Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Mục đích chính của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể giúp đỡ người khác thì ít nhất cũng đừng làm họ tổn thương. (Our prime purpose in this life is to help others. And if you can't help them, at least don't hurt them.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. (The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2 »» Bài giảng thứ 96 »»

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2
»» Bài giảng thứ 96

(Lượt xem: 1.965)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2 - Bài giảng thứ 96

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(Giảng ngày 13 tháng 9 năm 1999 tại Hương Cảng (Hong Kong), file thứ 97, số hồ sơ: 19-012-0097)

Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.

Mời quý vị xem đến đoạn thứ 40 trong Cảm ứng thiên. Đoạn này chỉ có hai câu là: “Âm tặc lương thiện, ám vũ quân thân.” (Lén lút hãm hại người lương thiện, âm thầm khinh nhờn hủy báng người trên.) Đây là nói đến những tội ác nghiêm trọng.

“Âm tặc” là âm mưu hãm hại, như kẻ lén lút bắn cung, rất khó đề phòng. Ở trong bóng tối mà lén lút mưu hại người khác, làm tổn hại người khác, trong khi người khác hoàn toàn không biết việc quý vị mưu hại họ, như thế là thuộc về trường hợp này. Người có tâm địa như vậy là vô cùng tàn nhẫn, cực kỳ ngấm ngầm ác độc. Nếu là đối với người bình thường cũng đã là tội lỗi nghiêm trọng, huống chi hãm hại người hiền lương thì đó là tội lỗi cực lớn.

Trong số năm tội nghịch, các tội giết cha, giết mẹ nhất định phải đọa vào địa ngục A-tỳ. Cha mẹ đối với con cái có ơn dưỡng dục, quý vị không thể báo đáp, không thể hiếu dưỡng cha mẹ, lại còn gây tổn hại cho cha mẹ, như vậy là đại ngỗ nghịch, không còn đạo lý. Đó là tội ác cực kỳ nghiêm trọng.

Đức Phật cũng dạy, [trong năm tội nghịch còn có các tội] giết A-la-hán, làm thân Phật chảy máu, phá sự hòa hợp của Tăng-già. Đây đều là những tội xếp ngang với giết cha, giết mẹ. Thậm chí các tội này so với giết cha, giết mẹ còn phải xem là nặng hơn.

Nói thế là ý nghĩa gì? Điều này chúng ta cần phải hiểu rõ. Chư Phật, Bồ Tát, A-la-hán, Tăng đoàn là những bậc hiền thiện trong thế gian. Những việc các ngài làm trong xã hội này đều là những sự nghiệp từ thiện tốt nhất, tuyệt vời nhất. Sự nghiệp từ thiện này đem so với những công việc cứu khó giúp nghèo của người thế gian còn vượt xa hơn nhiều, lớn lao, thù thắng hơn rất nhiều. Những gì các ngài là đều là để giúp chúng sinh phá trừ si mê, mở ra giác ngộ, là giúp chúng sinh dứt ác tu thiện, hơn nữa còn tự thân nêu lên những tấm gương hiền thiện tốt đẹp để mọi người noi theo. Trong xã hội còn có các ngài hiện hữu là phúc báo cho đại chúng, là đối tượng để hết thảy đại chúng đều ngưỡng vọng, là nơi để hết thảy đại chúng đều quy y. [Cho nên], những ai âm mưu hãm hại các bậc hiền thiện này thì quả báo đều là đọa vào địa ngục A-tỳ, so với tội giết hại cha mẹ còn nặng nề hơn, thời gian đọa địa ngục còn lâu hơn, chúng ta phải hiểu rõ được ý nghĩa này.

Mức độ của tội lỗi này không phải xét ở việc đắc tội với riêng các bậc hiền thiện ấy, mà là sự đắc tội với hết thảy chúng sinh, lại xem xét phạm vi ảnh hưởng của các bậc hiền thiện này rộng lớn đến mức nào, thời gian ảnh hưởng dài lâu như thế nào. Nếu ảnh hưởng của các vị càng lớn lao, thời gian ảnh hưởng càng lâu dài, thì tội hãm hại các ngài sẽ càng nặng nề hơn.

Vì sao lại khởi sinh ý niệm xấu ác muốn làm hại người hiền thiện? Tôi cho rằng nhân tố trước tiên là do sân hận, ganh ghét đố kỵ, tâm lượng nhỏ hẹp, không dung chứa, chấp nhận được sự hay giỏi của người khác, không dung chứa chấp nhận được những việc tốt đẹp của người khác, do đó mới tạo ra nghiệp ác [hãm hại] như thế. Đâu biết rằng quả báo của việc ấy lại quá nặng nề, quá khổ não, quá đáng sợ.

Nếu trong một niệm có thể chuyển hóa thay đổi được, chẳng những không ganh ghét đố kỵ mà còn hoan hỷ tán thán, hết lòng hết sức hỗ trợ giúp đỡ người hiền thiện, giúp họ thành tựu những hạnh nguyện tốt đẹp, như vậy thì công đức, phúc báo của quý vị so với các bậc hiền thiện ấy cũng lớn lao như vậy.

Những thiện hạnh của các vị ấy làm thế nào thành tựu được? Nhất định phải nhờ vào sự đồng tâm hiệp lực của đại chúng mới có thể thành tựu. Huống chi trong kinh điển, đức Phật đã dạy chúng ta về ý nghĩa căn bản rằng, mọi việc làm thiện ác tạo ra quả báo lớn hay nhỏ đều là tùy thuộc vào tâm niệm. Tâm lượng lớn lao thì phúc báo cũng lớn lao, tâm lượng nhỏ hẹp thì phúc báo cũng nhỏ hẹp. Cùng làm một việc thiện như nhau mà quả báo được phúc không giống nhau. Cho nên, chư Phật, Bồ Tát dù làm một việc thiện tạo phúc chỉ mảy may nhưng quả báo đều lớn lao trùm khắp hư không pháp giới, đó là vì sao? Là vì tâm lượng [các ngài] rất lớn lao. Người đời làm những việc thiện rất lớn lao nhưng lại được quả báo không lớn, nguyên nhân do đâu? Chính là vì tâm lượng quá nhỏ hẹp. Tâm lượng hẹp hòi gây chướng ngại cho phúc báo của quý vị. Quý vị tu phúc không thể nào vượt quá tâm lượng của chính mình. Chư Phật, Bồ Tát tâm lượng như hư không, trùm khắp các pháp giới, cho nên các ngài gieo trồng hạt giống thiện nhỏ vẫn được phúc báo vô lượng. Ý nghĩa này chúng ta cần phải rõ biết. Nếu như mở rộng được tâm lượng của chính mình thì ý niệm xấu ác không còn nữa. Ý niệm xấu ác còn không có, sao có thể có những hành vi xấu ác? Điều này chúng ta cần phải rõ biết.

Câu tiếp theo sau là “ám vũ quân thân” (âm thầm khinh nhờn hủy báng người trên). Đây là nói trong chỗ mờ ám, cũng là nói [vào những lúc] người khác không hề thấy biết, không hề nghe biết, bản thân chúng ta lại làm những việc khinh nhờn, hủy báng người trên mình. Chữ “quân” ở đây chỉ những bậc tôn trưởng, giữ cương vị cấp trên, không nhất thiết [như ngày xưa] chỉ các bậc vua chúa, đế vương. Trong xã hội chúng ta, hiện nay [mối quan hệ “quân thần” trước đây được gọi] là lãnh đạo và được lãnh đạo. Chúng ta ở địa vị những người được lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo mình thì đó chính là “quân”, người đời nay thường gọi là cấp trên.

Quý vị làm việc trong một công ty thì ông chủ công ty, giám đốc công ty hay chủ tịch hội đồng quản trị công ty ấy đều là cấp trên. Người có học, thông hiểu lý lẽ thì biết là phải tôn kính họ, sao có thể khinh nhờn hủy báng? Ví như những cấp trên ấy có sự sắp xếp không hợp lý, có những cách làm không vừa ý mình, vẫn phải tôn kính họ. Vì sao vậy? Vì hết thảy những phương cách mà họ làm, chúng ta đều không thể hiểu hết được. Sự suy xét quan tâm của họ là toàn diện, mục đích họ nhắm đến là lợi ích chung cho tập thể. Chúng ta chỉ là một viên chức nhỏ, điều chúng ta thấy được chỉ là những lợi ích của một bộ phận, không thấy được toàn diện. Để đạt được lợi ích chung cho toàn thể, đôi khi cần phải hy sinh phần lợi ích của một vài bộ phận, cho nên những suy xét, đánh giá, những cách làm, cách sắp xếp của người lãnh đạo nhất định phải có ý nghĩa, chúng ta sao có thể nghị luận được? Sao có thể lén lút lừa dối họ? Sao có thể lén lút khinh thường, hủy báng họ?

Đối với cấp trên, đối với những người đứng đầu đều không thể có những suy nghĩ, hành vi như vậy, mà đối với bậc trưởng thượng trong gia đình của mình cũng không được như vậy. Chữ “thân” ở đây là chỉ các bậc cha mẹ, trưởng bối [trong tộc họ]. Người xưa nói: “Quân thân ân đồng thiên địa.” (Ơn vua và cha mẹ lớn như trời đất.) Câu nói này rất có ý nghĩa.

Khi ta làm một việc mà không dám để cho cấp trên, cho cha mẹ hoặc bậc trưởng thượng biết được, đó gọi là lén lút, cũng là lừa dối. Chúng ta xem những bậc quân tử trí thức thời xưa, hoặc các vị Bồ Tát học Phật, trong tâm luôn trong sáng không vướng bận gì, không có bất cứ điều gì phải che giấu người khác. Quý vị nói xem, người như thế tự do tự tại biết bao! Quang minh lỗi lạc biết bao! Sao có thể có điều gì cần phải che giấu người khác? [Nếu có việc gì] không thể nói với bậc tôn trưởng, không thể nói với cha mẹ của chính mình, đó là quý vị đã lừa dối, xem thường bậc tôn trưởng. Lừa dối, xem thường cha mẹ, đó là quý vị phạm vào tội ác rất lớn. Việc ác lớn như thế quý vị còn dám làm thì còn có chuyện xấu xa nào khác mà quý vị không làm? Cho nên ở chỗ này Thái Thượng chỉ nêu ra một vài điều quan trọng tiêu biểu mà thôi, đó là những điều tạo thành tội ác rất lớn.

Chúng ta đối với cha mẹ cung kính phụng dưỡng. Cha mẹ già yếu, thể lực suy kém, phải thường xuyên lưu tâm chăm sóc. Nếu chúng ta không hết sức chân thành, hoặc bên ngoài ra vẻ thuận theo nhưng trong lòng âm thầm trái nghịch thì đó là phạm vào tội “ám vũ quân thân”.

Tình hình trong xã hội ngày nay, chúng ta tai nghe mắt thấy đã quá nhiều, cho nên xã hội không bình yên ổn định, khắp nơi đều hết sức rối loạn, đêm tối không dám ra khỏi nhà. Chúng ta nghĩ xem, vào thời xưa những khi nền chính trị trong sạch sáng suốt, phong tục thuần hậu, [người dân] ban đêm còn không cần đóng cửa, huống chi lúc ban ngày. Chiều tối vẫn mở rộng cửa nhà nhưng không hề có kẻ xấu vào quấy nhiễu. Người người đều giữ lễ nghĩa, người người đều tuân thủ pháp luật. Người thời ấy sống như thế nào? Chúng ta ngày nay sống như thế nào?

Chúng ta ngày nay, bất luận là các nhà giàu có hay bình thường, nơi cư ngụ đều phải đề phòng nghiêm ngặt, cẩn mật, luôn lo sợ kẻ trộm cướp chờ cơ hội sơ xuất để đột nhập vào nhà, hết thảy cửa sổ đều phải có song sắt chắn kỹ. Ngày xưa, cửa có song sắt chỉ được dùng trong các nhà giam, nhà tù. Hiện nay chúng ta nhìn thấy mỗi một căn nhà đều là nhà tù, tất cả đều như bị nhốt trong lồng sắt [bê-tông]. Quý vị nói xem, thật đáng thương biết bao. Như vậy là loại văn hóa gì? Là kiểu văn minh gì? Chúng ta tai nghe mắt thấy sao có thể không chạnh lòng?

Thử truy cứu đến căn nguyên vì sao thành ra như thế? Đó là lỗi không đọc sách thánh hiền, không được giáo dục về luân lý, về đạo đức, cho nên mới có hiện tượng như vậy. Người giác ngộ, hiểu biết sáng tỏ, cũng sống trong xã hội này, có cần phải phòng thủ [nghiêm cẩn] như vậy hay không? Câu trả lời là không cần thiết. Như vậy nếu có người đến quấy nhiễu, có người đến trộm cướp, gây hại thì sao? Cũng vẫn không cần phải đề phòng giữ gìn. Vì sao vậy? Vì người hiểu biết sáng tỏ thì đều biết rằng “nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định” (miếng cơm ngụm nước đều đã định trước). Nếu người khác có oán thù, có cừu hận với quý vị, cho dù có đề phòng ngăn giữ, họ cũng vẫn tìm đến báo thù rửa hận. Nếu không thù không oán thì dù không đề phòng ngăn giữ cũng không có ai đến làm hại quý vị.

Trong nhà Phật có một câu chuyện xưa. Vào thời Tùy Đường, có Hòa thượng Đỗ Thuận là Tổ sư đời thứ nhất của tông Hoa Nghiêm. Ngài sống trong một chòi tranh nhỏ giữa nơi đồng trống để tu hành. Trong vùng có rất nhiều kẻ trộm. Có người tín đồ mang đến cúng dường hòa thượng một đôi hài mới, nhìn thấy ngài đang ngồi thiền nhập định, không dám làm kinh động nên liền treo đôi hài bên ngoài cửa. Qua một năm sau, người tín đồ ấy mới có dịp đi ngang qua đó, lại tìm đến viếng thăm hòa thượng, thấy đôi hài vẫn còn treo bên ngoài cửa. Người này vào gặp hòa thượng rồi liền thưa hỏi: “Bạch hòa thượng, con cúng dường ngài một đôi hài, treo bên ngoài cửa, ngài đã thấy hay chưa?”

Hòa thượng đáp: “Ta đã thấy rồi.”

Người kia nói: “Vậy sao hòa thượng vẫn để đôi hài treo nơi ấy? Trong vùng này có rất nhiều kẻ trộm, không sợ bị ai lấy mất hay sao?”

Hòa thượng trả lời: “Ta đời trước không thiếu nợ họ, cho dù có vật gì của ta để ngay trước mắt, họ cũng không động lòng.”

Đó là đời trước không thiếu nợ người khác. Nếu đời trước quý vị thiếu nợ họ, dù quý vị giấu kỹ nơi đâu cũng sẽ bị họ tìm ra, cũng sẽ bị họ lấy mất. Điều này chứng minh rõ ràng “nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định” (miếng cơm ngụm nước đều đã định trước). Đã là xác định trước rồi thì quý vị phòng giữ để làm gì? Nếu họ muốn đến lấy, tốt thôi. Đó là trả nợ cho họ, vậy là hết nợ, một lần thanh thỏa cho xong. Đâu cần phải phòng ngừa ngăn giữ. Đời trước nếu không có nợ, người khác sẽ không động lòng [tham muốn của quý vị]. Thiếu tiền phải trả tiền, nợ mạng phải đền mạng.

Đức Phật dạy rất hay, trong pháp thế gian, sáu đường luân hồi là những việc gì? Không gì khác hơn là đền trả nghiệp báo mà thôi. Sinh ra trong thế gian này, không có việc gì khác hơn ngoài những việc báo ơn, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Chính là vì những việc này mà sinh ra.

Người giác ngộ rồi thì có ơn phải báo, có nợ phải trả. Còn thù oán thì sao? Xem như đã dứt, người khác thiếu nợ ta cũng không quan tâm, một lúc xóa sạch tất cả [thù oán, nợ nần]. [Như vậy thì] quý vị hết sức tự do tự tại, đời sau không còn phải làm những việc như vậy nữa.

Cho nên, người giác ngộ thì trong thế gian này chỉ làm hai việc: báo ơn và trả nợ. Người mê muội làm đủ bốn việc [báo ơn, báo oán, đòi nợ, trả nợ] thì vĩnh viễn không bao giờ làm xong, không bao giờ chấm dứt được.

Trong phần chú giải phía sau có mấy câu, “bất trung bất hiếu, tổn hại giáo lý, phản nghịch đạo pháp”. Sự giáo hóa của thánh hiền, người xưa ví như là “mắt sáng của trời người, đèn sáng trong tăm tối”. Nếu quý vị làm chướng ngại [sự giáo hóa ấy] thì tội lỗi rất lớn. Quý vị làm hại một người hiền thiện, đặc biệt là người làm việc giáo dục trong xã hội, hoặc người giáo hóa cho hết thảy chúng sinh, thì tội lỗi ấy không chỉ là tội làm hại một người, mà phải xét trong toàn xã hội, hết thảy chúng sinh được tiếp nhận sự giáo dục đó mà định thành tội. Đó chính là quý vị đã làm dứt mất pháp thân tuệ mạng của hết thảy chúng sinh, làm mất đi cơ hội học Phật của hết thảy chúng sinh. Tội lỗi như vậy rất nặng nề, so ra nặng hơn cả tội giết người.

Cho nên, trong kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Lạc, ngay đoạn mở đầu quý vị đã thấy [kể chuyện] hai vị pháp sư giảng kinh thuyết pháp, giáo hóa rất nhiều chúng sinh. Có một số người thấy các pháp sư ấy dường như được hưởng nhiều danh tiếng, nhiều lợi dưỡng, nên cảm thấy khó chịu, sinh lòng ganh ghét, gây sự chướng ngại, tìm đủ mọi cách để phá hoại. Họ làm cho những người đến học với pháp sư phải khởi sinh sự hiểu lầm, đánh mất lòng tin đối với pháp sư, [do đó mà] cơ hội học hỏi Phật pháp phải mất đi. Những người phá hoại như vậy rồi, do tội lỗi ấy phải đọa vào địa ngục A-tỳ. Phải đọa vào địa ngục trong bao nhiêu năm? Quý vị hãy xem trong kinh, thời gian bị đọa là mười tám triệu năm! Đó là nói theo thời gian ở cõi người. Những kẻ ấy ở trong địa ngục thì cảm nhận thời gian là vô lượng kiếp. Thời gian ở địa ngục và ở cõi người khác biệt, không giống nhau.

Chỉ một tâm niệm xấu ác mà thành sai lầm lớn lao như vậy. Dứt mất pháp thân tuệ mạng của hết thảy chúng sinh, tội ác như vậy thật không chấp nhận được. Đối với hai vị pháp sư kia, nói thật ra chẳng có ảnh hưởng gì lớn. Chịu tổn hại lớn lao chính là vô lượng chúng sinh. Quý vị làm hại chỉ có hai người, nhưng liên lụy đến vô lượng chúng sinh [do đó mà] không nhận được sự lợi ích từ Phật pháp.

Cho nên, trong lễ nghi xưa kia chúng ta còn đọc thấy, [ví như] chúng ta có mối thù giết cha, có mối thù không đội trời chung, thế nhưng kẻ thù ấy hiện nay đang làm quan thì ta có thể ra tay trả thù được không? Không thể được. Người ấy làm quan là làm những việc gì? Chính là vì dân phục vụ, vì dân tạo phúc. Người ấy hiện nay đang làm việc tốt, đang vì đại chúng mà làm việc tốt. Cho dù chúng ta có thù cũng không thể ra tay báo thù. Ta còn phải giúp đỡ người ấy, thành tựu những việc tốt đẹp cho người ấy. Đó là [cách làm] của hàng trí thức hiểu rõ lý lẽ. Vậy đến lúc nào mới báo thù? Đợi khi người ấy hết trách nhiệm, không còn làm công việc ấy nữa, đó là lúc có thể báo thù. Trong khi họ còn đang làm công việc lợi ích cho đại chúng, chẳng những không thể ra tay báo thù mà còn phải giúp đỡ họ làm việc tốt. Người hiểu rõ lý lẽ thì ân oán phân minh, sáng tỏ rõ ràng. Người ấy hiện tại đang làm những việc thực sự vì xã hội, thực sự vì chúng sinh, chúng ta phải hết lòng hết sức hỗ trợ cho họ, thành tựu công đức cho họ.

Cho nên, chúng ta phải đọc qua sách vở [thánh hiền], phải hiểu rõ lý lẽ, không được gây sự chướng ngại những việc thiện mang lại lợi ích cho đại chúng trong xã hội, không thể phá hoại những điều tốt đẹp của đại chúng. Ngày nay có mấy ai hiểu được ý nghĩa này?

Vì sao không hiểu được? Do lỗi không đọc sách thánh hiền. Cho nên, tôi nghe nói quỷ thần ở núi Thiên Mục đều yêu cầu được nghe kinh thời gian nhiều hơn. Con người thật không bằng quỷ thần, quỷ thần có lòng ham học, có nguyện vọng được nghe pháp. Điều này rất đáng cho chúng ta suy ngẫm sâu sắc, rất đáng cho chúng ta phản tỉnh.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 103 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh nghiệm tu tập trong đời thường


Ai vào địa ngục


Đừng bận tâm chuyện vặt


Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 34.226.141.207 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (395 lượt xem) - Việt Nam (119 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - ... ...