Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 54 »»

Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 54


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.48 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.59 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Bản Hạnh Tập

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 | 52 | 53 | 54 | 55 | 56 | 57 | 58 | 59 | 60 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 55: NHÂN DUYÊN CỦA ƯU-BA-LY
(Phần 2)

Bấy giờ hai người bạn thân thấy vị Bích-chi-phật bay đi trong hư không mọi cách tự do, trong tâm hết sức hoan hỷ, tràn ngập toàn thân không thể tự chế, chắp tay cung kính đảnh lễ dưới chân vị Bích-chi-phật, phát lời thệ nguyện: “Hôm nay, chúng con nguyện ở đời vị lai thường gặp được vị Giáo sư như vậy hoặc hơn thế nữa. Những giáo pháp của Giáo sư nói ra, chúng con nghe rồi đều thông đạt và nguyện không sinh vào các đường ác.”
Nguyện như vậy rồi, một trong hai người lại nguyện: “Nguyện nhờ sức công đức này, ở đời vị lai con thường sinh trong dòng đại tộc Bà-la-môn, nguyện tụng được bốn bộ luận Duy-đà và biết sáu thứ kỹ nghệ.”
Có kệ:
Chẳng phải trực tâm giữ chánh tín
Mà được gọi là ruộng phước tốt
Cần phải cúng dường Phật cùng Tăng
Cho đến nhờ gặp Bích-chi-phật.
Sau khi hai người này qua đời, một người sinh tại thành Ba-la-nại, trong dòng Sát-đế-lợi, kế nghiệp ngôi vua, tên Phạm Đức. Người thứ hai sinh làm đồng tử trong nhà Bà-la-môn rất thanh tịnh, tên là Ưu-ba-già, thông hiểu các luận. Đồng tử Ưu-ba-già có một người vợ tên là Ma-na-tỳ-ca, dung nhan kiều diễm, mọi người nhìn ngắm không chán, ở thế gian không ai sánh bằng. Nàng được đồng tử Ưu-ba-già yêu quý nên vắng mặt trong giây lát thì tâm chàng chẳng an.
Vào một hôm, nàng Ma-na-tỳ-ca vì có chút hờn giận đồng tử nên không nói năng với chồng. Đồng tử Ưu-ba-già buồn rầu khổ não, than thở: “Ngày nay Ma-na-tỳ-ca không nói gì với ta, làm thinh như vậy!
Sau đó, bốn tháng mùa hạ đã qua, đến tiết thu sang, nàng Ma-na-tỳ-ca thưa với đồng tử:
-Lành thay! Thưa thánh tử, chàng nên đi đến chợ búa mua sắm các thứ dầu thơm, phấn sáp và tràng hoa thật đẹp. Tại sao như vậy? Vì tiết mùa thu bốn tháng đã đến, mọi người cùng nhau hưởng thú ngũ dục, chúng ta cũng phải trang điểm để hưởng thú vui này.
Đồng tử Ưu-ba-già nghe vợ nói như vậy, vui mừng hớn hở khắp toàn thân, không thể tự chế, thầm nghĩ: “Ngày nay Ma-na-tỳ-ca vợ ta vì sao bỗng nhiên trò chuyện với ta?” Trước đó Ưu-ba-già có một tiền vàng, đã cho người thôn khác mượn nên giữa trưa hôm ấy, mặt trời chiếu xuống đất, nắng chang chang, mọi cảnh vật đỏ giống như mào gà, mà đồng tử vẫn ra khỏi nhà để đến thôn kia đòi nợ. Trên đường đi, vì dục tâm bức xúc, chàng cất tiếng hát bài dâm ca. Nơi ấy cách cung vua Phạm Đức chẳng bao xa.
Khi ấy vua Phạm Đức đang ngủ trưa trên lầu, vừa thức dậy ngồi hóng mát, bỗng nghe tiếng người bị nhiễm ngũ dục cất tiếng hát bài dâm ca. Nhà vua nghe như vậy liền phát khởi dục tâm.
Có kệ:
Hoặc do thói quen có từ trước
Hoặc bởi nhân cảnh động tâm tình
Đây do ái nhiễm nơi sắc dục
Giống tợ hoa sen từ nước sinh.
Khi vua Phạm Đức nghe bài dâm ca này, lấy làm kinh ngạc: “Không biết người này là ai, ở giữa trưa trời nắng chang chang như thiêu như đốt, mà tâm nhiễm ái dục, miệng hát dâm ca như vậy?.”
Nhà vua nghĩ như vậy rồi, vọng qua cửa sổ, xa xa trông thấy Ưu-ba-già ở trên đường vừa đi vừa hát dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa, liền gọi tùy quan đến bảo:
-Khanh mau đến bắt người đang hát kia về đây cho ta.
Vị quan nghe sắc lệnh, liền tâu Đại vương:
-Chẳng dám trái thánh chỉ.
Vị quan này đến chỗ Ưu-ba-già nói:
-Này đồng tử, đến đây, đến đây! Ngày nay nhà vua gọi ông đến.
Ưu-ba-già nghe nói vậy hết sức sợ hãi, toàn thân dựng chân lông, buồn rầu áo não, thầm nghĩ: “Nay sao lại có người biết ta? Không biết ta có lỗi gì với nhà vua? Điều này thật làm cho ta sầu não!
Khi đại thần dẫn Ưu-ba-già đến yết kiến, nhà vua có tâm thương mến với người này, nên nói kệ:
Giữa trưa nắng chang chang thiêu đốt
Cảnh vật đỏ rực như mào gà
Người đang nhiễm dục hát dâm ca
Tại sao trong nắng không thấy khổ?
Mặt trời tung lửa tỏa khắp nơi
Cát vàng trên đất càng thêm nóng
Ông đang say đắm hát dâm ca
Tại sao trong nắng không thấy khổ?
Bấy giờ đồng tử Ưu-ba-già dùng kệ tâu vua Phạm Đức:
Đại vương, hôm nay không nóng bức
Trên trời vầng nhật nóng là bao
Chỉ có cầu lợi và mất lợi
Trong khổ, khổ này là khổ nhất
Ánh sáng mặt trời tuy nóng bỏng
Khổ này trong khổ, ít khổ nhất
Kinh doanh tất cả các sự nghiệp
Như vậy gọi là hết sức khổ.
Bấy giờ vua Phạm Đức lại hỏi đồng tử Ưu-ba-già:
-Này đồng tử, ông nay kinh doanh sự việc gì mà đi trên đường trong vùng đất nóng bức như vậy?
Lúc ấy Ưu-ba-già trình lên nhà vua những sự việc của mình như trên một cách tường tận. Vua Phạm Đức lại bảo đồng tử:
-Này đồng tử, dừng lại, đừng có đi. Ta nay sẽ cho ngươi hai đồng tiền (tức tiền vàng bên Ấn độ).
Nhà vua liền lấy tiền trao cho đồng tử. Đồng tử nhận hai đồng tiền rồi tâu vua Phạm Đức:
-Lành thay! Thưa Đại vương, tuy được Đại vương cho hai đồng tiền, tôi lại xin Đại vương một đồng tiền nữa, tổng cộng trước sau ba đồng tiền, rồi tôi đến thôn nọ đòi một tiền, cộng với tiền Đại vương cho, tất cả là bổn đồng tiền, để tôi cùng với nàng Ma-na-tỳ-ca thọ hưởng ngũ dục trong tiết thu này.
Vua Phạm Đức lại bảo đồng tử Ưu-ba-già:
-Ngươi dừng lại chớ đi. Ta sẽ cho ngươi tám đồng tiền.
Nhà vua trao tiền cho đồng tử. Ưu-ba-già nhận tám đồng tiền rồi lại thưa vua:
-Lành thay! Thưa Đại vương, xin ngài hoan hỷ, nay xin Đại vương cho tôi một đồng tiền nữa tức thành chín đồng tiền, rồi tôi đến thôn kia đòi một đồng tiền nữa, tổng cộng thành mười đồng tiền. Nếu được như vậy, tôi cùng với nàng Ma-na-tỳ-ca thọ thú vui ngũ dục trong tiết thu này.
Vua Phạm Đức lại bảo đồng tử Ưu-ba-già:
-Thôi chớ đi, ngày nay ta sẽ cho ngươi tất cả mười sáu đồng tiền.
Vua liền trao cho đồng tử mười sáu đồng tiền. Đồng tử nhận tiền rồi lại thưa vua:
-Lành thay! Lành thay! Thưa Đại vương, ngài đã hoan hỷ cho tôi mười sáu đồng tiền, nay ngài cho tôi một tiền thành mười bảy đồng tiền, rồi tôi đến thôn kia đòi một tiền, tổng cộng thành mười tám đồng tiền. Nếu được như vậy, tổi cùng với nàng Ma-na-tỳ-ca thọ thú vui ngũ dục.
Vua Phạm Đức lại bảo đồng tử Ưu-ba-già:
-Này đồng tử, thôi chớ đi! Ta nay sẽ cho ngươi tổng cộng ba mươi hai đồng tiền.
Đồng tử được tiền rồi, lại thưa vua:
-Lành thay! Thưa Đại vương, ngài đã hoan hỷ cho tôi ba mươi hai đồng tiền, nay lại xin Đại vương cho tôi một đồng tiền nữa, rồi tôi lại đến thôn kia đòi một đồng tiền, tổng cộng thành ba mươi bốn đồng tiền, để cùng với nàng Ma-na-tỳ-ca hưởng thụ thú vui ngũ dục.
Vua Phạm Đức lại bảo đồng tử:
-Này đồng tử, thôi chớ đi, ta nay cho ngươi sáu mươi bốn đồng tiền.
Khi ấy Ưu-ba-già nhận tiền rồi, lại bạch nhà vua:
-Lành thay Đại vương! Được ngài hoan hỷ, tôi đã nhận nơi Đại vương sáu mươi bốn đồng tiền. Nay xin Đại vương cho tôi một đồng tiền, rồi tôi đến thôn kia đòi một đồng tiền, tổng cộng thành sáu mươi sáu đồng tiền để cùng với nàng Ma-na-tỳ-ca hưởng thụ thú vui ngũ dục trong tiết mùa thu.
Đại vương Phạm Đức lại bảo Ưu-ba-già:
-Này đồng tử, thôi chớ đi! Ta nay sẽ cho ngươi một trăm đồng tiền.
Ưu-ba-già nhận tiền rồi, lại thưa vua:
-Lành thay! Thưa Đại vương, tôi đã xin, ngài hoan hỷ cho tôi một trăm đồng tiền. Nay lại xin Đại vương cho tôi một đồng tiền, rồi tôi sẽ đến thôn kia đòi một đồng tiền nữa, tổng cộng là một trăm lẻ hai đồng tiền. Được vậy, để tôi cùng với nàng Ma-na-tỳ-ca thọ hưởng thú vui ngũ dục trong tiết mùa thu.
Vua Phạm Đức lại bảo Ưu-ba-già:
-Này đồng tử, thôi chớ đi. Ta sẽ phong cho ông hưởng lộc một thôn.
Đồng tử Bà-la-môn này càng được nhà vua cho lại càng tham, nên thường đến chỗ nhà vua. Do đó nhà vua chọn một thôn trù phú ban cho đồng tử. Đồng tử sau khi được phong ấp rồi, cần cù làm việc không biết mỏi mệt, giông như nô bộc phụng sự nhà vua, thức khuya dậy sớm, thao tác thuần thục, sự việc đều hợp với ý vua, tâm ý ngay thẳng. Phụng sự như vậy hoàn toàn không bị vua quở trách. Vì lý do đó được lòng nhà vua, khiến cho vua Phạm Đức hoan hỷ không thôi. Sau đó nhà vua chia hai giang san cho Ưu-ba-già cai trị, cho đến kho tàng của nhà vua cũng chia hai.
Bà-la-môn này được vua Phạm Đức sủng ái như vậy, thọ hưởng đầy đủ thú vui ngũ dục, không có thứ gì thiếu hụt. Tất cả việc làm tuần tự được nhà vua kiểm tra mới được hoàn tất. Hễ mỗi lần Bà-la-môn từ nhà đến hoàng cung, vua thường gối trên đùi Bà-la-môn này để ngủ.
Về sau này, vào hôm nọ, vua Phạm Đức nằm gối trên đùi Ưu-ba-già nên ngủ say. Ưu-ba-già nhân thấy nhà vua ngủ say, bỗng phát sinh ý nghĩ: “Làm sao một nước mà lại có hai vua đồng dùng một oai thế. Trong kho tàng lại cũng không nên hai người cùng sử dụng. Nay nhân cơ hội vua Phạm Đức ngủ say, ta ám sát nhà vua. Nếu sự ám sát thành công, một mình ta giữ lấy ngôi vua, trị hóa dân chúng.”
Ưu-ba-già nghĩ như vậy rồi, khi sắp cầm dao, lại nghĩ: “Vua Phạm Đức trước đã vì ta ban cho sự lợi ích lớn, đã chia hai giang san cho ta cai trị, tất cả kho tàng đều chia hai cho ta. Nếu nay ta giết vua, thành ra ta là kẻ vô ân nghĩa.”
Lần thứ hai Ưu-ba-già lại nghĩ thế này: “Làm sao hai người đồng cai trị một nước. Lại cũng không nên hai người đồng sử dụng một kho tàng.”
Cho đến lần thứ ba cũng nghĩ như vậy, rồi tự hối: “Nếu ta giết vua thì nhất định ta thành kẻ vô ân nghĩa.”
Khi Ưu-ba-già nghĩ như vậy, cất tiếng khóc vang. Vua Phạm Đức nghe tiếng khóc vang bỗng nhiên tỉnh giấc, thức dậy hỏi Ưu-ba-già:
-Này anh, vì cớ gì mà khóc to như vậy?
Ưu-ba-già trình bày tỉ mỉ mọi việc suy tính của mình vừa rồi. Vua Phạm Đức không tin Ưu-ba-già có việc như vậy, nên nói:
-Này Ưu-ba-già, nhất định anh không có việc như vậy. Này Ưu- ba-già, chớ nói lời như vậy!
Ưu-ba-già vội thưa vua Phạm Đức:
-Đại vương phải tin lời nói của tôi. Thật sự tôi có ác tâm nhưn vậy.
Khi ấy Ưu-ba-già lại suy nghĩ: “Ta đang vì sự việc gì mà bỗng nhiên sinh ác tâm như vậy!” Chánh tư duy như vậy rồi liền nói:
-Ta sinh việc ác như vậy, chẳng phải là do ngũ dục hay sao? Hay chẳng phái là do ngôi vua hay sao? Ta cũng không nên tham, ngôi vua này, cũng không ham thú vui thế gian. Do những việc ấy mà ta sinh tâm ác này. Ta chỉ có một việc là cần phải xả tục xuất gia.
Ưu-ba-gia liền thưa với nhà vua:
-Thưa Đại vương, xin ngài biết cho, ngày nay tôi muốn xả tục xuất gia.
Vua Phạm Đức nói với Ưu-ba-già:
-Chớ nói như vậy! Ta đã chia nửa giang san cho anh cai trị, kho tàng cũng chia hai. Ta cùng anh rất tâm phúc, không có được người thứ hai như anh. Nếu nay anh xuất gia thì ta nhất định không vui. Ưu-ba-già lại thưa vua:
-Lành thay! Thưa Đại vương, xin ngài thương tình cho tôi xuất gia. Tôi nay nhất định xuât gia không còn do dự. Đối với việc làm của tôi, xin Đại vương không nên cản trở.
Vua Phạm Đức lại nói với Ưu-ba-già:
-Anh hãy thực hiện theo ý thích của mình. Thuở ây, tại thành Ba-la-nại có một người thợ gốm, xuất gia trước đó, tu hạnh Tiên nhân, hiện cư ngụ nơi thành này. Tiên nhân ấy có oai đức lớn, đã chứng năm phép thần thông, có thể dùng tay rờ mặt trời, mặt trăng. Bấy giờ Ưu-ba-già cạo bỏ râu tóc xuất gia theo vị tiên này tu học. Sau khi xuất gia rồi, dũng mãnh tinh tấn đạt được tứ thiền và chứng năm phép thần thông, có oai đức lớn, cũng có thể dùng bàn tay rờ mặt trời, mặt trăng.
Vua Phạm Đức nghe Ưu-ba-già xuất gia thành tựu đại tiên, có oai đức lớn, cũng có thể dùng tay rờ mặt trời, mặt trăng. Nghe vậy nhà vua mỉm cười, đi vào nội cung dùng kệ nói với cung nhân:
Ưu-ba hành thiện chẳng bao lâu
Mà được lợi ích kết quả lớn
Lành thay! Ưu-ba được thân người
Xả bỏ ngũ dục đi xuất gia.
Khi các cung nhân nghe vua Phạm Đức nói bài kệ như vậy, tâm họ đều ưu sầu chẳng vui, đồng tâu vua:
-Đại vương nên biết, người đó trước làm nghề buôn bán cờ bạc, cầm gậy hành khất để tự nuôi thân. Kẻ Bà-la-môn này không có thế lực, do vậy mới xuất gia. Ngày nay Đại vương chẳng nên bắt chước người ấy, xả bỏ quốc gia mà xuất gia.
Vua Phạm Đức có một thợ hớt tóc tên là Căn-già-bà-la, từ xưa đến nay được vua yêu mến. Khi ấy vua Phạm Đức kêu người thợ hớt tóc đến bảo:
-Này Căn-già-bà-la, ngươi hãy cạo tóc cho ta.
Nói lời này rồi vua liền ngủ say. Khi thấy nhà vua ngủ rồi, người thợ cạo liền cạo râu tóc cho vua. Cạo xong, nhà vua vẫn ngủ chưa dậy.
Sau khi thức dậy, vua bảo thợ hớt tóc Căn-già-bà-la:
-Ta đã ra lệnh cho ngươi cạo râu tóc cho ta, tại sao ngươi không cạo?
Nghe nói lời ấy, thợ hớt tóc Căn-già-bà-la tâu vua Phạm Đức: -Tâu Đại vương, hạ thần đã cạo xong. Đại vương ngủ say không biết đó thôi.
Khi ấy vua Phạm Đức dùng gương soi, thấy mình đã được cạo râu tóc rồi, rất vui mừng, nhân đó bảo Căn-già-bà-la:
-Ông nên nhận lấy thôn làng trù phú nhất của ta và được quyền tự do sử dụng.
Thợ hớt tóc Căn-già-bà-la tâu vua Phạm Đức:
-Thưa Đại vương, xin cho hạ thần cùng với cung nhân quyến thuộc của Đại vương thảo luận chi tiết đã, sau đó hạ thần sẽ trả lời.
Nói lời ấy rồi ông ta bái biệt nhà vua. Xưa nay được tự do ra vào trong cung, nên thợ hớt tóc Căn-già-bà-la đi vào nội cung, trình bày với các cung nhân:
-Đại vương phong cho tôi thôn làng rất phong phú dùng làm phong ấp. Xin hoàng hậu cùng các phi cho ý kiến thế nào? Nên nhận hay không nên nhận?
Lúc ấy các hậu phi bảo Căn-già-bà-la:
-Này Căn-già-bà-la, ông nhận thôn làng trù phú đó làm gì! Hiện giờ chúng ta có thể cho ông đầy đủ vàng bạc, ngọc ngà. Nhưng ta chỉ nhờ ông một chuyện, ông có làm không?
Căn-già-bà-la hỏi cung nhân:
-Các phi ngày nay muốn bảo tôi làm việc gì? .
Các phi liền bảo người thợ hớt tóc:
-Đại vương mỗi khi vào nội cung thường nói kệ:
Ưu-ba hành thiện chẳng bao lâu
Mà được lợi ích kết quả lớn
Lành thay! Ưu-ba được thân người
Xả bỏ ngũ dục đi xuất gia.
Khi chúng ta nghe nhà vua nói bài kệ này, liền nghĩ: “E Đại vương bỏ ngôi đi xuất gia." Lành thay! Này Căn-già-bà-la, ông đến thưa hỏi Đại vương bài kệ này ý nghĩa thế nào?
Căn-già-bà-la vội đi đến chỗ nhà vua Phạm Đức, tâu với vua:
-Đại vương đã hứa ban cho hạ thần thôn làng trù phú. Hạ thần không nhận ý đó, chỉ muốn biết tại sao mỗi khi Đại vương đi đến trước các phi hậu, lại nói bài kệ:
Ưu-ba hành thiện chẳng bao lâu
Mà được lợi ích kết quả lớn
Lành thay Ưu-ba được thân người
Xả bỏ ngũ dục đi xuất gia.
Lành thay! Thưa Đại vương, xin ngài giải thích ý nghĩa bài kệ này như thế nào? Hạ thần đến Đại vương chỉ mong muốn điều như vậy.
Vua Phạm Đức bảo Căn-già-bà-la:
-Ta từ khi nghe đồng tử Ưu-ba-già bỏ địa vị nửa quốc gia mà đi xuất gia, thành bậc Đại tiên nhân, có oai đức lớn, có thể dùng bàn tay rờ mặt trời, mặt trăng. Ta đang bị say đắm lệ thuộc ngũ dục thế này, do vậy ta muôn làm Tiên nhân, nên thường vào trong cung đọc bài kệ ấy.
Thợ hớt tóc Căn-già-bà-la liền trở lại nội cung trình ý này cho các phi hậu:
-Này các phi hậu, chớ lo Đại vương muốn xuất gia. Đại vương ngày nay nhất định không thể xuất gia.
Các phi hậu nghe thợ hớt tóc nói lời như vậy, đều vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân, không thể tự chế, cởi các chuỗi ngọc anh lạc đang trang điểm trên thân và bảo Căn-già-bà-la:
-Những chuỗi anh lạc này của ta đều cho ông. Ông chẳng phải vì đời sống mà làm các nghề nghiệp khác.
Căn-già-bà-la thấy việc như vậy, phát sinh ý nghĩ: “Ưu-ba-già đã bỏ vương vị nửa quốc gia mà tìm lối xuất gia, nên vua Phạm Đức ngưỡng mộ nơi người. Ta vì cớ gì mà chẳng xuất gia, để tất cả thế gian ngưỡng mộ ta. Nếu ta chiều ý các phi hậu thì việc ấy nhất định không tốt. Ngày nay ta cũng bỏ các thứ đó mà đi xuất gia.”
Căn-già-bà-la nghĩ như vậy rồi, liền đi đến chỗ vua Phạm Đức, tâu lên nhà vua:
-Thưa Đại vương, ngài đã ban cho hạ thần những việc như trước, nay thần muôn bỏ những thứ đó đi xuất gia.
Vua Phạm Đức hỏi Căn-già-bà-la:
-Ý ông muốn theo ai xuât gia?
Căn-già-bà-la đáp:
-Tâu Đại vương, ý của hạ thần muốn theo Ưu-ba-già xuất gia.
Vua Phạm Đức lại nói:
-Căn-già-bà-la, tùy theo ý ông, tự do mà đi.
Lúc bấy giờ Căn-già-bà-la tự cạo râu tóc rồi đi đến chỗ ưu-ba-già, liền thành người xuất gia. Sau khi xuất gia rồi, người siêng năng tinh tấn, đạt Tứ thiền và đủ năm phép thần thông, được đại oai thần, có đại oai đức, cũng có thể dùng tay chạm mặt trời, mặt trăng.
Vua Phạm Đức nghe sau khi Căn-già-bà-la xuất gia, đã thành bậc đại tiên, có oai lực thần thông lớn, cũng có năng lực dùng bàn tay rờ lấy mặt trời, mặt trăng. Nghe việc như vậy, không thể ngăn chận lòng khao khát kính ngưỡng, nên muôn tìm đến chiêm ngưỡng, vua bảo các quần thần:
-Này các đại thần, nay trẫm muốn đi đến chỗ Tiên nhân Căn-già-bà-la. Vậy các khanh nên đi cùng trẫm.
Các đại thần tâu nhà vua:
-Đại vương không nến làm như vậy. Đại vương không nên giá lâm đến chỗ Tiên nhân kia. Chúng tôi sẽ cho sứ tới đòi người ấy đến.
Vua Phạm Đức bảo các đại thần:
-Nay các khanh không nên làm như vậy. Các khanh chớ nói lời như vậy. Từ xưa đến nay, không có phép mình không đi đến các đại Tiên nhân mà gọi các Tiên nhân đến yết kiến mình. Đích thân chúng ta phải đi đến chỗ các Tiên nhân, như vậy mới đúng pháp. Vì sao? Vì hàng Tiên nhân là ruộng đại phước, đáng nhận sự cúng dường, đích thân chúng ta nhất định phải đến đó.
Bấy giờ vua Phạm Đức lấy oai đức của mình ra lệnh trang hoàng năm trăm cỗ xe cùng với năm trăm đại thần hộ vệ, đồng khởi hành từ thành Ba-la-nại đi đến chỗ các Tiên nhân, vì muốn phô trương oai thế của nhà vua.
Khi Tiên nhân Căn-già-bà-la từ xa trông thấy nhà vua đến, tự đi đến trước mặt vua, nói:
-Lành thay! Đại vương Phạm Đức từ xa giá lâm đến đây, thật là hy hữu!
Lúc ấy năm trăm vị đại thần oán tức Căn-già-bà-la nên thốt ra những lời thô lỗ:
-Ngươi là kẻ hạ tiện, con nhà dâm nữ ô uế bất tịnh, luôn luôn phải tẩy rửa những cấu ghét. Tại sao ngày hôm nay ngươi dám kêu tên Đại vương!
Khi ấy vua Phạm Đức ngắt lời các đại thần:
-Các khanh không nên nói các lời như vậy. Theo phép Tiên, kêu tên người là việc thường. Vì Tiên nhân có giới hạnh, có đại oai lực.
Rồi vua Phạm Đức dùng kệ nói với các đại thần:
Các khanh chớ giận Tiên nhân này
Chư Tiên phạm hạnh được toàn vẹn
Bao nhiêu khổ hạnh họ tu hành
Vượt qua các khổ cùng sợ hãi
Ác tâm tiêu trừ, hết tội lỗi
Không còn là thợ hớt, thợ gốm.
Căn-già-bà-la đã khổ hạnh
Hàng phục ngã mạn nên gọi tên
Các khanh đang thấy sức nhẫn nhục
Thu phục các căn chứng quả tiên
Được hàng người trời đều kính trọng
Ở trong trời người vượt lên trên.
Lúc ấy vua Phạm Đức cùng các thể nữ trong cung của mình, đảnh lễ dưới chân các Tiên nhân trước, rồi đứng lui về một bên. Sau đó năm trăm vị đại thần vội đảnh lễ dưới chân các Tiên nhân ấy, rồi sau đó mới đảnh lễ dưới chân Tiên nhân Căn-già-bà-la, kế đến cũng đảnh lễ dưới chân Tiên nhân thợ gốm.
Đại vương Phạm Đức lui ngồi về một bên rồi mới hỏi những lời an ủi các Tiên nhân:
-Các Tôn giả thân thể có được an ổn khỏe mạnh không? Vật dụng cho đời sống có khó khăn không? Có ai làm phiền không?
Các Tiên nhân đáp lời vua Phạm Đức:
-Đúng như vậy, thưa Đại vương, việc ấy cần phải chịu đựng. Nhưng long nhan của Đại vương có an ổn không? Tất cả quyến thuộc và đại thần cùng hàng thứ dân trong nước, tất cả đều được bình yên không?
Hỏi thăm như vậy xong, các Tiên vì nhà vua mà thuyết pháp giáo hóa, khiến tâm nhà vua hoan hỷ, tăng trưởng công đức.
Bấy giờ Đại vương Phạm Đức được các Tiên nhân thuyết pháp giáo hóa khiến tâm hoan hỷ, tăng trưởng công đức, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân các Tiên nhân rồi trở về hoàng cung.
Bấy giờ Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:
-Các thầy nếu phân vân Ưu-ba-già lúc ấy là người nào, thì chớ nên nghĩ gì khác, chính là thân Ta ngày nay.
Này các Tỳ-kheo, nếu có phân vân Tiên nhân hớt tóc Căn-già-bà-la thuở ấy là người nào, thì chớ nên nghĩ gì khác, tức là Ưu-ba-ly này vậy.
Này các Tỳ-kheo, hoặc các thầy phân vân không biết vua Phạm Đức thuở đó là ai, thì chớ nên nghĩ gì khác, nay là Thâu-đầu-đàn này vậy.
Này các Tỳ-kheo, hoặc các thầy phân vân không biết năm trăm vị đại thần thuở ấy là hạng người nào, thì chớ nên nghĩ gì khác, là năm trăm Tỳ-kheo này vậy.
Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Ưu-ba-ly thuở ấy cũng nhờ Ta mà được năm trăm vị đại thần cùng vua Phạm Đức lễ bái. Ngày nay cũng nhân nơi Ta được năm trăm Tỳ-kheo và vua Thâu-đầu-đàn lễ bái.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo:
-Này các thầy, nếu muốn biết rõ trong chúng Tỳ-kheo Thanh văn của Ta, ai là người trì giới luật hơn hết. Đó là Tỳ-kheo Ưu-ba-ly này vậy.
Bấy giờ các Tỳ-kheo suy nghĩ: “Ưu-ba-ly trước tạo nghiệp gì, mà nay theo nghiệp báo đó sinh trong nhà hạ tiện, làm nghề hớt tóc? Lại tạo nghiệp gì mà nay theo nghiệp báo đó được xuất gia thọ giới Cụ túc, chứng quả A-la-hán, lại được Như Lai thọ ký: “Này các Tỳ-kheo, trong chúng đệ tử Thanh văn của Ta, người trì giới đệ nhất là Tỳ-kheo Ưu-ba-ly?”
Các Tỳ-kheo nghĩ như vậy rồi, đến bạch Thế Tôn:
-Bạch Đức Thế Tôn, thuở xưa Ưu-ba-ly tạo nghiệp gì mà nay theo nghiệp báo đó sinh trong nhà hạ tiện, làm nghề hớt tóc? Lại tạo nghiệp gì mà nay theo nghiệp báo đó được xuất gia thọ giới Cụ túc, chứng quả A-la-hán, lại được Như Lai thọ ký: “Trong số đệ tử Thanh văn của Ta, Ưu-ba-ly là người trì giới đệ nhất?”
Bấy giờ Đức Phật bảo các thầy Tỳ-kheo:
-Này các thầy, Ta nhớ thuở xưa cũng tại thành này có một người thợ hớt tóc, người này cầu hôn với một cô gái, con của một nhà hớt tóc khác, tương xứng với gia đình mình để làm vợ. Chẳng bao lâu sau khi sinh được một đứa bé trai, người thợ hớt tóc bỗng nhiên lâm bệnh. Tuy mời thầy thuốc chữa trị nhưng bệnh không lành, do vậy mà vị ấy qua đời. Sau khi người thợ hớt tóc chết rồi, vợ anh ta đem bé trai giao cho anh (em) của nàng và nói: “Bé trai này là cháu bên ngoại của các anh, các cậu đó. Nay tôi đem giao cho các anh, các cậu. Các anh, các cậu phải dạy cháu học nghề của cha mình.”
Người thợ hớt tóc kia nghe em (chị) của mình nói như vậy, nên nhận lãnh đứa bé, rồi dạy nghề hớt tóc của cha nó. Người hớt tóc này thường ở trong cung vua, được vua trọng dụng để sửa râu tóc cho nhà vua nên hầu như không đi ra ngoài để hớt tóc cho dân.
Thưở ấy, nhà vua cấp cho thợ hớt tóc một con bạch tượng mặc tình sử dụng đi đó đây và cấp cho một hộp bằng vàng để đựng con dao cạo và các dụng cụ đồ nghề hớt tóc. Nhà vua lại dặn: “Hễ trong thời kỳ không có Phật ra đời, chỉ có Bích-chi-phật xuất hiện, giống như con tê ngưu ra đi một mình, ta phải làm điều lợi ích.”
Lúc đó, có một vị Bích-chi-phật tóc râu, móng tay đều ra dài, đi đến thợ cạo tóc, nói:
-Lành thay! Này hiền thủ, xin nhân giả cạo bỏ râu tóc giùm cho tôi.
Thợ cạo tóc đáp:
-Lành thay! Đại tiên, nếu muốn vậy, xin đợi đến sáng sớm mai, đến đây tôi sẽ cạo râu tóc cho Đại tiên.
Tôn giả Bích-chi-phật nghe nói như vậy liền trở về. Qua đêm ấy, sáng sớm ngày mai thức dậy, đắp y, mang bình bát trở lại nhà thợ cao tóc, nói:
-Lành thay! Này hiền thủ, hôm nay xin nhân giả cạo râu tóc giùm cho tôi.
Khi ấy người thợ cắt tóc lại bạch Bích-chi-phật:
-Lành thay! Đại tiên, nếu muốn vậy, xin đợi đến chiều, tôi sẽ cạo râu tóc cho Đại tiên.
Như vậy, ngày ấy, khi mặt trời đã ngã về Tây, Tiên nhân trở lạị chỗ người thợ hớt tóc. Thợ hớt tóc lại nói:
-Xin ngài đợi đến sáng mai.
Như vậy, sáng mai Tiên nhân lại đến chỗ người thợ hớt tóc. Người thợ hớt tóc lại nói:
-Xin ngài đợi cho đến chiều.
Cứ như vậy, buổi mai cũng không cạo tóc, buổi chiều cũng không cạo tóc.
Khi ấy thấy vị Bích-chi-phật, hoặc sáng sớm đến, hoặc chiều mát đến, liên tiếp các ngày như vậy, nên đồng tử thưa với vị Bích-chi-phật:
-Thưa Tôn giả Bích-chi-phật, vì lý do gì sáng sớm và chiều mát luôn luôn đến đây vậy?
Vị Bích-chi-phật tường thuật đầy đủ những việc vừa rồi cho đồng tử nghe. Đồng tử thưa Tiên nhân:
-Cậu tôi nhất định không cạo tóc cho Tiên nhân đâu. Tại sao? Vì cậu tôi ỷ mình được tự do ra vào trong cung vua nên sinh kiêu mạn. Tôi sẽ cạo tóc cho ngài.
Đồng tử liền cạo tóc cho Tiên nhân. Bấy giờ Tôn giả Bích-chi-phật thầm nghĩ: “Nay đồng tử này tạo công đức lớn, ta cần phải vì người biểu dương thị hiện công đức.” Nghĩ như vậy, Tôn giả này bảo đồng tử:
-Này đồng tử, nếu ngươi hiểu biết nên thâu cất râu tóc của ta, sau này sẽ đem lại lợi ích lớn cho ngươi.
Nói như vậy rồi, giống như nhạn chúa giương đôi cánh, vị Bích-chi-phật ấy vận dụng sức thần thông, bay vọt lên hư không mà đi.
Khi ấy đồng tử thâu lượm râu tóc của Bích-chi-phật để trên vai rồi hướng về Bích-chi-phật đem tâm thanh tịnh, chắp tay đảnh lễ, phát nguyện: “Con nguyện đời vị lai sẽ gặp được Tôn giả Bích-chi-phật như thế này hay hơn thế nữa, những giáo lý của Thế Tôn nói ra con nguyện đều mau hiểu biết tất cả. Lại nguyện đời sau con chẳng sinh vào các ác đạo. Lại nguyện đời đời kiếp kiếp con làm thợ hớt tóc. Vì ruộng phước nên con vâng thờ cúng dường các Thánh giả như vậy.
Bấy giờ nơi thành ấy, bá quan đại thần hầu hạ hai bên nhà vua đang lâm triều trên đại điện trong nội cung, đều trông thấy vị Bích-chi-phật bay đi trong hư không. Quần thần thấy vậy liền tâu đức vua:
-Ngày nay có điềm lành lợi ích thật hy hữu, khó được thân người như vậy. Hôm nay trong nước có ruộng phước ra đời.
Khi ấy nhà vua ngước mặt trông thấy vị Bích-chi-phật như vậy, liền bảo quần thần:
-Người nào cạo bỏ râu tóc cho Bích-chi-phật sẽ được nhiều lợi ích.
Người sửa râu tóc cho nhà vua lúc đó đang đứng bên cạnh liền tâu vua:
-Chính hạ thần đã cạo bỏ râu tóc cho vị Tiên nhân ấy, ngoài ra có ai đâu?
Đồng tử nghe cậu mình nói lời như vậy, liền đến tâu với vua.
-Thưa Đại vương, Đại vương biết, vừa rồi cậu con nói lời giả dối không thật. Không phải cậu con cạo râu tóc cho Tiên nhân. Việc nhỏ như vậy, mà còn nói dối là ta cạo râu tóc cho Tiên nhân. Thật ra, người cạo bỏ râu tóc cho Tiên nhân chính là con.
Bấy giờ người thợ sửa tóc cho nhà vua quở trách đồng tử:
-Chao ôi! Kẻ ngu si kia! Ngươi có thế lực gì mà cạo râu tóc cho Tiên nhân?
Bấy giờ đồng tử lấy tóc của Tiên nhân đưa ra cho quần thần xem và nói:
-Đây là tóc của Tiên nhân, hiện giờ tôi đem theo đây, xin các vị thấy cho!
Khi ấy nhà vua thấy việc như thế, nổi giận bảo tên thợ sửa râu tóc cho mình.
-Chao ôi! Kẻ ngu si! Ngươi ở bên ta có thế lực như vậy, nay vì cớ gì nói dối ta? Ngươi mau ra khỏi nước, không được ở trong biên giới quốc gia ta.
Nhà vua đòi lại con bạch tượng cùng những dụng cụ hớt tóc rồi phong lộc cho đồng tử và sắc phong:
-Từ nay về sau, khanh luôn luôn sửa râu tóc và móng tay chân cho ta.
Đồng tử tâu vua:
-Vâng lệnh Đại vương! Hạ thần không dám trái lời. Từ nay về sau, hạ thần này luôn luôn sửa râu tóc và móng tay cho Đại vương.
Do công đức cạo râu tóc cho vị Bích-chi-phật, đồng tử tùy theo tuổi thọ ở đời, sau khi qua đời, đời đời kiếp kiếp không sinh vào ác đạo, thường qua lại trong cõi trời người. Rồi đời sau cùng sinh trong thành Ba-la-nại, nơi nhà thợ hớt tóc, hình dung khôi ngô, dễ thương, người xem thấy không chán. Đồng tử được cha mẹ nuôi dưỡng, dần dần khôn lớn, thành tựu nghề nghiệp.
Thuở ấy Đức Thế Tôn Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác Ca-diếp ra đời, làm vị Đại Giáo Sư Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Bấy giờ Đức Tịnh Hạnh Thế Tổn Chánh Đẳng Chánh Giác Ca-diếp đã chuyển pháp luân thuận nghịch, đã thọ pháp cùng bản nguyện đầy đủ, được xưng là Bậc Trượng Phu trí tuệ tối thắng, thiết lập tòa Liên hoa để giáo hóa, đem vô lượng trăm ngàn ức chúng sinh đưa vào thiện đạo.
Thuở ấy Đức Phật Ca-diếp cùng hai vạn chúng Tỳ-kheo đồng ngự tại vườn Nai, là chỗ ở của chư vị Tiên nhân đời trước, thuộc thành Ba-la-nại. Bấy giờ cha của người thợ hớt tóc này thường đến vườn Nai cạo râu tóc cho các Tỳ-kheo. Do vậy đồng tử được cùng với cha đi đến Già-lam. Khi các Tỳ-kheo thuyết kinh hay giảng luận, đồng tử thấy mọi người được phép đến nghe pháp. Nhưng cho đến khi đọc luật thì thấy có người được nghe, có người không được nghe. Khi ấy đồng tử hỏi các thầy Tỳ-kheo:
-Tại sao tất cả giáo pháp là thiện ngôn mà con thấy có người được nghe, có người không được nghe? Ý đó như thế nào?
Các Tỳ-kheo giải đáp cho đồng tử:
-Này đồng tử, luật là pháp bí mật của hàng Tỳ-kheo. Nếu người nào chưa thọ giới Cụ túc thì nhất định không được nghe.
Đồng tử nghe nói như vậy, rất buồn rầu, suy nghĩ: “Ta phải làm sao sớm xuất gia để có thể nghe Luật tạng quý báu này?”
về sau, khi trưởng thành, đồng tử đến một vị Luật sư cầu xin xuất gia, được thọ giới Cụ túc, theo học hỏi nơi các thầy Tỳ-kheo trì giới và tụng luật, căn cứ vào pháp mà tu hành. Tuy vậy nhưng vị ấy vẫn không chứng được trí xuất thế. Về sau, thầy Tỳ-kheo lâm trọng bệnh, nằm tại giường, khi lâm chung lại phát nguyện: “Đức Như Lai Ca-diếp Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác có một vị đệ tử Bồ-tát tên là Hộ Minh, đã được Phật Ca-diếp thọ ký: “Ông ở đời tương lai, khi con người tuổi thọ một trăm sẽ được thành Phật hiệu là Thích-ca Như Lai Thế Tôn Chánh Đẳng Chánh Giác.” Tôi nay nguyện vào đời tương lai ấy gặp được Phật Thích-ca Mâu-ni. Nếu được như sở nguyện, tôi ở trong pháp của Ngài cũng xin xuất gia thọ giới Cụ túc. Đối với trong hàng đệ tử trì giới của Thế Tôn, tôi là người đệ nhất, như Hòa thượng của tôi ngày nay đối với hàng đệ tử trì luật của Phật Ca-diếp, Thầy tôi là tối thượng. Tôi cũng như vậy, ở trong giáo pháp của Đức Phật Thích-ca tương lai, là đệ nhất trong hàng đệ tử trì luật của Ngài.”
Khi đó vị Tỳ-kheo ấy khi ấy qua đời, về sau sinh lên trời cho đến ngày nay, thân sau cùng đầu thai trong gia đình thợ hớt tóc tại thành Ba-la-nại, tên là Ưu-ba-ly, tức là vị này vậy.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.21.34.105 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập