Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Khi tự tin vào chính mình, chúng ta có được bí quyết đầu tiên của sự thành công. (When we believe in ourselves we have the first secret of success. )Norman Vincent Peale
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Phật Điển Phổ Thông - Dẫn vào tuệ giác Phật »» Xem đối chiếu Anh Việt: CHƯƠNG 12. NHỮNG ĐỜI SỐNG GƯƠNG MẪU »»

Phật Điển Phổ Thông - Dẫn vào tuệ giác Phật
»» Xem đối chiếu Anh Việt: CHƯƠNG 12. NHỮNG ĐỜI SỐNG GƯƠNG MẪU

(Lượt xem: 3.412)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  Vietnamese || English || Tải về bảng song ngữ


       

Font chữ:
Font chữ:





CHƯƠNG 12. NHỮNG ĐỜI SỐNG GƯƠNG MẪU

THƯỢNG TỌA BỘ

Các đại đệ tử tỳ-kheo A-la-hán

Th.212 Chư đệ tử tỳ-kheo tối thắng và phẩm tánh của các vị

Danh sách các vị tỳ-kheo tối thắng này cho thấy một bức tranh toàn cảnh tốt về phẩm chất được thấy trong các tăng lữ Phật giáo vào thời đức Phật.660

Này các tỳ-kheo, đệ nhất trong các vị đệ tử tỳ-kheo của Ta về hạ lạp là Aññā-koṇḍañña. Trong các tỳ-kheo đệ tử của ta đệ nhất: trong các tỳ-kheo đại trí là Sāriputta; trong các tỳ-kheo đại thần thông, là Mahā-moggallāna; trong các tỳ-kheo thuyết hạnh đầu-đà, là Mahā-kassapa; trong các tỳ-kheo thiên nhãn, là Anuruddha; trong các tỳ-kheo thuộc gia đình quý tộc, là Bhaddiya Kāḷigodhāputta; trong các tỳ-kheo có âm thanh vi diệu, là Bhaddiya Lakuṇḍaka (người lùn); trong các tỳ-kheo tiếng rống sư tử (pháp vô úy), là Piṇḍola Bhāradvāja; trong các tỳ-kheo thuyết pháp, là Puṇṇa Mantāṇiputta; trong các tỳ- kheo quảng diễn phân biệt nghĩa lý, là Mahākaccāna.

Này các tỳ-kheo, trong các tỳ-kheo đệ tử của Ta: đệ nhất biến hóa ý thành thân, là Cullapanthaka; đệ nhất tâm thắng tiến, là Cullapanthaka; đệ nhất thiện xảo chuyển biến tưởng, là Mahāpanthaka; đệ nhất vô tránh trụ, là Subhūti; đệ nhất ứng cúng dường, là Subhūti; đệ nhất trụ a-lan-nhã (lâm trụ), là Revata Khadiravaniya; đệ nhất tu thiền, là Kaṅkhā-revata; đệ nhất sách cần tinh tấn, là Soṇa Koḷivīsa; đệ nhất thiện xảo ngôn ngữ, là Soṇa Kuṭikaṇṇa; đệ nhất thọ lợi dưỡng, là Sīvali; đệ nhất tín thắng giải, là Vakkalī.



660 Xem Thera and Hellmuth Hecker, Great Disciples of the Buddha, Boston: Wisdom Publications, 1997, pp.1-244, và tìm theo tên tại: http://www.accesstoinsight.org/

Này các tỳ-kheo, trong các tỳ-kheo đệ tử của Ta: đệ nhất hiếu học, là Rāhula (La-hầu-la); đệ nhất tín tâm xuất gia, là Raṭṭhapāla; đệ nhất thọ trù (rút thăm, nhận thẻ Tăng phân chia tỳ-kheo thọ thực theo thí chủ thỉnh thực), là Kuṇḍadhāna; đệ nhất biện tài, là Vaṅgīsa; đệ nhất đoan chánh, là Upasena Vaṅgantaputta; đệ nhất phân phối tọa ngọa cụ, là Dabba Mallaputta; đệ nhất chư thiên ái mộ và xứng ý, là Piḷindavaccha; đệ nhất thắng trí mau lẹ, là Bāhiya Dārucīriya; đệ nhất luận thuyết xảo diệu (minh họa bằng nhiều thí dụ và lý lẽ), là Kumāra-kassapa; đệ nhất chứng đắc vô ngại giải, là Mahākoṭṭhita.

Này các tỳ-kheo, trong các tỳ-kheo đệ tử của ta: đệ nhất đa văn, là Ānanda; đệ nhất cường ký, là Ānanda; đệ nhất mẫn tiệp (nắm bắt vấn đề nhanh chóng), là Ānanda; đệ nhất quyết đoán, là Ānanda; đệ nhất thị giả, là Ānanda; đệ nhất tùy hành đông đảo, là Uruvela-kassapa; đệ nhất khích lệ tín tâm cho các gia đình, là Kāludāyī; đệ nhất không bệnh, là Bakkula; đệ nhất ức niệm quá khứ, là Sobhita; đệ nhất trì luật, là Upāli; đệ nhất giáo giới tỳ-kheo-ni, là Nandaka; đệ nhất thủ hộ căn môn, là Nanda; 661 đệ nhất giáo giới tỳ-kheo, là Mahā- kappina; đệ nhất thiện xảo hỏa giới (bằng định / tam-muội lực), là Sāgata; đệ nhất ứng đối biện tài, là Rādha; đệ nhất trì thô y, là Mogharāja.

Etad–agga-vagga: Aṅguttara-nikāya I.23–25, dịch Anh P.H.

Th.213 Thành tựu của năm trăm tỳ-kheo A-la-hán, đặc biệt Sāriputta

Một thời Thế Tôn trú tại giảng đường Lộc Mẫu Tử, trong vườn đông, Sāvatthi cùng với đại chúng tỳ-kheo năm trăm vị, tất cả đều là A-la-hán.



661 Xem *L.33.

Lúc bấy giờ, nhân ngày trăng tròn bố-tát, Thế Tôn ngồi giữa lộ thiên, xung quanh là chúng tỳ-kheo đoanh vây để hành lễ tự tứ.662

Sau khi nhìn quanh chúng tỳ-kheo im lặng, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo: ‘Này các tỳ-kheo, Ta nay tự tứ với các ông: có việc làm nào của Ta, bởi thân hay ngữ, đáng phiền trách?’ Khi được nói như vậy, Tôn giả Sāriputta từ chỗ ngồi đứng dậy, trật thượng y qua một bên vai, chắp tay lễ Thế Tôn, và bạch: ‘Bạch Đại Đức, chúng con không thấy có việc làm nào của Thế Tôn, bởi thân hay ngữ, đáng phiền trách. Bạch Đại Đức, bởi Thế Tôn là đáng phát khởi con đường chưa từng được phát khởi, chỉ thị con đường chưa được chỉ thị, tuyên thuyết con đường chưa được tuyên thuyết. Thế Tôn là đấng liễu tri đạo, thông suốt đạo, thiện xảo đạo. Các đệ tử của Thế Tôn là những vị hiện tại an trụ tùy hành đạo, về sau sẽ thành tựu đạo. Bạch Đại Đức, con nay cũng tự tứ với Thế Tôn: có việc làm nào của con, bởi thân hay ngữ, mà Thế Tôn phiền trách không?’

‘Này Sāriputta, Ta không thấy có việc làm nào của ông, bởi thân hay ngữ, đáng phiền trách. Này Sāriputta, ông là người thông tuệ, đại tuệ, quảng tuệ (quảng bác), tiệp tuệ (nhạy bén), tốc tuệ (nhanh nhẹn), lợi tuệ (sắc bén), quyết trạch tuệ (thông suốt). Ví như con trưởng của Chuyển luân vương, chơn chánh vận chuyển bánh xe đã được vua cha vận chuyển, cũng vậy, này Sāriputta, ông chơn chánh chuyển vận pháp luân vô thượng đã được Ta chuyển vận.’

‘Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn không có chỉ trích gì con về thân hay ngữ, vậy Thế Tôn có phiền trách gì về thân hay ngữ của năm trăm vị tỳ-kheo không?’ ‘Này Sāriputta, Ta không thấy năm trăm tỳ-kheo này có điều gì bởi thân hay ngữ đáng phiền trách, vì trong năm trăm tỳ-kheo này, sáu mươi tỳ-kheo đã đắc ba minh, sáu mươi tỳ-kheo đắc sáu thắng trí (thần



662 pavāranā: thỉnh cầu người khác chỉ điểm lỗi của mình chứng cứ theo thấy, nghe, và nghi. Buổi lễ đánh dấu kết thúc của kỳ an cư trong ba tháng ‘mưa’ (Vassa).

thông), sáu mươi tỳ-kheo là hành câu phần giải thoát, và các tỳ-kheo còn lại đều là hàng tuệ giải thoát.663

Pavārana Sutta: Saṃyutta-nikāya I.410–414, dịch Anh G.A.S.

Th.214 Thượng túc đệ tử: Sāriputta và Moggallāna

Hai vị này là bạn từ khi còn tại gia và là đệ tử của một trong sáu tôn sư ngoại đạo phái hoài nghi chủ nghĩa trước khi trở thành đệ tử Phật. Trước khi biết Phật, họ giao ước ai trước tiên tìm thấy đường vào bất tử thì phải thuật lại cho người kia (Vinaya I.39).

Hai đệ tử thượng túc của Ta là Sāriputta và Moggallāna.

Vepulla-pabbatam Sutta: Saṃyutta-nikāya II.192, dịch Anh P.H.

Này các tỳ-kheo, một tỳ-kheo có tín tâm, hy cầu chơn chánh, nên hy cầu như vầy: ‘Mong rằng ta sẽ thành như Sāriputta và Moggallāna!’ Ðây là chuẩn mực, là mẫu mực, cho các tỳ- kheo đệ tử của ta, tức là Sāriputta và Moggallāna.

Āyācana-vagga 12, Sutta 1: Aṅguttara-nikāya I.88, dịch Anh P.H.

Hãy thân cận Sāriputta và Moggallāna, này các tỳ-kheo, hãy phục thị Sāriputta và Moggallāna. Các Tì-kheo ấy là những hiền trí, là những người tư trợ các tỳ-kheo phạm hạnh. ‘Này các tỳ-kheo, như một sanh mẫu, là Sāriputta; như một dưỡng mẫu, là Moggallāna. Sāriputta, này các tỳ-kheo, hướng dẫn người khác đến quả Dự lưu; Moggallāna hướng dẫn đến tối thượng nghĩa (quả A-la-hán). Sāriputta, này các tỳ-kheo, có khả năng khai thị, tuyên thuyết, thi thiết, kiến lập, giải minh, phân biệt và hiển phát một cách rộng rãi bốn Thánh đế.

Sacca-vibhaṅga Sūtta: Majjhima-nikāya III.248, dịch Anh P.H.



663 Tất cả những hạng tỳ-kheo này đều là A-la-hán: hạng đầu tiên có túc mạng minh, ký ức về các đời trước, thiên nhãn minh thấy chúng sanh tái sinh theo nghiệp như thế nào, và lậu tận minh dứt sạch phiền não; hạng thứ hai sở đắc sáu thứ thần thông biến hóa; hạng thứ ba, A-la-hán đắc Diệt định; hạng thứ tư, giải thoát do tuệ.

Th.215 Sāriputta

Ở đây chúng ta thấy một số phẩm chất của Sāriputta, còn được gọi là Upatissa. Trong khi cực kỳ thông tuệ và hiền minh, Ngài vẫn có thể dứt mọi tầm tư một khi vào nhị thiền, với định và xả theo cách mà, với kẻ vô tri, Ngài có vẻ như người ngu si, chứ không phải là người khôn ngoan. Chẳng hạn, Ngài nổi bật ở chỗ có thể phân tích xác định các tiến trình thành phần của bất kỳ kinh nghiệm nào.

Chốn núi rừng đáng ưa, phàm phu lại chẳng ưa. Người ly tham ưa thích, bởi chẳng tìm dục lạc.

Khi được người chỉ lỗi, trí giả nói lỗi ta: thân cận hiền trí ấy, như được chỉ kho tàng. Thân cận người như vậy, tốt đẹp, không hề xấu.

Đầu trọc, quấn ca-sa, trưởng lão trí đệ nhất, Ngài Upatissa, tọa thiền một gốc cây.

Nhập tĩnh lự vô tầm, đệ tử Chánh đẳng giác, ngay lúc

ấy đạt đến, im lặng Thánh mặc nhiên.

Như núi đá không động, khéo an trụ vững vàng, tỳ- kheo diệt tận si, như núi không dao động. ...

Tịch tĩnh, và trầm lặng, hòa nhã, không trạo cử, quét sạch các ác pháp, như gió quét lá cây. ...

Đạt trí ba-la-mật, đại trí lực đại tuệ, không ngu giả như ngu, thường du hành, mát mẻ.

Sāriputta’s verses: Theragāthā 992-993, 998-1000, 1006 and 1015, dịch Anh P.H.

Th.216 Mahā-moggallāna

(Mahā-) Moggallāna kể lại rằng vào thời một vị Phật quá khứ, Ngài đã là một Māra tên là Dūsī (Majjhimanikāya I.333), nhưng giờ đây đã được giác ngộ dưới thời đức Phật Gotama.

Sống rừng, hành khất thực, vui tàn thực trong bát, phá tan quân tử thần, nội tâm khéo an tĩnh. …

(Với Ma Vương:) Ai muốn nhuộm bầu trời, màu vàng hay màu khác, với nghĩ tưởng như vậy, chỉ tự gây khốn mình.

Tâm này như hư không, nội tại cực định tĩnh. Ác tâm, chớ đến gần, như chim bay vào lửa. …

Ðược khuyên bởi Thánh giả, vô học tối hậu thân, ta nhấn ngón chân mình, chấn động lầu Lộc Mẫu (để khiến các tỳ-kheo không trang nghiêm và ồn ào yên lặng664). ...

Ánh chớp nhá hang động, khe núi Vebhāra, khe núi Paṇḍava, người trong hang vẫn thiền, ấy con đấng Vô tỷ. …

Chỉ trong một chớp mắt, biết một nghìn thế giới, gồm cả Phạm thiên trụ; bằng thần thông trí chứng, và sanh tử trí lực, tỳ-kheo thấy chư thiên.

Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, bằng trí, giới, tịch tĩnh, vượt sang bờ bên kia, vì vậy thành tối thượng.

Sát-na biến một thân, thành trăm ngàn ức triệu; ta thần thông tự tại, thiện xảo hiện thần biến.

Mahā-moggallāna’s verses: Theragāthā 1146, 1155–56, 1164, 1167 and 1181–1183, dịch Anh P.H.

Th.217 Mahā-kassapa và Ānanda chuẩn bị kết tập Phật ngôn lần thứ nhất

Đoạn này tường thuật thời gian ngay sau khi đức Phật diệt độ. Vị đại đệ tử có ảnh hưởng nhất vẫn còn sống là Mahā- kassapa, tỳ-kheo khổ hạnh, yêu thiên nhiên, đã triệu tập một nhóm các vị A-la-hán trùng tụng những lời dạy của đức Phật nhằm đảm bảo được nhớ kỹ và lưu truyền chính xác (đây thường được gọi là ‘kỳ kết tập đầu tiên’). Tỳ-kheo Ānanda, thị giả cận thân của đức Phật trong nhiều năm (xem *L.65 và

*Th.212), có trí nhớ và kiến thức tuyệt vời về những gì đức Phật đã dạy, nhưng bấy giờ vẫn chưa là A-la-hán, mặc dù đã là một thánh giả đang hành đạo, là một vị Dự lưu. Vào buổi tối trước khi Tăng cử hành kết tập, A-nan đã nỗ lực đặc biệt chứng quả A-la-hán qua suốt đêm thiền định. Ngay thời điểm cảm thấy mệt mỏi muốn nằm nghỉ, nhưng vừa ngả người



664 Saṃyutta-nikāya V.269–70.

xuống, thân chưa chạm chỗ nằm, Tôn giả chứng A-la-hán quả, trong tư thế không phải nằm cũng không phải ngồi. (Mahā-kassapa:) ‘Hãy tập họp ở đây, này chư Trưởng lão, hãy tụng đọc Pháp và Luật trước khi phi Pháp hưng thịnh và Pháp suy tàn, trước khi phi Luật hưng thịnh và Luật suy tàn, trước khi những kẻ thuyết phi Pháp mạnh lên và những người thuyết đúng Pháp yếu đi, trước khi những kẻ thuyết phi Luật mạnh lên và những người thuyết đúng Luật yếu đi.’

‘Vậy, thưa Đại đức, Thương tọa hãy tuyển chọn các tỳ-kheo.’ Rồi tôn giả Mahā-kassapa muốn tuyển chọn năm trăm vị A- la-hán, thiếu một. Các vị tỳ-kheo nói với tôn giả Mahā- kassapa: ‘Đại đức, Trưởng lão Ānanda đây tuy còn là bậc hữu học, nhưng không bị chi phối bởi tham, sân, si, hay kiêng sợ; và Trưởng lão ấy lại thông hiểu nhiều Pháp và Luật từ đức Thế Tôn. Vậy, thưa Đại đức, xin hãy chọn luôn cả Trưởng lão Ānanda.’ Rồi tôn giả Mahā-kassapa chọn luôn cả tôn giả Ānanda…

Sau đó, các tỳ-kheo trưởng lão đến thành Rājagaha để tụng

đọc Pháp và Luật…

Khi ấy tôn giả Ānanda nghĩ rằng: ‘Ngày mai Tăng tập hội. Thật không thích đáng cho ta khi ta khi còn là bậc hữu học mà đi đến tập hội.’ Qua gần hết đêm chánh niệm thân, cho đến khi đêm gần tàn, nghĩ rằng: ‘Ta sẽ nằm xuống’, rồi nghiêng mình, nhưng lúc đầu chưa chạm gối và hai chân mới giở khỏi đất, trong khoảnh khắc ấy Ānanda tâm giải thoát các lậu, không còn chấp thủ. Rồi tôn giả Ānanda đi đến tập hội. Cullavagga XI.1–6: Vinaya II.285–286, dịch Anh P.H

Th.218 Ānanda

Đa văn, thuyết mỹ diệu, thị giả Phật Thế Tôn, đặt gánh nặng, tháo xiềng, Cù-đàm (A-nan) nằm ngủ… Tám vạn hai pháp uẩn, tôi nhận từ đức Phật, hai ngàn từ tỳ-kheo, Pháp hiện tám vạn tư.

Tuổi già mà ít học, cũng già như trâu cày; thịt nó tuy lớn thêm, nhưng tuệ không tăng trưởng.

Học nhiều khinh ít học, nghĩ rằng ta có học, với ta, chẳng khác gì, người mù mang theo đèn.

Trong hai mươi lăm năm, ta thị giả Thế Tôn, thân, ngữ, ý từ ái, như bóng không rời hình.

Khi Phật đi kinh hành, Ta kinh hành theo sau. Khi nghe pháp được thuyết, trí khởi lên trong ta.

Ānanda’s verses: Theragāthā 1021, 1024-1026 and 1041–1044, dịch Anh P.H.

Th.219 A-la-hán lùn có đại thần thông

Đoạn này nêu rõ rằng sự dị dạng thân thể cũng có thể đi đôi với thành tựu tâm linh lớn lao.

Rồi Tôn giả Bhaddiya Lùn đi đến Thế Tôn. Thế Tôn thấy tôn giả từ xa đi đến, liền gọi các tỳ-kheo: ‘Này các tỳ-kheo, các ông có thấy không, tỳ-kheo kia đang đi đến, xấu xí, khó nhìn, còng lưng, bị các tỳ-kheo khinh miệt?’ ‘Thưa có, bạch Thế Tôn.’ ‘Này các tỳ-kheo, tỳ-kheo ấy có đại thần thông và đại uy lực. Thật không dễ tìm thấy một thành tựu gì mà vị tỳ- kheo ấy chưa đạt được…

Ngỗng, cò, công, voi, hươu, lớn nhỏ sợ sư tử. Loài người, kẻ có trí, lớn hơn thân kẻ ngu.

Bhaddi Sutta: Saṃyutta-nikāya II.279, dịch Anh G.A.S.

Các đại đệ tử A-la-hán tỳ-kheo-ni

Ni giới thọ cụ túc (tức bhikkhunī / bhikṣuṇīs) hiện vẫn còn ở Trung Hoa, Đài Loan, Hàn Quốc và Việt Nam, mặc dù ở vùng Tây Tạng, người nữ chỉ có thể thọ giới thấp hơn. Cả hai hình thức thọ giới cho nữ giới đều mất tại các vùng Thượng tọa bộ vào khoảng thế kỷ thứ mười ba, mặc dù người nữ với một hình thức bán xuất gia vẫn tồn tại ở đó. Cuối thế kỷ hai mươi đã chứng kiến những nỗ lực lớn để hồi sinh ni đoàn Thượng tọa bộ trọn vẹn, với sự giúp đỡ của các tỳ-kheo-ni Đông Á. Những năm 1990 chứng kiến ni đoàn tái lập tại Sri Lanka, dù sẽ mất nhiều thời gian trước khi nó được các tỳ- kheo trưởng thượng chấp nhận ở tất cả các quốc gia Thượng tọa bộ, vì có cuộc tranh luận về việc liệu một sự phục hưng như vậy có khả dĩ hay không.



Th.220 Khởi nguyên của Ni chúng

Đoạn này kể lại cách đức Phật lần đầu cho phép người nữ được thọ giới tỳ-kheo-ni, yêu cầu này đến từ bà Mahā- pajāpatī, em gái của mẹ Ngài, người đã nuôi dưỡng Ngài từ khi mẹ Ngài qua đời sau khi sinh Ngài, và bà đã kết hôn với cha Ngài. Có cuộc tranh luận học thuật về ý nghĩa, hàm ý và tính lịch sử của đoạn văn này. Việc thọ giới tỳ-kheo-ni Phật giáo của người nữ đã giúp nâng cao vị thế của người nữ ở Ấn-độ.

Rồi Trưởng lão Ānanda bạch đức Thế Tôn: ‘Bạch Đại Đức, người nữ, nếu xả gia xuất gia trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, có khả năng chứng ngộ quả vị Dự lưu, hoặc chứng ngộ quả vị Nhất lai, hoặc chứng ngộ quả vị Bất hoàn, hoặc chứng ngộ quả vị A-la-hán hay không?’

‘Này Ānanda, người nữ, nếu xả gia xuất gia trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, có khả năng chứng ngộ quả vị Dự lưu, hoặc chứng ngộ quả vị Nhất lai, hoặc chứng ngộ quả vị Bất hoàn, hoặc chứng ngộ quả vị A-la-hán.’

‘Bạch Đại Đức, bởi người nữ có khả năng chứng ngộ như vậy, thiết nghĩ, bạch Ngài, Mahāpajāpatī Gotamī cũng có thể như vậy. Đức Bà đã thi ân rất nhiều cho Thế Tôn, là di mẫu, kế mẫu, bảo mẫu, dưỡng mẫu, nhũ mẫu của Thế Tôn. Khi sanh mẫu của Thế Tôn mạng chung, Đức Bà đã cho đức Thế Tôn bú sữa.

Bạch Đại Đức, hãy để người nữ có thể xả gia xuất gia trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.’

‘Này Ānanda, nếu Mahāpajāpatī Gotamī có thể lãnh thọ tám pháp tôn trọng, thì đó chính là cụ túc giới đối với bà: (1) Tỳ- kheo-ni dù đã thọ cụ túc giới trăm năm cũng phải hành sự kính lễ, đứng dậy, chắp tay, và cung kính đối với tỳ-kheo, dù chỉ mới thọ cụ túc vào ngày hôm ấy. Đây là pháp phải được tôn kính, tôn trọng, phụng hành, tán thán, không được vi phạm cho đến trọn đời. (2) Tỳ-kheo-ni không được an cư ở trú xứ không có tỳ-kheo. Đây là pháp cần được tôn kính, tôn trọng, phụng hành, tán thán, không được vi phạm cho đến

trọn đời. (3) Vào mỗi nửa tháng, Tỳ-kheo-ni phải đến trước tỳ-kheo tăng thỉnh cầu hai pháp: hỏi ngày bố-tát và thỉnh giáo giới. Đây là pháp phải được tôn kính, tôn trọng, phụng hành, tán thán, không được vi phạm cho đến trọn đời. (4) Cuối hạ an cư, tỳ-kheo-ni phải trước hai bộ Tăng hành ba sự tự tứ: thấy, nghe, nghi. Đây là pháp phải được tôn kính, tôn trọng, phụng hành, tán thán, không được vi phạm cho đến trọn đời.

(5) Nếu tỳ-kheo-ni phạm thô tội (taṅghādisesa / tăng tàn), phải hành nửa tháng ma-na-đỏa (mānatta) trước hai bộ Tăng. Đây là pháp phải được tôn kính, tôn trọng, phụng hành, tán thán, không được vi phạm cho đến trọn đời. (6) Nếu thức- xoa-ma-na đã qua hai năm học giới trong sáu học pháp phải đến cầu thọ cụ túc trước hai bộ Tăng. Đây là pháp phải được tôn kính, tôn trọng, phụng hành, tán thán, không được vi phạm cho đến trọn đời. (7) Tỳ-kheo-ni không được mạ lỵ, phỉ báng tỳ-kheo dưới bất kìkỳ hình thức nào. Đây là pháp phải được tôn kính, tôn trọng, phụng hành, tán thán, không được vi phạm cho đến trọn đời. (8) Kể từ hôm nay, tỳ-kheo-ni không được giáo giới tỳ-kheo, nhưng tỳ-kheo được giáo giới tỳ-kheo-ni. Đây là pháp phải được tôn kính, tôn trọng, phụng hành, tán thán, không được vi phạm cho đến trọn đời. Này Ānanda, nếu bà Mahā-Pajāpatī Gotamī thọ nhận tám trọng pháp, hãy xem nó đối với bà như là cụ túc giới.

Sau đó, tôn giả Ānanda… đã đi đến gặp bà Mahā-Pajāpatī Gotamī, và nói như vầy: ‘Thưa bà Gotamī, nếu bà có thể thọ nhận pháp tôn trọng này, được xem là thọ cục túc đối với bà.’ ‘Thưa tôn giả Ānanda, cũng giống như người nữ hoặc người nam còn trẻ, ở tuổi thanh niên, và ưa thích trang điểm, vừa mới gội đầu, và được nhận tràng hoa sen xanh, hoặc tràng hoa nhài, hoặc tràng hoa atimuttaka, nên thọ lãnh bằng hai tay rồi đặt lên ở đỉnh đầu, phần cao quý nhất của thân; thưa tôn giả Ānanda, cũng tương tợ như vậy, tôi thọ nhận tám trọng pháp này cho đến trọn đời không vi phạm.’

Sau đó, tôn giả Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn; sau khi

đảnh lễ đức Thế Tôn, ngồi xuống một bên, tôn giả Ānanda

bạch đức Thế Tôn: ‘Bạch Đại Đức, bà Mahā-Pajāpatī Gotamī đã thọ nhận tám pháp tôn trọng; Di mẫu của Thế Tôn đã được thọ cụ túc.’

Cullavagga X.3–5: Vinaya II.254–255, dịch Anh G.A.S.

Th.221 Chư đệ tử tỳ-kheo-ni ưu việt và phẩm chất

Này các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni có tín tâm, hy cầu chơn chánh, nên hy cầu như vầy: ‘Mong rằng ta sẽ thành như tỳ-kheo-ni Khemā và Uppalavaṇṇā!’ Ðây là chuẩn mực, là mẫu mực, cho các tỳ-kheo-ni đệ tử của Ta, tức là tỳ-kheo-ni Khemā và Uppalavaṇṇā.

Āyācana-vagga 12, sutta 2: Aṅguttara-nikāya I.88, dịch Anh P.H.

Này các tỳ-kheo, trong các tỳ-kheo-ni đệ tử của Ta, đệ nhất hạ lạp là Mahā-pajāpatī Gotamī. Trong các tỳ-kheo-ni đệ tử của Ta: đệ nhất đại trí tuệ, là Khemā; đệ nhất thần thông, là Uppalavaṇṇā; đệ nhất trì Luật, là Paṭācārā; đệ nhất thuyết pháp, là Dhammadinnā; đệ nhất tu thiền, là Nandā; đệ nhất sách cần tinh tấn, là Soṇā; đệ nhất thiên nhãn, là Sakulā; đệ nhất thắng trí (thần thông) mau lẹ, là Bhaddā Kuṇḍalakesā; đệ nhất ức niệm các đời quá khứ, là Bhaddā Kāpilāni; đệ nhất chứng đạt đại thắng trí, là Bhaddā Kaccānā;665đệ nhất trì thô y, là Kisāgotamī; đệ nhất tín thắng giải, là Sigālamātā.

Etad–agga-vagga: Aṅguttara-nikāya I.25, dịch Anh P.H.

Th.222 Khemā

Trong đoạn này, vua Pasenadi muốn viếng thăm một sa-môn hoặc bà-la-môn, nhưng cuối cùng lại được dẫn đến tỳ-kheo- ni Khemā:666

‘Nay tiếng đồn tốt đẹp về vị nữ Thánh giả ấy được truyền đi như vầy: “Ni sư ấy là vị có trí, hiền trí, thông minh, đa văn, khéo nói, lanh lợi.” Ðại vương hãy đến yết kiến ni sư.’



665 Chú giải Aṅguttara-nikāya (I.204–5) xác định bà là vợ cũ của đức Phật khi còn là thái tử.

666 Xem Nyanaponika Thera and Hellmuth Hecker, Great Disciples of the Buddha, Boston: Wisdom Publications, 1997, pp.263–269.

… [Vua đến chỗ ni sư và hỏi, Như Lai sau khi chết tồn tại? không tồn tại? cả hai? không cả hai? nhưng với cả bốn, ni sư đều nói: “Thế Tôn không trả lời (xem *Th.10 và 20).] ‘Vậy, thưa Thánh ni, do nhân gì và duyên gì mà Thế Tôn không trả lời?’

‘Vậy giờ, thưa Đại vương, tôi sẽ hỏi Ngài về một chuyện tương tự. Xin hãy trả lời theo chỗ Ngài thấy… Ngài nghĩ thế nào, thưa Đại vương…, Ngài có người kế toán hay chưởng ấn hay toán số nào có thể đong lường được nước của biển lớn như vầy: “Có rất nhiều đấu nước”, hay… “Có rất nhiều trăm ngàn đấu nước”?’ ‘Không có, thưa Thánh ni. Vì sao? Vì rằng biển lớn thâm sâu, vô lường, khó dò đến đáy.’

‘Cũng vậy, thưa Đại vương, sắc mà qua đó người ta có khái niệm Như Lai; sắc ấy đã bị Như Lai đoạn trừ, cắt đứt rễ, như thân cây ta-la, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Như Lai, thưa đại vương, vượt ngoài ước lượng bằng sắc. Như Lai thâm sâu, vô lường, khó dò đến đáy như biển lớn. [Vì thế bốn câu hỏi trên về Như Lai sau khi chết chẳng thích đáng; cũng vậy, như nói về ‘sắc’, thay bằng thọ, tưởng, hành, và thức. Vua sau đó hỏi Phật những câu hỏi tương tự và cũng được trả lời như vậy, như trong *Th.10.]

Khemā Sutta: Saṃyutta-nikāya IV.374–377, dịch Anh P.H.

Th.223 Uppalavaṇṇā

Uppalavaṇṇā (Liên Hoa Sắc) rất xinh đẹp và được cầu hôn bởi nhiều người trước khi thọ đại giới.

‘Thấy nguy hiểm trong dục, xuất ly mới an ổn, ta đi đến Vương Xá, xuất gia, sống không nhà.

Ta biết các đời trước, thiên nhãn được thanh tịnh; trí biết được tâm người; nhĩ giới được thanh tịnh.

Thần thông ta cũng chứng; ta đã đắc lậu tận: ta chứng sáu thắng trí; lời Phật đã làm xong.

Hóa hiện xe bốn ngựa, bằng năng lực thần thông, ta

đảnh lễ chân Phật, thế giới chủ, quang vinh.’

(Ma Vương: ) ... ‘người đứng ở gốc cây, một mình chẳng bầu bạn; ngươi sợ kẻ xấu chăng?’

‘Dẫu trăm ngàn kẻ xấu, cùng đến đây như ngươi, ta mảy lông chẳng động. Ác ma, ngươi sá gì?’

Uppalavaṇṇā’s verses: Therīgāthā, 226–231, dịch Anh P.H.

Th.224 Một phụ nữ vượt qua đau khổ vì con gái chết, và thànhA-la-hán

Trong những bài kệ này, một tỳ-kheo-ni, giờ đây đã giác ngộ, nhớ lại bà đã đau khổ như thế nào khi con gái chết, nhưng đức Phật đã nói rằng bà đã đau buồn cho rất nhiều con gái trong các đời trước, giúp bà loại bỏ ‘mũi tên’ đau buồn và chuyển sang con đường tu hành.

‘Trong rừng, nàng khóc, “Ơi Jīva”. Này Ubbirī, hãy tự hiểu. Hỏa táng tám vạn tư Jīva: đứa con nào nàng đang khóc than?’

‘Ngài nhổ tên cắm sâu trong tôi, tiếc thương con dần dần được nguôi. Tên đã nhổ, vô dục, tịch tĩnh, con xin quy y Phật, Pháp, Tăng.’

Ubbirī’s verses: Therīgāthā 51–53,dịch Anh G.A.S.

Th.225 Một phụ nữ bị ba người chồng bỏ, thành tỳ-kheo- ni, rồi thành A-la-hán

Những bài kệ vẽ ra hình ảnh về một phụ nữ bị ba người chồng bỏ và sau đó xuất gia thành tỳ-kheo-ni và chứng ngộ. Trong những bài kệ tiếp theo những bài dưới đây, bà nói những khó khăn của mình với những người chồng là từ nghiệp xấu bảy đời trước: khi làm một người đàn ông, ông đã ngoại tình với vợ của một người đàn ông khác. Kết quả của nghiệp này là: tái sinh trong địa ngục, rồi lần lượt thành ba con thú bị thiến – một con khỉ, dê và bê – sau đó thành người nô lệ lưỡng tính, sau đó thành một cô gái nghèo làm vợ lẽ, rồi đời cuối cùng làm một người nữ bị chồng bỏ. Các bài kệ này minh họa cho sự vận hành của nghiệp, sự thay đổi giới tính trong những lần tái sinh, và khả năng vượt ra ngoài những giới hạn nghiệp.

Trong diệu địa, thành hoa, thành Ba-tra-lị (Pāṭaliputta), từ Thích-tộc xuất sanh, hai ni hữu đức.

Một Isidāsī, và hai là Bodhi, có giới, vui thiền tọa, đa văn, trừ phiền não.

Sau khi khất thực về, ăn xong, rửa sạch bát, an tọa nơi vắng vẻ, cùng nói lên lời này:

[Ni Bodhi] ‘Hỡi Isidāsī, trẻ đẹp, chưa suy lão, do thấy nguy hại gì, mà chí nguyện xuất ly?’

Khi được hỏi như vậy, độc cư, khéo thuyết pháp, Isidāsi đáp: ‘Bodhī, hãy lắng nghe, tôi xuất gia như vầy.’

Ujjenī thắng đô, cha tôi giàu, đức hạnh. Ta ái nữ duy nhất, đẹp, khả ý, khả ái.

Sāketa vọng tộc, mai mối đến cầu hôn; trưởng giả, nhiều tài bảo, cha ta hứa gả cho.

Sáng và chiều, tôi đến, đảnh lễ cha, mẹ chồng. Cúi

đầu đảnh lễ chân, như đã được dạy bảo.

Thấy một ai bước vào, dù anh chị em chồng, hay bà con của chồng, tôi run sợ, mời ngồi.

Thức ăn, uống, loại cứng, được cất giữ có chỗ, tôi bưng dọn cho ăn, thích hợp từng người một.

Ta thức dậy đúng thời, đi vòng quanh nhà chồng, rồi chà rửa chân tay, tôi chấp tay lễ chồng.

Cầm lược, hương liệu, thuốc bôi mắt, gương soi, tôi trang điểm cho chồng, hầu hạ như thị tì.

Tôi tự nấu dọn cơm, tự tay rửa chén bát, như mẹ đối với con, tôi hầu chồng như vậy.

Hầu hạ chồng tận tụy, dậy sớm, không biếng nhác, khiêm tốn, và trinh thục, nhưng chồng ác cảm tôi.

Chồng tôi nói mẹ cha: “Xin phép, con sẽ đi. Không thể sống cùng nhà, với Isidāsī.”

“Này con, chớ nói vậy. Vợ con người có trí, thông minh, biết dậy sớm, sao con không hoan hỷ?”

“Nàng không hại gì con, nhưng không sống chung được; con ghét cay, chán ngấy. Xin phép, con sẽ đi”. Nghe lời chồng nói vậy, cha mẹ chồng hỏi tôi: “Làm gì xúc phạm chồng, hãy thẳng thắn nói thật”.

“Con không xúc phạm gì. Không hại, không ác ngữ. Sao chồng ghét bỏ con; con biết làm sao được?”

Thất vọng và khổ não, họ trả ta về nhà: “Muốn bảo vệ con trai, mất Cát tường thiên nữ.”

Cha ta lại gả ta, cho phú hộ thứ hai, bằng lòng nửa số tiền, là tiền gả bán ta.

Ta ở đó một tháng, vị ấy trả lui ta, dù tận tụy như hầu, không lỗi lầm, trinh thục.

Thấy hành khất lang thang, tự răn và răn người: “Bỏ áo rách, ghè bình. Làm rễ ta!”

Chỉ sống được nửa tháng, rồi nói với cha tôi: “Trả tôi áo, ghè, bát, tôi lại đi khất thực.”

Cha, mẹ, cả bà con, đều nói với ông ấy: “Ở đây có chuyện gì? Cứ nói, ta sẽ làm.”

Nghe vậy, ông trả lời: “Tuy tôi được tôn trọng, nhưng không thể chung nhà, với Isidāsī.”

Từ giã, ông ấy đi. Một mình, tôi suy nghĩ: “Ta cầu xin, bỏ đi, hoặc chết hoặc xuất gia.”

Rồi Jinadattā, Thánh ni thông trì Luật, đa văn, trì tịnh giới, khất thực đến nhà cha.…

Dâng no đủ các món, ăn, uống và loại cứng, tôi nói: “Bạch Thánh ni, con xin được xuất gia.”

Cha bảo tôi: “Con yêu, hãy ở đây, cũng có thể tu hành, và cúng dường ẩm thực, sa-môn, bà-la-môn.” Tôi chắp tay lạy cha, vừa khóc vừa thưa rằng: “Ác nghiệp con đã làm (trong đời quá khứ); con muốn dứt sạch nghiệp.”

Cha nói: “Vậy hãy chứng, bồ-đề pháp tối thượng, và chứng đắc Niết-bàn, Lưỡng Túc Tôn đã chứng”.

Tôi đảnh lễ mẹ cha, cùng tất cả bà con, sau bảy ngày xuất gia, tôi chứng được Ba minh.

Isidāsī’s verses: Therīgāthā 400–433, dịch Anh G.A.S.

Các đại đệ tử tại gia

Th.226 Cư sĩ có thể thành A-la-hán?

Đáng chú ý là ngay cả những đệ tử tại gia ưu tú được miêu tả chứng ngộ cao nhất cũng chỉ đến Bất hoàn, và sống độc thân nhưng không xuất gia. Trong khi được nói rằng tại gia cũng có thể chứng đắc A-la-hán quả, nhưng ngay lập tức phải xuất gia.

Những đặc điểm của người tại gia, thưa Đại vương, thật không thích hợp (cho quả A-la-hán). Những đặc điểm này không thích hợp do tính chất yếu kém, do vậy mà vị tại gia khi chứng quả A-la-hán thì, hoặc sẽ tiến tới (xuất gia) hoặc sẽ nhập Niết-bàn viên tịch ngay hôm ấy. Điều này chẳng phải là khuyết điểm của A-la-hán quả, thưa Đại vương, mà là khuyết điểm của đặc điểm tại gia, tức là tính yếu kém. Cũng như, thưa Đại vương, thực phẩm vốn duy trì tuổi thọ và hộ trì sinh mạng của hết thảy chúng sanh, nhưng khi dạ dày yếu, do vậy, sức tiêu hóa yếu kém, và do bởi tiêu hóa kém mà nó tước đoạt sự sống. Điều này, thưa Đại vương, không phải là khuyết điểm của thực phẩm, mà là khuyết điểm của dạ dày, tức là tính yếu kém tiêu hóa của nó.

Milindapañha 265, dịch Anh P.H.

Th.227 Các đệ tử tại gia ưu tú và những phẩm chất Này các tỳ-kheo, một ưu-bà-tắc có tín tâm, hy cầu chơn chánh, nên hy cầu như vầy: ‘Mong rằng ta sẽ thành như gia chủ Citta và Hatthaka Āḷavaka!’ Ðây là chuẩn mực, là mẫu mực, cho các ưu-bà-tắc của ta, tức là gia chủ Citta và Hatthaka Āḷavaka.

Āyācana-vagga 12, sutta 3: Aṅguttara-nikāya I.88, dịch Anh P.H.

Này các tỳ-kheo, trong các đệ tử nam cư sĩ của ta,đệ nhất quy y đầu tiên là các thương nhân Tapussa và Bhallika. Trong các đệ tử nam cư sĩ của ta: đệ nhất bố thí, là gia chủ Sudatta Anāthapiṇḍika; đệ nhất thuyết pháp, là Citta xứ Macchikāsaṇḍa; đệ nhất nhiếp phục một hội chúng bằng bốn nhiếp sự, là Hatthaka xứ Āḷavī; đệ nhất bố thí các món ăn

thượng vị, là Mahānāma người Sakya; đệ nhất bố thí các món đồ khả ý, là gia chủ Ugga xứ Vesālī; đệ nhất hộ trì Tăng-già, là gia chủ Uggata; đệ nhất tịnh tín bất động, là Sūra Ambaṭṭha; đệ nhất được mọi người kính mến, là Jīvaka Komārabhacca; đệ nhất đáng tin tưởng, là gia chủ Nakulapitā.

Etad–agga-vagga: Aṅguttara-nikāya I.26, dịch Anh P.H.

Th.228 Gia chủ Citta667

Citta (Chất-đa), một trong hai đệ tử cư sĩ mà đức Phật khuyên các đệ tử khác noi theo, có một phần của Saṃyutta- nikāya dành riêng cho ông (IV.281–304). Ông được miêu tả thường xuyên có những cuộc thảo luận sâu sắc với các tỳ- kheo, trong đó ông tham vấn về những vấn đề sâu sắc, hoặc được các tỳ-kheo hỏi như vậy. Ông là một vị Bất hoàn (IV.301), mà khi sắp chết, chư thiên khuyến khích ông nên tái sanh làm vị chuyển luân vương trong đời sau, ông nói rằng mình đã vượt ra ngoài những thứ vô thường như vậy, và khuyên chư thiên hãy giữ vững niềm tin nơi Phật, Pháp và Tăng (IV.302–04). Trong đoạn tiếp theo, ông nói chuyện với Nigaṇṭha Nāṭaputta, cũng được biết là Mahāvīra, giáo chủ của Kỳ-na giáo, đồng thời với đức Phật.

Nigaṇṭha Nāṭaputta nói với ông, ‘Này gia chủ, có phải ông tin tưởng sa-môn Gotama khi ông ấy nói rằng, ‘Có một định không tầm không tứ, có định diệt tầm tứ.”?’ (Citta:) ‘Ở đây, thưa tôn giả, tôi không đến với Thế Tôn do bởi tín… .’

Khi điều này được nói, Nigaṇṭha Nāṭaputta nhìn quanh hội chúng của mình và nói, ‘… Ai nghĩ tầm tứ có thể diện, chẳng khác nào nghĩ rằng có thể bắt được gió trong lưới, hay chận đứng dòng nước sông Hằng bằng nắm tay của mình.’

(Citta:) ‘Ngài nghĩ thế nào, thưa tôn giả, cái nào vi diệu hơn: trí hay tín?’ ‘Trí, này gia chủ, vi diệu hơn tín.’ ‘Vậy, thưa tôn giả, trong giới hạn mà tôi mong muốn, tôi ly dục, ly bất thiện



667 Xem Nyanaponika Thera and Hellmuth Hecker, Great Disciples of the Buddha, Boston: Wisdom Publications, 1997, pp.365–372.

pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, có tầm cơ tứ, với hỷ lạc do ly dục sanh. Rồi, trong giới hạn mà tôi mong ước, với sự tĩnh chỉ tầm tứ,... tôi chứng và trú thiền thứ hai… thiền thứ ba… thiền thứ tư. Vì tôi biết và thấy như vậy, thưa tôn giả, tôi cần gì phải có tín nơi người khác, sa-môn hay bà-la-môn, đối với điều được nói rằng có định không tầm tứ, diệt tầm tứ.

Nigaṇṭha Sutta: Saṃyutta-nikāya IV.298, dịch Anh P.H.

Th.229 Hatthaka xứ Āḷavī

Hatthaka (Thủ Trưởng giả), một trong hai đệ tử cư sĩ mà đức Phật khuyên các đệ tử khác noi theo, ‘không bao giờ cảm thấy đủ khi gặp Thế Tôn, nghe thiện Pháp và phục vụ Tăng’, là một vị Bất hoàn, khi tái sinh vào một cõi trời, ông dạy Pháp cho nhiều chư thiên (Aṅguttara-nikāya I 279).

Một thời, Thế Tôn trú ở Āḷavī, tại điện Aggāḷava. Rồi Hatthaka xứ Āḷavī, cùng với năm trăm cư sĩ, đi đến Thế Tôn, đảnh lễ, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói rằng, ‘Hội chúng của ông thật lớn, này Hatthaka. Làm sao ông nhiếp hộ được hội chúng này?’

‘Bạch Thế Tôn, con hành bốn nhiếp sự giúp chung sống hài hòa được Thế Tôn thuyết giảng. Khi con biết rằng, ‘Người này cần phải nhiếp hộ bằng bố thí’, con nhiếp hộ người ấy bằng bố thí. Khi con biết rằng, ‘Người này cần nhiếp hộ bằng ái ngữ’, con nhiếp hộ người ấy bằng ái ngữ. Khi con biết rằng, ‘Người này cần nhiếp hộ bằng lợi hành’, con nhiếp hộ người ấy bằng lợi hành. Khi con biết rằng, ‘Người này nhiếp hộ bằng đồng sự’, con nhiếp hộ người ấy bằng đồng sự. Trong nhà con, bạch Thế Tôn, có tiền của. Nếu nhà con bần cùng, mọi người sẽ không nghĩ nên nghe con.’ ‘Lành thay, lành thay, này Hatthaka, như vậy mà nhiếp hộ đại chúng đông đảo…’

… [Sau khi nghe Phật thuyết pháp, Hatthaka từ giã ra về, không lâu sau đó] Thế Tôn nói với các tỳ-kheo, ‘Này các tỳ- kheo, hãy ghi nhớ, Hatthaka xứ Āḷavī thành tựu được tám pháp vi diệu chưa từng có. Tám pháp ấy là gì? Ông ấy có tín, có giới, có tàm, có quý, đa văn, bố thí, trí tuệ, thiểu dục…’

Hatthaka Sutta: Aṅguttara-nikāya IV.218–220, dịch Anh P.H.

Th.230 Các đệ tử nữ cư sĩ ưu tú và những phẩm chất Này các tỳ-kheo, một nữ cư sĩ có tín tâm, hy cầu chơn chánh, nên hy cầu như vầy: ‘Mong rằng ta sẽ thành như Khujjuttarā và Veḷukaṇṭakī (hay Uttarā) Nandamātā!’ Ðây là chuẩn mực, là khuôn mẫu, cho các đệ tử nữ cư sĩ của Ta, tức là Khujjuttarā và Veḷukaṇṭakī Nandamātā.

Āyācana-vagga 12, Sutta 4: Aṅguttara-nikāya I.88, dịch Anh P.H.

Này các tỳ-kheo, trong các vị đệ tử nữ cư sĩ của ta, đệ nhất quy y đầu tiên là Sujātā, con gái của Senānī. Trong các vị đệ tử nữ cư sĩ của ta, đệ nhất bố thí, là Visākhā Migāramātā; đệ nhất đa văn, là Khujjuttarā; đệ nhất trú tâm từ, là Sāmāvatī; đệ nhất tu thiền, là Uttarā Nandamātā; đệ nhất bố thí các món ăn thượng vị, là Suppavāsā con gái của Koliyan; đệ nhất săn sóc người bệnh, là nữ cư sĩ Suppiyā; đệ nhất tịnh tín bất động, là Kātiyānī; đệ nhất thân thiết khả tín (thân thiết khả tín với chồng là Nakulapitā), là nữ gia chủ Nakulamātā; đệ nhất tịnh tín tùy thấy nghe, là nữ cư sĩ Kāḷī ở Kuraragharika.

Etad–agga-vagga: Aṅguttara-nikāya I.26, dịch Anh P.H.

Th.231 Khujjuttarā và Veḷukaṇṭakī Nandamātā Trong số hai nữ đệ tử được đức Phật ca ngợi này, vị đầu tiên được kể trong chú giải của Itivuttaka là người đã nghe, nhớ, và truyền lại các bài kinh trong 124 trang này, và Milindapañha (pp.78–79) nói cô có thể nhớ một số kiếp trước của mình. Vị thứ hai là một người được Ngài Sāriputta ca ngợi vì là người nói chuyện với chư thiên, một trong số đó tán thán cô bởi việc tụng bài kinh Pārāyana, một phần dài 23 trang của Sutta-nipāta. Cô giữ bình tĩnh khi con trai mình bị bắt lầm, rồi bị hành quyết và khi người chồng đã chết của mình xuất hiện. Cô hoàn toàn chung thủy với chồng mình, ngay cả trong suy nghĩ. Những phẩm chất ‘kỳ diệu hy hữu’ khác của cô là:

Kể từ khi con phát nguyện thành ưu-bà-di, con nhớ chưa từng cố ý vi phạm một học xứ nào… Nếu muốn, con có thể

ly dục, ly bất thiện pháp, con chứng đạt và an trú sơ… nhị… tam… tứ thiền… Với năm hạ phần kết mà đức Thế Tôn đã thuyết, con thấy không có kết nào con chưa đoạn (do vậy, bà là vị Bất hoàn).

Nandamātā Sutta: Aṅguttara-nikāya IV.66–67, dịch Anh P.H.

ĐẠI THỪA

Những đại đệ tử xuất gia

M.165 Ca-diếp ngộ chỉ niêm hoa vi tiếu, thành Sơ tổ Thiền tông

Đoạn dưới đây là một thiền thoại nói đến khởi nguyên của Thiền tông, kể tôn giả Ca-diếp (xem Th.155, 212 và 217) ngộ chỉ giáo pháp vô ngôn của Phật.

Đức Thế Tôn niêm hoa: Một lần, trên đỉnh Linh Thứu, đức Thế Tôn đưa lên một cành hoa trước đại chúng. Mọi người bấy giờ đều im lặng, chỉ có tôn giả Ca-diếp mỉm cười. Đức Thế Tôn bảo: “Ta có pháp môn vi diệu, là kho tàng con mắt Chánh Pháp (Chánh Pháp nhãn tạng), tâm vi diệu Niết-bàn (Niết-bàn diệu tâm), vô tướng của thật tướng (thật tướng vô tướng), không lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo, nay đem giao phó cho Đại Ca-diếp.”

The Gateless Gate / Chan Zong Wumen Guan, Taishō vol.48, text 2005, p.293c12–16, dịch Anh from Chinese by D.S.

M.166 Tôn giả A-nan

Trong đoạn này, đức Phật trao nhiệm vụ lưu truyền kinh Bát- nhã cho tôn giả A-nan — thị giả của Phật, người ghi nhớ hầu như toàn bộ giáo pháp của Phật — và nói rằng kinh này tồn tại ở đời thì cũng giống như đức Phật đang tồn tại.

Đức Thế Tôn bảo tôn giả A-nan: “… A-nan, đây là lời Ta phó chúc cho ông. Trong Bát-nhã-ba-la-mật này, nhất thiết chủng trí sẽ được viên mãn. Ông nghĩ thế nào, A-nan, Như Lai có phải là thầy của ông?” A-nan đáp: “Bạch đức Thế Tôn, Như Lai là thầy của con, bạch đấng Thiện Thệ, Như Lai là thầy của con.”

Rồi đức Thế Tôn bảo tôn giả A-nan: “A-nan, đúng vậy, Như Lai là thầy của ông. Ông đã phụng sự Ta bằng thân, ngữ và ý từ hòa. Vì vậy, A-nan, như ông đã cung kính, tin tưởng, và cúng dường thân Ta trong hiện tại, ông hãy phụng sự Bát- nhã-ba-la-mật này cũng như thế sau khi Ta diệt độ. Lần thứ hai, lần thứ ba, Ta tin tưởng giao phó Bát-nhã-ba-la-mật này cho ông để không bị tuyệt dứt. Không ai thích hợp với việc này hơn ông. A-nan, chừng nào Bát-nhã-ba-la-mật này còn tồn tại ở đời, nên biết chừng đó Như Lai vẫn còn giảng pháp ở đời, chúng sinh vẫn còn có thể thấy Phật, nghe Pháp, và gặp Tăng chúng. Người nào nghe được Bát-nhã-ba-la-mật này mà ghi nhớ, thọ trì, đọc tụng, ghi chép, giảng giải, truyền bá, cung kính, tôn trọng, xưng tán, và dùng các thứ hoa, hương, tràng phan, bảo cái, y phục, đèn, đuốc, linh, bảo cúng dường; nên biết người đó vẫn nhìn thấy Phật, vẫn nghe được Pháp, thường thân cận Phật.”

Sau khi đức Thế Tôn thuyết Bát-nhã-ba-la-mật, Di-lặc cùng với các vị Bồ-tát đại sĩ, tôn giả Tu-bồ-đề, tôn giả Xá-lợi-phất, tôn giả A-nan, Thiên đế Thích, cùng với trời, người, a-tu-la, ca-lầu-la (garuḍa), càn-thát-bà (gandharva) trong thế gian thảy đều hoan hỉ tín thọ.

Aṣṭasahāsrikā Prajñāpāramitā Sūtra, ch.28 dịch Anh from Sanskrit by D.S.

M.167 Huệ Năng, Tổ thứ sáu của Thiền Tông

Đoạn dưới đây kể chuyện Huệ Năng (638-713), một người trẻ xuất thân tầng lớp thấp, đã thành Tổ thứ sáu của Thiền Tông, trong khi hầu hết mọi người trong hội chúng của Ngũ Tổ nghĩ rằng vị đệ tử thượng túc đương nhiên sẽ trở thành người nối pháp. Thực tế, sự liễu ngộ của vị đệ tử thượng túc ấy vẫn chưa đủ sâu khi ông cho rằng tâm cần phải được tịnh hóa. Huệ Năng biểu lộ một tuệ giác sâu hơn khi cho rằng từ bên trong Phật tánh, tâm vốn đã thanh tịnh, chỉ có điều những tư duy hạn hẹp đã che phủ tâm ấy. Sau khi ông trình bày điều này trong một bài kệ, Ngũ Tổ đã truyền tâm ấn cho ông trở thành người nối pháp, đồng thời khuyên ông nên rời

khỏi chúng để tránh sự phương hại có thể có từ những kẻ hẹp hòi ủng hộ vị đệ tử thượng túc.

Đại sư (Huệ Năng) bảo đại chúng, ‘Thiện tri thức, tự tánh của bồ-đề xưa nay vốn thanh tịnh, chỉ cần sử dụng tâm này, liễu ngộ trực tiếp để thành Phật. Thiện tri thức, hãy để tôi kể duyên do hành trạng của Huệ Năng và ý nghĩa sự tình đắc pháp.

Cha tôi quê ở Phạm Dương, bị giáng làm thường dân lưu lạc ở Tân Châu, thuộc Lĩnh Nam. Huệ Năng bất hạnh, cha chết sớm để lại mẹ già góa bụa, dời đến Nam Hải, vì nghèo khó nên bán củi ở chợ. Một hôm, có người mua củi rồi nhờ mang đến quán trọ. Tôi vui mừng vì nhận được tiền. Lúc đi ra, thấy một vị khách đang tụng kinh, tôi vừa mới nghe qua lời kinh, tâm liền khai ngộ, bèn hỏi vị ấy tụng kinh gì. Khách trả lời là kinh Kim Cang.668 Khi đó tôi hỏi thêm vị ấy từ đâu đến và vị ấy học kinh này từ đâu.

Khách đáp: ‘Tôi đến từ chùa Đông Thiền, huyện Hoàng Mai, Kỳ Châu. Chùa ấy là nơi Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đang trụ trì và giáo hóa, đệ tử có hơn ngàn người. Tôi đến đó lễ bái, nghe được kinh này. Đại sư vẫn thường khuyên hai giới tăng tục rằng chỉ cần trì kinh Kim Cang này thì sẽ tự kiến tánh mà thành Phật lập tức.’

[Anh dịch lược] Tôi quyết định đi đến Hoàng Mai để tham lễ Ngũ tổ. Tôi đã đảm bảo rằng mẹ già có đủ quần áo, thực phẩm và nơi để ở. Khi đó tôi từ biệt mẹ, trải qua ba mươi ngày thì đến được Hoàng Mai, lễ bái Ngũ tổ.

Tổ hỏi tôi rằng, ‘Ông là người phương nào? Muốn cầu cái gì?’ Tôi trả lời: ‘Đệ tử là người Tân Châu thuộc Lĩnh Nam, từ xa đến lễ thầy, chỉ cầu làm Phật, không cầu gì khác.’

Tổ nói, ‘Ông là người Lĩnh Nam, là người thô lỗ, làm sao có thể làm Phật?’ Tôi đáp, ‘Người tuy có phân chia Nam Bắc nhưng Phật tánh vốn không có Nam Bắc, thân mán mọi này



668 Kinh Kim Cang (Vajracchedikā Prajñāpāramitā Sūtra): xem M.4, 9, 20, 44, 48, 103.

với thân Hòa Thượng tuy khác nhau nhưng Phật tánh thì có chỗ nào khác biệt?’

Ngũ tổ còn muốn nói thêm nữa nhưng thấy các đệ tử đang đứng vây quanh bèn bảo tôi theo mọi người làm việc. Tôi thưa, ‘Huệ Năng này kính khải bạch Hòa Thượng, tâm của đệ tử vốn vẫn thường sinh trí tuệ, không xa lìa tự tánh chính là phước điền. Không rõ Hòa Thượng dạy con làm việc gì?’

Tổ đáp, ‘Kẻ mán mọi này căn tánh thật là lanh lợi! Đừng nói nữa, đi giã gạo đi.’ Tôi lui đến hậu viện, có một hành giả dẫn tôi đến nhà giã gạo, nơi tôi đã trải qua hơn tám tháng làm việc.

Một hôm chợt Tổ bảo tôi rằng, ‘Ta nghĩ cái thấy của ông có thể hữu ích cho người khác, nhưng sợ người xấu hãm hại ông nên không nói với ông. Ông biết không.’ Tôi trả lời, ‘Đệ tử cũng hiểu được ý của thầy, cho nên không dám đến trước thiền đường, không để người khác chú ý.’

Một hôm, Tổ gọi tất cả môn nhân tập họp lại hết, “Ta nói cho các ông biết, người đời, sinh tử là việc lớn. Các ông suốt ngày chỉ biết cầu phước điền, không cầu thoát khỏi biển khổ sinh tử. Tự tánh nếu mê, phước điền nào cứu nổi? Các ông hãy lui về, tự xem xét trí tuệ, dùng cái tánh bát-nhã của bổn tâm, mỗi người hãy làm một bài kệ rồi đến trình cho ta. Nếu ai ngộ được nghĩa sâu xa của Pháp, ta sẽ truyền cho y pháp để làm tổ đời thứ sáu. Hãy nhanh chân hỏa tốc, không được trì trệ, còn phải suy nghĩ đắn đo thì không dùng được. Người nào thấy tánh thì khi nghe ta vừa nói xong liền thấy. Nếu được như vậy, dù múa đao xông trận, cũng thấy được [tánh] vậy.’

Đại chúng được xử phân, bèn rút lui và nói với nhau, “Chúng ta không cần phải nhọc lòng suy nghĩ làm kệ trình Hòa Thượng, bởi vì điều đó chẳng ích lợi gì! Thượng tọa Thần Tú, hiện nay là thầy giáo thọ của chúng ta, tất nhiên ông ấy được rồi. Chúng ta có cố làm kệ, cũng chỉ uổng phí hơi sức.” Những người khác nghe lời nói ấy đều yên tâm, nói, “Chúng ta sau này y chỉ thầy Thần Tú, cần gì phải làm kệ!”

Thần Tú lúc đó suy nghĩ, “Mọi người không trình kệ, đó là vì ta là giáo thọ sư của họ. Ta cần phải làm kệ để trình Hòa Thượng, nếu không trình, làm sao Hòa Thượng biết được kiến giải sâu hay cạn ở trong lòng ta. Nếu ta trình kệ, ý muốn cầu pháp thì điều đó là tốt, còn với ý cầu làm tổ tức là xấu, cũng giống với tâm của kẻ phàm phu, có khác gì cướp đoạt thánh vị! Mặt khác, nếu không trình kệ, ta sẽ không được pháp. Thật là khó, thật là khó!’

Trước phòng của Ngũ tổ có ba gian hành lang, Tổ dự định mời quan cung phụng là Lô Trân đến vẽ bức họa biến tướng Lăng-già669 và Ngũ tổ huyết mạch đồ để làm lợi ích cho đời sau. Thần Tú làm kệ xong, mấy lần muốn trình, nhưng mỗi lần đi đến trước phòng thì trong lòng hốt hoảng, toàn thân đẫm mồ hôi, ý định trình kệ vẫn không thành. Trải qua bốn ngày, cả thảy mười ba lần mà vẫn chưa trình được. Thần Tú nghĩ thầm, “Chi bằng viết lên hành lang, Hòa Thượng sẽ nhìn thấy, nếu Ngài ấy bảo rằng đạt thì khi đó ta sẽ lễ bái và nhận là ta làm; còn nếu như Ngài ấy bảo rằng không đạt, thì thật đúng là uổng phí mấy năm trời ở trong núi thọ nhận sự lễ bái của người khác, còn tu đạo nỗi gì!”

Canh ba đêm đó, chẳng cho ai hay, Thần Tú tự mình cầm đèn đến viết kệ lên tường hành lang phía nam, trình chỗ thấy của mình. Kệ như sau:

Thân là cây bồ-đề, tâm như đài gương sáng, luôn siêng năng lau chùi, chớ để bụi trần bám.

Thần Tú viết kệ xong liền quay về phòng mình, chẳng ai hay biết. Thần Tú lại suy nghĩ, “Nếu ngày mai Ngũ Tổ nhìn thấy kệ mà hoan hỉ, thế có nghĩa là ta có thể thuyết pháp cho kẻ khác; còn như nói rằng không được, đó là do ta còn mê mờ, túc nghiệp nặng nề, không thích hợp để đắc pháp. Thánh ý thật khó đo lường.” Ở trong phòng, Thần Tú mải suy nghĩ, đứng ngồi không yên.



669 Một bản kinh nhấn mạnh về Phật tánh và cách thức mà qua đó thế giới kinh nghiệm được định hình bởi tâm, xem *M.142.

Khi trời sáng, Tổ đã biết Thần Tú chưa vào được cửa pháp, chưa thấy tự tánh. Vào lúc bình minh, Tổ gọi vị cung phụng Lô Trân, “Ta đã bảo ông vẽ những bức tranh ở hành lang phía nam bên ngoài giảng đường. Tuy nhiên bây giờ, ta nhìn thấy bài kệ viết ở đó. Nó nên lưu lại ở đó, cho nên không cần ông phải vẽ nữa. Ta xin lỗi đã phiền ông đi xa uổng công. Trong kinh Kim Cang dạy rằng, ‘Phàm những gì có tướng, đều là hư vọng.’ Thôi, cứ giữ lại bài kệ để mọi người đọc tụng. Nương theo bài kệ này mà tu hành, có thể tránh xa khỏi ác đạo, được lợi ích lớn.” Nói rồi bèn sai các đệ tử đốt hương kính lễ, bảo mọi người siêng năng tụng bài kệ này sẽ được kiến tánh. Các đệ tử tụng bài kệ ấy, đều khen là tuyệt vời.

Vào canh ba, Tổ gọi Thần Tú vào phòng hỏi, “Kệ đó là do ông làm đúng không?” Thần Tú đáp, “Đúng là con làm, nhưng con không dám quấy quá mong cầu y áo truyền thừa địa vị tổ sư, chỉ xin Hòa Thượng từ bi, xem đệ tử có chút ít trí tuệ nào không?”

Tổ dạy, “Ông làm kệ đó, chưa thấy được bổn tánh, chỉ mới đến ngoài cửa, chưa vào bên trong cửa. Theo như kiến giải này, cầu vô thượng bồ-đề thì không thể được. Muốn cầu vô thượng bồ-đề, phải ngay nơi lời nói mà nhận thức được bổn tâm của mình, thấy được bổn tánh vốn không sinh không diệt; bất cứ lúc nào, trong từng sát-na, phải tự mình thấy vạn pháp không chướng ngại. Một khi thấy được cái Chân Như thì tất cả đều là Chân Như, vạn vật vốn là như vậy. Cái tâm như như chính là cái chân thật. Nếu thấy được như thế, chính là thấy tự tánh của vô thượng bồ-đề. Ông nên lui ra, suy nghĩ một hai ngày rồi làm một bài kệ khác đem trình ta xem. Nếu kệ của ông cho thấy là đã vào được cửa, ta sẽ trao y pháp cho.’ Thần Tú đảnh lễ rồi lui ra. Trải qua mấy ngày, Thần Tú vẫn không làm được kệ mới, trong lòng hốt hoảng, tâm trí bất an, đi hay ngồi đều không an lạc.

Sau đó hai ngày, có một đồng tử đi qua phòng giã gạo, đọc to bài kệ đó. Vừa nghe qua, tôi liền biết bài kệ này chưa thấy được bổn tánh. Tuy chưa được chỉ dạy, nhưng tôi đã sớm biết được đại ý, bèn hỏi đồng tử rằng, “Đang tụng kệ gì vậy?” Vị

ấy đáp, “Cái ông mán mọi này không biết sao? Đại Sư dạy rằng, người đời, sinh tử là việc lớn, nay Ngài ấy muốn truyền y pháp nên bảo các đệ tử làm kệ cho Ngài xem, nếu ai ngộ được đại ý thì truyền cho y pháp để làm Tổ thứ sáu. Thượng tọa Thần Tú đã viết kệ viết lên tường hành lang phía nam, Đại Sư bảo mọi người đều tụng, còn nói rằng nương theo bài kệ này mà tu hành, có thể tránh xa khỏi ác đạo, được lợi ích lớn.”

Tôi nói, “Tôi cũng thích tụng bài kệ này, mong rằng tôi đủ túc duyên để tái sanh cảnh tốt. Tôi đã giã gạo ở đây tám tháng và chưa từng đến giảng đường. Xin thượng nhân vui lòng dẫn tôi đến bài kệ này để cho tôi kính lễ được không?” Đồng tử dẫn tôi đến nơi bài kệ được viết. Tôi nói rằng,“Tôi không biết chữ, thượng nhân vui lòng đọc lên giúp tôi được không?” Lúc ấy, vừa hay quan biệt giá Giang Châu Trương Nhật Dụng đang ở đó, ông ấy liền đọc to bài kệ. Tôi nghe rồi liền nói, “Tôi cũng có một bài kệ, xin Ngài biệt giá viết giúp tôi.” Quan biệt giá trả lời, “Ông cũng làm kệ sao? Việc này thật là hi hữu!”

Tôi nói với quan biệt giá rằng, “Muốn học vô thượng bồ-đề, chớ coi thường kẻ mới học. Biết đâu người hạ hạ nhưng có trí thượng thượng, người thượng thượng lại có lúc không có trí tuệ. Nếu coi thường người khác thì sẽ có vô lượng vô biên tội.”

Quan biệt giá nói, “Vậy ông đọc kệ đi, tôi sẽ viết giúp cho. Nếu ông đắc pháp, trước tiên hãy độ cho tôi, đừng quên lời đó.”

Tôi đọc kệ rằng:

Bồ-đề vốn không cây, gương sáng cũng không đài, xưa nay chẳng một vật, lấy đâu bám bụi trần!

Khi vị ấy viết bài kệ này xong, các đệ tử đều kinh ngạc, không ai không khen ngợi và nói với nhau rằng, “Thật là kìkỳ lạ, đúng là không thể lấy diện mạo mà đoán người. Đến đây chưa lâu mà ông ấy đã trở thành một vị Bồ-tát sống rồi!”

Tổ thấy mọi người kinh ngạc quái lạ, sợ họ làm hại tôi, bèn lấy giấy chùi bài kệ đi, rồi nói, “Người này cũng chưa thấy tánh.” Mọi người nghĩ là đúng như vậy.

Hôm sau, Tổ âm thầm đi đến phòng giã gạo, thấy tôi đang đeo đá giã gạo, bèn nói, “Người cầu đạo, vì pháp quên mình, ông có phải là người như vậy chăng?” Lại hỏi, “Gạo trắng chưa?” Tôi đáp, “Gạo trắng đã lâu, chỉ cần giần sàng thôi!” Tổ lấy gậy gõ vào chày giã gạo ba cái rồi đi. Tôi liền hiểu được ý của Tổ, canh ba vào phòng của Ngài.

Tổ lấy áo ca-sa che xung quanh để người khác không thấy rồi giảng kinh Kim Cang cho tôi. Vừa nghe đến câu kinh “Nên không sở trụ mà sanh tâm ấy”, tôi liền đại ngộ, thấy được tất cả vạn pháp không rời xa tự tánh.

Tôi liền thưa sở chứng của mình với Tổ rằng, “Tự tánh của một người vốn là thanh tịnh, tự tánh của một người vốn không sinh diệt, tự tánh của một người vốn là đầy đủ, tự tánh của một người vốn không lay động, tự tánh của một người có thể sinh ra vạn pháp!”

Tổ biết là đã ngộ tự tánh nên bảo Huệ Năng rằng, “Không biết bổn tâm thì học pháp vô ích. Nếu biết được bổn tâm mình, thấy được bổn tánh mình thì được gọi là bậc trượng phu, thầy của trời người, Phật.”

Tôi nhận được pháp vào lúc nửa đêm, mọi người không ai hay biết.

Ngũ Tổ truyền pháp đốn giáo và y bát xong liền bảo, “Nay ông là Tổ đời thứ sáu, phải biết khéo giữ gìn bản thân, độ khắp các loài hữu tình, lưu truyền rộng rãi cho đời sau, chớ để đoạn tuyệt. Hãy nghe ta nói kệ đây:

Hữu tình đến gieo giống, nhờ đất, quả sinh ra. Vô tình, cũng không giống, không tánh, cũng không sinh.’

Tổ lại dạy, “Xưa kia Tổ sư Đạt-ma670 mới đến xứ này, người đời chưa tin tưởng, cho nên truyền lại y này để làm tín vật, từ đó truyền từ đời này qua đời khác. Tuy nhiên, Chánh pháp thì



670 Vị Tổ sư đã mang Thiền tông đến Trung Hoa.

phải lấy tâm truyền tâm, khiến cho tất cả đều được tự mình giải ngộ. Từ xưa, Phật và Phật chỉ truyền cho nhau bổn thể, Sư và Sư cũng bí mật trao nhau bổn tâm. Y là đầu mối của tranh chấp, vì thế hãy dừng ở ông, đừng có truyền tiếp nữa. Nếu truyền y này nữa, tính mạng sẽ gặp nguy hiểm. Ông nên đi mau, sợ rằng có người muốn hại ông.”

Huệ Năng hỏi, “Con nên đi đâu?”

Tổ đáp, “Gặp ‘Hoài’ thì dừng, gặp ‘Hội’ thì ẩn.”

Tôi nửa đêm nhận được y bát, thưa, “Con vốn là người phương Nam, chẳng biết đường sá chốn này, làm sao đến được cửa sông?” Ngũ tổ bảo, “Ông chớ lo lắng, ta sẽ tiễn ông.” Tổ đưa thẳng đến bến Cửu giang. Lên thuyền, Tổ cầm mái chèo tự chèo. Tôi thưa, “Mời Hòa Thượng ngồi để đệ tử chèo.” Tổ bảo, “Ta độ (đưa đò) ông mới phải.”

Tôi thưa, “Khi mê thì thầy độ, ngộ rồi thì tự độ; chữ “độ” tuy là một, nhưng cách dùng khác nhau.671 Con sinh ra ở nơi hẻo lánh, giọng nói không chuẩn xác. Nhờ thầy truyền pháp cho, giờ đây đã được giác ngộ, chỉ xin tự độ đúng theo tự tánh.” Tổ bảo, “Đúng vậy, đúng vậy. Sau này Phật pháp nhờ ông mà lưu hành rộng rãi. Ông đi ba năm, ta mới từ giã cõi đời. Bây giờ ông cứ đi cho nhanh, cố gắng theo hướng Nam, không nên nói Pháp vội, Phật pháp khó mà an lập.”

Tôi từ biệt Tổ rồi đi về phương Nam.

The Platform Sūtra / Liuzi-tan jing, Taishō vol.48, text 2008, pp.347c28–349b14, dịch Anh from Chinese by D.S.

Những đại đệ tử tại gia

M.168 Bồ-tát tại gia Duy-ma-cật

Đoạn kinh dưới đây nói về một vị Bồ-tát cư sĩ nổi tiếng (như ví dụ ở trong *M.10, 113, 127, 136, 141), người được miêu tả là có trí tuệ hơn cả những vị đại tỳ-kheo. Ông sống một cuộc đời không chấp trước để giáo hóa tất cả (kể cả khuyến khích người khác xuất gia). Tương đương với vị nam đại cư sĩ này



671 Đi qua ‘phía bên kia’ hoặc ‘bờ bên kia’ là một biểu tượng kinh điển của Phật giáo về việc đạt được giác ngộ.

là vị nữ đại cư sĩ điển hình phu nhân Thắng Man, như trong

đoạn *M.33.

Lúc bấy giờ, trong thành Tì-xá-li (Vaiśālī) có một vị trưởng giả thuộc gia tộc Li-xa (Licchavi) tên Duy-ma-cật (Vimalakīrti). Người đó đã gieo trồng thiện căn, cúng dường, phụng sự vô số đức Phật trong quá khứ, chứng đắc pháp nhẫn, thành tựu đại trí tuệ, du hí bằng đại thần thông, thành thạo các đà-la-ni,672 đạt được vô úy, hàng phục ma oán, vào được cửa Pháp thâm sâu, biểu lộ trí tuệ ba-la-mật, khéo léo trong phương tiện, thành tựu biện tài, biết rõ tâm tính và hành vi của chúng sinh, thấy rõ các loại căn tánh lợi độn của chúng sinh và tùy theo đó mà dạy Pháp thích hợp, kiên định và nỗ lực trong mọi hành vi, thâm nhập và thành thục Đại thừa, trụ trong oai nghi như chư Phật, đi vào trí tuệ sâu như đại dương, được chư Phật khen ngợi, được hết thảy Thiên đế Thích, Phạm thiên và các vị Hộ thế cung kính. Vì muốn khiến cho chúng sinh được thành thục nên ông ấy, dùng phương tiện thiện xảo, sống trong thành Tì-xá-li.

Bằng vào sự giàu có vô tận, ông che chở những kẻ nghèo khó không ai giúp đỡ. Bằng vào sự giữ giới thanh tịnh, ông che chở những kẻ không giới hạnh. Bằng vào nhẫn và tự điều phục, ông che chở những kẻ mang lòng tà ác, tàn độc, tổn hại và giận dữ. Bằng vào sự nỗ lực siêng năng, ông che chở những kẻ biếng nhác. Bằng sự an trụ trong thiền, niệm, định, ông che chở những kẻ có tâm tán loạn. Bằng vào trí tuệ quyết đoán, ông che chở những kẻ có tri kiến sai lầm.

Tuy là một người mang áo trắng673 nhưng ông có đầy đủ oai nghi thanh tịnh của bậc sa-môn. Tuy là một người tại gia nhưng ông không đắm trước dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Tuy thị hiện có vợ con nhưng ông thường thực hành phạm hạnh. Tuy có nhiều kẻ tùy tùng vây quanh nhưng ông thường giữ lối sống ẩn dật. Tuy thị hiện mang các thứ trang sức nhưng ông luôn hiện tướng của Phật. Tuy thị hiện có ăn uống

672 Thường được dịch là ‘mật ngôn’, tương tự như thần chú (mantra).

673 Nghĩa là người tại gia.

nuôi sinh mạng nhưng ông lấy thiền làm thức ăn. Tuy xuất hiện ở những chốn cờ bạc nhưng ông không mê say mà chỉ vì khai ngộ những kẻ mê say cờ bạc vui chơi. Tuy tiếp nhận hết thảy các học thuyết ngoại đạo nhưng ông giữ tâm kiên định với đức Phật. Tuy thông hiểu hết thảy kinh sách thế gian và xuất thế gian nhưng ông luôn lấy Pháp làm niềm vui. Tuy xuất hiện trong mọi hội chúng nhưng ở đâu ông cũng nhận được sự kính trọng bậc nhất.

Tùy thuận thế gian, ông làm bạn với những người già, trẻ, trung niên nhưng vẫn nói năng như Pháp. Tuy tham gia tất cả các việc kinh doanh nhưng ông không tham cầu lợi tức hay sự giàu có. Vì để giáo hóa tất cả chúng sinh nên ông xuất hiện khắp mọi góc phố nẻo đường. Vì để bảo hộ chúng sinh nên ông tham gia các việc triều chính. Vì để khuyến hóa mọi người thoát khỏi sự chấp chặt Tiểu thừa674 đến với Đại thừa nên ông đi vào mọi chỗ dạy và nghe pháp. Vì để thành thục các trẻ nhỏ nên ông tiếp cận các học đường. Vì để hiển bày tai hại của ái dục nên ông vào tất cả mọi kỹ viện. Vì để thiết lập chánh niệm, chánh trí cho mọi người nên ông đi vào tất cả các tửu phường. Ở giữa những vị trưởng thượng, vì nói pháp tối thượng nên ông được tôn kính như một vị trưởng thượng. Ở giữa những vị gia chủ, vì đoạn trừ hết mọi chấp thủ nên ông được tôn kính như một vị gia chủ. Ở giữa những vị sát-đế-lợi, vì kiến lập nhẫn nhục, ôn hòa và sức mạnh nên ông được tôn kính như một vị sát-đế-lợi.…

Trưởng giả Duy-ma-cật của gia tộc Li-xa, người có đầy đủ vô lượng phương tiện thiện xảo, trí tuệ, đã sống như vậy trong đại thành Tì-xá-li.

Vimalakīrti-nirdeśa Sūtra, ch.2, sections 1–6, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

674 Tiểu thừa (Hīnayāna): người hướng tới mục đích tự giác (cứu độ cho bản thân).

KIM CANG THỪA

Đại thành tựu giả

Sáu đoạn dưới đây chủ yếu trích từ ‘Truyện 84 Đại thành tựưu’ (Lives of the Eighty-four Mahāsiddhas), một bộ truyện tích minh họa cho pháp hành Phật giáo Kim cang thừa. Tám mươi bốn ‘đại thành tựu tiên’ này sống tại Ấn-độ giữa thế kỷ thứ tám và mười hai. Sống cuộc đời vượt ngoài khuôn sáo. Họ là những người đặc biệt, nam và nữ, đã đạt được những thành tựu (siddhi) về cả thần thông và giác ngộ xuất thế mà bất chấp những khuôn sáo người đời và thâm nhập tinh túy của thực tại. Mỗi vị trong số họ đạt được những thành tựu của mình theo những cách riêng biệt, chuyển hóa đời sống cá nhân của mình thành con đường dẫn đến giác ngộ. Truyện cuối cùng nói về Tsongkhapa (1357-1419), tổ sư phái Gelukpa của Phật giáo Tây Tạng.

V.86 Truyện Thượng sư Lūyipa

Vị Đại Thành Tựu Giả này được biết tới bởi đã vượt qua lòng kiêu hãnh về gia thế quý tộc của mình.

Lūyipa (Lô-y-ba) có tên này bởi Ngài ăn lòng cá. Chuyện kể rằng: Có một quốc vương xứ Sri Lanka, quyền uy sánh ngang Bắc châu Tài chủ Tỳ-sa-môn (Vaiśravaṇa) thiên vương. Vương cung của ông được trang nghiêm khắp nơi bằng các thứ châu báu, trân châu, vàng, bạc, và các thứ trân bảo. Ông có ba người con trai. Khi ông băng hà không lâu, người ta hỏi các chiêm tinh gia rằng ai trong các vị vương tử sẽ kế thừa vương vị. Họ tính toán và nói rằng: ‘Nếu vương tử thứ hai lên ngôi, vương quốc sẽ hùng mạnh, bá tánh sẽ an vui, và sẽ có nhiều lợi lạc khác.’ Do vậy, vương quyền của vua cha được trao cho vương tử thứ hai. Anh và em của Ngài cùng thần thuộc đều tôn Ngài lên ngôi, nhưng Ngài lại không

muốn làm vua675 mà hòng trốn đi. Hai vị vương tử kia và thần dân bắt Ngài và trói Ngài bằng dây xích vàng. Vương tử cho tất cả tùy tùng và cai ngục của mình các món vàng bạc để được tự do. Đêm đến, Ngài mặc áo vá mà trốn khỏi vương cung. Ngài tìm thấy một hộ vệ, mua chuộc y bằng vàng, và du hành đến chỗ Rāmeśvaram, vua xứ Rāmala. Bỏ mặc bảo tọa lụa thêu của mình, Ngài trải da linh dương mà ngồi;676 từ bỏ ngai vàng, giờ Ngài ngủ trong tro tàn.677

Vương tử có tướng hảo trang nghiêm đến nỗi liên tục được cúng thí, nên Ngài chẳng bao giờ phải đi đâu mà không có thức ăn hoặc đồ uống. Sau đó, Ngài đến Vajrāsana (Kim cang tọa), nơi đức Phật Thích-ca-mâu-ni đã giác ngộ, và được một Không hành mẫu (ḍākinī)678 ở đó hoan nghênh và giáo hóa. Từ đó Ngài đi đến kinh thành, Pātaliputra, và trú lại, sống bằng những thực phẩm được dân chúng cho và ngủ nơi mộ địa. Một hôm Ngài vào chợ và đến chỗ nữ nhân bán rượu. Nữ chủ của tửu điếm – vốn là một Không hành mẫu thế gian – nhìn vào chàng trai trẻ và nói rằng: ‘Kẻ này đã tịnh hóa bốn luân mạch (cakra)679 của hầu hết các phiền não của mình, trừ chút chấp trước chủng tánh vương tộc còn lại trong tâm bằng cỡ hạt đậu.’ Rồi bà đổ một ít thức ăn thối rữa vào chậu đất mà đưa cho Ngài. Khi vương tử vứt nó đi, Không hành mẫu nổi giận và nói với Ngài: ‘Nếu ngươi vẫn phân biệt thực phẩm ngon dở, thì ngươi học Pháp làm gì?’

Điều này làm cho vương tử hiểu ra rằng những thiên chấp vọng tưởng của Ngài là chướng ngại cho giác ngộ, vì vậy Ngài đã từ bỏ chúng, Ngài nhặt những lòng cá bị vứt bỏ bởi



675 Với sự xa hoa và bạo lực thường liên quan đến vương quyền, Phật giáo có nhiều câu chuyện về các hoàng tử tốt muốn tránh làm vua; một chủ đề bổ sung là làm thế nào để trở thành một vị vua tốt, xứng đáng.

676 Vì được sử dụng bởi các du-già sư và nhà khổ hạnh.

677 Tức là, ông đã chấp nhận lối sống của một du-già sư mật giáo. 678Ḍākinī, các biểu hiện của trí tuệ (xem chú thích đầu tiên của *V.4) được cho là có năng lực đưa ra những hướng dẫn bí truyền.

679 Các trung tâm năng lượng ở thân vi tế nằm ở bốn điểm dọc theo cột sống: rốn, tim, cổ họng và trán.

ngư dân ở sông Hằng mà ăn. Ngài hành như vậy suốt mười hai năm. Tất cả những ngư phủ đều thấy Ngài ăn lòng cá, nên gọi Ngài là Lūyipa, người ăn lòng cá. Do vậy Ngài trở nên nổi danh khắp nơi.

‘Lives of the Eighty-four Mahāsiddhas’, ff.2–5, dịch Anh T.A.

V.87 Truyện Thượng sư Kankaripa

Vị Đại Thành Tựu Giả này nổi danh bởi vượt qua sự chấp trước về cái chết của vợ mình.

Tại nước Magadha có một người gia chủ thuộc giai cấp bình dân. Ông cưới một nữ nhân cùng tầng lớp với mình. Liên tục nếm vị lạc thú gia đình, ông chỉ quan tâm đến việc thế tục mà chẳng nghĩ chi đến thắng nghĩa pháp, giải thoát đạo. Ông sống hạnh phúc nhưng rồi bất ngờ, nghiệp (duy trì thọ mạng) của vợ ông cạn kiệt và bà qua đời. Ông mang xác bà đến mộ địa nhưng chẳng thể rời đi, ông ở lại bên cạnh xác chết, khóc lóc.

Bỗng một du-già sĩ giác ngộ cao thâm xuất hiện bên cạnh ông mà hỏi rằng, ‘Ngươi đang làm gì ở chốn mộ địa này?’ Gia chủ đáp. ‘Hỡi du-già sĩ, Ngài chẳng thấy nỗi bi ai của con sao? Con cảm thấy như kẻ bị móc mù đôi mắt. Mất đi người con thương, hạnh phúc của con cũng chẳng còn chi nữa. Còn có ai trên thế gian này đau khổ hơn con nữa?’ Vị du-già sĩ nói với ông rằng, ‘Tất cả sanh mạng đều kết cuộc bằng cái chết; mọi sự sum họp đều kết thúc bởi chia ly; tất cả pháp hữu vi là vô thường. Bởi hết thảy đều chịu khổ sanh tử luân hồi, đừng bi thương vì bản tánh khổ đau của đời luân chuyển! Ích chi khi bảo vệ một thi hài chỉ còn như đống đất? Ngươi tốt hơn nên học pháp mà thoát ly hết thảy khổ đau.’ ‘Hỡi du-già sĩ, nếu có cách chi thoát được đau khổ sanh tử luân hồi, xin hãy cho con được biết’, gia chủ van nài. Du-già sĩ nói rằng, ‘Phương pháp giải thoát khổ nằm trong khẩu quyết giáo thọ của Thượng sư.’ Gia chủ hỏi, ‘xin trao truyền

nó cho con.’ Do vậy, vị du-già sĩ truyền quán đảnh680 cho ông và dạy ông về nghĩa lý vô ngã.

‘Con nên tu tập thế nào?’ gia chủ hỏi. Du-già sĩ đáp, ‘Hãy buông bỏ những ý niệm chấp trước về cái chết của vợ con, và tu quán Phật Mẫu Vô Ngã681 như là Đại lạc và Không tánh không phân biệt.’ Với những lời này, ông gia công tu tập.

Trong sáu năm trời, niệm tưởng về người vợ thường tình phai dần vào Không tánh và Đại lạc. Các nhiễm ô tập khí của ông được thanh tịnh và ông đắc thành giác ngộ về đại lạc quang minh của bản tâm. Cũng như ảo ảnh tan biến khi độc dược hủ hoại được thanh tẩy khỏi cơ thể, Ngài trừ hết vô minh, si độc, Ngài hiển lộ được bản tánh của chân thật không điên đảo và đạt được chứng ngộ. Ngài trở nên nổi danh gần xa dưới danh hiệu ‘Kankaripadu-già sĩ’. Sau khi dạy pháp cho chúng sanh ở quê hương mình, xứ Magadha, rồi ngay đương thân mà trở về cõi Tịnh độ Ca-tước không hành (Vajtayigini Khechara).682

‘Lives of the Eighty-four Mahāsiddhas’, ff. 34–36, dịch Anh T.A.

V.88 Truyện Thượng sư Vīṇāpa

Vị Đại Thành Tựu Giả này nổi tiếng bởi chuyển hóa tình yêu với đàn vīṇā thành thiền tập về âm thanh.

Tên gọi Vīṇāpa (Vi-na-ba) có nghĩa là ‘người đàn đàn vīṇā’.683 Quê Ngài ở xứ Ghahuri, thuộc gia tộc vương thất, thượng sư là Buddhapa, đã đạt đến thành tựu Hỷ Kim Cang (Hevajra).684

Chuyện Ngài như vầy: Quốc vương xứ Ghahuri chỉ có một người con trai, được cha mẹ lẫn thần dân vô cùng yêu quý. Ngài được nuôi nấng dưới sự chăm sóc của tám người nhũ



680 Hay nhập môn.

681 Vô Ngã Mẫu là Nairātmyā, phối ngẫu của Heruka, vị bổn tôn mật giáo mà Kankaripa phải được nhập môn vào các vị ấy.

682 Ở đây có nghĩa là vào ‘Pháp giới’ hay ‘Phật độ’.

683 Hoặc là người đàn vīṇā: một nhạc cụ bằng đồng của Ấn giống đàn lute, có âm thanh ngọt ngào.

684 Một bổn tôn mật giáo.

mẫu và những kẻ khác. Vương tử thường hay ở cùng các hộ vệ là nhạc sư của triều đình. Ngài học đàn vīṇā tinh thông đến nỗi tâm Ngài hoàn toàn chuyên chú vào âm thanh của đàn tamboura685 khi Ngài vẫn gảy được đàn vīṇā– đến nổi Ngài quên đi hết hết thảy mọi thứ trên đời. Phụ vương, mẫu hậu, chư đại thần, cùng dân chúng bắt đầu nói những điều không hay về Ngài: ‘Vương tử đã được nuôi dưỡng để thành người thừa tự cho phụ vương, nhưng lại quá mê đắm đàn cầm đến nổi chẳng lý hội quốc chánh. Ta phải làm gì đây?’

Họ nhờ một du-già sĩ bác học tên là Buddhapa đến thăm Ngài. Khi vương tử thấy vị này, liền sanh khởi tín tâm. Sau khi đảnh lễ và nhiễu hành vị du-già sĩ, rồi cùng đàm luận cởi mở. Vị du-già sĩ đã ở một thời gian cùng vương tử, thấy rằng đã đến lúc hóa độ Ngài, nên hỏi rằng: ‘Này vương tử, sao Ngài chẳng hành pháp?’ Vương tử nói rằng, ‘Xin vâng, thưa du-già sĩ, con xin hành pháp; (nhưng) con chẳng thể sống mà không có âm thanh êm dịu của đàn tamboura. Nếu có cách gì hành pháp mà không phải bỏ nó, thì con sẽ tu hành.’ ‘Nếu vương tử có tín tâm và nghị lực để hành pháp, tôi sẽ hướng dẫn riêng cho và chỉ dạy tu hành thế nào mà không phải bỏ đàn vīṇā.’ ‘Xin Ngài hãy chỉ dạy cho con’, vương tử nói.

Sau đó, du-già sĩ quán đảnh cho Ngài để thành thục tâm tánh, dẫn Ngài theo khẩu quyết tu thiền như vầy: “Hãy hãy dứt bỏ vọng tưởng nghe âm thanh của đàn tamboura bằng tai; hãy hòa chỗ tâm duyên đến cùng với phân biệt âm thanh, cả hai không phân biệt. Hãy tu tập quán tưởng như vậy’

Tu tập như vậy trong chín năm, vương tử đã thanh tịnh được các phiền não và đạt được giác thọ về ánh sáng của tâm như ánh đèn. Ngài tu thành nhiều loại thắng trí và nhiều công đức khác. Ngài nổi danh gần xa với tên là ‘Viṇāpa du-già sĩ’. Ngài truyền vô lượng pháp giáo cho dân chúng Ghahuri. Cuối cùng, tự mình minh liễu chứng ngộ, rồi ngay đương thân đi đến cõi tịnh độ Pháp giới không hành.

‘Lives of the Eighty-four Mahāsiddhas’, ff.50–53, dịch Anh T.A.



685 Một nhạc cụ dây khác dùng để đi kèm với đàn vīṇā.

V.89 Truyện Thượng sư Maṇibhadrā hay du-già-ni Bhahuri

Vị Đại Thành Tựu Giả này nổi danh là một cô gái thông minh, ấn tượng mãnh liệt bởi vô thường.

Tại một thị trấn tên là Agarce, có một gia chủ giàu có cùng với người con gái mười ba tuổi. Ông gả cô cho một người cùng đẳng cấp với mình.686 Cô gái trở về chỗ cha mẹ của mình, và khi cô ở đó, Đại sư Kukkuripa đến đây. Ngài khất thực chỗ cô, và cô nói với Ngài rằng: ‘Tại sao một người đàn ông với ngoại hình thân thể trang nghiêm như Ngài lại sống bằng đồ khất thực và khoác mảnh y vá? Chắc chắn Ngài có thể kiếm được một người vợ thích hợp trong đẳng cấp của mình.’

Đại sư nói, ‘Ta sợ hãi luân hồi, cầu đại lạc giải thoát. Nay với thân người quý giá này mà không đạt được, thân sau làm sao được như vầy? Nếu che giấu ngọc quý thân sở y này bằng hôn phối bất tịnh, chí hướng sẽ tiêu tan, và khổ đau kéo đến. Hiểu được điều như vậy, ta từ bỏ hôn nhân.’

Tin lời Ngài, cô mang cho Ngài những món mỹ thực và nhờ Ngài chỉ mình phương pháp đạt được giải thoát. Ngài nói với cô rằng trú xứ của mình ở nơi mộ địa và cô cần phải đến đó nếu muốn được chỉ dạy. Quên hết phận sự của mình, cô trốn đi vào ban đêm và đi đến đó. Vị đại sư thấy rằng tâm tánh của cô đã thành thục và khai thị cô vào Thượng Lạc Kim Cang (Cakrasaṃvara). Ngài hướng dẫn cô tu tập song vận sanh khởi thứ đệ và viên mãn thứ đệ, rồi cô lưu lại đó để hành trong bảy ngày.

Khi cô trở về với cha mẹ mình, họ đánh mắng cô thậm tệ. Cô nói với họ rằng: ‘Trong tất cả ba cõi, chẳng có ai chưa từng là cha mẹ của con (trong những đời trước). Thậm chí cả một chủng tánh tôn quý cũng chẳng thể cứu con khỏi những vực thẳm luân hồi. Đó là lý do tại sao con đi theo vị thượng sư.



686 Vào thời các đại thành tựu giả, ý tưởng về đẳng cấp Hindu đã lan tràn trong xã hội Ấn-độ, và ảnh hưởng đến ngay cả những người gắn bó với Phật giáo với nhiều mức độ khác nhau.

Bởi vì con đang hành giải thoát, cha mẹ có thể đánh con nhưng con sẽ vẫn đi con đường này.’ Cha mẹ cô nghĩ rằng đây chỉ là ý thích nhất thời nên chẳng nói gì. Vì vậy cô tiếp tục hành theo hướng dẫn của vị đại sư trong khi bỏ mặc hết thảy công việc và phận sự của mình. Chờ đợi một năm trời, chồng cô đến đón cô về. Cô đi về nhà chồng và làm hết các công việc và phận sự thế gian mà mình phải làm. Cô hầu chồng bằng cả hành vi lẫn ngôn từ, nói năng với chồng nhẹ nhàng, và nhiều điều khác. Khi ấy, cô hạ sanh đứa con trai đầu lòng rồi đến một đứa con gái giống hệt cha mẹ. Họ sống rất hạnh phúc với nhau.

Mười hai năm qua đi kể từ khi cô gặp vị thượng sư. Đến một ngày kia, khi cô đang trên đường lấy nước giếng về nhà, cô vấp phải một miếng gỗ và làm vỡ bình nước. Cô ở đó chăm chú. Đến nửa ngày mà cô chẳng về nhà, gia đình bèn đi tìm cô. Họ thấy cô đang ngồi nhìn cái bình vỡ, và có nói gì thì cô dường nhưng cũng chẳng nghe thấy. Mọi người cho rằng cô bị tà linh nhập xác. Rồi khi mặt trời sắp lặp, cô thốt lên rằng: ‘Chúng sanh từ vô thủy, luôn làm vỡ bình thân, vậy tại sao ta phải, trở về nhà luân hồi? Ta đi đến Đại Lạc! Kỳ diệu và kinh ngạc; nếu ngươi muốn hạnh phúc, hãy theo đức thượng sư!’ Với những lời này, cô bay vào không trung và trụ ở đó trong hai mươi mốt ngày, giảng giải cho dân chúng trong xứ Agarce của mình. Rồi sau đó cô quay trở về Pháp giới không hành.

‘Lives of the Eighty-four Mahāsiddhas’, ff.252–56, dịch Anh T.A.

V.90 Truyện Thượng sư Lakṣmīnkarā

Vị Đại Thành Tựu Giả này nổi tiếng là một công chúa ghê tởm chuyện săn bắn, khuyên một vị vua nghe những lời khôn ngoan từ người quét rác của cô (ở tầng lớp thấp).

Lakṣmīnkarā là em gái vua Indrabhūti trị vì hơn 250,000 dân chúng của một quận thành gọi là Sambholnagara trong đất xứ

Oḍḍiyāna.687 Từ tuổi ấu thơ, cô đã có nhiều phẩm chất của chủng tánh giác ngộ.688 Lại nữa, cô còn nghe nhiều pháp nơi Đại Thành Tựu Giả Vāvapa, trong số nhiều vị khác, và thông hiểu một số mật tục. Cô được hứa gả cho Sambhol – vương tử của vua Jalendra xứ Laṅkāpurī – và anh cô, vua Indrabhūti, đưa cô xuất giá. Khi đoàn rước dâu đến đón, cô đi đến xứ Laṅkāpurī cùng với tùy tùng gồm các thiện tri thức bác thông Phật pháp, cùng vô số tài vật trân bảo.

Khi đến nơi, họ được bảo là có điềm sao xấu, không được phép vào vương thành. Trong khi chờ đợi, công nương quan sát dân chúng và thấy rằng họ đều chẳng phải là ngoại đạo nên rất buồn. Rồi đoàn tùy tùng của vương tử ghé qua trên đường đi săn về và mang theo rất nhiều thịt thú. Công nương hỏi họ là ai, từ đâu đến, và tại sao lại giết hại những thú vật này. Họ đáp: ‘Chúng tôi đang đi săn về. Chúng tôi được vương tử chồng của Công nương phái khiến đi săn thú rừng.’ Cảm thấy hoàn toàn kinh tởm, cô tự nghĩ rằng, ‘Anh của ta là một vị hộ pháp quốc vương. Sao lại gả ta cho kẻ ngoại đạo như vậy?’ Rồi cô ngất đi tại chỗ.

Khi tỉnh lại, cô cho hết của cải cho dân chúng, và tặng trang sức cho người hầu rồi cho họ về nhà. Sau đó cô khóa mình trong phòng và chẳng cho ai gặp trong mười ngày. Cô trét dầu và than vào người mình, cắt tóc, và lột trần truồng thân thể. Tuy giả điên nhưng trong tâm cô tu thiền pháp yếu giải thoát không hề dao động.689 Vua và thần dân rất đỗi buồn rầu. Họ cử vài y sĩ chuẩn bị thuốc và thử chữa trị cho cô, nhưng cô điên loạn tấn công tất cả mọi người đi vào. Họ cử một sứ giả đến chỗ anh cô nhưng ông vẫn điềm tĩnh; ông có thể đoán được rằng em mình đã kinh tởm luân hồi.

Kể từ đó, công nương hành động điên loạn. Cô ăn những đồ

thừa của dân Laṅkāpurī, ngủ nơi mộ địa, và vẫn tu hành yếu



687 Oḍḍiyāna là một quốc gia bán thần thoại ở đâu đó phía tây bắc Ấn, được cho là quê hương của nhiều giáo lý mật tông.

688 Điều này cho thấy rằng bà đã giác ngộ Phật tánh trong một đời quá khứ.

689 Tức là, tất cả mọi khi bà duy trì giác ngộ thanh tịnh.

nghĩa tâm pháp. Trong bảy năm, cô chứng đắc thành tựu.690 Cô được một người quét rác của vua hầu hạ trung thành. Cô dạy cho ông bằng giáo thọ khẩu quyết, và ông chứng ngộ nhưng vẫn không ai biết.

Rồi một ngày, vua Jalendra đi săn cùng với tùy tùng của mình về rất muộn. Vua nghỉ lại tại chỗ và khi trở về, ông đi lạc đường. Không thể trở về nhà, ông tìm chỗ trú thì tình cờ gặp hang động nơi Lakṣmīnkarā đang ngủ. Tò mò xem người đàn bà điên này đang làm gì, ông nhìn vào trong và thấy cô ở đó với quang minh phát xạ từ thân thể, xung quanh các phía có vô số thiên nữ cúng dường. Khởi tín tâm, ông ở lại đó cả đêm và rồi trở về nhà. Sau đó ông trở lại và đảnh lễ cô. Công nương hỏi: ‘Tại sao người lại đảnh lễ một nữ nhân như tôi?’ Vua trả lời: ‘Bởi vì Ngài có chứng đắc và tôi đang cầu pháp,’ Cô nói với ông: ‘Tất cả chúng sanh đều chịu khổ luân hồi; chẳng ai trong số họ có chân hạnh phúc. Thậm chí các chúng sanh thiện thú, chư thiên và nhân loại cũng bị giày vò bởi sanh, lão, bệnh, và tử. Ba ác thú chẳng có chi ngoài sự đau khổ; có vô số đau khổ của sự nóng lạnh, đói khát triền miên, và các chúng sanh ăn nuốt lẫn nhau. Do vậy, này quốc vương, hãy tầm cầu đại lạc của giải thoát!’

Cuối cùng, cô nói với ông rằng: ‘Người chẳng có duyên được tôi điều phục. Tuy vậy, một người quét dọn của người đã trở thành môn đệ của tôi và chứng đắc thành tựu. Ông ấy sẽ là thiện tri thức của người.’ Đức vua nói, ‘Có rất nhiều người, làm sao con có thể nhận ra Ngài ấy?’ ‘Vị ấy là người bố thí thực phẩm cho chúng sanh sau khi hoàn tất công việc quét dọn, do vậy hãy tìm vị ấy vào ban đêm’, cô nói.

Nhà vua đi về và tìm người quét dọn như vậy, rồi khi ông thấy có người hành động như vị công nương đã tả, ông mời vị ấy đến vương cung. Ông mời vị ấy ngồi lên bảo tọa, đảnh lễ, và cầu pháp. Người quét dọn khai thị cho ông về an lạc của thượng sư, và dạy ông sanh khởi thứ đệ và viên mãn thứ đệ hành trì Kim Cang Hợi Mẫu (Vajravārāhi).



690 Ở đây có nghĩa là giác ngộ.

Đến cuối cùng, người quét dọn và vị công nương thi triển thần thông tại xứ Laṅkāpurī, và ngay đương thân đi đến cõi tịnh độ Ca-tước không hành (Khechara).

‘Lives of the Eighty-four Mahāsiddhas’, ff.305–11, dịch Anh T.A.

V.91 Bài ca kinh nghiệm huyền bí của Lama Tsongkhapa Sau đây là một chuyện về những kinh nghiệm tâm linh đặc biệt trong cuộc đời của Lama Tsongkhapa (1357-1419 - xem

*VI.5 và V.40), đạo sư sáng lập ra phái Gelukpa của Phật giáo Tây Tạng, được viết dưới hình thức một kệ tán. Cụ thể, nó có một danh sách các vị Phật và Bồ-tát – cả lịch sử và nguyên mẫu (thần thánh)691 – những vị mà Tsongkhapa được nêu là đã từng thấy và gặp riêng.

Kính lễ Pháp Vương Tông-khách-ba!

Hỡi đấng Nhật luân Tối thắng vương, với ánh sáng trí tuệ trong hư không bao la của trí tuệ, soi rõ vạn hữu như như. Hỡi Pháp Chủ Chí tôn, đức Thượng Sư Cát Tường, con đê đầu đảnh lễ, bụi đất dưới chân Ngài.

Chư Phật, Bồ-tát khắp mười phương cũng không diễn thuyết hết công đức thân, ngữ, ý, của Ngài; xin lắng nghe trong chốc lát, tín tâm này của con!

Con kết ngôn từ thành tràng hoa, tán dương biển công đức, trang nghiêm cổ minh tuệ, ngọc báu tăng tín tâm phước nghiệp. Mong chư trí giả đều hoan hỷ. Thiện hành Ngài làm, như mây lớn, liên tục đổ mưa rào, tăng trưởng thiện đức của đệ tử. Vang dội tiếng rồng ngâm, tuyên thuyết pháp thậm thâm vi diệu. Hỡi Cát tường Thượng sư, Ngài như cơn bão lớn!

Du-già tự tại, Minh chú chủ, tự tại triệu tam-ma-địa, trước thuật thiện thuyết, khuyến thực tu: Ngài, Cát tường Thượng sư, vua trên đỉnh chúng sanh.



691 Các vị thần thánh: Vajrapāṇi, Maitreya, Amitābha, Tārā, Uṣṇīṣa Vijayā, Uṣṇīṣa Sitatapatra, Yamāntaka, Mañjuṣrī/Mañjughoṣa, Kālacakra.

Đời trước Ngài cúng dường, Tối Thắng Tôn, trước tòa Kim cang (Vajrāsana),692 chuỗi hạt báu lưu ly, trăm lẻ một hạt châu; phát khởi tâm bồ-đề, thành duyên vi diệu chứng Chân thật. Hỡi Thượng Sư Cát Tường, con đảnh lễ chân Ngài.

Bảy tuổi thân gặp Bí Mật Chủ (Vajrapāṇi: Kim Cang Thủ), Xe Lớn Nhiên Đăng Trí,693 thường xuyên được nhiếp thọ Mật thừa (Kim cang thừa và Kinh thừa (Bát-nhã thừa). Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Hỡi Chí Tôn694 Pháp Chủ, thân gặp Văn-thù Tôn695 trong ánh sáng năm màu, xanh như ngọc Đế thanh. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài. Từ đó, hỡi Pháp Chủ, mỗi khi nguyện liền thấy, Trí Tuệ Tạng (Văn-thù) hiện thân, thường nghe pháp thậm thâm, Bát-nhã và Mật Tập, 696 bát-nhã ba-la- mật. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Hởi đấng Pháp chủ, Khi hành lễ bảy chi cúng dường,697 ba mươi lăm Phật thường hiện tiền, mỗi thân, thủ ấn,698 và tiêu xí, Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.



692 Tòa Kim cương ở Bodhgayā, Ấn-độ, nơi đức Phật đạt được giác ngộ. 693 Dīpaṁkara Atiśa (xem *VI.5 và *V.10), người tiên phong trước nhất về truyền thống kinh Đại Thừa ở Tây Tạng.

694 Jetsun (rje tsun): Tôn giả, Chí tôn, Thánh chủ; xưng hiệu Tây Tạng chỉ cho tu tập.

695 Mañjughoṣa: Diệu Âm, một hiện thân của Bồ-tát Văn-thù (Mañjuśri), Bồ-tát của trí tuệ về tánh không.

696 Bí mật tập hội thản-đặc-la (Guhyasamāja Tantra), bản kinh chính của bộ phụ tục (phargyud, hệ dương thừa) thuộc Vô thượng du-già mật tục (Anuttarayoga tantra).

697 Sám nguyện từ hành nguyện Phổ Hiền rút gọn thành bảy chi: lễ bái, cúng dường, sám hối nghiệp chướng, tùy hỷ công đức, thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ thế, và hồi hướng công đức trước mặt ba mươi lăm vị Phật được mô tả trong kinh ‘Ba tụ pháp’ (Tri-skandha-dharma Sūtra).

698 mudra, biểu tượng bí mật bằng các tư thế bàn tay.

Hộ chủ Di-lặc Tôn, ngồi trên tòa diệu nghiêm, tay kết ấn chuyển pháp, thọ ký Ngài sẽ thành, như Phật đủ mười lực, thành tựu Phật sự nghiệp. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Pháp Chủ, Tối Thắng Tử, thân thấy, Thiên Nhân Đạo Sư Thích-ca Vương,699 Dược Sư Như Lai, Vô Lượng Quang (Phật A-di-đà), rực rỡ giữa quyếên thuộc như biển. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Sanh xứ Tất-địa (siddhi, thành tựu) Thánh Độ Mẫu, Tôn Thắng Phật Đỉnh (Uṣṇīṣa Vijayā) quang minh mẫu, Bạch Tán Cái Phật Đỉnh (Uṣṇīṣa Sitatapatra) trừ chướng, cùng chư Phật Mẫu khác, thường hiện thân cho thấy. Hỡi Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Bồ-tát Long Thọ (Nāgārjuna) và Thánh Thiên (Āryadeva), Thánh Phật Hộ (Buddhapālita), Cát tường Nguyệt Xứng (Candrakīrti)700, và Du-già tự tại Long Trí (Nāgabodhi), thường trực hiện thân đến nhiếp thọ. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Thánh Vô Trước (Asaṅga) Bồ-tát tam địa, đệ nhị Biến Tri Thế Thân Tôn (Vasubandhu), Thánh giả hộ trì Đại Vực Long (Dignāga: Trần-na)701, thường trực hiện thân đến nhiếp thọ. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Nguyệt Xứng (Dharmakīrti) thuyết pháp như trăng sáng, cùng với Đức Quang (Guṇaprabha), Thích-ca Quang (Ṥākyaprabha). Tịch Thiên Tịch Thiên (Ṥāntideva) và Cát tường Vô Úy (Abhaya);702



699 Phật Śākyamuni.

700 Những nhà triết học Ấn-độ đầu tiên của phái Trung Quán.

701 Các vị tiền bối của Duy thức. Vô Trước được nói là đã chứng địa thứ ba trong mười địa Bồ-tát. Thế Thân dược tôn xưng là Phật thứ hai.

702 Các đạo sư Ấn-độ quan trọng khác đã sáng tác những chú giải về các tác phẩm của các triết gia vĩ đại.

Đại Thành tựu703 Ấn-độ, Tây Tạng: Nhân-đà-la Bồ- đề (Indrabhūti), Cát tường Sa-ha-ra (Saraha), Lu-y- ba (Lūyipa), Gan-ta-ba-đà (Ghaṇṭapāda), Hắc Hành (Kŗṣṇacārya), Liên Hoa Giới (Kamalaśīla), thường trực hiện thân đến nhiếp thọ. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Đại Bồ-tát lợi tha tự nhiên, Văn-thù hiển minh thọ ký rằng: Y trên truyền thừa giáo pháp này, duyên thành quảng đại lợi tự tha. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Thắng du-già song vận chỉ quán, khi định tăng như trăng mới mọc, thấy Thế tôn Bố Úy Kim cang ,704rực rỡ viên mãn mặt và tay. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Gươm trí của Văn-thù, chạm tim Thượng sư tôn, dòng cam lộ vô lậu, tuôn chảy vào tim Ngài, sanh khởi câu sanh diệu lạc định. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Văn-thù-truyền yếu nghĩa, Ngài giảng thuật thiện xảo, “Sanh Cực lạc nguyện văn”, Vô Năng Thắng Hộ chủ, Di-lặc “Chánh nghĩa tán.”Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Ngài an thần khai quang, ảnh tượng thân ngữ ý, Trí tôn nhập thệ tôn.705 Thánh tượng Ngài gia trì, phước điền cho chúng sanh. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.



703 Những ‘đại thành tựu giả’ của truyền thống mật giáo, một số tích truyện của họ xem trong *V.85-89.

704 bcom ldan rdo rje 'jig byed (Vajrabhairava, đối địch của Yama, thần chết), Hán cũng dịch là Đại Uy Đức Kim cang; hiện thân khác của Yamāntaka, hiện thân phẫn nộ của Văn-thù (Mañjuśri) với chín đầu và mười bốn đôi bàn tay.

705 dam tshig pa: tam-muội-da tôn, bản thệ tôn, quán tưởng tôn: hành giả mật tông quán tưởng ảnh tượng bổn tôn hiện khởi trong tâm tự tánh bổn tôn và sanh tiền bổn tôn.

Thánh Long Thọ năm thánh phụ tử, quyết trạch nghĩa duyên khởi thậm thâm, trong đó Cát tường Phật Hộ Tôn (Buddhapālita), trao Ngài Phạn văn, tỏ Thánh ý. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Khi tư duy yếu nghĩa sáu chi, cứu cánh Cát tường Thời luân tục706, Thế Tôn Thời luân thân hiện diện, thọ ký: “sẽ đồng Nguyệt Hiền Vương.”707 Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Pháp Chủ! bằng lực tu du-già bất nhị, quán hữu tình và khí thế gian, hiện thậm thâm Không huyễn, quang minh, khi hiện khởi thiên thân đại lạc708, Ngài đạt Kim cang du-già thân. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Từ rốn nội hỏa chiên-đà-li (candalī709), lên đỉnh đầu hòa tan chữ HAM, giáng hạ xuống trung mạch, du hí trong câu sanh đại lạc, Ngài đắc kim cang du-già tâm. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài...

Ngự trên tòa trang nghiêm bảo ngọc, nhất thiết trí Bu-tôn Rin chen (Buton Rinchen Drub),710 trao Ngài Tập Mật (Guhyasamāja) Căn bản tục, bảo rằng, ‘Đây trao ngươi làm chủ’. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài...

Khi hành pháp tu Thắng Lạc luân (Cakrasaṁvara),711 Thánh chúng xuất hiện trong viên đàn (maṇḍala),



706 Kālacakra (Thời Luân) Tantra được phái Gelukpa xem là tantra cuối cùng của lớp tantra Vô thượng du-già (Anuttarayoga).

707 Sucandra, vua vùng đất thần bí của Śambhala, được cho là đã cầu

Kālacakra Tantra từ đức Phật.

708 Chỉ cho bổn tôn Thời Luân (Kālacakra).

709 Nhân cách hóa của chuyết hỏa (tumo), tương đương với Kuṇḍalīni trong tantra Hindu.

710 Butön Rinchen Drup (Bu ston rin chen grub, 1290–1364), một lạt-ma cao trọng của phái Sakyapa, nổi tiếng vì biên tập ấn bản đầu tiên của Đại Tạng Phật Giáo Tây Tạng.

711 ‘Thắng Lạc Luân’ – một tantra tuyệt diệu khác của lớp Anuttarayoga.

trong, ngoài ba chỗ các Không hành (Dākini),712 hát khúc Kim cang để Ngài vui. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Khi tu tiêu diệt Ma quân pháp, trực kiến Năng Nhân Đại Phục Ma,713ánh sáng vàng ròng triệu mặt trời. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài. Thân Ngài, thân Phật, cùng ngữ, ý, hòa hợp không phân, diệt Ma quân; khi các Hộ Pháp trừ diệt Ma;714 Ma quân đại bại kêu khóc vang. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài...

Văn-thù cùng với Bí Mật Chủ, thọ ký rõ ràng, Chánh Pháp Vương: “Vãng sanh Đâu-suất (Tuṣita) lễ Di-lặc (Maitreya), Tối Thắng Tử hiệu Cát Tường Tạng (Mañjuśrīgarbha). Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.…

Prayer of the Secret Life of Tsongkhapa, dịch Anh T.A.

CHAPTER 12: EXEMPLARY LIVES

THERAVĀDA

Great arahant monk disciples

Th.212 Foremost monk disciples and their qualities

This list of foremost monks gives a good panorama of the kind of qualities found in Buddhist monks at the time of the Buddha.663

Monks, the foremost of my monk disciples in seniority is Aññā-koṇḍañña. The other foremost of my monk disciples are: among those with great wisdom, Sāriputta; among those with great psychic potency, Mahā-moggallāna; among those who expound the ascetic practices, Mahā-kassapa; among those with the divine eye, Anuruddha; among those of eminent families, Bhaddiya Kāḷigodhāyaputta; among those with a sweet voice, Bhaddiya the dwarf; among those with the lion’s roar (of fearless teaching), Piṇḍola Bhāradvāja; among those who speak on the Dhamma, Puṇṇa Mantāṇuputta; among those who explain in detail the meaning of what has been stated in brief, Mahā-kaccāna.

The foremost of my monk disciples are: among those who create the mind-made body, Culla-panthaka; among those skilled in mental transformation, Culla-panthaka; among those skilled in the transformation of perception, Mahā-panthaka; among those who dwell without conflict, Subhūti; among those worthy of gifts, Subhūti; among forest dwellers, Revata Khadiravaniya; among those who practise meditative absorption, Kaṅkhā-revata; among those who arouse vigour, Soṇa Koḷivīsa; among those who are excellent speakers, Soṇa Kuṭikaṇṇa; among those who gain (offerings), Sīvalī; amongst those resolved through faith, Vakkali.

The foremost of my monk disciples are: among those who desire training, Rāhula (the Buddha’s son); among those who have gone forth out of faith, Raṭṭhapāla; among those who are first to take meal tickets (chosen by lot), Kuṇḍadhāna; among those who compose inspired verses, Vaṅgīsa; among those who inspire confidence in all respects, Upasena Vaṅgantaputta; among those who assign lodgings, Dabba Mallaputta; among those pleasing and agreeable to the deities, Piḷindavaccha; among those who quickly attain higher knowledge, Bāhiya Dārucīriya; among those with variegated speech (illustrated with many similes and reasons), Kumāra-kassapa; among those who have attained the analytical knowledges, Mahā-koṭṭhita.

The foremost of my monk disciples are: among those who are learned, Ānanda; among those with a quick grasp, Ānanda; among those who are resolute, Ānanda; among those who are personal attendants, Ānanda; among those with a large retinue, Uruvela-kassapa; among those who inspire confidence in families, Kāludāyi; among those with good health, Bakkula; among those who recollect past lives, Sobhita; among the upholders of monastic discipline, Upāli; among those who exhort nuns, Nandaka; among those who guard the doors of the sense faculties, Nanda;664 among those who exhort monks, Mahā-kappina; among those with skill in the fire element (by meditative power), Sāgata; among those who receive eloquent discourses, Rādha; among those who wear coarse robes, Mogharāja.

Etad–agga-vagga: Aṅguttara-nikāya I.23–25, trans. P.H.

Th.213 The attainments of five hundred arahant monks, especially Sāriputta

On one occasion the Blessed One was dwelling at Sāvatthī, in the eastern park in the mansion of Migāra’s mother, together with a large community of monks, with five hundred monks, all of them arahants. Now on the holy day of the fifteenth (of the month), the Blessed One was sitting in the open surrounded by the community of monks in order to hold the Pavāranā.665

Then, having surveyed the silent community of monks, the Blessed One addressed the monks thus: ‘Monks, come now, let me invite you: Is there any deed of mine, either bodily or verbal, which you would censure?’ When this was said, Venerable Sāriputta rose from his seat, arranged his upper robe over one shoulder, and, raising his joined hands in reverential salutation towards the Blessed One, said to him: ‘Venerable sir, there is no deed of the Blessed One, either bodily or verbal, that we censure. Venerable sir, for the Blessed One is the originator of the path unarisen before, the producer of the path unproduced before, the declarer of the path undeclared before. He is the knower of the path, the discoverer of the path, the one skilled in the path. And his disciples now dwell following that path and become possessed of it afterwards. Venerable sir, I invite the Blessed One: Is there any deed of mine, either bodily or verbal, which the Blessed One would censure?’

‘Sāriputta, there is no deed of yours, either bodily or verbal, that I censure. Sāriputta, for you are wise, one of great wisdom, of wide wisdom, of joyous wisdom, of swift wisdom, of sharp wisdom, of penetrative wisdom. Just as the eldest son of a Wheel-turning monarch properly keeps in motion the wheel of sovereignty set in motion by his father, so do you, Sāriputta, properly keep in motion the wheel of the Dhamma set in motion by me.’

‘Venerable sir, if the Blessed One does not censure any deed of mine, bodily or verbal, does he censure any deed, bodily or verbal, of these five hundred monks?’ ‘Sāriputta, there is no deed, bodily or verbal, of these five hundred monks that I censure as of these five hundred monks, sixty monks are triple-knowledge bearers, sixty monks are bearers of the six-fold supernormal knowledges, sixty monks are liberated in both ways, while the rest are liberated by wisdom.666

Pavārana Sutta: Saṃyutta-nikāya I.410–414, trans. G.A.S.

Th.214 Chief disciples Sāriputta and Moggallāna

These two were friends in lay life and had been disciples of a skeptic teacher before becoming disciples of the Buddha. They promised to tell each other if either found a way to the deathless (Vinaya I.39).

My two chief disciples are named Sāriputta and Moggallāna.

Vepulla-pabbatam Sutta: Saṃyutta-nikāya II.192, trans. P.H.

Monks a monk endowed with faith, rightly aspiring, should aspire thus: ‘May I become like Sāriputta and Moggallāna!’ This is the standard and criterion for my monk disciples, Sāriputta and Moggallāna.

Āyācana-vagga 12, Sutta 1: Aṅguttara-nikāya I.88, trans. P.H.

Cultivate the friendship of Sāriputta and Moggallāna, monks, associate with Sāriputta and Moggallāna. They are wise and helpful to their companions in the holy life. ‘Monks, like a mother is Sāriputta; like nurse is Moggallāna. Sāriputta, monks, trains others for the fruit that is stream-entry; Moggallāna for the highest goal (arahantship). Sāriputta, monks, is able to proclaim, teach, describe, establish, reveal, analyse and make plain the four Truths of the Noble Ones.

Sacca-vibhaṅga Sūtta: Majjhima-nikāya III.248, trans. P.H.

Th.215 Sāriputta

Here we see some of the qualities of Sāriputta, who was also known as Upatissa. While extremely wise and discerning, he could let go of the process of thinking once in the second meditative absorption, and his calm and equanimity was such that, to undiscerning people, he might seem as having a dull mind, rather than a sharp one. He was noted, for example, for being able to analytically identify the ingredient processes of any experience.

Forests are delightful, where (ordinary) people find no delight. Those rid of desire will delight there; they are not seekers after sensual pleasures.

If one should see a seer of faults, a teller of one’s errors, a prudent man, one should associate with such a clever man like a revealer of treasure. It fares better, not worse, for one who associates with such a one. …

Near the foot of a tree, with shaven head, clad in outer robe, the elder Upatissa, supreme in wisdom, meditates.

Having attained to non-thinking (in the second meditative absorption), the disciple of the fully enlightened one is straightway possessed of noble silence.

Just as a rocky mountain is unmoving, well-founded, so a monk, like a mountain, does not tremble after the destruction of delusion. …

Calm, quiet, speaking in moderation, not conceited, he shakes off evil qualities as the wind shakes off the leaves of a tree. …

Having attained the perfection of wisdom, having great discernment, a great sage, not stupid but seeming stupid (to the undiscerning), he always wanders, (with the fires of the defilements) quenched.

Sāriputta’s verses: Theragāthā 992-993, 998-1000, 1006 and 1015, trans. P.H.

Th.216 Mahā-moggallāna

(Mahā-) Moggallāna reports that at the time of a past Buddha, he had been a Māra named Dūsī (Majjhima-nikāya I.333), yet was now awakened under Gotama Buddha.

Let us live in the forest, living on alms-food, delighting in whatever scraps come into our alms-bowl, tearing apart the army of death, being well-composed inwardly. …

(To Māra:) For whoever would think of painting the sky with yellow or any other colour, that is only a source of trouble.

This mind, well-composed inside, is like the sky. Evil-minded one, do not attack me as a moth attacks a bonfire. …

Urged on by the self-developed one, who was bearing his last body, I shook with my big toe the palace of Migāra’s mother (to quieten some lax and noisy monks667). ….

The flashes of lightning fall upon the cleft of Vebhāra and Paṇḍavas, but one gone to the cleft in the mountain, the son of the incomparable venerable one, meditates. …

By whom the thousandfold world, over the eon of Brahmā, is known in a moment, that monk, having mastery in the strands of supernormal power and in (knowledge) of passing away and rebirth, sees the deities in time.

Sāriputta, indeed, the monk who has reached the far shore, may be so supreme by reason of his wisdom, ethical discipline, and calm.

In a moment I can fashion the bodily form of 100,000 times 10,000,000 (people); I am skilled in (supernormal) transformations; I am master of supernormal powers.

Mahā-moggallāna’s verses: Theragāthā 1146, 1155–56, 1164, 1167 and 1181–1183, trans. P.H.

Th.217 Mahā-kassapa and Ānanda prepare for the first communal recitation of the Buddha’s teachings

This passage concerns the time soon after the death of the Buddha. The most senior and influential arahant disciple still alive was Mahā-kassapa, an austere and nature-loving monk who convened a group of arahants to recite the Buddha’s teachings to ensure their proper memory and transmission (this being generally known as the ‘first council’). The monk Ānanda, the Buddha’s personal attendant for many years (see *L.65 and *Th.212), had an excellent memory and knowledge of what the Buddha had taught, but he was not yet an arahant, though still a noble one on the path to this, being a stream-enterer. On the night before the assembly to chant the teachings, he made a special effort to become an arahant by meditating all night. At the point where he had just given up his efforts, which must have been too forceful, and was lying down to sleep for a short while, he attains arahantship.

(Mahā-kassapa:) ‘Come let us, friends, chant Dhamma and Vinaya (the monastic discipline) before what is not Dhamma shines out and Dhamma is withheld, before what is not vinaya shines out and vinaya is withheld, before those who speak what is not-Dhamma become strong and those who speak Dhamma become feeble, before those who speak what is not-vinaya become strong and those who speak vinaya become feeble.’ ‘Well then, honoured sir, let the elder select monks.’

Then Venerable Mahā-kassapa selected five hundred arahants, less one. Monks spoke to Venerable Mahā-kassapa: ‘Honoured sir, this Ānanda, although he is still a learner, could not be one to follow a false course through desire, hatred, delusion or fear; and he has mastered much Dhamma and Vinaya under the Blessed One. Well now, honoured sir, let the elder select Ānanda as well.’ Then Venerable Mahā-kassapa selected Venerable Ānanda as well. …

Then the monks who were elders went to Rājagaha to chant Dhamma and Vinaya. … Then Venerable Ānanda, thinking, ‘Tomorrow is the assembly. Now it is not suitable in me that I, being (only) a learner, should go to the assembly.’ And having spent much of that night in mindfulness in regard to the body, when the night was nearly spent, thinking ‘I will lie down’, he inclined his body, but (before) his head had touched the mattress and as his feet became free from the ground, in that interval his mind was freed from the intoxicating inclinations without grasping. Then Venerable Ānanda, being an arahant, went to the assembly.

Cullavagga XI.1–6: Vinaya II.285–286, trans. P.H.

Th.218 Ānanda

Of great learning, a brilliant speaker, attendant of the Buddha, having laid down his burden, unfettered, (Ānanda) Gotama lies down to sleep. …

82,000 (teachings) I received from the Buddha, 2,000 from the monks. These 84,000 are current teachings.

The man of little learning grows old like an ox; his flesh increases, but his wisdom does not increase.

The man of great learning who despises the man of little learning because of his learning, seems to me like a blind lamp-bearer….

For 25 years I served the Blessed One with deeds … words … and thoughts, of loving kindness, like a shadow that never leaves.

I paced up and down behind the Buddha while he paced up and down. While the Dhamma was being taught, knowledge arose in me.

Ānanda’s verses: Theragāthā 1021, 1024-1026 and 1041–1044, trans. P.H.

Th.219 A dwarf, but an arahant of great power

This passage makes clear that physical deformity can go hand-in-hand with great spiritual accomplishment. Then Venerable Bhaddiya the Dwarf approached the Blessed One. The Blessed One saw him coming in the distance and addressed the monks thus, ‘Monks, do you see that monk coming, ugly, unsightly, deformed, despised among the monks?’ ‘Yes, venerable sir.’ ‘Monks, that monk is of great spiritual power and might. It is not easy to find an attainment which that monk has not already attained. …

Geese, herons, and peacocks, elephants, and spotted deer, all are frightened of the lion regardless of their bodies’ size.

In the same way, among human beings the small one endowed with wisdom – he is the one that is truly great, not the fool with a well-built body.

Bhaddi Sutta: Saṃyutta-nikāya II.279, trans. G.A.S.

Great arahant nun disciples

The order of nuns with higher ordination (as bhikkhunī/bhikṣuṇīs) has survived into the present day in China, Taiwan, Korea and Vietnam, though in the Tibetan region women have only been able to take the lower ordination. Both forms of ordination for women died out in Theravāda lands around the thirteenth century, though women with a form of semi-ordained life have continued to exist there. The late twentieth century saw great efforts to revive the Theravāda order of full nuns, with the help of nuns from East Asia. The 1990s saw the order re-established in Sri Lanka, though it will take time before it is accepted by senior monks in all Theravāda countries, as there is debate over whether a revival is possible.

Th.220 The origin of the nuns’ monastic order

This passage recounts how the Buddha first allowed women to ordain as nuns, the request for this coming from Mahā-pajāpatī, his mother’s sister, who had brought him up after his mother died soon after his birth, and she had married his father. There is scholarly debate over the meaning, implications, and historicity of this passage. The ordination of women as Buddhist nuns helped raise the status of women in India.

Then Venerable Ānanda spoke to the Blessed One: ‘Venerable sir, are women competent, if they retire from home life to the homeless one, under the Dhamma and discipline announced by the Tathāgata, to attain the fruit that is stream-entry, to attain to the fruit that is once returning, to attain to the fruit that is non-returning, to attain to arahantship?’

‘Ānanda, women are competent, if they retire from home life to the homeless one, under the Dhamma and discipline announced by the Tathāgata, to attain the fruit that is stream-entry, to attain to the fruit that is once returning, to attain to the fruit that is non-returning, to attain to arahantship.’ ‘Venerable sir, since the women are thus competent, (also) consider, venerable sir, how great a benefactress Mahā-Pajāpatī Gotamī has been. She is the sister of the mother of the Blessed One, and as step-mother, nurse, and giver of milk, she suckled the Blessed One on the death of his mother. Venerable sir, let women retire from the home life to the homeless one, under the Dhamma and discipline announced by the Tathāgata.’

‘Ānanda, if Mahā-Pajāpatī Gotamī will accept eight weighty regulations, let it be reckoned to her as her ordination: (1) A nun of even a hundred years’ standing shall greet respectfully, rise to meet, entreat humbly, and perform all respectful offices for a monk, even if he be but that day admitted to the Sangha. This regulation shall be honoured, esteemed, revered, and worshiped, and is not to be transgressed as long as life shall last. (2) A nun shall not keep residence in a district where there are no monks. This regulation shall be honoured, esteemed, revered, and worshiped, and is not to be transgressed as long as life shall last. (3) On each half-month a nun shall await from the congregation of the monks the appointing of the day for reciting the monastic rules and someone to come and administer the admonition. This regulation shall be honoured, esteemed, revered, and worshiped, and is not to be transgressed as long as life shall last. (4) At the end of residence a nun shall invite criticism in both congregations in regard to what has been seen, or heard, or suspected. This regulation shall be honoured, esteemed, revered, and worshiped, and is not to be transgressed as long as life shall last. (5) If a nun has offended against a weighty rule, she shall undergo penance of half a month toward both the congregations. This regulation shall be honoured, esteemed, revered, and worshiped, and is not to be transgressed as long as life shall last. (6) When a female novice has spent her two years in the practice of the six rules, she shall seek ordination from both the congregations. This regulation shall be honoured, esteemed, revered, and worshiped, and is not to be transgressed as long as life shall last. (7) A nun shall not revile or abuse a monk in any manner. This regulation shall be honoured, esteemed, revered, and worshiped, and is not to be transgressed as long as life shall last. (8) From this day on the nuns shall not be allowed to reprove the monks officially, but the monks shall be allowed to reprove the nuns officially. This regulation shall be honoured, esteemed, revered, and worshiped, and is not to be transgressed as long as life shall last. Ānanda, if Mahā-Pajāpatī Gotamī will accept these eight weighty regulations, let it be reckoned to her as her ordination.’

Then Ānanda … approached Mahā-Pajāpatī Gotamī, having approached, he spoke thus to her: ‘Gotamī, if now you will accept these eight weighty regulations, it shall be reckoned to you as your ordination.’ ‘Venerable Ānanda, just as a woman or a man, youthful, young, and fond of ornament, having bathed his head, and obtained a wreath of blue lotuses, or a wreath of jasmine flowers, or a wreath of atimuttaka flowers, would take it up with both hands, and place it on the head, the noblest part of the body; Venerable Ānanda, in exactly the same way I do take up these eight weighty regulations, not to be transgressed as long as life shall last.’

Then Venerable Ānanda approached the Blessed One; and having approached and greeted the Blessed One, he sat down respectfully at one side. Seated respectfully at one side, Venerable Ānanda spoke thus to the Blessed One: ‘Venerable sir, Mahā-Pajāpatī Gotamī has accepted the eight weighty regulations; the sister of the mother of the Blessed One has been ordained.’

Cullavagga X.3–5: Vinaya II.254–255, trans. G.A.S.

Th.221 Foremost nun disciples and their qualities

Monks, a nun endowed with faith, rightly aspiring, should aspire thus: ‘May I become like the nuns Khemā and Uppalavaṇṇā!’ This is the standard and criterion for my nun disciples, Khemā and Uppalavaṇṇā.

Āyācana-vagga 12, sutta 2: Aṅguttara-nikāya I.88, trans. P.H.

Monks, the foremost of my nun disciples in seniority is Mahā-pajāpatī Gotamī. The other foremost of my nun disciples are: among those with great wisdom, Khemā; among those with psychic potency, Uppalavaṇṇā; among those who uphold the monastic discipline, Paṭācārā; among speakers on Dhamma, Dhammadinnā; among those who practise meditative absorption, Nandā; among those who arouse vigour, Soṇā; among those with the divine eye, Sakulā; among those who quickly attain higher knowledge, Bhaddā Kuṇḍalakesā; among those who recollect past lives, Bhaddā Kāpilānī; among those who attain great supernormal knowledge, Bhaddā Kaccāna;668 among those who wear coarse robes, Kisāgotamī; among those resolved through faith, Sigālamātā.

Etad–agga-vagga: Aṅguttara-nikāya I.25, trans. P.H.

Th.222 Khemā

In this passage, King Pasenadi wishes to visit a renunciant or brahmin, and is in time directed to the nun Khemā:669

‘Now a good report concerning this revered lady has spread about thus: “She is wise, competent, intelligent, learned, a splendid speaker, ingenious.” Let your majesty visit her.’

… [The king goes to her and asks her if it can be said of a Tathāgata that he ‘is’, ‘is not’, ‘both is and is not’ or neither is nor is no’ after death, but she does not accept any of these (see *Th.10 and 20).] ‘What now, revered lady, is the cause and reason why this has not been declared by the Blessed One?’

‘Well, then, Great king, I will question you about this same matter. Answer as you see fit. What do you think, great king … do you have an accountant or calculator or mathematician who can count the water in the great ocean thus: “There are so many gallons of water”, or … “There are so many hundreds of thousands of gallons of water”?’ ‘No, revered lady. For what reason? Because the great ocean is deep, immeasurable, hard to fathom.’

‘So too, great king, that material form by which one describing the Tathāgata might describe him has been abandoned by the Tathāgata, cut off at the root, made like a palm stump, obliterated so that it is no more subject to future arising. The Tathāgata, great king, is liberated from reckoning in terms of material form; he is deep, immeasurable, hard to fathom like the great ocean. [Hence the four above options on the Tathāgata after death do not apply; the same is then said replacing ‘material form’ by each of feeling, perception, the volitional activities, and consciousness. The king later asks the same question of the Buddha and receives exactly the same reply, as in *Th.10].

Khemā Sutta: Saṃyutta-nikāya IV.374–377, trans. P.H.

Th.223 Uppalavaṇṇā

Uppalavaṇṇā was very beautiful and sought in marriage by many before her ordination.

‘Having seen the peril in sensual pleasures, and renunciation as a form security, I myself went forth at Rājagaha from the house into the homeless state.

I know that I have lived before, the divine eye has been purified; and there is knowledge of the state of mind (of others); the (divine) ear-element has been purified;

Spernormal power too has been realized by me; I have attained destruction of the intoxicating inclinations: (these) six supernormal knowledges have been realized by me; the Buddha’s teaching has been done.

Having fashioned a four-horse chariot by supernormal power, having paid homage at the Buddha’s feet, the glorious protector of the word, I (stood on one side).’

(Māra:) … ‘you stand there alone at the foot of the tree; you have not even any companion; O child, are you not afraid of rogues?’

‘Even if 100,000 rogues like you were to come together, I should not move a hair’s breadth, I should not even shake. What will you alone do to me, Māra?’

Uppalavaṇṇā’s verses: Therīgāthā, 226–231, trans. P.H.

Th.224 A woman goes beyond her grief for her dead daughter and becomes an arahant

In these verses, a now awakened nun recalls how she had grieved at the death of her daughter, but the Buddha had said that she had grieved for many daughters in past lives, helping her to remove the ‘dart’ of grief and turn to the path of Buddhist practice.

‘In the wood you cry out: “O Jīva”. Ubbirī, understand yourself. 84,000 (daughters), all with the name Jīva, have been burned in this funeral fire. Which of these do you grieve for?’

‘Truly he has plucked out my dart, hard to see, nestling in my heart, which grief for my daughter he has thrust away for me, overcome by grief.

Today that (same) I have my dart plucked out; I am without hunger, quenched. I go to the awakened sage, the Dhamma and the Sangha as a refuge.’

Ubbirī’s verses: Therīgāthā 51–53,trans. G.A.S.

Th.225 A woman rejected by three husbands becomes a nun, and then an arahant

These verses paint a graphic picture of a woman rejected by three husbands and then ordaining as a nun who becomes awakened. In verses continuing from the ones below, she attributes her difficulties with her husbands to karma from a bad action seven lives ago: as a man, he had sex with the wife of another man. The karmic results of this were: rebirth in hell, then in turn as three animals who were castrated – a monkey, a goat and a calf – then as a hermaphrodite human slave, then as a poor girl taken as a second wife, then her final life as a woman rejected by her husbands. The verses thus illustrate the working of karma, sex-change across rebirths, and the ability to go beyond karmic limitations.

In the flower-named city, Pāṭaliputta, in the best part of the earth, there were two nuns, members of the Sakya clan, possessed of good qualities.

One of them called Isidāsī, the other called Bodhī, both possessed of ethical discipline, delighting in meditation and study, having great learning, with defilements shaken off.

Having wandered for alms, having made their meals, with washed bowls, seated happily in a lonely place, they uttered these words:

‘Noble Isidāsī, you are lovely, your youth has not yet faded. Having seen what fault are you then intent on renunciation?’

Thus being asked, Isidāsī in the lonely place, proficient in teaching the Dhamma, spoke this utterance: ‘Bodhī, listen to how I went forth.

In Ujjenī, best of cities, my father was a merchant, restrained by virtuous conduct. I was his only daughter, dear, and charming, and beloved.

Then from Sāketa came men, belonging to a most noble family, to woo me; a merchant with many jewels sent them. To him my father gave me as a daughter-in-law.

Approaching morning and evening I did obeisance with my head to my father-in-law and mother-in-law. I paid homage at their feet, as I had been instructed.

Having seen my husband’s sisters, or his brothers, or his retinue, even my one and only beloved, I trembled and gave them a seat.

I gratified them with food and drink and hard food and what was stored there. I brought it forth and gave what was fitting to each.

Arising in good time I went to my lord’s house. Having washed my hands and feet, upon the threshold I approached my husband, with cupped hands.

Taking a comb, decorations, collyrium, and a mirror, I myself adorned my lord, like a servant-girl.

I myself prepared the rice-gruel. I myself washed the bowl. As a mother her only son, so I looked after my husband.

My husband offended against me, who in this way had shown him devotion, an affectionate servant, with humbled pride, an early riser, not lazy, virtuous.

He said this to his mother and father: “Having taken leave I shall go. I shall not be able to live together with Isidāsī in one house.”

“Son, do not speak thus. Isidāsī is learned, clever, an early riser, not lazy. Son, why does she not please you?”

“She does me no harm, but I shall not live with Isidāsī; to me she is just odious. I have had enough; having taken leave, I shall go.”

Hearing his utterance my father-in-law and mother-in-law asked me: “What offence has been committed by you? Speak confidently how it really was.”

“I have not offended at all. I have not harmed him. I have not said any evil utterance. What can be done when my husband hates me?”

Downcast, overcome by suffering, they led me back to my father’s house, saying: “While keeping our son safe, we have lost the goddess of beauty incarnate.”

Then my father gave me to the household of a second rich man, belonging to a noble family, for half the bride-price for which the merchant had taken me.

In his house too I lived a month, then he too rejected me, although serving him like a slave-girl, not harming him, possessed of ethical discipline.

And my father spoke to one wandering for alms, a tamer of others and self-tamed: “Be my son-in-law; throw down your cloth and pot.”

He too, having lived with me for a fortnight, then said to my father: “Give me my cloth and pot and cup; I shall beg for alms again.”

Then my father, mother, and all the group of my relatives said to him: “What has not been done for you here? Say quickly, what may be done for you.”

Thus spoken to, he said: “Even if I myself were honoured, I have had enough; I shall not be able to live together with Isidāsī in one house.”

Allowed to go, he departed. I for my part, all alone, thought: “Having asked leave, I shall go to die, or I shall go forth (as a nun).”

Then the noble lady Jinadattā, expert in the discipline, having great learning, possessed of ethical discipline, on her begging round, came to my father’s house. ...

Having completely satisfied her with food and drink and hard food and what was stored there, I said: “Noble lady, I wish to go forth.”

Then my father said to me: “Child, practise the Dhamma in this very place; with food and drink satisfy renunciants and twice-born brahmins.”

Then I said to my father, lamenting, having cupped my hands: “Evil indeed was the action (of a past life) done by me. I shall destroy it”

Then my father said to me: “Attain awakening and the highest state, and obtain nirvana, which the best of humans realized.”

Having saluted my mother and father, and all the group of my relatives, when I had gone forth for seven days I attained the three knowledges.

Isidāsī’s verses: Therīgāthā 400–433, trans. G.A.S.

Great laymen and laywomen disciples

Th.226 Can laypeople be arahants?

It is notable that even the foremost lay disciples are at most described as non-returners, and as celibate but not ordained. While it is seen as possible for a layperson to attain arahantship, it came to be held that their lay status would then have to be changed immediately.

Unequal (to arahantship), sire, are the attributes of a householder. The attributes being unequal, it is owing to the weakness of his attributes that a householder who has attained arahantship either goes forth (as a monastic) or attains final nirvana (at death) that very day. This is not a defect in arahantship, sire, this is a defect in the householder’s attributes, namely their weakness. It is, sire, like the food that guards the life-span and protects the life of all beings, yet carries away the life of him whose stomach is out of order and has a sluggish and weak digestion, because it is not properly digested. This, sire, is not a defect in the food, this is a defect in the stomach, namely a weakness in its heat.

Milindapañha 265, trans. P.H.

Th.227 Foremost laymen disciples and their qualities

Monks, a male lay follower endowed with faith, rightly aspiring, should aspire thus: ‘May I become like Citta the householder and Hatthaka Āḷavī!’ This is the standard and criterion for my laymen disciples, Citta the householder and Hatthaka Āḷavī.

Āyācana-vagga 12, sutta 3: Aṅguttara-nikāya I.88, trans. P.H.

Monks, the foremost of my laymen disciples in being first to go for refuge are the merchants Tapussa and Bhallika. The foremost of my laymen disciples are: among donors, the householder Sudatta Anāthapiṇḍika; among speakers on Dhamma, the householder Citta of Macchikāsaṇḍa; among those who make use of the four means of drawing others together harmoniously and sustaining a retinue, Hatthaka of Āḷavī; among those who give what is excellent, Mahānāma the Sakyan; among those who give what is agreeable, the householder Ugga of Vesālī; among attendants of the Sangha, the householder Uggata; among those with unwavering confidence, Sūra Ambaṭṭha; among those with confidence in persons, Jīvaka Komārabhacca; among those who have trust, the householder Nakulapitā.

Etad–agga-vagga: Aṅguttara-nikāya I.26, trans. P.H.

Th.228 Citta the householder670

Citta, one of the two lay disciples that the Buddha urged other lay disciples to emulate, has a section of the Saṃyutta-nikāya dedicated to him (IV.281–304). He is portrayed as often having deep discussions with monks, in which he asks probing questions on deep matters, or is asked such questions by monks. He was a non-returner (IV.301) who, on his death-bed, when gods urged him to become a Wheel-turning monarch in his next life, said he was beyond such impermanent things, and taught the gods to have firm confidence in the Buddha, Dhamma and Sangha (IV.302–04). In the following passage, he is in conversation with Nigaṇṭha Nāṭaputta, otherwise known as Mahāvīra, the leader of Jainism at the time of the Buddha.

Nigaṇṭha Nāṭaputta then said to him, ‘Householder, do you have faith in the renunciant Gotama when he says, “There is a meditative concentration without thought and examination, there is a cessation of thought and examination.”’ (Citta:) ‘In this matter, venerable sir, I do not go by faith in the Blessed One … .’

When this was said, Nigaṇṭha Nāṭaputta looked up proudly towards his own retinue and said, ‘… One who thinks that thought and examination can be stopped might imagine he could catch the wind in a net or arrest the current of the river Ganges in his own fist.’

(Citta:) ‘What do you think, venerable sir, which is superior: knowledge or faith?’ ‘Knowledge, householder, is superior to faith.’ ‘Well, venerable sir, to whatever extent I wish, secluded from sensual pleasures, secluded from unwholesome states, I enter and dwell in the first meditative absorption, which is accompanied by thought and examination, with joy and easeful pleasure born of seclusion. Then, to whatever extent I wish, with the subsiding of thought and examination, I enter and dwell in the second meditative absorption … the third meditative absorption … the fourth meditative absorption. Since I know and see this, venerable sir, in what other, renunciant or brahmin, need I place faith regarding the claim that there is a meditative concentration without thought and examination, a cessation of thought and examination?’

Nigaṇṭha Sutta: Saṃyutta-nikāya IV.298, trans. P.H.

Th.229 Hatthaka of Āḷavī

Hatthaka, one of the two lay disciples that the Buddha urged other lay disciples to emulate, ‘could never get enough of seeing the Blessed One, hearing the good Dhamma and attending on the Sangha’, being a non-returner who, when reborn in a heavenly realm, taught Dhamma to many gods (Aṅguttara-nikāya I 279).

On one occasion, the Blessed One was dwelling at Āḷavī at the Aggāḷava shrine. Then Hatthaka of Āḷavī, accompanied by five hundred lay followers, approached the Blessed One, paid respect to him, and sat down to one side. The Blessed One then said, ‘Your retinue is large, Hatthaka. How do you sustain this large retinue?’

‘I do so, venerable sir, by the four means of drawing together harmoniously taught by the Blessed One. When I know, “This one is to be drawn by giving”, I draw him by giving. When I know, “This one is to be drawn by endearing speech”, I draw him by endearing speech. When I know, “This one is to be drawn by helpful conduct”, I draw him by helpful conduct. When I know, “This one is to be drawn by impartiality”, I draw him by impartiality. There is wealth in my family, venerable sir. They don’t think they should listen to me as if I were poor.’ ‘Good, good, Hatthaka! This is the method by which you can sustain a large retinue ….’

… [After the Buddha taught Hatthaka Dhamma, and he had left] the Blessed One addressed the monks, ‘Monks, you should remember Hatthaka of Āḷavī as one endowed with eight astounding and amazing qualities. What eight? He has faith; he has ethical discipline, and has sense of moral integrity and concern for consequences; he is learned, generous and wise; he has few desires (e.g. not wanting his inner good qualities known by others)….’

Hatthaka Sutta: Aṅguttara-nikāya IV.218–220, trans. P.H.

Th.230 Foremost laywomen disciples and their qualities

Monks a female lay follower endowed with faith, rightly aspiring, should aspire thus: ‘May I become like Khujjuttarā and Veḷukaṇṭakī (or Uttarā) Nandamātā!’ This is the standard and criterion for my laywomen disciples, Khujjuttarā and Veḷukaṇṭakī Nandamātā.

Āyācana-vagga 12, Sutta 4: Aṅguttara-nikāya I.88, trans. P.H.

Monks, the foremost of my laywomen disciples in being first to go for refuge is Sujātā, daughter of Senānī. The foremost of my laywomen disciples are: among donors, Visākhā Migāramātā; among those who are learned, Khujjuttarā; among those who dwell in loving kindness, Sāmāvatī; among those who practise meditative absorption, Uttarā Nandamātā; among those who give what is excellent, Suppavāsā the Koliyan daughter; among those who attend on the sick, the laywoman Suppiyā; among those of unwavering confidence, Kātiyānī; among those who are intimate (i.e. an intimate companion with her husband Nakulapitā), the housewife Nakulamātā; among those whose confidence is based on hearsay, the laywoman Kāḷī of Kuraraghara.

Etad–agga-vagga: Aṅguttara-nikāya I.26, trans. P.H.

Th.231 Khujjuttarā and Veḷukaṇṭakī Nandamātā

Of these two laywomen disciples praised by the Buddha, the first is said in the Itivuttaka commentary to have been the person who heard, remembered, and passed on the discourses in this 124 page text, and the Milindapañha (pp.78–79) says she could remember some of her past lives. The second is one who is praised by Sāriputta for being one who converses with gods, one of which praises her for chanting the Pārāyana, a 23-page section of the Sutta-nipāta. She retained her equanimity when her son was wrongly arrested, then executed and when her dead husband appeared to her. She was completely faithful to her husband, even in thought. Her other ‘astounding and amazing’ qualities were that:

Since I declared myself a lay follower, I don’t recall ever intentionally transgressing any training rule (of ethics). … For as much as I want, secluded from sensual pleasures, secluded from unwholesome states of mind, I enter and dwell in the first … second … third … fourth meditative absorption … . Of the five lower fetters taught by the Blessed One, I do not see any that I have not abandoned (hence, she was a non-returner).

Nandamātā Sutta: Aṅguttara-nikāya IV.66–67, trans. P.H.



MAHĀYĀNA

Great monastic disciples

M.165 Kāśyapa understands the Buddha’s wordless teaching and becomes his successor

This passage is a kind of foundation legend for the Chan/Zen school, as it traces its inspiration back to the disciple Kāśyapa (Pāli Kassapa: see *Th.155, 212 and 217) and his understanding of the Buddha’s wordless teaching.

The Blessed One holds up a flower: Once, when the Blessed One was staying on Vultures’ Peak, he held up a flower to show to those who were assembled there. Everyone was silent except for the Venerable Kāśyapa, who broke into a smile. The Blessed One said, ‘I possess the treasury of the eye of the true Dharma, and the wondrous mind of nirvana, the true formless form, and the doorway into the subtle, wondrous Dharma, the unwritten teaching which is transmitted separately. I entrust this to Mahā-kāśyapa.’

‘The Gateless Gate’/Chan Zong Wumen Guan, Taishō vol.48, text 2005, p.293c12–16, trans. from Chinese by D.S.

M.166 Ānanda

In this passage, Ānanda, the Buddha’s attendant monk who also memorised his teachings, is given the task of passing on the perfection of wisdom teachings, which will continue the Buddha’s presence in the world.

The Blessed One then said to the Venerable Ānanda, … ‘Ānanda, this is my instruction to you. In this perfection of wisdom, the knowledge of omniscience will be brought to perfection. What do you think, Ānanda, is the Tathāgata your teacher?’ Ānanda said, ‘He is my teacher, Blessed One. He is my teacher, Fortunate One.’

The Blessed One then said to the Venerable Ānanda, ‘The Tathāgata is your teacher, Ānanda. You have taken care of me, Ānanda, with beautiful physical acts of loving kindness, beautiful words of loving kindness, and beautiful thoughts of loving kindness. Ānanda, you have looked after me, shown me affection and faith, and paid reverence to me now in this body. You should treat the perfection of wisdom in the same way when I am gone. A second time, Ānanda, and a third, I entrust this perfection of wisdom to you so that it is not lost. There is no-one better suited to this task. As long as this perfection of wisdom exists in the world, Ānanda, it can be said that the Tathāgata remains, and teaches the Dharma. Living beings, Ānanda, will still be able to see the Buddha, hear the Dharma, and be in the presence of the Sangha. Those living beings who hear this perfection of wisdom, remember it, recite it, study it, spread it, teach it, explain it, elucidate it, repeat it, write it down, and honour, revere, venerate, worship, adore, and pay homage to it with flowers, incense, scents, garlands, perfumes, sandalwood powder, robes, parasols, banners, bells, flags, strings of lamps, and many other kinds of offerings – they will be close to the Tathāgata, they will be in the sphere of the Tathāgata.’

This is what the Blessed One said. The bodhisattvas, the great beings, led by Maitreya, along with the Venerable Subhūti, the Venerable Śāriputra, the Venerable Ānanda, Śakra, the Chief of the Gods, and the entire world with its gods, human beings, demi-gods, garuḍas, and gandharvas rejoiced at the Blessed One’s words.

Aṣṭasahāsrikā Prajñāpāramitā Sūtra, ch.28 trans. from Sanskrit by D.S.

M.167 Huineng becomes the sixth patriarch of Chan/Zen

This passage gives the story of how Huineng (638–713), a young man of humble background, became the sixth patriarch of Chan Buddhism. While most people in the fifth patriarch’s monastic community expected the head monk to become his successor, his understanding was not yet deep enough, as he still held that the mind needed to be purified. Huineng showed his deeper insight by seeing that in its Buddha-nature, the mind is already pure, and it is only limited thinking that blocks awareness of this. After he expressed this in a verse, the fifth patriarch recognized him as his successor, and urged him to leave the community lest any small-minded supporter of the head monk might harm him.

The great master spoke to the assembly. ‘Spiritual friends, awakening is your own nature, primordially pure. You need only employ this mind and you will attain Buddhahood straight away. Spiritual friends, listen to me. Practise in this way and you will get to the meaning of the Dharma.

My father was originally from Fàn Yáng, but he was banished to Lǐngnán and worked as a commoner in Xīn Prefecture. Unfortunately, he died young. My old mother was left alone, and we moved to Nán Hǎi where we suffered hardship and poverty. I sold firewood in the market, and one day a traveller bought some from me and asked me to deliver it to the inn where he was staying. I was happy to have earned some money. When I left I saw another traveller who was reciting a sūtra outside the door. I heard some of the words of the sūtra, and my mind opened into awakening. I asked the traveller what sūtra he was reciting, and he said, “The Diamond Sūtra671”. I then asked him where he had come from, and where he had learned this sūtra.

He replied, “I have come from the Eastern Chan Temple in Huáng Méi County, in Qí Prefecture. The Fifth Patriarch, who is a great and patient master, is the abbot of this temple, and has more than a thousand disciples. I paid homage to him, listened to him, and received this sūtra. The master constantly urges both the monastic sangha and the laity to learn the Diamond Sūtra. If one does so, one will be able to see one’s own nature directly, and attain Buddhahood.”

I decided to leave for Huáng Méi to pay homage to the Fifth Patriarch. I made sure that my old mother had enough clothes and food, and a place to stay. I then bade her farewell, and after thirty days I arrived in Huáng Méi and paid homage to the Fifth Patriarch.

The Patriarch asked me, “Where are you from? What do you want?” I replied, “I am from Lǐngnán, a commoner from Xīn Prefecture. I have come a long way to pay homage to the master. My only desire is to attain Buddhahood. There is nothing else I desire.”

The Patriarch said, “If you’re from Lǐngnán then you’re a barbarian. How can you attain Buddhahood?” I said, “Although someone may be from the south or from the north, their fundamental Buddha-nature is not from the south or the north. A barbarian and a Dharma teacher may be different in appearance, but what difference is there in their Buddha-nature?”

The Fifth Patriarch wanted to say more, but seeing that we were surrounded by his disciples, he instructed me to work with his disciples. I said, “Allow me to explain, teacher. Wisdom often arises in the mind of a disciple. This is nothing other than his own nature, which is a field of karmic benefit. In the end, if one examines the teacher’s instructions, what work is there to be done?”

The Patriarch said, “This barbarian is very sharp. Do not say any more. Go to the threshing room.” I retreated to the courtyard. A practitioner sent me to the threshing room, where I spent more than eight months working the foot pestle.

One day, the Patriarch suddenly said to me, “I think your insight could be useful to others, but I’m concerned that evil people might harm you. I will not, therefore, command you to speak. You may refuse to do so.” I said, “The disciple understands what the master means. I do not dare to stand at the front of the hall, in case this may cause anyone to fail to attain awakening.”

One day, the Patriarch asked all of his students to assemble. “Allow me to address you. For worldly people, saṃsāra is of vital importance. You lot spend all your time just trying to get karmic benefit for yourselves, and not trying to escape from saṃsāra, the ocean of suffering. If you are obsessed with karmic benefit, how can you be rescued? I want you each to go and look for wisdom. Get hold of your fundamental mind, which is the essence of wisdom. You are each to go and write a verse and present it to me. If any of you have realised the profound meaning, I will give you the robe and the Dharma, and make you the Sixth Patriarch. Hurry now – this is no time for laziness! Thinking about it isn’t going to help you. Anyone who is able to gain insight into their own nature will do so as soon as they hear these words. If there is anyone here who is able to do this, they will be able to do it even sitting on top of a ring of knives.”

The disciples withdrew. They said to each other, “There are a lot of us. We don’t all need to purify our minds in order to compose a verse. What’s the point of presenting a verse to the Patriarch? The Elder Shén Xiù is our teacher, he will certainly be able to manage it. Indeed, it would be disrespectful if we were to write our own verses. It would be a waste of effort.” When the other disciples heard them speaking in this way, they were relieved. They all said, “We already rely on Shén Xiù as our teacher. Why go to the trouble of writing our own verses?”

‘Shén Xiù reflected, “None of those who look to me as their teacher are going to present a verse. I must write a verse to present to the Patriarch. If I do not present a verse, how will the Patriarch know whether my insight is profound or shallow? If I present a verse with the intention of seeking the Dharma, this is wholesome. However, if I do so with the intention of becoming the next Patriarch, this is unwholesome. That would be like an ordinary person seeking to usurp a sacred office. On the other hand, if I don’t present a verse, I won’t be able to obtain the Dharma. How difficult! How difficult!”

In front of the Fifth Patriarch’s hall, there was a corridor with three sections. He had commissioned the artist Lú Zhēn to paint images from the Laṅkāvatāra Sūtra,672 and the lineage of the Fifth Patriarch, which would be of benefit to future generations. When Shén Xiù had successfully composed his verse, he made several attempts to go to the hall to present it. But each time, his mind would suddenly become confused, he would break out in a sweat all over his body, and not be able to do it. He tried again after four days, and again, he couldn’t do it. After thirteen attempts, he thought, “Perhaps it would be best to write the verse in the corridor for the Patriarch to read. If he says that it is in accordance with the path, I will come forward, pay homage, and say, ‘This is the work of Shén Xiù’. If he says that it is not, then the years I have spent in the mountains will have been in vain. I will have accepted homage, but what path will I have been practising?”

In the third watch of the night, at around midnight, he took a lamp and went in secret to write his verse on the wall of one of the sections of the corridor, to present the insight he had gained. His verse was as follows:

The body is the bodhi tree.

The mind is like a stand for a clear mirror.

We must polish it constantly,

never allowing the dust to gather.

When Shén Xiù had written his verse, he returned to his room. No-one knew what he had done. He reflected, “If the Fifth Patriarch is happy when he sees my verse tomorrow, then I will be able to give the Dharma to others. If he says that it is not good, that will mean I am overwhelmed by the effects of my previous unwholesome actions, and that I will not be able to realise the Dharma. The profound truth is difficult to fathom.” In his room he reflected restlessly in this way, and was not able to sit or lie down in peace.

In the early morning, the Patriarch saw that Shén Xiù had not entered the door of the Dharma, and that he had not yet attained realisation and insight into his own nature. At dawn he summoned Lú Zhēn. “I have commissioned you to paint some scenes in the corridor outside the southern hall. Now, however, I see this verse written there. It should be left there, so there is no need for your paintings. I am sorry you have come so far for nothing. In the Diamond Sūtra it says, ‘All appearances are illusory’. Let us leave this verse here and have people learn and recite it. Those who rely upon this verse will not fall into states of misfortune. It will be of great benefit to them.” He had his disciples burn incense in front of the verse, and pay homage to it. He said, “If you recite this verse constantly, you will gain insight into your own nature.” The disciples recited the verse, and all exclaimed, “Excellent!”

In the third watch of the night, at around midnight, the Patriarch asked Shén Xiù to come to the hall and asked him, “Is this verse your work or not?” Shén Xiù replied, “Indeed it is, but I do not dare to request the robe and the office of the Patriarch. I would ask you to show compassion for your disciple, and tell me whether or not I have attained some small measure of wisdom.”

The Patriarch replied, “You have not attained insight into your fundamental nature. You have reached the door, but you have not passed through it. If people seek unsurpassed awakening by following your verse, they will not attain it. To attain unsurpassed awakening, you must understand your fundamental mind, and see that your fundamental nature is unarisen and unceasing. You should bear this view in mind at all times. The great countless mass of phenomena is unobstructed. Each one is real, and all are real. The great countless mass of worlds are as they are, and the mind – as it is – is reality. Seeing things in this way is the nature of unsurpassed perfect awakening. Go and reflect on this for a day or two and compose another verse. I will read your verse, and if you have passed through the door, then I will give you the robe and the Dharma.” Shén Xiù paid homage and left. After several days had passed, he was still not able to compose a new verse. His mind was confused, and his thoughts were restless. Whether walking or sitting, he was not able to find contentment.

A couple of days later, one of the disciples passed by the threshing room reciting the verse (of Shén Xiù). As soon as I heard it, I knew that whoever had composed it had not attained insight into their fundamental nature and that, whilst they were not ignorant of the teachings, they had not yet understood the profound meaning. I asked this disciple, “What’s that verse you’re reciting?”.

He replied, “Don’t you know, barbarian? The Master has said that for worldly people, saṃsāra is of vital importance, and that anyone who wishes to receive the transmission of the robe and the Dharma is to write a verse. If there is anyone who has realised the profound meaning, then they will receive the robe and the Dharma and become the Sixth Patriarch. The Elder Shén Xiù wrote a verse on freedom from characteristics on the wall of the southern corridor, and the Master had everyone recite it. By practising the teaching contained in this verse, one will avoid falling into states of misfortune, and it will bring one great benefit.”

I said, “I would also like to recite this verse, to ensure that I have the necessary conditions for attaining a good rebirth. I have been working the foot pestle, and I have not yet been to the hall. Would you be so kind as to show me this verse, so that I can pay homage to it?” He showed me where it was, and I said, “I cannot read. Would you read it aloud for me?” At that time, Rìyòng Zhāng, an official from Jiāng Prefecture happened to be there, and he read the verse aloud. When I had listened to it, I said, “I too have a verse. Would you be so kind as to write it on the wall for me?” The official said, “You have composed a verse as well? How odd.”

I said to the official, “If you want to train yourself in unsurpassed perfect awakening, you should not make light of those who are beginning their training. The lowest of people can possess the highest wisdom, and the highest of people may have no understanding whatsoever. Making light of others is boundlessly, immeasurably unwholesome.”

The official said, “Recite your verse and I’ll write it on the wall for you. But if you attain the Dharma, you have to teach me first. Don’t forget that!” I then recited my verse:

Bodhi fundamentally has no tree

and the clear mirror has no stand.

Fundamentally, nothing comes into being.

Where can dust gather?

When the official had written this verse on the wall, all the disciples were shocked, and gasped in amazement. They all said to each other, “Incredible! You can’t judge people on their appearance. All this time, he was a living bodhisattva!”

When the Patriarch saw everyone’s amazement he was afraid that they would do me harm, so he rubbed out the verse with his shoe and said, “This person has not attained insight into their nature either.” Everyone accepted this.

The next day the Patriarch came to the threshing room in secret and saw me pounding rice with a rock at my waist. He said, “Someone who seeks the path would even give up their body for the Dharma. Are you this kind of person?” He then asked, “Is the rice ripe or not?” I replied, “The rice has been ripe for a long time. It just needs to be sifted.” The Patriarch struck the pestle three times with his staff, and left. I understood that this was a signal that I was to go and see him in the third watch of the night, at midnight.

The Patriarch kept his outer robe hidden away where no-one could see it. He explained the Diamond Sūtra to me, and when he got to “a bodhisattva should cultivate a mind which is not based on anything at all”, I attained great awakening, and realised that the great countless mass of phenomena are not separate from my own nature.

I revealed my awakening to the Patriarch by saying, “One’s own nature is always fundamentally and naturally pure. One’s own nature is always fundamentally and naturally unarisen and unceasing. One’s own nature is always fundamentally and naturally complete. One’s own nature is always fundamentally and naturally unmoving. The great countless mass of phenomena can always arise from one’s own nature.”

The Patriarch then knew that I had realised my own fundamental nature, and said to me, “If you do not know your fundamental mind, there is no point in training yourself in the Dharma. If you know your own fundamental mind, then you will gain insight into your fundamental nature. This is what it means to be a teacher of gods and human beings, a Buddha.”

In the third watch of the night, I received the Dharma without anyone else’s knowledge. The Patriarch passed on the sudden teaching to me, as well as the robe and bowl. “You are now the Sixth Patriarch. Maintain your mindfulness, and spread the teaching widely. Do not allow the transmission to be broken. Listen to this verse:

Living beings sow seeds,

and because there is earth, fruit arises.

Inanimate objects have no seeds,

no nature, and no arising.”

The Patriarch continued, “When the great master Bodhidharma673 first came here, people did not have faith, so he passed on this robe as an embodiment of faith. It has been passed on from master to disciple. The Dharma is transmitted from mind to mind. The mind must always attain its own realisation, its own liberation. From ancient times, the buddhas have only passed on the fundamental essence, whilst the masters have secretly transmitted the fundamental mind. The robe has become a source of conflict, and you should not pass it on. If you do, your life will hang by a thread. Go quickly! I am afraid that someone will harm you.”

I replied, “Where should I go?” The Patriarch said, “When you encounter cherishing, you should stop. When you come across a group of people, you should hide.”

In the third watch of the night, I received the robe and bowl and said, “I am originally from the south, I do not know these mountain roads. How do I get to the mouth of the river?” The Fifth Patriarch said, “Do not worry. I will accompany you.” The Patriarch accompanied me as far as the ninth post-house on the river, where we got into a boat. The Fifth Patriarch took the oars and began to row. I said, “Please, Teacher, come over here. The disciple should do the rowing.” The Patriarch said, “I should take you over to the other side.”

I said, “When your mind is confused, you believe that the teacher takes you over to the other side.674 When you have attained realisation, you see that you take yourself across. The words ‘take across’ are used in different ways. I was born in a faraway place, and my pronunciation is not correct. I have received the Dharma from you, Master, and attained realisation. My own nature itself has been taken across.”

The Patriarch said, “Exactly. Exactly. In the future, the Buddha-Dharma will spread widely because of you. Three years after your departure, I will pass away. You should go now. Try your best to go south. Don’t be in a hurry to start teaching. It is difficult to establish the Buddha-Dharma.”

I took my leave of the Patriarch, and headed south.’

‘The Platform Sūtra’/Liuzi-tan jing, Taishō vol.48, text 2008, pp.347c28–349b14, trans. from Chinese by D.S.

Great lay disciples

M.168 The lay bodhisattva Vimalakīrti

This passage describes a famous lay bodhisattva (as e.g. in *M.10, 113, 127, 136, 141) who is portrayed as wiser than many eminent monks, and who lives in the world without attachment to it, in order to guide all (including encouraging people to ordain as monks or nuns). An example of great female lay disciple is Queen Śrīmāla, as in passage *M.33.

At that time, there was a Licchavi by the name of Vimalakīrti living in the great city of Vaiśālī. He had served the Victorious Ones of the past, cultivated wholesome roots, and paid reverence to many Buddhas. He had attained patient acceptance (of challenging realities and teachings), and easily mastered the great higher knowledges. He had mastered the dhāraṇīs675 and achieved complete self-confidence. He had defeated his opponent, Māra, and entered into the profound Dharma. The perfection of wisdom had arisen in him, and he was adept at applying skill in means. He possessed great eloquence, and skilfully understood the attitudes and the behaviour of living beings. He understood the kinds of faculties they possessed, and taught them the Dharma according to their abilities. He applied himself with determination and great effort. He had thoroughly investigated the Mahāyāna, and was accomplished in it. He conducted himself like a Buddha, and his outstanding intellect was like the ocean (in its depth and vastness). The Buddhas all sang his praises, and he was honoured by Indra, Brahmā, and all of the protectors of the world. In order to bring living beings to maturity through his skill in means, he dwelt in the great city of Vaiśālī.

He possessed limitless riches, so that he could attract poor living beings who had no-one to protect them. His ethical discipline was completely pure, so that he could attract those of bad conduct. He had attained patience and self-control, so that he could attract corrupt, wicked, wretched beings whose minds were filled with anger. He was iridescent with vigour, so that he could attract lethargic beings. His meditation, mindfulness, and meditative concentration were firm, so that he could attract scatter-brained beings. His wisdom was firmly established, so that he could attract beings who lacked wisdom.

He wore pure white clothes,676 but he conducted himself like a perfect renunciant. He dwelt in a house, but was not involved with the realm of sensual desire, the realm of pure form, or the formless realm. He appeared to have wives and sons, but he always maintained celibacy. He appeared to be surrounded by an entourage, but he always maintained a life of seclusion. He appeared to be adorned with jewellery, but he always possessed the bodily marks of a Buddha. He appeared to live a life of indulgence in eating and drinking, but he always obtained his nourishment from meditation. He appeared to be greatly fond of gambling at all the gambling-houses, but he always practised vigilance, and worked to bring living beings to maturity. He kept company with non-Buddhists, but in his intentions he was never separated from the Buddha. He was learned in the worldly and transcendental scriptures of the non-Buddhists, but always delighted in the pleasures of the Dharma. He was part of society in every way, but received the highest forms of worship wherever he went.

He kept company with the elderly, the middle-aged, and the young, in order to conform to worldly life, but he always spoke in accordance with the Dharma. He was involved in all kinds of trade and commerce, but he had no interest in profit or gain. He would appear at every crossroads and on every street corner in order to encourage good conduct amongst all living beings, and he involved himself in the affairs of state in order to protect them. He appeared amongst all the people who taught and listened to the Dharma, so that they might sever their ties to the Lesser Vehicle,677 and commit themselves to the Great Vehicle (Mahāyāna). He visited all the schools, in order to bring the children to maturity. He went to all the brothels, in order to demonstrate the harmful effects of sensual desire. He went to all the ale-houses, in order to help the people there to apply mindfulness and clear comprehension. He was accepted as a merchant by merchants because he proclaimed the supreme Dharma.678 He was accepted as a householder by householders because he remained aloof from attachment and grasping. He was accepted as a warrior by warriors because his patient acceptance, gentleness and power were firmly established. …

In this way, the Licchavi Vimalakīrti, who possessed vigilance, skill in means, and knowledge, lived in the great city of Vaiśālī.

Vimalakīrti-nirdeśa Sūtra, ch.2, sections 1–6, trans. from Sanskrit by D.S.



VAJRĀYĀNA

The great accomplished ones

The six passages below are mostly selected from ‘Lives of the Eighty-four Mahāsiddhas’, a collection of life stories illustrating the practice of Vajrayāna Buddhism. These eighty-four ‘great accomplished ones’ lived in India between the eighth and twelfth centuries. Leading unconventional lives, they were remarkable men and women who attained the accomplishments (siddhi) of both supernormal powers and the supramundane state of awakening by disregarding convention and penetrating to the core of reality. Every one of them gained their accomplishments in their own unique way, turning their individual lives into the path to awakening. The final story concerns Tsongkhapa (1357–1419), spiritual founder of the Gelukpa school of Tibetan Buddhism.

V.86 The Life of Guru Lūyipa

This Mahāsiddha is noted for overcoming his pride in his royal background.

Lūyipa received his name because he fed on fish-guts. This is how the story goes: There was a king of Sri Lanka, whose power was equal to that of Vaiśravaṇa, the Wealthy Emperor of the Northern Continent. His royal palace was decorated all over with jewels, pearls, gold, silver, and other precious material. He had three sons. A while after he died, astrologers were asked which one of the princes was to inherit the kingdom. They made their calculations and said: ‘If the middle prince ascends to power, the kingdom will be strong, the people happy, and there will be many other benefits.’ So, the father’s dominion was given over to the middle prince. He was enthroned into royal power by his two brothers and the whole people, but he did not want to be king679 and attempted escape. His two brothers and subjects caught him and bound him in golden chains. The prince gave all his attendants and prison-guards tokens of gold and silver to let him go free. At night, he donned patched garments and escaped from the palace. He found an escort, bribed him with gold, and journeyed to Rāmeśvaram, King Rāmala’s country. Having abandoned his seat of silk brocade, he laid out an antelope-skin680 to sit on; having given up his royal throne, now he slept in ashes.681

The prince was so pleasingly shaped and good-looking that he was constantly provided with alms, so he never had to go without food or drink. Later he went to the Vajrāsana (Diamond seat), where the Buddha Śākyamuni had attained awakening, and was given kind welcome there by a ḍākinī,682 who gave him instructions. From there he went to the royal capital, Pātaliputra, and stayed there, subsisting on the food he was given by the people and sleeping in the charnel ground. One day he went to the market and arrived at the place where the women sold liquor. The chief women among the liquor-sellers – who was a worldly ḍākinī – looked at the young man and said: ‘This one has purified his four cakras683 of almost all defilements, except there is a pea-sized impurity of royal consciousness left in his heart.’ Then she poured some putrid food into a clay pot and gave it to him. When the prince threw it out, the ḍākinī got angry and told him: ‘If you still have conceptions of good food and bad food, then what have you got to do with the Dharma?’

This made the prince understand that his preconceptions were obstacles to awakening, so he got rid of them. He picked up the thrown-out entrails of the fish that the fishermen caught in the Ganges, and ate them. He did his practice for twelve years. All the fishwives could see that he was feeding on fish-guts, so they called him Lūyipa, the Fish-gut Eater. That is how he became known far and wide.

‘Lives of the Eighty-four Mahāsiddhas’, ff.2–5, trans. T.A.

V.87 The Life of Guru Kankaripa

This Mahāsiddha is noted for having overcome attachment to his dead wife.

In the country of Magadha there once lived a householder of low caste. He married a girl of his own social class. Continuously relishing the taste of domestic pleasures, he cared only for the affairs of this world without giving a single thought to the virtuous Dharma, the path of liberation. He lived happily but then, unexpectedly, his wife’s (life-sustaining) karma got exhausted and she died. He carried her corpse to the charnel ground but, unable to let go of it, he stayed there beside the corpse, weeping.

Suddenly a highly realized yogi appeared next to him and asked him, ‘What are you doing here in this charnel ground?’ The householder said. ‘Can’t you see, yogin, the wretched state I am in? I feel like a blind man whose eyes have been torn out. Deprived of my beloved, my happiness has come to an end. Is there anyone in this world more miserable than me?’ The yogi told him, ‘All life ends in death; every meeting ends in separation; all conditioned things are impermanent. Since everybody who wanders in saṃsāra suffers, do not grieve over the painful nature of cyclic existence! What use is guarding a corpse which is just like a lump of clay? You had better mind the Dharma and get rid of all suffering.’

‘Yogin, if there is a way to get free from the suffering of birth and death in saṃsāra, please let me know’, the householder implored. The yogi said, ‘The way of liberation lies in the guru’s instruction.’ The householder asked, ‘Then please give it to me.’ Thereupon the yogi gave him empowerment684 as well as instruction on the Self-less Sphere.

‘How shall I meditate?’ the householder asked. The yogi said, ‘Abandon thoughts of your deceased wife, and meditate on the Self-less Lady685 as bliss and emptiness indivisible.’ With these words, he set him to meditation.

In six years, the conception of his ordinary wife faded into the sphere of emptiness and bliss. His mental defilements cleared away and he gained experiential realization of total bliss, the luminous nature of the mind. Just as delusory visions dissolve when the poison datura clears out from the system, as he cleared out ignorance, the poison of delusion, he beheld the actuality of undistorted truth and obtained accomplishment. He became known far and wide under the name ‘Kankaripa Yogi’. Having taught the Dharma to many beings in his homeland, Magadha, he went into the sky686 in that very body.

‘Lives of the Eighty-four Mahāsiddhas’, ff. 34–36, trans. T.A.

V.88 The Life of Guru Vīṇāpa

This Mahāsiddha is noted for transmuting his love of lute-playing into a meditation on sound.

The name Vīṇāpa means ‘Lute-player.’687 His homeland was Ghahuri, his caste the royal caste, his guru Buddhapa, and he gained accomplishment from the practice of Hevajra. 688

His story is this: The king of Ghahuri had only one son, who was very dear to his parents and the people. He was brought up under the care of eight nannies and others. The prince would always stay together with the court-musicians who served as his bodyguards. He learned to play the lute so well that his mind was totally absorbed in the sound of the tamboura689 as he was plucking the lute – so much so that he forgot about everything else in the world. His royal parents, the ministers, and the people started to say bad things about him: ‘This prince has been brought up to be heir to his royal father, but he is so much attached to the sound of the lute that he does not perform the duties of a regent. What should we do?’

They asked a well-trained yogi named Buddhapa to visit him. As the prince saw him, he immediately trusted him. Having prostrated to him and circumambulated him, they engaged in straightforward conversation. After the yogi had spent some time with the prince, he saw that it was an appropriate time to train him, so he asked him: ‘Prince, don’t you practise the Dharma?’ The prince said, ‘Yes, yogi, I do practise the Dharma; (but) I cannot live without the sweet sound of the tamboura. If there is a way to practise the Dharma without giving it up, then I will practise it.’ ‘If you have faith and perseverance in practising the Dharma, then I will give you personal instruction and teach you how to practise it without giving up playing the vīṇā’, the yogi told him. ‘Please give it to me’, he said.

Thereupon the yogi gave him empowerment to ripen his immature mind-stream, and gave him the following meditation instruction: ‘Forget the idea of listening to the sound of the tamboura with your ears; mix the mental impression with the concept of the sound, and meditate on that!’

Having meditated in that way for nine years, the prince cleared away his mental defilements and gained experience of the mind’s lamp-like luminosity. He developed various kinds of higher knowledge and many other good qualities. He became known far and wide as ‘Viṇāpa Yogi’. He gave immeasurable teachings to the citizens of Ghahuri. Finally, having given an account of his realization, he passed into the sky in that very body.

‘Lives of the Eighty-four Mahāsiddhas’, ff.50–53, trans. T.A.

V.89 The Life of Guru Maṇibhadrā or the Yoginī Bhahuri

This Mahāsiddha is noted as a wise girl, who was strongly impressed by impermanence.

In a town called Agarce, there was a wealthy householder with a thirteen year-old daughter. He gave her as a bride to a man of his own caste.690 The girl went back to her parents’ place and while she was there, Guru Kukkuripa arrived. He asked the girl to give him some food, and she told him: ‘Why does a man with such a perfect physical appearance like you live on alms and wear patched clothes? Surely you could take a suitable wife from your own caste.’

The guru said, ‘Scared and frightened by saṃsāra, I seek the supreme happiness of liberation. If I do not achieve it in this good physical basis, how could I find one like this again? Therefore, if I were to conceal the precious gem of this wonderful base in an unclean marriage partner, its purpose would be defeated and a lot of suffering would follow. Having understood this, I have abandoned the idea of marriage.’

Believing him, she brought him some excellent food and asked him to show her a method to obtain liberation. He told her that his home was the charnel ground and she would have to go there if she needed instruction. Forgetting all her duties, she fled at night and went there. The guru noticed that the girl’s mind-stream was ripe and initiated her into Cakrasaṃvara, the personification of Highest Bliss. He gave her instruction on the generation and completion stages unified, and she stayed there to practise for seven days.

Then she went back to her parents, who beat her and scolded her badly. She told them: ‘In all the three realms there is nobody who has not been my father and mother (in some past life). Yet not even a great family line can save me from the depths of saṃsāra. That is why I have attended a guru. Since I am working for liberation, you can hit me and I will take that onto the path.’ Her parents thought it was a whim and did not say anything. So she went on practising the guru’s instructions while neglecting all her work and duties.

Having waited for a year, her husband came for her and took her with him. She went to his house and performed all her mundane work and duties as she was supposed to. She served her husband both physically and verbally, speaking to him pleasantly, and so forth. As it happens, she gave birth first to a son and then to a daughter who looked just like her parents, and they all lived happily.

Twelve years passed since she had met with the guru. Then one day, as she was on the way home fetching water from the well, she tripped over a piece of wood and broke the water-pitcher. She stayed there in absorption. When she did not return home for half a day, her family went to look for her. They found her sitting there looking at the broken pitcher, and whatever they told her she did not seem to hear. Everybody thought she was possessed by a demon. Then, as the sun was just about to set, she exclaimed: ‘Sentient beings without beginning always break their body-pitchers, so why do they return home? Today I have broken my pitcher and I am not going to return to my home of saṃsāra; I am going to Great Bliss instead! How wonderful and amazing; if you want happiness, attend to the guru!’

With these words, she rose into the air and stayed there for twenty-one days, giving instructions to his country people in Agarce. Then she went into the sky.

‘Lives of the Eighty-four Mahāsiddhas’, ff.252–56, trans. T.A.

V.90 The Life of Guru Lakṣmīnkarā

This Mahāsiddha is noted as a princess who is disgusted by hunting, who advised a king to listen to the wise words of her (low-caste) sweeper.

Lakṣmīnkarā was the sister of King Indrabhūti who ruled over the 250,000 citizens of a township called Sambholnagara in the land of Oḍḍiyāna.691 From an early age, she had many good qualities of the awakened family.692 Moreover, she heard a lot of Dharma from the Mahāsiddha Vāvapa, among others, and was knowledgeable in several tantras. She was asked to marry Sambhol – the son of Jalendra, King of Laṅkāpurī – and her brother King Indrabhūti gave her to him. When the delegation came for her, she set out to Laṅkāpurī with a retinue of Dharma-scholars and bestowed with inexhaustible riches.

On arrival they were told there was a bad constellation, and were not admitted into the capital. As they were waiting, the Lady observed the people and seeing they were all non-Buddhist, she became sad. Then the prince’s retinue passed by returning from a hunt and carrying a lot of meat. The Lady asked them who they were, where they were coming from, and why they had killed those animals. ‘We are just coming from a hunt. We were dispatched by your royal fiancé to kill some wild animals’, they replied. Feeling totally disgusted, she thought to herself, ‘My brother is a king who protects the Dharma. How could he give me to such a heathen?’ And she fainted on the spot.

When she regained her senses, she gave her riches to the citizens, and having bestowed her jewellery upon her attendants, she sent them back home. Then she locked herself into a room and allowed no-one to see her for ten days. She smeared her body with oil and charcoal, cut her hair, and stripped herself naked. Though she feigned lunacy, she never actually wavered from the essential reality.693 The king and his people were overwhelmed by sorrow. They sent some doctors to prepare medicine and try to cure her, but she furiously attacked everyone who went there. They sent an envoy to her brother but he remained calm; he could guess that his sister had just got disgusted with saṃsāra.

From that time on, the Lady was acting mad. She ate the leftovers of the people of Laṅkāpurī, slept on the charnel ground, and practised the essential Dharma. In seven years, she attained accomplishment.694 She was rendered faithful service by one of the king’s sweepers. She gave him instruction, and he attained some spiritual qualities which remained unknown to others.

Then one day King Jalendra went for a hunt with his retinue, and it got very late. The king took a rest right where he was, and when he came back, he strayed on the wrong path. Unable to return home, he was looking for shelter when he stumbled upon the cave where Lakṣmīnkarā was sleeping. Curious to find out what the crazy woman was doing, he looked inside and saw her staying there with light radiating from her body, surrounded on all sides by countless divine maidens making offerings. Overcome by true faith, he stayed there for the night and then returned home. Later he went back and paid her homage.

‘Why are you paying homage to a woman like me?’ asked the Lady. ‘Because you have great spiritual qualities and I am asking for instruction’, the king replied, and she told him: ‘All sentient beings are just suffering in saṃsāra; none of them is ever truly happy. Even the highest beings, gods and humans are tormented by the pains of birth, aging, sickness, and death. The three lower realms are nothing but suffering; there is immeasurable pain from heat and cold, constant hunger, and beings eating each other. Therefore, King, seek the great bliss of liberation!’

Finally, she told him: ‘You are not going to be tamed by me. One of your sweepers, however, became my student and gained accomplishment. He will be your spiritual friend.’ He said, ‘There are many of them, so how can I recognize him?’ ‘He is the one who gives food to beings after he finishes sweeping, so look for him at night’, she said.

The king went out to look for the right sweeper, and when he saw one acting the way the Lady described, he invited him into his palace. He seated him on the throne, prostrated to him, and asked for instruction. The sweeper gave him initiation conferring the guru’s blessing, and taught him both the generation and completion stages of the practice of Vajravārāhi.

To conclude, the sweeper and the Lady demonstrated miracles in Laṅkāpurī, and went to the sky in those very bodies.

‘Lives of the Eighty-four Mahāsiddhas’, ff.305–11, trans. T.A.

V.91 Song of the mystical experiences of Lama Tsongkhapa

The following is an account of the extraordinary spiritual experiences in the life of Lama Tsongkhapa (1357–1419 – see *VI.5 and *V.40), spiritual founder of the Gelukpa order of Tibetan Buddhism, written in the form of a versified eulogy. In particular, it contains a list of Buddhas and bodhisattvas — both historical and archetypical (celestial)695 — whom Tsongkhapa reportedly saw and met personally.

Homage to the Dharma King Tsongkhapa!

O sun-like Prince of the Victorious One with ray-lights of knowledge in the vast sky of wisdom that sees all the varieties of phenomena just as they are; O Venerable Lord of Dharma, Glorious Guru, I revere the dust of your feet with the crown of my head.

Although the good qualities of your body, speech and mind could not be expressed fully by even the Buddhas and their sons who reside in the ten directions, listen for a while to my faithful composition!

May the wise find delight in this nicely arranged garland of eulogy I have composed in praise of your oceanic good qualities; a neck-ornament for the clear-minded, a jewel to increase the karmic benefit of the faithful.

A cloud of karmic benefit from the good actions you have performed, a continuous rainfall nourishing the virtuous goodness of your disciples, a roaring thunder proclaiming the profound and vast Dharma; O Glorious Guru, you are like a mighty storm!

Lord of yogis, greatest of all tantric masters, who have mastered many millions of meditative absorptions, composed lucid expositions, and made real effort at practising the Dharma; Glorious Guru, you tower over the heads of all beings.

Offering a precious rosary of one hundred and one crystal beads to the Victorious One at Vajrāsana696 in a former lifetime, you have aroused the awakening-mind, which made you fortunate enough to understand the right view; O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

From the age of seven, when you first saw Vajrapāṇi, Lord of the Secret, as well as the glorious Dīpaṁkara of the Great Chariot697, face to face, and were taken under their care, the tantras and sūtras dawned on you as personal instructions; O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

O Jetsun698, Lord of Dharma, you directly perceived Mañjughoṣa699 in the centre of a globular halo of five brilliant light-rays as blue as the colour of a perfect sapphire; O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

From that time onward, O Lord of Dharma, whenever you wished, you could meet the Venerable Jewel of Wisdom and listen to his profound teachings on the glorious Secret Assembly700 and the Perfection of Wisdom; O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

When practising the seven-limbed ritual,701 O Lord of Dharma, you continuously beheld the true bodily forms, mudras702, and other features of each of the thirty-five purification Buddhas; O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

With both hands in the Dharma-teaching mudra, seated in an elegant posture, the guardian Maitreya prophesied that one day you would return possessing the ten powers of a Buddha and perform the acts of a victorious one; O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

Lord of Dharma, Prince of the Victorious One, in direct perception you beheld the Ṥākya King,703 teacher of men and gods, and the supreme healer and guide Amitābha radiant in the midst of their oceanic retinues; O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

You clearly beheld Noble Tārā, the source of accomplishments, Uṣṇīṣa Vijayā, the supreme and radiant, Uṣṇīṣa Sitatapatra, the dispeller of all obstacles, and the other female Buddhas again and again; O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

You were personally visited and continually assisted by the bodhisattva Nāgārjuna and his spiritual son Āryadeva, the noble Buddhapālita, the glorious Candrakīrti704, as well as by the mighty yogi Nāgabodhi; O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

You were personally visited and continually assisted by Asaṅga, who had attained to the third bodhisattva level; Vasubandhu, a second Omniscient One; and Dignāga,705 who was protected by the Noble One; O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

You were personally visited and continually assisted by Dharmakīrti, the moon of the teaching, as well as Guṇaprabha, the bodhisattvas Ṥākyaprabha, Ṥāntideva and the glorious Abhaya;706 O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

You were personally visited and continually assisted by the great Indian mahāsiddhas,707 such as Indrabhūti, the glorious Saraha, Lūyipa, Ghaṇṭapāda. Kŗṣṇacārya, and Kamalaśīla, O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

Great bodhisattva who spontaneously accomplishes others’ well-being, Mañjughoṣa clearly stated that, relying upon these lineages, there are auspicious conditions for vast accomplishments for yourself and others; O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

When your yogic absorption combining calm abiding and special insight increased like the waxing moon, you beheld the excellent form of the blessed Yamāntaka708 with faces and hands all complete; O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

As the Guru’s heart was touched by Mañjuśrī’s wisdom sword, a stream of undefiled ambrosia entered your heart-centre and gave birth to the finest absorption of co-emergent joy; O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

As Mañjughoṣa clearly explained to you the essential meaning of the ‘Prayer for Rebirth in the Land of Bliss’, and that of ‘A Eulogy of the Authentic Aim of the Invincible Guardian (Maitreya)’, you presented both texts in excellent phrasing; O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

Whenever you consecrated a representation of enlightened body, speech, or mind, the wisdom beings actually entered into the symbolic beings,709 by which the deities you had blessed were properly established as fields of karmic benefit for all sentient beings; O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

From among the five spiritual sons of the bodhisattva Nāgārjuna who had a discussion on profound dependent arising, the glorious Buddhapālita blessed you with an Indian scripture,710 which made you realize the intent of the Noble One; O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

When visualizing the key-points of the six branches of Kālacakra, the ultimate tantra,711 you directly perceived the Kālacakra deity, and were prophesized to become someone like King Sucandra;712 O Glorious Guru, I pay homage at your feet. …

Lord of Dharma, practising the vajra-yoga of enlightened body, when you meditated on the ordinary world and its inhabitants as empty appearances of illusion through the non-dual yoga of the profound (emptiness) and the luminous (manifestations), you arose in the form of the great-bliss deity;713 O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

Lord of Dharma, practising the vajra-yoga of enlightened speech, when through the three vajra gates (of OṂ ĀHŪṂ) to the lotus (cakra) in the heart you resolved inhalation and exhalation in the tone of the mantra, and your vital energies entered, remained, and dissolved (in the central channel714), you experienced the luminosity of Mahāmudrā;715 O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

Lord of Dharma, practising the vajra-yoga of enlightened mind, when the fierce woman Caṇḍali716 in the navel cakra caused the letter HAṀ at the crown of your head to melt, you revelled in the glory of co-emergent great joy; O Glorious Guru, I pay homage at your feet. …

Sitting on a throne adorned with precious gems, the omniscient Buton Rinchen Drub 717 handed to you a manuscript of the Guhyasamāja Root Tantra, and told you, ‘This is yours’; O Glorious Guru, I pay homage at your feet. …

When performing the practice of Cakrasaṁvara,718 you clearly beheld the deities of the maṇḍala in direct perception, and the hosts of ḍākinīs of the three outer and inner places719 delighted you with offerings of vajra songs; O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

When performing the spiritual practice of defeating Māra’s army, you directly perceived the Sage,720 Great Tamer of Māra, resplendent like the colour of pure refined gold in a halo of light of a million suns; O Glorious Guru, I pay homage at your feet.

Your being having become indivisible from the body, speech and mind of the Victorious One, you destroyed the hosts of Māra, and as the Dharma protectors crushed the demonic forces, shrieks of Māra’s defeated troops721 were heard; O Glorious Guru, I pay homage at your feet. …

Noble Lord of Dharma, it was clearly prophesized by both Mañjughoṣa and Vajrapāni that (after your passing away) you would sit in the presence of the Invincible Dharma Lord (Maitreya) in the Pure Land of Joy (Tuṣita), and would be known as the bodhisattva Mañjuśrīgarbha. O Glorious Guru, I pay homage at your feet. …

‘Prayer of the Secret Life of Tsongkhapa’, trans. T.A.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 13 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy


Lược sử Phật giáo


Hát lên lời thương yêu


Yếu lược các giai đoạn trên đường tu giác ngộ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.17.183.24 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (74 lượt xem) - Việt Nam (71 lượt xem) - French Southern Territories (14 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - ... ...