Lòng thương yêu mang đến cho chúng ta những niềm vui thanh thản, nhẹ
nhàng mà cao quý. Điều này mỗi người chúng ta đều có thể dễ dàng cảm
nhận. Ngược lại, sự ích kỷ luôn mang đến những tâm trạng nặng nề, bực
dọc. Điều này chúng ta cũng có thể dễ dàng cảm nhận. Tuy nhiên, mối
tương quan đối kháng giữa hai khuynh hướng này lại là điều mà rất ít
người quan tâm tìm hiểu.
Trong thực tế, sự ích kỷ luôn là trở lực lớn nhất ngăn cản chúng ta mở
rộng lòng thương yêu. Trong một chừng mực nào đó, có thể nói rằng, nếu
bạn trừ bỏ được lòng ích kỷ thì bản năng thương yêu của bạn sẽ có cơ hội
phát triển nhanh chóng một cách tự nhiên để mang lại cuộc sống hạnh phúc
cho bạn.
Tuy nhiên, vấn đề không hoàn toàn đơn giản như thế. Mặc dù là những
khuynh hướng đối nghịch nhau, nhưng yêu thương và ích kỷ chưa bao giờ
tồn tại theo cách “một còn một mất” như thế. Trong thực tế, bao giờ
chúng cũng song song tồn tại nơi mỗi người chúng ta. Và vì khuynh hướng
trái ngược nhau, nên yếu tố này sẽ chi phối yếu tố kia theo hướng gây
trở lực. Nói một cách khác, khi lòng thương yêu được phát triển thì tính
ích kỷ sẽ bị hạn chế; và ngược lại, khi bạn nuôi dưỡng tính ích kỷ thì
lòng thương yêu sẽ không thể phát triển được.
Sự thật này đã tạo ra những mâu thuẫn nội tại trong bản thân mỗi người
chúng ta. Đôi khi, đứng trước một quyết định nào đó, bản thân ta thường
bị giằng co giữa hai khuynh hướng. Trong khi tính ích kỷ luôn thôi thúc
ta giành lấy mọi nguồn lợi về mình thì lòng thương yêu lại hướng ta đến
việc chia sẻ và giúp đỡ người khác. Mâu thuẫn tất yếu ở đây là, chúng ta
không thể cùng lúc đạt được cả hai mục đích. Vì thế, việc chọn một trong
hai bao giờ cũng là một quyết định khó khăn và đòi hỏi nhiều nghị lực.
Nếu bạn đã từng đứng trước một sự giằng co chọn lựa tương tự như tôi vừa
nói, bạn mới có thể hiểu được thế nào là “khó khăn và đòi hỏi nhiều nghị
lực”. Những người sống buông thả thường rất ít khi trải qua tâm trạng
giằng co này, và vì thế họ không thể hiểu được sự khó khăn của nó. Chỉ
khi nào nhận ra được ý nghĩa đích thực của đời sống và biết quay về cuộc
sống hướng thượng thì họ mới có dịp đối mặt với tâm trạng khó khăn này.
Lão tử từng nói: “Thắng được người khác là có sức; thắng được chính mình
là mạnh mẽ.”
[10]
Thắng được chính mình, hay tự thắng, đó chính là sự vượt qua những
khuynh hướng xấu ác trong tự thân mình. Người có thể tự thắng thì mới có
thể vươn lên hoàn thiện bản thân. Người không thể tự thắng thì chỉ có
thể sống nô lệ cho dục vọng, luôn bị những khuynh hướng xấu ác dắt dẫn
và dễ dàng đắm sâu vào tội lỗi.
Người xưa nói: Nhân vô thập toàn. Con người không có ai là toàn thiện!
Những khuynh hướng xấu ác, lầm lỗi là phổ biến ở tất cả mọi người. Tuy
nhiên, sự khác biệt ở mỗi người chính là ở sự quyết tâm và khả năng vượt
qua được những trở lực đó để có thể không ngừng vươn lên hoàn thiện
chính mình.
Vì thế, việc nhận ra được tính ích kỷ như một trở lực trong sự phát
triển lòng thương yêu không hoàn toàn đồng nghĩa với việc vượt qua được
trở lực ấy, cho dù là ngay cả sự nhận biết trở lực này đôi khi cũng đã
rất khó khăn vì những biểu hiện vô cùng tinh tế của nó.
Lấy một ví dụ nhỏ như sự ganh tị chẳng hạn. Vì sao chúng ta đôi khi thấy
khó chịu trước những thành công của người khác, ngay cả khi điều đó
không trực tiếp ảnh hưởng đến mình? Mặc dù sợi dây liên hệ ở đây là vô
cùng mỏng manh và rất khó nhận ra, nhưng điều gây khó chịu cho ta không
gì khác hơn mà chính là lòng ích kỷ. Tự sâu trong lòng mình, chúng ta
luôn có cảm giác rằng những thành công của người khác bao giờ cũng là
trở lực cho sự thành công của mình trong tương lai. Điều này không phải
bao giờ cũng đúng, nhưng khuynh hướng ích kỷ lại luôn gợi lên trong ta
cách suy nghĩ ấy. Nếu có thể dẹp bỏ được lòng ích kỷ, chắc chắn là những
ý nghĩ ganh tị như thế sẽ không thể khởi lên.
Một ví dụ khác là sự ghen tuông. Hầu hết chúng ta thường nghĩ rằng sự
ghen tuông là biểu hiện của tình yêu, bởi không yêu thì làm sao người ta
có thể ghen tuông? Thậm chí đã có một thời thịnh hành quan điểm “gái hay
ghen chồng là gái yêu chồng”. Tuy nhiên, sự thật thì điều này lại hoàn
toàn không đúng. Sự hiện hữu của tình yêu ở đây là có thật, nhưng sự
ghen tuông không hoàn toàn xuất phát từ tình yêu mà lại chính là một
biểu hiện của lòng ích kỷ. Bởi vì kèm theo với lòng thương yêu ở đây là
một ý thức chiếm hữu cho riêng mình. Và chỉ khi nào bị chi phối bởi ý
thức chiếm hữu đó thì người ta mới phát khởi lòng ghen tuông.
Điều này giải thích cho nhiều trường hợp hy sinh cao đẹp trong tình yêu,
khi người ta thực sự chiến thắng được lòng vị kỷ và chỉ hoàn toàn nghĩ
đến hạnh phúc của người mình yêu. Trong những trường hợp này, chúng ta
không thể tìm thấy bất cứ dấu hiệu nào của sự ghen tuông. Ngược lại, nếu
không thắng được khuynh hướng ích kỷ, người ta sẽ sẵn sàng làm bất cứ
điều gì để thỏa mãn sự ghen tuông của mình, ngay cả khi biết chắc rằng
điều đó sẽ gây tổn hại cho người mình thương yêu.
Vì thế, lòng thương yêu một khi bị chi phối bởi tính ích kỷ sẽ bị biến
dạng theo từng mức độ. Khi bạn thương yêu ai đó mà không bị sự chi phối
của tính ích kỷ, tình thương đó mới thực sự là chất liệu giúp bạn có
được niềm vui thanh thản và hạnh phúc trong cuộc sống. Ngược lại, khi bị
tính ích kỷ chi phối, lòng thương yêu sẽ trở nên hẹp hòi, bị giới hạn
bởi tính ích kỷ, và do đó không thể thực sự mang lại hạnh phúc cho đời
sống.
Một phụ nữ sau khi có con lần đầu tiên sẽ nảy sinh tình thương yêu vô bờ
bến đối với đứa con bé bỏng của mình. Tình thương đó sẽ có thể giúp cô
trở nên dễ cảm thông hơn, cởi mở hơn và mở lòng thương yêu những đứa trẻ
khác nhiều hơn nữa. Vì thế, sự khác biệt giữa một phụ nữ đang nuôi con
với một phụ nữ sống cô độc chưa từng có con cái thường là điều rất dễ
nhận ra.
Tuy nhiên, nếu tình thương đó chịu sự chi phối nặng nề bởi tính ích kỷ,
trong lòng người mẹ ấy sẽ nảy sinh một ranh giới phân biệt rạch ròi giữa
con mình và những đứa trẻ khác. Khuynh hướng này thôi thúc cô làm mọi
điều có lợi cho con mình và ngăn cản cô thương yêu những đứa trẻ khác.
Vì thế, lòng thương yêu của cô giờ đây không chỉ hoàn toàn là tình
thương, mà đã có sự chi phối của tính ích kỷ làm cho nó biến dạng đi và
trở nên hẹp hòi, giới hạn.
Những ảnh hưởng tương tự như vậy của tính ích kỷ có thể nhận ra trong
rất nhiều trường hợp. Vì thế, nếu bạn không có được niềm vui thanh thản
và hạnh phúc thực sự khi thương yêu, có nhiều khả năng là tình thương
của bạn đã bị chi phối bởi tính ích kỷ. Khi tình thương bị chi phối bởi
tính ích kỷ, nó có thể mang đến cho chúng ta khổ đau thay vì là hạnh
phúc. Ngược lại, nếu loại trừ được tính ích kỷ, chúng ta sẽ dễ dàng có
được sự cảm thông và chia sẻ của một tình thương chân thật, và do đó chỉ
có thể cảm nhận được một cuộc sống hạnh phúc hơn chứ không phải là nặng
nề hơn.
Trong trường hợp này, những gì được gọi là hạnh phúc hay khổ đau không
phải do những điều kiện vật chất hay môi trường sống quanh ta quy định.
Một nhân viên Hồng thập tự khi hoạt động trên chiến trường sẽ phải chịu
đựng mọi gian khổ thiếu thốn không khác gì những binh sĩ trên chiến
trường ấy. Nhưng nếu như những người lính đang chiến đấu có thể luôn cảm
thấy khổ đau vì phải sống xa gia đình, vì phải chịu đựng nhiều gian lao
vất vả, thì người nhân viên tình nguyện ấy lại luôn có được một tâm hồn
thanh thản và vui sống hạnh phúc, bởi vì anh ta đang thực hiện được tâm
nguyện của mình, xuất phát từ lòng thương yêu chân thật đối với những
con người.
Tương tự, một bác sĩ trực ca đêm nếu không có lòng thương yêu sẽ có thể
cảm thấy bực dọc, không hài lòng với khoản thù lao còm cõi mà mình nhận
được. Nhưng nếu ông ta thực sự có lòng thương yêu và chăm sóc cho từng
bệnh nhân với lòng thương yêu chân thật đó, ông ta sẽ cảm thấy một niềm
hạnh phúc vô biên khi được thực hiện công việc này, cho dù thể xác ông
phải thường xuyên chịu đựng sự mỏi mệt.
Do đó, chúng ta không thể thực hành lòng thương yêu chân thật nếu như
không vượt qua được trở lực của lòng vị kỷ. Mặt khác, như đã nói, lòng
vị kỷ là một tên gọi khác – cho dù là không đầy đủ – của ý thức chấp
ngã. Vì thế, chúng ta sẽ không thể trừ bỏ lòng vị kỷ nếu như không hiểu
và thực hành được tinh thần vô ngã như đã có dịp đề cập đến trước đây.
Khi thực hành tinh thần vô ngã, chúng ta mới có thể vượt thoát ra khỏi
sự ràng buộc của những ham muốn vô nghĩa được xây dựng quanh ý niệm sai
lầm về một “cái ta” không thực có. Khi ấy, lòng ham muốn sẽ không có
điều kiện nuôi dưỡng để có thể phát triển vượt quá những nhu cầu thực sự
của chúng ta. Và một khi được giới hạn trong phạm vi của những nhu cầu
thực sự như “đói ăn, khát uống”, lòng ham muốn sẽ không còn là điều kiện
phát triển cho ý thức chiếm hữu cũng như lòng ích kỷ. Như vậy, chúng ta
mới có thể dễ dàng vượt qua được khuynh hướng xấu ác của lòng ích kỷ và
phát triển được lòng thương yêu ngày càng rộng mở.
Nếu chúng ta có thể vượt qua trở lực của lòng vị kỷ với những nhận thức
đúng như trên, đó là chúng ta đã giải quyết vấn đề từ gốc đến ngọn.
Ngược lại, nếu không nhận thức được như vậy mà chỉ đơn thuần đối mặt với
khuynh hướng xấu ác của lòng vị kỷ và cố sức để vượt qua, chúng ta sẽ
luôn cảm thấy vô cùng khó khăn, bởi đó là cách giải quyết vấn đề theo
hướng ngược lại: từ ngọn đến gốc!