Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Thuyết Độn Chơn Đà La Sở Vấn Như Lai Tam Muội Kinh [佛說伅真陀羅所問如來三昧經] »» Bản Việt dịch quyển số 2 »»

Phật Thuyết Độn Chơn Đà La Sở Vấn Như Lai Tam Muội Kinh [佛說伅真陀羅所問如來三昧經] »» Bản Việt dịch quyển số 2


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.57 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.7 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Thuần Chơn Đà La Sở Vấn Như Lai Tam Muội

Kinh này có 3 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 |
Việt dịch: Thích Nữ Tịnh Nguyên

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Đức Phật dạy:
- Thuần Chơn Đà la có âm thanh kỹ nhạc như vậy, nhờ âm thanh ấy mà làm cho người phát tâm Bồ-đề. Công đức ấy rất sâu dày.
Khi đức Phật nói về công đức của Thuần Chơn Đà La, từ trong vạt áo của đại chúng trong hội hóa đầy hoa sen. Các vị đứng dậy, đem hoa ấy rải lên Thuần Chơn Đà La, Thuần Chơn Đà La dùng vai phải đón nhận hoa. Hoa ấy không rơi xuống đất, ông ta đem hoa dâng cúng dường Phật. Từ phía trên đức Phật, hoa ấy hóa thành một lọng hoa bằng châu báu che khắp ngàn cõi Phật. Lọng hoa đó xen kẽ gần trăm ngàn viên ngọc quý. Ánh sáng mỗi viên ngọc tỏa ra ức trăm vầng ánh sáng, mỗi vầng ánh sáng có một hoa sen nhiều màu sắc và rất thơm. Trên mỗi hoa sen có một đức Phật ngồi giống như Thích Ca Văn.
Chư Phật nói:
- Lành thay! Lành thay! Này Thuần Chơn Đà La! Người được ông giáo hóa rất nhiều và họ đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Việc làm của Bồ-tát đã vượt qua cảnh giới của mình, nhưng thị hiện vượt qua sanh tử mà vẫn thấy như cũ, không trụ Nê-hoàn, vì chúng sanh mà đi trong ba cõi.
Nghĩ đến chư Phật đang ngồi, Thuần Chơn Đà La đem lọng hoa báu che phía trên, và ngay lúc đó ông ta vào tam muội. Tam muội ấy gọi là Nghiêm cái, và tức thời trên chư Phật ngồi đều có lọng hoa. Các Bồ-tát, Tỳ-kheo Tăng, người trong hội đều có lọng hoa và tay cầm cán lọng. Các Bồ-tát, các Tỳ-kheo Tăng đem lọng hoa đến cúng dường chư Phật. Thuần Chơn Đà La nghĩ: muốn thỉnh Phật và chư hóa Phật cùng Bồ-tát, Tỳ-kheo Tăng đến núi Hương, muốn làm cho những người trong cung thất của mình và chư thiên, quỷ thần đều được nghe pháp và được an vui, với mục đích làm cho họ thấy cúng dường Phật mà làm căn bản, nhờ đó được phước đức.
Thuần Chơn Đà La đứng dậy, lạy sát đất, thưa Phật:
- Xin thỉnh Như Lai, chư Bồ-tát cùng chúng Tỳ-kheo đến núi Hương. Chúng con xin cúng dường thức ăn uống bảy ngày để mọi người nhờ đó mà tăng trưởng công đức.
Đức Phật im lặng nhận lời.
Thuần Chơn Đà La rất vui mừng, liền trở về chỗ ngồi cùng tám vạn bốn ngàn người đánh đàn, trỗi nhạc để cúng dường Phật, và sau đó lạy Phật rồi trở về núi Hương.
Cung điện của Thuần Chơn Đà La dài rộng ba vạn dặm, có thể đón nhận Phật và những người theo đến. Tường vách, đất cung điện màu xanh pha-lê, dùng vàng ròng trời rải trên đất, ở giữa treo xen lẫn vô số châu báu. Có đầy đủ giường ngồi, chân giường làm bằng châu báu nổi tiếng; dùng vải lụa trời làm đường viền. Tòa của Phật cao một ngàn ba trăm dặm, trang hoàng bằng trân bảo, lan can bằng trân báu và xung quanh treo cờ lọng cũng bằng trân báu, có hương đốt rất thơm dịu, phía trên có tràng phan che phủ. Hoa trời rải đầy trên đất. Gần chỗ đức Phật ngồi, có bốn vạn cây bằng châu báu.
Thuần Chơn Đà La nói với quyến thuộc trong cung:
- Đức Phật rất khó gặp, ví như hoa Ưu-đàm-bát. Nay đã được gặp thì hãy cúng dường cho thật tốt, đàng hoàng, bỏ những tật đố, dua nịnh, tham lam. Ai loạn tâm, nên chánh niệm. Hãy chí tâm cúng dường, đem đủ loại hoa thơm đẹp dâng cúng dường. Đem hương thơm của Chiên-đàn đến núi Hương xông đốt để cúng dường Thế Tôn và trỗi những âm nhạc hòa nhã rất hay. Thuần Chơn Đà La ưa thích gì thì nên làm để cúng dường, vì đức Phật là bậc tối tôn trong loài người. Đem lọng hoa, cờ lụa và y phục đặc biệt đẹp đẽ với vô số màu sắc ở cõi trời dâng cúng dường. Đức Phật rất khó gặp, ai cúng dường Ngài thì đời sau được sanh làm Tứ vương, Đế-thích, Phạm thiên. Nếu làm như vậy thì được thân hình đẹp đẽ, sống lâu, giàu có, tự do, dung mạo đẹp đẽ không ai sánh bằng, tiếng tốt đồn xa. Người nào cúng dường Phật thì được công đức như vậy. Nếu ở cõi trời thì được an lạc. Được an ổn như vậy đều do cúng dường Phật mà đạt được. Nếu muốn được đạo Bích-Chi Phật, Thanh văn, Bồ-tát, nhờ cúng dường Phật mà có thể thu phục quân ma.
Thuần Chơn Đà La dạy bảo quyến thuộc trong cung như vậy và tất cả đều tuân mệnh, đem đầy đủ các thứ hương hoa, chế biến trăm món thức ăn ngon thơm. Ở phíaNam núi Hương, các kỹ nhạc đánh đàn.
Việc làm đã xong, sự mong ước đã mãn nguyện, tiếng đàn nghe vui vẻ vừa ý, ai cũng muốn được an ổn hoan hỷ, tướng mạo thường tịch, mỉm cười với mọi người. Sự tôn kính ấy không gì che lấp được. Chư thiên, A-tu-la đều cúng dường.
- Thưa đã đến giờ, xin phiền Ngài, bậc đã nắm giữ mười lực thù thắng, không ai có thể chống cự được, thu phục ngoại đạo, làm cho mọi người được lợi ích. Tâm đã thanh tịnh, dứt các trần cấu.
- Thưa đã đến giờ, xin phiền Ngài, bậc đã không chút bụi trần, công đức không thể đếm nổi, ý rất tôn nghiêm cùng tận, sanh nơi giàu có tôn quý, bước đi của Ngài không ai theo kịp.
- Thưa đã đến giờ, xin phiền Ngài, bậc đã vĩnh viễn không bước vào ba đường ác nữa, không còn trở lại, vứt bỏ tất cả. Ai thấy Ngài cũng đều hoan hỷ. Ánh sáng của Ngài sáng hơn ánh sáng của những vì sao, mặt trời, mặt trăng. Ánh sáng của Thích, Phạm không sánh bằng. Ánh sáng ấy sáng khắp, vượt hơn ba cõi, ai thấy ánh sáng ấy giống như trong chỗ tối tăm thấy ngọn đuốc, ai nấy đều vui mừng. Ánh sáng nào cũng bị che lấp, chỉ có ánh sáng của Ngài không chỗ nào không chiếu tới. Tất cả kỹ nhạc của chư thiên, rồng... không vui thích nên không được giải thoát, ngày càng bị cấu bẩn. Nếu ai nghe tiếng của đức Phật thì ai nấy đều được giải thoát, trừ sạch cấu bẩn. Các lương y khắp mười phương cũng không thể nào diệt trừ cấu bẩn tâm người ấy được. Phật là bậc lương y, ai nghe đến Ngài thì tâm cấu bẩn liền được tiêu sạch và an lạc. Phật là đấng Chí tôn trong các bậc tôn quý, không ai có thể sánh bằng. Lời nói của Ngài thanh tịnh, hoàn toàn chân thật. Tất cả kẻ xấu ác đều bị thua rạp.
- Thưa đã đến giờ, xin phiền Ngài, bậc xưa đã thực hành bố thí, nay đang bố thí, tương lai sẽ lấy pháp bố thí; xưa đã tu hành giữ giới thanh tịnh, tự đạt đến an lạc giải thoát, do kềm giữ tâm và nhẫn nhục mà được thành tựu.
- Thưa đã đến giờ, xin phiền lòng Ngài, bậc đã an trụ trong tinh tấn, tự vui bằng thiền định. Tâm của Ngài đã an định, dùng ánh sáng trí tuệ để quán sát, tâm luôn hoan hỷ.
- Thưa đã đến giờ, xin phiền lòng Ngài, bậc từ bi bình đẳng với tất cả. Sự yêu thương ấy vượt qua các oán hận, công đức ấy quá hơn Phạm thiên.
- Thưa đã đến giờ, xin phiền lòng Ngài...
Đức Phật dạy các Tỳ-kheo Tăng:
- Các thầy hãy ôm bát đến nhà người thỉnh mời, mãn bảy ngày rồi về.
Bồ-tát Đề Vô Ly nghĩ: “Muốn làm xe giao lộ ngang dọc bốn trăm dặm, ở giữa có hoa sen để cho đức Phật, các Bồ-tát và Tỳ-kheo Tăng, mỗi vị ngồi trên mỗi hoa sen, đến núi Hương”.
Thế rồi, Bồ-tát liền nhập vào tam muội, tức thời sự việc đã diễn ra theo ý. Bồ-tát bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nay đã có xe giao lộ, xin Ngài hãy đến đó. Đức Phật thì ngồi trên hoa sen, tòa sen ấy cao bốn trượng chín thước. Các Bồ-tát và Tỳ-kheo Tăng cũng đều ngồi trên hoa sen như đã nói. Vì sao? - Xin Ngài hãy thương con mà đến ngồi.
Các ngài đã an tọa xong, Bồ-tát Đề Vô Ly dùng tay phải tự vận dụng thần thông bưng các hoa sen đi. Thấy oai thần biến hóa của Bồ-tát Đề Vô Ly như vậy, các vị trời ở cõi Dục, cõi Sắc đều đem kỹ nhạc, hương hoa đến núi Hương để cúng dường.
Từ nơi xa, Thuần Chơn Đà La thấy Phật đang ngồi trên xe giao lộ, biết Ngài đã đến, Thuần Chơn Đà La bảo tám vạn bốn ngàn Chơn-đà-la, Kiền-đà-la đem hương hoa và đánh đàn, trỗi các âm nhạc đến trước đón Phật, thỉnh mời vào cung. Đến nơi, đức Phật thăng tòa, các Bồ-tát, Tỳ-kheo Tăng cũng đều an trụ.
Thuần Chơn Đà La nói với Thích, Phạm, Tứ thiên vương:
- Đã làm xong đầy đủ. Hãy sắp bày tất cả ra.
Mọi người trong cung đều mang thức ăn uống đến cúng dường. Sau khi ăn uống và rửa tay xong, Thuần Chơn Đà La đặt ghế nhỏ ngồi trước Phật, nghe Ngài nói pháp.
Phật dạy Bồ-tát Đề Vô Ly:
- Bồ-tát phụng hành bố thí Ba-la-mật có ba mươi hai việc hành thanh tịnh. Ba mươi hai việc đó là gì?
1- Bồ-tát bố thí muốn cầu thành Phật phải lấy việc phát tâm làm gốc.
2- Bồ-tát bố thí sẽ lìa đạo A--la-hán, Bích Chi Phật.
3- Bồ-tát bố thí nghĩ muốn độ thoát chúng sanh khắp mười phương.
4- Bồ-tát bố thí cho người, tâm không hối hận.
5- Bồ-tát bố thí cho người, xem họ như Phật.
6- Bồ-tát bố thí cho người, tâm không bỏn xẻn.
7- Bồ-tát bố thí cho người, tâm không loạn mà đem cho một cách hoan hỷ.
8- Bồ-tát bố thí cho người bằng chính tay mình đưa.
9- Bồ-tát bố thí cho người với ý rộng rãi, không hẹp hòi.
10- Bồ-tát bố thí cho người, không mong cầu muốn có chỗ sanh.
11- Bồ-tát bố thí cho người với lòng không mong cầu.
12- Bồ-tát bố thí cho người, không mong cầu đạt được tư hữu, mà phải theo lời dạy trong kinh Phật.
13- Bồ-tát bố thí cho người vì ưa thích kinh Phật.
14- Bồ-tát bố thí cho người vì muốn cầu Phật đạo.
15- Bồ-tát bố thí cho người, không tự cao.
16- Bồ-tát bố thí cho người vì muốn chỉ dạy mọi người.
17- Bồ-tát bố thí cho người vì muốn cứu độ chúng sanh.
18- Bồ-tát bố thí cho người vì muốn đem giáo pháp chỉ dạy chúng sanh.
19- Bồ-tát bố thí cho người vì thuận theo lời Phật dạy.
20- Bồ-tát bố thí cho người vì muốn thu phục quân ma.
21- Bồ-tát bố thí cho người vì cầu thành tựu quả Phật.
22- Bồ-tát bố thí cho người vì muốn cầu làm người hùng mạnh trong loài người.
23- Bồ-tát bố thí cho người vì muốn bít lấp đường ngạ quỷ.
24- Bồ-tát bố thí cho người vì muốn đời sau tu tập bố thí.
25- Bồ-tát bố thí cho người vì muốn đời sau được an vui, giàu sang, phú quý.
26- Bồ-tát bố thí cho người vì muốn đời sau được đắc đạo Bồ-tát.
27- Bồ-tát bố thí cho người vì muốn luôn luôn gần gũi thầy tốt.
28- Bồ-tát bố thí cho người vì muốn đời đời hòa nhã hướng về chúng sanh khắp mười phương.
29- Bồ-tát bố thí cho người vì muốn thành Phật đạo.
30- Bồ-tát bố thí cho người vì muốn thành tựu Bồ-tát.
31- Bồ-tát bố thí cho người vì muốn được ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp.
32- Bồ-tát bố thí cho người vì muốn thành cảnh giới trang nghiêm, muốn hướng về Phật, thâm nhập các kinh.
Đó là ba mươi hai việc Bồ-tát bố thí thanh tịnh. Bồ-tát hành bố thí ba-la-mật như vậy.
Bồ-tát hành thanh tịnh giới ba-la-mật có ba mươi hai việc. Ba mươi hai việc đó là gì?
1- Sở hành về thân, Bồ-tát luôn thanh tịnh. Đó là giữ giới.
2- Bồ-tát trừ bỏ xan tham, sân giận, ngu si, nói lời trong sạch. Đó là giữ giới.
3- Tâm Bồ-tát khi hành động rất sáng suốt, có trí tuệ, không dối gạt Phật. Đó là giữ giới.
4- Bồ-tát không theo ngoại đạo để hành mười điều. Đó là giữ giới.
5- Bồ-tát dù sanh lên cõi trời hay nhân gian cũng không bao giờ lìa bỏ Phật đạo. Đó là giữ giới.
6- Bồ-tát lìa xa La-hán, Bích Chi Phật nhưng không cười nhạo các vị ấy. Đó là giữ giới.
7- Bồ-tát tránh xa kẻ dua nịnh, thể nhập vào trí tuệ của Phật. Đó là giữ giới.
8- Bồ-tát học nhiều, có trí tuệ, tâm là đệ nhất. Đó là giữ giới.
9- Bồ-tát rất có lòng từ bi, luôn nghĩ đến chúng sanh khắp mười phương. Đó là giữ giới.
10- Bồ-tát cứu giúp chúng sanh khắp mười phương để họ được đầy đủ. Đó là giữ giới.
11- Bồ-tát không phạm giới cấm, lìa khỏi các xấu hổ. Đó là giữ giới.
12- Việc làm của Bồ-tát không hư thiếu, luôn cẩn thận. Đó là giữ giới.
13- Bồ-tát không phạm trung đạo, không hành trái với bổn tâm. Đó là giữ giới.
14- Bồ-tát tự giữ lấy mình, không phạm đến chúng ma. Đó là giữ giới.
15- Bồ-tát y theo những lời dạy sáng suốt để thoát khỏi đường ác. Đó là giữ giới.
16- Bồ-tát giữ giới được sanh thiên. Đó là giữ giới.
17- Bồ-tát muốn đầy đủ trí tuệ của Phật. Đó là giữ giới.
18- Bồ-tát giữ giới chặt chẽ, không trái lời Phật dạy. Đó là giữ giới.
19- Bồ-tát không tự cao, khinh chê người khác, luôn tự kềm chế mình. Đó là giữ giới.
20- Bồ-tát tự kềm chế tâm mình, không chạy theo ái dục. Đó là giữ giới.
21- Bồ-tát giữ giới đúng lời Phật dạy. Đó là giữ giới.
22- Bồ-tát giữ giới có lòng tin, khuyến khích, giúp đỡ, ưa thích không lừa dối. Đó là giữ giới.
23- Bồ-tát không xan tham. Đó là giữ giới.
24- Bồ-tát giữ giới chắc chắn theo pháp giáo hóa. Đó là giữ giới.
25- Bồ-tát vứt bỏ tài sản phú quý, muốn làm Sa-môn. Đó là giữ giới.
26- Bồ-tát ưa thích ở chỗ thanh vắng, thích giáo pháp. Đó là giữ giới.
27- Bồ-tát không tham ăn uống, y phục, vì muốn nhập đạo. Đó là giữ giới.
28- Bồ-tát dứt bỏ các điều ác, thành tựu các công đức. Đó là giữ giới.
29- Bồ-tát biểu hiện chuyên cần, lìa xa dòng họ, giữ đức công hạnh. Đó là giữ giới.
30- Bồ-tát thâm nhập pháp hạnh thâm sâu mà không vướng mắc. Đó là giữ giới.
31- Bồ-tát tu hành mười hai nhân duyên theo thứ lớp. Đó là giữ giới.
32- Bồ-tát không theo ngoại đạo, lìa bốn điên đảo. Đó là giữ giới.
Đó là ba mươi hai việc Bồ-tát giữ giới thanh tịnh. Bồ-tát thanh tịnh hành giữ giới ba-la-mật như vậy.
Bồ-tát thanh tịnh hành nhẫn nhục ba-la-mật có ba mươi hai việc. Ba mươi hai việc đó là gì?
1- Bồ-tát không ham thích bản thân. Đó là nhẫn nhục.
2- Bồ-tát không nuối tiếc tuổi thọ. Đó là nhẫn nhục.
3- Bồ-tát không ôm lòng sân giận với người. Đó là nhẫn nhục.
4- Bồ-tát nhẫn nhục chịu đựng nếu có người mắng chửi, mạ nhục. Đó là nhẫn nhục.
5- Nếu thấy người bệnh hoạn ốm yếu thì Bồ-tát thương yêu họ. Đó là nhẫn nhục.
6- Bồ-tát không khinh thường người không được dạy dỗ. Đó là nhẫn nhục.
7- Tuy là giàu sang tôn quý, nhưng Bồ-tát chịu để người khinh khi. Đó là nhẫn nhục.
8- Bồ-tát bị người làm hại nhưng không sân giận, oán hờn. Đó là nhẫn nhục.
9- Bồ-tát không có tâm sân hận với người. Đó là nhẫn nhục.
10- Bồ-tát bị người hại, khiến phải đi vào đường nhỏ, nhưng tâm không thối chuyển. Đó là nhẫn nhục.
11- Bồ-tát ưa thích và tin tưởng Phật đạo, tâm không biếng nhác. Đó là nhẫn nhục.
12- Tâm Bồ-tát không loạn động, luôn luôn thanh tịnh. Đó là nhẫn nhục.
13- Bồ-tát không bao giờ sân giận người. Đó là nhẫn nhục.
14- Bồ-tát bảo hộ người mà tâm không nghĩ đến việc ấy. Đó là nhẫn nhục.
15- Bồ-tát luôn đem tâm hòa nhã với người. Đó là nhẫn nhục.
16- Bồ-tát luôn đem tâm thương yêu mọi người. Đó là nhẫn nhục.
17- Bồ-tát không tự thị, cống cao với người. Đó là nhẫn nhục.
18- Bồ-tát luôn khiêm hạ với chúng sanh khắp mười phương. Đó là nhẫn nhục.
19- Bồ-tát không hành động sân giận với người. Đó là nhẫn nhục.
20- Bồ-tát tự kềm chế mình, không xúc phạm đến ai. Đó là nhẫn nhục.
21- Bồ-tát luôn kềm giữ tâm để không cho ý vọng khởi. Đó là nhẫn nhục.
22- Bồ-tát thấy mình có lỗi thì tự sám hối, quở trách chính mình. Đó là nhẫn nhục.
23- Bồ-tát không quan tâm đến điều tốt xấu của người. Đó là nhẫn nhục.
24- Bồ-tát luôn thích nhớ nghĩ đến Phật đạo. Đó là nhẫn nhục.
25- Bồ-tát thích hiểu giáo pháp. Đó là nhẫn nhục.
26- Bồ-tát yêu thương chúng sanh khắp mười phương. Đó là nhẫn nhục.
27- Bồ-tát luôn muốn bố thí cho chúng sanh mười phương. Đó là nhẫn nhục.
28- Bồ-tát luôn đem tâm hòa nhã với chúng sanh. Đó là nhẫn nhục.
29- Bồ-tát thích an ủi người. Đó là nhẫn nhục.
30- Bồ-tát theo học giáo pháp, không gián đoạn bỏ hẳn nửa chừng. Đó là nhẫn nhục.
31- Bồ-tát nghe được Tam trị không sợ hãi. Đó là nhẫn nhục.
32- Bồ-tát không từ đâu sanh vui thích trí tuệ. Đó là nhẫn nhục.
Đó là ba mươi hai việc Bồ-tát hành nhẫn nhục thanh tịnh.
Bồ-tát hành nhẫn nhục ba-la-mật là như vậy.
Bồ-tát hành tinh tấn ba-la-mật gồm có ba mươi hai việc. Ba mươi hai việc đó là gì?
1- Không đoạn mất Phật đạo. Đó là tinh tấn.
2- Không đoạn mất giáo pháp. Đó là tinh tấn.
3- Không đoạn bỏ Tỳ-kheo Tăng. Đó là tinh tấn.
4- Người được hóa độ có vô số, không thể đếm. Đó là tinh tấn.
5- Thọ thân sanh tử mà tâm không mỏi mệt. Đó là tinh tấn.
6- Cúng dường vô số chư Phật không chán nản. Đó là tinh tấn.
7- Tạo công đức bất khả tư nghì. Đó là tinh tấn.
8- Học hỏi vô số giáo pháp. Đó là tinh tấn.
9- Giáo hóa chúng sanh khắp mười phương. Đó là tinh tấn.
10- Làm thành thục chúng sanh mười phương để họ được đắc Phật đạo. Đó là tinh tấn.
11- Vì chúng sanh mười phương mà cung cấp những gì mình có theo sự mong cầu của họ, làm cho họ trở về với đạo. Đó là tinh tấn.
12- Đem cho người với tất cả đồ đạc tốt đẹp của riêng mình. Đó là tinh tấn.
13- Giữ gìn các giới cấm. Đó là tinh tấn.
14- Sức nhẫn nhục của mình phải nhu hòa. Đó là tinh tấn.
15- Đầy đủ các định tam thiền. Đó là tinh tấn.
16- Đầy đủ các trí tuệ. Đó là tinh tấn.
17- Lấy công đức của cảnh giới chư Phật hành để tự trang nghiêm cảnh giới khi mình thành Phật. Đó là tinh tấn.
18- Muốn cầu có năng lực mạnh. Đó là tinh tấn.
19- Thu phục tất cả các ma và quyến thuộc của chúng. Đó là tinh tấn.
20- Giữ gìn giáo pháp của Phật, thu phục các ngoại đạo khác. Đó là tinh tấn.
21- Có đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, các giáo pháp của Phật. Đó là tinh tấn.
22- Trang nghiêm thân - khẩu - ý. Đó là tinh tấn.
23- Không biếng nhác mỏi mệt. Đó là tinh tấn.
24- Làm việc gì đều rốt ráo. Đó là tinh tấn.
25- Tâm luôn luôn dõng mãnh. Đó là tinh tấn.
26- Vứt bỏ các ái dục. Đó là tinh tấn.
27- Độ những ai chưa độ, tạo điều kiện cho những ai chưa nghe kinh; những ai chưa bát Niết-bàn thì làm cho họ bát Niết-bàn. Đó là tinh tấn.
28- Mỗi tướng đều có đầy đủ trăm phước công đức. Đó là tinh tấn.
29- Giữ gìn, bảo vệ tất cả kinh pháp của Phật. Đó là tinh tấn.
30- Biết rõ cảnh giới của chư Phật không thể nghĩ bàn. Đó là tinh tấn.
31- Đời đời thường thấy vô số chư Phật. Đó là tinh tấn.
32- Hạnh viễn ly do tinh tấn mà có. Viễn ly thân tâm đến không có hình tướng, không có chỗ trụ, không có chỗ sanh, không có chỗ nhập, không có chỗ sanh. Đó là không sanh lạc trụ.
Bồ-tát thanh tịnh hành tinh tấn ba-la-mật là như vậy.
Bồ-tát thanh tịnh hành thiền ba-la-mật có ba mươi hai việc. Ba mươi hai việc đó là gì?
1- Nhớ nghĩ điều gì đều không bị phạm. Đó là tịnh.
2- Nắm giữ hoàn toàn không thiếu. Đó là tịnh.
3- Phân biệt hoàn toàn không quên. Đó là tịnh.
4- Tránh xa các hý luận. Đó là tịnh.
5- Tự giữ gìn, biết đủ. Đó là tịnh.
6- Tâm không nhớ nghĩ điều tà vạy. Đó là tịnh.
7- Khuyến khích mọi người tạo công đức để mong cầu thành Phật. Đó là tịnh.
8- Không phạm sáu việc. Đó là tịnh.
9- Đạt đến Vô sở trước. Đó là tịnh.
10- Tự quán trong và ngoài của chính mình. Đó là tịnh.
11- Đầy đủ năm thiền chi. Đó là tịnh.
12- Tâm luôn nhu nhuyến. Đó là tịnh.
13- Không chấp thân kiến. Đó là tịnh.
14- Bên trong thực hành thiền định. Đó là tịnh.
15- Trở về thâm nhập sâu vào Phật đạo. Đó là tịnh.
16- Tránh xa kẻ ác. Đó là tịnh.
17- Thâm nhập vào trí tuệ sáng suốt. Đó là tịnh.
18- Thâm nhập vào nhơn công đức. Đó là tịnh.
19- Nhớ nghĩ đến giáo pháp vốn nó an lạc. Đó là tịnh.
20- Theo thứ lớp thể nhập vào các hạnh. Đó là tịnh.
21- Ân trí tuệ không lay chuyển. Đó là tịnh.
22- Nhờ phương tiện thiện xảo được thành tựu. Đó là tịnh.
23- Muốn được đầy đủ Phật sự. Đó là tịnh.
24- Thương yêu những người khổ đau. Đó là tịnh.
25- Không tập theo việc của La-hán, Bích Chi Phật. Đó là tịnh.
26- Thích thể nhập đầy đủ trí tuệ sâu xa. Đó là tịnh.
27- Công đức tạo ra không thấy nhàm chán. Đó là tịnh.
28- Tin rằng tất cả chúng sanh không có ngã. Đó là tịnh.
29- Tất cả chúng sanh đều được tam muội bất loạn của Phật. Đó là tịnh.
30- Suy nghĩ của chúng sanh đều biết rất rõ. Đó là tịnh.
31- Biết rõ hành vi của chúng sanh. Đó là tịnh.
32- Như vị lương y chữa người bệnh lành khỏi, Bồ-tát thọ trì kinh pháp này làm cho sanh - lão - bệnh - tử của chúng sanh đều tiêu trừ. Đó là tịnh.
Bồ-tát hành thiền ba-la-mật thanh tịnh như vậy.
Bồ-tát hành Bát-nhã ba-lamật gồm có ba mươi hai việc. Ba mươi hai việc đó là gì?
1- Muốn được giáo pháp của Phật không nhàm chán. Đó là cao minh.
2- Tuần tự học các giáo pháp của Phật. Đó là cao minh.
3- Trí tuệ sáng suốt. Đó là cao minh.
4- Nhờ pháp nên không làm mất trí tuệ. Đó là cao minh.
5- Thâm nhập trí sáng suốt, hiểu rõ năm ấm. Đó là cao minh.
6- Đem trí tuệ soi vào kinh pháp để hiểu rõ đầu mối của nó. Đó là cao minh.
7- Dùng trí tuệ để hiểu rõ A-di-đàn-câu-xá-la. Đó là cao minh.
8- Dùng phương tiện thiện xảo từ từ giác tri mười hai nhân duyên. Đó là cao minh.
9- Với bốn đế, dùng phương tiện thiện xảo biết rõ tịch diệt. Đó là cao minh.
10- Từ từ nhập vào tuệ phương tiện ngăn ngừa không nhập Nê-hoàn. Đó là cao minh.
11- Quán bên trong biết rõ tất cả. Đó là cao minh.
12- Thọ thân sanh tử nhưng đều hiểu rất rõ trước đây. Đó là cao minh.
13- Biết rõ các pháp không có chỗ sanh. Đó là cao minh.
14- Cội gốc của con người không có hình tướng, nó vốn thanh tịnh, tùy theo tập tục của thế gian để hòa vào hóa độ chúng sanh. Đó là cao minh.
15- Tất cả pháp là một pháp mà thôi. Vì sao? - Vì nguồn gốc nó là Nê-hoàn. Đó là cao minh.
16- Tất cả cảnh giới là một cảnh giới mà thôi. Vì sao? - Vì vốn tự nó là không. Đó là cao minh.
17- Tất cả chư Phật là một đức Phật mà thôi. Vì pháp thân không thể tính. Đó là cao minh.
18- Tất cả việc đều không thể thấy, nói. Vì sao? - Vì tất cả đều là danh tự, dùng phương tiện thiện xảo để hiểu rõ. Đó là cao minh.
19- Không bị chướng ngại nên đạt được trí tuệ. Vô số người đến hỏi đều trả lời thông suốt đầy đủ. Đó là cao minh.
20- Thấu đạt các kinh pháp Phật, không bao giờ quên, vì nhờ đắc Đà-la-ni. Đó là cao minh.
21- Biết rõ những việc của ma. Biết rõ như vậy thì liền xa lìa. Đó là cao minh.
22- Biết tất cả pháp như huyễn. Ví như người giả mượn lốt thân rồng, chốc lát bỏ đi; cũng vậy, tất cả đều vô sở hữu. Đó là cao minh.
23- Những gì thấy được giống như trong mộng, như bóng trong nước, như tiếng vang trong núi. Tất cả pháp đều như vậy. Đó là cao minh.
24- Tất cả pháp đều là không, vì vốn nó không có chỗ sanh. Đó là cao minh.
25- Bằng trí tuệ, biết thấu rõ nguồn tâm niệm của chúng sanh. Đó là cao minh.
26- Đem năng lực oai thần của phương tiện thiện xảo mà nhập vào Nê-hoàn, sau đó thị hiện sanh tử. Đó là cao minh.
27- Không - vô tướng - vô nguyện, tất cả pháp theo sự chỉ dạy mà chúng sanh đều được độ thoát. Đó là cao minh.
28- Đầu mối của định và bất định đều không thấy, nhưng hiểu rõ nguồn gốc của các pháp. Vì sao? - Vì tất cả pháp không có gì để nắm bắt, không có gì để chấp trước. Đó là cao minh.
29- Được sáng suốt, không còn si ám; được ngọn lửa trí tuệ giảng nói giáo pháp cho chúng sanh đều được độ thoát. Đó là cao minh.
30- Tất cả sanh tử vốn không từ đâu đến, cũng không đi về đâu. Hiểu biết tất cả và hòa nhập theo tập tục để giảng pháp cho chúng sanh, thị hiện sanh đó chết đó. Đó là cao minh.
31- Không giữ gìn bốn việc, bằng trí tuệ biết khắp tất cả. Đó là cao minh.
32- Giảng nói kinh pháp cho tất cả chúng sanh, tuần tự theo sự ưa thích của họ mà giảng nói. Nên tự kềm chế tâm, tự giữ gìn trí tuệ, làm tất cả đều thành tựu, được chư Phật trông thấy khả năng tài cao ấy, được Bồ-tát đem oai thần của Phật đến ủng hộ.
Đó là ba mươi hai việc thanh tịnh Bát-nhã ba-la-mật.
Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo gồm có ba mươi hai việc. Ba mươi hai việc ấy là gì?
1- Dạy bảo mọi người tự giữ thân mình.
2 Không vướng mắc vào phước nhiều hay phước ít.
3- Đối với người chỉ dạy chúng sanh mười phương cầu tìm đạo Bồ-tát hay dạy người không cầu tìm đạo Bồ-tát thì cũng xem như bậc thầy không khác.
4- Muốn có nhiều của cải châu báu để bố thí cho người.
5- Luôn thích tìm cầu La-da-đa (?) để chỉ dạy người.
6- Thị hiện thân người nữ vì muốn giáo hóa người nữ.
7- Thị hiện thiếu niên để giáo hóa em bé.
8- Thị hiện nhiều hạng người vì thương yêu chúng sanh.
9- Ở thế gian nếu có người điên loạn thì thị hiện thân điên loạn để độ cho họ được an ổn.
10- Nếu có người loạn tâm phiền não thì theo phiền não của họ mà giảng nói chánh pháp.
11- Theo sở thích của chúng sanh mà đem giáo pháp đến độ họ.
12- Giữ gìn giới cấm trăm năm, ngàn năm; nếu có người vì ham muốn mà xả giới thì đến giáo hóa họ.
13- Nếu chúng sanh ưa thích y phục, các kỹ nhạc thì đem bố thí cho họ, ai nấy đều vui vẻ, nhân đó đem giáo pháp đến giáo hóa họ.
14- Đầu-đà Sa-môn chí hạnh khác nhau, theo pháp hạnh của họ mà đến giáo hóa.
15- Ni-kiền Ba Hòa và các ngoại đạo khác, Bồ-tát theo từng loại mà giáo hóa, hướng dẫn họ vào Phật đạo.
16- Trong các dâm nữ, thị hiện hóa dâm nữ rất đẹp để giáo hóa các dâm nữ dứt bỏ tâm dâm; và hóa làm nam tử từ từ nhập vào Phật đạo.
17- Nếu đại hội trỗi các âm nhạc, lúc ấy nếu có người nào thấy thì cho họ nghe tiếng âm nhạc, tất cả ai nấy đều rất vui vẻ, rồi đem âm thanh của âm nhạc thành âm thanh giảng giáo pháp. Người nghe ai nấy đều được độ thoát.
18- Hóa người thợ có kỹ thuật giỏi, Bồ-tát vào trong đó để giáo hóa.
19- Thị hiện Bát Già Tuần (thần nhạc, người có năm thần thông), nếu thế gian có ai nghèo khổ, ốm yếu thì chỉ bày kho của nằm trong lòng đất, đem bố thí cho người khổ rồi giảng nói để họ phát tâm Bồ-đề.
20- Nếu ở thế gian có người vì người chết mà kêu gào khóc lóc, Bồ-tát hóa hiện thần thông cũng sầu khổ để giáo hóa người đau khổ ấy hiểu giáo pháp.
21- Nếu ở thế gian có người mất của cải, Bồ-tát hóa thị hiện kho của cải đem bố thí, rồi sau đó giảng nói giáo hóa họ thành đạo.
22- Nếu có vương hầu, hoặc có quần thần, Chuyển luân vương đau buồn vì không có con, Bồ-tát hóa vào thai làm con. Sau đó, giảng nói cho cha mẹ và người trong gia đình được giải thoát.
23- Có người buôn rất giàu, trên đường đi đã hết lương thực, Bồ-tát hiện oai thần đem thức ăn uống cho no nê, rồi sau đó giảng nói kinh đạo (giáo pháp).
24- Nếu có người mù bẩm sinh cả trăm, ngàn người, vạn người, Bồ-tát dùng thần thông hiện người mù rồi cho y phục, thức ăn uống để người mù được sáng mắt, và sau đó từ từ giảng nói kinh pháp để họ phát tâm cầu Phật đạo.
25- Trong đại thành, nếu thấy người tù phạm tội bị trói buộc trong lao ngục, Bồ-tát hóa hiện làm người tù phạm tội vào trong ngục, dùng sức oai thần khiến cho những người bị tù ấy được tắm rửa, mặc áo quần, ăn uống no nê rồi sau đó giảng nói giáo pháp để họ phát tâm cầu đạo.
26- Nếu có tử tội đem ra ngoài thành, Bồ-tát dùng sức oai thần đi theo và hóa làm người, lẫn lộn vào chỗ ấy, dắt kẻ tử tội kia đi. Được cứu thoát, kẻ ấy rất vui mừng, Bồ-tát đưa thức ăn uống cho họ ăn no nê và cho y phục, rồi giảng nói giáo pháp cho họ. Kẻ ấy được giải thoát, rất vui mừng và phát tâm cầu Phật đạo.
27- Nếu có người tranh giành kiện tụng, hoặc tranh giành tiền tài, hoặc tranh giành ruộng vườn, nhà cửa, Bồ-tát đứng giữa hòa giải hai bên. Nếu bên nào không đủ thì Bồ-tát đem tiền của hòa giải chia cho đủ. Sau đó giảng nói giáo pháp để họ phát tâm cầu đạo.
28- Bằng phương tiện thiện xảo, tuy đẹp đẽ mà Bồ-tát thị hiện làm người xấu xí... (?)
29- Hiện thân làm sa-môn đáng kính để giáo hóa người, rồi lại làm kẻ bạch y đi giáo hóa người.
30- Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo, xa lìa đại chúng theo ở với ngoại đạo; y phục, nói năng theo trong bọn họ; cũng phỉ báng Phật, phỉ báng Pháp, phỉ báng Tỳ-kheo Tăng, rồi từ từ đem giáo pháp giáo hóa, hướng dẫn họ vào trong Phật đạo.
31- Từ từ giáo hóa chúng sanh, khi họ bát Niết-bàn cũng theo họ bát Niết-bàn, sau đó hóa đi nơi khác.
32- Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo hóa hiện tự tại, hóa làm La-hán, hóa làm Bích Chi Phật, hóa làm Bồ-tát, hóa làm Phật.
Đó là ba mươi hai việc thanh tịnh của phương tiện thiện xảo.
Khi đức Phật nói kinh Bát-nhã Ba-la-mật, Thuần Chơn Đà La cùng quyến thuộc, chư thiên, rồng, Dạ-xoa, Kiền-đà-la, chín vạn ba ngàn người đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Theo Phật đến, có tám ngàn Bồ-tát đều đắc Vô sanh pháp nhẫn. Vua Thuần Chơn Đà La đắc Minh tuệ tam muội. Nghe Phật nói, ông ta rất vui mừng hớn hở, đem lụa trời dâng cúng đức Phật. Lụa ấy rất quý, trên thế gian không thể sánh bằng.
Khi ấy, tám ngàn người trong cung Thuần Chơn Đà La đem một ngàn lọng hoa dâng cúng dường Phật. Bằng oai thần, đức Phật làm cho những lọng hoa lơ lửng giữa hư không và hợp lại thành một cái lọng hoa dài rộng bốn ngàn dặm che phía trên Ngài. Các phu nhân và con của Thuần Chơn Đà La thấy oai thần biến hóa ấy liền phát tâm Vô thượng Bồ-đề và tất cả thưa Phật:
- Cúi xin Như Lai chỉ dạy để chúng con đắc thành Vô thượng Bồ-đề.
Khi nói như vậy, đức Phật rời khỏi cách đất bốn ngàn hai trăm trượng rồi ngồi trên hư không. Từ nơi thân của Ngài phóng ánh sáng chiếu khắp ba ngàn đại thiên cõi. Tất cả nhạc cụ của quyến thuộc Thuần Chơn Đà La, Ma-hưu-lặc, các vị trời ở cõi Dục, cõi Sắc không đánh mà tự kêu. Ở núi Hương, các cây hoa lá đều phát ra tiếng đàn. Âm thanh ấy rất hay. Mỗi sợi lông trên toàn thân Phật đều phóng ánh sáng, mỗi vầng ánh sáng có mỗi hoa sen và có hóa Bồ-tát ngồi với đầy đủ ba mươi hai tướng tốt. Nhờ oai thần của Phật, âm thanh của các kỹ nhạc nói ra bằng những kinh khó. Theo sự nghi ngờ của chúng, các Bồ-tát ngồi trên hoa sen dựa theo những câu hỏi về kinh khó của họ mà giải nghi.
Các âm thanh phát ra tiếng nói:
- Phải phát tâm hạnh Bồ-tát như thế nào để không quên tự đi đến ngồi dưới gốc cây của Phật?
Bồ-tát trả lời:
- Tâm vui vẻ với tất cả chúng sanh thì có lòng đại từ vô cực. Do đó mà không quên.
Âm thanh hỏi:
- Ý ấy thế nào? Do đâu mà có lòng đại từ vô cực?
Bồ-tát trả lời:
- Ý ấy do không dua nịnh, ví như tuệ. Nếu có đại bi vô cực thì đạt đến Nê-hoàn.
Âm thanh hỏi:
- Đối với bố thí thì cho như thế nào? Do đâu việc làm không hối hận? Vì sao không cầu sanh vào đâu cả? Làm sao thực hành nguyện của Bồ-tát?
Bồ-tát trả lời:
- Không thương tiếc tất cả tài vật. Đã cho rồi, không có tâm hối hận. Luôn nghĩ đến đạo Bồ-tát, không mong cầu chỗ sanh.
Âm thanh hỏi:
- Giữ giới thanh tịnh, đối với giới làm thế nào để không tự cao? Làm thế nào để chỉ dạy người phá giới? Do đâu đạt được Đại thừa?
Bồ-tát trả lời:
- Có tâm thiện thì có giới thanh tịnh. Vì biết tất cả pháp đều không nên không tự cao. Vì có lòng đại từ vô cực nên có thể dạy người phá giới.
Âm thanh hỏi:
- Nếu bị người mắng chửi, đánh đập, muốn giết thì phải nhẫn nhục thế nào? Làm thế nào để tâm không sân giận, được vui vẻ?
Bồ-tát trả lời:
- Nên nghĩ rằng: “Khi ta thành Phật là làm Y vương cho chúng sanh, ai bị bệnh ta sẽ trị hết bệnh”. Nhờ đó mà có thể nhẫn nhục, dù bị người mắng chửi, đánh đập, muốn giết thì tâm không tức giận, lại vui vẻ.
Âm thanh hỏi:
- Tinh tấn thế nào để đạt đến cứu cánh? Làm sao để không biếng nhác mà thành hạnh Bồ-tát?
Bồ-tát trả lời:
- Người tinh tấn theo pháp, vì muốn cứu giúp chúng sanh tinh tấn đến tận cùng. Vì hiểu rõ tất cả đều không nên không biếng nhác.
Âm thanh hỏi:
- Làm sao để tâm ý đầy đủ và thâm nhâp đúng đắn? Thiền định thế nào để tự biết mình không còn chỗ mong cầu?
Bồ-tát trả lời:
- Tâm không mê nên có đầy đủ. Tâm không dua nịnh nên thâm nhập đúng đắn. Nhờ phương tiện thiện xảo nên có thể thiền, cho nên không có sự mong cầu.
Âm thanh hỏi:
- Làm sao có trí tuệ hiểu biết để thực hành đúng đắn? Làm thế nào để đầy đủ nghiệp pháp huệ? Làm sao giải quyết các nghi ngờ?
Bồ-tát trả lời:
- Thích học hỏi để tăng trưởng trí tuệ. Vì hiểu biết mười hai nhân duyên nên thực hành đúng đắn. Thích bố thí pháp nên giải quyết các nghi ngờ, hiểu rõ căn nguyên của nó.
Âm thanh hỏi:
- Làm sao có nhiều trí tuệ để thấu hiểu sự nghe biết? Làm thế nào giáo hóa mọi người để tự đạt đến chỗ Chí tôn?
Bồ-tát trả lời:
- Biết khiêm tốn nên có nhiều trí tuệ. Nghe và làm đúng mới có thể thấu đạt. Vì bố thí pháp không mong cầu nên đạt đến chỗ Chí tôn.
Âm thanh hỏi:
- Từ bi thế nào để đạt đến lòng yêu thương vô cực? Làm sao đày đủ hộ (xả) bình đẳng? Làm sao đạt được địa vị Phạm thiên?
Bồ-tát trả lời:
- Tâm bình đẳng là từ. Không nhàm chán là hộ. Nhờ tâm hoan hỷ vui vẻ nên được làm Phạm thiên.
Âm thanh hỏi:
- Làm thế nào để Bồ-tát thấy Phật? Thấy Phật rồi hoan hỷ thế nào? Làm sao nghe pháp mà không nghi ngờ?
Bồ-tát trả lời:
- Vì tâm luôn nghĩ về Phật nên được thấy Phật, nghe pháp. Vì tâm thanh tịnh, trong sáng nên không nghi ngờ.
Âm thanh hỏi:
- Làm sao chứa nhóm các công đức? Làm sao để có nhiều trí tuệ? Làm sao biết hướng quán? Những việc như vậy phải cầu thế nào?
Bồ-tát trả lời:
- Vì không nhàm chán công đức nên tích chứa nhiều. Vì học hỏi không nhàm chán nên đạt được trí tuệ. Vì tâm không loạn, vô niệm nên được hướng quán.
Âm thanh hỏi:
- Tàng, xứ nó thế nào? Hành nó ra sao? Chỗ duyên thế nào?
Bồ-tát trả lời:
- Tàng là trống không, không có sở hữu. Xứ là Ba-la-mật. Bốn tầng thiền là hành. Sở duyên cứu độ tất cả chúng sanh.
Âm thanh hỏi:
- Ma sự là thế nào? Phật sự là thế nào? Phải làm thế nào để thành Bồ-tát?
Bồ-tát trả lời:
- Không can đảm gan dạ, sợ sệt gọi là ma sự. Tùy thuận với tâm Ma-ha-diễn (Đại thừa) gọi là Phật sự. Xả bỏ tất cả điều ác nên thành Bồ-tát.
Âm thanh hỏi:
- Làm sao để gần gũi Ca-la-mật (Thiện tri thức)? Làm sao tránh xa thầy ác? Thế nào là trụ bình đẳng? Thế nào là xả?
Bồ-tát trả lời:
- Ai chỉ dạy đạo Bồ-tát thì đó là Thiện tri thức (Ca-la-mật). Người dạy bảo xa lìa tâm Bồ-tát, đó là thầy ác. Làm việc gì đều tự biết, đó là trụ bình đẳng. Lìa bỏ các tà đạo, đó là xả.
Âm thanh hỏi:
- Làm sao để giữ gìn các pháp? Làm thế nào để chỉ dạy mọi người? Dùng phương tiện thiện xảo thế nào để thành đạo Bồ-tát?
Bồ-tát trả lời:
- Tinh tấn nên có thể giữ gìn pháp. Vì có phương tiện thiện xảo nên có thể chỉ dạy mọi người. Tùy theo sự hữu - vô của người, hoặc đạo, hoặc thế tục mà khai đạo để thành Bồ-tát đạo.
Âm thanh hỏi:
- Làm thế nào để hành động bằng tuệ? Thế nào là ma sự? Siêng năng, cố gắng thế nào để không phí mất thời gian?
Bồ-tát trả lời:
- Việc làm không nhầm lẫn nên có tuệ. Việc làm phi pháp, đó là ma sự. Luôn vâng theo lời chỉ dạy, đó là siêng năng cố gắng, khiêm tốn được mọi người kính mến.
Âm thanh hỏi:
- Đạo là gì? Phi đạo là gì? Làm thế nào để dạy người thể nhập vào đạo?
Bồ-tát trả lời:
- Sáu Ba-la-mật là đạo. Tánh hẹp hòi là Thanh văn, Bích chi Phật, cho nên chẳng phải đạo Bồ-tát. Hiểu rõ phương tiện thiện xảo để dạy người nhập đạo.
Âm thanh hỏi:
- Sao gọi là suy? Sao gọi là trấn an? Làm thế nào khổ đau được vui vẻ?
Bồ-tát trả lời:
- Nếu đạt được bảy giác ý thì pháp ấy gọi là lợi. Trấn an là Đà-la-ni. Lấy pháp giáo hóa, không còn đói khát thì được vui vẻ.
Âm thanh hỏi:
- Cha mẹ của Bồ-tát là gì? Thân thuộc là gì? Quyến thuộc là gì? Tốt đẹp với ai?
Bồ-tát trả lời:
- Tuệ là mẹ, Pháp là cha. Ba mươi bảy phẩm là thân thuộc. Công đức là quyến thuộc. Tốt đẹp với tất cả.
Âm thanh hỏi:
- Do đâu biết vô ngã? Do đâu có lòng từ để nhớ nghĩ tất cả? Vô ngã và từ làm sao biết giống nhau?
Bồ-tát trả lời:
- Hiểu rõ mọi việc là không nên biết vô ngã, đó là đại từ; và biết tất cả mọi người cũng đều không.
Tất cả sanh tử (hành) không có pháp sanh tử (pháp hành). Như vậy cái biết đó cũng là sanh tử (hành).
Sự thật ấy không có đi, không về, không trụ. Ai làm được như vậy, có thể đạt đạo.
Không - không tướng - không nguyện xưa nay là một tướng. Biết như vậy là hiểu rõ năm ấm đều không, không có tướng. Vì không có tướng nên không có nguyện. Nhưng một tướng mà vô số tướng.
Năm ấm là không. Vì đã hiện quán nên năm ấm cũng hiện quán. Tất cả mọi người đều không, không có cũng không không. Trí tuệ là để bảo hộ không, dùng phương tiện thiện xảo để bảo hộ chúng sanh, đem lòng từ bi vô cực để chỉ dạy mọi người. Do đó mà đạt được Nê-hoàn.
Âm thanh hỏi:
- Vì không có sanh nên không có sở hữu. Vậy tất cả các pháp do đâu biết được vi diệu của sanh tử?
Bồ-tát trả lời:
- Vì không có chỗ sanh nên không có sở hữu, cho nên tuệ diệt. Nhờ dùng phương tiện thiện xảo vi diệu nên có sanh tử.
Âm thanh hỏi:
-Sao gọi là dứt khoát? Sao gọi là quay trở lại? Làm sao để đắc nhẫn? Làm sao không còn nghi ngờ?
Bồ-tát trả lời:
- Trụ bình đẳng là dứt khoát. Đã nhập pháp thân thì không quay trở lại. Đã đắc Vô sanh pháp nhẫn nên không còn nghi ngờ.
Âm thanh hỏi:
- Sao gọi là cây Phật? Sao gọi là tướng Bồ-tát? Vì sao Phật gọi là Phật? Sao gọi là Tát-đát-a-kiệt (Như Lai)?
Bồ-tát trả lời:
- Cây Phật như bầu trời bao trùm tất cả. Tu tập các pháp là tướng Bồ-tát, cho nên gọi là Phật. Do dùng trí tuệ nên biết tâm không mong cầu, thân cũng vậy, nên gọi là Như Lai.
KINH THUẦN CHƠN ĐÀ LA SỞ VẤN
NHƯ LAI TAM MUỘI
Hết quyển trung

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 3 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Báo đáp công ơn cha mẹ


Vào thiền


Cho là nhận


Đừng bận tâm chuyện vặt

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.91.37 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập