Chúng ta nên hối tiếc về những sai lầm và học hỏi từ đó, nhưng đừng bao giờ mang theo chúng vào tương lai. (We should regret our mistakes and learn from them, but never carry them forward into the future with us. )Lucy Maud Montgomery
Khi tự tin vào chính mình, chúng ta có được bí quyết đầu tiên của sự thành công. (When we believe in ourselves we have the first secret of success. )Norman Vincent Peale
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Không có sự việc nào tự thân nó được xem là tốt hay xấu, nhưng chính tâm ý ta quyết định điều đó. (There is nothing either good or bad but thinking makes it so.)William Shakespeare
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm

Vipassana - nghĩa là thấy sự việc đúng như thật - là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất tại Ấn độ. Truyền thống thiền này được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2500 năm; và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại - một Nghệ Thuật Sống. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát.

Vipassana là con đường tự thay đổi bằng cách tự quan sát. Phương pháp thiền này chú trọng đến tương quan mật thiết giữa tâm và thân. Mối tương quan này có thể kinh nghiệm được trực tiếp bằng cách chú tâm thận trọng đến những cảm giác thực sự trên thân, những cảm giác luôn luôn đan xen và tạo ra các khuôn mẫu cho tâm. Hành trình quan sát và tự khám phá này đi vào cái gốc rễ chung của tâm và thân, từ đó xóa bỏ những bất tịnh tinh thần, mang đến một tâm quân bình tràn đầy tình thương và lòng từ bi.

Những định luật khoa học vốn chi phối ý nghĩ, cảm xúc, sự phán xét, và cảm giác của con người trở nên rõ ràng, dễ hiểu. Thông qua những trải nghiệp trực tiếp, ta hiểu được sự tiến bộ hay thụt lùi của bản thân diễn ra như thế nào, việc bản thân tạo ra những khổ đau hay việc tự giải thoát mình khỏi khổ đau diễn ra ra sao. Cuộc sống của ta gia tăng hiểu biết, không còn ảo tưởng, tràn ngập tự chủ và an lạc.

Truyền thống

Từ thời của Đức Phật, Vipasssana được lưu truyền cho tới ngày nay thông qua các thế hệ thiền sư nối tiếp nhau. Mặc dù là người Ấn độ, vị thiền sư hiện nay, ngài S.N. Goenka, sinh trưởng và lớn lên tại Miến điện. Trong thời gian sống tại đây, Thiền sư có diễm phúc được học Vipassana từ sư phụ, Sayagyi (Đại thiền sư) U Ba Khin, lúc đó là một viên chức cao cấp trong chính phủ. Sau khi tu tập với sư phụ được mười bốn năm, Thiền sư Goenka trở về cư ngụ tại Ấn độ và bắt đầu truyền dạy Vipassana vào năm 1969. Từ đó Thiền sư đã giảng dạy cho hàng chục ngàn thiền sinh thuộc mọi chủng tộc, mọi tôn giáo ở cả phương Đông và phương Tây. Năm 1982, Thiền sư bắt đầu bổ nhiệm các thiền sư phụ tá, nhằm giúp ngài phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng đối với các khóa Vipassana.

Khóa thiền

Phương pháp thiền được giảng dạy trong những khóa thiền nội trú mười ngày, trong đó, người tham dự tuân theo Nội Quy của Khóa Thiền, học hỏi những căn bản của phương pháp này, và thực tập nghiêm chỉnh để đạt được kết quả hữu ích.

Khóa thiền đòi hỏi sự thực tập chuyên cần, nghiêm túc. Sự thực tập gồm có ba bước. Bước thứ nhất, trong suốt khóa thiền, tránh không giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, hay dùng chất gây say, gây nghiện. Điều lệ giản dị về đạo đức này giúp tâm được an bình. Ngược lại, tâm sẽ dao động và không thể thực hiện nhiệm vụ tự quan sát. Giai đoạn kế tiếp là phát triển việc làm chủ được tâm bằng cách tập trung sự chú ý vào một thực tế tự nhiên và không ngừng thay đổi. Đó chính là hơi thở vào và ra nơi cánh mũi. Vào ngày thứ tư, tâm được an tĩnh và chăm chú hơn, để có thể thực tập Vipassana một cách dễ dàng hơn. Lúc này, ta tập quan sát cảm giác trên khắp cơ thể, hiểu được bản chất của cảm giác, và phát triển được sự quân bình bằng cách học để không phản ứng lại cảm giác. Sau hết, trong suốt ngày cuối cùng, thiền sinh học phương pháp thiền từ tâm và thiện ý với mọi người, nhờ đó sự thanh tịnh phát triển trong suốt khóa thiền được san sẻ tới mọi chúng sinh.

Toàn bộ phương pháp thực ra là một sự rèn luyện tinh thần. Cũng giống như tập thể dục để trau dồi thể lực, Vipassana có thể dùng để phát triển một tâm hồn lành mạnh.

Bởi vì phương pháp này được công nhận là mang lại lợi lạc thực sự, nên việc gìn giữ phương pháp theo đúng đường lối đích thực và nguyên bản rất được chú trọng. Nó không được giảng dạy theo hướng thương mại, mà hoàn toàn miễn phí. Không một ai tham gia vào việc giảng dạy nhận bất cứ thù lao vật chất nào. Khóa thiền hoàn toàn miễn phí – ngay cả với chi phí về thực phẩm và chỗ ở. Mọi phí tổn đều đến từ sự đóng góp của những người đã tham dự một khóa thiền và hưởng được những lợi lạc từ Vipassana, muốn cho những người khác cũng có cơ hội hưởng được lợi lạc tương tự.

Dĩ nhiên, thành quả đến từ từ qua việc thực tập liên tục. Kì vọng mọi vấn đề được giải quyết trong mười ngày là điều không thực tế. Tuy nhiên, khoảng thời gian này giúp ta học được nhưng điều căn bản của Vipassana để rồi có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Càng thực tập phương pháp này, ta càng được giải thoát khỏi bất hạnh và tới gần hơn đích cuối cùng của việc hoàn toàn giải thoát. Thậm chí mười ngày cũng đủ tạo ra những kết quả cụ thể và lợi lạc rõ rệt trong cuộc sống hàng ngày.

Bất kỳ ai chân thành đều được chấp thuận để tham dự một khóa Vipassana, để tự mình thấy được phương pháp thiền này hoạt động ra sao và có lợi lạc như thế nào. bất kỳ ai thử qua đều sẽ nhận thấy Vipassana là một công cụ vô giá giúp ta đạt được và chia sẻ hạnh phúc thực sự với người khác.

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ

Vipassana là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất tại Ấn Độ. Vipassana được Đức Phật Gotama tái phát hiện 2500 năm trước đây, và là tinh túy của những gì Ngài thực hành và giảng dạy trong suốt bốn mươi lăm năm. Vào thời của Đức Phật, rất nhiều người thuộc mọi giai cấp trong xã hội Ấn Độ đã thoát khỏi khổ đau nhờ thực tập Vipassana, giúp họ đạt được thành quả lớn lao trên mọi phương diện của cuộc sống. Sau một thời gian phương pháp này được truyền sang những quốc gia lân cận như Miến Điện, Sri Lanka, Thái Lan và những nước khác. Tại đó, Vipassana cũng gặt hái được những thành quả tốt đẹp tương tự.

Năm thế kỷ sau thời của Đức Phật, truyền thống cao quý của Vipassana biến mất khỏi Ấn Độ. Tinh túy của phương pháp này cũng biến mất tại những nơi khác. Tuy nhiên tại Miến Điện, Vipassana được gìn giữ bởi nhiều thế hệ thiền sư đầy thành tâm. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong hơn 2500 năm, dòng truyền thừa những thiền sư này đã gìn giữ phương pháp thiền tinh khiết như thuở ban sơ. Viên ngọc vô giá Vipassana, từ lâu được gìn giữ trọn vẹn tại Miến Điện, bây giờ đang được thực tập trên khắp thế giới. Ngày nay, càng ngày càng nhiều người có cơ hội được học nghệ thuật sống này.

THIỀN SƯ S. N. GOENKA

Ngày nay, Vipassana được Thiền Sư S.N. Goenka giới thiệu trở lại. Ông được Sayagyi U Ba Khin, một thiền sư nổi tiếng tại Miến Điện, cho phép giảng dạy Vipassana. Trước khi qua đời vào năm 1971, Thiền Sư U Ba Khin đã có cơ hội thấy một trong những ước mơ ấp ủ của mình trở thành hiện thực. Ông có một ước vọng là Vipassana sẽ trở lại Ấn Độ, nơi nó sanh trưởng, để giúp quốc gia này thoát khỏi rất nhiều khó khăn. Ông cảm thấy chắc chắn sau đó, từ Ấn Độ, Vipassana sẽ lan rộng khắp thế giới, đem đến lợi ích cho toàn thể nhân loại.

Thiền Sư S. N. Goenka bắt đầu dạy những khóa thiền Vipassana tại Ấn Độ vào năm 1969. Mười năm sau Ông bắt đầu giảng dạy tại những nước khác. Trong hơn bốn thập niên từ khi bắt đầu, Vipassana ngày nay (tính đến năm 2012) được giảng dạy tại hơn 140 trung tâm chính thức trên thế giới (kể cả các trung tâm tại Bắc Mỹ) bằng 25 ngôn ngữ khác nhau. Thiền sư S. N. Goenka cũng đã đào tạo được hơn 1400 Thiền sư Phụ tá để giảng dạy hàng ngàn khóa thiền tại hơn 90 quốc gia gồm các nước như Cộng hòa nhân dân Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Đài Loan, Mông Cổ, Secbia, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất, Campuchia, Philippin, Cuba và tất cả những nước tại Nam Mỹ. Con số thiền sinh tham dự là hơn 100.000 người với trên 1500 khóa thiền trên thế giới mỗi năm.

Thiền Sư Goenka là khách mời diễn thuyết tại những diễn đàn nổi tiếng như Hội Nghị Thượng Đỉnh Thiên Niên Kỷ Thế Giới Về Hòa Bình tại Liên Hiệp Quốc và tại Hội Nghị Kinh Tế Thế Giới tại Davos, Thụy Sĩ. Ông giảng dạy và truyền bá một thông điệp duy nhất, đó là, hạnh phúc lâu dài chỉ đạt được bằng cách thanh lọc tâm.

THỰC TẬP

Muốn học thiền Vipassana, điều cần thiết là phải tham dự một khóa thiền nội trú 10 ngày dưới sự hướng dẫn của một thiền sư có kinh nghiệm. Mười ngày thực tập liên tục được thừa nhận là thời gian tối thiểu để học được những điều chính yếu của phương pháp để có thể áp dụng Vipassana vào đời sống hằng ngày. Trong suốt thời gian của khóa thiền, thiền sinh sống trong phạm vi của trung tâm, không liên lạc với thế giới bên ngoài. Thiền sinh tránh không đọc hoặc viết, tạm ngưng những lễ nghi tôn giáo hoặc các phương pháp thiền khác. Hằng ngày thiền sinh tuân theo một thời khóa biểu nghiêm túc gồm 10 giờ ngồi thiền xen lẫn với những giờ nghỉ. Thiền sinh cũng giữ im lặng và không liên lạc với những người đồng tu. Tuy nhiên, thiền sinh có thể hỏi Thiền Sư khi nào thấy cần hoặc có thể liên lạc với ban tổ chức về những nhu cầu liên quan đến thức ăn, sức khoẻ, …

Sự tập luyện gồm có ba phần. Đầu tiên thiền sinh tập tránh những hành động có hại. Trong khóa thiền, thiền sinh cam kết giữ năm giới, không giết hại sinh vật, không trộm cắp, không nói sai sự thật, không sinh hoạt tình dục và không dùng những chất gây say/nghiện. Quy chế đạo đức đơn giản này, cùng với việc giữ im lặng giúp cho tâm trí được tĩnh lặng, nếu không, nó sẽ quá dao động và không thể thực hiện công việc tự quan sát được.

Bước thứ hai là tạo được một tâm trí vững vàng và chuyên chú hơn bằng cách tập giữ sự chú tâm của mình vào một thực tại tự nhiên đó là hơi thở luôn luôn thay đổi khi chúng đi vào và đi ra khỏi lỗ mũi. Vào ngày thứ tư, đầu óc trở nên tĩnh lặng hơn, chuyên chú hơn để dễ dàng thực hành phần thứ ba là thực tập Vipassana, là quan sát cảm giác trên khắp cơ thể, hiểu được bản chất luôn luôn thay đổi của cảm giác bằng thực nghiệm và giữ được sự bình tâm bằng cách không phản ứng lại các cảm giác. Ta thể nghiệm được chân lý phổ quát của vô thường, khổ và vô ngã. Sự nhận biết chân lý qua thực nghiệm này là phương cách thanh lọc tâm.

Toàn thể sự thực tập thật ra chỉ là một sự rèn luyện tinh thần. Cũng như tập thể dục để trau dồi sức khỏe về thể xác, Vipassana có thể dùng để phát triển một tinh thần minh mẫn.

Thiền sinh được hướng dẫn kỹ thuật hành thiền vài lần trong một ngày, một cách có hệ thống, và sự tiến bộ mỗi ngày được giảng giải trong buổi pháp thoại vào buổi tối bằng video của Thiền sư Goenka. Thiền sinh giữ im lặng hoàn toàn trong chín ngày đầu. Vào ngày thứ mười, thiền sinh học cách thực hành Metta (thiền tâm từ) và được nói chuyện trở lại. Đây là thời gian chuyển tiếp để trở lại cuộc sống bình thường. Khóa thiền chấm dứt vào buổi sáng ngày thứ mười một.

TÀI CHÁNH CHO KHÓA THIỀN

Tất cả các khóa thiền hoạt động hoàn toàn do sự đóng góp tự nguyện. Không phải trả tiền để tham dự khóa thiền, ngay cả chi phí ăn ở. Tất cả mọi phí tổn đều do sự hiến tặng của những thiền sinh, sau khi đã hoàn tất một khóa thiền và thâu lượm được những lợi ích từ Vipassana, muốn giúp những người khác có được cơ hội tương tự. Cả Thiền sư Goenka lẫn các Thiền sư Phụ tá đều không nhận thù lao: họ và những người phục vụ khóa thiền cống hiến thời gian của mình. Như thế Vipassana được truyền dạy mà không bị thương mại hoá.

PHƯƠNG PHÁP KHÔNG TÔNG PHÁI

Mặc dù được lưu truyền trong truyền thống Phật giáo, nhưng Vipassana có thể được mọi người thuộc mọi thành phần chấp nhận và thực hành. Chính Đức Phật giảng dạy Dhamma (phương pháp, chân lý, con đường giải thoát). Phương pháp dựa trên căn bản là mọi người đều có những khó khăn giống nhau, và phương pháp thiết thực có thể diệt trừ được những khó khăn này có thể được mọi người áp dụng. Hơn nữa, Vipassana không tạo ra sự lệ thuộc vào người giảng dạy. Vipassana dạy cho những người thực tập phải độc lập. Khóa thiền mở rộng cho bất cứ ai thành tâm muốn học phương pháp thiền, không phân biệt màu da, tín ngưỡng hay xứ sở. Những người theo Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Jains, Hồi giáo, Sikhs, Phật giáo và những tôn giáo khác – nam tu sĩ, linh mục, nữ tu sĩ cũng như các cư sĩ tại gia – đều đã thực tập Vipassana thành công.

Căn bệnh là căn bệnh chung, do đó thuốc chữa phải là thuốc chữa chung. Ví dụ, khi chúng ta nóng giận, sự nóng giận này không phải là sự nóng giận của người theo Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo, sự nóng giận của người Trung Hoa hay người Mỹ. Tương tự, sự thương yêu và lòng từ bi không dành riêng cho bất cứ một sắc dân hoặc một nhóm người nào. Chúng là phẩm chất chung của con người đạt được nhờ sự trong sạch hóa tâm hồn. Nhiều người thuộc mọi thành phần xã hội hiện đang thực hành thiền Vipassana nhận thấy rằng họ đang trở thành con người tốt đẹp hơn.

NHỮNG KHÓ KHĂN TRÊN THẾ GIỚI

Những sự phát triển trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, giao thông, truyền thông, nông nghiệp và y khoa đã cách mạng hóa cuộc sống con người về mặt vật chất. Nhưng sự tiến bộ này chỉ ở bề ngoài, trong thâm tâm, con người trong thời đại này sống trong một trạng thái tinh thần và tình cảm đầy căng thẳng ngay cả tại những nước tiên tiến và giàu có.

Dân chúng tại mọi quốc gia đều vô cùng khổ sở vì những thành kiến về màu da, chủng tộc, tông phái và giai cấp. Sự nghèo đói, chiến tranh, vũ khí hủy diệt hàng loạt, bệnh tật, nghiện ngập, sự đe dọa của nạn khủng bố, ô nhiễm môi trường và sự suy thoái về giá trị đạo đức – tất cả đều đưa đến bóng tối bao trùm tương lai của nền văn minh. Người ta chỉ cần liếc qua trang đầu của một tờ báo hằng ngày là biết ngay sự khổ sở triền miên và sự tuyệt vọng sâu xa đang hành hạ con người trên khắp trái đất. Có lối thoát nào cho những khó khăn hầu như tuyệt vọng này không?

Câu trả lời, dĩ nhiên là có. Nhiều người ở khắp nơi đang sốt sắng tìm cách để đạt được sự an vui và hòa hợp, phương cách có thể mang lại niềm tin về phẩm chất tốt đẹp sẵn có của con người và tạo nên một môi trường tự do và an toàn không còn bị lợi dụng về xã hội, tôn giáo, và kinh tế. Vipassana chính là phương pháp đó.

VIPASSANA VÀ SỰ THAY ĐỔI TRONG XÃ HỘI

Vipassana là con đường đưa đến sự giải thoát khỏi mọi đau khổ: diệt trừ ham muốn, ghét bỏ và vô minh (tham, sân, si) vốn là căn nguyên của mọi khổ đau của chúng ta. Những người thực tập Vipassana trút bỏ từ từ những căn nguyên gốc rễ của đau khổ và thoát khỏi những căng thẳng cố hữu để sống một cuộc sống an lạc, lành mạnh và có ích.

Chương trình Vipassana 10 ngày cho tù nhân và ban quản trị được đưa vào nhiều nơi tại Ấn Độ cũng như tại Mỹ, Anh, New Zealand, Đài Loan và Nepal. Có hai trung tâm thường xuyên tại những nhà tù tại Ấn Độ, nơi có hơn 10.000 tù nhân đã tham dự những khóa thiền. Khởi nguồn của ý tưởng độc đáo này nảy sinh đầu tiên vào năm 1975 – 1977 từ những khóa thiền Vipassana trong trại tù trung ương Jaipur và trường cảnh sát Jaipur. Hai thập niên sau, các hạt giống đó trở thành một khóa thiền đông đảo với hơn 1.000 tù nhân tại nhà tù lớn nhất Ấn Độ, trại tù trung ương Tibar tại New Delhi. Sự kiện độc đáo

này được thu hình trong cuốn phim đoạt giải thưởng là “Hành Thiền Vipassana trong lúc ở tù” (Doing time, Doing Vipassana).

Chính phủ Ấn Độ đề nghị đưa Vipassana thành một biện pháp cải tạo cho mọi nhà tù. Thêm vào đó, cũng nằm trong chương trình huấn luyện, hàng ngàn viên chức cảnh sát đã hoàn tất những khóa thiền tại trường cảnh sát tại Delhi như một phần trong chương trình huấn luyện.

Tại Mỹ, Vipassana được đưa vào chương trình cải tạo tại Trung Tâm Phục Hồi Bắc Mỹ (NRF) tại Seattle từ năm 1977 và chấm dứt năm 2002 khi nhà tù đóng cửa. Nhờ những thành quả đáng khích lệ trong các khóa thiền 10 ngày tại NRF, vào năm 2002, Viện Y Tế Quốc Gia đã cấp cho trường đại học Washington một khoản trợ cấp ba năm để nghiên cứu về tác dụng trị liệu lâu dài của thiền Vipassana đối với những tù nhân nghiện ngập. Hai khóa thiền Vipassana cũng đã được tổ chức tại nhà tù San Francisco.

Cuộc đời công chức của Sayagyi U Ba Khin, thầy của Thiền Sư Goenka, là một ví dụ đáng chú ý. Là bộ trưởng của nhiều bộ tại Liên Bang Miến Điện, Sayagyi đặt nặng vấn đề trách nhiệm, kỷ luật và đạo đức cho người dưới quyền bằng cách dạy Vipassana cho họ. Năng suất làm việc gia tăng gấp bội và tham nhũng hầu như biến mất.

Bộ Gia Cư thuộc chính phủ Rajasthan cũng thay đổi một cách tương tự. Maharashtra, một bang có nền công nghiệp phát triển nhất tại Ấn Độ, vào năm 1996, bắt đầu cho nhân viên, cứ ba năm một lần, được nghỉ có lương để thực tập Vipassana để giúp họ đối phó với những căng thẳng.

Hàng chục ngàn học sinh tại Ấn Độ được dạy phương pháp thiền quan sát hơi thở là bước đầu của Vipassana. Cả phụ huynh lẫn giáo chức đều báo cáo sự gia tăng việc tập trung tư tưởng và giảm thiểu vấn đề kỷ luật trong số những học sinh tham dự. Khóa thiền Vipassana cũng được tổ chức cho những người bị khuyết tật gồm cả người khiếm thị và bệnh phong cùi. Những chương trình khác nhắm vào những người nghiện ma túy, trẻ em không nhà, sinh viên và các giám đốc doanh nghiệp.

Những thử nghiệm này cho thấy việc thay đổi xã hội phải bắt đầu từ từng cá nhân. Thay đổi xã hội không thể hoàn toàn dựa vào sự thuyết giảng và giáo lý. Kỷ luật và hành vi đạo đức không thể được áp đặt vào học sinh chỉ qua sách vở. Người phạm tội không thể trở thành công dân tốt vì sợ bị trừng phạt. Những xung đột giữa các sắc dân và giáo phái không thể được giải quyết bằng các biện pháp trừng phạt. Lịch sử đã chứng minh sự thất bại của những giải pháp này.

Cá nhân là chìa khóa để giải quyết vấn đề. Mỗi người phải được đối xử bằng tình thương và tâm từ ái. Mỗi người phải được huấn luyện để tự cải thiện – không phải bằng cách hô hào phải tuân theo giới luật đạo đức mà bằng cách phát sinh lòng mong muốn thay đổi một cách chân thành. Con người phải được hướng dẫn cách tìm hiểu bản chất thật sự của mình, để bắt đầu một tiến trình có thể mang lại thay đổi và đưa đến việc trong sạch hóa tâm hồn. Đây là sự thay đổi duy nhất sẽ tồn tại lâu dài.

Vipassana có khả năng thay đổi tâm tính con người. Dịp may đang chờ đón những ai thật lòng muốn cố gắng thực tập.

S. N.Goenka là một thiền sư cư sĩ dạy thiền Vipassana theo truyền thống của Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin tại Miến Điện.

Mặc dù gốc là người Ấn Độ nhưng Thiền Sư Goenka sinh trưởng và lớn lên tại Miến Điện. Trong khi sống tại đây, Thiền Sư may mắn được gặp Thiền Sư U Ba Khin và được truyền thụ phương pháp thiền Vipassana. Sau mười bốn năm tu tập với thầy, Thiền Sư Goenka trở về sinh sống tại Ấn Độ và bắt đầu giảng dạy Vipassana vào năm 1969. Tại một quốc gia bị chia rẽ bởi những khác biệt của giai cấp và tôn giáo, những khóa thiền do Thiền Sư Goenka giảng dạy đã lôi cuốn được nhiều người thuộc mọi thành phần trong xã hội. Thêm vào đó, hàng ngàn người từ nhiều quốc gia trên thế giới đã tới tham dự những khóa thiền Vipassana.

Thiền Sư Goenka đã hướng dẫn cho hàng chục ngàn người trong hơn 300 khóa thiền tại Ấn Độ và tại những quốc gia khác ở phương Đông lẫn phương Tây. Năm 1982, Thiền Sư bắt đầu bổ nhiệm những thiền sư phụ tá để giúp Ngài đáp ứng nhu cầu tổ chức thêm các khóa thiền ngày một gia tăng. Nhiều trung tâm thiền đã được thành lập dưới sự hướng dẫn của Thiền Sư tại Ấn Độ, Canada, Mỹ, Úc, New Zealand, Pháp, Anh, Nhật, Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện và những quốc gia khác trên thế giới.

Phương pháp do Thiền Sư Goenka giảng dạy tượng trưng cho một truyền thống có từ thời của Đức Phật. Đức Phật không bao giờ giảng dạy một tôn giáo mang tính chất tông phái; Ngài giảng dạy Dhamma (Pháp) – con đường giải thoát – là đường lối chung cho mọi người. Với cùng truyền thống đó, phương pháp của Thiền Sư Goenka hoàn toàn không mang tính chất tông phái. Vì lý do này, sự giảng dạy của Thiền Sư thích hợp với mọi người thuộc mọi thành phần, mọi tôn giáo hoặc không thuộc tôn giáo nào, ở mọi nơi trên thế giới.

Bài dưới đây dựa trên bài nói chuyện trước công chúng của Thiền Sư Goenka tại Bern, Thụy Sĩ vào năm 1980.


***

Mọi người đều tìm kiếm an lạc và hài hòa bởi vì đây là điều chúng ta thiếu trong cuộc sống. Đôi khi chúng ta cảm thấy bất an, bực bội, không yên. Và khi bị những nỗi khổ này hành hạ, chúng ta không giữ riêng cho mình mà thường trút sang người khác. Sự buồn phiền nhiễm vào bầu không khí xung quanh những người đang bị đau khổ. Những ai tiếp xúc với những người này đều bị ảnh hưởng lây. Chắc chắn đây không phải là cách sống khôn khéo.

Chúng ta nên sống an lạc với chính mình và an lạc với người khác. Tóm lại, con người là những sinh vật sống hợp quần, tạo thành xã hội và phải giao tiếp với nhau. Nhưng làm sao chúng ta có thể sống một cách an lạc được? Làm sao chúng ta có thể duy trì được sự hài hòa nội tâm, duy trì được sự an lạc và hài hòa xung quanh chúng ta để người khác cũng được sống an lạc và hài hòa?

Để thoát khỏi khổ đau, chúng ta phải biết nguyên nhân căn bản, nguồn gốc của khổ đau. Nếu chúng ta tìm hiểu vấn đề này, nó trở nên rõ ràng rằng, mỗi khi trong tâm có những phiền não, bất tịnh, chúng ta trở nên không vui. Phiền não trong tâm, một sự ô nhiễm tinh thần, một sự bất tịnh, không thể tồn tại chung với sự an lạc và hài hòa được.

Chúng ta khởi sự tạo ra phiền não bằng cách nào? Một lần nữa, nếu tìm hiểu chúng ta sẽ thấy rõ. Chúng ta trở nên không vui khi thấy ai hành xử theo lối chúng ta không ưa, hoặc khi chúng ta thấy những gì xảy ra mà ta không thích. Mỗi khi những điều trái ý xảy ra chúng ta tạo ra sự căng thẳng trong tâm mình. Khi những cái chúng ta muốn mà không đạt được vì vài trở ngại nào đó ta sẽ trở nên căng thẳng và tạo ra những nút thắt trong lòng. Và trong suốt cuộc đời, những điều không như ý liên tục diễn ra, những điều chúng ta muốn có thể hoặc không thể đạt được, những lối phản ứng bằng cách tạo ra những nút thắt – loại nút thắt hầu như không thể tháo gỡ được – làm cho toàn bộ tinh thần và thể xác căng thẳng, đầy phiền não khiến cho cuộc sống trở nên khổ sở.

Bây giờ, một cách để giải quyết vấn đề này là dàn xếp để trong cuộc đời không có điều gì trái ý xảy ra, để mọi điều đều xảy ra theo ý mình. Một là chúng ta phải có quyền phép nào đó hoặc ai cho chúng ta quyền phép này, để những điều trái ý không xảy ra và mọi cái chúng ta muốn đều đạt được. Nhưng điều này không bao giờ có thể có được. Không một ai trên cõi đời này đạt được mọi mong ước, mọi việc đều xảy ra theo ý mình mà không có gì trái ý. Sự việc tiếp tục xảy ra trái với sự mong muốn và ước nguyện. Do đó, câu hỏi được đặt ra là: Làm sao chúng ta ngừng phản ứng mù quáng khi gặp những điều trái ý? Làm thế nào để chúng ta ngừng tạo ra căng thẳng và giữ được sự an lạc và hài hòa?

Tại Ấn Độ cũng như tại các nước khác, những thánh nhân trong quá khứ đã nghiên cứu vấn đề này – vấn đề đau khổ của con người – và tìm ra giải pháp như sau: khi có điều trái ý xảy ra và chúng ta phản ứng bằng sự tức giận, bằng sợ hãi, hoặc bằng những bất tịnh khác, thì chúng ta nên lập tức chuyển sự chú tâm vào việc gì khác. Ví dụ như: đứng dậy lấy một ly nước uống, sự tức giận của ta sẽ không gia tăng mà ngược lại sẽ bắt đầu dịu bớt. Hoặc ta bắt đầu đếm một, hai, ba, bốn. Hoặc bắt đầu lặp lại một câu hoặc lời chú hoặc tên của một vị thần linh mà ta tôn sùng, tâm ta sẽ chuyển hướng và ta sẽ dịu bớt được phần nào sự phiền não, sẽ nguôi giận.

Giải pháp này hữu ích, đã có công hiệu; vẫn còn công hiệu. Giải quyết bằng cách này, tâm cảm thấy không còn bất an. Tuy nhiên giải pháp này chỉ công hiệu ở tầng lớp ý thức. Trên thực tế, bằng cách chuyển sự chú tâm, ta đẩy phiền não sâu vào trong tầng lớp vô thức, và tại đó ta vẫn tiếp tục tạo ra phiền não và làm chúng gia tăng gấp bội. Ngoài mặt có vẻ có an lạc, hài hòa, nhưng trong đáy lòng vẫn còn một núi lửa đang ngủ yên đầy những bất tịnh bị dồn nén và không sớm thì muộn cũng sẽ bùng nổ dữ dội.

Có những vị khác nghiên cứu sự thật về nội tâm đã tìm hiểu sâu rộng hơn, và bằng cách chứng nghiệm sự thật về tâm và thân ngay trong con người của họ và nhận ra rằng, chuyển sự chú tâm chỉ là một cách tránh né vấn đề. Tránh né không giải quyết được gì cả. Quý vị phải nhìn thẳng vào vào vấn đề. Khi nào phiền não nổi lên trong tâm, cứ quan sát nó, đối diện với nó. Ngay sau khi quý vị khởi sự quan sát, phiền não sẽ giảm cường độ và từ từ biến mất.

Giải pháp này rất tốt vì tránh được những cực đoan, không đè nén cũng không biểu lộ. Vùi sâu phiền não vào trong vô thức sẽ không loại trừ được nó, còn để nó biểu lộ bằng những việc làm hoặc lời nói bất thiện thì chỉ tạo thêm rắc rối. Nhưng nếu quý vị chỉ quan sát thì phiền não sẽ mất đi, và quý vị sẽ loại trừ được nó.

Điều này nghe rất hay, nhưng trên thực tế có thực hiện được không? Đối phó với cái xấu của chính mình không phải là dễ dàng. Khi sân hận nổi lên, nó chế ngự chúng ta nhanh đến nổi chúng ta không thể nhận ra nó được. Rồi mù quáng vì sân hận, chúng ta có những hành động và lời nói làm hại chính mình và người khác. Sau đó, khi đã nguôi giận, chúng ta khóc lóc, hối hận, cầu xin sự tha thứ từ người này, người nọ, hoặc từ các vị thần linh: “Ôi, con đã phạm lỗi, xin tha thứ cho con”. Nhưng rồi lần tới, chúng ta lại rơi vào tình trạng tương tự và cũng hành xử y như thế. Liên tục hối lỗi kiểu này không mang lại ích lợi gì cả.

Điều khó là chúng ta không biết khi nào phiền não bắt đầu. Nó khởi từ sâu thẳm trong tâm vô thức và khi đã nổi lên đến tầng nhận thức thì nó đã có đủ sức mạnh để chế ngự chúng ta khiến chúng ta không thể quan sát nó được.

Giả sử tôi mướn một thư ký riêng để khi nào sân hận nổi lên, người thư ký nói với tôi: “Xem kìa, sân hận đã bắt đầu”. Bởi vì tôi không biết khi nào sân hận xảy ra, tôi phải mướn đủ thư ký cho ba ca suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Nếu tôi có khả năng làm như thế, và khi sân hận nổi lên lập tức người thư ký báo cho tôi: “Ồ xem kìa sân hận đã bắt đầu”. Việc đầu tiên tôi sẽ làm là mắng người thư ký: “Đồ ngốc, bộ tưởng tôi trả tiền để dạy bảo tôi hả?”. Tôi đã bị sự sân hận chi phối quá nhiều đến nỗi sự khuyên bảo chẳng giúp ích được gì cả.

Giả sử tôi vẫn còn đủ khôn ngoan và không la mắng người thư ký. Trái lại, tôi còn nói: “Cám ơn nhiều. Bây giờ tôi phải ngồi xuống để quan sát sự sân hận của tôi”. Tuy nhiên, điều này có thể thực hiện được hay không? Ngay sau khi tôi nhắm mắt để quan sát, đối tượng gây ra sân hận lập tức hiện ra trong đầu – người hoặc sự việc gây ra sự sân hận này. Nhưng lúc đó tôi không quan sát chính sự sân hận mà chỉ quan sát căn nguyên bên ngoài gây ra sự sân hận này. Điều này chỉ làm cho sân hận gia tăng và chẳng giải quyết được gì cả. Thật khó mà quan sát bất cứ phiền não hoặc cảm xúc trừu tượng mà không nghĩ đến đối tượng bên ngoài gây ra chúng.

Tuy nhiên, một bậc giác ngộ đã tìm ra một giải pháp thiết thực. Vị đó khám phá ra rằng khi nào phiền não nảy sinh trong tâm, về sinh lý có hai hiện tượng xảy ra cùng một lúc: một là hơi thở mất nhịp điệu bình thường. Chúng ta bắt đầu thở mạnh hơn khi phiền não nảy sinh trong tâm. Điều này rất dễ quan sát. Ở mức độ tinh vi hơn, các phản ứng sinh hóa bắt đầu xảy ra trong cơ thể và tạo ra những cảm giác. Mọi phiền não đều tạo ra cảm giác này hay cảm giác khác trong cơ thể.

Điều này đưa đến một giải pháp thiết thực. Một người bình thường không thể quan sát được những phiền não trừu tượng trong tâm như sợ hãi, sân hận, si mê. Nhưng với sự hướng dẫn và tập luyện đúng cách thì rất dễ quan sát sự hô hấp và cảm giác trên cơ thể, cả hai đều liên quan trực tiếp đến những phiền não trong tâm.

Hơi thở và cảm giác sẽ giúp ta theo hai cách. Thứ nhất, nó giống như người thư ký riêng. Ngay khi phiền não nổi lên trong tâm, hơi thở sẽ mất bình thường. Nó sẽ báo động: “Coi kìa, có cái gì không ổn”. Vì chúng ta không thể la mắng hơi thở, chúng ta phải chấp nhận sự cảnh cáo của nó. Tương tự, cảm giác sẽ cho chúng ta biết có gì không ổn. Khi được cảnh giác, chúng ta có thể bắt đầu quan sát sự hô hấp, bắt đầu quan sát cảm giác, và rất nhanh chóng chúng ta nhận thấy sự phiền não mất đi.

Hiện tượng tâm và thân này giống như hai mặt của một đồng xu. Một mặt là ý nghĩ và cảm xúc hiện ra trong tâm, mặt kia là hơi thở và cảm giác trên thân. Bất cứ ý tưởng, xúc động nào, bất cứ phiền não nào nảy sinh trong tâm đều biểu hiện bằng hơi thở và cảm giác ngay lúc đó. Do đó, bằng cách quan sát sự hô hấp hoặc cảm giác, chúng ta thực sự quan sát phiền não trong tâm. Thay vì tránh né vấn đề, chúng ta phải trực diện với thực tế hiện hữu. Kết quả ta thấy rằng, phiền não mất đi sức mạnh, chúng không còn trấn áp được ta như trong quá khứ. Nếu ta kiên trì, chúng sẽ hoàn toàn biến mất và ta bắt đầu được sống an lạc, một cuộc sống ngày càng ít phiền não.

Bằng cách này, phương pháp tự quan sát cho chúng ta thấy thực tại ở hai phương diện: nội tâm và ngoại tâm. Trước đây, chúng ta chỉ nhìn bên ngoài mà quên đi sự thật bên trong. Chúng ta luôn luôn tìm kiếm bên ngoài về nguyên nhân của những bất hạnh. Chúng ta luôn luôn đổ lỗi và cố thay đổi thực tại bên ngoài. Vô minh về thực tại bên trong, chúng ta không bao giờ hiểu rằng nguồn gốc của sự đau khổ nằm trong ta, nằm ngay trong những phản ứng mù quáng đối với những cảm giác dễ chịu hoặc khó chịu.

Bây giờ, với sự tập luyện, chúng ta có thể thấy được mặt kia của đồng tiền. Chúng ta có thể ý thức về hơi thở của mình, cũng như những gì đang xảy ra trong người. Dù là hơi thở hay cảm giác, chúng ta chỉ quan sát chúng mà không đánh mất sự bình tâm. Chúng ta ngừng phản ứng, ngừng gia tăng sự đau khổ của mình. Trái lại, chúng ta để cho phiền não biểu lộ rồi mất đi.

Càng thực tập phương pháp này, những phiền não càng ngày càng tan mất nhanh chóng hơn. Dần dần tâm ta không còn những bất tịnh và trở nên trong sạch. Một tâm thanh tịnh lúc nào cũng tràn đầy tình thương – một tình thương không vị kỷ đối với mọi người, đầy lòng từ bi trước những đau khổ và thất bại của người khác, vui mừng vì sự thành công và an lạc của người khác, và luôn bình tâm trong mọi hoàn cảnh.

Khi đạt được trình độ này, mọi thói quen trong đời ta đều thay đổi. Ta không thể nào có những lời nói hoặc hành động phá rối sự an lạc và hạnh phúc của người khác. Trái lại, một tâm quân bình không những chỉ trở nên an lạc mà bầu không khí chung quanh cũng tràn ngập sự an lạc và hài hòa. Điều này sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến người khác và cũng giúp ích cho họ.

Bằng cách giữ được sự bình tâm trước mọi cảm xúc trong người, ta cũng tìm được cách tự tách biệt ra khỏi những gì gặp phải bên ngoài ta. Tuy nhiên sự tách biệt, không dính mắc này, không phải là sự tránh né hoặc thờ ơ với những khó khăn của cuộc đời. Những người thực tập thiền Vipassana đều đặn thường trở nên nhạy cảm hơn đối với những khổ đau của người khác và làm hết khả năng của mình để xoa dịu những khổ đau này, không phải với một cái tâm bất an mà với một cái tâm đầy tình thương, từ bi và sự bình tâm. Họ biết cách có được sự vô tư thánh thiện, học được cách tham gia hết lòng, tham dự nhiệt thành trong việc giúp đỡ người khác, đồng thời duy trì được sự bình tâm. Bằng cách này, họ giữ được sự an lạc và hạnh phúc trong lúc làm việc vì sự an lạc và hạnh phúc của người khác.

Đây là những gì Đức Phật giảng dạy: Một Nghệ Thuật Sống. Ngài không thành lập một tôn giáo hay một chủ thuyết nào cả. Ngài không bao giờ chỉ dẫn cho những người đến với Ngài thực hành nghi thức hay nghi lễ nào, những hình thức sáo rỗng. Trái lại, Ngài chỉ dạy cho họ quan sát thế giới tự nhiên như nó thật sự hiện hữu bằng cách quan sát thực tại nội tâm. Vì vô minh nên chúng ta luôn luôn hành xử theo lối có hại cho mình và cho người. Nhưng khi đã có trí tuệ, trí tuệ do sự quan sát sự thật đúng như thật, thói quen phản ứng này mất đi. Khi chúng ta ngừng phản ứng mù quáng, chúng ta có khả năng hành xử một cách vô tư với sự bình tâm, một cái tâm thấy và hiểu được chân lý. Cách hành xử như vậy chỉ có thể mang tính tích cực, đầy sáng tạo có lợi cho mình và cho người.

Như vậy điều cần thiết là “biết mình”, lời khuyên của mọi thánh nhân. Chúng ta phải hiểu chính mình không phải chỉ bằng sách vở, bằng lý thuyết, không phải chỉ bằng cảm xúc, hoặc đức tin, chỉ chấp nhận một cách mù quáng những gì chúng ta nghe và học được. Sự hiểu biết như vậy không đủ. Tốt hơn hết, chúng ta phải hiểu đươc thực tại bằng cách thể nghiệm. Chúng ta phải chứng nghiệm trực tiếp về thực tại của hiện tượng thân và tâm này. Chỉ riêng điều này sẽ giúp chúng ta thoát khỏi đau khổ.

Kinh nghiệm trực tiếp thực tại bên trong này, phương pháp tự quan sát này, được gọi là thiền Vipassana. Theo ngôn ngữ Ấn Độ vào thời của Đức Phật, passana có nghĩa là thấy một cách bình thường với con mắt mở rộng. Nhưng Vipassana là quan sát sự việc đúng như thật chứ không phải có vẻ như thật. Sự thật hiển lộ ra bên ngoài cần phải được xuyên thủng cho tới khi ta thấy được sự thật rốt ráo của toàn thể cấu trúc tâm lý - vật lý này. Khi đã chứng nghiệm được sự thật này, chúng ta sẽ biết cách ngừng phản ứng mù quáng, ngừng tạo ra phiền não mới và những phiền não cũ sẽ từ từ mất đi một cách tự nhiên. Chúng ta sẽ hết khổ và hưởng đươc hạnh phúc thật sự.

Trong một khóa thiền, sự tu tập gồm có ba phần. Đầu tiên ta phải tránh những hành động bằng lời nói hoặc việc làm có hại cho sự an lạc và hài hòa của người khác. Ta không thể tu tập để giải thoát khỏi những bất tịnh trong khi có những hành động và lời nói làm gia tăng những bất tịnh này. Do đó, giới luật là điều rất quan trọng trong bước đầu tu tập. Ta thực hành không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không sử dụng những chất gây nghiện. Bằng cách tránh khỏi những hành động này, ta làm cho tâm tĩnh lặng đủ để tiến xa hơn.

Phần kế tiếp là tu tập làm chủ được cái tâm vọng động bằng cách chú tâm vào một đối tượng: đó là hơi thở. Ta cố gắng giữ được sự chú tâm vào sự hô hấp càng lâu càng tốt. Đây không phải là sự tập luyện về hơi thở, ta không điều khiển hơi thở. Trái lại ta quan sát sự hô hấp bình thường, lúc ra, lúc vào. Bằng cách này, ta làm cho tâm được tĩnh lặng hơn nữa, để nó không bị những phiền não chi phối. Cùng một lúc ta định được tâm, làm cho tâm nhạy bén và sâu sắc để có thể đưa đến tuệ giác.

Hai phần đầu này, sống có đạo đức và làm chủ được tâm rất cần thiết và ích lợi nhưng chúng chỉ đưa đến sự đè nén những phiền não nếu chúng ta không tập phần thứ ba, đó là thanh lọc tâm hết những phiền não bằng cách phát triển tuệ giác trong chính bản thân mình. Đây là Vipassana: chứng nghiệm sự thật về bản thân bằng cách quan sát bên trong ta một cách vô tư và có hệ thống những hiện tượng thay đổi không ngừng của thân và tâm thể hiện qua cảm giác. Đây là đỉnh cao của những lời dạy của Đức Phật: tự thanh lọc tâm bằng cách tự quan sát.

Mọi người ai cũng có thể tu tập được. Mọi người đều phải đương đầu với khổ đau. Đây là bệnh chung của con người và cần phải có thuốc chữa chung, không cho riêng ai. Khi ta đau khổ vì sân hận, nó không phải là sự sân hận của Phật giáo, hoặc sự sân hận của Ấn Độ giáo, hoặc sự sân hận của Thiên Chúa giáo. Sân hận là sân hận. Khi ta bất an vì giận dữ thì sự bất an này không chỉ dành riêng cho người theo Thiên Chúa giáo, hoặc Do Thái giáo hoặc Hồi giáo. Bệnh này là bệnh chung của nhân loại. Thuốc chữa phải chữa được cho mọi người.

Vipassana là một phương thuốc như thế. Không ai phản đối lối sống tôn trọng sự an lạc và hài hòa của người khác. Không ai phản đối việc làm chủ được tâm. Không ai phản đối sự phát triển tuệ giác nơi chính bản thân mình để có thể giải thoát tâm khỏi những phiền não. Vipassana là con đường chung cho mọi người.

Quan sát thực tại đúng như bản chất của nó bằng cách quan sát sự thật nội tâm – đây là biết mình trực tiếp và bằng chứng nghiệm. Càng thực tập ta càng thoát khỏi được đau khổ vì những bất tịnh trong tâm. Từ sự thật thô thiển, biểu lộ bề ngoài, ta xuyên thấu tới sự thật tối hậu về thân và tâm. Khi vượt qua được giai đoạn này, ta chứng nghiệm được một sự thật vượt ra ngoài thân và tâm, vượt thời gian và không gian, vượt ra ngoài phạm vi tương đối: chân lý về sự giải thoát hoàn toàn khỏi mọi phiền não, mọi bất tịnh, mọi khổ đau. Bất cứ danh từ nào ta gán cho sự thật tối hậu này đều không thành vấn đề. Chứng nghiệm được sự thật này là mục tiêu cuối cùng của mọi người.

Chúc quý vị chứng nghiệm được sự thật tối hậu này. Chúc mọi người thoát khỏi khổ đau. Chúc mọi người hưởng được an lạc thật sự, hài hòa thật sự, hạnh phúc thật sự.

Nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc.


Xem bản song ngữ Anh-Việt tại đây.

Muốn biết thêm chi tiết về Thiền Vipassana, xin vui lòng liên lạc với ban tổ chức Thiền Vipassana cho người Việt:

- Email: vipassana.viet@gmail.com

- Hoặc viếng trang web www.dhamma.org/vi (tiếng Việt)

www.dhamma.org (tiếng Anh)

Lịch trình ba khóa thiền tiếng Việt 10 ngày tại tiểu bang California năm 2018:

1. Ngày 30 tháng 5 cho đến ngày 10 tháng 6, 2018 tại Thành Phố North Fork, CA 93643

2. Ngày 11 đến ngày 22 tháng 4, 2018 tại Thành Phố Twentynine Palms, CA 92277

3. Ngày 13 đến ngày 24 tháng 6, năm 2018 tại Thành Phố Twentynine Palms, CA 92277


Nếu quý vị cần sự giúp đỡ của các thiền sinh nói tiếng Việt tại California xin vui lòng liên lạc:

Telephone:
• Hưng : 714-588-0809 .
• Ngọc : 657-272-2281 .
• Tuấn : 949-532-2603 .
• Mai : 818-879-8141 .
• Hạo : 510-328-0779 .
• Kiên : 714-889-0911 .
• Minh : 657-363-9423 .
• Bảo Chân: 714-425-0592 .

Email:
viet.vipassana.california@gmail.com

Nhóm Hỗ trợ Tự nguyện: hotro@pgvn.org

California Vipassana Centers

Dhamma Mahavana
Dhamma Vaddhana
Dhamma Manda

Ba Trung Tâm Thiền Vipassana tại California

North Folk, CA 93643
Joshua Tree, CA 92252
Cobb, CA 95426


Ba Trung tâm dạy thiền Vipassana được tọa lạc trên những vùng đất yên tĩnh về phía Bắc và Nam California.
Từ lúc khánh thành đến nay các trung tâm đã tiếp đón hàng ngàn thiền sinh từ các sắc dân và tôn giáo khác nhau về đây tu học.

Vipassana có nghĩa là “nhìn thấy sự việc đúng như thật”. Đây là phương pháp thanh lọc tâm mà Đức Phật Thích Ca đã thực hành và giảng dạy trong suốt 45 năm hành đạo của Ngài.

Khoảng 5 thế kỷ sau khi Đức Phật nhập diệt, phương pháp thiền Vipassana đã không còn tồn tại ở Ấn Độ và nhiều nước khác. Nhưng duy nhất tại Miến Điện, sự tinh khiết ban sơ của nó vẫn được bảo tồn là nhờ lòng quyết tâm vững chãi của rất nhiều thế hệ thiền sư.

Vào năm 1969, qua một sự tình cờ, thiền Vipassana lại được mang trở về đất nước Ấn Độ dưới sự giảng dạy của thiền sư S. N. Goenka (một đại đệ tử của thiền sư Sayagi U Ba Khin, Miến Điện). Vì thành quả hữu hiệu của nó, Vipassana đã được mang vào các trại giam để giúp cải huấn các tù nhân. (quí vị có thể vào Youtube để xem đoạn phim tài liệu: "Doing Time, Doing Vipasssana" để hiểu rõ hơn.)

Phương pháp này đòi hỏi thiền sinh phải lưu trú tại trung tâm và tuân theo nội quy suốt khoá học. Sự tu tập chuyên cần và nhẫn nại sẽ giúp các thiền sinh đạt đến nhiều thành công sau khi hoàn mãn.

Hỏi đáp về thiền Vipassana

-Tôi không phải là Phật Tử, tôi có học phương pháp thiền này được không ?


Mọi người, bất kể thuộc tôn giáo nào đều có thể theo học phương pháp thiền này. Vipassana tuyệt đối không yêu cầu cải đạo. Mặc dù Vipassana là tinh tuý của những gì Đức Phật giảng dạy nhưng nó không là một tôn giáo. Toàn thể phương pháp thật ra là một sự rèn luyện tinh thần. Cũng giống như tập thể dục để trau dồi thể lực, Vipassana có thể giúp chúng ta có được một tâm hồn lành mạnh hơn nếu chúng ta biết thực tập đúng phương pháp.

-Tại sao khoá thiền lại dài đến 10 ngày ?

Mười ngày là thời gian tối thiểu để học được những điều chính yếu của phương pháp này từ đó có thể áp dụng Vipassana vào đời sống của mình.

-Tại sao chúng ta phải giữ im lặng trong suốt 9 ngày đầu của khoá thiền ?

Sự im lặng sẽ giúp cho tâm ta bớt dao động nên đây là một điều rất cần thiết để duy trì sự thực tập một cách nghiêm túc. Tuy nhiên quý vị có thể trao đổi với ban quản trị và các thiền sư phụ tá nếu quý vị có những điều cần giúp đỡ.

-Ngôn ngữ nào được sử dụng trong các khoá thiền ?

Sự giảng dạy của thiền sư S. N. Goenka được thâu âm bằng tiếng Anh và tiếng Ấn Độ. Các bài học được chuyển âm ra rất nhiều thứ tiếng trong đó có tiếng Việt Nam. Vấn đề ngôn ngữ thường không phải là phần trở ngại cho những ai muốn theo học phương pháp thiền này.

-Tôi không thể ngồi xếp bằng, tôi có hành thiền được không ?

Chắc chắn là được. Ghế ngồi luôn được cung cấp cho những người không thể ngồi trên sàn nhà vì tuổi tác hoặc vì lý do sức khoẻ.

-Học phí của khoá thiền này là bao nhiêu?

Các trung tâm dạy thiền Vipassana đều không nhận học phí. Tuy nhiên vào cuối khóa, những sự đóng góp về tài chánh hoặc công sức đều tùy hỷ. Mục đích của sự đóng góp là để tạo điều kiện cho các thiền sinh mới khác có cơ hội đến tu học và mong họ cũng có được sự lợi lạc như mình.

-Các thiền sư được trả bao nhiêu để hướng dẫn các khoá thiền ?

Theo truyền thống Vipassana, tất cả các thiền sư đều không nhận tiền thù lao. Vì lòng từ bi, họ đến giảng dạy trong tinh thần tự nguyện. Cách đền ơn ý nghĩa nhất đối với các vị thiền sư này không gì ngoài sự thực tập chuyên cần của quý vị.

-Tôi không có xe, tôi có thể đến trung tâm bằng cách nào ?

Quý vị có thể đến trung tâm bằng xe bus hoặc đi chung xe với những thiền sinh khác. Khi quý vị ghi tên cho khoá học, quý vị nên cho trung tâm biết mình cần được giúp trong phương tiện di chuyển.

-Tôi có thể học phương pháp thiền này ở những nơi khác không ?

Quý vị có thể ghi tên học ở bất kỳ trung tâm nào, những lời chỉ dẫn và thời khóa biểu tại các nơi đều giống nhau.

Bấm vào đây để xem địa điểm của các trung tâm tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.

-Tôi có thể giữ đạo hoặc pháp môn của tôi sau khoá thiền không ?

Vipassana không mang tính chất giáo phái hay tông phái, không khuyến khích quý vị phải thay đổi tôn giáo của mình. Mục đích của phương pháp này là để giúp cho mọi người có được một cuộc sống an lạc và hoà hợp thật sự cho chính mình.

Cảm nghĩ của các thiền sinh VN sau khóa 10 ngày:

"Những suy nghĩ về đạo cũng như về đời của con đã thay đổi theo chiều hướng tích cực sau khoá học đầu tiên. Con cảm thấy mình rất may mắn và hạnh phúc khi học được phương pháp thiền Vipassana này."
Tâm Hạnh

“Ước gì con biết về phương pháp thiền này sớm hơn....”
Chân Độ

“Phương pháp giảng dạy của Ngài Goenka rất dễ thực hành. Đây là khoá thiền đầu tiên mà con tự nhận thấy được sự tiến triển của mình qua từng ngày.”
Tâm Chi

Khoá thiền được tổ chức rất quy củ. Mọi người không phân biệt tuổi tác, ngôn ngữ, tôn giáo đều có thể theo học."
P. Truong

"Nơi đó có nhiều yên bình."
Chính Hoàng

"Phương pháp thực tập đơn giản, hữu hiệu, không nặng phần nghi lễ. Yên lặng đối diện với chính mình để có được tâm an và quân bình trong cuộc sống."
Nguyên Tịnh

Website in English:
http://www.dhamma.org/

Website tiếng Việt Nam:
http://www.dhamma.org/vi/





Quý vị đang truy cập từ IP 100.25.40.11 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (410 lượt xem) - Việt Nam (128 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - ... ...