Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 40 »»

Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 40


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.44 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.55 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Bản Hạnh Tập

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 43: GIÁO HÓA BINH TƯỚNG
(Phần 2)

Đức Thế Tôn dần dần đi về hướng sông Hằng. Khi Ngài gần đến bờ sông, ông lái đò từ xa trông thấy Đức Thế Tôn đi lại, liền vội vã đứng dậy, đến trước để đón tiếp Thế Tôn. Ông lái đò đến trước mặt Thế Tôn bạch:
-Lành thay! Đức Thế Tôn đã đến đây! Ngài từ phương xa nào đến đây vậy? Thưa Thế Tôn, nếu Ngài thương tưởng con, xin Ngài bước vào thuyền, con sẽ đưa Thế Tôn qua bờ bên kia mà con không lấy tiền đò.
Đức Thế Tôn liền lên đò. Ngồi vào đò rồi, Ngài nói kệ dạy bảo ông lái đò:
Ông giữ thuyền này được khô ráo
Thì thuyền sẽ nhẹ đi được nhanh
Nếu ông lìa dục tham, sân, não
Nhất định mau đến được bờ kia.
Ông dùng từ tâm làm khô thuyền
Khiến được nhẹ nhàng, mau qua sông
Nếu ông lìa được tham, sân nhuế
Chắc chắn mau được chứng Niết-bàn.
Ông dùng lòng bi làm khô thuyền
Khiến được nhẹ nhàng mau qua sông
Nếu ông lìa được tham, sân nhuế
Chắc chắn mau được chứng Niết-bàn.
Ông dùng tâm hỷ làm khô thuyền
Khiến được nhẹ nhàng mau qua sông
Nếu ông lìa được tham, sân nhuế
Chắc chắn mau được chứng Niết-bàn.
Ông dùng tâm xả làm khô thuyền
Khiến được nhẹ nhàng mau qua sông
Nếu ông lìa được tham, sân nhuế
Chắc chắn mau được chứng Niết-bàn.
Nếu có Tỳ-kheo hành tâm từ
Tin chắc giáo pháp Phật Thế Tôn
Mau chóng chứng được cảnh tịch định
Không lâu, đến Niết-bàn vắng lặng.
Nếu có Tỳ-kheo hành tâm bi
Tin chắc giáo pháp Phật Thế Tôn
Mau chóng chứng được cảnh tịch định
Không lâu, đến Niết-bàn vắng lặng.
Nếu có Tỳ-kheo hành tâm hỷ
Tin chắc giáo pháp Phật Thế Tôn
Mau chóng chứng được cảnh tịch định
Không lâu, đến Niết-bàn vắng lặng.
Nếu có Tỳ-kheo hành tâm xả
Tin chắc giáo pháp Phật Thế Tôn
Mau chóng chứng được cảnh tịch định
Không lâu, đến Niết-bàn vắng lặng.
Đức Thế Tôn nói bài kệ này rồi, lại bảo ông lái đò:
-Này thiện nam, hãy tát nước cho thuyền khô ráo.
Ngài nói lời này rồi thì bao nhiêu hình thức thế tục nơi người lái đò đều biến mất. Tay trái người lái đò tự nhiên bưng bình bát bằng đất, râu tóc trên đầu đều rụng, giống như Tỳ-kheo cạo tóc cách đó bảy ngày, oai nghi đi lại giống như vị Thượng tọa một trăm hạ, thành tựu như vậy, được xuất gia thọ giới Cụ túc.
Bấy giờ Đức Như Lai muốn Tỳ-kheo lái đò tăng sự hoan hỷ nên Ngài lại thuyết pháp một lần nữa. Chẳng bao lâu sau, thiện nam này do tu phạm hạnh đầy đủ, hiện chứng các pháp, được các pháp thần thông, muốn thoát khỏi sinh tử, tu hành thanh tịnh, việc làm đã xong, tự nói: “Ta không còn thọ thân đời sau.” Rồi Trưởng lão này thành A-la-hán, tâm giải thoát hoàn toàn.
Đức Phật giáo hóa vị Trưởng lão này xong, liền dạy Trưởng lão đi truyền bá giáo pháp hóa độ chúng sinh. Trưởng lão Tỳ-kheo lái đò nhận lời chỉ dạy của Đức Phật, ra đi du phương giáo hóa. Đức Phật chỉ còn một mình không có người thứ hai để làm bạn. Ngài lần lần đi về xóm Ưu-lâu-tần-loa.
Lúc ấy Đế Thích, vua trời Đao-lợi, thầm nghĩ: “Không biết giờ đây Đức Như Lai đang hoằng hóa xứ nào?” Vị ấy quán sát, thấy Đức Như Lai một mình đang hướng về xứ Ưu-lâu-tần-loa. Thấy vậy, Đế Thích liền ẩn thân biến thành đồng tử Phạm chí đẹp đẽ dễ thương, mọi người đều thích trông ngắm, trên đầu để búi tóc dùng thế chiếc mão, thân mặc áo vàng, tay trái bưng bình nước rửa bằng vàng ròng, tay phải cầm chiếc gậy quý báu, hiện trước mặt Đức Thế Tôn, rước lấy ba y và bình bát của Đức Phật rồi làm người hướng đạo.
Đế Thích đi trước, khi nào ngang qua châu, huyện, xóm làng, thành ấp, dùng thần thông bay vọt lên hư không, lượn quanh trên mỗi châu, huyện, xóm làng, thành ấp ấy ba vòng, rồi đứng trên hư không. Khi đồng tử biến hóa với hình dáng đẹp đẽ dễ thương như vậy làm mọi người thích trông ngắm uy đức như vậy. Thấy thế, hàng ngàn vạn người đủ các thành phần kéo nhau tụ tập, cùng hỏi đồng tử:
-Này đồng tử, ngươi là người gì? Nhà ở đâu? Thuộc dòng họ nào? Anh em tên họ là chi? Lý do gì đến đây?
Đồng tử liền dùng kệ đáp các câu hỏi của quần chúng:
Trượng phu biết đủ ở thế gian
Tự mình giác ngộ, đời không bằng
Hiệu A-la-hán khéo độc hành
Ta đang làm đệ tử của Ngài.
Chúng sinh chìm đắm biển phiền não
Khốn khổ không sao lên bờ được
Ngài đang làm người lái thuyền pháp
Ta mình qua khỏi, muốn chở người.
Nếu Ngài du hóa độ thế gian
Ta nguyện theo hầu làm đệ tử
Ngài đã dẹp sạch tham sân si
Hắc ám vô minh cũng xé nát
Hữu lậu thế gian đều trừ diệt.
Ta làm đệ tử cung phụng Ngài
Tuyệt diệu trong đời không ai bằng
Làm gì có kẻ hơn Ngài được?
Như Lai Thế Tôn nay xuất hiện
Ta theo hầu cận khắp đó đây
Bậc Vô Thượng Tôn trong thế gian.
Ngày nay Ngài sắp đến xứ này.
Khi Đế Thích nói kệ này rồi, Như Lai Thế Tôn hiện ra trước mặt. Mọi người thấy dung nhan Thế Tôn khả ái, rất đặc biệt, được mọi người Ưa thích trông ngắm. Thân thể Ngài giống như bầu trời đêm được những vì sao tô điểm. Thấy vậy dân chúng nói với nhau:
-Vị thầy như vậy mới có đệ tử như vậy. Đệ tử như vậy mới có vị thầy như vậy.
Vì đại chúng, Đức Thế Tôn bằng lời vi diệu khéo léo phương tiện thiện xảo thuyết nghĩa lý các pháp.
Bấy giờ những người trong hội này nghe Như Lai thuyết diệu pháp, có người phát tâm cầu xin xuất gia, hoặc có người chứng quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, có người gây nhân duyên chủng tử Thanh văn thừa ở đời vị lai, có người gây nhân duyên chủng tử Duyên giác thừa ở đời vị lai, hoặc có người gây nhân duyên chủng tử Bồ-tát thừa ở đời vị lai, cũng có người thọ pháp Tam quy và Ngũ giới.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Thiên chủ Đế Thích ra về vì đã đến giờ khất thực. Thế Tôn đắp y, mang bình bát, một mình ra đi khất thực, lần lần đi đến thôn Phạm chí Binh Tướng. Vào thôn, Ngài đi thẳng đến nhà Phạm chí. Đến nhà, Đức Phật tiến vào bên trong ngõ, trải tòa mà an tọa.
Lúc đó nhà vị Bà-la-môn có hai người con gái: một tên là Nan-đà, một tên là Ba-la. Khi ấy hai nàng đến chỗ Đức Phật, đồng đảnh lễ sát chân Phật rồi lui đứng về một bên. Bấy giờ Đức Thế Tôn biết ý hướng của hai nàng, kết sử đã nhẹ yếu, biết các giới và các nhập nên Ngài nói pháp Bốn chân lý. Khi hai nàng nghe Đức Phật giảng pháp Bốn chân lý như vậy, phá tan được hai mươi lớp núi kiến chấp, ngay khi đó họ được chứng quả Tu-đà-hoàn. Hai nàng đã thấy được thật tướng các pháp, xin Đức Phật thọ pháp Tam quy và Ngũ giới. Hai nàng đắc giới rồi, liền rước bình bát từ nơi tay của Đức Phật, đem các thức ăn uống đầy đủ sắc hương mỹ vị đựng đầy trong bát, đem hiến dâng cho Phật. Đức Phật nhận thức ăn rồi liền rời khỏi thôn này.
Thuở ấy đại Bà-la-môn Đề-bà nghe người khác nói: “Hiện giờ, Đại Sa-môn Cù-đàm đang ở xứ này.” Nghe rồi, ông ta thầm nghĩ: “Xưa ta thỉnh vị Sa-môn này cúng dường đồ ăn uống chừng ấy. Ngày nay ta sa sút, tài sản thiếu hụt, khốn khổ, ta không biết tính sao đây?!.” Đại Bà-la-môn Đề-bà nghe tin này và suy nghĩ như vậy, vội vã trở về nhà nói với vợ:
-Thuở xưa, vị Đại Sa-môn ở thôn Ưu-lâu-tần-loa, tu khổ hạnh. Lúc ấy ta nguyện cúng dường Đại Sa-môn. Ngày nay, Ngài trở lại xứ này, chúng ta phải tính cách gì?
Người vợ đáp:
-Xin phu quân cho phép em nói. Em nhớ thuở xưa tuổi còn thanh xuân, lúc ấy đại Bà-la-môn Binh Tướng thường trêu ghẹo em, van em cùng người làm việc thế tục. Lúc ấy em không đồng ý, người ấy chỉ dùng tay chạm vào mình. Nếu ngày nay Thánh phu quân đồng ý để em cùng Binh Tướng làm việc thế sự, em sẽ đòi ông ta nhiều ít tiền của, đem sắm thức ăn cúng dường Đại Sa-môn.
Đại Bà-la-môn Đề-bà đáp:
-Việc này không được, theo lý của Bà-la-môn không được làm chuyện như vậy.
Nhưng đại Bà-la-môn suy nghĩ một kế. Ngay khi ấy, Đề-bà đi đến nhà Bà-la-môn Binh Tướng. Đến nơi, vị ấy thưa với đại Bà-la-môn Binh Tướng:
-Lành thay Binh Tướng! Xin ngài cho tôi mượn năm trăm tiền. Nếu tôi trả được thì tốt, còn bằng không thì hai vợ chồng tôi cùng nhau đến nhà ngài làm người phục dịch.
Khi ấy đại Bà-la-môn Binh Tướng liền cho Đề-bà mượn đủ số năm trăm tiền và nói:
-Ông đem tiền đi tùy ý sử dụng. Sự việc nếu xong thì trả lại cho ta, nhưng không được mượn tiền người khác trả cho ta. Đúng như lời giao ước của ông, thân ông ra sức để kiếm tiền trả lại cho ta.
Lúc ấy đại Bà-la-môn Đề-bà y theo lời giao kèo, nhận năm trăm tiền từ nơi Binh Tướng, liền trở về nhà giao số tiền này cho vợ và bảo:
-Em nên sắm thức ăn uống trong sạch, mùi vị thật ngon.
Đề-bà đích thân đi ra ngoài rừng, tìm đến chỗ Đức Phật, đến gặp Đức Phật, chào hỏi, an ủi, liền lui đứng về một bên, ý muốn thỉnh Như Lai.
Khi ấy, Đại Bà-la-môn Đề-bà bạch Phật:
-Lành thay! Bạch Đại đức Sa-môn Cù-đàm, cúi xin Ngài sáng mai nhận sự cúng dường trai phạn của con.
Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Đại Bà-la-môn Đề-bà biết Đức Phật im lặng nhận lời mời của mình nên rời chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh Đức Phật ba vòng rồi về nhà.
Đêm hôm đó, mọi đường trong thành phố bán đủ các thức ăn nấu chín. Đêm ấy, đại Bà-la-môn Đề-bà sắm đầy đủ các thức ăn cao lương mỹ vị như thức ăn uống cứng, mềm.
Qua đêm, trời vừa bừng sáng, trong nhà rưới nước quét dọn đạch sẽ, trần thiết giường tòa... Xong, Đề-bà đi đến chỗ Đức Phật, quỳ, thưa:
-Lành thay! Bạch Sa-môn, trai phạn sắm sửa xong rồi, xin mời Ngài đến nhà con thọ thực.
Bấy giờ, thấy đến giờ thọ trai, Thế Tôn đắp y, mang bình bát, ung dung đi bộ hướng về nhà Bà-la-môn Đề-bà. Đến nhà rồi, Ngài ngồi vào tòa đã thiết sẵn. Bấy giờ vợ chồng Bà-la-môn Đề-bà thấy Đức Phật đã an tọa, liền tự tay bưng đủ thức ăn uống sạch sẽ thơm ngon, đứng trước Phật, dâng cúng Thế Tôn, cúi xin Đức Như Lai tự ý thọ dụng.
Hầu Đức Phật thọ trai xong, Đề-bà ngồi trên tọa cụ cạnh Như Lai. Thấy Đề-bà ngồi rồi, tùy căn cơ của vị đại Bà-la-môn này, Ngài thuyết các pháp, chỉ dạy khiến cho Đề-bà được hoan hỷ. Sau đó Như Lai rời chỗ ngồi ung dung ra về.
Khi ấy đại Bà-la-môn Đề-bà theo hầu đưa Đức Phật ra về. Vợ của Đề-bà mượn áo của người khác mặc để dâng cúng thức ăn cho Phật. Cúng dường cho Phật, nàng thấy Đức Phật ra về, liền cởi áo để một nơi, lo quét dọn nhà cửa. Lúc ấy, có một tên trộm lấy chiếc áo mang đi. Vợ Đề-bà thấy mất áo, hết sức sầu não.
Khi Đề-bà đưa Đức Phật xong trở về, thây vợ mình ưu sầu khổ não, liền hỏi:
-Vì sao em buồn rầu như vậy?
Người vợ đáp:
-Thưa thánh phu phải biết, chiếc áo em mượn của người ta, không biết bị kẻ nào đánh cắp, bỗng nhiên mất dạng.
Đề-bà nghe nói như vậy, tinh thần mờ mịt, chẳng biết làm sao, nói lên:
-Ta mượn năm trăm tiền của Binh Tướng để sắm đồ cúng dường. Nàng thì mượn áo của người khác mặc, nay bị đánh cắp. Nhà ta nghèo khó, làm sao trả đủ số tiền? Sẽ tính kế gì đây?
Khi ấy Đề-bà muốn tự tử, liền vào trong rừng thây ma, trèo lên một đại thọ, muốn lao mình xuống đất nhưng không thể rơi, lại càng thêm sầu não.
Nói về kẻ trộm, sau khi đánh cắp được chiếc áo, đi vào rừng thây ma, tình cờ tên lưu manh đến dưới gốc cây mà Đề-bà đang ở trên đó, đào đất chôn chiếc áo, đại tiện lên rồi bỏ đi. Đề-bà từ trên cây nhìn xuống, thấy tự sự như vậy, sau khi tên lưu manh đi rồi, ông từ trên cây trèo xuống, đào đất lấy chiếc áo rồi trở về nhà.
Nói về người vợ, khi quét dọn trong nhà, quét sạch từng nơi, ở một góc nhà tự nhiên đất nứt ra. Nàng cúi đầu nhìn xuống, thấy một chiếc bình bằng đồng đỏ, bên trong đựng đầy vàng. Nói sơ lược cho đến bình thứ hai, bình thứ ba, bình thứ tư đều là bình đầy vàng như vậy. Dưới các bình này lại thấy có một chum bằng đồng đỏ cũng đựng đầy vàng như vậy. Rất đổi kinh ngạc, nàng kêu cho chồng hay:
-Thánh phu! Thánh phu! Hãy đến đây gấp! Đến đây gấp! Em đã được rồi!
Khi nghe vợ mình kêu như vậy Đề-bà, suy nghĩ: “Người vợ đáng thương này vì sao đến nổi lãng trí mà nói lời điên cuồng, là “em được rồi”, nhưng được vật gì vậy? Chiếc áo trước kia nàng mượn của người khác đã bị đánh mất, giờ này ta lấy lại, hiện còn ở đây. Vì cớ gì vợ ta lại la lên: “Em được rồi!”” Khi ấy Đề-bà cầm áo đi vào nhà, hỏi vợ:
-Này vợ hiền, em nói được vật gì vậy?
Người vợ vừa chỉ vàng vừa nói:
-Thánh phu, em được vật này đây.
Đề-bà lại nói với vợ:
-Áo em đánh mất, anh cũng được lại đây.
Rồi người vợ đem chiếc áo trả lại cho chủ nó mà mình đã mượn khi trước. Bấy giờ đại Bà-la-môn Đề-bà suy nghĩ: “Ta nay không thể giấu riêng tiêu hết số vàng nhiều như vậy.” Nghĩ rồi, liền mang năm trăm tiền đi trả lại Bà-la-môn Binh Tướng.
Đến nơi, ông nói với đại Bà-la-môn Binh Tướng:
-Tôi đã mượn ngài năm trăm tiền, nay xin hoàn lại cho ngài. Binh Tướng nói với Đề-bà:
-Trước tôi đã nói với anh không được mượn tiền người khác trả cho tôi, chỉ dùng sức mình kiếm tiền trả cho tôi mà thôi.
Đề-bà nói:
-Tôi không vay mượn của người khác.
Binh Tướng hỏi:
-Ông từ đâu mà có?
Đề-bà đáp:
-Tôi được một kho vàng dưới đất.
Binh tướng không tin việc này. Khi ấy Đề-bà liền đưa Binh Tướng về nhà mình để chỉ kho vàng. Khi Binh Tướng vào thì thấy kho vàng của Đề-bà là một đống tro, nên nói với Đề-bà:
-Ông có điên chưa mà nói với ta đống tro này là vàng!
Lúc ấy Đề-bà lại một lần nữa nói với Bà-la-môn Binh Tướng: -Đây là vàng thật, không phải là tro lửa.
Nói như vậy đến hai, ba lần, rồi dùng tay đặt vào bình vàng mà nói lên:
-Đây là vàng, không phải tro.
Đề-bà lại phát lời thệ nguyện: “Nếu do sức nhân duyên thiện nghiệp của tôi được vàng này, xin hiện ra cho Bà-la-môn Binh Tướng thấy!” Vừa dứt lời, Binh Tướng thấy vàng không phải là tro. Bấy giờ Binh Tướng thấy kho dưới đất toàn là vàng, nên hỏi Đề-bà:
-Nhân giả cúng dường ai? Là trời hay là Tiên nhân, hay là thiện nhân nào mà vị ấy ban cho nhân giả được phước báo như vậy? Đề-bà đáp:
-Gia đình tôi ngày hôm nay chỉ cúng dường Đại Sa-môn, rước về nhà hiến dâng trai phạn. Hay là nhờ công đức này nên cảm lấy quả báo như thế.
Lúc ấy Binh Tướng nói với Đề-bà:
-Nhân giả ngày nay được kho vàng này đều do nhân duyên thiện nghiệp cúng dường Sa-môn, cho nên được quả báo này. Không người nào có thể cướp được, không người nào có thể làm mất được. Nhân giả chẳng nên nghi ngờ, an ổn mà thọ hưởng.
Bấy giờ Đề-bà lại nghĩ: “Ta do cúng dường trai phạn cho Sa-môn mà được quả báo công đức như vậy.” Ông ta hết sức vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân, không thể tự chế. Sau đó ông ta đi đến chỗ Đức Phật, đến nơi dùng lời tốt đẹp chào hỏi, sau khi hỏi thăm, lui ngồi về một bên và thỉnh Phật một lần nữa:
-Cúi xin Đại Sa-môn sáng mai nhận sự cúng dường của con.
Đức Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh. Đề-bà thấy Đức Phật im lặng nhận lời thỉnh của mình, liền rời chỗ ngồi đi nhiễu quanh Đức Thế Tôn ba vòng rồi từ tạ ra về. Khi về đến nhà, trong ngày đó tất cả đường phố đều bán năm thứ thức ăn đã nấu chín (như đã nói ở trên), cho đến sau khi dâng cúng trai phạn cho Phật xong rồi, hai vợ chồng cùng trải chỗ ngồi trước mặt Đức Phật muốn nghe giáo pháp.
Đức Phật biết căn tánh hai người, kết sử đã yếu kém nên Ngài vì họ thuyết các pháp tướng của bốn chân lý. Họ nghe rồi, trừ sạch hai mươi lớp núi chấp ngã, liền chứng quả Tu-đà-hoàn. Họ đã thấy được thật tướng các pháp liền thọ ba pháp quy y và phụng trì năm giới cấm.
Bấy giờ Đức Thế Tôn rời chỗ ngồi đứng dậy, thư thái ra về. Sau đó các thầy Tỳ-kheo đều suy nghĩ, cùng hỏi nhau: “Đại Bà-la-môn Đề-bà và vợ của người trước kia đã tạo nghiệp gì mà ngày nay được quả báo gặp được Như Lai liền chứng Thánh pháp như vậy? Và lại tạo nghiệp gì mà đang bần cùng bỗng nhiên trở thành đại phú?” Chư Tỳ-kheo đặt nghi vân như vậy, cùng nhau đến chỗ Đức Phật, thưa hỏi:
-Lành thay! Bạch Thế Tôn, đại Bà-la-môn Đề-bà và vợ xưa đã tạo nghiệp gì mà ngày nay được quả báo gặp Phật, chứng Thánh pháp? Lại tạo nghiệp gì mà trước nghèo bỗng nhiên sau một ngày giàu như vậy?
Lúc bây giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo:
-Này các thầy Tỳ-kheo, nếu muốn nghe, hãy chú ý theo dõi. Đại Bà-la-môn Đề-bà do tạo hai nghiệp quá khứ và hiện tại.
Nghiệp quá khứ như thế nào?
Này các Tỳ-kheo phải biết, Ta nhớ thuở quá khứ trong thời Hiền kiếp, bấy giờ tuổi thọ của chúng sinh là hai vạn tuổi, có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp, đầy đủ mười hiệu Như Lai, Vô Thượng Chánh Chánh Đẳng Giác... Khi Đức Phật Ca-diếp viên mãn bổn nguyện thành Bậc Tối Thượng Trượng Phu, trở lại trong vườn Nai, là chỗ chư Thánh đời trước ở, thuộc thành Ba-la-nại, chuyển pháp luân độ chúng sinh qua đến bờ giải thoát, dựng ngọn cờ pháp, khai hóa vô lượng ngàn ức chúng sinh trụ vào thiện đạo.
Thuở ấy, tại thành Ba-la-nại có một người đến chỗ Đức Phật Ca-diếp cầu thọ Tam quy và Ngũ giới, nhưng suốt cuộc đời họ không biết làm việc. Khi lâm chung, họ phát nguyện thế này: “Tôi nghe Đức Phật Ca-diếp đã thọ ký cho một vị Bồ-tát tên là Hộ Minh, rằng vị Bồ-tát này ở vào đời tương lai, khi tuổi thọ của chúng sinh một trăm tuổi, sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tôi nguyện gặp được Đức Thế Tôn này.”
Theo nhân duyên này, các thầy phải biết, vị Ưu-bà-tắc thọ Tam quy, Ngũ giới mà không bố thí lúc đó nay là Bà-la-môn Đề-bà. Vị ấy lúc đó thọ Tam quy, trì Ngũ giới làm người ưu-bà-tắc, khi lâm chung phát lời nguyện gặp Ta. Do nhân duyên này nên nay được gặp Ta. Lại do lúc đó không làm việc bố thí nên nay mắc quả báo nghèo cùng. Đây là tạo tác nghiệp quá khứ.
Thế nào là nghiệp hiện tại?
Này các Tỳ-kheo phải biết, khi xưa Ta tu khổ hạnh sáu năm, Đề-bà tùy nghi đem cho Ta thức ăn uống. Nay Ta thành Vô thượng Bồ-đề, vị ấy lại thỉnh về nhà cúng dường trai phạn. Do nhân duyên này hiện đời được quả báo như vậy. Do vậy, các Tỳ-kheo cần phải biết, đôi với Phật, Pháp, Tăng sinh tâm hy hữu cung kính sẽ được quả báo như vậy. Cũng như Bà-la-môn Đề-bà hiện nay được phước báo kho vàng. Còn trước kia không được quả báo tốt là do bỏn sẻn, tham lam không chịu bố thí nên nửa đời trước bị quả báo bần tiện, khốn khổ. Các thầy phải học như vậy.
Đức Thế Tôn từ thành Ba-la-nại đến xóm Ưu-lâu-tần-loa, trong khoảng thời gian này có tám vạn người được Đức Phật giáo hóa, đi vào Phật pháp.
Phẩm 44: BA ANH EM CA-DIẾP
(Phần 1)

Một hôm, Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Ta nên giáo hóa một người đã thông suốt trước, làm cho họ hoan hỷ. Nếu người này được hoan hỷ rồi, sau đó Ta tuần tự giáo hóa khắp quần chúng.”
Bấy giờ, trong làng Ưu-lâu-tần-loa có ba vị tiên Phạm chí để búi tóc. Người thứ nhất tên là ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp, là bậc thượng thủ giáo huấn năm trăm đệ tử búi tóc tu học pháp tiên, là bậc hướng dẫn mẫu mực trên hết. Người thứ hai tên là Na-đề Ca-diếp, thống lãnh ba trăm đệ tử búi tóc, là bậc hướng đạo hàng đầu. Người thứ ba là Dà-da Ca-diếp, thống lãnh hai trăm đồ chúng, là người hướng đạo hàng đầu. Tổng cộng đồ chúng theo học ba vị tiên này là một ngàn người.
Bấy giờ Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp này, danh tiếng ông ta vang khắp cõi nước Ma-kiệt-đà. Tất cả dân chúng trong ngoài nước này đều tôn xưng ông là A-la-hán, vậy Ta phải giáo hóa ưu-lâu-tần-loa trước, khiến ông được hoan hỷ. Nếu ông hoan hỷ rồi sẽ có nhiều người thọ giáo pháp Ta.” Đức Phật lại nghĩ: “Những vị tiên này lấy gì làm trọng? Lại hành pháp gì?.” Ngài liền biết các vị tiên này chỉ lấy việc khổ hạnh làm chính, kế đến lấy việc lãnh chúng làm trọng.
Nghĩ như vậy rồi, Đức Thế Tôn liền ẩn thân Phật, biến thành Tiên nhân tu khổ hạnh, trên đầu để búi tóc, lấy búi tóc làm chiếc mũ. Lại hóa ra năm trăm đồng tử Phạm chí đồ chúng, tất cả đều có hình dung đoan chánh, dễ thương, không ai sánh bằng, được mọi người ưa thích ngắm trông, theo hầu hạ xung quanh. Ngài dùng thần thông bay đến chỗ Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp. Đến nơi, Ngài hạ xuống đứng trên đất.
Bấy giờ tất cả chư Tiên thấy các sự biến hóa của Đức Phật, đều vội vàng chạy khắp đó đây. Có người trải tòa ngồi, có người múc nước rửa chân, có người chạy vào am quét dọn chỉnh đốn, có người lấy cỏ trải làm chiếu, có người lấy nước để tắm rửa. Mọi người đều nói:
-Các vị bỗng nhiên từ đâu đến đây, chẳng cho ta biết trước? Các vị sao chẳng sai sứ giả đến nói với ta là sắp đến? Nếu ta biết trước thì đã chuẩn bị đâu đó rồi, do vậy các vị phải đứng chờ một chút để chúng ta sửa soạn cho xong.
Đức Thế Tôn biết tâm niệm của tất cả chư tiên đều hoan hỷ, tất biết Ta rồi, liền thâu nhiếp thần thông, hiện thân như cũ, đứng một mình. Lúc ấy chư Tiên thấy Đức Thế Tôn cạo bỏ râu tóc, thân đắp ca-sa hoại sắc. Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp thầm nghĩ: “Đại Sa-môn này có đại thần thông, có đại oai đức nhưng chưa chứng quả A-la- hán như ta.”
Đây là lần thứ nhất Như Lai hiện thần thông đứng ở nơi đây.
Bấy giờ Ưu-lâu-tần-loa bạch Phật:
-Lành thay! Thưa Đại Sa-môn, Ngài từ phương xa nào đến đây? Nếu ngày nay Nhân giả thích ở chỗ chúng tôi, tùy theo nhu cầu của Tôn giả, tôi sẽ cung cấp. Lại như ý Nhân giả muốn đi, đứng, nằm, ngồi ở chỗ nào thì đây là thảo am, đây là thảo đường... mặc tình Nhân giả chọn lấy.
Đức Phật nói với Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp như thế này:
-Lành thay! Này Ca-diếp, nếu Nhân giả không từ chối, kính trọng tôi, tôi muốn vào nhà tế thần lửa để ở.
Nói lại chuyện thuở trước, trước kia Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp có một đệ tử, người này mắc bệnh kiết lỵ từ lâu. Do vì bị bệnh nên đi chảy làm ô uế thảo am. Tất cả các đệ tử khác thấy ô uế làm bất tịnh thảo am nên tức giân đuổi đi ra ngoài. Lúc đó, đồng tử bệnh bị đuổi đi, suy nghĩ: “Thảo am này là do tất cả người búi tóc xây dựng. Tại sao thấy ta bệnh hoạn, đi kiết lỵ lại đuổi ta ra bên ngoài? Ta nguyện sau khi xả báo thân này, được thọ thân khác, ta sẽ báo thù sự việc các người này.” Người bệnh nguyện báo thù như vậy rồi, liền sau đó qua đời. Sau khi qua đời, người này liền thọ thân rồng độc lớn, sống trong thảo am này. Nếu có người hay súc sinh lai vãng đến đây đều bị con rồng này sát hại. Vì chuyện này, từ đó về sau thảo am này bỏ trống, không có người ở.
Lúc đó Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp suy nghĩ: “Làm sao đối trị hàng phục rồng độc này? Chỉ có lửa mới có thể khuất phục nó mà thôi.” Nghĩ như vậy rồi liền đem thần lửa tôn trí trong thảo am, thường y như pháp, cúng tế đúng lúc.
Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp liền bạch Phật:
-Lành thay! Thưa Đại Sa-môn, thật sự tôi không từ chối, cũng không tiếc thảo am đó, nhưng vì thảo am có Long vương hết sức oai hùng độc ác hiện ở trong đó. Rồng này có đại thần thông, rất độc ác, có khí độc rất mạnh, chẳng chỉ hại Nhân giả mà cũng hại luôn cả tôi.
Đức Thế Tôn lại một lần nữa nói với Ca-diếp:
-Nếu Nhân giả không từ chối, cũng không quý trọng căn nhà thì xin Nhân giả cho tôi ở trong thảo am ấy.
Ca-diếp đáp:
-Ý tôi không muốn Nhân giả ở trong nhà thờ lửa. Lý do tại sao? Vì hiện nay trong nhà đó có đại độc long oai hùng độc ác. Tôi e nhân giả cùng tôi đều bị độc long làm hại. Thưa Sa-môn Thiện Đại, căn nhà đó từ lâu đến nay thầy trò chúng tôi đều bỏ hoang, không ai dám vào.
Đức Thế Tôn lại nói với Ca-diếp đến lần thứ ba:
-Thưa Nhân giả Ca-diếp, giả sử có nhiều độc long ở đầy trọng nhà này, chúng cũng không làm hại đến một sợi lông của Ta, huống gì chỉ có một con rồng như vậy. Thưa Nhân giả Ca-diếp, Nhân giả đồng ý là được. Tôi tự nhiên sẽ vào trong nhà đó, miễn Nhân giả không từ chối, không quý trọng căn nhà, rồng hoàn toàn không làm hại đến tôi.
Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp vì thấy Đức Phật ân cần nài nỉ đến ba lần nên nói:
-Lành thay! Thưa Đại Sa-môn, tôi không từ chối, cũng không quý trọng căn nhà đó. Tôi trình bày như vậy, nếu Ngài không nghi thì tùy ý Ngài ở trong đó. Hãy luôn luôn đề phòng, đừng để bị tổn hại.
Đức Thế Tôn được Ca-diếp chấp nhận rồi, tay Ngài cầm một bó cỏ, bước vào nhà thờ thần lửa. Vào bên trong rồi, Ngài rải bó cỏ, lấy y Tăng-già-lê gấp làm bốn lớp, đặt trên thảm cỏ. Ngài kiết già, chánh thân đoan tọa trên y Tăng-già-lê, tâm ý không động, xả bỏ tất cả sự khủng bố trong ngoài, toàn thân không run sợ, an nhiên thiền định.
Khi Đức Thế Tôn vào nhà nhằm lúc độc long ra ngoài, đi khắp đó đây để tìm thức ăn. Ăn no trở về, nó bò vào nhà thờ thần lửa. Từ xa trông thấy Như Lai ngồi trong nhà, rồng suy nghĩ: “Ta đang còn sống mà lại có người nào vào trong nhà của ta.” Rồng vốn sẵn tâm độc ác, liền phun chất độc để làm hại Thế Tôn. Khi miệng rồng phun ra khói lửa, ngay lúc đó Như Lai cũng ở trong Tam-muội như vậy nên thân Ngài cũng phun ra khói. Rồng thấy Như Lai phun khói lại càng tức giận nên lại phun lửa mạnh cực nóng. Đức Như Lai cũng nhập vào Hỏa quang tam-muội, thân Ngài tỏa ra ngọn lửa mạnh. Đức Phật và độc long đều phun ra ngọn lửa mạnh. Vì vậy, căn nhà lúc bấy giờ đầy ánh lửa rực rỡ, vì lửa cháy dữ dội nên thấy thảo đường cháy đỏ, giống như đống lửa lớn.
Đức Thế Tôn suy nghĩ: “Ta có thể dùng loại thần thông mà không hại mạng sống của Long vương, chỉ cần đốt da thịt, xương gân khiến đều sạch sẽ.” Liền khi ấy, Thế Tôn dùng đến thần thông này khiến cho mạng căn của Long vương không tổn hại, chỉ khiến thân thể bị đốt sạch. Đức Phật vận dụng thần thông này rồi, Ngài lại từ trên thân phóng các đạo hào quang đủ màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, đen. Phóng quang như vậy rồi, chỉ chiếu xuống đất một tầm để soi sáng chỗ Long vương.
Bấy giờ Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp đứng cách nhà thờ thần lửa chẳng bao xa, thấy trong nhà lửa cháy dữ dội, liền nói:
-Ôi thôi! Ôi thôi! Đại Sa-môn này nay bị độc long đốt chết. Đáng thương! Đáng tiếc! Vì người không nghe lời chân thật hiền hòa của thầy trò ta.
Trong chúng của Ca-diếp có một đồng tử tên là A-la-đà-kỳ-lê-ca (nhà Tùy dịch là Thấp Thọ Y Bì) thấy hỏa đường như vậy cũng áo não. Ngoài ra, các đồng tử khác cũng đều xướng lên:
-Thật khủng khiếp!
Họ đều cùng nhau than thở. Những vị đó là Ca-tra Mâu-ni (nhà Tùy dịch là Khổ Hạnh Tiên), Da-ma-kỳ-ni (nhà Tùy dịch là Song Hỏa), A-lị-ni-tỳ-xa-da-na (nhà Tùy dịch là Lập Ngôn), Tỳ-la-ba-la (nhà Tùy dịch là Trượng Phu Quang), Xa-ma-la-da-na (nhà Tùy dịch là Tạp Sắc Nhãn), Ba-la-da-na (nhà Tùy dịch là Năng Độ Bỉ Ngạn), Ca-tra-da-na (nhà Tùy dịch là Tương Thọ Hành), Cù-đàm Tánh (nhà Tùy dịch là Ám Ngưu), Mục-kiền-liên Chủng (nhà Tùy dịch là Bạch Phủng), Bà-tư-tra Tánh (nhà Tùy dịch là Hóa Trụ), Phả-la-đọa (nhà Tùy dịch là Trọng Tủng). Những vị này đều la lên:
-Nhanh lên! Nhanh lên! Đại Sa-môn đang bị độc long thiêu đốt, chúng ta nên đến giúp sức dập tắt ngọn lửa.
Các đồng tử nghe tiếng la lên như vậy, có người mang bình nước, có người vội vã vác thang chạy đến. Đến nơi, họ bắt thang lên mái nhà lớn thờ thần lửa, ở trên dội nước xuống để dập tắt ngọn lửa. Vì ngọn lửa đó là do oai thần của Thế Tôn nên càng thêm cháy mạnh. Khi ấy những vị đồng tử này đều rời mái nhà, trở xuống đứng bên nhà thờ thần lửa. Họ nói với nhau:
-Đại Sa-môn xinh đẹp dễ thương mà bị độc long sát hại!
Bấy giờ, trong chúng có đồng tử Thấp-thọ-y-bì buồn rầu nói kệ khóc Thế Tôn:
Ôi thôi đoan chánh đẹp tuyệt vời
Tóc xanh đen mượt, tay mành lưới
Bảy chi đầy đặn, mắt tròn đầy
Bị rồng bao phủ mờ nhật nguyệt
Có một đồng tử khác buồn thương nói kệ than khóc Thế Tôn:
Ôi thổi sinh trong dòng các vua
Hơn người, tối thượng, dòng Cam Giá
Thế gian không ai hơn họ này
Nay bị độc long thiêu đốt thân!
Có đồng tử khác buồn thương nói kệ than khóc Thế Tôn:
Ba hai tướng tốt, thân xinh đẹp
Mình đã giải thoát lại độ người
Điều phục sân hận chẳng động thân
Nay bị lửa dữ độc long đốt
Có một đồng tử khác buồn thương nói kệ than khóc Thế Tôn:
Thân hình đoan chánh rất cân đối
Vua dòng Cam Giá, Ngài hơn hết
Thân như trụ vàng Diêm-phù-đàn
Nay lửa độc long đốt cháy thân!
Có một đồng tử khác buồn thương nói kệ than khóc Thế Tôn:
Chư Tiên nghe danh, tâm hoan hỷ
Bố thí, trì giới tối phước điền
Thân thể yêu kiều thật tốt đẹp
Ôi thôi, nay bị lửa rồng hại.
Lúc ấy cũng có mặt Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp ở đấy, đứng yên cách hỏa đường chẳng bao xa. Lúc đó có một đồng tử đến bạch ưu-lâu-tần-loa:
-Thưa Hòa thượng, ngài xem thử sao bổn mạng của Đại Sa-môn, xem Đại Sa-môn thuộc sao nào? Lại có bị ác tinh khác làm xúc phạm hay không? Sao xúc phạm Đại Sa-môn đó là sao nào?
Bấy giờ Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp liền ngước mặt lên trời xem sao, rồi nói với đồng tử:
-Này đồng tử, nay ngươi phải biết, bổn mạng của Đại Sa-môn nhằm vào sao Quỷ, mà sao Quỷ thì không bị các sao khác bức xúc được. Này đồng tử, nghĩa là sao của Đại Sa-môn hết sức chói sáng. Theo chỗ ta thấy tướng mạo sao này, thì biết hiện giờ Đại Sa-môn đang chiến đấu với độc long. Tướng mạo này quyết định Đại Sa-môn chiến thắng, thu phục được độc long, không có nghi ngờ.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy


San sẻ yêu thương


Sống và chết theo quan niệm Phật giáo


Truyện cổ Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.67.212 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập