Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không. (There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Yêu thương và từ bi là thiết yếu chứ không phải những điều xa xỉ. Không có những phẩm tính này thì nhân loại không thể nào tồn tại. (Love and compassion are necessities, not luxuries. Without them humanity cannot survive.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở »» PHẬT TẠI SƠN LÂM »»

Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở
»» PHẬT TẠI SƠN LÂM

(Lượt xem: 2.056)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở - PHẬT TẠI SƠN LÂM

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Phái đoàn đã đến thăm trung tâm xuất bản Phật Giáo tại Kandy và tôi đã đóng tiền để trở thành hội viên vĩnh viễn của tổ hợp xuất bản này. Mỗi khi nơi này in sách đều gởi đến chùa Viên Giác để thư viện có thêm sách vở về Phật Giáo bằng Anh ngữ. Dĩ nhiên, những sách ở đây đa số cho in theo truyền thống Tiểu Thừa, nhưng có một ít sách Đại Thừa cũng được dịch ra như Kinh Phật Di Giáo chẳng hạn (The Buddha’s Last Bequest). Sách do Thượng Tọa Khantipalo đề tựa. Thượng Tọa là một người Âu Châu rất nổi tiếng, tu theo Phật Giáo Nam Tông tại chùa Wat Bovoranives Vihara ở Bangkok, Thái Lan, là một học giả có nhiều uy tín trong việc trước tác cũng như phiên dịch.

Sau đó Thượng Tọa sang Úc Châu để hành đạo. Người có một trung tâm thiền rất lớn ở gần Sydney. Năm 1989, tôi đã có cơ duyên gặp người. Nay đến Tích Lan để thăm viếng, tình cờ xem được quyển sách này được chính thức dịch từ Đại Tạng Kinh Hán Văn và mừng rỡ hỏi thăm về Ngài thì Đại Đức Seelawansa báo tin là Ngài đã trả lại áo nhà tu năm ngoái. Quả là một mất mát to lớn của Phật Giáo thế giới vậy. Nhưng dầu sao đi nữa đó cũng là một sự tự do, do Ngài lựa chọn. Con đường vào đạo cũng do chính Ngài chọn, thì con đường trở lại trần thế cũng do chính Ngài quyết định thôi.

Nước Tích Lan bị người Bồ-đào-nha xâm chiếm từ năm 1505, và sau đó rơi vào tình trạng thuộc địa của người Anh trong hơn 150 năm, kể từ năm 1796. Đến năm 1948, người Anh mới trao trả độc lập cho Tích Lan sau khi đã trao trả cho Ấn Độ. Trước khi người Anh đến, Phật giáo có tất cả, nhưng sau 100 năm cai trị tại Tích Lan, với những nỗ lực cải đạo của các nhà truyền giáo phương Tây được chính quyền thực dân hỗ trợ thì trong số 848 trường học từ bậc tiểu học đến đại học, phần lớn được dành cho Thiên chúa giáo, Phật Giáo chỉ có được 12 trường, với 11 trường dạy bằng tiếng Tích Lan và chỉ duy nhất một trường dạy bằng song ngữ, nghĩa là có tiếng Anh.

Dĩ nhiên, sống trong cảnh chèn ép về tín ngưỡng như vậy hoài chịu không nổi, nên đã có nhiều người Phật giáo chấp nhận đi học trường Thiên Chúa để sau này độ cho người Thiên Chúa. Đó là trường hợp của vị Sa-di Mohottiwatte Gunānanda. Khoảng năm 1860, vị này công khai thách thức các giáo sĩ, linh mục Thiên chúa giáo hãy tranh luận cùng mình. Với sự hiểu biết sâu sắc về các tín điều Thiên chúa giáo đã được nghiên cứu kỹ tại trường học, cùng với sự uyên bác về kinh điển Phật giáo, vị sa-di trẻ tuổi đã đi từ làng này sang làng nọ để thuyết giảng Phật pháp và thường xuyên thách thức tranh luận công khai với những người Thiên Chúa giáo. Ban đầu, các nhà truyền giáo Thiên chúa giáo phớt lờ sự thách thức này. Nhưng về sau, họ rất tự tin là có thể đánh bại vị Sa-di trẻ tuổi này nên chấp nhận lời thách thức. Kết quả, những cuộc tranh luận công khai lần lượt được tổ chức tại Udanvita năm 1866, tại Gampola năm 1871 và tại Panadura vào năm 1873. Tất cả những cuộc tranh luận công khai này có sự hiện diện theo dõi của tín đồ cả hai tôn giáo và tuân theo một số quy luật để bảo đảm tính công bằng khi tranh luận cũng như được nhiều báo chí đưa tin, đặc biệt là tờ báo bằng Anh ngữ lúc bấy giờ tên là The Ceylon Times loan tin đầy đủ.

Cuộc tranh luận tại Panadura vào năm 1873 đã kéo dài đến một tuần lễ với phần thắng cuối cùng được xác định thuộc về Phật giáo. Luận giả Phật giáo không những đã chỉ ra những lập luận sai lầm của phía bên kia, mà còn giảng giải cho họ hiểu biết thêm rất nhiều về giáo lý căn bản trong đạo Phật. Nhiều buổi lễ mừng được những người Phật tử tổ chức sau đó và những sự kiện này đã khơi dậy mạnh mẽ niềm tin cũng như tinh thần tu tập của Phật giáo đồ.

Vào lúc đó, tình cờ một học giả người Mỹ là Dr. Peebles viếng thăm Tích Lan và cảm thấy rất ấn tượng với những cuộc tranh luận này, nên sau khi về nước đã tường thuật lại trong một quyển sách xuất bản tại Hoa Kỳ. Sau đó, Đại tá Henry Steele Olcott lần đầu tiên đã chú ý đến Phật giáo khi tình cờ đọc được quyển sách của Peebles trong một thư viện công cộng ở Hoa Kỳ.

Henry Steele Olcott xuất thân là một nông dân giàu có nhưng sau đó gia nhập quân đội, thăng đến hàm Đại tá và được chuyển sang phục vụ Hải quân Hoa Kỳ. Năm 1875, ông được 43 tuổi, đã từ bỏ hết mọi tài sản thế tục để cùng với bà Blavatsky thành lập Hội Thông Thiên Học (Theosophical Society) nhằm mục đích tìm kiếm chân lý trong tất cả mọi tôn giáo. Sau khi đọc quyển sách của Peebles tường thuật về cuộc tranh luận tôn giáo ở Panadura, ông nhận ra tầm quan trọng của những lời Phật dạy và quyết định cùng bà Blavatsky đến Tích Lan vào năm 1880 để bắt đầu học hỏi về đạo Phật. Không bao lâu, những nghiên cứu về đạo Phật đã thuyết phục ông trở thành người Phật tử và ông bắt đầu nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo Tích Lan. Dưới sự lãnh đạo và nỗ lực vận động của ông, tăng ni và cư sĩ Phật tử Tích Lan đã thành lập Hội Thông thiên học Phật giáo (Buddhist Theosophical Society) vào ngày 17 tháng 6 năm 1880.

Khi Olcott mới đến, Tích Lan chỉ có 3 trường học Phật giáo nhận được sự bảo trợ từ chính phủ. Đó là các trường ở Dodanduwa, Panadura và Bandaragama. Đến năm 1897, Hội Phật giáo Tích Lan do ông sáng lập đã xây dựng được 25 trường nam, 11 trường nữ và 10 trường chung cho cả nam lẫn nữ. Đến năm 1903, Hội Phật giáo đã điều hành 174 trường với 30.000 học sinh Phật tử theo học và đến năm 1940 con số này lên đến 429 trường. Đại Tá Olcott có công rất lớn trong những thành tựu này. Ông đã giúp cho Phật Giáo Tích Lan khôi phục địa vị quan trọng của mình trong mấy mươi thế kỷ qua.

Ông đã vận động thành lập nhiều trường Đại Học Phật Giáo hàng đầu như Ānanda College và Nalanda College ở Colombo, Dharmaraja ở Kandy, Mahinda ở Galle, Dharmasoka ở Ambalangoda, Visakha ở Bambalapitiya và Museus ở Colombo. Nhiều tờ báo Phật Giáo được xuất bản, trong đó có tờ nguyệt san Anh ngữ “The Buddhist” bắt đầu ra từ tháng 12 năm 1880 là tờ báo có tiếng nói rất vững mạnh lúc bấy giờ. Ông vận động tích cực để đòi lại cho người dân Tích Lan nhiều quyền lợi đã mất, trong đó có quyền tự do sở hữu những tài sản riêng của Phật giáo và ngày trăng tròn Vesak được thừa nhận là ngày lễ chung của toàn xã hội. Đại lễ này được chính phủ thực dân Anh cho phép tổ chức lần đầu tiên vào ngày 28 tháng 4 năm 1885, cũng là lần đầu tiên lá cờ Phật giáo do Ủy ban Colombo thiết kế được treo lên. Và đặc biệt nhất, ông Olcott đã đề xuất đóng góp một số chỉnh sửa cho thiết kế và kích thước của lá cờ Phật Giáo, để đến năm 1950 được Liên hiệp Phật giáo Thế giới (World Fellowship of Buddhists) chấp nhận trở thành lá cờ chung của Phật giáo trên toàn thế giới. Lá cờ gồm 5 màu tượng trưng cho hào quang ngũ sắc của Đức Phật mà ngày nay khắp nơi trên thế giới, nơi nào có chùa, viện Phật giáo đều có treo lá cờ này.

Quả thật, sự phục hưng của Phật giáo Tích Lan ngay trong thời kỳ đô hộ của người Anh đã có sự đóng góp hết sức lớn lao của Henry Olcott. Có thể nói, cuộc tranh luận công khai giữa Phật giáo và Thiên chúa giáo tại Panadura và hệ quả theo sau của nó là việc Olcott tìm đến Tích Lan đã chấm dứt một thời đen tối kéo dài và mở ra một hướng phát triển mới cho Phật giáo Tích Lan. Năm 1907, Olcott mất khi đang ở tại Ấn Độ.

Việt Nam chúng ta vào thời ấy cũng lâm vào tình trạng đen tối như Tích Lan. Mãi đến năm 1931-1932 mới có những phong trào chấn hưng Phật Học Nam, Trung, Bắc. Nhưng tiếc rằng những biến cố và tranh chấp chính trị triền miên đã ngăn không cho Phật Giáo nước nhà phát triển, và quê hương đất nước vẫn tiếp tục chìm sâu trong lửa đạn của chiến tranh và hận thù đau khổ.

Đến năm 1954, đất nước chia đôi, rồi năm 1975 toàn cõi Việt Nam rơi vào sự cai trị của chế độ Cộng sản. Có ai là người đủ khả năng để khôi phục nền Phật Học nước nhà như vào thời Trần Lý nữa đâu!

Có nhiều người bảo Đạo Phật cũng là đạo từ ngoài truyền vào, làm sao bảo là đạo của dân tộc Việt? Điều đó không sai, nhưng Phật giáo đến Việt Nam cũng như Trung Hoa hay Tích Lan bằng con đường hòa bình chứ không phải con đường bạo lực, cưỡng ép như các đạo khác. Và Phật Giáo khi đến đâu cũng không chống trái lại những phong tục tập quán tại xứ đó, nên nhân dân các xứ đó chấp nhận Phật giáo một cách tự nguyện. Cho nên gọi là đạo của dân tộc cũng do ý nghĩa tự nguyện tiếp nhận này.

Phái đoàn chúng tôi vào vườn nhiệt đới để thăm cảnh trí. Ở đây cây trái đủ loại, có nhiều cây mít, cây xoài cao hàng trăm thước. Chắc chắn những cây này đã sống không dưới 200 năm. Đi đến xế trưa, chúng tôi đến vùng núi đồi cao nguyên của Tích Lan gọi là Nuwara Eliya. Nơi đây toàn trà và trà. Trà Tích Lan là một loại trà nổi tiếng trên thế giới nên chúng tôi đã dừng lại đây để thưởng thức những chung trà đặc biệt ấy. Ở đây họ uống trà có sữa và đường, không như trà Nhật, Tàu hay Việt. Họ cũng không có trà đạo như Nhật Bản, nhưng cung cách pha trà của họ cũng khéo léo vô cùng.

Đi đến chiều tối, phái đoàn tìm khách sạn để ở lại, nhưng rất khó tìm. Vì Tích Lan là một xứ Phật Giáo mà tăng sĩ đi ở khách sạn quả là điều khó nói. Nhưng vùng này Đại Đức Seelawansa không quen chùa nào nên bảo chú tiểu đi cùng người tài xế vào hỏi thăm chỗ ở. Đến đâu cũng bị từ chối. Họ ngỡ một vị Sư và một cư sĩ cùng đi chắc để lạc quyên gì đây, nên từ chối khéo ngay từ ban đầu. Cuối cùng rồi chúng tôi cũng gặp được một ngôi chùa trong thâm sơn cùng cốc đồng ý cho chúng tôi ngụ lại, nên tôi đã đặt tựa cho chương này là Phật Tại Thâm Sơn, cũng trong ý nghĩa đó.

Như khi người sắp chết đuối nắm được cái phao, hoặc kẻ bộ hành lang thang đơn độc tìm được nơi dừng chân tạm trú, quả là hạnh phúc vô cùng. Không phải chúng tôi không có tiền để làm điều dễ làm đó, mà vì phong tục và tập quán ở đây còn quá nặng nề, nhất là nơi vùng quê cao nguyên hẻo lánh này. Xa xa trông thấy mái tháp của ngôi chùa, chúng tôi mừng rỡ và Đại Đức Seelawansa vào chào hỏi vị sư trụ trì để xin được ở lại.

Ngài niềm nở đón mời và cho vị thị giả mang đến phòng tôi một tấm vải trải giường. Chỉ đơn giản có thế. Đêm đó lạnh vô cùng, ít nhất cũng là 3 hay 4 độ C, nhưng cả chùa không có nước nóng và mền chiếu cũng không. Ngay cả chỗ nằm cũng lôi thôi nữa. Ví mà tôi ở Đức chắc sẽ không bao giờ tá túc nổi, nhưng ở nơi này thật giá trị vô cùng. Tôi phải ở lại đây để trân quý tấm lòng chân chất của một vị Phật sống trên đời. Tôi phải ở lại đây để dẹp trừ cái tôi đã có nơi tôi.

Đêm ấy tôi được dùng một tô mì ngon tột đỉnh trần gian, sau đó tôi niệm một bài kinh Bát Nhã để đi vào trạng thái an lành của giấc ngủ. Nhưng ác nghiệt thay, những con muỗi đã không để cho tôi yên. Chúng quấy rầy suốt đêm, vo ve nơi lỗ tai, lỗ mũi, cắn chích nhiều nơi ở đùi, ở chân, tạo thành nhiều vết đỏ khó coi. Nhưng tôi vẫn cố ngủ qua đêm nay. Lạnh quá tôi lấy áo nhật bình và áo lễ ra để đắp, vẫn không đủ, tôi lấy pháp y mang theo đắp trùm đầu lẫn cổ để khỏi nghe tiếng muỗi vo ve. Phải chi muỗi chỉ cắn một lần no thôi rồi đi đâu thì đi, đằng này nó vo ve suốt đêm không thể nào an giấc được.

Bên cạnh đó là những con thằn lằn đi ăn đêm, với những tiếng tắc lưỡi não nùng, nghe mà cảm thương thân phận của những người xa quê hương và đất nước. Đêm nay là đêm mà tôi nghĩ nhiều nhất về bạn bè, quê hương, đất nước cũng như tình người trong muôn thuở.

Nằm suốt đêm để chờ trời sáng, chờ cơn lạnh qua mau. Chúng tôi đã ngồi lại bên bếp sưởi bằng những cây củi lượm được ngoài đồi thông bên cạnh hông chùa. Một nồi nước đặt lên trên 3 ông táo, một số xác dừa khô dùng để mồi lửa. Thế là xong, chúng tôi có một lò sưởi vừa hợp với thiên nhiên và hoàn cảnh. Nghĩ đến nhà cầu, tôi đã không dám đi, vì vệ sinh tồi tệ quá, nhưng tôi phải rán vào ngồi để xem sức chịu đựng của mình có thể cảm nhận đến mức nào.

Riêng nhà tắm thì không thể nào sử dụng được. Không có nước nóng là điều đã nói, nhưng bồn tắm là loại bồn nước của Âu Châu, có lẽ đã qua cả 100 năm tồn tại, chất chứa đầy những cáu bẩn của thời gian. Tôi không thể nào đặt chân vào được. Có vẻ như những gì phế thải của thế giới họ đều thu gom về đây, cũng như những chiếc xe hơi chạy ngoài đường phố, 95% là xe cũ của Nhật đem bán lại cho xứ này, nên bụi khói mịt mù làm ô nhiễm thiên nhiên chẳng khác nào thành phố Bangkok và Sài Gòn.

Đi trong các thành phố Tích Lan, tôi cứ ngỡ là mình đang ở Nhật, vì nhìn lên trên tất cả các xe hơi, xe Bus đều có chữ Nhật, ghi các hãng xưởng hoặc địa phương bên xứ Nhật đã dùng xe này. Có thể nói Tích Lan là một bãi chứa đồ phế thải, nên nhiều nước, nhất là Nhật Bản, đã đẩy hết những xe cộ gần hư hỏng ấy về đây để tận dụng trước khi phải đưa vào nghĩa địa xe hơi của xứ này.

Tôi cố nhắm mắt lại để thử tưởng tượng về cái dơ bẩn của sự vật, nhưng khi nghĩ đến cái thanh cao tinh khiết của tâm hồn vị Hòa Thượng Trụ Trì tôi lại thấy xấu hổ vô cùng. Nhiều khi có những người bề ngoài ăn mặc đẹp đẽ sạch sẽ nhưng tâm địa thì xấu xa nguy hiểm, trong khi ở đây thì hoàn toàn ngược lại.

Hòa Thượng và Tăng chúng có mời chúng tôi ở lại dùng sáng, chúng tôi xin khước từ. Vì được ở qua đêm đã là điều hạnh phúc, còn báo hại đến ăn uống quả là điều làm phiền cho Ngài cũng như các chú tiểu, nên chúng tôi xin từ chối. Tôi cúng dường và đảnh lễ Ngài một cách chân thành, nói vài ba câu cảm ơn và cũng cố ý để xem Ngài và Tăng chúng đã dùng gì. Thức ăn thật đơn giản, chỉ mấy khúc bánh mì khô và một ít đường. Nếu ở Âu Châu, loại này thường cho chim ăn. Ngài dùng ngon lành và ngồi nơi những ghế dựa tồi tàn dơ bẩn hơn cả những chỗ chờ xe công cộng tại Âu Châu. Tôi kính phục Ngài quá và tôi cũng tự xấu hổ với chính mình.

Tôi hỏi Đại Đức Seelawansa vì sao có chuyện thiếu thốn quá đáng như vậy. Đại Đức giải thích:

- Ở Tích Lan có nhiều Hội Phật Giáo lắm. Nơi nào cư sĩ quản lý hoàn toàn thì hầu như chư Tăng không có một trách nhiệm nào cả về chùa chiền, ngoại trừ hai thời công phu sáng tối, nên mới ra cảnh chùa như vậy. Ngược lại nếu nơi nào quyền quản lý thuộc về chư Tăng thì chư Tăng lo mọi mặt của ngôi chùa.

Điều này cũng không khác Việt Nam mình là mấy, nhất là tình trạng của Phật Giáo hải ngoại ngày nay, có vô số vấn đề để bàn.

Chúng tôi từ giã Ngài và Tăng chúng, ra đi trong sự kính trọng vô ngần. Vì nơi chốn thâm sơn cùng cốc ấy có được những tấm lòng vàng.

Bây giờ chúng tôi trên đường đi đến Kirinda, một địa phương nằm về cực nam của Tích Lan, nơi có công viên quốc gia nuôi toàn động vật thiên nhiên như voi, cá sấu, chim chóc, trâu, bò, v.v...

Bên bếp lửa hồng

Từ Nuwara Eliya đến Kirana khoảng 240 cây số nhưng phải đi suốt một đoạn đường đèo gần 4 tiếng đồng hồ. Chiều ngày 9 tháng 3, trời nóng lạ lùng. Đến đây cũng có vấn đề là phải tìm chỗ ngủ trước khi hoạch định chương trình khác.

Đại Đức Seelawansa đến một ngôi chùa thật lớn trong vùng xin tá túc. Vị trụ trì có vẻ miễn cưỡng, nên lại thôi.

Ở đây tôi cũng muốn mở một dấu ngoặc nói về chùa Viên Giác tại Đức. Khi chùa nhỏ thì ít có vấn đề, nhưng khi chùa lớn rồi thì có bao nhiêu chuyện phải nói. Vì tâm lý con người ai cũng vậy. Cần nuông chiều, han hỏi. Nên mới có những lời trách móc. Ngay cả các đệ tử của tôi cũng thế. Tôi thường căn dặn rằng hãy để ý từng lời nói xã giao đối với các Phật Tử. Nếu lỡ nặng lời thì hãy tìm cách xin lỗi. Vì họ dễ vin vào cớ chùa to Phật lớn để trách móc thì cũng khổ cho mình.

Nhiều lúc chính tôi cũng không có thì giờ cho mình. Chỉ có giờ ngủ và giờ tu niệm là riêng của tôi thôi, còn bao nhiêu giờ khác là giờ của quần chúng. Thế mà nào có đủ giờ cho mọi người. Nào nghe điện thoại, xem xét việc chùa, việc văn phòng, tiếp khách, v.v... cũng đã chiếm hết thời gian rồi. Nhưng vẫn bị trách cứ như thường.

Người nghèo cũng là cái tội, mà người giàu có cũng chưa hẳn có niềm vui. Khi người nghèo mà không biết đạo quả cũng là điều đáng trách, mà người giàu hiểu được đạo, mình càng phải kính trọng họ nhiều hơn nữa. Trong xã hội này có lắm điều bất công, những điểm nào dễ nhìn nhất người ta hay nhìn vào đó để phê phán, rồi thị phi nhân ngã tràn đầy. Lỗi của mình thì khó thấy, nhưng của người khác thì dễ phán đoán vô cùng. Thói thường, những kẻ ít xét lỗi mình mà hay xem lỗi người, hẳn chưa xứng danh quân tử. Người quân tử phải xem lỗi mình trước, trước khi xem lỗi người và cũng hãy xem lỗi người như rác rưởi bụi bặm bên ngoài trần thế, đừng nên ôm hết vào tâm thức của mình làm gì. Nếu ôm hết những loại rác rưởi ấy, thì khi mình nói ra cũng chỉ toàn là rác rưởi mà thôi. Hãy nhận chìm đống rác ấy vào hố sâu và hãy thâu nhận những cái gì đẹp đẽ nhất để cho tâm ta còn an lạc yên ổn trong chốn hồng trần này.

Rời ngôi chùa lớn ấy đi, tôi ghi nhớ tâm trạng hoàn cảnh của mình vào nội tâm. Lúc bấy giờ, đường đi đã đến điểm cuối cùng của bãi biển, chúng tôi nhìn thấy một ngôi chùa xinh xắn trên ngọn đồi cao, quay mặt ra biển cả mênh mông lượn sóng. Chúng tôi dự định vào xem hoàn cảnh ra sao rồi mới dám đề cập đến việc xin ở nhờ lại một đêm. Khi hỏi người gác cổng, ông nói:

- Thầy Trụ Trì đi vắng, nhưng có lẽ không có gì trở ngại. Vì dãy nhà bên kia đang bỏ trống. Vài phút nữa Sư về, quý vị hãy trở lại đây để xin phép thầy.

Chúng tôi ra thăm biển cả mênh mông, hướng nhìn xa xăm về Việt Nam. Đi đâu rồi tôi cũng trông về Việt Nam, nhưng không biết sau này đã về Việt Nam rồi, tôi còn phải mong đợi gì nữa chăng? Ngồi nghe tiếng sóng biển vỗ rì rào êm tai và nhìn sóng biển nhấp nhô, trông dịu mắt làm sao.

Tôi nói với Đại Đức Seelawansa:

- Nếu vị trụ trì không cho ở lại, mình nằm ngoài trời này để nghe sóng biển cũng không sao!

Một sớm mai tại chùa núi

Sau đó thì chúng tôi đã gặp Thầy Trụ Trì. Thầy ấy cũng độ tuổi ngoài tứ tuần như chúng tôi nên không cần phải thi lễ trước. Ở Tích Lan và Thái Lan, người nhỏ tuổi phải chào trước và người lớn tuổi không cần chào lại. Ở đây chưa biết ai nhỏ lớn ra sao, do đó chúng tôi chỉ thi lễ bình thường bằng nụ cười bình dị rồi vào chuyện bằng một tách nước trà.

Đi bất cứ nơi đâu ở Tích Lan cũng được mời trà. Trà là đầu câu chuyện, mặc dầu ở đây cũng có rất nhiều trầu, nhưng có lẽ không phải ai cũng biết ăn trầu, nên trà là tiện lợi nhất. Sau khi niềm nở nói chuyện, Thầy Trụ Trì đã giao chìa khóa phòng và chỉ giường nệm cho chúng tôi. Trong suốt tuyến đường hành hương, có lẽ nơi đây là sạch sẽ và lý tưởng nhất.

Sau khi tắm rửa sạch sẽ, tôi giặt giũ quần áo bằng tay như 30 năm về trước đã làm lúc hành điệu hầu Thầy tại chùa Phước Lâm ở Hội An, Quảng Nam. Tôi nhớ rất nhiều về ân sư ngày cũ. Nay thì Thầy đã mất đi rồi, nhưng những hình bóng cũ của Thầy đã ghi sâu vào tâm thức của tôi. Đó là Thượng Tọa Thích Như Vạn, trụ trì Tổ Đình Phước Lâm tại Hội An, Quảng Nam. Đây là chốn Tổ đã đào tạo nên 2 Ngài đệ nhất và đệ nhị Tăng Thống của Việt Nam, do Hòa Thượng Vĩnh Gia làm Đàn Đầu Hòa Thượng trong một giới đàn vào đầu thế kỷ thứ 20 cho 2 Ngài Tịnh Khiết và Ngài Giác Nhiên thọ giới. Quả thật Quảng Nam không có Tăng Thống, nhưng đã đào tạo ra Tăng Thống cũng là điều đáng hãnh diện lắm thay.

Chùa này cũng là chốn xuất thân của nhiều Thầy nổi tiếng, như Đại Đức Thích Hạnh Đức trụ trì chùa Sơn Linh tại Bà Rịa, Đại Đức Hạnh Tuấn đang học Cao Học tại Đại Học Harvard bên Mỹ. Bây giờ, Tổ Đình này đang được xây lại Đông và Tây Đường, tôi và Thầy Hạnh Tuấn cùng một số Phật Tử lo về công việc trùng tu ấy.

Năm 1964 khi tôi xuất gia, Thầy tôi, Thượng Tọa Thích Long Trí vì bệnh hoạn sau năm 1963 Phật Giáo tranh đấu nên gởi tôi ra chùa Phước Lâm để ở. Năm ấy cũng chính là năm mà Tổ Đình Phước Lâm được trùng tu. Chúng tôi đã cùng với Thầy Hạnh Đức ban ngày đi học, ban đêm đẩy xe bò lên Thanh Hà chở gạch về xây chùa. Cuộc sống êm đềm thong thả trôi qua, rất vô tư và hồn nhiên. Thế mà nay đã đúng 30 năm rồi. Quả thật “thời gian và thủy triều chẳng đợi chờ ai”.

Tôi sống với Thượng Tọa Thích Như Vạn được gần 2 năm thì về chùa Viên Giác ở với Thầy tôi, đến năm 1968 vào Sài Gòn, ở đó cho đến năm 1972 đi Nhật, 1977 sang Đức và ở Đức cho đến ngày nay.

Khoảng năm 1980 tôi mới biết Thượng Tọa Như Vạn viên tịch qua một bài vị thờ tại chùa Tam Bảo ở Canada. Tôi thấy tiếc thương vô ngần, khó tả. Giờ đây ngồi nơi biển cả mênh mông này nhớ về những ngày sống với Thầy ở Việt Nam quả là tuyệt diệu.

Tôi đã ngồi thiền 15 phút tại đồi đá thơ mộng này và nhớ rất nhiều về Việt Nam, sau đó vào ăn tối và ngủ nơi phòng ngủ đơn giản nhưng rất sạch sẽ. Tôi phải dùng pháp y để trùm đắp thân thể cho muỗi khỏi cắn.

Khi vào nhà vệ sinh, nhìn thấy mấy con chàng hiu nằm trong bồn nước, tôi cảm thấy vui vui vì đã mấy mươi năm xa quê không nhìn thấy loài vật này.

Nhìn về quê hương xa xăm

Một giấc ngủ an lành, tuy hơi bị muỗi quấy phá. Gần 5 giờ sáng, chúng tôi dậy rửa mặt, súc miệng, đánh răng để ra biển ngồi thiền. Tôi có ý định tụng một thời Lăng Nghiêm và ngồi 15 phút thiền định, nhưng mới vừa tụng xong kinh Lăng Nghiêm trong thầm lặng với biển cả, đã có người đến báo tin xe Jeep đã chờ và muốn đưa chúng tôi đi vào công viên thiên nhiên gần đó.

Bên Phật giáo Đại Thừa tụng kinh Lăng Nghiêm thuộc lòng cũng giống như các chú tiểu ở Tích Lan trả bài thuộc lòng kinh Pháp Cú. Mỗi ngày 2 thời công phu sáng chiều xong, các chú tiểu ở đây trả bài một đoạn kinh Pháp Cú bằng tiếng Pali học thuộc lòng và bình luận bằng tiếng Tích Lan cho đại chúng nghe. Có nhiều chú tiểu mới 8, 9 tuổi trông thật dễ thương. Nhìn đôi mắt sáng chói, với một tâm hồn thánh thiện, nghe đọc những lời dạy của Đấng Tôn sư, quả thật lòng tôi đã chùng xuống thật nhiều để nghĩ về thân phận mình và cuộc đời cũng như bao nhiêu kẻ chung quanh nữa. Có bao nhiêu tâm hồn tìm cách xuất gia, lập chí xuất trần, cầu thành bậc Thượng Sĩ? Còn có biết bao nhiêu kẻ đang lặn hụp trong bể đời khổ đau tục lụy nhưng vẫn cứ vui say?

Danh lợi, tiền tài, địa vị, công hầu khanh tướng rồi cũng trắng tay. Khi sinh ra cuộc đời này, ta không mang theo gì ngoại trừ hai bàn tay trắng và nghiệp lực của mình, thì cuối cuộc đời cũng chỉ mang theo sự trắng tay và nghiệp lực đã tạo mà thôi. Của trần thế phải trả về trần thế, người xa xưa xin trở lại với xa xưa, chỉ còn nghiệp lực nổi trôi tùy theo thiện ác mà mình đã vay trả trong nhiều đời để tái sinh vào chốn khác.

Nếu ai cũng tỉnh ngộ để tu hành thì đâu có chiến tranh và hận thù cũng như chém giết nhau làm cho huynh đệ tương tàn? Cuộc đời thật oái oăm. Đường vào thánh trí thênh thang rộng mở nhưng rất hiếm người đi theo, còn lối vào trần ai tục lụy không ai mời gọi mà cũng lắm kẻ tìm vào. Ngày xưa Đức Phật dạy: Trong cuộc đời này có 4 điều phải lưu tâm. Đó là:

1. Một đóm lửa nhỏ

2. Một con rắn độc

3. Một vị hoàng tử nhỏ

4. Một vị sa-di trẻ tuổi.

Tại sao một đóm lửa nhỏ phải đáng lưu tâm? Lửa đây cũng có thể là lửa bình thường mà cũng có thể là lửa sân si thù hận của con người. Tuy đóm lửa nhỏ, nhưng nếu không lưu ý, có thể gây hại cháy cả một khu rừng. Tuy lửa sân hận rất ít, nhưng có thể đốt cháy cả rừng công đức, tạo nghiệp nhân làm cho nhiều đời mãi quay cuồng trong si mê tội lỗi.

Một con rắn tuy nhỏ nhưng có nọc độc rất tai hại, có thể làm chết người trong chốc lát. Nếu người tu hành không ngăn ngừa những niệm ác thì cũng giống như để cho con rắn độc cắn mình, có thể đánh mất bản tâm hiền thiện trong chốc lát.

Một vị hoàng tử tuy bé nhỏ, nhưng đừng khinh thường, vì lớn lên hoàng tử sẽ làm vua, trị vì thiên hạ. Cũng giống tâm ta, tuy không thấy được, nhưng chính tâm là chủ, như ông vua cai trị trăm họ bàn dân thiên hạ.

Một chú tiểu sa-di tuy nhỏ, nhưng ngày mai đây nếu tu hành giác ngộ sẽ độ được vô số sinh linh. Vì thế nên phải lưu tâm và hỗ trợ cũng như phát triển Phật tánh của mọi người.

Lời Phật dạy vẫn là những lời vàng ngọc, quý báu vô giá cho mọi hoàn cảnh, cho mọi không gian và thời gian, nhưng mọi người đều mải mê với danh lợi nên đã bị tham ái ràng buộc. Còn các chú tiểu này chẳng có gì để ràng buộc cả, vui chơi hồn nhiên với tuổi thơ và sự giải thoát. Ngắm nhìn các chú trong bộ hoàng y, tôi nhớ về chính mình đã tự trả bài thuộc lòng kinh Lăng Nghiêm cho chú Hạnh Thu và chú Như Lệ cách đây 30 năm về trước. Ngày nay cả hai người đều không còn nữa. Tất cả đều đã đi vào lòng đất lạnh, tuy tuổi đời chưa quá 40. Đời có gì đâu mà phải bận tâm để bị đời chi phối? Nhưng mỗi người đều có một nghiệp lực khác nhau phải trả, như con tằm phải kéo tơ để thành sợi, cho người dệt vải có đủ nguyên liệu làm nên vải vóc cho con người.

Trong cuộc đời này có được mấy người tự tìm về Phật tánh của mình mà quên đi trần thế? Hay cứ mãi bám víu với những gì giả tạo mà vẫn tưởng là chơn như? Thấy bóng nhưng tưởng là hình thật? Ôi, đời là một cơn mộng ảo!

Rồi mấy mươi năm sau, tôi làm Thầy khảo Kinh, Luật, Luận trong nhiều giới đàn đó đây tại Âu, Úc, Mỹ, khi nhìn các chú lo lắng trong các kỳ thi và họ nhìn vị Thầy khó tính mà đâm ra lúng túng, thấy thật tội nghiệp, nhưng rất dễ thương. Tuy tôi dò Luật hoặc Kinh, nhưng để 3 Thầy khác chấm và cho điểm, sau đó lấy điểm trung bình cho có tính cách công tâm.

Rồi ở chùa mình, tôi cũng đã làm bổn phận hướng dẫn cho các chú học kinh kệ. Bây giờ đã có 2 chú thọ tỳ-kheo lên bậc Thầy trong đạo Phật, đang học tại Ấn Độ và Tây Tạng. Còn một số cô, chú khác đang tiến bước trên con đường này. Tôi cũng đang khảo hạch kinh Lăng Nghiêm cho các chú sắp phát tâm bước vào con đường Thánh giả. Người qua được, kẻ buông xuôi. Thật đời hay đạo cũng có nhiều điều để nói.

Đường đời muôn vạn nẻo, nhưng nẻo Đạo cũng chập chùng. Tuy có hướng đi, có Thầy giỏi, bạn lành, nhưng nếu không tự mình nỗ lực thì cũng chỉ uổng công đèn sách. Vì vậy, Đức Phật có dạy rằng: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi.”

Tu chưa phải đã là giải thoát, nếu tự mình không tự cởi bỏ những sự ràng buộc bởi chính mình. Vì thế nên đã có nhiều người than với tôi rằng:

- Thưa Thầy: Khi con chưa tu, lúc con còn làm cư sĩ, tâm con luôn luôn hướng về đời sống thánh thiện của người tăng sĩ, nhưng khi con đã được đầu tròn áo vuông rồi, tuy thân con đang mặc áo tu sĩ mà sao tâm con vẫn còn vương vấn bụi trần.

Quả rất đúng cho tâm sự của người đào giếng như trong kinh Bách Dụ Phật đã dạy. Đào chưa đến nước đã vội nản chí rồi. Vì thế, kiên nhẫn là một đức tính cần thiết nhất để đi đến đích và không bỏ cuộc. Đời hay đạo, đẹp hay xấu cũng do chính mình tạo ra. Đời và đạo không tạo ra con người mình được. Chúng chỉ là ngoại duyên, còn mình mới là ông chủ.

Lên xe Jeep đi vào đồi núi hoang vu để tìm cái nguyên sơ của cuộc đời nên tôi rất thích. Đã nhiều năm sống với Âu Châu, đầy đủ tiện nghi mọi thứ, bây giờ tôi thích đến những xứ Phi Châu hoặc Á Châu còn hoang sơ, thiên nhiên còn đậm nét, có nhiều thú vị hơn. Có nhiều người tìm niềm vui nơi rượu chè hay ca hát. Có kẻ vui say nơi dục lạc với men tình. Có người vui với thơ với cảnh. Riêng tôi, niềm vui là sự yên tĩnh của tâm hồn. Nơi nào và ở đâu mình chế ngự được thì ở đó chính là cảnh giới của tôi vậy.

Công viên thiên nhiên quốc gia này rộng 17.000 mẫu tây, đường đi dài thăm thẳm, phải dùng xe hơi nhưng cũng phải mất đến hơn 4 tiếng đồng hồ. Dọc đường chúng tôi thấy những con công đang xòe cánh múa như hãnh diện với vẻ đẹp của mình. Những con cá sấu lầm lì gặm nhấm miếng ăn. Những con voi to lớn đồ sộ và những con trâu nước, những con bò hiền từ chăm chỉ gặm cỏ như chưa bao giờ ngừng nghỉ.

Tôi đi trong rừng núi hoang vu để gần gũi với thiên nhiên mà nhớ lại mình đã đi trong sa mạc Sahara tại Phi Châu hơn 10 năm về trước. Nơi đây gần xích đạo nên mặt trời nắng chói chang, do đó các con thú cũng lười bò ra khỏi những lùm cây mà cứ ở trong rừng sâu trốn nắng. Chúng tôi lại phải quay về để chuẩn bị cho cuộc hành trình tiếp tục.

Bây giờ là chiều ngày 11 tháng 3 năm 1994, tất cả chúng tôi đều hướng về Colombo để rồi về lại chùa cũ. Đường đi từ Kirinda đến Colombo độ chừng 250 cây số nhưng phải mất ít nhất là 6 tiếng đồng hồ. Mặc dầu đoạn đường này tương đối tốt so với những đường đã đi qua, nhưng xe cộ nhiều quá.

Dọc đường, du khách Đức và Âu Châu đi tản bộ cũng như mua sắm và tắm biển khá đông. Họ cũng là những người đi tìm một nguồn vui ở xứ khác sau những ngày làm việc mệt nhọc. Hay nói đúng hơn là họ đi tìm ánh nắng ấm mặt trời. Vì ở Âu Châu đang trong mùa lạnh giá, còn ở đây thì ánh nắng quá dư thừa.

Dọc đường chúng tôi ghé thăm một ngôi chùa trông cũng lịch sự, sạch sẽ. Vị Sư trụ trì rất trẻ và có khuynh hướng cải cách nên ngôi chùa mới được như vậy. Thông thường những người già thì mệt mỏi và đã quá chán chường với sự thăng trầm của cuộc sống nên hay buông thả mọi việc, dẫu cho là vận nước cũng vậy. Vì vậy, trong chính trị hay tôn giáo cũng thế, phải thường thay đổi thì mới mong có sự tiến bộ và cập nhật những gì trong cuộc sống hằng ngày đang cần đến sự hiện hữu của mình.

Đúng 9 giờ đêm ngày 11 tháng 3 năm 1994, chúng tôi đã có mặt tại Tu Viện Piriven ở Weliweriya. Các chú tiểu chạy ra mừng rỡ và sau khi nói lời từ biệt cảm ơn, người tài xế ra về. Ở Tích Lan người ta chào nhau bằng nụ cười và giã từ nhau cũng bằng nụ cười, không bắt tay, không chắp tay xá lại như người mình hoặc Âu Mỹ. Đối với các bậc cao tuổi hạ hơn thì đảnh lễ sát chân rồi ra về. Chỉ thế thôi. Nếu đồng ý thì người ta gật đầu. Cái gì không phải, họ lắc đầu và mọi nụ cười đều tươi như hoa.

Tôi có nói với một vài người Âu Châu gặp trên đường hành hương rằng:

- Tuy các xã hội Âu Mỹ giàu có về vật chất nhưng rất nghèo nàn về tinh thần. Ở đây thì ngược lại, Tích Lan rất giàu về tinh thần nhưng vật chất còn nghèo khổ lắm. Chúng ta phải học hỏi lẫn nhau và chia sẻ cùng nhau.

Những người này hoàn toàn đồng ý với tôi về điều đó. Ở Âu Mỹ, ai ai cũng đề cao cái tôi và tư hữu, trong khi đó tại đây một vị Sư là Tiến Sĩ, giáo sư Đại Học đi nữa họ vẫn tự nấu ăn, chùi cầu tiêu, dọn dẹp, giặt giũ áo quần, chẳng có gì tỏ ra tự cao tự đại hay khách sáo cả. Có lẽ đó cũng nhờ tinh thần Phật giáo chăng?

Khi đến một nơi nào mua sắm, tôi thường ít khi tự trả giá, vì sợ lầm và những người bán hàng khi gặp người ngoại quốc thường nêu giá cao hơn. Điều này cũng giống Ấn Độ, nhưng mức nói thách thường ít hơn. Vì vậy, tôi giao tiền trước cho Đại Đức Seelawansa và khi muốn mua vật gì thì nhờ Đại Đức mua giùm. So ra đời sống ở Ấn Độ và Tích Lan khác nhau khá xa và ở đây người ta học hỏi được nhiều hơn.

Sau 6 ngày viễn du, đến đây tạm chấm dứt, tôi về lại tu viện này để tắm rửa, nghỉ ngơi, đọc một vài quyển sách trước khi tường thuật lại chuyến đi này.

Một đoạn đường hơn 1.000 cây số mà đi vất vả vô cùng. Tôi tính ra chưa hết 100 Đức mã tiền xăng và chi tiêu cả đoàn 9 người chưa hết 500 Đức mã. Số tiền cúng dường thì nhiều hơn, khoảng hơn 1.500 Đức mã cho các chùa và chư Tăng để hồi hướng cho Phật Tử Thiện Niệm Lâm Đạo Tứ như ý nguyện của gia đình. Bây giờ còn lại đây 1.000 Đức Mã, ngày mai sẽ đi hỗ trợ cho một trại dưỡng lão và một cô nhi viện ở vùng này.

Thông thường chư Tăng vẫn khuyên Phật Tử hay làm phước, nhưng chính chư Tăng thì ít làm, chỉ chờ hưởng phước mà thôi. Riêng tôi thì nghĩ khác, chư Tăng cũng nên làm phước để làm gương cho những người Phật Tử. Vì thế đi đến đâu tôi cũng cúng dường. Dĩ nhiên không phải để cầu giàu sang cho kiếp sau, mà để dành dụm vốn cho kiếp này. Đời sống đạo đức cũng giống như một kho chứa. Nếu ta cứ tiêu xài hoài, không lo tạo tác, chắc chắn một ngày nào đó cũng sẽ hết đi. Dĩ nhiên người tu là phải tu rồi, nhưng phước huệ song tu là điều rất cần thiết.

Ngày 12, 13 và 14 là những ngày nghỉ để chuẩn bị một vài công việc khác cho ngày 15 và 16, trước khi khởi hành trở về Đức. Nhưng tôi đã cố tận dụng 3 ngày này để viết quyển sách nhỏ bé này cho xong trước khi về Đức. Một quyển sách chỉ hoàn thành trong 3 ngày quả thật là vội vã, nhưng đó là tất cả những gì tôi có được. Ngày mai đây tôi cũng sẽ không còn ở lại với đời này theo lẽ vô thường, nhưng chắc chắn những lời nhắn gởi cũng như tường thuật của tôi trong sách này sẽ giúp ích một phần nào cho những người đi sau muốn tìm về nẻo đạo.

Phần còn lại của những ngày kế tiếp tôi sẽ tường thuật khi lên máy bay trước khi về Hòa Lan và Đức Quốc. Đây vẫn là những việc thường làm của tôi qua các chuyến đi xa.

Mỗi ngày tôi viết chừng 5 tiếng đồng hồ, đôi khi 6 hay 7 tiếng, nhưng ít nhất tôi cũng dùng 1 hay 2 tiếng vào buổi chiều để thả bộ ra cánh đồng bên cạnh tu viện xem những con trâu, con bò gặm cỏ nhởn nhơ, xem những đàn cò trắng tung tăng bay lượn trên bầu trời, hoặc những chú vịt con vô tư lự rỉa lông trong đám nước bùn nhơ như vui thú với cỏ cây đồng nội. Tôi bứt một nắm lá cây bùi ngọt để nhớ về người mẹ hiền của quê hương đã cách xa từ năm 1966. Người đã có công chăm lo phần vật chất và tinh thần cho tôi khi còn ở tuổi trẻ.

Thỉnh thoảng, tôi ghé vào trong xóm chụp hình một vài luống trầu hay bụi sắn để nhớ về người cha thân yêu đã ra đi vĩnh viễn vào năm 1986 với tuổi thọ 89. Ngày xưa, song thân tôi còn tại thế vẫn thường hay ăn trầu, hút thuốc, vì vậy khi gặp những hình ảnh này, kỷ niệm cũ lại hiện ra. Vườn nhà tôi cũng có trồng mấy nọc trầu xanh biêng biếc, thêm mấy cây cau đâm nụ trổ buồng thật xinh xắn. Nhưng chiến tranh đã tàn phá hết rồi. Năm 1969 và 1971 tôi có về lại quê hương, nhưng những dây trầu xưa, cây cau cũ không còn nữa. Quả là thế sự đã đổi thay.

Nghe tiếng trâu kêu tôi nhớ đến các anh chị rất nhiều, những người đã chăm nghề cày sâu cuốc bẩm để lo lắng cho các em mình, để rồi một ngày cả hai người em đều đi xuất gia đầu Phật, phải ngơ ngác tiễn em đi trong những giọt nước mắt nghẹn ngào. Bà chị cả tôi năm nay gần 70 tuổi vẫn còn ở lại quê hương xứ Quảng nghèo nàn. Tôi nhớ một dạo nọ, tôi đã đi tu rồi, về thăm nhà, ghé thăm chị. Chị sống tảo tần với ngọn bí đọt rau. Chị đã âm thầm lấy mấy chục đồng bạc thật mới để cho cậu em từ phố Hội trở về. Chừng ấy tiền chắc chị phải bán ít nhất là vài chục gánh rau muống mới có được.

Khi thấy những người nông phu tay bùn chân lấm với cày với cuốc và với những dụng cụ nông trang, tôi nhớ người anh thứ 6 của tôi, đã đi lính và chết cho quê hương. Anh đã dành dụm để cho em số tiền lương lính của mình trước khi em đi tu. Người chị thứ 3, anh thứ 4 và chị thứ 5 cũng vậy. Tất cả những tình thương ấy đều dành cho người em út là tôi. Bây giờ, những người này kẻ còn sống, người đã khuất, có người đã là bà ngoại, bà cố, ông nội, ông cậu v.v... nhưng khi gặp lại khung cảnh ruộng đồng tại đây, tôi không thể nào không nhớ rất nhiều về họ.

Riêng người anh thứ 7 của tôi, tức Thượng Tọa Thích Bảo Lạc ngày nay, đã đi tu từ năm 1957. Lúc ấy tôi đã 8 tuổi rồi và hơn 6 năm sau tôi lại tiếp tục theo bước chân của người anh ấy. Tất cả chúng tôi đều sinh ra từ chốn quê mùa nên chúng tôi thương yêu những người nông dân chất phác, mộc mạc tay lấm chân bùn như chính bản thân mình. Chính tôi cũng đã lo cho trâu bò ăn mỗi ngày khi đi học về. Vì vậy, những con bò con trâu nơi đây cũng là hình ảnh gợi lại nơi tôi những gì thân yêu quen thuộc nhất. Dầu thời gian có trôi qua, không gian có thay đổi, tôi vẫn là hiện thân của chú bé cưỡi trâu, chằm nón thuở nào trên quê hương xứ Quảng. Dẫu tôi có ở chùa to Phật lớn, tôi vẫn không bao giờ quên mình là một chú điệu giản đơn của chốn Tổ Đình.

Bây giờ đã nhiều lần tôi nói chuyện với Thủ Tướng Đức, với các dân biểu hay ngay cả với Đức Đạt-lai Lạt-ma hay những vị danh Tăng thạc đức khác, tôi vẫn là người có thể đi lau chùi nhà vệ sinh cho mọi người, có nơi đẹp đẽ để họ ngồi trong lúc thực hiện nhu cầu cần thiết của mình.

Tôi phải tập sống một cuộc sống không tự cao tự mãn, không kiêu căng, mà luôn khiêm nhường, tự tin ở chính mình và vững tin nơi Tam Bảo. Chính nhờ ở tự lực và tha lực này mà cuộc đời của tôi mới thay đổi như ngày hôm nay. Mỗi con người đều có thể tự chuyển nghiệp của mình, chuyển từ phàm phu lên địa vị thánh nhân, từ con người trở thành Phật Thánh. Ai lười nhác, buông thả tức là tự xem thường mình và khó có khả năng để tiến xa hơn trên con đường hoàn thiện chính mình.

Đứng dưới những cội bồ-đề sum suê cành lá, tôi nhớ về cây đa chợ Đình và cây đa miễu Cây Kén ngày xưa. Chính những nơi này tôi đã có hàng ngàn lần qua lại mỗi khi theo mẹ đi chợ hay đi học ở trường làng. Những năm 1957 đến 1961 tôi đã học hỏi nơi đây, một số thầy cô cũ không còn nữa. Nhưng có một vài thầy dạy cũ tôi đã tìm ra tông tích và đã liên lạc được bấy lâu nay. Trong lớp nhứt cuối niên học 1961 ấy, lúc xong Tiểu Học tôi xếp hạng gần chót, xấu hổ vô cùng, nhưng sau khi vào chùa đi tu, nhờ công phu thiền định, huệ tâm đã được chiếu sáng, nên suốt thời Trung Học tôi luôn xếp hạng nhứt và nhì trong lớp, tệ lắm cũng chỉ xuống đến hạng 9, 10 và không bao giờ thấp hơn nữa. Những người bạn của tôi thời Tiểu Học, nay chỉ còn biết được 6 người. Có 2 người đi tu, trong ấy có tôi, 4 người còn lại có 3 người tốt nghiệp Cao Học ở Việt Nam và Nhật Bản, còn một người quyết ở lại với quê hương đồng ruộng, cày sâu cuốc bẩm nối nghiệp cha ông.

Tôi có viết thư cho Thầy cũ của tôi rằng: “Một ngày nào đó các học trò cũ năm xưa sẽ tập họp lại để cùng nhắc cho nhau những năm tháng cũ.” Thời gian ấy chẳng biết là bao lâu nữa, nhưng lúc ấy chắc có nhiều người đã có cháu nội, cháu ngoại.

Cứ mỗi buổi chiều tôi đều thả bộ ra đây để xem những nông dân tay bùn chân lấm cặm cụi với ruộng đồng. Bây giờ tôi cũng có thể gặt lúa được, nhưng mọi người chẳng cho tôi sờ tay đến. Tôi cũng có thể cày bừa được, nhưng những người nông dân ở đây chỉ mỉm miệng cười khi tôi ra dấu muốn làm việc ấy. Tất cả rồi cũng trôi qua đi, với tôi chỉ còn lại một tấm lòng cho quê hương, dân tộc và Đạo pháp.

Tối ngày 13 tháng 3, nhân lúc nói chuyện nơi phòng khách, Hòa Thượng Viện Trưởng bước ra nhìn chúng tôi và tựa lưng vào ghế có ý muốn hỏi chuyện về đạo pháp ở khắp nơi. Tôi đứng lên đón tiếp Ngài, sau đó được phép ngồi xuống, còn các vị khác đều đứng hầu khi chúng tôi nói chuyện. Hòa Thượng hỏi tôi, qua lời thông dịch của Đại Đức Seelawansa:

- Thầy đến nơi đây thấy có điều gì lạ?

Tôi đáp:

- Bạch Ngài! Con đến đây học được pháp vô ngã và học rất nhiều về tánh không.

Ngài cười và hỏi lại, những gì thuộc về vô ngã và những gì thuộc về tánh không?

Tôi thong thả đáp:

- Bạch Ngài, chính con và Đại Đức đây xuất thân từ chốn ruộng đồng, rồi nhờ Phật pháp mà được học hỏi đó đây, rồi cũng do sự học vấn mà thành người phụng sự cho đời cho đạo, nhưng khi qua đến đây rồi, con thấy có cũng như không. Bằng cấp như Ngài, Tiến sĩ Pali, Phạn ngữ và Triết học mà cũng sống tại chốn ruộng đồng này, vui với đàn hậu học, chẳng có một chút gì xa lạ với quần chúng bình dân. Qua đó con đã học về tinh thần vô ngã, vị tha của Ngài rất nhiều. Còn riêng con ở Âu Châu có tất cả các tiện nghi, nhưng khi qua đây rồi con bỏ lại sau lưng tất cả, nào tiền bạc, chăn êm nệm ấm... Con đã đi chân trần và sống giản dị như bao nhiêu người ở đây đang sống. Đó là con đã học được về tánh không vậy.

Sau đó, Ngài chuyển sang nói về Trung Quán luận của Ngài Nāgārjuna (Long Thọ) rồi đến tinh thần Đại Thừa của các ngài Vô Trước, Thế Thân, Mã Minh v.v... Ngài rất thông thạo về giáo lý Bát-nhã và một số hệ phái Đại Thừa.

Tôi có giới thiệu sơ qua về Tịnh Độ và kinh Pháp Hoa. Sau đó tôi đề nghị rằng:

- Giữa Nam tông và Bắc tông, giữa Đại thừa và Tiểu thừa còn xa cách quá, chúng ta nên tiến lại gần nhau để chỉ còn một Phật thừa mà thôi. Muốn vậy, nên cho một số tăng sĩ Đại thừa sang các nước Tiểu thừa để học hỏi và ngược lại.

Ngài mỉm cười và trả lời:

- Đã có, nhưng ít có kết quả lắm. Vì người ra đi không biết có bị đồng hóa hay không. Khi về lại nước lại làm những điều khác với ý nguyện ban đầu. Dĩ nhiên tập quán, lễ nghi và ý thức về dân tộc còn nặng lắm, chúng ta phải tập làm quen với nhau thôi.

Ngài nói tiếp:

- Nhưng tôi tin tưởng rằng tinh thần Phật giáo Đại thừa dễ hội nhập với người Âu Mỹ hơn.

Tôi thưa rằng:

- Điều đó đúng, nhưng Phật Giáo được hiện diện ngày nay tại Âu Mỹ phải cảm ơn 3 luồng tư tưởng và 3 sự dẫn nhập của Phật giáo khác nhau vào Âu Mỹ vậy. Đó là những người Âu Mỹ đến Tích Lan học đạo rồi trở về quê hương của họ quảng diễn tinh thần này. Sau đó vào đầu thế kỷ 20 có tinh thần Thiền học của Nhật Bản qua sự giới thiệu của D. Suzuki đã giúp phương Tây hiểu nhiều hơn về Phật giáo Đại Thừa. Và luồng tư tưởng thứ 3 là nhờ Phật Giáo Tây Tạng và Đức Đạt-lai Lạt-ma truyền ra khắp thế giới từ năm 1950 đến nay. Đó là 3 luồng tư tưởng chính đã hình thành Phật giáo tại các quốc độ này. Sau năm 1975 có thêm sự hiện diện của Phật giáo Việt Nam, nhưng tinh thần Phật Giáo Việt Nam chưa gây chú ý nhiều cho người Âu Mỹ.

Ngài có hỏi tôi về sự Bố-tát hằng tháng và việc lập giới đàn. Tôi đã trả lời tỉ mỉ theo như trong Luật Tạng đã dạy. Tôi cũng có thưa với Ngài rằng:

- Tạng Kinh và Tạng Luận bên Đại Thừa có nhiều thay đổi và xiển dương thêm, nhưng hầu như Tạng Luật đều dùng giống như Phật giáo Tiểu thừa gồm 5 bộ. Đó là: Tứ Phần Luật, Ngũ Phần Luật, Thập Tụng Luật, Ma Ha Tăng Kỳ Luật và Luật Pali. Năm bộ luật này vẫn là những giới thể căn bản vô tác của các vị tỳ-kheo.

Cây trái vườn quê: sắn (khoai mì), thơm (dứa) và cây chuối

Ngài cũng có hỏi tôi về sự an cư kiết hạ, tự tứ, việc thọ nhận y Ca-thi-na v.v...

Tôi trả lời rất rành mạch theo tinh thần đã học và đã hiểu.

Ngài rất vui lòng và cuối cùng tôi có thưa Ngài rằng:

- Người Âu Châu ngày nay rất cần đến giáo lý đạo Phật, như là một chất liệu dưỡng sinh trong cuộc sống hằng ngày của họ. Chúng ta nên có mặt nhiều hơn tại các quốc độ này để giúp đỡ họ.

Ngài cũng có hỏi tôi về hành tứ y, tức là 4 phép căn bản mà vị tỳ-kheo phải thực hành y theo từ lúc bắt đầu nhập đạo. Tôi thưa rằng:

- Bạch Ngài, ngày nay trong 4 phép ấy có lẽ chỉ còn có một là thừa hành được thôi. Đó là việc người tăng sĩ sống không thể rời 3 y được, tuy cũng không phải là loại y phấn tảo như ngày xưa. Còn 3 việc khác như đi khất thực mỗi ngày, ngủ nghỉ dưới gốc cây và uống thuốc bị chê bỏ thì không thể thực hiện ở các quốc gia Âu Mỹ, mà ngay như tại Tích Lan này cũng khó thực hiện.

Ngài hoàn toàn đồng ý với tôi và nói thêm rằng tinh thần Phật giáo Đại Thừa vẫn phóng khoáng hơn nên cần phát triển nhiều cho người Âu Mỹ.

Qua buổi tọa đàm này, tôi thấy sự học, sự tu là cần thiết. Nếu tăng sĩ không thông giới luật, sẽ bị gãy ngay giữa câu chuyện thì nguy hiểm vô cùng. Vì vậy, những vị đi thuyết giảng đó đây cần phải nắm vững vấn đề, nhất là về Kinh và Luật thì mới mong tạo được niềm tin nơi người đối diện, cũng như cho người đối diện thấy rằng cuộc sống tu hành của cả Nam lẫn Bắc tông không phải là một cuộc sống hưởng thụ, chạy theo lợi dưỡng, mà là con đường Bồ Tát đạo để đưa mọi người đi theo hướng giải thoát mọi khổ đau trong cuộc đời.

Giờ cúng dường ngọ trai của một thí chủ thuần thành đã đến, tôi phải chuẩn bị y áo để dự trai. Chắc chắn trong thời kinh này sẽ có nhiều ngạc nhiên về sự hiện diện của tôi và họ cũng mong tôi nói một vài lời ban phước trong buổi ngọ trai hôm nay.

Tất cả những phước báu này, xin hồi hướng lên Tam Bảo để chứng minh và cầu nguyện cho quê hương, đạo pháp tại quê nhà có cơ hội phục hưng phát triển như các quốc gia Phật giáo trên thế giới ngày nay.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 13 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Những Đêm Mưa


Các tông phái đạo Phật


Kinh Phổ Môn


Về mái chùa xưa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 44.201.99.133 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (390 lượt xem) - Việt Nam (123 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - ... ...