Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Kinh [佛說無量壽經] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Kinh [佛說無量壽經] »» Bản Việt dịch quyển số 1


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Việt dịch (3) » English version (1) » English version (2) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.67 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.75 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Vô Lượng Thọ Phật

Kinh này có 2 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 |
Việt dịch: Nguyên Thuận

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
(Download file MP3 -51.13Mb
Font chữ:

Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật ở trên núi Linh Thứu gần thành Vương Xá, cùng câu hội với 12.000 vị đại Tỳ-kheo. Tất cả đại Thánh, thần thông đã đạt. Tên của các vị ấy là:
-Tôn giả Liễu Bổn Tế,
-Tôn giả Chánh Nguyện,
-Tôn giả Chánh Ngữ,
-Tôn giả Đại Hiệu,
-Tôn giả Nhân Hiền,
-Tôn giả Ly Cấu,
-Tôn giả Danh Văn,
-Tôn giả Thiện Thật,
-Tôn giả Cụ Túc,
-Tôn giả Ngưu Vương,
-Tôn giả Ưu-lâu Tần-loa-ca-diếp,
-Tôn giả Già-da Ca-diếp,
-Tôn giả Na-đề Ca-diếp,
-Tôn giả Ma-ha Ca-diếp,
-Tôn giả Xá-lợi-phất,
-Tôn giả Đại Mục-kiền-liên,
-Tôn giả Kiếp-tân-na,
-Tôn giả Đại Trụ,
-Tôn giả Đại Tịnh Chí,
-Tôn giả Ma-ha Châu-na,
-Tôn giả Mãn Nguyện Tử,
-Tôn giả Ly Chướng,
-Tôn giả Lưu Quán,
-Tôn giả Kiên Phục,
-Tôn giả Diện Vương,
-Tôn giả Quả Thừa,
-Tôn giả Nhân Tánh,
-Tôn giả Hỷ Lạc,
-Tôn giả Thiện Lai,
-Tôn giả La-vân,
-Tôn giả A-Nan,
-và các bậc thượng thủ khác như thế.
Lại có chư đại Bồ-Tát Ma-ha-tát câu hội, gồm có Phổ Hiền Bồ-Tát, Diệu Đức Bồ-Tát, Từ Thị Bồ-Tát, và các đại Bồ-Tát khác như vậy.
Tất cả chư Bồ-Tát trong Hiền kiếp này cũng đều đến hội họp.
Lại có 16 vị Chánh sĩ, gồm có: -Hiền Hộ Bồ-Tát,
-Thiện Tư Nghị Bồ-Tát,
-Tuệ Biện Tài Bồ-Tát (1),
-Tín Tuệ Bồ-Tát,
-Không Vô Bồ-Tát,
-Thần Thông Hoa Bồ-Tát,
-Quang Anh Bồ-Tát,
-Tuệ Thượng Bồ-Tát,
-Trí Tràng Bồ-Tát,
-Tịch Căn Bồ-Tát,
-Nguyện Tuệ Bồ-Tát,
-Hương Tượng Bồ-Tát,
-Bảo Anh Bồ-Tát,
-Trung Trụ Bồ-Tát,
-Chế Hành Bồ-Tát,
-và Giải Thoát Bồ-Tát.
Hết thảy họ đều tu theo đức của Phổ Hiền Đại sĩ. Đầy đủ vô lượng hạnh nguyện của chư Bồ-Tát và an trụ trong tất cả Pháp công đức. Các ngài du hý đến mười phương và khéo dùng quyền xảo phương tiện. Nhập Phật Pháp Tạng để đạt tới cứu cánh Niết-bàn và hiện thành đẳng giác trong vô lượng thế giới.
Đức Bồ-Tát Thành Đạo
Lúc bấy giờ, Đức Bồ-Tát trụ ở trời Đâu-suất và rộng tuyên Chánh Pháp. Rồi ngài rời thiên cung và giáng thần vào thai mẹ. Sau đó, từ hông bên phải hạ sanh và đi bảy bước. Khi ấy, ánh hào quang sáng rực, phổ chiếu khắp mười phương, vô lượng Phật độ chấn động sáu cách, và cất lên tiếng tự xưng rằng:
"Ta sẽ ở thế gian làm bậc Vô Thượng Tôn!"
Lúc đó, Đế-thích và Phạm Vương đến hầu cận phụng sự. Trời người kính ngưỡng quy y.
Đức Bồ-Tát thị hiện học toán số văn chương, bắn cung cưỡi ngựa, đạo thuật uyên bác, và thông suốt mọi sách điển. Ngài hay vui chơi ở hậu viên và luận võ thi tài. Tuy ở trong vương cung nhưng không hề nhiễm sắc vị. Khi thấy sanh lão bệnh tử, Đức Bồ-Tát ngộ lý vô thường, rồi từ bỏ quốc gia, tài bảo, và ngôi vị để vào rừng học Đạo. Ngài cưỡi trên lưng ngựa trắng. Sau đó, ngài lấy mũ báu và xâu chuỗi anh lạc gửi trở về.
Lúc ấy, Đức Bồ-Tát cởi xuống y bào và khoác lên Pháp y, rồi cạo bỏ râu tóc và tĩnh tọa sáu năm khổ hạnh. Bởi thị hiện trong đời năm trược nên cũng tùy thuận quần sanh mà thân thể có bụi dơ. Sau đó ngài đi đến bờ sông Ni-Liên tắm gội. Khi ấy, chư thiên ấn nhánh cây xuống để ngài vịn ra khỏi dòng nước và các loài chim linh thiêng cũng bay theo đến Đạo Tràng. Lúc đó có mục đồng dâng lên cỏ để biểu thị cho sự cát tường, phước tuệ sắp viên mãn. Đức Bồ-Tát từ bi lãnh thọ, trải làm tòa và ngồi kiết già dưới gốc cây. Khi sắp thành Đạo, thân Bồ-Tát phóng đại quang minh. Ma vương hay được nên thống lãnh chúng ma quyến thuộc đến thử thách và quấy nhiễu. Tuy nhiên, ngài dùng trí lực nên khiến đều hàng phục. Sau đó, Đức Bồ-Tát đắc diệu Pháp và thành Tối Chánh Giác.
Bấy giờ, Thiên Chủ Đế-thích đến và Đại Phạm Thiên Vương thỉnh chuyển Pháp luân. Rồi Ngài bước theo hạnh của Phật, hống tiếng Phật, đánh trống Pháp, thổi loa Pháp, cầm kiếm Pháp, dựng Pháp tràng, nổi Pháp lôi, chớp Pháp điện, mưa Pháp vũ, và diễn Pháp thí. Đức Phật thường dùng Pháp âm để giác ngộ thế gian. Hào quang chiếu khắp vô lượng Phật độ, tất cả thế giới đều chấn động sáu cách, và tổng nhiếp ma giới. Khi đó ma cung lung lay, chúng ma khiếp sợ và không ai là chẳng quy phục. Đức Phật xé tan màn lưới tà, tiêu diệt tà kiến, tống đuổi trần lao, phá hủy hố dục, trang nghiêm và hộ trì Pháp thành. Ngài khai mở Pháp môn, tẩy sạch nhiễm ô, hiển bày tự tánh thanh tịnh cho quần mê và làm cho Chánh Pháp lưu truyền, vẻ vang Phật Pháp.
Lúc bấy giờ, Đức Phật đi vào thành khất thực để làm nơi phước điền công đức cho chúng sanh gieo trồng. Ngài mỉm cười và muốn tuyên thuyết Chánh Pháp. Ngài dùng Pháp dược để chữa trị tam khổ, hiển bày Đạo ý, và thị hiện vô lượng công đức. Ngài lại vì chư Bồ-Tát mà thọ ký họ sẽ thành Phật quả. Sau cùng, Ngài thị hiện nhập diệt để độ thoát vô lượng chúng sanh, tiêu trừ các lậu, và giúp chúng sanh gieo trồng căn lành.
Đức Phật có đầy đủ công đức, vi diệu khó suy lường. Ngài lại du hành đến các quốc độ của chư Phật để phổ hiện Đạo giáo. Sự tu hành của Ngài đều thanh tịnh không dơ. Đây ví như nhà huyễn thuật khéo hiển bày những dị tượng lạ thường. Hiện làm người nam hay làm người nữ, hoặc hiện ra bất kỳ thân hình nào và ở nơi bổn học đều thông đạt, tùy ý tự tại.
Bồ-Tát Đạo
Chư Bồ-Tát đây cũng lại như vậy. Tu học, thực hành, thông suốt tất cả pháp, an trụ nơi chân đế, thương xót và cảm hóa chúng sanh. Các ngài hóa hiện khắp vô số Phật độ mà chưa từng kiêu mạn hay phóng dật. Tất cả Kinh điển, chư Bồ-Tát hạnh và các Pháp như vậy thảy đều thông suốt. Thế nên danh xưng và Đạo hạnh vang khắp mười phương và luôn được vô lượng chư Phật hộ niệm. Bồ-Tát trụ nơi Phật an trụ, xiển dương giáo Pháp mà bậc Đại Thánh đã an lập. Dưới sự giáo hóa của Như Lai, các ngài khéo thực hành Bồ-Tát Đạo, làm bậc đại Đạo sư, tuyên dương chánh Đạo, và dùng trí tuệ thậm thâm của thiền định để khai đạo chúng mê. Thông đạt các pháp tánh, thấu rõ tướng của chúng sanh và cõi nước của họ.
Khi Bồ-Tát cúng dường chư Phật, thân liền hiện ra như tia điện chớp. Bồ-Tát lại khéo tu học Pháp vô úy, hiểu rõ các pháp như huyễn, xé tan vòng lưới ma, và giải thoát mọi sự ràng buộc. Nơi hạnh làm siêu việt hơn hàng Thành Văn và bậc Duyên Giác; đắc Không, Vô Tướng, Vô Nguyện Tam-muội. Với thiện xảo phương tiện, Bồ-Tát hiện ra ở cả Ba Thừa, rồi thị hiện diệt độ ở bậc trung và hạ căn. Lại biết rõ chư pháp đều vô tác, vô hữu, bất khởi, bất diệt, nên được sự bình đẳng của pháp. Các căn thanh tịnh, trí tuệ vẹn đủ, đắc vô lượng tổng trì và trăm ngàn tam-muội. Trụ sâu trong chánh định quảng đại, thâm nhập Pháp Tạng của Bồ-Tát, và chứng được Phật Hoa Nghiêm Tam-muội. Sau đó, tuyên dương và diễn nói tất cả Kinh điển.
Lúc ở trong định, Bồ-Tát thấy vô lượng chư Phật hiện ra ở trước họ. Trong một niệm khoảnh, có thể ở cùng khắp mọi nơi để cứu hộ chúng sanh ra khỏi ách nạn. Lại khéo phân biệt và hiển bày các Pháp chân thật nên đắc trí tuệ biện tài của chư Như Lai, có thể thấu rõ tất cả ngôn ngữ của chúng sanh để giáo hóa họ hết thảy. Tâm Bồ-Tát siêu vượt ra khỏi các pháp hữu vi của thế gian và luôn an trụ nơi chánh Đạo. Đối với hết thảy vạn vật đều tùy ý tự tại. Bồ-Tát lại vì chúng sanh mà tình nguyện làm người bạn chưa hề quen biết và gánh vác nghiệp tội thâm trọng giùm họ.
Bồ-Tát như vậy luôn thọ trì Pháp Tạng sâu xa của Như Lai. Hộ trì chủng tánh Phật và chẳng để đoạn tuyệt. Bồ-Tát lại khởi lòng đại bi, lân mẫn chúng sanh và diễn bày phương tiện, khiến họ có được Pháp nhãn, dứt trừ tam ác đạo, và mở cánh cửa thiện đạo. Bồ-Tát luôn vì chúng sanh mà thuyết Pháp và không cần phải đợi thỉnh mời. Bồ-Tát ví như người con hiếu thảo yêu kính cha mẹ. Bồ-Tát xem chúng sanh như bản thân mình. Vì thế hết thảy thiện căn đều rộng hồi hướng nên thành tựu được bất khả tư nghị trí tuệ và vô lượng công đức của chư Phật.
Tôn Giả A-Nan Thỉnh Pháp
Lúc bấy giờ có vô lượng Đại sĩ, không thể tính đếm kể số Bồ-Tát như vậy, đều đồng đến hội họp. Khi ấy các căn của Thế Tôn hòa vui, sắc tướng thanh tịnh và nét mặt tươi sáng. Bấy giờ Tôn giả A-Nan nương uy thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo lộ vai phải, hai gối quỳ và chắp tay bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Hôm nay các căn của Ngài hòa vui, sắc tướng thanh tịnh và nét mặt tươi sáng. Sáng rõ như gương, trong ngoài ảnh hiện thông suốt. Uy dung chói lọi, siêu tuyệt vô lượng. Từ nào đến giờ, con chưa từng thấy được sự thù thắng vi diệu như hôm nay. Kính thưa bậc Đại Thánh, tâm con khởi nghĩ rằng:
-Nay Đức Thế Tôn trụ nơi Pháp kỳ diệu. -Nay Đức Thế Hùng trụ nơi chư Phật trụ. -Nay Đức Thế Nhãn trụ nơi hạnh của bậc Đạo sư. -Nay Đức Thế Anh trụ nơi Đạo tối thắng. -Nay Đức Thiên Tôn hành Như Lai đức.
Chư Phật thuở quá khứ, hiện tại cùng vị lai đều tương niệm lẫn nhau. Có phải nay Thế Tôn cũng đang tưởng niệm chư Phật chăng, và vì sao uy thần của Ngài sáng chói như vậy?"
Phật bảo ngài A-Nan:
"Này A-Nan! Có phải chư Thiên dạy ông đến hỏi Như Lai? Hay ông hỏi uy nhan của Như Lai là do trí tuệ tự thấy?"
Ngài A-Nan bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Không có chư thiên đến dạy con, mà do con tự dùng trí tuệ để hỏi nghĩa ấy."
Đức Phật bảo:
"Lành thay, A-Nan! Điều ông hỏi rất hay. Ông có trí tuệ thâm sâu và biện tài rất vi diệu. Ông vì thương xót chúng sanh nên khéo hỏi nghĩa ý như vậy.
Như Lai vì lòng đại bi vô tận với chúng sanh trong Tam Giới nên mới thị hiện ở đời, để xiển dương Đạo giáo, cứu độ chúng sanh và chỉ bày sự lợi ích chân thật. Chư Phật xuất thế hiếm như hoa ưu-đàm nở, dù cả vô lượng ức kiếp cũng khó được gặp thấy. Điều ông hỏi hôm nay sẽ có lợi ích rất lớn cho hàng trời người.
Này A-Nan! Ông nên biết Chánh Giác của Như Lai, trí tuệ ấy khó suy lường, có thể chỉ dẫn chúng sanh đến bờ giải thoát. Tuệ kiến đó là vô ngại, không gì có thể ngăn trừ. Với chỉ một bữa ăn, thọ mạng của Như Lai có thể sống đến trăm ngàn ức kiếp, vô số vô lượng, và còn hơn số đó nữa. Cho dù thời gian ấy đã hết, các căn của Như Lai vẫn hòa vui, cũng chẳng bị suy hoại, sắc tướng không biến đổi, và uy dung không hề khác đi. Vì sao được như vậy? Đó là vì định tuệ của Như Lai viên mãn đến tột cùng và trong tất cả pháp đều được tự tại. Hãy lắng nghe A-Nan! Ta sẽ thuyết giảng cho ông."
Ngài A-Nan thưa rằng:
"Dạ vâng! Con vui thích muốn nghe."
PHẦN CHÁNH TÔNG
54 Vị Phật Kế Nhau Xuất Thế

Phật bảo ngài A-Nan:
"Vào thuở quá khứ vô lượng bất khả tư nghị vô số kiếp xa xưa về trước, lúc ấy có Đức Phật xuất thế, hiệu là Nhiên Đăng Như Lai (2). Ngài giáo hóa độ thoát vô lượng chúng sanh, khiến họ đều đắc Đạo rồi mới nhập Niết-bàn.
-Kế đến có Như Lai, hiệu là Quang Viễn. -Kế đến là Nguyệt Quang. -Kế đến là Chiên Đàn Hương. -Kế đến là Thiện Sơn Vương. -Kế đến là Tu-di Thiên Quan. -Kế đến là Tu-di Đẳng Diệu. -Kế đến là Nguyệt Sắc. -Kế đến là Chánh Niệm. -Kế đến là Ly Cấu. -Kế đến là Vô Trước. -Kế đến là Long Thiên. -Kế đến là Dạ Quang. -Kế đến là An Minh Đảnh. -Kế đến là Bất Động Địa. -Kế đến là Lưu Ly Diệu Hoa. -Kế đến là Lưu Ly Kim Sắc.
-Kế đến là Kim Tạng. -Kế đến là Diễm Quang. -Kế đến là Diễm Căn. -Kế đến là Địa Chủng. -Kế đến là Nguyệt Tượng. -Kế đến là Nhật Âm. -Kế đến là Giải Thoát Hoa. -Kế đến là Trang Nghiêm Quang Minh. -Kế đến là Hải Giác Thần Thông. -Kế đến là Thủy Quang. -Kế đến là Đại Hương. -Kế đến là Ly Trần Cấu. -Kế đến là Xả Yếm Ý. -Kế đến là Bảo Diễm. -Kế đến là Diệu Đảnh. -Kế đến là Dũng Lập. -Kế đến là Công Đức Trì Tuệ. -Kế đến là Tế Nhật Nguyệt Quang. -Kế đến là Nhật Nguyệt Lưu Ly Quang. -Kế đến là Vô Thượng Lưu Ly Quang. -Kế đến là Tối Thượng Thủ. -Kế đến là Bồ-đề Hoa. -Kế đến là Nguyệt Minh. -Kế đến là Nhật Quang. -Kế đến là Hoa Sắc Vương. -Kế đến là Thủy Nguyệt Quang. -Kế đến là Trừ Si Minh. -Kế đến là Độ Cái Hạnh. -Kế đến là Tịnh Tín. -Kế đến là Thiện Tú. -Kế đến là Uy Thần. -Kế đến là Pháp Tuệ. -Kế đến là Loan Âm. -Kế đến là Sư Tử Âm. -Kế đến là Long Âm. -Kế đến là Xử Thế.
Và sau khi các Đức Phật như vậy lần lượt nhập diệt, lúc bấy giờ tiếp đến có Đức Phật xuất thế, hiệu là Thế Tự Tại Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh
Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn."
Tỳ-kheo Pháp Tạng Phát Tâm Kiến Lập Tịnh Độ
"Khi ấy có một vị quốc vương, sau khi nghe Phật thuyết Pháp, liền sanh tâm hoan hỷ và phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Rồi ngài xả bỏ quốc gia và vương vị để trở thành Sa-môn, hiệu là Pháp Tạng, là bậc anh tài xuất chúng, có trí tuệ siêu việt khác thường. Sau đó, ngài đến Đạo Tràng của Thế Tự Tại Vương Như Lai, rồi cúi đầu đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, nhiễu ba vòng bên phải, hai gối quỳ, chắp tay và dùng kệ tán thán:
'Quang nhan sáng lồng lộng
Uy thần chí vô cực
Chói lòa như ánh lửa
Không ai sánh kịp hơn
Nhật nguyệt ma-ni châu
Tỏa sáng tuy chiếu rực
Cũng bị che ẩn khuất
Tối đen như vũng mực
Tôn dung Đức Như Lai
Siêu việt xuất thế gian
Chánh Giác đại âm thanh
Mười phương lưu biến vang
Đa văn giới tinh tấn
Tam-muội trí tuệ lực
Uy đức vô đẳng đẳng
Hy hữu thù thắng thay
Trụ sâu trong thiện niệm
Nhập vào biển Phật Pháp
Thâm áo diệu vô cùng
Rõ thông tận đáy sâu
Vô minh ái dục sân
Thế Tôn vĩnh dứt trừ
Nhân hùng bậc sư tử
Thần đức diệu khôn lường
Công đức rộng lớn sâu
Trí tuệ thâm diệu mầu
Quang minh uy tướng hiện
Chấn động cõi đại thiên
Nguyện con khi thành Phật
Làm bậc Thánh Pháp Vương
Hóa độ quần chúng mê
Thoát ly sanh tử đồ
Bố thí luôn trì giới
Nhẫn nhục hằng tinh tấn
Thiền định trụ như như
Trí tuệ siêu đệ nhất
Nguyện con khi thành Phật
Rộng hành lời nguyện này
Tất cả sợ hãi kinh
Thảy đều được an bình
Giả như có chư Phật
Trăm ngàn ức vạn muôn
Vô lượng chư Đại Thánh
Số như cát sông Hằng
Con thảy đều cúng dường
Chư Phật Đức Như Lai
Quyết tâm cầu chánh Đạo
Kiên định chẳng động dao
Thế giới của chư Phật
Ví như Hằng Hà sa
Không sao tính đếm xuể
Vô số Phật sát độ
Quang minh đều chiếu soi
Châu biến các nước ấy
Tinh tấn cũng như vậy
Uy thần diệu khôn lường
Nguyện con khi thành Phật
Cõi nước thù thắng nhất
Trang nghiêm tối diệu kỳ
Đạo Tràng siêu tuyệt vi
Quốc độ như Niết-bàn
An vui không gì sánh
Từ bi con thương xót
Độ thoát chúng quần sanh
Chúng sanh khắp mười phương
Vãng sanh về nước con
Tâm ý vui thanh tịnh
Luôn hưởng mãi yên bình
Nguyện Phật từ chứng minh
Con xin lập hoằng thệ
Phát nguyện trước Như Lai
Gắng sức chóng viên thành
Thập phương chư Thế Tôn
Vô ngại trí tuệ quang
Như Lai thường rõ biết
Am hiểu tâm hạnh con
Dù bị đau khôn xiết
Chúng khổ giày xéo thân
Con luôn gắng tu hành
Kham nhẫn chẳng từ nan'"
Phật bảo ngài A-Nan:
"Khi đã xướng lên bài kệ đó xong, Tỳ-kheo Pháp Tạng bạch Phật rằng:
'Kính bạch Đức Thế Tôn! Con đã phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nguyện Đức Phật vì con rộng nói Kinh Pháp để con theo đó tu hành và sẽ thành tựu cõi nước Phật, thanh tịnh trang nghiêm, vô lượng vi diệu. Lại khiến con mau thành Chánh Giác và bạt trừ gốc rễ thống khổ của sanh tử.' "
Phật bảo ngài A-Nan:
"Khi ấy Đức Phật Thế Tự Tại Vương bảo Tỳ-kheo Pháp Tạng:
'Trang nghiêm Phật độ và tu hành như thế nào thì chính ông cũng đã tự biết.'
Tỳ-kheo Pháp Tạng bạch Phật rằng:
'Nghĩa ấy sâu rộng, vượt ra ngoài cảnh giới của con. Duy nguyện Thế Tôn hãy rộng diễn bày các hạnh làm của chư Phật Như Lai lúc kiến lập cõi tịnh độ. Khi nghe xong, con sẽ như Pháp tu hành và sớm hoàn thành sở nguyện.'
Lúc bấy giờ, Đức Phật Thế Tự Tại Vương biết được chí nguyện hoằng thâm và quảng đại của Tỳ-kheo Pháp Tạng nên liền dạy rằng:
'Ví như có người lấy thùng múc nước trong biển lớn. Trải qua nhiều số kiếp thì cũng sẽ cạn đến đáy và người đó lấy được những kỳ trân diệu bảo. Cũng như vậy, nếu có ai chí tâm tinh tấn và cầu Đạo chẳng thôi nghỉ thì tất sẽ đắc quả. Không có nguyện gì mà chẳng thành.'
Khi đó, Đức Phật Thế Tự Tại Vương liền rộng nói 210 ức chư Phật sát độ, và ứng theo tâm nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng mà hiện ra tất cả cõi nước thô diệu, trời người ở nơi đó, hoặc thiện hay ác.
Lúc bấy giờ, Tỳ-kheo Pháp Tạng nghe Phật thuyết giảng về các cõi nước thanh tịnh trang nghiêm và đều đã thấy, rồi ngài phát thệ nguyện vô thượng thù thắng. Tâm ngài tịch tĩnh, không vướng mắc. Tất cả trong thế gian, không ai có thể sánh bằng. Trải qua năm kiếp, ngài tư duy và tuyển lựa các hạnh thanh tịnh để trang nghiêm cõi nước Phật."
Ngài A-Nan bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Thọ mạng của Đức Phật ở cõi nước kia dài bao lâu?"
Đức Phật bảo: "Thọ mạng của Đức Phật đó là 42 kiếp. Khi ấy, Tỳ-kheo Pháp Tạng tuyển chọn các hạnh thanh tịnh từ trong 210 ức cõi nước vi diệu của chư Phật. Khi đã tu hành như vậy xong, sau đó ngài đến Đạo Tràng của Phật, cúi đầu đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, nhiễu Phật ba vòng, đứng và chắp tay bạch rằng:
'Bạch Thế Tôn! Con đã hoàn mãn tuyển tập các hạnh thanh tịnh để trang nghiêm Phật độ.'
Đức Phật đó bảo Tỳ-kheo Pháp Tạng:
'Giờ ông hãy nói. Đây chính là lúc sẽ làm cho hết thảy đại chúng đều hoan hỷ. Chư Bồ-Tát khác sau khi nghe xong cũng tu hành Pháp này và sẽ viên mãn vô lượng đại nguyện.'
48 Đại Nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng
Tỳ-kheo Pháp Tạng bạch Phật rằng:
'Ngưỡng mong Đức Như Lai lắng nghe. Con sẽ lần lượt phát ra hết các thệ nguyện ấy:
[1] Nguyện con khi thành Phật, nếu trong nước con có địa ngục, ngạ quỷ hoặc súc sanh, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[2] Nguyện con khi thành Phật, nếu hàng trời người trong nước con, sau khi mạng chung mà còn đọa vào tam ác đạo, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[3] Nguyện con khi thành Phật, nếu hàng trời người trong nước con, thân chẳng giống như màu vàng chân kim, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[4] Nguyện con khi thành Phật, nếu hàng trời người trong nước con, hình sắc chẳng đồng nhau, có người đẹp kẻ xấu, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[5] Nguyện con khi thành Phật, nếu hàng trời người trong nước con, như chẳng được Túc Mạng Thông để biết trăm ngàn ức na-do-tha số kiếp, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[6] Nguyện con khi thành Phật, nếu hàng trời người trong nước con, như chẳng được Thiên Nhãn Thông để thấy trăm ngàn ức na-do-tha quốc độ của chư Phật, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[7] Nguyện con khi thành Phật, nếu hàng trời người trong nước con, như chẳng được Thiên Nhĩ Thông để nghe trăm ngàn ức na-do-tha chư Phật thuyết Pháp hay chẳng thể thọ trì, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[8] Nguyện con khi thành Phật, nếu hàng trời người trong nước con, như chẳng được Tha Tâm Thông để hiểu tâm niệm của trăm ngàn ức na-do-tha chúng sanh trong chư Phật quốc độ, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[9] Nguyện con khi thành Phật, nếu hàng trời người trong nước con, như chẳng được Thần Túc Thông để đến trăm ngàn ức na-do-tha quốc độ chư Phật trong một niệm khoảnh, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[10] Nguyện con khi thành Phật, nếu hàng trời người trong nước con, như khởi tưởng niệm chấp trước nơi thân tướng, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[11] Nguyện con khi thành Phật, nếu hàng trời người trong nước con, như chẳng trụ nơi chánh định cho đến lúc diệt độ, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[12] Nguyện con khi thành Phật, nếu hào quang có giới hạn, như chẳng thể chiếu đến trăm ngàn ức na-do-tha quốc độ của chư Phật, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[13] Nguyện con khi thành Phật, nếu thọ mạng có giới hạn, như chẳng thọ đến trăm ngàn ức na-do-tha số kiếp, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[14] Nguyện con khi thành Phật, nếu hàng Thanh Văn trong nước con, như có thể tính đếm và dù cho tất cả chúng sanh trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới đều thành bậc Duyên Giác, rồi cùng cộng tính trong trăm ngàn kiếp mà biết được số ấy, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[15] Nguyện con khi thành Phật, nếu hàng trời người trong nước con, như thọ mạng có giới hạn, thì sẽ không thủ Chánh Giác--duy trừ do sức bổn nguyện mà dài ngắn tự tại.
[16] Nguyện con khi thành Phật, nếu hàng trời người trong nước con, dẫu chỉ nghe tên của việc bất thiện, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[17] Nguyện con khi thành Phật, nếu vô lượng chư phật ở mười phương thế giới, như chẳng ngợi khen danh hiệu con, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[18] Nguyện con khi thành Phật, nếu có chúng sanh nào ở mười phương với chí tâm tín thọ, muốn sanh về nước con và niệm đủ mười niệm mà chẳng được vãng sanh, thì sẽ không thủ Chánh Giác--duy trừ năm tội ngỗ nghịch hoặc phỉ báng Chánh Pháp.
[19] Nguyện con khi thành Phật, nếu có chúng sanh nào ở mười phương phát Bồ-đề tâm, tu các công đức, chí tâm phát nguyện, và muốn sanh về nước con. Khi người ấy mạng chung mà con chẳng hiện ra và cùng đại chúng vây quanh trước người đó, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[20] Nguyện con khi thành Phật, nếu có chúng sanh nào ở mười phương nghe được danh hiệu con, tưởng nhớ cõi nước con, tu hành công đức, rồi chí tâm hồi hướng, và muốn sanh về nước con mà chẳng được toại ý, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[21] Nguyện con khi thành Phật, nếu hàng trời người trong nước con, như chẳng thành tựu viên mãn 32 tướng tốt của bậc đại nhân, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[22] Nguyện con khi thành Phật, nếu chư Bồ-Tát ở tha phương Phật độ sanh đến nước con mà cứu cánh chẳng thành Nhất Sanh Bổ Xứ, thì sẽ không thủ Chánh Giác--duy trừ do sức bổn nguyện tự tại nên hóa hiện ở quả vị ấy. Bồ-Tát vì muốn độ thoát tất cả chúng sanh nên khoác lên áo giáp của đại nguyện và tích lũy thiện căn. Rồi du hành đến các quốc độ của chư Phật, tu Bồ-Tát hạnh, cúng dường mười phương chư Phật Như Lai, giáo hóa Hằng Hà sa vô lượng chúng sanh và an lập họ nơi Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Bồ-Tát như vậy, hiện tiền tu theo Phổ Hiền hạnh nguyện và siêu vượt các quả địa thông thường.
[23] Nguyện con khi thành Phật, nếu chư Bồ-Tát trong nước con, như chẳng thể nương uy thần của Phật với thời gian chừng bằng một bữa ăn để cúng dường đến khắp vô lượng vô số ức na-do-tha quốc độ chư Phật, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[24] Nguyện con khi thành Phật, nếu chư Bồ-Tát trong nước con, như chẳng thể hiện ra đầy đủ các công đức để cúng dường trước chư Phật, hoặc chẳng được như ý, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[25] Nguyện con khi thành Phật, nếu chư Bồ-Tát trong nước con, như chẳng thể diễn nói Nhất Thiết Trí, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[26] Nguyện con khi thành Phật, nếu chư Bồ-Tát trong nước con, như chẳng được thân kim cang na-la-diên, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[27] Nguyện con khi thành Phật, hết thảy vạn vật trong nước con đều trang nghiêm thanh tịnh, sáng chói tráng lệ, hình sắc thù đặc, và vi diệu vô cùng đến chẳng thể suy lường. Nếu hàng trời người và các chúng sanh trong quốc độ con, cho đến dùng thiên nhãn mà có thể thấu rõ số lượng và danh xưng đó, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[28] Nguyện con khi thành Phật, nếu chư Bồ-Tát trong nước con, bao gồm những vị ít công đức, mà chẳng thể thấy biết nơi Đạo Tràng có cây Bồ-đề với vô lượng màu sắc chói sáng và cao 400 vạn dặm, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[29] Nguyện con khi thành Phật, nếu chư Bồ-Tát trong nước con, thọ trì đọc tụng và giảng thuyết Kinh Pháp mà chẳng được trí tuệ biện tài, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[30] Nguyện con khi thành Phật, nếu chư Bồ-Tát trong nước con, như trí tuệ biện tài có giới hạn, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[31] Nguyện con khi thành Phật, quốc độ sẽ thanh tịnh, chiếu soi tất cả vô lượng vô số bất khả tư nghị mười phương chư Phật thế giới, như tự thấy mặt mình hiện rõ trong gương sáng. Nếu chẳng được như thế, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[32] Nguyện con khi thành Phật, từ mặt đất đến hư không sẽ có cung điện lầu các, ao hồ dòng nước, và bông hoa cây cối. Hết thảy vạn vật trong cõi nước con đều do vô lượng tạp bảo và trăm ngàn loại hương hợp thành. Những vật trang nghiêm kỳ diệu ấy đều vượt hơn của chư thiên. Mùi hương đó xông khắp thập phương thế giới và khi chư Bồ-Tát ngửi vào thời sẽ đều tu Phật hạnh. Nếu chẳng được như thế, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[33] Nguyện con khi thành Phật, tất cả chúng sanh trong vô lượng vô số bất khả tư nghị mười phương chư Phật thế giới, khi được ánh hào quang của con chạm đến thân họ, thân tâm sẽ hiền hòa và an vui hơn cả chư thiên. Nếu chẳng được như thế, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[34] Nguyện con khi thành Phật, tất cả chúng sanh trong vô lượng vô số bất khả tư nghị mười phương chư Phật thế giới, khi nghe danh hiệu con mà chẳng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn của Bồ-Tát và các môn tổng trì thậm thâm, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[35] Nguyện con khi thành Phật, nếu có người nữ nào trong vô lượng vô số bất khả tư nghị mười phương chư Phật thế giới, nghe được danh hiệu con, rồi hoan hỷ tín thọ, phát Bồ-đề tâm, nhàm chán nữ thân, và sau khi mạng chung mà còn thọ thân nữ, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[36] Nguyện con khi thành Phật, nếu có chư Bồ-Tát nào trong vô lượng vô số bất khả tư nghị mười phương chư Phật thế giới, nghe được danh hiệu con, sau khi mạng chung, họ sẽ thường tu Phạm hạnh cho đến lúc thành Phật Đạo. Nếu chẳng được như thế, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[37] Nguyện con khi thành Phật, nếu có hàng trời người trong vô lượng vô số bất khả tư nghị mười phương chư Phật thế giới, nghe được danh hiệu con, cúi đầu đảnh lễ sát đất, rồi hoan hỷ tín thọ, và tu Bồ-Tát hạnh mà chẳng được chư thiên và người thế gian tôn kính, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[38] Nguyện con khi thành Phật, nếu hàng trời người trong nước con, như muốn được y phục thì liền tự nhiên theo ý mà ứng hiện ra y phục vi diệu nơi thân, như Phật đã tán dương. Nếu cần phải may vá hoặc nhuộm tẩy hay giặt giũ, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[39] Nguyện con khi thành Phật, nếu hàng trời người trong nước con, nơi sở thọ an vui như chẳng bằng vị Tỳ-kheo đã chứng Lậu Tận Thông, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[40] Nguyện con khi thành Phật, nếu chư Bồ-Tát trong nước con, như muốn thấy vô lượng mười phương Phật độ thanh tịnh trang nghiêm, thì liền ứng theo ý nguyện và đều hiện ra ở trong cây báu, như tự thấy mặt mình hiện rõ trong gương sáng. Nếu chẳng được như thế, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[41] Nguyện con khi thành Phật, nếu chư Bồ-Tát ở tha phương quốc độ nghe được danh hiệu con và cho đến lúc thành Phật mà các căn bị khiếm khuyết hay thấp kém, hoặc chẳng trọn đủ, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[42] Nguyện con khi thành Phật, nếu chư Bồ-Tát ở tha phương quốc độ nghe được danh hiệu con, tất cả đều sẽ đắc Thanh Tịnh Giải Thoát Tam-muội. Khi trụ ở tam-muội này, thời chỉ trong một niệm khoảnh, có thể cúng dường vô lượng bất khả tư nghị chư Phật Thế Tôn mà chẳng mất chánh định. Nếu chẳng được như thế, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[43] Nguyện con khi thành Phật, nếu chư Bồ-Tát ở tha phương quốc độ nghe được danh hiệu con, sau khi mạng chung thời sẽ sinh vào nhà tôn quý. Nếu chẳng được như thế, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[44] Nguyện con khi thành Phật, nếu chư Bồ-Tát ở tha phương quốc độ nghe được danh hiệu con, vui mừng hớn hở, rồi tu Bồ-Tát hạnh, và đầy đủ các công đức. Nếu chẳng được như thế, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[45] Nguyện con khi thành Phật, nếu chư Bồ-Tát ở tha phương quốc độ nghe được danh hiệu con, tất cả đều sẽ đắc Phổ Đẳng Tam-muội. Khi trụ ở tam¬muội này cho đến lúc thành Phật sẽ luôn thấy vô lượng bất khả tư nghị tất cả Như Lai. Nếu chẳng được như thế, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[46] Nguyện con khi thành Phật, nếu chư Bồ-Tát trong nước con muốn nghe Pháp, thời sẽ tùy theo ý nguyện mà tự nhiên được nghe. Nếu chẳng được như thế, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[47] Nguyện con khi thành Phật, nếu chư Bồ-Tát ở tha phương quốc độ nghe được danh hiệu con, mà chẳng lập tức đắc quả vị bất thối chuyển, thì sẽ không thủ Chánh Giác.
[48] Nguyện con khi thành Phật, nếu chư Bồ-Tát ở tha phương quốc độ nghe được danh hiệu con, mà chẳng lập tức đắc đệ nhất, đệ nhị, cho đến đệ tam Pháp nhẫn, hoặc ở trong Phật Pháp, như chẳng có thể lập tức đắc quả vị bất thối chuyển, thì sẽ không thủ Chánh Giác.' "
Phật bảo ngài A-Nan:
"Lúc bấy giờ, khi Tỳ-kheo Pháp Tạng phát lời nguyện ấy xong, rồi dùng kệ tụng xướng rằng: 'Thệ nguyện siêu thế gian
Tất thành Vô Thượng Đạo
Nếu nguyện chẳng viên tròn
Quyết không thành đẳng giác
Con trong vô lượng kiếp
Chẳng làm đại thí chủ
Rộng cứu kẻ khốn cùng
Quyết không thành đẳng giác
Nguyện con khi thành Phật
Danh vang khắp mười phương
Cứu cánh chẳng nghe qua
Quyết không thành đẳng giác
Lìa dục chánh niệm sâu
Tịnh tuệ tu Phạm hạnh
Quyết cầu Vô Thượng Đạo
Làm thầy của trời người
Thần lực hiển hào quang
Phổ chiếu vô sát độ
Tiêu trừ tham sân si
Giải cứu chúng ách khổ
Khai mở trí tuệ nhãn
Diệt trừ hôn manh ám
Đóng bít cửa ác thú
Mở toang thiện đạo môn
Công đức được viên tròn
Uy quang chiếu thập phương
Nhật nguyệt bị che khuất
Thiên quang ẩn chẳng hiện
Vì chúng khai Pháp tạng
Rộng thí công đức bảo
Thường ở giữa đại chúng
Thuyết Pháp sư tử hống
Cúng dường tất cả Phật
Đầy đủ mọi công đức
Trí tuệ nguyện viên thành
Làm bậc Tam Giới Tôn
Như Lai Trí Vô Ngại
Thông đạt châu biến khắp
Nguyện sức công đức con
Đồng như tối thắng Tôn
Nguyện này nếu sẽ thành
Đại thiên đều chấn động
Chư thiên khắp hư không
Tuôn rơi diệu bảo hoa'"
Phật bảo ngài A-Nan:
"Sau khi Tỳ-kheo Pháp Tạng đã xướng lên bài kệ đó xong, lập tức khắp đại địa đều chấn động sáu cách, trời mưa diệu hoa rải lên thân ngài. Tự nhiên có âm nhạc và trên không trung có tiếng rằng:
'Ngài nhất định sẽ thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.'
Sau đó, Tỳ-kheo Pháp Tạng tu hành và viên mãn đầy đủ các đại nguyện như thế. Ngài được thành tựu như thật bất hư, siêu xuất thế gian, và vui thích trong tịch diệt thậm thâm."
Tỳ-kheo Pháp Tạng Tích Lũy Công Đức
"Này A-Nan! Tỳ-kheo Pháp Tạng ở giữa đại chúng--gồm thiên long bát bộ cùng Phạm vương, ma, thần--đã phát hoằng thệ nguyện trước Đức Phật đó. Khi phát nguyện ấy rồi, ngài nhất tâm quyết chí tu tạo cõi nước vi diệu trang nghiêm, Phật quốc quảng đại, thù thắng siêu việt, vĩnh cửu trường tồn, và chẳng suy hoại hay biến đổi.
Trải qua bất khả tư nghị triệu kiếp dài đăng đẳng, Pháp Tạng tu tập vô lượng đức hạnh của Bồ-Tát. Không sanh tham niệm, sân niệm, hại niệm. Không khởi tham tưởng, sân tưởng, hại tưởng. Không đắm trước sắc thanh hương vị xúc pháp. Thành tựu nhẫn nhục, không sợ các khổ, thiểu dục tri túc, vô tham sân si. Ngài thường trụ trong tam-muội tịch nhiên, trí tuệ vô ngại. Tâm ngài chẳng nịnh hót hay dối trá. Nét mặt hiền từ, lời nói hiền hòa, và từ tốn hỏi han.
Đạo tâm của Pháp Tạng kiên định và luôn dũng mãnh tinh tấn. Ngài nhất tâm cầu Pháp tuệ thanh tịnh để lợi ích quần sanh, cung kính Tam Bảo, và phụng sự sư trưởng. Với những hạnh trang nghiêm vẹn đủ, ngài khiến cho các chúng sanh thành tựu công đức. Ngài trụ trong Pháp tam-muội: không, vô tướng, vô nguyện. Quán pháp như hóa, vô tác vô khởi. Xa hẳn lời thô ác sẽ hại cả mình lẫn người, duy chỉ tu tập lời hay ý đẹp để mình và người đều lợi ích.
Pháp Tạng từ bỏ quốc gia vương vị, đoạn tuyệt tài sắc để hành Lục Độ Ba¬la-mật và dạy bảo người khác cũng tu hành như vậy. Trải qua vô số kiếp tích lũy công đức, mọi nơi chốn ngài sinh ra, đều tự nhiên có vô lượng bảo tạng hiện ra như ý muốn. Pháp Tạng giáo hóa và an lập vô số chúng sanh trụ nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Hoặc làm trưởng giả hay cư sĩ thuộc dòng dõi tôn quý. Hoặc làm quốc vương thuộc dòng sát-đế-lợi hay Chuyển Luân Thánh Vương. Hoặc làm Lục Dục Thiên Chủ hay cho đến Phạm Vương. Ngài luôn thực hành bốn sự cúng dường và cung kính tất cả chư Phật. Các công đức như vậy thật chẳng thể nào kể cho xuể.
Hơi thở của ngài thơm khiết như hoa sen xanh. Lỗ chân lông nơi thân toát ra mùi hương chiên đàn và mùi hương đó xông khắp vô lượng thế giới. Tướng mạo của Pháp Tạng đoan chánh, tướng hảo thù thắng vi diệu. Trên tay thường hiện ra vô tận bảo châu, y phục ẩm thực, trân diệu hương hoa, lọng che tràng phan, và đầy đủ các vật trang nghiêm. Những việc như vậy đều vượt hơn chư thiên và được tự tại trong tất cả pháp."
Pháp Tạng Bồ-Tát Thành Phật
Ngài A-Nan bạch Phật rằng:
"Bạch Thế Tôn! Pháp Tạng Bồ-Tát có phải đã thành Phật và nhập diệt rồi chăng? Hoặc ngài vẫn chưa thành Phật? Hay ngài hiện đang ở nơi nào đó?"
Phật bảo ngài A-Nan:
"Pháp Tạng Bồ-Tát hiện đã thành Phật. Bây giờ Ngài đang ở phương tây, cách đây mười vạn ức cõi Phật. Thế giới của Đức Phật đó tên là An Lạc."
Ngài A-Nan lại hỏi:
"Đức Phật đó thành Đạo đến nay đã được bao lâu?"
Đức Phật bảo:
"Ngài thành Phật đến nay đã trải qua mười kiếp."
Tịnh Độ Trang Nghiêm
"Cõi nước của Đức Phật đó có thất bảo tự nhiên. Đất do vàng, bạc, lưu ly, san hô, hổ phách, xa cừ và mã não hợp thành. Quốc độ rộng lớn vô tận và chẳng thể biết được ranh giới. Ánh sáng của bảy báu hòa chung với nhau, lung linh chói rực. Quốc độ ấy thanh tịnh trang nghiêm và vi diệu tráng lệ, vượt hơn tất cả thế giới trong mười phương. Những châu bảo nơi đó là tối thắng trong chúng bảo và giống như các bảo châu ở tầng trời thứ sáu.
Lại nữa, cõi nước ấy không có núi Tu-di, Kim Cang, hay Thiết Vi, tất cả núi non đều không. Cũng chẳng có biển lớn, biển nhỏ, khe nước, kênh ngòi, giếng nước, hay thung lũng.
Do bởi uy thần của Đức Phật đó nên nếu muốn thấy thời sẽ được thấy. Cõi nước ấy cũng không có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hay các chướng nạn. Bốn mùa xuân hạ thu đông đều không có. Khí hậu luôn điều hòa mát mẻ, chẳng nóng hay lạnh."
Lúc bấy giờ, ngài A-Nan bạch Phật rằng:
"Thưa Thế Tôn! Nếu cõi nước đó không có núi Tu-di, thế thì trời Tứ Thiên Vương và trời Đao-lợi sẽ nương trụ ở đâu?"
Phật bảo ngài A-Nan:
"Tầng trời thứ ba Dạ-ma và cho đến trời Sắc Cứu Cánh thì nương trụ vào đâu?"
Ngài A-Nan bạch Phật rằng:
"Hành nghiệp và quả báo là bất khả tư nghị."
Phật bảo ngài A-Nan:
"Như hành nghiệp và quả báo là bất khả tư nghị, thì thế giới của chư Phật cũng không thể nghĩ bàn. Bởi do công đức thiện lực, các chúng sanh ở đó trụ nơi hạnh nghiệp nên mới được như vậy."
Ngài A-Nan bạch Phật rằng:
"Con đối với Pháp này chẳng hoài nghi, nhưng vì muốn dứt trừ nghi ngờ đó cho chúng sanh đời vị lai nên mới hỏi nghĩa ấy."
Ánh Sáng Vô Lượng
Phật bảo ngài A-Nan:
"Uy thần quang minh của Đức Phật Vô Lượng Thọ là tối tôn đệ nhất. Ánh hào quang của chư Phật khác không thể sánh bằng. Hoặc có Phật, hào quang chiếu soi 100 hay 1.000 chư Phật thế giới. Hoặc có Phật, hào quang chiếu soi bảy thước, hoặc một, hai, ba, bốn, hay năm do-tuần, và gấp bội lên như thế, hoặc cho đến chiếu một Phật sát. Do hào quang của Đức Phật Vô Lượng Thọ chiếu đến Hằng Hà sa Phật sát ở phương đông nam tây bắc, bốn hướng ở bốn góc, cùng phương trên và phương dưới cũng lại như vậy, cho nên Đức Phật Vô Lượng Thọ còn có hiệu là:
-Vô Lượng Quang Phật,
-Vô Biên Quang Phật,
-Vô Ngại Quang Phật,
-Vô Đối Quang Phật,
-Diễm Vương Quang Phật,
-Thanh Tịnh Quang Phật,
-Hoan Hỷ Quang Phật,
-Trí Tuệ Quang Phật,
-Bất Đoạn Quang Phật,
-Nan Tư Quang Phật,
-Vô Xưng Quang Phật,
-và Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật.
Nếu có chúng sanh nào được hào quang của Ngài rọi đến thì tham sân si sẽ tiêu trừ, thân ý hòa nhã, vui tươi hớn hở, và thiện tâm tăng trưởng. Giả như đang chịu cực khổ ở tam ác đạo mà khi thấy ánh quang minh đó, thời đều được an lành và chẳng còn khổ não. Sau khi mạng chung, họ đều được giải thoát.
Hào quang của Đức Phật Vô Lượng Thọ chiếu sáng hiển hách đến mười phương quốc độ của chư Phật, không ai mà chẳng nghe biết. Như Ta hôm nay xưng tán quang minh của Ngài thì hết thảy chư Phật, chư Bồ-Tát, và Thanh Văn Duyên Giác cũng đều đồng tán thán như vậy.
Nếu có chúng sanh nào nghe đến uy thần công đức về hào quang của Ngài và ngày đêm nhất tâm xưng tụng chẳng ngớt, thì sẽ được sinh về cõi nước đó như ước nguyện. Chư Bồ-Tát và Thanh Văn đại chúng cũng sẽ đồng ngợi khen công đức của người ấy. Khi những chúng sanh này thành Phật Đạo, thì khắp mười phương chư Phật Bồ-Tát đều ngợi khen hào quang của họ như là Ta hôm nay vậy."
Đức Phật bảo:
"Nếu Ta ngày đêm thuyết giảng về ánh sáng uy thần và sự thù thắng vi diệu của Đức Phật Vô Lượng Thọ trọn suốt một kiếp thì vẫn chẳng thể hết."
Thọ Mạng Vô Lượng
Phật bảo ngài A-Nan:
"Lại nữa, Đức Phật Vô Lượng Thọ có thọ mạng trường cửu đến không thể tính kể. Ông có biết chăng? Giả như vô lượng chúng sanh trong mười phương thế giới đều được thân người và chứng quả Thanh Văn hay Duyên Giác, rồi cùng hội họp, thiền định nhất tâm, cùng nhau tính toán suốt trăm ngàn kiếp đến hết cả trí lực, thì thọ mạng số kiếp lâu dài của Đức Phật đó vẫn không thể cùng tận và chẳng thể biết được giới hạn. Cho đến thọ mạng dài ngắn của chư Bồ-Tát cùng hàng Thanh Văn và chúng trời người cũng đều như thế, không thể dùng toán số thí dụ mà có thể biết được."
Thánh Chúng Vô Lượng
"Lại nữa, số lượng của chư Bồ-Tát cùng hàng Thanh Văn thật khó suy lường và chẳng thể nào kể cho xuể. Thần thông và trí tuệ của các ngài đều thông đạt, uy đức tự tại, và có thể để tất cả thế giới vào lòng bàn tay."
Phật bảo ngài A-Nan:
"Số lượng của hàng Thanh Văn ở trong hội đầu tiên của Đức Phật đó không thể kể xiết, còn chư Bồ-Tát thì cũng vậy. Giả như có trăm ngàn vạn ức vô lượng vô số người như Đại Mục-kiền-liên, đồng cộng tính trong a-tăng-kỳ na-do-tha số kiếp, cho mãi đến khi diệt độ, thì vẫn không thể biết được số ấy là bao nhiêu. Đây ví như biển lớn, rộng sâu thăm thẳm. Giả sử có người cắt sợi lông ra làm trăm phần, rồi dùng một phần đó chấm vào nước ở biển cả. Ý ông nghĩ sao? Giọt nước ở trên đầu sợi lông đó mà so với dung lượng của nước trong biển lớn kia thì bên nào nhiều hơn?"
Ngài A-Nan bạch Phật rằng:
"Dung lượng của nước trong biển lớn so với giọt nước kia thì không thể dùng ngôn từ hay toán số thí dụ mà có thể biết được."
Phật bảo ngài A-Nan:
"Số lượng của hàng Thanh Văn và chư Bồ-Tát ở trong hội đầu tiên thì cũng như số lượng tính được của Mục-kiền-liên suốt trăm ngàn vạn ức na-do-tha số kiếp. Số biết được như chừng bằng một giọt nước. Còn số chẳng biết thì ví như nước ở biển lớn."
Cây Báu
"Lại nữa, cõi nước đó có cây bảy báu ở khắp mọi nơi, như là những cây làm bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, san hô, mã não, và xa cừ.
-Hoặc có cây làm bằng hai, ba, hay cho đến bảy báu mà hợp thành. -Hoặc có cây làm bằng vàng với lá hoa quả là bạc. -Hoặc có cây làm bằng bạc với lá hoa quả là vàng. -Hoặc có cây làm bằng lưu ly với lá hoa quả là pha lê. -Hoặc có cây làm bằng thủy tinh với lá hoa quả là lưu ly. -Hoặc có cây làm bằng san hô với lá hoa quả là mã não. -Hoặc có cây làm bằng mã não với lá hoa quả là lưu ly. -Hoặc có cây làm bằng xa cừ với lá hoa quả là chúng bảo. -Hoặc có cây báu lấy vàng tím làm rễ, bạc trắng làm thân, lưu ly làm cành, thủy tinh làm nhánh, san hô làm lá, mã não làm hoa, và xa cừ làm quả. -Hoặc có cây báu lấy bạc trắng làm rễ, lưu ly làm thân, thủy tinh làm cành, san hô làm nhánh, mã não làm lá, xa cừ làm hoa, và vàng tím làm quả. -Hoặc có cây báu lấy lưu ly làm rễ, thủy tinh làm thân, san hô làm cành, mã não làm nhánh, xa cừ làm lá, vàng tím làm hoa, và bạc trắng làm quả. -Hoặc có cây báu lấy thủy tinh làm rễ, san hô làm thân, mã não làm cành, xa cừ làm nhánh, vàng tím làm lá, bạc trắng làm hoa, và lưu ly làm quả. -Hoặc có cây báu lấy san hô làm rễ, mã não làm thân, xa cừ làm cành, vàng tím làm nhánh, bạc trắng làm lá, lưu ly làm hoa, và thủy tinh làm quả. -Hoặc có cây báu lấy mã não làm rễ, xa cừ làm thân, vàng tím làm cành, bạc trắng làm nhánh, lưu ly làm lá, thủy tinh làm hoa, và san hô làm quả. -Hoặc có cây báu lấy xa cừ làm rễ, vàng tím làm thân, bạc trắng làm cành, lưu ly làm nhánh, thủy tinh làm lá, san hô làm hoa, và mã não làm quả.
Những cây báu với từng hàng thẳng tắp, thân cành tương xứng, mỗi lá hướng nhau, và hoa quả đồng đều. Màu sắc của chúng rực rỡ và sáng chói đến không thể nhìn đặng. Khi làn gió mát thổi qua, các cây đó phát ra năm loại âm thanh. Âm điệu ấy vi diệu và hài hòa tự nhiên."
Cây Bồ-đề ở Đạo Tràng
"Lại nữa, cây Bồ-đề ở Đạo Tràng của Đức Phật Vô Lượng Thọ cao 4 triệu dặm. Chu vi thân cây là 5.000 do-tuần. Cành lá trải rộng 200.000 dặm ở bốn hướng. Tất cả đều do các loại báu khác nhau tự nhiên hợp thành và được trang nghiêm với nguyệt quang ma-ni trì hải luân bảo, là vua trong chúng bảo. Trên cành cây treo lủng lẳng các xâu chuỗi anh lạc báu với trăm ngàn vạn loại màu sắc, biến hóa lạ thường, và phóng ra vô lượng ánh sáng chói rực, chiếu diệu vô cực. Có màn lưới báu vi diệu phủ trùm trên cây và tùy theo ý hiện ra tất cả những sự trang nghiêm. Khi làn gió thổi nhẹ qua, chúng phát ra Pháp âm vi diệu và vang khắp hết thảy cõi nước của chư Phật ở mười phương. Những ai nghe được thanh âm đó thời được Pháp nhẫn thâm sâu, trụ bất thối chuyển, và mãi đến khi thành Phật Đạo cũng chẳng gặp các khổ nạn. Mặc dù mắt thấy hình sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi hương thơm, lưỡi nếm mùi vị, thân xúc chạm ánh sáng, và tâm cảm nhận pháp trần, nhưng họ thảy đều được sáu căn thanh tịnh, đắc Pháp nhẫn thậm thâm, trụ bất thối chuyển, và mãi đến khi thành Phật Đạo cũng không có các hoạn nạn hay khổ não.
Này A-Nan! Nếu hàng trời người ở quốc độ kia khi thấy cây Bồ-đề đó thời sẽ được ba Pháp nhẫn:
1. Âm Hưởng Nhẫn.
2. Nhu Thuận Nhẫn.
3. Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Đây đều do bởi uy thần lực, bổn nguyện lực, mãn túc nguyện, minh liễu nguyện, kiên cố nguyện, và cứu cánh nguyện của Đức Phật Vô Lượng Thọ."
Cây Âm Nhạc
Phật bảo ngài A-Nan:
"Đế vương ở thế gian và Chuyển Luân Thánh Vương có trăm ngàn loại âm nhạc để tiêu khiển. Thế nhưng âm nhạc ở trên tầng trời thứ sáu còn hay hơn ngàn vạn ức lần. Tuy ở trên tầng trời thứ sáu có muôn loại âm nhạc nhưng cũng không bằng một phần ngàn ức của một âm thanh từ cây bảy báu nơi cõi nước của Đức Phật Vô Lượng Thọ.
Những cây đó tự nhiên phát ra hàng vạn loại âm nhạc. Thanh âm ấy đều là Pháp âm, thanh tịnh du dương, vi diệu hòa nhã, là thanh âm tối vi đệ nhất trong tất cả mười phương thế giới."
Cung Điện Lầu Các
"Lại có giảng đường, tinh xá, cung điện, và lầu các đều do thất bảo trang nghiêm tự nhiên hóa thành. Quấn quanh và trùm khắp trên đó là trân châu minh nguyệt và ma-ni bảo châu."
Ao Tắm Báu
"Trong ngoài, tả hữu của những kiến trúc ấy có những ao tắm. Chiều dài, sâu và rộng của mỗi ao bằng nhau. Hoặc là 10, 20, hay 30 do-tuần, hoặc cho đến trăm ngàn do-tuần. Trong ao tràn đầy nước tám công đức, thanh tịnh thơm khiết, và mùi vị như cam lộ.
-Đáy ao vàng kim dùng cát bạc trắng để trải làm đất. -Đáy ao bạc trắng dùng cát vàng kim để trải làm đất. -Đáy ao thủy tinh dùng cát lưu ly để trải làm đất. -Đáy ao lưu ly dùng cát thủy tinh để trải làm đất. -Đáy ao san hô dùng cát hổ phách để trải làm đất. -Đáy ao hổ phách dùng cát san hô để trải làm đất. -Đáy ao xa cừ dùng cát mã não để trải làm đất. -Đáy ao mã não dùng cát xa cừ để trải làm đất. -Đáy ao ngọc trắng dùng cát vàng tím để trải làm đất. -Đáy ao vàng tím dùng cát ngọc trắng để trải làm đất.
Hoặc có ao do hai báu, ba báu, hay cho đến bảy báu cộng hợp thành. Trên bờ của các ao đó có những cây chiên đàn. Hoa lá của chúng tỏa ra mùi hương xông thơm khắp nơi. Ở trên khắp mặt nước có các hoa trời, như là hoa sen sanh, hoa sen hồng, hoa sen vàng, hoa sen trắng và chúng phóng ra nhiều màu ánh sáng khác nhau.
Khi chư Bồ-Tát và hàng Thanh Văn đi vào trong ao báu:
-Như muốn nước tới bàn chân thì nước liền đến bàn chân. -Như muốn nước tới đầu gối thì nước liền đến đầu gối. -Như muốn nước tới eo lưng thì nước liền đến eo lưng. -Như muốn nước tới ngang cổ thì nước liền đến ngang cổ.
-Như muốn tắm gội thân thể thì nước tự nhiên rưới vào thân họ. -Như muốn trở lại như cũ thì nước liền trở lại như cũ.
Nhiệt độ lạnh nóng, điều hòa tùy ý. Nước đó làm cho tinh thần minh mẫn, thân thể tươi vui, và trừ đi cáu bẩn trong tâm. Nước ấy lắng trong thanh khiết, trong suốt như vô hình. Cát báu ở đáy ao ánh triệt chiếu sáng và dù nước sâu đến đâu cũng trông thấy được.
Có những đợt sóng nhỏ lăn tăn gợn lên và tan đi êm dịu, không nhanh cũng không chậm, và tự nhiên phát ra vô lượng diệu âm. Tùy người nghe mà ứng hiện như ý. Hoặc nghe âm thanh của Phật. Hoặc nghe âm thanh của Pháp. Hoặc nghe âm thanh của Tăng. Hoặc tiếng tịch tĩnh, tiếng không, tiếng vô ngã, tiếng đại từ bi, và tiếng Ba-la-mật. Hoặc âm thanh của Thập Lực, Tứ Vô Sở Úy, và Pháp Bất Cộng. Các tiếng thông tuệ, tiếng vô sở tác, tiếng bất khởi diệt, tiếng Vô Sanh Nhẫn, cho đến tiếng cam lộ quán đảnh. Các diệu Pháp âm như vậy đều làm người nghe hoan hỷ vô lượng và tùy thuận theo nghĩa của thanh tịnh, ly dục, tịch diệt, và chân thật. Tùy thuận Tam Bảo, lực, vô sở úy, và Pháp Bất Cộng. Tùy thuận Đạo thông tuệ sở hành của Bồ-Tát và Thanh Văn. Nơi ấy không có tam ác đạo và danh xưng của những khổ nạn, mà tự nhiên chỉ có thanh âm vui vẻ. Cho nên cõi nước đó gọi là An Lạc."
Chư Thánh Chúng
"Này A-Nan! Phàm người vãng sanh về cõi nước của Đức Phật kia thời sẽ đầy đủ thanh tịnh sắc thân, chư diệu âm thanh, và thần thông công đức.
Nơi cung điện họ ở, y phục ẩm thực, chúng diệu hương hoa, và những vật dùng trang nghiêm đều tự nhiên hóa hiện như các vật dụng ở tầng trời thứ sáu. Khi muốn ăn, các bình bát bảy báu như vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, hoặc minh nguyệt trân châu, sẽ tự nhiên hiện ở trước họ. Ứng theo tâm niệm, các bảo bát như thế liền hiện đến. Lại có ẩm thực trăm vị, tự nhiên đầy khắp trong đó. Tuy có thức ăn nhưng thật không có người thọ dụng. Mắt chỉ cần nhìn, mũi ngửi hương, và dùng ý quán sát thì tự nhiên no đủ. Thân tâm họ nhẹ nhàng và không tham đắm sắc vị. Khi dùng xong thì đều biến mất; lúc đến giờ thời tự nhiên sẽ hiện trở lại. Sự thanh tịnh bình yên và an vui vi diệu ở cõi nước của Đức Phật kia chỉ kế sau Đạo vô vi nơi Niết¬bàn.
Chư Bồ-Tát cùng hàng Thanh Văn và hàng trời người ở đó có trí tuệ cao minh, thần thông tự tại. Hết thảy đồng giống nhau, hình sắc đều không chút dị biệt. Nhưng vì tùy thuận các phương khác, cho nên mới có tên trời người. Họ có tướng mạo đoan chánh, dung nhan vi diệu, thật siêu việt và hiếm có trong đời. Họ chẳng phải trời hay người, thân thể lớn vô cực và tự nhiên như hư không."
Phật bảo ngài A-Nan:
"Ví như người xin ăn nghèo khổ ở thế gian đứng bên cạnh đế vương, dung mạo hình dáng của người ăn mày có thể sánh với đế vương không?"
Ngài A-Nan bạch Phật rằng:
"Giả như người này đứng bên cạnh đế vương thì tướng mạo người đó gầy gò, xấu xí đến chẳng gì có thể ví dụ được, trăm ngàn vạn ức lần kém xa đế vương.
Vì sao thế? Bởi người xin ăn nghèo khổ này thấp kém cùng cực, mảnh áo chẳng đủ che thân, ăn không đủ no, cả mạng cũng khó giữ, đói rét khốn khổ, và mất hết luân lý làm người. Người đó đời trước không hề gieo trồng căn lành, chỉ lo tích chứa tiền tài, giàu có nhưng keo kiệt, và không chịu bố thí. Người ấy chỉ ham mọi thứ cho nhiều, tham cầu không biết chán, chẳng tin tu thiện, và phạm tội ác chồng chất như núi. Người như vậy sau khi mạng chung, tài bảo sẽ tiêu tan. Tiền của tích tụ làm cho khổ thân nhọc xác, lòng luôn bị lo âu, chẳng có chút ích lợi gì cho mình cả mà kết cuộc lại lọt hết vào tay người khác. Bởi không có phước để hộ, không có đức để che, cho nên lúc chết, họ phải đọa vào ác thú để thọ mãi thống khổ. Sau khi nghiệp tội đã hết thời mới được ra khỏi. Dẫu được sinh làm người nhưng sanh làm kẻ hạ tiện, ngu đần đến cực điểm.
Đế vương ở thế gian là nhân trung độc tôn. Đây đều là do đời trước tích tập phước đức, nhân từ bác ái, từ mẫn bố thí, tín nghĩa tu thiện, và không tranh hơn thua. Cho nên sau khi mạng chung, phước báo ứng hiện và được sanh lên thiện đạo. Hoặc sanh lên cõi trời để thọ hưởng phước lạc. Hoặc do bởi họ tích lũy thiện căn nên nay làm người và sinh vào dòng dõi đế vương. Họ tự nhiên sẽ được tôn quý, có tướng mạo đoan chánh và mọi người kính mến. Họ mặc những y phục tuyệt đẹp, ăn các món ngon vật lạ, và mọi việc đều tùy tâm như ý. Đây là bởi phước của đời trước nên mới được như thế."
Phật bảo ngài A-Nan:
"Lời ông nói rất đúng. Tuy đế vương là hàng tôn quý trong loài người, nhưng so với Chuyển Luân Thánh Vương thì hình sắc đoan chánh đó thật xấu xí, như kẻ ăn mày kia đứng bên cạnh đế vương vậy. Uy tướng thù thắng vi diệu của Chuyển Luân Thánh Vương là thiên hạ đệ nhất, nhưng so với vua của trời Đao-lợi thì vạn ức lần xấu hơn. Nếu Thiên Đế so với vua trời ở đệ lục thiên, thì trăm ngàn ức lần thua xa. Nếu vua trời ở đệ lục thiên so với chư Bồ-Tát và hàng Thanh Văn ở quốc độ của Đức Phật Vô Lượng Thọ, thì dung nhan tươi sáng ấy kém xa cả trăm ngàn vạn ức lần, cho đến không thể tính kể số lần."
Quốc Độ Thù Thắng
Phật bảo ngài A-Nan:
"Ở cõi nước của Đức Phật Vô Lượng Thọ, như y phục ẩm thực, hương hoa anh lạc, lọng che tràng phan, âm thanh vi diệu, nhà cửa nơi ở, và cung điện lầu các, với hình sắc kích cỡ, cao thấp lớn nhỏ, làm bằng một báu, hai báu, hoặc cho đến vô lượng chúng bảo. Trời người ở đó tùy theo ý muốn mà các thứ ấy liền lập tức hiện đến.
Lại có chúng bảo diệu y trải khắp mặt đất và tất cả trời người dạo đi trên đó. Có vô lượng màn lưới báu trùm khắp cõi nước Phật ấy và chúng đều làm bằng vàng, trân châu, và trăm ngàn tạp bảo kỳ diệu hiếm quý dùng trang nghiêm. Treo ở bốn phía xung quanh là các chuông báu, sắc màu sáng chói lung linh, trang nghiêm mỹ lệ phi thường.
Có gió công đức tự nhiên thổi nhè nhẹ, không nhanh không chậm, chẳng nóng hay lạnh, ôn hòa mát mẻ. Gió ấy điều hòa dịu dàng, thổi lay động các màn lưới và hàng cây báu, phát ra vô lượng Pháp âm vi diệu và thoang thoảng tỏa ngát muôn loại hương công đức. Phàm ai ngửi qua thời những trần lao cáu bẩn cùng các tập khí sẽ tự nhiên chẳng dấy khởi. Khi làn gió chạm đến thân, thời họ đều được vui vẻ, ví như vị Tỳ-kheo đắc Diệt Tận Tam-muội.
Lại nữa, làn gió thổi mang theo những bông hoa và tùy theo thứ tự màu sắc của mỗi hoa mà rải cùng khắp Phật độ, không xen tạp. Hoa ấy mềm mại sáng loáng, hương thơm ngào ngạt. Khi bước trên đó, chân lún bốn tấc. Khi nhấc chân lên, hoa trở lại như cũ. Các bông hoa đã giẫm lên thì mặt đất liền hé ra và từ từ biến mất, thanh tịnh không vết tích. Tùy theo thời khắc mà có gió thổi và hoa rơi sáu lần mỗi ngày như vậy.
Lại nữa, có chúng bảo liên hoa châu mãn ở thế giới đó. Mỗi bảo hoa có trăm ngàn ức lá. Hoa ấy phóng ra vô lượng tia sáng với nhiều màu sắc. Màu xanh tỏa ánh sáng xanh, màu trắng tỏa ánh sáng trắng. Đen, vàng, đỏ, tím cũng lại như vậy. Sắc màu tỏa sáng, chói lọi rực rỡ, và sáng hơn mặt trời mặt trăng. Trong mỗi hoa phóng ra 36 trăm ngàn ức tia sáng. Trong mỗi tia sáng hiện ra 36 trăm ngàn ức Phật, thân màu vàng tím, tướng hảo thù đặc. Mỗi chư Phật lại phóng trăm ngàn hào quang và rộng thuyết vi diệu Pháp cho chúng sanh khắp mười phương. Mỗi chư Phật như thế đều an lập vô lượng chúng sanh nơi Chánh Đạo của Phật."
卍Phật Thuyết Kinh Vô Lượng Thọ -Hết quyển thượng


Chú thích:
(1)“Tuệ Biện Tài Bồ-tát”, trong bản dịch đời Đường có tên của vị Bồ-tát này. Như được bổ sung ở đây thì sẽ đầy đủ các danh hiệu của 16 vị Chính Sĩ.
(2) Nguyên văn là “Đĩnh Quang Như Lai”, cũng tức là Đức Phật Nhiên Đăng. Về phần nghĩa của “đĩnh quang” và “nhiên đăng” đồng nhau, nhưng do dịch giả dịch có khác nên phần văn tự có sai khác. Sở dĩ được thay vào thành Nhiên Đăng Như Lai, là vì Đức Phật Nhiên Đăng nghe rất quen thuộc và các Kinh Điển khác thường nhắc đến với danh hiệu này. Lại nữa, trong bản dịch đời Tống ghi là Nhiên Đăng Như Lai. Bản tiếng Phạn có đoạn như sau: tena kālena tena samayena dīpaṁkaro nāma tathāgato'rhan samyaksaṁbuddho loka udapādi. Dịch là: “lúc ấy có Đức Phật xuất hiện ở thế gian, hiệu là Nhiên Đăng Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác.” Dīpaṁkara Tathāgata tức là Nhiên Đăng Như Lai.

« Kinh này có tổng cộng 2 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vào thiền


Tôi đọc Đại Tạng Kinh


Hoa nhẫn nhục


Chớ quên mình là nước

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.164.121 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập