Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó. (We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công. (Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 36 - Phẩm BỒ TÁT CA-DIẾP - Phẩm thứ mười hai – Phần bốn »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 36 - Phẩm BỒ TÁT CA-DIẾP - Phẩm thứ mười hai – Phần bốn

(Lượt xem: 10.369)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  Vietnamese || English || Tải về bảng song ngữ


       

Font chữ:
Font chữ:



QUYỂN 36 - Phẩm BỒ TÁT CA-DIẾP - Phẩm thứ mười hai – Phần bốn

Thiện nam tử! Như Lai lại có những lời tự ý nói ra. Như nói: ‘Tánh Phật của Như Lai có hai loại: một là có, hai là không.’

“Nói có, đó là như: ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, Mười lực, Bốn vô sở úy, Ba niệm xứ, Đại từ, Đại bi, vô lượng tam-muội như tam-muội Thủ-lăng-nghiêm..., vô lượng tam-muội như tam-muội Kim cang..., vô lượng tam-muội như tam-muội Phương tiện..., vô lượng tam-muội như tam-muội Ngũ trí ấn... Như vậy gọi là có.

“Nói không, đó là như những nghiệp nhân thiện, bất thiện và vô ký, cùng những quả báo, phiền não, năm ấm, Mười hai nhân duyên của Như Lai trong quá khứ. Như vậy gọi là không.

“Thiện nam tử! Như [những pháp] có, không; thiện, bất thiện; hữu lậu, vô lậu; thế gian, chẳng phải thế gian; thánh, chẳng phải thánh; hữu vi, vô vi; thật, chẳng thật; vắng lặng, không vắng lặng; tranh chấp, không tranh chấp; thế giới, chẳng phải thế giới; phiền não, chẳng phải phiền não; chấp giữ, không chấp giữ; thọ ký, không thọ ký; hiện hữu, không hiện hữu; ba đời, chẳng phải ba đời; hợp thời, không hợp thời; thường, vô thường; ngã, vô ngã; lạc, vô lạc; tịnh, vô tịnh; sắc, thọ, tưởng, hành, thức; chẳng phải sắc, thọ, tưởng, hành, thức; các nhập bên trong, chẳng phải các nhập bên trong; các nhập bên ngoài, chẳng phải các nhập bên ngoài; Mười hai nhân duyên, chẳng phải Mười hai nhân duyên...

“[Những pháp] đó gọi là hai loại có, không trong tánh Phật của Như Lai. Thậm chí hai loại có, không trong tánh Phật của hạng nhất-xiển-đề cũng là như vậy.

“Thiện nam tử! Tuy Phật dạy rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, nhưng chúng sanh không hiểu được những điều Phật tự ý nói ra như vậy.

“Thiện nam tử! Lời nói như vậy, vị Bồ Tát thọ thân sau cùng còn chưa hiểu nổi, huống chi hàng Nhị thừa và các Bồ Tát khác?

“Thiện nam tử! Có lần, tại núi Kỳ-xà-quật, ta cùng với Bồ Tát Di-lặc luận bàn chân lý tương đối của thế gian. Xá-lợi-phất và năm trăm vị Thanh văn nghe những điều ấy mà không hiểu gì cả, huống chi là chân lý tuyệt đối xuất thế?

“Thiện nam tử! Có tánh Phật mà kẻ nhất-xiển-đề có, nhưng người có căn lành lại không có; hoặc có tánh Phật mà người có căn lành có, nhưng kẻ nhất-xiển-đề lại không có; hoặc có tánh Phật mà cả hai hạng này đều có; hoặc có tánh Phật mà cả hai hạng này đều không có.

“Thiện nam tử! Các đệ tử của ta nếu hiểu được nghĩa của bốn trường hợp ấy thì không nên cật vấn rằng: ‘Hạng nhất-xiển-đề nhất định có tánh Phật hay nhất định không có tánh Phật?’ Nếu nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật’, đó là lời của Như Lai tự ý nói ra. Lời của Như Lai tự ý nói ra, làm sao chúng sanh lại cứ một mực muốn hiểu thấu?

“Thiện nam tử! Như dưới sông Hằng có bảy loài chúng sanh: một là loài thường chìm sâu, hai là loài tạm nổi lên rồi lại chìm, ba là loài nổi lên rồi ở yên [trên mặt nước], bốn là loài nổi lên rồi nhìn quanh bốn phía, năm là loài [nổi lên,] nhìn quanh rồi đi, sáu là loài đi rồi đứng lại, bảy là loài đi cả dưới nước và trên cạn.

“Loài thường chìm sâu là những cá lớn, thọ nghiệp ác lớn, thân thể nặng nề nên ở dưới sâu; vì thế thường chìm.

“Tạm nổi lên rồi lại chìm là những loài cá lớn ấy, vì thọ nghiệp ác nên thân nặng nề phải ở chỗ cạn, tạm thấy ánh sáng; nhân ánh sáng mà tạm nổi lên, nhưng vì thân thể nặng nề nên chìm trở lại.

“Nổi lên rồi ở yên [trên mặt nước] là loài cá trì-di, ở chỗ nước cạn, ưa thấy ánh sáng, cho nên nổi lên rồi ở yên.

“Nhìn quanh bốn phía là loài cá tích, vì tìm thức ăn mắt nhìn bốn hướng, cho nên nhìn quanh bốn phía.

“Nhìn khắp rồi đi là loài cá tích ấy, khi nhìn thấy những vật đằng xa cho rằng đó là vật có thể ăn, liền nhanh chóng đi đến, cho nên nhìn khắp rồi đi.

“Đi rồi lại đứng là loài cá ấy khi đi tới nơi và đã tìm được món ăn liền dừng lại, cho nên đi rồi lại đứng.

“Đi cả dưới nước và trên cạn là loài rùa.

“Thiện nam tử! Trong dòng sông Đại Niết-bàn vi diệu này cũng có bảy loài chúng sanh, từ loài thứ nhất thường chìm sâu cho đến loài thứ bảy khi chìm khi nổi.

“Thường chìm sâu là chỉ những người nghe được trong kinh Đại Niết-bàn này [có những điều như]: Như Lai là thường trụ, không hề biến đổi, thường, lạc, ngã, tịnh, không dứt bỏ tất cả mà vào Niết-bàn; tất cả chúng sanh đều có tánh Phật; những kẻ nhất-xiển-đề, phỉ báng kinh Phương đẳng, làm tội năm nghịch, phạm bốn trọng cấm, thảy đều sẽ thành đạo Bồ-đề; hàng Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán và Phật Bích-chi, thảy đều sẽ được thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nghe được những điều ấy rồi, [những người ấy] sanh lòng chẳng tin, liền khởi lên suy nghĩ rồi nói ra rằng: ‘Kinh điển Niết-bàn này là sách ngoại đạo, không phải kinh Phật.’

“Bấy giờ, những người ấy lìa xa bạn lành, không được nghe Chánh pháp; hoặc có khi được nghe nhưng không thể suy xét; hoặc có suy xét nhưng không suy xét pháp lành. Vì không suy xét pháp lành nên sống theo pháp ác. Người sống theo pháp ác ắt có sáu điều: một là xấu ác, hai là không có điều thiện, ba là pháp ô nhiễm, bốn là tăng thêm [nghiệp] hiện hữu, năm là phiền não nóng nảy, sáu là nhận chịu quả ác. Như thế gọi là chìm sâu.

“Vì sao gọi là chìm sâu? Vì không có tâm lành, thường làm việc ác, không tu tập các pháp đối trị [tâm ác] nên gọi là chìm sâu.

“Gọi là xấu ác vì [làm những việc] bị thánh nhân quở trách; vì lòng sanh lo lắng sợ sệt; vì bị người hiền lành tránh xa; vì không làm lợi ích gì cho chúng sanh. Vì thế nên gọi là xấu ác.

“Gọi là không có điều thiện vì [làm những việc] có thể sanh ra vô số quả báo xấu ác; vì thường bị vô minh vây phủ che lấp trói buộc; vì ưa thích làm bạn với kẻ xấu ác; vì không hề tu tập các phương tiện lành; vì tâm điên đảo thường sai lầm lẫn lộn. Vì thế gọi là không có điều thiện.

“Gọi là ô nhiễm pháp vì thường làm ô nhiễm thân và miệng; vì làm ô nhiễm những chúng sanh trong sạch; vì làm tăng thêm những nghiệp bất thiện; vì lìa xa các pháp lành. Vì thế nên gọi là ô nhiễm pháp.

“Gọi là tăng thêm [nghiệp] hiện hữu [vì] những việc làm thuộc ba điều trên có thể làm tăng thêm [những nghiệp hiện hữu trong các cảnh giới] địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ; không thể tu tập giáo pháp giải thoát; ba nghiệp thân, miệng, ý không biết chán lìa mọi cảnh hiện hữu. Vì thế nên gọi là tăng thêm [nghiệp] hiện hữu.

“Gọi là phiền não nóng nảy vì làm tất cả những việc thuộc bốn điều như trên có thể khiến cho thân tâm đều sanh ra phiền não nóng nảy; lìa xa cảnh vắng lặng an tĩnh nên gọi là nóng nảy; lãnh chịu quả báo địa ngục nên gọi là nóng nảy; thiêu cháy chúng sanh nên gọi là nóng nảy; thiêu cháy các pháp lành nên gọi là nóng nảy.

“Thiện nam tử! Những người như thế không có đủ lòng tin trong sạch mát mẻ nên gọi là nóng nảy.

“Gọi là nhận chịu quả ác vì những người này đã làm đủ những việc thuộc năm điều vừa nói trên, sau khi chết phải đọa vào các cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

“Thiện nam tử! Có ba việc ác cũng gọi là quả ác: một là việc ác do phiền não, hai là việc ác do nghiệp lực, ba là việc ác do quả báo.

“Như thế gọi là nhận chịu quả báo xấu ác.

“Thiện nam tử! Những người này đã làm đủ những việc thuộc sáu điều như trên, có thể dứt mất căn lành, làm năm tội nghịch, phạm bốn trọng cấm, phỉ báng Tam bảo, lạm dụng tài vật cúng dường trực tiếp cho Tam bảo, làm mọi việc trái với Chánh pháp. Vì nhân duyên ấy, phải chìm đắm trong địa ngục A-tỳ, thọ thân hình [to lớn] ngang dọc đến tám mươi bốn ngàn do-diên! Vì nghiệp thân, khẩu, tâm của những người này rất nặng nên không thể ra khỏi [địa ngục]. Vì sao vậy? Vì tâm họ không sanh pháp lành, dù có vô lượng chư Phật ra đời, họ cũng không nghe, không thấy. Như thế gọi là thường chìm sâu, cũng như những con cá lớn dưới sông Hằng.

“Thiện nam tử! Tuy ta có nói rằng những kẻ nhất-xiển-đề thường chìm sâu, nhưng cũng có những người thường chìm sâu mà không phải nhất-xiển-đề. Đó là những người nào? Đó là những người vì [tham đắm] các cảnh giới hiện hữu mà tu tập bố thí, trì giới, làm lành. Như thế [cũng] gọi là thường chìm sâu.

“Thiện nam tử! Có bốn việc lành mang lại quả xấu ác. Những gì là bốn? Một là vì muốn hơn người khác nên đọc tụng kinh điển, hai là vì lợi dưỡng nên thọ trì cấm giới, ba là vì muốn kẻ khác lệ thuộc mình nên làm việc bố thí, bốn là vì [cầu được] cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng nên chú tâm suy xét.

“Đó là bốn việc lành mang lại quả báo xấu ác. Nếu ai tu tập theo bốn việc ấy thì gọi là chìm rồi lại nổi, nổi rồi lại chìm.

“Vì sao gọi là chìm? Vì ưa thích ba cảnh giới hiện hữu. Vì sao gọi là nổi? Vì thấy được ánh sáng. Ánh sáng đây là được nghe biết các pháp trì giới, bố thí, thiền định. Vì sao chìm trở lại? Vì tăng trưởng tà kiến, sanh lòng kiêu mạn.

“Cho nên trong kinh ta có thuyết kệ rằng:

Nếu chúng sanh tham đắm hiện hữu,
Vì tham đắm gây mọi ác nghiệp;
Kẻ ấy lạc mất đường Niết-bàn,
Gọi là tạm thoát lại chìm đắm.
Lang thang trong biển tối sanh tử,
Tuy được giải thoát, nhiều phiền não;
Kẻ ấy phải chịu quả xấu ác,
Gọi là tạm thoát lại chìm đắm.

“Thiện nam tử! Như cá lớn kia, nhờ thấy ánh sáng nên tạm ra khỏi nước; nhưng vì thân thể nặng nề phải chìm đắm trở lại. Hai hạng người vừa nói trên cũng giống như vậy.

“Thiện nam tử! Lại như có người tham đắm vướng mắc trong Ba cõi, đó gọi là chìm sâu. Nhưng nhờ được nghe kinh Đại Niết-bàn này liền sanh lòng tin, đó gọi là ra khỏi. Do nhân duyên gì mà gọi rằng được ra khỏi? Vì nghe kinh này rồi liền lìa xa các pháp xấu ác, tu tập pháp lành, nên gọi là ra khỏi.

“Những người này tuy có lòng tin nhưng không đầy đủ. Vì nhân duyên gì mà lòng tin không đầy đủ? Vì những người này tuy tin rằng Đại Bát Niết-bàn là thường, lạc, ngã, tịnh, nhưng lại nói rằng thân Như Lai là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh; rằng Như Lai có hai loại Niết-bàn, một là hữu vi, hai là vô vi; Niết-bàn hữu vi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh; Niết-bàn vô vi là thường, lạc, ngã, tịnh. Những người này tuy tin rằng chúng sanh có tánh Phật, nhưng lại cho rằng không phải tất cả chúng sanh đều có. Vì thế nên gọi là lòng tin không đầy đủ.

“Thiện nam tử! Lòng tin có hai phần, một là tin tưởng, hai là tìm cầu. Những người này tuy có tin mà không nỗ lực tìm cầu. Vì thế nên gọi là lòng tin không đầy đủ.

“Lòng tin lại có hai loại, một là do nghe rồi tin, hai là do suy xét rồi tin. Lòng tin của những người này do nghe mà sanh ra chứ không do suy xét mà sanh ra. Vì thế nên gọi là lòng tin không đầy đủ.

“Lòng tin lại có hai phần, một là tin có Chánh đạo, hai là tin có người đạt được Chánh đạo. Những người này chỉ tin có Chánh đạo mà không tin có người đạt được Chánh đạo. Vì thế nên gọi là lòng tin không đầy đủ.

“Lòng tin lại có hai loại, một là chân chánh, hai là tà vạy. Nói rằng có nhân quả, có Phật, Pháp, Tăng; đó gọi là tin chân chánh. Nói rằng không có nhân quả, rằng tánh của Tam bảo là khác nhau; tin theo những lời tà vạy, những kẻ như [ngoại đạo] Phú-lan-na...; đó gọi là tin tà vạy. Tuy những người này tin vào Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo, nhưng không tin rằng Tam bảo đồng một tánh tướng; tuy tin vào nhân quả, nhưng không tin có người nhận lãnh [quả báo]. Vì thế nên gọi là lòng tin không đầy đủ.

“Những người này đã không có lòng tin đầy đủ, lại thọ trì giới cấm cũng không đầy đủ. Vì nhân duyên gì gọi là giới cấm không đầy đủ? Do nhân không đầy đủ nên chỗ nhận được giới cấm cũng không đầy đủ.

“Lại do nhân duyên gì gọi là giới cấm không đầy đủ? Giới có hai loại, một là giới oai nghi [hình thức], hai là giới [chân thật] vâng làm. Những người này tuy có giới đầy đủ các oai nghi, nhưng không có giới là sự vâng làm theo giới luật. Vì thế nên gọi là giới không đầy đủ.

“Lại nữa, giới có hai loại, một là giới tạo tác, hai là giới không tạo tác. Những người này tuy có đủ giới tạo tác nhưng không có đủ giới không tạo tác. Vì thế nên gọi là giới không đầy đủ.

“Giới lại có hai loại, một là do nơi thân, miệng mà đạt được Chánh mạng; hai là do nơi thân, miệng mà không đạt được Chánh mạng. Những người này do nơi thân, miệng không đạt được Chánh mạng, vì thế nên gọi là giới không đầy đủ.

“Lại nữa, giới có hai loại, một là giới tìm cầu, hai là giới buông xả. Những người này tuy có đủ những giới tìm cầu, nhưng không đạt được giới buông xả, vì thế nên gọi là giới không đầy đủ.

“Lại nữa, giới có hai loại, một là hướng theo các cảnh giới hiện hữu, hai là hướng theo Chánh đạo. Những người này tuy có đủ giới hướng theo các cảnh giới hiện hữu, nhưng không đầy đủ việc hướng theo Chánh đạo. Vì thế nên gọi là giới không đầy đủ.

“Giới lại có hai loại, một là giới hiền thiện, hai là giới xấu ác. Thân, miệng và ý đều hiền thiện, đó gọi là giới hiền thiện. Các giới [tà vạy] như giới trâu, giới chó... đó gọi là giới xấu ác. Những người này tin chắc rằng hai loại giới ấy đều có quả lành. Vì thế nên gọi là giới không đầy đủ.

“Những người này đã không có đủ hai điều là lòng tin và giới luật, chỗ tu tập nghe nhiều của họ cũng không đầy đủ.

“Thế nào gọi là nghe không đầy đủ?

“Trong Mười hai bộ kinh mà Như Lai đã thuyết, chỉ tin vào sáu bộ, còn không tin sáu bộ, vì thế nên gọi là nghe không đầy đủ.

“Tuy thọ trì được sáu bộ kinh nhưng không thể tụng đọc, vì người khác giảng nói, nên không được lợi ích gì cả. Vì thế nên gọi là nghe không đầy đủ.

“Lại nữa, tuy đã có thọ nhận sáu bộ kinh, nhưng chỉ vì sự tranh luận, vì muốn vượt hơn người khác, vì muốn được lợi dưỡng, vì [tham đắm] các cảnh giới hiện hữu nên mới giữ gìn, tụng đọc, giảng nói. Vì thế nên gọi là nghe không đầy đủ.

“Thiện nam tử! Trong kinh, ta có nói về việc tu tập đa văn đầy đủ. Sao là đầy đủ? Như có vị tỳ-kheo thân, miệng, ý hiền thiện, trước hết thường cúng dường các vị hòa thượng, các bậc thầy, những vị có đức độ. Các bậc thầy ấy liền sanh lòng thương tưởng đến tỳ-kheo ấy. Do nhân duyên này, các ngài liền truyền dạy kinh điển, giáo pháp. Vị tỳ-kheo ấy hết lòng thọ trì, tụng đọc, làm theo. Sau khi thọ trì, tụng đọc, làm theo liền đạt được trí tuệ. Đạt được trí tuệ rồi, thường khéo suy xét, sống theo Chánh pháp. Nhờ khéo suy xét nên đạt được nghĩa lý chân chánh. Đạt được nghĩa lý chân chánh rồi, thân tâm trở nên vắng lặng, an tĩnh. Thân tâm vắng lặng, an tĩnh rồi, liền sanh lòng hoan hỷ. Do nhân duyên hoan hỷ, tâm đạt được sự định tĩnh. Nhân nơi tâm an định liền đạt được sự thấy biết chân chánh. Được sự thấy biết chân chánh rồi, liền sanh lòng nhàm chán đối với các cảnh giới hiện hữu. Nhờ nhàm chán các cảnh giới hiện hữu nên đạt được giải thoát.

“Nhưng những người này không hề có được những việc như vậy. Vì thế nên gọi là nghe không đầy đủ.

“Những người này không có đủ lòng tin, trì giới, đa văn, lại cũng không đầy đủ hạnh bố thí.

“Bố thí có hai loại, một là bố thí tài vật, hai là bố thí Chánh pháp. Tuy những người này bố thí tài vật, nhưng là vì mong cầu [những điều trong] các cảnh giới hiện hữu. Tuy bố thí Chánh pháp nhưng cũng không đầy đủ. Vì sao vậy? Vì che giấu không nói ra hết, sợ kẻ khác hơn mình. Vì thế nên gọi là bố thí không đầy đủ.

“Trong hai cách bố thí tài vật và Chánh pháp, mỗi cách lại có hai loại, một là theo cách như bậc thánh, hai là không phải [như bậc] thánh. Bậc thánh bố thí tài vật rồi thì không cầu quả báo. Không phải bậc thánh thì bố thí rồi ắt mong cầu được quả báo. Bậc thánh bố thí Chánh pháp vì muốn tăng trưởng pháp. Không phải bậc thánh thì bố thí Chánh pháp vì muốn tăng thêm [nghiệp trong] các cảnh giới hiện hữu.

“Những người này vì muốn được thêm tài vật nên làm việc bố thí tài vật; vì muốn tăng thêm [nghiệp trong] các cảnh giới hiện hữu nên làm việc bố thí Chánh pháp. Vì thế nên gọi là bố thí không đầy đủ.

“Lại nữa, những người này đã thọ nhận sáu bộ kinh, khi gặp người thọ pháp thì cung cấp cho, gặp người không thọ pháp thì không cung cấp. Vì thế nên gọi là bố thí không đầy đủ.

“Những người này không có đủ lòng tin, trì giới, đa văn, bố thí, mà chỗ tu tập trí tuệ cũng không đầy đủ.

“Tánh của trí tuệ là có khả năng phân biệt. Những người này không có khả năng phân biệt Như Lai là thường hay vô thường.

“Trong kinh Niết-bàn này, Như Lai dạy rằng: ‘Như Lai tức giải thoát; giải thoát tức Như Lai. Như Lai tức Niết-bàn; Niết-bàn tức giải thoát.’ Đối với các nghĩa ấy, những người này không thể phân biệt.

“[Hoặc nói:] ‘Phạm hạnh tức Như Lai; Như Lai tức từ, bi, hỷ, xả; từ, bi, hỷ, xả tức giải thoát; giải thoát tức Niết-bàn; Niết-bàn tức từ, bi, hỷ, xả.’ Đối với các nghĩa ấy, những người này cũng không thể phân biệt. Vì thế nên gọi là trí tuệ không đầy đủ.

“Lại nữa, những người này không thể phân biệt tánh Phật. Tánh Phật tức Như Lai; Như Lai tức pháp không chung đồng với hết thảy các pháp; pháp không chung đồng với hết thảy các pháp tức là giải thoát; giải thoát tức là Niết-bàn; Niết-bàn tức là pháp không chung đồng với hết thảy các pháp. Đối với các nghĩa ấy, những người này không thể phân biệt. Vì thế nên gọi là trí tuệ không đầy đủ.

“Lại nữa, những người này không thể phân biệt Bốn chân đế: khổ, tập, diệt, đạo. Vì không phân biệt được Bốn chân đế nên không hiểu rõ Thánh hạnh. Vì không hiểu rõ Thánh hạnh nên không rõ biết Như Lai. Vì không rõ biết Như Lai nên không rõ biết giải thoát. Vì không rõ biết giải thoát nên không rõ biết Niết-bàn. Vì thế nên gọi là trí tuệ không đầy đủ.

“Trong số những người không đầy đủ lòng tin, trì giới, đa văn, bố thí và trí tuệ, lại chia làm hai hạng: một là những người tăng trưởng pháp xấu ác, hai là những người tăng trưởng pháp lành.

“Thế nào là [những người] tăng trưởng pháp xấu ác? Những người này không tự biết là mình không đầy đủ, luôn tự cho mình là đầy đủ, bèn sanh lòng vướng mắc, đối với bạn lữ đồng tu thường tự cho mình là hơn hết. Vì vậy nên chỉ gần gũi những bạn xấu ác giống như mình. Vì gần gũi bạn xấu nên chỉ nghe được những pháp không đầy đủ. Nghe rồi lại sanh lòng vui vẻ, tâm bị ô nhiễm, vướng mắc, khởi sanh kiêu mạn, thường buông thả, phóng túng và lười nhác. Vì buông thả phóng túng nên thường gần gũi với người tại gia thế tục, lại ưa thích nghe những chuyện của người thế tục, lìa xa pháp xuất gia thanh tịnh.

“Do những nhân duyên ấy nên pháp xấu ác tăng trưởng. Vì pháp xấu ác tăng trưởng nên thân, miệng, ý cùng sanh khởi những nghiệp bất tịnh. Vì ba nghiệp thân, miệng, ý bất tịnh nên làm tăng trưởng [nghiệp dẫn đến các cảnh giới] địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.

“Như thế gọi là tạm nổi lên rồi lại chìm xuống.

“Những ai trong giáo pháp của ta thuộc hạng tạm nổi lên rồi lại chìm xuống? Đó là như: Đề-bà-đạt-đa, các tỳ-kheo Cù-già-ly, Uyển-thủ, Thiện Tinh, Trì-xá, Mãn Túc, các tỳ-kheo ni Từ Địa, Khoáng Dã, Phương, Mạn, cùng với trưởng giả Tịnh Khiết, ưu-bà-tắc Cầu Hữu, ông Xá-lặc trong dòng họ Thích, trưởng giả Tượng, các ưu-bà-di Danh Xưng, Quang Minh, Nan-đà, Quân, Linh... Những người như thế gọi là tạm nổi lên rồi chìm xuống.

“Họ ví như con cá lớn kia, thấy ánh sáng liền nổi lên khỏi nước, nhưng vì thân thể nặng nề nên chìm sâu trở lại.

“Hạng người thứ hai là tăng trưởng pháp lành, luôn tự rõ biết kiến giải, công hạnh của mình chưa đầy đủ. Vì chưa đầy đủ nên luôn tìm cầu gần gũi bạn lành. Nhờ gần gũi bạn lành nên ưa thích được nghe những điều chưa nghe. Nghe rồi vui thích thọ nhận. Thọ nhận rồi vui thích suy xét kỹ. Suy xét kỹ rồi liền sống theo đúng Chánh pháp. Nhờ sống theo đúng Chánh pháp nên tăng trưởng pháp lành. Nhờ tăng trưởng pháp lành nên không bị chìm trở lại. Như thế gọi là [nổi lên] rồi ở yên [trên mặt nước].

“Những ai trong giáo pháp của ta thuộc về hạng này? Đó là như: Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, nhóm ông A-nhã Kiều-trần-như có năm tỳ-kheo, nhóm ông Da-xá có năm mươi tỳ-kheo, Đồng tử A-nậu-lâu-đà, Ca-diếp, Ma-ha Ca-diếp, Thập Lực Ca-diếp, các tỳ-kheo ni Sấu Cù-đàm-di, Ba-trá-la-hoa, Thắng, Thật Nghĩa, Hải Ý, Bạt-đà, Tịnh, Bất Thối Chuyển... vua Tần-bà-sa-la, các trưởng giả Úc-già, Tu-đạt-đa, Thích Ma-ha-nam, Bần Tu-đạt-đa Thử Lang, Danh Xưng, Cụ Túc, Ưu-ba-ly, Đao, cùng với tướng quân Sư Tử, các ưu-bà-di Vô Úy, Thiện Trụ, Ái Pháp, Dũng Kiện, Thiên Đắc, Thiện Sanh, Cụ Thân, Ngưu Đắc, Khoáng Dã, Ma-ha-tư-na. Những tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di như thế gọi là [nổi lên rồi] ở yên.

“Thế nào là ở yên? Vì thường ưa thích nhìn ánh sáng lành. Do nhân duyên ấy, cho dù có gặp Phật ra đời hay không thì những người này cũng không bao giờ làm các nghiệp ác. Đó gọi là ở yên. Cũng như loài cá trì-di ưa nhìn ánh sáng nên không chìm đắm. Những người này cũng vậy. Cho nên trong kinh ta có thuyết kệ rằng:

“Nếu ai khéo biết phân biệt nghĩa,
Chí tâm cầu được quả sa-môn;
Chê chán mọi cảnh giới hiện hữu,
Vị ấy gọi là sống đúng pháp.
Nếu ai cúng dường vô số Phật,
Sẽ được nhiều kiếp tu Thánh đạo;
Hưởng vui thế tục, không buông thả,
Vị ấy gọi là sống đúng pháp.
Gần gũi bạn lành nghe Chánh pháp,
Suy xét nội tâm, sống đúng pháp.
Thích nhìn chỗ sáng, tu tập đạo,
Đạt được giải thoát, sống an ổn.”

Thiện nam tử! Trí tuệ không đầy đủ thường có năm điều. Người này đã biết vậy, liền tìm cầu gần gũi những bạn tốt hiền thiện. Người bạn tốt hiền thiện ấy sẽ quán sát những sự (1) tham dục, (2) sân khuể, (3) ngu si, (4) nhiều lo nghĩ hay (5) vướng chấp bản ngã của người này.

“Trong năm điều ấy, [phải xét xem] người này có khuynh hướng nghiêng về điều gì nhiều nhất? Nếu biết người này có nhiều tham dục, người bạn hiền ấy liền giảng cho nghe về pháp quán bất tịnh. Nếu có nhiều sân khuể, người bạn hiền ấy sẽ thuyết dạy pháp từ bi. Nếu có nhiều lo nghĩ lăng xăng, người bạn hiền ấy sẽ dạy pháp quán đếm hơi thở. Nếu vướng chấp [nhiều nơi] bản ngã, bạn hiền ấy sẽ phân tích cho nghe những pháp như Mười tám giới...

“Người này được nghe [những điều từ bạn hiền] rồi liền hết lòng thọ trì. Hết lòng thọ trì rồi liền theo đúng pháp mà tu hành. Tu hành đúng pháp rồi, lần lượt đạt được các phép quán Tứ niệm xứ: thân, thọ, tâm, pháp. Đạt được các phép quán ấy rồi, lại lần lượt quán xét Mười hai nhân duyên. Quán như vậy rồi, tiếp đó đạt được Noãn pháp.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Tất cả chúng sanh đều có Noãn pháp. Vì sao vậy? [Vì noãn là hơi ấm,] theo lời Phật dạy thì có ba pháp hòa hợp gọi là chúng sanh, một là tuổi thọ, hai là hơi ấm, ba là thần thức. Nếu theo nghĩa ấy thì tất cả chúng sanh lẽ ra trước đã sẵn có hơi ấm, [tức là noãn pháp]. Vì sao Như Lai nói rằng nhờ [nhân duyên] bạn tốt hiền thiện mới sanh ra Noãn pháp?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Theo như câu hỏi của ông thì tất cả chúng sanh, thậm chí hạng nhất-xiển-đề, đều có Noãn pháp. Nhưng Noãn pháp mà ta giảng nói hôm nay trước phải nhân nơi phương tiện, sau mới có được, cho nên trước vốn không, sau mới có. Vì nghĩa ấy nên không phải tất cả chúng sanh đều sẵn có từ trước. Do đó, ông không nên cật vấn rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều có Noãn pháp.’

“Thiện nam tử! Noãn pháp [ta dạy đó] là pháp ở Sắc giới, không có ở Dục giới. Nếu nói rằng tất cả chúng sanh đều có, thì chúng sanh Dục giới lẽ ra cũng có. Nhưng vì chúng sanh Dục giới không có Noãn pháp, nên biết rằng không phải tất cả chúng sanh đều có.

“Thiện nam tử! Sắc giới tuy có Noãn pháp nhưng cũng không phải tất cả [chúng sanh cõi ấy] đều có. Vì sao vậy? Chỉ đệ tử Phật mới có Noãn pháp, ngoại đạo không có. Vì nghĩa ấy, không phải tất cả chúng sanh đều có Noãn pháp.

“Thiện nam tử! Tất cả ngoại đạo chỉ theo pháp quán sáu hạnh, đệ tử Phật quán đủ mười sáu hạnh. Mười sáu hạnh ấy không phải tất cả chúng sanh đều có.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Gọi là Noãn pháp đó, [noãn là nóng ấm,] vì sao gọi là nóng ấm? Vì tự tánh nóng ấm hay do [tác động] bên ngoài mà nóng ấm?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Noãn pháp này tự tánh là nóng ấm, không phải do [tác động] bên ngoài mà nóng ấm.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch: “Thế Tôn! Trước đây Như Lai có nói rằng Mã Sư và Mãn Túc không có Noãn pháp. Tại sao vậy? Vì đối với Tam bảo không có lòng tin nên không đạt được Noãn pháp. Như vậy có thể biết rằng lòng tin chính là Noãn pháp.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Lòng tin không phải là Noãn pháp. Vì sao vậy? Vì [điều đó chỉ có nghĩa là] nhân nơi lòng tin mà đạt được Noãn pháp.

“Thiện nam tử! Noãn pháp tức là trí tuệ. Vì sao vậy? Vì quán xét Bốn chân đế, cho nên gọi là Mười sáu hạnh. Hạnh đó chính là trí tuệ.

“Thiện nam tử! Như lời ông vừa hỏi: Do nhân duyên gì mà gọi là nóng ấm? Thiện nam tử! Noãn pháp đó tức là tướng lửa của Tám Thánh đạo, cho nên gọi là nóng ấm.

“Thiện nam tử! Ví như khi cọ xát để lấy lửa, trước hết phải có hơi nóng, kế đó mới sanh ra lửa, sau hết thì bốc khói. Thánh đạo vô lậu cũng giống như vậy. Hơi nóng đó tức là Mười sáu hạnh, lửa tức là thánh quả Tu-đà-hoàn, khói tức là việc tu Chánh đạo dứt trừ phiền não trói buộc.”

Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Noãn pháp như vậy cũng là pháp hiện hữu, cũng là [pháp] hữu vi. [Vì] pháp này được quả báo là năm ấm ở Sắc giới, nên gọi là hiện hữu. [Do] nhân duyên [mà được] nên gọi là hữu vi. Nếu là [pháp] hữu vi, sao có thể là tướng của đạo vô lậu?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Đúng vậy, đúng vậy! Quả đúng như lời ông nói. Nhưng Noãn pháp ấy tuy là pháp hữu vi, là pháp hiện hữu, nhưng có thể ngược lại phá trừ các pháp hữu vi, các pháp hiện hữu, vì thế vẫn có thể là tướng của đạo vô lậu.

“Thiện nam tử! Như người cưỡi ngựa, tuy yêu mến ngựa nhưng cũng quất đánh ngựa. Tâm noãn cũng thế, vì có yêu mến tham ái nên phải thọ sanh, nhưng có sự chán lìa nên [tu tập] quán hạnh. Vì thế, tuy là pháp hiện hữu, pháp hữu vi nhưng cũng có thể là tướng của Chánh đạo.

“Những chúng sanh đạt được Noãn pháp có bảy mươi ba hạng. Dục giới có mười hạng, là những người có đủ tất cả phiền não, từ dứt trừ một phần cho đến chín phần [trong mười phần] phiền não. Cũng như Dục giới, từ cõi Sơ thiền cho tới cõi Vô sở hữu xứ đều là như vậy. Đó gọi là bảy mươi ba hạng [chúng sanh đạt được Noãn pháp].

“Những người đạt được Noãn pháp rồi thì không còn dứt mất căn lành, không làm năm tội nghịch, không phạm bốn giới cấm nặng. Những người như vậy lại có hai hạng: một là gặp được bạn tốt hiền thiện, hai là gặp phải bạn xấu ác. Những người gặp bạn xấu ác thì tạm nổi lên rồi lại chìm xuống; những người gặp được bạn tốt hiền thiện thì [nổi lên rồi] nhìn quanh bốn phía.

“Nhìn quanh bốn phía tức là [đạt được] Đỉnh pháp. Pháp này tuy tánh [của nó] là năm ấm nhưng cũng duyên với Bốn chân đế. Cho nên gọi là nhìn quanh bốn phía.

“Đạt được Đỉnh pháp rồi, tiếp đó đạt được Nhẫn pháp. Pháp nhẫn này cũng vậy, tánh [của nó] cũng là năm ấm, cũng duyên với Bốn chân đế.

“Tiếp đó đạt được Thế đệ nhất pháp. Tánh của pháp này cũng là năm ấm, cũng duyên với Bốn chân đế.

“Tiếp đó nữa là đạt được Khổ pháp nhẫn. Tánh của pháp nhẫn này là trí tuệ, duyên với một chân đế. Pháp nhẫn này duyên với một chân đế rồi, cho tới thấy biết dứt trừ phiền não, chứng đắc quả Tu-đà-hoàn. Đó gọi là hạng chúng sanh thứ tư, nhìn quanh bốn phía. Bốn phía đó tức là Bốn chân đế.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Trước đây Phật có dạy: ‘Chỗ phiền não đã dứt trừ của hàng Tu-đà-hoàn ví như vùng nước ngang dọc đến bốn mươi dặm, mà phiền não còn sót lại chỉ như giọt nước trên đầu sợi lông. Trong [đoạn này] sao lại nói rằng dứt trừ ba thứ phiền não trói buộc gọi là Tu-đà-hoàn? Ba thứ phiền não trói buộc ấy là: kiến chấp về bản ngã, nhận biết sai lầm về nguyên nhân và tồn tại nhiều nghi vấn.

“Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà gọi là Tu-đà-hoàn nhìn quanh bốn phía? Lại do nhân duyên gì gọi là Tu-đà-hoàn? Lại do nhân duyên gì mà ví hàng Tu-đà-hoàn với loài cá tích?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Hàng Tu-đà-hoàn tuy có thể dứt trừ vô lượng phiền não, nhưng [nói như vậy là] vì ba thứ phiền não nói trên nặng nề nhất, bao gồm được tất cả những phiền não mà vị Tu-đà-hoàn đã dứt trừ.

“Thiện nam tử! Ví như một vị vua ra đi tuần du, tuy có nhiều quân binh rầm rộ nhưng người đời chỉ nói: ‘Vua đến, vua đi.’ Vì người đời xem vua là quan trọng nhất. Ba phiền não kia cũng vậy, [là nặng nề quan trọng nhất trong tất cả các phiền não]. Do nhân duyên gì mà gọi là nặng nề quan trọng? Vì tất cả chúng sanh thường khởi sanh [những phiền não này] và vì [chúng] rất khó nhận biết nên gọi là nặng nề quan trọng.

“[Lại cũng] vì ba thứ phiền não này rất khó dứt trừ; vì chúng có thể làm nhân cho tất cả phiền não; vì chúng là oán thù đối địch của ba pháp đối trị: giới, định, tuệ, [cho nên gọi là nặng nề quan trọng].

“Thiện nam tử! Có những chúng sanh khi nghe vị Tu-đà-hoàn có thể dứt trừ vô lượng phiền não như vậy liền sanh lòng thối chuyển, nói rằng: ‘Làm sao chúng ta có thể dứt trừ nổi vô lượng phiền não như vậy?’ Vì thế, Như Lai dùng phương tiện chỉ nói đến ba [thứ phiền não].

“Như lời ông vừa hỏi: ‘Do nhân duyên gì mà ví hàng Tu-đà-hoàn với chúng sanh nhìn quanh bốn hướng?’ Hàng Tu-đà-hoàn quán Bốn chân đế đạt được bốn điều: một là trụ vững kiên cố trong Chánh đạo, hai là có thể quan sát khắp cả, ba là có thể thấy biết đúng thật, bốn là có thể làm tiêu tan mối oán lớn.

“Trụ vững kiên cố trong Chánh đạo, đó là năm căn của hàng Tu-đà-hoàn không động chuyển. Cho nên gọi là trụ vững kiên cố trong Chánh đạo.

“Có thể quan sát khắp cả, đó là có thể chê chán quở trách phiền não cả bên trong và bên ngoài.

“Thấy biết đúng thật, đó là [đạt được] Nhẫn trí.

“Làm tiêu tan mối oán lớn, là nói [dứt trừ được] bốn sự điên đảo.

“Như lời ông vừa hỏi: ‘Do nhân duyên gì mà gọi là Tu-đà-hoàn?’

“Thiện nam tử! Chữ tu [trong Tu-đà-hoàn] có nghĩa là vô lậu; đà-hoàn nghĩa là tu tập. Vì tu tập pháp vô lậu nên gọi là Tu-đà-hoàn.

“Thiện nam tử! Lại nữa, tu nghĩa là dòng chảy. Có hai thứ dòng chảy, một là thuận dòng, hai là nghịch dòng. Vì ngược dòng chảy nên gọi là Tu-đà-hoàn.”

Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Nếu là theo nghĩa ngược dòng thì do nhân duyên gì mà hàng Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán không gọi là Tu-đà-hoàn?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Từ hàng Tu-đà-hoàn cho đến chư Phật cũng đều có thể gọi là Tu-đà-hoàn. Nếu Tư-đà-hàm cho đến chư Phật không có [quả vị] Tu-đà-hoàn, sao có thể gọi là Tư-đà-hàm... cho đến chư Phật?

“Tên gọi của tất cả chúng sanh có hai loại, một là tên cũ, hai là tên mới. Khi còn là phàm phu có tên gọi của thế tục, sau khi chứng đạo rồi mới [theo quả vị] lập thành danh xưng, gọi là Tu-đà-hoàn.

“Do sự chứng đạo trước tiên nên gọi là Tu-đà-hoàn; do sự chứng đạo sau đó nên gọi là Tư-đà-hàm. Vị này gọi là Tu-đà-hoàn và cũng gọi là Tư-đà-hàm. Cho đến chư Phật cũng là như vậy.

“Thiện nam tử! Gọi là dòng đó, có hai loại: một là giải thoát, hai là Niết-bàn. Tất cả thánh nhân đều có đủ hai dòng ấy, nên có thể gọi là Tu-đà-hoàn, cũng gọi là Tư-đà-hàm... Cho đến chư Phật cũng là như vậy.

“Thiện nam tử! Tu-đà-hoàn cũng gọi là Bồ Tát. Vì sao vậy? Bồ Tát tức là Tận trí và Vô sanh trí. Vị Tu-đà-hoàn cũng mong cầu hướng đến hai loại trí này, nên phải biết rằng vị Tu-đà-hoàn cũng được xưng là Bồ Tát.

“Vị Tu-đà-hoàn cũng được xưng là tỉnh giác. Vì sao vậy? Vì tỉnh giác chân chánh, thấy đạo và dứt trừ phiền não; vì tỉnh giác chân chánh là nhân quả; vì tỉnh giác chân chánh là đạo chung cùng và không chung cùng [với hàng Nhị thừa]. Từ vị Tư-đà-hàm cho đến A-la-hán lại cũng như vậy.

“Thiện nam tử! Hàng Tu-đà-hoàn có hai hạng, một là căn trí lanh lợi, hai là căn trí chậm lụt. Hạng căn trí chậm lụt phải trải qua bảy lần tái sanh trong hai cõi trời, người [mới được giải thoát]. Trong hạng căn trí chậm lụt lại phân ra làm năm loại; hoặc phân làm sáu, năm, bốn, ba, hai loại. Hạng căn trí lanh lợi thì ngay trong hiện tại chứng đắc quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán.

“Thiện nam tử! Như lời ông vừa hỏi: ‘Do nhân duyên gì mà ví hàng Tu-đà-hoàn với loài cá tích?’

“Thiện nam tử! Cá tích có bốn tính chất: một là xương nhỏ nên nhẹ, hai là có cánh nên nhẹ, ba là ưa thích nhìn ánh sáng, bốn là cắn ngậm đồ vật một cách chắc chắn.

“Hàng Tu-đà-hoàn cũng có bốn tính chất [tương tự]. Nói xương nhỏ là ví với phiền não vi tế; nói có cánh là ví với hai pháp tu chỉ và quán; ưa thích nhìn ánh sáng là ví với việc thấy đạo; cắn ngậm đồ vật một cách chắc chắn là ví với việc được nghe Như Lai giảng giải về vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh liền giữ mãi không bỏ mất.

“Ví như có lần Ma vương hóa làm hình Phật, trưởng giả Thủ-la nhìn thấy trong lòng kinh sợ. Ma thấy trưởng giả đã động tâm, liền bảo: ‘Bốn chân đế mà ta đã thuyết dạy là giả dối, không chân thật. Nay ta sẽ vì ông mà thuyết dạy Năm đế, Sáu ấm, Mười ba nhập, Mười chín giới.’ Trưởng giả nghe rồi liền tức thời quán tướng pháp, thấy hoàn toàn không có những lý như vậy nên giữ lòng kiên trì, tâm không lay động.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! [Như lời Phật dạy rằng] vị Tu-đà-hoàn đó, do sự chứng đạo trước tiên nên gọi là Tu-đà-hoàn; vì là quả vị ban đầu nên gọi là Tu-đà-hoàn. Nếu do sự chứng đạo trước tiên nên gọi là Tu-đà-hoàn, vì sao khi chứng đắc Khổ pháp nhẫn chẳng được gọi là Tu-đà-hoàn, chỉ gọi là Hướng [Tu-đà-hoàn] mà thôi? Nếu vì quả vị ban đầu nên gọi là Tu-đà-hoàn, vì sao những ngoại đạo trước đã đoạn phiền não, cho đến đạt được cảnh giới Vô sở hữu, tu tập đạo vô lậu, chứng đắc quả A-na-hàm mà không gọi là Tu-đà-hoàn?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Vì là quả vị ban đầu nên gọi là Tu-đà-hoàn. Như lời ông vừa hỏi: ‘Vì sao những ngoại đạo trước đã đoạn phiền não, cho đến đạt được cảnh giới Vô sở hữu, tu tập đạo vô lậu, chứng đắc quả A-na-hàm mà không gọi là Tu-đà-hoàn?’

“Thiện nam tử! Vì là quả vị ban đầu nên gọi là Tu-đà-hoàn. Vị này vào lúc ấy có đủ Tám trí và Mười sáu hạnh.”

Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Người chứng đắc quả A-na-hàm cũng vậy, cũng chứng đắc Tám trí, đủ Mười sáu hạnh, sao không được gọi là Tu-đà-hoàn?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Mười sáu hạnh hữu lậu có hai loại, một là chung cùng [với hàng Nhị thừa], hai là không chung cùng. Mười sáu hạnh vô lậu cũng có hai loại, một là hướng quả, hai là đắc quả. Tám trí cũng có hai loại, một là hướng quả, hai là đắc quả.

“Vị Tu-đà-hoàn buông bỏ Mười sáu hạnh chung cùng, đạt được Mười sáu hạnh không chung cùng [với hàng Nhị thừa]; buông bỏ Tám trí hướng quả, chứng đắc Tám trí đắc quả. Vị A-na-hàm không giống như vậy. Cho nên quả vị ban đầu gọi là Tu-đà-hoàn.

“Thiện nam tử! Vị Tu-đà-hoàn duyên với Bốn chân đế, vị A-na-hàm chỉ duyên với Một chân đế. Cho nên quả vị ban đầu gọi là Tu-đà-hoàn.

“Vì nhân duyên ấy nên ta nói ví dụ cá tích nhìn quanh rồi đi. Đi, tức là nói vị Tư-đà-hàm chú tâm vào việc tu đạo, vì đoạn trừ tham dục, sân, si, kiêu mạn. Như con cá tích kia, nhìn quanh bốn phía rồi vì tìm thức ăn mà đi. Đi rồi lại dừng là ví như vị A-na-hàm được món ăn [pháp thực] rồi liền dừng lại.

“Hàng A-na-hàm có hai hạng. Thứ nhất là hạng chứng quả A-na-hàm trong hiện tại rồi tinh tấn tu tập, liền chứng đắc quả A-la-hán. Thứ hai là hạng tham đắm vướng mắc nơi cảnh vắng lặng an tĩnh của pháp tam-muội trong hai cõi Sắc giới và Vô sắc giới. Những vị này không còn thọ thân trong Dục giới nên gọi là A-na-hàm.

“Hàng A-na-hàm lại có năm hạng, một là Trung bát Niết-bàn, hai là Thọ thân Niết-bàn, ba là Hành bát Niết-bàn, bốn là Vô hành bát Niết-bàn, năm là Thượng lưu bát Niết-bàn.

“Lại có sáu hạng, gồm năm hạng kể trên, thêm vào hạng thứ sáu là Hiện tại bát Niết-bàn.

“Lại có bảy hạng, gồm sáu hạng kể trên, thêm vào hạng thứ bảy là Vô sắc giới bát Niết-bàn.

“Hàng A-na-hàm Hành bát Niết-bàn lại có hai hạng, hoặc thọ thân hai lần, hoặc thọ thân bốn lần. Nếu thọ thân hai lần gọi là căn trí lanh lợi. Nếu thọ thân bốn lần gọi là căn trí chậm lụt.

“Lại cũng có hai hạng, một là tinh tấn nhưng không có mức định tự tại; hai là biếng trễ nhưng có mức định tự tại. Lại cũng có hai hạng, một là đầy đủ cả tinh tấn và mức định tự tại, hai là không có cả hai.

“Thiện nam tử! Chúng sanh Dục giới có hai loại nghiệp, một là nghiệp tạo tác, hai là nghiệp thọ sanh.

“Hàng A-na-hàm Trung bát Niết-bàn chỉ có nghiệp tạo tác mà không có nghiệp thọ sanh, cho nên ở khoảng trung gian mà nhập Niết-bàn. Khi xả bỏ sắc thân ở Dục giới mà còn chưa lên đến cõi Sắc giới, nhờ có căn trí lanh lợi nên giữa khoảng trung gian đó họ nhập Niết-bàn.

“Hàng A-na-hàm Trung bát Niết-bàn này có bốn tâm: một là tâm chẳng phải học, chẳng phải vô học; hai là tâm học; ba là tâm vô học; bốn là tâm chẳng phải học, chẳng phải vô học. [Vị A-na-hàm trải qua bốn tâm ấy rồi] nhập Niết-bàn.

“Vì sao gọi là Trung bát Niết-bàn?

“Thiện nam tử! Trong bốn tâm của bậc A-na-hàm ấy có hai tâm là Niết-bàn, hai tâm không phải Niết-bàn, cho nên gọi là Trung bát Niết-bàn.

“Hàng A-na-hàm Thọ thân bát Niết-bàn lại có hai nghiệp, một là nghiệp tạo tác, hai là nghiệp thọ sanh. Vị A-na-hàm này bỏ thân ở Dục giới liền thọ thân ở Sắc giới, tinh cần tu tập, khi thọ mạng hết thì nhập Niết-bàn.”

Bồ Tát Ca-diếp thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Nếu nói rằng khi thọ mạng hết thì nhập Niết-bàn, vậy sao nói là Thọ thân Niết-bàn?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Những người ấy có thọ thân rồi sau mới dứt trừ phiền não trong Ba cõi, cho nên gọi là Thọ thân Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Hành bát Niết-bàn là [vị A-na-hàm] thường tu hành Chánh đạo, nhờ sức tam-muội hữu vi nên dứt trừ được phiền não, liền nhập Niết-bàn. Đó gọi là Hành bát Niết-bàn.

“Vô hành Bát Niết-bàn, là [vị A-na-hàm] biết chắc rằng sẽ được nhập Niết-bàn nên sanh ra biếng trễ, nhưng cũng nhờ có sức tam-muội hữu vi nên khi thọ mạng hết thì nhập Niết-bàn. Đó gọi là Vô hành bát Niết-bàn.

“Về hàng A-na-hàm Thượng lưu bát Niết-bàn, như có người đã chứng đắc Đệ tứ thiền lại sanh tâm ái luyến Sơ thiền. Vì nhân duyên ấy nên thọ sanh trở lại nơi cảnh giới Sơ thiền. Nơi đây phân làm hai hạng, một là theo dòng phiền não, hai là theo dòng Chánh đạo. Người theo dòng Chánh đạo, khi thọ mạng hết lại sanh tâm ái luyến Đệ nhị thiền. Vì nhân duyên ấy nên thọ sanh cảnh giới Đệ nhị thiền. Cho đến cảnh giới Đệ tứ thiền lại cũng như vậy.

“Người ở cảnh giới Đệ tứ thiền lại có hai hạng, một là sanh vào Vô sắc giới, hai là sanh vào Năm cõi trời tịnh cư. Hai hạng người này, một là ưa thích tam-muội; hai là ưa thích trí tuệ. Người ưa thích trí tuệ thì sanh vào Năm cõi trời tịnh cư; người ưa thích tam-muội thì sanh vào Vô sắc giới.

“Lại nữa, hai hạng người [ở cảnh giới Đệ tứ thiền] này, một là tu tập Đệ tứ thiền với năm mức độ khác nhau, hai là không tu tập [Đệ tứ thiền]. Thế nào là năm [mức độ khác nhau]? Đó là bậc thấp, bậc vừa, bậc cao, bậc cao hơn và bậc cao nhất. Người tu bậc cao nhất sẽ sanh vào cõi trời Sắc cứu cánh. Người tu bậc cao hơn sẽ sanh vào cõi trời Thiện hiện. Người tu bậc cao sẽ sanh vào cõi trời Thiện kiến. Người tu bậc vừa sẽ sanh vào cõi trời Vô nhiệt. Người tu bậc thấp sẽ sanh vào cõi trời Vô phiền.

“Lại nữa, hai hạng người [ở cảnh giới Đệ tứ thiền] này, một là ưa thích luận thuyết giảng giải; hai là ưa thích vắng lặng an tĩnh. Người ưa thích vắng lặng an tĩnh sẽ sanh vào Vô sắc giới. Người ưa thích luận thuyết giảng giải sẽ sanh vào Năm cõi trời tịnh cư.

“Lại nữa, hai hạng người [ở cảnh giới Đệ tứ thiền] này, một là tu tập Huân thiền, hai là không tu tập Huân thiền. Người tu tập Huân thiền sanh vào Năm cõi trời tịnh cư; người không tu tập Huân thiền sanh vào Vô sắc giới. Đến khi thọ mạng hết sẽ nhập Niết-bàn. Đó gọi là Thượng lưu bát Niết-bàn.

“Nếu người muốn sanh vào Vô sắc giới thì không thể tu tập Đệ tứ thiền với năm mức độ khác nhau [như trên]. Người tu năm mức thiền này thường chê trách phép định Vô sắc giới.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Hàng A-na-hàm Trung bát Niết-bàn đó ắt là căn trí lanh lợi. Nếu là căn trí lanh lợi, sao hiện tại không nhập Niết-bàn? Vì sao ở Dục giới có Trung Bát Niết-bàn còn ở Sắc giới thì không?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Những người này do trong hiện tại bốn đại yếu ớt, không thể tu tập Chánh đạo. Tuy có những tỳ-kheo thân thể được khỏe mạnh, nhưng vì không có chỗ ngủ nghỉ, thức ăn uống, y phục, giường nằm, thuốc men... các duyên chẳng đủ nên họ không thể nhập Niết-bàn ngay trong hiện tại.

“Thiện nam tử! Có một lần, khi ta đang ở tinh xá Kỳ viên tại thành Xá-vệ, có một tỳ-kheo đi đến chỗ ta thưa rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Con thường tu tập Chánh đạo nhưng không thể chứng đắc quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán.’

“Khi ấy ta liền bảo A-nan: ‘Nay ông nên vì tỳ-kheo này lo cung cấp đủ các thứ cần dùng.’

“Bấy giờ, A-nan đưa vị tỳ-kheo ấy đến rừng Kỳ-đà, sắp xếp cho một gian phòng tốt để ở. Tỳ-kheo ấy liền bảo A-nan: ‘Đại đức! Xin ngài vì tôi trang nghiêm phòng ốc, sửa dọn sạch sẽ và trang hoàng bằng bảy món báu thật nghiêm trang, treo đủ các thứ phướn, lọng bằng lụa.’

“A-nan đáp: ‘Vì là người nghèo của thế gian mới được gọi là sa-môn, làm sao tôi có thể lo được những thứ như vậy cho ông?’

“Tỳ-kheo ấy nói: ‘Nếu đại đức có thể vì tôi làm được như vậy thì tốt lắm, tốt lắm! Bằng không thể được thì tôi sẽ quay lại chỗ Thế Tôn vậy.’

“Bấy giờ, A-nan liền đến chỗ Phật thưa: ‘Bạch Thế Tôn! Thầy tỳ-kheo khi nãy có yêu cầu con lo đủ mọi thứ trang nghiêm bằng bảy báu, phướn, lọng. Con không biết việc này phải làm thế nào?’

“Ta lại dạy A-nan: ‘Nay ông hãy trở lại đó, tùy ý tỳ-kheo ấy cần dùng những gì thì cung cấp cho đầy đủ.’

“Bấy giờ, A-nan liền trở lại phòng tỳ-kheo ấy, cung cấp đầy đủ mọi thứ [như yêu cầu]. Tỳ-kheo ấy có đủ mọi thứ rồi liền chú tâm tu tập, không bao lâu liền chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, lần lượt cho đến quả A-la-hán.

“Thiện nam tử! Có vô lượng chúng sanh lẽ ra có thể nhập Niết-bàn, nhưng vì sự thiếu thốn gây chướng ngại, rối loạn trong tâm nên không thể đạt được.

“Thiện nam tử! Lại có những chúng sanh thường vui thích trong việc giáo hóa, hối hả [bận rộn chạy theo] nhiều việc, không thể đạt được [tâm] định, nên không thể nhập Niết-bàn ngay trong hiện tại.

“Thiện nam tử! Như lời ông vừa hỏi: ‘Do nhân duyên gì khi bỏ thân ở Dục giới có Trung [bát] Niết-bàn, còn ở Sắc giới không có?’

“Vị A-na-hàm quán xét những phiền não ở Dục giới có hai loại nhân duyên, một là bên trong, hai là bên ngoài; nhưng ở Sắc giới không có nhân duyên bên ngoài.

“Dục giới lại có hai loại tâm tham ái, một là tham muốn ái dục, hai là tham muốn hình sắc. Quán xét hai tâm tham ái ấy rồi hết lòng chê trách. Chê trách như vậy rồi liền có thể nhập Niết-bàn.

“Tại Dục giới, người tu có thể chê trách các phiền não thô thiển như tham tiếc, sân hận, đố kỵ, không biết hổ thẹn... Do nhân duyên này nên có thể nhập Niết-bàn.

“Lại nữa, chúng sanh Dục giới vốn tánh mạnh mẽ. Vì sao vậy? Vì có thể đạt được cả Bốn thánh quả.

“Vì thế nên ở Dục giới có Trung bát Niết-bàn, còn ở Sắc giới thì không.

“Thiện nam tử! Trung bát Niết-bàn có ba bậc: bậc cao, bậc vừa, bậc thấp. Bậc cao là nhập Niết-bàn ngay khi bỏ thân, chưa lìa khỏi Dục giới. Bậc vừa là nhập Niết-bàn khi lìa khỏi Dục giới nhưng chưa lên tới Sắc giới. Bậc thấp là nhập Niết-bàn khi đã lìa khỏi Dục giới rồi lên đến bên cạnh Sắc giới. Ví như loài cá tích được món ăn rồi thì dừng lại, những người này cũng vậy.

“Sao gọi là dừng lại? Vì ở hai cõi Sắc giới và Vô sắc giới mà thọ thân nên gọi là dừng lại. Vì không thọ thân trong các cõi trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thuộc Dục giới nên gọi là dừng lại. Vì đã dứt trừ vô lượng phiền não trói buộc, chỉ còn lại rất ít nên gọi là dừng lại.

“Lại do nhân duyên gì gọi là dừng lại? Vì không bao giờ tạo tác những việc chung cùng với hạng phàm phu nên gọi là dừng lại. Tự mình không còn sợ hãi và không làm cho kẻ khác sợ hãi nên gọi là dừng lại. Lìa khỏi hai tâm tham ái [và các phiền não như] tham tiếc, sân khuể... nên gọi là dừng lại.

“Thiện nam tử! Nói đến bờ bên kia là ví dụ cho các bậc A-la-hán, Phật Bích-chi, Bồ Tát, Phật; cũng như rùa thần đi được cả dưới nước và trên đất liền.

“Do nhân duyên gì mà ví với loài rùa? Vì loài rùa khéo che giấu cả tứ chi và đầu. Các bậc chứng quả từ A-la-hán cho đến chư Phật cũng giống như vậy, khéo che trùm cả năm căn. Cho nên dùng rùa làm ví dụ.

“Nói dưới nước và trên đất liền; nước là ví với thế gian, đất liền ví với xuất thế. Các bậc thánh ấy lại cũng như vậy; vì có thể quán xét tất cả phiền não xấu ác nên đến được bờ bên kia. Vì thế ví như đi được cả ở dưới nước và trên đất liền.

“Thiện nam tử! Như bảy loài chúng sanh dưới sông Hằng. Tuy có những tên gọi như rùa, cá... nhưng thảy đều không lìa khỏi nước. Trong kinh vi diệu Đại Niết-bàn này, từ hạng nhất-xiển-đề lên đến chư Phật, tuy tên gọi khác nhau, nhưng thảy đều không lìa khỏi chất nước là tánh Phật.

“Thiện nam tử! Bảy loài chúng sanh ấy, như có pháp thiện hoặc pháp bất thiện, hoặc đạo phương tiện, hoặc đạo giải thoát, hoặc đạo tuần tự, hoặc nhân, hoặc quả... thảy đều là tánh Phật.

“[Giảng giải những điều như thế] gọi là Như Lai tự ý nói ra.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu có nhân ắt có quả; nếu không nhân ắt không quả. Niết-bàn gọi là quả, nhưng vì Niết-bàn là thường còn nên không có nhân. Nếu không có nhân, sao gọi là quả? Nhưng Niết-bàn cũng gọi là sa-môn, cũng gọi là quả của sa-môn. Vậy thế nào là sa-môn? Thế nào là quả của sa-môn?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Trong thế gian cả thảy có bảy loại kết quả. Một là quả của phương tiện, hai là quả của sự báo ân, ba là quả của sự thân cận, bốn là quả của tàn dư, năm là quả bình đẳng, sáu là quả của quả báo, bảy là quả của sự xa lìa.

“Thế nào là quả của phương tiện? Như người thế gian đến mùa gặt được nhiều lúa thóc, cùng bảo nhau rằng: ‘Được quả của phương tiện.’ Quả của phương tiện đó gọi là quả [trực tiếp] của hành vi tạo nghiệp. Quả này có hai loại nhân, một là nhân trực tiếp, hai là nhân gián tiếp. Nhân trực tiếp, chẳng hạn như hạt giống; nhân gián tiếp, chẳng hạn như nước tưới, phân bón, nhân công... Như thế gọi là quả của phương tiện.

“Thế nào là quả của sự báo ân? Như người thế gian cung kính nuôi dưỡng cha mẹ, cha mẹ đều nói rằng: ‘Nay chúng tôi đã được hưởng quả của công ơn nuôi dưỡng.’ Con cái biết báo ân cha mẹ thì gọi [sự báo ân] đó là quả. Quả này cũng có hai loại nhân: một là nhân trực tiếp, hai là nhân gián tiếp. Nhân trực tiếp là nghiệp thuần thiện trong quá khứ của cha mẹ; nhân gián tiếp là đứa con có hiếu mà cha mẹ đã sanh ra. Như thế gọi là quả của sự báo ân.

“Thế nào là quả của sự thân cận? Như có người thân cận bạn tốt hiền thiện, [nhờ đó] chứng đắc quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán. Người ấy nói rằng: ‘Nay tôi đã được quả của sự thân cận.’ Quả này cũng có hai loại nhân: một là nhân trực tiếp, hai là nhân gián tiếp. Nhân trực tiếp là lòng tin [của bản thân]; nhân gián tiếp là bạn tốt hiền thiện. Như thế gọi là quả của sự thân cận.

“Thế nào là quả của tàn dư? Như [có người] do nhân không giết hại mà [về sau] được thân thứ ba sống lâu. Đó gọi là quả của tàn dư. Quả này cũng có hai loại nhân: một là nhân trực tiếp, hai là nhân gián tiếp. Nhân trực tiếp là thân, miệng, ý thanh tịnh; nhân gián tiếp là [những nghiệp lành dẫn đến] sự sống lâu. Như thế gọi là quả của tàn dư.

“Thế nào là quả bình đẳng? Đó là môi trường thế giới [mà tất cả chúng sanh cùng sống trong đó]. Quả này cũng có hai loại nhân: một là nhân trực tiếp, hai là nhân gián tiếp. Nhân trực tiếp là nói chúng sanh tu Mười nghiệp lành; nhân gián tiếp là Ba tai kiếp lớn. Như thế gọi là quả bình đẳng.

“Thế nào gọi là quả của quả báo? Như người được [quả báo có] thân thanh tịnh rồi, lại tu tập ba nghiệp thanh tịnh về thân, miệng, ý. Người ấy có thể nói: ‘Tôi được quả [của quả] báo. Quả này cũng có hai loại nhân: một là nhân trực tiếp, hai là nhân gián tiếp. Nhân trực tiếp là thân, miệng, ý hiện tại thanh tịnh; nhân gián tiếp là thân, miệng, ý trong quá khứ [đã tu tập] thanh tịnh. Đó gọi là quả của quả báo.

“Thế nào là quả của sự xa lìa? Đó chính là Niết-bàn. [Vì sự] xa lìa các phiền não, làm tất cả nghiệp lành là nhân của Niết-bàn. Lại cũng có hai loại nhân: một là nhân trực tiếp, hai là nhân gián tiếp. Nhân trực tiếp là nói Ba môn giải thoát; nhân gián tiếp là tất cả pháp lành đã tu tập trong vô lượng kiếp.

“Thiện nam tử! Trong pháp thế gian, hoặc nói nhân sanh ra, hoặc nói nhân thành tựu. Đối với pháp xuất thế cũng vậy, cũng nói có nhân sanh ra, có nhân thành tựu.

“Thiện nam tử! [Như] Ba môn giải thoát, Ba mươi bảy phẩm [trợ đạo] có thể làm nhân sanh ra sự chấm dứt của tất cả phiền não, cũng làm nhân thành tựu của Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Lìa xa phiền não thì thấy rõ được Niết-bàn một cách sáng suốt, minh bạch, cho nên Niết-bàn chỉ có nhân thành tựu mà không hề có nhân sanh ra.

“Thiện nam tử! Theo như lời ông hỏi: ‘Thế nào là sa-môn? Thế nào là quả của sa-môn?’

“Thiện nam tử! Sa-môn là Tám chánh đạo, quả của sa-môn là [tu tập] theo Chánh đạo nên rốt ráo được xa lìa vĩnh viễn tất cả [phiền não như] tham, sân, si... Như thế gọi là sa-môn và quả của sa-môn.”

Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà Tám chánh đạo gọi là sa-môn?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Người đời dịch nghĩa sa-môn là phạp đạo, [nghĩa là đạo dứt trừ mọi sự thiếu thốn]. Như [Tám chánh] đạo là dứt trừ tất cả sự thiếu thốn, dứt trừ tất cả đạo. Vì nghĩa ấy nên gọi Tám chánh đạo là sa-môn. [Tu tập] theo Tám chánh đạo sẽ đạt được Thánh quả, nên gọi là quả của sa-môn.

“Thiện nam tử! Lại nữa, [sa-môn dịch nghĩa là tĩnh chí, là tâm ý an tĩnh, nên] người thế gian ưa thích sự vắng lặng an tĩnh cũng gọi là sa-môn. Như [Tám chánh] đạo cũng vậy, có thể giúp người tu tập lìa khỏi những điều xấu ác của thân, miệng, ý..., được cái vui vắng lặng an tĩnh, cho nên gọi [người tu tập Tám chánh đạo] là sa-môn.

“Thiện nam tử! [Sa-môn cũng dịch nghĩa là tức ác, là chấm dứt mọi sự xấu ác, nên] người đời từ chỗ thấp hèn [vươn lên] thành người cao thượng gọi là sa-môn. Như [Tám chánh] đạo cũng vậy, có thể khiến người thấp hèn thành người cao quý, cho nên gọi [người tu tập Tám chánh đạo] là sa-môn.

“Thiện nam tử! Vị A-la-hán tu tập [Tám chánh] đạo này, đạt được quả sa-môn, cho nên gọi là giải thoát. Quả A-la-hán tức là năm phần Pháp thân của bậc Vô học, gồm giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Nhân nơi năm phần [Pháp thân] này mà được giải thoát, nên gọi là bậc Giải thoát. Vì đã được giải thoát nên [vị ấy] tự nói ra rằng:

Tử sanh nay đã dứt rồi,
Hạnh thanh tịnh đã vun bồi thành công,
Việc cần làm đã làm xong,
Từ nay vĩnh viễn không còn thân sau!

“Thiện nam tử! Vị A-la-hán này đã dứt trừ vĩnh viễn nhân duyên của sự sanh ra trong quá khứ, hiện tại và vị lai, nên tự nói rằng: ‘Tử sanh nay đã dứt.’ Lại cũng vì đã dứt trừ thân năm ấm trong Ba cõi nên nói rằng: “Tử sanh nay đã dứt.’

“Chỗ tu tập hạnh thanh tịnh của vị này đã rốt ráo, nên nói rằng: ‘Hạnh thanh tịnh đã trọn vẹn.’ Lại cũng vì đã buông xả sự học đạo nên nói rằng: ‘Hạnh thanh tịnh đã trọn vẹn.’

“Theo như chỗ mong cầu từ xưa, nay đã đạt được nên nói rằng: ‘Việc cần làm đã làm xong.’ Việc tu tập Chánh đạo đã đạt kết quả nên cũng nói rằng: ‘Đã xong.’

“Vì đạt được Tận trí và Vô sanh trí nên nói rằng: ‘Tử sanh nay đã dứt, mọi phiền não trói buộc trong Ba cõi đều đã dứt sạch.’ Vì nghĩa ấy nên gọi là bậc A-la-hán, đã được giải thoát.

“Cũng giống như A-la-hán, vị Phật Bích-chi cũng vậy.

“Bồ Tát và Phật thành tựu đầy đủ Sáu ba-la-mật, gọi là ‘đến bờ bên kia’. Vì các vị đã chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nên gọi là đầy đủ Sáu Ba-la-mật. Vì sao vậy? Vì đạt được kết quả của Sáu Ba-la-mật; vì đạt được quả nên gọi là đầy đủ.

“Thiện nam tử! Trong bảy loài chúng sanh [vừa nói trên, có những người] không tu thân, giới, tâm, tuệ. Vì không thường tu tập bốn pháp ấy nên thường tạo tác năm tội nghịch, có thể dứt mất căn lành, phạm vào bốn giới cấm nặng, phỉ báng Phật, Pháp, Tăng; nên gọi [những người ấy] là thường chìm sâu.

“Thiện nam tử! Trong bảy hạng người [đã nói], nếu ai biết gần gũi bậc thiện tri thức, hết lòng lắng nghe và thọ nhận Chánh pháp của Như Lai, khéo suy xét nội tâm, sống theo đúng Chánh pháp, tinh cần tu tập thân, giới, tâm, tuệ, vì thế được gọi là vượt sông sanh tử đến bờ giải thoát bên kia.

“Nếu nói rằng hạng nhất-xiển-đề đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, đó là đắm nhiễm vướng chấp; nếu nói rằng không đạt được thì là hư dối.

“Thiện nam tử! Trong bảy hạng người [kể trên], có khi chỉ một người gồm đủ [tính chất của] bảy hạng ấy, hoặc có khi bảy hạng người đều có chung một tính chất [trong số đó].

“Thiện nam tử! Nếu có người trong lòng nghĩ điều quái lạ, miệng nói điều quái lạ, rằng: ‘Hạng nhất-xiển-đề đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề,’ nên biết là người ấy phỉ báng Phật, Pháp, Tăng. Nếu có người trong lòng nghĩ điều quái lạ, miệng nói điều quái lạ, rằng: ‘Hạng nhất-xiển-đề không đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề,’ người ấy cũng gọi là phỉ báng Phật, Pháp, Tăng.

“Thiện nam tử! Nếu người nói rằng: ‘Tám phần Thánh đạo là chỗ đạt được của phàm phu,’ thì người ấy gọi là phỉ báng Phật, Pháp, Tăng. Nếu nói rằng: ‘Tám phần Thánh đạo không phải chỗ đạt được của phàm phu,’ thì người ấy cũng gọi là phỉ báng Phật, Pháp, Tăng.

“Thiện nam tử! Như có người nói rằng tất cả chúng sanh nhất định có tánh Phật; hoặc nhất định không có tánh Phật, thì những người ấy cũng gọi là báng Phật, Pháp, Tăng.

“Thiện nam tử! Cho nên trong Khế kinh ta dạy rằng: ‘Có hai hạng người phỉ báng Phật, Pháp, Tăng. Một là những người không có lòng tin, vì tâm sân hận [mà phỉ báng]; hai là những người tuy có lòng tin nhưng không hiểu rõ ý nghĩa [Phật pháp, nên vì ngu si mà phỉ báng.]’

“Thiện nam tử! Người có lòng tin mà không có trí tuệ thì thường làm tăng trưởng vô minh. Người có trí tuệ mà không có lòng tin thì thường làm tăng trưởng tà kiến.

“Thiện nam tử! Người không có lòng tin, vì tâm sân hận nên nói rằng: ‘Không có Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo.’ Người có lòng tin nhưng [si mê] không có trí tuệ thì giải nghĩa một cách điên đảo, khiến người nghe pháp phỉ báng Phật, Pháp, Tăng.

“Thiện nam tử! Cho nên ta nói: ‘Người không có lòng tin thì vì tâm sân hận, người có lòng tin vì [si mê] không có trí tuệ, những người ấy có thể phỉ báng Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo.’

“Thiện nam tử! Nếu nói rằng: ‘Hạng nhất-xiển-đề khi chưa sanh khởi pháp lành mà đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề,’ người ấy cũng gọi là phỉ báng Phật, Pháp, Tăng.

“Nếu nói rằng: ‘Hạng nhất-xiển-đề buông bỏ tâm nhất-xiển-đề rồi, khi mang thân khác sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề,’ người [nói như vậy] cũng gọi là phỉ báng Phật, Pháp, Tăng.

“Nếu nói rằng: ‘Hạng nhất-xiển-đề [cũng] có thể sanh ra căn lành. Sanh căn lành rồi thì căn lành ấy tiếp nối mãi chẳng dứt cho đến khi đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì thế nên nói rằng hạng nhất-xiển-đề [có thể] đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’ Nên biết rằng người [nói như vậy] không hề phỉ báng Tam bảo.

“Thiện nam tử! Nếu nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh nhất định đều có [những đức] thường, lạc, ngã, tịnh của tánh Phật; [những đức ấy] không [phải do] tạo tác, không sanh ra, [chỉ] vì nhân duyên phiền não nên không thể thấy.’ Nên biết rằng người [nói như vậy] là phỉ báng Phật, Pháp, Tăng.

“Nếu nói rằng: ‘Tất cả chúng sanh đều không có tánh Phật, cũng như sừng thỏ, do nơi phương tiện mà sanh ra, trước vốn không rồi sau mới có, từ có rồi trở lại thành không.’ Nên biết rằng người này là phỉ báng Phật, Pháp, Tăng.

“Nếu nói rằng: ‘Tánh Phật của chúng sanh là chẳng phải có, cũng như hư không; là chẳng phải không, cũng như sừng thỏ. Vì sao vậy? Vì hư không là thường, vì sừng thỏ là không thật có. Cho nên có thể nói là cũng có, cũng không. Vì là có nên trừ bỏ [quan niệm cho rằng tánh Phật như] sừng thỏ; vì là không nên trừ bỏ [quan niệm cho rằng tánh Phật như] hư không.’ Người nói như vậy không hề phỉ báng Tam bảo.

“Thiện nam tử! Tánh Phật đó không gọi là một pháp, không gọi là mười pháp, trăm pháp, ngàn pháp, hay vạn pháp... Khi chưa đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì tất cả [những pháp] thiện, bất thiện, vô ký thảy đều gọi là tánh Phật.

“Đức Như Lai có khi trong nhân nói quả, có khi trong quả nói nhân. Đó gọi là Như Lai tự ý thuyết dạy. Vì tự ý thuyết dạy nên gọi là A-ra-ha. Vì tự ý thuyết dạy nên gọi là Tam-miệu Tam-phật-đà.”

Chapter Forty-One: On Bodhisattva Kasyapa

"O good man! The Tathagata also possess words which come out of his own free will. There are two kinds [aspects] in the Buddha-Nature of the Tathagata, namely: 1) "is", and 2) "not-is". The "is" refers to: the 32 signs of perfection, 80 minor marks of excellence, ten powers, four fearlessnesses, three remembrances, Great Loving-Kindness and Great Compassion, such innumerable samadhis as the Suramgama Samadhi, etc., such innumerable samadhis as the vajra-samadhi, etc., such innumerable samadhis as of the expedients, etc., and such innumerable samadhis as of the five knowledges. These are all "is".

"Not-is" refers to all the Tathagta’s good deeds of the past, the non-good, indefinables [i.e. neither good nor bad], karmic causes, karmic results, defilements, the five skandhas, the 12 links of interdependence, etc. These are the "not-is".

"O good man! There are the "is" and the "not-is", good and non-good, defiled and non-defiled, mundane and supra-mundane world, holy and non-holy, the created and the non- created, the real and the non-real, quietude and non-quietude, disputation and non-disputation, world and non-world, illusion and non-illusion, cleaving and non-cleaving, prophecy and nonprophecy, existence and non-existence, the Three Times and not the Three Times, time and non-time, Eternal and non-Eternal, the Self and the non-Self, Bliss and non-Bliss, the Pure and the non-Pure, form-feeling-perception-volition-consciousness, and non-form-non-feeling-non- perception-non-volition-non-consciousness, the six sense-organs and non-six sense organs, the six sense-fields and the non-six sense-fields, the 12 links of interdependent arising and the non-12 links of interdependent arising. These are the "is" and "not-is" of the Tathagata’s Buddha- Nature. And the same applies to the Buddha-Nature of the icchantika.

"O good man! I say: "All beings possess the Buddha-Nature." But beings do not understand the words of the Buddha that accord with his own will. As such words cannot even be understood by the Bodhisattva personifying another person. How could the two vehicles and all other Bodhisattvas understand them?

"O good man! I, at one time at Grdhrakuta, discussed worldly truths with Maitreya. None of the 500 disciples, including Sariputra, knows of these, still less of the supramundane “Paramartha-satya” [Ultimate Truth]. O good man! There are cases where the Buddha-Nature is with an icchantika and not with a person of virtue, or where it is with a person of virtue but not with an icchantika. Or it can be with both or not with both. O good man! Those of my disciples who know of these four cases should not criticise and say: "Is the Buddha-Nature definitely with an icchantika or not?" When it is stated: "Beings all possess the Buddha-Nature", this is to be called the Tathagata’s words of his own will. How could beings understand this at all?

"O good man! This is comparable to a situation in which there are seven beings in the river Ganges. These are those who: 1) always get drowned, 2) come up for a time and then sink down again, 3) come up and stay there, 4) come up and look all around, 5) look all around and go [move], 6) get out and stay there again, 7) go [move about] both on land and water.

"We speak of one who always sinks. This means that the person undergoes the great evil karmic result of a big fish, so that his body is heavy and the place is deep. Hence, he always sinks.

"We speak of one who, for a time, comes up but sinks gain. This means that the person suffers from the evil karma of a big fish, so that his body is heavy and the place shallow, so that, for a time, he sees the light. By means of the light, he comes up for a time, but his body being heavy, he sinks again.

"We speak of one who, on coming up, remains there. This refers to the fish called “timi” [a kind of shark]. It lives in shallow waters and enjoys the light. Hence, we say that it comes up and remains [there].

"We speak of one who comes up and looks all around him. This is the case of a shark which looks all around and seeks food. On this account, it looks around.

"We speak of one who, having seen, goes off. This means that the fish, having seen some other things far off, soon goes off after them in order to devour them. Hence, having seen, it goes off.

"We speak of one who, having gone, stays. This means that the fish goes off, and having eaten what it wanted to have, stays there. This is why we say that it goes off and then stays there.

"We speak of one who goes on both land and water. This refers to the tortoise.

"O good man! In this all-wonderful river of Nirvana, there live seven living beings. These are the first - always-sinking - up to the seventh. Some sink and some come up.

"We speak of one who always sinks. This refers to one who hears this said: " This Great Nirvana Sutra states that the Tathagata is Eternal, does not change, and is the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure; that he does not ultimately enter Nirvana; that all beings possess the Buddha-Nature; that the icchantika, the slanderers of the vaiulya sutras, those who have committed the five deadly sins, those guilty of the four grave offences, will all perfect the Way to Enlightenment; that the srotapanna, sakrdagamin, anagamin, arhat, and pratyekabuddha will unfailingly achieve unsurpassed Enlightenment." On hearing this, such a person does not believe, but thinks to himself: "This Nirvana Sutra is one that belongs to the tirthikas and is not a Buddhist sutra." This person then departs from the Way, and does not give ear to Wonderful Dharma. At times, he may happen to hear [Dharma], but he cannot think well. He may think, but cannot think of good. As he does not think of good, he abides in evil. Abiding in evil has six ways, which are: 1) evil, 2) non-good, 3) defiled dharma [state], 4) augmentation of "is", 5) worry in heat [i.e. becoming hellishly hot with worry], 6) receiving evil results. This is to sink.

"Why is it to sink? When a person does not have a good [state of] mind, when he always does evil, when he does not practise the Way, we call this " sinking" . We say " evil" because a holy person reproaches [him], the mind feels fear, good persons hate [this], and because there is no benefiting of beings. Hence, evil.

"We say non-good because innumerable evils come about, because ignorance always binds the person, because he is always intimate with evil people, because he does not practise all the [various] kinds of good, because his mind is always inverted and always goes wrong. Hence, non-good.

"We say "defiled dharma" because it always defiles body and mouth, because it defiles pure beings, because it increases non-good actions, because it keeps the person away from good things. Hence, defiled dharma.

"We speak of augmenting "is" because what is done by the three persons mentioned above truly increases the causes for hell, hungry ghosts, and animals. Such a person does not practise Dharma for Emancipation. He does not scorn the actions of body, mouth and mind, and all others. This is to augment "is".

"We speak of "worrying heat" because this person minutely [constantly] does such four things and makes the body and mind feel worried over the two things, and there is no time for quietude. This is "heat". This ends in the karmic consequence of hell. Hence, heat. This burns all beings. Hence, heat. This burns all good things. Hence, heat. O good man! This person does not possess faith and coolness. Hence, heat.

"We speak of suffering from evil results. This person fully does all the five things stated above, and after death falls into the realms of hell, hungry preta, and animals.

"O good man! There are three evil things through which one suffers evil results, namely: 1) the evil of defilement, 2) the evil of karma, 3) the evil of karmic returns. O good man! As this person possesses the above-quoted six things, he cuts himself off from the root of good, commits the five deadly sins, performs the four grave offences, slanders the Three Treasures, uses the things which belong to the Sangha, and does all kinds of non-good. Because of these causal relations, he sinks into Avichi Hell and receives a body 84,000 yojanas wide and broad. The sin of his actions of body, mouth and mind being grave, the person cannot extricate himself from suffering. Why not? Because his mind cannot call forth anything good. Innumerable Buddhas may come into the world, but such a person will not give ear to them or see them. Hence, we say that he forever sinks. This is as with the big fish in the river Ganges.

"O good man! I say: " The icchantika is one who eternally sinks, but there are icchantikas who do not fall within the class of those who eternally sink." Who are such? This is as in the case where, for the sake of "is", the person practises giving, sila [morality], and good. This is one who is eternally sunk.

"O good man! There are instances where four good things call forth evil results. What are the four? They are: 1) reading and reciting the sutras so as to come above others, 2) upholding the prohibitions and precepts for the sake of profit, 3) giving because one belongs to others, 4) setting one's mind on, and meditating for the sake of gaining, the thoughtlessness- and-non-thoughtlessness state of mind. These four evoke evil results. That is why we say of one who practises and amasses such that he sinks and comes up again. Why do we say he sinks? Because he enjoys the three existences [i.e. the kamadhatu, rupadhatu, and arupadhatu - worlds of desire, form, and non-from]. Why do we say he comes up? Because he sees the light. The light corresponds to his hearing [Dharma], upholding the silas, giving, and sitting in meditation.

"Why do we say that the person sinks? Because he gains in evil views and acquires arrogance. Hence, I say in the sutra:

"If beings seek all existences
And do good and evil deeds for existence,
Such persons will lose the way to Nirvana.
This is why we say that
The person temporarily comes up but sinks again.
He sails on the dark ocean of birth and death,
He may gain Emancipation
And do away with defilement.
But the person again suffers from evil returns.
This is temporarily coming up
Only to sink again."

"O good man! This is as in the case of the big fish that comes out of the water for a time when it sees the light, but, as its body is heavy, sinks down again. That is how things also proceed with the two persons mentioned above.

"O good man! And there is a person who clings to, and takes pleasure in, the three existences. This is sinking. He hears the Great Nirvana Sutra and gains faith. This is coming up.

Why do we say coming up? When the person hears this sutra, he does away with evil and practises good. This is coming up. The person believes, but is not perfect. Why is he not perfect? The person believes in Mahaparinirvana and the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure, but says that the Tathagata’s body is non-Eternal, non-Bliss, non-Self, and non-Pure.

"The Tathagata has two Nirvanas. One is the created, and the other is the uncreated. With created Nirvana, there are no Eternal, Bliss, Self, and the Pure. A person may believe that beings possess the Buddha-Nature, but not that all beings have it. So we say "not perfect in faith" .

"O good man! There are two kinds [aspects] of faith: one is believing, and the other seeking. Such a person possesses faith, but does not push on and seek. Hence, not perfect in faith.

"There are also two phases of faith. One [type of faith] arises from hearing, and the other from thinking. The faith of this person arises from hearing, not from thinking. Hence, not perfect in faith.

"Also, there are two kinds. One [kind] believes in the fact that there is Enlightenment, and the other [kind of faith believes that there are] people who have gained it. Hence, not perfect in faith.

"Again, there are two kinds. One is belief in what is right, and the other in what is evil. A person says that there are cause and result and the Buddha, Dharma, and Sangha. This is believing in what is right. A person says that there cannot be any such things as cause and result and that the Three Treasures are different in nature. The person believes in evil words and the Puranas. This is believing in evil. The person believes in the Buddha, Dharma, and Sangha, but does not believe that the Three Treasures are one in nature and characteristics. He believes in cause and result, but does not believe that there is anyone who has gained [Enlightenment]. Hence, not perfect in faith. This person is not perfect in faith and does not observe the prohibitions and the precepts. Why do we say not perfect? Being not perfect, the sila [the moral precepts] which one has received is not perfect. And why does one say not perfect?

"Of sila, there are two kinds, namely: 1) sila aimed at deportment and 2) sila for sila’s sake [i.e. sila observed not as a matter of form]. The person upholds the sila for deportment, but not the sila for sila’s sake. Hence, not perfect in sila.

"Also, there are two kinds, which are: 1) one that is purported and 2) one that is not purported. The person may be in accord with sila but has no non-purported sila. Hence, not perfect in sila.

"Also, there are two kinds, which are: 1) the person carries on right living in body and mind and 2) the person does not carry on right living in body and mind. This person does not have right living in body and mind. Hence, not perfect in sila.

"Also, there are two kinds, namely: 1) seeking sila and 2) abandoned sila. This person upholds the sila that is aimed at "is", but cannot attain the abandoned sila. Hence, not perfect in sila.

"Also, there are two kinds, which are: 1) to accord with "is" and 2) to accord with Enlightenment. The person upholds the sila that accords with "is", but not that which accords with Enlightenment. Hence, not perfect in sila.

"Also, there are two kinds, namely: 1) good sila and 2) evil sila. When body, mouth, and mind are good, this is good sila. And such silas as of cows and dogs are evil silas. The person believes that these two silas call forth good results. Hence, not perfect in sila. As the person does not possess the two, faith and sila, he is not perfect in his learning.

"In what way do we speak of not being perfect in hearing? The person believes only in six of the 12 types of sutra which the Tathagata has delivered and does not believe in the other six. Hence, not perfect in hearing. Or he upholds the six sutras, but cannot recite and expound them to others and no benefit is given. Hence, not perfect in hearing [i.e. in listening to Dharma].

"And also, having received these six sutras, he recites them and speaks about them for discussion, for superceding others, for profit, for all existences. Hence, not perfect in hearing.

"O good man! I speak in my sutras about perfect hearing. How is a person perfect? There is a bhiksu who is good in body, mouth, and mind. First of all, he makes offerings to all teachers, personal [i.e. his own] or otherwise, and also to the virtuous. These gain a loving mind towards this bhiksu, and through this causal relationship, they teach him what is stated in the sutras. The man, with the sincerest mind, upholds what is taught him and recites [it]. Upholding and reciting [this], he gains Wisdom. Having gained Wisdom, he thinks well and lives in accordance with Dharma. Thinking well, he gains the right meaning. Gaining the right meaning, his body and mind gain quietude. Gaining quietude in body and mind, joy arises. From the gladdened mind comes dhyana [meditation]. From dhyana comes right knowledge. Because of right knowledge, he abhors existence. This abhorrence of existence calls forth Emancipation. This person has nothing of this kind. Hence, not perfect in hearing. As this person is not perfect in these three things, he does not give.

"Of giving, there are two kinds, namely: 1) giving of wealth, and 2) giving of Dharma. This person practises giving of wealth, but seeks " is" . Though he practises giving of Dharma, this, too, is not perfect. Why not? He conceals things and does not explain all. Because he fears that others might come above him. Hence, not perfect in giving.

"Of the giving of wealth and Dharma, there are two kinds, namely: 1) holy and 2) non-holy. By holy is meant the giving that does not seek any return when [something is] given; by non-holy is meant the giving that cares for [i.e. seeks] a return when giving. What the holy person gives is augmentation of Dharma. What the non-holy gives is augmentation of material things. Such a person gives wealth to augment wealth and gives of Dharma to augment wealth. Hence, not perfect in giving.

"Also, next, this person receives the six types of sutra. He gives to people who receive Dharma, but not to those who do not receive it. Hence, not perfect in giving.

"As this person does not possess the four things stated above, whatever Wisdom he practises is not perfect. The nature of Wisdom discriminates the nature well. This person cannot see the Eternal and the non-Eternal of the Tathagata. As to the Tathagata, this Nirvana Sutra says: " The Tathagata is Emancipation, and Emancipation is the Tathagata. The Tathagata is Nirvana, and Nirvana is Emancipation." He cannot discriminate between what is said. Pure action is the Tathagata. The Tathagata is Loving-Kindness, Compassion, Sympathetic Joy, and Equanimity. Loving-Kindness, Compassion, Sympathetic Joy, and Equanimity are Emancipation. Emancipation is Nirvana, and Nirvana is Loving-Kindness, Compassion, Sympathetic Joy, and Equanimity. He cannot gain any discrimination in what is said. Hence, not perfect in Wisdom.

"Also, next, he is not clear as to the fact that the Buddha-Nature is the Tathagata. The Tathagata is one that does not exist in all other things. What does not exist in all other things is Emancipation. Emancipation is Nirvana, and Nirvana is something that does not exist in all other things. He cannot gain any discrimination in what is said [i.e. cannot discriminate the meaning of what is said]. Hence, not perfect in Wisdom.

"Also, next, he cannot gain any discrimination between the Four Truths of Suffering, the Cause of Suffering, Extinction, and the Way to Extinction. As he does not know the Four Truths, he is unable to know holy action. As he does not know holy action, he cannot know the Tathagata. As he does not know the Tathagata, he cannot know Emancipation. As he does not know Emancipation, he cannot know Nirvana. Hence, not perfect in Wisdom.

"He is thus not perfect in five things. Of these, there are two kinds, which are: 1) what increases good and 2) what increases evil. How does he increase evil? This person does not see what is evil in his own self. He says that he is perfect and gains a clinging mind. To those fellow wayfarers of his, he says he is the winner. So, he associates with evil persons, who take his side. Befriending such persons, he further hears about what is imperfect. Having heard [such], he is glad at heart, gains clinging and arrogance, and is indolent. Being indolent, he associates with the laity.

"Also, he takes pleasure in hearing about the secular world and keeps at a distance the teaching of renunciation. As a result of this, evil increases. As he grows in evil, he gains evil actions in body, mouth, and mind. These three actions not being pure, the three realms of hell, hungry pretas, and animals increase. This is temporarily coming up and sinking again. Who of my following corresponds to this temporarily coming up and then sinking again? This is Devadatta, Bhiksu Kokalika, Bhiksu Carved-Arm, Bhiksu Sunaksatra, Bhiksu Tisya, Bhiksu Full-Abode, Bhiksuni Compassionate-Soil, Bhiksuni Wilderness, Bhiksuni Squareness, Bhiksuni Arrogance, rich man Pureness, Upasaka Is-Seeking, Sharokushakushu , rich man Elephant, Up- asika Fame, Upasika Light, Upasika Nanda, Upasika Army, and Upasika Bell. These persons are those who temporarily come up and sink again. For example, this is as in the case of the big fish which, when it sees the light, comes up but, as its body is heavy, sinks down again.

"The second kind of person deeply realises that he is not perfect in action. Being not perfect, he associates with a good teacher of the Way. Associating with a good friend, he is pleased to seek to learn what he has not yet heard. Having heard [it], he is pleased to act in the way he is told. Having received [these instructions], he is pleased to meditate. Having well thought about [it], he lives in accordance with Dharma. As he abides in Dharma, the good increases. As it increases, he does not sink any more. This is "abiding".

"Who of the Sangha are those who would answer to this description? They are five such bhiksus as Sariputra, Mahamaudgalyayana, Ajnatakaundinya and the others, the five bhiksus of the group of Yasas, and such others as Aniruddha, Kumarakasyapa, Mahakasyapa, Dasabal- akasyapa, Bhiksuni Kisagotami, Bhiksuni Utpala, Bhiksuni Superior, Bhiksuni True-Meaning, Bhiksuni Manas, Bhiksuni Bhadra , Bhiksuni Purity, Bhiksuni Non-Retrogression, King Bim- bisara, rich man Ugra, rich man Sudatta, Mahanama, poor man Sudatta, son of rich man Upali, rich man Jo, Upasika Fearless, Upasika Supratistha, Upasika Dharma-Loving, Upasika Valorous, Upasika Heaven-Gained, Upasika Sujata, Upasika Perfect-Body, Upasika Cow-Gained, Upasika Wilderness, Upasika Mahasena. All such bhiksus, bhiksunis, upasakas and upasikas can well be called "abodes" [i.e. those who abide].

"Why do we say "abide"? Because such a person always truly sees the good light. Hence, whether the Buddha has appeared in the world or not, such a person never does evil. That is why we say "abide". This is as in the case in which the fish, “timi”, seeks the light and does not sink and hide away. With all such beings things proceed thus. That is why I say in the sutras:

"If a person truly discriminates the meanings,
And with an intensive mind seeks The fruition of a sramana,
And if a person truly reproaches all existences,
Such a person is one who lives In accordance with Dharma.
If a person makes offerings to innumerable Buddhas And practises the Way for innumerable kalpas And if blessed with worldly pleasures,
Such a person is one who abides in Dharma.
If a person makes friends with a good teacher of the Way And hears Wonderful Dharma, and If the person thinks well in his mind,
And lives in accordance with the Way And seeks the light and practises the Way,
That person attains Emancipation And lives in peace."

Chapter Forty-Two:
On Bodhisattva Kasyapa (c)


"O good man! Regarding the imperfection of knowledge, there are five things to consider. The person comes to know and seeks to befriend a good friend, who will now come to see which out of greed, anger, ignorance, and sensing is predominant. To a person with a lot of greed, meditation on impurity will be taught. To a person who is prone to anger, loving-kindness is taught. To a person who thinks too much, counting the breath will be taught. To a person who has too much clinging to self, the dissection of the 18 realms is given. By this means, the person, with the best of minds, upholds and practises the Way as shown. Acting as he has been told to act, he, by degrees, gains the meditation of the four remembrances, i.e. the meditation on the four items of body, feeling, mind, and dharma. This meditation completed, that on the 12 links of interdependent arising gradually follows. This done, he next substantiates the world of warming-up [“usmagata”: a mental warming-up that one experiences before one gains the Wisdom of “darsana-marga” - the path of seeing, of inner understanding]."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! All things have warmings-up. Why so? Just as you, the Buddha, say, three things combine and we get beings. These are: 1) life, 2) warming-up, and 3) consciousness. If this is said, this will entail that all beings must possess the warming-up already. Why does the Tathagata say: " The warming-up comes about by coming into contact with a teacher of the Way?"

The Buddha said: " O good man! That kind of warming-up about which you speak is with all beings, down to the icchantika. The warming-up which I now speak about necessarily comes about only by an expedient, which is what originally was not but is now. Hence, it is not that it is with one from the very beginning. So, you should not object and say that all beings have warming-up by birth. O good man! The warming-up spoken of is what belongs to the world of form, not the world of desire. Should you say that all beings must possess it, this would entail your saying that even the beings of the world of desire must also possess it. As it does not exist in the world of desire, we cannot say that all possess it.

"O good man! It can be in the world of form, but it is not the case that all possess it. Why not? My disciples have it, but not the tirthikas. Hence, it is not the case that all beings must possess it. O good man! All the tirthikas meditate on the six actions [i.e. the six meditations of two groups, made up of: 1) negative, i.e. one of abhorring, and 2) positive, i.e. that of seeking. One of the systems of practice of the Way], and all of my disciples are perfect in the 16 actions [i.e. the 16 categories observed in meditating on the Four Truths]. And all of these 16 are not possessed by all beings."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! Why do we say "warming-up"? Is it a warming-up by one's own self, or does it come about caused by others?"

The Buddha said: " O good man! Such a warming-up arises out of one's own nature. It does not so come about caused by others."

Bodhisattva Kasyapa said: "O World-Honoured One! You said previously that Asvaka and Punarvasu did not possess the warming-up. Why not? When a person does not have faith in the Three Treasures, he does not have it. So we should know that faith is none other than a warming-up."

"O good man! Faith is not a warming-up. Why not? Because one gains the warming-up by faith. O good man! The warming-up is at once Wisdom. Why? Because it meditates on the Four Noble Truths. Hence, we call this the "16 actions". This action is Wisdom. O good man! You ask why we say "to warm-up". O good man! Now, warming-up is a phase of fire of the Noble Eightfold Path. That is why we say " to warm-up" . O good man! For example, when we make fire, there is the cause of fire beforehand, then we get it, and then smoke arises. It is the same with this undefiled way. To warm-up is none other than the 16 actions. The fire is the fruition of the srotapanna, and the smoke is the practising of the Way and the segregation [i.e. dispelling] of defilement."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! Even such a thing as the warming-up is of the class of the "is". It is something created. This thing gains, in return, the five skandhas of the world of form. Hence "is", and also the "created". If it is a thing created, how could it represent the undefiled Way?"

The Buddha said: "O good man! It is thus, it is thus! It is as you say. O good man! Although this warming-up belongs to the category of " is" , it truly breaks [destroys] the created and the " is" . Hence, it represents the undefiled Way.

"O good man! A man rides a horse, and he both loves and whips it. It is thus. It is also the same with the mind that warms up. Due to craving, life is gained, and due to abandoning [i.e. renunciation], one meditates. For this reason, it is a thing of the " is" . Though a created thing, it does represent the Right Path. Those who gain the warming-up are of the 73 kinds and the 10 of the world of desire. These persons are all clad in defilement. It goes from one tenth up to nine tenths. As in the case of the world of desire, things go from the first dhyana up to the thoughtlessness-and-non-thoughtlessness heaven. We say that there are 73 kinds. Such a person, on gaining the warming-up, never cuts off the root of good, commits the five deadly sins, or performs the four grave offences.

"Of this person, there are two types. One associates with a good friend, and the other with a bad friend. The one who associates with a bad friend is up for a time, but sinks again. The one who associates with a good friend looks all around. To look all around refers to the "topmost-height"1. The nature of this stage is as yet of the class of the five skandhas, and yet is related to the Four Truths. Hence, one can see all around. After the stage of the topmost-height, the person attains that of "cognition"2. The same is the case with the stage of cognition, too. The nature is of the four skandhas, but is related to the Four Truths. This person next gains the laukikagradharma [" first-of-the-world root of good" ], which is of the nature of the five skandhas and has causal relations with the Four Truths. The person, by degrees, gains the "cognition of suffering". The nature of Wisdom actualises the causal relation of the First Truth. Having thus actualised the causal relation of the truth of cognition, the person cuts away defilement and attains [to the level of] srotapanna. This is the fourth stage of seeing all around in the four directions. The four directions are none other than the Four Truths."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! You said before: "The srotapanna cuts away defilement as one would 40 ris of water crosswise and lengthwise. What remains is like water a single hair’s breadth in extent." By this, you meant the cutting off of the three fetters [“trini-samyojanani”] and calling this the srotapanna. These are: 1) wrong view of the Self, 2) seeing non-cause as cause, and 3) doubt. O World-Honoured One! Why do you say that a person of the srotapanna stage truly sees in [all] four directions, and why is such a person called a srotapanna, and why do you resort to the parable of the timi fish?"

The Buddha said: " O good man! The srotapanna truly cuts off innumerable defilements. But these three are of a serious nature. And, also, these include all the defilements which the srotapanna has to cut off. O good man! A great king comes out of his palace and wishes to make an inspection. Even when the four armies are with him, the people of the world but say that the King comes and goes. Why? Because this comes from the fact that the world makes much matter of the King. It is the same with the three defilements, too. Why serious? Because these people are all subject to these. As they are minutely small in size and not cognizable, we say serious. As these three are difficult to remove, and as these three become the cause of all defilements. As these three are the enemies to be subdued, we say: 1) precepts, 2) meditation, and 3) Wisdom.

"O good man! When all beings hear that the srotapanna indeed cuts off such countless defilements, they gain a retrogressive mind and say: "How can beings possibly cut off such countless defilements?" Because of this, as an expedient, the Tathagata speaks of three. You ask why I take up the case of the srotapanna and liken it to looking in the four directions. O good man! The srotapanna meditates on the Four Truths and gains four things, which are: 1) sticking unrelentingly to the Way, 2) meditating well, 3) seeing things well in the right way, and 4) truly crushing a great enemy.

"We say that we stick unrelentingly to the Way, because nothing can move the sense- organs of the person who has attained the stage of srotapanna. Due to this, we say that we stick unrelentingly to the Way.

"We speak of seeing well all around. This means that the person indeed reproaches the defilements within and without.

"We say that we see in a true way. This is the knowledge of cognition.

"We say that we truly crush a great enemy. This refers to the four inversions.

"You ask: "Why do we say srotapanna?" O good man! "Shu"3 means "undefiled"; "daon" means "to learn and practise". One practises the undefiled. Hence, "srotapanna". O good man! Shu means stream. Of streams, there are two kinds. One is the ordinary type, and the other that which flows in a counter direction."

Bodhisattva Kasyapa said: "O World-Honoured One! If this is so, why are srotapannas, sakrdagamins and arhats not all called srotapannas?"

"O good man! Those from the stage of srotapanna up to all Buddhas could well be called srotapanna. If it is not the case that those from the sakrdagamin stage up to the Buddha do not possess the nature of the srotapanna, how could there be such as from sakrdagamin up to the Buddha? All beings have two kinds of name, which are: 1) old, and 2) objective. As a common mortal, one has a name of the secular world. When one has entered the Way, one is called " srotapanna" . When this is first gained, one is called srotapanna; gained later, one is called sakrdagamin. Such a person is called srotapanna and sakrdagamin. The same is the case with the Buddha, too.

"O good man! There are two kinds of stream, of which one is Emancipation and the other Nirvana. All holy persons possess these, too, and they can be srotapannas and sakrdagamins. The same also applies to the Buddha. O good man! The srotapanna can also be called a Bodhisattva. Why? The Bodhisattva is none other than a person who is perfect in the "knowledge of extinction" [i.e. the knowledge in which defilement is completely extinguished] and the "knowledge of birthlessness" [i.e. the knowledge in which one is awake to the existence which is birthlessness]. The sakrdagamin, too, seeks these two knowledges. Hence, one may know that a person of the srotapanna stage can also be called a Bodhisattva. The sakrdagamin, too, can be called one who is " enlightened" . Why? Because he is enlightened regarding the darsana- marga [i.e. the stage of practice in which one first enters the great sea of Truth] and cuts away defilement, because he is correctly enlightened as to the law of causal relations, because he is enlightened in the ways that are " common to all" and those which are " not common to all" . The same applies to the sakrdagamin up to arhatship.

"O good man! There are two kinds of this srotapanna. One is sharp and the other dull. Those of the dull category repeat lives in the worlds of humans and the gods seven times. And in this class of the dull, there are five further kinds. There are those who get reborn six more times, five more times, four more times, three more times, and twice more. Those who are sharp-born gain in this present life the fruition of the stages of srotapanna up to arhatship.

"O good man! You ask why the srotapanna should be compard to the timi fish. O good man! There are four things characterising the timi, which are: 1) as its bones are small, it is light, 2) as it has fins, it is light, 3) it desires to seek the light, 4) it bites and holds on tightly. With the srotapanna, there are four things. Saying that the bones are small is comparable to the smallness of the amount of defilement. Having fins can be compared to samatha and vipasyana. Saying that it seeks and enjoys the light is comparable to darsanamarga. Saying that it bites and holds on tightly can be compared to the fact that the person hears what the Tathagata says regarding the non-eternal, suffering, non-Self, and the non-pure and that he holds tightly to what he has heard when Mara transforms himself and disguises himself as a Buddha, or when the rich man Sura sees and is wonderstruck, and that Mara, seeing the rich man moved in his heart, says: "What I said before about the Four Truths is not true. I shall now, for your sake, speak about the five truths, six skandhas, 13 spheres, and 19 realms." On hearing this, the rich man examines what is said and sees that there is nothing in it that is true. Hence, an analogy is sought here to explain the immovability of the mind."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "Is this srotapanna so called because the person first enters the Way, or is it because he has first gained the fruition? If one is a srotapanna because one has first entered the Way, why is one not so called when one has gained the cognition of suffering, instead of calling one "apatti" [= happening or entering]? If the first fruition is called srotapanna, why do we not call the tirthika a srotapanna who first excises the fetter of defilement and gains the existencelessness mental state, and having practised the Way of the undefiled, attains the stage of anagamin?"

"O good man! When the first fruition is gained, we say srotapanna. You ask why it is that the tirthika first cuts away the bond of defilement and gains the existencelessness mental state, and practising the undefiled Way gains the fruition of the anagamin, and not the srotapanna. O good man! Due to the fact that a person gains the first fruition, we say srotapanna. The person, at that time, gains the eight knowledges and the 16 actions."

Kasyapa said: "O World-Honoured One! It is the same with one who attains the fruition of the anagamin, too. He also gains the eight knowledges and the 16 actions. Why do we not in fact call such a person a srotapanna?"

"O good man! There are two kinds of the 16 defiled actions. One is what is common to all, and the other what is not. There are also two kinds of the undefiled 16 actions. One is what faces towards fruition, and the other is what a person has gained. There are also two kinds of the eight knowledges, too. One is what faces towards fruition, and the other is what the person has gained. A person of the srotapanna stage abandons the 16 actions that are common to all and gains the 16 which are not common to all, and abandoning the eight knowledges that face towards fruition, gains the eight knowledges that are the fruition. With a person of the anagamin stage, things are not thus. That is why the first fruition is called srotapanna. O good man! The srotapanna is concerned with the Four Truths, whereas the anagamin has relations with but one Truth. That is why the first fruition is called srotapanna. Hence, the timi fish is employed as a simile.

"We say that the person looks all around and then goes off. This is the sakrdagamin. His mind wholly set on the Way, he practises the Way, and in order to cut out greed, anger, ignorance, and arrogance, he, like the timi, looks around, and then goes off to seek food.

"We say that a person goes off and then remains again. This can be compared to the anagamin, who, having partaken of the food, abides there. There are two kinds of this anagamin. One is he who has now attained the fruition of arhatship and, practising the Way still further, gains the further fruition of the arhat [stage]. The other is he who greedily adheres to the samadhi of silence of the world of form and non-form. This person is called an anagamin. He does not gain a body from the world of desire. Of the anagamin, there are five kinds, namely: 1) middle-grade Parinirvana, 2) carnal Parinirvana, 3) action Parinirvana, 4) actionless Parinirvana, and 5) up-stream Parinirvana. There are six kinds. Of these, the five are as above, and the sixth is the actual enjoyment of the fruition of Parinirvana. There are also seven kinds, of which the six are as above and the seventh is the Parinirvana of the world of non-form.

"Action Parinirvana possesses ttwo kinds, which may have the two carnal bodies or four carnal bodies. If one possesses two bodies, we call this being one of the sharp-born; if one possesses four bodies, we call this dull-born. Again, there are two kinds. One person makes effort, has no unmolested samadhi, whereas the second is indolent and has unmolestedness. Again, there are two kinds. One person abides in the samadhi of effort, whereas the second does not.

"O good man! There are two kinds in [the category of] what is done by the beings of the world of desire. The one is what the person does, and the other is the action gained by birth.

"A person of middle-grade Nirvana has works [actions] to do, but not works gained by birth. Because of this, such a person herein enters Parinirvana. He abandons the carnal body of the world of desire, but does not yet attain the world of form. The sharp-born person enters Nirvana herein. With the person of middle-grade Nirvana, there are four minds [mental states], namely: 1) non-learning and not non-learning, 2) learning, 3) non-learning, and 4) the person enters the Nirvana of non-learning and not non-learning. Why middle-grade Nirvana? O good man! Now, of the four minds of this anagamin, two are Nirvana and two are not. Hence, we say middle-grade Nirvana.

"There are two kinds of carnal-body Nirvana. One is what one does, while the other is action by birth. This person abandons the body of the world of desire and gains the body of the world of form. With effort, he practises the Way, lives his allotted life-span, and enters Nirvana."

Bodhisattva Kasyapa said: "O World-Honoured One! If we say that the person enters Nirvana when his life ends, how can we call it the Nirvana of carnal life?"

The Buddha said: " O good man! When the person is born as a human, he cuts off the defilements of the three worlds. Hence, the Parinirvana of carnal life.

"We say Parinirvana by action. The person always practises the Way and through the power of the samadhi practised by this created body, the person cuts off defilement and enters Nirvana. Hence, Parinirvana by action.

"We say Nirvana by non-action. The person know that he will definitely reach Nirvana. Hence, indolence arises. Also, through the power of the samadhi of the created body, he gains Nirvana when his life ends. This is actionless Parinirvana.

"We say up-stream Parinirvana. On gaining the fourth dhyana, the person gains a mind of craving. Because of this, retrogression takes place and he gains a life of the first dhyana. In this, there are two streams. One is the stream of defilement, and the other is the stream of the Way. Because of the stream of the Way, the person gains the craving of the second dhyana, when his life ends. Because of the causal relation of craving, he gains birth in the second dhyana. It is the same with things up to the fourth dhyana.

"In the fourth dhyana [state], there are two kinds. One person enters the world of nonform, and the second the Suddhavasa Heaven. Of such two persons, one seeks samadhi and the other Wisdom. The one who seeks Wisdom gains the Suddhavasa heaven, and the one who seeks samadhi gains the world of non-form. Of these two, there are two kinds. With the one who practises the fourth dhyana, there are five different stages of practice. The second person does not practise the Way. What are the five? They are: low, middle, top, middle of the top, and topmost.

"The person who practises the Way of the topmost gains birth in Akanistha Heaven. The one who practises the Way of the middle of the top gains birth in Sudarsana Heaven. One who practises the Way of the top gains birth in the heaven where he can see good. One who practises the middle-grade Way gains birth in the heaven where there is no [oppressive] heat. The person who practises the Way of the low-grade gains birth in the heaven of small width [size]. Of these two kinds of person, the one cares for discussion, and the other for quietude. The one who likes quietude gains birth in the world of non-form, and the one who likes discussion gains birth in Suddhavasa Heaven.

"And there are two kinds. One person practises the fragrant dhyana, and the other does not. The one who practises the fragrant dhyana enters Suddhavasa Heaven, and the one who does not practise the fragrant dhyana gains birth in the world of non-form, where, when his life ends, he gains Parinirvana. Any person who wishes to enter the world of non-form cannot carry out the five different modes of practice of the fourth dhyana. Any person who has practised the five different modes of dhyana will be critical of the dhyana of the world of non-form."

Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! The person who practises middle-grade Nirvana is one who is sharp-born. If sharp-born, why does he not enter Nirvana in this present life? Why is there in the world of desire middle-grade Nirvana, but it does not exist in the world of non-form?"

The Buddha said: " O good man! The four great elements of this person are weak and emaciated, so that he cannot practise the Way. Even though the four great elements are sound and stubborn, there is a lack of a house to live in, food and drink, clothing, bedding, medical attendance and medicine, and all causal relations do not come to him. Due to this, he cannot gain Nirvana in this present life.

"O good man! Once I was dwelling in the vihara [Buddhist monastic residence] of Anathapindada in the state of Sravasti. And there was a bhiksu who came to my place and said: "O World-Honoured One! Although I always practise the Way, I cannot rise from the fruition of srotapanna to that of arhat." Then I said to Ananda: "See now to what this bhiksu needs to have." Then Ananda took this bhiksu to Jetavana and gave him a good house. Then the bhiksu said to Ananda: " O great virtuous one! Please decorate the house for me, have it repaired and make it pure and clean. There should be the seven jewels. Also hang up silken banners!" Ananda said: "A sramana is called the poor of the world. How can I supply what you want to have?" The bhiksu said: "O greatly virtuous one! If you do [as I ask], you do good. If you do not, I shall go back to the World-Honoured One." Then Ananda came to the Buddha and said: "O World-Honoured One! The bhiksu in question desires to have the place variously adorned with gems and banners. This is strange. What am I to do?" Then I said to Ananda: "Go back to the bhiksu and meet his wishes, and decorate the place as he would wish to have it decorated." Then Ananda went back to the house and made things ready for the bhiksu. Having gained what he wanted, he applied himself to the practice of the Way. Before long, he gained the fruition of srotapanna and attained arhatship.

"O good man! Innumerable beings, though they must [i.e. are bound to] gain Nirvana, lose their head due to a lack of things. Hence, they fail to gain it. O good man! Also, there are beings who have much desire. Their minds are busily occupied and they cannot meditate well. Hence, they cannot gain Nirvana in this life.

"O good man! You ask why there is middle-grade Nirvana to serve the world of desire well to abandon the body , and why there is not such in the world of form.

"O good man! This person sees the two causal relations of the world of desire. One is inner and the other is outer. In the world of form, there is not the causal relation of the category of the outer. And in the world of desire, there are again two types of craving mind. One is the craving of desire, and the other the craving for eating. Meditating on these cravings, the person seriously reproaches himself. Reproaching his own mind, he enters Nirvana.

"In this world of desire, the person can well reproach the coarse defilements, which are: stinginess, greed, anger, jealousy, non-repentance, and not having a sense of shame. Due to this causal relation, the person indeed gains Nirvana. And also the nature of the way of the world of desire is valorous. Why? Because the person gains the entering and the fruition. Hence, we have in the world of desire middle-grade Nirvana, which one does not find in the world of form.

O good man! Middle-grade Nirvana is of three kinds, namely: top, middle, and low. The top- grade gains Nirvana, not abandoning the carnal body and the world of desire. The middle-grade attains Nirvana by first leaving the world of desire and not yet arriving at the world of form. The low gains Nirvana when the person leaves the world of desire and comes near the boundary line of the world of form. For example, this is the case with the timi fish, which, having eaten, stays. It is the same with this person.

"Why do we say "stay"? This is said because the person gains life in the world of form and of non-form and there he gains a body. Hence, we speak of "staying". Humans and devas of the world of desire do not gain life in the realms of hell, animals, and hungry ghosts. Hence, we say staying. Having already cut innumerable bonds of defilement, there is little that is left. Hence, to stay. And, also, we say stay because that person nevermore does the things of the world of common mortals. Hence, to stay. He is not afraid and does not cause others to be afraid. Hence, to stay. He is away from the two cravings, stiniginess, greed and anger. Hence, to stay.

"O good man! Gaining the other shore can be compared to the arhat, pratyekabuddha, Bodhisattva, and the Buddha. This is like the godly tortoise, who can travel both on water and on land. Why do we employ the example of the tortoise? Because he truly shuts in [i.e. pulls in, withdraws] the five things [i.e. limbs and head]. It is the same with the arhat up to the Buddha, who truly shut in the five sense-organs. Hence comparison is drawn with the tortoise.

"We say water and land. Water can be compared to the world, and land to getting out of the secular world. It is the same with these holy people, too. They indeed gain the other shore, as they meditate thoroughly on bad defilements. Hence, comparison is sought with travelling both on water and on land.

"O good man! Seven kinds of being in the river Ganges possess the name of tortoise. But they do not part from the water. Thus, in the case of this all-wonderful Great Nirvana, there come about several different names, such as those from icchantika up to all Buddhas. But these do not part from the water of the Buddha-Nature. O good man! With these seven beings, be it that things concern Wonderful Dharma, non-Wonderful Dharma, the means, the Way of Emancipation, the gradual Way, causation or result, all are the Buddha-Nature. They are the words of the Tathagata that come from his own free will."

Bodhisattva Kasyapa said: "O World-Honoured One! If there is a cause, there comes about a result. If no cause, there cannot be a result. Nirvana is the result. As it is something that is eternal, there cannot be any cause to speak of. If there is no cause, how can we call it a result? This Nirvana is also called " sramana" and the fruition of the sramana. What is a sramana? And what is the fruition of a sramana?"

"O good man! In all worlds, there are seven kinds of fruition, which are those of: 1) through the means, 2) repaying obligations, 3) befriending, 4) that which remains, 5) equality, 6) karma, and 7) segregation.

"We say " fruition by means" . In autumn, secular people harvest cereal and say to one another that they are gaining the fruition of the means which they have put into effect. The fruition of the means is called the fruition of karmic actions. Such fruition has two causes, namely: 1) near [proximate, immediate] cause, and 2) far-out [indirect] cause. The near cause is the so-called "seed"; the far-out cause is water, dung, human being, and effort. This is fruition [which comes about] from putting the means into effect. We say "fruition by repaying obligations" . Secular people make offerings to their parents. All the parents say: " We are now reaping the fruit of what we did when nourishing [our children]." When the child indeed repays [them], we call this the fruition. The case is thus. Such fruition has two causes, namely: 1) the near cause, and 2) the far-out cause. What is near is the pure actions which the parents performed in the past; the far-out refers to the filial child who developed. This is the fruition of repaying obligations.

"We say "fruition of befriending". For example, there is a man who makes friends with a good person [i.e. a good teacher of Buddhism], as a result of which he can gain the fruits of the srotapanna [level] up to arhatship. The person now says: "I now gain the fruition of befriending." The case is thus. Such fruition has two causes, namely: 1) the near cause, and 2) the far-out cause. What is near is faith; what is far-out is the good friend. This is the fruition from befriending.

"We say " fruition of that which remains" . By non-killing, one lengthens the life span of the third body. This is what obtains. This is the fruition of that which remains. Such fruition has two causes. One is near, the other far-out. By near is meant purity of body, mouth [i.e. speech], and mind; by far-out, the extension of the life span and the enjoying of old age. This is the fruition of that which remains.

"By "equal fruition" is meant what is common to the world at large. Such fruition again has two causes: 1) near, and 2) far-out. By near-cause is meant the ten good actions which beings perform; by far-out is meant the so-called three calamities [i.e. of water, fire, and war]. This is what is called " equal fruition" .

"We speak of " recompense fruition" . A person gains a pure carnal body and performs what is pure in body, mouth, and mind. This person says: "I am harvesting the fruition of recompense." Such fruition has two causes, which are: 1) near, and 2) far-out. By the near is meant what is done with body, mouth, and mind; by the far-out cause is meant the purity of body, mouth, and mind in the past. This is what we call the fruition of recompense.

"We say " of segregation" , which is Nirvana. A person segregates his self from all defilements. All good actions are the cause of Nirvana. Also, there are two kinds, which are: 1) near cause, and 2) far-out cause. By near cause is meant the gate of the three emancipations [i.e. the samadhis of voidness, formlessness, and desirelessness]; by the far-out cause we mean the good actions which the person has practised in innumerable worlds.

"O good man! The world speaks of: 1) cause by birth and 2) cause by revealing. The case is thus. It is the same with the fleeing away from the world, too. And we speak at times of cause by birth, and also of cause by revealing.

"O good man! The gate of the three emancipations has 37 chapters. These turn out to be - as regards all defilements - the cause of birthless life and the revealing cause for Nirvana. O good man! When one comes away from defilement, one can clearly see Nirvana. Hence, what there is is the revealing cause and not cause by birth.

"O good man! You ask what a sramana is and what the samana fruition. O good man! The sramana is the Eightfold Right Path. The fruition of the sramana is that we follow the Way and eternally do away with greed, ill-will, ignorance, etc. This is the sramana and the fruition of the sramana."

Bodhisattva Kasyapa said: "Why do we call the Eightfold Right Path sramana?"

"O good man! "Srama", the world says, means "to lack", and "na" is "way". Such a way cuts off all that is lacking. That is why we call the Eightfold Right Path "sramana". Since, as a result of this, one gains the fruition, we say " fruition of the sramana" .

"O good man! And it is also as in the case where there is in the world a person who loves quietude, when we say that such a one is a sramana. Thus is it also with the Way. It causes any who practise the Way to do away with the evil way of life of the body, mouth, and mind, and to gain quietude. That is why we say sramana.

"O good man! The low-grade person of the world becomes the top-grade. This is a sramana. With the Way, too, things are thus. As it truly makes the low-grade person into the top, we say sramana.

"O good man! If an arhat practises this Way, he gains the fruition of the sramana. And thus he reaches the other shore. The fruition of an arhat is none other than the five- part Dharma body of no-more-learning, which comprises the moral precepts, samadhi, Wisdom,

Emancipation, and the intellectual insight [generated] by Emancipation. Through these five [factors], the person reaches the other shore. Hence, the arrival at the other shore. When he gains the other shore, he says to himself: "My life is now completed, pure actions [have already been] performed, what ought to have been done has been done, [and] I now no more gain [i.e. get reborn into] any [samsaric] existence."

"O good man! As this arhat has now eternally cut off the causal relations of birth in the Three Times, he says: "My life is now completed."

"Also, as he has indeed done away with the body of the five skandhas of the three worlds, he says: "My life is already completed."

"And as he now leaves the stage of learning, he says that he is now standing. And as he has now gained what he once desired to arrive at, he says that he has attained all. Having practised the Way and gained the fruition, he says: " Already accomplished" . As he has gained the knowledge of all-extinction and the knowledge of birthlessness, he says that he has done away with all bondage. Thus we say that the arhat now attains the other shore. It is the same with the pratyekabuddha, too. As the Bodhisattvas and the Buddha are perfect and accomplished in the six paramitas, they are called those who have " arrived at the other shore" . When the Buddha and the Bodhisattvas have attained unsurpassed Enlightenment, we say that they are perfect in the six paramitas. Why? Because they are now harvesting the fruit of the six paramitas. As there is the arriving at the fruition, we say " perfect" .

"O good man! These seven beings do not adjust their body, do not uphold the precepts, do not cultivate their mind and Wisdom. As they do not uphold well the four things, they commit the five deadly sins, cut off the root of good, commit the five grave offences, and speak ill of the Buddha, Dharma and Sangha. Hence, we say that they sink down deeply.

"O good man! If any of the seven beings associates with a good teacher of the Way, and with the sincerest mind gives ear to the Wonderful Dharma of the Tathagata, bethinks well within himself, lives in accordance with Dharma, and practises, with his best efforts, the body, precepts, mind, and Wisdom, such a person can indeed cross the river of birth and death and reach the other shore.

"If a person says: "Even the icchantika gains unsurpassed Bodhi" - this is defiled clinging; if he says, "not", this is what is false.

"O good man! Of these seven beings, there can be one who possesses the seven qualities in his one person or each of the seven may possess one each.

"O good man! If a person thinks and speaks differently in mind and mouth, and says: "The icchantika gains unsurpassed Bodhi", know that such a person slanders the Buddha, Dharma and Sangha. If a person thinks and speaks differently, and says: " The icchantika does not gain unsurpassed Bodhi", such a person also slanders the Buddha, Dharma and Sangha.

"O good man! If a person says: " The Noble Eightfold Path is what common mortals gain" , such a person, too, slanders the Buddha, Dharma and Sangha. If a person says: "The Noble Eightfold Path is not gained by any common mortal" , such a one, too, slanders the Buddha, Dharma and Sangha. O good man! If a person says: " All beings definitely possess or do not possess definitely the Buddha-Nature", such a person also slanders the Buddha, Dharma and Sangha.

"O good man! That is why I say in a sutra: " There are two kinds of people who slander the Buddha, Dharma and Sangha." These are: 1) those who do not believe and speak with an angry mind, and 2) those who, though they believe, do not gain the meaning.

"O good man! If a person does not possess faith and Wisdom, such a person augments his ignorance. If a person possesses Wisdom, but not faith, such a person increases distorted views. O good man! A person who has no faith says, out of an angry mind: "There cannot be any Buddha, Dharma and Sangha."

"If a person should believe, but have no Wisdom, such a person will understand things in an inverted way and cause those who give ear to sermons to slander the Buddha, Dharma and Sangha. O good man! For this reason, I say that one who has no faith and who has an angry mind, and one who has faith but no Wisdom, slanders the Buddha, Dharma and Sangha. Thus do I say.

"O good man! If a person says: " The icchantika, not yet having arrived at Wonderful Dharma, attains unsurpassed Bodhi", such a person well slanders the Buddha, Dharma and Sangha. If a person says: " The icchantika abandons the state of the icchantika and attains the unsurpassed body in a different body", such a person, too, may be said to slander the Buddha, Dharma and Sangha. Also a person may say: " The icchantika may well gain the root of good, continue to possess it, and may well attain unsurpassed Bodhi. Hence, the icchantika attains unsurpassed Bodhi." Know that such a person does not slander the Three Treasures.

"O good man! A person may say that all definitely have the Buddha-Nature, that the Eternal, Bliss, the Self, and the Pure are not what have been made or what have been born, that only due to defilement, people cannot see [them]. Know that this person slanders the Buddha, Dharma and Sangha. If a person says that all beings do not possess the Buddha-Nature, as in the case of the horns of a hare, that all comes about by expediency, and that they are what was not but now are, or what once was but now are not, know that this person slanders the Buddha, Dharma and Sangha. If a person says: "The Buddha-Nature of beings does not exist like the Void, nor is it something that is not [i.e. something that does not exist], as with the horns of a hare. Why so? For the Void is eternal, and there is no such thing in the world as the horns of a hare. Hence, we can say either "is" or "is-not". As it is an "is", it breaks the horns of the hare [i.e. it cannot be likened to the non-existent horns of a hare], and as it is empty, it indeed breaks the Void." Any person who speaks thus does not slander the Three Treasures.

"O good man! The Buddha-Nature is not a thing, not ten things, not 100 things, not 1,000 things, and not 10,000 things. When unsurpassed Bodhi has not yet been attained, all of good and not good, and all that is neutral, can fall into the category of the Buddha-Nature. The Tathagata at times speaks of the fruition in the state of cause or at times of the cause in the state of fruition. This is what we call the Tathagata's words which he speaks following his own will. Because of the things spoken of from the Tathagata's own free will, we call him "Tathagata". Due to the fact that [his words are] spoken from his free will, we say "arhat". Due to the fact that [his words are] spoken from his own free will, we say "samyaksambuddha" [i.e. Fully Awakened One]."

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.96.159 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Việt Nam (71 lượt xem) - Hoa Kỳ (56 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - ... ...