Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 26 »»

Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 26


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.47 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.57 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Bản Hạnh Tập

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 30: HƯỚNG VỀ CÂY BỒ-ĐỀ
(Phần 2)

Sau khi Bồ-tất tắm rửa nơi sông Ni-liên-thiền, thọ cháo sữa, thân thể tươi sáng, dung nghi hồi phục đầy đủ như trước, oai lực tự tại, chậm rãi hướng về cây Bồ-đề. Dáng đi lúc ấy của Ngài giống như dáng đi của chư vị Bồ-tát trong quá khứ. Nghĩa là dáng đi khoan thai chậm rãi, trong lòng hoan hỷ, tiến tới đàng hoàng; từng bước đi vững vàng, chánh niệm an trú, như núi chúa Tu-di, dáng đi đường đường oai vệ; đi không sợ sệt, bước đi không loạn; đi với tâm tri túc không vội vã, không chậm chạp, không nghiêng vẹo, hai chân đi ngay thẳng không giẫm đạp lên nhau; hai chân không đuổi nhau mà đi, đi không thúc bách, đi không lắc thân, an ổn mà đi; đi một cách thanh tịnh, đi chăm chú có vẻ kỳ diệu, dáng đi không có hoạn nạn tổn hại, như dáng sư tử chúa đi, như Đại Long vương đi, như trâu chúa đi, như nhạn chúa đi, như voi chúa đi; dáng đi không khiếp sợ, dáng đi không do dự, dáng đi không dị tướng, bước đi thong thả như dáng đi lực sĩ Kim Cang; đi bàn chân không đụng đất mà vằn chỉ bánh xe ngàn tăm in trên mặt đất, đi với các ngón chân có mành lưới, có móng chân đỏ mịn như đồng; bước đi động khắp cõi đại địa, bước đi có tiếng rền vang như tiếng dội trong hang núi. Trên mặt đất, nơi nào Ngài đi đến hầm hố tự nhiên bằng phẳng. Trên mặt đất nơi nào có đất đá sỏi sạn, Ngài đi đến tự nhiên sạch sẽ. Mành lưới bàn chân phóng ra hào quang sáng rực chạm vào chúng sinh có tội thì được an ổn; dáng đi hoàn hảo, mỗi bước đi thanh tịnh sinh các hoa sen nhiệm mầu. Ngài bước trên đóa sen đó mà đi, vì trong quá khứ Ngài đã làm các thiện hạnh thanh tịnh, nên được bước đi như vậy. Thuở xưa chư Phật ngồi trên tòa sư tử cao, nương trên tòa này mà đi, tâm ý kiên cố như kim cang đi san bằng rừng rậm các cảnh giới, ngang nhiên mà đi. Nay Ngài vì tất cả các cảnh giới chúng sinh được an lạc mà đi, bẻ gãy tất cả ngọn cờ ma quân mà đi, dẹp tan tất cả ma lực mà đi, dập tắt tất cả ma khí mà đi, đập tan oai thế của ma mà đi, tước hết tất cả ma nghiệp mà đi, làm tiêu tan tất cả ma quân mà đi, làm cho sụp đổ tất cả thế lực của ma mà đi, vứt bỏ tất cả hành động ma mà đi, sát hại tất cả ma quân mà đi, xé tan tất cả lưới ma mà đi, dẹp tan tất cả ma thuyết phi pháp, như pháp thu phục ngoại đạo mà đi, chiếu sáng bóng tối phiền não mà đi, giúp đỡ bằng hữu phá tan phiền não mà đi, oai lực che khuất cả Đế Thích, Phạm thiên, Đại Tự Tại thiên và cõi trời Hộ thế khỏi bị sợ hãi mà đi; ở trong cõi Tam thiên Đại thiên này chỉ có một mình Ngài tôn trọng bậc nhất mà đi, không học theo người khác, tự mình chứng đạo, phân minh mà đi, muốn chứng Nhất thiết chủng trí mà đi, làm tất cả các hạnh chánh niệm, chánh ý tri túc, chánh hạnh mà đi, muốn diệt sinh lão bệnh tử mà đi, muốn hướng đến chỗ Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, Vô úy vi diệu tôi thắng mà đi, muốn vào cửa Niết-bàn mà đi, Có những hạnh như vậy, nên Bồ-tát chánh diện nhìn thẳng về cây Bồ-đề mà đi đến.
Bồ-tát lại suy nghĩ: “Ta đến Bồ-đề đạo tràng, sẽ làm tòa bằng gì để chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?” Rồi Ngài tự biết nên ngồi trên tòa làm bằng cỏ.
Khi ấy chư Thiên cõi Tịnh cư bạch Bồ-tát:
-Thưa Đại thánh Nhân giả, đúng vậy, đúng vậy! Tất cả chư Phật Như Lai trong quá khứ sắp chứng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đều ngồi trên tấm thảm cỏ mà thành đạo Bồ-đề.
Bồ-tát lại suy nghĩ tiếp: “Ai có thể cho Ta nệm cỏ như vậy?” Nghĩ như vậy, Ngài đưa mắt nhìn quán sát bốn phía tả hữu trước sau.
Khi ấy chúa trời Đế Thích cõi Đao-lợi với Thiên trí biết được tâm niệm của Ngài, liền hóa thân làm người cắt cỏ đứng bên phải cách Bồ-tát chẳng bao xa đang cắt cỏ. Màu cỏ xanh biếc giống như sắc lông nơi cổ con chim khổng tước vương mềm mại óng mượt như thiên y Ca-thi-ca mịn mỏng, cỏ này cũng như vậy sắc đẹp tuyệt vời, hương thơm ngào ngạt, ngọn cỏ xoay về bên phải.
Thấy người cắt cỏ đứng bên phải cách mình chẳng bao xa, đang cắt những thứ cỏ như vậy, Bồ-tát liền từ từ tiến đến chỗ người cắt cỏ này, chậm rãi hỏi người cắt cỏ:
-Này Nhân giả hiền thiện, người tên gì?
Người cắt cỏ đáp:
-Tôi tên Cát Lợi (Lợi ích tốt đẹp).
Bồ-tát vừa nghe tên người cắt cỏ, suy nghĩ: “Ta đang muốn cầu tự thân được điều tốt đẹp lợi ích, rồi cũng vì người khác cầu cho họ được những điều tốt đẹp lợi ích. Người Cát Lợi này đang ở trước mặt Ta, nhất định Ta sẽ chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”
Bồ-tát suy nghĩ như vậy rồi, bảo với người cắt cỏ với lời êm ái dịu hiền, giống như những lời nói vi diệu của chư vị Bồ-tát trong quá khứ đã nói. Đó là: Lời nói chân thật không giả dối, dùng lời ngay thẳng với tiếng trong trẻo, êm dịu, nhẹ nhàng, hoan hỷ khiến người nghe được tiếng này liền vâng theo; tiếng nghe không trái tai, tiếng nghe trôi chảy, tiếng giáo hóa, tiếng hướng đạo, tiếng không cà lăm, tiếng không ú ớ rên rỉ, tiếng không thô lỗ, tiếng không phá nhau, tiếng dịu dàng, thanh tao, ngọt ngào, tiếng từ xa rõ ràng phân minh, người nghe tiếng này thân khẩu ý đều hoan hỷ; người nghe được tiếng này thì các thứ dục nhiễm, ngu si, sân nhuế, đấu tranh phẫn nộ đều được tiêu trừ; tiếng nghe như tiếng chim Ca-lăng-tần-già, tiếng chim Mạng mạng; như tiếng sấm rền, như tiếng nhạc ngâm vịnh, tiếng trầm bổng du dương, tiếng không chướng ngại, chẳng phải tiếng hơi mũi; tiếng thanh tịnh, tiếng chánh trực, tiếng như thật; như tiếng Phạm thiên? tiếng như hải triều âm, như tiếng núi đổ, tiếng vang dậy; như tiếng tán thán của chư Thiên vương, như tiếng ngâm vịnh của A-tu-la; tiếng diệt trừ tận gốc nạn ma lực, tiếng chinh phục tất cả ngoại đạo; như tiếng sư tử, như tiếng gió thổi, như tiếng tượng vương, như tiếng mây cuộn, tiếng lan rộng khắp mười phương chư Phật, tiếng giáo hóa chúng sinh, tiếng không nhanh không chậm, tiếng không bị dừng, tiếng không khuyết giảm, tiếng không trược uế, tiếng phù hợp với tất cả người nghe, tiếng hòa nhập vào tất cả tiếng khác, tiếng giải thoát, tiếng không ràng buộc, tiếng không nhiễm trước, tiếng phù hợp các nghĩa, tiếng nói hợp thời, không phải tiếng lỗi thời, tiếng khéo léo trình bày tám ngàn vạn ức pháp môn, tiếng không bị tắt, tiếng không bị ngăn chặn, tiếng có đủ tất cả loại tiếng, tiếng tùy tâm nguyện được viên mãn, tiếng phát sinh tất cả an lạc, tiếng thị hiện tất cả giải thoát, tiếng lưu thông tất cả đạo lộ, tiếng nói ở trong chúng không ra ngoài chúng, làm cho đại chúng được hoan hỷ, tiếng phát ra phù hợp với pháp âm của chư Phật.
Bồ-tát dùng những âm thanh như vậy bảo người cắt cỏ:
-Này Nhân giả, người có thể cho Ta cỏ không?
Hóa nhân đáp:
-Dạ được.
Lúc đó Đế Thích liền cắt cỏ sạch đẹp dâng cho Bồ-tát. Khi Bồ-tát đưa tay nhận bó cỏ này, thì ngay lúc đó mặt đất chấn động sáu cách. Bồ-tát cầm bó cỏ, đi về gốc cây Bồ-đề.
Trong khi Bồ-tát cầm bó cỏ đang đi, giữa đường bỗng xuất hiện năm trăm con chim sẻ màu xanh từ mười phương bay đến, nhiễu quanh Bồ-tát ba vòng, rồi bay theo sau Ngài. Lại có năm trăm con chim Câu-si-la từ bốn phương bay tới nhiễu quanh Bồ-tát như bầy chim trước; lại có năm trăm con chim Khổng tước bay đến, đại thể như nói ở trên; lại có năm trăm con Ngỗng trắng, năm trăm Hồng nhạn, năm trăm Bạch âu, năm trăm chim Ca-lăng-tần-già, năm trăm chim Mạng mạng, năm trăm bạch tượng sáu ngà, năm trăm bạch mã mà đầu đen như quạ, bờm đuôi đỏ như son phủ dài; năm trăm trâu chúa đều có sừng vòng qua cổ, giống như vầng mây đen.
Lúc ấy lại có năm trăm đồng tử và năm trăm đồng nữ, mỗi người đều mang chuỗi anh lạc quý giá trang sức trên thân. Năm trăm Thiên tử, năm trăm Thiên nữ, năm trăm bình báu có đầy hoa đẹp hương thơm. Chứa đầy các thứ nước thơm, không có người cầm, tự nhiên từ hư không bay đến.
Lại trong thế gian xuất hiện các điềm lành, theo mây nổi từ bốn phương kéo đến, nhiễu quanh bên phải Bồ-tát ba vòng, rồi kéo theo sau Bồ-tát.
Lại tất cả cây lớn, cây nhỏ, khi Bồ-tát đi ngang qua đều hướng theo nép mình sát đất.
Lại bốn phương nổi làn gió mát mẻ điều hòa, thổi tan các đám mây mù khói bụi, bầu trời hoàn toàn trong tạnh.
Lại nữa, trong khi Bồ-tát đi về hướng cây Bồ-đề, trên hư không có vô lượng ngàn vạn chư Thiên đều đi theo sau Bồ-tát, mỗi người vui mừng hớn hở tràn ngập châu thân không sao tự chế, reo hò các âm thinh như: huýt gió, ca hát, xướng vịnh..., hoặc tay tung các thiên y và chuỗi anh lạc, đồng thời hô lên thế này: “Ngày nay cõi Diêm-phù-đề, có Đức Phật Thế Tôn xuât hiện”.
Có vô lượng chư Thiên Địa cư đến đứng chung quanh tả hữu trước sau, đảnh lễ và bạch Bồ-tát:
-Đại Thánh Tôn giả, Ngài đã từ lâu luôn luôn cầu nguyện, ngày nay sở nguyện của Ngài sắp được thành tựu. Tất cả chư Thiên trong thế gian có thể vì Nhân giả mà làm những việc tốt đẹp, có thể vì Nhân giả mà tạo những phương tiện an lành, lại có thể trợ giúp Nhân giả thành tựu tâm nguyện. Họ đang ở trước Ngài.
Tất cả số chư Thiên này đi theo sau Bồ-tát hướng về cây Bồ-đề. Khi Bồ-tát đến gần gốc cây Bồ-đề thì cõi mặt đất chấn động sáu cách.
Lại khi Bồ-tát đi bộ, dáng đi của Ngài như sư tử đi, như Long vương đi, như trâu chúa đi, như hồng nhạn đi, như Tượng vương đi, dáng đi không sợ sệt, không chướng ngại, không lệ thuộc; trừ diệt tất cả, không dựng lông tóc, không một ai có thể chiến thắng vì thuở xưa khéo tu tập thiền định; vì chân chánh, tối thắng, tối diệu mà đi; hàng phục các oán nghiệp mà đi, đoạn tuyệt tất cả điều bất lợi mà điằ muốn chứng được pháp bảo tối thượng nên đi, muốn tiếp nhận an lạc tối thượng nên đi, muốn chứng cảnh tịch tịnh nên đi.
Khi Bồ-tát đi bộ, tất cả các loại chúng sinh sống trên quả đất như chư Thiên Địa cư, A-tu-la, tất cả các loài Rồng, Càn-thát-bà, nhân loại, chim muôn thú vật, người... đều nghe tiếng đất chấn động, nên rất kinh ngạc. Chúng đều quán sát khắp nơi có hiện tượng gì lạ chăng mà mặt đất chìm nổi chấn động như vậy?
Lúc ấy cõi đất này có một Long vương tên là Ca-trà (nhà Tùy dịch là Hắc Sắc). Con rồng này sống trải qua nhiều kiếp số lâu dài, đã từng chứng kiến nhiều Đức Phật xuất hiện trong quá khứ. Cảnh giới rồng này thời gian ngày đêm rất dài, Long vương ngủ chưa được bao lâu lại thấy cõi đại địa chấn động, rồi nghe tiếng chấn động, liền giật mình thức giấc, vội vã ngồi dậy, hấp tấp bỏ cung điện chạy ra ngoài. Khi ra bên ngoài quán sát bốn phường, Long vương Ca-trà thấy cách chỗ ở của mình chẳng bao xa, có một vị Bồ-tát đang đi chậm rãi. Khi Long vương thấy Bồ-tát, dự đoán sẽ có điềm lành, giống như chư vị Đại Bồ-tát trong quá khứ phát tâm muốn đến gốc cây Bồ-đề, không khác gì cả. Thấy được như vậy trong tâm không còn nghi ngờ, quyết định biết đây là vị Bồ-tát Đại sĩ sắp chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sinh tâm vui mừng, Long vương liền chắp tay nhất tâm nói kệ tán thán:
Nhân giả oai đức thật trang nghiêm
Như ta từng thấy trong quá khứ
Có các Bồ-tát đến xứ này
Nhân giả ngày nay không có khác
Nay thấy Bồ-tát đến nơi đây
Nhất định thành Phật quyết chẳng nghi.
Thế Tôn ung dung đi tản bộ
Cất bước rảo đi, chân phải trước
Mắt nhìn chăm chứ quán các phương
Nhất định sẽ thành Phật, Thế Tôn.
Tôn giả đang đến bên Cát Lợi
Xin một bó cỏ cầm nơi tay
Chánh diện hướng về Bồ-đề thọ
Hôm nay nhất định chứng Chánh giác.
Gió mát bốn phương đồng xuất hiện
Giống như tiếng vang trâu chúa rống
Cùng các loài chim vỗ cánh theo
Trước sau tả hữu quanh bốn mặt.
Hắc ám đêm ngày ngập thế gian
Bị vô minh ngu si che lấp
Thánh giả thành tựu bậc Trượng phu
Hào quang tỏa khắp bốn phương trời
Linh thú dị cầm đồng kéo đến
Trăm ngàn vạn chúng bủa trước sau
Cùng nhau nhiễu quanh bên tay phải
Nhân giả giờ đây chắc đạo thành.
Súc sinh các loài, ngựa cùng voi
Tràng phan bảo cái đồng xuất hiện
Vội vã tranh nhau hướng đến Ngài
Biết chắc sẽ thành Phật Thế Tôn.
Lai nữa Tịnh cư chư Thiên nọ
Dùng vật thanh tịnh trang nghiêm thân
Cúi đầu đảnh lễ chân Bồ-tát
Biết chắc Nhân giả chứng Phật-đà.
Ngày nay hữu lậu tâm Nhân giả
Tất cả phiền não bức xúc Ngài
Các kết sử ấy nay diệt sạch
Bồ-tát quyết thành Vô thượng đạo.
Ngài nay đầy đủ vi diệu pháp
Sâu rộng cao xa khó nghị bàn
Chứng rồi quán sát ung dung bước
Do đó tâm ta chẳng nghi ngờ.
Nhân giả hôm nay đều như pháp
Thuyết pháp tối thượng khó ai bằng
Tất cả trời người không sánh kịp
Tâm ta do vậy chẳng hồ nghi.
Khi Hắc Long vương nói kệ tán thán Bồ-tát như vậy xong, tâm rất vui mừng hơn hở vô cùng, đứng trước Bồ-tát chắp tay đảnh lễ. Bồ-tát bảo Long vương:
-Hay thay Long Vương! Đúng vậy, đúng vậy. Đúng như lời ông nói, Ta sẽ nhất định thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Rồi Ngài nói kệ:
Hay thay Long vương! Như ông nói
Càng làm cho Ta thêm tinh tấn
Nhất định nay thành đạo Vô thượng
Nhân thiên khắp cõi chẳng sánh bằng.
Ngươi thấy các tướng trang nghiêm khác
Nhiều điều an lành đến giúp Ta
Ta đối với biển phiền não này
Quyết lên bờ giác chẳng nghi ngờ.
Lúc đó hoàng hậu của Hắc Long vương tên là Kim Quang, cùng vô số long nữ hầu hạ tả hữu chung quanh và mỗi Long nữ cầm đủ các thứ hoa thơm tuyệt diệu, phấn thơm, dầu thơm, cùng các thứ y phục đầy đủ màu sắc, cờ lọng phướn quý, các chuỗi anh lạc, đi theo sau Bồ-tát trổi các nhạc trời, trong tiếng nhạc này phổ ra đủ các lời ca xướng ngâm vịnh để ca ngợi Bồ-tát. Trong tiếng ca vịnh xuất ra lời tán thán Bồ-tát như sau:
Thế Tôn siêu việt thân bất động
Tâm không sợ hãi thường an định
Hoan hỷ vui mừng, thoát ái dục
Sân si đều xả chẳng còn tham
Cứu đời đau khổ làm thầy thuốc
Do vậy con xin đảnh lễ Ngài.
Chúng sinh phiền não quá sâu dày
Bị nó buộc ràng không ra khỏi
Chế phục các căn lại giúp người
Nhổ giùm tên độc cứu chúng sinh
Không nơi nương tựa Ngài bảo hộ
Làm người dẫn đường chốn tối tăm
Đèn soi duy nhất trong tam giới
Do vậy chúng con đồng cúi lạy
Nào ai chiến thắng được Thế Tôn
Ngài diệt vô minh tham sân hết
Phiền não dục nhiễm cũng chẳng còn
Do đó con đem đầu cúi lạy.
Tâm chúng sinh trúng tên phiền não
Không có kẻ giúp nhổ nó ra
Thế Tôn nay đây như bác sĩ
Trị bệnh phiền não cứu chúng sinh
Đối kẻ bơ vơ Ngài bảo hộ
Đạo sư hướng dẫn kẻ lạc đường.
Bóng tối vô minh trùm tam giới
Đuốc tuệ Thế Tôn chiếu khắp nơi
Nay thấy chư Thiên cầm hoa lạ
Ngạt ngào thơm phức khắp hư không
Thiên y anh lạc đồng tung vãi
Quanh cảnh thấy kia đã dự báo
Xét ra việc ấy nào hư vọng
Nhân giả thành Phật rất hỷ hoan.
Bồ-tát mau đến cây Bồ-đề
Nơi đây thu phục bốn ma quân .
Xé tan phiền não màn tà kiến
Mau chứng Niết-bàn Vô thượng đạo
Như trong quá khứ các bậc Trí,
Đồng đến nơi đây thành Chánh giác.
Nhân giả ngày nay đến chỗ này
Nhất định thành Phật quyết chẳng nghi
Thế Tôn quá khứ lúc tu nhân
Hành đạo số kiếp ngàn vạn ức
Siêng năng cần khổ chẳng tạm dừng
Mong đắc Chánh giác, chứng chân như,
Nay đã đến lúc chớ dừng bước
Mau đến ngồi dưới cội Bồ-đề
Chánh tâm nương vào dưới cây này
Quyết chứng Bồ-đề không ngờ vực.
Bồ-tát nghe Long vương nói kệ như vậy, chậm rãi đi về cây Bồ-đề, trong khoảng thời gian ấy suy nghĩ: “Ma vương Ba-tuần làm chủ cõi Dục, tự do thống lãnh. Ta phải báo cho chúng biết, nếu không báo mà tự chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì không gọi là Ta chứng Đại giác. Tại sao như vậy? Vì Ta muốn thu phục và giúp đỡ Ba tuần, đồng thời thu phục và giúp đỡ tất cả chư Thiên ở Dục giới. Chúng ma ấy trong cung điện của ma, lại có vô lượng vô biên chúng ma và quyến thuộc chư Thiên trong quá khứ đã trồng nhiều thiện căn, nếu hôm nay nghe ta phát ra tiếng sư tử rống, hoặc thấy Ta chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì họ sẽ hướng về Ta phát tâm Vô thượng Bồ-đề.”
Khi Bồ-tát tư duy như vậy, từ nơi lông trắng ở giữa hai hàng chân mày phóng ra một đạo hào quang tên là “Thu phục dẹp tan chúng ma quân.” Khi đó, hào quang này chiếu thẳng đến cung điện Thiên ma, che lấp tất cả ánh sáng theo nghiệp sẵn có nơi cung điện. Hào quang này biến thành ánh sáng rực rỡ chiếu khắp cõi Tam thiên Đại thiên.
Khi Bồ-tát phóng hào quang thì ma Ba-tuần nghe trong hào quang phát ra tiếng kệ:
Thế gian có một Đại chúng sinh
Nhiều kiếp tu hành công hạnh mãn
Thái tử Đạt-đa, con Tịnh Phạn
Xả bỏ ngôi báu đi xuất gia
Ngài muốn mở toang cửa cam lộ
Hiện giờ hướng đến cội Bồ-đề
Ma quân nếu có oai thần lớn
Cùng đến Bồ-đề để xem sao
Giác ngộ bờ kia Ngài gần đến
Muốn độ chúng sinh qua bờ giác
Bồ-tát giác ngộ được hoàn toàn
Nay muốn độ người đồng giác ngộ.
Thiền định tịch tĩnh đã chứng xong .
Lại dạy chúng sinh chứng Tam-muội
Con đường giải thoát Ngài rộng bước
Hướng dẫn người đến giải thoát thành
Phá tan ba ác không còn gì
Khắp cõi nhân thiên được đông thêm
Chỉ dạy thiền định năm thông lực
Đưa chúng sinh vào cung cam lộ.
Họ chẳng bao lâu chứng đại minh
Quyết chắc nước ông bị trống rỗng
Bạn sân nhuế ngu sỉ hắc ám
Bạn ấy của ông chẳng còn ai
Sẽ bị đập tan hết đường chạy
Lúc ấy tâm ông nghĩ kế chi?
Như Ngài chứng được cam lộ pháp,
Thường, lạc, ngã, tịnh thật an nhàn.
Đang ngủ, Ma vương Ba-tuần nghe tiếng kệ từ trong hào quang vọng ra như vậy, nên rất kinh sợ, mộng thấy ba mươi hai điềm không tốt.
Ba mươi hai điềm không tốt đó là gì?
1. Mộng thấy tất cả cung điện của mình ở các cõi trời đều tối tăm không có ánh sáng.
2. Mộng thấy cung điện của mình tràn ngập các thứ: Cát sạn phẩn uế.
3. Mộng thấy tự thân bị khủng bố chẳng an, tâm trạng hoang mang.
4. Mộng thấy chạy khắp các phương.
5. Mộng thấy tự thân: Thiên quan trên đầu bỗng nhiên rơi xuống đất, mất hết giày dép đi chân không.
6. Mộng thấy yết hầu, môi lợi khô rang, thân thể phát nóng lạnh.
7. Mộng thấy tất cả cành lá, hoa quả, cây cối trong hoa viên đều khô héo.
8. Mộng thấy tất cả các loài hoa nơi ngòi rạch, hồ ao đều khô héo.
9. Mộng thấy các loài chim trong vườn như Anh võ, Cù dục, Khổng tước, Uyên vương, Hồng nhạn, cồng cộc, Câu-si-la, Mạng mạng..., lông đầu, lông mình và lông cánh của chúng đều rụng trụi.
10. Mộng thấy các nhạc cụ trong nội cung như kèn, trống, đàn sắc, đàn cầm, không hầu, sênh, hoàng và tất cả nhạc khí ngũ âm đều đứt dây, gãy bễ, nằm ngổn ngang trên đất.
11. Mộng thấy những người sủng ái hầu cận từ trước, nay đều xa lánh mình, lui về đứng một bên ưu sầu khổ não, chỉ riêng một mình nằm trên đất.
12. Mộng thấy các ngọc nữ kiều diễm đáng yêu, co quắp, nằm trần trên đất đưa hai tay bức tóc trên đầu.
13. Mộng thấy những ma quân có trí biện luận giỏi đều hướng đến cây Bồ-đề, đảnh lễ dưới chân Bồ-tát.
14. Mộng thấy bốn ái nữ đều giơ hai tay, miệng khóc la lớn kêu: “Cha ơi! Cha ơi!”
15. Mộng thấy y phục trên thân hôi hám nhơ bẩn.
16. Mộng thấy bụi bặm nhơ phủ bẩn cả thân người.
17. Mộng thấy thân thể tự nhiên ốm yếu, mất vẻ tươi thắm.
18. Mộng thấy cung điện, lầu gác, thành quách cửa ngõ, giếng trời đều bị hư hoại đổ nát.
19. Mộng thấy đại binh tướng Dạ-xoa, La-sát, Cưu-bàn-trà hoặc Long vương, lúc thì thả xuôi hai cánh tay, hoặc đưa cánh tay đánh vào đầu hay vào ngực, cực kỳ khổ não.
20. Mộng thấy tất cả các vị chúa trời cõi Dục như Thiên vương trấn bốn phương, Đế Thích cõi Dạ-ma, trời Đâu-suất, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại đều kêu khóc, nước mắt ràn rụa cả mặt mày, đồng chạy đến đứng trước mặt Bồ-tát để chiêm ngưỡng.
21. Mộng thấy tất cả dao, gậy, cung, tên... trong đấu trường đều hư nát, người hầu cận và quyến thuộc đồng bỏ Ma vương chạy tản mác các phương.
22. Mộng thấy những bình rượu may mắn của mình, nay đều vỡ nát.
23. Mộng thấy Thiên tiên Na-dà-la xướng lên: “Điều không lành!.”
24. Mộng thấy một vị thần tên là Hoan Hỷ đứng ngang cửa xướng lên lời thề này: ‘Thật không hoan hỷ!”
25. Mộng thấy mây mù khói bụi phủ cả hư không.
26. Mộng thấy vị đại thần công đức giữ cung ma cất tiếng khóc vang.
27. Mộng thấy những cảnh giới thuộc về ta đến nay không còn thuộc ta nữa.
28. Mộng thấy tất cả bằng hữu nay thành oán thù.
29. Mộng thấy các cung điện ma, hoặc tối tăm, hoặc bị lửa cháy, thiêu đốt tất cả.
30. Mộng thấy tất cả cung điện ma chấn động bất an.
31. Mộng thấy tất cả cây cối rừng rú đều bị kẻ khác chặt phá, hoặc bị ngã rạp trên mặt đất.
32. Mộng thấy hoặc có điều suy nghĩ hay phán đoán phân xử, hoặc muốn đưa ra một sách lược gì, tính toán cả ngày không được một lời, chỉ bị loạn tâm.
Vua Ba-tuần cõi Dục thấy ba mươi hai điềm chẳng lành như vậy, giật mình thức dậy cả người run rẩy, tâm ý chẳng an, hồi họp lo sợ, liền cho gọi tất cả quyến thuộc ma, các ma cận thần hộ vệ nội cung, các đại Tướng quân cho đến các tên gác cửa thành đều nhóm họp. Ma vương tường thuật điềm chiêm bao trong giấc mộng:
-Này các khanh, trong giấc mộng đêm rồi ta thấy những điều quái dị..., như nói trên. Ta thấy điềm chiêm bao không tốt như vậy, hết sức lo sợ, thân tâm chẳng an, bỗng nhiên thức dậy sinh nghi, nghĩ rằng chẳng bao lâu nữa cảnh giới này của ta sẽ bị mất, lo sợ có kẻ phước đức hơn ta đến sinh cõi này và thay thế ta.
Rồi Ma vương nói kệ:
Đêm qua bỗng nhiên hào quang hiện
Trong đó có kệ vọng nói ra:
“Thái tử xuất gia dòng họ Thích
Thân đủ ba hai tướng tuyệt vời
Ròng rã sáu năm hành khổ hạnh,
Đang đi dần đến cội Bồ-đề.
Tự giác, giác tha, đến giác ngộ
Nếu có sức, ngươi cùng Ngài đánh
Bậc trồng thiện căn ngàn ức kiếp
Sắp chứng Bồ-đề quả Chánh giác
Phá cảnh giới ngươi thành trống không.
Nếu ngươi không sức đánh bại Người
Thì Người thành Phật, thân thường trụ
Lẽ phá cung điện ma các ngươi. ”
Do vậy ra lệnh các khanh hay
Ai có sức mạnh mau đến nơi
Một mình Sa-môn ngồi cây nọ
Hãy mau đừng để chứng Bồ-đề.
Nếu khanh vâng theo lời ta dạy
Vì ta kiếm đủ bốn hùng binh
Thế gian tuy nhiều Bích-chi-phật
Có Ngài, nhiều người chứng Niết-bàn
Ta cô độc, Ngài làm Pháp vương
Hạt giống giác ngộ không bị diệt.
Lúc ấy con của Ma vương Ba-tuần tên là Thương Chủ, liền nói kệ bạch phụ vương:
Phụ vương cớ gì mất sắc diện
Thân mất oai quang tâm run sợ?
Dường như phụ vương rất kinh hoàng
Hay nghe thấy gì rất quái lạ?
Xin cha nói rõ cho con biết
Theo sự thấy nghe, cùng bàn luận.
Ma vương Ba-tuần lại clùng kệ bảo Thương Chủ:
Này con phải lắng nghe thật rõ
Đêm qua mộng thấy rất lạ thường
Nếu ta nói đủ điều trong mộng
Đại chúng nghe qua đều chết khiếp.
Thương Chủ, con của Ma vương Ba-tuần lại dùng kệ đáp:
Đại chúng dù khiếp, chẳng dám lùi
Đánh trận bị thua mới thật khổ
Nếu như mộng thấy việc như trên
Thà đừng chiến đấu khỏi mang họa.
Ma Ba-tuần lại dùng kệ bảo Thương Chủ:
Trượng phu quyết tâm chắc chiến thắng
Nếu ta thua trận thì ngừng đánh
Sa-môn cô thế tài năng gì
Ta đến Bồ-đề người bỏ chạy.
Thương Chủ lại dùng kệ đáp phụ vương:
Người mạnh, người yếu hay nhiều người
Người có trí tuệ thắng tất cả
Ví như đom đỏm đầy ba cõi
Mặt trời xuất hiện, chúng hết sáng.
Trong tâm tự đại chẳng so lường
Cống cao khinh người, không hỏi rõ
Quần thần trí tuệ đồng can gián
Nếu chẳng nghe lời khó bình yên.
Khi Bồ-tát đi sắp đến cây Bồ-đề, trên khoảng đường đó có một cây Am-la. Tưởng là cây Bồ-đề, Bồ-tát đến dưới cây này định an tọa, Lúc đó chỗ đất này do oai đức của Bồ-tát, thân quá nặng nên đất không đỡ nổi sắp bị lún sâu.
Khi ấy Bồ-tát suy nghĩ: “Thế gian có hai hạng người ngồi vào đâu thì chỗ đất đó lún sâu. Hai hạng người đó là ai? Một là hạng người mất hết thiện căn. Hai là hạng người có nhiều phước đức, thiện căn sâu rộng vô kể. Ta nay chẳng phải là hạng người mất hết thiện căn hay chỗ này không phải là dưới cây Bồ-đề chăng?” Khi ấy chư Thiên Tịnh cư ở cõi sắc, vì Bồ-tát mà trang hoàng cây Bồ-đề, dùng phan lọng bằng lụa tuyệt đẹp trang trí trên cây Bồ-đề. Lại nữa, trong vùng này bao nhiêu cành thân của những cây khác đều nghiêng đầu về phía cây Bồ-đề. Do đó Bồ-tát biết cây này là cây Bồ-đề thật, nên Ngài rời cây Am-la, xoay lại đi chậm rãi về cây Bồ-đề.
Trong khi Bồ-tát hướng về cây Bồ-đề, có một Dạ-xoa tên là Hương Thú đứng dưới tàng cây cách gốc Bồ-đề chẳng bao xa để bảo vệ cây này, khi thấy Bồ-tát gần đến, cấp tốc báo tin cho một đồng bạn tên là Xích Nhãn, nói với Dạ-xoa Xích Nhãn:
-Này Nhân giả, anh lại đây, ta nay sẽ nói với anh điều này: Anh phải biết, anh hãy vì ta mau mau đến nơi Ma vương chúa trời Dục giới tâu với Ngài thế này: ‘Trong thời quá khứ có Đức Câu-lưu- tôn, Đức Câu-na-hàm và Đức Ca-diếp, các vị Đại Tiên Thánh đó đều đến chỗ này thành Đại chánh giác. Nay lại có người tinh tấn, công đức viên mãn, hạnh Bồ-đề đầy đủ, có ba mươi hai tướng tốt, xâm nhập vào cảnh giới Ma vương ở, đó là con vua Tịnh Phạn thuộc dòng họ Thích, tên là Tấ-đạt-đa, đã bỏ lối tu khổ hạnh, chứng được chánh niệm, nay đến chỗ đất tối thắng này, muốn dừng lại nơi đây, xin Đại vương biết thời.”
Xích Nhãn nghe Dạ-xoa Hương Thú nói những lời như vậy, liền vội vàng chạy đến gặp ma Ba-tuần và trình bày lại đầy đủ những lời trên.
Nghe Dạ-xoa Xích Nhãn nói như vậy, Ma vương Ba-tuần liền triệu tập tất cả chư Thiên: trời Tha hóa tự tại, trời Hóa lạc, trời Đâu-suất, trời Đao-lợi, trời Tứ Thiên vương, chư Thiên Địa cư, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Cưu-bàn-trà, La-sát Tỳ-xá-giá... Ba-tuần bảo tất cả đại chúng:
-Tất cả các khanh đã nhóm họp, hãy nghe ta nói. Có một người dòng họ Thích sắp chứng quả Bồ-đề, chúng ta cùng nhau đến đó đoạn tâm dũng mạnh, đừng để người chứng quả.
Lúc ấy Thương Chủ, trưởng tử của Ma vương, tâu phụ vương Ba-tuần:
-Tâm con không được vui khi thấy phụ vương làm việc như vậy. Tại sao ngày nay phụ vương muốn cùng Đại sĩ Bồ-tát Tất-đạt-đa kết oán thù, e rằng sau này phụ vương sẽ ăn năn không kịp!
Khi ấy Ba-tuần nghe tâu như vậy, liền quở trách Thương Chủ: .
-Thôi đi đồ con nít, tâm trí u ám thiển cận, chưa từng thấy thần thông biến hóa của ta, chưa từng thấy oai lực tự tại của ta.
Thương Chủ bạch phụ vương:
-Đại vương biết cho, con chẳng phải là đứa con ngu si của phụ vương, cũng chẳng phải là chẳng biết thần thông oai lực của phụ vương. Chỉ e rằng ngày nay phụ vương chưa biết thần thông của Bồ-tát Tất-đạt-đa, chưa thấy oai đức của Bồ-tát Tất-đạt-đa. Việc ấy rõ ràng như vậy, mong phụ vương đến đó sẽ tự biết, tự chứng kiến thần thông của Ngài.
Ma vương Ba-tuần không nghe lời can gián của Thương Chủ con mình, vội vã sửa soạn hùng binh tinh nhuệ, ra lệnh tất cả đều tập họp, thân mặc chiến giáp, tay cầm vũ khí, giống như đại lực kiện tướng hết sức dũng mãnh thống lãnh nhiều loại quân lính đáng sợ. Trông thấy đám quân này, mọi người liền dựng chân lông. Thế gian chưa từng thấy cũng chưa từng nghe, có vô lượng trăm ngàn vạn ức binh Thiên ma như vậy. Hoặc một thân hiện trăm ngàn mặt quỷ, mỗi mặt lại hiện nhiều thân rắn; tay chân cong queo có hình thù đáng sợ; đều cầm các binh khí bằng kim cang như cung tên, giáo mác, trái chùy, gậy, búa, dao, đục, kiếm...; hoặc thân thể, đầu mặt, tay chân hiện các hình tướng kỳ dị; hoặc trên cổ đeo các vòng lửa phừng phực, hoặc nơi bụng phan ra lửa đỏ, hoặc miệng phát ra tiếng kêu la thô bạo, hoặc cầm lưỡi lê, hoặc cầm chùy đấm.... Bao nhiêu thứ binh khí y như vậy. Hoặc có kẻ hai mắt dữ tợn, tròng mắt gườm lên liếc xuống, miệng méo xệch lại nhiều răng nhô ra, lưỡi rộng lớn hiện nhiều hình tướng: Hoặc le thòng xuống, hoặc cuốn tròn như cục đá cuội; hoặc cặp mắt như sao băng, như hắc xà phun chất độc; hoặc nơi cổ quấn đầy rắn, hay tay cầm mãng xà mà ăn, giống như chim cánh vàng bắt rồng nơi biển mà ăn; hoặc tay cầm máu thịt đầu xương, mắt mũi tay chân người mà ăn; hoặc tay cầm ngũ tạng ruột bụng phẩn uế của người mà ăn; hoặc có tên mắt xanh như sư tử chúa rông vang đáng sợ, hoặc có tên mắt hụp xuống hay lồi ra nhắm mở đều phóng ánh sáng; hoặc có tên ngồi trên núi lửa lớn bay trên hư không mà đến; hoặc có tên hai tay và đầu đỡ lấy khối lửa đang cháy phừng phực; hoặc có tên ở trên đất, hai tay nhổ cây để luôn cả rễ, vác trên vai đi đến nơi đó; hoặc có tên lỗ tai như dê đen, hoặc như cái nia, hoặc như vỏ trai vỏ sò, hoặc như tai voi, hoặc như tai heo, hoặc như đoá hoa rũ xuống; hoặc có tên bụng giống như người bệnh phù nước, hai chân như ống sậy, thân thể ốm gầy; hoặc có tên lỗ mũi bành tẹt rộng ra; hoặc có tên bụng như cái chum, bàn chân như bát úp, da trên thân như phơi nắng, thịt trên thân khô ran, huyết mạch khô cạn; hoặc có tên bị treo chặt hết tay chân treo lên; hoặc có tên nắm chiếc đầu trong tay, hoặc có tên bị cắt cổ, máu phun ra, chúng xúm nhau ăn uống, uống rồi mữa ra, hoặc mữa nước bọt trắng, hoặc uống nước đồng sôi, hoặc nuốt hòn sắt nóng; hoặc có tên chặt mất tay chân đi bằng đầu gối; hoặc có tên chỉ còn bộ xương không có da thịt, hoặc có tên hình beo, hình lừa, hình voi, hình ngựa, hình lạc đà, hình bò, hình dê đen, hình tê giác, hình trâu, hình chồn, hình thỏ, hình mao ngưu, hình cự hư, hình cá kình, hình cá ma kiệt, hình chim nghích, hình sư tử, hổ, lang gấu, hình cầm thú, vượn khỉ, chó sói, báo, dã can, chồn, chó.... Tất cả các binh chủng ấy với hình dạng khác nhau rất khủng bố, rất sợ hãi, chỉnh tề, chuẩn bị sẳn sàng chờ lệnh phụng mạng ra tay.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.166.100 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập