Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Thuyết Tu Chơn Thiên Tử Kinh [佛說須真天子經] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Phật Thuyết Tu Chơn Thiên Tử Kinh [佛說須真天子經] »» Bản Việt dịch quyển số 1


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.51 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.54 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Thiên Tử Tu Chân

Kinh này có 4 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    1 | 2 | 3 | 4 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 1: THƯA HỎI VỀ BỐN VIỆC
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật du hóa tại tinh xá Kỳ hoàn, nơi khu lâm viên Kỳ-đà cấp cô độc ở nước Xá-vệ, cùng đại chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị hội đủ, Bồ-tát gồm một vạn và các Thiên tử ở cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc. Các chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di cùng với vô số trăm ngàn người trước sau vây quanh Đức Thế Tôn để nghe thuyết pháp.
Bấy giờ, Bồ-tát Văn-Thù-Sư-Lợi và Thiên tử Tu Chân cũng ngồi trong chúng hội. Thiên tử Tu Chân quan sát đại chúng đang ngồi yên lặng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, quỳ gối, chắp tay bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Con có điều muôn thưa hỏi, xin Đức Thế Tôn phân biệt giải thích rõ.
Đức Phật khen:
- Lành thay, lành thay! Thiên tử! Ông đã vì mọi thế gian mà cầu đạt tất cả nghĩa tối thượng, mới đem tâm niệm này thưa hỏi Như Lai. Theo chỗ hỏi của ông, Như Lai sẽ nói rõ để dứt mọi nghi ngờ. Thiên tử Tu Chân hết sức vui mừng, liền bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát được lòng tin chân thật nơi pháp Đại thừa?
Thế nào là Bồ-tát được việc làm kiên cố, không hề khiếp sợ? Thế nào là Bồ-tát được phước tối thắng không ai sánh bằng? Thế nào là Bồ-tát có biết rõ về các hành không bị chướng ngại? Thế nào là Bồ-tát xa lìa vô minh, phiền não, đạt được trí tuệ? Thế nào là Bồ-tát hội nhập nơi các biện tài dũng mãnh không hề sợ sệt?
Thế nào là Bồ-tát nương vào ý nghĩa đã được lãnh hội mà có thể giữ gìn?
Thế nào là Bồ-tát dựa nơi pháp thâm diệu vượt hơn hẳn thế tục?
Thế nào là Bồ-tát cung kính, thực hành theo lời dạy của Thế Tôn?
Thế nào là Bồ-tát nương nơi pháp để giáo hóa, dẫn dắt, làm lợi ích cho tất cả muôn loài?
Thế nào là Bồ-tát được trí tuệ thần thông không ai sánh bằng? Thế nào là Bồ-tát bị ma làm chướng ngại nhưng tâm không lay động?
Thế nào là Bồ-tát được trí sâu xa không ai bì kịp?
Thế nào là Bồ-tát không bị pháp thế tục làm nhiễm ô?
Thế nào là Bồ-tát một mình đi vào các hành thù thắng sâu xa? Thế nào là Bồ-tát biết dùng phương tiện quyền xảo tùy theo căn cơ của chúng sinh để thuyết pháp?
Thế nào là Bồ-tát vào cửa giải thoát, ở trong sinh tử mà không bị sắc dục lôi cuốn?
Thế nào là Bồ-tát được phương tiện đặc biệt, chế ngự sự cao ngạo?
Thế nào là Bồ-tát có được phương tiện nhân duyên, biết các việc đã làm?
Thế nào là Bồ-tát có được phương tiện giới luật, xa lìa các kiến chấp?
Thế nào là Bồ-tát có được phương tiện thiện xảo, giáo hóa tất cả chúng sinh?
Thế nào là Bồ-tát được nguyện an lành, thân tâm thanh tịnh?
Thế nào là Bồ-tát được lực nhẫn nhục, tâm không sân giận?
Thế nào là Bồ-tát được các pháp Ba-la-mật, đạt tới bờ giác ngộ?
Thế nào là Bồ-tát cứu độ kẻ bần cùng làm lợi ích cho tất cả?
Thế nào là Bồ-tát được mọi người ở đời thương yêu cung kính?
Thế nào là Bồ-tát có trí tuệ sáng suốt, được mọi người tán thán?
Thế nào là Bồ-tát thực hành các công đức không cùng tận?
Thế nào là Bồ-tát lập thệ nguyện kiên cố, được đến cõi Phật?
Thế nào là Bồ-tát thường được tôn quý, nắm vững các pháp, mà được tự tại?
Thế nào là Bồ-tát đối với sự hành hóa của mình được mọi người tôn xứng là bậc Thầy?
Thế nào là Bồ-tát nắm vững các việc thấu rõ tất cả?
Thiên tử Tu Chân thưa hỏi rồi thì im lặng. Đức Phật khen:
- Lành thay, lành thay! Thiên tử Tu Chân! Chỗ thưa hỏi thật sâu xa, trí tuệ vượt hơn người đời, mới nghĩ ra các việc ấy để hỏi Như Lai. Ông là Bồ-tát đã phát tâm cứu giúp chúng sinh thoát khỏi sinh tử. Hãy lắng nghe và lãnh thọ, Như Lai sẽ vì ông mà giải, nói về ý nghĩa ấy vượt hơn chỗ đã hỏi để mau đạt được các sự việc như vậy.
Lúc đó, Thiên tử lắng nghe và lãnh thọ.
Đức Phật bảo Thiên tử:
- Bồ-tát có bốn việc thực hành để có được niềm tin chắc thật nơi Đại thừa. Những gì là bốn?
1. Dùng phương tiện thiện xảo để hội nhập vào trí tuệ không bị lay động.
2. Đứng vững với đại Bi, an trụ nơi lòng từ vô hạn.
3. Dùng ý nghĩa của giáo pháp tùy theo chỗ hỏi đến để giải đáp.
4. Xác lập vững nơi đạo, mau chứng thần thông được trí hiểu biết về mọi thứ hiện có.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để được niềm tin vững chắc nơi Đại thừa.
Đức Phật nói kệ:
An trụ phương tiện quyền xảo
Trí tuệ thâu tỏ không cùng
Nguyện hành đại Bi rộng khắp
Ban vui, giải thoát cho người.
Nhờ phương tiện rõ nghĩa pháp
Được kết quả không chướng ngại
Chứng thần thông giáo hóa người
Cho nên không thể hủy hoại.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc thực hành để chỗ tạo tác kiên cố, không khiếp sợ. Những gì là bốn?
1. Tinh tấn không thoái lui.
2. Làm thanh tịnh thân mình và khiến cho người khác được thanh tịnh.
3. Tâm ý hoàn toàn vắng lặng, đạt đến chỗ sâu xa của đạo.
4. Đối với pháp Phật không hề chán mệt nên đạt được mọi thành tựu.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để chỗ tạo tác luôn kiên cố, không khiếp sợ.
Đức Phật nói kệ:
An trụ vững nơi tinh tấn
Ở trung đạo, không nhị biên
Thanh tịnh không hề cấu uế
Thân, miệng, ý hành cũng vậy.
Tạo tác thường luôn vắng lặng
Do đó hợp nghĩa Phật thừa
Mong cầu lợi ích không chán
Thường nhớ nghĩ về pháp Phật
Bốn sự việc ở trên đâỵ
Vi diệu cần phải giữ gìn
Người nào an trụ pháp ấy
Sẽ được thẳng đến đạo quả.
Thông suốt hết thảy trong ngoài
Liền sớm được chứng đắc đạo
Hiện tại ở trong ba cõi
Không lâu sẽ làm Pháp vương.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc thực hành để được phước đức thù thắng, không ai sánh bằng. Những gì là bốn?
1. Dùng Bát-nhã Ba-la-mật chỉ dạy khắp các Bồ-tát.
2. Người chưa phát tâm Bồ-đề thì khuyến khích họ phát tâm.
3. Thường thực hành ba pháp nguyện: Một là giới; hai là trí tuệ; ba là bình đẳng, ứng hợp với sự việc này để tạo công đức, không giận dữ.
4. Tâm luôn nhớ nghĩ về đạo, không hề buông thả.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để được phước đức thù thắng, không ai sánh bằng.
Đức Phật nói kệ:
Dừng Trí tuệ ba-la-mật
Chỉ dạy người được thông suốt
Đưa chúng sinh trụ vào đạo
Thường dùng tâm Bồ-đề ấy.
Khuyến khích người hãy gắng sức
Làm cho họ phát đạo tâm
Không thoái chuyển nơi ba phẩm
Nếu người tương ưng việc này.
Thì phù hợp với nghĩa đạo
Tất cả việc đã làm ấỵ
Là đã thành tựu công đức
Lần được tiếp cận nơi đạo.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc thực hành để nhận biết được các hành không còn bị ngăn ngại. Những gì là bốn?
1. Mọi sự tạo tác thường dùng trí tuệ, không nên tùy tiện.
2. Biết các pháp đều do nhân duyên sinh ra, nên xa lìa ngã, ngã sở, không sân giận.
3. Dùng pháp không để thâu giữ tất cả.
4. Xa lìa ái dục, hiểu rõ về sáu trần.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để nhận biết được các hành, không còn bị ngăn ngại.
Đức Phật nói kệ:
Tạo tác thường dùng tuệ
Không nghịch, không tùy tiện
Thường dùng sức phương tiện
Không chấp vào các kiến.
Pháp này là không tịch
Quyết không lìa bỏ người
Vượt qua các cõi Dục
Trong ngoài đều thanh tịnh.
Pháp tối thượng như thế
Đã an trụ bốn việc
Liền được trí vô ngại
Chứng Tuệ ba-la-mật.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc phải thực hành để xa lìa vô minh, phiền não, đạt được trí tuệ. Những gì là bốn?
1. Chỗ lãnh hội không nhàm chán.
2. Ứng hợp với sự mong muốn của người để thuyết pháp, thuyết pháp không có sự mong cầu.
3. Tất cả mọi sự tạo tác đều như huyễn, đối với pháp giới, trí tuệ không bị hủy hoại.
4. Ngay lúc phát tâm Bồ-đề là nhập vào thành chánh pháp.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để xa lìa vô minh, phiền não, đạt được trí tuệ.
Đức Phật nói kệ:
Thường cầu học rộng
Nghe không chán đủ
Quán sâu nghĩa pháp
Đáp ứng mong cầu.
Được tổng trì rồi
Tự mình nói ra
Không lệ thuộc người
Có người lãnh thọ.
Tạo tác như mộng
Như huyễn, dợn nắng
Thấy tất cả pháp
Tối tăm như vậy.
Giả bày tu tập
Không hoại chánh pháp
Phát tâm thanh tịnh
Xa lìa khổ thọ.
Các pháp như vậy
Rất là thù thắng
Kinh này tôn quý
Thường phải gần gũi.
Lìa bỏ vô minh
Được trí tuệ sáng
Ở trong ba đời
Như mặt trời soi.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc thực hành để hội nhập vào các biện tài dũng mãnh, không còn sợ hãi. Những gì là bốn?
1. Đạt được Đà-la-ni, ghi nhớ không quên.
2. Có khả năng giải đáp những điều thưa hỏi, để dứt trừ sự nghi ngờ của họ.
3. Dùng đại Bi giáo hóa tất cả chúng sinh hội nhập vào pháp không.
4. Mọi hành động đều xa lìa việc làm của ma, nên có được trí của thần thông.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để hội nhập vào các biện tài dũng mãnh, không còn sợ hãi.
Đức Phật nói kệ:
Đã được pháp Tổng trì
Nghe rồi thì không quên
Giải đáp các câu hỏi
Đoạn trừ mọi nghi ngờ.
Đại Bi giáo hóa khắp
Ở tất cả mọi nơi
Thần thông đã đạt được
Ma không thể quấy nhiễu.
Bốn sự việc như thế
Bồ-tát nên thực hành
Như vậy ở trong chúng
Dứt bặt mọi khiếp sợ.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành để lãnh thọ nghĩa đã nghe thì giữ gìn. Những gì là bốn?
1. Đã lãnh thọ rồi đều có thể giữ gìn, đối với điều được lãnh hội hay không được lãnh hội cũng không chấp về sức lực, cũng không chấp sự giữ gìn, không chấp sự đạt đến.
2. Các âm thanh không phải là chánh hạnh đều nên xa lìa, các pháp đều bình đẳng, giải thoát. Nếu được khen ngợi về nghĩa thì xem như là âm vang.
3. Nếu nghe nơi phương khác có giảng nói kinh thâm diệu thì nên đích thân đến để cầu nghe.
4. Hội nhập vào nghĩa vắng lặng, dứt mọi loạn động.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành nhằm đạt được nghĩa đã lãnh hội để giữ gìn.
Đức Phật nói kệ:
Tuy muốn hiểu rộng khắp
Không chấp vào chỗ nghe
Không chấp vào năng lực
Do nghĩa được pháp yếu.
Âm thanh trong ba cõi
Không phải hạnh chánh đạo
Tiếng khen như âm vang
Biết nghĩa này cũng thế.
Đã lãnh hội như vậy
Quán thọ hành đúng nghĩa
Thực hành không tùy tiện
Người nghe nói vui mừng.
Nghĩa ấy là bậc nhất
Pháp tính không loạn động
Hành pháp thâm diệu này
Kính vâng theo người ấy.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc thực hành để nương theo pháp thâm diệu, siêu việt hơn hẳn thế gian. Những gì là bốn?
1. Tập hợp mọi người để giảng nói pháp.
2. Ở trong đại chúng hiện bày sự vô thường.
3. Khuyến khích người thực hiện đại Hỷ xả để đạt được giác ngộ theo ý nguyện.
4. Nhằm lìa bỏ những vật sở hữu, chỉ an trụ vào chốn vắng lặng.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để đạt đến chỗ dựa nơi pháp thâm diệu, siêu việt hơn thế tục.
Đức Phật nói kệ:
Tại nơi thành lớn
Thường ở trong ấy.
Nhờ trí sáng suốt
Dùng để thuyết pháp.
Thân trụ trong hội
Chỉ dẫn mọi người
Dâm dục buông lung
Hiện bày vô thường.
Hợp nơi cúng dường
Ta người cùng nương
Khuyên giúp thực hiện
Nhờ đó giác ngộ.
Ở nơi có thể
Thường niệm lìa bỏ
Tâm luôn nguyện cầu
Ở chốn thanh vắng.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành để được sự cung kính, thuận theo giáo pháp của Thế Tôn.
Những gì là bốn?
1. Tâm thường ở nơi đạo, hoàn toàn không xa lìa.
2. Nghe rồi thì dốc thọ trì, nhớ nghĩa không hề quên.
3. Thuận theo lời dạy, có sự mong cầu thì luôn thuận hợp.
4. Tu tập pháp không, vô, hội nhập nơi tất cả pháp.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để được sự cung kính, thuận theo giáo pháp của Thế Tôn.
Đức Phật nói kệ:
Thân thọ nhận các khổ
Tâm Bồ-đề không chuyển
Được nghe pháp sầu diệu
Đó là Bậc Đạo Sư.
Tâm, miệng nói điều gì
Thân làm đúng như vậy
Tu tập các không tuệ
Hiểu rõ ràng các pháp.
Phụng hành lời đã dạy
Lìa tham dục, sân, si
Không trễ nải, biếng nhác
Không giận, không mong cầu.
Mười phương Phật khen ngợi
Tán thán công đức ấy
Nếu thuận theo lời này
Pháp tuệ không ai bằng.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc thực hành để nương theo giáo pháp nhằm dẫn dắt, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Những gì là bốn?
1. Thân an trụ nơi pháp không, nên có thể vì chúng hội thuyết giảng giáo pháp Đại thừa.
2. Tự mình điều phục tâm ý, xa lìa dâm dục mà được Niết-bàn, lại khiến chúng hội điều phục tâm ý, để nói pháp giải thoát.
3. Việc làm tự thân đã được đầy đủ nên đạt đến đạo quả, lại khiến cho tất cả chúng sinh an trụ vào pháp Đại thừa.
4. Tự thân cầu pháp, hiểu rõ các pháp thâm diệu, lại chỉ dạy người cầu pháp.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để nương theo giáo pháp nhằm dẫn dắt, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Đức Phật nói kệ:
Dạy dỗ mọi người
Lãnh thọ pháp không
Điều phục tâm tham
Được trụ Niết-bàn.
Đạo đức thù thắng
Và đại thần thông
Dùng pháp bố thí
Dạy người giác ngộ.
Việc làm đầy đủ
Được tâm Bồ-đề
Ở giữa mọi người
Khiến đến Đại thừa.
Thường cầu giáo pháp
Hội nhập diệu lực
Vì chúng thuyết giảng
Cũng không tăng giảm.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành để được tuệ thần thông không gì sánh kịp. Những gì là bốn?
1. Thường xuyên tu tập bốn phạm hạnh thanh tịnh.
2. Luôn ở chỗ tịch tĩnh.
3. Hội nhập vào pháp nhẫn sâu xa.
4. Thân tâm dốc gắn liền với trí tuệ.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để được tuệ thần thông không gì sánh kịp.
Đức Phật nói kệ:
Thường tu phạm hạnh
Tự mình lập nguyện
Thường thích vắng lặng
Ở chỗ thanh tịnh.
Vào pháp sâu xa
Thẳng đến nơi đạo
Thân tâm bình đẳng
Đạt được trí tuệ.
Ứng hợp như vậy
Thực hành cũng thế
Với năm thần thông
Đã được thông đạt.
Tự tại mười phương
Ở trước chư Phật
Giáo hóa dẫn dắt
Tất cả chúng sinh.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành, dù bị ma quấy nhiễu tâm cũng không lay động. Những gì là bốn?
1. An trụ nơi thiền thứ tư khiến hội nhập vào pháp không.
2. Thường thể hiện tâm đại Bi, cứu giúp tất cả chúng sinh.
3. Siêng năng cúng dường Tam bảo, không biết chán đủ.
4. Dùng phương tiện quyền xảo để an trụ vững chắc nơi sáu pháp Ba-la-mật.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để đối trị với việc ma hiện các điều quái dị mà tâm không lay động.
Đức Phật nói kệ:
Trụ pháp không, dứt tưởng
An trụ nơi bốn Thiền
Tâm đại Bi rộng lớn
Khiến chúng sinh an vui.
Thông suốt nơi pháp báu
Không dứt, cũng không đoạn
Nên các Ba-la-mật
Là phương tiện dẫn dắt.
Tâm không gì hủy hoại
Trụ vững không lay động
Hết thảy bốn thứ ma
Thảy đều thu phục được.
Thấy tất cả mọi người
Ở trong lưới của ma.
Thị hiện đạo Niết-bàn
Khiến họ phát Bồ-đề.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành để đạt được trí tuệ sâu xa, không đâu sánh được. Những gì là bốn?
1. Thường suy nghĩ để hội nhập vào pháp thâm diệu.
2. Đối với việc xấu ác thường tránh xa.
3. Luôn lo nghĩ về tất cả chúng sinh khiến họ được ứng hợp với nghĩa của pháp.
4. Điều phục kẻ ương ngạnh, mở bày cho người tối tăm để họ đạt được trí vô ngại của Phật.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để chứng được trí tuệ sâu xa, không đâu sánh được.
Đức Phật nói kệ:
Tâm thường suy nghĩ
Hội nhập pháp không
Xả bỏ điều quấy
Ứng hợp nghĩa chánh.
Nhập vào niệm này
Lo nghĩ chúng sinh
Được trí sâu xa
Làm tâm tối thắng.
Thu phục ương ngạnh
Mở bầy kẻ tối
Khiến phát Bồ-đề
Trụ nơi Đại thừa.
Trí tuệ thần thông
Việc làm đã xong
Được trí sâu xa
Không đâu sánh kịp.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành thì không bị pháp thế gian làm cấu nhiễm. Những gì là bốn?
l. Nếu được lợi dưỡng, vui thích, danh tiếng, lời khen thì không lấy đó làm niềm vui.
2. Nếu không có lợi dưỡng, bị khổ đau, không danh tiếng, bị chê bai thì cũng không lấy đó làm buồn rầu.
3. Nương vào thân năm ấm để nuôi dưỡng tất cả.
4. Nếu thọ thân năm ấm thì thị hiện chỗ không tích tụ.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để pháp thế tục không thể làm cho cấu nhiễm.
Đức Phật nói kệ:
Nếu có lợi dưỡng, tiếng khen
Nên được tất cả niềm vui
Có người khen ngợi như vậy
Tâm cũng không lấy làm mừng.
Khổ đau, không lợi, không danh
Người trí không lấy làm buồn
Như hoa sen không nhiễm bùn
Việc làm ở đời cũng vậy.
Hoặc hiện thọ thân năm ấm
Dùng thân này giúp tất cả
Các ấm đã diệt tận rồi
Nghĩ thân này như huyễn hóa.
Thực hành theo pháp thế gian
Không bị đời lầm cấu nhiễm
Khiến chúng sinh được an vui
Nhờ giới đức làm hương xoa.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành để một mình hội nhập vào hạnh thù thắng, sâu xa. Những gì là bốn?
1. Thân này cũng chẳng phải thân này.
2. Người ấy cũng chẳng phải người ấy.
3. Các pháp đều vắng lặng.
4. Trí tuệ không hề chấp trước.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để một mình hội nhập vào hạnh thù thắng, sâu xa.
Đức Phật nói kệ:
Thân này chẳng phải thân
Người ấy chẳng phải người
Pháp vắng lặng cũng vậy
Tuệ cũng không chấp vướng.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành để được trí phương tiện thiện xảo, tùy theo căn cơ của chúng sinh mà thuyết pháp. Những gì là bốn?
1. Chứng đắc thần thông.
2. Được trí tuệ không chướng ngại.
3. Đạt được trí biện tài.
4. Thệ nguyện luôn thanh tịnh.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để được trí phương tiện thiện xảo, tùy theo căn cơ của chúng sinh mà thuyết pháp.
Đức Phật nói kệ:
Đã đạt được thần thông
Trí tuệ không chướng ngại
Trí biện tài như vậy
Hạnh nguyên đều thanh tịnh.
Thấy biết căn cơ người
Ứng hợp mà thuyết pháp
Người nghe tự lãnh thọ
Không nghi ngờ giải thoát.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành để hội nhập vào pháp môn giải thoát, ở trong sinh tử mà không bị sắc dục lôi cuốn. Những gì là bốn?
1. An trụ nơi pháp không. Nếu thấy người bị trói buộc liền độ thoát cho họ.
2. Đối với chỗ vướng mắc nơi các hành cũng dốc giúp họ giải thoát.
3. Đã đạt được vô nguyện, an ổn, khẳng định việc giáo hóa tất cả chúng sinh.
4. Với phương tiện thiện xảo, dùng trí tuệ thị hiện các pháp.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để hội nhập vào nẻo giải thoát, ở trong sinh tử mà không bị sắc dục lôi cuốn.
Đức Phật nói kệ:
Đã chứng đắc pháp Không
Thoát khỏi sự trói buộc
Vô tướng được thành lập
Vượt khỏi mọi chấp trước.
Đã chứng được Vô nguyện
An vui và quyết định
Tùy chỗ ở chúng sinh
Giáo hóa cho tất cả.
Dùng quyền tuệ dạy người
Trụ vào cửa giải thoát
Không dừng cõi Vô sắc
Vào thẳng nơi Niết-bàn.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành để đạt được phương tiện thù thắng, chế ngự sự cao ngạo. Những gì là bốn?
1. Thấy biết khắp các pháp giới.
2. Hiểu rõ nguồn gốc của sinh tử, dùng pháp để độ thoát muôn loài.
3. Biết thân là nguồn gốc của tham dục.
4. Tu tập đạt đến giải thoát, không nghi ngờ các pháp.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để được phương tiện thù thắng, chế ngự sự cao ngạo.
Đức Phật nói kệ:
Quán khắp đều thấy biết
Tất cả các pháp giới
Tâm không có hạn lượng
Đã thấy sự bình đẳng.
Nếu nơi gốc của thân
Ở dục mà tự tại
Dùng phương tiện thù thắng
Ứng hợp để thuyết pháp.
Tất cả không chấp trước
Các pháp đều vắng lặng
Không sinh cũng không khởi
Mọi hiện hữu đều diệt
Không kiêu mạn, tự đại
Chế ngự mọi cao ngạo
Dùng các trí phương tiện
Khiến nhập vào Niết-bàn.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành để được phương tiện nhân duyên nhận biết các việc đã làm. Những gì là bốn?
1. Nhờ bố thí nên được phước đức là giàu sang.
2. Nhờ trì giới nên được sinh lên cõi trời.
3. Nhờ học rộng nên được trí tuệ lớn.
4. Nhờ tu chỉ quán nên xa lìa sinh tử.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để được phương tiện nhân duyên nhận biết các việc đã làm.
Đức Phật nói kệ:
Bố thí được giàu sang
Đó chính là phước báo
Trì giới được sinh Thiên
Đó chính là phước báo.
Học rộng không tham dục
Tuệ lớn là phước báo
Thiền định không chấp trước
Đó chính là phước báo.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành để được phương tiện về giới luật, xa lìa các kiến chấp. Những gì là bốn?
1. Đối với pháp thường, tâm không chấp trước.
2. Đối với pháp vô thường, ý không thay đổi.
3. Thấy rõ pháp sinh khởi và nguồn gốc của sinh tử đều là do mười hai nhân duyên hòa hợp mà sinh ra. Đã thấy biết như vậy rồi nên không còn tạo tác về sinh tử.
4. Thấy các pháp sinh diệt và sinh tử diệt, hiểu rõ chính là do mười hai nhân duyên tan rã, hoại diệt. Đã thấy biết như vậy rồi thì ở trong ba cõi không còn tạo tác nghiệp hoại diệt.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để được phương tiện nơi giới luật, xa lìa các kiến chấp.
Đức Phật nói kệ:
Đối với kẻ chấp thường
Chỉ rõ việc vô thường
Ở trong nẻo vô thường
Mà hiện bầy chánh pháp.
Hoặc vì hết thảy người
Giảng nói nghĩa nhân duyên
Người nghe mười hai pháp
Tâm đều được thanh tịnh.
Khắp tất cả mười phương
Thế Tôn đều thuyết giảng
Si là gốc sinh tử
Theo đó mà phát sinh.
Các pháp sinh khởi ấy
Cũng hoàn toàn không diệt
Nhân duyên đã dứt hết
Không còn mười hai duyên.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành để đạt được phương tiện khéo léo, cứu giúp tất cả các loài. Những gì là bốn?
1. Xem tất cả chúng sinh đều là chỗ thân thuộc, nhằm để chỉ dạy đạo.
2. Công đức đã tạo nên phải luôn tinh tấn thực hiện.
3. Ở trong sinh tử mà cầu đạt Niết-bàn.
4. Tùy theo sự ưa thích của chúng sinh để độ thoát, thực hành theo phương tiện thiện xảo, không bị ái dục làm cấu uế.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để đạt được phương tiện khéo léo, cứu giúp tất cả chúng sinh.
Đức Phật nói kệ:
Khiến tất cả chúng sinh
Trụ vững đạo Bồ-đề
Những công đức đã tạo
Không có ý muốn dừng.
Ở trong chốn sinh tử
Mà cầu đạt Niết-bàn
Theo mong muốn của họ
Nhân đó mà cứu độ.
Tâm ý thường nhớ nghĩ
Gần gũi nơi pháp này
Nhờ phương tiện thiện xảo
Hiểu rõ hết tất cả.
Chí thường luôn cứu giúp
Vô số các quần sinh
Nắm vững Nhất thiết trí
Đều mau chóng chứng đắc.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành để đạt được nguyện an lành, thân, ý luôn thanh tịnh. Những gì là bốn?
1. Không tham lam keo kiệt.
2. Khi bố thí không lựa chọn, phân biệt.
3. Kiên trì giữ giới.
4. Hành động của thân ý thường nguyện hợp với đạo.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để đạt được nguyện an lành, thân, ý luôn thanh tịnh.
Đức Phật nói kệ:
Chất phác không keo kiệt
Giữ giới tịnh, không lỗi
Trụ vững không lay động
Ví như núi Tu-di.
Hành động của thân ý
Thường nguyện ở nơi đạo
Nên được sự an lành
Không lâu sẽ chứng đắc.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành để được diệu lực nhẫn nhục, tâm không còn sân giận. Những gì là bốn?
1. Đối xử với tất cả mọi người như cha mẹ thương con, cũng như thân mình không khác.
2. Nếu bị đánh, cắt, chích làm cho thân chịu đủ các thứ khổ thì xem như không có thân, không có lo buồn.
3. Đã hiểu rõ pháp không nên xa lìa các kiến chấp.
4. Thường tự ăn năn các việc làm ác của thân. Thấy lỗi lầm của người khác thì không luận bàn.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để được diệu lực nhẫn nhục, tâm không còn sân giận.
Đức Phật nói kệ:
Xem chúng sinh như mình
Như cha mẹ thương con
Thường dùng tâm đại Từ
Giáo hóa khắp muôn loài.
Nếu khởi tâm sân giận
Biết cách diệt trừ ngay
Đã hiểu rõ pháp không
Nên nhẫn nhục đệ nhất.
Nếu thân lầm xấu ác
Thường phải tự ăn năn
Thấy lỗi lầm của người
Hoàn toàn không xen vào.
Với tất cả chúng sinh
Ta đều độ thoát hết
Ngay cả lúc trong mộng
Chưa từng khởi tâm sân.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành để được các pháp Ba-la-mật, đạt tới bờ giải thoát. Những gì là bốn?
1. Tạo vô số phước đức.
2. Chỗ tạo tác nơi trí tuệ là không cùng tận.
3. Dùng một pháp Ba-la-mật để làm viên mãn các pháp Ba-la-mật khác.
4. Phát tâm tạo các công đức nhưng không mong cầu gì khác, chỉ cầu chứng đạt Nhất thiết trí.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để được các pháp Ba-la-mật, đạt tới bờ giải thoát.
Đức Phật nói kệ:
Tạo phước đức không chán đủ
Như các dòng chảy về biển
Tu tập trí tuệ vô cùng
Nên đã an trụ Phật thừa.
Chỉ dùng một Ba -la-mật
Viên mãn các Ba-la-mật
Phát tâm thực hành các việc
Thường mong cầu nơi chánh đạo.
Đã vượt sang bờ giải thoát
Các Ba-la-mật cũng vậy
Liền nhập vào thành Niết-bàn
Được như vậy chẳng gì khó.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh bị thiếu thốn. Những gì là bốn?
1. Có kho báu vô tận.
2. Có giáo pháp vô cùng.
3. Đạt được thần thông.
4. Tâm bình đẳng như đại địa.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh bị thiếu thốn.
Đức Phật nói kệ:
Kho phước đức là vô cùng
Pháp giáo hóa cũng vô tận
Đạt trí thần thông vô ngại
Tâm bình đẳng như đại địa.
Pháp ấy thật khó suy lường
Đã được an trụ nơi đạo
Người ấy tạo nhiều lợi ích
Liền mau chứng được Phật đạo.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành để được mọi người trong thế gian cung kính. Những gì là bốn?
1. Tu tập bốn phạm hạnh.
2. Thực hành bốn ân để cứu giúp chúng sinh.
3. Đạt trí tuệ về bốn Đế.
4.Đạt được bốn Biện tài vô ngại: Một là Nghĩa vô ngại; hai là Pháp vô ngại; ba là Từ vô ngại; bốn là Nhạo thuyết vô ngại.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để được mọi người trong thế gian cung kính.
Đức Phật nói kệ:
Trụ bốn phạm hạnh thanh tịnh
Thường ưa thực hành bốn ân
Đạt trí tuệ về bốn Đế
Đem ban bố cho mọi người.
Do ân này được độ thoát
Nên tuyên giảng và trao truyền
Nhờ thực hành bốn ân ấy
Nên được mọi người cung kính.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành để đạt trí tuệ sáng suốt, được mọi người khen ngợi. Những gì là bốn?
1. Hiểu biết tất cả, không phải phạm giới, không còn nghi ngờ.
2. Được an lạc nơi thiền định, không bị não hại.
3. Đạt thiền định, các căn vắng lặng.
4. Tự mình được an ổn không còn tham đắm, việc làm không tổn hại, chứng được trí tuệ.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để có trí tuệ sáng suốt, được mọi người khen ngợi.
Đức Phật nói kệ:
Nghe đầy đủ rồi thọ trì
Nhờ trì giới được giải thoát
Người như vậy không còn nghi
Được an vui nơi thiền định.
Tự mình ở chốn vắng lặng
Thì các căn được yên tĩnh
Thân an ổn không còn tham
Chứng trí tuệ, không tổn hại.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành để đạt được công đức không cùng tận. Những gì là bốn?
1. Đức tin được đầy đủ.
2. Tinh tấn được đầy đủ.
3. Đại Bi được đầy đủ.
4. Công đức đã tạo chỉ dốc mong cầu Đại thừa.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để đạt được công đức không cùng tận.
Đức Phật nói kệ:
Dùng lòng tin kiên cố
Không gì làm lay động
Thường tu hành tinh tấn
Nên được năng lực lớn.
Đại Từ không cùng tận
Đại Bi vô cùng cực
Thường vì các chúng sinh
Thực hành đạo cao cả.
Nhờ như vậy cho nên
Được công đức vô tận
Dần dần được tăng trưởng
Đạt đến chỗ không lường.
Như lúc mặt trăng tròn
Sáng ngời không tỳ vết
Thường ở trong các sao
Ánh trăng không bị che.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành để giữ vững pháp căn bản, đạt đến quả vị Phật. Những gì là bốn?
1. Lời nói ra hợp với thân, ý.
2. Thọ trì pháp chính yếu
3. Tâm an ổn, được trụ nơi đạo.
4. Ý vững chắc như kim cang.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để giữ vững pháp căn bản, đạt đến quả vị Phật.
Đức Phật nói kệ:
Lời đã nói ra
Hợp ước việc làm
Đều được yêu kính
Phụng trì chánh pháp.
Tâm đã an trụ
Nơi đạo Bồ-đề
Thân được vững chắc
Giống như kim cương.
Như thế gọi là
Thực hành bốn việc
Bậc Trí sáng suốt
Thường tu pháp này.
Tâm không do dự
Vì đã đạt định
Trụ vững pháp yếu
Hội nhập cõi Phật.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành để thường làm bậc tôn quý nắm vững các pháp mà được tự tại. Những gì là bốn?
1. Được năng lực của trí tuệ, không do sức của lực mà có.
2. Đạt được diệu lực của trí tuệ sáng suốt, lìa bỏ ngu si mê mờ.
3. Tâm được tự tại không bị ma dẫn dắt.
4. Đã đạt được các pháp Tổng trì, tùy theo sự ưa thích của mọi người để thuyết pháp.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành để thường làm bậc tôn quý nắm vững các pháp mà được tự tại.
Đức Phật nói kệ:
Đạt được trí tuệ dũng mãnh
Không lệ thuộc sự ham muốn
Trí tuệ sáng, diệt ngu si
Vượt thoát khỏi các kiến chấp.
Tâm tự tại, ma đều phục
Được tổng trì giỏi hỏi đáp
Dạy bảo người, không hại mình
Cho nên mau được đạo quả.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành với sự hành hóa liền được tôn xưng là bậc thầy. Những gì là bốn?
1. Không sân giận.
2. Thường cung kính mọi người.
3. Không dâm dật.
4. Ý thuần thục.
Đó là bốn việc Bồ-tát cần thực hành với sự hành hóa liền được tôn xưng là bậc thầy.
Đức Phật nói kệ:
Tâm niệm không sân giận
Thường giữ sự cung kính
Thuần thục đạt đến đạo
Bậc thầy ban trí tuệ.
Khéo bày các phương tiện
Đời đời được tôn quý
Thế gian đều quy ngưỡng
Tất cả cung kính lễ.
Lại nữa, Thiên tử! Bồ-tát có bốn việc cần thực hành để nắm vững các việc, không việc gì là không tỏ rõ. Những gì là bốn?
1. Trí tuệ đã thông suốt, tự tại trong trí tuệ, không nơi chốn nào không đạt tới.
2. Âm thanh nói ra đều được chư Phật trong mười phương nghe và tán thán.
3. Xa lìa các pháp không có công đức.
4. Các chánh pháp có công đức đã đạt được Phật ấn chứng.
Đó là bốn pháp Bồ-tát cần thực hành để nắm vững các việc, không việc gì là không tỏ rõ.
Đức Phật nói kệ:
Thần thông đã đạt được
Tự tại trong mọi cảnh
Trí tuệ thật rộng lớn
Khắp cả như hư không.
Hết thảy các Như Lai
Đều nghe âm thanh ấy
Đáp lại thấy đầy đủ
Tiếng ấy không khuyết giảm.
Các việc không công đức
Thảy đều nên xa lìa
Vui mừng được an lành
Tạo nên mọi công đức.
Người an trụ như vậy
Làm rạng rỡ Phật pháp
Ở trong công đức ấy
Đều không tổn hại mình.
Lúc Đức Phật giảng nói bốn pháp này rồi thì có một vạn hai ngàn người phát tâm cầu đạo quả Bồ-đề vô thượng, có năm ngàn Bồ-tát chứng đắc pháp Nhẫn vô sinh. Bấy giờ, tam thiên đại thiên thế giới đều hiện đủ sáu cách chấn động, ánh sáng lớn ấy soi chiếu khắp tất cả.

« Kinh này có tổng cộng 4 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Kim Cang


Kinh Phổ Môn


Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng


Ba điểm tinh yếu trên đường tu tập

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.217.60.35 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập