Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh [金光明最勝王經] »» Bản Việt dịch quyển số 9 »»

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh [金光明最勝王經] »» Bản Việt dịch quyển số 9


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Việt dịch (3) » Việt dịch (4) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 1.08 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.66 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Kim Quang Minh

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Việt dịch: Thích Nguyên Chơn

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

PHẨM 21: THIỆN SANH VƯƠNG
Sau khi Phật nói Vương pháp chánh luận, Ngài lại bảo rằng: “Các ông lắng nghe, bây giờ Ta sẽ nói về nhân duyên tin phụng giáo pháp của Ta khi xưa”. Thế là Đức Phật dùng kệ dạy rằng:
Khi xưa Ta làm Chuyển luân vương
Bỏ cõi nước này và biển lớn
Đem hết của báu đầy bốn châu
Cung kính cúng dường các Đức Phật.
Vô lượng vô biên kiếp ngày xưa
Vì cầu pháp thân chân thanh tịnh
Từ vật quí trọng, đến sắc thân
Ta đều xả bỏ không luyến tiếc.
Vào kiếp quá khứ chẳng tính lường
Có đức Bảo Kế Chánh Biến Tri
Sau khi Như Lai nhập niết-bàn
Nhân chủ Thiện Sanh hiện thế gian.
Thiện Sanh, Luân vương của bốn châu
Tất cả biển lớn đều qui phục
Bấy giờ có thành Diệu Âm Thanh
Là nơi Luân vương kia an trú.
Mộng nghe nói Phật đấng phước trí
Lại thấy Bảo Tích đại pháp sư
An tọa đoan nghiêm như mặt trời
Giảng nói Kim quang minh vi diệu.
Bấy giờ Luân vương chợt tỉnh giấc
Toàn thân tràn ngập niềm hỉ lạc
Khi trời vừa sáng xuất khỏi cung
Xa giá đến nơi tì-kheo trú.
Cung kính cúng dường thánh tăng rồi
Luân vương lại hỏi han đại chúng
Có vị pháp sư tên Bảo Tích
Thành tựu năng lực độ người chăng?
Bấy giờ đại pháp sư Bảo Tích
An trụ trong ngôi tĩnh thất kia
Chánh niệm trì tụng kinh vua này
Thân tướng bất động, tâm an lạc.
Các vị tì-kheo dẫn Luân vương
Đến nơi pháp sư đang an trụ
Thấy ngài an tọa thật đoan nghiêm
Toàn thân rạng ngời bao tướng quí.
Đại vương! Đây là ngài Bảo Tích
Giữ gìn hành xứ Phật sâu xa
Chính là Kim quang minh vi diệu
Kinh vua, bậc nhất trong các kinh.
Tức thì Luân vương lễ Bảo Tích
Cung kính chắp tay mà thưa thỉnh
Xin bậc Nguyệt Mãn Diện đoan nghiêm
Thuyết Kim quang minh kinh mầu nhiệm.
Pháp sư chấp nhận lời cầu khẩn
Vì vị Luân vương thuyết kinh này
Bấy giờ khắp cả cõi tam thiên
Chư thiên, đại chúng thảy vui mừng.
Vua chọn nơi rộng và thanh tịnh
Dùng nhiều báu vật để trang nghiêm
Nước thơm thượng diệu rưới khắp nơi
Hoa đẹp nhiều màu rải trên đất.
Sau đó lập một tòa cao rộng
Treo cờ, che lọng thật trang nghiêm
Các loại hương xoa và hương bột
Mùi thơm ngào ngạt tỏa khắp nơi.
Trời, rồng, tu-la, khẩn-na-la
Ma-hầu-la-già và dạ-xoa
Đều đến cúng dường tòa cao ấy
Chư thiên tuôn xuống mạn-đà-la.
Lại có ngàn vạn các vị trời
Thích nghe chánh pháp cũng đến nơi
Pháp sư vừa từ tòa đứng dậy
Hoa trời rải khắp để cúng dường.
Bấy giờ pháp sư liền tắm rửa
Thay y phục mới thật trang nghiêm
Đến nơi pháp tòa giữa đại chúng
Chí thành chắp tay cung kính lễ.
Thiên chủ, thiên chúng và thiên nữ
Rải hoa mạn-đà kính cúng dường
Trăm ngàn nhạc trời thật tuyệt diệu
Vang lên cùng khắp cõi hư không.
Bấy giờ Bảo Tích đại pháp sư
Bước lên tòa cao, kết già tọa
Nghĩ về vạn ức đấng Từ tôn
Trong khắp mười phương các cõi nước.
Nghĩ đến chúng sinh đang khổ đau
Khởi lòng từ bi bình đẳng khắp
Lại vì Luân vương Thiện Sanh thỉnh
Mà nói kinh mầu Kim quang minh.
Vua đã được nghe pháp nhiệm mầu
Chắp tay một lòng xin tùy thuận
Nghe pháp hiếm có, lệ tuôn tràn
Thân tâm ngập tràn niềm hỉ lạc.
Thế rồi quốc chủ Thiện Sanh vương
Vì muốn cúng dường kinh mầu này
Tay cung kính dâng châu Như ý
Phát nguyện đều vì các chúng sanh.
Rằng nay trên cõi Diêm-phù-đề
Ngập tràn bảy báu, xâu chuỗi quí
Những kẻ thiếu tiền và vật dụng
Tùy tâm đầy đủ, được an vui.
Nguyện xong, tức thời mưa bảy báu
Đầy đủ khắp cùng bốn đại châu
Xâu chuỗi và các vật cần dùng
Áo quần, uống ăn đều không thiếu.
Bấy giờ quốc chủ Thiện Sanh vương
Thấy khắp bốn châu đầy báu vật
Liền dâng Bảo Kế Phật Thế Tôn
Cùng các tì-kheo tuân di huấn.
Các ông nên biết Thiện Sanh vương
Chính Ta, Thích-ca Mâu-ni Phật
Vì thời quá khứ bỏ đại địa
Và cả bảy báu đầy bốn châu.
Còn vị pháp sư Bảo Tích kia
Vì Thiện Sanh vương thuyết diệu pháp
Khai giảng kinh vua nhiệm mầu này
Chính nay Bất Động Phật phương đông.
Vì Ta từng nghe kinh vua này
Nên liền chắp tay xin tùy hỉ
Và với công đức cúng bảy báu
Được thân kim cang tối thắng này.
Với trăm phước tướng màu vàng ròng
Người nhìn thấy rồi tâm hoan hỉ
Tất cả chúng sanh đều ưa thích
Câu-chi thiên chúng cũng vui lòng.
Quá khứ Ta làm vua Chuyển luân
Chín mươi chín câu-chi ức kiếp
Lại trải vô lượng trăm ngàn đời
Thống lãnh nước nhỏ làm nhân vương.
Còn qua nhiều kiếp làm Đế Thích
Và cũng từng làm Đại Phạm thiên
Cúng dường Thập lực Đại Bi tôn
Số lượng thật không sao tính kể.
Xưa Ta nghe kinh xin tùy hỉ
Phước đức gom nhóm thật khó ghi
Do đây chứng ngộ đạo Bồ-đề
Đạt được pháp thân chân diệu trí.
Đại chúng nghe Phật giảng nói như thế, tất cả ca ngợi là chưa từng có, đều nguyện cung kính thọ trì lưu truyền kinh Kim quang minh mãi mãi ở thế gian.
PHẨM 22: CHƯ THIÊN VÀ DẠ-XOA HỘ TRÌ
Bấy giờ Thế Tôn bảo Đại Cát Tường: “Nếu có người nam và những người nữ lòng tin thanh tịnh, muốn dâng cúng những phẩm vật quí giá chẳng thể nghĩ bàn lên Phật quá khứ, hiện tại-vị lai, lại muốn thấu hiểu hành xứ sâu xa của Phật ba đời, thì bất cứ nơi nào có kinh này, hoặc là thành thị, hoặc nơi xóm làng, núi non đầm vắng, đều nên chí tâm vì các chúng sanh lưu truyền rộng rãi. Còn người nghe kinh, nên dứt loạn tưởng, chí tâm lắng nghe”. Dạy xong Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Muốn cúng dường chư Phật
Phẩm vật chẳng nghĩ bàn
Lại muốn hiểu hành xứ
Sâu mầu của Như Lai
Thì khi thấy giảng nói
Kinh Kim quang minh này
Phải đích thân đi đến
Trụ xứ của pháp sư.
Kinh này chẳng nghĩ bàn
Hay sanh các công đức
Đưa các loài chúng sinh
Vượt biển khổ vô biên.
Ta thấy kinh vua này
Đầu, giữa, cuối đều tuyệt
Sâu xa chẳng thể lường
Cũng không thể thí dụ.
Giả sử cát sông Hằng
Bụi đất cùng nước biển
Đá núi khắp không gian
Cũng không bằng một phần.
Muốn thâm nhập pháp giới
Trước nên nghe kinh này
Trong chùa tháp pháp tánh
Sâu xa, khéo an trụ.
Trong chùa tháp như thế
Thấy Ta, đấng Mâu-ni
Dùng âm thanh vui hòa
Giảng nói kinh vua này.
Do đó câu-chi kiếp
Nhiều không thể nghĩ bàn
Sanh vào cõi trời, người
Hưởng niềm vui thắng diệu.
Nếu ai nghe kinh này
Tâm phải suy nghĩ rằng:
Ta được tụ công đức
Vô biên chẳng nghĩ bàn.
Giả sử đống lửa lớn
Trải trăm du-thiện-na
Vì muốn nghe kinh này
Lao qua không sợ hãi.
Đã đến nơi giảng thuyết
Được nghe kinh này rồi
Các tội nghiệp đã trừ
Các mộng ác cũng diệt.
Sao xấu, biến hiện xấu
Trùng độc và yêu tà
Khi đã nghe kinh này
Tất cả đều tránh xa.
Nên đặt tòa cao rộng
Sạch đẹp như hoa sen
Pháp sư ngồi trên đó
Như rồng lớn cuộn tròn.
Đã an tọa trên tòa
Liền thuyết kinh vi diệu
Biên chép và tụng trì
Đều vì giải thích nghĩa.
Xong, pháp sư rời tòa
Đi đến những nơi khác
Thì liền nơi tòa này
Nhiều tướng thần biến hiện.
Hoặc thấy tượng pháp sư
Còn ngồi trên tòa cao
Hoặc thấy đức Thế Tôn
Và các vị bồ-tát.
Hoặc hiện hình Phổ Hiền
Hay Văn-thù-sư-lợi
Hoặc thấy đức Di-lặc
Thân ngự tại tòa cao.
Hoặc thấy những tướng lạ
Và hình tượng chư thiên
Nhưng vừa thấy hình dung
Bỗng nhiên lại biến mất.
Các điều tốt đều thành
Việc làm đều thuận ý
Công đức thảy viên mãn
Thế Tôn dạy như vậy.
Cao tột có thanh danh
Hay diệt các phiền não
Dẹp sạch giặc xâm lăng
Chiến đấu luôn đắc thắng.
Không còn thấy ác mộng
Độc hại cũng tiêu trừ
Tội do ba nghiệp tạo
Sức kinh cũng diệt luôn.
Danh tiếng vang cùng khắp
Nơi Nam Thiệm-bộ châu
Tất cả các oán kết
Đều tiêu hết, không còn.
Dẫu có oán thù đến
Nghe tiếng liền lui tan
Chẳng cần động binh đao
Hai bên đều hoan hỉ.
Phạm thiên cùng Đế Thích
Bốn vương hộ thế gian
Chấp Kim Cang, dạ-xoa
Chánh Liễu Tri đại tướng.
Long vương hồ Vô Nhiệt
Cho đến Ta-kiệt-la
Nhạc thần khẩn-na-la
Tô-La kim sí điểu.
Thiên nữ Đại Biện Tài
Cùng với Cát Tường thiên
Là các vị thủ lãnh
Mỗi mỗi lãnh chúng trời
Luôn cúng dường chư Phật
Pháp bảo chẳng nghĩ bàn
Hằng sinh lòng hoan hỉ
Tôn kính kinh mầu này.
Các vị trời hôm nay
Đều khởi tâm suy nghĩ
Quán xét người tu phước
Rồi cùng nhau nói rằng:
Nên xem hữu tình này
Là bậc đại phước đức
Sức căn lành, tinh tiến
Mai sau sanh cõi trời.
Vì muốn nghe kinh vua
Cung kính đến nơi đây
Vì tôn trọng chánh pháp
Nên cúng dường tháp pháp.
Lại thương xót chúng sanh
Mà làm lợi ích lớn
Đối với kinh sâu này
Làm vật chứa pháp bảo.
Người vào pháp môn này
Thì vào được pháp tánh
Nên chí tâm nghe nhận
Kinh mầu Kim quang minh.
Người này từng cúng dường
Vô lượng trăm ngàn Phật
Do những căn lành ấy
Được nghe Kim quang minh.
Người này được thiên chủ
Thiên nữ Đại Biện Tài
Cùng với Cát Tường thiên
Cho đến bốn thiên vương
Vô số dạ-xoa chúng
Dõng mãnh, có thần thông
Mỗi mỗi ở bốn phương
Thường đến mà bảo vệ.
Nhật, Nguyệt thiên, Đế Thích
Các thần nước, gió, lửa
Phệ-suất-nộ vai rộng
Diêm-la, Đại Biện Tài,
Tất cả trời hộ thế
Mạnh mẽ đủ oai thần
Bảo vệ người trì kinh
Ngày đêm thường chẳng lìa.
Dạ-xoa vương sức lớn
Na-la-diên, Tự Tại
Chánh Liễu Tri thủ lãnh
Hai tám bộ dạ-xoa,
Trăm ngàn dạ-xoa khác
Có năng lực thần thông
Đến những nơi nguy hiểm
Bảo vệ người trì kinh.
Kim Cang, dạ-xoa vương
Cùng năm trăm quyến thuộc
Và các đại bồ-tát
Cũng đến hộ người này.
Bảo vương, dạ-xoa vương
Cùng với Mãn Hiền vương
Khoáng dã, Kim-tì-la
Tân-độ-la, Hoàng sắc
Các vị dạ-xoa này
Đều có năm trăm quân
Thấy người nghe kinh này
Đều đến mà bảo vệ.
Càn-thát-bà, Thể Quân
Vi vương, Thường Chiến Thắng
Châu Cảnh và Thanh Cảnh
Cùng Bột-lí-sa vương
Đại Tối Thắng, Đại Hắc
Tô-bạt-nô-kê-xá
Dương Túc, Bán-chi-ca
Cho đến Đại Bà-già
Tiểu Cừ và Hộ Pháp
Cùng với di hầu vương
Châm Mao và Nhật Chi
Bảo Phát đều đến hộ.
Đại Cừ, Nặc-câu-la
Chiên-đàn, Dục Trung Thắng
Xá-la, Tuyết sơn thần
Và thần núi Ta-đa
Đều có đại thần thông
Dõng mãnh đầy oai lực
Thấy người trì kinh này
Cùng đến để bảo vệ.
A- na-bà-đáp-đa
Và rồng Ta-yết-la
Mục-chân, Y-la Diệp
Nan-đà, Tiểu nan-đà
Thần thông và oai đức
Bậc nhất trong loài rồng
Bảo vệ người trì kinh
Ngày đêm thường không rời.
Bà-trĩ, La-hầu-la
Tì-ma-chất-đa-la
Mẫu-chỉ-chiêm-bạt-la
Đại Kiên và Hoan Hỉ
Các Tu-la vương khác
Cùng vô số thiên chúng
Dõng mãnh và uy lực
Cũng đến mà hộ trì.
Thần Ha-lợi-để mẫu
Năm trăm chúng dạ-xoa
Lúc người ấy ngủ nghỉ
Cũng luôn đến bảo vệ.
Chiên-đà, Chiên-đà-lợi
Nữ dạ-xoa Chiên-trĩ
Côn-đế, Câu-trá-xỉ
Quỉ hút tinh chúng sanh,
Các quỉ thần như thế
Có sức đại thần thông
Luôn hộ người trì kinh
Ngày đêm thường không lìa.
Trời Biện Tài thủ lãnh
Cùng vô lượng thiên nữ
Trời Cát Tường đứng đầu
Với vô lượng quyến thuộc,
Thần nữ đại địa này
Thần vườn rừng, hoa quả
Thần cây, thần sông hồ
Cùng các thần giữ tháp
Các trời, thần như thế
Lòng vô cùng mừng vui
Đều đến mà bảo vệ
Người trì tụng kinh này.
Lại thấy người trì kinh
Giúp tăng thọ, sắc lực
Tăng oai quang, phước đức
Có tướng quí nơi thân.
Tinh tú hiện tai biến
Đưa họa đến người này
Những điềm mộng bất tường
Đều giúp trừ diệt hết.
Nữ thần đại địa này
Bền vững có uy thế
Do sức của kinh này
Pháp vị thường đầy đủ
Nên đất thấm màu mỡ
Sâu hơn trăm thiện-na[1]
Địa thần lại đưa lên
Đượm nhuần khắp mặt đất.
Dù đại địa rất dày
Sáu tám ức thiện-na
Đến ranh giới kim cang[2]
Chất màu cũng lên được.
Do nghe kinh vua này
Đạt được tụ công đức
Giúp cho các thiên chúng
Đạt được lợi ích lớn.
Lại khiến các thiên chúng
Có uy lực, ánh sáng
Trong tâm thường an vui
Không còn các tướng suy.
Các thần rừng, quả, hạt
Trong cõi Diêm-phù này
Do sức của kinh vua
Lòng cũng thường hoan hỉ.
Khiến lúa ngô tươi tốt
Chốn chốn nở đầy hoa
Trái, hạt đều trĩu nặng
Đầy khắp cả cõi này.
Tất cả loại cây trái
Trong khắp cả vườn rừng
Đều ngập tràn hoa đẹp
Ngào ngạt những mùi hương.
Cỏ cây trên đại địa
Đều khoe sắc hoa đẹp
Đều kết trái thơm ngon
Khắp nơi đều sung mãn.
Vô lượng các long nữ
Trong cõi Diêm-phù này
Đều sanh lòng vui mừng
Nên cùng vào ao hồ
Trồng sen bát-đầu-ma
Cùng loại phân-đà-lợi
Sen xanh và sen trắng
Đầy khắp mặt hồ ao.
Do sức của kinh này
Bầu trời thật trong xanh
Không còn áng mây giăng
Nơi nơi đều soi tỏ.
Mặt trời phóng ánh sáng
Thật trong sạch, không dơ
Do sức của kinh này
Chiếu soi cùng khắp chốn.
Cũng do uy lực kinh
Trợ giúp các vị vua
Dùng vàng Diêm-phù-đàn
Xây dựng các cung điện.
Nhật thiên tử vừa hiện
Thấy thế gian hoan hỉ
Nên dùng ánh sáng lớn
Soi chiếu khắp muôn nơi.
Tất cả những hồ sen
Trong khắp đại địa này
Khi mặt trời chiếu soi
Đều xòe nở tất cả.
Ngũ cốc và cỏ thuốc
Trong cõi Diêm-phù này
Đều khiến cho thành thục
Đầy khắp cả đại địa.
Do oai lực kinh này
Nơi mặt trời chiếu đến
Tính tú đúng vị trí
Mưa gió đều đúng mùa.
Khắp cả thế giới này
Đều sung túc an vui
Nơi nào kinh lưu truyền
Tốt đẹp hơn nơi khác.
Nơi nào Kim quang minh
Kinh vua lưu truyền đến
Nếu có người đọc tụng
Sẽ được phước như trên.
Đại Cát Tường và tất cả thiên chúng nghe Đức Phật dạy, vô cùng vui mừng, phát nguyện dốc lòng bảo vệ kinh và người trì kinh này, khiến họ an lạc, không còn sầu lo.
PHẨM 23: THỌ KÍ
Thế Tôn giảng nói rộng giáo pháp rồi, lại muốn thọ kí Vô thượng bồ-đề cho Diệu Tràng và hai người con là Ngân Tràng-Ngân Quang. Lúc ấy có mười ngàn vị thiên tử, Tối Thắng Quang Minh là vị thủ lãnh, từ cõi Đao-lợi đến trụ xứ Phật, đảnh lễ chân Phật, rồi ngồi một bên nghe Phật thuyết pháp.
Đức Phật liền bảo bồ-tát Diệu Tràng: “Vào đời vị lai, trải qua vô lượng trăm ngàn vạn ức na-do-tha kiếp, ông sẽ thành Phật, tại một cõi nước tên Kim Quang Minh. Phật ấy hiệu là Kim Bảo Sơn Vương Như Lai, Ứng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Sau khi Đức Phật này vào niết-bàn, giáo pháp cũng diệt, thì có trưởng tử của Ngài tên là Ngân Tràng nối tiếp bổ xứ làm Phật. Bấy giờ cõi ấy đổi là Tịnh Tràng. Ngân Tràng thành Phật, hiệu là Kim Tràng Quang Như Lai, đầy đủ mười hiệu. Phật này diệt độ, giáo pháp cũng tận, lại người con thứ tên là Ngân Quang kế tiếp thành Phật ngay tại cõi này, hiệu là Kim Quang Minh Như Lai, đầy đủ mười hiệu”.
Mười ngàn thiên tử nghe ba đại sĩ đã được thọ kí, lại được nghe kinh vua tối thắng này, lòng rất vui mừng, lặng như hư không. Như Lai biết rõ mười ngàn thiên tử thành thục căn lành, liền thọ kí Đại bồ-đề cho họ: “Vào đời vị lai, trải qua vô lượng trăm ngàn vạn ức na-do-tha kiếp, tại thế giới Tối Thắng Nhân-đà-la Cao Tràng, các ông đều sẽ thành Phật, đồng họ đồng tên, lại đồng hiệu là Diện Mục Thanh Tịnh Ưu-bát-la Hương Sơn, đầy đủ mười hiệu. Mười ngàn vị Phật lần lượt xuất hiện ở thế gian này”.
Thần cây bồ-đề bạch Đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Mười ngàn vị này ở cõi Đao-lợi, vì nghe diệu pháp mà đến nơi đây. Tại sao Như Lai thọ kí cho họ ? Con chưa từng nghe các vị thiên tử như hàng bồ-tát thực hành trọn vẹn sáu ba-la-mật, tu tập hạnh khổ vô cùng khó làm, bỏ cả đầu mắt, tay chân tủy não, vợ con quyến thuộc, voi ngựa xe cộ, nô tì bộc sử, cung điện vườn rừng, vàng bạc-lưu li, xa cừ-mã não, san hô-hổ phách, ngọc bích-kha bối, thức uống thức ăn, y phục-thuốc men, dụng cụ ngồi nằm. Lại như bồ-tát dâng cúng phẩm vật lên trăm ngàn vạn ức na-do-tha Đức Phật quá khứ, cần phải trải qua vô lượng vô biên kiếp số như thế mới được thọ kí. Bạch đức Thế Tôn! Các vị trời này vì nhân duyên gì, tu thắng hạnh gì, trồng căn lành gì mà vừa từ cõi trời đến nghe pháp, chỉ trong chốc lát lại được thọ kí? Cúi xin Thế Tôn giảng nói để con dứt hết nghi ngờ!”.
Đức Phật bảo rằng: “Như lời cô nói, là phải từ những nhân duyên căn lành đặc biệt tốt đẹp, tu tập khổ hạnh rồi mới được Phật thọ kí bồ-đề. Vậy các thiên tử này đã bỏ hết năm món dục lạc thượng diệu nơi cõi trời kia, đến đây lắng nghe kinh Kim quang minh. Sau khi nghe lại sanh lòng tôn kính, tâm ý trong sạch giống như lưu li, không một tì vết, lại nghe ba vị đại bồ-tát được Như Lai thọ kí; hơn nữa lại do nhân duyên ở đời quá khứ lâu xa, họ đã tu tập chánh hạnh bồ-đề và phát nguyện rộng, nên hôm nay Ta thọ kí vị lai họ sẽ thành tựu Vô thượng bồ-đề”.
Thần cây bồ-đề nghe Đức Phật dạy, tâm hết nghi ngờ, vui mừng tin nhận.
PHẨM 24: TRỪ BỆNH
Đức Phật lại bảo: “Thần nữ lắng nghe và suy nghĩ kĩ! Hôm nay ta sẽ nói về nhân duyên bản nguyện của mười ngàn thiên tử này. Vào thời quá khứ vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn a-tăng-kì kiếp, có Phật Bảo Kế đầy đủ mười hiệu xuất hiện thế gian. Đức Phật niết-bàn, qua thời chánh pháp, đến thời tượng pháp, cõi ấy có vua Thiên Tự Tại Quang luôn dùng chánh pháp dạy dỗ nhân dân, giống như cha mẹ. Bấy giờ trong nước có vị trưởng giả tên là Trì Thủy, rất giỏi y thuật, thông hiểu tám thuật trị bệnh. Chúng sanh nào bị ốm đau khổ não, bốn đại bất hòa, ông đều chữa lành. Trưởng giả có một người con tên là Lưu Thủy, dung mạo đoan chánh, mọi người thích nhìn, bẩm tánh thông minh, giỏi các luận thuyết, thư họa toán số.
Bây giờ trong nước có nhiều chúng sanh đang bị dịch bệnh, khổ đau bức bách, không có niềm vui. Lưu Thủy thấy vậy, sanh lòng xót thương, mà suy nghĩ rằng: ‘Vô lượng chúng sanh đang bị khổ đau bức ép cùng tột, cha ta tuy giỏi, thông tám phương thuật, có thể chữa trị các chứng bệnh do bốn đại tăng giảm, nhưng ông đã già, thân thể suy nhược, đi đứng cần phải đỡ dìu, không thể đến các thành thị xóm làng chữa trị cho người, mà ngày nay có rất nhiều người bệnh, rất cần cứu gấp. Vậy Ta hãy đến gặp cha để hỏi các phương thuốc và bí quyết chữa trị. Sau khi thông hiểu, ta sẽ vào mọi xóm làng thành thị cứu giúp chúng sanh, giúp họ an vui.’ Thế là Lưu Thủy đến nơi của cha, cúi đầu đảnh lễ, tránh sang một bên, chắp tay cung kính dùng kệ thưa rằng:
Cúi xin cha thương xót
Con muốn cứu chúng sanh
Nên nay hỏi y phương
Xin cha dạy con biết!
Tại sao thân suy hoại
Các đại có tăng giảm?
Và vào những lúc nào
Sanh ra các chứng bệnh?
Ăn uống như thế nào
Để thân thể an ổn?
Làm sao để trong thân
Hỏa đại không suy tổn?
Chúng sanh có bốn bệnh
Phong, hoàng nhiệt, đàm âm
Và các bệnh tổng hợp
Làm sao để chữa trị?
Lúc nào bệnh phong hiện
Lúc nào bệnh nhiệt phát
Lúc nào khởi đàm âm
Lúc nào sanh tổng bệnh?
Trưởng giả Trì Thủy nghe con mình hỏi, cũng dùng kệ dạy:
Nay ta theo cách trị
Của các tiên ngày xưa
Thứ tự dạy cho con
Lắng nghe để cứu người!
Ba tháng đầu, mùa xuân
Ba tháng kế, mùa hạ
Ba tháng tiếp, mùa thu
Ba tháng cuối, mùa đông.
Đây là theo một năm
Chia ba tháng mà nói
Nếu hai tháng một tiết
Một năm thành sáu thời.
Hai tháng đầu, tiết hoa
Tháng ba tư, tiết nóng
Tháng năm sáu, tiết mưa
Tháng bảy tám, tiết Thu
Tháng chín mười, tiết lạnh
Mười một chạp, tiết tuyết
Đã biết rõ như thế
Bốc thuốc chẳng để sai.
Nên tùy theo thời tiết
Mà điều chỉnh thức ăn
Ăn vào tiêu hóa được
Thì bệnh sẽ không sanh.
Nếu thời tiết đổi thay
Thì bốn đại chuyển biến
Nếu bấy giờ không thuốc
Nhất định bệnh khổ sanh.
Thầy thuốc rõ bốn mùa
Lại phải biết sáu tiết
Thông tỏ bảy phần thân
Cho thuốc mới không sai.
Bảy là vị, huyết, nhục
Mỡ, xương, tủy và não
Bệnh vào bảy nơi này
Chẳng biết chữa được chăng!
Chúng sanh có bốn bệnh
Phong, hoàng nhiệt[3], đàm âm[4]
Cùng với bệnh tổng hợp
Nên biết lúc phát động.
Mùa xuân đàm âm động
Mùa hạ nội phong sanh
Mùa thu hoàng nhiệt tăng
Tổng bệnh mùa đông phát.
Xuân ăn chát nóng cay
Hạ dùng mặn chua nóng
Thu ăn lạnh ngọt béo
Đông, béo ngọt chát chua.
Trong bốn mùa, uống ăn
Và dùng các loại thuốc
Có các vị như thế
Bệnh không thể nào sanh.
Ăn xong bệnh, do đàm
Tiêu hóa bệnh, do nhiệt
Tiêu rồi, bệnh do phong
Theo thời mà chẩn bệnh.
Đã biết căn nguyên bệnh
Theo bệnh mà bốc thuốc
Giả sử bệnh trạng khác
Cũng nên chữa gốc trước.
Bệnh phong dùng dầu cao
Nhiệt, thông đại tiểu tiện
Đàm thì nên cho nôn
Tổng bệnh, dùng ba thứ.
Bệnh đủ phong, đàm, nhiệt
Thì gọi là tổng bệnh
Tuy biết lúc bệnh sanh
Nhưng cũng xét tánh bệnh.
Xét biết như thế rồi
Tùy thời mà cho thuốc
Cho ăn, uống, thuốc đúng
Chính là thầy thuốc giỏi.
Lại nên biết tám thuật
Bao gồm hết y phương
Thông suốt các điều này
Mới trị bệnh chúng sanh.
Tám thuật là châm cứu
Mổ xẻ, chữa bệnh thân
Trị bệnh tâm, trúng độc
Trị bệnh nhi, tăng thọ
Sau cùng tăng khí lực.
Trước nên xem thân sắc
Nói năng và tánh hạnh
Sau đó hỏi về mộng
Sẽ biết phong, nhiệt, đàm.
Khô gầy, tóc lưa thưa
Tánh tình không ổn định
Nói nhiều, mộng thấy bay
Bệnh người này thuộc phong.
Tuổi trẻ mà tóc bạc
Mồ hôi nhiều, hay giận
Thông minh, mộng thấy lửa
Bệnh người này tánh nhiệt.
Tâm định, thân ngay thẳng
Hay nghĩ, đầu cáu nhờn
Mộng thấy nước, vật trắng
Bệnh người này thuộc đàm.
Tổng bệnh gồm các tánh
Hoặc hai, hoặc đủ ba
Hễ tánh nào tăng nhiều
Thì biết đó là chính.
Đã biết bản tánh rồi
Theo bệnh mà bốc thuốc
Thấy không hiện tướng chết
Mới gọi là cứu được.
Như giác quan nhận lầm
Xem thường thầy thuốc giỏi
Thấy bạn bè thì giận
Mắt trái biến màu trắng
Lưỡi đen, sống mũi lệch
Vành tai lại biến dạng
Môi dưới bị trễ xuống
Đó là hiện tướng chết.
Một quả ha-lê-lặc[5]
Có đầy đủ sáu vị
Chữa trị được các bệnh
Không kị, vua trong thuốc.
Ba quả, ba loại cay[6]
Là thuốc dễ kiếm tìm
Đường cát, mật ong, sữa
Cũng có thể trị bệnh.
Còn các loại thuốc khác
Tùy bệnh mà thêm vào
Nhưng phải khởi lòng từ
Không mưu cầu tài lợi.
Ta đã nói phương pháp
Thiết yếu để trị bệnh
Con theo đây cứu người
Sẽ được vô lượng phước.
Lưu Thủy đã hỏi và nghe cha mình dạy về tám thuật, những căn bệnh do bốn đại tăng giảm, thời tiết bất hòa, phương pháp dùng thuốc. Ông đã thông hiểu, tự xét có thể chữa trị các bệnh, liền đi khắp nơi, từ thành thị cho đến mọi xóm làng, hễ nơi nào có chúng sanh bị bệnh, ông đều đến dùng lời lẽ khéo léo, dịu ngọt an ủi. Ông thường nói rằng: ‘Tôi là thầy thuốc, tôi là thầy thuốc! Tôi biết rõ thuốc và cách chữa bệnh. Hôm nay tôi sẽ chữa lành căn bệnh cho cả mọi người’.
Nhân dân nghe biết Lưu Thủy dùng lời khéo léo an ủi, hứa chữa lành bệnh, trong đó có rất nhiều người bệnh nặng nghe được lời này, lòng họ vui mừng, cho là gặp việc xưa nay chưa có. Do đó tất cả bệnh khổ đều trừ, khí lực sung mãn, bình phục như xưa. Lúc ấy vô lượng chúng sanh bị bệnh nan y nghe được, cùng đến Lưu Thủy cầu xin chữa trị. Lưu Thủy liền cho họ uống thuốc hay, nên bệnh cũng lành. Như thế Lưu Thủy trị lành bệnh cho vô lượng chúng sanh trong đất nước mình”.
PHẨM 25: TRƯỞNG GIẢ TỬ LƯU THỦY
Đức Phật lại bảo thần cây bồ-đề: “Ngày xưa Lưu Thủy đã trị bệnh khổ cho các chúng sanh trong nước của vua Thiên Tự Tại Quang, khiến họ bình phục. Do đã lành bệnh, nên họ tu tập phước nghiệp, lấy việc bố thí rộng khắp tự vui. Họ cùng đến nhà trưởng giả tử này, tỏ lòng tôn kính và đồng thưa rằng: ‘Hay thay, hay thay! Ngài làm những việc nuôi lớn phước đức, giúp cho chúng tôi mãi được an ổn, tăng thêm thọ mạng. Ngài thật là bậc Đại lực y vương, bồ-tát đại bi, rất giỏi y dược, chữa lành bệnh cho tất cả chúng sanh’. Lời ca ngợi này lan khắp thành thị xóm làng. Bấy giờ Lưu Thủy có người vợ tên là Thủy Kiên Tạng, hai con tên là Thủy Mãn-Thủy Tạng. Ngày kia Lưu Thủy dẫn cả hai con lần lượt đi khắp xóm làng thành thị. Một hôm qua vùng đầm lầy hoang vắng, hiểm nguy đáng sợ, họ thấy các loài cầm thú ăn thịt: sói-cáo-điêu-thứu đều chạy hoặc bay cùng về một hướng. Lưu Thủy suy nghĩ: ‘Vì sao tất cả đều chạy hoặc bay cùng về một hướng, ta nên theo sau để xem cho biết!’. Ông liền đi theo, chỉ một lát sau, gặp hồ nước lớn tên là Dã Sanh, nước hồ sắp cạn, bày nhiều tôm cá. Thấy vậy lòng ông thương xót vô cùng, lúc ấy một vị thần cây hiện nữa thân hình nói rằng: ‘Hay thay, hay thay! Ông có thật tên là Lưu Thủy chăng? Nếu đúng thì nên thương xót giúp cho các loài cá này có nước để sống. Danh từ Lưu Thủy có hai ý nghĩa, một là làm cho dòng nước lưu thông, hai là cấp nước. Ông nên thuận theo tên mình mà làm!’.
Lưu Thủy bèn hỏi:
- Có bao nhiêu cá sống trong hồ này?
Thần cây liền đáp:
- Khoảng mười ngàn con.
Lưu Thủy nghe thế càng thêm bi cảm. Lúc ấy do ánh mặt trời nóng đốt, nên nước trong hồ không còn bao nhiêu, mười ngàn cá này hầu như sắp chết, bơi lội xoay trở vô cùng khó khăn. Thấy trưởng giả tử, bầy cá lóe lên một tia hi vọng, nhìn theo không rời. Lưu Thủy thấy vậy, chạy quanh tìm nước, nhưng không thể nào. Nhìn thấy gần đó có một cây cao, ông liền trèo lên bẻ vài cành lá che nắng rồi tìm nguồn nước của hồ. Đi mãi ông mới gặp được dòng sông tên là Thủy Sanh. Những ngư dân sống ở hai bên bờ, vì muốn bắt cá, nên tại một đoạn hiểm yếu ở vùng thượng lưu sông này, họ khơi một nhánh, dẫn nước chảy về hướng khác mà không cho chảy xuống vùng hạ lưu. Chỗ khơi này rất khó ngăn đắp lại. Lưu Thủy suy nghĩ: ‘Vực này rất sâu và thật hiểm yếu, dẫu trăm ngàn người thi công ba tháng chưa chắc đã xong, huống chi mình ta!’. Ông liền về thành, vào diện kiến vua. Vào đến hoàng cung, ông lễ lạy vua, rồi đứng một bên, chắp tay thưa rằng: ‘Thần đã chữa lành các bệnh cho dân trong khắp đất nước, khiến cho mọi người đều được an ổn. Một hôm thần đi đến vùng đầm vắng tên là Dã Sanh, nước trong đầm này sắp bị khô cạn, bầy cá mười ngàn con sống trong đó, hằng ngày mặt trời thiêu đốt sắp chết. Cúi xin đại vương từ bi thương xót, giúp cho hai mươi thớt voi to lớn, gấp đến chuyển nước vào đầm cứu sống bầy cá, như thần đã ban thọ mạng cho những người bệnh’.
Nhà vua lập tức ra lịnh cho một đại thần trong triều giao đủ đại tượng cho vị y vương. Đại thần nhận lệnh, thưa trưởng giả tử: ‘Hay thay Đại sĩ! Ngài đến chuồng voi, tùy ý chọn lấy đủ hai mươi con để cứu chúng sanh!’. Thế là Lưu Thủy cùng hai con nhận hai mươi thớt voi, lại vào những nhà bán rượu mượn các túi da, cuối cùng đến chỗ khơi dòng lấy nước cho voi chuyên chở đổ vào đầm cạn. Không bao lâu sau, đầm lại đầy nước như xưa. Trưởng giả tử dạo quanh đầm nhìn ngắm, đàn cá cũng tụ ven bờ bơi theo. Trưởng giả tử nghĩ: ‘Vì sao đàn cá lại bơi theo ta, chắc chúng bị đói, muốn xin thức ăn, ta nên cho chúng’. Lưu Thủy liền nói với các con rằng: ‘Các con hãy chọn một voi mạnh nhất, đi gấp về nhà thưa với ông nội, tất cả những gì ăn được trong nhà, kể cả phần ăn của cha và mẹ, vợ con nô tì đều cho phép gom hết mang đến đây’. Hai người vâng lời, chọn một con voi khỏe nhất, trở về thưa với ông nội như thế, rồi gom tất cả những gì ăn được, đặt lên lưng voi, nhanh chóng trở lại. Thấy hai con về, Lưu Thủy vô cùng mừng vui, vội lấy thức ăn tung rải vào đầm, khiến đàn cá kia thọ dụng no đủ. Ông lại suy nghĩ: ‘Ngày nay ta thí thức ăn, cứu sống đàn cá, nguyện đời sau ta ban cho pháp thực cứu giúp vô biên. Ngày trước bên khu rừng vắng, ta thấy một vị tì-kheo đọc tụng kinh điển Đại thừa, và thuyết pháp yếu mười hai nhân duyên[7] vô cùng sâu xa. Trong kinh có dạy: Nếu lúc lâm chung, người nào nghe được danh hiệu của đức Bảo Kế Như Lai, thì sẽ được sanh về các cõi trời. Do đó hôm nay, ta nên giảng thuyết mười hai duyên khởi sâu xa vi diệu cho đàn cá này, đồng thời xưng niệm danh hiệu Bảo Kế Như Lai. Cõi Diêm-phù này có hai hạng người, một là tin kính Đại thừa, hai là không tin mà còn hủy báng, nhưng ta cũng nên giúp hạng người này phát khởi lòng tin. Ta nên vào đầm giảng nói pháp yếu sâu xa nhiệm mầu cho đàn cá nghe’.
Thế là ông vào đầm nước xướng rằng: ‘Nam-mô quá khứ Bảo Kế Như Lai, Ứng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Ngày xưa khi còn tu hạnh bồ-tát, Đức Phật này đã lập nguyện: Hễ những chúng sanh trong các quốc độ cùng khắp mười phương, nếu lúc lâm chung nghe danh hiệu Ta, sau khi mạng chung sẽ sanh về cõi trời Ba Mươi Ba’. Lưu Thủy lại vì đàn cá giảng nói diệu pháp sâu xa: Vì đây có nên kia có, vì đây sanh nên kia sanh. Nghĩa là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ, lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử sầu bi khổ não. Đây diệt nên kia diệt, tức là vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục xứ diệt, lục xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão tử diệt, lão tử diệt thì sầu bi khổ não diệt, như thế các uẩn thuần khổ đều diệt’. Nói xong Lưu Thủy lại thuyết thần chú tương ưng mười hai nhân duyên như sau: Ta da tha, vi cha ni, vi cha ni, vi cha ni, sam sơ cha ni, sam sơ cha ni, sam sơ cha ni, bi si ni, bi si ni, bi si ni, sa va ha; ta da tha, na mi ni, na mi ni, na mi ni, sa va ha; sa ti ni, sa ti ni, sa ti ni, sa va ha; si pờ ri sa ni, si pờ ri sa ni, si pờ ri sa ni, sa va ha; ta da tha, vê đa ni, vê đa ni, vê đa ni, sa va ha; tri si ni, tri si ni, tri si ni, u pa đi ni, u pa đi ni, u pa đi ni, sa va ha; ta da tha, ba va ni, ba va ni, ba va ni, sa va ha; ta da tha, ja ti ni, ja ti ni, ja ti ni, sa va ha; jam ma ni ni, jam ma ni ni, jam ma ni ni, sa va ha”.
Nghe Thế Tôn nói nhân duyên ngày xưa của trưởng giả tử, tất cả trời người đều ca ngợi là việc chưa từng có. Lúc ấy tại tòa, bốn vị thiên vương đồng thuyết kệ rằng:
Quí thay Thích-ca tôn!
Thuyết thần chú diệu pháp
Sanh phước trừ nghiệp ác
Tương ưng mười hai chi.
Nay chúng con cũng thuyết
Thần chú hộ pháp này
Nếu kẻ nào trái nghịch
Không khéo léo tùy thuận
Đầu sẽ vỡ bảy phần
Giống như ngọn Lan hương.
Chúng con đối trước Phật
Cùng thuyết thần chú rằng:
Ta da tha, hi ri ni, ga tê, gan đa ri, chan đa ri, đi ri jăm va rê, si ha rê, pua rê, pua rê, gu gu ma ti, khi ra ma ti, đa đi mu khi, lâu ru ba, ku cha mu ru kan tê, đu ru, đu ru, đu ru, vi ri a, ai đi si, đa đê vê, đa đa vê, u si tri, u si tra va ti, át sa pờ ra ha ti, pát ma va ti, ku su ma va tê, sa va ha.
Đức Phật lại bảo thần cây bồ-đề: “Trưởng giả Lưu Thủy cùng với hai con vào đầm thí nước, thức ăn và thuyết diệu pháp cho đàn cá rồi, liền trở về nhà. Sau đó, nhân một lễ hội, ông xem múa hát, uống rượu say nằm. Lúc ấy trong đầm, đàn cá mười ngàn con cũng đều chết, đồng sanh lên cõi trời Ba Mươi Ba thành các vị trời. Các vị trời này đồng một suy nghĩ: ‘Vì nhân duyên gì mà chúng ta được sanh lên cõi trời?’. Họ cùng nói với nhau rằng: ‘Trước kia chúng ta đọa vào bàng sanh, làm thân loài cá, sống cõi Diêm-phù. Nhờ có trưởng giả Lưu Thủy thí cho chúng ta nước và thức ăn, lại thuyết pháp yếu mười hai duyên khởi sâu xa vi diệu và đà-la-ni, lại vì chúng ta mà niệm danh hiệu đức Phật Bảo Kế, nên chúng ta mới được sanh cõi trời. Vậy chúng ta nên đến nhà trưởng giả, cúng dường báo ân’. Thế là mười ngàn vị trời xuống cõi Diêm-phù, đến nhà y vương. Bấy giờ Lưu Thủy đang ngủ trên lầu, mười ngàn vị trời bèn đặt bên đầu, dưới chân, hông phải, hông trái trưởng giả, mỗi nơi mười ngàn xâu chuỗi chân châu, rồi đồng tuôn mưa hoa mạn-đà-la, hoa ma-ha mạn-đà-la ngập đến đầu gối, phóng ánh sáng rực, trỗi lên các loại nhạc trời phát ra âm thanh hay tuyệt, làm cho những người đang ngủ say ở cõi Diêm-phù-đề và trưởng giả tử cũng đều tỉnh giấc. Sau khi cúng dường, các vị trời này vọt lên hư không bay đi đâu mất. Cõi nước của vua Thiên Tự Tại Quang, nơi nơi đều mưa hoa sen cõi trời. Mười ngàn vị trời bấy giờ bay đến khu đầm ngày xưa, tuôn các hoa trời, rồi về thiên cung thọ hưởng năm dục.
Đến sáng hôm sau, vua hỏi các quan: ‘Vì sao đêm qua bỗng nhiên lại hiện điềm lành hiếm có là tỏa ánh sáng rực rỡ như thế?’.
Một đại thần đáp: ‘Kính tâu đại vương! Đêm qua chư thiên đến nhà trưởng giả Lưu Thủy tuôn xuống bốn mươi bốn ngàn xâu chuỗi chân châu, đồng thời rải hoa trời mạn-đà-la ngập đến đầu gối’. Vua bảo đại thần gọi Lưu Thủy đến. Đại thần vâng mệnh, đến nhà truyền chỉ, gọi trưởng giả tử vào triều diện kiến, Lưu Thủy liền vào. Vua hỏi Lưu Thủy: ‘Vì lí do gì đêm qua có điềm lành hi hữu hiện?’. Trưởng giả tử tâu: ‘Theo thần suy nghĩ, nhất định đàn cá trong đầm kia đã thoát thân bàng sanh, được sanh lên cõi trời Ba Mươi Ba, vì đến báo ân nên hiện điềm lành hi hữu như thế!’. Vua lại hỏi rằng: ‘Lấy gì nghiệm biết?’. Lưu Thủy liền đáp: ‘Đại vương có thể sai sứ đi cùng hai con của thần đến đó nghiệm xét, đàn cá đã chết hay chưa!’. Vua liền y lời.
Khi đến bên đầm, ba người nhìn thấy hoa mạn-đà-la chất thành đống lớn, đàn cá đã chết. Ba người trở về trình tâu đầy đủ. Vua rất vui mừng, ca ngợi là việc xưa nay chưa có”.
Đức Phật lại bảo: “Thiên nữ nên biết, Lưu Thủy khi xưa, nay chính là ta, trưởng giả Trì Thủy chính là Diệu Tràng, người con lớn Thủy Mãn là Ngân Tràng, người con thứ Thủy Tạng là Ngân Quang, vua Thiên Tự Tại Quang chính là cô, thần cây bồ-đề, mười ngàn con cá tức là mười ngàn thiên tử được ta thọ kí hôm nay. Do ngày xưa Ta dẫn nước cứu cá, bố thí thức ăn giúp chúng no đủ, lại thuyết mười hai nhân duyên sâu xa và đà-la-ni, cùng xưng danh hiệu Bảo Kế Như Lai mà chúng cùng được sanh về cõi trời. Ngày hôm nay họ lại đến chỗ Ta hoan hỉ nghe pháp, nên Ta thọ kí Vô thượng bồ-đề và nói danh hiệu. Thiên nữ! Ngày xưa Ta còn luân hồi sanh tử, đã làm lợi ích rộng lớn như thế. Hôm nay Như Lai cũng sẽ thọ kí vô lượng chúng sanh thứ tự thành Phật. Thiên nữ phải nên siêng cầu xuất li, tâm chớ buông lung”.
Nghe Thế Tôn dạy, mọi người đều hiểu, do lòng đại bi cứu giúp chúng sanh, siêng năng tu tập hạnh khổ mới chứng Vô thượng bồ-đề. Do đó tất cả vui mừng tin nhận, phát tâm sâu nặng cầu đạo bồ-đề.


Chú thích:
[1] Thiện-na: gọi tắt của từ du-thiện-na.
[2] Ranh giới Kim cang: giới hạn cuối cùng của Kim cang luân, một trong ba lớp hình thành khí thế gian.
[3] Hoàng nhiệt: bệnh sốt rét.
[4] Đàm âm: một loại bệnh thuộc về thủy khí trong lồng ngực, tức chất dịch bị khí làm cho ngưng kết lại, kéo dài như sợi gân, nếu đưa lên phế quản sẽ làm khó thở, hoặc thở khò khè, cũng như bệnh kéo đàm mà ta thường gọi.
[5] Ha-lê-lặc: một loại quả hơi tròn như trứng gà, màu vàng chanh, dùng để chữa bệnh mắt và làm thông đại tiểu tiện. Đây là một trong năm thứ thuốc được nói trong luật điển thời xưa.
[6] Ba quả, ba loại cay: ba quả: ha-lê-lặc-ca, a-ha-lạc-ca, tỉ-tỉ-đắc-ca; ba loại cay: gừng, hồ tiêu, tất-bát-la.
[7] Mười hai nhân duyên: mười hai chi làm nhân quả cho nhau khiến chúng sanh luân hồi trong ba cõi không bao giờ thoát. Mười hai chi này giống như vòng xích không có đầu cuối, đó là: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử ưu bi khổ não.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 10 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)


Đừng đánh mất tình yêu


Chuyện Vãng Sanh - Tập 1


Dưới bóng đa chùa Viên Giác

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.222.3.255 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập