Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Bản Việt dịch Phật Thuyết Nhứt Thiết Phật Nhiếp Tương Ứng Đại Giáo Vương Kinh Thánh Quán Tự Tại Bồ Tát Niệm Tụng Nghi Quỹ [佛說一切佛攝相應大教王經聖觀自在菩薩念誦儀軌] »»

Kinh điển Bắc truyền »» Bản Việt dịch Phật Thuyết Nhứt Thiết Phật Nhiếp Tương Ứng Đại Giáo Vương Kinh Thánh Quán Tự Tại Bồ Tát Niệm Tụng Nghi Quỹ [佛說一切佛攝相應大教王經聖觀自在菩薩念誦儀軌]


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.28 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.36 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Phật dạy Nghi quỹ niệm tụng Bồ Tát Quán Tự Tại trong Kinh Nhất thiết Phật nhiếp tương ưng Đại giáo vương

Việt dịch: Thích Viên Đức (Nguyễn Minh Tiến hiệu đính)

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Con nay quy mạng Phật, Bồ Tát,
Diễn bày Tương ưng Đại Giáo Vương,
Lược nói nghi thức Quán Tự Tại,
Thành tựu lợi lạc khắp quần sanh.

Lúc bấy giờ đức Thế tôn vì muốn lợi ích tất cả chúng sanh nên diễn nói Giáo pháp tương ưng lớn lao của chư Phật.
Phật dạy: “Nếu có vị a-xà-lê hoặc hành giả muốn tu tập ba mươi bảy phẩm Bồ-đề phần cùng thành tựu hết thảy các pháp, vị ấy nên tu tập theo pháp của Bồ Tát Quán Tự Tại.
Khi tu tập theo pháp này, trước tiên phải tìm một nơi yên tĩnh, y theo nghi quỹ mà chuyên tâm hành trì, không chút giãi đãi. Hành giả trước hết phải hành trì cho thuần thục, sau đó mới quán tưởng y theo pháp và trì tụng chữ “hồng”.
Chọn đất kiết giới làm pháp khiển ma xong mới trải tòa cỏ nơi ấy mà ngồi. Lúc này, hành giả trước khi muốn hướng tâm quán tưởng hiền thánh cần phải làm thanh tịnh ba nghiệp, bằng cách trì tụng chơn ngôn làm thanh tịnh ba nghiệp như sau:

Úm Ca dã phạ cô tức đa Phạ nhật ra ta bà phạ đát ra cô ham.
Tụng chơn ngôn này rồi, lại tụng bài kệ thí dụ như sau:

Ví như hoa sen đẹp, trong sạch,
Tuy sinh giữa bùn chẳng nhiễm ô.
Chúng sanh cũng vậy, giữa phiền não
Đều được thanh tịnh trong Ba cõi.

Hành giả tụng bài kệ thí dụ như trên rồi liền tự quán tưởng hình dung trên đỉnh đầu mình có đội mũ báu, trong mũ ấy có đức Phật Vô Lượng Thọ. Tiếp theo quán tưởng từ trong tâm mình hiện ra đóa hoa sen trắng nở lớn, trên hoa sen ấy có bánh xe hình mặt trăng, giữa bánh xe ấy hình dung hiện ra một chữ “Úm” thể như hư không, vì đó là trí tuệ lớn lao chân thật. Quán tưởng thành tựu được như vậy rồi mới tụng chơn ngôn khai mở trí tuệ như sau:

Úm Tức đa Bát ra đê vi đặng Ca rô mi.

Sau khi tụng chơn ngôn ấy rồi liền quán tưởng các loại châu báu hóa thành một hoa sen tám cánh, trên hoa sen ấy quán tưởng hiện ra bánh xe hình mặt trăng, trong bánh xe hiện ra chữ “hrih”(1), chính là hiện thân của đức Bồ Tát Quán Tự Tại ngồi kiết già nơi ấy. Thân ngài sắc đỏ, có hai cánh tay. Lại quán tưởng phía bên trái của Bồ Tát Quán Tự Tại có vị Bồ Tát mặc áo trắng, tay cầm hoa sen. Tiếp đến quán tưởng các vị hiền thánh ở 8 phương.
Thứ nhất, nơi cánh hoa sen phía đông quán tưởng Bồ Tát Vĩ-lộ-kiết-nễ tay cầm hoa sen màu hồng, tụng đọc chân ngôn của Bồ Tát như sau:

Úm Vĩ lộ kiết nễ A phạ lô ca giả Ta phạ ha.

Nơi cánh hoa sen phía nam, quán tưởng Bồ Tát Đa-la tay cầm hoa sen màu xanh lá, tụng đọc chân ngôn của Bồ Tát như sau:

Úm Đa rị Đốt đa rị Đốt rị Ta phạ ha.

Tiếp đến quán tưởng cánh hoa sen phía tây có Bồ Tát Bộ-lị-ni tay cầm hoa ưu-bát-la, trong hoa ấy có bánh xe 8 nan hoa, tụng đọc chân ngôn của Bồ Tát như sau:

Úm Bộ lị ni Ma hạ tát hật ra phạ lị để nể hồng.

Tiếp đến nơi cánh hoa sen phía bắc quán tưởng hiện ra Bồ Tát Tần-mi tay cầm hoa sen màu vàng, tụng đọc chân ngôn của Bồ Tát như sau:

Úm Giáo lị cô trí đát trí mạt tra hùm.

Tiếp đến nơi cánh hoa sen phía đông bắc quán tưởng hiện ra Bồ Tát Bát-nạp-ma-phạ-tì-nể tay cầm hoa sen màu xanh nhạt, tụng đọc chân ngôn của Bồ Tát như sau:

Úm Ma hạ Thất lị duệ Ma ni Bát nạp mi Hồng.

Tiếp đến nơi cánh hoa sen phía đông nam quán tưởng hiện ra Bồ Tát Phạ-nhật-ra Bát-nạp-ma-thuyết-lị tay cầm hoa sen màu trắng, tụng đọc chân ngôn của Bồ Tát như sau:

Úm Phạ nhật ra Bát nạp mi Thấp phạ lị Đà ra Bát nạp mi Hồng.

Tiếp đến, nơi cánh hoa sen phía tây nam lại quán tưởng Bồ Tát Vĩ-thuyết-Bát-nạp-ma tay cầm hoa sen màu đen, tụng đọc chân ngôn của Bồ Tát như sau:

Úm Vĩ thấp phạ Bát nạp mi Hật lị.

Tiếp đến, nơi cánh hoa sen phía tây bắc lại quán tưởng hiện ra Bồ Tát Vĩ-thuyết Phạ-nhựt-ra tay cầm chày yết-ma, tụng đọc chân ngôn của Bồ Tát như sau:

Úm Vĩ thấp phạ Phạ nhựt lị Hồng.

Tiếp đến, nơi giữa tâm của hoa sen lại quán tưởng Bồ Tát Quán Tự Tại hiện ra thân sắc lớn lao mầu nhiệm, tụng đọc chơn ngôn của Bồ Tát như sau:

Úm Hột lăng Bát nạp ma Na lị đế Thấp phạ ra Hồng.

Nếu hành giả đúng theo pháp mà quán tưởng các vị đại Bồ Tát cùng chuyên chú trì tụng những chân ngôn vi diệu như trên, không hề thối tâm, người ấy trong tương lai sẽ nhanh chóng chứng đắc quả Phật. Người như thế ví như có thọ nhận năm món dục lạc cũng vẫn có khả năng thành tựu trọn vẹn Mười pháp Ba-la-mật cùng pháp môn Tổng trì, cho đến diệu ngữ tịch tĩnh của các vị Phật Bích-chi, Bồ Tát Thập địa và chư Phật cũng đều nhanh chóng được thành tựu, chớ sanh nghi hoặc.
Lại nữa, hành giả trì tụng theo pháp này nên thường dùng năm món thuốc Đại thừa là: Mạo-địa-tức-đa, Yết-lị-bố, Ra-ra-hật-đa, Tán-nại-na-phạ-nhật-ra, Ô-na-ca… Nếu thường dùng các loại thuốc này và trì tụng không ngừng nghỉ, sẽ nhanh chóng xa lìa được các nỗi khổ già nua, bệnh tật, tăng thêm tuổi thọ, hình dung thân tướng được thay đổi khiến người nhìn thấy đều kính mến, ngay trong đời này được thành tựu trí tuệ cao trổi nhất.
Lại nữa, hết thảy những việc như dứt trừ tai ách, tăng thêm lợi ích, khiến người hàng phục, yêu kính, cho đến các pháp câu triệu, trừ diệt ma chướng, ngăn cấm những điều xấu ác, oan nghiệt, phá trừ pháp xấu ác, cho đến tự do đi lại giữa không trung cũng như các pháp tam-ma-địa, nếu tu tập theo pháp Quán Tự Tại này thì hết thảy đều được thành tựu.
Chân ngôn căn bản của Bồ Tát Quán Tự Tại như sau:

Úm Hột lăng Bát nạp ma Na lị đế Thấp phạ ra Hồng.

Lại nữa, nếu hành giả thường trì tụng chơn ngôn căn bản của Bồ Tát Quán Tự Tại, mỗi ngày được 108 biến thì những tội lỗi nghiệp chướng đã gây ra trước đây thảy đều tiêu diệt.
Nếu tụng mỗi ngày 500 biến thì có thể trừ dứt hết thảy bệnh tật.
Nếu tụng mỗi ngày 1.000 biến thì tuổi thọ được tăng thêm.
Nếu tụng mỗi ngày 2.000 biến thì được mọi người cung kính.
Nếu tụng mỗi ngày 3.000 biến thì được mọi người kính yêu, càng thêm giàu sang phú quý.
Nếu tụng mỗi ngày 4.000 biến thì có thể xa lìa cảnh nghèo cùng khốn khổ.
Nếu tụng mỗi ngày 5.000 biến có thể khiến cho những kẻ oán thù với hành giả đều hoảng loạn thân tâm.
Nếu tụng mỗi ngày 6.000 biến có thể hàng phục được hết thảy những kẻ oán thù.
Nếu tụng mỗi ngày 7.000 biến có thể hàng phục được bốn thứ ma: ma phiền não, ma năm uẩn, ma chết và ma vương cõi trời.
Nếu tụng mỗi ngày 8.000 biến có thể hàng phục cả hàng chư thiên và thiên nữ.
Nếu tụng mỗi ngày 9.000 biến có thể hàng phục loài Dạ-xoa, nữ Dạ-xoa.
Nếu tụng mỗi ngày một vạn biến có thể hàng phục hàng trời, rồng và loài người.
Nếu tụng mỗi ngày hai vạn biến sẽ được các bậc hiền thánh ẩn thân giúp cho thành tựu.
Nếu tụng mỗi ngày ba vạn biến có thể thành tựu trọn vẹn mọi tâm nguyện.
Nếu tụng mỗi ngày bốn vạn biến có thể tự tại bay giữa hư không.
Nếu tụng mỗi ngày năm vạn biến sẽ được thành tựu gươm báu trí huệ của bậc thánh.
Nếu tụng mỗi ngày sáu vạn biến ắt sẽ thành tựu địa vị Trì Minh Thiên.
Nếu tụng mỗi ngày bảy vạn biến sẽ được làm bậc Thế chủ chốn thế gian.
Nếu tụng mỗi ngày tám vạn biến sẽ được địa vị Chuyển Luân Vương có bánh xe sắt.
Nếu tụng mỗi ngày chín vạn biến sẽ được địa vị Chuyển Luân Vương có bánh xe vàng.
Nếu tụng mỗi ngày mười vạn biến sẽ thành tựu địa vị Bồ Tát.

Nếu tụng mỗi ngày trăm vạn biến sẽ được tự tại, thành tựu trọn vẹn mười địa vị của hàng Bồ Tát.
Nếu tụng mỗi ngày năm trăm vạn biến ắt sẽ chứng được địa vị Phật.
Nếu tụng mỗi ngày ngàn vạn biến ắt sẽ đạt được đầy đủ thân, khẩu, ý v.v... như đức Phật Vô Lượng Thọ ở thế giới Cực Lạc, làm lợi lạc khắp chúng sanh.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn lại thuyết dạy chân ngôn của Bồ Tát Bạch Y như sau:

Úm Bán nõa ra Phạ tỉ nể Pha ra nễ Hồng.

Nếu ai thường trì tụng chân ngôn vi diệu này của Bồ Tát Bạch Y thì hết thảy tội lỗi nghiệp chướng đã gây ra đều được tiêu trừ. Nếu có thể theo đúng pháp mà chuyên tâm trì tụng trọn vẹn qua bảy ngày thì được hết thảy nhân dân trong cõi nước nơi ấy cung phụng kính trọng.
Nếu trì tụng qua một tháng sẽ được hết sức giàu có sang trọng.
Nếu trì tụng như vậy cho đến số một vạn biến sẽ được oai lực không khác hàng Bồ Tát.

Tiếp đó, đức Thế Tôn lại thuyết dạy chân ngôn của Bồ Tát Vĩ-lộ-kiết-nễ như sau:

Úm Vĩ lộ kiết nễ A phạ lộ ca giả Ta phạ ha.

Nếu ai theo đúng pháp trì tụng chân ngôn vi diệu này của Bồ Tát được một vạn biến, ắt sẽ được thành tựu gươm báu trí huệ của bậc thánh. Nếu người trì tụng có việc gì đang mong cầu, có thể lấy một cây tăm xỉa răng gia trì chú này 21 biến, dùng nó để xỉa răng trước khi đi ngủ thì trong giấc mộng sẽ được nghe nói về việc đang mong cầu. Những điều được nghe như thế đều đúng thật.

Đức Thế Tôn lại thuyết dạy chân ngôn của Bồ Tát Đa-la như sau:

Úm Đa lị Đốt đa lị Đốt lị Ta phạ ha.

Nếu ai theo đúng pháp trì tụng chân ngôn vi diệu của Bồ Tát này đủ số mười vạn biến thì có thể hàng phục hết thảy hàng trời, rồng, a-tu-la, Trì Minh Thiên và nữ giới trong các cõi ấy, khiến cho đều đến chịu sự sai khiến, mọi việc đều tùy theo ý muốn.
Người trì tụng chú này nếu muốn gọi các hàng trời, rồng và nữ giới trong các cõi ấy đến, nên quán tưởng thân các vị ấy có màu đỏ, giữa tâm có móc câu bằng kim cang. Lại quán tưởng phóng hào quang rực rỡ, móc vào nơi tâm các vị ấy, rồi quán tưởng sợi dây buộc cổ ra dáng vẻ đáng khiếp sợ. Quán tưởng như vậy rồi thì những vị được gọi đến kia nhất định ngay trong lúc tụng chú sẽ nhanh chóng tìm đến. Trong lòng có điều gì mong cầu đều có thể tùy ý đạt được.

Đức Thế Tôn lại thuyết dạy chân ngôn của Bồ Tát Bộ-lị-ni như sau:

Úm Bộ lị ni Ma ha tát hật ra phạ lị để nể hồng.

Nếu ai trì tụng chân ngôn vi diệu của Bồ Tát này, muốn cầu thành tựu việc gì, trước hết nên dùng những loại thuốc vĩ-nạ-phạ, phạ-nhật-rô, na-ca v.v... đắp thành đồ hình mạn-đà-la giống như mặt trăng tròn, sau đó tùy khả năng mà lo đủ các loại bị hương hoa cúng dường bên trong đàn tràng ấy. Sau đó người trì tụng mới trải tòa mà ngồi, nhất tâm chuyên chú trì tụng không biếng trễ. Như vậy thì những việc mong cầu đều sẽ thành tựu, kẻ thấy người được đều vui mừng khoan khoái. Sau khi mạng chung sẽ được sinh về thế giới Cực Lạc.

Đức Thế Tôn lại thuyết dạy chân ngôn của Bồ Tát Bát-nạp-ma-phạ-tì-nể như sau:

Úm Ma hạ Thất lị duệ Ma-ni Bát nạp mi Hồng.

Nếu ai trì tụng chân ngôn vi diệu của Bồ Tát này, trước hết phải dùng năm món hương hoa cúng dường, sau mới có thể trì tụng. Trì tụng rồi thì dù ở nơi nào cũng được sự ủng hộ, nếu tham gia tranh luận ý nghĩa nhất định được phần thắng, được sức tự tại đồng như đức Bồ Tát Quán Tự Tại. Nếu dùng một vạn hoa sen làm đàn pháp mạn-đà-la thì sẽ được làm vị chủ quản nơi vùng đất ấy. Nếu dùng mười vạn hoa sen làm đàn pháp mạn-đà-la thì sẽ đạt được địa vị Chuyển Luân Thánh Vương.
Đức Thế tôn lại thuyết dạy chân ngôn của Bồ Tát Phạ-nhật-ra Bát-nạp-ma-thuyết-lị như sau:

Úm Phạ nhật ra Bát nạp mi Thuyết lị Phạ ra Bát nạp mi Hồng.

Chân ngôn vi diệu của Bồ Tát này, nếu có hành giả vừa khởi tâm trì tụng liền có được khả năng hàng phục, gọi mời.
Nếu trì tụng được 7 biến có thể tự hộ trì bảo vệ bản thân.
Nếu trì tụng đến 1.000 biến có thể trừ được hết thảy các nạn độc dược, đao kiếm, sư tử, voi, rắn độc, lửa cháy, giặc cướp, giam cầm, buộc trói, nguy hiểm nơi biển cả, quỷ dữ v.v... và trừ được các loại bệnh như bệnh sai-kha-lị-cô, bệnh na-ca-nạp, bệnh nhai-lị-mi, bệnh đa-nạp-lị-lãng, bệnh nghĩ-đa v. v... cũng như phá trừ được tất cả các chúng sinh ác độc.
Nếu tụng đến 10 vạn biến sẽ được kéo dài thọ mạng, tuổi già hóa trẻ, thân tướng trọn vẹn đầy đủ, được mọi người kính yêu.
Nếu gặp nạn hạn hán, nên chọn một chỗ đất nơi ấy vẽ hình ao rồng, đến trước ao đó hướng tâm nghĩ đến tên rồng, sau đó dùng hạt cải trắng và muối làm thành mạn-đà-la [rồi trì chú]. Làm như vậy thì trời sẽ đổ mưa lớn, khắp vùng ấy được mùa màng tốt đẹp.

Đức Thế tôn lại thuyết dạy chân ngôn của Bồ Tát Vĩ-thuyết-Phạ-nhựt-ra như sau:

Úm Vĩ thuyết phạ Phạ nhựt lị Hồng.

Nếu ai theo đúng pháp chuyên chú trì tụng chân ngôn vi diệu của Bồ Tát này không biếng trễ, người ấy sẽ có khả năng tự bảo vệ mình cũng như bảo vệ và giúp đỡ người khác, được tất cả mọi người kính yêu, cho đến có được tài biện thuyết thường biện bác được luận thuyết của người khác.
Lại nữa, vị Bồ Tát này thường ở nơi các cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh cứu độ chúng sinh, phát nguyện hết sức tinh tấn như Bồ Tát Quán Tự Tại. Nếu có người tin tưởng kính trọng pháp Phật thì Bồ Tát này sẽ thường giúp đỡ bảo vệ, giống như mẹ của người ấy.

Đức Phật dạy: “Nếu có người đối với nghi quỹ niệm tụng Bồ Tát Quán Tự Tại trong Kinh Nhất thiết Như Lai nhiếp tương ưng Đại giáo vương này không sinh lòng nghi hoặc, kiên cố tu hành, người ấy sẽ được thành tựu pháp rốt ráo.

Lại nữa, nếu có người không học được pháp mạn-đà-la, cho đến chịu đủ loại phiền não hoặc phước nghiệp mỏng manh v.v... nhưng nếu tùy chỗ mong muốn trong tâm mà khi đi đứng nằm ngồi, hoặc lúc nói lúc cười đều không gián đoạn việc phát tâm Bồ-đề, nghĩ tưởng đến lý chân thật mà trì tụng theo nghi quỹ này, thì các pháp người ấy làm đều có thể thành tựu.

Lại nữa, nếu có người trì tụng nghi quỹ này phát tâm Bồ-đề, uống vào năm món thánh dược như là thánh dược ma-hạ-ra-mật-dương, thánh dược yết-lị-bố, thánh dược rô-ra-mật-đa, thánh dược tán-nại-na v.v... rồi y theo nghi quỹ Bồ Tát Quán Tự Tại này mà trì tụng, đồng thời cúng dường các bậc hiền thánh, thì người ấy tuy không tạc tượng Phật cũng có thể đạt đến pháp tương ưng tối thượng, thành tựu địa vị Bồ Tát Kim Cang Tát-đỏa, nhanh chóng chứng đắc quả vị Bồ-đề.
Sự thành tựu của người ấy có những biểu hiện như thế nào? Đó là sự tu tập của người ấy đối với ba mươi bảy phần Bồ-đề cùng các pháp Ba-la-mật, các môn tổng trì cho đến Mười địa đều tự nhiên thành tựu.

Nếu ai có thể y theo pháp Nhất thiết Phật Tương ưng này mà trì tụng, ắt sẽ được như hết thảy chư Phật, không có khác biệt.
Lại nữa, nếu người trì tụng trong tâm chưa được vắng lặng, không có khả năng hiểu rõ pháp tương ưng, ta nay sẽ vì người ấy dạy phương pháp vẽ tranh tượng [Bồ Tát].
Nếu người trì tụng nghi quỹ này muốn vẽ ra tranh tượng [Bồ Tát], trước hết phải tìm cầu một họa sĩ có tài vẽ khéo léo, bảo người ấy phải thọ trì trai giới, giữ cho thân và tâm đều được trong sạch thanh khiết. Sau đó dùng một tấm lụa loại tốt nhất, mềm mỏng, hai đầu thật bằng, dài hai thước. Đoạn dùng những thứ màu sắc tuyệt đẹp, vẽ lên tấm lụa ấy một vầng trăng tròn. Trong vầng trăng ấy lại vẽ hoa sen tám cánh nhiều màu, giữa tâm hoa sen vẽ Bồ Tát Quán Tự Tại thân màu đỏ, có ba mặt sáu tay, đầu đội mão báu, trong mão ấy có đức Phật Vô Động. Khuôn mặt bên phải vẽ màu đen, hiện tướng phẫn nộ, khuôn mặt bên trái vẽ màu trắng. Lại vẽ sáu cánh tay ngài đều cầm hoa sen đúng theo phép tắc.
Nơi cánh sen phía đông vẽ Bồ Tát Vĩ-lộ-kiết-nễ thân màu trắng, tay trái cầm hoa sen đỏ, tay phải cầm chày kim cang.
Nơi cánh sen ở phía nam vẽ Bồ Tát Đa-la thân màu xanh lá, tay trái cầm hoa sen màu xanh lá, tay phải cầm vật báu.
Nơi cánh sen ở phía tây vẽ Bồ Tát Bộ-lị-ni thân màu vàng ròng, tay cầm hoa ưu-bát-la, bên trong hoa ấy có bánh xe.
Nơi cánh sen ở phía bắc vẽ Bồ Tát Tần-mi thân màu trắng hồng, tay cầm hoa sen vàng và thanh gươm sắc.
Nơi cánh sen phía đông bắc vẽ Bồ Tát Bát-nạp-ma-tỉ-nể thân màu vàng ròng, tay cầm hoa sen màu lụa đào.
Nơi cánh sen phía đông nam vẽ Bồ Tát Phạ-nhựt-ra-bát-nạp-mi-thuyết-lị thân như hư không, không màu, tay cầm hoa sen trắng và tràng hạt bằng pha lê.
Nơi cánh sen phía tây nam vẽ Bồ Tát Vĩ-thuyết-bát-nạp-ma thân màu như trăng mùa thu, tay cầm hoa sen màu đen và quyển kinh Phật.
Nơi cánh sen phía tây bắc vẽ ngài Bồ Tát Vĩ-thuyết-phạ-nhựt-ra thân có đủ các màu, tay cầm hoa sen.
Tiếp đến, nơi bốn góc bên ngoài cánh sen vẽ bốn vị Bồ Tát thân cận là Hí, Man, Ca, Vũ. Tiếp theo ở vị trí bốn cửa lại quán tưởng bốn chữ nhiệm mầu là Nịch, Hồng, Vãm, Hô, hóa hiện thành bốn vị Bồ Tát là Câu, Sách, Tỏa, Linh, bảo vệ nơi bốn cửa.

Lại nói về phương pháp vẽ hình tượng [Bồ Tát]. Cũng giống như trước, phải tìm cầu một họa sĩ có tài vẽ khéo léo. Dùng lụa trắng tốt mà vẽ hình tượng Bồ Tát Quán Tự Tại lên, thân ngài có màu như trăng mùa thu, đầy đủ các tướng tốt, đầu đội mão báu, trong mão có đức Phật Vô Lượng Thọ. Thân ngài có tám cánh tay, tay thứ nhất bên phải cầm xâu chuỗi, tay thứ hai cầm gậy báu, tay thứ ba cầm chỉa ba, tay thứ tư bắt ấn thí nguyện. Tay thứ nhất bên trái cầm hoa sen, tay thứ hai cầm bình quân trì, tay thứ ba cầm dây quyến sách, tay thứ tư cầm quyển Kinh Bát-nhã. Bồ Tát mặc áo da cọp, rồng quấn ngang dưới nách, hoặc đứng, hoặc ngồi kiết-già trên hoa sen. Phía Phật Bồ Tát vẽ người trì tụng tay cầm chén át-già và lư hương, dáng vẻ cung kính.
Lại nói thêm về phương pháp vẽ hình tượng [Bồ Tát], uy nghi như dáng núi Bổ-đà-lạc-ca, vẽ hình Bồ Tát Quán Tự Tại thân hình màu trắng, đầy đủ các tướng viên mãn, y ngoài màu trắng trang nghiêm, tay phải cầm xâu chuỗi, [đầu nghiêng xuống] tay trái chống vào má trái, dáng vẻ đang suy nghĩ đến việc làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Bồ Tát ngự tòa sen trên lưng sư tử, chân trái đưa xuống đạp trên cánh hoa sen, chân phải đặt trên tòa.
Lại nói thêm về phương pháp vẽ hình tượng [Bồ Tát], cũng dùng lụa tốt như trước, vẽ hình Bồ Tát Quán Tự Tại thân màu trắng hồng có mười cánh tay. Tay thứ nhất bên phải cầm chuỗi hạt, bốn tay khác hiện tướng ban bố sự an ổn không sợ sệt, cứu khổ nạn cho chúng sinh. Tay thứ nhất bên trái cầm hai nhánh sen màu đỏ thắm, phía trên có quyển kinh Bát-nhã, bốn tay khác cũng hiện tướng ban bố sự an ổn không sợ sệt, cứu khổ nạn cho chúng sinh. Bồ-tát ngự tòa sen trên lưng sư tử, chân trái đưa xuống đạp trên hoa sen. Phía bên phải Bồ Tát vẽ các hình sư tử, voi, lửa cháy, rắn độc, phía bên trái vẽ các hình giặc cướp, giam cầm, buộc trói, quỷ dữ trên biển, [tượng trưng cho] chúng sinh gặp tám loại khổ nạn như vậy để làm thành tướng Bồ Tát [hiện thân] cứu độ.
Lại nói thêm về phương pháp vẽ hình tượng [Bồ Tát]. Cũng dùng lụa tốt như trước, vẽ hình Bồ Tát Quán Tự Tại ngự trong bánh xe hình mặt trăng, hiện đủ các màu sắc. Bồ Tát có 13 đầu, trên mỗi đầu đều có đội mão báu, trong mão có đức Phật Vô Lượng Thọ. Khuôn mặt Bồ Tát quay về phía trước vẽ thật tròn đầy, khuôn mặt thứ 13 màu xanh lá, hiện tướng mã đầu, có 100 tay cầm đủ các loại khí trượng yết-ma. Hoặc vẽ hình Bồ Tát 100 đầu, 1000 tay, cũng cầm đủ các loại khí trượng yết-ma.
Đối với tất cả các hình tượng [Bồ Tát], nơi phía bên phải đều vẽ người trì tụng [nghi quỹ này] dáng vẻ quỳ bái cung kính, tay cầm bát át-già và lư hương...
Trong số các tranh vẽ hình tượng như vừa nói trên, người trì tụng [nghi quỹ này] tùy theo sự ưa thích trong tâm mà chọn vẽ một hình tượng, nhưng mỗi mỗi đều phải phát tâm tối thượng thù thắng. Vẽ ra được hình tượng [Bồ Tát] rồi, liền bày biện đủ các món hương hoa, ẩm thực tốt đẹp cùng các phẩm vật cúng dường ở trước tôn tượng, nên thỉnh vị a-xà-lê y theo pháp làm lễ khánh tán xong rồi, sau đó người trì tụng [nghi quỹ này] mới tự mình giữ thân tâm tinh khiết thanh tịnh, đối trước tranh tượng [Bồ Tát] ngồi xuống an ổn định tâm, trì tụng chân ngôn căn bản nhiệm mầu của Bồ Tát Quán Tự Tại. Nếu xa lìa được các mối nghi hoặc, chuyên chú trì tụng không biếng trễ, thì tất cả việc làm đều nhất định sẽ thành tựu.
Lại nữa, sau khi vị a-xà-lê làm lễ khánh tán và truyền thụ chân ngôn căn bản nhiệm mầu này rồi, người trì tụng [nghi quỹ này] phải theo lễ nghi của hàng đệ tử mà lễ bái cung kính, dùng tất cả các món trân bảo, vàng bạc, tài vật cho đến quốc thành và cả thân mạng đều có thể dâng lên vị a-xà-lê ấy để đền đáp. Vì sao thế? Vì pháp như trên rất khó được gặp, huống chi lại được truyền thụ. Cho nên phải hết sức thành tâm cầu thỉnh vị a-xà-lê, phát nguyện hoan hỉ cúng dường.
Lại nữa, pháp này không được truyền cho những kẻ dễ duôi, vì không có tâm cung kính chí thành, e rằng sẽ phải nhận lấy quả báo xấu ác.

Phật dạy Nghi quỹ niệm tụng Bồ Tát Quán Tự Tại trong Kinh Nhất thiết Phật nhiếp tương ưng Đại giáo vương
Sa-môn Thích Viên Đức dịch ra Việt văn năm 1975.

Nhập liệu: Chúc Huy Nguyễn Minh Hoàng


(1)
Chủng tự hrīḥ (Xem hình bên phải), phát âm như chữ "ri" với một chút bật hơi trước âm "r" và âm "i" kéo dài, được xem là một linh tự của đức Phật A-di-đà, biểu hiện cho các phẩm tính của Ngài như thiền định và đại bi. Theo Mật giáo Tây Tạng thì chủng tự này cũng là linh tự của đức Bồ Tát Quán Thế Âm (Chenresig). Mời tham khảo tại đây.


« Kinh này có tổng cộng 1 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng


Bát-nhã Tâm kinh Khảo luận


Phật giáo và Con người

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.224.59.231 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập