Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh [文殊師利所說摩訶般若波羅蜜經] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh [文殊師利所說摩訶般若波羅蜜經] »» Bản Việt dịch quyển số 1


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » English version (1) » English version (2) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Văn Thù Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật

Kinh này có 2 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 |
Việt dịch: Thích Minh Lễ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Tôi nghe như vầy vào khoảng thời gian đức Phật ngự tại tinh xá Kỳ Hoàn thuộc nước Xá Vệ có ngàn vị tỳ theo tăng và mười ngàn đại Bồ tát theo nghe pháp. Các vị nầy đều lấy sự trang sức cao cả để tự tô điểm mình, đều đã an trụ nơi từng bậc không còn thối chuyển, tên các ngài là: Di Lặc Bồ tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Vô Ngại Biện Bồ tát, Bất Xả Đởm Bồ tát cùng với một số các vị bồ tát như vậy câu hội. Trời vừa rạng sáng, đức Văn thù là bậc đại Bồ tát đồng chơn từ chỗ ngài ở qua đến nơi Phật ngự; qua đến, ngài đứng chờ Phật ngoài cửa. Lúc bấy giờ các đại Thinh văn Xá Lợi Phật, Phú Lầu Na Di Đa La Ni Tử, Đại mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên, Ma Ha Câu Sy La đều từ chỗ các ngài ở qua yết kiến Phật, đến nơi đồng đứng chờ bên ngoài. Đức Phật biết đại chúng đã tụ tập đầy đủ cả rồi, ngài liền rời chỗ ở ra bên ngoài trải toạ cụ và ngồi lên trên đó.
Lúc đó Phật mới bảo Xá Lợi Phất:
Hôm nay ông có lý do gì trời vừa rạng sáng đã đến đứng chờ bên cửa?
Xá Lợi Phất thưa:
Bạch Thế Tôn! Ngài Văn Thù Sư Lợi đồng chơn Bồ tát đến đứng chờ bên cửa trước hơn hết, còn chúng con chỉ là kẻ đến sau thôi.
Phật liền day qua hỏi Văn Thù:
Có thật ông đến trước hết cả để mong yết kiến Như Lai phải không?
Bồ tát Văn Thù liền trả lời:
Đúng như thế, bạch Thế Tôn! Con thật đến đây mong yết kiến Như Lai, Tại sao con làm như thế? Thưa vì con hâm mộ chánh pháp, mong muốn đem lại sự lợi ích cho chúng sanh. Con quán sát Như Lai tướng như, tướng bất dị, tướng bất động, tướng bất tác, tướng vô sanh, tướng vô diệt, tướng bất hữu, tướng bất vô, bất trụ phương, bất ly phương, phi tam thế phi bất tam thế, phi nhị tướng phi bất nhị tướng, phi cấu tướng phi tịnh tướng... con vận dụng chánh quán Như Lai như thế để đem lại sự lợi ích chơn thật cho chúng sanh.
Đức Phật bảo Văn Thù:
Nầy Văn Thù! Nếu ông có đủ năng lực nhìn Như Lai tâm không giữ lại ấn tượng cũng không phải không giữ lại ấn tượng, không tích tập hình ảnh cũng không phải không tích tập.
Khi đó Xá Lợi Phất mới nói với Bồ tát Văn Thù:
Theo như lời ngài vừa nói sự thấy đức Như Lai của ngài thật là hiếm có trong đời. Vì tất cả chúng sanh để thấy Như Lai tâm không giữ lại ấn tượng hình ảnh chúng sanh, giáo hóa tất cả chúng sanh đưa họ hướng về Niết Bàn mà cũng không giữ lại tướng Niết Bàn, vì tất cả chúng sanh để tô bồi công đức vĩ đại nhưng tâm nào thấy tướng trạng tô điểm kia.
Ngài Văn Thù Sư Lợi đồng chơn Bồ tát liền nói với Xá Lợi Phất:
Đúng thế! Đúng Thế! Như lời ông vừa nói: đều vì tất cả chúng sanh tô bồi công đức vĩ đại nhưng tâm luôn luôn không thấy một chút tướng trạng chúng sanh, vì chúng sanh tu công lập đức cao cả nhưng chúng sanh giới cũng không có thêm hay bớt. Giả sử có một đức Phật ngự trong đời, ngài sống lâu được một kiếp hay hơn một kiếp, một thế giới do vị Phật nầy giáo hóa như vậy, rồi lại có vô lượng vô biên hằng hà sa các đức Phật khác nữa, mỗi một Phật như thế trụ ở thế gian một kiếp hay hơn một kiếp ngày đêm thuyết pháp trong tâm không có một niệm tạm dừng, mỗi một Phật độ được vô lượng Hằng hà sa chúng sanh làm cho số chúng sanh nầy đều thể nhập Niết Bàn. Nhưng chúng sanh giới cũng không thêm hay bớt... cho đến các đức Phật giáo hóa các thế giới trong khắp cả mười phương cũng như thế, mỗi một Phật thuyết pháp giáo hoá độ được vô lượng hằng hà sa chúng sanh đưa tất cả bọn họ đều vào Niết Bàn nhưng chúng sanh giới cũng không thêm hay bớt.
Tại sao vậy?
Vì định tướng chúng sanh là bất khả đắc, không thể tìm thấy được nên chúng sanh giới không hề tăng mà cũng không bao giờ giảm.
Xá Lợi Phất lại hỏi ngài Văn Thù:
Nếu chúng sanh giới không thêm cũng không bớt, tại sao Bồ tát lại vì chúng sanh để cầu trí giác vô thượng? Thường thực hành hạnh nói pháp?
Ngài Văn Thù hướng về Phật thưa rằng:
Nếu tất cả chúng sanh đều không tướng thì cũng không có việc Bồ tát cầu trí giác vô thượng và cũng không có chúng sanh để Bồ tát vì họ nói pháp. Tại sao vậy? Là vì trong pháp còn dạy ta không có một pháp nào là có thể được cả.
Liền đó Phật bảo Văn Thù:
Nếu không có chúng sanh, tại sao lại nói có chúng sanh và chúng sanh giới?
Văn Thù Sư Lợi thưa:
Tướng chúng sanh giới như chư Phật giới.
Chúng sanh giới là hữu lượng phải không?
Lượng chúng sanh giới như lượng chư Phật giới.
Lượng chúng sanh giới có bờ mé không?
Lượng chúng sanh giới thật ngoài vòng suy lường.
Tướng chúng sanh giới hữu trụ phải không?
Chúng sanh vô trụ dường như hư không.
Phật lại hỏi Văn Thù Sư Lợi:
Lúc tu Bát Nhã Ba La Mật như thế, sẽ như thế nào an trụ Bát Nhã Ba La Mật?
Văn Thù Sư Lợi đáp:
Lấy pháp bất trụ là an trụ Bát Nhã Ba La Mật.
Phật lại hỏi:
Thế nào là pháp bất trụ gọi là an trụ Bát Nhã Ba La Mật?
Dụng vô trụ tướng tức là trụ Bát Nhã Ba La Mật.
Phật bảo Văn Thù:
Lúc an trụ Bát Nhă Ba La Mật các thiện căn tăng trưởng thế nào? Tổn giảm ra sao?
Văn Thù Sư Lợi đáp:
Nếu đã an trụ Bát Nhã Ba La Mật như thế các thiện căn đă không tăng cũng không giảm cho đến tất cả pháp cũng không thêm cũng không bớt tánh tướng Bát Nhã Ba La Mật không tăng không giảm.
Bạch Thế Tôn! Tu Bát Nhã Ba La Mật như thế sẽ không bỏ pháp phàm phu nhưng cũng không nắm lấy pháp thánh hiền. Tại sao con nói thế? Là vì trụ Bát Nhã Ba La Mật thì không thấy pháp nào có thể nắm được hay buông bỏ. Tu Bát Nhã Ba La Mật cũng không thấy Niết Bàn đáng ưa thích, sanh tử nên gớm nhờm. Sao lại thế? Vì đã không thấy có sanh tử thì tại sao lại còn nhàm chán được. Đã không thấy có Niết Bàn làm sao còn thích ưa nữa. Nếu tu Bát Nhã Ba La Mật như thế sẽ không thấy phiền não nhơ nhớp đáng bỏ, công đức thanh tịnh nên cầu, đối với tất cả pháp tâm không lay động, đeo đuổi hay trốn chạy. Tại sao vậy? Vì không thấy pháp giới có tăng hay giảm, thuận hay nghịch. Bạch Thế Tôn! Nếu được như vậy mới gọi là tu Bát Nhã Ba La Mật.
Bạch Thế Tôn! Không thấy pháp có sanh có diệt là tu Bát Nhã Ba La Mật.
Bạch Thế Tôn! Không thấy các pháp có tăng có giảm tâm không mong cầu, không thấy pháp tướng nên tìm cầu, không thấy tốt đẹp hay xấu xa, không cho là cao thượng hay hạ tiện, không nắm giữ không buông bỏ. Tại sao vậy? Pháp không có tốt đẹp hay xấu xa vì ngoài hết các tướng. Pháp không có cao thượng hoặc hạ tiện vì đồng đẳng với pháp tánh. Pháp không nên nắm giữ hay buông bỏ vì trụ thật tế. Đó là tu Bát Nhã Ba La Mật.
Phật lại hỏi Văn Thù Sư Lợi:
Phải chăng pháp Phật chứng đắc được là không thù thắng?
Văn Thù Sư Lợi đáp:
Con không thấy pháp nào là có tướng thù thắng nhưng chỉ như như. Đức Như Lai tự giác biết hết tất cả pháp đều không, ngài đã chứng hiểu điều nầy.
Phật đáp:
Đúng thế! Đúng thế! Đức Như Lai Chánh Giác tự chứng pháp không.
Văn Thù hỏi Phật:
Bạch Thế Tôn! Trong pháp không lại có tướng thù thắng có thể nắm giữ được chăng?
Phật đáp:
Hay lắm! Tốt lắm! Nầy Văn Thù! Như lời ông vừa hỏi là chơn pháp phải không? Rồi Phật tiếp: Vô thượng có phải là Phật pháp không?
Văn Thù đáp:
Như lời Phật dạy vô thượng là Phật pháp, sao con lại nói thế? Là vì không có pháp nào có thể được đó là vô thượng.
Bạch Thế Tôn! Tu Bát Nhã Ba La Mật như thế không gọi là pháp khí, không phải là pháp phàm phu, cũng không phải là Phật pháp, không phải pháp tăng trưởng.
Bạch Thế Tôn! Lúc tu Bát Nhã Ba La Mật không thấy có, pháp nào để mà phân biệt, suy gẫm.
Phật hỏi:
Ông đối với Phật pháp không suy gẫm sao?
Văn Thù Sư Lợi đáp:
Không phải thế, thưa Thế Tôn! Như con suy gẫm không thấy có Phật pháp, cũng không thể phân biệt là pháp phàm phu hay pháp Thinh văn hoặc pháp Bích Chi Phật. Như vậy gọi là Phật pháp vô thượng.
Lại nữa thưa Thế Tôn! Khi tu Bát Nhã Ba La Mật không thấy tướng phàm phu không thấy tướng Phật pháp, không thấy các pháp có tướng quyết định. Khi tu Bát Nhã Ba La Mật cũng không thấy dục giới, sắc giới, vô sắc giới, tịch diệt giới. Tại sao vậy? Vì hể thấy có pháp là có tướng diệt tận.
Khi tu Bát Nhã Ba La Mật không thấy Phật pháp nên tìm cầu pháp phàm phu cần xả bỏ, không thấy phải trừ sạch pháp phàm phu không thấy tâm chứng biết Phật pháp.
Phật dạy:
Hay lắm! Tốt lắm! Nầy Văn Thù ông đã nói một cách hết sức sâu xa rõ ràng về tướng Bát Nhã Ba La Mật là pháp ấn mà đại Bồ tát cần tu học, đến ngay như hàng thinh văn, duyên giác, hữu học, vô học cũng không được bỏ rơi ấn chứng nầy để tu đạo quả.
Nầy Văn Thù! Nếu có ai vừa nghe được pháp nầy tâm không kinh hoàng sợ hãi, phải biết rằng người nầy đã từng vun trồng thiện căn trước một ngàn Phật cho đến cũng đã gieo giống công đức trước trăm ngàn ức đức Phật mới có đủ khả năng nghe pháp Bát Nhã Ba La Mật nầy mà không tự thấy run sợ.
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Con muốn nói thêm ý nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật.
Phật đáp:
Được ông hãy nói đi!
Bạch Thế Tôn! Khi tu Bát Nhã Ba La Mật không thấy pháp nào là nên trụ, cũng không thấy cảnh giới là nên giữ lấy hay buông bỏ. Tại sao thế? Vì các đức Như Lai không thấy tướng trạng cảnh giới chư Phật thì làm gì lại nắm giữ cảnh giới Thinh văn, Duyên giác, phàm phu. Không ghi giữ tướng nghĩ tưởng, cũng không giữ tướng không thể nghĩ lường được, tự chứng PHÁP KHÔNG ngoài lãnh vực trí thức không thấy các pháp có chừng ấy tướng trạng. Hàng đại Bồ tát tu tập được như vậy là đã từng cúng dường vô lượng trăm ngàn muôn ức các đức Phật, vun trồng các căn lành nên mới đủ khả năng lãnh hội pháp Bát Nhã Ba La Mật sâu xa mà không sanh tâm sợ hãi.
Thưa Thế Tôn! Lại nữa khi tu Bát Nhã Ba La Mật không thấy bị trói buộc hay được cổi mở, đối với hạng phàm phu đến người trong ba thừa không thấy có tướng trạng sai biệt.
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi:
Nầy Văn Thù! Còn ông đă có cúng dường bao nhiêu đức Phật!
Văn Thù đáp:
Con cùng các đức Phật tướng như ảo hóa, đã không thấy ai là người cúng dường ai là người nhận thọ.
Giờ đây ông an trụ Phật thừa sao?
Như con gẫm nghĩ đã không thấy dù là một pháp thì làm sao lại trụ nơi Phật thừa.
Như thế ông không đắc được Phật thừa phải không?
Như Phật thừa kia bất quá chỉ là một cái danh từ thôi không có thể nắm được cũng không thể thấy, con làm sao đắc?
Nầy Văn Thù! Ông đắc trí vô ngại phải không?
Con tức là vô ngại rồi, tại sao lại có chuyện dùng vô ngại để đắc vô ngại.
Ông ngồi ở đạo tràng phải không?
Tất cả các Như Lai đã không ngồi ở đạo tràng, tại sao con lại riêng rẻ một mình ngồi lại đạo tràng! Tại sao có việc như thế? Vì hiện thấy rằng các pháp trụ thật tế.
Thật tế là thế nào?
Thân kiến là thật tế.
Thế nào thân kiến là thật tế?
Thân kiến tướng như như, không phải thật không phải hư, không đi không lại, cũng là thân lại cũng không phải là thân đó là thật tế.
Xá Lợi Phất thưa Phật:
Bạch Thế Tôn! Nếu ai nhận định rõ ràng được thật nghĩa nầy gọi là đại Bồ tát. Tại sao con nói như vậy? Là vì họ là người có đủ năng lực lãnh hội Bát Nhã Ba La Mật cao xa tâm lại không hề sợ hãi, không kinh hoàng, không hối hận.
Di lặc Bồ tát cũng thưa với Phật:
Bạch Thế Tôn! Người nghe bát nhã ba la mật như thế hoàn mãn pháp tướng tức là đã gần kề chỗ Phật ngồi. Tại sao? Vì đức Như Lai hiện giác ngộ pháp tướng này.
Văn Thù Sư Lợi lại bạch:
Thưa Thế Tôn! Người nghe Bát Nhã Ba La Mật cao xa nầy không sợ hãi, không kinh hoàng, không mê muội, không hối hận phải biết họ đã được thấy đức Phật.
Khi đó có vị tín nữ tên là Vô Tướng cũng cất lời thưa Phật:
Bạch Thế Tôn! Pháp phàm phu, Thinh văn, Bích Chi Phật, Bồ tát, Phật....các pháp này đều là vô tướng. Thế nên nghe được bát nhã ba la mật không sợ hãi, không kinh hoàng, không mê muội, không hối hận. Tại sao? Vì tất cả pháp vốn là vô tướng.
Phật dạy Xá Lợi Phất:
Nầy Xá Lợi Phất! Có kẻ thiện nam thiện nữ nào nghe được Bát Nhã Ba La Mật cao xa như vậy tâm nhận chân được không sợ hãi, không kinh hoàng, không mê muội, không hối hận. Ông nên biết rằng người nầy trụ được địa vị bất thối chuyển.
Nếu có người nghe Bát Nhã Ba La Mật tâm họ không sợ hãi lại ưa thích vâng giữ, vui mừng không có niệm chán nhàm tức là đã hoàn mãn bố thí ba la mật, trì giới ba la mật, nhẫn nhục ba la mật, tinh tấn ba la mật, thiền định ba la mật, bát nhã ba la mật. Họ lại có đủ khả năng trình bày rõ ràng về Bát Nhã Ba La Mật cho kẻ khác tin hiểu, y theo lời dạy để rồi thực hành.
Phật lại bảo Văn Thù Sư Lợi:
Ông quán sát nghĩa nào để đắc vô thượng chánh đẳng giác, an trụ vô thượng chánh đẳng giác?
Văn Thù đáp:
Con không đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác, đã không an trụ Phật thừa thì sao lại còn sẽ đắc vô thượng chánh đẳng giác? Như lời con vừa nói tức là tướng chánh giác.
Phật khen Văn Thù:
Hay lắm! Đúng lắm! Ông có đủ năng lực đối với pháp cao xa nầy diễn nói ý nghĩa của nó một cách hết sức khéo léo. Ông từng theo các Phật đời quá khứ vun trồng căn lành đã lâu lắm rồi, dụng vô tướng pháp tịnh tu phạm hạnh.
Văn Thù thưa:
Thông thường thấy có tướng nên lúc không lại nói là không tướng, nhưng con hiện nay không thấy có tướng cũng không thấy không tướng sao ngài lại nói rằng con dùng vô tướng pháp tịnh tu Phạm hạnh?
Phật hỏi Văn Thù:
Ông thấy giới Thinh văn không?
Thấy.
Ông thấy thế nào?
Con không khởi sự thấy theo phàm phu, thấy theo thánh hiền, thấy theo bực còn tu học, thấy theo bực đã đạt đạo, thấy theo đại thừa, thấy theo tiểu thừa, thấy đã được điều phục, thấy không phải điều phục nữa, không phải thấy mà cũng không phải không thấy.
Xá Lợi Phất mới hỏi Văn Thù:
Hiện giờ ông quán thấy Thinh văn thừa như thế, còn như quán Phật thừa sẽ ra sao?
Văn Thù đáp:
Không thấy Bồ tát pháp cũng không thấy tu hạnh bồ đề và người chứng quả bồ đề.
Xá Lợi Phất lại hỏi:
Thế nào là Phật? Thế nào là quán?
Văn Thù hỏi gặn lại:
Thế nào là ta?
Ta chẳng qua chỉ là danh tự mà thôi, danh tự lại không tướng.
Đúng thế! Đúng thế! Như cái Ta cũng chỉ là danh tự, Phật cũng chỉ là một thứ danh tự khác thôi. Tướng danh tự không tức là Bồ đề, không chạy theo danh tự để tìm cầu tướng Bồ đề, tướng Bồ đề ngoài tất cả ngôn thuyết. Tại sao? Vì ngôn thuyết và bồ đề cả hai đều không.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Ông hỏi ta thế nào là Phật? Thế nào là quán? Quán Phật là nhận chân được không sanh, không diệt, không đi không lại không phải danh không phải tướng đó gọi là Phật. Như tự quán thân thật tướng quán Phật cũng như thế, chỉ có bậc trí là hiểu biết được thôi, như trên gọi là quán Phật.
Ngay khi ấy Xá Lợi Phất thưa lại Phật:
Bạch Thế Tôn! Như lời ngài Văn Thù nói về Bát Nhã Ba La Mật thật không phải là lãnh vực hiểu biết của hàng sơ học Bồ tát.
Ngài Văn Thù tiếp lời:
Chẳng những sơ học Bồ tát không thể hiểu nổi ngay như hàng nhị thừa công hạnh đã hoàn mãn cũng còn không đủ năng lực để hiểu được, pháp ta nói như thế khó có ai có thể hiểu được. Tại sao? Vì tướng Bồ đề thật không thể dựa theo một pháp nào để hiểu biết về nó được, không thấy không nghe không nhớ không sanh không diệt, không nói không nghe, tánh tướng bồ đề không tịch như thế không chứng không biết, không hình không tướng sao lại nói sẽ có nguời đắc bồ đề?
Xá Lợi Phất lại hỏi Văn Thù:
Phật ở nơi pháp giới không chứng Bồ đề sao?
Không phải thế đâu!
Nầy Xá Lợi Phất! Tại sao ta nói thế? Là vì đức Thế Tôn tức là pháp giới, đâu có chuyện dùng pháp giới để chứng pháp giới!
Xá Lợi Phất! Tướng của pháp giới tức là Bồ đề. Tại sao vậy? Vì trong pháp giới không có tướng chúng sanh, bởi lẽ tất cả pháp đều không. Tất cả pháp đều không tức là Bồ đề, không nhị tướng ngoài tất cả sự phân biệt.
Xá Lợi Phất! Trong sự không phân biệt sẽ không có kẻ biết, không có kẻ biết tức là không có ngôn thuyết, không có tướng ngôn thuyết tức không phải hữu không phải vô, không phải biết không phải không biết tất cả pháp đều như thế. Tại sao? Vì tất cả pháp đều ngoài hết các sự thấy biết tánh tự quyết định như tội nghịch không thể suy lường được. Sao ta lại nói thế? Là vì thật tướng các pháp không thể bị hủy hoại, tội nghịch giống như vậy cũng không bổn tánh không sanh lên trời không rơi vào địa ngục cũng không thể nhập Niết Bàn. Tại sao? Vì tất cả nghiệp duyên đều trụ thật tế không đi, không đến không phải nhơn không phải quả. Tại sao?
Vì pháp giới không biên giới không có khoảng trước phía sau. Thế nên Xá Lợi Phất! Nếu người thấy có tỳ kheo nào phạm trọng giới không sa vào địa ngục kẻ thanh tịnh tu hành không nhập Niết Bàn, Tỳ kheo như thế không phải nên cúng dường không phải không nên cúng dường, không phải sạch hết phiền não không phải còn phiền não.
Tại sao?
Vì đối với các pháp tâm vẫn một mực bình đẵng.
Thế nào gọi là pháp nhẫn bất thối?
Không có chút pháp nào hơi có một ít tướng sanh diệt đó là pháp nhẫn bất thối.
Thưa còn thế nào là tỳ kheo không điều phục?
Hàng A La Hán dứt sạch hết phiền não chính là hạng không điều phục. Tại sao? Là vì các kiết sử đã trừ sạch rồi nên không còn gì cần phải điều phục nên gọi là không điều phục.
Nếu tâm hành lỗi lầm gọi là phàm phu, vì chúng sanh phàm phu không thuận theo pháp giới nên gọi là lỗi lầm.
Hay lắm! Như lời ngài dạy bây giời tôi mới hiểu được rõ ràng nghĩa A La Hán dức sạch hết các phiền não.
Đúng như vậy! Ta đây tức là chơn thật A La Hán sạch hết phiền não, vì ta đã dứt bỏ được lòng mong muốn cầu kết quả Thinh văn, Bích Chi Phật, thế nên mới gọi là dứt sạch phiền não đắc quả A La Hán.
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi:
Lúc các Bồ tát ngồi nơi đạo tràng có giác ngộ được vô thượng bồ đề không?
Bồ tát lúc ngồi nơi đạo tràng không có giác ngộ vô thượng bồ đề. Tại sao con nói thế? Như tướng bồ đề không có mảy may pháp nào là có thể đắc được nên gọi là vô thượng bồ đề. Bồ đề vô tướng không ai có thể ngồi lại cũng không ai có thể đứng dậy. Vì lý do nầy con không thấy Bồ tát ngồi nơi đạo tràng cũng không thấy giác ngộ chứng đắc vô thượng bồ đề.
Bạch Thế Tôn! Bồ đề tức là ngũ nghịch, ngũ nghịch tức là Bồ đề, Bồ đề và ngủ nghịch không phải hai tướng sai khác nhau không có sự giác ngộ không có kẻ giác, không có sự thấy không có nguời thấy, không có sự biết không có người biết, không có sự phân biệt không có người phân biệt...các tướng như thế gọi là Bồ đề, thấy tướng ngũ nghịch cũng giống như vậy. Nếu có ai nói rằng thấy Bồ đề để mà thủ chứng, nên biết người nầy thuộc vào hạng tăng thượng mạn.
Ngay khi đó Phật baỏ Văn Thù Sư Lợi:
Ông nói ta LÀ ( ) Như Lai, cũng có nghĩa ta LÀM ( ), Như Lai phải không?
Không phải thế thưa Thế Tôn! Con đã không nói Như Lai làm Như Lai sao? Không có tướng NHƯ để có thể nói LÀM NHƯ. Cũng không có Như Lai và trí không có hai tướng riêng biệt. Tánh KHÔNG làm Như Lai chỉ có danh tự, làm sao con lại nói LÀ Như Lai được?
Phật hỏi:
Ông nghi Như Lai sao?
Thưa không, bạch Thế Tôn! Con quán sát Như Lai không có tánh quyết định không sanh không diệt nên không còn mối hoài nghi nào.
Hiện nay ông không nghĩ Như Lai xuất hiện nơi thế gian sao?
Nếu có Như Lai xuất hiện nơi thế gian, tất cả pháp giới cũng sẽ hiện diện nơi đời.
Ông cho rằng tất cả đức Phật nhiều như số cát sông Hằng thể nhập Niết Bàn chăng?
Các đức Phật duy nhứt tướng ngoài hết các sự hiểu biết suy lường.
Đúng thế! Đúng thế! Phật là nhứt tướng, tướng không thể suy lường được.
Bạch Thế Tôn! Hiện nay Phật trụ ở đời phải không?
Đúng như thế.
Nếu Phật trụ ở đời, các đức Phật nhiều như số các sông Hằng đáng lý ra cũng trụ ở đời. Tại sao con nói như thế? Là vì tất cả các đức Phật đều đồng nhứt tướng, tướng không thể suy lường.
Tướng không thể suy lường đó là không sanh không diệt. Nếu các đức Phật đời vị lai xuất hiện nơi thế gian, tất cả đức Phật khác cũng đều xuất hiện nơi thế gian. Tại sao? Là vì trong sự không thể suy lường không có tướng trụ quá khứ, vị lai, hiện tại, chỉ do chúng sanh chấp trước giữ lại cho rằng Phật có xuất thế, có diệt độ.
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi:
Đây thuộc phạm vi hiểu biết của Như Lai, A La Hán, Bồ Tát bất thối chuyển. Tại sao vậy? Là vì ba hạng nầy nghe được pháp sâu xa không sanh tâm hủy báng cũng không khen ngợi.
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:
Thưa Thế Tôn! Đã là ngoài tất cả sự suy lường như vậy thì làm sao ai sẽ hủy báng? Ai sẽ ngợi khen?
Phật đáp:
Nầy Văn Thù! Như Lai ngoài các sự nghĩ lường, phàm phu cũng ngoài các sự nghĩ lường.
Thưa Thế Tôn! Phàm phu cũng ngoài các sự nghĩ lường phải không?
Cũng ngoài các sự nghĩ lường. Tại sao? Là vì tất cả tâm tướng đều ngoài hết mọi sự nghĩ lường.
Nếu nói như thế. Như Lai ngoài các sự nghĩ lường, phàm phu cũng ngoài các sự nghĩ lường. Hiện nay vô số các đức Phật cầu Niết Bàn chỉ luống phí công lao khó nhọc. Tại sao con nói thế? Vì pháp ngoài các sự nghĩ lường tức là Niết Bàn. Vì cả hai bình đẵng không có sai biệt.
Nếu có thiện nam thiện nữ nào đã từng tu tập các căn lành trong thời gian lâu xa gần gũi thiện tri thức mới biết được là phàm phu ngoài các sự suy lường, chư Phật ngoài các sự nghĩ lường như thế.
Phật lại bảo Văn Thù Sư Lợi:
Ông muốn đặt Như Lai lên bậc tối thắng giữa chúng sanh phải không?
Con muốn đặt Như Lai lên bậc tối thắng đệ nhứt giữa các chúng sanh. Nhưng chúng sanh tướng cũng không có thể tìm được.
Ông muốn để Như Lai đắc pháp khó thể suy lường được phải không?
Con muốn để Như Lai đắc pháp khó thể suy lường nhưng nơi các pháp không có sự thành tựu.
Ông muôn khiến Như Lai nói pháp giáo hóa phải không?
Con muốn Như Lai nói pháp giáo hóa nhưng người nói và kẻ nghe đều không có thể được. Tại sao? Là vì an trụ pháp giới. Pháp giới chúng sanh không có tướng sai biệt.
Ông muốn đặt Như Lai là ruộng phước vô thượng phải không?
Như Lai là ruộng phước vô tận, là tướng vô tận. Tướng vô tận tức là ruộng phước vô thượng. Không phải ruộng phước không phải không ruộng phước, không có các tướng trạng sáng tối sanh diệt đó là ruộng phước. Nếu ai có khả năng hiểu được tướng ruộng phước như thế sẽ vun trồng căn lành một cách vững chắc không tăng cũng không giảm.
Thế nào là vun trồng không tăng không giảm.
Tướng trạng của ruộng phước thật hết sức khó suy lường được nếu có ai an trụ trong đây đúng như chánh pháp tu tập thiện căn thật cũng khó có thể suy lường được, vun trồng như thế gọi là không tăng không giảm, cũng là ruộng phước tối thắng vô thượng.
Ngay khi ấy nhờ thần lực của Phật cả mặt đất đều chấn động sáu cách biểu hiện tướng vô thường, một muôn sáu ngàn người liền đó đắc pháp nhẫn vô sanh, bảy trăm tỳ kheo ba ngàn cư sĩ nam, bốn muôn cư sĩ nữ sáu mươi ức na do tha các vị trời cõi lục dục tất cả số người trên đều xa lìa trần cấu đắc pháp nhãn thanh tịnh đối với các pháp.

« Kinh này có tổng cộng 2 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Sống đẹp giữa dòng đời


Học đạo trong đời


Gió Bấc


Nguyên lý duyên khởi

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.187.24 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập