Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phổ Diệu Kinh [普曜經] »» Bản Việt dịch quyển số 3 »»

Phổ Diệu Kinh [普曜經] »» Bản Việt dịch quyển số 3


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.7 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.82 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phổ Diệu

Kinh này có 8 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 6: VÀO MIẾU TRỜI
Phật bảo các Tỳ-kheo:
Bồ-tát vừa sinh, đúng ngay khi ấy hai vạn bà vợ của quân tử, Phạm chí, Trưởng giả cũng sinh. Cha mẹ vui mừng, tất cả đều tôn thờ Bồ-tát và sẽ cung cấp người để hầu hạ.
Bấy giờ Bạch Tịnh vương cung cấp cho Bồ-tát hai vạn thể nữ để hầu hạ. Các gia đình trong thân tộc dâng lên Bồ-tát hai vạn thể nữ. Các đại thần bách quan lại có hai vạn thể nữ để dâng lên Bồ-tát. Các gia đình giàu sang quyền quý trong dòng họ Thích cùng nhau nhóm họp và cùng nhau đi đến chỗ vua tâu:
-Muôn tâu Đại vương, nên đem Thái tử đến viếng miếu trời.
Vua đồng ý, liền ra lệnh quét dọn tất cả các đường sá trong thành phố, các con đường thông suốt bốn ngã, các con đường hẻm, ngõ tắt quanh co đều phải được quét dọn sạch sẽ. Những thứ ngói đá hầm hố, cống rãnh đều phải được dọn sạch và sửa sang bằng phẳng, tất cả mọi việc đều phải chu tất, tốt đẹp, sạch sẽ. Những kẻ bệnh tật, đui điếc không được xuất hiện và chớ để bất cứ tiếng than nào buông ra. Rải hoa, đốt hương cùng chọn những âm thanh lành tốt. Treo cờ lọng bằng lụa ngũ sắc để trang nghiêm nơi cửa ngõ.
Vua trở vào hậu cung để báo cho Đại Ái Đạo bồng bế Thái tử đưa đến miếu trời. Thái tử ở nơi tòa liền mĩm cười, nét mặt vui vẻ bảo:
-Thân thể tôi điều hòa an ổn, duyên cớ gì cùng nhau muốn đem đến miếu trời?
Khi tắm rửa cho Thái tử, Thái tử lại cười lớn, thuyết kệ.
Mới sinh, động ba ngàn
Thích, Phạm, thần Tu-luân
Nhật nguyệt cùng Thiên vương
Đều đến cúi đầu lạy
Còn có trời nào hơn
Đem tôi đến nơi đó
Vượt Thiên, Thiên Trung Thiên
Trời không bằng, sao hơn?
Tùy theo tục đến đây
Hiện tướng lành người vui
Vô số thứ phụng dưỡng
Hơn Thánh, Thiên Trung Thiên.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Khi ấy Trưởng giả, Phạm chí, các Tôn trưởng, cư sĩ trong quận, huyện, ấp cùng thê thiếp, kẻ hầu hạ, đại thần, vua nhỏ, quan gác cửa, quan lệnh và những thân tộc tri thức của họ đều trang sức bằng các kiểu đẹp đẽ, rải hoa, đốt hương, cỡi xe voi, ngựa cùng quốc vương, thị thần đưa Thái tử đi vào miếu trời. Vừa đến miếu trời, các hình tượng chư Thiên vô tri, nhưng chư Thiên Nhật Nguyệt, Tức Ý Thiên vương, Thích, Phạm, Tứ vương trong miếu đều rời khỏi chỗ ngồi theo nhau bước xuống, năm vóc gieo sát đất lạy chân Bồ-tát. Trăm ngàn các chư Thiên, nhân dân, tự nhiên lớn tiếng xưng dương tán thán, khen chưa từng có, vui mừng hớn hở, trời đất chấn động mạnh, trời mưa xuống các thứ hoa, trăm ngàn kỹ nhạc không đánh tự kêu. Hình tượng chư Thiên hiện nguyên thân hình lạy chân Bồ-tát và ngay khi ấy đứng ở trước nói kệ:
Tu-di sánh hạt cải
Hơn cả trời, rồng biến
Nhật nguyệt lạy đom đóm
Tuệ đức đâu mà lạy
Ba ngàn cõi đều nương
Hạt cải sánh Tu-di
Chân trâu so biển lớn
Thượng tôn ví nhật nguyệt
Nếu hay lễ Thế Tôn
Công đức không thể kể
Mọỉ người được an ổn
Đức đầy không hạn lượng.
Khi Bồ-tát vào miếu trời, ba vạn hai ngàn Thiên tử thấy rõ oai đức đều phát đạo ý vô thượng chánh chân; do vì lẽ ấy, theo Bồ-tát đi vào miếu trời.
Khi ấy có Phạm chí tên là Hỏa Viêm, có người cha đang cùng năm trăm quyến thuộc vây quanh cầm lọng bảy báu dâng lên Bạch Tịnh Vương, và nói:
-Xin dâng lên Thái tử.
Vua liền nhận và gọi năm trăm Thích tử đem năm trăm anh lạc để trang sức nơi tay, cổ chân, đầu, lỗ tai, cánh tay Thái tử. Ngay khi ấy, Phí Túc liền đi đến chỗ vua, tâu:
-Nên tắm gội cho Thái tử xong mới đeo anh lạc cúng dường Ngài.
Vua đáp:
-Ta cũng sẽ làm anh lạc cho Thái tử đeo. Bảy mươi bảy ngày ta mới nhận.
Sáng hôm sau, Thiên tử Nhật Nguyệt có một nhà nghỉ tên là Ly cấu tịnh, Bồ-tát ra nghỉ ở nhà đó. Bà Đại Ái Đạo ẵm Ngài ra đó. Tám vạn thể nữ đến nghinh đón Bồ-tát, cúi đầu làm lễ. Một vạn người dòng họ Thích, năm ngàn Phạm chí cũng nghinh đón Bồ-tát. Các người dòng họ Thích làm các anh lạc dâng lên để Bồ-tát đeo. Thái tử vừa đeo anh lạc, lập tức anh lạc ấy mất hết ánh sáng. Oai quang của Bồ-tát khiến cho anh lạc không thể chiếu sáng, giống như một đống mực để bên đống vàng ròng. Có một trưởng giả tên Ly cấu mặc y phục rất đẹp đứng trước Bồ-tát.
Bấy giờ Bạch Tịnh vương và các người dòng họ Thích nói kệ khen ngợi:
Hiện bày báu thanh tịnh
Trang nghiêm ba ngàn cõi
Đều là loại vàng ròng
Không bằng ánh sáng Ngài
Tuy là bằng vàng ròng
Không bằng một chút sáng
Sáng chói tiêu các sáng
Ở bên Thánh như mực
Do đạo đức trang nghiêm
Che anh lạc không sáng
Nhật nguyệt, minh châu sáng
Thích, Phạm sáng không bằng
Tướng xưa đẹp nghiêm thân
Ngọc báu đâu thể hơn
Trang nghiêm sao bằng Phật
Tầm thường không sánh bằng
Đạo nghiêm tịnh lặng sáng
Vừa sinh nghiêm dòng họ
Hiện sáng mọi người vui
Làm hưng thịnh dòng tộc.
Phẩm 7: THỊ HIỆN HỌC CHỮ
Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Bấy giờ Thái tử vừa được bảy tuổi, hiện rõ vô số trăm ngàn điềm tốt lành. Một vạn bé trai, một vạn bé gái cỡi một vạn cỗ xe chở vô số các thức ăn uống đầy đủ chất quý bổ đến nước Ca-di, để nơi ngã tư đường và ở đầu các con đường quanh co, trổi lên các thứ kỹ nhạc, ở khoảng giữa các cây trang sức lầu gác với mái hiên, cửa sổ có chấn song, các thể nữ trang sức anh lạc ở trên đó rải hoa đốt hương. Tám ngàn thể nữ dọn sạch đường sá, nghinh đón Bồ-tát. Chư Thiên, Long, Thần và Kiền-đạp-hòa ở trong hư không với nhiều hình dáng khác nhau, rải hoa đốt hương, thòng các ngọc châu và cờ lụa bằng ngũ sắc.
Tất cả bà con trong dòng họ Thích trước sau theo dẫn đường. Bạch Tịnh vương cũng cùng đi nghinh đón Bồ-tát.
Bồ-tát cỡi xe dê đi đến chỗ thầy dạy học. Vừa vào lớp học, muốn được gặp thầy. Thầy giáo tên là Tuyển Hữu. Khi thấy oai thần sáng chói của Bồ-táí, thầy không thể chịu được liền quỳ xuống đất. Trên Đâu-suất thiên có một Thiên tử tên là Thanh Tịnh, liền đến trước cầm tay đỡ thầy đứng dậy và đặt ngồi trên ghế, ngay trước đại chúng, nói bài kệ:
Nay sinh trong dòng Thích
Tại đời học kỹ thuật
Toán số và thơ văn
Vô số kiếp đã rõ
Cứu chúng sinh nên hiện
Học rộng hiện nhập đạo
Độ vô số đồng tử
Ban cho chúng cam lộ
Dạy đời hiểu bốn đế
Rõ báo ứng nhân duyên
Có thành tức có diệt
Huống nay thư đường đây
Tột sáng nơi ba đời
Trời người tôn bậc nhất
Đã nhiều lần đến lớp
Vô số kiếp học đây
Chúng sinh nhiều tâm niệm
Thánh biết hết gốc nguồn
Ngài không tham nghĩ sắc
Tức là vô niệm đây
Lập giới độ kẻ tham.
Bấy giờ, Bồ-tát cùng với trẻ em trong dòng họ Thích đi đến trường. Bồ-tát tay cầm cây bút bằng vàng, sách đóng bằng gỗ thơm chiên-đàn có các minh châu báu. Giá sách đó được thị giả đưa đến. Thái tử hỏi thầy giáo Tuyển Hữu:
-Nay thầy dùng loại sách nào để dạy?
Thầy giáo đáp:
-Dùng sách Phạm từ xưa lưu lại để dạy. Ngoài ra không có sách nào khác.
Bồ-tát đáp:
-Các loại sách khác có sáu mươi bốn thứ, sao nay thầy nói chỉ có hai loại?
Thầy giáo hỏi:
-Sáu mươi bốn loại đó tên như thế nào tôi chưa hề biết. Thái tử đáp:
1. Phạm thơ.
2. Khứ-lưu thơ.
3. Phật-ca-la thơ.
4. An-khư thơ.
5. Mạn-khư thơ.
6. An-cầu thơ.
7. Đại-tần thơ.
8. Hộ chúng thơ.
9. Thủ thơ.
10. Bán thơ.
11. Đà-tỷ-la thơ nhất cửu.
12. Tật-kiên thơ.
13. Đà-tỳ-la thơ.
14. Di-địch-tắc thơ.
15. Thí dữ thơ.
16. Khang-cư thơ
17. Tối thượng thơ.
18. Đà-la thơ.
19. Khư-sa thơ.
20. Tần thơ.
21. Hung-nô thơ.
22. Trung-gian-tự thơ.
23. Duy-kỳ-đa thơ.
24. Phú-sa thơ.
25. Thiên thơ.
26. Long quỷ thơ.
27. Kiền-đạp-hòa thơ.
28. Chân-đà-la thơ.
29. Ma-hưu-lặc thơ.
30. A-tu-luân thơ.
31. Ca-lưu-la thơ.
32. Lộc-luân thơ.
33. Ngôn thiện thơ.
34. Thiên phúc thơ.
35. Phong thơ.
36. Giáng thiên thơ.
37. Bắc phương thiên hạ thơ.
38. Câu-da-ni thiên hạ thơ.
39. Đông phương thiên hạ thơ.
40. Cử thơ.
41. Hạ thơ.
42. Yếu thơ.
43. Kiên cố thơ.
44. Đà-ha thơ.
45. Đắc tận thơ.
46. Yếm cử thơ.
47. Vô dữ thơ.
48. Chuyển số thơ
49. Chuyển nhãn thơ.
50. Môn câu thơ.
51. Hương thượng thơ.
52. Thứ cận thơ.
53. Nãi chí thơ.
54. Độ thân thơ.
55. Trung ngự thơ.
56. Tất-diệt-âm thơ.
57. Điển thế giới thơ.
58. Trì-phụ thơ.
59. Thiện tịch địa thơ.
60. Quán không thơ.
61. Nhất thiết dược thơ.
62. Thiện thọ thơ.
63. Nhiếp thủ thơ.
64. Giai hưởng thơ.
Thái tử bảo với thầy:
-Đây là sáu mươi bốn tên sách, nay thầy muốn dùng sách nào để dạy?
Khi ấy thầy Tuyển Hữu trong lòng vui vẻ, vứt bỏ lòng tự đại, đọc bài kệ:
Khó kịp Chân tịnh tôn
Tại thế phát lòng thương
Học hết tất cả sách
Nay vào trong trường học
Đọc hết các tên sách
Tôi không biết gốc ngọn
Các kinh sách thấu đạt
Mà thị hiện nhập học
Không dám sánh trí Ngài
Chỉ xem người lễ bái
Làm sao khiến Đại Thánh?
Nêu vô số loại sách
Siêu vượt Thiên Trung Thiên
Tối thượng trong hàng trời
Tối tôn, không ai bằng
Trên đời không thể dụ
Do vì oai thần vậy
Nghiêm tịnh dùng phương tiện
Ai thấy suốt tất cả
Đều vượt khỏi thế gian,
Bấy giờ một vạn đồng tử đã cùng với Bồ-tát đi đến chỗ thầy dạy học, thấy oai đức của Bồ-tát kiến lập trí tuệ của Bậc Đại Thánh phân biệt tên sách mà tuyên bày:
Lời nói đó nói về không, phát ra âm thanh về vô thường, khổ, không, vô ngã.
Lời nói đó nói về dục, phát ra âm thanh về dâm, nộ, si cùng các thứ tham cầu.
Lời nói đó nói về sự rốt ráo, phát ra âm thanh tất cả đầu đuôi đều tịnh.
Lời nói đó nói về hành, phát ra âm thanh vô số kiếp phụng thờ tu đạo.
Lời nói đó nói về không, phát ra âm thanh không theo chúng lìa các danh sắc.
Lời nói đó nói về loạn động, phát ra âm thanh trừ nguồn gốc nhơ nhớp của vực thẳm sinh tử.
Lời nói đó nói về thí, phát ra âm thanh bố thí, trì giới, trí tuệ, ngay thẳng phân minh.
Lời nói đó nói về sự ràng buộc, phát ra âm thanh giải trừ thi hành những ngục hình khảo trị.
Lời nói đó nói về thiêu đốt, phát ra âm thanh thiêu rụi tội dục trần lao.
Lời nói đó nói về tín, phát ra âm thanh tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ.
Lời nói đó nói về sự thù thắng, phát ra âm thanh siêu việt Thánh đạo vô thượng.
Lời nói đó nói về như thật, phát ra âm thanh không hoại diệt của Như Lai.
Lời nói đó nói về tịch tịnh, phát ra âm thanh quán pháp tịch nhiên vắng lặng.
Lời nói đó nói về sự chìm lặng, phát ra âm thanh tiêu trừ sân, si, tranh tụng.
Lời nói đó nói về sự tạo tác, phát ra âm thanh tội lỗi phước báo đều từ nơi hành thọ.
Lời nói đó nói về trí, phát ra âm thanh trí Nhất thiết không thể hủy hoại.
Lời nói đó nói về ma, phát ra âm thanh hàng phục sức ma cùng bè lũ quyến thuộc.
Lời nói đó nói về hại, phát ra âm thanh vứt bỏ tự đại, tà kiến.
Lời nói đó nói về thệ, phát ra âm thanh đối với chánh pháp không rối loại.
Lời nói đó nói về chỉ, phát ra âm thanh không sợ sức thế tục.
Lời nói đó nói về canh, phát ra âm thanh vượt các khổ về sinh, già, chết.
Lời nói đó nói về ý, phát ra âm thanh ý chí vững bền, một mình dạo chơi trong ba cõi.
Lời nói đó nói về pháp, dùng âm thanh các pháp để chế ngự, cứu độ cùng khắp từ đầu đến cuối.
Lời nói đó nói về sự tán thán, phát ra âm thanh tùy theo chỗ nguyện mà khai hóa.
Lời nói đó nói về nạn, phát ra âm thanh trừ tám nạn tội ương.
Lời nói đó nói về sự tận diệt, phát ra âm thanh diệt sạch không còn chỗ phát sinh.
Lời nói đó nói về xứ, phát ra âm thanh tiêu sạch chỗ điên đảo.
Lời nói đó nói về tuệ, phát ra âm thanh trí tuệ Thánh không trở ngại.
Lời nói đó nói về thị, phát ra âm thanh quay về thiện, ác, ương, họa.
Lời nói đó nói về hữu, phát ra âm thanh của các việc làm trong ba cõi.
Lời nói đó nói về sự vứt bỏ, phát ra âm thanh vứt bỏ những điều đưa đến sự tâng bốc cái ngã.
Lời nói đó nói về mình, phát ra âm thanh hướng đến nghiệp thiện, nghiệp ác của mình,
Lời nói đó nói về ngã, phát ra âm thanh diệt trừ ái dục nhơ nhớp của thân.
Lời nói đó nói về đố, phát ra các âm thanh thiện, ác, tật đố... Ngược lại xưng tán bình đẳng.
Lời nói đó nói về số, phát ra âm thanh thường điều phục vô minh.
Lời nói đó nói về xứ, phát ra âm thanh vượt ra ngoài xứ và phi xứ, hữu hạn và vô hạn.
Lời nói đó nói về nhã, phát ra âm thanh độ vô số các loạn tưởng, buông lung, vắng lặng mong cầu.
Lời nói đó nói về quả, phát ra âm thanh chứng các quả thật không có chỗ trụ.
Lời nói đó nói về trừ, phát ra âm thanh không tham đắm tự kỷ, trừ sạch ngũ cái.
Lời nói đó nói về tà, phát ra âm thanh trừ ưu não và tật bệnh, hoạn nạn.
Lời nói đó nói về tuệ, phát ra âm thanh tuệ bố thí, trì giới, học rộng nghe nhiều, không vọng tưởng.
Bấy giờ Bồ-tát vì các đồng tử phân biệt rõ ràng gốc ngọn các tên, diễn các âm thanh giống pháp môn như vậy, ngay nơi trường học lần lần khai hóa mở bày dạy dỗ ba vạn hai ngàn đồng tử, khuyên phát tâm đạo Vô thượng Chánh chân, vì vậy cho nên Bồ-tát đi đến trường học nhưng không nhận sự chỉ dạy từ nơi thầy giáo.
Phẩm 8: NGỒI DƯỚI GỐC CÂY XEM CÀY RUỘNG
Bấy giờ Thái tử tuổi đã trưởng thành, xin phép phụ vương, cùng các quần thần cùng đi vào xóm làng xem người ta cày bừa, thấy thửa đất mới vừa cày bừa lật lên, các loài côn trùng phơi ra trên mặt đất, loài chim bay xuống mổ ăn. Bồ-tát biết việc này nhưng lại cố hỏi người cày ruộng:
-Làm công việc này để làm gì?
Người nông phu đáp:
-Để trồng lúa đem đóng thuế cho nhà vua.
Bồ-tát than:
-Chỉ nhân một người mà làm cho bao nhiêu người trong nước phải rầu lo, sợ bị ách quan tăng thêm hình phạt roi gậy, trong lòng hồi hộp lo lắng không yên. Mạng sống con người thật ngắn ngủi, nỗi buồn lo lại dài vô cùng. Ngày tháng trôi qua, một hơi thở ra không trở vào lại đã qua đời sau. Trời người rốt cuộc chỉ là nỗi khổ đau trong ba đường ác không thể tả hết. Trôi lăn mãi trong năm đường sinh tử không có bến bờ. Chìm đắm không tỏ ngộ, đớn đau, thật khó ví dụ. Vào núi tu hành thành đạo mới có thể vượt được những hoạn nạn nguy ách khởi diệt trong mười phương ba cõi.
Xem việc cày bừa xong, Thái tử lại đi dạo xem. Bấy giờ Bồ-tát chỉ đi một mình không có bạn bè. Ngài ở nơi chỗ đó đi kinh hành, thấy một cây Diêm-phù tàng bóng sum suê mát mẻ, liền đến ngồi dưới gốc cây ấy, nhất tâm tư duy thiền định, chứng đệ Nhất thiền. Khi ấy có năm trăm Thần tiên ngoại học đang bay đi trong hư không từ Nam đến Bắc, muốn vượt qua lùm cây kia nhưng không thể nào qua được, đành phải đứng yên. Từ xa trông thấy Bồ-tát, cùng nhau khen ngợi. Xem công đức to lớn của Bồ-tát, thấy đức của Ngài vòi vọi giống như núi lớn Tu-di kim cang, như ngọc châu sáng đẹp, vững chắc không lay động, nghi là Diêm-la quỷ vương, Càn-thát-bà? Nay ngồi dưới gốc cây, tâm như hư không, dùng việc tọa thiền này để làm việc lành gì, bỗng dưng khiến cho chúng ta bị mất thần túc? Các Thần tiên ấy quán sát thấy lòng thương của Ngài rất sáng suốt, phơi bày tỏ rõ, trong lòng tự nghĩ: “Đây là bậc Thần kỳ Tỳ-sa-môn giàu có lớn hoặc là con trời Đế Thích, là ánh sáng mặt trời, mặt trăng, Chuyển luân thánh vương vậy?” Khi ấy chư Thiên trên hư không nói kệ khen ngợi:
Sắc đẹp hơn Thiên vương
Và cả Ly Oán Thiên
Như vô lượng kim cang
Là trượng phu tôn quý
Vượt xa các Thiên thần
Như trăng rằm rực rỡ
Cùng tột ở trong đời
Người này không ai hơn
Đức này không lường được
Là trời Càn-đạp-hòa
Công huân sáng rực rỡ
Đây tăng hơn ức lần
Thần túc thường thua xa
Đem vị trời ngàn mắt .
Hộ Thế Tứ Thiên vương
Bậc Tôn, Tu-luân, Phạm
Nhiếp chúng được an lành
Vị này hay làm được
Vị đang ngồi ở trước
Xem Ngài không ai bằng.
Bấy giờ năm trăm Tiên nhân nghe chư Thiên trên hư không đọc lời kệ khen ngợi, liền theo xuống mặt đất, xem thấy Bồ-tát ngồi thiền định, thân không lay động, tâm không tà niệm, trong lòng vui mừng, xem thấy công đức của Bồ-tát rực rỡ vòi vọi không hạn lượng, không thể ví dụ, tôn quý trong hàng trời người, chưa từng được nghe thấy. Nhờ phước báo đời trước nên nay mới được thấy, lấy làm vui mừng nói kệ khen:
Đời ngập lửa trần lao
Chứng đạo dứt các khổ
Như Tu-di giữa dời
Thành tựu được đạo pháp
Đắc thắng trừ các sắc
Thực hành rộng như biển
Đắc đạo nhờ huân tuệ
Ngài cứu độ tất cả
Cởi trói buộc nơi thân
Để mong thành đạo pháp
Độ thoát khắp tất cả
Vượt khỏi cảnh giới ma.
Bấy giờ, vua quan và mọi người cùng nhau vội vã đi tìm, mong được biết Thái tử hiện đang ở chỗ nào. Từ xa trông thấy, các quần thần đuổi theo sau. Thấy dưới bóng mát của gốc cây Diêm-phù, Ngài ngồi thiền định tư duy.
Bấy giờ mặt trời chiếu ánh nắng, cây sà nhánh xuống che thân Bồ-tát. Tất cả cây cối đều nghiêng mình hướng về phía cây Diêm-phù cúi đầu kính lễ. Bồ-tát ngồi không lay động, quần thần vội trở về tâu vua Bạch Tịnh: “Tướng ánh sáng của Bồ-tát cây không thể che. Mặt trời lặng lẽ chiếu soi, cây nghiêng mình che thân Bồ-tát nhưng không thể che tướng của Ngài”.
Vua nghe việc như vậy bèn đi đến chỗ gốc cây đó, thấy Bồ-tát với oai thần lành tốt vòi vọi không lường, liền nói kệ:
Như lửa trên đỉnh núi
Như trăng giữa muôn sao
Dưới cây hiện ngồi thiền
Oai chiêu soi cùng khắp
Nay lần nữa cúi đầu
Lạy chân của Đạo Sư
Lúc Ngài vừa mới sinh
Tự thân ngồi thiền tư
Thân Ngài oai thần sáng
Chiếu khắp cả mọi nơi
Ai thấy cũng vui mừng
Nhân đây được cứu độ.
Bấy giờ Thái tử tâu phụ vương:
-Con vừa mới đi dạo xem, vì sao phụ vương và quần thần cùng nhau đi tìm?
-Vì sao con đi? Vua hỏi.
Thái tử thưa:
-Các quan muốn trừ các trần cấu, các tư tưởng quấy, chỉ giữ lại tướng đẹp, thanh tịnh sáng suốt thì phải tọa thiền cho thật vững chắc. Thiền định vững chắc sẽ hàng phục được các ma, trừ sạch được những sự tối tăm che lấp.
Vua khen:
-Lành thay! Lành thay! Khi Thái tử mới sinh có các điềm lành ứng hiện trọn không hư dối. Nay đều hiện rõ, mười phương mong chờ ân cứu độ.
Phẩm 9: VUA BẠCH TỊNH CHỌN VỢ CHO THÁI TỬ
Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Khi ấy Bạch Tịnh vương cùng với Thái tử và các ngƯời trong dòng họ Thích đứng ở ngay chỗ đó. Các lực sĩ, trưởng giả trong dòng họ Thích tâu vua Bạch Tịnh:
-Vua đã biết việc đó, các Phạm chí này chưa được rốt ráo.
Vua nói:
-Giả sử Thái tử bỏ nước, bỏ ngôi vua, thành Như Lai mới được rốt ráo. Giả như không xuất gia, làm Chuyển luân vương, dùng chánh pháp trị vì gọi là pháp vương, tự nhiên có bảy báu:
1. Bánh xe vàng báu.
2. Ngựa màu xanh biếc.
3. Voi trắng.
4. Ngọc Minh nguyệt.
5. Vợ là ngọc nữ.
6. Bề tôi chủ kho tàng.
7. Bề tôi chủ binh.
Và có một ngàn người con khôi ngô tuấn tú, sức khỏe mạnh mẽ, tài trí vượt bậc. Một người có thể chống cự một ngàn người, có khả năng dẹp trừ oán dịch. Nếu làm Phật, dứt dòng Thánh vương, chỉ còn Tản vương, mọi người xưng danh hiệu.
Bạch Tịnh vương lại bảo:
-Hãy xem xét ngọc nữ nào đáng làm vợ Thái tử.
Năm trăm bà con trong dòng họ Thích đều nói lên:
-Tôi sẽ đi tìm người xứng đáng để làm vợ Thái tử.
Vua Bạch Tịnh nói với tất cả bà con trong dòng họ:
-Nay tìm vợ cho Thái tử rất là khó khăn. Không biết người con gái nào có thể vừa ý Thái tử?
Họ cùng nhóm họp suy nghĩ và bàn luận việc này rồi cùng nhau đến nói với Thái tử, xin Thái tử suy nghĩ.
Thái tử hẹn bảy ngày nữa sẽ trả lời.
Bồ-tát suy nghĩ: “Ta không tham dục lạc thì không nên ở đời. Ta bỏ cõi trời Đâu-suất đến ở cõi này tâm không hề quyến luyến một việc gì. Lặng yên thiền định, dùng phương tiện khéo léo gánh vác lấy tất cả. Siêng năng gần gũi đạo tràng, đem tình thương không tổn hại bao trùm khắp để khuyên nhủ, giúp đỡ tất cả, liền nói kệ:
Dòng vua sinh bậc kính
Lửa sinh hoa sen lớn
Có sức dưỡng Bồ-tát
Ức năm hóa cam lộ
Không bỏ ý hưng đạo
Không sợ, đức chân thật
Điều tâm ta ưa thích
Chí thanh tịnh bất động
Bồ-tát sống trong dục
Khéo léo giáo hóa vợ
Ái dục không an lạc
Bỏ hại, học công huân.
Bấy giờ Bồ-tát sai một người thợ tài giỏi đúc một pho tượng bằng vàng ròng rất xinh đẹp và dùng văn tự viết lên nơi đó: “Giả sử có người con gái nào đức hạnh, lễ nghĩa, hình dáng diện mạo giống y như đây, ta mới có thể bằng lòng. Không dùng kẻ tầm thường, người đúng như thế này ta mới cưới: Nhan sắc dung mạo như vàng ròng, trong ngoài tương ưng, thân khẩu không chống trái, tâm tịnh như hư không, an hòa sáng láng, không buông lung, lời lẽ nói ra luôn có lòng thương yêu, không hại, kính phụng đạo nghĩa. Đối với Sa-môn, Phạm chí trì giới bố thí, điều ta cầu xin, không ganh ghét, không nhàm chán, tánh tình hiền lành, không sai thời gian, ngay thẳng, không dua nịnh, luôn luôn kính chồng, không có ý khác, ý không phóng dật, không mang thai, không sinh con, bỏ cống cao tự đại, hầu hạ chồng như kẻ tôi tớ, không uống rượu, không ham vị ngon, không mê âm thanh, không ngu đần tăm tối, tiêu trừ cội gốc vô minh, biết pháp, an trụ nơi chân đế, không sơ xuất, vụt chạc, không có tà thuật, thường biết hổ thẹn, không ác khẩu nguyền rủa, thường vâng thờ và thực hành chánh pháp. Thân, miệng, ý thanh tịnh. Lời nói và việc làm luôn đi đôi. Tâm khiêm tốn, phần nhiều tu hạnh từ bi thương xót, không khinh thường người trên, không ngu đần cứng cỏi, không có lòng sân giận, trong chúng vui vẻ an hòa, không bị sai lầm, siêng năng làm các việc lành. Đối với bạn bè luôn tỏ lòng cung kính, xem như Thế Tôn. Nghĩ họ cũng như mình, tiếng tốt lan khắp. Tu tất cả các nghiệp lành, thường phụng thờ cung kính. Người vợ như thế ta mới có thể bằng lòng”.
Khi ấy Bạch Tịnh vương nghe Bồ-tát nói như vậy, bảo với vị Phạm chí xem tướng vào thành Ca-di-vệ, đi khắp từng nhà tìm xem những cô gái đẹp, xem ai có đức tướng này. Quân tử, trưởng giả, thợ, thầy, thường dân, so sánh ai có công huân đầy đủ như đây không? Nếu có được như vậy, Thái tử mới đón về. Vì sao? Vì Thái tử không ưa nơi dòng họ, chỉ ưa người có đức hạnh mà thôi. Liền khi ấy đọc kệ:
Quân tử dòng Phạm chí
Thầy, thợ, hay thường dân
Người có đức như thế
Mới nên cưới về vậy
Không ưa dòng họ sang
Chỉ quý hạnh tao nhã
Có chí thành công huân
Tâm mới ưa như vậy.
Khi ấy Phạm chí nghe nói bài kệ này xong, đi khắp thành Ca-tỳ- la-vệ, đến từng nhà một để xem người như thế. Vừa vào một nhà kia, thấy một cô gái xinh đẹp như Thiên nữ trên trời, nhan sắc tột bậc, thanh tịnh như hoa sen, không cao không thấp, không trắng không đen, không mập không ốm, nói chung đầy đủ sự cân đối của một cô gái thuộc hạng đẹp đẽ quý phái. Khi ấy người thiếu nữ chào Phạm chí xem tướng và hỏi ông ta:
-Phạm chí muốn gì?
Phạm chí trả lời:
-Đức vua Bạch Tịnh sinh chân Thái tử, đoan chánh không ai có thể so sánh, ba mươi hai tướng tốt và công đức oai thần rực rỡ. Tự tay Thái tử viết kệ: “Thiếu nữ nào có hình tướng dung mạo đứng đầu trong hàng trời người, ta mới cưới người đó”.
Khi ấy cô gái xinh đẹp đọc bài kệ:
Bài kệ Phạm chí nói
Rõ ý muốn thấy sắc
Phạm muốn biết sắc đó
Ta đều có đầy đủ
Người đáng làm chồng ta
Đoan chánh rất khó sánh
Bạch Thái tử việc này
Đừng bỏ lỡ cơ hội.
Phạm chí nghe bài kệ đó, trở về chỗ vua thưa rõ sự việc như vậy:
-Thiên vương xem xét, người như vậy không đáng làm vợ Thái tử sao?
Vua hỏi:
-Người con gái nào?
Phạm chí đáp:
-Người con gái đó sinh trong gia đình dòng chiến sĩ họ Thích.
Vua tự nghĩ: “Hình mạo Thái tử vượt hẳn người đời, sắc diện thanh tịnh, e không vừa ý, để cho Thái tử tự chọn lấy. Ta sẽ đi đến nhà Vô ưu nhóm họp các thiếu nữ, rồi bảo Thái tử tự mình xem xét. Bồ-tát tự xem xét, mắt hướng về người mình ưa thích”.
Bấy giờ, vua Bạch Tịnh đem các thứ ngọc châu quý báu làm một giảng đường xinh đẹp mời hết tất cả các thiếu nữ xinh đẹp trong thành La-vệ tự tập về giảng đường kia.
Bồ-tát đi đến giảng đường, ngồi nơi tòa nhân hiền. Vua sai sứ giả: “Hễ thấy Bồ-tát hướng mắt nhìn về phía nào mà tỏ ý vui thì liền đến báo cho ta biết”. Bấy giờ Bồ-tát gặp các thể nữ.
Khi ấy, thiếu nữ trong gia đình dòng chiến sĩ họ Thích tên là Cù-di (Gopa) cùng các thể nữ đi đến chỗ Bồ-tát. lui đứng một bên, chăm nhìn Bồ-tát mắt không hề chớp. Bồ-tát nhìn khắp thiếu nữ, tức thì mỉm cười vui vẻ, rồi đem chuỗi ngọc báu trao tặng cho Cù-di. Cù-di thưa: ‘Thiếp không ham thích các thứ anh lạc báu, sẽ dùng công đức để tự trang nghiêm thân”.
Thái tử trở về cung thất, khen việc chưa từng có. Nay Cù-di hiểu rõ được cuộc đời là vô thường, không ham sự giàu sang vinh hiển ở đời.
Khi ấy sứ giả đi đến chỗ vua tâu lại đầu đuôi sự việc: Người mà Thái tử để ý hướng mắt đến chính là nàng Cù-di trong dòng họ Thích. Vua nghe thưa như vậy, sai Phạm chí đi làm mối tìm người con gái này để làm vợ Thái tử. Gia đình dòng chiến sĩ họ Thích nói:
-Theo dòng họ của chúng tôi, người nào có nghệ thuật mới gả con gái cho. Nếu Thái tử có nghệ thuật, biết rõ về bắn cung, cỡi ngựa, đánh cờ, thơ văn, toán số và lễ nhạc, sáu môn nghệ thuật thảy đều biết đầy đủ, chúng tôi mới gả con gái cho.
Phạm chí liền trở về tâu lại đầy đủ với Bạch vương. Vua tự suy nghĩ rồi đem việc đó nói với Bồ-tát. Bồ-tát tâu vua:
-Hãy thôi! Tìm để làm gì.
Vua hỏi:
-Vì sao con nói thôi? Ông tướng mà không có nghệ thuật sao? Bàn về việc chính đáng mà con nói thôi đi!
Thái tử tâu vua cha:
-Việc đáng nên làm, con đều có thể làm.
Vua hỏi Bồ-tát:
-Con có được nghệ thuật gì?
Bồ-tát thưa:
-Giữa đời này chẳng có nghệ thuật gì đặc biệt khác lạ với chúng ta cả. Sắp đến sẽ thấy.
Vua liền cười:
-Con có thể biểu diễn nghệ thuật ư?
Bồ-tát thưa:
-Con có thể. Xin phụ vương nhóm họp tất cả thân tộc trong dòng họ Thích sẽ cùng con biểu diễn nghệ thuật. Vua ra lệnh cận thần lịnh cho cả nước dộng chuông đánh trống báo bảy ngày nữa Thái tử sẽ biểu diễn nghệ thuật. Ai có nghệ thuật đều đến dự hội.
Trong thời gian bảy ngày có tất cả năm trăm người trong thân tộc dòng họ Thích đều đến nhóm họp. Người nào có nghệ thuật cao hơn hết thì sẽ đem con gái của gia đình dòng chiến sĩ họ Thích gã cho người đó. Người nào đứng đầu về bắn cung, đánh cờ sẽ cưới được người con gái này.
Mọi người cùng nhau đi ra cửa thành. Bấy giờ Điều-đạt tay dắt một con voi đi vào cửa thành, thấy các Thích chủng nhóm họp, muốn trổ tài nghệ, liền dùng tay phải xách đầu con voi, tay trái cầm vòi quật xuống đất giết chết con voi. Ngay khi ấy, Nan-đà cùng các đồng bạn đi ra cửa thành, thấy con voi to lớn nằm chết ngay giữa đường, hỏi:
-Ai giết?
Đáp:
-Điều-đạt giết.
Nan-đà xách con voi để nằm qua một bên lề đường.
Bấy giờ Thái tử ra cửa thành, thấy con voi chết này, dừng lại hỏi:
-Ai giết con voi này?
Thị giả thưa:
-Điều-đạt giết.
Bồ-tát lại hỏi:
-Ai đem dời nó nằm sang một bên đường?
Thưa:
-Hiền giả Nan-đà.
Bồ-tát bảo:
-Rất tốt! Thân con voi to lớn như vậy, mùi hôi thối sẽ xông khắp trong thành.
Liền dùng tay phải xách con voi quăng ra ngoài thành, cách hào thành rất xa. Khi ấy vô số trăm ngàn Thiên nhân ngợi khen vang dội, cùng nhau nói:
-Hay thay! Hay thay!
Chư Thiên trong hư không đọc kệ tán thán:
Tay cầm voi trắng lớn
Thân đã chết rất nặng
Ném bỏ ra ngoài thành
Cách hào thành rất xa
Đây ắt là chí Thánh
Thân lìa tục bình đẳng
Chóng thành Nhất thiết trí
Do Thánh lực thường còn.
Bấy giờ năm trăm bà con dòng họ Thích đều đi đến cửa thành, cùng nhóm họp ngay ở chỗ khoảng đất rộng rãi, muốn biểu diễn nghệ thuật. Vua Bạch Tịnh cùng với các nhà thế lực lớn trong dòng họ Thích đến chỗ biểu diễn nghệ thuật. Có vô số người theo hầu Bồ-tát, muốn được thấy nghệ thuật của Ngài.
Bấy giờ dòng họ Thích trước đó đã thấy Bồ-tát ở nơi trường học, khen ngợi và nêu rõ tên của sáu mươi bốn loại sách. Thầy Tuyển Hữu thấy vậy rất lấy làm lạ, bảo chưa từng có. Trên trời, trong nhân gian, không ai có tài nghệ như vậy. Các Quỷ thần, Rồng, A-tu-luân thảy đều không sánh kịp. Xem thấy nghệ thuật của Ngài, biết đây chính là bậc Thánh nhân. Do sức hiểu biết của Ngài cùng tột, Ngài hiểu rõ hết tất cả nghĩa lý văn tự đầu đuôi, không một chỗ nào là không thông suốt. Nghe, thấy đức của Ngài vượt hẳn cả Thích, Phạm, chư Thiên, Nhật, Nguyệt. Chúng ta chính mắt nhìn thấy đạo thuật như vậy, ai có thể hơn Ngài.
Bà con dòng họ Thích bảo với mọi người:
-Bồ-tát tuy vào trường học, nhưng Ngài đã thông suốt hết tất cả các môn thơ văn, toán số, nghệ thuật. Người kiến thức như vậy thật rất ít có.
Nay gặp đại chúng cùng một lúc đến nhóm họp nơi đây là để tranh hơn thua hay để biểu diễn nghệ thuật; mọi người xem để biết ai là người thắng?
Phẩm 10: THI TÀI NGHỆ
Bấy giờ có một đại thần tên Viêm Quang, thuộc dòng họ Thích, đứng đầu về nghệ thuật toán số, hiểu biết rất rộng. Vua rất tin và hỏi ông:
-Người hãy xem Thái tử giỏi nhất về môn nào?
Khi ấy Bồ-tát quan sát các người dòng họ Thích và con vua các nước có đến vài trăm người, mỗi người ném thử nhưng không ai kịp Bồ-tát. Bồ-tát bảo:
-Các người hãy đợi, ta sẽ ném.
Lúc ấy có một vương tử đến cùng thi ném với Thái tử cũng không thể kịp. Cho đến hết cả năm trăm người cũng đều không ai có thể bằng kịp. Bấy giờ tất cả mọi người trong hội đều khen:
-Nếu chỉ nói một lời cũng chưa từng có, huống là biết hết tất cả nghệ thuật. Những điều Ngài nói ra rất là đặc biệt, chúng ta bàn luận không thể nào rốt ráo được. Đại thần Viêm Quang tuy có khả năng về toán số nhưng bàn luận về toán thuật thì không thể kịp.
Tất cả cây cối cỏ thuốc trong nước Ca-duy-việt cùng các dòng nước, Ngài đều có thể biết được số bao nhiêu giọt. Biết các loại cờ su bồ, lục bát... Thiên văn, địa lý, tám phép thuật lạ, trời long đất lở. Tất cả các pháp thuật không ai có thể sánh với Bồ-tát. Ngài biết rõ cùng tận từ quá khứ đến vị lai, lục thông, tam đạt, ai có thể bằng Ngài? Chư Thiên, nhân dân, Thiên thần trên hư không cất tiếng khen ngợi:
-Tất cả chúng sinh trong ba cõi trong tâm nghĩ gì, các tư tưởng thiện ác, họa phước, các việc đời, đạo, vừa mới móng tâm, Ngài đều biết rõ tận gốc ngọn, không một trở ngại, ca múa kỹ nhạc, không một môn nào là không thông suốt; do đạo lực từ bi, nhân hòa, nhẫn nhục từ trăm ngàn kiếp. Việc làm giản dị, một mình dạo đi trong ba cõi giống như mặt trời chiếu sáng khắp bốn phương, Bồ-tát với tâm như vậy không còn nghi ngại gì! Trong hư không, chư Thiên lại khen ngợi:
Đây là bậc Trượng phu chí Thánh vượt bậc. Các ngươi tuy thấy việc làm ở đời, hãy nghe ta nói:
-Một niệm phát tâm, qua lại vô số ức nước trong mười phương ở đâu cũng đều đến cúng dường và cùng nhau thờ lạy bậc Đạo sư trong mười phương. Tuy hiện qua lại cũng không giáp khắp, ý các ngươi gọi đó là thần túc gì? Ai có thể hiểu được bậc Vô đẳng luân một mình cất bước? Vì lẽ ấy cùng nhau tôn kính Bồ-tát hơn hết!
Các Thích tử bảo:
-Nếu ai hiểu rõ thì sắc dục đều sạch, tất cả vốn không.
Khi ấy Bồ-tát với tâm chuyên nhất, nhìn thấy rõ suốt gốc ngọn. Các thân tộc dòng họ Thích cùng nhau nhóm họp muốn thi võ nghệ.
Điều-đạt ở đời thường hay cống cao, tự cho mình là tài giỏi, không ai có thể địch lại, luôn luôn muốn tranh oai lực với Bồ-tát. Ai đến xem cũng biết Bồ-tát vượt xa, cùng nhau đi nhiễu bên hữu Bồ-tát và cúi đầu hướng về kính lạy Bậc Đại Thánh. Điều-đạt và Nan-đà cố muôn đấu võ. Bấy giờ Bồ-tát bình thản, thong thả, vì thương xót nên Ngài đưa cả người Điều-đạt lên giữa hư không quay lộn ba vòng. Vì lòng từ rộng lớn nên không làm cho Điều-đạt bị tổn hại. Ngài nhẹ nhàng đặt ông ta trở lại trên đất mà thân ông không hề bị đau.
Bồ-tát nói:
-Các ngươi là những người cống cao không bỏ tự đại, đều đến nhóm họp, cùng một lúc hãy cùng ta đấu võ. Những ai có kỹ thuật đều đến tụ hội ở đây.
Do sức mạnh của Bồ-tát, Ngài vừa đưa tay đụng, người kia tự nhiên liền ngã xuống đất. Lúc ấy, vô số ức ngàn các Thiên nhân và thần hư không lớn tiếng xướng lên âm thanh khen ngợi:
-Lành thay Bồ-tát vượt bậc, không ai đánh kịp.
Trời mưa các thứ hoa, và khác miệng cùng lời khen ngợi:
-Giả sử tất cả chúng sinh trong muời phương đều là lực sĩ, cùng một lúc Ngài đều có thể quật ngã hết, huống là những người này!
Bồ-tát nhẫn nhục như núi Tu-di, hơn cả Thiết vi, không ai có thể lay động. Nếu Ngài dùng tay cầm tất cả núi trong mười phương, chỉ trong giây lát các núi ấy sẽ nát bấn như tro, như bụi, huống là thân xác phàm phu! Nay đã rõ sức của Ngài rồi, không có gì lấy làm lạ. Đó chỉ là sức mạnh bình thường ở đời, chưa phải là sức mạnh cùng tột của đạo là hàng phục các ma và quyến thuộc của chúng. Ắt hẳn Ngài sẽ mau thành đạo Vô thượng Chánh chân, làm Bậc Chánh Giác cùng tột. Rõ ràng là công đức tối thắng của Bồ-tát.
Dòng chiến sĩ họ Thích thấy đức của Bồ-tát rộng lớn không lường, ném voi, đấu võ, người đương thời ít ai bằng.
Bấy giờ quốc vương và các người họ Thích lại muốn thi bắn. Điều-đạt đặt đích cách xa bốn chục dặm, Nan-đà sáu chục dặm, Bồ-tát một trăm dặm. Khi ấy Điều-đạt bắn một mũi tên trúng ngay cái trống để ở cách xa bốn chục dặm chứ không xa hơn. Nan-đà trúng cái trống cách xa sáu chục dặm cũng không thể vượt xa hơn. Những chiến sĩ họ Thích cũng chỉ bắn xa bốn chục dặm không thể vượt xa hơn.
Bấy giờ, đem cung trao cho Bồ-tát, Bồ-tát giương cung, cung liền gãy. Bồ-tát hỏi:
-Trong thành có còn cây cung nào khác hơn để cho con dùng không?
Vua đáp:
-Có.
-Để ở đâu? Bồ-tát hỏi.
Vua đáp:
-Xưa tổ phụ ta tên là Sư tử, với tài sử dụng cung rất là đặc biệt, không ai có thể sánh bằng. Sau khi tổ phụ qua đời, không ai có thể dùng được cây cung ấy nên hiện để ở trong miếu trời.
Bồ-tát thưa:
-Nhân đây có thể xin cho đem đến.
Quân hầu đem cung đến. Những chiến sĩ họ Thích không ai có thể giương nỗi, đem trao cho Bồ-tát. Ngài ngồi tại chỗ, giương cung phát ra tiếng vang khắp cả thành đều nghe. Trăm ngàn người trong nước, Thiên tử trong hư không cất tiếng khen ngợi và đọc kệ:
Ngài ngồi yên tại chỗ
Ngay khi ấy giương cung,
Đủ các nguyện như thế
Ắt chóng thành Phật đạo.
Bấy giờ Bồ-tát cầm cung, gắn tên vào, tức khắc buông ra mũi tên xuyên thủng chiếc trống để cách xa một trăm dặm, mũi tên rơi xuống đất tạo thành một dòng suối, nước tuông lai láng. Mũi tên lại bay xuyên qua núi Thiết vi. Ba ngàn đại thiên quốc độ chấn động sáu cách. Tất cả các Thích tử lấy làm lạ, khen chưa từng có. Chư Thiên trong hư không cùng khen ngợi:
-Thật chưa từng thấy, đó là nghệ thuật chân chánh, thanh tịnh, thật là đặc biệt trong hàng Bồ-tát. I
Bấy giờ, những chiến sĩ họ Thích tiễn đưa nàng Cù-di vào cung vua Bạch Tịnh để làm vợ Bồ-tát. Theo phong tục tập quán ở đời, Bồ-tát hiện tướng vui thích. Trong tám vạn bốn ngàn thể nữ, nàng Cù-di đứng đầu. Hoàng phi Cù-di lòng không thay đổi. Khi nằm nghỉ thường tỉnh biết, rất ít ngủ. Ở nơi nhà thanh vắng yên tịnh tư duy: Ngài sẽ không bỏ ta. Thể nữ thường quay quanh hầu hạ bà Khi ấy đọc kệ:
Vài ngàn người hầu hạ
Suy nghĩ: Ngài do đâu
Mà oai đức chí thành
Ở chỗ giống như lửa
Luôn gìn giữ các căn
Ý không vui gì khác
Như mặt trời soi sáng
Không dùng các mệnh lệnh.
Bồ-tát ở nơi cung điện giữa các thể nữ, mở bày, dạy bảo dẫn dắt tám vạn bốn ngàn thể nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không còn thoái lui.
Bấy giờ trên trời Đâu-suất có một Thiên tử tên là Ứng Xuất Gia, tâm đặt nơi đạo Vô thượng Chánh chân, không còn thoái lui. Ba vạn hai ngàn chư Thiên quyến thuộc vây quanh, đi đến chỗ Bồ-tát, dừng ở cung điện, đứng trong hư không, nhân đó nói kệ:
Bậc sư tử đời này
Đời sau nhận danh xưng
Theo tục ở trong cung
Nơi đời luôn giáo hóa
Tuy ngay nơi thế tục
Dạy vô số Thiên nhân
Hôm nay chính là lúc
Ngài nên đi xuất gia
Các trói chưa được cởi
Người không tham, thấy đạo
Xem xét chỗ nên độ
Vì mù tôi hiện đường
Đời mến của, vợ, con
Giàu, vinh, các sở hữu
Thấy Ngài học tập nó
Ẳt sẽ bỏ, xuất gia
Bỏ bảy báu bốn cõi
Vui chơi,vị giàu sang
Để sống đời xuất gia
Tự tại tòa sư tử
Tri hành tâm an ổn
Không ưa các ái dục
Sinh ra vì việc lớn
Đắc đạo độ trời người
Cúi đầu xin quy mạng
Giống như là núi sông
Xuất gia là tốt đẹp
Thường lập hạnh đặc biệt
Thân Ngài sắc vàng đẹp
Đoan chánh đứng hành đầu
Dựng đạo nên bỏ nước
Lợi ích khắp trời người
Không ham vui ngũ dục
Dốc tâm pháp đặc thù
Thánh tuệ luôn đầy đủ
Việc Hiền thánh độ đời
Chủ ý rất mong muốn
Trong cung vua Bạch Tịnh
Bỏ dần như hoa sen
Suy nghĩ niệm xa lìa
Trần lao đang rực cháy
Nên tránh xa ngục này
Bậc oai đức vô lượng
Chóng lập đạo giải thoát
Bậc nhân từ trí tuệ
Thấy chúng sinh tật bệnh
Lấy pháp làm thuốc chữa
Tạo dựng vui Niết-bàn
Vì diệt đường tăm tối
Trói tà kiến ngu si
Gấp dạy các Thiên nhân
Cho mắt đạo sáng suốt
Chỉ dạy vô số chúng
Trời, Rồng, Thần, Tu-luân
Đã được thành Phật đạo
Lại nghe pháp vô thượng
Vì cứu vua, cầm thú
Ánh sáng chiếu cung điện
Hàng phục đến cúi đầu
Và khiến bốn Thiên vương
Đều xin quy phục Ngài
Nên muốn dâng bốn bát
Thành Phật được như nguyện
Phạm thiên hành thiền định
Quán từ rất xót thương
Khuyên giúp nhân trung tôn
Vui giúp hết tất cả
Chuyển pháp luân vô thượng
Đã đạt được quả Phật
Ngồi dưới cội Bồ-đề
Quán sát tận danh xưng
Nên thấy rõ thành đạo
Và các Bồ-tát khác
Trong cung thấy bàn luận
Vì chúng dạy từ đầu
Đến cuối được an vui
Đã ban lời êm dịu
Niệm, định sắng quyết trao
Chí thành không hư dối
Âm vang, khắp tối thắng.
Phẩm 11: BỐN LẦN DẠO XEM
Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Khi chư Thiên khuyến khích Bồ-tát, phụ vương Bạch Tịnh trong giấc ngủ thấy chiêm bao: Bồ-tát xuất gia, thích nơi thanh vắng, chư Thiên vây quanh. Lại thấy cạo đầu, mặc áo ca-sa. Từ chiêm bao thức giấc, vua liền sai người hỏi xem Thái tử có còn ở trong cung không. Thị giả tâu: “Thái tử hiện đang ở trong cung”. Bạch Tịnh vương vào cung nói với Thái tử: “Hôm nay ta thấy điềm chiêm bao, Thái tử ắt sẽ xuất gia. Vì sao? Vì như điềm chiêm bao kỳ lạ ta vừa thấy, lòng ta tự nghĩ: Thái tử ắt muốn đi dạo xem. Vậy phải ra lệnh sửa sang đường sá, trang trí nơi các ngã tư đường, cho luyện tập đàn ca kỹ nhạc thật điêu luyện, làm cho tất cả đều được thanh tịnh đẹp đẽ. Bảy ngày sau Thái tử sẽ ra xem. Các đường sá phải được sửa sang bằng thẳng, sạch sẽ. Chớ để cho những điều không vừa ý lọt vào mắt Thái tử”.
Quần thần vâng lệnh, đúng như pháp sửa sang xong, treo các cờ xí, tàng lọng, binh lính vây quanh theo hộ tống. Bấy giờ Bồ-tát ra cửa thành phía Đông, với oai nghi lẫm liệt. Ngay khi ấy chư Thiên hóa thành một người già, đầu tóc bạc phơ, mắt lờ, tai điếc, răng rụng, hơi thở khò khè, rên rỉ, còng lưng chống chiếc gậy kéo lê từng bước rồi dừng lại ở giữa đường.
Bồ-tát biết nhưng cố hỏi:
-Đây là người gì mà đầu bạc, răng rụng, thân thể gầy gò như vậy?
Người đánh xe thưa:
-Đây gọi là người già, các căn đã mòn mỏi, hình dáng đổi thay, nhan sắc suy kém, ăn uống không tiêu, khí lực khô cạn, mạng sống đã ngã về Tây, tuổi thọ sắp chấm dứt, cho nên gọi là người già.
Bồ-tát liền nói:
-Đây chính là do pháp ở đời mà có ra nạn này. Tất cả chúng sinh đều có cái họa này. Mạng sống của con người trôi qua rất nhanh, giống như nước từ trên núi cao đổ xuống, một ngày trôi qua nhanh và khó có thể trở lại. Tuổi già đến nhanh cũng như vậy, há lại chẳng khổ hay sao?
Một lòng chuyên nhất, Ngài suy nghĩ ý nghĩa chân chánh. Người đánh xe thưa:
-Không riêng gì người này gặp nạn khổ mà tất cả thiên hạ ai nấy cũng đều như vậy. Đó là lẽ thường ở đời. Bậc Thánh tôn, cha mẹ, bà con dòng họ, trí thức, ai ai cũng đều phải đi đến sự già nua này, vì đều cùng là nghiệp.
Bồ-tát nói:
-Vì không hiểu nghĩa, người ngu tự đại không biết già đến, tự đắm mình vào thế tục, chẳng có thể quay trở lại. Đắm say theo năm món dục lạc thật chẳng lợi ích gì, nó chẳng khác nào lằn chớp giữa hư không.
Trở về cung suy nghĩ kinh điển, thương xót tất cả chúng sinh trong mười phương, Ngài nghĩ: “Nên dùng thuốc pháp, ắt sẽ chữa trị được bệnh này”.
Hôm sau, Bồ-tát lại xin ra dạo xem. Vua ra lệnh quan ngoại cho sửa sang đường sá và quét dọn sạch sẽ.
Bồ-tát cho xe ra cửa thành phía Nam; ngay giữa đường thấy một người bệnh, thân thể gầy đét, bụng lại phình to, nằm ngay bên đường, há hốc miệng kéo từng hơi thở, mạng sống sắp chấm dứt. Bồ-tát biết nhưng lại cố hỏi người đánh xe:
-Đây là người gì?
Người đánh xe thưa:
-Đây gọi là người bệnh đã gần chết. Mạng sống chỉ còn trong giây lát, các đốt xương muốn rã rời. Chút sống thừa chỉ còn như sợi tóc.
Bồ-tát liền nói:
-Vạn vật vô thường, có thân đều phải có khổ. Có sinh thì đều có cái khổ này, làm sao tránh khỏi được! Thân ta không bao lâu nữa cũng sẽ như vậy, lại chẳng đau đớn hay sao? Có thân tất có khổ, không có thân mới có an vui.
Liền cho xe trở về cung. Một ngày khác xin phép vua cha đi dạo xem. Vua sắc quan ngoại sửa sang đường sá cho bằng phẳng, sạch sẽ. Thái tử cho xe ra cửa thành phía Tây, thấy một người chết đặt nằm trên giường, cả nhà vây quanh khiêng ra ngoài thành, khóc lóc thảm thiết, nước mắt như mưa, đầu mặt dính đầy bụi đất, đấm ngực kêu gào: “Vì sao bỏ tôi một mình ra đi?”
Bồ-tát biết nhưng vẫn hỏi:
-Đây là người gì?
Người đánh xe trả lời:
-Đây là người chết. Người sinh ra tất phải có chết, cũng như có mùa Xuân tất phải có mùa đông. Thân này chết rồi thần hồn lìa xa bà con họ hàng. Người vật đều một mối như nhau, không sinh tất không tử.
Bồ-tát đáp:
-Luận về chết là khổ, tinh thần sợ hãi. Có sinh thì phải có cái khổ già bệnh, chết này, là do bên trong đã chín muồi mà đến. Điều đó lại chẳng khổ hay sao? Ta thấy người chết hình thể biến hoại nhưng tinh thần lại không mất. Cho nên Thánh nhân cho thân là khổ hoạn mà kẻ ngu thì quý mến nó cho đến chết cũng không nhàm chán. Ta không thể nào lại lấy cái chết để nhặn lấy cái sống, qua lại mãi trong năm đường làm cho lao nhọc tinh thần ta!
Ngài liền cho quay xe trở về, nghĩ đến việc cứu độ chúng sinh trong mười phương.
Lại một ngày khác, Ngài xin phép phụ vương đi dạo xem. Ra cửa thành phía Bắc, thấy một vị Sa-môn tịnh tu phạm hạnh, yên lặng, thong dong, các căn tịch tịnh, mắt nhìn ngay thẳng, oai nghi phép tắc không mất phép đạo, y phục ngay thẳng, tay cầm pháp khí.
Bồ-tát hỏi:
-Đây là người gì?
Người đánh xe thưa:
-Đây gọi là Tỳ-kheo. Do bỏ tình dục, tâm ý vắng lặng, giống như núi lớn không thể lay động, khó nhiễm ô, như hư không. Tới, lui, cúi, ngước không mất phép tắc mẫu mực. Tâm như hoa sen không hề bị nhiễm, cũng như ngọc minh châu. Lục thông thông suốt không hề ngăn ngại. Từ bi thương xót đối với tất cả, muốn cứu độ khắp mười phương.
Bồ-tát liền nói:
-Lành thay! Chính đây mới đúng là chỗ ta hằng ưa thích. Tâm ý vắng lặng, tự thương xót cứu độ kẻ khác, nghiệp lành mau chóng thành quả cam lộ.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Phụ vương Bạch Tịnh xem xét đức hạnh của Bồ-tát, thấy nghe Bồ-tát không ưa thích sự giàu sang ở đời, tâm như hư không mà lòng càng lo sợ. Sợ Thái tử sẽ xuất gia nên ngày đêm lo giữ gìn, cho xây cao thêm tường thành và đào sâu các đường hào quanh thành. Thay lại cửa thành. Tiếng đóng, mở cửa nghe xa bốn chục dặm. Đặt các lực sĩ khoẻ mạnh, mặc áo giáp, cầm gậy đứng ở bốn cửa thành canh giữ. Răn bảo tất cả binh sĩ chớ để sơ hở, sẽ không cho Thái tử bỏ xuất gia. Ở trong cung tăng cường thêm các thể nữ đàn ca, hát xướng, vui chơi cốt để làm cho Thái tử được vui, không còn ôm lòng sầu muộn.
Vị bồ-tát ấy đời trước đã từng chứa nhóm trí đức, nên ngay khi còn ở trong thai mẹ đã có oai thần lành tốt. Trong giấc chiêm bao thấy công huân phước lộc của Ngài rất là to lớn. Mười phương tự nhiên có bảo cái che khắp ba cõi được an ổn, chỉ dạy cho tất cả diệt trừ các đường ác.
Ở ngã tư đường, có chim bốn sắc biến làm một sắc, thấy các thứ dơ nhớp, đi ngang qua đó mà không bị dơ chân. Lại có con sông lớn tràn đầy nước, chúng sinh muốn qua mà không thể vượt được, sinh lòng sợ hãi liền vượt qua được. Thấy vô số người đều bị bệnh tật không có thầy thuốc chữa trị, liền vì họ làm vị thầy chữa trị vô số bệnh tật khiến cho tất cả không còn có sự đau đớn. Tự thấy thân mình ngồi trên tòa sư tử; Thiên nhân trên hư không chắp tay cúi đầu. Thấy ở nơi chiến trường hàng phục oán địch, vô số chư Thiên ở trong hư không hầu hạ. Đây chính là Bậc Thánh nhân thấy trong giấc mộng, thanh tịnh tốt lành, đầy đủ chánh hạnh. Thiên nhân nghe, trong lòng vui mừng. Không lâu Ngài sẽ thành đạo, làm Bậc Thầy tôn quý trong hàng trời người.
Bấy giờ Bồ-tát khởi ý nghĩ: “Giả sử ta không đến từ giã phụ vương mà đi xuất gia là điều không nên”. Liền ngay giữa đêm khuya thanh vắng tự ra khỏi cung thất của mình, đi đến cung điện phụ vương, xem xét khắp cung điện mà lòng không hề sợ. Ánh sáng chiếu khắp nơi. Vua thức giấc, thấy ánh sáng liền sai người xem xét bốn cửa thành, binh tướng không ra, vì sao có ánh sáng này chiếu sáng cùng khắp?
Quân hầu đến bạch:
-Trời còn chưa sáng, mặt trời cũng chưa mọc, tự nhiên có ánh sáng chiếu trên các vách tường và cây cối. Muôn chim ca hót vang lừng và cùng nhau muốn bay về phía có ánh sáng. Đây là ánh sáng tột bậc, êm dịu, an ổn, mát mẻ, hòa nhã. Vách tường, cây cối hoàn toàn không có bóng in lên. Bấy giờ, Đấng chí đức ở nơi ấy tư duy xem xét khắp bốn phương, ngồi ngay chỗ cửa sổ.
Khi ấy có các vị Thiên nhân muốn đi nhưng không đi được, Ngài mong muốn cho phụ vương biết mà thức dậy. Bồ-tát đứng ngay thẳng bày tỏ ý của mình với phụ vương:
-Xin phụ vương chớ ôm lòng sấu lo buồn khổ, chớ nghĩ ngợi xa xôi. Chư Thiên khuyến giúp con nay nên xuất gia. Con xin nhận lỗi mình chưa giúp nước.
Vua cha nghe nói thương khóc rơi lệ hỏi Thái tử:
-Chí nguyện của con như thế nào? Khi nào con mới trở về cùng ta bày tỏ cho thỏa lòng nhớ thương, mong đợi? Ta nay tuổi đã già yếu, nước nhà không có người thừa kế.
Bồ-tát liền đem lời êm dịu bày tỏ cùng phụ vương:
-Con muốn xin bốn điều. Giả sử phụ vương cho con được hoàn toàn tự tại với bốn điều nguyện này, con sẽ không xin đi xuất gia. Bốn nguyện đó là:
1. Con muốn luôn luôn được trẻ mãi không già.
2. Con muốn trọn đời không bệnh tật.
3. Không chết.
4. Không xa lìa.
Thần tiên ngũ thông tuy trụ một kiếp cũng không tránh khỏi cái chết. Giả sử phụ vương cho con bốn nguyện này, con sẽ không xin đi xuất gia.
Vua nghe càng buồn thêm và bảo:
-Bốn nguyện ấy từ xưa đến nay không ai đạt được. Ai là người có thể tránh khỏi được bốn nạn này. Con như sư tử khuyên giúp, thương xót và độ thoát chúng sinh mà thực hiện đầy đủ nguyện này.
Bấy giờ Bồ-tát ra khỏi cung điện, một lòng vững chắc không nhìn thấy cảnh tượng chung quanh. Phụ vương sáng sớm thức dậy liền đăng triều họp dòng họ Thích và đem việc này báo cho họ biết:
-Thái tử chắc chắn bỏ nước xuất gia, học đạo. Các khanh nên bày kế gì để giữ Thái tử lại?
Các người thuộc dòng họ Thích tâu:
-Phải luôn luôn theo giữ. Vì sao? Vì các bà con trong dòng họ Thích đông nhiều vô số. Thái tử dầu có sức mạnh nhưng làm sao có thể một mình ra khỏi được.
Khi ấy Bạch Tịnh vương ra lệnh năm trăm người trong dòng họ Thích có nhiều sức khỏe, có nhiều mưu kế, phương tiện, chỉ dạy năm trăm binh lính học hết tất cả các chiến thuật, sai đại lực sĩ đứng ở cửa thành phía Đông canh giữ Bồ-tát. Mỗi một lực sĩ họ Thích có năm trăm binh đi theo; mỗi một binh lính có một chiếc xe chở năm trăm người theo canh giữ Bồ-tát. Khắp bốn cửa thành thảy đều như vậy. Các ngã tư đường cùng tất cả các con đường làng, các cổng làng cũng đều như vậy cả.
Tự thân phụ vương cùng với năm trăm Thích tử vây quanh, cỡi xe voi, ngựa đứng giữ ở cửa cung của mình ngày đêm không ngủ.
Bấy giờ hoàng hậu Đại Ái Đạo bảo với các thị tùng:
-Ban đêm đốt đèn, đốt hương, chớ có ngủ nghỉ. Nay bậc ly cấu không thích ở trong cung, ắt muốn xuất gia. Chúng ta hãy cùng nhau ngăn giữ, chớ để cho Ngài đi. Trổi các kỹ nhạc cho Ngài được vui, đóng chặt tất cả các cửa, không được cho mở tự do. Trang trí các cờ lọng lụa là. Các cửa sổ phải trang sức đẹp đẽ. Rừng cây ăn trái, các phẩm vật đều trưng bày ra khiến cho Ngài nhìn thấy; giả sử Ngài muốn đi nhưng vì yêu mến những cảnh bày ra đây mà có thể không đi.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Bấy giờ có hai mươi lăm tướng quân quỷ thần và tướng quân Bàn-xà quỷ, quỷ tử mẫu và năm trăm người con... đều cùng nhóm họp và bàn luận với nhau:
-Ngày hôm nay Bồ-tát bỏ nước xuất gia, chúng ta hãy cùng nhau theo hầu hạ, cúng dường.
Lại Tứ Thiên vương cùng một lúc bảo khắp với các quỷ thần:
-Ngày hôm nay Bồ-tát bỏ nước, bỏ ngôi vua, các ngươi hãy siêng năng hầu hạ cúng dường.
Các quỷ thần này đều đem theo năm trăm loại binh, thế lực mạnh mẽ giống như kim cang không có thể phá hoại, siêng năng dũng mãnh giúp đỡ chúng sinh. Thân của quỷ cao lớn như núi Tu-di, không để cho những việc không tốt xúc phạm đến bậc chí đức. Thích, phạm, Viêm thiên, Đâu-suất thiên, Vô Mạn thiên, Hóa tự tại thiên đều sắc vô số trăm ngàn các quan thuộc hạ trước sau theo dẫn đường, hoa hương, kỹ nhạc, nước hương rưới xuống đất, cùng nhau theo hầu hạ Bồ-tát. Thích, Phạm Thiên vương theo hầu ở hai bên.
Khi ấy có Thiên tử tên Tịnh Ý bảo:
-Ta sẽ giúp đỡ nước Ca-duy-việt, giúp cho tất cả nam nữ đều được an hòa.
Có Thiên tử tên Quang Âm tự nói:
-Thân ta sẽ hóa làm ra tất cả voi, ngựa, xe chở nam nữ xướng lên âm thanh. Giả sử có người nào không nghe được cũng khiến cho tâm của người đó được vắng lặng không còn nghĩ nhớ.
Có Thiên tử tên Thanh Tịnh bảo:
-Ta sẽ ở trong hư không lập bảy cỗ xe lớn treo thòng tất cả mặt trời, mặt trăng và ngọc châu chiếu sáng rực rỡ. Chưng bày tràng phan bảo cái, rải hoa, đốt hương, sửa sang đường sá hầu hạ Bồ-tát.
Long vương La-mạt nói:
-Ta sẽ hóa làm ba vạn sáu ngàn cỗ xe để ở các ngã tư đường và sai chư Thiên ngọc nữ đến ngồi trên đó trổi các kỹ nhạc cúng dường hầu hạ Bồ-tát.
Thiên đế Thích nói:
-Ta sẽ đem quyến thuộc đi ở trước dẫn đường Bồ-tát.
Bồ-tát Pháp Hạnh nói:
-Ta sẽ nổi mây sắc vàng ròng, mưa hương thơm chiên-đàn cùng khắp thiên hạ.
Long vương Hòa Lân, Long vương Ma-na-tư, Long vương Tán Câu, Long vương A-nậu-đạt, Long vương Nan-đầu-hòa-nan đều tự nói cũng sẽ nổi mây sắc vàng ròng, mưa hương thơm chiên-đàn vi diệu.
Như vậy, này các Tỳ-kheo, Trời, Rồng, Quỷ thần, Càn-đạp-hòa... tâm luôn mong muốn được gần gũi, thăm viếng, hầu hạ Bồ-tát. Bồ-tát suy nghĩ pháp chánh đạo, ưa mến sự an ổn, vào trong cung suy nghĩ đến các việc làm của chư Phật trong quá khứ, thương xót chúng sinh, cho nên từ khi mới phát tâm hành đạo cho đến lúc thuần thục không xả bỏ bốn nguyện. Những gì là bốn?
1. Trong khi học đạo, giả sử ta thành Chánh giác, sớm đạt được Nhất thiết trí, mặc áo giáp hoằng thệ, cứu các nạn khổ cho tất cả chúng sinh, ta sẽ giúp cho chúng sinh thoát khỏi sự trói buộc của sinh, già, bệnh, chết trong ba cõi. Chúng sinh nương nơi thế tục bị các nạn khổ vây quanh, ta sẽ khiến cho đạt đến sự vắng lặng, không còn ân ái ràng buộc. Đây là nguyện thứ nhất.
2. Chúng sinh chìm đắm trong vô minh tăm tối, hoàn toàn không hiểu biết. Vì ngu si che lấp nên sinh ra các tư tưởng bất tịnh. Ta sẽ vì họ mở bày con mắt tuệ thanh tịnh, thấu suốt trong ngoài không giới hạn. Đây là nguyện thứ hai.
3. Chúng sinh ở đời dựng cờ tự đại, thường mưu tính cho cái ngã của mình mà sinh lòng tham đắm thân mạng. Trọng mình khinh người, tâm luôn ở trong sự điên đảo tà kiến. Vô thường thì cho là thường. Tâm không ham mến đạo Thánh, đọa nơi ba nghiệp. Ta sẽ vì họ chỉ dạy khiến cho tất cả đi vào đạo chân chánh. Đây là nguyện thứ ba.
4. Chúng sinh chìm đắm trong biển sinh tử, trôi lăn không bờ không bến, diệt mất gốc trí tuệ, mê lầm trong năm đường không có thể tự cứu. Ta sẽ vì họ nói pháp, làm cho tất cả đều được độ thoát. Đây là nguyện thứ tư.
Ta ở trong đời trước thường lập bốn nguyện này, nay đã đạt được, không thể trái bỏ; cho nên xuất gia thành tựu chánh giác độ thoát mười phương.
Bấy giờ Thiên tử Pháp Hạnh, Thiên tử Tịnh cư đi vào cung điện tự hiện ra hình tượng. Hình tượng vui chơi biến đổi vô thường, ở ngay trong hư không; khi ấy vì Bồ-tát nói kệ:
Thiên tử trên không khen
Sen giác ngộ lặng sáng
Vì sao tại ngũ dục
Đại Thánh bỏ nhà cửa
Nhận lời ta khuyên giúp
Nên xem xét trong cung
Thấy nhiều người mê hoặc
Như thấy chết trong đời.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 8 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Kim Cang


Sống thiền


Truyền thuyết về Bồ Tát Quán Thế Âm


Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.37.129 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập