Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh [金光明最勝王經] »» Bản Việt dịch quyển số 5 »»

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh [金光明最勝王經] »» Bản Việt dịch quyển số 5


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Việt dịch (3) » Việt dịch (4) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.92 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.58 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Kim Quang Minh

Kinh này có 10 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Việt dịch: Thích Nguyên Chơn

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

PHẨM 7: BÀI TÁN LIÊN HOA DỤ
Đức Phật lại bảo thần cây bồ-đề: “Này Thiện nữ thiên! Diệu Tràng nằm mộng thấy chiếc trống vàng, đồng thời nghe trống phát ra âm thanh ca ngợi công đức của Phật Thế Tôn và pháp sám hối. Do nhân duyên này, Ta nói một việc, thiên nữ hãy lắng nghe và nhớ kĩ. Thuở xưa có vua tên Kim Long Chủ thường dùng bài tụng Liên hoa dụ tán ca ngợi tất cả các đức Như Lai mười phương ba đời, bài tụng như sau:
Tất cả các Phật trong ba đời
An trụ cõi nước khắp mười phương
Nay con chí thành xin đảnh lễ
Nhất tâm ca ngợi đấng Tối tôn.
Mâu-ni Thế Tôn cực thanh tịnh
Thân sắc rực rỡ như vàng ròng
Âm giọng bậc nhất trong các âm
Như sấm vang rền, như Đại Phạm.
Tóc Ngài óng, màu như ong chúa
Từng lọn xoáy tròn, sắc tía xanh
Răng trắng, khít đều như châu ngọc
Thẳng ngay, bóng loáng và sáng ngời.
Mắt Ngài trong sáng, lại đoan nghiêm
Như cánh sen xanh đẹp vô cùng
Lưỡi lại rộng dài và mềm mại
Như cánh sen hồng nở trong ao.
Thêm sợi lông trắng giữa hai mày
Xoáy về bên phải, sắc pha lê
Mày nhỏ, thon dài như trăng khuyết
Sắc đen óng ánh, tựa màu ong.
Mũi cao, dài thẳng như thỏi vàng
Sáng sạch, không khuyết thật hoàn toàn
Những hương tuyệt diệu nơi cõi thế
Vừa nghe liền biết chốn tỏa lan.
Thân Phật tuyệt diệu sắc vàng ròng
Mỗi mỗi sợi lông cũng thật đồng
Tía xanh, mềm mại, xoay về phải
Kì diệu, sáng sạch, chẳng nghĩ bàn.
Lúc mới sanh ra đã phóng quang
Chiếu soi các cõi khắp mười phương
Giúp cho mọi loài trong ba cõi
Diệt hết đau khổ, được lạc an.
Địa ngục, ngạ quỉ và bàng sanh
Chư thiên, nhân loại và tu-la
Khiến sáu nơi này trừ các khổ
Được niềm an lạc thật vô cùng.
Ánh sáng sắc thân soi chiếu khắp
Như vàng rực rỡ, chẳng gì bằng
Khuôn mặt tròn đầy như trăng sáng
Đôi môi thắm đẹp như tần-bà[1].
Bước đi oai vệ như sư tử
Toàn thân chiếu sáng tựa triêu dương
Cánh tay thon dài, vượt quá gối
Như cành sa-la[2] rũ từ trên.
Viên quang một tầm, sáng rực rỡ
Như nghìn mặt trời chiếu vô biên
Đến cả khắp cùng các cõi Phật
Tùy duyên cứu độ hết quần sanh.
Lưới ánh sáng sạch trong, khó sánh
Chiếu soi cõi nước đến trăm nghìn
Mười phương cùng khắp không ngăn ngại
Tất cả tăm tối thảy lui tan.
Ánh sáng lòng từ ban an lạc
Thân sắc rực rỡ như núi vàng
Chiếu đến trăm nghìn các cõi nước
Chúng sanh thấy được, khổ không còn.
Thân Phật thành tựu vô lượng phước
Tất cả công đức cùng trang nghiêm
Độc tôn, vượt thoát ngoài ba cõi
Bậc nhất, thế gian không ai bằng.
Tất cả chư Phật thời quá khứ
Các Phật vị lai cùng hiện tại
Trong khắp cõi nước ở mười phương
Nhiều như hạt bụi trên đại địa
Nay con chí thành vận ba nghiệp
Đảnh lễ, về nương Phật ba đời.
Ca ngợi đấng công đức như biển
Kính dâng hương hoa đẹp cúng dường
Dẫu cho miệng con sanh ngàn lưỡi
Qua vô lượng kiếp dùng ngôn từ
Cũng không nói hết công đức Phật
Vì quá rộng sâu, chẳng nghĩ bàn.
Dẫu cho miệng con sanh ngàn lưỡi
Cũng không thể nào ca ngợi hết
Một phần công đức, một Thế Tôn
Huống gì vô biên Phật và đức.
Dẫu cho nước biển dâng tràn khắp
Ngập đến Hữu Đảnh[3], Sắc giới thiên
Cũng tính biết được số lượng giọt
Nhưng không thể lượng công đức Ngài.
Nay con chí thành vận ba nghiệp
Đảnh lễ chư Phật, đức vô biên
Được bao thắng phước khó nghĩ bàn
Hồi hướng chúng sanh chóng thành Phật.
Vua kia ca ngợi Như Lai xong
Lòng càng tin sâu, phát nguyện rộng
Nguyện rằng vô số kiếp vị lai
Trong mộng thường thấy chiếc trống vàng
Được nghe âm thanh pháp sám hối
Khen công đức Phật, dụ hoa sen
Nguyện chứng vô sanh thành chánh giác.
Phật hiện ở đời thật hi hữu
Trăm ngàn vạn kiếp, khó tương phùng
Đêm mộng thường nghe tiếng trống ấy
Ngày thì theo đó lễ sám trừ.
Sáu ba-la-mật, con nguyện tu
Cứu thoát chúng sanh rời biển khổ
Sau đó chứng thành Vô thượng giác
Cõi Phật thanh tịnh chẳng nghĩ bàn.
Dâng hiến Như Lai chiếc trống vàng
Ngợi ca công đức của Như Lai
Nhân đây con gặp Thích-ca Phật
Thọ kí kế vị đấng Trung Tôn.
Kim Long, Kim Quang là con trai
Khi xưa từng là thiện tri thức
Đời đời nguyện sanh vào nhà con
Cùng được thọ kí ngôi Chánh giác.
Nếu chúng sanh nào không ai cứu
Mãi mãi luân hồi biển khổ đau
Mai sau con làm nơi tựa nương
Khiến cho tất cả được an vui.
Nỗi khổ ba cõi, con nguyện trừ
Tùy tâm sanh về miền an lạc
Vị lai con quyết tu đạo giác
Như quá khứ Phật đã viên thành.
Nguyện phước tu pháp sám Kim quang
Làm khô biển khổ, tội tiêu tan
Não phiền nghiệp chướng đều diệt hết
Bồ-đề thanh tịnh, chóng vẹn toàn.
Biển lớn phước trí rộng vô biên
Trong sạch không dơ, sâu không đáy
Con nguyện đạt được biển đức này
Chóng thành bồ-đề Vô thượng giác.
Năng lực pháp sám Kim quang minh
Giúp con ánh sáng được tịnh thanh
Ánh sáng phước này khi thành tựu
Thường dùng trí huệ chiếu khắp cùng.
Ánh sáng thân con giống Như Lai
Phước đức trí huệ lại cũng đồng
Tôn quí bậc nhất trên thế giới
Oai lực tự tại chẳng ai bằng.
Biển khổ hữu lậu[4], con nguyện qua
Vô lậu[5] biển vui, con nhàn du
Biển phước hiện đời mong đầy ắp
Biển trí mai sau nguyện trọn thành.
Nguyện cõi nước con ngoài ba cõi
Công đức thù thắng thật vô biên
Những người có duyên đồng sanh đến
Trí huệ thanh tịnh chóng mãn viên.
Diệu Tràng ông nên biết!
Quốc vương Kim Long Chủ
Từng phát nguyện như thế
Chính là ta hôm nay.
Hai người con ngày xưa
Kim Long và Kim Quang
Chính Ngân Tướng, Quang Tướng
Sẽ được ta thọ kí.
Đại chúng nghe Phật dạy
Đều phát tâm bồ-đề
Nguyện ngày nay, mai sau
Tu theo pháp sám này.
PHẨM 8: ĐÀ-LA-NI KIM THẮNG
Bấy giờ Thế Tôn bảo Đại bồ-tát Thiện Trụ đang ở trong chúng hội rằng:
Này thiện nam tử! Nếu những người nam và người nữ nào muốn đích thân thấy chư Phật quá khứ, hiện tại vị lai, cung kính cúng dường thì nên niệm bài thần chú Kim thắng. Vì thần chú này là mẹ của các Đức Phật ba đời; ai trì chú này, không những đã được phước đức to lớn, mà còn nhận được tất cả căn lành trồng từ vô lượng Đức Phật quá khứ, không hủy tịnh giới, không khuyết tịnh giới, nhất định người này vào sâu pháp tánh.
Đức Phật lại dạy phương pháp trì niệm: trước tiên nên niệm danh hiệu chư Phật và các bồ-tát, đồng thời một lòng kính lễ các ngài, sau đó mới trì tụng bài thần chú .
- Nhất tâm đảnh lễ các Đức Phật trong mười phương
- Nhất tâm đảnh lễ các bậc Đại bồ-tát ma-ha-tát
- Nhất tâm đảnh lễ Thanh văn, Duyên giác và tất cả hiền thánh tăng
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni giáo chủ cõi Ta-bà
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Bất Động giáo chủ phương đông
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Bảo Tràng giáo chủ phương nam
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật A-di-đà giáo chủ phương tây
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Thiên Cổ Âm Vương giáo chủ phương bắc
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Quảng Chúng Đức giáo chủ phương trên
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Minh Đức giáo chủ phương dưới
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Bảo Tạng
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Phổ Quang
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Phổ Minh
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Hương Tích
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Liên Hoa Thắng
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Bình Đẳng Kiến
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Bảo Kế
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Bảo Thượng
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Bảo Quang
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Vô Cấu Quang Minh
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Biện Tài Trang Nghiêm Tư Duy
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Tịnh Nguyệt Quang Xưng Tướng Vương
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Hoa Nghiêm Quang
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Quang Minh Vương
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Thiện Quang Vô Cấu Xưng Vương
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Quán Sát Vô Úy Tự Tại Vương
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Vô Úy Danh Xưng
- Nhất tâm đảnh lễ Đức Phật Tối Thắng Vương
- Nhất tâm đảnh lễ Đại bồ-tát Quán Tự Tại
- Nhất tâm đảnh lễ Đại bồ-tát Địa Tạng Vương
- Nhất tâm đảnh lễ Đại bồ-tát Hư Không Tạng
- Nhất tâm đảnh lễ Đại bồ-tát Diệu Cát Tường
- Nhất tâm đảnh lễ Đại bồ-tát Kim Cang Thủ
- Nhất tâm đảnh lễ Đại bồ-tát Phổ Hiền
- Nhất tâm đảnh lễ Đại bồ-tát Vô Tận Ý
- Nhất tâm đảnh lễ Đại bồ-tát Đại Thế Chí
- Nhất tâm đảnh lễ Đại bồ-tát Từ Thị
- Nhất tâm đảnh lễ Đại bồ-tát Thiện Huệ
Nam mô rat na, tra da da, ta đa da tha, cun tê, cun tê, cu xa lê, cu sa lê, ích chi li, mi li ti, sa va ha.
Đức Phật lại dạy bồ-tát Thiện Trụ: “Thần chú này là mẹ của các Đức Phật ba đời, nếu ai trì niệm thì sanh vô lượng, vô biên phước đức, cũng là cung kính, cúng dường tôn trọng ngợi ca chư Phật. Các Đức Phật đều thọ kí Vô thượng chánh đẳng chánh giác cho những người này. Những ai trì niệm câu thần chú này, sẽ thỏa mãn được tất cả mong cầu như thức uống ăn, y phục đồ nằm, tiền tài bảo vật, thông minh học rộng, không bệnh sống lâu, có nhiều phước đức. Người trì chú này, dầu chưa chứng được Vô thượng bồ-đề, nhưng vẫn ở chung với các bồ-tát Kim Thành Sơn, Từ Thị, Đại Hải, Quán Tự Tại, Diệu Cát Tường, Đại Băng-già-la, được các vị này giúp đỡ bảo vệ.
Những người trì niệm bài thần chú này, cần phải thực hành theo cách sau đây: Trước tiên nên tụng mười tám ngàn biến làm tiền phương tiện, kế đó lập và trang nghiêm đạo tràng trong một phòng kín. Vào ngày mồng một, hành giả tắm rửa, thay y phục sạch, đốt hương rải hoa, thành kính dâng cúng thức ăn thức uống; kế đó vào trong đạo tràng xướng lễ các danh hiệu Phật và bồ-tát nói trên; chí thành sám hối tội nghiệp đã tạo, rồi quì gối phải, tụng thần chú này ngàn tám trăm biến, tiếp đến kiết-già, tư duy bản nguyện của mình đã lập. Mỗi ngày chỉ ăn một bữa vào lúc mặt trời chưa mọc, phải dùng thức ăn màu đen thanh tịnh, mười lăm ngày sau mới rời đạo tràng. Thực hành như vậy, thì oai lực phước đức của người này chẳng thể nghĩ bàn, tất cả ước nguyện thành tựu trọn vẹn. Nếu chưa toại ý, nên vào đạo tràng tiếp tục tu tập, như đã toại ý cũng cần phải thường chuyên tâm trì niệm, không được lãng quên”.

PHẨM 9: GIẢNG LẠI TÁNH KHÔNG
Thế Tôn tuyên thuyết và chỉ dạy cách hành trì thần chú Kim Thắng, lại vì giúp các Đại bồ-tát và chúng trời người, ngộ Đệ nhất nghĩa[6] sâu xa chân thật, nên Ngài dùng kệ lặp lại ý nghĩa Tánh không như sau:
Trong kinh sâu xa nhiệm mầu khác
Ta thuyết pháp không vi diệu rồi
Hôm nay, trong kinh này lần nữa
Lược nói pháp không chẳng nghĩ bàn.
Những pháp sâu xa và rộng lớn
Phàm phu vô trí chẳng hiểu ngay
Cho nên hôm nay Ta lại giảng
Giúp họ khai ngộ pháp mầu này.
Các đức Đại bi thương chúng sanh
Dùng phương tiện khéo làm nhân duyên
Hôm nay Ta ở trong đại chúng
Giảng giải nghĩa không, khiến đạt thông.
Nên biết thân này như xóm vắng
Sáu giặc[7] gá vào chẳng biết nhau
Sáu trần[8] mỗi mỗi nương sáu giặc
Mà chẳng nhận nhau cũng như trên.
Đôi mắt luôn nhìn vào cảnh sắc
Hai tai mãi dõi theo âm thanh
Mũi thì hằng ngửi mùi hương lạ
Lưỡi luôn ưa nếm vị ngọt ngon.
Thân ưa thích chạm vật mềm mịn
Ý phân biệt pháp mãi chẳng nhàm
Sáu căn như thế theo cảnh khởi
Nhận biết tùy theo cảnh của mình.
Thức như huyễn hóa không chân thật
Nương vào căn cảnh vọng tham cầu
Như người bôn ba trong xóm vắng
Sáu giặc nương căn cũng vậy thôi.
Tâm dong ruổi khắp, theo căn chuyển
Gá căn duyên cảnh, rõ mọi điều
Đắm trước sắc, thanh, hương, vị, xúc
Tầm tư các pháp mãi không dừng.
Thức tùy duyên biến khắp sáu căn
Như chim trên trời không ngăn ngại
Thức nương nơi căn làm trụ xứ
Mới phân biệt được cảnh bên ngoài.
Thân này chẳng phải tri, tác giả[9]
Thể chẳng bền chắc, nhờ duyên thành
Đều từ hư vọng phân biệt sanh
Do gió nghiệp chuyển, như người máy.
Đất nước lửa gió tạo thành thân
Tùy theo nhân duyên cảm dị quả[10]
Đồng ở một nơi, lại chống nhau
Như bốn rắn độc nhốt chung hòm.
Rắn bốn đại này, tánh khác nhau
Tuy ở chung cùng, mỗi thăng trầm
Hoặc lên hoặc xuống, cùng thân thể
Cuối cùng tất cả cũng hoại tan.
Trong bốn rắn độc bốn đại này
Hai rắn địa thủy tánh nặng trầm
Còn tánh phong hỏa nhẹ bay cao
Bởi do trái nhau nên sanh bệnh.
Tâm thức nương gá nơi thân này
Tạo ra rất nhiều các nghiệp ác
Đến cõi trời người, hoặc ba đường
Tùy nghiệp đã tạo mà thọ sinh.
Có thân có bệnh, có già chết
Khi bệnh, tiểu tiện chảy lan tràn
Chết rồi thối rửa, thật ghê gớm
Như khúc gỗ mục ném rừng sâu .
Các ông nên quán thân như thế
Vì sao chấp ngã và chúng sanh?
Tất cả các pháp thảy vô thường
Do sức vô minh mà sanh khởi.
Các đại chủng ấy đều hư vọng
Vốn chẳng thật có, thể vô sanh
Nên nói bốn đại, tánh là không
Biết chỉ giả danh chẳng thật có.
Tự tánh vô minh vốn cũng không
Nhờ duyên hòa hợp mà giả có
Bởi trong mọi lúc không tỉnh giác
Cho nên ta nói họ vô minh.
Hành duyên nơi thức sanh danh sắc
Sáu xứ, xúc, thọ theo đó sanh
Ái, thủ, hữu duyên sanh, lão tử
Ưu bi, khổ não hằng theo sau.
Khổ từ nghiệp ác buộc chúng sanh
Khiến phải luân hồi không ngừng dứt
Xưa nay phi hữu, thể hằng không
Do chẳng như lí, khởi phân biệt.
Ta đoạn tất cả các phiền não
Bởi do chánh trí luôn hiện tiền
Rõ nhà năm uẩn thảy đều không
Cầu chứng bồ-đề, nơi chân thật.
Ta mở thành lớn Đại cam lồ
Chỉ cho vật chứa vi diệu ấy
Đã được cam lồ, vị chân thật
Lại dùng ban phát cho chúng sanh.
Ta gióng trống pháp lớn tối thắng
Ta thổi loa pháp lớn vô cùng
Ta đốt đèn pháp lớn sáng rực
Ta tuôn mưa pháp lớn ngập tràn.
Hàng phục não phiền và oán kết
Dựng lên cờ pháp lớn vô biên
Nơi biển sanh tử độ quần mê
Ta đã đóng rồi ba nẻo ác.
Lửa mạnh não phiền đốt chúng sanh
Nhưng không nơi nương, không người cứu
Cam lộ mát mẻ Ta ban cho
Thân tâm nóng đốt thảy dứt trừ.
Do Ta vô lượng kiếp đến nay
Cung kính cúng dường các Như Lai
Giữ vững giới cấm hướng bồ-đề
Cầu chứng Pháp thân, miền an lạc.
Bố thí mắt, tai và chi thể
Vợ con, nô bộc và của tiền
Cùng vật trang nghiêm không nuối tiếc
Ai đến cần cầu, Ta đều ban.
Ta cũng tu tròn năm độ khác
Viên mãn Thập địa chứng Bồ-đề
Nên người tôn xưng Nhất Thiết Trí
Thật không một ai có thể lường.
Ví gom tất cả loài thực vật
Lúa, mè, tre, lau và cây cỏ
Các loại cổ thụ trong núi rừng
Trên khắp mặt đất cõi tam thiên,
Chặt xay, nghiền nát thành hạt bụi
Đắp thành đống lớn khắp hư không
Thật khó lường biết bao nhiêu hạt.
Như cho nghiền nát thành hạt bụi
Cát sỏi khắp cõi nước mười phương
Trong chốn tam thiên đại thiên này
Cũng khó tính biết được số lượng.
Giả sử đem trí của chúng sanh
Trong cả thế gian cho một người
Người trí như thế nhiều vô lượng
Có thể biết được số bụi kia.
Nhưng với trí huệ của Thích Tôn
Những người trí ấy cùng suy tính
Dù qua số kiếp như câu-chi
Cũng không tính biết được một phần.
Nghe Đức Phật giảng lại tánh KHÔNG sâu xa và nhiệm mầu này, vô lượng chúng sanh thấu đạt thể tánh bốn đại năm uẩn đều không, sáu căn sáu cảnh vọng sanh trói buộc; do đó phát nguyện chấm dứt luân hồi, tu pháp xuất li, lòng tràn niềm vui, như lời Phật dạy cung kính vâng làm.
PHẨM 10: NƯƠNG KHÔNG ĐẠT NGUYỆN
Bấy giờ thiên nữ Như Ý Bảo Quang Diệu ở trong đại chúng nghe đức Thế Tôn nói pháp sâu xa, lòng rất vui mừng, lập tức đứng dậy, đắp y đúng pháp, gối phải chấm đất, cung kính chắp tay, bạch Đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Cúi xin Ngài dạy cho chúng con biết phương pháp tu hành sâu xa vi diệu!”. Thiên nữ liền nói kệ:
Thưa đấng Chiếu thế giới
Lưỡng túc tôn từ bi
Xin Ngài cho con hỏi
Pháp bồ-tát tu tập!
Phật bảo: “Thiện nữ thiên!
Có điều gì nghi ngờ
Tùy ý mà thưa hỏi
Ta sẽ giải thích cho!
Thiện nữ thiên bạch rằng:
Kính bạch đức Thế Tôn!
Bồ-tát làm thế nào
Tu chánh hạnh bồ-đề,
Lìa sanh tử, niết-bàn
Để lợi mình, lợi người?”
Đức Phật liền dạy: Này thiện nữ thiên! Nương pháp giới mà tu pháp bồ-đề, tu hạnh bình đẳng. Thế nào gọi là nương nơi pháp giới tu pháp bồ-đề, hành hạnh bình đẳng? Đó là từ năm uẩn[11] hiện pháp giới, pháp giới tức năm uẩn, năm uẩn đã bất khả thuyết, phi năm uẩn cũng bất khả thuyết, vì sao như thế? Vì nếu pháp giới là năm uẩn thì rơi vào đoạn kiến, còn nếu pháp giới lìa năm uẩn thì rơi vào thường kiến; lìa cả hai kiến, không chấp hai bên, không thể nhận thấy, vượt qua sự thấy, vô danh vô tướng. Như thế mới là nói về pháp giới.
Năm uẩn hiển hiện pháp giới là gì? Tức năm uẩn không từ nhân duyên sanh. Nếu từ nhân duyên sanh, là đã sanh mà sanh hay là chưa sanh mà sanh? Nếu nói đã sanh mà sanh thì đâu cần nhân duyên; nếu nói chưa sanh mà sanh, thì chẳng thể sanh, vì sao? Vì khi chưa sanh thì các pháp chưa hiện hữu, không tên không tướng, không thể suy lường thí dụ, không do nhân duyên sanh ra. Ví như tiếng trống, nhờ vào gỗ, da, dùi, tay mới phát. Tiếng trống như thế, quá khứ cũng không, vị lai và hiện tại cũng không. Vì tiếng trống không phải từ gỗ mà sanh, cũng không từ da, từ dùi, từ bàn tay mà sanh. Chẳng phải từ ba đời sanh, cho nên chẳng có sanh. Nếu chẳng sanh thì chẳng diệt, nếu chẳng diệt thì chẳng có chỗ sanh, chẳng có chỗ sanh thì cũng không có chỗ đến, nếu không có chỗ đến thì chẳng thường, chẳng đoạn. Nếu chẳng thường chẳng đoạn thì chẳng phải là một chẳng phải khác. Vì sao? Vì nếu là một thì đồng pháp giới, như vậy lẽ ra phàm phu thấy chân đế, đạt được Niết-bàn vô thượng an lạc, vì chẳng phải như thế, nên chẳng phải là một. Nếu là khác thì những việc làm của các đức Như Lai và bồ-tát đều là chấp trước, chưa được giải thoát, còn bị phiền não trói buộc; tức chưa chứng đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vì sao? Vì chư Phật làm mà chẳng phải làm, đồng tánh chân thật, vì thế chẳng khác.
Cho nên biết rằng năm uẩn chẳng có chẳng không, chẳng từ nhân duyên sanh, chẳng phải không có nhân duyên sanh. Đó là cảnh giới của các bậc Thánh, chẳng phải của hàng phàm phu-nhị thừa; không thể dùng lời nói để diễn đạt, không có tên gọi, không có hình tướng, thật không phải nhân, cũng không thuộc duyên, lại không thể dụ, hoàn toàn thanh tịnh, xưa nay tự không. Cho nên năm uẩn hiển hiện pháp giới. Nếu ai muốn cầu Vô thượng chánh giác, thì phải thấu đạt bồ-đề chẳng chân-chẳng tục, chẳng thể nghĩ bàn, thể của phàm thánh chẳng một-chẳng khác, đã chẳng lìa tục, cũng chẳng bỏ chân, nương pháp giới mà tu tập bồ-đề.
Nghe đức Thế Tôn chỉ dạy như thế, lòng Thiện nữ thiên vô cùng vui mừng, vội vã đứng dậy, y lộ vai phải, gối phải chấm đất, cung kính chắp tay, một lòng đảnh lễ Thế Tôn rồi bạch: “Bạch đức Thế Tôn! Như lời Ngài nói, chúng con nên tu chánh hạnh bồ-đề”.
Bấy giờ trong hội, Đại Phạm thiên vương, chủ cõi Ta-bà hỏi thiên nữ rằng: “Hạnh bồ-đề này rất khó tu hành, vì sao hôm nay thiên nữ nói đã hoàn toàn tự tại với hạnh bồ-đề?”.
Thiên nữ đáp rằng: “Thưa Đại Phạm thiên! Như lời Phật dạy, hạnh này sâu xa, phàm phu không thể hiểu được ý nghĩa. Đây là cảnh giới của các bậc thánh, nhiệm mầu khó hiểu. Ví như hôm nay tôi nhờ pháp này mà an lạc trụ, thì xin vô lượng, vô số vô biên chúng sanh trong cõi năm trược ác này đều có thân vàng, đủ ba hai tướng, chẳng phải là nam, cũng chẳng phải nữ, ngồi tòa sen báu, vô lượng an lạc, trời tuôn hoa đẹp, nhạc khí cõi trời không trổi tự vang, đầy đủ các món cúng dường.”. Thiên nữ nói xong, tức thời thân tướng của các chúng sanh trong cõi năm trược đều màu vàng ròng, đủ tướng đại nhân, chẳng thuộc người nam, chẳng phải người nữ, ngồi tòa sen báu, vô lượng an lạc, giống như cõi trời Tha Hóa Tự Tại[12], không có đường ác, cây báu mọc thành từng hàng, hoa sen bảy báu đầy khắp thế giới; chư thiên trỗi nhạc, mưa hoa bảy báu, thiên nữ Như Ý Bảo Quang Diệu bỗng chuyển thân nữ thành thân Phạm thiên.
Đại Phạm thiên vương hỏi thiên nữ rằng: “Thưa thiện nữ thiên! Tu hạnh bồ-tát phải như thế nào?”.
Thiên nữ đáp: “Thưa Đại Phạm vương! Như trăng trong nước mà tu bồ-đề, tôi cũng tu hạnh bồ-đề như vậy; như trong mộng mà tu hạnh bồ-đề, tôi cũng tu hạnh bồ-đề như vậy; như dương diệm mà tu hạnh bồ-đề, tôi cũng tu hạnh bồ-đề như vậy; lại như âm vang từ hang sâu mà tu hạnh bồ-đề, tôi cũng tu hạnh bồ-đề như vậy”.
Phạm vương liền hỏi: “Căn cứ vào đâu, Ngài nói như thế?” Thiên nữ đáp rằng: “Thưa Đại Phạm vương! Tất cả các pháp đều không thật có, tất cả đều do nhân duyên tạo thành”. Phạm vương lại hỏi: “Nếu nói như vậy, lẽ ra phàm phu đều chứng Vô thượng chánh đẳng chánh giác!” Thiên nữ đáp rằng: “ Vì sao nhân giả lại nói như vậy? Ngài cho rằng ngu khác với trí ư? Bồ-đề khác với phi bồ-đề ư? Giải thoát khác với phi giải thoát ư? Các pháp như thế thảy đều bình đẳng, thật không sai biệt; pháp giới chân như chẳng một-chẳng khác, chẳng phải cũng một chẳng phải cũng khác, chẳng phải chẳng một chẳng phải chẳng khác, không tăng không giảm, để ngài chấp trước. Giống như thầy trò của nhà ảo thuật, rất giỏi thuật này, nơi ngã tư đường, họ gom các vật đất cát cỏ cây làm trò ảo thuật, khiến người xem thấy nào là voi ngựa, xe cộ quân lính, bảy báu, kho tàng. Những người ngu si không chịu suy nghĩ, không nhận biết đó chỉ là ảo thuật, vừa thấy vừa nghe liền cho voi ngựa, xe cộ… là thật, còn những cảnh khác đều là hư giả. Sau đó cũng không chịu suy nghĩ lại. Người trí thì khác, biết là ảo thuật, khi vừa thấy nghe thì liền suy nghĩ những loài voi ngựa … ta đang thấy đây đều không thật có, chỉ là ảo thuật dối gạt mắt người. Tạm gọi là voi, ngựa… các kho tàng, thật chỉ có tên mà không thật thể. Do đó những cảnh ta vừa thấy nghe, không nên vội cho là thật, phải suy nghĩ kĩ, sẽ biết tất cả đều là hư vọng. Cho nên người trí biết các pháp đều không có thật thể, chỉ thuận theo sự thấy nghe của người thế gian, mượn danh ngôn mà diễn đạt sự việc. Nhưng xét theo lí chân thật thì không như thế, chỉ nhờ ngôn thuyết giả để rõ nghĩa chân thật.
Thưa Đại Phạm vương! Phàm phu dị sanh[13] chưa được cặp mắt trí huệ bậc thánh xuất thế, chưa hiểu chân như của tất cả pháp là bất khả thuyết, nên khi thấy nghe các pháp biến chuyển hoặc chẳng biến chuyển, liền cho như thế mà khởi tâm chấp cho là chân thật; nơi Đệ nhất nghĩa, họ không thấu đạt chân như các pháp là bất khả thuyết. Còn các bậc thánh, khi thấy tất cả các pháp biến chuyển hay không biến chuyển, đều tùy năng lực tư duy mà không chấp trước thật có, thấu suốt tất cả các pháp biến chuyển và không biến chuyển đều không chân thật, chỉ dùng vọng tưởng lượng định tướng trạng biến chuyển và không biến chuyển; tất cả chỉ là giả danh, không có thật thể. Các vị thánh này thuận theo thế tục, giảng thuyết giáo pháp, hầu giúp cho họ hiểu được ý nghĩa chân thật như thế.
Thưa Đại Phạm vương! Các bậc thánh với tri kiến thánh nhân, thấu suốt chân như các pháp không thể giảng nói, các pháp biến chuyển hay pháp không biến chuyển cũng như vậy; nhưng vì muốn cho mọi người chứng biết, cho nên các thánh mới dùng ngôn thuyết thế gian mà thôi.
Phạm vương lại hỏi bồ-tát Như Ý Bảo Quang Diệu rằng: “Bao nhiêu chúng sanh hiểu được chánh pháp sâu xa vi diệu?”. Bồ-tát đáp rằng: “Tâm vương-tâm sở của những người huyễn hiểu được pháp này”. Phạm vương liền nói: “Người huyễn không thân, tâm vương tâm sở từ đâu sanh khởi?”. Bồ-tát lại đáp: “Nếu chúng sanh nào thấu đạt pháp giới chẳng có chẳng không, sẽ hiểu rõ được nghĩa sâu xa này”.
Phạm thiên vương lại bạch Đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Bồ-tát Như Ý Bảo Diệu Quang này thật là cao siêu không thể nghĩ bàn, đã thông đạt nghĩa sâu xa như vậy”. Đức Phật dạy rằng: “Đúng thế, đúng thế! Như Ý Bảo Quang Diệu đã dạy các ông phát tâm tu học Vô sanh pháp nhẫn.”
Đại Phạm thiên vương và các Phạm thiên trong chúng đứng dậy, áo lộ vai phải, cung kính chắp tay đảnh lễ bồ-tát Như Ý Bảo Quang Diệu, rồi thưa rằng: “Hôm nay chúng tôi may mắn gặp được và nghe đại sĩ giảng nói chánh pháp, thật là hiếm có! ”.
Đức Phật dạy rằng: “ Này Đại Phạm vương! Vào đời vị lai, Như Ý Bảo Quang Diệu sẽ thành Phật hiệu là Bảo Diệm Cát Tường Tạng Như Lai, Ứng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn”.
Khi Đức Phật thuyết phẩm kinh này xong, có ba ngàn ức bồ-tát không lui sụt Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tám ngàn ức thiên tử, vô lượng vô số vua quan, nhân dân xa lìa trần cấu, được Pháp nhãn tịnh.
Bấy giờ trong hội có năm mươi ức bí-sô tu hạnh bồ-tát sắp lui sụt tâm bồ-đề, khi nghe bồ-tát Như Ý Bảo Quang Diệu nói pháp này, ý chí kiên định không thể nghĩ bàn, trọn vẹn bản nguyện, khởi tâm bồ-đề, đều cởi áo ngoài vô cùng quí giá cúng dường bồ-tát, rồi lại phát tâm dõng mãnh tối thượng và lập nguyện rằng: “Chúng con nguyện không lui sụt bồ-đề, dùng thiện căn này hồi hướng Vô thượng chánh đẳng chánh giác”. Các vị bí-sô nương công đức này, như giáo tu hành chín mươi đại kiếp sẽ được giác ngộ, ra khỏi sanh tử.
Thế là Thế Tôn liền thọ kí rằng: “Này các bí-sô! Trải qua ba a-tăng-kì kiếp, đến kiếp tên là Nan Thắng Quang Vương, tại nước Vô Cấu Quang, các ông đồng thời chứng đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đồng thành Phật đạo, cùng một hiệu là Nguyện Trang Nghiêm Gian Sức Phật, đầy đủ mười hiệu”.
Này Đại Phạm vương! Nếu nghe chính xác và hành trì đúng kinh Kim quang minh thì sẽ có được uy lực rất lớn. Giả sử một người tu tập lục độ trải qua trăm ngàn đại kiếp[14] mà không có được phương tiện, thì công đức không bằng một phần trăm, một phần vô lượng công đức của người sao chép kinh này, rồi cứ nửa tháng chuyên tâm đọc tụng. Vì thế hôm nay Ta bảo các ông tu học ghi nhớ, thọ trì giảng thuyết cho mọi người nghe. Vì sao như thế? Ta nhớ vào thời quá khứ lâu xa, khi còn tu đạo bồ-tát, lúc ấy Ta như dũng sĩ vào trận, thọ trì đọc tụng, giảng thuyết truyền bá kinh tối thượng này không tiếc thân mạng. Như Chuyển luân vương, khi còn cai trị thì bảy báu còn, nếu mạng đã chung thì bảy báu diệt; cũng giống như vậy, kinh Kim quang minh còn hiện ở đời, thì pháp bảo còn, nếu kinh này mất, pháp bảo vô thượng cũng theo đó ẩn. Cho nên các ông, một lòng lắng nghe, khởi tâm tinh tấn ba-la-mật, thọ trì đọc tụng, giảng cho người nghe, khuyên họ sao chép, không sợ nhọc mệt, cho đến cũng không tiếc thân mạng mình. Làm như thế sẽ được công đức bậc nhất trong các công đức. Là đệ tử Ta thì nên siêng năng tu học như thế!
Đại Phạm thiên vương, cùng với vô lượng thiên chúng cõi Phạm, Đế Thích-Tứ vương và các dạ-xoa từ tòa đứng dậy, áo lộ vai phải, quì gối chắp tay, cung kính bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Chúng con xin nguyện bảo vệ giữ gìn và truyền bá kinh Kim quang minh này. Nếu vị pháp sư giảng kinh gặp nạn, chúng con sẽ trừ, giúp đủ phước lành, sắc tướng uy nghiêm, sức lực sung mãn, luận biện vô ngại, thân tâm thư thái, thính chúng an lạc. Nếu quốc gia này gặp nạn đói kém, giặc giã chiến tranh, phi nhân làm hại, thì cả thiên chúng sẽ cùng bảo vệ, khiến cho nhân dân an ổn giàu có, không còn tai họa. Đó đều là do năng lực chúng con. Nếu những người nào cúng dường kinh này, chúng con cũng sẽ cung kính cúng dường người ấy như Phật.
Đức Phật khen rằng: “ Quí thay, quí thay! Các ông nghe pháp sâu xa nhiệm mầu, phát tâm bảo vệ, thọ trì kinh này, các ông nhất định sẽ được vô lượng vô biên phước đức, chóng thành Vô thượng chánh đẳng bồ-đề”. Đại Phạm thiên vương và đại chúng nghe Phật dạy như thế, vô cùng vui mừng, chí tâm đảnh lễ cung kính lãnh thọ.







PHẨM 11: TỨ THIÊN VƯƠNG QUÁN SÁT
TRỜI NGƯỜI

Bấy giờ bốn vị: Đa Văn thiên vương, Trì Quốc thiên vương, Tăng Trưởng thiên vương, Quảng Mục thiên vương, đồng từ chỗ ngồi trong chúng đứng dậy, áo lộ vai phải, quì gối chắp tay, cung kính đảnh lễ chân Phật rồi bạch: “Bạch đức Thế Tôn! Kinh Kim quang minhtối thắng vương này, được các đức Phật nghĩ nhớ tư duy, bồ-tát cung kính, trời rồng cúng dường, thiên chúng ưa thích, các vị trời hộ thế luôn ca ngợi, Thanh văn và Độc giác cùng thọ trì. Kinh này chiếu sáng cung điện cõi trời, ban cho chúng sanh niềm vui tối thắng, chấm dứt khổ đau trong đường địa ngục, ngạ quỉ súc sanh; đoạn trừ tất cả những nỗi sợ hãi, đẩy lui tất cả những kẻ oán địch; những lúc đói kém thì khiến được mùa, gặp lúc ốm đau thì giúp lành bệnh, tất cả tai biến, trăm ngàn khổ não đều được tiêu trừ.
Bạch đức Thế Tôn! Kinh Kim quang minh này có năng lực làm cho an ổn lợi lạc như thế, cúi xin Thế Tôn ngay trong chúng hội, giảng nói kinh này để chúng con cùng quyến thuộc nhận được pháp vị cam lộ vô thượng, khiến cho khí lực sung mãn, thêm lớn uy quang, tinh tấn dõng mãnh, thần thông tăng trưởng.
Bạch đức Thế Tôn! Thiên vương chúng con tu tập chánh pháp, luôn thuyết chánh pháp, luôn dùng chánh pháp giáo hóa thế gian. Chúng con khiến cho thiên, long, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, yết-lộ-trà, câu-bàn-trà, khẩn-na-la, mạc-hô-lạc-già và các quốc vương luôn dùng chánh pháp giáo hóa nhân dân, ngăn chặn điều ác, đuổi dẹp tất cả những loài quỉ thần không có từ bi, hút tinh khí người.
Bạch đức Thế Tôn! Vì nguyên nhân này mà chúng con được gọi là Hộ Thế. Lại nữa trong châu Diêm-phù-đề này, nếu quốc gia nào bị giặc xâm lấn, đói kém dịch bệnh hoành hành khắp nơi, vô lượng trăm ngàn tai ách xảy ra, thì chúng con sẽ cung kính cúng dường kinh Kim quang minh; nếu có tì-kheo pháp sư thọ trì đọc tụng kinh này, thì bốn thiên vương cùng đến nơi đó để thức tỉnh và khuyến thỉnh vị ấy. Vị pháp sư ấy nhờ sức thần thông thức tỉnh mà đến nước kia giảng nói rộng rãi kinh Kim quang minh. Nhờ năng lực kinh mà trăm ngàn tai họa đều tiêu trừ.
Bạch đức Thế Tôn! Bí-sô pháp sư thọ trì kinh này đến một nước nào, thì kinh này cũng đã đến nước ấy. Bấy giờ quốc vương cần phải đến chỗ vị bí-sô kia lắng nghe thuyết giảng, nghe rồi vui mừng, cung kính cúng dường bí-sô pháp sư, tận tâm bảo vệ để không bị hại, hầu giúp vị ấy thuận tiện giảng nói, làm lợi tất cả.
Bạch đức Thế Tôn! Vì kinh vua này, cho nên chúng con một lòng bảo vệ vua và nhân dân của quốc gia ấy không còn tai họa, thường được an ổn. Nếu có bí-sô cùng bí-sô-ni, ô-ba-sách-ca, ô-ba-tư-ca thọ trì kinh này, thì quốc vương nên cúng dường tất cả những vật cần dùng, không để thiếu thốn; bấy giờ chúng con sẽ giúp quốc vương và đất nước ấy luôn luôn an ổn, không có tai họa. Nếu vua cúng dường, cung kính tôn trọng những người thọ trì đọc tụng kinh này, thì chúng con sẽ khiến cho các vị quốc vương nước khác ca ngợi cung kính, tôn trọng bậc nhất”.
Nghe Phật thuyết xong, đại chúng vô cùng vui mừng, cung kính thọ trì.


Chú thích:
[1] Tần-bà: quả của cây bimba, Trung Quốc dịch là Tương tư. Quả có màu đỏ tươi.
[2]Sa-la: một loại cây cao thuộc họ long não, sanh trưởng ở vùng nhiệt đới như Ấn Độ... Cây cao khoảng ba mươi hai mét, lá hình bầu dục, nhưng đầu nhọn, dài khoảng mười sáu đến hai lăm phân, rộng khoảng từ mười đến mười sáu phân; hoa nhỏ, màu vàng nhạt. Thân cây cho gỗ cứng chắc, có thể dùng trong xây dựng; nhựa cây này có thể dùng thay thế nhựa tùng, có thể ép quả lấy dầu.
[3] Hữu Đảnh: tầng trời thứ chín thuộc Tứ thiền của cõi Sắc, là đỉnh cao nhất của thế giới hữu hình. Ngoài ra, Hữu Đảnh cũng chỉ cho tầng trời thứ tư của cõi Vô Sắc, tức là cõi Phi Phi Tưởng Xứ, vì tầng trời này là đảnh, cao nhất của ba cõi.
[4] Hữu lậu: lậu nghĩa là rỉ chảy, tên khác của phiền não, vì phiền não từ sáu căn của chúng sanh rỉ chảy không dừng, khiến trôi lăn trong thế giới mê vọng, không có ngày chấm dứt.
[5] Vô lậu: không còn phiền não rỉ chảy, thanh tịnh vô vi.
[6] Đệ nhất nghĩa: chân lí sâu xa, nhiệm mầu, vượt trên tất cả pháp.
[7] Sáu giặc: sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vì sáu trần lấy sáu căn làm môi giới cướp đoạt tất cả pháp thiện, nên dụ như giặc.
[8] Sáu căn: sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
[9] Tri, Tác giả: Tri tức Tri giả, chủ thể nhận biết; Tác giả tức chủ thể tạo tác.
[10] Dị quả: quả dị thục, tức quả báo thành hình ở một thời gian khác.
[11] Năm uẩn: năm yếu tố tạo thành tất cả pháp hữu vi: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.
[12] Tha Hóa Tự Tại: tầng trời thứ sáu trong sáu tầng trời cõi Dục. Cõi trời này lấy cảnh dục do các cõi trời thấp hơn biến hóa ra để làm niềm vui của mình, nên gọi là Tha Hóa Tự Tại.
[13] Phàm phu dị sanh: hàng phàm phu luân hồi trong ba cõi, nhận lãnh nhiều loại quả báo khác nhau. Hoặc nói dị sanh tức tên gọi khác của phàm phu.
[14] Đại kiếp: một chu kì thành trụ hoại không, tức thời gian tám mươi lần tăng giảm; Cựu dịch tương đương bốn trung kiếp. Tân dịch tương đương tám mươi trung kiếp.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 10 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Học đạo trong đời


Chớ quên mình là nước


Giải thích Kinh Địa Tạng


Có và Không

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.81.154 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập