Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 25 »»

Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 25


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.45 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.56 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Bản Hạnh Tập

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 29: TINH TẤN TU KHỔ HẠNH
(Phần 2)

Vào một hôm trời mùa xuân tươi đẹp, vua Tịnh Phạn du ngoạn, thấy tất cả thảo mộc trong hoa viên đều đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nở, quang cảnh sáng tươi, các ao hồ rải rác đó đây đầy những loài ngỗng nhạn, hồng nhạn, oan ương... trên mặt nước, trên các cành cây có các loài chim như Anh dục, Anh võ, Câu-si-la, hoặc các loại Khổng tước, Ca-lạng-tần-già, Mạng mạng... cùng nhau vui đùa ca hát líu lo âm thanh vi diệu. Nghe tiếng chim hót, nhà vua thở than sùi sụt, gạt lệ than:
-Ôi thôi! Thái tử Tất-đạt-đa con ta bỗng nhiên bỏ ta xuất gia, vắng bóng đã qua sáu năm chẳng thấy mặt con. Than ôi! Ngày nay một mình ta thọ hưởng cuộc sống như thế này, biết làm gì đây khi ta không thấy Tất-đạt-đa con ta. Ở đây ngày đêm có thể nữ luôn hầu hạ bên mình, tấu đủ các loại âm nhạc như không hầu, tỳ bà, đàn sắc... Ta đang thọ hưởng thú vui ngũ dục tuyệt vời này, còn con ta tại sao sống một mình trong rừng núi vắng vẻ không bóng người, bị các loài dã thú sư tử, hổ lang, bạch tượng... bao vây; hoặc bị chúng dùng nanh vuốt ngấu nghiến tàn hại con ta ở nơi đó nào ai hay biết, hoặc sống hoặc chết bặt vô âm tín!
Tâm trạng buồn rầu khổ não thương nhớ không vui của vua Tịnh Phạn như vậy.
Bấy giờ Bồ-tát đang tu khổ hạnh nơi xứ Ưu-lầu-tần-loa, thân thể gầy ốm tồi tệ, muốn đứng dậy đi đứng, nhưng sức không giữ nổi thân hình, nên vừa muốn đứng dậy lại bị ngã nhào xuống đất. Khi đó chư Thiên cõi Địa cư thấy việc như vậy, cho rằng Bồ-tát sắp qua đời, nên trong tâm ưu sầu, rồi truyền với nhau: “Ngày nay Thái tử Tất-đạt-đa đã gần qua đời.”
Khi ấy, trong chúng chư Thiên có một Thiên tử vội vã đi đến chỗ vua Tịnh Phạn đang ngự, đến nơi tâu với Đại vương:
-Đại vương phải biết, Thái tử Tất-đạt-đa của Đại vương bỏ bốn Châu thiên hạ và bảy báu, vào núi xuất gia, do Ngài tu khổ hạnh nên nay đã bỏ mạng.
Lại có một Thiên tử khác cũng ở trong chúng chư Thiên Địa cư, vội vã đến chỗ Đại vương Tịnh Phạn, bạch với nhà vua:
-Đại vương phải biết, Thái tử Tất-đạt-đa của Đại vương tuy chưa chết, nhưng mạng sống không quá bảy ngày nữa.
Đại vương Tịnh Phạn nghe tin chư Thiên Địa cư nói như vậy, vì thương nhớ con trong lòng bức xúc ưu sầu khổ não la lớn lên:
-Ôi thôi con ta ơi! Con chết một mình trong rừng vắng! Con tuy được thân người không chịu hưởng thú vui ngũ dục, lại cũng không chứng được pháp vị vô thượng.
Đại vương nói lời như vậy rồi, tâm thân mê loạn ngã nhào trên mặt đất chết giấc. Hoàng gia dòng họ Thích bỗng nghe tiếng ta thán của Đại vương Tịnh Phạn như vậy, đều vội vàng chạy đến cung Đại vương. Đến nơi họ dùng lời an ủi tâm trạng Đại vương:
-Đại vương chớ khổ não như vậy, lại nữa long nhan ngày nay của Đại vương quá suy yếu, chẳng nên vì việc này mà hại đến tính mạng.
Đại vương hỏi:
-Ngày nay, nơi thành Ca-tỳ-la-vệ này thân tộc quyến thuộc của ta được bao nhiêu người hiện ở nơi đây?
Tất cả hoàng gia dòng tộc họ Thích liền tâu Đại vương:
-Đại vương biết cho, nay dòng họ Thích ở nơi đây có tất cả chín vạn chín ngàn người.
Đại vương lại hỏi:
-Này các khanh quyến thuộc, nếu muốn bảo tồn tánh mạng ta, thì các khanh nên mau mau đi tìm Thái tử Tất-đạt-đa con ta nay ở chỗ nào?
Khi ấy, tất cả quyến thuộc dòng họ Thích đều tâu:
-Đại vương phải biết, Đại vương có thể dùng một tay nắm lấy các núi rừng, núi Thiết vi và các biển lớn, núi Tu-di mà ném đi phương khác. Việc này còn có thể làm được. Còn Thái tử Tất-đạt-đa phiền não, thì dầu cho tập trung tất cả mọi người nơi thế gian và chư Thiên này để tìm cách đưa Thái tử về hoàng cung, việc này hoàn toàn không thể được.
Lúc ấy người con quốc sư họ Thích tên là Ưu-đà-di tâu Đại vương:
-Đại vương biết cho, con ngày nay có thể đến chỗ Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia, đem hết tâm lực dùng lời khuyên nhủ đưa Thái tử trở về hoàng cung.
Đại vương nghe qua lời tâu như vậy, liền bảo người con của quốc sư:
-Hay thay Ưu-đà-di! Khanh có thể đến bên Thái tử, nếu như Thái tử chấp nhận lời của khanh trở lại hoàng cung, thì khanh nên theo sát Thái tử, mau mau cùng nhau trở về. Còn như Thái tử không chịu về, thì khanh cũng lánh khỏi nơi đây không được gặp mặt ta. Tại sao như vậy? Vì khanh nói như vậy, tuy giải được nỗi phiền muộn của ta, nhưng nếu Thái tử không về thấy lại mặt khanh, thì ta bị thất vọng, càng tăng sự ưu sầu.
Lúc bấy giờ, Ưu-đà-di, người con của quốc sư sửa sang xa giá, khởi hành từ thành Ca-tỳ-la, trực chỉ hướng bờ sông Ni-liên thuộc xứ Ưu-lầu-tần-loa. Khi đến nơi, trước tiên ưu-đà-di thấy nhóm năm người Kiều-trần-như có mặt nơi đây, liền hỏi:
-Thưa Nhân giả Kiều-trần-như, hiện nay Thái tử Tất-đạt-đa ở chỗ nào?
Kiều-trần-như đáp lời Ưu-đà-di:
-Thái tử Tất-đạt-đa đã vào trong rừng đang tu khổ hạnh.
Ưu-đà-di lại hỏi tiếp:
-Người hầu cận Thái tử tên gì?
Kiều-trần-như đáp:
-Này Ưu-đà-di, người đó tên là A-xa-du (nhà Tùy dịch là Điều Mã), ông nên hỏi người này.
Khi ấy ưu-đà-di liền đến trước A-xa-du thưa:
-Này A-xa-du, ông có thể đến chỗ của Thái tử, tâu giùm ta lời này: Vương phụ của Thái tử có sai sứ giả đến đây muốn ra mắt Thái tử.
Điều Mã đáp lời Ưu-đà-di:
-Ta thật không dám đến gặp Thái tử để trình lời nói này. Tại sao như vậy? Thưa Nhân giả, Thái tử đã tu khổ hạnh trải qua sáu năm. Từ khi Ngài xuất gia cho đến nay, chưa từng hướng mặt về chốn quê nhà, chỉ ngồi quay lưng; về thành Ca-tỳ-la. Tại sao như vậy? Vì nhàm chán nguy hiểm của cuộc đời. Này Ưu-đà-di, một mình ông có thể vào rừng diện kiến Thái tử để trình bày lời dạy của phụ vương.
Khi ấy ưu-đà-di một mình đi vào rừng, thấy Bồ-tát nằm trên mặt đất, từ đầu đến chân đều bị bụi phủ không còn oai nghiêm tươi sáng, cùng với màu đất, thân thể gầy ốm không còn một chút thịt, chỉ da bọc lấy xương giữ thân mà thôi. Đôi mắt sâu thẳm, giống như ngôi sao đặt dưới đáy giếng, toàn thân co quắp các đốt xương đều giãn ra.
Ưu-đà-di thấy thân hình Bồ-tát như vậy, đưa cao hai tay kêu gào khóc lóc la lớn lên:
-Ôi thôi! Ôi thôi! Người con dòng họ Thích của chúng ta, ngày nay bổng gặp tai nạn đến nỗi này. Thuở xưa, thân hình tuấn tú, nhan sắc tuyệt vời đáng yêu vậy mà ngày nay thân thể ra nông nổi thế này, giống như đất không khác. Đã không được giải thoát an lạc, mà ngược lại tổn hại uổng phí thân hình tốt đẹp.
Khi ấy, nghe tiếng kêu gào của Ưu-đà-di, Bồ-tát hỏi:
-Người này là ai mà trong lòng ưu sầu, ảo não kêu la giống như tiếng của người bị lửa đốt vậy?
Ưu-đà-di đáp lại lời Bồ-tát:
-Bạch Thái tử, tôi là con của Quốc sư trong nước của Thái tử, tên ưu-đà-di, được Đại vương Tịnh Phạn, phụ vương của Ngài phái đến đây thăm và nghênh đón Thái tử.
Bồ-tát lại nói:
-Này Ưu-đà-di, Ta không cần đến sứ giả phiền não này, Ta chỉ muốn được sứ giả Niết-bàn, không muốn sứ giả sinh tử của phụ vương.
Ưu-đà-di lại thưa Bồ-tát:
-Bạch Đại thánh Thái tử, Nhân giả ngày nay lập thệ nguyện gì kiên cường đến thế này?
Bồ-tát đáp lời ưu-đà-di:
-Nguyện rằng thân Ta ở nơi mảnh đất này, dù bị nghiền nát như hạt mè đen hay hạt cải trắng, nếu không được pháp tự lợi và lợi tha.
Tâm Ta vẫn tinh tấn quyết không buông xuôi mà sinh biếng nhác. Thân tâm Ta ngày nay chỉ thệ nguyện như vậy. Ưu-đà-di bạch Bồ-tát:
-Tâu Đại thánh Thái tử, tôi ở trước mặt Đại vương Thái tử đã nhận lời thề: “Con phải quyết định kề bên Thái tử cùng nhau trở về thành.” Ngày nay, Thái tử đã thệ nguyện sâu nặng như vậy, nếu như chưa được pháp tự lợi và lợi tha mà bỏ thân mạng thì làm sao tôi dám rời Thái tử để trái lời thệ nguyện của tôi mà một mình trở về vào, thành Ca-tỳ-la!
Bồ-tát một lần nữa bảo Ưu-đà-di:
-Này ưu-đà-di, Ta ở nơi đây tu khổ hạnh, nếu như chưa được pháp tự lợi, nửa chừng trên đường tầm đạo mà bỏ mạng, ông nên nhặt thi thể cửa Ta khiêng vào thành Ca-tỳ-la theo cửa thành lúc trước Ta ra đi. Hãy vì Ta, ông tuyên bố với tất cả dân chúng trong ngoài thành Ca-tỳ-la: “Đây là hài cốt thi thể của người tinh tấn cương quyết giữ lời chân thật, lập thệ nguyện chánh tâm chánh ý.”
Này Ưu-đà-di, lại vì Ta, ông đáp lời hỏi của phụ vương, ông| nên tâu thế này: “Đại vương phải biết, Thái tử đã vì hết sức tinh tấn chẳng phải do giải đãi nên ngày nay đã bỏ mạng. Cương quyết giữ lời chân thật nên đã bỏ mạng, chứ không dối trá.”
Này Ưu-đà-di, ngày nay Ta tuy như vậy, nhưng ở trong rừng ban đêm ta mộng thấy vô lượng chư Thiên ẩn thân đến bên Ta, đảnh lễ dưới chân và bạch: “Thái tử Tất-đạt-đa, ngày nay Ngài nên rất hoan hỷ! Từ nay trở đi, nội trong bảy ngày nữa, nhất định Ngài sẽ thành tựu điều lợi ích vĩ đại.” Này Ưu-đà-di, Ta mộng thấy như vậy, hoàn toàn không phải là không có. Này Ưu-đà-di, ông nên trở về hoàng cung, Ta chẳng cần cùng ông làm bạn.
Khi ưu-đà-di nghe lời thệ nguyện của Bồ-tát như vậy, nên không còn chút gì hy vọng, liền rời khỏi chỗ Bồ-tát ngồi trong rừng, một mình đi ra khỏi rừng. Sau khi ra khỏi rừng, vị này trở về thành Ca-tỳ-la để yết kiến Đại vương Tịnh Phạn. Đến hoàng cung, ông ta tâu Đại vương Tịnh Phạn:
-Đại vương biết cho, Vương tử Tất-đạt-đa bình an dũng mãnh, còn sống chẳng phải chết.
Đại vương Tịnh Phạn nói:
-Nếu Thái tử con ta bình an không chết, ta còn gì sầu muộn.
Sau khi nghe lời tâu của ưu-đà-di, nhà vua rất hoan hỷ.
Thuở ấy Ma vương Ba-tuần ở Dục giới muốn làm nhiễu loạn Bồ-tát, nên trong sáu năm Bồ-tát tu khổ hạnh, thường luôn luôn âm thầm sát bên Bồ-tát để tìm cơ hội sai lầm nho nhỏ mà chẳng có.
Có kệ nói:
Khung cảnh vắng lặng thật tuyệt vời
Tòng lâm phong cảnh cây tươi tốt
Ưu-lầu-tần-loa phía Đông này
Bên cạnh bờ sông Ni-liên-thiền
Địa thế nơi đây Ngài chọn được
Thệ nguyện kiết già hành khổ hạnh
Phát tâm dũng mãnh đại tinh cần
Nhất định đến nay, Ta giải thoát.
Ma vương Ba-tuần tới nơi này
Đem lời đường mật dối thưa rằng.
“Cúi xin Nhân giả sống lâu dài
Thọ mạng lâu dài mới đắc pháp
Sống lâu mới đức được tự lợi
Tự lợi về sau khỏi hối tiếc.
Giờ đây Nhân giả thân gầy ốm
Nhất định sẽ chết trong chốc lát
Nay thật, Nhân giả ngàn phần chết
May ra phước đức sống một phần.
Nên bố thí nhiều cúng chư Thiên
Đối với thần lửa nên tế tự
Nhờ vậy mới được công đức nhiều
Tu tập thiền định có ích chi
Xuất gia tầm đạo thật gian nan
Điều phục tự tâm đâu phải dễ. ”
Ma gần Bồ-tát bằng cách ấy
Dùng đủ lời lẽ giả ngợi khen.
Bồ-tát khi ấy giọng dịu hiền
Dùng lời sâu sắc đáp Ma vương:
“Ba-tuần phóng dật, ngươi bất thiện
Vì cầu tự lợi, hành thế pháp
Tâm ông cho đó là phước đức
Rốt cuộc không cầu được mảy may.
Nếu người thật sự cầu phước đức
Chẳng nên nói ra lời như vậy
Khổ chết với ta đồng như sống
Thật không một niệm sợ bị chết.
Giả sử chúng sinh đều tận diệt
Tâm ta hoàn toàn không thoái chuyển
Nay xây cầu lớn qua biển dục
Tinh tấn dũng mãnh tu phạm hạnh.
Nếu do phong tai thổi thế gian
Tất cả các sông còn khô cạn
Huống chi máu, dịch trong thân thể
Chất nước trong người cũng cạn khô,
Mỡ tủy chất ướt bị khô trước
Kế đến da thịt lại khô sau
Da thịt tiêu rồi khí lực kém
Tâm ý bấy giờ mới tịch định.
Tất cả tinh tấn thêm tăng trưởng,
Chỉ còn đi vào cửa chánh định
Ta nay muốn tu pháp hạnh này,
Mong cầu đạt đến Vô thượng giác.
Do đó, thân mạng Ta không tiếc
Ngươi biết tâm Ta thật thanh tịnh
Tâm Ta đã đạt chỗ chí thành
Trí tuệ trang nghiêm thật bền vững.
Thế gian chưa thấy có người nào
Có thể ngăn được Ta tinh tấn
Ta thà chịu chết mất mạng người
Không cần sống lâu nơi cung điện.
Trượng phu thà chết, cần chiến đấu
Quyết chẳng tham sống, hàng kẻ khác
Dũng mãnh đã chiến thắng đối phương
Địch đã hàng rồi, nào có sợ
Dũng kiện thì phá được kẻ địch
Ta chẳng bao lâu phá ma chúng:
Ma quân thứ nhất là tham dục
Tên ma thứ hai chẳng hoan hỷ
Thứ ba đói khát cùng lạnh nóng
Đam mê ái dục, ma thứ tư
Ma thứ năm chính là thùy miên
Kinh hãi sợ sệt, ma thứ sáu
Mê hoặc nghi ngờ, ma thứ bảy
Sân hận phẫn nộ, ma thứ tám
Thứ chín tên là tranh lợi dưỡng
Ngu si vô trí ma thứ mười
Cao ngạo kiêu căng ma mười một
Mười hai thường hay hủy nhục người
Các ngươi quyến thuộc ma Ba-tuần
Quân mã hành động đều hắc ám
Chúng ma đến đây hại hành giả
Những bậc Sa-môn Bà-la-môn.
Bọn ngươi thường đi khắp thế gian
Mê hoặc tất cả trời và người
Quân mã các người gặp phải Ta
Đem binh trí tuệ rất hùng cường
Có tài chiến thắng chẳng còn ai
Đại quân các ngươi bị phá sạch
Như nước làm rã bình đất sống
Quân ngươi tiêu tán chẳng khác nào.
Tâm Ta chánh định vững như núi
Phương tiện trí tuệ đều thành tựu
Tâm không phóng dật tu chánh hạnh
Người sao tìm được chút lỗi lầm! ”
Bấy giờ Bồ-tát lại suy nghĩ thế này: “Nếu trong quá khứ có Sa-môn hay Bà-la-môn, vì tự lợi mà tu tập các pháp đại khổ hạnh, hoặc tâm chẳng vui, hoặc cả thân tâm chẳng vui, với các cảm thọ như vậy, thì các Sa-môn Bà-la-môn cũng chẳng hơn khổ hạnh như Ta ngày nay do cầu tự lợi, nên thân và tâm chịu các khổ, chẳng vui. Nếu ở đời vị lai, có các Sa-môn và Bà-la-môn vì cầu tự lợi, thân tâm thọ các khổ hạnh, cũng chẳng hơn các khổ hạnh của Ta ngày hôm nay do cầu tự lợi, mà thân tâm chịu các khổ hạnh. Nhưng Ta vẫn chưa chứng được pháp thượng nhân, chưa được tri kiến, cũng chưa chứng được tăng ích, vậy có thứ đạo nào để chứng được đạo quả Bồ-đề?”
Rồi Bồ-tát lại tư duy tiếp: “Ta nhớ khi còn trong cung của phụ vương, đi xem nông dân canh tác, Ta gặp tàng cây Diêm-phù-đề mát mẻ. Thấy rồi, liền tĩnh tọa dưới tàng cây, Ta xả bỏ tất cả tâm dục nhiễm, nhàm chán các pháp bất thiện, khởi tâm phân biệt ưa thích tịch định nên sinh hỷ lạc, chứng được Sơ thiền. Ta hãy tư duy lại thiền định đó, con đường này chắc hướng về đạo Bồ-đề.” Bồ-tát suy nghĩ như vậy rồi, y như pháp nhất tâm chánh quán, nhập vào cảnh tịch định, mong nhờ thiền định này mà đạt đến giác ngộ.
Ngài liền nói kệ:
Pháp môn khổ hạnh chẳng ly dục
Chẳng phải chánh đạo đến Bồ-đề
Chẳng phải thắng nhân cầu giải thoát
Chỉ là làm khổ cho thân tâm.
Ngày nay nếu Ta muốn tu học
Cần phải như xưa xem canh tác
Ngồi dưới tàng cây Diêm-phù nọ
Lìa nhiễm chứng được định Tứ thiền.
Khi ấy Bồ-tát lại suy nghĩ: “Lạc của thiền định chỉ lìa các dục và pháp bất thiện, Ta nào không biết cái lạc đó, Ta nên chứng cái lạc đó, vì muốn thành tựu Nhất thiết tri kiến.
Rồi Bồ-tát lại suy nghĩ: ‘Ta muốn thành tựu cái lạc của Nhất thiết tri kiến cần phải có sự sống an lạc. Nhưng ngày nay Ta suy nhược không có sức lực, thì làm sao với chiếc thân suy nhược yếu đuối này mà có thể đạt được lạc ấy? Do vậy, lúc này Ta cần thân thể khỏe mạnh, phải ăn những thức ăn thô; như là đậu nấu hay bánh bún; hoặc dùng dầu hoặc bơ để thoa trên thân, rồi sau đó mới dùng nước nóng tắm rửa thân thể.”
Bồ-tát nói với người hầu cận Bà-la-môn:
-Này Đề-bà, kể từ nay, Ta không dùng những thức ăn như trước để duy trì thân mạng. Ý Ta muốn có thức ăn bổ dưỡng hơn để hồi phục cơ thể như là ăn uống các thứ bánh, bún, đậu nấu...; hoặc dầu mỡ để thoa trên thân và nước nóng để tắm gội. Ông có thể sắm đủ các thứ này cho Ta chăng?
Đề-bà bạch Bồ-tát:
-Ngày nay, tôi không có các thứ như vậy, lại nữa nhà tôi nghèo không thể sắm các vật đó, vả lại nếu lúc này dâng hiến liền cho Bồ-tát cũng không thể được. Nhưng Nhân giả phải lập lời thề, thì tôi sẽ vì Nhân giả dùng mọi phương tiện tìm cầu.
Bồ-tát hỏi:
-Ông muốn Ta lập lời thề gì?
Đề-bà bạch Bồ-tát:
-Khi Nhân giả tu khổ hạnh rồi, tâm nguyện được viên mãn, khi ấy Nhân giả bố thí pháp cho tôi, rồi lại đến nhà tôi thọ vật thực do tôi cúng dường.
Bồ-tát đáp:
-Đúng theo lời nguyện của ông.
Khi Bà-la-môn Đề-bà được Bồ-tát hứa khả rồi, liền vâng lời Bồ-tát ra đi, hướng về nhà Bà-la-môn Tư-na-da-na. Đến nơi Đề-bà nói với Bà-la-môn đó:
-Thưa Nhân giả, mong rằng vui với pháp hạnh, hiện cách làng này chẳng bao xa, có một Sa-môn tu đại khổ hạnh, Ngài trải qua nhiều năm tháng không ăn, nay muốn cầu thức ăn; hoặc cơm, bún, bánh, bơ mỡ, mật, đậu nấu...; hoặc dầu thoa thân và cần nước nóng tắm gội. Nhân giả có thể cung cấp các thứ đó chăng?
Thuở ấy, nhà Bà-la-môn Quân Tướng Tư-na-da-na có hai người con gái, một tên là Nan-đà (nhà Tùy dịch là Hỷ), người thứ hai tên là Bà-la (nhà Tùy dịch là Lực). Hai nàng này dung nhan thật đoan trang xinh đẹp, ở thế gian ít ai sánh bằng. Trước đây, hai nàng từng nghe: “Cách đây về phương Bắc ở dưới chân Tuyết sơn, có một xứ thuộc dòng họ Thích tên là Ca-tỳ-la-bà-tô-đô. Vị vua trị vì thành này họ Thích tên là Tịnh Phạn, đại phu nhân thứ nhất của vua tên là Ma-da. Hoàng hậu sinh một Thái tử, hình dung đẹp đẽ tuyệt vời, dung nhan phi thường hết sức dễ thương, sắc thân như vàng, trên đỉnh đầu tròn như chiếc lọng, mũi như chim anh võ, tay dài quá gối, tất cả bộ phận trên người đều đầy đặn, các căn hoàn bị, giống như tượng vàng, đầy đủ ba mươi hai tướng đại nhân trang nghiêm thân thể, khắp thân đầy đủ tám mươi vẻ đẹp. Sau khi Thái tử đản sinh, nhà vua mời tướng sư đến xem tướng Thái tử, tướng sư tiên đoán: “Nếu Thái tử ở tại gia nhất định sẽ làm Chuyển luân thánh vương cai trị bốn châu thiên hạ, làm chủ cõi đại địa này, đầy đủ bảy bấu, dùng chánh pháp trị hóa thế gian. Nếu Thái tử xuất gia sẽ thành Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tiếng đồn khắp mọi nơi.”
Hai nàng nghe danh tiếng Thái tử, nên đã từng tỏ lòng mơ ước với cha mình: “Con từng nghe Thái tử họ Thích đẹp đẽ dễ thương vô song như vậy, Thái tử có thể làm chồng chúng con.”
Quân Tướng Tư-na-da-na biết được tin tức Bồ-tát qua Bà-la-môn Đề-bà, bèn bảo hai người con gái:
-Lòng mơ ước của chị em con sẽ thành hiện thực. Tại sao? Các con hãy mau đến chỗ Đại Sa-môn tu khổ hạnh kia. Để làm gì? Sau khi hai con đến đó rồi, thưa thỉnh cung kính cúng dường thức ăn, dâng hiến dầu và bơ dùng để thoa thân, rồi sau đó cung cấp nước nóng để Sa-môn tắm gội. Do việc làm này, sự mơ ước của hai con sẽ được thành tựu.
Hai cô gái của Quân Tướng nghe cha dạy như vậy, liền đem theo thực phẩm, dầu và bơ..., những vật phẩm sẳn có trong nhà, đi đến chỗ Bồ-tát khổ hạnh. Đến nơi hai nàng lễ dưới chân Bồ-tát, rồi đem vật thực dâng lên và bạch Bồ-tát:
-Nguyện Tôn giả nạp thọ vật thực dâng cúng của tôi.
Bồ-tát nhận vật thực của hai nàng, tự ý thọ thực, lấy dầu và bơ thoa vào thân, rồi sau đó mới dùng nước nóng tắm rửa. Khi Bồ-tát dùng dầu bơ thoa vào thân, mỗi thứ theo lỗ chân lông hút vào bên trong cơ thể, giống như đống đất hay đông cát, tất cả dầu bơ thấm vào bên trong, không có một chút ở bên ngoài. Đúng vậy, đúng vậy. Dầu bơ thoa vào thân Bồ-tát đều hút hết vào bên trong, không có một chút dính bên ngoài. Thân thể Bồ-tát lúc bấy giờ vẫn chưa hồi phục như xưa.
Khi Bồ-tát thọ thực xong, bảo hai nàng:
-Hai chị em người muốn hồi hướng công đức này về ý muốn gì? Hai nàng bạch Bồ-tát:
-Thưa Đại Thiện Tôn giả, trước đây chúng tôi nghe dòng họ Thích hạ sinh một Thái tử, hình dung đoan chánh dễ thương, trên thế gian này không có người thứ hai, chúng tôi nguyện vị Thái tử đó cùng kết nghĩa trăm năm.
Bồ-tát bảo:
-Này hai chị em, ta chính là Thái tử dòng họ Thích. Từ nay trở đi, ta nguyện không còn hưởng thọ thú vui ngũ dục. Ta nguyện tương lai sẽ thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nguyện chuyển pháp luân vô thượng.
Hai nàng nghe Bồ-tát nói như vậy, lại bạch Bồ-tát:
-Đại thánh Nhân giả, việc này đúng như vậy, Nhân giả sẽ chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Sau khi Ngài đạt đạo rồi, xin đến nhà chúng tôi. Chúng tôi mong được gặp Ngài để làm đệ tử Thanh văn của Tôn giả.
Bồ-tát lại đáp lời hai nàng:
-Đúng vậy, đúng vậy. Đúng như lời nguyện của hai chị em.
Từ đó trở đi hai nàng mỗi ngày đem đồ ăn dâng cúng Bồ-tát, rồi dùng bơ dầu thoa trên mình Bồ-tát và sau đó dùng nước nóng tắm rửa thân thể Bồ-tát. Cứ như thế thân thể Bồ-tát lần lần phục hồi tướng tốt như xưa.
Khi ấy Bồ-tát bảo hai nàng:
-Chị em người từ nay trở đi, hai nàng không được tự ý đem nước tắm thân ta, thôi việc đó đi, chỉ cần đem thức ăn. Vì sao? Từ nay về sau, nếu thân Ta cùng người nữ tiếp xúc thì không được. Ý Ta chẳng thích, ý Ta chẳng phải như vậy.
Thuở ấy, có một kẻ chăn dê vì thấy Bồ-tát tu khổ hạnh thân thể ôm yếu, lại thấy Bồ-tát hết sức siêng năng cần khổ, nên đối với Ngài, sinh tâm hoan hỷ, liền đến nơi quỳ xuống, bạch Bồ-tát:
-Thưa Đại Thánh Tôn giả, ngày nay tùy ý tôi muốn tôn trọng phụng sự cúng dường Tôn giả, không biết ý của Ngài có chấp nhận hay chăng?
Bồ-tát đáp:
-Nếu người thấy đúng lúc, thì sớm sắm các vật tùy theo ý muốn của người.
Người chăn dê liền dùng dầu thoa trên thân Bồ-tát, rồi đem sữa dê dâng cúng cho Bồ-tát dùng, lại bẻ cành đại thọ Ni-câu-đa cắm trên đất che mát cho Bồ-tát. Nhưng do thần lực của Bồ-tát cành cây Ni-câu-đà vừa cắm xuống đất, liền mọc thành thân cây cành lá hoa quả... tất cả đều đầy đủ. Người đương thời trông thấy, gọi cây này là “Cây Ni-câu-đà chăn dê trồng.”
Khi Bồ-tát ăn thức ăn thô, năm vị tiên đồng tu với Bồ-tát, thảo luận với nhau:
-Ngày nay Thái tử Tât-đạt-đa thoái thất thiền định trở lại tính cũ, không còn trì giới, nay Thái tử thành người giải đãi, không còn tịch định, tâm sinh rối loạn.
Phê bình như vậy rồi, đối với Bồ-tát, họ ngao ngán phỉ báng, xa lìa Bồ-tát mà đi nơi khác. Lần lần, họ đến nước Ba-la-nại, vào vườn Nai tu thiền định ở đó.
Có kệ:
Tiên nhân khổ hạnh cả năm người
Thấy Bồ-tát ăn thức ăn cúng
Cho rằng chẳng còn tu thiền định
Phóng túng nuôi dưỡng thân năm đại.
Phẩm 30: HƯỚNG VỀ CÂY Bồ-ĐỀ
(Phần 1)

Khi Bồ-tát dùng thức ăn thô là chỉ muốn cơ thể phục hồi một ít khí lực, trong thời gian này nàng Thiện Sinh là con gái chủ thôn nọ, từ khi gặp Bồ-tát cho đến nay, vì cầu nguyện cho Bồ-tát, nên ngày ngày nàng bố thí thức ăn chín vào bình bát cho những ai khất thực. Vào buổi sáng, nếu thấy ai khất thực là Sa-môn hay Bà-la-môn đến khất thực thức ăn chín và bình bát, nàng ta đều bố thí, với tâm nghĩ miệng nguyện thế này: “Nhờ việc bố thí thức ăn này, có bao nhiêu công đức đều hối hướng về Thái tử họ Thích tu khổ hạnh, nguyện Ngài sớm thành tựu các thần thông, nguyện Ngài mau thành tựu diệu quả Bồ-đề, nguyện bậc khổ hạnh được như tâm nguyện, tất cả đều được đầy đủ viên mãn.” Nàng bố thí thức ăn và bình bát như vậy trải qua sáu năm.
Khi Bồ-tát đã mãn sáu năm, vào mùa xuân, ngày mười sáu tháng hai, trong tâm tự nghĩ thế này: “Ta chẳng nên ăn những thức ăn như vậy để thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ta không biết nhờ ai tìm thức ăn thơm ngon? Ai là người có thể cho Ta thức ăn như vậy, để Ta ăn rồi chứng đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?” Khi Bồ-tát suy nghĩ như vậy, thì ngay lúc đó có một Thiên tử biết được tâm niệm của Ngài, liền đến nhà nàng Thiện Sinh chủ thôn nọ, bảo:
-Này nàng Thiện Sinh, người nếu biết đến lúc Bồ-tát đang muốn dùng thức ăn mỹ vị, Bồ-tát đang cầu thức ăn vô thượng mỹ vị, Ngài dùng thức ăn mỹ vị như vậy để rồi sau đó chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nay nàng nên sắm cháo sữa đủ mười sáu phần diệu hảo.
Sau khi nàng Thiện Sinh chủ thôn nọ nghe chư Thiên mách bảo như vậy, vui mừng hớn hở khắp cả thân, không thể tự chế, vội vã cho dồn một ngàn con bò sữa để vắt lấy sữa, rồi đem sữa này cho năm trăm con bò khác uống. Lại ngày sau vắt lấy sữa năm trăm con bò sữa này đem cho hai trăm năm mươi con bò sữa khác uống, lại ngày sau vắt lấy sữa hai trăm năm mươi con bò sữa này đem cho một trăm hai mươi lăm con bò sữa khác uống; ngày sau đó vắt lấy sữa một trăm hai mươi lăm con bò sữa này đem cho sáu mươi con bò khác uống; ngày sau vắt lấy sữa sáu mươi con bò sữa này đem cho ba mươi con bò khác uống; ngày sau vắt lấy sữa ba mươi con bò sữa này, đem cho mười lăm con bò khác uống; ngày cuối cùng vắt lấy sữa mười lăm con bò sữa này, đem trộn với một phần cháo gạo ngon trong sạch, rồi vì Bồ-tát nấu cháo sữa này.
Trong khi nàng nấu cháo sữa, thấy nồi cháo hiện ra hiện tượng lạ: Hoặc hiện ra bình hoa nở, hoặc hiện ra dòng nước sâu thẳm với năng lực, hoặc hiện lên chữ Vạn ( ) hoặc hiện bánh xe năng lực ngàn tăm, hoặc lại hiện hình trâu chúa, hoặc hiện Tượng vương hay Long vương, hoặc hiện hình con cá, hoặc có khi lại hiện hình đại trượng phu, hoặc lại hiện hình Đế Thích, hoặc có khi hiện hình đại Đại Phạm vương, hoặc cháo sữa sôi phun lên cao bằng nửa cây Đa-la trong giây lát rồi hạ xuống, hoặc cháo sữa phun lên cao bằng một cây Đa-la rồi hạ xuống, hoặc cháo sữa phun lên cao bằng một đại trượng phu rồi hạ xuống trong nồi cháo, hoàn toàn không có một giọt nào rơi bên ngoài cả.
Đang khi nấu sữa, có một vị toán số tướng sư đại tài đến chỗ này, thấy cháo sữa xuất hiện cấc hiện tượng như vậy, quán sát kỹ lưỡng rồi bảo:
-Hy hữu thay! Hy hữu thay! Vị nào ăn được cháo này chẳng bao lâu chứng được diệu dược cam lộ!
Vào ngày hai mươi ba tháng hai, sáng sớm, Bồ-tát mặc y phục chỉnh tề, đi về hướng Ưu-lầu-tần-loa để khất thực, lần lần đến thôn Nan-đề-ca. Đến thôn kia rồi, Ngài đứng yên lặng bên ngoài nhà Đại Bà-la-môn chủ thôn để cầu vật thực.
Lúc bấy giờ nàng Thiện Sinh con của chủ thôn, thấy Bồ-tát đứng yên lặng ngoài ngõ nhà mình, muốn khất thực. Thấy rồi, nàng lấy một bình bát bằng vàng đựng đầy cháo sữa hòa với mật, tự tay mình bưng bát cháo đầy đến trước mặt Bồ-tát. Đến nơi, nàng bạch Bồ-tát:
-Cúi xin Tôn giả thương xót nạp thọ bát cháo sữa hòa với mật này.
Khi Bồ-tát thấy cháo sữa hòa lẫn với mật, suy nghĩ thế này: “Ta đang được thuốc tốt chữa lành bệnh về thân, vậy Ta cần phải nỗ lực phát hạnh tinh tấn, sẽ chứng cam lộ và chánh pháp. Lại nữa, từ trước đến nay, Ta đã mất pháp thể và pháp hạnh, ngày nay Ta phải mở ra con đường đạo Ta đã phát thệ nguyện, phải hoàn thành ý nguyện này. Như Ta ngày nay đối với cháo sữa rất bổ hòa với mật này, đúng lúc nhận lãnh để thọ dụng, rồi y theo pháp mà thọ thực. Ta phải vượt qua cảnh giới tử ma, phải chinh phục tử ma đó, vượt qua bờ giải thoát bên kia.”
Bồ-tát tư duy như thế rồi mới nhận cháo sữa, rồi hỏi nàng Thiện Sinh con chủ thôn:
-Thưa Thiện tỷ Tôn giả, sau khi Ta dùng hết cháo sữa, chiếc bình bát này trao lại cho ai?
Nàng Thiện Sinh đáp:
-Tôi xin cúng cho Tôn giả.
Bồ-tát lại nói:
-Ta không cần dùng vật như thế này.
Nàng Thiện Sinh nói:
-Sử dụng bằng cách nào tùy ý Nhân giả. Vì tôi từ trước đến giờ hễ bố thí vật thực cho ai thì luôn luôn bố thí cả bình bát.
Khi Bồ-tát nhận vật thực rồi, từ xứ ưu-lầu-tần-loa chánh niệm ra về, ung dung lần lần hướng về bờ sông Ni-liên. Đến nơi, Ngài đặt bình bát vào chỗ sạch sẽ, rồi cởi y phục xuống sông tắm rửa giải sức nóng trong người. Trong khi Ngài đang tắm rửa thân thể, ở trên hư không chư Thiên dùng các loại bột hương thơm vi diệu hòa lẫn với nước mưa tuôn xuống trên mặt sông.
Lúc bấy giờ, trên mặt sông Ni-liên tràn ngập bột hương thơm xen lẫn với các loại hoa tạo thành dòng. Bồ-tát tắm xong rồi lấy chiếc ca-sa ở trong nước giặt giũ, vắt phơi khô khan rồi đắp lên thân. Ngài muốn sang qua bờ sông bên kia, nhưng sóng và dòng nước chảy quá mạnh, mà thân thể lại ốm yếu không thể lội được, vả lại trong sáu năm siêng tu khổ hạnh, sức yếu đuối không tài nào qua bên kia được.
Khi ấy bên bờ sông có một đại thọ tên là Át-thùy-na (nhà Tùy dịch là Kim giả), vị thần ở cây này là Kha-câu-bà (nhà Tùy dịch là Tiểu Phong), lúc đó Thọ thần dùng xâu chuỗi anh lạc đeo nơi tay để dìu Bồ-tát, khi ấy Bồ-tát nắm tay Thọ thần mà qua được bờ bên kia.
Nước hương thơm Bồ-tát tắm trên sông, tất cả chư Thiên đều múc lấy mang về cung điện, dùng nước công đức cát tường này rưới lên cung điện của mình.
Thuở ấy vị chủ sông Ni-liên-thiền có một Long nữ, tên là Ni- liên-trà-da (nhà Tùy dịch là Bất Quả), từ dưới đất vọt lên tay cầm bảo tọa hết sức tốt đẹp dâng cho Bồ-tát. Bồ-tát thọ nhận rồi, an tọa trên đó, an tọa xong Ngài lấy cháo sữa do nàng Thiện Sinh con gái chủ thôn nọ cúng. Ngài vừa ăn no thì cháo cũng vừa hết.
Sau khi Bồ-tát ăn cháo sữa vào, do sức phước báo nhân duyên bố thí đời trước huân tập, cho nên thân thể hồi phục đoan chánh dễ thương, các tướng hảo đầy đủ như cũ không có khuyết giảm.
Bồ-tát dùng cháo sữa xong rồi, ném bát vàng xuống dòng sông. Lúc đó Hải Long vương rất vui mừng cho là việc quá hy hữu, vì Bồ-tát khó xuất hiện ở đời, nên nhặt lấy bát vàng này, định đem về thờ nơi cung điện mình. Khi ấy chúa trời Thích Đề-hoàn Nhân hóa thành chim cánh vàng mỏ bằng ngọc kim cương, đoạt lấy bát vàng từ nơi tay Hải Long vương, bay hướng về cõi trời Đao-lợi Ba mươi ba, tự mình luôn luôn thờ cúng. Thuở ấy chư Thiên cõi trời Ba mươi ba lập ngày hội đặt tên là lễ cúng dường Bát vàng Bồ-tát, từ đó đến ngày nay không gián đoạn.
Khi Bồ-tát dùng cháo xong, đứng dậy, ung dung đi hướng về cây Bồ-đề. Long nữ thâu cất bảo tọa, đem về cung của mình để thờ cúng.
Có kệ:
Bồ-tát như pháp dùng cháo sữa
Cô gái Thiện Sinh dâng thượng vị
Dùng xong hoan hỷ đến cội cây
Rồi đây nhất định chứng Bồ-đề.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




San sẻ yêu thương


Thắp ngọn đuốc hồng


Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)


Cho là nhận

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.128.170.27 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập