Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 38 »»

Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 38


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.45 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.56 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Bản Hạnh Tập

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 41: NA-LA-ĐÀ XUẤT GIA
(Phần 2)

Bấy giờ Long vương Y-la-bát suy nghĩ: “Đức Thế Tôn đã biết danh tánh ta.” Nên đối với Như Lai, Long vương càng thêm hoan hỷ, tâm được thanh tịnh, hết lòng ái kính. Khi ấy Y-la-bát ẩn hình rồng lại hóa thành thân đồng tử đứng trước Thế Tôn đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui đứng về một bên, liền đọc hai bài kệ hỏi Phật:
Vua nào được tự tại?
Say đắm gọi là nhiễm?
Sao gọi là thanh tịnh?
Sao gọi là ngu si?
Người ngu cớ gì mê ?
Sao gọi là người trí?
Hợp gì phải biệt ly
Gọi là nhân duyên hết?
Lúc ấy, Đức Thế Tôn lại dùng kệ đáp:
Do thứ sáu tự tại
Vua nhiễm gọi là nhiễm
Không nhiễm mà có nhiễm
Do vậy gọi là si.
Bị chìm trong nước lớn
Nên gọi hết phương tiện
Thông suốt hết phương tiện
Nên gọi là người trí.
Long vương Y-la-bát lại dùng kệ bạch Phật:
Giữ gìn giới gì, tu hạnh gì
Lại do nhân duyên tạo nghiệp gì
Thọ thân tối thắng hơn trời người
Tu tập tối thượng lợi vô biên?
Đức Thế Tôn nói kệ đáp lại Long vương:
Phụng dưỡng người già chớ mắng người
Muốn gặp Tôn trưởng phải đúng lúc
Thường hành ái ngữ tu thiện pháp
Thường nghe chân thật nói điều lợi,
Thích pháp nhớ kỹ đến Bồ-đề
Trí tuệ phân biệt tư duy nghĩa
Thật ngữ tinh cần tu phạm hạnh
Thường hành bốthí với mọi người,
Chất trực cần cù soi xét kỹ
Nói năng khóc cười đều lánh ác
Ngạo mạn dèm pha đều lánh xa
Chớ kết oán thù cùng người khác
Chánh niệm nói ra lời hoàn hảo
Hoặc nghe, hoặc biết tâm ý định.
Như người thường sống theo phóng dật
Không chánh tư duy, chẳng nghe pháp
Nếu hay tu hành nhân chánh đạo
Khẩu nghiệp thanh tịnh cũng từ đây
Nhẫn nhục chánh niệm, chánh tư duy
Nhờ vào học rộng trí đa văn.
Nghe Đức Thế Tôn nói bài kệ này rồi, đồng tử Na-la-đà tâm lìa ái dục. Long vương Y-la-bát gặp Đức Phật, nghe pháp chiêm ngưỡng tôn nhan vui buồn lẫn lộn.
Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi Đại long vương Y-la-bát:
-Cớ gì ông vừa gặp Ta, tươi cười rồi bỗng nhiên buồn khóc ròng thế?
Long vương Y-la-bát bạch Phật:
-Thưa Đức Như Lai Thế Tôn, con nhớ đời quá khứ có Đức Phật ra đời hiệu là Ca-diếp Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Khi ấy con ở trong giáo pháp của Ngài làm người xuất gia tu phạm hạnh, Thưa Thế Tôn, thuở ấy con thấy một cây cỏ tên là Y-la, dùng tay bẻ cây cỏ này, rồi cầm đi đến chỗ Phật Ca-diếp, bạch Phật: “Thưa Thế Tôn, nếu có Tỳ-kheo bẻ cỏ Y-la có mắc quả báo gì không?”
Đức Thế Tôn đáp: “Này Tỳ-kheo, ông phải biết, nếu Tỳ-kheo cố ý bẻ cỏ này, thì người ấy sẽ đọa vào địa ngục kiên cố.”
Thưa Thế Tôn, lúc ấy con được Đức Phật Ca-diếp Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác dạy lời như vậy, nhưng trong tâm không tin, nên không cho là việc hy hữu quá ư đặc biệt. Do vì không nghe Phật Ca-diếp dạy, không nhận sự chỉ giáo của Như Lai, lại suy nghĩ rằng ta chỉ bẻ gãy cây cỏ Y-la, làm gì có quả báo như vậy.
Thưa Thế Tôn, khi ấy con đã phạm tội đọa mà không tin quả báo tội đọa, lại không xả bỏ tà kiến này, nên sau khi qua đời con liền sinh trong loài rồng trường thọ. Vì lý do ấy mà con có tên là Y-la-bát. Bấy giờ, con trở lại chỗ Đức Phật Ca-diếp bạch: Thưa Đại Thánh Thế Tôn, không biết chừng nào con thoát khỏi thân rồng xấu xí này? Khi nào con trở lại thân người?” Thưa như vậy rồi con đứng im lặng.
Lúc ấy, Đức Phật Ca-diếp Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác liền bảo con: “Này Đại long vương, ông phải biết, qua chừng ấy năm, chừng ấy trăm năm, chừng ấy ngàn năm, chừng ấy trăm ngàn vạn ức năm về sau, sẽ có Đức Phật ra đời hiệu là Thích-ca Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đức Phật Thích-ca sẽ thọ ký cho ông được làm thân người. Thưa Thế Tôn, vừa rồi con nghĩ rằng trong quá khứ, vì không tin, chống lại giới pháp của Đức Phật Ca-diếp, nên sinh làm thân rồng, nay nhờ chút ít thiện duyên nên được gặp Ngài mà không thể trì giới. Thưa Thế Tôn, con tự thấy tội lỗi như vậy, quở trách tự thân, nên buồn khóc ràn rụa cả mặt mày. Còn con thấy Thế Tôn nên hoan hỷ, đó là lý do khiến con tươi cười. Thưa Thế Tôn, con nghĩ: “Hy hữu thay! Hy hữu thay! Chưa từng có pháp nào như vậy, chỉ có Đức Phật Thế Tôn mới có pháp như vậy! Nghĩa là không có hai lời.” Như Đức Phật Ca-diếp thọ ký cho con: “Này Đại long vương, trải qua chừng ấy năm... chừng ấy ức năm, ở tương lai có Đức Phật ra đời....” Nay y như lời Ngài đã thọ ký không sai khác. Thưa Thế Tôn do nhân duyên đó, nay con xin hỏi Thế Tôn: -Chừng nào con thoát khỏi thân rồng? Chừng nào con được trở lại thân người?
Đức Thế Tôn bảo Đại long vương Y-la-bát:
-Này Đại long vương, từ nay trở đi trải qua chừng ấy năm,... chừng ấy ức năm (như đã nói trước) vào đời vị lai có Đức Phật ra đời hiệu là Di-lặc Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lúc ấy Đại vương sẽ được thân người, được Đức Phật Di-lặc độ cho xuất gia, tu phạm hạnh, diệt sạch các khổ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại vì Y-la-bát thuyết diệu pháp, khiến Long vương được hoan hỷ. Ngài khuyến khích dạy:
-Long vương hãy đến đây, quy y Phật, Pháp, Tăng và thọ trì năm cấm giới, thì Đại long vương sẽ được lợi ích an lạc vô cùng lâu dài.
Long vương Y-la-bát nghe Đức Phật dạy những lời như vậy, liền bạch Phật:
-Vâng lời Thế Tôn dạy, con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng và thọ trì năm giới.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Y-la-bát:
-Này Đại vương, đã đến lúc.
Y-la-bát thưa với đồng tử Na-la-đà:
-Mời đồng tử lại đây, đồng tử cần bao nhiêu vàng bạc châu báu, tùy ý nhân giả, tôi sẽ dâng đủ cho nhân giả, còn Long nữ này nhân giả không nên dùng. Vì sao? Vì hơi thở của Long nữ có thể làm cho thân người thế gian biến thành tro bụi.
Na-la-đà trả lời Long vương:
-Này Đại long vương, ta không cần vàng bạc ngọc báu, cũng không cần ngọc nữ của Long vương. Lý do tại sao? Vì ta được ở bên Đức Phật nghe kệ, nên đối với ái dục đã nhàm chán xa lìa.
Long vương Y-la-bát đảnh lễ dưới chân Phật nhiễu quanh ba vòng rồi tạ từ ra về.
Đức Phật tuần tự dạy bảo cho tám vạn bốn ngàn chúng mà Na-la-đà là bậc Thượng thủ những giáo pháp như bố thí, trì giới, sinh lên trời... lại chỉ bày nhiều sự đau khổ do lòng tham dục, khiến họ nhàm chán xa lìa để chứng lậu tận. Ngài lại tán thán công đức xuất gia là yếu tố trợ giúp trên đường giải thoát.
Đức Phật biết các đại chúng mà Na-la-đà là vị thượng thủ, đều vui mừng hớn hở, thân tâm thư thái không còn chướng ngại. Bấy giờ Đức Phật dạy pháp trọng yếu chân chánh để đại chúng sinh hoan hỷ đó là pháp bốn chân lý: Khổ, Tập, Diệt và Đạo. Đức Thế Tôn dùng tất cả phương tiện để thuyết, giải thích, chứng minh, xiển dương phân tích, kiến lập phương pháp thực hành tu tập; như thế này là khổ, như thế này là nguyên nhân của khổ, là diệt khổ và như thế này là pháp chứng đạo.
Đức Thế Tôn đem bốn chân lý chân thật này, bằng các nhân duyên, diễn thuyết chứng minh... dạy phương pháp tu hành. Khi ấy đại chúng liền ngay tại chỗ xa lìa trần cấu, dứt sạch phiền não, đối với các pháp được con mắt trí tuệ thanh tịnh, bao nhiêu nguyên nhân đau khổ đều trừ diệt, hiểu biết các pháp một cách như thật, ví như áo sạch không có chút dơ bẩn, không chỉ đen, khi muốn nhuộm màu gì thì thành màu đó. Đúng vậy! Đúng vậy! Na-la-đà và đại chúng này ngay tại chỗ ngồi xa lìa phiền não, các nguyên nhân khổ đều diệt, biết thật tướng các pháp, kiến lập vô úy, vượt khỏi lưới nghi, chẳng phải nghe từ người khác nói, biết được là do Thế Tôn dạy, tất cả đều quy y Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng và thọ lãnh năm cấm giới. Bấy giờ, tám vạn bốn ngàn đại chúng này liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật đi nhiễu quanh ba vòng rồi từ tạ ra về.
Lúc đó đồng tử Tiên nhân Na-la-đà đã thấy các pháp, đã được các pháp, đã chứng thật tướng các pháp rồi, vượt qua các nghi, thoát khỏi mê hoặc, lại không mắc vào lưới nghi, đã được vô úy, chẳng phải nghe từ người khác, đã biết giáo pháp sâu kín của Thế Tôn, liền đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật và bạch:
-Cúi xin Đức Thế Tôn cho con được xuất gia thọ Cụ túc giới!
Bấy giờ Đức Phật bảo đồng tử:
-Lành thay! Đến đây Tỳ-kheo, vào trong giáo pháp của Ta tu phạm hạnh, sẽ chấm dứt khổ đau, đến được bờ Niết-bàn.
Liền khi ấy, đồng tử thành người xuất gia thọ giới Cụ túc.
Khi Trưởng lão Tỳ-kheo Na-la-đà đã xuất gia rồi, thành tựu giới Cụ túc chưa được bao lâu, đi đứng thiền tọa một mình, xa lánh nơi đông đảo ồn ào, giữ gìn thân khẩu chưa từng phóng túng, tinh tấn dũng mãnh chưa bao giờ trễ nãi. Thiện nam này được xuất gia tu phạm hạnh vô thượng, chưa được bao lâu đã tiến đến bờ giải thoát, hiện thấy thật tướng các pháp, tự chứng các pháp thần thông, chứng rồi tự biết, tự thấy, tự giác ngộ rồi nói lên thế này: “Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân đời sau.” Biết rõ như vậy, Trưởng lão này liền thành A-la-hán đắc tâm hoàn toàn giải thoát, tuệ hoàn toàn giải thoát. Tỳ-kheo Na-la-đà này đắc quả Vô trước A-la-hán, ở riêng chỗ vắng lặng suy nghĩ: “Ta có thể đến bên Đức Phật, dùng bài kệ hỏi ngài.”
Buổi sáng nọ, Trưởng lão Tỳ-kheo Na-la-đà từ phòng ra đi hướng đến chỗ Đức Phật. Đến nơi, vị ấy đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui ra một bên. Bấy giờ Na-la-đà liền dùng kệ hỏi Đức Phật về các nghĩa:
Con nay mới biết A-tư-đà
Nói lời chân thật không sai khác
Nay lại được nghe Thế Tôn dạy
Bơi trong biển pháp đến Niết-bàn
Rời khỏi thế tục được xuất gia
Trì bát khất thực nuôi mạng sống
Tu hành pháp ấy được quả gì?
Nay con xin hỏi Phật Thế Tôn.
Đức Thế Tôn nói kệ đáp Trưởng lão Na-la-đà:
Ông hỏi quả báo tu phạm hạnh
Việc này vô thường khó biết được
Ta nay vì ông giải thích rõ
Cần phải tinh tấn thật vững bền.
Hễ người tu sĩ vào làng xóm
Được khen, bị chê xem như nhau,
Đề phòng những nơi làm loạn ý
Sẽ chứng tịch tịnh vô thượng quả.
Hành giả phải quán lời đường mật
Giống như lửa mạnh phừng phực cháy
Thấy người phụ nữ thân kiều diễm
Cần phải xa lìa chớ nhiễm tâm.
Do vì ái dục không tham đắm
Do mình và người không ái nhiễm
Không nhiễm tức không sinh tranh đấu.
Bao nhiêu chủng loại ở thế gian
Thân mình, thân người không có khác
Mạng sống ai ai cũng giống nhau
Chín chắn tư duy quán như vậy.
Khi sân chớ có giết, hại nhau
Tham, mạn các thứ nên tiêu diệt
Tất cả phàm phu chấp đắm thân
Người có mắt tuệ nên lìa oán
Như uống độc dược, đều bị chết.
Nếu vào xóm làng xin vật thực
Chẳng xem việc đời, tâm tán loạn
Tránh xa những nơi gây tham đắm
Do vì không đắm nên giải thoát.
Đêm vắng tọa thiền không mơ tưởng
Lánh xa làng xóm cũng chớ màng.
Sáng ra đến giờ đi khất thực
Chánh niệm tư duy bước vào làng
Trầm tĩnh mặc nhiên đi trong xóm
Khất thực thứ lớp trải từng nhà,
Du hành trong xóm đừng giỡn cợt
Không nên thô lỗ nói với người
Tay nâng bình bát đi khất thực
Dù có hùng biện chỉ làm thinh.
Khất thực dù ít chẳng nên buồn
Chẳng nên mạ lỵ người cho ít
Được họ dâng cúng thật là tốt
Với kẻ không cho, chớ nên buồn.
Đối hai người ấy tâm bình đẳng
Về lại gốc cây, dùng tùy ý
Ăn xong trở lại vào trong núi
Kiết già tọa thiền dưới gốc cây,
Giống như Tiên nhân ngồi nệm cỏ
Thân khẩu và tâm đều thu nhiếp
Khủng bố chẳng sợ, giữ tâm ý
Thế sự chẳng màng, vui rừng núi.
Dưới cây an tọa khéo tư duy
Lưỡi ép chân răng, thở nhè nhẹ
Ngoài ra, điều phục hết các căn
Tâm ý chẳng được duyên các pháp.
Tâm ý không vướng vào cảnh giới
Các pháp uế trược phải xa lìa
Chân tâm thanh tịnh tu phạm hạnh
Lời hay lẽ phải cần siêng học.
Thông minh đa trí phải phụng thờ
Người lìa ái dục ưa tịch tĩnh
Những người như vậy nên gần gũi
Đến về bên họ, tâm tín thuận
Tin rồi cung kính như Thế Tôn.
Chẳng nói việc tốt xấu nhà người
Không được chê người, khen ngợi mình
Không được cao giọng nói lớn lời
Như lửa phừng cháy, xa cũng nghe.
Tư duy như vậy dứt ái triền
Tỳ-kheo xuất gia là như thế.
Việc làm, không làm, thân chẳng vướng
Bình đẳng như vậy mọi việc an
Hạnh tu Thánh nhân phải như vậy.
Phải biết nghiệp báo như xe lăn
Giảng nói Thánh pháp cho một người
Người ấy tư duy thì chứng biết
Ngồi nơi vắng, điều phục các căn
Điều phục căn rồi tâm thanh tịnh
Về sau tiếng tốt truyền mọi nơi.
Hạnh này chỉ có trong rừng vắng
Hoặc ngồi trong núi dưới gốc cây
Hoặc tại bờ sông, bên ao suối
Nên ngồi tư duy chỗ như vậy.
Trí tuệ yếu kém thường ngủ nghỉ
Định lực dồi dào sinh giác ngộ
Như suối, như ao, như biển cả
Người tu thiền định cũng như vậy.
Người ngu như nửa bình nước cơm
Kẻ trí nào khác ao nước đầy
Người trí dầu có nói năng nhiều,
Tuy vậy mọi lời đều đúng lúc
Có người hùng biện lý luận nhiều
Hoặc người ít nói mà hiểu đúng
Ít nói như vậy cũng là trí
Như vậy gọi là Tiên thánh nhân
Cũng là chân thật tu Trung đạo
Đó là tịch tĩnh được giải thoát.
Đức Thế Tôn nói bài kệ này rồi, Trưởng lão Na-la-đà tâm ý được khai ngộ. Lại có vị sư nói: “Họ của Trưởng lão Na-la-đà thuộc dòng Ca-chiên-diên, nên còn gọi là Trưởng lão Ca-chiên-diên.”
Đức Phật đã từng thọ ký: “Này các Tỳ-kheo, các thầy phải biết, trong chúng Thanh văn này của Ta, người hiểu ý nghĩa Phật pháp một cách nhanh chóng bậc nhất, hoặc nghe Ta nói nhiều mà thông minh lãnh hội hết, hoặc khi Ta nói cô đọng cũng lãnh hội rõ ràng, rồi vì người khác diễn giải. Đó là Tỳ-kheo Đại Ca-chiên-diên này.”
Bấy giờ chúng Tỳ-kheo nghe Đức Phật nói vậy, cho là việc hy hữu, nói với nhau:
-Tôn giả Tỳ-kheo Đại Ca-chiên-diên trong hội này thật là ít có, đại chúng nghi ngờ lại không có người giải thích mối nghi ngờ cho chúng ta. Người rõ ý nghĩa mọi pháp chỉ có Thế Tôn mà thôi.
Họ liền đi đến chỗ Đức Phật, đồng bạch:
-Lành thay! Bạch Thế Tôn, Trưởng lão Đại Ca-chiên-diên này đời trước trồng những căn lành gì, mà ngày nay đến với Phật liền được xuất gia thọ giới Cụ túc, chứng quả A-la-hán? Rồi Đức Thế Tôn lại thọ ký ở trong chúng Thanh văn này là người có trí tuệ lanh lợi đệ nhất, Phật nói tóm lược mà người lại hiểu chi tiết, Phật nói rộng dài mà người lại hiểu được tóm lược, đó là Đại Ca-chiên-diên này vậy? Chúng con nguyện muốn được nghe.
Đức Thế Tôn bảo đại chúng Tỳ-kheo:
-Này các thầy Tỳ-kheo, phải chí tâm lắng nghe, Ta nhớ thời quá khứ trong hiền kiếp, khi chúng sinh sống hai vạn tuổi, bấy giờ có Đức Như Lai xuất hiện ở đời hiệu là Ca-diếp Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Khi Đức Phật Ca-diếp Như Lai chuyển pháp luân dựng ngọn cờ pháp rồi, nguyện xưa của Ngài đã viên mãn, lợi lạc tự tại, khai thị giáo hóa chúng sinh, tất cả việc làm của bậc Đại trượng phu và độ tất cả chúng sinh trong chúng Liên Hoa tám vạn bốn ngàn ức loại, đều được sinh lên cõi trời. Sau khi Đức Phật Ca-diếp nhập Niết-bàn, các Tỳ-kheo ở trong vườn Nai, chỗ chư Tiên đời trước ở, thuộc thành Ba-la-nại, kiến lập pháp môn giải thoát, đều ở nơi đây mà thuyết pháp.
Thuở ấy, tại thành Ba-la-nại có một thiện tín Ưu-bà-tắc thọ trì ngũ giới. Vị ưu-bà-tắc này thông suôt ngũ minh và phân biệt các luận ở thế gian một cách rành rẽ. Vị ưu-bà-tắc này chỗ vị Tỳ-kheo ở trong vườn Nai hỏi về các ý nghĩa sơ lược. Được hỏi như vậy, các Tỳ- kheo liền thuyết giải rộng rãi. Vị Ưu-bà-tắc này nghe các Tỳ-kheo giải thích các nghĩa rộng rãi như vậy, tâm rất vui mừng, phát nguyện thế này: “Hay thay! Thật là hy hữu! Tôi nguyện ở đời vị lai được pháp giáo hóa như thế này, cũng có thể vì người khác theo thứ lớp phân tích rõ ràng cũng như các vị Tỳ-kheo này.”
Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:
-Các thầy phải biết, vị Ưu-bà-tắc thọ ngũ giới thuở ấy nay là đồng tử Ca-chiên-diên. Do ở nơi Đức Phật Ca-diếp thọ ngũ giới, Ca-chiên-diên làm ưu-bà-tắc hiểu rõ các pháp Ngũ minh một cách vi tế lại vì người khác diễn thuyết phân tích rõ ràng, thuở đó lại phát nguyện: “Nguyện đời vị lai thành tựu tất cả các pháp, rồi lại vì người khác diễn thuyết rộng rãi.”
Lại nữa, này các thầy Tỳ-kheo, các thầy phải biết, Tỳ-kheo Ca-chiến-diên này do tâm hoan hỷ trồng các căn lành như vậy, nhờ nhân duyên đó nên ngày nay đến gặp Ta liền được xuất gia thành A-la-hán. Ta thọ ký ở trong chúng Thanh văn của Ta, là bậc đệ nhất đối với nghĩa tóm tắt, có thể giải bày rộng rãi; đối với nghĩa rộng rãi có thể tóm tắt, đó là Tỳ-kheo Đại Ca-chiên-diên.
Bấy giờ, ở trong nhân gian có chín mươi hai vị A-la-hán: Thứ nhất là Đức Thế Tôn, năm vị Tỳ-kheo Kiều-trần-như.Trưởng lão Da-du-đà; bốn vị Trưởng lão Vô cấu, Thiện Tý, Mãn Túc, Ngưu Chủ, là những vị thiện nam rất giàu, trưởng giả tuyệt vời trong số các trưởng giả tuyệt vời bạn cũ của Da-du-đà, năm mươi vị thương chủ thanh niên, bạn bè của Da-du-đà từ các phương, Trưởng lão Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử và hai mươi chín bạn bè, cuối cùng là Trưởng lão Ca-chiên-diên.
Phẩm 42: TA-TỲ-DA XUẤT GIA
(Phần 1)

Thuở xưa, ở phía Bắc Thiên trúc có một tòa thành tên Đặc-xoa-thi-ca (nhà Tùy dịch là Tước Thạch). Bấy giờ, trong thành có một gia đình, người vợ bỗng nhiên sinh song thai, một trai một gái, vợ chồng mời tướng sư danh tiếng đến xem tướng. Tướng sư xem tướng nói rằng bé gái không có tướng tốt, không có điềm lành lợi ích. Cha mẹ bé gái nghe tướng sư nói như vậy, mới nghĩ: “Con mình đã không có tướng tốt, lại không có điềm lành, nếu để nó trưởng thành thì ai chịu cưới nó làm vợ.” Cha mẹ bàn luận như vậy rồi, liền đưa bé gái đến một nữ đạo sĩ tên là Ba-lê-bà-xà (nhà Tùy dịch là Hành Hành) thưa như thế này:
-Nay vợ chồng chúng tôi đến đây xin bà nhận nuôi giùm đứa bé gái này, dạy cho nó đạo pháp được tăng tiến, bao nhiêu nhu cầu đời sống chúng tôi xin cung cấp.
Lúc ấy nữ đạo sĩ Ba-lê-bà-xà nhận lời nuôi dưỡng bé gái, chăm sóc bé gái đến mười lăm tuổi, trí khôn đầy đủ, liền dạy tất cả kỹ năng chú thuật. Bé gái trí tuệ thông minh thông suốt các luận, đối với tất cả môn học đều được thành tựu. Khi đến tuổi trưởng thành nhan sắc tuyệt vời ít ai sánh kịp, mặt mày đẹp đẽ hơn người, thân hình mềm mại, cốt cách đoan trang hình dung cân đối rất vẹn toàn, mọi người đều hoan hỷ, ai cũng thích nhìn.
Bấy giờ, trên thân đồng nữ mặc một chiếc xiêm và khoác trên vai một chiếc áo choàng đều bằng vỏ cây, tay cầm giá thau, để khi cần thì đặt bình nước tắm rửa, du hành khắp mọi nơi, vương môn, quốc thành, thôn ấp, xóm làng các nước... để tìm luận sư tranh tài, vì muốn thu phục họ. Trải qua nhiều ngày tháng, cô ta tình cờ gặp được đạo nhân Ba-lê-bà-xà tên là Tối Diệu Tự Tại Thắng Tha từ phía Nam Thiên trúc du hành qua nhiều xứ hướng về phía Bắc Thiên trúc.
Đạo nhân này cũng dễ thương hình dung đoan chánh không ai bằng, tuổi còn tráng niên, khí lực sung mãn, mặt mày cũng đẹp đẽ hơn người, tay chân xinh đẹp. Trong hàng luận sư thì người này danh tiếng bậc nhất. Bấy giờ đạo nhân thấy đồng nữ Ba-lê-bà-xà với hình dung kiều diễm nhan sắc tuyệt vời, rất dễ thương được mọi người thích ngắm trông như vậy nên để tâm yêu mến. Khi ấy đồng nữ Ba-lê-bà-xà cũng có tâm luyến ái đạo nhân Ba-lê-bà-xà. Rồi cả hai cảm mến luyến ái nhau.
Bấy giờ, đạo nhân Ba-lê-bà-xà nói với đồng nữ Ba-lê-bà-xà:
-Này nhân giả thiện nữ, ta nay rất muốn cùng nàng làm việc thế gian.
Đồng nữ cũng đáp lại:
-Tôi cũng thích cùng nhân giả ở chung một chỗ.
Đạo nhân Ba-lê-bà-xà bảo đồng nữ:
-Hai người chúng ta đều là kẻ xuất gia tu đạo, nếu ở trong phép đạo, làm việc thế gian như vậy, mà mọi người biết được chúng ta làm việc này, thì họ hủy nhục chê trách chúng ta. Vậy chúng ta phải lập kế, ở trước công chúng tranh luận với nhau, lập lời giao ước nếu ai thua cuộc thì phải hầu hạ người thắng cuộc.
Đồng nữ lại nói:
-Nếu như em thắng mà anh thua, thì việc này không tốt, không hợp lý, lẽ nào đấng trượng phu mà hầu hạ nữ nhi hay sao! Còn nếu em thua thì em phụng sự anh, đây là việc tốt vì thuận lý.
Khi ấy đạo nhân liền bảo đồng nữ:
-Hay thay! Hiền nữ, lời nói của nàng thật là chí lý, sẽ làm theo lời nàng.
Bấy giờ, đạo nhân Ba-lê-bà-xà ở trước công chúng đánh trống nghị luận rao rằng ở xứ này có người nào cùng ta tranh luận hay không? Hoặc có đồng nam Ba-lê-bà-xà, hoặc là đồng nữ Ba-lê-bà-xà, ai có thể vấn đáp với ta? Nếu có được thì tốt.
Khi xướng lên như vậy cho đến lần thứ ba, thì đồng nữ Ba-lê-bà-xà ở trong đại chúng nghe lời rao như vậy, liền đáp:
-Ta có thể cùng người nghị luận hỏi đáp qua lại.
Trước đại chúng với dung nghi yểu điệu, đồng nữ đưa ra câu hỏi. Đạo nhân Ba-lê-bà-xà giải đáp thông suốt. Rồi đạo nhân lại hỏi đồng nữ. Đồng nữ cũng giải đáp thông suốt. Hỏi qua lại như vậy đến lượt thứ hai, cả hai đều hỏi đáp thông suốt. Đến lần thứ ba đạo nhân Ba-lê-bà-xà hỏi đồng nữ. Đồng nữ đủ sức giải đáp thông suốt, nhưng vì trong tâm yêu đạo nhân Ba-lê-bà-xà, muốn làm người hầu hạ, nên giả đò không thông hiểu, đứng nín thinh không giải đáp. Như vậy, ở trước đại chúng đạo nhân Ba-lê-bà-xà đã chinh phục đồng nữ.
Bấy giờ đồng nữ đã bị đạo nhân Ba-lê-bà-xà chinh phục, liền ở trước đại chúng nhận lấy dép da và giá ba chân từ nơi tay của đạo nhân mà đi theo hầu. Hai người này sống dưới hình thức như vậy, tâm cấu uế loạn động không thể rời nhau, cùng ở chung một chỗ. Vì hai người đã sống chung với nhau, nên đồng nữ đã có mang. Khi đồng nữ có mang mất đi nhan sắc không còn tươi thắm như xưa. Đạo nhân Ba-lê-bà-xà thấy đồng nữ nhan sắc không còn như thuở nào, liền sinh tâm nhàm chán mà nói với đồng nữ:
-Ta nay không thể cùng nàng sống chung một chỗ.
Lúc ấy đồng nữ thưa với đạo nhân Ba-lê-bà-xà:
-Hai chúng ta đều là đạo nhân, vì cả hai đánh mất chánh niệm, tôi sống bên chàng nay đã mang thai, chàng thấy tôi giờ này hoa sắc không còn bỏ tôi ra đi, thì tôi lập tức sẽ chết theo, còn nếu chưa chết thì sẽ khổ não vô cùng.
Bấy giờ, đạo nhân Ba-lê-bà-xà tâm đã quyết định ra đi, nên trao cho đồng nữ một chiếc nhẫn bằng vàng dùng làm vật kỷ niệm và bảo đồng nữ:
-Nếu nàng sinh con gái thì đem bán chiếc nhẫn này để nuôi con, còn nếu sinh con trai thì trao chiếc nhẫn này làm tín vật và bảo nó đi tìm ta.
Ông trao chiếc nhẫn rồi bỏ đồng nữ ra đi, về hướng Nam Thiên trúc. Đồng nữ Ba-lê-bà-xà đi bộ khắp đó đây lần lần đến làng Ma-hầu. Bên làng này có một vùng đất tên là Bạch vân, nàng nương sống ở nơi này hạ sinh một bé trai. Khi bé trai chào đời bao nhiêu dân chúng trong huyện đều lấy làm cảm động xót thương, hoặc có người cho sữa, hoặc có người cho dầu, ngoài ra những gì cần dùng đều được họ bố thí. Đồng nữ Ba-lê-bà-xà nghĩ thế này: “Ta đã sinh bé trai ở trong huyện này, có thể lấy địa danh này để đặt tên cho nó, để nhớ nơi mở mắt chào đời.” Nên cô ta đặt tên đứa bé là Ta-tỳ-da (nhà Tùy dịch là Huyện Quan).
Khi ấy Ba-lê-bà-xà theo đúng phương pháp nuôi dưỡng bú mớm để bé Ta-tỳ-da được mau lớn. Trải qua năm tháng Ta-tỳ-da lần lần lớn khôn sắp đến tuổi trưởng thành, được nữ nhân Ba-lê-bà-xà dạy cho các môn văn thơ, hội họa, toán số, ấn ký, chú thuật ngoài ra các luận khác đều dạy, khiến đồng tử được thành tài. Đồng tử thông minh lanh lợi, nên đối với các môn học đều được thành tựu, không có môn nào là không biết.
Vào ngày nọ Ta-tỳ-da hỏi mẹ:
-Thưa mẹ, cha con là ai? Nay ở đâu?
Người mẹ đáp:
-Này con Ta-tỳ-da, cha con hiện nay đang ở phương Nam Thiên trúc, con nên đến đó để tìm kiếm cha con.
Khi ấy Ba-lê-bà-xà trao cho con chiếc nhẫn, mà trước khi đi đạo nhân đã trao cho bà làm vật kỷ niệm, trao rồi bảo con:
-Con đem vật kỷ niệm này đi tìm cha con.
Ta-tỳ-da liền đáp:
-Như lời mẹ dạy, con sẽ đi tìm cha.
Khi ấy Ta-tỳ-da nhận vật kỷ niệm, rồi dần dần đi về phía Nam Thiên trúc, từ thôn này đến thôn khác, rồi làng kia qua làng nọ, thành này đến thành khác, lần hồi đã đến miền Nam xứ Thiên trúc, Đến đâu anh cũng thắng những người luận nghị. Dần dần Ta-tỳ-da đến chỗ người cha mà không biết là cha mình, cũng không cần hỏi han. Đến nơi, anh ta liền đánh trống nghị luận, rao lên thế này:
-Xứ này có đạo nhân Ba-lê-bà-xà hay nữ đạo sĩ Ba-lê-bà-xà nào cùng với ta hỏi đáp nghị luận hay không?
Khi ấy đạo nhân Ba-lê-bà-xà vừa thấy đồng tử Ta-tỳ-da, tự nhiên trong tâm sinh ra tình cảm cha con. Đạo nhân hỏi đồng tử Ta- tỳ-da:
-Này thiện đồng tử, người là ai? Từ đâu đến đây?
Đồng tử nói nguyên do lai lịch một cách chi tiết với đạo nhân Ba-lê-bà-xà, rồi đưa nhẫn cho đạo nhân xem. Khi đạo nhân thấy chiếc nhẫn, nói với đồng tử rằng người là con của ta.
Khi Ba-lê-bà-xà được con, liền dạy thêm các chú thuật, kỹ nghệ mà xưa nay đạo nhân đã từng tu các thiền định, như vậy theo thứ lớp dạy các thiền định cho con mình. Sau đó, chẳng bao lâu đạo nhân Ba-lê-bà-xà qua đời. Sau khi cha qua đời, Ta-tỳ-da đi đến bờ biển, dựng một thảo am, trong cảnh vắng lặng tọa thiền tư duy, chẳng bao lâu chứng được bốn thiền và năm phép thần thông. Sau khi chứng đắc, đồng tử nghĩ thế này: “Trong thế gian này được bao nhiêu vị A-la-hán, đã tự xưng đã chứng đắc A-la-hán đạo, đối với họ ta cũng là A-la-hán không khác.”
Mẹ của đồng tử sau khi qua đời sinh vào cõi trời Ba mươi ba. Ngay sau khi Đức Thế Tôn thành đạo Vô thương Chánh đẳng Chánh giác, ở trong vườn Nai chuyển pháp luân vô thượng, khi ấy chư Thiên Địa cư tán thán, lần lượt chuyển dần lên đến cõi trời Ba mươi ba, thiên nữ mẹ của đồng tử ở cõi trời Ba mươi ba nghe lời tán thán này, trong tâm suy nghĩ: “Con ta ngày nay ở chỗ nào?” Rồi vị ấy chánh niệm quán sát, thấy con mình ở bên bờ biển.
Lúc ấy, vị trời với thân hình đẹp đẽ hơn chư Thiên khác, ngay giữa đêm phóng hào quang chiếu xuống và đi đến chỗ ở của con mình. Vị trời Ba-lê-bà-xà đi đến bên Ta-tỳ-da bảo:
-Này Ta-tỳ-da, ông chẳng phải là La-hán, cũng chưa nhập đạo A-la-hán và pháp A-la-hán, ông cầu pháp A-la-hán không có thứ lớp.
Ta-tỳ-da hỏi Thiên nữ:
-Chư Thiên là người gì? Thiên nữ là A-la-hán phải không? Có pháp chứng nhập đạo quả A-la-hán không? Và có giáo pháp để dạy tôi tu tập chứng quả A-la-hán không?
Thiên nữ liền đáp:
-Này Ta-tỳ-da, hiện nay có Đức Thế Tôn Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đang ở vườn Nai, nơi chư Thiên đời trước ở, thuộc thành Ba-la-nại, Đức Thế Tôn này chính là Bậc A-la-hán, đã vào đạo quả A-la-hán, tự hiểu biết rồi dạy lại cho người khác cũng đắc quả A-la-hán.
Khi ấy Ta-tỳ-da hỏi Thiên nữ:
-Thưa nhân giả Đại thiên, tôi thật vô trí, nên dùng cách gì để biết người đó là Như Lai Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Thiên nữ dạy Ta-tỳ-da:
-Này Ba-lê-bà-xà, ông muốn hỏi về ý nghĩa pháp cần phải hỏi người đó như thế này: “Ông nhận tên Tỳ-kheo như vậy là gì? Sao gọi là điều phục? Sao gọi là hành thiện? Sao gọi là Phật? Sao gọi là Tỳ-kheo? Sao gọi là Sa-môn và Bà-la-môn? Sao gọi là thanh tịnh? Sao gọi là trí và biết ruộng phước? Sao gọi là hiểu rõ phương tiện thiện xảo? Sao gọi là Tiên? Sao gọi là danh văn? Sao gọi là tùy thuận? Sao gọi là tinh tấn? Sao gọi là rồng? Sao gọi là lãnh thọ? Sao gọi là Thánh? Sao gọi là tu hành? sao gọi là cầu đạo? Này Ta-tỳ-da, ông hỏi người nào như vậy, họ giải thích từng vấn đề một khiến ông hoan hỷ, lúc ấy ông nên ở chỗ người đó để tu phạm hạnh.
Bấy giờ Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà nghe lời Thiên nữ chỉ dạy như vậy, ghi nhớ kỹ, liền du hành trải qua các quốc gia, thành ấp, thôn xóm nơi nơi đánh trống muốn cầu người luận nghị. Ông ta lại rao lên: “Có Sa-môn hay Bà-la-môn nào có thể giải thích nghĩa câu hỏi của ta... như thế này chăng?’
Lúc ấy chỗ nào Ta-tỳ-da đi đến thì chỗ đó không có người nào có thể luận nghị, giải đáp những câu hỏi như vậy. Chỗ nào Ta-tỳ-da đi đến, hoặc có những người đang ngồi tư duy các pháp, hoặc các bậc luận sư, hễ nghe Ta-tỳ-da đi đến chỗ mình, đều tẩu tán, rốt cuộc không có người nào dám cùng với Ta-tỳ-da tranh luận.
Thưở ấy, Ta-tỳ-da Ba-lê-bà-xà cứ tuần tự mà đi lần hồi đến thành Ba-la-nại. Trong thành này có sáu đại luận sư, mỗi vị đều tự xưng là người bậc nhất trong thiên hạ. Các vị đó là: Phú-lan-na, ba anh em Ca-diếp, Ni-kiền Tử...Ta-tỳ-da đến Phú-lan-na, chào hỏi thăm viếng lẫn nhau, rồi lui đứng sang một bên.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.248.149 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập