Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Cho dù người ta có tin vào tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, thì ai ai cũng đều phải trân trọng lòng tốt và tâm từ bi. (Whether one believes in a religion or not, and whether one believes in rebirth or not, there isn't anyone who doesn't appreciate kindness and compassion.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Hành động thiếu tri thức là nguy hiểm, tri thức mà không hành động là vô ích. (Action without knowledge is dangerous, knowledge without action is useless. )Walter Evert Myer
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa »» Tập 1 - Giảng ngày 1 tháng 12 năm 1990 »»

Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa
»» Tập 1 - Giảng ngày 1 tháng 12 năm 1990

Donate

(Lượt xem: 2.842)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

  • »» Tập 1 - Giảng ngày 1 tháng 12 năm 1990

Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa - Tập 1 - Giảng ngày 1 tháng 12 năm 1990

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(Mời quý vị xem nội dung trọn bộ sách ở dạng PDF - Chọn menu Xem định dạng khác và chọn PDF.)



Xin chư vị mở phần Lời Tựa trong sách Sớ Sao Diễn Nghĩa, cũng là trang thứ nhất theo cách đánh số bằng chữ số Ả Rập ở cuối trang, mở trang thứ nhất, tức trang thứ nhất sau phần Khoa Phán.

Lần này tôi được Diệp cư sĩ khải thỉnh, giảng bộ Quán Kinh Diệu Tông Sao. Chúng tôi đang in Sớ Sao2, có thể sẽ gởi tới ngày hôm nay. Sau khi nhận được sách, sẽ chia ra biếu tặng các vị đồng tu. Sớ Sao không chỉ phân lượng lớn, lại còn có mức độ khá tinh vi, sâu thẳm, trong kỳ hạn một tuần ngắn ngủi rất khó giảng xong! Khóa giảng này, chúng tôi chọn bộ Sớ Sao Diễn Nghĩa. [Có danh xưng] Diễn Nghĩa là do lão pháp sư Đế Nhàn đã viết một bản tinh giản cho bộ Diệu Tông Sao, tức là chọn lọc những phần trọng yếu và tinh hoa. Vì thế, sách Diễn Nghĩa chính là tinh hoa của Sớ Sao. Lần này, chúng tôi cùng chư vị chung sức nghiên cứu, cũng dùng phương thức tinh giản, ngõ hầu trong khoảng thời gian ngắn ngủi chư vị có thể nhận biết khái lược lý luận, cách tu học, nhân quả, và thành tựu của Tịnh Tông, như vậy thì mục đích của khóa giảng này đã đạt được! Do đó, tôi cũng chẳng bỏ qua lời tựa của lão pháp sư, vì Ngài viết lời tựa rất hay; những điểm trọng yếu trong lời tựa cũng cần phải đề cập.

Chúng ta xem lời tựa, “Quán Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa tự”, trước hết, hãy đọc đoạn ấy một lượt: “Di Đà kinh dĩ tín nguyện lực trì Phật danh hiệu, vi chí trực tiệp, chí viên đốn, tối cực ổn đáng, tối dị thành tựu, thị Thế Tôn triệt để bi tâm, phổ linh nghiệp trọng chúng sanh hoành siêu tam giới, đới nghiệp vãng sanh, cố xưng dị thắng phương tiện chi pháp môn dã” (Kinh Di Đà dùng sức tín nguyện để trì danh hiệu Phật, là [cách tu] thẳng chóng nhất, viên đốn nhất, ổn thỏa, thích đáng tột bậc nhất, dễ thành tựu nhất, đó là bi tâm triệt để của đức Thế Tôn, khiến cho khắp các chúng sanh vượt khỏi tam giới theo chiều ngang, đới nghiệp vãng sanh, nên được gọi là “pháp môn có phương tiện thù thắng lạ thường”).

Ba bộ kinh trọng yếu nhất trong Tịnh Độ Tông là kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà và kinh này, được gọi là Tịnh Độ Tam Kinh. Kinh Vô Lượng Thọ là khái luận của Tịnh Độ Tông, giới thiệu viên mãn y báo và chánh báo trang nghiêm trong thế giới Tây Phương, nên là một bộ kinh điển trọng yếu nhất trong Tịnh Độ Tông. Kinh Di Đà là tinh yếu của kinh Vô Lượng Thọ, điểm đặc sắc trong kinh ấy là khuyến tín, khuyến nguyện, khuyến hành. Những điểm đặc sắc của kinh Di Đà đã được nêu rõ bởi mấy câu này [của pháp sư Đế Nhàn], xác thực là “dị thắng phương tiện”, “dị” (異) là lạ lùng, chẳng giống với những kinh điển và pháp môn khác, “thắng” (勝) là thù thắng. [“Dị thắng phương tiện”] là pháp môn thù thắng lạ lùng, thuận tiện khôn sánh. Cũng có thể nói là [trong khi] bất cứ phương pháp nào cũng đều chẳng độ được, [vì] nghiệp chướng và tập khí của các chúng sanh ấy quá nặng, đều độ không được, thì pháp môn này có thể độ. Do đó, pháp môn này đích xác là pháp môn thù thắng bậc nhất!

Chúng ta nhìn lại kinh này, [kinh này] thiên trọng lý luận và phương pháp của Tịnh Tông. Phương pháp là mười sáu phép Quán, bao gồm Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật, và Trì Danh Niệm Phật, các phương pháp niệm Phật đều có trong bộ kinh này. Đồng thời, kinh lại còn giảng rõ nhân quả của bốn cõi và chín phẩm trong Tịnh Độ rõ ràng, cặn kẽ hơn Tam Bối Vãng Sanh (ba bậc vãng sanh) trong kinh Vô Lượng Thọ. Vì thế, đối với người tu Tịnh Độ, nói thực tại, phải hợp ba kinh lại để xem thì mới có thể liễu giải và nhận thức triệt để Tịnh Tông, tín tâm mới có thể sanh khởi. Về sau, các vị đại đức như cư sĩ Ngụy Nguyên đã ghép phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện vào sau ba kinh, trở thành Tịnh Độ Tứ Kinh; lão pháp sư Ấn Quang là một vị tổ sư cận đại của Tịnh Tông lại ghép chương Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm vào sau bốn kinh, trở thành Tịnh Độ Ngũ Kinh. Chúng ta suy nghĩ, có còn cần phải ghép thêm một kinh nào nữa để thành Tịnh Độ Lục Kinh hay không? Nói thật ra, đến năm kinh là đã thật sự viên mãn trọn đủ, chẳng cần đến sáu kinh, chẳng cần thêm nữa, đã đạt đến viên mãn rồi! Vì thế, tu hành trong Tịnh Tông, năm bộ kinh ấy là viên cực, tức là đã đạt đến viên mãn tột bậc, mà cũng là đốn cực (nhanh chóng tột bậc). Đó là người trong thời đại chúng ta có phước, kinh điển hoàn bị đã xuất hiện trong thời này!

Chúng ta lại xem đoạn kế tiếp: “Cổ đức vân: Nhược nhân đản niệm A Di Đà, thị danh Vô Thượng Thâm Diệu Thiền”. (Cổ đức nói: “Nếu ai chỉ niệm A Di Đà, bèn gọi là Vô Thượng Thâm Diệu Thiền”). Nói rõ Niệm Phật là Thiền học vô thượng thậm thâm vi diệu. Không chỉ là Thiền, một câu A Di Đà Phật còn là vô thượng thần chú, từ kinh Vô Lượng Thọ chúng ta thấy được điều này. Mật Tông trong cõi này do Kim Cang Tát Đỏa Bồ Tát truyền dạy. Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva) là người sáng lập Mật Tông, là tổ sư khai sơn đời thứ nhất của Mật Tông; vị Bồ Tát ấy là hóa thân của Phổ Hiền Bồ Tát. Trong hội Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ Tát đề xướng Tịnh Độ đầu tiên, mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, nên một câu A Di Đà Phật là vô thượng thần chú của Mật Tông. Quý vị niệm câu A Di Đà Phật, không chỉ là Giáo, mà còn bao gồm Thiền, lại còn bao quát Mật, cũng bao gồm giới luật, tất cả hết thảy các pháp môn đều được bao gồm chẳng sót! Pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn; trước hết, chúng ta phải nhận biết rõ ràng điều này.

Kế đó, lời tựa viết: “Ngô nhân quả năng y giáo tu hành, dĩ chân tín, thiết nguyện, đản niệm Di Đà, tắc vô luận thời chi cửu cận” (Chúng ta thật sự có thể tu hành đúng như lời dạy, dùng lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, chỉ niệm Di Đà, ắt chẳng cần bàn tới thời gian [niệm Phật] đã lâu hay mới đây). “Cửu” (久) là quý vị niệm Phật trong một thời gian dài. “Cận” (近) là quý vị niệm Phật trong một thời gian ngắn, thậm chí khi lâm chung mới bắt đầu niệm Phật vẫn chẳng trễ. “Công chi thiển thâm” (Công phu sâu hay cạn), “công” (功) là nói tới công phu. Công phu là nói về mức độ khuất phục phiền não, tâm địa thanh tịnh. “Lâm mạng chung thời, quyết định vãng sanh. vô khả nghi giả” (Lúc lâm chung, chắc chắn vãng sanh, chẳng thể nghi ngờ). Đến đây là một đoạn, đều nhằm khuyên chúng ta phải nghiêm túc tu học pháp môn này.

Hai dòng tiếp theo rất trọng yếu: “Như kỳ tín bất chân, nguyện bất thiết, niệm bất chuyên giả, bất danh đản niệm” (Nếu tín chẳng chân thật, nguyện chẳng thiết tha, niệm chẳng chuyên thì chẳng gọi là “chỉ niệm”). Đó chẳng gọi là “đản niệm” (但念). “Đản niệm” là chuyên niệm. Kinh Vô Lượng Thọ nói “phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Câu “chuyên niệm” trong kinh Vô Lượng Thọ chính là “đản niệm” được nói ở đây. Như thế sẽ không gọi là “nhất hướng chuyên niệm”. “Nãi danh tạp niệm” (Mà gọi là tạp niệm); chẳng phải là chuyên niệm, mà là tạp niệm. “Tuy khẳng niệm Phật, nan trăn thật ích” (Tuy chịu niệm Phật, khó đạt được lợi ích thật sự). Tuy niệm Phật, không dễ gì đạt được lợi ích chân thật do niệm Phật. Lợi ích chân thật là gì? Vãng sanh trong đời này, đó là lợi ích chân chánh. Đời này chẳng thể vãng sanh, sẽ chẳng đạt lợi ích chân thật. “Sở dĩ niệm Phật nhân đa, vãng sanh giả thiểu nhĩ” (Do đó, người niệm Phật đông, người vãng sanh ít ỏi). Đạo lý ở ngay chỗ này. Ở đây, đại sư đã giảng rất rõ ràng, minh bạch.

Lão pháp sư tuy là tổ sư bên Thiên Thai Tông, nhưng Ngài niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Trong hội của Ngài, người niệm Phật vãng sanh, biết trước lúc mất rất nhiều. Trước kia, chúng ta đã nghe lão pháp sư Đàm Hư kể: Ngài Đế Nhàn có một học trò, tức là đồ đệ, không biết chữ, chưa từng nghe kinh, chưa hề nghe Phật pháp. Ông ta theo lão nhân gia xuất gia, Sư dạy ông ta một câu Nam-mô A Di Đà Phật. Sư bảo: “Ông cứ niệm mãi một câu Phật hiệu ấy. Hễ niệm đã mệt bèn nghỉ ngơi. Nghỉ khỏe rồi bèn niệm tiếp, tương lai nhất định có lợi”. Nói thật ra, người học trò ấy hết sức thật thà, tuân theo lời thầy dạy một trăm phần trăm. Ông ta niệm như vậy, hễ niệm đã mệt bèn nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi khỏe khoắn xong lại niệm tiếp. Niệm ba năm, biết trước lúc mất, đứng vãng sanh. Sau khi vãng sanh, còn đứng sững suốt ba ngày, chờ sư phụ đến lo liệu hậu sự cho mình. Chuyện này chẳng dễ dàng, sau khi vãng sanh còn đứng suốt ba ngày! Vị này là học trò của lão pháp sư Đế Nhàn. Vì lẽ đó, chuyện này ngàn vạn phần chân xác. Bản chú giải này của lão hòa thượng là công phu tu chứng chân thật của Ngài, tuyệt đối chẳng có một câu nào là vọng ngữ, chúng ta hãy nên y giáo phụng hành.

Đối với phần còn lại của lời tựa, quý vị tự xem, tôi chỉ đề cập những chỗ trọng yếu với quý vị. Chúng ta xem trang thứ hai, số trang đều được ghi ở cuối trang. Xem từ ba chữ cuối của dòng thứ tư: “Phật thuyết tam chủng Tịnh nghiệp, đáp bỉ tư duy, thuyết thập lục diệu quán, thù kỳ Chánh Thọ” (Đức Phật nói ba thứ Tịnh nghiệp để đáp câu hỏi của bà ta về cách tư duy, nói ra mười sáu phép Quán mầu nhiệm để trả lời câu hỏi về Chánh Thọ). Chữ Bỉ (彼) chỉ phu nhân Vi Đề Hy. Bà ta gặp hoàn cảnh xấu hèn, nói theo cách bây giờ, con trai của bà ta làm chánh biến (đảo chánh) đoạt quyền, cha ông ta là quốc vương. Ông ta đoạt quyền của cha, giết cha, hại mẹ. Trong tình huống như vậy, bà ta phát tâm chẳng muốn ở trong thế gian này, mong cầu sanh Tịnh Độ, mong đức Phật dạy cho biết có nơi nào tốt đẹp để bà ta sanh về đó hay không! Thích Ca Mâu Ni Phật dùng thần lực, biến hiện hết thảy các cõi Phật trước mặt phu nhân Vi Đề Hy để bà ta tự xem, tự mình chọn lựa. Sau khi xem xong, bà ta thưa rõ với Thích Ca Mâu Ni Phật, mong mỏi được sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. [Ý nguyện] cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới do chính phu nhân Vi Đề Hy chọn lựa, chẳng phải do Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu. Phật độ chúng sanh, phương pháp rất dân chủ, chẳng phải là chuyên chế, chẳng khuyên quý vị đến đâu, mà cho quý vị thấy toàn thể các cõi Phật để quý vị tự do chọn lựa. Đương nhiên, bà ta chọn lựa cõi tốt nhất, điểm này đáng cho chúng ta chú ý. Sau khi đã chọn lựa, bà ta liền thỉnh giáo Thích Ca Mâu Ni: “Làm thế nào thì mới có thể sanh về đó?” Do vậy, ở đây, đức Phật mới nói ra hai phương pháp quan trọng:

Đấy là dạy cho bà ta phương pháp trọng yếu để tu Tịnh Độ.

Trong đoạn này, cụ Đế Nhàn đã nói rõ: “Tiền thập nhị Quán, vị thượng căn nhân, giáo Quán Tưởng Niệm Phật” (Mười hai phép Quán đầu để dạy người thượng căn tu Quán Tưởng Niệm Phật). Người thượng căn như vừa mới nói chính là người phiền não nhẹ, căn tánh ấy là thượng căn. Phép Quán thứ mười ba là Quán Tượng Niệm Phật (mười hai phép Quán trước đó là Quán Tưởng Niệm Phật) để dạy kẻ trung căn. Trung căn thì phiền não nặng hơn một chút, mười hai phương pháp trước đó chẳng thích hợp. Phép Quán cuối cùng, tức phép Quán thứ mười sáu dành cho kẻ hạ căn, hạ căn là ai? Kẻ ác nghiệp nặng nề.

Quý vị xem trang thứ hai, dòng thứ tư từ dưới đếm lên: “Duy tối hậu nhất Quán, vị tối hạ căn nghiệp trọng ác nhân, lâm chung ngục cảnh hiện tiền chi thời, thiện hữu giáo linh xưng Phật danh hiệu, tức đắc vãng sanh” (Chỉ có phép Quán cuối cùng là vì kẻ ác, căn cơ thấp nhất, nghiệp nặng nề, lúc lâm chung cảnh địa ngục hiện tiền, bạn lành dạy người ấy xưng niệm danh hiệu Phật, liền được vãng sanh). Đây là kẻ tạo tác Ngũ Nghịch, Thập Ác, nghiệp chướng vô cùng nặng nề. Chúng ta hãy nghĩ xem nghiệp chướng của chính mình có nặng nề hay không? Có người nói: “Tôi chẳng phải là thượng căn, cũng coi như là trung căn, còn chưa đến mức hạ căn”. Thật ra, quý vị đọc kinh này kỹ càng, [sẽ thấy] chúng ta đích xác là kẻ hạ hạ căn. Chúng ta tạo ác nghiệp, ác nghiệp cực nặng, nhưng chính mình không biết, chính mình chẳng giác ngộ! Hy vọng trong một tuần này, sau khi quý vị nghe xong, có thể tự mình biết bản thân nghiệp chướng, tập khí nặng nề thì quý vị đến tham gia pháp hội lần này sẽ có thu hoạch! [Đối với] người tội nghiệp cực nặng, [sử dụng] phương pháp gì sẽ có thể độ được? Trì danh niệm Phật có thể độ. Tập khí nghiệp chướng, tội nghiệp nặng nề, đừng sợ! Sợ là sợ chính mình không biết, chẳng biết quay đầu, chẳng biết niệm Phật thì chẳng còn có cách nào cả! Tội nghiệp cực nặng, nhưng tự biết chính mình nghiệp chướng nặng nề, biết niệm Phật, biết cầu sanh Tịnh Độ, vậy thì có thể cứu được, chẳng phải là không thể cứu. Vì thế, pháp môn này thật sự là một pháp môn chẳng thể nghĩ bàn.

Chúng ta lại xem dòng thứ sáu nơi trang thứ ba kế đó, đọc câu cuối cùng: “Kinh vân, trì thị kinh giả, tức thị trì Vô Lượng Thọ Phật danh, túc chứng trì kinh, trì danh, vô nhị trí dã. Tu tri Trì Danh nhất pháp, pháp nhĩ viên cụ Tam Quán diệu hạnh, sở vị ngô nhân nhật dụng tự bất tri nhĩ” (Kinh dạy: “Trì kinh này chính là trì danh hiệu Vô Lượng Thọ Phật”. Đủ chứng tỏ trì kinh và trì danh chẳng hai. Cần biết rằng: Một pháp Trì Danh vốn sẵn trọn đủ diệu hạnh Tam Quán, đó gọi là “bọn chúng ta sử dụng hằng ngày mà chẳng hay biết”). Mấy câu này rất trọng yếu, khai thị minh bạch: Niệm Phật và niệm kinh như nhau. Đúng như trong chương Viên Thông, Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói: “Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật”. Vì nghiệp chướng tập khí của chính mình rất nặng, trong các buổi giảng, chúng tôi cũng thường nhắc nhở chư vị đồng tu điều này, nghiệp chướng là gì? Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã nói rất rõ ràng, vọng tưởng và chấp trước là nghiệp chướng. Trong phẩm [Như Lai] Xuất Hiện của kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã nói rất rõ rệt, Ngài nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai, nhưng do vọng tưởng và chấp trước mà chẳng thể chứng đắc”. Vọng tưởng là Sở Tri Chướng, chấp trước là Phiền Não Chướng. Quý vị có hai thứ ấy tồn tại, nên chẳng thể thấy Phật, chẳng thể minh tâm kiến tánh. Tu học trong Phật pháp là trừ hai chướng mà thôi, dùng phương pháp là Giới, Định, Huệ. Những điều được gọi là Giới chính là “lấy độc trị độc”, dạy quý vị nghiêm trì giới luật. “Trì” (持) là chấp trước, dùng phương pháp chấp trước để phá chấp trước, lấy độc trị độc mà! Chúng ta phải hiểu điều này!

Mục đích của Giới là ở chỗ nào? Mục đích là đắc Định. Trì giới luật dẫu tốt đẹp cách mấy, nhưng tâm chẳng thanh tịnh thì Giới ấy liền biến thành phước báo hữu lậu, biến thành một thứ thiện hạnh trong thế tục. Điều thiện trong thế tục chẳng phải là chân thiện, mà là phước báo hữu lậu, nhất định phải đắc Định! Giống như chúng ta lên cầu thang, giới luật giống như cầu thang, nhằm mục đích nào? Phải tiến lên tầng lầu bên trên, chẳng thể ngừng tại cầu thang, chẳng tiến lên! [Ngừng tại đó] là sai lầm! Trèo lên thang lầu để tiến lên tầng trên, ắt cần phải bỏ tầng dưới thì mới có thể lên được tầng trên. Vì thế, nói là “xả đắc” (có bỏ thì mới đạt được), quý vị có thể bỏ phía dưới thì mới có thể lên được tầng trên. Do đó, có cần giới luật hay không? Cần! Phải nghiêm trì giới luật. Do vậy, cổ đức khuyên chúng ta trì giới niệm Phật. Trong kinh Vô Lượng Thọ, từ chương ba mươi ba đến chương ba mươi bảy là giới luật. Vì lẽ đó, trong công khóa sáng của các đồng tu tại [Hoa Tạng] Đồ Thư Quán, chúng ta niệm bốn mươi tám nguyện; khóa tối bèn niệm từ chương ba mươi ba đến chương ba mươi bảy. Đó là trì giới niệm Phật. Mục đích của chúng tôi là hy vọng tâm nguyện và giải hạnh của chúng ta tương ứng với A Di Đà Phật, giống như A Di Đà Phật; như vậy thì mới có thể quyết định vãng sanh. Đó là giảng rõ: Công đức đọc kinh và trì danh hoàn toàn giống nhau.

Niệm Phật nhằm mục tiêu nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn chẳng dễ cầu được! Vì thế, khuyên các đồng tu trước hết hãy niệm kinh Vô Lượng Thọ. Trước hết là niệm kinh nhuần nhuyễn, niệm đến mức có thể thuộc lòng, có thể niệm rất thuộc là bước công phu đầu tiên. Vì sau đã khi niệm rất thuộc, phải tu tâm thanh tịnh, tức là nói đến công phu. Công phu là gì? Trong bộ kinh ấy, [niệm] từ đầu đến cuối chẳng dấy một vọng tưởng, đó là công phu. Nếu niệm được một nửa bèn dấy vọng tưởng, chẳng tính, lại niệm từ đầu. Lại niệm đến một nửa bèn dấy vọng tưởng, vẫn chẳng tính, lại bắt đầu niệm từ đầu. Đó là công phu! Công phu cạn là trong một bộ kinh chẳng có vọng tưởng; công phu sâu là ba bộ hay năm bộ cũng chẳng có một vọng tưởng. Sâu hơn nữa, trong khi niệm mười bộ, hay niệm mười hai bộ, đều chẳng có một vọng tưởng nào, đó là thành tựu. Công phu cạn hay sâu là nói từ chỗ này!

Vì sao tôi không nói tới Phật hiệu? Chúng ta tội nghiệp sâu nặng, Phật hiệu chưa được! Vừa niệm Phật hiệu, vừa dấy vọng tưởng. Do đó, chẳng có cách nào, công phu sâu hay cạn dựa vào Phật hiệu, quả thật nhìn không ra, nhưng niệm kinh sẽ nhìn ra! Khi niệm kinh, hễ có vọng tưởng, liền biết ta niệm sai, hễ sai bèn niệm lại từ đầu. Do đó, công phu cạn hay sâu rất dễ dàng cảm nhận qua việc niệm kinh. Niệm đến mức công phu của chính mình xác thực thành tựu thì ta niệm mười bộ cũng chẳng dấy lên một vọng niệm. Khi đó, chẳng cần niệm kinh mà chuyên niệm Phật hiệu, đó chính là “một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”. Tôi dạy chư vị phương pháp này, quý vị hành theo phương pháp này, trong một đời này, chắc chắn vãng sanh. Chướng ngại kết thành cả khối là vì đâu? Kết thành cả khối vì trong tâm chúng ta vướng mắc quá nhiều chuyện, thị phi, nhân ngã quá nhiều. Quý vị chẳng buông những thứ ấy xuống được, không được rồi! Do đó, tham, sân, si, mạn, thị phi, ta người, thảy đều phải buông xuống.

Đối với chuyện tốt thì chuyện tốt chẳng bằng vô sự, nay chúng ta muốn gì? Muốn vô sự, chớ nên mong chuyện tốt! Đến khi công phu của quý vị thật sự thành tựu, hy vọng quý vị sẽ làm nhiều chuyện tốt. Hiện thời, vì sao chẳng thể làm chuyện tốt? Quý vị chẳng có công phu; hễ làm chuyện tốt sẽ hỏng, sẽ đọa lạc, vì chưa thể đoạn vọng tưởng, chấp trước được! Vì thế, chẳng cần làm chuyện tốt, kẻ khác chê ta là Tiểu Thừa, tiêu cực, cứ mặc cho họ nói. Ta công phu chẳng đủ! Giống như thấy có người ngã xuống nước chết chìm, [người khác thúc giục]: “Ngươi là kẻ chẳng có tâm từ bi, ngươi chẳng nhảy xuống cứu người ấy”. Tôi không biết bơi, nhảy xuống sẽ chết uổng một mạng! Tôi phải ngay lập tức đi học bơi. Người ta nói quý vị là Tiểu Thừa, là kẻ chỉ lo giải thoát riêng mình, [hãy đáp]: “Tôi đang học bản lãnh, hiện thời chẳng có bản lãnh cứu người khác!” Vì thế, chẳng mong mỏi quý vị phải làm chuyện tốt. Chẳng phải là tôi khuyên chư vị tiêu cực, mà do tôi thấy mọi người thiếu bản lãnh ấy. Quý vị chẳng có năng lực làm chuyện tốt, nên tôi nói lời thật cùng quý vị!

Tôi chỉ giới thiệu lời tựa với mọi người đến đây, nay chúng ta sẽ xem nội dung chính nơi trang thứ năm. Quán Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa quyển thượng, chúng ta xem đề mục trong hàng thứ nhất: “Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ Diệu Tông Sao”. “Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh” là tựa đề của kinh này. “Sớ” (疏) có nghĩa là khai thông. Kinh quá sâu, chúng ta là kẻ sơ học không hiểu. Sớ là chú giải, giải thích, khai thông những nghĩa lý, nên gọi là Sớ. Chú giải có rất nhiều danh xưng. Luận là chú giải, mà Sớ cũng là chú giải. Dùng những chữ ấy có gì sai khác? Bồ Tát chú giải kinh, như Đại Trí Độ Luận là chú giải của kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật. Chúng ta thấy Lý Trưởng Giả Lý Thông Huyền chú giải kinh Hoa Nghiêm, đặt tên là Hoa Nghiêm Hợp Luận, dùng chữ Luận, không dùng chữ Sớ, chẳng dùng chữ Sao. Chư vị phải biết, dùng chữ Luận nhằm nói rõ bản chú giải của vị ấy quyết định không sai, chẳng khác gì đức Phật đã nói, người đời sau chẳng thể sửa đổi, ngữ khí vô cùng khẳng định. Bồ Tát đại đức chú giải kinh bèn dùng chữ ấy. Về sau, các vị tổ sư đại đức khiêm hư, chẳng dùng chữ Luận, mà dùng chữ Sớ. “Sớ” là có thể trong đó còn có chỗ chẳng đúng, xin quý vị hãy sửa đổi cho đúng hơn. Luận là chẳng thể sửa đổi, lời tôi chú giải chẳng khác lời Phật giảng, chẳng thể sửa đổi. Vì thế, dùng chữ Sớ hoặc Sao thì khiêm hư hơn. Người hiện thời càng khiêm hư hơn, dùng chữ Giảng Nghĩa (講義), Thiển Thích (淺釋: giải thích nông cạn), những chữ ấy càng khiêm hư hơn, ngay cả những chữ Sớ và Sao đều chẳng dám dùng, càng ngày càng khiêm hư hơn.

Nói thực tại, bộ Sớ này là Luận, nhưng đại sư khiêm hư. Sớ là giải thích kinh, Sao (鈔) nhằm giải thích Sớ, [vì] Sớ vẫn còn rất sâu, kẻ sơ học vẫn chẳng dễ gì hiểu được! Tôn giả Tứ Minh là hậu duệ của tông Thiên Thai, kế tục Trí Giả đại sư. Bộ Sớ này do Trí Giả đại sư soạn, [ngài Tứ Minh] lại tiếp tục giải thích thêm lời Sớ của Trí Giả đại sư, nên gọi là Sao. Sớ Sao là được rồi, vì sao đặt tên là Diệu Tông Sao (妙宗鈔)? Trong phần giải thích dưới đây có giảng, chúng ta hãy xem dòng thứ hai đếm từ dưới lên trong trang này, câu cuối cùng: “Sao danh Diệu Tông giả”, [nghĩa là] tác phẩm Sao này có tựa đề là Diệu Tông Sao. “Nãi thủ Sớ thích kinh đề đại ý” (Do lấy từ đại ý trong phần Sớ giải thích tựa đề kinh). Chữ Diệu Tông ngụ ý dựa theo các ý nghĩa chánh yếu trong phần giải thích tựa đề kinh của Trí Giả đại sư, tức là trong phần Huyền Nghĩa, [chọn lấy] đoạn Huyền Nghĩa giải thích tựa đề kinh thuộc Ngũ Trùng Huyền Nghĩa. Trí Giả đại sư dùng “viên diệu Tam Quán” để giải thích Năng Quán, tức là giải thích chữ Quán trong Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật. Thiên Thai đại sư (Trí Giả đại sư) dùng Không, Giả, Trung Tam Quán để giải thích chữ Quán ấy. Quán xét theo phương diện Năng Quán là Viên Diệu Tam Quán, đức Phật được quán (Sở Quán) là Vô Lượng Thọ Phật, nên Năng Quán (chủ thể thực hiện sự quán tưởng) và Sở Quán (đối tượng được quán tưởng) đều là viên diệu tột bậc. Đối với đối tượng của sự Quán ấy, [tức là đối tượng của sự] Quán trong Năng Quán gồm Tam Quán Không, Giả, Trung, chúng ta lãnh hội chẳng khó; [bởi lẽ] cảnh được quán gồm có [các cảnh tượng được giới thiệu trong] mười sáu phép Quán. Đã là mười sáu phép Quán, vì sao chỉ nói “Quán Vô Lượng Thọ Phật”? Vì sao đức Phật chẳng nói là Nhật Quán (quán mặt trời [sắp lặn]), Thủy Quán (quán nước [đóng băng] giống như đất lưu ly), hoặc Thụ Quán (quán cây báu)? Vì sao Ngài không nói những điều ấy, mà nói [quán] Vô Lượng Thọ Phật? Chư vị phải hiểu: Mười sáu phép Quán lấy Phật làm chủ. Nói Vô Lượng Thọ Phật thì y báo và chánh báo trang nghiêm đều được bao gồm. Ví như chúng ta nói Nhật Quán, Nhật Quán chẳng thể bao gồm Vô Lượng Thọ Phật. Nói Phật sẽ bao gồm hết thảy; nói những thứ khác, chẳng thể bao gồm hết thảy. Phép Quán thứ tám là Quán Thân Tướng, tức là quán Tây Phương Tam Thánh; phép Quán thứ chín là quán Vô Lượng Thọ Phật, nên Ngài chọn phép Quán thứ chín. Điều được quán trong tựa đề kinh chính là phép Quán thứ chín, tức là quán Vô Lượng Thọ Phật.

“Phật ký tổng nhiếp dư thập ngũ cảnh” ([nói tới] Phật đã gồm chung mười lăm cảnh kia), bao gồm toàn bộ mười sáu phép Quán. “Cố tri nhất nhất giai thị viên diệu Tam Đế Tam Quán dã” (Cho nên biết: Mỗi một [phép Quán] đều là Tam Đế, Tam Quán viên diệu), đó là cảnh giới của đối tượng được Quán (Sở Quán). Năng Quán là Trí, Sở Quán là Lý. “Thị kinh ký dĩ diệu quán vi Tông” (Kinh này đã lấy Diệu Quán làm Tông), trong bộ kinh này, Tông (宗) là phương pháp, tông chỉ tu học. [Kinh này] lấy Quán làm phương pháp tu học. “Học giả ưng đương chú trọng Diệu Tông” (Người học hãy nên chú trọng Diệu Tông), hãy đặc biệt chú trọng. Niệm một câu danh hiệu A Di Đà Phật cũng là Quán, [phép Quán này] được xếp thành phép Quán thứ mười sáu. Nếu nói “trong Trì Danh chẳng có Tam Chỉ Tam Quán3”, tức là chẳng phù hợp với giáo nghĩa trong kinh! Rất nhiều người niệm Phật chẳng biết đạo lý này. Không biết, nhưng nếu người ấy có thể thật thà niệm Phật thì cũng chẳng quan trọng, vì sao? Diệu quán ở ngay trong thật thà! Nói thật ra, lũ bình phàm chúng ta chẳng thật thà. Thật thà thì tốt đẹp rồi, ai là người thật thà? Pháp sư Đế Nhàn nói người đồ đệ ấy của Ngài (tức vị tăng không biết chữ xuất thân là thợ vá nồi) mới là người thật thà. Trong ngàn vạn người, khó tìm được một người thật thà! Người thật thà phục tùng lời thầy răn dạy một trăm phần trăm, chẳng hoài nghi. Một câu Phật hiệu thật sự niệm đến mức chẳng hoài nghi, không gián đoạn, không xen tạp, đó là thật thà. Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối niệm Phật hiệu, nhưng lại tưởng Đông, nghĩ Tây, lại nghĩ trước, nhớ sau, thật thà ở chỗ nào? Đó chẳng phải là thật thà! Có thể thấy thật thà đúng là chẳng dễ dàng.

Kế tiếp, phần đảnh cách là nguyên văn [trong lời Sớ], “Thiên Thai Trí Giả đại sư thuyết” (Thiên Thai Trí Giả đại sư nói), “thuyết” “thuyết Sớ”, vì phần Sớ do Trí Giả đại sư soạn. “Tứ Minh Pháp Trí đại sư sao”, Sao là chú giải Sớ, do tôn giả Tứ Minh, tức pháp sư Tri Lễ (知禮) [soạn lời Sao]. Tứ Minh (四明) là danh xưng của một địa phương, tức là núi Thiên Thai ở huyện Tứ Minh, tỉnh Chiết Giang. Hai vị đại sư này, ngài Thiên Thai Trí Giả sống vào cuối đời Tùy đầu đời Đường, Tri Lễ đại sư là người thời Tống, là hậu duệ của ngài Thiên Thai, có rất nhiều cống hiến đối với tông Thiên Thai, có thể nói Ngài là “Thiên Thai trung hưng đại sư”. Ngài trước tác rất nhiều, chúng ta thường tôn xưng Ngài là “tôn giả Tứ Minh”, lời Sao do Ngài viết. Chúng tôi tỉnh lược truyện ký của hai vị này, quý vị có thể tự đọc trong Cao Tăng Truyện. Ở đây, pháp sư Đế Nhàn tỉnh lược tiểu sử của Trí Giả đại sư, viết đại lược tiểu truyện của tôn giả Tứ Minh, chúng ta có thể không cần đọc phần này.

Chúng ta xem phần lời tựa của Ngài trong trang thứ tám, xem phần đảnh cách. “Phù lạc bang chi dữ khổ vực, kim bảo chi dữ nê sa, thai ngục chi vọng hoa trì, cức lâm chi tỷ quỳnh thụ” (Ôi! Lạc bang so với khổ vực, vàng và chất báu sánh với bùn cát, thai ngục trông ngóng ao hoa, rừng gai góc đem so cây quỳnh), bốn câu này so sánh hai thế giới. “Lạc bang” là thế giới Cực Lạc, “khổ vực” (cõi khổ sở) là thế giới Sa Bà của chúng ta. Trước hết, nhìn từ hoàn cảnh sống trong hai thế giới, Tây Phương Cực Lạc thế giới thù thắng hơn cõi này quá nhiều! Tôi chỉ nói đại ý, phần giải thích chư vị tự đọc. Câu thứ hai, “kim bảo chi dữ nê sa” là nói đến hoàn cảnh vật chất. Trong thế giới này, nhìn đâu cũng thấy là bùn, cát, khắp mặt đất là bùn, cát. Tây Phương Cực Lạc thế giới là bảy báu. Kinh dạy: Đất đai trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là lưu ly, lưu ly (琉璃) là vật gì? Người Hoa gọi lưu ly là Phỉ Thúy (翡翠). Phỉ Thúy là một loại ngọc màu xanh, là loại ngọc tốt nhất, trân quý nhất, trong suốt; trong Phật pháp loại ngọc ấy được gọi là “lưu ly”. Đại địa của Tây Phương thế giới do phỉ thúy tạo thành, chẳng phải là bùn, cát. Đất ấy kiên cố, chất đất trong suốt, thấy rõ ràng phía dưới mặt đất. Kinh nói là “hoàng kim vi địa”, vàng ròng lót đường. Chất đất bằng phỉ thúy, là đất lưu ly. Trên mặt đất lưu ly, vàng ròng lót thành đường, giống như trong cõi này dùng nhựa đường và xi-măng để trải đường. [Từ đó] quý vị chỉ biết nơi ấy sản vật phong phú, hai thế giới chẳng thể so sánh! Người trong thế giới này lấy những thứ bảy báu ấy làm thành đồ trang sức, đeo trên thân [cảm thấy] rất đẹp đẽ. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, những thứ báu ấy giống như bùn đất, là vật liệu để lót đường, ai ham những thứ ấy? Quý vị bèn hiểu kết cấu vật chất của hai thế giới chẳng giống nhau.

Nay chúng ta biết: Dưới sự phân tích hóa học, bảy báu và bùn cát như nhau, chẳng khác gì! Phân tích đến cuối cùng đều là nguyên tử, điện tử, nhưng công thức cấu tạo khác nhau! Thật ra, hết thảy vật chất đều do một loại vật chất cơ bản biến hiện. Trong kinh Kim Cang, đức Phật đã giảng về hiện tượng vật lý ấy, các khoa học gia trong thế gian mãi đến gần đây mới phát hiện, nhưng từ ba ngàn năm trước, đức Phật đã giảng rõ ràng. Kinh Kim Cang giảng điều gì? “Nhất hợp tướng”, nay chúng ta gọi “nhất” là vật chất cơ bản. Tất cả hết thảy các nguyên tố đều do một vật chất ấy hòa hợp, kết thành, hiện thời chúng ta nói là do công thức cấu tạo khác nhau mà tạo thành [những loại vật chất khác nhau]. Các công thức ấy được sắp xếp như thế nào? Thưa cùng quý vị, do tâm ý thức biến hiện. “Duy thức sở biến”, thức là gì? Là suy tưởng. Tâm chúng ta nghĩ đến chuyện ác, nó sẽ kết hợp chẳng tốt đẹp, nên kết quả sẽ chẳng tốt đẹp, biến thành bùn, cát. Tâm chúng ta rất thanh tịnh, suy nghĩ những điều thuần thiện, kết cấu của nó liền biến hóa, biến thành đẹp đẽ nhất. Vì thế, thế giới tịnh hay uế, hoàn cảnh nhân sinh thiện hay ác đều do tâm chúng ta biến hiện.

Tâm người hiện thời so với tâm người trong quá khứ, nói thật thà thì xấu xa hơn rất nhiều, chẳng được thuần hậu như người thuở trước. Vì thế, hiện thời toàn cầu bị ô nhiễm nghiêm trọng. Sự ô nhiễm ấy gần như khiến cho nhân loại trên thế giới chẳng có cách nào sống sót, nên nói là “hoàn cảnh ô nhiễm”. Hoàn cảnh ô nhiễm từ đâu tạo thành? Tâm lý ô nhiễm, tinh thần ô nhiễm, đó mới là căn bản! Nếu chúng ta chẳng thể tịnh hóa từ tâm địa, tịnh hóa nơi tinh thần, mà muốn cải thiện sự ô nhiễm nơi hoàn cảnh, sẽ là chuyện chẳng thể nào thực hiện được! Vì sao? Đó là chuyện đằng ngọn. Tâm địa là gốc, phải đổ công dốc sức nơi tâm địa, đó là “trị tận gốc”. Dẫu nỗ lực làm chuyện bên ngoài thế nào đi nữa, đều là “trị đằng ngọn”, chẳng có cách nào thật sự cứu vãn triệt để được! Câu thứ hai là nói về hoàn cảnh vật chất.

Câu thứ ba nói về hoàn cảnh nhân sự. Trong thế giới này, chúng ta là thai sanh, thai, noãn, thấp, hóa, thai sanh bèn có nỗi khổ của thai sanh. Tây Phương Cực Lạc thế giới là liên hoa hóa sanh. “Hoa trì” (華池) ý nói “hóa sanh trong hoa sen nơi ao bảy báu”. Làm sao có thể so sánh cho được? Thai sanh có những nỗi khổ sanh, lão, bệnh, tử; hóa sanh chẳng có. Vãng sanh thế giới Cực Lạc, đức Phật đến đón tiếp chúng ta, liên hoa hóa sanh, thân tướng do hóa sanh hoàn toàn giống như A Di Đà Phật, cũng chẳng thấp hơn A Di Đà Phật chút nào, mà cũng chẳng xấu hơn A Di Đà Phật chút nào, chẳng thể! A Di Đà Phật có vô lượng tướng, mỗi tướng đều có vô lượng hảo, hóa thân của quý vị giống như Phật. Vì vậy, thế giới Tây Phương là thế giới bình đẳng, chuyện này được chép trong kinh Vô Lượng Thọ. Không chỉ là kinh Vô Lượng Thọ, mà trong bốn mươi tám nguyện, A Di Đà Phật đích thân nói ra. Do đó, người trong thế giới Tây Phương diện mạo hoàn toàn giống nhau, vóc dáng cũng giống nhau, màu da cũng như nhau, thọ mạng cũng giống nhau, đều là vô lượng thọ. Chẳng thể nói “hóa sanh trong hoa sen là một đứa bé, dần dần trưởng thành”; nếu vậy thì có gì khác với thế giới này của chúng ta? Chỉ cần có biến hóa thì sẽ còn có sanh tử. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có biến hóa, chẳng có trẻ nhỏ, người lớn, cũng chẳng có già chết! Phật vô lượng thọ, tất cả hết thảy những người vãng sanh cũng đều vô lượng thọ, điều này chẳng thể nghĩ bàn! Trong cõi này, chúng ta luôn biến hóa trong từng sát-na, nên thế gian này nói “vạn pháp vô thường”. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có biến hóa, hết thảy các pháp là chân thường. Hễ có biến hóa, sẽ chẳng thật. Chẳng có biến hóa mới là thật, kinh Vô Lượng Thọ đã giảng điều này hết sức cặn kẽ.

Câu cuối cùng nói đến sự thụ dụng. Cuộc sống trong cõi chúng ta gian nan, giống như ở trong rừng gai góc, cây cối có gai, hết sức khó đi lại. Con người từ lúc sanh ra cho đến khi chết già, con đường ấy rất khổ! [Dùng “rừng gai góc”] để tỷ dụ chuyện này. Tây Phương Cực Lạc thế giới “quỳnh lâm, ngọc thụ” (瓊林玉樹: rừng quỳnh, cây ngọc), hoàn toàn là hưởng thụ, du sơn ngoạn thủy, sự hưởng thụ ấy chẳng thể sánh tầy. Do đó, bốn câu này là trình bày đơn giản về sự khác biệt giữa hai thế giới. Về mặt Sự, chúng ta hiểu rõ: Vì sao bất đồng? Phải nói tới nguyên nhân nào, đoạn kế tiếp sẽ nêu ra. Trên thực tế, chúng tôi vừa mới đề cập cùng chư vị đại lược nguyên nhân ấy.

Chúng ta đọc đoạn văn ấy dòng thứ tư từ dưới đếm lên trong trang thứ chín: “Thành do tâm phân cấu tịnh, kiến lưỡng độ chi thăng trầm, hạnh khai thiện ác, đổ nhị phương chi thô diệu” (Đúng là do tâm chia ra cấu hay tịnh, mà thấy hai cõi thăng trầm; do hạnh phân thành thiện, ác, mà thấy hai phương thô hay diệu). Trong lời Sao, tôn giả Tứ Minh đã giảng: “Báo chi tịnh uế, thật tùng tâm hạnh nhị nhân sở trí” (Quả báo là tịnh hay uế, thật sự do hai cái nhân là tâm và hạnh gây nên). Quả báo trong hai thế giới khác nhau; vì sao khác nhau? Do lòng người trong hai thế giới khác nhau, hành vi cũng khác nhau. Ngài nói ra nguyên do ấy. Tâm là gì? Một đằng là mê, một đằng là ngộ, “liễu” (了) là giác ngộ. Lòng người trong thế giới Sa Bà mê hoặc, điên đảo; tâm người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thông đạt, hiểu rõ hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Trong hành vi [của người trong thế giới Sa Bà] có thiện hay ác, còn hành vi của họ (người trong cõi Cực Lạc) hoàn toàn tương ứng với Chân Như bản tánh. Đó là thuận, là thiện. Hành vi của chúng ta hoàn toàn trái nghịch Chân Như bản tánh, đó là ác. Đây là nói rõ vì sao quả báo trong hai thế giới khác nhau: Vì nhân của họ khác nhau. Bộ kinh này nhằm đặc biệt nói rõ, nhằm nói tường tận nhân quả với chúng ta. Nếu chúng ta muốn cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chư vị đồng tu phải biết: Tâm chúng ta phải tịnh, hạnh của chúng ta phải thiện. Tâm chẳng thanh tịnh, hạnh bất thiện, niệm A Di Đà Phật cũng chẳng có tác dụng! Cổ nhân bảo là “mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, rách toạc cổ họng vẫn uổng công”. Chỉ có thể nói là gieo một chút thiện căn, chẳng thể vãng sanh trong một đời này! Vì thế, người thật sự cầu vãng sanh, phải chú trọng tu trì nơi tâm hạnh. Có cần nghỉ giải lao hay không? Được rồi, chúng ta nghỉ mấy phút.

« Sách này có 1 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vì sao tôi khổ


Gió Bấc


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2


Lược sử Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.97.9.172 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (221 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...