Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phổ Diệu Kinh [普曜經] »» Bản Việt dịch quyển số 4 »»

Phổ Diệu Kinh [普曜經] »» Bản Việt dịch quyển số 4


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.55 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.64 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phổ Diệu

Kinh này có 8 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 12: XUẤT GIA
Bấy giờ Bồ-tát nhìn khắp tất cả những người thân thuộc, thấy các kỹ nữ giống như những người gỗ trăm đốt rỗng không, trông rỗng như ruột cây chuối, chẳng có thật, kẻ thì tựa đầu lên chiếc trống, người thì gượng ôm lấy cây đàn, gối đầu lên cánh tay, cổ chân nhau nằm la liệt khắp trên sàn nhà, nước mắt nước mũi, nước dãi chảy ra. Các thứ nhạc khí đàn cầm, đàn tranh, ống tiêu, ông địch vung vãi ngổn ngang. Những loài chim canh gác đều ngủ say.
Bồ-tát quán sát khắp mọi người rồi quay lại nhìn người vợ, thấy nơi đó đầy cả hình thể, tóc, móng chân tay, tủy não, xương, răng, đầu lâu, da, thịt, gân, mạch, máu mủ, tim, phổi, lá lách, thận, gan, mật, ruột, dạ dày, phẩn, nước tiểu, nước mắt, nước dãi. Bên ngoài nhờ một lớp da bao bọc, nhưng bên trong là chỗ chứa đựng của bao nhiêu vật hôi thôi, nhơ nhớp, chẳng có một chút gì là đặc biệt quý báu, gượng lấy hương thơm xoa ướp, dùng hoa hòe trang sức điểm tô cũng chẳng khác nào của tạm mượn phải hoàn trả lại; lại cũng chẳng được bao lâu. Mạng sống trăm năm nhưng ngủ nghỉ đã mất đi phân nửa; lại còn bao nhiêu thứ buồn lo chi phối. Cái vui thật chẳng được là bao!
Phóng túng làm hỏng đức, khiến con người trở thành ngu si. Đó không phải là điều mà chư Phật, Duyên giác và các bậc Chân nhân khen ngợi. Cho nên tham dâm đưa đến già, sân hận đưa đến bệnh, ngu si đưa đến chết. Trừ sạch được ba điều này mới có thể đắc đạo.
Tất cả những vật sở hữu đều như mộng huyễn. Ba cõi không có chỗ nhờ, chỉ có đạo mới là nơi có thể nương tựa. Ngay khi ấy đọc kệ:
Thấy họ càng thương xót
Than thở, phát đại Bi
Đời ác độc khổ đau
Cớ sao ưa ái dục?
Xót thương kẻ ngu tối
Dục khổ lại nói vui
Xả tham, ưa trí tuệ
Không xả, không được an.
Bấy giờ Bồ-tát theo cảnh ấy xem xét nơi hậu cung phát khởi lòng thương rộng lớn, thấy như vậy rơi lệ, lòng Ngài rất xót thương cho họ. Người si có ba mươi hai cái hại đối với chúng sinh:
-Người ngu mê lầm bị điều ấy làm hại sinh ra tám nạn.
-Chỗ nhận thức bị nhiễm nhơ, cũng giống như chiếc bình đẹp đẽ đựng đầy thuốc độc, người ngu không hiểu cho là cam lộ.
-Người ngu mê lầm như bị cuốn,trong dòng nước dữ.
-Người ngu ưa thích việc đó như uống nước độc.
-Người ngu ở đó như con chó gặm cục xương.
-Người ngu rơi vào đây như đi vào khói mù.
-Người ngu tham điều xấu như mực bôi lên áo.
-Người ngu bị ách này như chim bị sa lưới.
-Người ngu bị dục lôi kéo giống như đồ tể lôi súc vật.
-Người ngu dù gần sát bên cũng không thấy được tai nạn sẽ đến.
-Người ngu chìm đắm vào đó như con trâu già bị sụp vũng lầy.
-Người ngu rơi vào đây giống như thuyền bị lủng, chìm trong biển lớn.
-Người ngu rớt vào đây như người mù bị ném vào hang sâu.
-Người ngu không biết hạn lượng, như vực sâu không đáy.
-Người ngu bị cháy thiêu ở đây như trời đất gặp kiếp thiêu.
-Người ngu mê đắm như bánh xe quay vòng không có đầu đuôi.
-Người ngu luồn lách theo đây như người mù vào núi.
-Người ngu rong ruổi luông tuồng theo đây như con chó bị cột cổ không rứt ra được.
-Người ngu tiêu diệt điều này như mùa đông đốt cây cỏ.
-Người ngu ngày một hao tổn theo đây như mặt trăng sau ngày rằm.
-Người ngu chinh phục điều này như những con rồng con gặp chim kim sí.
-Người ngu gặp điều này như cá Ma-kiệt nuốt chửng thuyền bè lớn.
-Người ngu buồn bực về điều này như cửa hàng buôn bán gặp giặc cướp.
-Người ngu lo sợ điều này như cây lớn bị đốn.
-Người ngu lo rầu việc này như gặp rắn độc.
-Người ngu ưa thích việc này như đem mật bôi lên lưỡi dao rồi đưa cho trẻ con liếm.
-Người ngu mê đắm điều này như lửa đốt cây khô.
-Người ngu gặp việc này như trẻ con đùa giỡn với vật nhọn.
-Người ngu bị điều này điều khiển như voi bị câu móc.
-Người ngu mất hết gốc đức như kẻ đánh bạc bị mất của và công lao phước lộc cũng tiêu tan.
-Người ngu bị vứt bỏ như thương gia phóng đãng rơi vào nơi quỷ dâm.
Đây là ba mươi hai việc xét thấy nơi hậu cung. Xem thấy các thể nữ Ngài khởi tưởng bất tịnh, tự mắng thân mình, thân ngồi trên hoạn hại. Chớ nên có ý nghĩ tham đắm thân này. Nên vào nơi thanh vắng yên tịnh, tâm không dính mắc, ngay khi đó đọc kệ.
Xét từ đầu đến chân
Thấy không một chút sạch
Chớ nên tham thân này
Đây là nơi gây tội
Do đó phải xa thân
Mũi dãi chảy nhơ nhớp
Do đây chớ yêu mến
Hạnh sạch như hoa sen
Bỏ vô số bất tịnh
Khởi bình đẳng điều định
Do biết các chân lông
Như trùng không thể mến
Thân này giống như voi
Xương, tủy, thịt, máu hợp
Gân, mạch cùng da bọc
Lông, tóc, các móng, răng
Có tám vạn loài trùng
Ngày đêm thi nhau gặm N
ếu người có trí tuệ
Trọn không nghĩ đến thân.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Bồ-tát xét thấy thân tâm suy tư về những điều trên, chư Thiên cõi Dục ở trong hư không đều biết rõ những điều suy nghĩ của Bồ-tát.
Thiên tử Pháp Hạnh từ xa bạch với Bồ-tát:
Cúi xin Đại thánh, giờ đã đến, sao Ngài còn chậm trễ?
Lúc ấy Bồ-tát quán sát nơi hậu cung, thấy tâm ý, các căn đều vô thường, biết thân tồn tại không lâu, cũng giống như dòng nước trôi đi không trở lại. Việc làm của người đời là mưu tính cho cái ngã của mình. Hễ ở đâu có cái ngã của mình thì có sự chấp chặt sâu dày. Người có đạo hạnh cùng tột mới là người đứng đầu, quán sát đúng các cảnh giới nên mến thích sự an vui của bậc Thánh, còn người chấp cái ngã của mình thì tự cho ngã là tôn quý. Tâm không dính vào một chỗ nào mới nên hành đạo.
Thiên tử Pháp Hành lại bạch:
-Không dùng hạnh này để đạt quả vị Phật. Hiện tại trong việc hành đạo chỗ tu rất là khó, phải xét thân mình đồng như hang núi, chính đó mới là rốt ráo của bậc Bồ-tát đại sĩ Nhất sinh bổ xứ.
Bấy giờ Bồ-tát đối với mọi việc đều thông suốt, tâm Ngài vững chắc, tâm suy tư sáng rõ, vui vẻ trong lòng, mục đích là phụng sự giúp đỡ mọi người xa lìa trần cấu, không vì cung kính, chỉ vâng theo đạo mà thôi, từng niệm, từng niệm an ổn, thanh thản như nước trong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trong lòng vui vẻ, quan sát khắp mọi người đang ở trước mặt, rồi vén bức màn báu trang sức, bước lên giảng đường, chắp tay niệm danh hiệu chư Phật trong mười phương và từ xa đảnh lễ các Ngài. Xem thấy trong hư không trăm ngàn chư Thiên đều đi đến vây quanh rải hoa, đốt hương, dâng các loại hương bột, dùng y phục, lọng lụa trang sức, tay cầm tràng phan bảo cái cùng các dụng cụ cúng dường, cúi đầu làm lễ Bồ-tát. Thấy Tứ Thiên vương, Quỷ thần, La-sát, Càn-đạp-hòa... Các chúng Long Vương đều mặc áo giáp, vứt bỏ hết các điều không tốt lành, sạch hết các hạnh xấu, buông rủ ngọc anh lạc, cúi đầu lạy Bồ-tát. Các Thiên tử ở trong cung điện nhật nguyệt... đứng ở hai bên cầm hoa hương, lọng lụa, tràng phan, báo cái.
Bấy giờ đã gần nửa đêm, Bồ-tát bảo Xa-nặc:
-Hãy mau thức dậy sửa soạn yên cương cho con bạch mã. Ngày hôm nay đúng là ngày tốt, nên ra đi.
Xa-nặc nghe nói trong lòng buồn rầu, nước mắt tuôn trào:
-Việc làm Ngài bình đẳng sáng suốt, thanh tịnh giống như sư tử. Nay sắp lên đường, xin Ngài dạy bảo.
Sắc diện đoan chánh như trăng rằm trung thu. Nhan mạo hòa vui không gợn một vết nhăn, chỗ hiểu biết trong sạch giống như hoa sen. Âm thanh hòa nhã, trong sáng như ngọc minh châu. Các anh lạc báu nơi thân chiếu sáng rực rỡ. Tâm như hư không, như vua trong loài hươu, đi như nhạn vương một mình bay đi không hề sợ nguy hiểm. Mọi người đều theo, nay muốn xuất gia.
Bấy giờ Bồ-tát lại bảo với Xa-nặc:
-Muốn chọn ngựa trắng, nhiều đời đã từng đi sẽ đưa đến quả Thượng tôn. Vợ con, ân ái, của báu, sự nghiệp giàu sang, tất cả chỉ là lao ngục, là những thứ xưa nay ta tránh xa không ưa thích, chỉ muốn giữ giới, phụng hành nhẫn nhục, tu tinh tấn lực, thiền định, trí tuệ, điều mà tâm ta hằng ưa thích. Từ vô số trăm ngàn ức kiếp đã từng phụng hành là chí hướng hâm mộ được thành đạo, đoạn nguồn gốc sinh tử, trí tuệ sáng suốt chỉ dạy cho tất cả chúng sinh. Từ đây trở đi không còn ưa thích giàu sang phú quý, bổng lộc, chỉ để chí nơi đạo lớn.
-Lúc ta mới sinh, Phạm thiên, Đế Thích tự hiện xuống đảnh lễ, ngay khi ấy ta đã quyết định việc này. Vua hỏi thế nào, A-di đáp: “Nay đây một tướng của Thái tử có đủ cả trăm phước, oai thần sáng chói không ai có thể sánh kịp. Nếu người ở đời làm Chuyển luân thánh vương sẽ làm chủ cả bốn châu thiên hạ. Nếu không thích ở đời, bỏ nước xuất gia làm Sa-môn thời sẽ thành Phật, dứt hẳn sinh, già, bệnh, chết, dùng chánh pháp giáo hóa không hề sao lãng!”
Xa-nặc bạch:
-Xin nguyện y theo lời Ngài dạy.
-Khi ấy ngươi có nghe về năm dục lạc không?
Đáp:
-Không. Theo ý bậc Thiên tôn thì phải tạo vô lượng hạnh, nhưng con sống ngu tối không hiểu biết gì, nuôi dưỡng tóc râu, vì thân thể này mà gây khổ hoạn, tăng thêm tội lỗi chồng chất, chịu nhiều khổ đau.
Bồ-tất bảo:
-Chư Thiên, người đời đều cầm hương hoa hiện ra trước mắt, đồng đến nhóm họp, biểu hiện sức thần túc để hầu hạ ta.
Xa-nặc bạch:
-Nay trong vườn hoa trổ đầy hoa trái, các loài chim đua nhau ca hát vang lừng. Trong những ao tắm có các loại hoa sen, hoa phù dung xanh, thanh khiết. Có các con đường rộng rãi, bằng thẳng, các hàng cây quý được cắt xén, sửa sang ngay thẳng, đẹp đẽ. ở chỗ tám con đường giao nhau được trang trí các loại trướng báu. Mùa hè dạo chơi trong đó rất là vui thích. Đủ các môn ca nhạc đặc biệt được trình diễn để cùng nhau vui chơi. Mọi người đều cùng vâng thờ cấm giới, nói những lời chí thành. Từ khi Thái tử đản sinh, thường thuận theo ý Ngài, không vượt qua những lời Ngài dạy bảo. Khi còn niên thiếu sắc diện tươi sáng, tóc đen mướt, mọi người đều thích. Cúi xin Ngài nên bằng lòng với điều đó. Đời sống như vậy, sao Ngài lại bỏ ra đi?
Bấy giờ Bồ-tát lại bảo với Xa-nặc:
-Xa-nặc hãy thôi, đừng nói nữa! Dục lạc ấy không thường, không có thể giữ được lâu dài. Sự biệt ly cũng giống như dòng nước sông trôi chảy, không bao giờ trở lại, không có thể giữ được mãi mãi, đó là hoặc nghiệp mê lầm, giống như đưa nắm tay không ra để dối gạt trẻ con. Nó mềm yếu, không bền vững, giống như tường vách đất bùn, không thể nương tựa. Như lằn chớp giữa không trung, thoáng chốc đã diệt mất. Lại cảnh giới này không chân thật; kẻ ngu tối cho đây là an ổn, mà ta thấy nó dối lừa như bọt nước, vừa mới nổi lên liền tan mất; ở ngay chỗ điên đảo, cũng như đám bọt nổi trên mặt nước, như huyễn hóa, chiêm bao. Năm món dục lạc không bao giờ thỏa mãn; cũng như biển nuốt các dòng, như khát uống nước mặn, càng tăng thêm khổ hoạn mà thôi. Vô thường của dục chỉ có người trí mới có thể biết, người ngu không thể hiểu, cũng giống như người mù bị quăng vào hang tối. Xa-nặc nên biết, bùn ngũ dục không sạch. Ngạ quỷ, súc sinh do vì không hành thiện nên mất đi phẩm hạnh trong sạch, tăng thêm cảnh giới ma, oán kết đấu tranh, buồn rầu đau khổ, cùng với dâm quỷ gặp nhau. Người giác ngộ dứt bỏ, người thông minh xa lìa, bậc minh triết tiêu diệt. Người vô trí học tập theo như uống thuốc độc, là điều chư Phật hủy bỏ, người có trí học tập theo Thánh giáo.
Lúc đó đọc kệ:
Bỏ dục như ghẻ độc
Như bỏ những phẩn nhơ
Thấy chúng dục phát sinh
Vứt bỏ hằng an ẩn.
Phẩm 13: BẢO XA NẶC THẮNG NGỰA
Bấy giờ Xa-nặc bạch với Bồ-tát:
-Tuy Ngài hiểu rõ như vậy, không còn ham thích sự giàu sang phú quý ở đời, thường không có ý nghĩ đến các thứ anh lạc quý báu, vượt thoát tự tại, không còn nhìn lại, danh đức vang lừng; và đàn sáo, đàn bầu với vô số loại kèn, các loại trống và kỹ nhạc đủ loại, âm thanh hòa nhã, ưa giúp sự nguy ách, âm thanh như chim loan, phát ra như ma-ni, hoa tu-mạn, sen xanh và tư di, mùi thơm ngọt ngào lan tỏa khắp nơi, đốt các loại danh hương, hương bột, hương tạp, rất sung sướng với các món ăn uống thượng vị. Được cung cấp đầy đủ với trăm vị tô mật, đường phèn... Vì sao Ngài lại muốn xả bỏ thú vui của năm món dục? Đó là điều hạ thần ưa thích, cũng giống như là ngôi vị Đế Thích thường muốn được an ổn mãi ở trên trời.
Bồ-tát bảo:
-Từ vô số kiếp ta, đã từng vứt bỏ những việc này. Cội gốc ái đục là các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc. Ta thường xuyên qua lại trên cõi trời và thế gian, chán ngán giàu sang sung sướng, khi làm Chuyển luân vương có ngàn người con và bảy báu, dạo chơi khắp bốn cõi thiên hạ, nhưng địa vị giàu sang vinh hiển vô thường như giấc chiêm bao. Ở trong hậu cung, giữa đám thể nữ chẳng có gì quyến rũ. Trở lên chư Thiên và cung Đâu-suất cũng không đúng với chí của ta nên lại xả bỏ kia để đến đây, huống là các thứ dục lạc xấu xí ở cõi này mà tham đắm ư? Nay ở nơi đây như là ở ngay trong các nạn sinh tử, khổ não, bất tịnh. Đời sống vô thường, còn có nhiều họa hoạn về sinh, lão, bệnh, tử tàn ác độc hại, sợ hãi. Nhiều đời ta chứa nhóm công đức, thường tự trách mình, xây dựng thuyền pháp, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ, tâm như kim cang, đã thành thuyền lớn vượt qua tai nạn của bốn sự quấy nhiễu: sinh, già, bệnh, chết, lo nghĩ chúng sinh đang mê đấm nơi tham dục, muôn làm cho chúng đều được vĩnh viễn an vui, không thân thiện với dục tham, khiến không bị làm hại, dẹp các hữu lậu, cứu hộ tất cả những kẻ tà kiến dị học làm cho đều được độ thoát hết, cứu các hạng người thấp kém, xấu ác khiến cho họ được qua bờ bên kia, không còn sinh, già, bệnh, chết.
Bấy giờ Xa-nặc càng thêm đau buồn, bạch với Bồ-tát:
-Vì thế cho nên Ngài phải ở lại nơi đây để quyết định cho xong vấn đề đi hay ở.
Bồ-tát bảo:
-Nghe ta quyết định: Ta vì thương xót chúng sinh muốn độ thoát hết, nên tâm trụ vững chắc như núi Tu-di không thể nghiêng đổ.
Xa-nặc lại hỏi:
-Chánh sĩ thế nào?
Bồ-tát đáp:
-Vững chắc như kim cang, việc làm trong sạch, siêng năng tu hành để đạt đến giác ngộ. Giả sử có đem gậy lớn đập bể đầu ta, ta cũng không bao giờ còn trở lại mến chuộng sự giàu sang vinh hiển ở đời.
Lúc ấy chư Thiên đang ở trong cung điện của họ, nghe những lời Bồ-tát dạy như vậy, đồng cất tiếng khen ngợi:
-Lành thay! Lành thay!
Rồi rải xuống những loại hoa trời tối thượng bậc nhất chúc mừng Ngài chiến thắng. Ngài sẽ vì mọi người làm vị thuyền sư tôn quý nhất trong loài người, tâm không dính mắc, cũng không khiếp sợ, tiêu trừ sạch hết những tối tăm si ám của khói trần lao xông ướp.
Không còn cảnh giới tà, tâm hoàn toàn an ổn, như chiếc thuyền bền chắc, sẽ vượt qua đến bờ bên kia.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Thiên tử Tịch Ý, Thiên tử Diệu Tịch, ở trong hư không cùng tất cả nam nữ trong thành nghe Bồ-tát quyết định như vậy đều cùng vui mừng khen ngợi: “Lành thay!”, rồi cùng tự trở về.
Bấy giờ Bồ-tát thấy mọi người trong thành đều ngủ say, xem thấy đã nửa đêm, Ngài liền trở dậy. Sao Phí vừa xuất hiện, Ngài biết đã đến giờ có thể ra đi, liền bảo Xa-nặc thắng yên cương cho ngựa Kiền-trắc. Bồ-tát vừa mới nói ra lời này, ngay khi ấy Tứ Thiên vương nghe lời Bồ-tát dạy, liền đến ngay trong thành Ca-duy-la-vệ, đứng ở sân trước cúng dường Bồ-tát.
Đề-đầu-lại-tra cùng vô số trăm ngàn ức Kiền-đạp-hòa đều đội mão từ phương Đông đến, đứng ở cõi phương Đông cúi đầu lạy Bồ-tát, đánh các kỹ nhạc ngay trong hư không.
Thiên vương Tỳ-lưu lặc-xoa cùng vô số trăm ngàn ức Cưu-đao đều mặc áo giáp từ phương Nam đến, đứng ở cõi phương Nam cúi đầu lạy Bồ-tát, đánh các kỹ nhạc ngay trong hư không.
Thiên vương Tỳ-lưu-la-xoa cùng vô số trăm ngàn ức loài rồng cũng đều đến nhóm, mỗi vị mang các loại anh lạc báu từ phương Tây đến, đứng ở cõi phương Tây cúi đầu lạy Bồ-tát.
Thiên vương Tỳ-sa-môn cùng vô số trăm ngàn ức Dạ-xoa tay cầm diễm quang minh châu sáng chói rực rỡ, thân mặc giáp trụ từ phương Bắc đến, đứng ở cõi phương Bắc, cúi đầu lạy Bồ-tát.
Thiên đế Thích, Phạm cùng vô số trăm ngàn ức chư Thiên tay cầm hương hoa, tạp hương, cưu hương, lọng hoa, tràng phan đến đứng trong hư không cúi đầu lạy Bồ-tát.
Bấy giờ Xa-nặc nghe Bồ-tát nói, nước mắt ràn rụa, bạch với Bồ-tát:
-Cúi xin bậc con của Hiền thánh biết rõ thời gian ý nghĩa, đêm nay không phải lúc ra đi.
Bồ-tát dạy:
-Đêm nay đã đúng lúc. Vì sao? Vì ta từ lâu luôn luôn cầu nguyện, Vì các chúng sinh chỉ bày dấu vết đạo. Nay đúng là lúc thích hợp, phải độ chúng sinh đi đến chỗ nhàn tịnh an lạc.
Ngay khi ấy đọc kệ.
Thiên vương tại hư không
Cũng như Thiên đế
Thích Viêm thiên và Đâu-suất,
Vô-mạn, Hóa tự tại
Hòa-luân, Da-tư long,
Hải long, A-nậu-đạt
Đều đến muốn cúng dường
Thấy Phật khi xuất gia
Sắc giới các Thiên nhân
Tu tịch thường hành thiền
Đều cùng đến cúng dường
Ba cõi đều tự về
Khai sĩ mười phương đến
Nhiều đời đã tạo hạnh
Muốn vượt thắng xuất gia
Theo thời mà phụng sự
Công huân lớn cùng tột
Kim cang thường trụ không
Mặc giáp sức tinh tấn
Tâm vững động cả biển
Các Thiên tử Nhật Nguyệt
Hầu hạ hai bên Ngài
Thấy Tịch Nhiên xuất gia
Chấp hai tay làm lễ
Các Thiên tử khuyến khích
Ngài phát đại tinh tấn
Xét các pháp khổ não
Nên diễn âm thanh hòa
Lành vui đều toàn vẹn
Giờ kính cầu đã đến
Tôi cũng được gặp Ngài
Không ngại chắc khéo ở
Sao Phí đã xuất hiện
Đã biến thể vi diệu
Các thế lực ở trước
Đều muốn cùng theo hầu.
Bồ-tát từ tòa ngồi đứng dậy, liền đứng ở giữa hư không giống như nhạn vường. Nam nữ trong thành đều ngủ say. Các loài chim chóc đủ loại khác nhau cũng đều ngủ hết, không thấy động tịnh. Các tượng, mã, xa, bộ binh và dòng họ Thích với đầy đủ binh trượng túc trực canh giữ, thân bằng quyến thuộc, thầy tớ, bạn hữu cũng đều ngủ say. Bấy giờ tiếng Phạm âm, âm hưởng hòa nhã như tiếng chim loan. Đã đến nửa đêm, Ngài lại bảo Xa-nặc:
-Lành thay Xa-nặc! Hãy mau thắng ngựa Kiền-trắc. Nếu ngươi muốn tôn thờ và kính trọng ta thì không nên lưu giữ ta lại.
Xa-nặc lại càng buồn thương sầu khổ, nước mắt như mưa.
Nay Nhân Trung Tôn muốn đạt mục đích, nhưng cửa thành đã khóa kín, ai là người có thể mở được?
Thiên đế Thích nhớ biết điều đó, liền khi ấy mở cửa. Xa-nặc thấy vậy lòng rất vui mừng, vừa buồn, vừa vui: “Ai là người giúp ta? Nên tính thế nào đây? Đi bằng cách nào?” Ngay khi ấy bốn vị Thiên vương nhấc bổng chân ngựa bay ra khỏi cửa thành. Thế lực của cả bốn bộ binh khó ngăn nỗi, cùng kêu lớn:
-Đại vương! Thái tử đã đi! Vì sao không hay biết? Sáng ngày mai Cù-di sẽ đau khổ biết bao. Bao nhiêu an lành tốt đẹp từ nay không còn nữa!
Bấy giờ Bồ-tát nghĩ đến tiền kiếp của mình rồi bảo với Xa-nặc: -Lành thay Xa-nặc, đã thắng ngựa trắng.
Các loại nhạc khí như không hầu, cùng lúc trổi lên, Xa-nặc nhìn lên hư không thấy chư Thiên Vô cấu đến nhiều vô số. Các chúng Bồ- tát cúng dường Ngài, xem thấy Thiên đế Thích tự nhiên mở cửa, thấy các quỷ thần và A-tu-luân, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc tự nhiên mở cửa. Xa-nặc nghe chư Thiên nói, liền bảo với chư Thiên:
-Nay thấy Bồ-tát thật vô cùng xúc động. Ngài giống như thân của sư tử sắc vàng ròng, sẽ làm các công đức như sông biển. Sức thiền định của chư Thiên đây chưa được là bao hầu có thể khuyên Ngài nghe theo để ra đi; đó chính là do bản nguyện của Ngài mà phát khởi ra sự tốt lành, ban bố sự an vui cho chúng sinh thành tựu đạo nghĩa.
Bấy giờ mặt đất chấn động sáu cách, mặt Ngài như mặt trăng rằm ở giữa hư không, đạo đức vang xa, tâm ý thanh tịnh. Thiên đế, Tỳ-sa-môn Thiên vương ở trước dẫn đường, phóng ánh sáng lớn thanh tịnh soi sáng khắp trời đất, diệt sạch các đường ác. Chúng sinh được an ổn, tiêu sạch các tham dục ở cõi trần, mưa các thứ hoa và đánh trăm ngàn ức các thứ kỹ nhạc, chư Thiên khen ngợi, trước sau theo dẫn đường. Có vị trời tên là Tối Thượng Tịnh ở trước Đại Thánh chắp tay hướng về, đưa đôi mắt như cánh hoa sen mà thưa:
-Bậc độ thoát chúng sinh rất là uy nghi. Bản tánh sáng tối đều như hư không. Tôi không lấy làm ưa thích mà rất thương cho những quyến thuộc trong hậu cung không còn được nghe âm thanh tốt lành này. Vô lượng âm thanh đó nay đã bặt dứt. Không nhìn thấy chúng trời, không xem những thứ tốt đẹp, không ngửi các hương thơm, tiêu trừ ái dục, bỏ núi trần lao, không còn trở lại trong các sự nhơ nhớp, đạt được rốt ráo. Không có cung điện. Nay không còn dục tưởng, phụng hành từ tâm, xa lìa các tội lỗi che lấp, không còn trở lại vô số tai ương, tinh thần hoàn hảo, tất cả đầy đủ, không ưa thích các thứ hương thơm. Ngày nay sáng chói vẻ vang, thân tâm bình đẳng, đẹp như Thần tiên, lời nói có gốc ngọn, ở nơi nhà Thánh vương khiến cho người yếu đuối được mạnh mẽ, chỉ rõ danh xưng chân thật, từ bỏ dòng vua nhưng lại không mất. Ở trong dòng họ Thích tối cao, hưởng thọ các phước lộc lớn. Nguyện Ngài đạt đến cùng tột, lìa cấu uế không nhiễm trần, thực hành từ bi thương xót. Quán thấy cung điện âm thanh vi diệu đã bặt dứt. Không còn trở lại trong thành Ca-duy-la- vệ, không còn phóng dật. Hết nguồn gốc sinh tử, không còn trở lại đứng, ngồi, tới lui, qua lại trong nước. Chỉ đi đến gốc cây Bồ-đề, đạt đạo cam lộ, không còn, già, bệnh, chết.
Bấy giờ Bồ-tát đã đi xuất gia. Vì chúng sinh cho nên hành trì nhiều phương pháp và cũng không trụ chỗ nào, không mến mộ thể nữ vì đã đắc thù thắng. Đây là ruộng phước lớn, là đất công đức, thường làm thuốc tuệ. Vô số ức kiếp dồn chứa đức hạnh, bố thí, trì giới học rộng nghe nhiều. Bồ-tát hành từ bi, giữ gìn giới cấm thanh tịnh, việc làm không khuyết phạm, không nghĩ đến ái dục. Nhẫn nhục, nhân hòa, có bị chặt đứt thân ra cũng không ôm lòng hận. Thương xót chúng sinh, siêng năng không biếng nhác. Vô số ức kiếp chứa nhóm đạo nghiệp, cúng tế cả trăm ngàn đời, thường tu thiền định, tâm ý vắng lặng, sạch hết trần cấu, tự hàng phục mình, tuệ không chướng ngại, không nghĩ tưởng Tâm Ngài giải thoát và độ thoát ức lần. Thực hành từ bi, đã qua bờ giác, phụng hành thanh tịnh; phân biệt, ưa cứu giúp. Đó là Bậc trời chân chánh trong hàng trời, nên thờ phụng Ngài; thanh tịnh không nhơ, tâm như minh châu, ủng hộ kẻ bị hoạn nạn. Thiên nhãn không cùng tột. Người bị nguy khốn quay về nương tựa, làm thầy thuốc cho người bị bệnh, làm vị đại pháp vương ở các cõi nước, làm vị trời có ngàn mắt chiếu tan các mê hoặc, thân ý dừng nghĩ, hưng phát oai quang, xả bỏ tâm oán kết, dũng mãnh tiêu trừ các trần lao, cùng tột ở trong chúng, không ai có thể bì kịp. Như sư tử dạo đi không hề sợ sệt, như rồng điều tâm tuông mưa đúng lúc. Dan dắt mọi người, như con trâu chúa dẫn đầu đàn trâu đã bỏ oán kết. Như mặt trăng tròn đầy, sáng chiếu khắp nơi. Như mặt trời mới mọc, như ngọn đuốc lớn tiêu diệt các sự tối tăm. Giống như hoa sen không dính nước bùn. Hương đức vi diệu, không động như núi. Điều phục các sân hận, hàng phục thân, tử ma, thiên ma. Làm vị thầy dẫn đường vĩ đại cho người mê quên mất đường về, thuyết Bát chánh đạo, không lâu sẽ thành Phật, dứt sinh, già, bệnh, chết, độ các sự tối tăm, chữa các bệnh ghẻ dữ, ca ngợi đức chân chánh không thể hạn lượng. Nhan sắc tinh nhuận, kiến lập công huân.
Bấy giờ, Bồ-tát đi dần về phía trước thấy năm thần đường tên là Bốn Thức đứng đầu năm con đường, đeo kiếm, cầm cung tên. Thấy Bồ-tát đến bỏ cung, quăng tên, cởi kiếm, đứng lui, cúi đầu lạy sát chân Bồ-tát, bạch rằng:
-Tứ Thiên vương của Phạm thiên ra lệnh cho chúng tôi giữ năm con đường, không biết làm như vậy để làm gì, chúng tôi ngu muội không hiểu rõ, xin Ngài cho biết ý chỉ.
Bồ-tát bảo:
-Tuy làm chủ cả năm đường mà không biết chỗ trở về, gốc từ đâu đến. Ngũ giới làm người, Thập thiện sinh lên trời, xan tham đọa ngạ quỷ, ngang ngạnh đọa súc sinh, mười ác đọa địa ngục. Không đi năm đường đó thì trở về gốc người. Không ưa thích năm đường do không có năm ấm, ba độc, sáu suy, tức là Niết-bàn. Không ở trong sinh tử, không trụ nơi Niết-bàn, đạt Bất thoái chuyển, thọ quả vị Bồ- tát, không từ đâu sinh, cũng không sinh về đâu, không còn sinh vào cảnh giới nào cả. Các ông cầm dao thế tục, nắm binh lính túc trực canh giữ. Ta cầm kiếm lớn trí tuệ vô cực chặt dứt tận năm đường sinh tử cho đến gốc rễ không chung, không thỉ, không hình, vĩnh viễn an vui. Bốn thức hiểu rõ, liền được Bất thoái chuyển. Vô số Thiên thần đều phát đạo tâm.
Ngay khi ấy Bồ-tát mạnh mẽ bỏ nhà. Vừa ra cửa thành, tất cả quần chúng trong thành Ca-duy-la-vệ đều biết Thái tử ra đi. Mọi người cùng bàn luận, trong lòng rất vui vẻ.
Sáng ngày Cù-di thức dậy, nghe văng vẳng mọi người nói với nhau, biết rõ Bồ-tat đã đi. Vua nghe tiếng vang lớn liền tìm kiếm, không thấy Bồ-tát, cũng không thấy ngựa và Xa-nặc, lòng vua cảm thương tột độ ngã quỵ xuống đất, cất tiếng than oán:
-Than ôi! Ta chỉ có một người con, khuyên hóa trong cung, lớn nhỏ đều vui, nay bỏ tất cả mọi người, đi đâu, đành dứt hẳn sự trông mong của ta. Ta sẽ biết trông cậy vào đâu. Thiên hạ trong bốn cõi sẽ nương vào chỗ nào?
Cù-di từ trên giường lăn xuống đất, tự vò đầu tóc, bứt đứt chuỗi anh lạc báu đeo nơi thân, than khóc:
-Sao lại đau đớn thế này! Vị thầy dẫn đường cho ta nương tựa, ta xem như vị trời mà nay bỏ ta ra đi. Ta sống làm gì. Ân ái chưa bao lâu lại liền ly biệt!
Bà than khóc, nước mắt như mưa, không thể tự kềm chế được, rồi lại than thở:
-Thái tử nhan mạo xinh đẹp tuyệt vời, lòng thanh tịnh không uế nhiễm, trong suốt như nước ở vực sâu. Trong ngoài đều sáng đẹp, không ai là không kính trọng. Dạỵ bảo những điều chân chánh, không một điều nào là không tốt lành, mọi người đều cùng về nương. Nay bỏ ta ra đi để đến nơi nào? Ngài chưa từng buông lung, không vì rong ruổi, là chủ trong trời đất, nắm giữ đạo chân chánh, tắm gội nhuần thắm, trang nghiêm y phục cõi trời, kẻ gần người xa đều mến mộ, mở bày hạnh nghiệp. Nay không thấy Bồ-tát, không ai là không ôm lòng lo lắng. Cây cối trong nước, hoa trái rơi rụng. Những nơi đất đai sạch sẽ đều sinh ra bụi bặm nhơ nhớp không còn sự đẹp đẽ như xưa.
Nơi Đấng Nhân Tôn thấy nghe âm hưởng của những tiếng kỹ nhạc êm dịu và voi ngựa xe cộ ở trong khoảng không gian đó cũng như đó trang trí bình hương thơm, hoa thơm, kỹ nhạc, cờ xí lọng lụa năm màu rực rỡ, nay Bậc chí đức đã ra đi, tất cả các thứ ấy cũng không còn nữa. Những lời êm dịu chí thành bậc nhất khó được nghe lại.
Cù-di than thở nước mắt hoen mi. Bậc tôn quý trong loài người nhiều đời chứa đức, thấy rõ suốt gốc ngọn, muốn độ các nạn khổ sinh, già, bệnh, chết cho tất cả chúng sinh. Bậc Đại Thánh tu trăm ngàn đức hạnh, trí tuệ của Ngài không có thể thí dụ.
Lúc ấy, Xa-nặc đang đêm hộ tống Bồ-tát đi. Bồ-tát cởi tất cả các thứ anh lạc, châu ngọc quý báu giao cho Xa-nặc và dạy Xa-nặc đem những thứ ấy trở về nước tâu bạch, giải bày với phụ vương và phu nhân:
-Thân ta bỏ nước không còn ham thích sự giàu sang vinh hiển ở đời, không ưa thiên hạ đất đai, chỉ có đạo là gốc. Nếu ta đạt thành Chánh giác, ta sẽ trở về giảng thuyết kinh điển này, dùng pháp để cứu giúp khiến tâm vắng lặng, không còn ham sự vinh hiển ở đời.
Xa-nặc nghe những lời đó nước mắt tuôn như mưa, cúi đầu kính lạy.
-Bậc Thánh Tuệ trong loài người, cúi xin Ngài dạy bảo cho thần. Ngựa trắng quỳ sát đất liếm chân Bồ-tát.
Xa-nặc bạch:
-Nay thần trở về vua và vương phi hỏi đưa bậc đại công huân đi đến nơi nào, thì thần phải trả lời ra sao?
Bồ-tát đáp:
-Như chính chỗ khanh đã thấy lại còn phải hỏi!
Rồi Ngài cùng Xa-nặc từ biệt. Bồ-tát trong lòng vui vẻ, cùng ân ái đã biệt ly, tuệ biện vô lượng, bèn tiến thẳng tới trước. Trên đường đi, Ngài gặp hai người thợ săn, tâm tự nghĩ: “Ta đã xuất gia, không giống với người đời”, bèn cởi chiếc áo quý báu đang mặc đổi lấy chiếc áo da nai mặc vào và đi.
Xa-nặc nhận áo và các thứ anh lạc quý báu rồi dắt ngựa trắng trở về. Đi đến vườn hoa, những người coi sóc vười hoa thấy Xa-nặc trở về, buồn vui lẫn lộn, nhưng không thấy Thái tử. Hỏi Xa-nặc thì Xa-nặc im lặng, chỉ thấy Xa-nặc mang áo, các thứ anh lạc báu của Thái tử và ngựa trắng trở về, nên không chịu nỗi, lại buồn rầu. Vua Bạch Tịnh nghe tin, cùng với các quần thần quyến thuộc vây quanh đi đến vườn hoa cũng vui buồn lẫn lộn.
Cù-di trong lòng hy vọng Bồ-tát trở về, nhưng không thấy Bồ-tát, trong lòng sinh nghi, mà cũng không tin Bồ-tát đã đi. Xa-nặc nói:
-Bồ-tát gởi lời tâu bạch giải bày cùng quốc vương và vương phi rằng: Sau khi đắc đạo, Ngài mới trở về gặp lại.
Vua thấy áo báu, Xa-nặc, ngựa trắng đơn độc trở về mà không thấy Thái tử, liền ngã quỵ xuống đất kêu than:
-Đứa con thân yêu của ta, người hiểu rõ kinh điển cùng tất cả các môn nghệ thuật đặc biệt; nay vì mục đích của mình, đã bỏ nước cùng vạn dân. Xa-nặc hãy nói đi! Bồ-tát con ta đi đến nơi nào? Ai là người mở cửa thành? Các Thiên nhân đó cúng dường ra sao?
Xa-nặc tâu:
-Cúi xin đại vương lắng nghe: Thần vẫn ở nơi thường ở của thần, đang nằm ngủ yên tịnh, cửa thành vẫn đóng kín. Lúc ấy Bồ-tát dùng âm thanh êm dịu nói với thần: “Xa-nặc hãy mau thắng yên cương cho ngựa trắng”. Bấy giờ trong thành vạn dân đều ngủ say, không nghe lời Ngài nói. Lúc đó thần buồn khóc, thắng ngựa dắt trao cho Bồ-tát. Thiên đế mở cửa thành. Tứ Thiên vương đó lại bảo bốn vị thần nhấc bổng chân ngựa. Trăm ngàn chư Thiên, Thiên đế Thích Phạm theo hộ tống Ngài, sửa sang đường sá trang sức đẹp đẽ, chiếu ánh sáng lớn, rải hoa, đốt hương, kỹ nhạc của chư Thiên đồng một lúc trổi lên vang dội giữa hư không. Chư Thiên vây quanh để hầu hạ và tiễn đưa Ngài, Khi đi cách thành đã rất xa, Ngài cởi áo báu cùng anh lạc và trao ngựa trắng dạy thần mang trở về nước tâu lên quốc vương và từ tạ vương phi, quyết đến khi thành đạo mới trở về gặp lại, và khuyên mọi người chớ nên đau buồn sầu khổ.
Cù-di nghe xa-nặc nói, nỗi buồn thương lại trào dâng, bà ôm đầu ngựa trắng buồn than:
-Con chở Thái tử ra đi sao lại đơn độc trở về?
Bà nhớ đến những cuộc vui chơi trước kia, than thở trăm bề, ôm sầu tự thán: “Than ôi! Đau đớn thay phải chịu ly biệt! Thái tử sức mạnh kiên cường, nhan mạo đẹp đẽ, ở giữa mọi người như mặt trăng tròn đầy, tướng tốt trang nghiêm, oai thần rực rỡ, gần nhau thoáng chốc vội vã biệt ly. Bậc Thánh không ai sánh bằng, vì sao bỏ nhau? Công đức khó lường, tiếng tốt đồn khắp, mọi người đều cùng thờ phụng cung kính, bền vững như núi, hàng phục các oán địch, âm thanh êm dịu như tiếng chim loan, hơn cả Phạm thiên, chứa công dồn đức không ai có thể sánh bằng, xa gần đều khen ngợi. Thánh chúng Thần tiên không ai là không xót thương quyến luyến. Sinh ở dưới gốc cây Lân bính là cao tột trên hết. Miệng diễn tiếng cam lộ, nghe thấu mười phương. Tuy ở ngay trong các dục mà không hề đắm nhiễm, giống như hư không. Việc làm thanh tịnh mềm dịu như sữa. Lông trắng giữa chặng mày, Thánh thể mịn màns trơn láng. Thuần hòa an ổn, tay chân mềm mại, đẹp đẽ rực rỡ giống như màu vàng ròng. Dùng đức trang nghiêm thân, không ai là không tôn kính. Ở ngay trong cung điện đầy dẫy bao âm thanh kỹ nhạc, hoa hương, ăn uống, mà không lấy đó làm vui, lòng không thêm bớt. Than ôi, Xa-nặc không có lòng nhân từ, đưa Ngài đi đến nơi nào mà riêng một mình trở về!”
Cù-di một mình riêng khen ngợi Bồ-tát trăm ngàn lời, rồi lại than trách: “Dẫn đường giáo hóa tất cả, sao lại một mình riêng đi? Ai là người đưa Ngài đi ra khỏi đất nước này? Vì lẽ gì cùng chư Thiên gặp gỡ để riêng một mình thiếp đau khổ.
Xa-nặc vô tích sự, đã móc hai mắt ta khiến ta cô đơn đui mù tăm tối. Xa-nặc nên biết, tất cả chư Phật quyết báo ân cha mẹ còn xả bỏ gần gũi, huống ta là người vợ hèn mọn, cùng bọn thể nữ này mà yêu mến hay sao!
Độc ác thay ân ái! Sao lại quá nhanh chóng mà không thể được lâu dài. Lại lo sợ tan vỡ giống như đám bọt nước. Nghĩ tưởng chỗ trói buộc, đọa vào lưới tà kiến. Tuy nương tựa vào nhân gian bao la nhưng chẳng biết nơi nào. Ngài đã từng nói là hiện tại làm những việc không chân chánh, yên ổn trong thời gian ngắn ngủi, đau khổ nhiều vô lượng. Nguyện cầu quả Phật sớm được thành tựu”.
Vua khuyên Cù-di:
-Đời người chung cuộc có gặp gỡ tất phải có chia lìa. Bốn mùa luôn thay đổi. Trời đất, mặt trăng, mặt trời đều không thường tồn tại. Thái tử lúc mới sinh ra trời đất chấn động, bước đi bảy bước, miệng tự nói lên: ‘Trên trời, trong thế gian chỉ có ta là tôn quý hơn hết. sẽ vượt sinh già, bệnh, chết trong ba cõi, đạt đến vô vi”. Thiên đế đi xuống cúi đầu cúng dường. Tứ vương đón lấy thân đặt lên trên chiếc ghế nhỏ bằng vàng. Chín con rồng tắm rửa thân Bồ-tát. Khi chưa sinh sớm ứng hiện điềm lành, khi sinh ra với ba mươi hai tướng tốt. A-di xem các tướng đó cho biết: Nếu ở đời sẽ làm Chuyển luân vương, bỏ nhà đi tu sẽ làm Phật. Chỗ hiểu biết rộng rãi, thấu suốt. Thế lực không thể lường, đặc biệt tôn quý trong ba cõi, không ai là không cúi đầu làm lễ, chắc chắn sẽ thành Phật độ thoát khắp mười phương. Sẽ trở về trong một ngày không xa. Hãy tự thư thả suy nghĩ, chớ có buồn rầu.
Vua tuy nói như vậy nhưng lòng se thắt, buồn thương than thở. Bấy giờ Xa-nặc thấy vua và Cù-di nói những lời đớn đau như vậy lại càng thêm thương xót, nước mắt tuôn chảy thấm ướt cả vạt áo, can:
-Lành thay Cù-di! Cúi xin lệnh bà nghe thần thưa: Chẳng nên buồn nữa. Thần ngay trong đêm ấy thấy khắp trong thành nam nữ lớn nhỏ đều ngủ say. Đấng trăm phước chí Thánh bảo nhỏ với thần: Muốn sai ngươi thắng ngựa”. Vừa nghe lời đó, trong lòng thần tắt nghẹn. Xa thấy tôn phi ngủ rất là say, thần cố phát lên âm thanh lớn, Cãi tiếng kêu: “Dậy mau! Dậy mau! Thánh tôn muốn đi!”. Chư Thiên tiếp âm thanh khiến lấp mất không nghe tiếng của thần. Thần dở chân dậm đấu vỗ tay, đánh trống, nhưng không ai nghe. Bấy giờ trong hư không mặt trời, mặt trăng sáng rực rỡ. Vô số ngàn ức Thích, Phạm, Tứ thiên các đại tôn thần cúi đầu làm lễ, chắp tay quay về cúng dường Đấng Chí Tôn. Các Quỷ thần, Rồng, Duyệt-xoa, Càn- đạp-hòa, Bạc mị hại quỷ, Tứ Thiên vương thần túc ấy sai quỷ nâng chân ngựa, rải hoa sen xanh, hoa phù dung sạch sẽ tinh khiết. Thánh trăm phước tướng oai quang rực rỡ, mưa các thiên hoa, đất chấn động sáu cách, hoa đầy khắp cả nước Phật, chỉ nghe chư Thiên thúc giục mở cửa, cửa tự nhiên mở. Vô số ức chư Thiên vây quanh trước sau cùng nhau cúng dường. Ngài không tự cất thân, bỗng nhiên đã đi qua. Thế Hộ nói: “Anh em, vợ con, bạn bè, chư Thiên, trên đến Thiên vương có chí hướng tốt làm cho họ hướng về Phật đạo, không nghĩ đến các điều ác, lặng yên không nói để khen ngợi các đức lớn của Bồ-tát”. Kiền-trắc có sức mạnh nên hí lên âm thanh rỗng suổt. Bầu trời giữ lại tiếng vang êm dịu đó. Kiền-trắc chở bậc Đại Thánh của đời nhanh chóng, chẳng động, không có các nạn ác thú khủng bố.
Thế Hộ cỡi nó, nó một lòng vui vẻ, xả thân súc sinh không để tổn hại bậc thầy dẫn đường, bậc thầy dẫn đường sáng suốt soi sáng cho tất cả. Nó chắc chắn sẽ được cứu độ.
Lại có trăm ngàn ức chư Thiên cõi sắc dịu dàng bước xuống, thấy ngựa Kiền-trắc ở giữa hư không chở Bồ-tát, họ sửa sang đường sá vô cùng đẹp đẽ, xây lan can báu với vô số vật liệu, đốt hương thơm cõi trời, do phước của Kiền-trắc. Chư Thiên Đao-lợi vây quanh ỏ một bên Thái tử, nhạc trời tự trổi. Cù-di chớ có buồn rầu, an tâm vui vẻ, chẳng bao lâu nữa Đấng cao cả trong loài người sẽ thành Phật đạo. Chư Thiên vây quanh, hiện bày những việc vào đêm đó đều thích hợp đạo pháp. Xin đừng buồn nữa! Vương phi trăm phước sáng chói vượt hẳn mọi người, xem xét như đây nên vui mừng, không nên ôm lòng buồn lo. Suốt bảy ngày đêm khen ngợi công đức của Ngài cũng không thể hết.
Khi Tôn nhân ra đi, chư Thiên cùng nhau tiễn đưa đông không thể kể xiết. Vương phi nay hiểu rõ ý nghĩa, không thể nói hết. Vương phi đã từng phụng sự, đức sáng này chiếu soi đến chân thánh, khi ấy trở thành đạo niệm vô cực. Vương phi không lâu sẽ trở thành tôn quý trên hết trong loài người.
Vua nghĩ đến Bồ-tát, không nguôi thương nhớ, vừa muốn đi mời Ngài trở về, liền nhớ lại lời thầy tướng số A-di: “Nếu Thái tử ở đời sẽ làm Chuyển luân thánh vương tự nhiên có bảy báu, làm chủ cả bốn châu thiên hạ, có ngàn người con khỏe mạnh. Nếu bỏ nước xuất gia học đạo, chắc chắn sẽ thành Chánh giác, làm Bậc Đại Thánh vô lượng, dùng bảy giác ý quý báu dạy bảo, giáo hóa mười phương ba cõi ngu si tăm tối, khai ngộ cho những người không hiểu biết, chắc chắn không trở về”, nên cho người đi theo để bảo vệ, cúng dường, giúp đỡ Thái tử.
Vua cho mời khắp tất cả các đại thần, các bậc minh trí bảo:
-Các khanh ở đời khi tuổi về già con cái nuôi nấng bảo bọc, cháu chắt quay quần vui chơi, không nghĩ đến nỗi buồn của ta. Ta chỉ có một người con duy nhất, tướng mạo đặc biệt hiếm có, vượt hẳn mọi người. Đang ở trong bốn cõi thiên hạ, một sớm lìa bỏ vào ở nơi hang núi, chỗ tuyệt nhiên không có bóng người, những khổ ách về lạnh nóng đói khát, hiểm nguy nào ai hay biết. Các khanh hãy chọn lấy năm người trong số con em đại thần của các khanh đi theo để hầu hạ Thái tử. Nếu trong số đó, ai nửa chừng bỏ về, ta sẽ giết hết bà con dòng họ trong năm đời của các ngươi.
Năm người được chọn phụng mệnh vua vào trong núi tìm Thái tử để hầu hạ.
Bồ-tát đã tiến sâu vào núi, năm người đuổi theo tìm Ngài không thể kịp. Họ cùng nói với nhau:
-Đây là người ẩn dật, đi không chọn đường. Biết tìm Ngài ở nơi đâu. Nếu chúng ta trở về chắc chắn sẽ bị giết cả dòng họ, chi bằng ở lại nơi đây.
Năm người cùng dừng lại nơi đó. Ở đó trái ngon nước ngọt đều tràn đầy. Cây cối tốt tươi không thiếu thứ gì.
Bồ-tát bỏ nước, oai Thánh không lường. Tâm tự nghĩ: “Muốn làm Sa-môn thì tâm ý vắng lặng, đúng oai nghi lễ tiết”. Ngài dạo đi đến chỗ mé nước bên núi dừng lại. Thiên vương biết tâm Ngài liền bay lên trời lấy một con dao đến dâng. Đế Thích nhận lấy tóc, Ngài liền thành Sa-môn. Hiển lộ nhục kế mà ở tại gia không biết.
Bồ-tát mặc pháp y, hiện bày trang nghiêm bậc nhất, tay cầm ứng khí, tư duy vô niệm, vào nước La-duyệt-kỳ muốn đi khất thực. Dung sắc của Ngài rực rỡ giống như sắc vàng ròng chiếu sáng. Thân cao lớn một trượng sáu, với ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm. Vạn dân trong thành đều đến xem sắc diện và hình dáng Ngài, mắt nhìn mãi không chán. Ngài đi cùng khắp, mọi người đều đi theo sau. Từ xưa đến nay chưa từng thấy nghe một vị Thần nhân thánh đạt chí chân như thế. Ánh sáng chiếu khắp, trời người khởi niệm suy nghĩ đến gốc ngọn của Ngài. Bố thí cúng dường các món ăn ngon bổ, không biết Bồ-tát không ưa thích vô số địa vị, của cải, sự nghiệp giàu có ở đời. Mọi người chỉ xem xét Bậc tôn quý trong loài người cùng chư Thiên không khác nhau. Họ cùng nhau đi đến thưa với vua Bình-sa:
-Chúc mừng đại vương nay được điều tốt đẹp. Phạm thiên giáng hạ đến nước ta khất thực.
Lại có người nói đây là Thiên đế Thích.
Lại có người nói đây là Diệm Thiên vương.
Lại có người nói đây là Đâu-suất-đà thiên, Vô kiêu lạc thiên.
Hoặc có người nói Hóa tự tại Thiên vương.
Lại có người nói đây là Nhật Nguyệt vương, Duy-ma Thần vương...
Vua nghe những lời ấy vui mừng khôn xiết, liền sai sứ giả xem Bồ-tát đi đến chỗ nào, có người cúng dường không? Có khất thực được không?. Sứ giả lập tức ra khỏi thành, đuổi theo xem xét, thấy Ngài ngồi bên dòng nước ở chân núi, oai thần tốt đẹp, giống như ngọn núi vàng. Sứ giả liền quay về tâu với vua Bình-sa: “Ngài ngồi bên dòng nước ở chân núi”. Nghe tâu trình rồi, vua ra lệnh chuẩn bị xa giá cùng quần thần ra đi, đến bên dòng nước ở chân núi. Xa thấy Bồ-tát oai thần rực rỡ giống như ánh sáng mặt trời, vua liền xuống xe cung kính cúi đầu lạy sát chân Bồ-tát. Xem thấy hình dáng Bồ-tát giống như núi Tu-di, thấy ngồi kiết già càng thêm cung kính hướng về, lựa lời khiêm tốn để cùng nói chuyện. Vua nói với Thái tử:
-Tiên sinh có nhiều điểm đặc biệt khác lạ: Hình tướng rõ ràng, đức giống như càn khôn, sẽ làm vua trong bốn châu thiên hạ, làm Chuyển luân vương. Bốn biển thần phục, thần báu tự đến, sao lại bỏ địa vị cõi trời, dấn thân vào chốn núi rừng, giả sử có điều gì khiến Thái tử không ưa bổn quốc, nguyện xin đem đất nước hèn mọn này dâng lên Ngài. Ngài lãnh đạo, dạy dỗ dân chúng đều đạt được chỗ năm món dục lạc tự làm vui. Cúi xin Ngài nhận lấy, không trái với hoài bảo của tôi.
Bồ-tát đáp:
-Ta từ lâu đã thấu suốt: những thứ này đều vô thường nên bỏ địa vị cõi trời, không hề ưa thích, xuất gia làm Sa-môn. Ta thấy các em bé kết cục đều trở thành già cả, nhan sắc tổn giảm, mặt rúm da nhăn. Đất nước của báu, tất cả đều như mộng huyễn. Tình dục nhiều khổ nạn, cũng giống như các thứ chất độc, đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Người trí nhờm ghét, kẻ ngu tham đắm. Ta trừ bỏ tham dục như bỏ mũi dãi. Thân như trái cây không lâu sẽ rụng, cũng như đám mây nổi, thoáng chốc liền tan. Điều ấy nhỏ nhiệm không thể nhận biết. Rồi bỗng nhiên qua đi mới có nỗi buồn lo về sự tàn phá, không được an vui dài lâu. Phàm người ưa thích dục là tự thiêu đốt thân mình, tham dục không nhàm chán, như uống nước mặn, đưa đến khổ hoạn. Người ngu không hiểu rõ tự cho là vui. Bậc minh trí xem xét dục như đám bọt nước. Thánh hiền vô lậu chỉ ưa nhớ nghĩ đến pháp. Người có đầy đủ trí tuệ mới nhàm chán ái dục. Người tham học tập theo thế tục không thấy nguồn gốc, không rõ gốc tịnh. Đại vương thấy thân đây không có bền chắc, đưa đến chỗ thường tự sai lầm không thể phân biệt. Thân không có cái ta và của ta. Bản thân bần đạo vứt bỏ trăm ngàn ngọc nữ, lòng không tham đắm, không ham thích sự giàu sang vinh hiển ở đời, chỉ có một suy nghĩ duy nhất là muốn thành Phật đạo. ít có người mến chuộng đạo đức như mến chuộng sắc, chỉ có bậc Thánh mới thấy rõ sắc như phẩn, xem xét thấy đạo là chân thật. Tuy có cha mẹ, quân tử, trưởng giả, Phạm chí, cư sĩ và vợ con, nhưng khi thân có bệnh nặng không ai có thể chia sớt, để cho khỏi bị khổ hoạn. Đất nước, địa vị, vàng bạc bảy báu đâu có ích gì đối với thân mình. Mặt trời chiếu sáng khắp thế gian nhưng chẳng có ích chi đốì với kẻ đui mùề Bần đạo thấy ba cõi đều vô thường, vui ít khổ nhiều. Thân này chẳng phải của ta. Thế gian này giống như chỗ tạm gởi, không có thể ở lâu. Bần đạo thấy như vậy cho nên xuất gia làm Tỳ-kheo, không ưa thích giàu sang vinh hiển ở đời. Ca-duy-la-vệ là đất nước đứng vào bậc nhất, là chỗ của Chuyển luân vương ở, mưa gió thuận hòa, vạn dân giàu có, rất hòa vui an ổn, nhưng bần đạo không ưa thích, bỏ nhà vì mục đích tu đạo.
Vua bảo:
-Lành thay! Trẫm được lợi lớn mới gặp được bậc Chí thánh. Tâm trí trẫm ở nơi thế tục nên không hiểu rõ sự thực đúng đắn này, do vậy đã dại dột dám đem danh lợi ra để thuyết phục Bậc vô dục. Nếu Ngài đắc quả Phật, xin Ngài thương xót nhớ đến trẫm, làm pháp chủ cho trẫm, để trẫm ngay hiện đời được độ thoát. Trẫm được gặp Bậc Thập Lực, là cái phúc đời trước còn lại.
Vua nhìn Đại Thánh, gieo mình lạy sát chân Bồ-tát, đi nhiễu bên hữu ba vòng, rồi cùng với quần thần xa giá trở về nước.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 8 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vô niệm (Pháp bảo Đàn kinh)


Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)


Các bài tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim


Tự lực và tha lực trong Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.139.113 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập