Trong những trường hợp đặc biệt, sẽ có sự chuyển biến từ trạng thái thường xuyên bị vướng mắc của tâm tư vào thời gian tâm lý sang một trạng thái hiện tiền, trạng thái có mặt đích thực, ý thức tất cả những gì đang xảy ra chung quanh ta. Điều này có lúc xảy đến một cách rất tự nhiên. Ngay lúc đó, cái nhân cách giả tạm, con người mang đầy gánh nặng của quá khứ và tương lai… ở trong ta phút chốc bị biến mất, nhường chỗ cho một ý thức mạnh mẽ, tĩnh lặng nhưng sáng suốt về thực tại. Trong trạng thái ý thức sáng tỏ ấy, những gì cần thiết cho lúc đó, tự nó sẽ tự nhiên xuất hiện.
Dù có thể không ý thức được, nhưng lý do mà một số người thích tham gia vào các trò chơi nguy hiểm như leo núi, đua xe, v.v. là trong lúc họ chơi, họ bị bắt buộc phải cắm rễ vào phút giây hiện tại – vào trạng thái cực kỳ sống động, vượt thoát khỏi thời gian, vượt thoát khỏi suy tưởng, vượt thoát khỏi vấn đề, vượt thoát khỏi gánh nặng của con người khổ đau ẩn tàng ở trong họ. Nếu họ bị lơ đễnh ra khỏi phút giây hiện tại trong một tích tắc, dù chỉ là một phần mười giây, họ cũng có thể mất mạng! Tội nghiệp thay, số người này phải luôn dựa vào những hoạt động, những trò chơi nguy hiểm như thế mới có thể giúp họ sống được giây lát trong phút giây hiện tại. Nhưng bạn có thể đi vào trạng thái có mặt một cách sáng tỏ đó ngay bây giờ mà không cần phải đua xe, hay cheo leo trên các sườn núi như thế.
Từ thời trung cổ, các giáo sĩ thuộc mọi tôn giáo đã nhấn mạnh đến phút giây hiện tại như là chiếc chìa khóa giúp bạn mở ra cánh cửa của thế giới tâm linh. Tuy nhiên chân lý này vẫn còn là một bí mật hoặc vì không được giảng dạy đến nơi đến chốn, hoặc không được đại đa số tín đồ tiếp thu thấu đáo ở các giáo đường và chùa chiền. Như ở nhà thờ, ta có thể nghe Phúc Âm dạy rằng: “Đừng suy nghĩ gì đến ngày mai cả, vì ngày mai tự nó đã ổn thỏa cả rồi”.Hoặc: “Không ai có thể xứng đáng để vào được nước Chúa khi đã bắt tay vào chuyện cày bừa mà vẫn còn ngoái đầu nhìn lại phía sau”(2).
Và ta cũng có thể nghe một đoản văn trong kinh Thánh khi Chúa Jesus nói về những bông hoa xinh đẹp trên một cánh đồng. Chúng xinh đẹp vì chúng không bao giờ phải bận tâm lo lắng cho ngày mai, mà chỉ biết ung dung thanh thản trong ân sủng bất tận do Thượng Đế ban cho trong phút giây hiện tại. Vì một lý do nào đó, chiều sâu và tính cấp tiến của những điều răn dạy quí báu này vẫn chưa được hầu hết chúng ta nhận ra. Do đó mỗi người trong chúng ta phải sống và tự thực nghiệm những chân lý ấy thì mới có được những chuyển hóa sâu sắc ở nội tâm mình.
Cốt lõi của Thiền tập bao gồm việc đi dọc theo lưỡi hái sắc bén của phút giây hiện tại – khi bạn hoàn toàn an trú một cách trọn vẹn trong phút giây hiện tại. Đó là lúc bạn không còn ưu phiền, không còn vấn đề, không còn gì khác ngoài cái bản chất tự nhiên vắng lặng thường hằng ở trong bạn. Trong phút giây ấy, trong sự vắng bóng của Quá Khứ và Tương Lai, tất cả những vấn đề của bạn sẽ tự biến mất! Khổ đau của chúng ta cần có một ý niệm về quá khứ và tương lai, khổ đau của chúng ta không thể sống sót ngay trong phút giây này.
Khi Thiền sư Lâm Tế muốn các đệ tử của ngài đừng quá bị thời gian lôi kéo, ngài thường đưa một ngón tay lên và từ tốn hỏi: “Ngay trong phút giây này, chúng ta còn thiếu thốn thứ gì nữa?”.
Một câu hỏi quan trọng như thế không cần một câu trả lời từ của trí năng. Nó chỉ nhằm đưa hành giả chú tâm vào phút giây hiện tại. Một câu hỏi tương tự khác trong Thiền môn thường nhắc là: “Nếu không phải là lúc này thì còn lúc nào?”
An trú trong phút giây hiện tại cũng là trọng tâm thực tập của đạo Sufi, một nhánh mật tông của Hồi giáo. Giáo lý của họ cũng có câu: “Tín đồ đạo Sufi là con đẻ của phút giây hiện tại”. Và Rumi, nhà thơ kiêm đạo sư Hồi giáo, cũng từng tuyên bố: “Quá khứ và tương lai là tấm màn ngăn cách ta với Thượng Đế, vậy hãy đốt sạch chúng đi”.
Vị thầy tâm linh Meister Eckhart vào thế kỷ 13 đã tóm lược điều này rất hay trong câu: “Thời gian làm ngăn trở sự sáng suốt đến với con người. Không có chướng ngại nào che mờ Thượng Đế lớn hơn là Quá Khứ và Tương Lai”.