Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 4 - Phẩm TÁNH NHƯ LAI - Phẩm thứ tư – Phần một »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 4 - Phẩm TÁNH NHƯ LAI - Phẩm thứ tư – Phần một

(Lượt xem: 11.304)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  Vietnamese || English || Tải về bảng song ngữ


       

Font chữ:
Font chữ:



QUYỂN 4 - Phẩm TÁNH NHƯ LAI - Phẩm thứ tư – Phần một

Phật lại bảo Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Khi Đại Bồ Tát phân biệt và khai thị kinh Đại Bát Niết-bàn, có bốn ý nghĩa được biểu lộ. Thế nào là bốn? Một là tự sửa mình chân chánh, hai là làm cho kẻ khác trở nên chân chánh, ba là có thể tùy chỗ hỏi mà đáp, bốn là khéo giảng rõ nghĩa nhân duyên.

“Thế nào là tự sửa mình chân chánh? Như Phật Như Lai nhìn thấy các nhân duyên liền có chỗ thuyết dạy.

“Ví như có tỳ-kheo thấy đám lửa lớn, bèn nói rằng: ‘Thà tôi phải ôm đám lửa nóng ấy, chứ chẳng dám đối với tạng bí mật và Mười hai bộ kinh do Như Lai thuyết mà phỉ báng rằng: ‘Kinh ấy do Ma Ba-tuần thuyết.’

“Như người nói rằng: ‘Như Lai, Pháp, Tăng là vô thường.’ Người nói như vậy là tự dối gạt mình mà cũng dối gạt kẻ khác. Thà lấy dao bén tự cắt lưỡi mình, chứ không bao giờ nên nói rằng: ‘Như Lai, Pháp, Tăng là vô thường.’ Như nghe người khác nói ra lời ấy, cũng chớ nên tin nhận. Đối với kẻ nói ra lời ấy, nên đem lòng thương xót.

“Như Lai, Pháp, Tăng thật là không thể nghĩ bàn. Nên tin giữ lẽ ấy. Tự quán thân mình dường như đám lửa.

“Đó gọi là tự sửa mình chân chánh.

“Thế nào là làm cho kẻ khác trở nên chân chánh?

“Một lúc nọ, khi Phật đang thuyết pháp, có một phụ nữ còn đang cho con bú đến chỗ Phật ngự, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên, nhưng trong lòng vẫn có điều nghĩ tưởng.

“Lúc ấy, đức Thế Tôn biết ý nghĩ của cô ta nên dạy rằng: ‘Vì lòng thương con, cô đã cho con bú rất nhiều, chẳng biết số lượng, chẳng rõ là có tiêu hóa được hay không.’

“Liền đó, người phụ nữ bạch Phật rằng: ‘Lạ thay, Thế Tôn! Ngài biết được ý nghĩ trong lòng con. Xin Như Lai dạy con cách cho bú nhiều ít thế nào. Thế Tôn! Sáng nay con đã cho trẻ bú rất nhiều sữa, e rằng không tiêu hóa nổi, chẳng biết có hại mạng nó chăng? Xin đức Như Lai vì con giảng rõ.’

“Phật dạy: ‘Lượng sữa mà đứa con của cô đã bú, rồi sẽ tiêu hóa hết, giúp tăng thêm tuổi thọ.’

“Người phụ nữ nghe xong, trong lòng phấn chấn, lại bạch Phật: ‘Lời chân thật của Như Lai làm cho con vui mừng lắm.’ Như vậy, vì điều phục các chúng sanh, Thế Tôn đã khéo phân biệt nói các lẽ tiêu hoặc chẳng tiêu, lại cũng nói những lẽ vô ngã, vô thường của các pháp. Nếu trước hết, Phật Thế Tôn thuyết lẽ thường, những người theo học ngài tất sẽ nói rằng: ‘Pháp ấy cũng như pháp của ngoại đạo.’ Rồi họ sẽ bỏ ngài mà đi.

“Phật lại dạy người phụ nữ ấy rằng: ‘Nếu đứa con đã lớn, biết đi biết chạy, thì khi ăn vào có thể tiêu hóa được những món khó tiêu. Lúc đó, sữa của cô sẽ không đủ cung cấp cho nó. Các đệ tử Thanh văn của ta cũng thế, họ như đứa con còn bú của cô, không tiêu hóa nổi pháp thường trụ này. Vì vậy nên trước hết, ta thuyết dạy họ những lẽ: khổ, vô thường. Đến khi nào các Thanh văn, đệ tử của ta có đủ công đức rồi, đủ sức tu tập kinh điển Đại thừa, ta mới thuyết với họ sáu vị ở kinh này. Thế nào là sáu vị? Ta thuyết dạy rằng: khổ, đó là vị chua; vô thường, đó là vị mặn; vô ngã, đó là vị đắng; lạc, đó là vị ngọt; ngã đó là vị cay; thường, đó là vị nhạt. Trong thế gian có ba vị, đó là: vô thường, vô ngã, vô lạc. Phiền não là củi, trí tuệ là lửa, với nhân duyên ấy được cơm Niết-bàn. Ta dạy các pháp thường, lạc, ngã, khiến cho các đệ tử đều được món ngon ưa thích.’

“Phật lại bảo người phụ nữ ấy rằng: ‘Như cô có việc phải đi đến xứ khác, nên xua đuổi những đứa con ngỗ nghịch ra khỏi nhà, rồi mới đem kho quý trong nhà mà giao cho những đứa con ngoan.’ Người phụ nữ bạch Phật rằng: ‘Đúng như lời Phật dạy, nên giao kho trân bảo cho những đứa con ngoan, không nên giao cho những đứa ngỗ nghịch.’

“Phật dạy: ‘Này cô! Ta đây cũng thế, khi nhập Niết-bàn ta chẳng đem kho pháp vi diệu sâu kín và vô thượng của Như Lai mà trao cho các đệ tử Thanh văn; cũng như kho báu của cô không giao cho những đứa con ngỗ nghịch. Ta cần phó chúc cho hàng Bồ Tát, cũng như cô đem kho báu mà giao cho những đứa con ngoan. Vì sao vậy? Vì các đệ tử Thanh văn có tư tưởng biến đổi, cho rằng Phật Như Lai thật đã diệt độ. Nhưng ta thật ra chẳng có diệt độ. Ví như khi cô đi xa chưa về thì những đứa con ngỗ nghịch sẽ nói rằng cô đã chết. Mà thật ra cô không hề chết. Chư Bồ Tát đều nói rằng: Như Lai là thường, chẳng biến đổi. Các vị ấy giống như những đứa con ngoan của cô, chẳng nói rằng cô đã chết. Vì nghĩa ấy, ta đem kho pháp bí mật vô thượng mà phó chúc cho chư Bồ Tát.’

“Thiện nam tử! Như có chúng sanh nào bảo rằng Phật là thường trụ, chẳng biến đổi, nên biết rằng có Phật ở tại nhà người ấy.

“Đó gọi là làm cho kẻ khác trở nên chân chánh.

“Thế nào là có thể tùy chỗ hỏi mà đáp?

“Như có người đến hỏi đức Thế Tôn rằng: ‘Tôi nên làm thế nào để không bỏ tiền của ra mà vẫn đáng gọi là bậc đại thí chủ?’

“Phật dạy: ‘Nếu có các vị sa-môn, bà-la-môn ít ham muốn, biết đủ, chẳng thọ nhận, chẳng chứa trữ những vật bất tịnh, nên thí cho các vị ấy những tôi trai tớ gái để làm kẻ hầu hạ sai khiến. Đối với những vị tu trì phạm hạnh, nên thí cho những nữ nhân. Đối với những người đã dứt bỏ rượu thịt, nên thí cho rượu thịt. Đối với những vị không ăn quá ngọ, nên thí cho những bữa cơm quá ngọ. Đối với những vị chẳng trang sức bằng hoa hương, nên thí cho hoa hương. Những người thí như vậy thì danh tiếng bố thí lan rộng ra khắp mọi nơi mà không phải mất mát tiền của chi cả.’ Đó gọi là có thể tùy chỗ hỏi mà đáp.”

Lúc ấy, Bồ Tát Ca-diếp bạch rằng: “Thế Tôn! Đối với người ăn thịt chẳng nên cho thịt. Vì sao vậy? Con thấy rằng người không ăn thịt được công đức lớn.”

Phật khen ngợi Bồ Tát Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Nay ông biết rõ ý ta. Bồ Tát hộ pháp nên làm như vậy.

“Thiện nam tử! Từ nay về sau ta không cho phép các đệ tử Thanh văn ăn thịt. Khi nhận ở người đàn-việt món thịt hiến cúng, nên quán tưởng đó như thịt con mình.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Tại sao Như Lai không cho phép ăn thịt?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Kẻ ăn thịt làm dứt mất hạt giống đại từ.”

Ca-diếp lại bạch Phật: “Vậy tại sao lúc trước Như Lai cho phép tỳ-kheo ăn ba loại tịnh nhục?”

Phật dạy: “Ca-diếp! [Việc cho phép ăn] ba loại tịnh nhục, đó là tùy theo sự việc mà hạn chế dần dần.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà từ mười loại thịt bất tịnh cho đến chín loại tịnh nhục, Phật đều không cho phép dùng nữa?”

Phật dạy Ca-diếp: “Đó cũng là nhân nơi sự việc mà ta dần dần hạn chế. Nên biết rằng đó là ý nghĩa vì sao nay ta cấm hẳn việc ăn thịt.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Tại sao Như Lai khen rằng cá là món ăn ngon?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ta không hề nói rằng cá là món ăn ngon. Ta nói rằng: mía, cơm gạo, đường phèn, tất cả những thứ ngũ cốc cùng đường đen, sữa, bơ sữa, dầu... là những món ăn ngon. Tuy ta nói rằng có thể cất giữ các loại vải, nhưng phải làm cho mất vẻ đẹp đi, huống chi lại còn ham thích ăn món cá hay sao?”

Ca-diếp lại bạch Phật: “Nếu Như Lai đã chế định không được ăn thịt, vậy sữa và các món được chế ra từ sữa, cùng với các loại dầu mè, cho đến các loại vải vóc, như hàng lụa kiêu-sa-da, những loại ngọc thạch, da thú, vàng bạc, chén bát... các thứ ấy cũng chẳng nên dùng sao?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ông không nên hiểu giống như bọn ngoại đạo Ni-kiền. Như Lai chế định mỗi một giới cấm đều có dụng ý riêng. Vì có dụng ý riêng, nên ta cho phép ăn ba thứ tịnh nhục. Vì có dụng ý riêng, nên ta cấm dùng mười loại thịt bất tịnh. Và cũng vì có dụng ý riêng, nên nay ta cấm hẳn tất cả các loại thịt, kể cả thịt của những con thú tự nhiên chết, không bị giết hại.

“Ca-diếp! Kể từ hôm nay ta cấm tất cả các đệ tử không được ăn bất cứ loại thịt nào cả.

“Ca-diếp! Những người ăn thịt, trong khi đi, đứng, ngồi nằm đều xông ra hơi thịt, tất cả chúng sanh nghe hơi ấy, đều lấy làm sợ sệt. Ví như một người kia, đã gần gũi với sư tử, những kẻ khác khi gặp người ấy, nghe mùi hôi của sư tử cũng sanh lòng sợ sệt!

“Thiện nam tử! Ví như người ăn tỏi, xông ra mùi hôi khó chịu. Những ai gặp người ấy, ngửi thấy mùi hôi liền bỏ đi. Dù là nhìn thấy từ xa còn chẳng muốn, huống chi lại muốn đến gần hay sao?

“Những người ăn thịt cũng như vậy. Tất cả chúng sanh khi ngửi thấy mùi thịt thảy đều kinh sợ, phát sanh tư tưởng sợ chết. Những loài có mạng sống, hoặc lội dưới nước, hoặc đi trên đất, hoặc bay trên không trung, thảy đều xa lánh, đều cho rằng: ‘Người ấy là kẻ thù của chúng ta.’

“Bởi vậy, Bồ Tát không có thói quen ăn thịt. Vì độ chúng sanh nên các ngài thị hiện việc ăn thịt. Tuy thị hiện ăn thịt nhưng thật ra là chẳng ăn.

“Thiện nam tử! Hàng Bồ Tát như vậy, cả những món thanh tịnh còn chẳng ăn, huống chi lại ăn thịt hay sao?

“Thiện nam tử! Sau khi ta nhập Niết-bàn, trải qua vô số năm, các vị thánh tu tập Tứ đạo cũng đều nhập Niết-bàn. Chánh pháp diệt rồi, trong thời kỳ Tượng pháp sẽ có những tỳ-kheo, có vẻ như là giữ luật, nhưng ít đọc tụng kinh điển, tham muốn việc ăn uống, nuôi dưỡng xác thân. Họ mặc quần áo thô sơ xấu xí, hình dung tiều tụy, chẳng có oai đức chi cả. Họ chăn bò, nuôi dê, gánh củi, đội cỏ, râu tóc để dài, móng tay ra nhọn...

“Tuy mặc áo cà-sa, nhưng bọn họ giống như thợ săn; mắt nhìn lấm lét, chân bước từ từ dường như mèo rình chuột. Họ thường nói rằng: ‘Ta đắc quả A-la-hán.’

“Họ có nhiều bệnh khổ, ngủ nằm nơi phẩn uế. Bề ngoài họ ra vẻ hiền lành mà trong lòng ôm giữ sự tham lam, đố kỵ, như người thọ phép câm không nói của bà-la-môn.

“Họ đội lốt sa-môn nhưng thật chẳng phải sa-môn, trong lòng đầy tà kiến, phỉ báng Chánh pháp.

“Những người như vậy phá hoại các giới luật mà Như Lai đã chế định, phá hoại oai nghi của hạnh chân chánh và quả giải thoát mà Phật đã thuyết. Họ lìa bỏ pháp thanh tịnh và phá hoại giáo pháp sâu xa bí mật của chư Phật.

“Mỗi người trong bọn họ đều theo ý mình mà nói ngược lại với kinh luật. Họ nói rằng: ‘Như Lai cho phép chúng tôi ăn thịt.’ Họ tự biện luận như thế, nhưng lại nói đó là lời Phật dạy. Họ cãi lẫy và kiện cáo nhau, người nào cũng tự xưng mình là sa-môn Thích tử.

“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ lại có những sa-môn chứa trữ lúa thóc, nhận các món thịt cá rồi tự tay làm lấy món ăn; cầm nắm bình dầu, lọng báu, giày da, thân cận với quốc vương, đại thần, trưởng giả; xem thiên văn đoán vận mệnh, học nghề làm thuốc; nuôi dưỡng nô tỳ, chất chứa vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, pha lê, trân châu, san hô, hổ phách, ngọc bích, ngọc thạch, các thứ dưa quả... Họ học các nghề tinh xảo, vẽ hình, nắn tượng, viết sách, dạy học, gieo giống, trồng cây, làm thuốc độc, bùa chú, pha chế thuốc, đàn ca hát xướng, cài hoa xức hương, đánh bạc đánh cờ, học các nghề nghiệp...

“Nếu có những tỳ-kheo nào có thể rời bỏ các việc xấu ác ấy, nên nói rằng những vị ấy là đệ tử chân thật của ta.”

Lúc ấy, Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Chư tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di sống nhờ vào người khác. Trong khi khất thực, như gặp những món ăn có xen lẫn thịt thì nên ăn thế nào cho đúng phép thanh tịnh?”

Phật dạy: “Ca-diếp! Nên dùng nước mà rửa, loại bỏ thịt ra khỏi thức ăn rồi mới ăn. Như bát đựng cơm bị thịt làm ô uế, hãy rửa cho hết mùi vị đi rồi dùng thì không có tội. Như thấy trong thức ăn có nhiều thịt, chớ nên nhận lấy. Bất cứ món ăn nào nhìn thấy có thịt đều không nên ăn, nếu ăn thì có tội.

“Nay ta nói phép cấm ăn thịt là như vậy, nếu nói rộng ra thì không thể hết. Sắp đến lúc nhập Niết-bàn nên ta chỉ dạy chỗ đại lược như thế. Đó gọi là có thể tùy chỗ hỏi mà đáp.

“Ca-diếp! Thế nào là khéo giảng rõ nghĩa nhân duyên? Như có tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di đến hỏi ta rằng: ‘Thế Tôn! Nghĩa lý như vậy, tại sao lúc ban đầu Như Lai chẳng thuyết với vua Ba-tư-nặc ý nghĩa sâu xa vi diệu của pháp môn ấy? Hoặc khi thì thuyết lẽ sâu xa, khi thì thuyết lẽ nông cạn, hoặc khi gọi là phạm giới, khi gọi là chẳng phạm giới? Thế nào gọi là sa đọa? Thế nào gọi là giới luật? Thế nào là ý nghĩa của Ba-la-đề-mộc-xoa?’

“Phật dạy: ‘Ba-la-đề-mộc-xoa gọi là biết đủ, thành tựu các oai nghi, không nhận lãnh và chứa trữ gì cả, cũng gọi là đời sống trong sạch.

“Sa đọa tức là bốn nẻo ác.

“Sa đọa lại cũng có nghĩa là sa đọa vào địa ngục, cho tới rơi vào địa ngục Vô gián. Luận về chỗ mau chậm thì sự sa đọa ấy còn nhanh hơn cả cơn mưa to trút xuống. Người nghe biết như vậy phải sanh lòng kinh sợ, giữ bền giới cấm, chẳng phạm oai nghi, tu tập hạnh biết đủ, đối với tất cả những vật bất tịnh đều không nhận lãnh.

“Sa đọa cũng có nghĩa là nuôi lớn thêm những cảnh giới địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.

“Vì những nghĩa trên, nên gọi là sa đọa.

“Ba-la-đề-mộc-xoa nghĩa là lìa bỏ những nghiệp bất thiện, tà vạy của thân, miệng, ý. Giới luật nghĩa là oai nghi của tám giới, những nghĩa lành trong kinh sâu xa, ngăn chặn việc nhận lãnh hết thảy những vật bất tịnh cùng những nhân duyên bất tịnh, cũng ngăn dứt Bốn tội trọng, Mười ba tội tăng tàn, Hai tội không xác định, Ba mươi tội xả đọa, Chín mươi tội đơn đọa, Bốn tội cần sám hối, Một trăm hành vi không tốt cần phải học biết để tránh, Bảy phép dứt tranh cãi.

“Hoặc cũng có kẻ phạm vào tất cả các giới. Thế nào là tất cả? Đó là từ Bốn tội trọng cho tới Bảy phép dứt tranh cãi.

“Lại như có người phỉ báng Chánh pháp của kinh điển rất sâu xa, cho đến những kẻ nhất-xiển-đề, hoặc kẻ cho là mình được thành tựu đầy đủ, dứt hết tất cả tướng, không còn nhân duyên. Những người như vậy đều tự nói rằng: ‘Ta là người thông minh, có trí tuệ sắc bén.’ Các tội nặng hay nhẹ họ đều che giấu cả; họ che giấu các điều ác như con rùa giấu cả đầu đuôi và bốn chân vào dưới mu. Những tội như vậy, kéo dài mãi chẳng hề hối hận. Bởi không hối hận, nên tội lỗi ngày càng nhiều hơn. Những tỳ-kheo ấy đã phạm tội nhưng rốt cùng vẫn luôn giấu kín. Điều đó làm cho tội lỗi ngày càng lớn thêm, lan rộng. Như Lai đã biết việc ấy, nên lần lượt chế các giới cấm chứ không nói ra một lúc.

“Bấy giờ, có những thiện nam tử, thiện nữ nhân bạch Phật rằng: ‘Thế Tôn! Như Lai biết việc như vậy đã lâu rồi, tại sao trước đó không ngăn cấm? Lẽ nào Thế Tôn muốn cho chúng sanh phải vào địa ngục Vô gián hay sao? Ví như có nhiều người muốn đi đến phương khác, nhưng lạc mất con đường chính, đi theo đường lạc hướng. Những người ấy chẳng biết rằng họ đang đi lạc, thảy đều cho rằng mình đi đúng đường. Họ lại chẳng gặp ai để có thể hỏi xem đường đi đúng hay chẳng đúng.

“Chúng sanh cũng như thế, mê lạc mất Phật pháp, chẳng thấy được chỗ chân chánh. Như Lai trước nên vì họ chỉ dạy con đường chân chánh, dạy các tỳ-kheo rằng: Thế này là phạm giới. Thế này là trì giới. Ngài nên ngăn cấm như vậy. Vì sao vậy? Vì Như Lai Chánh giác là bậc chân thật, thấy biết con đường chân chánh. Chỉ có Như Lai, vị cao trổi nhất trong các cõi trời, mới có thể thuyết dạy chỗ tăng thêm công đức và ý nghĩa của Mười điều lành. Vì vậy chúng con khải thỉnh Như Lai nên chế giới cấm từ trước khi xảy việc.’

“Phật dạy: ‘Thiện nam tử! Nếu nói rằng Như Lai có thể vì chúng sanh giảng dạy chỗ tăng thêm công đức của Mười điều lành, vậy tức là Như Lai coi chúng sanh đồng như La-hầu-la. Sao lại vặn hỏi rằng: ‘Lẽ nào Thế Tôn muốn cho chúng sanh phải vào địa ngục?’ Khi ta thấy một người có nghiệp duyên phải đọa vào địa ngục Vô gián, ta còn vì người ấy mà trụ thế một kiếp hoặc một kiếp giảm. Ta có lòng đại từ bi đối với chúng sanh, đã thương như con một của mình thì duyên cớ chi lại dối gạt để cho chúng sanh phải vào địa ngục?

“Thiện nam tử! Ví như trong nước của vua có người mặc áo nạp y, trước nhìn thấy áo có lỗ rách, rồi sau mới vá kín lại. Như Lai cũng thế, thấy chúng sanh có nhân duyên vào địa ngục Vô gián, mới dùng những giới lành mà vá kín những chỗ chẳng lành cho họ.

“Thiện nam tử! Ví như vị Chuyển luân Thánh vương, trước vì chúng sanh thuyết dạy Mười điều lành. Rồi về sau, nếu có những người làm ác, vua ấy sẽ tùy việc mà dần dần dứt bỏ những việc ác. Những việc ác đã dứt rồi thì phép tắc của Thánh vương tự nhiên lưu hành.

“Thiện nam tử! Ta đây cũng thế. Tuy có thuyết dạy, nhưng không thể chế các giới cấm từ trước. Cần phải dần dần do nơi những tỳ-kheo có việc làm phi pháp, mới theo từng việc mà chế các giới cấm. Có những chúng sanh hâm mộ Phật pháp, theo đúng lời dạy mà tu hành. Những chúng như vậy mới có thể thấy được Pháp thân Như Lai.

“Ví như bánh xe báu của vị Chuyển luân vương là không thể nghĩ bàn. Như Lai cũng như thế, không thể nghĩ bàn. Hai ngôi báu Pháp và Tăng cũng không thể nghĩ bàn. Người có thể thuyết pháp và người nghe pháp cũng đều là không thể nghĩ bàn.

“Đó gọi là khéo giảng rõ nghĩa nhân duyên.

“Bồ Tát phân biệt và khai thị bốn ý nghĩa biểu lộ ra như vậy, đó gọi là nghĩa nhân duyên trong Đại Niết-bàn của Đại thừa.

“Lại nữa, tự sửa mình chân chánh, ấy là đạt được Đại Bát Niết-bàn này. Làm cho kẻ khác trở nên chân chánh, là như ta vì các tỳ-kheo mà thuyết rằng: ‘Như Lai thường tồn, chẳng biến đổi.’ Ca-diếp! Tùy chỗ hỏi mà đáp, là như nhân nơi chỗ hỏi của ông mà ta thuyết rộng nghĩa lý rất thâm sâu vi diệu này với các vị Đại Bồ Tát, tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. Về nghĩa nhân duyên, hàng Thanh văn, Duyên giác chẳng thể hiểu rõ nghĩa rất sâu xa như vậy, chẳng nghe biết rằng chữ Y (乊) do ba chấm hợp thành, cũng như tạng bí mật do Giải thoát, Niết-bàn và Đại trí tuệ Bát-nhã hợp thành.

“Nay ta xiển dương phân biệt nghĩa này, vì hàng Thanh văn mà khai mở con mắt trí tuệ. Ví như có người nói rằng: ‘Trong bốn việc kể trên, sao gọi là một, chẳng phải là hư dối đó sao?’ Nên hỏi ngược lại rằng: ‘Như hư không đây vốn không có gì cả, chẳng động, chẳng ngại. Bốn việc ấy có gì khác nhau? Vậy có thể nói là hư dối chăng?’”

Bồ Tát Ca-diếp thưa: “Bạch Thế Tôn, không phải. Những lời như vậy đều là một nghĩa, ấy là nghĩa không. Các việc như tự sửa mình chân chánh, làm cho kẻ khác trở nên chân chánh, tùy chỗ hỏi mà đáp, giảng rõ nghĩa nhân duyên, cũng đều là như vậy, tức là Đại Niết-bàn, chẳng có gì khác nhau.”

Phật bảo Ca-diếp: “Như có kẻ nói rằng: Như Lai là vô thường. Làm sao biết là vô thường? Như Phật có nói: Dứt các phiền não gọi là Niết-bàn, cũng như lửa tắt chẳng còn gì cả. Dứt các phiền não lại cũng như vậy, cho nên gọi là Niết-bàn. Vậy làm sao Như Lai lại là pháp thường trụ, không biến đổi?

“Như Phật có nói: Lìa khỏi các cảnh giới hiện hữu mới gọi là Niết-bàn. Vậy trong Niết-bàn không có các cảnh giới hiện hữu, làm sao Như Lai lại là pháp thường trụ, không biến đổi?

“Như cái áo đã hư rách hết thì chẳng còn giống vật gì. Niết-bàn cũng thế, diệt hết các phiền não thì chẳng còn gì cả. Vậy làm sao Như Lai lại là pháp thường trụ, không biến đổi?

“Như Phật có nói: Lìa dục tịch diệt, gọi là Niết-bàn. Như người kia bị chém đầu, tức không có đầu. Lìa dục tịch diệt lại cũng như vậy, không có chi cả nên gọi là Niết-bàn. Vậy làm sao Như Lai lại là pháp thường trụ, không biến đổi? Như Phật có nói:

Ví như sắt nung đỏ,
Búa nện, nháng lửa văng.
Văng ra liền diệt mất,
Chẳng biết ở nơi nào!
Được giải thoát chân chánh,
Lại cũng như vậy đó.
Đã vượt khỏi: dâm dục,
Các cảnh giới, bùn lầy,
Được chỗ không lay động,
Chẳng biết tới nơi nào!

“Vậy làm sao Như Lai lại là pháp thường trụ, không biến đổi?

“Ca-diếp! Như có người vặn hỏi [những điều] như vậy, thì đó là sự vặn hỏi sai trái. Ca-diếp! Ông cũng chẳng nên nghĩ tưởng như thế, cho rằng tánh của Như Lai là dứt mất.

“Ca-diếp! Việc dứt các phiền não không thuộc về sự vật. Vì sao vậy? Vì dứt sạch mãi mãi nên gọi là thường. Nói như vậy nghĩa là vắng lặng hoàn toàn, không còn chi hơn nữa. Dứt sạch hết các tướng, chẳng còn chút dấu vết. Nói như vậy nghĩa là sáng rõ, thường trụ, chẳng thối lui. Vậy nên Niết-bàn gọi là thường trụ.

“Như Lai cũng thế, thường trụ, chẳng biến đổi. Khi búa nện xuống sắt đỏ, nháng lửa liền văng ra, đó là ví như phiền não. Văng ra liền diệt mất, chẳng biết ở nơi nào, đó là ví như các đức Như Lai đã dứt sạch phiền não, chẳng lưu chuyển trong Năm đường. Cho nên Như Lai là pháp thường trụ, chẳng biến đổi.

“Lại nữa, Ca-diếp! Pháp là thầy của chư Phật, cho nên Như Lai cung kính cúng dường. Vì pháp là thường, nên chư Phật cũng là thường.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật rằng: “Như lửa phiền não dứt thì Như Lai cũng dứt. Như vậy tức là Như Lai không có chỗ thường trụ. Ví như những nháng lửa kia, khi màu đỏ tắt mất thì chẳng biết đi đến chỗ nào. Phiền não của Như Lai cũng vậy, chẳng biết đi đến chỗ nào. Lại như khối sắt kia, nung nóng có màu đỏ, khi nguội rồi thì hơi nóng và màu đỏ đều không còn nữa. Như Lai cũng thế, diệt rồi là vô thường, lửa phiền não đã dứt, liền nhập Niết-bàn. Nên biết rằng Như Lai là vô thường.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Khối sắt mà ông ví dụ đó, ấy là hạng phàm phu. Phàm phu tuy dứt phiền não, nhưng dứt rồi lại sanh ra, cho nên gọi là vô thường. Như Lai chẳng phải vậy, đã dứt rồi chẳng sanh ra nữa, cho nên gọi là thường.”

Bồ Tát Ca-diếp lại nói: “Như khối sắt kia đã mất màu đỏ, nếu đặt trở vào trong lửa thì màu đỏ lại sanh ra. Như Lai cũng thế, lẽ ra lại sanh các mối trói buộc. Nếu trói buộc lại sanh ra, tức là vô thường.”

Phật dạy: “Ca-diếp! Nay ông không nên nói Như Lai là vô thường. Tại sao vậy? Vì Như Lai là thường.

“Thiện nam tử! Như người đốt cây, lửa tắt rồi thì có tro. Phiền não dứt rồi, liền có Niết-bàn. Những ví dụ khác như cái áo rách nát, cái đầu bị chém, cái bình hư bể... cũng đều như vậy. Những vật ấy đều có tên gọi, như là cái áo rách nát, cái đầu bị chém, cái bình hư bể...

“Ca-diếp! Như sắt nguội rồi, có thể làm nóng lại. Như Lai chẳng phải thế, dứt sạch phiền não, rốt ráo trở nên trong sạch mát mẻ, lửa nóng phiền não không thể sanh trở lại.

“Ca-diếp! Nên biết rằng vô lượng chúng sanh cũng giống như sắt kia, ta dùng lửa nóng của trí tuệ vô lậu mà đốt cháy những phiền não trói buộc họ.”

Ca-diếp bạch rằng: “Lành thay, lành thay! Nay con đã rõ chỗ Như Lai thuyết dạy: ‘Chư Phật là thường tồn.’”

Phật dạy: “Ca-diếp! Ví như vị thánh vương, thường ngự nơi hậu cung, hoặc có khi ra sau vườn ngoạn cảnh. Dù vua chẳng ở giữa các cung nữ, nhưng không thể nói là thánh vương đã chết.

“Thiện nam tử! Như Lai cũng thế, dù nhập Niết-bàn, chẳng hiện ra ở cõi Diêm-phù-đề, nhưng không thể nói là vô thường.

“Như Lai đã ra khỏi vô lượng phiền não, vào cảnh an vui Niết-bàn, dạo chơi thanh thoát trong vườn hoa trí tuệ giác ngộ.”

Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Như Phật có nói: ‘Từ lâu ta đã vượt qua biển cả phiền não.’ Nếu như Phật đã vượt qua biển phiền não từ lâu, vậy duyên cớ gì lại cùng bà Da-du-đà-la sanh ra La-hầu-la? Cứ theo như việc này thì thấy rằng Như Lai chưa vượt qua biển cả phiền não trói buộc. Vậy xin Như Lai giảng rõ nhân duyên này.”

Phật bảo Ca-diếp: “Ông chẳng nên nói rằng: ‘Như Lai từ lâu đã vượt qua biển cả phiền não, vậy duyên cớ gì lại cùng bà Du-da-đà-la sanh ra La-hầu-la? Cứ theo như việc này thì thấy rằng Như Lai chưa vượt qua biển cả phiền não trói buộc.’

“Thiện nam tử! Kinh Đại Niết-bàn này có thể kiến lập nghĩa lớn. Nay các ông nên hết lòng lắng nghe, ta sẽ vì mọi người mà thuyết rộng, chớ nên sanh tâm sợ sệt, nghi ngờ.

“Như có vị Đại Bồ Tát trụ ở Đại Niết-bàn, vị ấy có thể đem núi chúa Tu-di cao rộng như thế kia mà đưa vào trong vỏ hạt đình lịch. Trong khi đó, những chúng sanh sống ở núi Tu-di ấy cũng chẳng có cảm giác bị dồn ép và mang đi, vẫn thấy như thường, không có chi lạ. Chỉ có người cần được hóa độ mới thấy vị Bồ Tát ấy đem núi Tu-di đặt vào vỏ hạt đình lịch, rồi đặt núi ấy trở lại chỗ cũ một cách yên ổn.

“Thiện nam tử! Lại như có vị Đại Bồ Tát trụ ở Đại Niết-bàn, vị ấy có thể đem cõi thế giới tam thiên đại thiên mà đặt vào trong vỏ hạt đình lịch. Trong khi ấy, chúng sanh ở toàn cõi thế giới chẳng có cảm tưởng là bị dồn ép và bị mang đi, thảy đều như thường, không có chi khác lạ. Chỉ có người cần được hóa độ mới thấy vị Bồ Tát ấy đem cõi thế giới tam thiên đại thiên mà đặt vào vỏ hạt đình lịch, rồi đặt cõi ấy trở lại chỗ cũ một cách yên ổn.

“Thiện nam tử! Cũng giống như vậy, vị Đại Bồ Tát trụ ở Đại Niết-bàn có thể đem cõi thế giới tam thiên đại thiên đặt vào một chỗ chân lông, rồi lại đem cõi ấy đặt về chỗ cũ.

“Thiện nam tử! Lại có vị Đại Bồ Tát trụ ở Đại Niết-bàn, nắm lấy nhiều cõi thế giới tam thiên đại thiên của chư Phật ở mười phương, đặt nơi đầu một cây kim, như xâu những lá táo lại, rồi ném những cõi ấy đến các cõi Phật ở phương khác. Trong khi ấy, tất cả chúng sanh ở những cõi ấy chẳng hay biết rằng mình bị mang đi hay đang ở chỗ nào. Chỉ có người cần được hóa độ mới thấy được việc ấy. Cho đến khi Bồ Tát đặt những cõi ấy trở lại chỗ cũ một cách yên ổn.

“Thiện nam tử! Lại có vị Đại Bồ Tát trụ ở Đại Niết-bàn, nắm lấy các cõi thế giới tam thiên đại thiên của chư Phật ở mười phương, đặt nơi lòng bàn tay phải của mình, như cái bàn xoay của người thợ lò gốm, rồi ném những cõi ấy đến các cõi thế giới nhiều như những hạt bụi nhỏ ở các phương khác, mà chẳng có một chúng sanh nào ở các cõi ấy có cảm giác là bị mang đi. Chỉ có người cần được hóa độ mới thấy được việc ấy. Cho đến khi Bồ Tát đặt những cõi ấy trở lại chỗ cũ một cách yên ổn.

“Thiện nam tử! Lại có vị Đại Bồ Tát trụ ở Đại Niết-bàn, bứt lấy tất cả những cõi thế giới của vô lượng chư Phật trong mười phương, dồn nạp hết vào thân mình. Chúng sanh trong các cõi ấy cũng chẳng có những cảm giác như là bị dồn ép, bị mang đi hay bị đặt ở chỗ nào. Chỉ có người cần được hóa độ mới thấy được việc ấy. Cho đến khi Bồ Tát đặt những cõi ấy trở lại chỗ cũ một cách yên ổn.

“Thiện nam tử! Lại có vị Đại Bồ Tát trụ ở Đại Niết-bàn, đem tất cả các cõi thế giới trong mười phương mà dồn nạp vào trong một hạt bụi nhỏ. Các chúng sanh ở trong các cõi ấy cũng chẳng có cảm giác là bị dồn ép và bị mang đi. Chỉ có người cần được hóa độ mới thấy được việc ấy. Cho đến khi Bồ Tát đặt những cõi ấy trở lại chỗ cũ một cách yên ổn.

“Thiện nam tử! Vị Đại Bồ Tát trụ ở Đại Niết-bàn như vậy, có thể thị hiện vô số các loại thần thông biến hóa. Vì vậy nên gọi là Đại Bát Niết-bàn. Vô số các loại thần thông biến hóa mà vị Đại Bồ Tát ấy có thể thị hiện như vậy, tất cả chúng sanh đều không thể tính lường được.

“Nay ông làm sao có thể hiểu nổi chỗ Như Lai gần gũi ái dục, sanh ra La-hầu-la?

“Thiện nam tử! Từ lâu ta đã trụ ở Đại Niết-bàn này, thị hiện đủ các loại thần thông biến hóa. Ở thế giới tam thiên đại thiên này, trăm ngàn mặt trời mặt trăng, trăm ngàn cõi Diêm-phù-đề, đủ mọi cách thị hiện, như trong kinh Thủ Lăng Nghiêm đã có giảng rộng.

“Ta ở trong cõi thế giới tam thiên đại thiên, hoặc trong cõi Diêm-phù-đề thị hiện nhập Niết-bàn, nhưng rốt ráo không chấp giữ Niết-bàn. Hoặc ta ở cõi Diêm-phù-đề thị hiện vào thai mẹ, khiến cha mẹ tưởng rằng ta là con. Nhưng thân này của ta hoàn toàn chẳng do ái dục hòa hiệp mà có thể sanh ra được. Từ vô lượng kiếp đến nay ta đã lìa bỏ ái dục. Thân này của ta tức là Pháp thân, vì tùy thuận thế gian nên thị hiện vào trong bào thai.

“Thiện nam tử! Tại cõi Diêm-phù-đề, trong vườn Lam-tì-ni, ta thị hiện sanh ra bởi mẹ là bà Ma-da. Sanh ra rồi, ta liền đi bảy bước về phương đông, nói lên lời này: ‘Trong cõi trời, người, a-tu-la, ta là bậc cao quý hơn hết.’ Cha mẹ, mọi người, chư thiên thấy vậy đều lấy làm kinh dị và vui mừng, cho là việc chưa từng có.

“Nhưng ai nấy đều bảo rằng ta vẫn là một hài nhi. Tuy vậy, thân này của ta từ vô lượng kiếp đến nay đã lìa khỏi mọi cách nuôi dưỡng thông thường. Thân Như Lai tức là Pháp thân, chẳng phải do máu thịt, gân, mạch, cốt tủy mà thành. Vì tùy thuận theo pháp thế gian của chúng sanh nên thị hiện làm một hài nhi.

“Ta đi bảy bước về phương nam, thị hiện muốn làm chỗ ruộng phước cao trổi nhất cho vô lượng chúng sanh.

“Ta đi bảy bước về phương tây, thị hiện không còn sanh ra nữa, mãi mãi chấm dứt sự già, chết, hiện thân cuối cùng.

“Ta đi bảy bước về phương bắc, thị hiện đã vượt khỏi mọi cảnh giới hiện hữu trong sanh tử.

“Ta đi bảy bước về phương đông, thị hiện làm bậc đi đầu dẫn đường cho tất cả chúng sanh.

“Ta đi bảy bước về bốn phương phụ, thị hiện dứt sạch mọi phiền não và bốn thứ ma, thành bậc Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri.

“Ta đi bảy bước về phương trên, thị hiện chẳng bị nhiễm ô bởi những vật bất tịnh, dường như hư không.

“Ta đi bảy bước về phương dưới, thị hiện mưa pháp rưới tắt lửa địa ngục, khiến các chúng sanh ở đó được niềm vui an ổn, thị hiện [phá tan mọi tà kiến như] mù sương và mưa đá [làm dập nát mọi thứ cây cỏ] đối với những kẻ phạm vào giới cấm.

“Ở cõi Diêm-phù-đề, khi sanh ra được bảy ngày ta lại thị hiện việc cạo tóc. Ai nấy đều gọi ta là một hài nhi. Lúc mới cạo tóc, hết thảy hàng trời, người, Ma vương Ba-tuần, sa-môn, bà-la-môn, không ai có thể thấy được tướng trên đỉnh đầu của ta, huống chi là có việc cầm dao cạo tóc? Không một người nào có thể cầm dao chạm được đến đỉnh đầu ta cả. Vì trong vô lượng kiếp ta vốn đã dứt trừ râu tóc, chỉ vì muốn tùy thuận pháp thế gian nên mới thị hiện việc cạo tóc đó thôi.

“Ta sanh ra rồi, cha mẹ bèn đưa ta vào đền thờ thiên thần để ta ra mắt vị Đại tự tại Thiên vương. Vừa trông thấy ta, Đại tự tại Thiên vương liền chắp tay cung kính đứng sang một bên. Trong vô lượng kiếp qua ta đã lìa bỏ không vào những nơi thờ thiên thần như thế, chẳng qua vì muốn tùy thuận thế gian nên mới thị hiện như vậy.

“Ở cõi Diêm-phù-đề, ta thị hiện việc xỏ lỗ tai. Thật ra, trong tất cả chúng sanh không ai có thể xỏ lỗ tai ta được. Chẳng qua vì tùy thuận chúng sanh ở thế gian nên ta thị hiện như vậy. Người ta lại dùng các vật báu làm ra hoa tai sư tử để làm đẹp hai lỗ tai của ta. Tuy nhiên, trong vô lượng kiếp qua ta đã lìa bỏ những món trang sức như vậy. Chẳng qua vì muốn tùy thuận thế gian nên ta mới thị hiện như vậy.

“Ta thị hiện vào học đường, học tập sách vở. Tuy nhiên, trong vô lượng kiếp ta đã thành tựu đầy đủ, nhìn khắp chúng sanh trong Ba cõi không ai đủ sức làm thầy ta, cho nên danh hiệu của ta là Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri. Chẳng qua vì muốn tùy thuận thế gian mà ta thị hiện vào học đường. Ta học các phép cưỡi voi, phi ngựa, đấu sức và đủ các nghề khéo léo cũng chỉ là sự thị hiện tùy thuận chúng sanh giống như vậy.

“Ở cõi Diêm-phù-đề, ta thị hiện làm thái tử con vua. Chúng sanh đều thấy ta làm thái tử, vui hưởng năm món dục lạc. Tuy nhiên, trong vô lượng kiếp ta đã lìa bỏ sự vui thích năm món dục lạc ấy. Chẳng qua vì muốn tùy thuận phép thế gian, cho nên ta thị hiện tướng trạng như vậy.

“Vị thầy xem tướng cho ta đoán rằng: ‘Nếu không xuất gia sẽ làm Chuyển luân Thánh vương, thống trị cõi Diêm-phù-đề.’ Tất cả chúng sanh đều tin lời ấy. Tuy nhiên, trong vô lượng kiếp ta đã lìa bỏ ngôi Chuyển luân mà làm vị Pháp luân vương.

“Ở cõi Diêm-phù-đề, ta thị hiện lìa bỏ sự vui hưởng năm món dục với các cung nữ. Lại thị hiện gặp người già, người bệnh và thầy sa-môn, rồi xuất gia tu học đạo lý. Chúng sanh đều nói rằng: ‘Thái tử Tất-đạt mới vừa xuất gia.’ Tuy nhiên, ta vốn đã xuất gia học đạo từ vô lượng kiếp. Chẳng qua tùy thuận phép thế gian nên thị hiện như vậy.

“Ở cõi Diêm-phù-đề, ta thị hiện xuất gia, thọ giới cụ túc, tinh cần tu đạo, đắc quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán. Chúng sanh đều bảo rằng ta thành tựu quả A-la-hán rất dễ dàng. Tuy nhiên, ta đã thành tựu quả A-la-hán từ vô lượng kiếp. Chẳng qua vì muốn độ thoát chúng sanh nên ta trải cỏ làm tòa ngồi ở đạo tràng nơi cội cây bồ-đề mà hàng phục chúng ma. Mọi người đều bảo rằng ta mới vừa hàng phục binh ma ở đạo tràng nơi cội cây bồ-đề. Tuy nhiên, ta đã hàng phục chúng ma từ vô lượng kiếp rồi. Chẳng qua vì muốn độ những chúng sanh ngang bướng nên ta thị hiện cách hóa độ ấy mà thôi.

“Ta lại thị hiện các việc đại, tiểu tiện, thở ra, thở vào... Ai nấy đều bảo ta có đại, tiểu tiện, thở ra, thở vào... Tuy nhiên, phước báo mà thân ta đây có được thật không có những việc đại, tiểu tiện, thở ra, thở vào ấy. Chẳng qua ta tùy thuận thế gian nên thị hiện như vậy.

“Ta lại thị hiện nhận sự bố thí của người có lòng tin. Tuy nhiên, thân ta vốn không có sự đói khát. Chẳng qua tùy thuận pháp thế gian nên ta thị hiện như vậy.

“Ta lại thị hiện đồng như chúng sanh, có sự ngủ nghỉ. Tuy nhiên, trong vô lượng kiếp rồi, ta đã có đầy đủ trí tuệ sâu xa mầu nhiệm hơn hết, lìa xa Ba cõi.

“Ta cũng thị hiện những oai nghi như đi, đứng, nằm, ngồi, nhức đầu, đau bụng, đau lưng, khảy đàn, rửa chân, rửa tay, rửa mặt, súc miệng, xỉa răng... Mọi người đều bảo rằng ta có những việc ấy. Tuy nhiên, thân này của ta vốn không có những việc ấy. Tay chân ta vốn sạch sẽ như hoa sen, hơi miệng ta thơm tho như hương hoa ưu-bát-la. Tất cả chúng sanh đều bảo rằng ta là người, nhưng thật ra ta vốn chẳng thuộc về loài người.

“Ta lại thị hiện thọ nhận y phấn tảo rồi giặt giũ, vá may. Tuy nhiên, từ lâu ta vốn chẳng cần đến thứ áo như vậy.

“Mọi người đều nói rằng La-hầu-la là con ta, vua Tịnh-phạn là cha ta, phu nhân Ma-da là mẹ ta. Ta ở tại thế gian, thọ hưởng các sự khoái lạc, rồi lìa bỏ tất cả để xuất gia học đạo. Mọi người lại nói rằng: ‘Vị thái tử họ Cồ-đàm ấy lìa xa mọi sự vui sướng của thế gian, tìm cầu pháp xuất thế gian.’ Tuy nhiên, từ lâu ta đã lìa xa mọi ái dục thế gian. Những việc như vậy chỉ là sự thị hiện. Tất cả chúng sanh đều bảo rằng ta là người, nhưng thật ra ta vốn chẳng thuộc về loài người.

“Thiện nam tử! Tuy rằng ta ở tại cõi Diêm-phù-đề này đã biết bao lần thị hiện nhập Niết-bàn, nhưng thật rốt ráo chẳng nhập Niết-bàn. Chúng sanh đều bảo rằng Như Lai đã diệt mất, nhưng tánh Như Lai thật vĩnh viễn không diệt mất. Vì vậy, nên biết rằng đó là pháp thường trụ, pháp chẳng biến đổi.

“Thiện nam tử! Đại Niết-bàn là cõi pháp của chư Phật Như Lai. Ta lại thị hiện ra đời trong cõi Diêm-phù-đề. Chúng sanh đều bảo rằng ta mới thành Phật. Tuy nhiên, từ vô lượng kiếp ta đã làm xong những việc phải làm. Chẳng qua tùy thuận thế gian nên ta lại thị hiện ra đời rồi thành Phật ở cõi Diêm-phù-đề.

“Ta lại thị hiện trong cõi Diêm-phù-đề, không giữ giới cấm, phạm Bốn tội trọng. Mọi người đều thấy, bảo rằng ta thật có phạm giới. Tuy nhiên, trong vô lượng kiếp rồi ta đã giữ giới cấm một cách kiên cố, chẳng hề có sự thiếu sót lỗi lầm.

“Ta lại thị hiện trong cõi Diêm-phù-đề, làm kẻ nhất-xiển-đề. Mọi người đều thấy đó là kẻ nhất-xiển-đề. Tuy nhiên, ta thật chẳng phải là kẻ nhất-xiển-đề. Nếu ta là kẻ nhất-xiển-đề, làm sao có thể thành quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề?

“Ta lại thị hiện trong cõi Diêm-phù-đề, phá hòa hiệp Tăng. Chúng sanh đều bảo rằng ta là kẻ phá Tăng. Thật ra, ta quán xét khắp cõi trời người vốn chẳng ai có thể phá được Chúng tăng hòa hiệp!

“Ta lại thị hiện trong cõi Diêm-phù-đề, hộ trì Chánh pháp. Ai nấy đều bảo rằng ta là người hộ pháp, thảy đều lấy làm kinh quái. Nhưng pháp của chư Phật là như thế, chẳng nên lấy làm kinh quái.

“Ta lại thị hiện trong cõi Diêm-phù-đề, làm ma Ba-tuần. Ai nấy đều bảo rằng ta là Ba-tuần. Tuy nhiên, từ vô lượng kiếp tới nay, ta đã lìa khỏi những việc của ma, thanh tịnh không nhiễm ô như hoa sen.

“Ta lại thị hiện trong cõi Diêm-phù-đề, làm thân nữ thành Phật. Mọi người đều nói: ‘Kỳ lạ thay! Người nữ mà có thể thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề!’ Thật ra, Như Lai rốt cùng chẳng thọ thân nữ. Chẳng qua vì muốn điều phục vô lượng chúng sanh nên hiện ra hình tượng người nữ. Vì thương xót tất cả chúng sanh, cho nên ta cũng thị hiện ra đủ mọi thứ hình sắc, cảnh tượng.

“Ta lại thị hiện trong cõi Diêm-phù-đề, sanh vào bốn nẻo ác. Tuy nhiên, từ lâu ta đã dứt hết các nhân sanh vào đó. Chúng sanh vì nghiệp nhân mới sanh vào bốn nẻo ác, còn ta vì cứu độ chúng sanh nên sanh vào đó.

“Ta lại thị hiện trong cõi Diêm-phù-đề làm Phạm thiên vương, khiến những ai thờ Phạm thiên đều được trụ yên nơi Chánh pháp. Tuy nhiên, ta thật chẳng phải Phạm thiên. Chúng sanh đều bảo rằng ta thật là Phạm thiên. Cũng như thế, ta thị hiện làm hình tượng chư thiên ở khắp các miếu thờ thiên thần.

“Ta lại thị hiện trong cõi Diêm-phù-đề, vào nhà dâm nữ. Tuy nhiên, ta thật chẳng có tư tưởng tham dục, thanh tịnh chẳng nhiễm ô như hoa sen. Ta vì những chúng sanh tham dâm đắm sắc nên ở nơi ngã tư đường mà tuyên thuyết pháp mầu. Tuy nhiên, ta thật chẳng có lòng dâm dục ô uế. Mọi người đều nói rằng ta che chở bảo vệ cho người nữ.

“Ta lại thị hiện trong cõi Diêm-phù-đề, vào chốn lầu xanh để giáo hóa các kỹ nữ, khiến họ trụ nơi Chánh pháp. Tuy nhiên, ta thật không có các nghiệp ác để phải đọa vào chốn ấy.

“Ta lại thị hiện trong cõi Diêm-phù-đề, làm người học rộng biết nhiều để dạy dỗ trẻ con, khiến cho trụ nơi Chánh pháp.

“Ta lại thị hiện trong cõi Diêm-phù-đề, vào những nơi quán rượu, những nơi cờ bạc, thị hiện nhận lấy mọi cách tranh đấu hơn thua, vì ta muốn cứu giúp những chúng sanh ở đó. Thật ra ta không có các nghiệp ác, nhưng chúng sanh đều thấy rằng ta tạo các nghiệp như vậy.

“Ta lại thị hiện ở lâu nơi vùng mồ mả, làm loài chim kên kên lớn để hóa độ các loài chim. Chúng sanh đều bảo rằng ta thật là thân kên kên. Tuy nhiên, từ lâu ta đã lìa khỏi các nghiệp như thế, chỉ vì muốn độ những loài chim kia nên thị hiện thân ấy.

“Ta lại thị hiện trong cõi Diêm-phù-đề, làm vị đại trưởng giả, vì ta muốn làm cho vô lượng chúng sanh trụ yên nơi Chánh pháp. Ta cũng thị hiện làm vua, quan đại thần, con vua, tể tướng... Ở trong mỗi hạng ấy, ta đều làm bậc cao trổi nhất. Vì tu tập Chánh pháp ta mới ở ngôi vua.

“Ta lại thị hiện [làm cho] trong cõi Diêm-phù-đề phát khởi bệnh dịch lớn nhất trong kiếp. Nhiều chúng sanh khổ não vì bệnh, trước ta cho họ thuốc men, sau mới thuyết Chánh pháp vi diệu, khiến họ được trụ yên nơi đạo bồ-đề vô thượng. Mọi người đều bảo rằng đó bệnh tật trong kiếp tự sanh khởi.

“Ta lại thị hiện [làm cho] trong cõi Diêm-phù-đề có nạn đói lớn nhất trong kiếp. Rồi tùy chỗ chúng sanh cần đến, ta cung cấp đủ món ăn thức uống cho họ, sau đó mới thuyết Chánh pháp vi diệu, khiến họ trụ yên nơi đạo bồ-đề vô thượng.

“Ta lại thị hiện [làm cho] trong cõi Diêm-phù-đề có nạn đao binh lớn nhất trong kiếp. Ta vì chúng sanh mà thuyết pháp, khiến họ lìa khỏi sự oán hại, được trụ yên nơi đạo bồ-đề vô thượng.

“Ta lại thị hiện vì những kẻ chấp thường mà giảng thuyết phép quán tưởng vô thường; vì những kẻ chấp lấy sự vui mà giảng thuyết phép quán tưởng lẽ khổ; vì những kẻ chấp ngã mà giảng thuyết phép quán vô ngã; vì những kẻ chấp lấy sự trong sạch mà giảng thuyết về sự bất tịnh.

“Như có những chúng sanh tham đắm Ba cõi, ta liền thuyết pháp khiến cho họ lìa khỏi Ba cõi. Vì độ chúng sanh, ta mới dùng đến món thuốc là Pháp vi diệu cao trổi nhất. Vì trừ tuyệt tất cả những cây phiền não, ta mới trồng cây thuốc Pháp cao trổi nhất. Vì muốn cứu vớt những kẻ ngoại đạo, ta mới diễn thuyết Chánh pháp. Tuy ta thị hiện làm thầy của chúng sanh, nhưng chẳng hề có tư tưởng là thầy của chúng sanh. Vì muốn cứu vớt những kẻ hạ tiện, ta mới thị hiện vào trong cảnh ngộ của họ mà thuyết pháp, chứ không phải vì nghiệp ác mà phải chịu thân hạ tiện.

“Như Lai Chánh giác trụ yên nơi Đại Bát Niết-bàn như vậy đó. Cho nên gọi là thường trụ, chẳng biến đổi. Lại giống như ở cõi Diêm-phù-đề, các cõi Phất-vu-đãi phương đông, cõi Cồ-da-ni phương tây, cõi Uất-đan-việt phương bắc cũng đều như vậy. Lại giống như bốn cõi thiên hạ, cõi thế giới tam thiên đại thiên cũng đều như vậy. Cho đến khắp 25 cảnh giới hiện hữu như trong kinh Thủ Lăng Nghiêm đã có giảng rộng. Vì vậy nên gọi là Đại Bát Niết-bàn. Như có vị Bồ Tát nào trụ yên nơi Đại Bát Niết-bàn ấy, có thể thị hiện biến hóa thần thông như vậy mà không có sự sợ sệt gì cả.

“Ca-diếp! Vì nhân duyên như thế, ông chớ nên nói rằng: ‘La-hầu-la là con của Phật.’ Vì sao vậy? Từ vô lượng kiếp đến nay ta đã lìa bỏ lòng tham dục. Vì vậy nên Như Lai gọi là thường trụ, không có biến đổi.”

Ca-diếp lại bạch Phật rằng: “Sao gọi Như Lai là thường trụ? Như Phật có dạy: ‘Như ngọn đèn tắt rồi, [ngọn lửa] chẳng đi về đâu cả; Như Lai cũng thế, khi diệt độ rồi cũng chẳng đi về đâu.’”

Phật bảo Ca-diếp: “Thiện nam tử! Nay ông không nên nói rằng: ‘Như ngọn đèn tắt rồi, [ngọn lửa] chẳng đi về đâu cả; Như Lai cũng thế, khi diệt độ rồi cũng chẳng đi về đâu.’

“Thiện nam tử! Ví như người đốt đèn, châm dầu đầy vào đèn. Khi dầu còn thì đèn sáng, dầu hết thì đèn cũng hết sáng. Ánh sáng không còn là ví như phiền não đã dứt. Mặc dầu ánh sáng không còn nhưng cái đèn vẫn còn đó. Như Lai cũng vậy, phiền não tuy đã dứt, nhưng pháp thân vẫn thường còn.

“Thiện nam tử! Ông nghĩ sao, ánh sáng với cái đèn có phải cả hai đều mất đi chăng?”

Ca-diếp thưa: “Bạch Thế Tôn! Chẳng phải vậy. Nhưng tuy cả hai không cùng mất đi, vẫn là vô thường. Nếu đem pháp thân mà ví như cái đèn, thì cái đèn là vô thường, pháp thân cũng vậy, hẳn là vô thường.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nay ông chẳng nên cật vấn như thế. Như thế gian nói đến các món chứa đựng, thì Như Lai Thế Tôn là món chứa đựng pháp vô thượng. Món đồ chứa đựng của thế gian là vô thường, nhưng Như Lai chẳng phải là vô thường. Trong tất cả các pháp, Niết-bàn là thường. Như Lai là thể của Niết-bàn, cho nên gọi là thường.

“Lại nữa, Thiện nam tử! Nói là đèn tắt, đó là chỗ chứng Niết-bàn của A-la-hán. Bởi dứt các phiền não tham ái, cho nên so sánh với đèn tắt vì hết dầu. Quả A-na-hàm gọi là còn có tham dục. Bởi còn có tham dục nên không được so sánh với cây đèn tắt. Vậy nên trước kia ta lấy nghĩa này mà ví dụ như cây đèn tắt, thật ra không phải Đại Niết-bàn là cây đèn tắt.

“A-na-hàm nghĩa là không còn phải sanh lại chốn nhân gian nhiều lần nữa, cũng chẳng trở lại trong 25 cảnh giới hiện hữu, mãi mãi chẳng còn thọ lấy cái thân hôi hám, cái thân [là nơi tụ họp của các loài] trùng, cái thân nuôi sống bằng ăn uống, cái thân độc hại. Như vậy gọi là A-na-hàm.

“Như còn phải thọ thân sau thì gọi là Na-hàm, không còn phải thọ thân sau thì gọi là A-na-hàm. Còn đến và đi ở chốn này gọi là Na-hàm, chẳng còn đến và đi nữa gọi là A-na-hàm.”

Chapter Seven: On the Four Aspects

The Buddha again spoke to Kasyapa: "O good man! There are four aspects about which a Bodhisattva-mahasattva discriminates and expounds Mahaparinirvana. What are these four? They are: 1) rightness in one’s own self, 2) correcting others, 3) complying well [with the teachings] and discussing, and 4) understanding well causal relations.

"O Kasyapa! What is rightness in one’s own self? This is as when the Buddha Tathagata expounds Dharma, seeing well the causal relations. This is like a bhiksu seeing a great fire. He says: "I would sooner throw myself into this ball of burning fire than ever say that all the twelve types of sutras and the undisclosed teachings are from Mara [the devil]. If one says that the Tathagata, Dharma and Sangha are non-eternal, this is cheating one’s own self and also others. I would sooner cut out my tongue with a sharp sword than ever say that the Tathagata, Dharma and Sangha are non-eternal. I might indeed hear others saying this, but I will never believe it. I shall even pity a person who says such as this. The Tathagata, Dharma and Sangha are inconceivable." One should uphold one’s own self well like this. One looks to one’s own self as if seeing a fire ball. This is how one sees rightness in one’s own self.

" O Kasyapa! How does one correct others? When I was once talking about Dharma, there was a woman nursing a child with milk. She came up to where the Buddha was. She touched my feet with her head and paid homage to me. As she was worried, she was absorbed in herself and took her seat on one side. Fathoming her mind, I especially said to her: "Out of love for your child, you have given the child too much cream. You did not weigh up the [matters of] digestion and indigestion." At that, the woman said to me: "How wonderful that the World-Honoured One thus reads my mind. Please, O World-Honoured One! Teach me how to give. O World-Honoured One! I gave [my child] too much cream this morning. Possibly it cannot digest it well. Will this not take the child’s life? O Tathagata! Please explain things to me." I said: "What you gave will be digested by and by and then will enhance life." The woman, on hearing this, was very glad. She spoke again, saying: "What the Tathagata speaks is [always] true. So I am glad. The World-Honoured One, in order to teach all beings, makes distinctions and expounds digestion and indigestion, the non-Self and non-eternal of all existences. If the World-Honoured One were to talk first about the Eternal, a person hearing this might say that what he says is the same as what the tirthikas [heterodox believers] say, and discount what he says and go away." I then said to the woman: "When the child grows up and becomes big, and when it can come and go by itself, whatever is eaten will be digested, even when indigestible [previously]. The cream that was taken before will not be enough to support [that person]. The same is the case with all my sravaka disciples. It is as in the case of your child. They cannot digest this eternal Dharma. That is why I speak about suffering and impermanence. When all of my sravakas are already perfect in virtue and can stand learning the Mahayana sutras, I then, in this sutra, speak about the six tastes.

"What are the six tastes? Suffering is the taste of vinegar; the non-Eternal that of salt; non-Self that of bitterness; Bliss has the taste of sweetness; Self is of pungent taste; and the Eternal is light in taste. In secular life, too, there are three tastes, which are: 1) non-Eternal, 2) non-Self, and 3) non-Bliss. Illusion is the fuel, and Wisdom is the fire. By this means, we gain the meal of Nirvana. This is the Eternal, Bliss, and Self. All of my disciples taste these as sweet." I also said to the woman: "If you happen to go to other places, drive away bad boys from the house and give treasure to good boys." The woman said to me: "Indeed, as you instruct me, the rare treasures that I have will be shown to good sons, and not to bad ones." "O sister! The case is the same with me. At the time of entering Parinirvana, the Tathagata’s undisclosed and unsurpassed storehouse of Dharma will not be given to sravaka disciples. Just as you do not reveal your treasures to bad sons, it [my storehouse of Dharma] will by all means be entrusted to the Bodhisattvas. This is just like your revealing your treasures to good sons. Why is that? Because the sravaka disciples abide in the thought of change and say that the

Tathagata truly dies. But actually I do not. This is like your going to far-away places and not yet coming back home, at which your bad sons say that you have died, whereas you have not died. All Bodhisattvas say that the Tathagata never changes. This is similar to your good sons, who do not say that you are dead. Hence, I entrust the unsurpassed, undisclosed treasure to all Bodhisattvas." O good man! If any person says that the Buddha is Eternal and does not change, know that the Buddha is present in that house. This is corrcting others.

"O Kasyapa! What is "complying well and discussing"? For example, a person comes and puts a question to the Buddha-World-Honoured One: "How can I be a great danapati [giver], not throwing my money away?" The Buddha says: "Should there be any sramana, Brahmin, or any person who seeks to posess [but] little and is fully contented and will not accept or store any impure things, give such a person a maid or servant. To one who practises pure actions, give him the lust of a female, and to one who does not drink [alcohol] or eat meat, give drink and meat; to one who does not take meals after noon, give him a meal after noon; to one who does not use flowers and incense, give flowers and incense. Such donations give rise to rumour and the fame will fill the world. Not a penny is spent. This is "complying well and discussing."

Then Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! To one who eats flesh, we should not give flesh. Why not? I see a great virtue arising out of abstention from eating flesh." The Buddha praised Kasyapa and said: "Well said, well said! You now come to know my mind well. A Bodhisattva who protects Dharma should be thus. O good man! From now on, I do not permit my sravaka disciples to eat meat. When receiving from a danapati a pristine dana [gift] of faith, think that one is eating the flesh of one’s own son." Bodhisattva Kasyapa said further to the Buddha: "O World-Honoured One! Why is it that the Tathagata does not allow us to eat meat?" "O good man! “One who eats meat kills the seed of great compassion."

Kasyapa said again: " Why did you first allow the bhiksus to eat three kinds of pure meat?" " O Kasyapa! These three kinds of pure meat were so instituted following the need of the occasion." Bodhisattva Kasyapa said again to the Buddha: "O World-Honoured One! In what circumstances do you not allow the ten impurities or the nine kinds of what is pure?" The Buddha said to Kasyapa: " This also is permitted by gradual steps following the need of the occasion. This is what applies in the actual segregation from eating meat." Bodhisattva Kasyapa said further to the Buddha: " Why is it that the flesh of fish is praised and called beautiful?" "O good man! I do not say that the flesh of fish is a beautiful food. I say that sugar can, non-glutinous rice, rock candy, black rock candy, all kinds of wheat, honey, milk, cream, and oil are beautiful foods. Various kinds of clothing material can be stocked, but what can be stocked is those whose colour has faded. How could one greedily stick to [crave after] the flesh of fish?" Kasyapa said again to the Buddha: "If the Tathagata means to prohibit the eating of meat, such things as the five kinds of flavours as milk, cream, fresh butter, clarified butter, and sarpirmanda, all kinds of clothing, silk cloth, horse-shoe shell, hide and leather, bowls of gold and silver should not be received." "O good man! Do not muddle things up with what the Nirgranthas [Jains] say. Each of the prohibitions which the Tathagata lays down has a different meaning. By this, three pure meats are permitted standing on different grounds and the ten kinds of meat are prohibited by different standpoints. By different standpoints, all are prohibited, until the time of one’s death. O Kasyapa! “I, from now on, tell my disciples to refrain from eating any kind of meat”. O Kasyapa! When one eats meat, this gives out the smell of meat while one is walking, standing, sitting or reclining. People smell this and become fearful. This is as when one comes near a lion. One sees and smells the lion, and fear arises. O good man! When one eats garlic, the dirty smell is unbearable. Other people notice it. They smell the bad smell. They leave that person and go away. Even from far off, people hate to see such a person. They will not come near him. It is the same with one who eats meat. It is a similar situation with all people who, on smelling the meat, become afraid and entertain the thought of death. All living things in the water, on land and in the sky desert such a person and run away. They say that this person is their enemy. Hence the Bodhisattva does not eat meat. In order to save beings, he shows [pretends] that he eats meat. Though he [seems to] eat meat, in actual fact he does not. O good man! Such a Bodhisattva does not even take pure food. How could he eat meat? One hundred years after my death, all the holy sages of the four fruitions [the four stages leading to "arhatship"] will enter Nirvana. The age of Wonderful Dharma will be over, and there will appear the age of Counterfeit Dharma, when the bhiksu will keep the precepts [only] as a matter of form, will recite [only] a little of the sutras, will greedily take food and drink and [excessively] nourish his body. What he wears on his body will be ugly and coarse. He will look wearied and show no dignity. He will feed [farm] cows and sheep and carry fuel and grass. His beard, nails and hair will be long. He will don the kasaya [priestly robe] but look like a hunter. He will narrow his eyes, walk slowly and look like a cat who is after a rat. He will always mutter: "I have attained arhatship". He will suffer from all kinds of diseases, lie and sleep on dung. Outwardly he will look wise, but inside he will be greedy and jealous. He practises mute like a Brahmin. Truth to tell, he is no shramana [monk], but only tries to appear as such. He is burning with perverted views, ever slandering Wonderful Dharma. One such as this transgresses against the precepts, right action and deportment instituted by the Tathagata. He talks about the fruit of emancipation, but his actions depart from what is pure and he violates Dharma, which is profound and hidden. Each such person, following his own interpretation, will speak contrary to what the sutras and vinaya rules state, saying: " The Tathagata allows all of us meat" . They will talk thus and say that the Buddha has so spoken. They will dispute and say that they are shramanas and successors to the Buddha's teaching.

0 good man! At that time, again, there will be shramanas who store cereals, receive fish and meat, prepare meals themselves, and keep oil pots. They will be around bejewelled parasols, leather footgear, kings, ministers and rich people. They will indulge in astrological practices and medical treatments; they will keep servants, gold, silver, beryl, musaragalva, agate, crystal, coral, amber, jade, horse-shoe shell, and many kinds of melons [seeds]. They will learn all arts, painting, plastering, book-making, and all kinds of science, all kinds of seed- sowing and planting of roots, placing of curses, charming, preparation of medicines, theatrical art, music, adorning of their body with fragrances and flowers, gambling, "go" game, and various kinds of handiwork. If any bhiksu rejects such evils, one can say that he is truly my disciple." Then Kasyapa said further to the Buddha: "O World-Honoured One! The bhiksus, bhiksunis, upasakas and upasikas may have to live depending on people. At the time of the alms-round, one may be given food containing meat. How can one take it and yet be pure?" The Buddha said: "Use water, wash away the meat, and then eat it [the rest of the food]. The utensil may be defiled by meat. But if no taste of meat remains, this may be used. There will be no harm done. If one sees that there is a lot of meat, one should not accept such a meal. One must never eat the meat itself. One who eats it infringes the rule. I now set this rule of segregating one’s self from eating meat. If we go into detail, there will be no end of explanations. It is now time that I enter Nirvana. So

I must dispense with explanations. This is "answering well what is enquired about."

" O Kasyapa! What does " well understanding causal relations" mean? The four classes of the Sangha may come to me and say: "This is the first time, O Tathagata, that you have told us such a thing. Why is this? You did not tell King Prasenajit about the deeper part of the teaching, and said, at times, that it was "deep", and, at other times, "shallow"; at times, you said that one infringes, and, at other times, that one did not. Why do we say "parajayika" [parajika, means grave, extremely serious], precepts and "pratimoksha" [the rules of monastic life, which "set one free"]?

The Buddha said: "Pratimoksha means feeling content. There is then perfection of deportment; there is no receiving and storing. This is also called " pure life" .

"Parajayika" means "the four unfortunate realms". It also means falling into hell, down to Avichi Hell [the most terrible of the eight hot hells]; as to slowness or swiftness, it is swifter than rushing rain. One who hears [of this], fears, strictly upholds the precepts, and never acts contrary to [correct moral] deportment. Trained in contentment, he will never receive what is not pure. Also, the parajayika augments [the realms of] hell, animals and hungry pretas. For these reasons, we say "parajayika".

"Pratimoksha" does away with the evil and perverted actions of body, mouth and mind.

"Precepts" refers to moral deportment, the deep meaning of the sutras, and the signification of good, and segregating oneself from accepting impure things and from all causal relations with impure things. Also, the precepts segregate one from such as the four grave offences, the thirteen samghavasesas, two aniyatans, thirty naihsargika-prayascittikas, ninety-one payatikas, four desaniyas, siksakaraniya, seven ways of adhikaranasamatha, etc. Or there may be a person who transgresses against all the precepts. What are all of them? This refers to the four grave offences right down to the seven ways of adhikaranasamatha. Or there may be a person who slanders the deep signification of the Buddhist sutras of Wonderful Dharma or who is allaccomplished as an icchantika, who has no possibility of ever encountering the Buddhist teaching by any means. Such people say of themselves that they are clear-headed and wise. They are equal to all sins. They conceal all the evils done that may be light or grave in nature, just as a tortoise hides its six limbs under its shell. They never once repent any such sins. Because of this non-repentance, their sins increase day and night. All such bhiksus do not confess all their sins. As they hide these within, they gradually grow. The Tathagata, aware of all this, prohibits by gradual steps and not at a time."

Then, good men and women said to the Buddha: " O World-Honoured One! The Tatha- gata knew all such things. Why did you not previously suppress [them]? Or, O World-Honoured One, does this not mean all beings’ falling into Avichi Hell? For example, many people, desiring to go to other places, miss the right way and take the wrong. These people, not knowing what is wrong, say that they are taking the right way. This is as in the case of one who does not ask about right or wrong. In the same way, people take the wrong path regarding the Buddhist teaching. The Tathagata ought first to show the right path and let all bhiksus know how this violates the injunctions and what is right. You should thus show the prohibitions. Why? Because we say that the Tathagata, the Right-Enlightened One, is one who is true [truthful]. He sees the right path. And the Tathagata is the god of gods, and he indeed talks about the superb virtues of the ten good deeds and the meanings thereof. Thus we respectfully beseech you first to institute the precepts." The Buddha said: "O good man! If you say that the Tathagata, for the sake of beings, talks about the superb virtues of the ten good deeds, this indicates that he sees beings like his son, Rahula. How can you reproach him and ask if he lets beings not fall into hell? Should I see but one person falling into Avichi Hell, I would, for the sake of that person, stay in the world for a kalpa or less than a kalpa. I have great compassion for all beings. How could I cheat one whom I regard as my son and let him fall into hell? O good man! It is like a person in the land of a king who dons the kasaya. There is a hole in it, and he sees and later repairs it. The same with the Tathagata. Seeing a person falling into hell, he causes repairs [to be made] and bestows the precepts for good deeds. O good man! This is like a chakravartin who, for the sake of beings, first speaks about the ten good deeds. Later, the time comes when he occasionally sees people doing evil. Then the king passes a law and roots it out. Having rooted out all evil, the king effects the administration of a chakravartin. O good man! The same with me. I have things to say, but I do not set laws first. Always, first, the bhiksu does wrong; then, accordingly, admonition is given. And the people who love the Way are pleased to practise [accordingly]. Such people can well see the Dharma-Body of the Tathagata. This is like the chakraratna [wheel treasure], the all-wonderful quality of a chakravartin, which is hard to conceive. The same in the case with the Tathagata. He is beyond knowing. The two treasures of Dharma and Sangha are also beyond conceiving. The one who talks and those who listen are also beyond knowing. This is how to understand causal relations well. Thus the Bodhisattva discriminates and explains the meaning of the four aspects. This is the causal relations referring to the Great Nirvana of Mahayana.

"And next: "correcting oneself" is to gain this Mahaparinirvana. "Correcting others" is what I say to bhiksus, telling them that the Tathagata is Eternal and Unchanging. "Answering questions", O Kasyapa, by your question, I now explain this all-wonderful doctrine for the sake of Bodhisattvas, bhiksus, bhiksunis, upasakas and upasikas. By "causal relations" I open the eyes of sravakas and pratyekabuddhas, as they do not comprehend the deep meaning of such as the above, and as they do not have occasion to hear about the fact that the three dots of the "i" accomplish emancipation, Nirvana, and Mahaprajna, and also the hidden store. I now make the sense clear and discriminate and, for the sake of all sravakas, open the eye of Wisdom.

"People may say: "How could all such four things be merged into one? Isn’t that nonsense?" Then one may say back: "Could there be any difference in the following four of space, non-possession, immovability, and unhinderedness?" Can we say that it is nonsense?" "No, O World-Honoured One! All the four expressions amount to one and the same. They mean but the Void. The same is the case with what is made by "correctness in oneself", "correcting others", " answering questions put to one" , and " well understanding causal relations" . That is to say that what there is here is the oneness of Great Nirvana and that nothing is different [i.e. there is no dualism or differentiation]."

The Buddha said to Kasyapa: "Or there may be good men and women who may say: " The Tathagata is non-eternal. How can we know that he is non-eternal? The Buddha says that when the fire of illusion is extinguished, there is Nirvana. This is as when there is nothing [left over] to be seen when the fire is extinguished. The same is the case when all illusions are annihilated. This, he says, is Nirvana. How can the Tathagata claim that he is the Dharma eternal and unchanging? The Buddha says that when we part from existence, there is Nirvana. In this Nirvana, there cannot be anything that exists. How, then, can the Tathagata be eternal and unchanging? When a piece of clothing is torn, we do not call it anything. The same with Nirvana. When all illusions are done away with, there can be no thing. How can the Tathagata be eternal and unchanging? The Buddha says that separation from desire and arrival at quietude is Nirvana. If a person’s head is cut off, there is no head any more. The same with separation from desire and arrival at quietude. What there is is Voidness. There is nothing there. Hence, Nirvana. How can the Tathagata be eternal and unchanging? The Buddha says:

[This is as in the case of heated iron.
When beaten by a hammer, sparks shoot out.
These flash and die out; nothing remains.
The same applies to attaining emancipation.
Once the muddle of carnal desire has been crossed,
One gains the immovable state.
One no longer has a place to move to].

"How can the Tathagata be one eternal and unchanging?" O Kasyapa! One who reproaches me thus commits slander, which is wrong. O Kasyapa! You must not entertain such a notion and say that the nature of the Tathagata perishes. O Kasyapa! We do not place the annihilation of illusion in the category of matter [rupa]. Why not? Because of the fact of the ultimacy of Eternity. Hence, we say Eternal. [Nirvanic] quietude has nothing to supercede it. All phenomenal existences are done away with, with nothing remaining. This indicates what is fresh, clear, eternal, and unretrogressive. That is why we say that Nirvana is eternal. It is the same with the Tathagata. He is eternal, with no change. "Stars sweep". This refers to illusion. Once swept, all is gone and no trace remains of any existence. This indicates that all Tathagatas are those who have done away with illusion and are no longer in the five realms. This means that the Tathagata is one eternal and that there is no change [with him]. Also next, O Kasyapa! It is the Dharma which is the teacher of all Buddhas. Hence, the Tathagata respectfully makes offerings. As the Dharma is eternal, so too are all Buddhas eternal."

Bodhisattva Kasyapa said again to the Buddha: "If the flame of illusion dies out, the Tathagata must also die out. This indicates that there can be no ground where the Tathagata is eternal. This is similar to the situation in which hot iron slag can no longer be seen when the red colour disappears. The same with the Tathagata and illusion. Gone, there is no other pace to go to. And it is like the case of iron. The heat and the red colour gone, there remains nothing to be seen. The same with the Tathagata. Once extinguished, what remains is noneternal. The fire of illusion done away with, he enters Nirvana. This tells us that the Tathagata is non-eternal." "O good man! The iron you speak of refers to common mortals. Illusion done away with, the common mortal comes about again. That is why we say non-eternal. This is not the case with the Tathagata. Gone, there is no coming about. Hence, eternal." Kasyapa further said to the Buddha: " If we place the colour-robbed iron back into the fire, the red colour will return. It it is thus with the Tathgata, illusion will again form. If illusion again forms, this is nothing but the non-eternal." The Buddha said: "O Kasyapa! Do not say that the Tathagata is non-eternal. Why not? Because the Tathagata is one Eternal. O good man! When wood is burnt, extinction comes about, and there remain behind the ashes. When illusion is done away with, there remains Nirvana. All such parables as of the torn garment, beheading and broken earthenware enunciate the same truth. All such things have such names as torn garment, beheading, and broken earthenware. O Kasyapa! The iron that has become cold can be made hot again. But this is not the case with the Tathagata. Illusion once done away with, what there is is utmost purity and coolness. The blazing flame never comes back again. O Kasyapa! Know that the situation of innumerable beings is like that of the iron. With the blazing fire of Wisdom free from the “asravas” [defilements], I now burn off the bonds of illusion of all beings." Kasyapa said further: "It is good, it is good that I now clearly see what the Tathagata means when he says that all Buddhas are eternal." The Buddha said: "O Kasyapa! Imagine, for example, a chakravartin [world-ruler] in the back of his palace. At one time he is in the back garden. Though this king is not among the attendant females, we cannot say that his life is at an end. O good man! The same is true of the Tathagata. Though not in Jambudvipa [this world], but in Nirvana, we cannot say that he is non-eternal. He is now out of the world of innumerable illusions and is now in the all-wonderful world of peace and happiness. He sits amidst the flowers of Enlightenment; he sees and amuses himself."

Kasyapa again asked the Buddha: " The Buddha says that you have already crossed over the great ocean of illusion. If you are beyond the sea of illusion, why did you take in [marry] Yasodhara and beget Rahula? From this, we can know that the Tathagata has not yet severed himself from the bonds of illusion and crossed the sea. Please, O Tathagata! Enlighten me upon this point." The Buddha said to Kasyapa: "Do not say that if the Tathagata had long crossed the great sea of illusion, there could be no reason for him to take Yasodhara [as his wife] and bring forth Rahula and that, in consequence, the Tathagata could not have yet severed himself from the bonds of illusion and crossed the great sea of illusion. O good man! This Great Nirvana calls forth a thing of great significance. Listen to me with your best attention. I shall speak for all the world. Do not become surprised and entertain doubt. If the Bodhisattva-mahasattva reaches Great Nirvana, such a high and wide thing as Mount Sumeru could indeed be placed inside a mustard seed. If beings are standing on Mount Sumeru [at that time], they will feel neither narrowed down nor oppressed. There will be no sense of having come or gone anywhere. All will be just as before, with nothing different. Only one who has himself crossed the ocean [of illusion] will be able to see that this Bodhisattva has put the 3,000 great-thousand worlds into a mustard seed and is back in his own abode again. O good man! Also, the Bodhisattva-mahasattva may enter into Great Nirvana and place the 3,000 great-thousand worlds into a pore of his skin, and yet the original place may ever be like this [may remain unchanged]. O good man! Also, the Bodhisattva-mahasattva may enter into Nirvana, cut off the 3,000 great-thousand Buddha- lands of all directions, place them on the point of a needle and strike the other Buddha-lands as though passing them through a jujube leaf, and the living beings therein would not entertain any thought of going or coming. Only one who is emancipated could see this and also the original place. Such is the case. O good man! Also, there could be a Bodhisattva-mahasattva who abides in Great Nirvana and who cuts off the 3,000 great-thousand Buddha-lands and puts them on his right-hand palm and as in the case of the potter's wheel throws them onto other mote worlds. And not a single being would entertain any idea of having gone or come. Only one who is emancipated would be able to see this. And so it is too with the original place. O good man! Also, a Bodhisattva-mahasattva who has attained Great Nirvana can snip off innumerable Buddha-lands of all the ten directions and put them all into his own body. And the people living therein do not feel narrow or oppressed or have any feeling of having been moved or of where they are standing. Only one who has been saved can see this. The same with the original abode. O good man! There might also be a Bodhisattva-mahasattva who has entered Nirvana and who has placed the lands of the ten directions into a dust-mote. The beings inside also do not feel constricted or oppressed or have any sense of going or coming. Only one emancipated sees this well. It is the same with what happens in the original abode. O good man! When this Bodhisattva abides in Great Nirvana, he well manifests various innumerable transformations. Hence, Mahaparinirvana. All such divine miracles which this Bodhisattva-mahasattva displays can never be weighed or known by any [ordinary] being. How could you know why the Tathagata committed himself to a life of love and desire and begat Rahula? O good man! It is now a long time since I [first] experienced this Great Nirvana and manifested many divine miracles. It is as alluded to in the “Surangama Sutra”, in which I have already variously manifested such in ten million suns and moons and in ten million Jambudvipas of the 3,000 great-thousand worlds. And I attain Nirvana in the 3,000 great-thousand worlds and in Jambudvipa. I do indeed attain it. And I find my way into the mother’s womb and make the parents think of me as their child. But I am never one who was born through the conjoining of love and desire; I have been far removed from [sensual] love for innumerable kalpas. This body of mine is the Dharma-Body. Following the way of the world, I manifest myself in a motherly womb. O good man! In this Jambudvipa, in the Lumbini gardens, I manifested birth from the womb of Mother Maya. After birth, I took seven steps to the east and proclaimed: "I am the most honoured and best of all men, devas and asuras." My parents and men and devas, on witnessing this, were joyous beyond words and wonderstruck. All these people said that I was a child. But, for innumerable kalpas past, I had been segregated from any such thing. Such a body as this is the Dharma-Body, not one born of flesh and blood, sinews, bones and marrow. Following the way of the world, I appeared as a child. I took seven steps to the south and proclaimed that I would become the best field of weal for the sake of innumerable beings. Taking seven steps to the west, I indicated that life was now ended, that I would part from age and death, and that this was the last of my bodies. Taking seven steps to the north, I manifested that I would cross all the seas of birth and death of all existences. Taking seven steps to the east, I revealed that I would become the guide to all beings. Taking seven steps to the four corners, I revealed that I would cut off the roots of various illusions and the natures of the four Maras, becoming the Tathagata, the Alms-deserving, the All-Enlightened One. Taking seven steps heavenwards, I proclaimed that I would never be tainted by impurities. Taking seven steps netherwards, I proclaimed that the rain of Dharma would extinguish the fire of hell, so that beings born there would be blessed with peace and bliss. To a person who violated the prohibitions, I manifested myself as frost and hail. After 7 days of life in Jambudvipa, I manifested shaving my head. All said I was the first child to have his head shaved. All men and devas, the king of Marapapiyas, shramanas and Brahmins can never see the usnisa [protuberance on top of the Buddha’s head] of my head. How could they possibly take a blade and shave it? There can never be any person who could take a blade and reach my head. I shaved my head innumerable kalpas past. But to follow the ways of the secular world, I showed that I shaved it [as a young Prince]. After my birth, my parents took me to the temple of the gods and showed me to Mahesvara, who, on seeing me, folded his hands and stepped to one side. I had already, since innumerable kalpas past, done away with any such ceremony as entering the devas’ temple. But just to follow the ways of secular life, I manifested this. In the life of Jambudvipa, I let people make a hole in my ear lobe. Nobody in the world can make a hole in my ear lobe. To follow the way of secular life, I manifested this. Also, they made hanging lion earrings out of all the gems and adorned my ear lobes. But since innumerable kalpas past, I had already dispensed with adornments. Just to follow what obtains in secular life, I manifested this. I went to school and showed that I learnt reading and writing. But I had already been accomplished in all such for innumerable kalpas past. As I passed my eyes through all the beings of the three worlds, I saw none who could be my teacher. But to comply with the ways of secular life, I displayed myself going to school. That is why I am called Tathagata, the Alms-deserving, and All-Enlightened One. The same with driving an elephant, riding round on a horse, wrestling, and the learning of various arts, too. In Jambudvipa, I manifested myself as a young prince. All beings saw me as a royal prince enjoying and pleasing himself amidst the life of the five desires. But innumerable kalpas past, I had already discarded such as the five desires. Just to comply with what obtains in secular life, I manifested this. The augur saw me and said that if I did not abandon home and seek the Way, I would become a chakravartin and king of Jambudvipa. All beings believed this. But I had already discarded the throne of a chakravartin and was the Dharma-King. In Jambudvipa I renounced female attendants and the five desires, saw age, illness, death, and the shramana, and abandoned home and sought the Way. All beings said that Prince Siddhartha then for the first time abandoned home and became a shramana. But already innumerable kalpas before, I had abandoned home, become a shramana, practised the Way, merely to comply with what obtained in secular life. And I manifested this. I had already abandoned home in Jambudvipa and received upasampada [full ordination]. I made effort, practised the Way and attained such fruitions of the Way as the shrotapanna ["stream- enterer" - a monk who will only be born between two and seven more times before gaining liberation], sakridagamin [once-returner], anagamin ["never-returner" to this world], and arhat [saint]. I manifested this. Everybody said it was easy and not difficult to attain arhatship. But I had already, innumerable kalpas in the past, attained arhatship. In order to pass beings to the shore of Enlightenment, I sat under the Bodhi Tree on the Bodhimanda [seat of Enlightenment] of grass and defeated all the Maras [demons]. But I had already, innumerably long kalpas back in the past, defeated the Maras. In order to subdue strong beings, I manifested this scene. I also display answering the calls of nature of the two kinds and breathing in and out. All beings say that I answer the calls of nature and breathe in and out. But with this body of mine, I have no fruition of karma and no worries. I merely accord with the way of worldly life. That is why I manifest such. I also show that I receive offerings made to me by the faithful. But I have no hunger or thirst in this body of mine, and I [just] comply with the worldly way of life. I display myself thus. I also follow the worldly way of life of all others and sleep. But I accomplished the depths of Wisdom innumerable kalpas past and did away with such actions as going and coming, all such pains as of the head, eye, stomach, and back, and the whole of my body, and hard-to-cure carbuncles, all of which are the results of past karma, and washing my hands and feet in a basin, washing my face, gargling, using the toothbrush and all such things as apply in the world. People say that I do all these things. But I do not. My hands and feet are as pure as lotuses and my mouth is clean, and smells like an utpala [lotus]. Everyone says that I am a man. But I am now no man. I also manifest receiving pamsukula [discarded clothes], washing, sewing and mending. But I have long since not used such clothing. Everybody says that Rahula is my son, that Suddhodana was my father and Maya my mother, that I carried on a secular career in my life, that I enjoyed peace and happiness [as a young prince], and that I abandoned all such things and sought the Way. People further say: " The prince of this king, of the great clan of Gautama, renounced worldly pleasures and sought the supramundane." But I had long since been away from worldly love and desire. I merely displayed all such things. Everybody says that I am a man. But truth to tell, I am not. O good man! I manifest myself in Jambudvipa and often enter Nirvana. But in truth I do not enter Nirvana at all. Yet all people say that the Tathagata is now dying. But the nature of the Tathagata, truth to tell, eternally does not die out. So you should know that I am one Eternal and Unchanging. O good man!

Great Nirvana is none but the Dharma world of the All-Buddha-Tathagatas. I also manifest myself in this Jambudvipa. People say that I first [as Siddhartha] attained Buddhahood. But since innumerable kalpas past, I had done what needed to be done and I only accorded with the way of the world. That is why I, in this Jambudvipa, displayed renunciation and attainment of Buddhahood. I also [seemingly] did not accord with the prohibitions and committed the four grave offences. People saw me and said I transgressed. But for innumerable kalpas past I have been according with the prohibitions, and nothing was amiss. Also, in Jambudvipa I was an icchantika. People all saw me as an icchantika. But truth to tell, I was no icchantica. If I had been an icchantika, how could I have attained unsurpassed Enlightenment? I also showed myself in Jambudvipa as disturbing the peace of the Buddhist Sangha. People said that I was a Buddhist priest who was breaking the peace of the Sangha. I also manifested myself in Jambudvipa as protecting Wonderful Dharma. People see this and say that this is protection of Dharma. They are all surprised. All Buddhas do this and there is nothing [here] to be surprised about. I also in this Jambudvipa manifested myself as Marapapiyas. People said that this was Marapapiyas. People said that this was "papiyas" ["very wicked"]. But I had been away from evil for innumerable kalpas past; I am pure, I am not defiled and am like the lotus. I also manifest myself in Jambudvipa as a female Buddha. People see this and say that it is strange that a female should attain unsurpassed Enlightenment. The Tathagata, after all, has never once been a female. In order to subdue people, I manifested as a female. As I pity beings, I also manifest in various coloured images. I also manifest myself amidst the four unfortunate realms of Jambudvipa. How could I be born in the unfortunate realms through evil actions? In order to pass beings to the other shore, I get born as such. I also get born as Brahma in Jambudvipa and make those who serve Brahma abide in Wonderful Dharma. But, truth to tell, I am not Brahma. But all people say that I am truly Brahma. I also manifest myself as devas and fill all the temples of the devas. But the same is the case [here too]. I also manifest myself as visiting brothels in this Jambudvipa. But my mind knows no lust; I am as pure and untained as the lotus. To teach those steeped in desire and lust, I stand on the crossroads and speak about the wonderful Doctrine. But in truth I have no lust or defiled mind. People say that I guard females. I also in Jambudvipa manifest myself in the house of menials and maids. All this is to lead them onto the path of Wonderful Dharma. But truth to tell, I never once debased myself and performed evil deeds and became [intimate with] menials and maids. And in Jambudvipa I manifest myself as a teacher and lead children into Wonderful Dharma. In Jambudvipa I also enter various drinking houses and gambling dens. This is to participate in the games and quarrels and all to succour beings. And yet I have no experience of such evil relations. And yet all people say that I do such things. I also lived long amidst the tombstones as a great eagle, so as to succour flying birds. And yet people said I was a true eagle. But I have long since been separate from such a life. All this was to succour such birds and eagles. I also manifested myself in Jambudvipa as a great rich man. This was to make innumerable people be blessed with peace and abide in Wonderful Dharma. Furthermore, I become a king, minister, prince or prime minister. Amongst such people, I rank first in all cases. In order to practise Wonderful Dharma, I become a king. Also, there was a time in Jambudvipa when numerous epidemics arose and many people suffered. First, I gave medicine and later spoke about Wonderful Dharma, and made them attain unsurpassed Enlightenment. Everybody said that there was then, at that time, a time of illness. Also, there was a time in Jambudvipa when a famine broke out. I gave people the food they needed, I spoke about All-Wonderful Dharma and led them into unsurpassed Enlightenment. Also, to an " is" -minded person, I speak about the non-eternal; to one " pleasure-minded" , I speak about suffering. To one who clings to self, selflessness is expounded. To one who clings to purity, impurity is expounded. To one who clings to the three worlds, Dharma is expounded, to make him renounce the world. To pass beings to the other shore, the wonderful medicine of Dharma is prescribed. In order to fell the trees of illusion, those of the unsurpassed medicine of Dharma are planted. To save all tirthikas, Wonderful Dharma is expounded. Although I act as a teacher to beings, no thought of a teacher to all beings resides in me. Since I intend to succour all those of lower social status, I gain life amongst them and talk about Dharma. And no evil acts will react within me. The Tathagata-Right-Enlightened One is ever in Parinirvana. Hence, I say "Eternal and Unchanging". As in Jambudvipa, so do things also obtain in Purvavideha, Aparagodana and Uttarakuru. As in the four lands, so also in the 3,000 great-thousand worlds. As to the 25 existences, things are as stated expansively in the “Surangama Sutra”. Hence, "Parinirvana". The Bodhisattva-mahasattva who abides in Parinirvana can well display such miracles and transformations and has no fear. O Kasyapa! Say not, therefore, that Rahula is the son of the Buddha. Why not? Because innumerable kalpas ago I had already done away with all existences of desire. That is why we say that the Tathagata is Eternal and Unchanging."

Kasyapa said further: " O Tathagata! Why do we say eternal? You, the Buddha, say that when the light of a lamp has gone out, there is no direction or place to be named [as to where it has gone]. The same is the case with the Tathagata. Once dead, there can be no direction or place that can be named." The Buddha said: "O Kasyapa! You should not say: "When the light of a lamp has gone out, there is not direction or place to be named. The same is the case with the Tathagata. When there is extinction, there can be no direction or place to be named." O good man! When a lamp is lit by a man or woman, any lamp, big or small, [has to be] filled with oil. When there is oil [there], the lamp keeps alight. When the oil is spent, the light also disappears, along with it. That light going out can be compared to the extinction of illusion. Although the light has gone out, the utensil [vessel, lamp-holder] remains behind. The same is the case with the Tathagata. Although illusion has gone, the Dharma-Body remains forever. O good man! What does this mean? Does it mean that both the light and and the lamp disappear? Is it so?" Kasyapa answered: "No, O World-Honoured One! Both do not disappear at the same time. And yet, it is [still] non-eternal. If the Dharma-Body is compared to the lamp, the lamp is [actually] non-eternal, so the Dharma-Body must also be non-eternal." "O good man! You should not [try to] refute in this manner. We speak in the world of a "utensil". The Tathagata-World-Honoured One is the unsurpassed utensil of Dharma. A utensil of the world can be non-eternal, but not that of the Tathagata. Of all things, Nirvana is eternal. The Tathagata has this. Thus he is eternal. Also, O good man! You say that the light of the lamp goes out. This is [like] the Nirvana attained by an arhat. Because all the illusions of greed and craving are done away with, we can compare this to the lamplight going out. The anagamin yet has greed. As there is still greed left, we cannot say that this is the same as the lamplight’s going out. That is why I said in the past in an undisclosed [cryptic, unexplained, unexplicated] way that it was like a dying lamp. It is not that Nirvana is to be equated with the dying off of the lamplight. The anagamin does not come about [get reborn] time and again. He does not come back to the 25 existences. Again, he does not gain any more the smelly body, the body of vermin, the body that is fed, the poisonous body. Such is an "anagamin" [one "not coming" into bodily existence again]. If a body arises again, this is an "agamin" [one "coming" into bodily existence]. When the body does not arise again, this is an "anagamin". What is possessed of coming and going is "agamin". What has no coming or going [no birth and death] is "anagamin"?

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.101.95 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Việt Nam (86 lượt xem) - Hoa Kỳ (54 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - ... ...