Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 12 »»

Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 12


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.46 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.63 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Bản Hạnh Tập

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 12: DU NGOẠN
Thuở Thái tử còn tuổi thơ ấu sống trong cung vua, chỉ biết dạo chơi vui đùa, không quan tâm về việc học tập. Đến năm lên tám tuổi mới bắt đầu rời cửa cung đến trường học tập, trải qua bốn năm học tập văn chương, kinh luận và tất cả võ thuật cũng như cách sử dụng binh khí nơi hai Đại sư văn võ: Tỳ-xa-bà Mật-đa-la và Nhẫn Thiên. Đến năm Thái tử mười hai tuổi, đối với tất cả môn văn võ, ngài đều uyên thâm quảng bác, thông thạo một cách điêu luyện; rồi từ đó mặc tình đuổi theo thú vui thinh sắc thế tục.
Một hôm nọ, Thái tử dạo chơi, vui thú trong nghệ thuật bắn tên nơi lâm viên cần cù, còn năm trăm đồng tử hoàng gia cũng đang du hý trong vườn của họ. Bỗng nhiên có một bầy nhạn bay qua trên không, lúc ấy đồng tử Đề-bà-đạt-đa trương cung bắn nhằm một chim nhạn, chim nhạn mang luôn mũi tên sa vào vườn cần cù. Thái tử thấy chim nhạn bị thương còn dính mũi tên rơi nằm trên mặt đất, ngài dùng đôi bàn tay nhẹ nhàng nâng lấy chim nhạn, rồi ngồi xếp bằng, để chim trên bắp vế, dùng bàn tay có vằn chữ vạn hình tròn, trơn láng mềm mại mịn màng chứa đầy phước đức vi diệu, dịu dàng như tàu lá chuối non, tay trái giữ lấy chim nhạn, tay phải từ từ nhổ mũi tên, rồi dùng tô mật băng lấy vết thương.
Lúc ấy, đồng tử Đề-bà-đạt-đa cho người đến thưa Thái tử:
-Bẩm Thái tử, đồng tử Đề-bà-đạt-đa của chúng tôi vừa bắn trúng một con chim nhạn sa vào vườn của ngài, xin ngài vui lòng trao chim nhạn cho Đề-bà-đạt-đa, không được giữ lấy.
Thái tử bảo người hầu cận của Đề-bà-đạt-đa:
-Như chim nhạn chết thì ta trao lại cho chủ ngươi, nếu chim còn sống thì điều đó hoàn toàn không được.
Đề-bà-đạt-đa lại cho người qua đòi một lần nữa, thưa:
-Dù chim nhạn sống hoặc chết, nhất quyết phải trả lại cho ta, do vì tay ta có tài bắn trúng chim trước, rồi sau đó chim mới rơi nhằm vào vườn Thái tử, tại sao người ngang nhiên giữ lại?
Thái tử bảo:
-Sở dĩ ta giữ lấy chim nhạn như vậy, là do ta trước đã phát tâm Bồ-đề, tất cả chúng sinh thảy đều được ta tiếp độ, huống nữa là con chim nhạn này mà không thuộc về của ta hay sao!
Vì lý do này mà hai người đi đến tranh chấp, nhà vua liền cho triệu tập các vị trưởng lão kỳ đức trí thức trong hoàng tộc để xử đoán. Lúc ấy có một chư Thiên cõi trời Tịnh cư biến dạng làm vị trưởng giả kỳ túc lẫn vào trong hội đưa ra ý kiến:
-Người nào nuôi dưỡng chim nhạn thì người đó tiếp nhận chim nhạn, còn kẻ nào bắn chim nhạn thì người đó dĩ nhiên xa cách chim nhạn.
Tất cả các vị trưởng lão kỳ đức trong hội đều tán thành, đồng thanh hô lên:
-Đúng như vậy, đúng như vậy, y như lời nhân giả vừa nói.
Đây là nguyên nhân đầu tiên đưa đến mối oán thù giữa Thái tử và Đề-bà-đạt-đa.
Lại một hôm nọ, Đại vương Tịnh Phạn và Thái tử cùng các đồng tử hoàng gia đi du ngoạn vùng thôn dã ở ngoại ô để xem mức sinh hoạt của dân chúng. Lúc ấy trong cánh đồng có một nông dân thân thể sạm nắng, hết sức cực nhọc chăm lo từng luống cày, với đôi trâu trên vai mang chiếc ách đi trước, được buộc bởi dây dàm choàng qua dưới cổ, mỗi khi trâu chậm bước thì chiếc roi trên tay bác nông phu quất mạnh vào thân, dưới ánh nắng mặt trời ngày càng trưa, nóng như thiêu như đốt, miệng trâu thở hổn hển, mồ hôi tuôn chảy, người và vật đều bị bức xúc bởi cơn đói khát, lại thêm thân thể ốm gầy, da bọc lấy xương, và dưới những luông cày vừa mới lật lên đều có những loài trùng dế... xuất hiện, người vừa cày qua khỏi thì bầy chim đáp xuống tranh lấy miếng mồi. Thái tử thấy trâu cày quá ư mệt mỏi lại thêm roi vọt đánh đập, chiếc ách đè nặng nghiến trên vai, và sợi dây dàm choàng qua cổ cọ xát làm cho lở da nát thịt, máu chảy ròng ròng. Lại thấy bác nông phu cày ruộng trần mình thân đầy đất bụi, lại thêm ánh nắng mặt trời thiêu đốt nên làn da đen sạm, cộng với cảnh mạnh được yếu thua của loài chim quạ bay đến giành ăn từng miếng mồi. Thái tử thấy vậy tâm rất ưu sầu, giống như có người thấy thân quyến của mình bị kẻ khác bắt trói dẫn đi, sinh tâm rất âu sầu khổ sở. Thái tử thương tất cả chúng sinh cũng lại như vậy.
Thái tử sinh lòng đại Từ bi, liền từ trên lưng ngựa chúa Kiền-trắc nhảy xuống, ung dung tản bộ nhưng trong tâm thầm nghĩ: “Tại sao chúng sinh lại có những việc như vậy?” Rồi lại than.
-Ôi thôi! Ôi thôi! Tất cả chúng sinh chịu rất nhiều sự đau khổ, các khổ đó nào là sinh, lão, bệnh, tử và biết bao nhiêu sự khổ não khác, mà chúng sinh xoay vần trong đó không chịu thoát ly. Tại sao không mong cầu xả bỏ các khổ? Tại sao không nhàm chán các khổ để mong cầu trí tuệ tịch tĩnh? Tại sao không nghĩ đến việc thoát khỏi các nguyên nhân sinh, lão, bệnh, tử? Ta nay làm sao tìm được chỗ vắng vẻ để tư duy những điều khổ não!
Đại vương Tịnh Phạn và các đồng tử sau khi tham quan sự sinh hoạt nơi đồng nội, rồi cùng nhau trở về nghỉ mát trong một hoa lâm viên. Trong lúc ấy Thái tử một mình tản bộ đó đây, mắt luôn luôn quán sát tìm một nơi yên tĩnh, chợt trông thấy xa xa có bóng cây Diêm-phù, thân cây trơn láng, cành lá sum suê tươi tốt thu hút mọi người. Thái tử, liền bảo các người hầu cận:
-Tất cả các người đều đi nơi khác cách xa ta, ta chỉ muốn đi một mình. Khi đám người hầu cận đi khuất, Thái tử lần lần hướng về đại thọ, đến nơi ngài lấy cỏ làm tòa, rồi ngồi trên đó lắng tâm tư duy: “Chúng sinh bị khổ sinh già bệnh chết, rồi phát tâm từ bi, tâm được an định, lúc đó liền xả bỏ các dục vọng và tất cả các pháp bất thiện trong thế gian, liền dứt lậu nghiệp dục giới, chứng được Sơ thiền. Thân ta cũng có các pháp như vậy, nếu chưa vượt qua các pháp này, thì chưa thoát khỏi vòng luân hồi.”
Đang khi Thái tử ở dưới gốc cây tư duy như vậy, có năm vị Thần tiên phi hành trên hư không một cách tự tại, các vị này có đại oai đức, có thế lực lớn, thông hiểu các luận Tỳ-đà, biết rành các phép thuật. Họ đang đằng vân từ phương Nam đến phương Bắc định vượt qua khu rừng này, nhưng khi gần đến trên tàng cây Diêm-phù thì không thể vượt qua được. Các Thần tiên cùng nhau thảo luận:
-Chúng ta thuở trước xuất hiện các phép thần thông, bay qua một cách tự tại, cho đến bay tới cung Tỳ-sa-môn của Đại Thiên vương, hoặc thành A-la-ca-bàn-đa cũng có thể bay qua được, ta cũng từng bay qua trên các nơi có nhiều ác thần Dạ-xoa, mà chính trên cây này chúng ta cũng đã từng bay qua lại vô số lần không mất thần thông, không có gì chướng ngại, mà ngày nay do sức oai lực gì khiến chúng ta thoái mất thần thông không thể bay qua được?
Các Tiên nhân này liền quán sát cây Diêm-phù, thấy Thái tử ngồi dưới tàng cây, oai quang sáng rực chói lọi, khó có thể thấy một cách rõ ràng. Thấy như vậy rồi, họ suy nghĩ: “Người ngồi là ai? Phải chăng là vua trời Đại phạm chủ cõi nhân gian? Hay là trời Ngật-sa-na chủ thế giới cõi Dục? Hay trời Đế Thích? Hay Tỳ-sa-môn chủ kho tàng lớn? Hay Nguyệt Thiên tử, Nhật Thiên tử? Hay vị ấy là Chuyển luân thánh vương? Hoặc là Phật xuất thế? Mà có oai đức quá lớn như vậy!” Bấy giờ vị thần trông coi khu rừng nói với các Tiên nhân:
-Này các Tiên nhân, người này chẳng phải là Đại phạm chủ cõi thế gian, cũng chẳng phải Ngật-sa-na chủ cõi Dục, cũng chẳng phải Đế Thích và Tỳ-sa-môn chủ kho tàng, cũng chẳng phải Thiên tử chưởng quản mặt trời mặt trăng. Vị Đồng tử này là Thái tử Tất-đạt-đa con vua Tịnh Phạn thuộc dòng họ Thích. Này các Tiên nhân phải biết, bao nhiêu oai đức của tất cả vua trời Đại phạm, chúa trời Ngật-sa-na, Đế Thích, vua Tỳ-sa-môn chủ kho tàng, Nguyệt Thiên tử, Nhật Thiên tử và Chuyển luân thánh vương... so với oai đức một mảy lông của Thái tử Tất-đạt-đa, không bằng một phần mười sáu. Do thần thông của các ông có hạn, các ông muốn bay qua trên rừng cây này hoàn toàn không thể được.
Các Tiên nhân nghe vị thần hộ lâm nói như vậy liền từ hư không hạ xuống, đứng trước mặt Thái tử nói kệ tán thán:
Tiên nhân thứ nhất nói kệ:
Lửa phiền não thiêu đốt thế gian,
Ngài sinh ra ao nước pháp mầu,
Khi chứng đắc pháp mầu vi diệu,
Lửa phiền não hoàn toàn tiêu diệt.
Tiên nhân thứ hai nói kệ:
Hắc ám vô minh lấp thế gian,
Ngài làm đuốc tuệ tỏa hào quang,
Nhiệm mầu pháp tuệ là như vậy,
Soi sáng kẻ mù khắp trần gian.
Tiên nhân thứ ba nói kệ:
Đồng nội ưu sầu trong đầm rộng,
Ngài làm thuyền lớn khéo vượt qua,
Pháp thuyền mầu nhiệm là như vậy,
Thoát ra ba cõi cứu chúng sinh.
Tiên nhân thứ tư nói kệ:
Đây phiền não ràng buộc thế gian,
Phương tiện Ngài khiến cho giải thoát,
Do pháp nhiệm mầu là như vậy,
Cởi mở mọi ràng buộc thế gian.
Tiên nhân thứ năm nói kệ:
Bao nhiêu trọng bịnh ở thế gian,
Ngài đại lương y đều chữa khỏi,
Pháp được nhiệm mầu là như vậy,
Chữa lành tất cả bệnh trầm kha.
Năm vị Tiên nhân đều nói kệ ca ngợi Thái tử, kế đến đầu mặt đảnh lễ sát đất, nhiễu quanh bên hữu ba vòng rồi cùng nhau đằng vân mà đi.
Khi ấy, Đại vương Tịnh Phạn không thấy Thái tử ở đâu, trong tâm buồn rầu lo ngại chẳng yên, liền hỏi quan cận thần:
-Bỗng nhiên Thái tử con ta vắng bóng, không biết hiện giờ ở đâu? (Câu này bản tiếng Phạm lặp lại hai lần).
Bấy giờ quần thần bôn ba chạy tìm Thái tử, đi khắp Đông, Tây, Nam, Bắc mà chẳng thấy Thái tử ở đâu cả. Sau đó có một đại thần xa xa trông thấy Thái tử thiền tọa tư duy dưới tàng cây Diêm-phù, lại thấy bóng mát của tất cả tàng cây trong rừng đều di chuyển theo ánh nắng mặt trời, chỉ riêng tàng cây của Thái tử đang ngồi là bóng mát không di chuyển. Đại thần thấy Thái tử có việc quá ư đặc biệt không thể nghĩ bàn như vậy, nỗi vui mừng tràn ngập châu thân không thể tự chế, vội vã chạy nhanh về chỗ Đại vương, quỳ gối trình bày đầy đủ những việc mình đã mục kích. Rồi nói kệ:
Thái tử Đại vương hiện nay đang,
Đoan thân ngồi dưới cội Diêm-phù,
Nhập chánh định kiết già quán tưởng,
Tỏa hào quang sáng tợ mặt trời,
Đây chân thật bậc Đại Trượng phu.
Bóng tàng cây đứng yên không chuyển,
Nguyện Đại vương giá lâm quan sát,
Thái tử ngồi tướng mạo thế nào,
Giống Đại phạm, Thiên vương không khác,
Cùng Đê Thích, vua trời Đao-lợi,
Sức oai thần sáng tỏ chói lòa,
Chiếu cùng khắp rừng cây rực rỡ.
Đại vương Tịnh Phạn vừa nghe, liền đi thẳng đến cây Diêm-phù, xa xa trông thấy Thái tử ngồi kiết già dưới tàng cây, ví như trong đêm tối thấy khối lửa khổng lồ đỏ rực trên đỉnh núi, ánh sáng chói lọi chiếu sáng khắp mọi nơi; do công đức vĩ đại mới phát sinh ánh sáng chói lọi như vậy, ví như giữa bầu trời mây đen nghịt, bỗng xuất hiện ánh trăng vằng vặc của đêm thu, cũng như căn nhà đen tối bỗng xuất hiện ngọn đèn sáng lớn. Khi nhà vua thấy việc quá ư đặc biệt, trong tâm lấy làm kinh ngạc, toàn thân rúng động dựng chân lông, rồi Đại vương chí thành đảnh lễ đầu mặt sát đất dưới chân Thái tử, vui mừng hớn hở thốt lời thế này:
-Hay lắm! Hay lắm! Thái tử ta có oai đức lớn và nói kệ tán thán:
Như đêm tối lửa hồng đỉnh núi,
Tợ trăng thu vằng vặc bên mây,
Thấy Thái tử tư duy an tọa,
Toàn thân ta dựng ngược tóc lông.
Đại vương Tịnh Phạn nói kệ tán thán rồi, lại đảnh lễ dưới chân Thái tử và tiếp tục nói kệ:
Ta nay lại cúi thân đảnh lễ,
Dưới chân thiên bức rất nhiệm mầu.
Ta từ lúc sơ sinh mới gặp,
Thái tử bỗng ngồi lặng tư duy.
Lúc ấy có một tốp thiếu nhi vác dụng cụ đi săn theo sau Đại vương, chúng cười nói ồn ào. Có một đại thần quở trách bọn thiếu nhi:
-Này các cháu, các cháu không được nói chuyện ồn ào.
Đám thiếu nhi lại hỏi:
-Tại sao ông không cho chúng tôi tự do nói chuyện?
Vị đại thần trả lời qua bài kệ:
Ánh mặt trời chói chang gay gắt,
Không tài nào di chuyển bóng cây,
Ánh hào quang một tầm vi diệu,
Ai sánh kịp bậc phước đức này,
Dưới tàng cây tư duy an tọa,
Như Tu-di sừng sững an nhiên,
Nhập sâu vào nội tâm cảnh gỉới,
Vì thích bóng cây không xả bỏ.
Phẩm 13: TRANH TÀI KẾT HÔN
(Phần 1)

Trải qua năm tháng Thái tử đã trưởng thành, tuổi vừa mười chín, nhà vua vì Thái tử cho xây dựng cung điện thích hợp thời tiết ba mùa: Thứ nhất là cung điện ấm áp để Thái tử sử dụng khi trời giá lạnh của tiết mùa đông, thứ hai là cung điện mát mẻ để Thái tử sử dụng vào mùa hạ nóng bức, và cung điện thứ ba để Thái tử nghỉ ngơi trong hai mùa xuân, thu. Cung điện nghỉ tránh mùa đông giá thì xây cất theo xứ ấm, cung điện nghỉ mát tránh mùa hạ thì xây cất theo xứ mát mẻ, còn cung điện nghỉ trong hai mùa xuân, thu thì xây cất theo xứ khí hậu ôn hòa thích hợp, không lạnh không nóng.
Lại sau mỗi cung điện đều có một hoa viên, có khe ngòi đắp đập ngăn nước dẫn vào các ao hồ, và trong mỗi ao hồ đều thả các loại hoa quý như: hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen trắng và hoa sen trắng lớn. Lại có vô số người hầu hạ phục dịch cùng mua vui cho Thái tử, quan chức các ty đều phái người đến phục vụ, người thì đấm bóp, người thì xoa dầu, có người kỳ rửa khi Thái tử tắm, khi Thái tử tắm gội có người dâng nước nóng hương thơm, có người lo việc nhuộm tóc, chải đầu và bui tóc cho Thái tử, có người phụ trách việc xông hương y phục, có nhiều người đứng cầm ngưu hoàng, tràng hoa và y phục nhiều màu sặc sỡ, toàn bằng loại Ca-thi-ca, luôn luôn đứng khom lưng cúi đầu hầu cận bên Thái tử, khi nào Thái tử cần thì liền đến dâng. Phụ vương Thái tử là Thâu-đầu-đàn, nếu mặc áo trong bằng Ca-thi-ca thì áo ngoài bằng chất khấc, còn y phục của Thái tử thì trong ngoài đều là Ca-thi-ca.
Các đồng nam, đồng nữ hầu hạ hai bên Thái tử, cùng người phục dịch, họ đều dùng thứ cơm thơm ngon, các thứ nước thịt, hoặc tái giấm hoặc nấu canh, họ đều chọn lựa các thức ăn đặc biệt: Cơm canh thơm ngon, sơn hào hải vị, trăm thứ trân tu cùng các thứ bánh trái thượng hạng... dâng lên Thái tử. Vô số những thức ăn như vậy, luôn luôn thay đổi hằng ngày. Ngày đêm đều cung cấp toàn là thức ăn mới lạ vừa làm.
Ngày đêm đều dùng lọng trắng che trên mình Thái tử vì khi dạo chơi ban đêm thì sợ sương gió mưa phùn, còn ban ngày thì sợ bụi bặm và nắng chiếu vào thân Thái tử.
Đại vương Tịnh Phạn thấy Thái tử đã đến tuổi trưởng thành, trong tâm lại lo nghĩ đến lời tiên đoán của Tiên nhân A-tư-đà, nên tập hợp các đại thần kỳ cựu, nói:
-Này các vị thân tộc, có lẽ các ngài đã từng biết khi Thái tử ta sơ sinh, lúc ấy ta mời các tướng sư Bà-la-môn và Tiên nhân A-tư-đà, họ đều dự đoán: Nếu Thái tử tạo gia thì làm Chuyển luân thánh vương, còn nếu xuất gia thì thành đạo Vô thượng. Mà ngày nay tuy chúng ta đã tạo các điều kiện để cho Thái tử khỏi xuất gia, mà ta vẫn còn lo sợ!
Các vị thân tộc thưa cùng Đại vương:
-Tâu Đại vương, ta nay mau lập gia đình cho Thái tử, để Thái tử vui chơi với thể nữ, thì chắc chắn người sẽ không xả tục xuất gia.
Liền nói kệ:
A-tư-đà dự đoán
Quyết định không có sai.
Hoàng tộc khuyên cưới vợ
Hy vọng khỏi xuất gia.
Rồi lại nghĩ: “Phương pháp này có thể làm cho dòng họ Thích ta hưng thịnh, khiến cho các nước chư hầu sinh tâm kính nể, không dám xem thường”.
Đại vương lại hỏi các vị quý tộc trong hoàng gia:
-Các ngài quán sát xem thử có nàng con gái nào trong dòng họ Thích, có thể sánh đôi với Thái tử Tất-đạt-đa ta chăng?
Năm trăm vị kỳ đức trong dòng họ Thích đều nói:
-Con gái tôi có thể sánh đôi với Thái tử. (Câu này bản tiếng Phạm lặp lại hai lần, nay bản nhà Tùy clịch giảm bớt).
Đại vương Tịnh Phạn suy nghĩ: “Nếu ngày nay ta không cùng Thái tử trao đổi việc trăm năm, bỗng nhiên đơn phương rước dâu về, nếu Thái tử không bằng lòng người con gái ấy thì có thể đưa đến việc ly hôn; còn nếu bàn thẳng với Thái tử thì sợ Thái tử tánh e dè không chịu nói. Ta nay do dự không biết tính lẽ nào đây!” Ngài lại suy nghĩ tiếp: “Ta có thể đem nhiều ngọc quý làm món quà vô ưu đưa cho Thái tử, rồi bảo Thái tử tặng cho các nữ nhân, trong khi ấy ta cho người bí mật theo dõi Thái tử, xem thử cặp mắt Thái tử sẽ chú ý đến nàng con gái nào, rồi sau đó ta mới cưới nàng ấy vì làm vợ Thái tử.”
Sau khi suy nghĩ như vậy, Đại vương tiến hành theo kế hoạch, cho người làm các món đồ vô ưu bằng những thứ ngọc quý. Đó là những thứ nữ trang bằng vàng, bạc... Khi làm xong, nhà vua đích thân đứng nơi cửa thành Ca-tỳ-la, tay rung chuông, miệng ban sắc lệnh: “Bảy ngày sau kể từ hôm nay, Thái tử ta muốn gặp mặt tất cả nữ nhân trong dòng họ Thích; sau đó Thái tử sẽ trao tặng cho các người món quà vô ưu bằng các ngọc quý giá đẹp đẽ. Vậy tất cả mỹ nhân nội thành hãy tập trung về trước cửa cung điện.”
Mãn ngày thứ sáu, bước sang sáng ngày thứ bảy, Thái tử ra trước cửa cung ngồi nơi dịch đình. Khi ấy tất cả nữ nhân trong thành đều dùng chuỗi anh lạc trang sức hết sức lộng lẫy, cùng nhau tề tựu trước cửa cung, trong tâm họ trước là muốn chiêm ngưỡng dung nhan Thái tử, sau là nhận tặng vật vô ưu bằng ngọc quý giá.
Tất cả mỹ nhân khắp bốn phương nội thành tuần tự đi ngang qua trước mặt Thái tử, do oai đức của ngài, tất cả mỹ nhân không một ai dám nhìn chính diện, chỉ cúi đầu nhận tặng vật rồi chân vội bước nhanh.
Khi Thái tử đã trao hết tặng vật, lại còn một mỹ nữ đến sau cùng tên là Da-du-đà-la, con gái của vị đại thần dòng họ Thích tên Ma-ha Na-ma thuộc họ Bà-tư-tra, nàng được nhiều tỳ nữ hầu hạ trước sau, hộ vệ chung quanh từ từ tiến đếnễ Từ xa, nàng nhìn Thái tử với cặp mắt trong sáng, đẹp đẽ hiền hòa nhưng đầy mãnh lực nên đôi mắt nàng không nháy, nhìn thẳng vào mặt Thái tử không một chút e ngại thẹn thùng, như người bạn cũ đã từng quen biết từ lâu. Khi đã đến gần, nàng thưa Thái tử:
-Hôm nay Thái tử tặng cho tôi vật gì?
Thái tử đáp:
-Nàng đến quá muộn nên các tặng vật đã hết sạch.
Nàng ta lại thưa:
-Thưa Thái tử, tôi có tội lỗi gì mà ngài khi dễ không tặng bảo vật cho tôi?
Thái tử đáp:
-Ta không có tâm khi dễ một ai, do vì nàng đến trễ, không đúng lúc ta tặng báo vật mà thôi! Khi ấy Thái tử cởi chiếc nhẫn đang đeo trên ngón tay, giá trị gấp trăm ngàn vạn lần so với các tặng vật khác, trao cho Da-du-đà-la.
Da-du-đà-la lại thưa với Thái tử:
-Tôi đến với Thái tử để chỉ nhận có bấy nhiêu vậy sao?
Thái tử nói:
-Đối với tất cả chuỗi anh lạc đang đeo trên thân ta, tùy ý nàng muốn lấy thứ gì thì lấy.
Nàng lại tâu:
-Tôi nay đâu lại cởi lấy đồ trang sức của Thái tử, mà chỉ có thể trang sức cho người thì có.
Nói những lời như vậy rồi nàng liền lui về, tâm không được vui.
Đoạn nói về nguyên nhân Da-du-đà-la không vui. Vào một hôm nọ sau khi Đức Thế Tôn thành đạo, Tôn giả Ưu-đà-di bạch Phật:
-Bạch Thế Tôn, vì cớ gì ngày xưa ngài ở trước cửa cung điện đem tất cả chuỗi anh lạc quý giá trên thân tặng cho Da-du-đà-la, mà không làm cho tâm nàng sinh hoan hỷ?
Phật bảo ưu-đà-di:
-Này ưu-đà-di, ông phải chú ý lắng nghe, Ta sẽ nói lý do đó:
Da-du-đà-la không chỉ một đời này được Ta cho nhiều chuỗi anh lạc mà nàng chẳng vui, nhưng đã trải qua nhiều đời như vậy. Do vì trong quá khứ Ta đã gây một nhân duyên nhỏ làm cho nàng sân hận, tuy Ta đã đem rất nhiều châu báu tặng cho nàng mà nàng vẫn không hoan hỷ.
Ưu-đà-di hỏi:
-Bạch Thế Tôn, sao lạ như vậy? Việc này như thế nào? Xin Ngài kể cho con nghe.
Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Ưu-đà-di:
-Ta nhớ thời quá khứ cách đây vô lượng kiếp tại thành Ba-la-nại thuộc nước Ca-thi. Vị vua thuở ấy đem tà kiến điên đảo cai trị dân chúng. Nhà vua hạ sinh một Thái tử, Thái tử lỡ phạm một ít lỗi lầm, nhà vua quá khắt khe đuổi Thái tử ra khỏi biên cương. Thái tử cùng vợ lang bạt đó đây, lần lần đến một đền thờ Thiên thần, lấy nơi đây làm chỗ ẩn náu. Một hôm, tất cả lương thực Thái tử mang theo đều hết sạch, nên Thái tử phải đi săn bắn, mà thậm chí bắt các loài rắn rít... để độ nhật.
Một hôm, Thái tử đi săn, gặp một con kỳ đà, người rượt theo giết được, liền lột bỏ lớp da, lấy thịt cho vào trong nồi nước bắc lửa nấu, thịt kỳ đà sắp chín, mà nước trong nồi lại gần khô cạn, lúc ấy Thái tử bảo vợ:
-Thịt chưa chín lắm mà nước lại cạn khô, nàng nên đi múc nước thêm.
Sau khi người vợ đi múc nước, Thái tử ở nhà vì cơn đói cào ruột, không thể chờ vợ về được, nên đã ngon miệng ăn hết thịt kỳ đà không thừa còn một miếng.
Khi người vợ múc nước trở về, hỏi chồng:
-Thịt trong nồi biến đâu cả?
Thái tử đáp:
-Kỳ đà bỗng nhiên sống lại, hiện giờ nó chạy đi mất.
Người vợ không tin, trong tâm thầm nghĩ: “Cớ gì bỗng nhiên như vậy? Kỳ đà đã bị nấu chín làm sao chạy được?” Nàng không tin, ý cho rằng người chồng quá đói nên ăn hết thịt, trở lại gạt mình là kỳ đà sống lại chạy mất. Rồi từ đó nàng ôm lòng oán giận chẳng vui.
Sau đó vài năm phụ vương băng hà, các đại thần rước thái tử về triều làm lễ quán đảnh tấn phong lên ngôi cửu ngũ. Sau khi thái tử lên làm vua, có bao nhiêu tài vật vô giá, ngọc ngà y phục quý giá đều trao cho chánh phi. Chánh phi nhận lễ mà sắc mặt vẫn không tươi vui như trước.
Nhà vua mới hỏi:
-Trẫm đã đem vô lượng bảo vật tặng cho ái phi, vì cớ gì mà sắc mặt ái phi không hoan hỷ tươi vui? vẫn như cũ không thay đổi?
Lúc ấy phu nhân trả lời qua bài kệ:
Đại vương tôi thắng nghe
Thuở xưa đi săn bắn,
Thiếp theo cầm tên đao,
Vua bắn kỳ đà chết,
Lột da nấu sắp chín,
Sai thiếp múc nước thêm,
Ăn thịt không để dành,
Dối thiếp nói nó chạy.
Phật bảo Ưu-đà-di:
-Ông phải biết, nhà vua lúc đó là ta ngày nay, vương hậu lúc ấy là Da-du-đà-la ngày nay. Thuở ấy ta xúc phạm đến nàng một việc nhỏ, rồi nhiều đời sau đó ta đem vô số của cải quý giá cho nàng để mong cầu hòa hợp mà nàng vẫn ôm lòng sầu hận chẳng vui, cho đến ngày hôm nay cũng vậy, ta đem nhiều lụa là vàng bạc ban cho nàng mà tâm nàng vẫn không hoan hỷ.
Nói về việc Đại vương Tịnh Phạn âm thầm cho người theo dõi Thái tử. Mật sứ chăm chú theo dõi đôi mắt Thái tử nhìn vào đối tượng nào. Khi Thái tử cùng nữ nhân nói chuyện với nhau thì mật sứ để ý nên biết một cách tường tận.
Mật sứ liền trở về tâu Đại vương:
-Bạch Đại vương phải biết, trong số nữ nhân này, có người con gái của Ma-ha Na-ma, đại thần của Đại vương, là người đến sau cùng. Thái tử cùng nàng ta nói chuyện trao đổi qua lại trải qua thời gian khá lâu, bốn mắt nhìn nhau, đôi môi mỉm cười, vẻ mặt cả hai tươi vui, kẻ đối người đắp trò chuyện trông có vẻ đắc ý.
Đại vương nghe lời diễn tả của mật sứ như vậy, trong tâm suy nghĩ: “Có phải Thái tử muốn cầu hôn với nàng ấy chăng?”
Rồi nhà vua chọn ngày lành tháng tốt cho mời quốc sư Bà-la-môn đến bảo:
-Khanh làm vị sứ đến nhà đại thần Ma-ha Na-ma của dòng họ Thích mà đọc thánh chỉ thế này: ‘Trẫm biết khanh có người con gái, nay có thể cùng với Thái tử của trẫm kết nghĩa trăm năm”.
Quốc sư nhận sắc lệnh của Đại vương rồi, liền đến nhà Ma-ha Na-ma, vị đại thần của dòng họ Thích, nói với đại thần:
-Xin đại thần Ma-ha Na-ma nghe Thánh chỉ... (như trên).
Đại thần trả lời Quốc sư:
-Theo phép tương truyền chọn nhân tài kén rể của dòng họ ta như thế này: “Nếu chàng trai nào thắng tất cả những người khác, ta sẽ gả con gái về làm vợ chàng trai ấy. Nếu chàng trai nào không tài năng thì ta không gả con gái”. Thái tử của Đại vương sinh trưởng trong thâm cung, ham đắm thú vui chưa từng học tập, không có nghề nghiệp tài năng, đối với các nghề như: Bắn cung, thiên văn, địa lý, trương cung, cử tạ... hết thảy đều trống không. Ngày nay vì cớ gì ta đem con gái gả cho kẻ bất tài không nghề nghiệp như vậy.
Quốc sư nghe nói như vậy, liền trở về hoàng cung đem bao nhiêu lời của đại thần Ma-ha Na-ma trình lên vua Tịnh Phạn một cách trung thực.
Nhà vua vừa nghe qua tâm sinh buồn rầu áo não, suy nghĩ thế này: “Lời nói của đại thần Ma-ha Na-ma đúng như lý, đối với ta nói lời thành thật không một chút dối trá khinh khi.” Tuy suy nghĩ như vậy, mà trong lòng âm thầm ôm lấy nỗi bực tức, buồn rầu đau khổ, ngồi bất động không còn biết cảnh vật chung quanh, giống trạng thái người đang thiền tọa tư duy.
Khi ấy Thái tử thấy gương mặt Phụ vương thất sắc, mang đầy vẻ buồn rầu áo não không vui, giống như người đang tịnh tọa tư duy không khác liền nhẹ nhàng bước đến khẽ hỏi Phụ vương:
-Tâu Phụ vương, hôm nay không biết lý do gì khiến phụ vương một mình ngồi sững, trông vẻ mặt kém vui như vậy?
Đại vương nghe Thái tử hỏi lời như vậy liền bảo:
-Con chẳng cần hỏi ta việc như vậy!
Thái tử lại hỏi lần thứ hai.
Nhà vua vẫn im lặng.
Thái tử hỏi như vậy đến ba lần, rồi ngài tha thiết tâu:
-Xin Đại vương nói cho con biết để tâm con khỏi nghi ngờ.
Khi ấy Đại vương Tịnh Phạn thấy Thái tử thiết tha hỏi ba lần như vậy, nên nhà vua đem mọi việc nói với Thái tử một cách chán nản.
Thái tử hiểu ý liền thưa Phụ vương:
-Xin Phụ vương cho con cùng tất cả nhân tài trong thành Ca-tỳ-la so tài đủ các bộ môn có được chăng?
Đại vương nghe vậy, trong tâm hết sức vui mừng niềm hớn hở tràn ngập châu thân không kềm chế được, liền gạn hỏi Thái tử:
-Hay thay Thái tử! Con thật muốn so tài phải không?
Thái tử đáp:
-Xin Đại vương nghe cho, con nay thật muốn như vậy. Xin Đại vương chỉ cần tập trung gấp tất cả các vương tử trong dòng họ Thích để cùng con thi đủ các bộ môn.
Đại vương Tịnh Phạn liền ban sắc lệnh, cho người xuống tận các ngã tư đầu đường nội thành Ca-tỳ-la, rung chuông cao giọng đọc sắc lệnh: Từ nay đến ngày thứ bảy, nơi dinh thự nhà vua, Thái tử Tất-đạt-đa muốn thi thố tài năng; nếu ai là người tài giỏi, tất cả hãy tập trung cùng nhau so tài thử xem”.
Sáu ngày trôi qua, đến rạng ngày thứ bảy, năm trăm đồng tử thuộc dòng họ Thích mà Thái tử là người dẫn đầu cùng nhau hội họp, rồi đoàn người kéo ra khỏi thành, tìm một khoảng đất rộng lấy làm nơi các đồng tử thi thố tài năng.
Bấy giờ đại thần Ma-ha Na-ma cho trang sức nàng Da-du-đà-la thật kiều diễm, là bậc tuyệt thế giai nhân, rồi đại thần cao giọng tuyên bố giữa thí trường: “Kẻ nào thông thạo các nghề, là bậc đứng nhất trong thiên hạ, sẽ cùng đứa con gái yêu dấu của ta kết làm phu phụ”.
Lúc ấy Đại vương cùng các vị kỳ cựu trưởng đức là đoàn người đi trước tiên, và sau đó có vô số bá quan văn võ, thứ dân, nam nữ lão ấu... tất cả đều tập trung nơi thí trường là một khoảng đất rộng mênh mông, họ cố ý quan sát sự thi tài của Thái tử với các đồng tử trong hoàng gia, xem thử ai là người tài năng bậc nhất.
Đầu tiên là cuộc thi văn chương. Các đồng tử hoàng gia học văn chương tỏ ra hào hứng, họ cùng với Thái tử thi nghề văn. Các vị trong dòng họ Thích cùng nhau thảo luận: Bây giờ ta nên mời đại sư Tỳ-xa Mật-đa làm vị chủ khảo, rồi ra lệnh cho chủ khảo: Đại sư nên quán sát cuộc thi văn chương của các đồng tử trong hoàng tộc, chấm vị nào đứng nhất trong các môn, hoặc xem ai viết chữ đường nét linh hoạt, ai viết nhanh, ai viết chữ đẹp và ai là người uyên thâm nhiều môn kinh điển.
Khi đó, đại sư Tỳ-xa Mật-đa biết trước Thái tử đối trong các kinh điển, là người giỏi nhất không ai hơn. Rồi đại sư vui vẻ tươi cười nói kệ:
Tất cả nhân gian và Thiên giới,
Càn-thát, Tu-la, Ca-lâu-la.
Bao nhiêu văn tự và kinh điển,
Thái tử xem qua đều am tường.
Tất cả đồng tử cho đến ta,
Chẳng biết kinh điển tên như vậy.
Mọi người đều rõ, ta xem thử,
Biết chắc các ông không sánh lại.
Bấy giờ đồ chúng họ Thích tập họp đồng đến trước vua Tịnh Phạn thưa:
-Bạch Đại vương, ngày nay chúng tôi biết Thái tử của Đại vương đối với môn văn chương kinh điển, là người giỏi vượt trên hết. Kính bạch Đại vương, bây giờ xin cho thi môn toán số, mới biết ai là người thông minh hơn hết.
Nhà vua nghe qua liền chấp nhận. Lúc bấy giờ, trong hội trường có một đại sư hết sức giỏi toán số tên là Át-thùy-na, đối với tất cả môn toán số trong thế gian, là người uyên thâm bậc nhất. Các vị trong dòng họ Thích cho mời đại sư Át-thùy-na đến và nói:
-Xin Tôn giả vui lòng làm vị chủ khảo trong môn thi toán số. Đại sư hãy quán sát thật tốt, xem trong số các đồng tử ai là người giỏi toán số bậc nhất.
Trước tiên Thái tử ra một bài toán, rồi bảo một đồng tử trong hoàng gia rành toán nhất giải bài toán này, khi ấy đồng tử không giải ra; lại hai đồng tử cùng giải cũng không ra, rồi ba đồng tử giải cũng khồng ra, cho đến mười đồng tử giải cũng không ra, rồi cho đến hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi... một trăm đồng tử đồng giải mà cũng không ra, cho đến hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm đồng tử cùng tính một lúc mà vẫn không làm ra. Khi ấy Thái tử nói thế này:
-Này các người, bây giờ ta sẽ giải bài toán này cho. Khi ấy có một đồng tử xướng lên:
-Bài toán của Thái tử đang làm không thể tính được.
Thái tử lại nói:
-Hai người các ông đồng giải làm cũng không ra.
Thái tử lại nói tiếp:
-Cho đến một trăm người các ông đồng một lúc tính cũng không ra, rồi ngài lại nói: Các ông dựa vào quy tắc nào mà cùng với ta tranh đề toán sai đúng như vậy?
Nhưng tất cả các đồng tử đồng một lúc đều tính, rồi nói rằng: ta sẽ làm được. Rồi tất cả năm trăm đồng tử đồng xướng nhất loạt:
-Thái tử đồng một lượt làm bài toán này với chúng tôi.
Thái tử lúc bấy giờ thong thả chậm rãi suy tính kỹ càng theo thứ lớp mà làm, đối bao nhiêu số như trong đề, từ số đầu tiên Thái tử đặt bút cho đến số cuối cùng Thái tử ngừng bút, không có một số nào sai lầm hay sửa chữa.
Tất cả đồng tử hoàng gia nỗ lực cùng làm mà không bằng một phần vạn của Thái tử Tất-đạt-đa.
Lúc ấy, Quốc đại toán sư trong tâm rất lấy làm kinh ngạc, hết sức vui mừng mà nói kệ:
Biết nhiều, lanh lợi thật đại tài
Nói, làm phân biệt không lẫn sai.
Thích tử năm trăm khoe toán giỏi,
Nỗ lực tranh tài không tranh lại.
Trí ngài thông minh tâm nghĩ đúng,
Tính toán lanh lẹ rất cao sâu.
Này các toán sư trong thiên hạ,
Phải biết môn toán rất mênh mông,
Im hơi lặng tiếng chớ đặt điều.
Không nên so tài cùng Thái tử,
Ngài đã uyên thâm thuật tính toán,
Tranh tài cao thấp chỉ có ta.
Bấy giờ, mọi người dòng họ Thích đều hoan hỷ, thấy việc chưa từng có, rời khỏi tòa chắp tay đảnh lễ Thái tử Tất-đạt-đa và đồng thanh ca ngợi:
-Thái tử Tất-đạt-đa thật sự đại thắng! Đại thắng!
Rồi lại bạch Đại vương Tịnh Phạn:
-Hay thay! Đại vương, ngài được lợi ích tốt đẹp rất lớn, ngài khéo ở trong nhân gian, đã sinh được Thái tử thông minh trí tuệ đầy phước đức như vậy! Có tài ăn nói lưu loát, giọng nói đầy truyền cảm khôn ngoan như vậy!
Đại vương vui mừng tươi cười nói với Thái tử:
-Hay thay! Thái tử, hôm nay người có thể cùng với đại toán sư Át-thùy-na là bậc trí tuệ tài giỏi toán số ở thế gian so tài chăng?
Thái tử đáp:
-Bạch Đại vương, con có thể cùng với Đại sư tranh tài.
Đại vương nói:
-Nếu được, thì tùy ý Thái tử.
Lúc ấy Đại kế toán Át-thùy-na hỏi Thái tử:
-Thưa Nhân giả, ngài có biết tính các số trên số ức chăng?
Thái tử đáp:
-Tôi biết rõ cách tính các số này.
Toán sư Át-thùy-na lại nói:
-Ngài biết như thế nào? Xin trình bày cho tôi nghe.
Thái tử đáp:
-Hễ bắt đầu vào việc tính số ức, xin các người để ý lắng nghe, ta nay sẽ nói:
Một trăm trăm ngàn bằng một Câu-trí (số nhà Tùy là ngàn vạn), một trăm Câu-trí bằng một A-do-đa (số nhà Tùy là mười ức), một trăm A-do-na bằng một na-do-tha (số nhà Tùy là một ngàn ức), một trăm Na-do-tha bằng một Ba-la-do-tha (số nhà Tùy là mười vạn ức), một trăm Ba-la-do-tha bằng một Đát-ca-la (số nhà Tùy là một ngàn vạn ức), một trăm Đát-ca-la bằng một Tần-bà-la (số nhà Tùy là mười triệu), một trăm Tần-bà-la bằng một A-sô-bà (số nhà Tùy là một ngàn triệu), một trăm A-sô-bà bằng một Tỳ-bà-sa (số nhà Tùy là mười vạn triệu), một trăm Tỳ-bà-sa bằng một uất-tằng-già (số nhà Tùy là một ngàn vạn triệu), một trăm uất-tằng-già bằng một Bà-ha-na (số nhà Tùy là mười kinh), một trăm Bà-ha-na bằng một Na-già-bà-la (số nhà Tùy là một ngàn kinh), một trăm Na-già-bà-la bằng một Đế-trí-bà-la (số nhà Tùy là mười vạn kinh), một trăm đế-trí-bà-la bằng một Tỳ-bà-sa Tha-na-ba-nhã-đế (số nhà Tùy là ngàn vạn kinh), một trăm Tỳ-bà-sa Tha-na-ba-nhã-đế bằng một Ê-đâu Hề-la (số nhà Tùy là mười kỳ), một trăm Ê-đẩu Hê-la bằng một Ca-la-bô-đa (số nhà Tùy là một ngàn cai), một trăm Ca-la-bô-đa bằng một Ê-đô-nhân Đà-la-đà (số nhà Tùy là vạn cai), một trăm Ê-đô-nhân Đà-la-đà bằng một Tam-mạn-đa-la-bà (số nhà Tùy là ngàn vạn cai), một trăm Tam-mạn-đa-la-bà bằng một Già-na-na Già-ni-đa (số nhà Tùy là mười bổ), một trăm Già-na-na Già-ni-đa bằng một Ni-ma-la-xà (số nhà Tùy là một ngàn bổ), một trăm Ni-ma-la-xà bằng một Mục-đà-bà-la (số nhà Tùy là mười vạn bổ), một trăm Mục-đà-bà-la bằng một A-già Mục-đà (số nhà Tùy là một ngàn vạn bổ), một trăm A-già Mục-đà bằng một Tát-bà Bà-la (số nhà Tùy là mười nhương), một trăm Tát-bà Bà-la bằng một Tỳ-tát-xà-ba-đế (số nhà Tùy là một ngàn nhương), một trăm Tỳ-tát-xà-ba-đế bằng một Tát-bà Tát-nhã (số nhà Tùy là mười vạn nhương), một trăm Tát-bà Tát-nhã bằng một Tỳ-phù-đăng-già- ma (số nhà Tùy là ngàn vạn nhương), một trăm Tỳ-phù-đăng-già-ma bằng một Bà-la Cực-xoa (số nhà Tùy là mười giản). Áp dụng vào các toán số như vậy, ngay cả núi Tu-di muốn tính biết bao nhiêu cân, lượng, thù, phân đều có thể tính được cả. Từ số này trở lên lại có pháp toán số tên là Đà-bà-xà Già-ni-dân-na, trên số này lại có phép toán số tên là Xa-bàn-ni, trên phép toán số này lại có phép toán số tên là Ba-la-na-đà. Trên phép toán số này tên là Y-tra, trên số này lại có phép toán số tên là Ca-lâu-sa Tra-ty-đa, lại trên số này có phép toán số tên là Tát-ba-ni-sai-ba, đến số này có thể tính số cát sông Hằng... Nó gồm thâu tất cả các số khác. Trên số này có toán số tên là A-già-sa-bà, con số này có thể tính số cát một sông Hằng, hoặc tính số cát trăm ngàn vạn ức sông Hằng, tất cả đều thuộc trong số này. Mà trên số này lại có phép toán số tên là Ba-la-ha-nậu Tỳ- bà-xa.
Đại sư toán kế Át-thùy-na nói với Thái tử:
-Những số như vậy tôi biết rồi, còn con số để tính số vi trần lại là số như thế nào? Nay Thái tử cũng cho tôi biết.
Thái tử đáp:
-Này tất cả thính giả chú ý lắng nghe, ta sẽ nói toán số đó: Hơn bảy Vi trần bằng một Song trần, hợp bảy Song trần bằng một Thố trần, gồm bảy Thố trần bằng một Dương trần, hợp bảy Dương trần bằng một Ngưu trần, hợp bảy Ngưu trần bằng một Cơ, hợp bảy Cơ thành một Sắc, hợp bảy Sắc thành một Giới tử, hợp bảy Giới tử thành một Đại mạch, hợp bảy Đại mạch thành một Chỉ tiết, hợp bảy Chỉ tiết thành một Bán xích, hợp hai Bán xích thành một Xích, hai Xích thành một Trựu, bốn Trựu thành một Cung, năm Cung thành một Trượng, hai mươi Trượng thành một ức, tám mươi ức thành một Câu-lô-xá, tám Câu-lô-xá thành một do-tuần. Ở trong số này có ai biết bao nhiêu vi trần thành một do-tuần (theo số nhà Tùy tính được ba trăm tám mươi bốn lý một trăm ba ngàn bộ).
Đại sư toán kế Át-thùy-na nói với Thái tử:
-Thưa Đại đức Nhân giả, tôi còn không biết những số như vậy, hiện nghe ngài nói tâm tôi còn mê muội, huống là kẻ ngu si kém trí ít học. Tuy vậy, xin Thái tử vì bọn chúng tôi nói có bao nhiêu vi trần thành một do-tuần.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.139.81.210 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập