Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là đáng sống. (Only a life lived for others is a life worthwhile. )Albert Einstein
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin
Nếu muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu muốn chính mình được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 22 - Phẩm BỒ TÁT QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG - Phẩm thứ mười – Phần hai »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 22 - Phẩm BỒ TÁT QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG - Phẩm thứ mười – Phần hai

(Lượt xem: 10.555)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  Vietnamese || English || Tải về bảng song ngữ


       

Font chữ:
Font chữ:



QUYỂN 22 - Phẩm BỒ TÁT QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG - Phẩm thứ mười – Phần hai

Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát tu hành pháp Đại Niết-bàn được nghe những điều không [thể] nghe? Mười hai bộ kinh, nghĩa lý thâm thúy, xưa nay chưa từng nghe, nay nhân nơi kinh này mà được nghe đầy đủ. Trước đây dù có được nghe cũng chỉ được nghe tên kinh mà thôi, nay ở kinh Đại Niết-bàn này mới được nghe ý nghĩa. Hàng Thanh văn và Duyên giác chỉ nghe tên gọi Mười hai bộ kinh chứ không được nghe nghĩa lý, nay ở nơi kinh này được nghe đầy đủ. Đó gọi là không [thể] nghe mà được nghe.

“Thiện nam tử! Tất cả hàng Thanh văn, Duyên giác đều chưa từng nghe trong kinh nói rằng Phật có những đức thường, lạc, ngã, tịnh, không dứt bỏ tất cả mà nhập Niết-bàn; rằng Tam bảo và tánh Phật không có tướng khác biệt; rằng những kẻ phạm bốn tội nặng, phỉ báng kinh Phương đẳng, tạo năm tội nghịch và những kẻ nhất-xiển-đề, thảy đều có tánh Phật. Nay ở nơi kinh này được nghe đủ những điều ấy. Đó gọi là không [thể] nghe mà được nghe.”

Lúc ấy, Đại Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu những kẻ phạm giới cấm nặng, phỉ báng kinh Phương đẳng, tạo năm tội nghịch và những kẻ nhất-xiển-đề đều có tánh Phật, vì sao cũng phải đọa vào địa ngục?

“Bạch Thế Tôn! Nếu những kẻ ấy có tánh Phật, vì sao lại nói rằng họ không có thường, lạc, ngã, tịnh?

“Bạch Thế Tôn! Nếu như dứt mất căn lành mới gọi là nhất-xiển-đề, vậy khi dứt mất căn lành thì tánh Phật sẵn có sao không dứt mất? Nếu tánh Phật bị dứt mất, vì sao lại nói [tánh Phật] là thường, lạc, ngã, tịnh? Như tánh Phật không bị dứt mất, vì sao lại gọi đó là nhất-xiển-đề?

“Bạch Thế Tôn! Phạm vào bốn giới cấm nặng gọi là không nhất định. Phỉ báng kinh Phương đẳng, tạo năm tội nghịch và những kẻ nhất-xiển-đề, thảy đều là không nhất định. Những kẻ như thế nếu là nhất định thì làm sao được thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề? Bậc chứng đắc các quả vị Tu-đà-hoàn cho đến quả vị Phật Bích-chi cũng đều là không nhất định. Nếu bậc Tu-đà-hoàn cho đến Bích-chi Phật là nhất định, thì lẽ ra không thể thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Bạch Thế Tôn! Nếu kẻ phạm bốn tội trọng là không nhất định, thì từ bậc Tu-đà-hoàn cho đến Phật Bích-chi cũng là không nhất định. [Nếu những quả vị này] đã là không nhất định như vậy, thì chư Phật Như Lai cũng là không nhất định. Nếu chư Phật là không nhất định, thì thể tánh của Niết-bàn cũng là không nhất định; cho đến tất cả pháp cũng là không nhất định. Vì sao không nhất định lại gọi là nhất-xiển-đề? Nếu trừ dứt [tánh] nhất-xiển-đề ắt sẽ thành Phật đạo. Chư Phật Như Lai lẽ ra cũng vậy, nhập Niết-bàn rồi cũng nên trở ra, chẳng nhập Niết-bàn [mãi mãi]. Nếu là như vậy, tánh của Niết-bàn ắt là không nhất định. Vì không nhất định nên phải biết là không có thường, lạc, ngã, tịnh. Vì sao lại nói rằng hạng nhất-xiển-đề rồi sẽ chứng đắc Niết-bàn?”

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Đại Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Vì muốn lợi ích cho vô lượng chúng sanh, khiến cho họ được sự an vui; vì lòng từ niệm thương xót thế gian; vì muốn tăng trưởng sự phát tâm Bồ-đề của các vị Bồ Tát nên ông mới thưa hỏi như vậy.

“Thiện nam tử! Ông đã thân cận với vô lượng chư Phật Thế Tôn trong quá khứ; đã đối trước chư Phật ấy trồng các căn lành, đã thành tựu công đức Bồ-đề từ lâu; đã hàng phục khiến cho chúng ma phải thối lui và tan rã; đã giáo hóa vô lượng, vô biên chúng sanh, khiến cho tất cả đều đạt đến A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Từ lâu ông đã thông đạt kho tàng giáo pháp sâu kín thăm thẳm của chư Phật Như Lai. Ông đã từng thưa hỏi nghĩa lý sâu kín vi diệu này với vô số chư Phật Thế Tôn trong quá khứ, nhiều như số cát sông Hằng. Ta nhìn khắp trong thế gian, dù là loài người, chư thiên, sa-môn hay bà-la-môn, hoặc thiên ma hay Phạm thiên, cũng không thấy ai có khả năng thưa hỏi Như Lai nghĩa lý như vậy!

“Nay ông hãy thành tâm lắng nghe cho kỹ! Lắng nghe cho kỹ! Ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng rõ.

“Thiện nam tử! Những kẻ nhất-xiển-đề cũng không phải là nhất định. Nếu là nhất định thì họ chẳng bao giờ có thể chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì không nhất định nên họ mới có thể chứng đắc [A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề].

“Như ông hỏi rằng: Tánh Phật không dứt mất, vì sao kẻ nhất-xiển-đề dứt mất căn lành? Thiện nam tử! Căn lành có hai loại, một là ở trong, hai là ở ngoài. Tánh Phật là chẳng ở trong, chẳng ở ngoài. Vì nghĩa ấy nên tánh Phật không dứt mất. [Căn lành] lại có hai loại, một là hữu lậu, hai là vô lậu. Tánh Phật chẳng phải hữu lậu, chẳng phải vô lậu nên không dứt mất. [Căn lành] lại có hai loại: một là thường, hai là vô thường. Tánh Phật chẳng phải thường, chẳng phải vô thường nên không dứt mất. Nếu là dứt mất, ắt phải [có thể] có lại. Nếu không thể có lại thì gọi là không dứt mất. Nếu dứt mất rồi [có thể] có lại thì gọi là nhất-xiển-đề.

“Những kẻ phạm bốn tội nặng cũng là không nhất định. Nếu là nhất định thì họ không bao giờ có thể chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Những kẻ phỉ báng kinh Phương đẳng cũng là không nhất định. Nếu là nhất định thì những kẻ phỉ báng Chánh pháp không bao giờ có thể chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Những kẻ tạo năm tội nghịch cũng là không nhất định. Nếu là nhất định thì họ không bao giờ có thể chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Sắc và tướng của sắc, hai thứ ấy đều là không nhất định. Các tướng của mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm, tướng sanh ra cho đến tướng vô minh, các tướng của ấm, nhập, giới, hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu, bốn cách sanh, cho đến tất cả pháp cũng đều là không nhất định.

“Thiện nam tử! Ví như nhà ảo thuật ở giữa công chúng hóa hiện ra bốn loại quân binh: quân dùng xe, quân đánh bộ, quân dùng voi, quân cưỡi ngựa. Người ấy cũng hóa ra mọi thứ xâu chuỗi trang sức; hóa ra thành ấp, làng xóm, núi rừng, cây cối, ao, suối, sông, giếng... Trong số người xem có những trẻ con chưa đủ trí khôn, thấy vậy đều cho là thật, nhưng người có trí khôn đều biết rằng đó chỉ là chuyện hư dối, do nhà ảo thuật kia dùng kỹ xảo mà che mắt, dối gạt người xem đó thôi.

“Thiện nam tử! Hết thảy phàm phu cho đến hàng Thanh văn và Phật Bích-chi cũng là như vậy. Họ thấy tất cả các pháp đều có tướng nhất định; nhưng chư Phật, Bồ Tát đối với tất cả các pháp đều không thấy có tướng nhất định.

“Thiện nam tử! Ví như trẻ con, vào mùa hè nhìn thấy hơi nắng nóng bốc lên [lung linh] liền tưởng đó là nước. Người trí đối với hơi nắng nóng đó không bao giờ có ý tưởng cho rằng đó thật là nước, chẳng qua chỉ là những ảnh tượng hư dối do mắt nhìn thấy mà thôi, không phải thật là nước.

“Hết thảy phàm phu, Thanh văn, Duyên giác nhìn thấy tất cả các pháp cũng giống như đứa trẻ con kia, đều cho đó là thật. Chư Phật, Bồ Tát đối với tất cả các pháp đều không thấy có tướng nhất định.

“Thiện nam tử! Ví như trong khe núi, nhân có âm thanh phát ra liền có tiếng vang dội lại. Trẻ con nghe tiếng vang đó cho là âm thanh thật. Người trí biết rằng đó không phải tướng thật nhất định, chỉ là tướng hư dối của âm thanh do tai nghe như vậy mà thôi.

“Thiện nam tử! Hết thảy phàm phu, Thanh văn, Duyên giác đối với tất cả các pháp cũng giống như đứa trẻ kia, đều thấy có tướng nhất định. Chư Bồ Tát hiểu rõ các pháp đều không có tướng nhất định, thấy được các tướng vô thường, rỗng không vắng lặng, không sanh không diệt. Vì nghĩa ấy, các vị Đại Bồ Tát thấy tất cả pháp đều là tướng vô thường.

“Thiện nam tử! Thật cũng có tướng nhất định. Vì sao là nhất định? [Vì có] thường, lạc, ngã, tịnh. Những tướng ấy ở đâu? Đó là nói [nơi cảnh giới] Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Quả Tu-đà-hoàn cũng là không nhất định. Vì không nhất định nên trải qua tám vạn kiếp sẽ được tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Quả Tư-đà-hàm cũng là không nhất định. Vì không nhất định nên trải qua sáu vạn kiếp sẽ được tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Quả A-na-hàm cũng là không nhất định. Vì không nhất định nên trải qua bốn vạn kiếp sẽ được tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Quả A-la-hán cũng là không nhất định. Vì không nhất định nên trải qua hai vạn kiếp sẽ được tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Quả Phật Bích-chi cũng là không nhất định. Vì không nhất định nên trải qua một vạn kiếp sẽ được tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thiện nam tử! Nay đức Như Lai ở tại thành Câu-thi-na, giữa hai cây sa-la mọc sóng đôi thị hiện nằm trên giường sư tử sắp nhập Niết-bàn, khiến cho những đệ tử chưa đắc quả A-la-hán và những người họ Lực-sĩ thảy đều sanh lòng đau buồn khổ não; lại cũng khiến cho chư thiên, nhân loại và các loài a-tu-la, càn-thát-bà, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già đều thiết lễ cúng dường long trọng, muốn dùng một ngàn khúc vải lụa mịn mà quấn quanh thân Phật, dùng bảy báu làm quan tài chứa đầy dầu thơm, dùng những cây gỗ thơm đốt lửa để thiêu cháy hết. Nhưng sẽ có hai khúc vải lụa không bị thiêu cháy, một khúc vải lụa quấn [trong cùng sát] quanh thân Phật và một khúc vải lụa quấn ở ngoài cùng. Lại sẽ [có người] vì chúng sanh mà phân chia xá-lợi của Phật ra làm tám phần. Khi ấy, tất cả hàng đệ tử Thanh văn của Phật đều nói: ‘Như Lai đã nhập Niết-bàn.’

“Nên biết rằng Như Lai cũng không nhất định là đã nhập Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai là thường trụ, không hề biến đổi. Vì nghĩa ấy nên sự nhập Niết-bàn của Như Lai cũng là không nhất định.

“Thiện nam tử! Nên biết rằng Như Lai cũng là không nhất định. Như Lai chẳng thuộc hàng chư thiên. Vì sao vậy? Có bốn loại chư thiên: một là chư thiên ở thế gian. Hai là sanh về các cõi trời thành chư thiên. Ba là tu hành thanh tịnh thành chư thiên. Bốn là hiểu nghĩa chân thật thành chư thiên.

“Chư thiên ở thế gian, đó là các vị vua chúa. Chư thiên sanh ở các cõi trời, đó là những chúng sanh được sanh về các cõi trời từ Tứ thiên vương cho đến cõi trời Phi hữu tưởng phi vô tưởng. Tu hành thanh tịnh thành chư thiên, đó là những vị chứng đắc từ quả vị Tu-đà-hoàn cho đến quả vị Phật Bích-chi. Hiểu nghĩa chân thật được thành chư thiên, đó là các vị Đại Bồ Tát ở hàng Thập trụ.

“Vì nghĩa gì mà các vị Bồ Tát Thập trụ được gọi là chư thiên hiểu nghĩa? Vì các vị thấu hiểu rõ ràng ý nghĩa của các pháp. Thế nào là ý nghĩa? Là thấy rõ hết thảy các pháp [rốt ráo] đều là nghĩa không.

“Thiện nam tử! Như Lai chẳng phải vua chúa, cũng chẳng phải sanh ở cõi trời Tứ thiên vương cho đến cõi trời Phi hữu tưởng phi vô tưởng, cũng chẳng phải Tu-đà-hoàn cho đến Phật Bích-chi, chẳng phải hàng Bồ Tát Thập trụ. Vì nghĩa ấy, Như Lai chẳng thuộc hàng chư thiên.

“Nhưng chúng sanh cũng xưng tụng Phật là bậc Thiên Trung Thiên. Do đó, Như Lai tuy chẳng phải chư thiên cũng chẳng phải không là chư thiên; chẳng phải loài người cũng chẳng phải không là loài người; chẳng phải quỷ cũng chẳng phải không là quỷ; chẳng phải [chúng sanh ở các cảnh giới] địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ cũng chẳng phải không là [chúng sanh ở các cảnh giới] địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ; chẳng phải chúng sanh cũng chẳng phải không là chúng sanh; chẳng phải pháp cũng chẳng phải không là pháp; chẳng phải sắc cũng chẳng phải không là sắc; chẳng phải cao cũng chẳng phải không cao; chẳng phải thấp cũng chẳng phải không thấp; chẳng phải tướng cũng chẳng phải không là tướng; chẳng phải tâm cũng chẳng phải không là tâm; chẳng phải hữu lậu cũng chẳng phải vô lậu; chẳng phải hữu vi cũng chẳng phải vô vi; chẳng phải thường, chẳng phải vô thường; chẳng phải huyễn ảo cũng chẳng phải không huyễn ảo; chẳng phải danh xưng cũng chẳng phải không là danh xưng; chẳng phải định cũng chẳng phải không định; chẳng phải có cũng chẳng phải không có; chẳng phải không cũng chẳng phải không không; chẳng phải thuyết, chẳng phải không thuyết; chẳng phải Như Lai, cũng chẳng phải không là Như Lai. Vì nghĩa ấy, Như Lai là không nhất định.

“Thiện nam tử! Vì sao Như Lai không phải là chư thiên ở thế gian? Chư thiên ở thế gian tức là các vị vua chúa. Đức Như lai từ vô lượng kiếp lâu xa trước đây đã xả bỏ ngôi vị vua chúa nên không phải là vua. Nhưng ngài cũng chẳng phải không là vua, vì ngài thật là con vua Tịnh-phạn, sanh tại thành Ca-tỳ-la.

“Như Lai chẳng phải chư thiên sanh nơi các cõi trời, vì từ lâu ngài đã lìa bỏ các cảnh giới hiện hữu. Ngài cũng chẳng phải không là chư thiên sanh nơi cõi trời. Vì sao vậy? Vì ngài từng [sanh] lên cung trời Đâu-suất, từ đó rồi mới xuống cõi Diêm-phù-đề. Cho nên Như Lai cũng chẳng phải không là chư thiên sanh nơi cõi trời.

“Ngài cũng chẳng phải do [tu hành] thanh tịnh mà thành chư thiên. Vì sao vậy? Như Lai chẳng phải Tu-đà-hoàn, cho đến chẳng phải Phật Bích-chi. Cho nên Như Lai chẳng phải do [tu hành] thanh tịnh mà thành chư thiên. Ngài cũng chẳng phải không do [tu hành] thanh tịnh mà thành chư thiên. Vì sao vậy? Vì tám pháp thế gian không thể ô nhiễm được ngài, như hoa sen không nhiễm bùn nhơ. Cho nên Như Lai chẳng phải không do [tu hành] thanh tịnh mà thành chư thiên.

“Như Lai cũng chẳng phải do hiểu nghĩa chân thật mà thành chư thiên. Vì sao vậy? Vì Như Lai chẳng phải là hàng Bồ Tát Thập trụ, nên Như Lai chẳng phải là do hiểu nghĩa chân thật mà thành chư thiên. Ngài cũng chẳng phải không do hiểu nghĩa chân thật mà thành chư thiên. Vì sao vậy? Vì Như Lai thường tu Mười tám nghĩa không. Cho nên Như Lai chẳng phải không do hiểu nghĩa chân thật mà thành chư thiên.

“Như Lai chẳng phải [thuộc loài] người. Vì sao vậy? Vì từ vô lượng kiếp lâu xa trước đây Như Lai đã lìa khỏi cõi người, cho nên ngài chẳng phải [thuộc về loài] người. Ngài cũng chẳng phải không thuộc loài người. Vì sao vậy? Vì ngài có sanh ra tại thành Ca-tỳ-la-vệ, nên cũng chẳng phải không [thuộc loài] người.

“Như Lai chẳng phải là quỷ. Vì sao vậy? Vì ngài không làm hại hết thảy chúng sanh, cho nên ngài chẳng phải là quỷ. Ngài cũng chẳng phải không là quỷ. Vì sao vậy? Vì ngài cũng dùng hình tượng quỷ để giáo hóa chúng sanh, nên ngài chẳng phải không là quỷ.

“Như Lai cũng chẳng phải [chúng sanh trong các cảnh giới] địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Vì sao vậy? Vì Như Lai từ lâu đã lìa bỏ các nghiệp xấu ác, cho nên chẳng phải [chúng sanh trong các cảnh giới] địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Ngài cũng chẳng phải không là [chúng sanh trong các cảnh giới] địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Vì sao vậy? Vì Như Lai cũng thị hiện thọ sanh trong ba đường ác này để giáo hóa chúng sanh, cho nên ngài chẳng phải không là [chúng sanh trong các cảnh giới] địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.

“Như Lai cũng chẳng phải chúng sanh. Vì sao vậy? Vì từ lâu ngài đã lìa xa tánh chúng sanh, nên chẳng phải là chúng sanh. Ngài cũng chẳng phải không là chúng sanh. Vì sao vậy? Vì có khi ngài diễn thuyết trong hình tướng chúng sanh, cho nên chẳng phải không là chúng sanh.

“Như Lai chẳng phải pháp. Vì sao vậy? Vì các pháp mỗi mỗi đều có tướng khác biệt. Như Lai không phải thế, chỉ có một tướng duy nhất mà thôi, nên ngài chẳng phải pháp. Ngài cũng chẳng phải không là pháp. Vì sao vậy? Vì Như Lai là cõi pháp, nên chẳng phải là không phải pháp.

“Như Lai chẳng phải sắc. Vì sao vậy? Vì ngài không bị chi phối bởi mười sắc nhập, nên chẳng phải sắc. Ngài cũng chẳng phải không là sắc. Vì sao vậy? Vì thân Phật có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, nên chẳng phải không phải sắc.

“Như Lai chẳng phải cao. Vì sao vậy? Vì đoạn trừ các sắc nên chẳng phải cao. Như Lai cũng chẳng phải không cao. Vì sao vậy? Vì hết thảy thế gian không ai có thể nhìn thấy được tướng đỉnh đầu của ngài, cho nên chẳng phải không cao.

“Như Lai chẳng phải thấp. Vì sao vậy? Vì từ lâu ngài đã lìa xa sự trói buộc của lòng kiêu mạn nên chẳng phải thấp. Như Lai cũng chẳng phải không thấp. Vì sao vậy? [Có lần] vì trưởng giả Cồ-sư-la mà ngài hiện ra thân hình chỉ có một thước, nên cũng chẳng phải không thấp.

“Như Lai chẳng phải tướng. Vì sao vậy? Vì từ lâu ngài đã lìa xa tướng của các tướng, nên chẳng phải tướng. Như Lai cũng chẳng phải không là tướng. Vì sao vậy? Vì ngài khéo rõ biết các tướng, cho nên cũng chẳng phải không là tướng.

“Như Lai chẳng phải tâm. Vì sao vậy? Vì là tướng như hư không nên chẳng phải tâm. Như Lai cũng chẳng phải không là tâm. Vì sao vậy? Vì ngài có tâm pháp Mười sức, lại có thể biết được tâm ý của hết thảy chúng sanh nên chẳng phải không là tâm.

“Như Lai chẳng phải hữu vi. Vì sao vậy? Vì Như Lai là thường, lạc, ngã, tịnh nên chẳng phải hữu vi. Như Lai cũng chẳng phải vô vi. Vì sao vậy? Vì ngài có đến, có đi, có ngồi, có nằm, có thị hiện Niết-bàn nên cũng chẳng phải vô vi.

“Như Lai chẳng phải thường tồn. Vì sao vậy? Vì thân ngài có nhiều phần hợp lại nên chẳng phải là thường. Thế nào là chẳng phải thường? Là có sự nhận biết. Pháp thường thì không có sự nhận biết, giống như hư không. Như Lai có sự nhận biết nên chẳng phải thường. Thế nào là chẳng phải thường? Vì có lời nói. Pháp thường thì không có lời nói, cũng giống như hư không. Như Lai có lời nói nên chẳng phải là thường.

“Vì có tên họ nên gọi là vô thường; pháp không có tên họ mới gọi là thường. Hư không là thường nên không có tên họ. Như Lai có tên họ, thuộc dòng họ Cồ-đàm, nên là vô thường. Vì có cha mẹ sanh ra nên gọi là vô thường; không có cha mẹ mới gọi là thường. Vì hư không là thường nên không có cha mẹ sanh ra. Phật có cha mẹ, nên là vô thường.

“Có đi, đứng, nằm, ngồi nên gọi là vô thường; không có những việc đi, đứng, nằm, ngồi mới gọi là thường. Vì hư không là thường nên không có đi, đứng, nằm, ngồi. Phật có đi, đứng, nằm, ngồi, nên là vô thường.

“Pháp thường trụ không có nơi chốn, phương hướng. Vì hư không là thường nên không có nơi chốn, phương hướng. Như Lai xuất thế tại miền Trung Thiên Trúc, đến cư trú nơi thành Xá-bà-đề, hoặc thành Vương Xá, nên là vô thường. Vì những nghĩa ấy nên Như Lai chẳng phải là thường.

“Như Lai cũng chẳng phải vô thường. Vì sao vậy? Vì đã dứt trừ vĩnh viễn sự sanh ra. Pháp có sanh ra là vô thường, pháp không sanh ra mới là thường. Như Lai vốn không sanh ra, nên là thường.

“Pháp thường không có họ tên, pháp có họ tên gọi là vô thường. Như Lai vốn không sanh ra, không có họ tên. Vì không sanh ra, không có họ tên, nên là thường.

“Pháp thường thì có khắp mọi nơi, giống như hư không, không đâu là không có. Như Lai cũng như thế, ở khắp mọi nơi, cho nên là thường.

“Pháp vô thường thì nói rằng chỗ này có, chỗ kia không. Như Lai chẳng phải thế, không thể nói rằng chỗ này là có, chỗ kia là không, cho nên là thường.

“Pháp vô thường thì có lúc là có, có lúc là không. Như Lai chẳng phải như thế, cho nên là thường.

“Pháp thường trụ không có danh, không có sắc. Vì hư không là thường nên không có danh, không có sắc. Như Lai cũng thế, không có danh, không có sắc, cho nên là thường.

“Pháp thường trụ không có nhân, không có quả. Vì hư không là thường cho nên không có nhân, không có quả. Như Lai cũng thế, không có nhân, không có quả, cho nên là thường.

“Pháp thường trụ không bị chi phối bởi ba đời: quá khứ, hiện tại và vị lai. Như Lai cũng thế, không bị chi phối bởi ba đời, cho nên là thường.

“Như Lai chẳng phải hư huyễn. Vì sao vậy? Vì ngài đã dứt trừ vĩnh viễn hết thảy các tâm hư dối, cho nên chẳng phải hư huyễn. Như Lai cũng chẳng phải không là hư huyễn. Vì sao vậy? Có khi Như Lai phân một thân này thành vô số thân; rồi vô số thân lại trở về thành một thân, xuyên thẳng qua núi đồi, vách đá, không có gì chướng ngại; hoặc đi trên mặt nước giống như đất liền; đi xuyên vào đất như vào trong nước; đi trên hư không như trên mặt đất; từ nơi thân ngài phát ra khói lửa như đám cháy lớn; hoặc làm ra mây mưa sấm động, âm thanh khiến người khiếp sợ; hoặc hóa ra thành ấp, làng xóm, nhà cửa, núi sông, cây cối; hoặc hiện thân to lớn, hoặc hiện thân nhỏ bé, hoặc hiện làm đàn ông, đàn bà, trẻ con... Vì thế nên Như Lai cũng chẳng phải là không hư huyễn.

“Như Lai không phải là nhất định. Vì sao vậy? Vì Như Lai ở thành Câu-thi-na này, thị hiện nhập Niết-bàn giữa hai cây sa-la mọc sóng đôi, cho nên không phải là nhất định. Như Lai cũng chẳng phải không nhất định. Vì sao vậy? Vì Như Lai là thường, lạc, ngã, tịnh nên cũng chẳng phải không nhất định.

“Như Lai chẳng phải hữu lậu. Vì sao vậy? Vì Như Lai đã dứt ba món lậu hoặc, nên ngài chẳng phải hữu lậu. Ba món lậu hoặc đó là: (1) Trừ vô minh ra thì tất cả phiền não trong Dục giới gọi chung là dục lậu. (2) Trừ vô minh ra thì tất cả phiền não trong Sắc giới và Vô sắc giới gọi chung là hữu lậu. (3) Vô minh trong ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới gọi là vô minh lậu. Như Lai đã vĩnh viễn dứt trừ ba món lậu hoặc ấy nên chẳng phải là hữu lậu.

“Lại nữa, hết thảy phàm phu không thấy được hữu lậu. Vì sao phàm phu không thấy hữu lậu? Vì hết thảy phàm phu đối với đời vị lai đều có lòng nghi: ‘Trong đời vị lai, ta sẽ được thân chăng? Hay chẳng được thân? Trong đời quá khứ thân vốn đã sẵn có chăng? Hay vốn chẳng có? Trong đời hiện tại, thân này thật có chăng? Hay là không thật có? Nếu thật có bản ngã, thì đó là sắc chăng? Chẳng phải sắc chăng? Vừa là sắc, vừa chẳng phải sắc chăng? Hay là chẳng phải sắc cũng không chẳng phải sắc? Hay là tưởng chăng? Hay chẳng phải tưởng? Hay vừa là tưởng, vừa chẳng phải tưởng? Hay là chẳng phải tưởng cũng không chẳng phải tưởng? Hay thân này phụ thuộc những đối tượng bên ngoài chăng? Hay là không phụ thuộc những đối tượng bên ngoài? Hay vừa phụ thuộc vừa không phụ thuộc? Hay là không phụ thuộc cũng chẳng phải không phụ thuộc? Hay là có mạng sống nhưng không có thân chăng? Hay là có thân nhưng không có mạng sống chăng? Hay là vừa có thân, vừa có mạng sống? Hay là không có thân cũng không có mạng sống? Thân cùng với mạng sống có thường chăng? Hay là vô thường? Hay là vừa thường vừa vô thường? Hay là chẳng phải thường, cũng chẳng phải vô thường? Thân và mạng sống được tạo thành một cách tự do tùy ý chăng? Hay do những điều kiện bên ngoài tạo thành? Không có nhân mà tạo ra chăng? Hay do tánh của thế gian tạo ra? Do bụi bặm tạo ra chăng? Do pháp hoặc chẳng phải pháp tạo ra chăng? Do thần thức tạo ra chăng? Do phiền não tạo ra chăng? Do cha mẹ tạo ra chăng? Bản ngã trụ nơi tâm chăng? Trụ nơi mắt chăng? Ở khắp trong thân chăng? Từ đâu mà đến? Rồi sẽ đi về đâu? Ai là người sanh ra? Ai là người chết đi? Trong đời quá khứ ta là người thuộc dòng bà-la-môn chăng? Thuộc dòng Sát-lợi chăng? Thuộc dòng Tỳ-xá chăng? Thuộc dòng Thủ-đà chăng? Về đời vị lai, ta sẽ làm người thuộc dòng tộc nào? Vào đời quá khứ, thân ta đây là nam chăng? Hay là nữ chăng? Hay là súc sanh? Nếu ta làm việc giết hại thì có tội chăng? Hay là không có tội? Cho đến uống rượu là có tội chăng? Hay là không có tội? Mọi hành vi là do ta tự làm chăng? Hay là do những điều kiện bên ngoài tạo thành? Bản ngã này thọ nhận nghiệp báo chăng? Hay là thân này thọ nhận nghiệp báo?’

“Những chỗ thấy biết nghi hoặc như thế tạo thành vô lượng phiền não che lấp trong tâm chúng sanh. Do những chỗ thấy biết nghi hoặc như thế mà sanh ra sáu thứ tâm: (1) tâm kể chắc là có bản ngã; (2) tâm kể chắc là không có bản ngã; (3) tâm thấy rằng bản ngã là hữu ngã; (4) tâm thấy rằng bản ngã là vô ngã; (5) tâm thấy rằng vô ngã là ngã; (6) và tâm thấy rằng bản ngã tạo tác, bản ngã lãnh chịu, bản ngã nhận biết. Những tâm như thế gọi là tà kiến. Như Lai đã vĩnh viễn nhổ bật vô số cội gốc của những chỗ thấy biết lậu hoặc như vậy. Cho nên Như Lai chẳng phải hữu lậu.

“Thiện nam tử! Đại Bồ Tát ở nơi Đại Niết-bàn tu tập Thánh hạnh cũng vĩnh viễn dứt trừ được những lậu hoặc như thế. Chư Phật Như Lai thường tu Thánh hạnh cho nên không có lậu hoặc.

“Thiện nam tử! Những kẻ phàm phu không chế ngự được năm căn nên có ba sự lậu hoặc, lôi kéo họ đi vào những cảnh giới bất thiện.

“Thiện nam tử! Ví như con ngựa dữ sẵn tánh hung hăng, ngỗ nghịch, có thể khiến cho người cưỡi phải gặp hiểm nguy, tai nạn. Người không khéo chế ngự năm căn cũng vậy, phải lìa xa con đường tốt là Niết-bàn, đi vào những nơi xấu ác.

“Ví như con voi dữ chưa được điều phục, nếu có ai cưỡi lên thì không thể tùy ý điều khiển được, phải lìa xa chỗ thành ấp, đến nơi hoang vắng. Người không khéo chế ngự năm căn cũng vậy, phải lìa xa thành ấp là Niết-bàn, đến những nơi hoang vắng là chốn sanh tử này.

“Thiện nam tử! Ví như kẻ nịnh thần xúi giục vua làm việc ác. Năm căn cũng giống như nịnh thần, thường xúi giục chúng sanh làm vô số việc ác.

“Thiện nam tử! Ví như đứa con xấu ác chẳng nghe theo lời dạy của cha mẹ và các bậc sư trưởng, ắt không có việc ác nào không làm. Người không điều phục năm căn cũng vậy, chẳng nghe theo lời tốt lành của bậc sư trưởng dạy bảo, nên không việc ác nào không làm.

“Thiện nam tử! Kẻ phàm phu không chế ngự năm căn thường phải chịu những sự tàn hại của [các cảnh giới] địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, cũng giống như giặc cướp hung ác làm hại người hiền lành.

“Thiện nam tử! Kẻ phàm phu không chế ngự năm căn, buông thả chạy theo năm trần, giống như mục đồng chẳng khéo giữ trâu, để giẫm hại vào lúa mạ của người khác. Kẻ phàm phu không chế ngự năm căn thường phải ở trong Ba cõi, lãnh chịu nhiều khổ não.

“Thiện nam tử! Đại Bồ Tát khi tu tập Đại Niết-bàn, thực hành Thánh hạnh, thường khéo điều phục và giữ gìn, chế ngự năm căn, chán sợ những sự tham dục, sân khuể, ngu si, kiêu mạn, tật đố, vì muốn đạt được hết thảy mọi pháp lành.

“Thiện nam tử! Nếu người khéo biết giữ gìn năm căn thì chế ngự được tâm. Nếu chế ngự được tâm thì chế ngự được năm căn. Ví như người phò vua thì bảo vệ đất nước. Bảo vệ đất nước là phò tá cho vua. Đại Bồ Tát cũng vậy, nếu nghe kinh Đại Niết-bàn này thì được trí tuệ. Đạt được trí tuệ thì được sự niệm tưởng chuyên nhất. Nếu như năm căn tán loạn, nhờ vào niệm [chuyên nhất] có thể khiến cho dừng lại. Vì sao vậy? Vì có niệm là có trí tuệ.

“Thiện nam tử! Như người chăn trâu giỏi, nếu trâu bỏ chạy sang đông, sang tây mà ăn lúa mạ của người khác, liền chặn giữ lại, không để làm hư hại của người. Đại Bồ Tát cũng vậy, nhờ có niệm và trí tuệ làm nhân duyên nên giữ gìn, chế ngự được năm căn, không để tán loạn. Đại Bồ Tát có niệm và trí tuệ không thấy tướng của mình, không thấy tướng những vật của mình, không thấy có chúng sanh cùng những vật thọ dụng; thấy hết thảy các pháp đều cùng một tướng pháp tánh, từ đó sanh ra các tướng đất, đá, ngói, sỏi... Ví như nhà cửa là do các duyên hợp lại mà sanh chứ không có tánh nhất định; [Bồ Tát] thấy chúng sanh là do bốn đại và năm ấm hợp thành, xét cho cùng không có tánh nhất định.

“Vì [thấy rằng chúng sanh] không có tánh nhất định nên Bồ Tát ở trong các pháp không sanh tâm tham đắm, vướng mắc. Hết thảy phàm phu vì thấy có chúng sanh nên sanh khởi phiền não. Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết-bàn có được niệm và trí tuệ nên đối với chúng sanh không sanh lòng tham đắm, vướng mắc. Lại nữa, Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết-bàn không vướng mắc nơi tướng chúng sanh, tùy ý tạo ra đủ mọi tướng pháp.

“Thiện nam tử! Ví như người họa sĩ dùng đủ các màu vẽ nên mọi hình tượng, hoặc nam, hoặc nữ, hoặc trâu, hoặc ngựa. Kẻ phàm phu ngu si nhìn thấy liền sanh ra các tướng nam, nữ .v.v... Người họa sĩ thì biết rõ trong đó không hề có nam hay nữ.

“Đại Bồ Tát cũng vậy, đối với các tướng khác nhau của pháp đều quán là một tướng, chẳng bao giờ sanh ra tướng chúng sanh. Vì sao vậy? Vì có niệm và trí tuệ.

“Đại Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết-bàn, khi nhìn thấy mỹ nữ xinh đẹp cũng chẳng bao giờ sanh lòng tham đắm, vướng mắc. Vì sao vậy? Vì khéo quán xét hình tướng.

“Thiện nam tử! Đại Bồ Tát biết pháp năm dục không có gì vui, liên tục đổi thay chẳng phút tạm dừng. Người mê đắm năm dục như con chó gặm khúc xương khô, như người cầm lửa đi ngược gió, như con rắn độc nằm trong rương, như những thứ có được trong giấc mộng; như trái cây bên đường nhiều người tranh nhau hái, lại cũng như miếng thịt, cả bầy chim tranh nhau; như bọt nổi trên mặt nước, như dấu vết vẽ lên mặt nước; như đường chỉ dọc dệt xong, như người tử tù bị đưa ra chợ; như vật tạm mượn chẳng dùng được lâu. Bồ Tát quán xét các dục như vậy, có rất nhiều sự xấu xa, tai hại, lầm lỗi.

“Lại nữa, Đại Bồ Tát quán xét thấy các chúng sanh do nơi các nhân duyên hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm nên trong vô số kiếp sống từ trước đến nay thường chịu khổ não. Nếu lấy xương của mỗi chúng sanh trong thời gian một kiếp chất lại sẽ thành đống to như núi Tỳ-phú-la ở thành Vương Xá; lượng sữa đã bú nhiều như nước trong bốn biển, lượng máu từ thân chảy ra lại gấp nhiều lần so với nước trong bốn biển, lượng nước mắt đã khóc vì cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc qua đời cũng gấp nhiều lần so với nước trong bốn biển; nếu lấy hết cây cỏ trên mặt đất để làm thành những thẻ đếm dài bốn tấc, rồi dùng để tính đếm số cha mẹ [trong các đời sống] đã qua cũng không thể tính hết; những nỗi khổ đã phải chịu đựng từ vô lượng kiếp cho đến nay hoặc trong các cảnh giới địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ là không thể kể xiết. [Ví như] vò trái đất này cho thành trái táo vẫn là việc dễ làm hơn nhiều so với việc dứt hết sanh tử!

Đại Bồ Tát quán xét sâu xa như vậy, thấy rằng hết thảy chúng sanh đều do nhân duyên là các mối tham dục mà phải chịu vô số khổ não. Bồ Tát do quán xét kỹ những nỗi khổ trong sanh tử như thế nên không đánh mất niệm và trí tuệ.

“Thiện nam tử! Ví như có một đám đông tụ tập đầy trong khoảng đất hai mươi lăm dặm. Nhà vua truyền cho một bề tôi rằng: ‘Khanh hãy mang một bát đựng đầy dầu đi qua giữa đám đông ấy, đừng cho nghiêng đổ. Nếu để rơi rớt một giọt dầu sẽ bị giết.’ Vua lại sai một người khác cầm đao theo sau đe dọa. Bề tôi ấy vâng lệnh vua, hết lòng giữ vững bát dầu trong khi đi qua đám đông, dù nhìn thấy năm tà dục thích ý nhưng lòng luôn tự nghĩ rằng: ‘Nếu ta buông thả, vướng mắc vào các tà dục ấy thì sẽ làm rơi [hoặc nghiêng đổ] bát dầu đang cầm, ắt không giữ được toàn tính mạng!’

“Người ấy do nhân duyên sợ sệt mà không để rơi dù chỉ một giọt dầu! Đại Bồ Tát cũng vậy, ở trong chốn sanh tử chẳng để mất niệm và trí tuệ. Vì chẳng để mất [niệm và trí tuệ] nên nhìn thấy năm dục cũng không sanh lòng tham đắm vướng mắc. Dù thấy sắc trong sạch cũng không cho đó là tướng sắc, chỉ quán xét là tướng khổ. Cho đến đối với tướng của thức cũng vậy, chẳng khởi tướng sanh, chẳng khởi tướng diệt, chẳng khởi tướng nguyên nhân, chỉ quán xét tướng hòa hợp.

“Khi ấy, năm căn của Bồ Tát đều thanh tịnh. Nhờ năm căn thanh tịnh nên giữ gìn căn bản của giới được trọn vẹn. Hết thảy phàm phu do năm căn không thanh tịnh nên không thể khéo giữ gìn, gọi là các căn có lậu hoặc. Bồ Tát vĩnh viễn dứt trừ nên gọi là không có lậu hoặc. Đức Như Lai đã vượt ra khỏi, vĩnh viễn dứt trừ cội gốc [của lậu hoặc] nên không phải là hữu lậu.

“Thiện nam tử! Lại có trường hợp lìa bỏ lậu hoặc. Vì muốn được món cam lộ vô thượng là quả vị Phật nên Bồ Tát lìa bỏ lậu hoặc xấu ác. Thế nào là lìa bỏ? Nếu có thể tu hành kinh Đại Niết-bàn, sao chép, thọ trì, tụng đọc, giảng thuyết, suy ngẫm nghĩa kinh, đó gọi là lìa bỏ.

“Vì sao vậy? Thiện nam tử! Ta hoàn toàn không thấy trong Mười hai bộ kinh [có một kinh nào khác] có thể giúp lìa bỏ lậu hoặc xấu ác như kinh Phương đẳng Đại Niết-bàn này.

“Thiện nam tử! Ví như bậc thầy hiền thiện dạy dỗ các đệ tử. Trong số các đệ tử ấy, có những người nghe theo lời dạy của thầy thì trong lòng không sinh khởi điều xấu ác. Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn cũng giống như vậy, trong lòng không sinh khởi điều xấu ác.

“Thiện nam tử! Ví như ở thế gian có câu thần chú rất linh nghiệm. Như ai được nghe qua một lần thì trong vòng bảy năm sau đó hết thảy các loại thuốc độc, rắn độc đều không thể làm hại. Nếu ai đọc tụng thần chú ấy thì trọn đời không gặp phải những điều xấu ác.

“Thiện nam tử! Kinh Đại Niết-bàn này cũng vậy. Nếu có chúng sanh nào chỉ được nghe qua một lần thì trong vòng bảy kiếp sau đó không phải rơi vào các đường ác. Nếu có ai sao chép, tụng đọc, giảng thuyết, suy ngẫm nghĩa kinh, ắt sẽ chứng đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, được thấy tánh Phật, cũng như vị Thánh vương kia được món cam lộ.

“Thiện nam tử! Kinh Đại Niết-bàn này có vô lượng công đức như vậy.

“Thiện nam tử! Nếu có ai sao chép kinh này, tụng đọc, giảng thuyết, vì người khác mà nói rộng, suy xét nghĩa kinh, nên biết rằng người ấy thật là đệ tử Phật, khéo vâng theo lời Phật dạy. Ta luôn nhìn thấy người ấy, nhớ nghĩ đến người ấy, người ấy cũng biết rõ rằng ta chẳng nhập Niết-bàn. Người như vậy dù ở nơi nào, hoặc thành ấp, xóm làng, hoặc rừng núi, nơi hoang vắng, trong nhà cửa, vườn ruộng, hay lầu các, cung điện, ta cũng đều có ở nơi đó, thường trụ không dời chuyển. Ta đối với người ấy thường làm người thọ nhận sự cúng thí, hoặc hiện thân tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, bà-la-môn, Phạm-chí hay kẻ bần cùng đi xin ăn.

“Làm sao khiến cho người ấy biết rằng Như Lai thọ nhận những vật người ấy cúng thí?

“Thiện nam tử! Người ấy hoặc khi nằm mộng trong đêm thấy hình tượng Phật, hoặc thấy các hình tượng chư thiên, sa-môn, quốc vương, thánh vương, chúa sư tử, hoa sen, hoa ưu-đàm; hoặc thấy những hình ảnh như núi lớn, nước biển cả, mặt trời, mặt trăng, hoặc thấy voi trắng, ngựa bạch; hoặc thấy cha mẹ, thấy được hoa, quả, vàng, bạc, lưu ly, pha lê v.v... các loại vật báu, hoặc năm món ăn chế biến từ sữa. Khi ấy liền biết được là Như Lai đã thọ nhận đồ cúng thí của mình. Khi tỉnh dậy liền thấy [trong lòng] vui sướng, dần dần có được mọi thứ cần dùng, lòng không nghĩ đến những việc xấu ác, luôn ưa thích việc tu tập các pháp lành.

“Thiện nam tử! Kinh Đại Niết-bàn này có thể thành tựu vô lượng vô biên công đức như vậy, không thể nghĩ bàn.

“Thiện nam tử! Nay ông nên tin nhận lời ta. Nếu có kẻ nam, người nữ nào phát khởi lòng lành muốn được nhìn thấy Phật, muốn cung kính Phật, muốn thể nhập tánh pháp để thấy Phật, muốn đạt được Không định, muốn thấy tướng chân thật, muốn được tu tập phép định Thủ lăng nghiêm, phép định Sư tử vương, muốn phá trừ tám thứ ma - Tám thứ ma đó là: ma phiền não, ma năm ấm, ma chết, ma trời Tha hóa tự tại và [những sự] vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh - hoặc muốn được những sự vui thích trong hai cõi trời người, thì khi thấy có ai thọ trì kinh Đại Niết-bàn này, sao chép, tụng đọc, vì người khác giảng thuyết, suy xét nghĩa kinh, nên đến gần gũi, nương dựa theo người ấy, thưa hỏi và nhận lời dạy bảo, lại cúng dường cung kính, tôn trọng, xưng tán người ấy; vì người ấy mà rửa tay, rửa chân, sắp đặt giường chiếu, cung cấp đủ bốn thứ cần dùng không để thiếu thốn. Nếu người ấy từ xa đến, nên cung kính nghênh tiếp từ xa, ngoài khoảng mười do-tuần. Vì kinh này mà nên mang những đồ vật quý trọng dâng hiến. Như không có gì để dâng hiến thì nên tự bán cả thân mình. Vì sao vậy? Vì kinh này còn khó gặp hơn cả hoa ưu-đàm!

“Thiện nam tử! Ta nhớ lại vào thuở quá khứ, cách nay vô lượng vô biên na-do-tha kiếp. Thuở ấy, thế giới tên gọi là Ta-bà, có đức Phật Thế Tôn hiệu là Thích-ca-Mâu-ni, Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn, vì đại chúng mà tuyên thuyết kinh Đại Niết-bàn này.

“Khi ấy ta nhờ theo những người bạn tốt mà được nghe nói lại rằng đức Phật ấy sẽ vì đại chúng thuyết kinh Đại Niết-bàn. Nghe như vậy rồi, lòng ta lấy làm hoan hỷ, muốn dâng lễ cúng dường, nhưng đang trong cảnh nghèo túng không có vật chi sở hữu, liền muốn tự bán thân mình. Thật không may là chẳng có ai mua cả! Trên đường trở về nhà ta gặp một người, bèn hỏi người ấy: ‘Tôi muốn bán thân, ông có thể mua chăng?’

“Người ấy đáp: ‘Nhà tôi có một việc không ai làm nổi, nếu ông có thể làm thì tôi sẽ mua ông.’

“Ta liền hỏi: ‘Ông có việc gì mà không ai làm nổi?’

“Người ấy đáp: ‘Tôi có bệnh ác nghiệt, thầy thuốc dặn mỗi ngày phải ăn ba lượng thịt người. Nếu ông có thể mỗi ngày lấy ba lượng thịt nơi thân mà cung cấp cho tôi thì nay tôi sẽ trao cho ông năm đồng tiền vàng.’

“Ta nghe vậy rồi lấy làm hoan hỷ trong lòng, liền đáp ngay: ‘Ông hãy trao tiền cho tôi, hẹn trong bảy ngày tôi làm xong công việc sẽ trở lại gặp ông.’

“Người ấy đáp: ‘Bảy ngày thì không được, hãy thỏa thuận thế này: Tôi để cho ông một ngày.’

“Thiện nam tử! Khi ấy ta liền nhận tiền rồi tìm ngay đến chỗ Phật, cúi đầu lễ kính sát dưới chân Phật, đem hết những gì mình có mà phụng hiến; sau đó mới thành tâm lắng nghe và thọ nhận kinh này. Lúc bấy giờ ta thật ngu si tăm tối, tuy được nghe kinh nhưng chỉ có thể thọ trì được mỗi một bài kệ này mà thôi:

Như Lai chứng Niết-bàn,
Trừ dứt vòng sanh tử;
Nếu ai hết lòng nghe,
Được vui chẳng thể lường.

“Thọ nhận bài kệ này rồi, ta trở về tìm đến nhà của người bị bệnh kia.

“Thiện nam tử! Khi ấy tuy mỗi ngày ta đều cắt xẻo cho người ấy ba lượng thịt trên thân mình, nhưng nhờ nhân duyên nhớ tưởng bài kệ trong kinh nên không lấy làm đau đớn, không một ngày nào bỏ sót, cho đến trọn cả một tháng.

“Thiện nam tử! Nhờ nhân duyên ấy nên bệnh của người kia được khỏi; mà thân ta cũng bình phục không có thương tích gì. Bấy giờ, ta thấy thân thể được bình phục hoàn toàn, khỏe mạnh như trước, liền phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Sức [niệm tưởng] một bài kệ [trong kinh] còn được như vậy, huống chi việc thọ trì, đọc tụng trọn đủ bộ kinh? Bởi thấy kinh này có lợi ích như vậy nên ta lại phát tâm rộng lớn hơn, nguyện trong đời vị lai sẽ thành Phật đạo, hiệu là Thích-ca Mâu-ni.

“Thiện nam tử! Nhờ sức nhân duyên của một bài kệ ấy, cho nên ngày nay ta ở giữa đại chúng, vì hàng trời người mà tuyên thuyết trọn vẹn [kinh này].

“Thiện nam tử! Do nhân duyên ấy nên Đại Niết-bàn này là không thể nghĩ bàn; thành tựu vô lượng vô biên công đức, quả thật là kho tàng rất sâu kín của chư Phật Như Lai. Vì nghĩa ấy, người có thể thọ trì kinh này sẽ trừ bỏ, lìa xa mọi lậu hoặc xấu ác. Nói xấu ác tức là [những chỗ] như có voi dữ, ngựa dữ, trâu dữ, chó dữ, rắn độc, gai góc và đất đai độc hại, vách núi chơi vơi, đồi cao dốc hiểm, xoáy nước hung bạo, hoặc có những người ác, cõi ác, thành ác, nhà ác, bạn ác... Những điều như vậy, nếu là nhân sanh ra lậu hoặc thì Bồ Tát liền lìa bỏ; nếu không thì Bồ Tát không lìa xa. Nếu những điều ấy làm tăng thêm lậu hoặc thì Bồ Tát liền lìa bỏ, nếu không thì Bồ Tát không lìa xa. Nếu những điều ấy tạo thành việc xấu ác, Bồ Tát liền lìa bỏ; nếu có thể tạo thành việc lành thì Bồ Tát không lìa xa.

“Thế nào lìa xa? [Đó là nói việc] không cầm dao gậy, thường dùng phương tiện là trí tuệ chân chánh mà lìa xa [những thứ ấy], nên gọi là lìa xa nhờ trí tuệ chân chánh. Vì muốn sanh khởi các pháp lành nên lìa xa các pháp xấu ác.

“Đại Bồ Tát tự quán xét [tướng trạng] thân mình như ghẻ độc, như ung nhọt, như kẻ oán thù, như mũi tên đâm vào thân. Đó là nơi các nỗi khổ lớn đều tụ họp, là cội gốc của hết thảy mọi sự thiện ác.

“Tuy xét nghĩ đến thân này là bất tịnh như vậy, nhưng Bồ Tát vẫn chăm sóc nuôi dưỡng. Vì sao vậy? Không phải vì tham tiếc cái thân, mà vì các pháp lành; vì Niết-bàn, chẳng vì sanh tử; vì thường, lạc, ngã, tịnh, chẳng vì vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh; vì đạo Bồ-đề, chẳng vì đạo trong ba cõi; vì một thừa duy nhất [là Phật thừa], chẳng vì ba thừa [phương tiện]; vì thân vi diệu có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thậm chí chẳng vì thân ở cõi trời Phi hữu tưởng phi vô tưởng; vì làm đấng Pháp luân vương, chẳng vì làm Chuyển luân vương.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát thường nên gìn giữ, bảo vệ thân này. Vì sao vậy? Nếu chẳng giữ gìn, bảo vệ thân này thì không giữ được mạng sống. Nếu mạng sống không giữ được thì không thể sao chép kinh này, thọ trì, tụng đọc, vì người khác giảng rộng, suy xét nghĩa kinh. Vì thế, Bồ Tát nên khéo giữ gìn, bảo vệ thân thể. Vì nghĩa ấy, Bồ Tát lìa xa hết thảy các lậu hoặc xấu ác.

“Thiện nam tử! Như người muốn qua sông phải khéo giữ gìn, bảo vệ thuyền bè; kẻ sắp đi xa phải khéo bảo vệ con ngựa hay; người làm ruộng gieo giống phải khéo giữ gìn phân bón; như vì trị độc phải khéo giữ con rắn độc; như người vì của cải phải nuôi giữ kẻ chiên-đà-la; như vì trừ bọn giặc cướp phải nuôi dưỡng các dũng sĩ tráng kiện; lại cũng như kẻ bị lạnh thích giữ ngọn lửa; như kẻ bệnh hủi phải tìm món thuốc độc; Đại Bồ Tát cũng vậy, tuy thấy rõ thân này chất chứa đầy dẫy vô số những điều bất tịnh, nhưng vì muốn thọ trì kinh Đại Niết-bàn nên phải khéo giữ gìn nuôi dưỡng, không để cho có sự mỏi mệt, thiếu thốn.

“Vị Đại Bồ Tát quán xét con voi dữ và bạn xấu đều chẳng khác gì nhau. Vì sao vậy? Vì cả hai đều làm hại thân mình. Đại Bồ Tát đối với voi dữ không có lòng khiếp sợ, nhưng đối với bạn xấu lại sanh lòng sợ hãi. Vì sao vậy? Loài voi dữ chỉ làm hại thân thể, chẳng làm hại được tâm mình; người bạn xấu làm hại đến cả thân và tâm. Loài voi dữ chỉ làm hại được một thân trong kiếp này; người bạn xấu làm hại cả vô số thân lành, vô số tâm lành. Loài voi dữ chỉ có thể phá hoại thân thể hôi thối bất tịnh này thôi; người bạn xấu có thể làm hại cả thân trong sạch và tâm trong sạch. Loài voi dữ chỉ có thể phá hoại thân xương thịt này thôi; người bạn xấu có thể phá hoại cả pháp thân. Bị voi dữ giết chết không rơi vào ba đường ác; bị người bạn xấu hại chết ắt phải rơi vào ba đường ác. Loài voi dữ chỉ là kẻ thù của thân xác mà thôi; người bạn xấu là kẻ thù của các pháp lành. Vì thế nên Bồ Tát thường lìa xa những bạn xấu.

“Kẻ phàm phu chẳng lìa bỏ những lậu hoặc ấy nên sanh ra lậu hoặc. Bồ Tát lìa bỏ nên không sanh ra lậu hoặc. Vị Bồ Tát như vậy còn không có lậu hoặc, huống chi là đức Như Lai? Cho nên Như Lai chẳng phải là hữu lậu.

“Thế nào là gần gũi với lậu hoặc? Hết thảy phàm phu đều nhận giữ lấy y phục, thức ăn, giường ghế, thuốc thang. Vì sự vui sướng của thân tâm nên mong cầu những thứ như vậy, làm mọi việc xấu ác, không biết chỗ lỗi lầm, phải luân hồi trong ba đường ác. Vì thế nên gọi là lậu hoặc.

“Đại Bồ Tát thấy rõ sự lỗi lầm như vậy nên lìa xa. Khi cần y phục liền nhận lấy y phục, chẳng phải vì thân mình, chỉ là vì pháp; chẳng nuôi lớn lòng kiêu mạn, tâm thường khiêm nhượng, hạ mình; chẳng vì sự trang điểm xinh đẹp, chỉ vì hổ thẹn, vì tránh sự nóng lạnh, vì ngăn cản gió độc, mưa dữ, trùng độc, muỗi mòng, ruồi nhặng, rắn rết, bò cạp [mà nhận lấy y phục].

“Bồ Tát tuy nhận lãnh các thức ăn uống nhưng lòng không tham đắm; chẳng vì thân mình, thường vì Chánh pháp; chẳng vì da thịt, chỉ vì chúng sanh; chẳng vì lòng kiêu mạn, chỉ vì sức khỏe; chẳng vì tâm oán hại, chỉ vì đỡ đói. Dù được món ăn ngon cũng không có lòng tham đắm.

“Bồ Tát khi nhận lãnh chỗ ở cũng vậy, chẳng để trong lòng có sự trói buộc của tham lam, kiêu mạn; lấy đó làm căn nhà Bồ-đề để ngăn dứt giặc phiền não; vì che chắn gió độc, mưa dữ mà nhận lãnh chỗ ở.

“Bồ Tát cầu được thuốc thang, trong lòng cũng không tham lam, kiêu mạn; chỉ vì Chánh pháp, chẳng phải vì mạng sống mà muốn sống lâu.

“Thiện nam tử! Ví như người có ung nhọt, dùng bột cám rang xốp đắp lên, lấy vải bó lại. Vì máu mủ chảy ra nên phải dùng bột cám rang xốp đắp lên để rút khô; vì muốn cho nhọt lành nên dùng thuốc rắc lên; vì tránh gió độc nên ở trong nhà kín.

“Đại Bồ Tát cũng vậy, quán xét thân là ung nhọt nên phải dùng y phục che kín; vì chín lỗ nơi thân chảy ra chất dơ nhớp nên phải cần món ăn thức uống; vì có gió độc, mưa dữ nên nhận lãnh chỗ trú ngụ; vì bốn thứ độc phát ra nên phải tìm cầu thuốc thang. Bồ Tát nhận lãnh bốn món cúng dường là vì đạo Bồ-đề, không vì mạng sống.

“Vì sao vậy? Đại Bồ Tát suy xét rằng: ‘Nếu ta không nhận bốn món cúng dường này, thân thể ắt phải hao mòn, diệt mất, không được bền chắc. Nếu thân này không được bền chắc, ắt không nhẫn chịu được khổ. Nếu không nhẫn chịu được khổ, ắt không thể tu tập vô lượng pháp lành. Nếu ta không nhẫn chịu được các nỗi khổ thì đối với những cảm thọ khổ liền sanh lòng giận tức; đối với những cảm thọ vui liền sanh lòng tham đắm, vướng mắc. Nếu cầu sự vui không được ắt sanh ra vô minh.’

“Vì thế nên phàm phu đối với bốn món cúng dường sanh ra lậu hoặc. Đại Bồ Tát có thể quán xét sâu xa nên không sanh ra lậu hoặc. [Vì thế,] Bồ Tát còn được gọi là vô lậu, làm sao Như Lai có thể là hữu lậu? Vì thế mà Như Lai không gọi là hữu lậu.”

Chapter Twenty-Seven: Bodhisattva Highly-Virtuous King

"O good man! How does a Bodhisattva-mahasattva practise the Way of Great Nirvana and hear what has not been heard? What the 12 types of sutra state is profound in meaning, unheard since of old. Now, solely in this sutra, we fully hear well. We heard about this before. But what was heard was the name only. Only in this Great Nirvana Sutra do we hear about the meaning. Sravakas and pratyekabuddhas only hear the names of the 12 types of sutra, but not about the menaing. Now, in this sutra, we hear fully. This is why we speak of hearing what has not been heard [before]. "O good man! “In the sutras of the sravakas and pratyekabuddhas, we did not hear that the Buddha was the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure, and that there is no extinction; that there is no difference between the Three Jewels and the Buddha-Nature, and that the Buddha-Nature is even in those who have performed the four grave offences, the slanderers of the vaipulya, and those who have committed the five deadly sins. But now, in this sutra, we hear this." This is what we call hearing what has never been heard before.

Chapter Twenty-Eight:
Bodhisattva Highly-Virtuous King (b)


Bodhisattva-mahasattva All-Shining Highly-Virtuous King said to the Buddha: "If those who have performed the grave offences, those who have slandered the vaipulya sutras, those who have committed the five deadly sins, and the icchantika [all] have the Buddha-Nature, why then do they fall into hell? O World-Honoured One! If they have the Buddha-Nature, why do we say that there is no Eternal, Bliss, Self, and Purity [with them]? O World-Honoured One! If one who has cut off the root of good is an icchantika, why is it that, when cutting off the root of good, the root of the Buddha-Nature is not cut off? If the Buddha-Nature is cut off, how can we talk of the Eternal, Bliss, Self, and the Pure? If there is no such cutting off, why do we speak of the "icchantika"? O World-Honoured One! Those who have committed the four grave offences are called persons not fixed. Those slanderers of the vaipulya sutras, those who have committed the five deadly sins, and the icchantika are termed those who are not fixed. If such as these are to become fixed, how can they attain unsurpassed Enlightenment? Even those who have attained such stages as srotapanna up to pratyekabuddha are likewise called persons not fixed. Even if those who are at the stages of srotapanna up to pratyekabuddha can indeed become fixed, they can never attain unsurpassed Enlightenment. O World-Honoured One! If those persons who have committed the four grave offences are those not fixed, those of the stages of srotapanna up to pratyekabuddha are also those not fixed. If they are to be called non-fixed, the All-Buddha-Tathagata must also be non-fixed. If the Buddha is one not fixed, the body and nature of Nirvana, too, must be called not-fixed. Even all laws [dharmas], too, must be called not-fixed. Why not-fixed? When the icchantika makes away with the icchantika [within], he can attain Bodhi [Enlightenment]. The same must be the case with all Buddhas. Even though entering Nirvana, they might come back and not enter Nirvana. If things proceed thus, we can say that the nature of Nirvana is not fixed. Not being fixed, there can never be the Eternal, Bliss, Self, and the Pure. How can we say that the icchantika and others can reach Nirvana?"

Then the World-Honoured One said to Bodhisattva-mahasattva All-Shining Highly- Virtuous King: " Well said, well said! To benefit and give peace to innumerable beings, to pity all the world, to augment the practice of the Way of all Bodhisattvas who aspire to Bodhi, you put these questions. O good man! You have, in your past, already drawn near to an in-numerable number of all Buddhas and have cultivated, at the places of all Buddhas, all good deeds. You have long accomplished the virtue of Bodhi, subdued and driven away all Maras. You have already taught innumerable beings and enabled them to attain unsurpassed Bodhi. You have for a long time fathomed the very deep and closely-guarded store of Dharma of the All-Buddha-Tathagata, and you have put such questions to all the Buddha-Tathagatas of the past as many as the sands of innumerable and boundless Ganges. I have never until now met any human, god, sramana, Brahmin, Mara, or Brahma who has put such questions to the Tathagata. Now, listen carefully, listen carefully. I shall now explain clearly.

"O good man! The icchantika is not fixed. If fixed, he could not gain unsurpassed Enlightenment. As he is not yet fixed, he can indeed gain it.

"You say that unless he has cut off the Buddha-Nature, how could an icchantika cut off the root of all good?

"O good man! There are two kinds of root of good. One is internal, and the other external. The Buddha-Nature is neither internal nor external. Because of this, there is no cutting off of the Buddha-Nature. Also, there are two kinds. One is defiled, and the other undefiled. The Buddha-Nature is neither defiled nor non-defiled. Because of this, there is no cutting off. Also, there are two kinds. One is eternal, and the other is non-eternal. The Buddha-Nature is neither eternal nor non-eternal. Because of this, there is no cutting off. If cut, it will come back again and be gained again. If it comes back and cannot be gained, this is non-cutting. If what is gained is cut off, this is an icchantika. A person who performs the four grave offences is also one not fixed. If fixed, one who has performed the four grave offences could not gain unsurpassed Bodhi. One who slanders the vaipulya is also not fixed. If fixed, the slanderer could not attain unsurpassed Bodhi. One who has committed the five deadly sins is also not fixed. If fixed, such a one would not be able to attain unsurpassed Bodhi. Matter and the characteristics of matter, too, are both not fixed. The characteristics of smell, taste, touch, those of birth, up to those of ignorance, those of the five skandhas, the 12 spheres and 18 realms [of sensory experience], those of the 25 existences, the four lives, even down to all existences, are not fixed either. O good man! For example, a conjuror can present to the eyes of the people the four military forces of infantry, chariots, elephants, and horses; he conjures up all kinds of garlands, body adornments, castle-towns, villages, mountains, forests, trees, springs, ponds, rivers and wells. Of the onlookers, the little children who have not much intellect will think that all these are real, but those of intelligence will know that all is sheer untrue illusory allure, which cheats a person’s eyes. O good man! It is the same with all common mortals up to sravakas and pratyekabuddhas, who think that there are fixed states in all things. All Buddhas and Bodhisattvas do not see any fixed state in any thing. O good man! For example, it is as with children who, in the mid-summer months, see a mirage of hot times and say that it is water, whereas one with discernment will never entertain in this mirage any thought of water, knowing that this is nothing but a mirage that cheats men’s eyes and that it is not water. The same is the case with all beings, sravakas and pratyekabuddhas, who see all things and say that they are all real. All Buddhas and Bodhisattvas do not see any fixed state in anything. O good man! For example, in the mountain valleys, the human voice generates an echo. A child hears this and says this is an actual voice, whereas one with intelligence will say that there is nothing real therein; what there is there is merely the characteristics of a voice which cheats the ear consciousness. O good man! It is the same with all beings, sravakas, and pratyekabuddhas, who see fixed characteristics in all things, whereas all Bodhisattvas and others think that all things have no fixed states and that all are non-eternal, void, and all-equal and have no birth or death. Hence, the Bodhisattva sees that all things are non-eternal.

"O good man! “There are also fixed states. How fixed? These are the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure. Where are they? There where there is Nirvana."

"O good man! The fruit of attainment of the srotapanna, too, is not one that is fixed. Being not fixed, only after 80,000 kalpas can he attain unsurpassed Bodhi. The state of sakrdagamin is not fixed either. Not being fixed, such a person attains unsurpassed Bodhi after 60,000 kalpas. That of anagamin is also not fixed. Not being fixed, such a one attains unsurpassed Bodhi after 60,000 kalpas. That of the arhat, too, is the same. Not being fixed, he gains the unsurpassed Bodhi mind after 20,000 kalpas. It is the same with the fruition of the pratyekabuddha. Not being fixed, he attains the unsurpassed Bodhi mind only after 10,000 kalpas.

"O good man! The Tathagata now reclines at Kusinagara between the twin sal trees, in the posture of a lion, and shows himself as entering Nirvana, and all those disciples of his who have not yet attained arhatship and all Mallas are smitten with great apprehension and sorrow. Also, devas, humans, asuras, gandharvas, garudas, kimnaras, mahoragas, and others make great offerings. All people are now ready to burn him with 1,000 “tans” [one “tan” = either 16, 20, or 60 feet] of finely woven woolen cloth, in which to wrap his body and lay him in a coffin of seven gems, embalmed with fragrant oil and covered over with all kinds of fragrant wood. Only two tans cannot be burnt off. One is that which is closest to the body, and the other is what is outermost. Among all the people, his remains are to be divided into eight parts. All his sravakas say that the Tathagata now enters Nirvana. Know that the Tathagata definitely does not enter Nirvana. Why not? Because the Tathagata is Eternal, and there is No Change that comes about [with Him]. Hence, the Tathagata’s Nirvana is also not fixed. O good man! Know that the Tathagata, too, is not fixed. The Tathagata is no deva. Why not? There are four heavens, namely: 1) worldly heaven, 2) sentient’s heaven, 3) purity heaven, and 4) meaning heaven. The worldly heaven is as in the case of the king. The sentient’s heaven is like that of the four guardians of the earth up to Thoughtlessness-non-Thoughtlessness Heaven.

Purity Heaven is for those from srotapanna up to pratyekabuddha. The Heaven of Meaning is for the Bodhisattva-mahasattvas of the stage of the ten abodes [“bhumis”]. Why do we call the Bodhisattva of the ten abodes the Heaven of Meaning? Because he well grasps the meaning of all things. What do we mean by meaning? Meaning here betokens seeing that all things are void.

"O good man! The Tathagata is no king, nor of the class of the four guardians of the earth, nor of that of Thoughtlessness-non-Thoughtlessness Heaven, nor of the class of srotapanna, pratyekabuddha, or the Bodhisattva of the stage of the ten abodes. Thus the Tathagata is no deva. But all beings call the Tathagata the deva of devas. Hence, the Tathagata is no deva, no non-deva, no human, no non-human, no demon, no non-demon, no hell-dweller, animal or hungry ghost; nor is he no hell-dweller, animal or hungry ghost. He is no being; he is no dharma, and not no dharma. He is not matter [“rupa”] and not non-matter. He is not tall, not non-tall, not short, not non-short. He is non-phenomenal, not non-phenomenal, not mind, not non-mind. He is not anything defiled, nor is he non-defiled. He is uncreated, and not uncreated. He is non-Eternal, not non-Eternal, no phantom, not no-phantom. He is no name and is not no name; not fixed, and not non-fixed. He is not "is", nor "is-not", not a sermon, nor a non-sermon. He is no Tathagata, and not no Tathagata. Hence, the Tathagata is not one fixed.

"O good man! Why do we not call the Tathagata "worldly deva"? The worldly deva is the king. The Tathagata has for innumerable kalpas abandoned the kingly state. So he is no king. We say that he is not a non-king. He was born in the royal house of Kapilavastu. So, he is not a non-king. He is no sentient-heaven deva. For he has long since renounced any form of existence. So he is no sentient-heaven deva. He is not no sentient-heaven deva. Why not? He ascended to Tushita Heaven and came down to Jambudvipa. So the Tathagata is not no sentient-heaven deva. He is no purity deva. Why not? Because the Tathagata is no srotapanna up to pratyekabuddha. The Tathagata is not no purity deva. Why not? Because he is not one defiled by the eight things of the world [i.e. profiting; weakening; breaking up; honour; praising; slandering; pain; and pleasure] and is like the lotus, which is not tainted by muddy water. Hence, the Tathagata is not no purity deva. Also, he is no deva of meaning. Why not? Because the Tathagata is no Bodhisattva of the grade of the ten abodes. For this reason, the Tathagata is no deva of meaning. Nor is he not a deva of meaning. Why not? Because the Tathagata always practises the meanings of the 18 shunyatas [emptinesses]. Hence, the Tathagata is not no deva of meaning. “The Tathagata is not a human. Why not? Because he has been far removed from existence as a human for innumerable kalpas. Hence, he is no human. He is no non-human. Why not? Because he was born in Kapilavastu. The Tathagata is no devil. Why not? Because he does not cause any harm to any being. Because of this, he is no devil. Also, he is not no devil. Why not? For he teaches beings, transformed as a devil. The Tathagata is also no hell-dweller, animal, or hungry ghost. Why not? Because the Tathagata has long been segregated from all evil deeds. Hence, he is no hell-dweller, animal or hungry ghost. Also, he is not no hell-dweller, animal or hungry ghost. Why not? Because the Tathagata also transforms himself into the three unfortunate realms and saves beings. Hence, he is not no hell-dweller, animal or hungry ghost. Also, he is not of beings. Why not? Because he has long since abandoned the nature of beings. Thus he is not of the beings. Nor is he a non-being. Why not? For, at times, he speaks of “[i.e. assumes]” the characteristics of a being. Hence, the Tathagata is not a non-being. The Tathagata is not any dharma. Why not? Because all existences have different characteristics. It is not thus with the Tathagata. He has one characteristic. Hence, he is no dharma and no non-dharma. Why not? Because the Tathagata is the Dharma-World. Hence, he is not any non-Dharma. The Tathagata is not a body. Why not? Even the ten categories of the body [i.e. the five sense-organs and the five sense-fields] cannot take him in “[encompass him]”. That is why he is not a body. And he is not no body. Why not? Because he has on his body the 32 signs of perfection and the 80 minor marks of excellence. Hence, he is not no body. The Tathagata is not tall. Why not? Because he stands above all kinds of form. Hence, he is not what is tall.

Nor is he not-tall. Why not? Because the world cannot see such a characteristic as the knot of hair on his head. For this reason, he is not not-tall. The Tathagata is not what is short. Why not? He is long segregated from the bond of arrogance. Hence, he is not what is short. Also, he is not not-short. Why not? Because he manifested before the rich man, Kokila, a body of three feet “[i.e. the body of a child said to have been projected so as to teach Kokila]”. Hence, he is not not-short. The Tathagata is not of the phenomenal. Because he is long segregated from any phenomenal aspect. Hence, not phenomenal. Also, he is not non-phenomenal. Why not? Because he thoroughly knows all phenomena. Hence, he is not non-phenomenal. Why not? Because he is like space. Hence, no mind. Also, he is not no-mind. Why not? Because he has the 10 mental powers [“dashabala”]. And also because he can thoroughly fathom what is in the mind of any being. Hence, he is not no-mind. The Tathagata is not one created. Why not? Because of the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure. For this reason, he is not one who has been created. Also, he is not one-not-created. Why not? Because he manifests himself as coming, going, sitting, lying, and in Nirvana. Hence, he is not not-created. The Tathagata is not Eternal. Why not? Because he has parts in body [a physical body and its parts]. Hence, non-eternal. Why is he non-eternal? Because he has intellect. What is Eternal does not have intellect, as in the case of space. The Tathagata has intellect. So, he is not eternal. How is he not eternal? Because he has language and speaks. What is Eternal has no language; it is like space. The Tathagata has language. Hence, non-eternal. He has a family name. So he is non-eternal. What possesses no family name is the Eternal. Space is eternal, as it has no family name. The Tathagata has the family name of Gautama. Hence, he is not eternal. As he has parents, he is not eternal. That without parents is Eternal. Space is Eternal, so it has no parents. The Buddha has parents. Hence, non-eternal. He has four deportments [postures, i.e. lying, sitting, standing, walking]. Hence, non-eternal. What has no four deportments is Eternal. Space is Eternal, as it has no four deportments. The Buddha has four deportments. Hence, non-eternal. What is Eternal has no [confined] direction or place to dwell. Space is Eternal, so it has no direction or place to tell of. The Tathagata appeared in East India and lived in Sravasti and Rajagriha. Hence, he is non-eternal. For this reason, the Tathagata is not eternal. Also, he is not non-eternal. Why not? Because he has eternally cut off life. What has life is non-eternal; what has no life is Eternal. The Tathagata has no life. Hence, Eternal. What is Eternal has no family name; what has a family name is non-eternal. The Tathagata has no life and no family name. With no life and family name, he is Eternal. “What is Eternal fills all places as in the case of space, which has no place where it does not exist. The same is the case with the Tathagata. He exists everywhere. Hence, He is Eternal.” What is non-eternal calls this "is" and the other "not-is". The case of the Tathagata is not so. We cannot speak here of "is" and there of "not-is". Hence, Eternal. With the non-eternal, things at times obtain as "is" and at times as "not-is". With what applies to the Tathagata, there is no saying, at times, of "not-is". Hence, Eternal. What is Eternal has no name and no form. Since space is Eternal, it has no name or form. The Tathagata, too, is nameless and formless. Hence, Eternal. What is Eternal has no cause and no result. As space is Eternal, it has no cause and no result. The Tathagata, too, has no cause and no result. Hence, Eternal. What is Eternal is not related to the Three Times. It is the same with the Tathagata. He has nothing to do with the Three Times. Hence, Eternal. The Tathagata is no phantom. Why not? He is eternally segregated from any thought of deceiving. Hence, he is no phantom. Also, he is not a non-phantom. He at times splits up one body into innumerable bodies and [merges] innumerable bodies into one. He passes through mountain walls and nothing can obstruct him. He walks upon water as if on [solid] ground. He goes down into the ground as though into water, and he moves through the air as if on the ground. His body emits fire like a great fire-ball. Cloud and thunder shake, and fearful is the sound. At times, he becomes like a castle-town, a village, a house, a mountain, a river or a tree. At other times he manifests himself in a big body, or at times in one small. He becomes a male, a female, a male or female child. Hence, the Tathagata is also not a non-phantom. The Tathagata is not one fixed. Why not? Because he manifests himself here at Kusinagara between the twin sal trees as [about to] enter Nirvana. Hence, he is not fixed. “Also, he is not nonfixed. Why not? Because he is the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure.” For this reason, the Tathagata is also not non-fixed. The Tathagata is not one who leaks out defilement. Why not? Because he is segregated from the three defilements. The three defilements are: 1) defilements of the kamadhatu [Realm of Desire], except for ignorance, which are the defilements of desire, 2) defilements of the rupadhatu and arupadhatu [Realm of Form, and Realm of Formlessness], excepting ignorance, which are called "is"-defilements, 3) ignorance of the three worlds, which is the defilement of ignorance. The Tathagata is eternally segregated from these. Hence, he leaks out no defilement.

"Also, next, all beings do not see the defilement of " is". Why do all beings not see the " is" defilement? All beings have doubts regarding things to come in the future, namely: Will they have a body or not in the future? Was there a body or not in the past? Do they have a body or not in the present life? If there is the Self, is it a form or non-form? Is it form-non-form? Is it non-form and not-non-form? Is it perception or non-perception, or perception and non-perception? Is it non-perception and non-non-perception? Does this body belong to any other person or does it not? Is it that which belongs to others or that which does not belong to others, or is it that which does not belong to others, or is it one that does not belong to others. Is it one with life, but not a carnal body? Is it one that is a carnal body, but without life? Is it one that has a carnal body and life? Is it one that has no body and no life? Is it a carnal body, life, and one that is eternal? Or is it one that is non-eternal? Is it non-eternal, or eternal and non-eternal? Is it one that is non-eternal and not non-eternal? Are the body and life the works of Isvara? Or are they the work of time? Are they a work without cause? Are they the work of the “prakriti” [primordial matter, or world-nature]? Are they the work of motes? Are they the work of law or non-law? Are they the work of man? Are they the work of illusion? Are they the work of father and mother? Does it [the Self] live in one’s own mind? Or does it dwell in the eye? Or does it fill the whole body? Where does it come from and where does it go to? Who is it indeed that is born and who is it who dies? Was one in the past a Brahmin, a Kshatriya, a Vaishya, or a Sudra? What caste will one gain in the future? Was my body in the past that of a male, female, or an animal? Do I commit a sin if I take life, or is it nothing of the kind? Is it a sin if I drink alcohol, or is it nothing of the kind? Is it the case that it [karma] is one’s own making, or is it what is done by others? Do I receive karmic results, or do I contract them in my carnal self? Such doubts and innumerable illusions spread over beings’ minds. From these doubting views there come the six minds, which think: 1) Self definitely exists, 2) Self definitely does not exist, 3) temporary Self is the true Self, 4) no Self exists other than the temporary Self, 5) the true Self exists other than the temporary Self, 6) the Self which is the skandhas does, receives and knows. All of these are twisted views of life. The Tathagata has long since extracted the innumerable roots of views and defilements. Hence, he leaks out no defilement. O good man! The Bodhisattva-mahasattva who practises the holy actions of Great Nirvana is able eternally to make away with all such defilements. The All-Buddha-Tathagata always practises holy actions. Hence, no defilements exist [with him].

"O good man! Common mortals cannot easily suppress the five sense-organs. So there are the three defilements, by which they are drawn to evil and go to unwelcome places. O good man! A bad horse, for example, twisted in its nature, carries a person on its back to unsafe places. It is the same with the man who does not have good control of his five sense-organs and who departs from the good Way to Nirvana and gains birth in all kinds of unfortunate realms. For example, an evil-minded elephant not yet broken in will not carry the rider to where he desires to go, and will leave the castle-town and seek the wilderness. It is the same with the person who does not have good control over the five sense-organs. This carries him away from the castle-town of Nirvana into the great stretch of wasteland of birth and death. O good man!This is as in the case of a minister of twisted mind who makes the king do evil. It is the same with the minister of twisted mind of the five sense-organs. He always teaches people to do innumerable evil things. O good man! This is similar to a bad son, who, if not taught by teachers, elders and parents, will always commit evil deeds. So do things obtain with one who does not have control over the five sense-organs. Such a person does not give ear to the good injunctions of teachers and elders, and there is no end of evil he will not do. O good man! Common mortals do not have control over their five sense-organs and always suffer from the robbers of hell, animals, and hungry ghosts. Also, the [manifold] harm of the malignant robbers extends even to good people. O good man! As common mortals do not have control over the five sense-organs, the storms of the five dusts [i.e. of the five sense-fields] overtake them. For” “example, if pasture cows are not well guarded, they will ravage the seedlings and plants that have been cultivated. Common mortals do not have control over their five desires and suffer variously.

"O good man! When the Bodhisattva-mahasattva practises Great Nirvana and holy actions, he always guards his five sense-organs well. He fears greed, anger, ignorance, arrogance and jealousy, because he has to arrive at all good dharmas. O good man! One who guards well the five sense-organs guards well the mind. One who guards well the mind guards well the five sense-organs. For example, when men guard the king, the land is well protected. One who protects the land well guards the king. It is the same with the Bodhisattva-mahasattva. On hearing this Great Nirvana Sutra, one gains Wisdom. Through Wisdom, one gains the exclusive mind. If the five sense-organs are loose-set, the mind ceases to act. Why? Because of the Wisdom of mindfulness. O good man! This is as in the case of the pastor [pasture-keeper] who checks his cows from going east and west and damaging the crops. It is the same with the Bodhisattva-mahasattva. Working up mindfulness Wisdom, he guards the five sense-organs, so that they will not get out of control. His mindfulness Wisdom sees no form of Self, what comes out of Self, beings or what they enjoy. He sees all things as when he sees “Dharmata” [Essence of Reality], and what he sees is all like the earth, stones, tiles, and gravel. For example, a house comes about by various combinations of elements and not by any fixed nature of its own. He sees that all beings are no other than combinations of the four great elements and the five skandhas and that they have no fixed nature. As there is no fixed nature, the Bodhisattva does not greedily cling. All common mortals think that they exist. So they have the worry of defilement. When the Bodhisattva-mahasattva practises Great Nirvana and has mindfulness Wisdom, he does not cling to any being. Also, next, the Bodhisattva-mahasattva, practising the Great Nirvana Sutra, does not cling to any being or the diverse external forms of things. O good man! For example, a painter uses various colours and paints pictures of men, women, cows, horses, etc. Common mortals, devoid of intelligence, see these and take them to be [real] men, women, etc. But the painter knows that they are not men and women. It is the same with the Bodhisattva-mahasattva. In the various aspects of things, he sees only the aspect, but never many forms of beings, right to the end. Because he has mindfulness Wisdom. The Bodhisattva-mahasattva, as he practises Great Nirvana, might see a beautiful woman. But, to the end, he does not gain a clinging thought. Why not? Since he thoroughly looks into what meets his eye. O good man! The Bodhisattva-mahasattva knows that there resides no pleasure in the five desires and that joy never endures [there]. This is like a dog that bites at a dead bone; like a man holding fire against the wind; a cask of venomous serpents gained in a dream; fruit-trees on the wayside which easily get struck by many people; a piece of meat for which many birds compete; foam on water; the warp of a woven piece of cloth which has now come to an end; a prisoner having to go to a prison citadel - or whatever is temporary and cannot endure long. Thus, desires are meditated upon and [it is seen] that there is much that is wrong.

"Also, next, the Bodhisattva meditates on all beings. Connected with colour, smell, taste and touch, there has always been worry for innumerable kalpas. The size of the bodies and bones which each being heaps up during a kalpa is as great as Vipula Hill in Rajagriha; the milk taken is as much as the water of the four seas. And the blood shed is much more than this. The tears shed by parents, brothers, wife, children and relatives at the moment of death is more than the waters of the four oceans. We could cut all the plants of the earth and make counting sticks of an inch long and count the number of parents, and yet we would not be able to reach the end of counting. It is not possible fully to count the sorrows experienced in the realms of hell, animals, and hungry ghosts. We could cut the great earth into pieces as small as dates. Yet birth and death proceed unendingly and cannot be counted. The Bodhisattva-mahasattva meditates deeply on the unending sorrows which all beings experience in life because of desires. The Bodhisattva-mahasattva does not lose [his] mindfulness Wisdom, because of the sorrows of birth and death. O good man! As an example: people fill an area of 25 square “lis” [1,894 ft]. The king commands a minister: "Carry a pot full of oil, go through the crowd, but do not let a drop fall to the ground. If a drop does fall, you will forfeit your life." Also, a man follows behind with an unsheathed sword, to frighten him. The minister, strictly observing the royal injunction, passes through the great crowd of people. When he sees the objects of the five desires, he always says to himself: " If I am indolent and cleave to wrong desires, I shall certainly drop what I am holding in my hands and lose my life." Due to this fear, the man does not spill even a single drop of oil.” “It is the same with the Bodhisattva-mahasattva. Amidst birth and death, he does not lose [his] mindfulness Wisdom. Not losing this, his mind does not greedily adhere to the five desires, even when he sees them. He sees a pure colour, but no colour appears there; what he sees is a scene of suffering. This extends down to consciousness. He does not see birth, extinction, or cause. What he sees is a phase in the process of elements conjoining. The five sense-organs of the Bodhisattva are pure. As his sense-organs are pure, those sense- organs are fully protected. The sense-organs of common mortals are not pure. So upholding [of moral purity] cannot proceed well. Therefore, we say that the root secretes defilement. With the Bodhisattva, such secretions are eternally done away with. So we speak of "non-secretion". With the Tathagata, this [secretion of defilement] has been eternally excised. Hence, non-secretion.

"Also, next, O good man! There is a segregation of secretion. The Bodhisattva wishes to substantiate the Buddha Realm of unsurpassed amrta [immortality] and abandons evil secretions. How does he segregate [them]? He thoroughly practises the Great Nirvana Sutra, writes, copies, upholds, recites and expounds it, and thinks over its meaning. This is segregation. Why? O good man! I have not encountered a case of the 12 types of sutra, as with this vaipulya Great Nirvana Sutra, where one so thoroughly segregates oneself from evil secretions. O good man! As an illustration: a learned teacher teaches his disciples. One amongst them learns well what is taught and is not evil in mind. It is the same with the Bodhisattva who practises the allwonderful Sutra of Great Nirvana and who has no evil in his mind. O good man! For example, there is a wonderful charm. Once employed, it renders one immune to poison for 20 years, and a serpent cannot sting one. If one recites the charm, one will have no occasion to suffer from it [i.e. any poison] for the duration of one’s life. It is the same with this Great Nirvana Sutra. If one once gives ear to it, for seven kalpas to come one will not fall into the unfortunate realms. If one copies, recites, expounds it, and meditates on its meaning, one will unfailingly attain unsurpassed Enlightenment. This is like the case of a Chakravartin who arrives at amrta [immortality] when he sees the pure state of the Buddha-Nature. O good man! There are such innumerable virtues in this Great Nirvana. O good man! Anyone who copies, recites, expounds and explains it to others, and meditates on the meaning is, you should know, my true disciple. And he follows my Way well. This is what I see and what I pray for. Such a person clearly knows that I do not enter Nirvana. Thus, in all places where such a person lives, such as a castle-town, village, mountain, forest, field, house, farmhouse or palace, I shall always find myself and I shall not move. I always receive offerings from such a person. I shall become a bhiksu, bhiksuni, upasaka, upasika, Brahmin, Brahmacarin or a poor alms-beggar. How can I get this person to know that the Tathagata receives offerings from him? O good man! This person might see, at night, a Buddha statue in a dream, or the forms of all devas, sramanas, kings, a Chakravartin, lion-king, lotus flower, or udumbara; or he might see a big mountain, a great stretch of sea-water, the sun or moon, a white elephant, a white horse, or the parents. He gains flowers or fruit, or such precious things as gold, silver, beryl, crystal, or the five kinds of cow-product. Know that the Tathagata at [such] times receives what is offered to him. The person awakes, feels happy, and receives what he needs. He thinks no evil and practises good. O good man! This Great Nirvana thoroughly accomplishes such innumerable asamkhyas of all-wonderful virtues. O good man! Believe now what I say. All good men and women desire to see me, to respect me, to see me in “Dharmata” [the Essence of Reality], to gain the Void Samadhi, to see the Real Nature, to practise the “surangama-samadhi”, “simharaja-samadhi”, and to destroy the eight Maras. By the eight Maras is meant the so-called four Maras, and the non-Eternal, non-Bliss, non-Self, and the non-Pure. Any person who desires to be blessed with the bliss of heaven should go and befriend and associate with those who possess, copy, recite, explain to others, and meditate on the meaning of the Great Nirvana Sutra, ask, make offerings, respect, praise wash the hands and feet, set up the seat, have the four things well supplied, so that nothing is lacking. If such people come from far-distant places, go 10 yojanas and receive them. Because of this sutra, give whatever is precious and welcome any such people. If one does not have any such things to offer, sell yourself. Why? Because it is hard to encounter this sutra, much harder than encountering the udumbara.

"O good man! I recall to myself: Innumerable, boundless nayutas of kalpas past, when there was a world called "saha", there was a Buddha-World-Honoured One named Tathagata Shakyamuni, the Alms-Deserving, the All-Enlightened One, the All-Accomplished One, the Well-Gone, the All-Knower, the Unsurpassed One, the Best Trainer, the Teacher-of-Gods-and- Humans, and the Buddha-World-Honoured One. For the sake of all people, he delivered the sermon of the Great Nirvana Sutra. I, at that time, heard from a good friend that that Buddha would, for the sake of all people, deliver the sermon of the Great Nirvana Sutra. On hearing this, joy welled up within me. I desired to make offerings, but I was so poor that I could not offer anything. So I went round, intending to sell myself. But I was so sterile in my fortune that I could not sell [i.e. could not find a buyer]. I was on my way home, when I met a man. I said: " I intend to sell myself. Will you not buy me?" The man said: " I don't have anyone at home who can stand the work. If you can, I shall certainly buy you." I asked: "What is this work which no one can stand?" The man replied: " I have a bad disease. A good doctor tells me that I have to take three liangs [i.e. a Chinese unit of weight] of human flesh a day. If you can supply me with three liangs of human flesh every day, I shall give you five gold coins." On hearing this, I greatly rejoiced and said: "Give me the money, and in addition seven days. Having done what I desire to do, I shall come back and do what I must do." The man said: "Not seven, but one day, to be clear." O good man! I then took the money, went back, went to the Buddha, prostrated myself on the ground, offered what I had and, later, with my whole heart, listened to this sutra. At that time I was dull. Though I heard this sutra, I could only uphold [i.e. remember, practise] one gatha:

"The Tathagata enters Nirvana
And eternally cuts off birth and death.
If one listens with a full heart,
One will gain unending bliss."

"Having gained this gatha, I went to the house of the sick person. O good man! I then daily gave him three liangs of flesh. Because of the virtue of meditating on the gatha, I had no pain. Not a day did I fail [to give my flesh], and a month passed. O good man! As a result of this, the disease was cured. I regained the former state of my body and had no wounds. With my body fully in order, I aspired to unsurpassed Bodhi. The power of a single gatha is such. How much more would it have been if I had fully upheld and recited this sutra? Seeing such virtue in this sutra, my aspiration doubled [and I prayed]: "I pray that in days to come I shall attain Bodhi and be called Shakyamuni." O good man! Due to this single gatha I am now with this congregation, fully addressing gods and men. O good man! Thus is this Great

Nirvana Sutra so utterly wonderful. It is perfect in countless virtues. This is none other than the all-wonderful, closely-guarded store of all Buddhas. For this reason, anyone who uphold this well eliminates hateful defilements. What do I mean by evil? This is none but the evil elephant, the evil horse, the evil cow, the evil dog, and the land where venomous snakes live, the land of thorns, precipices, precipitous banks, rushing waters, whirlpools, evil people, evil lands, evil castles, evil houses, evil friends and others. If all such become the cause of defilement- secretions, the Bodhisattva forsakes them. If not, he does not forsake them. If the secretions increase, he forsakes them; if not, he does not. If evil dharmas arise, he forsakes them. If any good dharmas arise, he does not forsake them. What is meant by "forsaking"? This means not possessing the sword or staff, but with right Wisdom and means always forsaking such. This is having right Wisdom and forsaking. To arrive at Good Dharma, one forsakes what is evil. The Bodhisattva-mahasattva meditates on his own self [ego] and thinks that it is like an illness, the pox, a carbuncle, an enemy, the arrow that hits a man and gets into his body, that this is a great house of suffering, and that all are the roots of all good and evil. Although this body is so impure, the Bodhisattva-mahasattva carefully looks after and nourishes it. Why? It is not to begrudge one's own body, but to care for Good Dharma. This is for the sake of Nirvana, not for birth and death. It is for the sake of the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure. It is not [for] the non-Eternal, non-Bliss, non-Self, and the non-Pure. It is for the sake of Enlightenment, but not for "is" existence. It is for the one vehicle [“ekayana”], not for the three vehicles [“triyana”]. It is to gain the body of the 32 signs of perfection and the 80 minor marks of excellence, not for the body of Thoughtlessness-non-Thoughtlessness. It is for the sake of the King of the Dharma-Wheel, not for the body of a Chakravartin. O good man! The Bodhisattva- mahasattva should always guard his self. Why? If not, life will not be safe. If life is not whole, he cannot copy, uphold, recite, explain widely to others, and meditate on the signification of this sutra. For this reason, the Bodhisattva must protect his own self well. That is why the Bodhisattva can truly segregate his own self from all evil secretions. O good man! One who desires to crosss water takes care of the ship or raft. One who is travelling well looks after good horses. The farmer who cares for his seedlings attends to dung and manure. To protect oneself from scorpion poison, once takes care of venomous serpents. For the safety of man and treasure, one keeps candalas. To overcome robbers, one employs strong soldiers. One protects the fire when cold bears down upon one, and a leprous patient seeks poisonous medicine. It is the same with the Bodhisattva. He knows that this body is full of impurities. But to uphold the Great Nirvana Sutra, he thoroughly aids and protects [his body], and does not allow its strength to diminish. The Bodhisattva-mahasattva sees both the evil elephant and the evil friend as one and not two. Why so? Because both destroy one’s own self. The Bodhisattva never fears the evil elephant, but fears the evil friend. Why? The evil elephant only harms the body, not the mind. The evil friend destroys both. The evil elephant destroys only one single body, but the evil friend destroys innumerable good bodies and innumerable good minds [i.e. good states of mind]. The evil elephant only destroys the impure and foul-smelling body, but the friend who is bad destroys the pure body and the pure mind. This evil elephant only destroys this carnal body, but the friend who is bad destroys [i.e. makes one lose] the Dharma Body. Even when one is killed by an evil elephant, one does not fall into the three unfortunate realms. But when one is killed by a friend who is bad, one falls into the three unfortunate realms. The evil elephant is only the enemy of the carnal body, but the evil friend is the enemy of Wonderful Dharma. For this reason, the Bodhisattva must always segregate himself from evil friends. The common mortal does not segregate himself from such secretions. So these secretions come about. As the Bodhisattva makes away with these, there is no secretion [of defilement] with him. Acting thus, there is no secretion with the Bodhisattva. How could there be with the Tathagata? For this reason, he does not secrete defilement.

"How do we come into the vicinity of the secretions? All common mortals receive clothing, food, bedding and medicine. They receive all of these for the ease of body and mind. They

do various evil things, do not know what is wrong, and advance towards the three unfortunate realms. Hence, we say that there is secretion. The Bodhisattva, since he sees, keeps himself away from such things. When a robe is offered, he receives it. He does this not for the body, but for Dharma. He has no arrogance. His mind is always in a surrendering mood. It is not for adornment, but out of a feeling of shame. It [i.e. the robe] keeps out the cold and heat, bad wind, bad rain, bad worms, mosquitoes, gadflies, flies, fleas and scorpions. He receives food and drink, but there is no greed there. He does this not for himself, but for the good of Dharma; not for the carnal body, but for the good of all beings; not out of pride, but for physical strength; not out of malignancy or to harm others, but out of hunger and to cure the pox. He gains good food, but does not have a greedy mind. He might receive a house. But the same is the case. No defilement of greed ever dwells in his mind. For the sake of the house of Enlightenment, he rejects the robber of defilement. In order to keep away bad winds and rain, he receives a house. One who receives does not have a greedy mind. This is only [done] for Wonderful Dharma. It is not [done] for life, but for Eternal Life. O good man! A person suffering from the pox smears butter and roasted barley-flour on it. For this reason, he covers it with his robe. As the pus and blood come out, he applies butter and roasted barley-flour. To cure the pox, one employs medicine. To guard against evil winds, one lives deep inside a house. It is the same with the Bodhisattva-mahasattva. He sees the pox[-like] body. So he covers it with clothing. As things leak out from the nine holes [i.e. the nine outlets in the human body], he takes food and drink. On account of the bad wind and rain, he receives a house. When the four poisons appear, one seeks a doctor's medicine. The Bodhisattva-mahasattva receives the four kinds of offerings. This is for the sake of Enlightenment, not life. Why? The Bodhisattva-mahasattva thinks: "If I do not receive these four things, my body will wear out and will not be strong. If it is not strong enough, it cannot stand the suffering, and one cannot practise Wonderful Dharma." If one can thoroughly bear down on the suffering, one can easily practise innumerable good things. If one cannot stand the suffering, anger raises its head as [various] sufferings press down upon one, and on encountering happiness, a mind of greed arises. One looks for happiness. If it does not come, ignorance raises its head. Because of this, the common mortal generates a secreting mind in the face of the four offerings. The Bodhisattva-mahasattva meditates well and does not engender any secretion. So we say that the Bodhisattva does not secrete [defilement]. How could one say that the Tathagata is one who secretes? For this reason, we do not call the Tathagata one who secretes.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




San sẻ yêu thương


Các bài tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục


Hạnh phúc khắp quanh ta

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.14.6.194 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (74 lượt xem) - Việt Nam (71 lượt xem) - French Southern Territories (14 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - ... ...