duy như thế này: “Pháp này chẳng phải pháp cứu cánh, ta nay không nên chuyên tâm giữ pháp này.” Rồi Bồ-tát liền từ biệt Ưu-đà-la đi nơi khác.
Có kệ nói:
Bồ-tát tư duy quán pháp này
La-ma thuở trước tuy tu tập
Chẳng phải cứu cánh chân giải thoát
Liền bỏ nơi đây đi nơi khác.
Phẩm 28: KHUYÊN HƯỞNG THỌ DỤC LẠC THẾ GIAN
(Phần 1)

Khi Bồ-tát từ biệt Ưu-đà-la La-ma Tử ra đi, Ngài ung dung chậm rãi tiến về phía núi Bàn-trà-bà (Tùy dịch Huỳnh bạch sắc). Đến dưới chân núi, Ngài tìm chỗ đất bằng phẳng, ngồi kiết già dưới một cội cây, thân hình đoan chánh tập trung tư tưởng ở trong chánh niệm bất động, giống như có người bị lửa cháy trên đầu, cấp tốc tiêu diệt vứt lửa xuống đất. Bấy giờ, trong tâm Bồ-tát muốn trừ sạch hết phiền não cũng như vậy.
Bồ-tát tư duy: “Không biết bao giờ Ta đập tan khối đại phiền não! Không biết bao giờ Ta phá được kho tàng đại ngu si để chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác! Chúng sinh đang chìm đắm trong biển sinh tử, không biết bao giờ làm cho họ thoát khỏi!” Ngài tư duy như vậy rồi, oai đức thể hiện rực rỡ.
Lúc ấy trong núi có nhiều hạng người, hoặc đi lượm củi, hoặc đi lượm phân bò, hoặc đi săn thú, hoặc đi cày làm ruộng, hoặc đi chăn trâu, cùng những người đi đường... Họ trông thấy Bồ-tát ngồi dưới gốc cây trong núi Bàn-trà-bà, giống như khối ngọc hay pho tượng vàng chiếu sáng. Thấy rồi, họ đều cho rằng điều chưa từng có, cùng nói với nhau: “Này các người, vị này không phải người thường, không biết từ đâu đến đây?” Hoặc họ cho rằng đây phải chăng là thần núi Bàn-trà? Hoặc họ cho rằng đây phải chăng là Tiên nhân tu ở trong núi Bàn-trà-bà? Hoặc họ cho rằng đây phải chăng là vị Thần minh ở xứ nào đến? Hoặc họ cho rằng đây phái chăng là vị thần hộ núi Tỳ-phú-la? Hoặc họ cho rằng đây phải chăng là vị thần thủ hộ núi Kỳ-xà-quật? Hoặc họ cho rằng, đây phải chăng là vị thần đại địa từ dưới đất xuất hiện? Hoặc họ cho rằng đây phải chăng là Thiên tử cõi trời từ hư không giáng hạ đến đây. Bọn họ đều nghi ngờ không biết lý do gì thân thể vị thần này sáng chói oai đức trang nghiêm, chiếu sáng cả núi, giống như ánh sáng vầng nhật nguyệt chiếu khắp, như hoa các cây Sa-la đều khoe sắc. Đây chẳng phải là ánh sáng của bậc Đại nhân thì làm sao có thể hiện được những việc như vậy!

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Bi Hoa


Có và Không


Nguồn chân lẽ thật


Kinh Phổ Môn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.197.49 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập