Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là đáng sống. (Only a life lived for others is a life worthwhile. )Albert Einstein
Cho dù người ta có tin vào tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, thì ai ai cũng đều phải trân trọng lòng tốt và tâm từ bi. (Whether one believes in a religion or not, and whether one believes in rebirth or not, there isn't anyone who doesn't appreciate kindness and compassion.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Hoa nhẫn nhục »» Thực hành nhẫn nhục »»

Hoa nhẫn nhục
»» Thực hành nhẫn nhục

(Lượt xem: 8.417)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Hoa nhẫn nhục - Thực hành nhẫn nhục

Font chữ:


Diễn đọc: Trường Tân
Hoa nhẫn nhục là loài hoa mọc trên đất tâm (tâm địa). Hạt giống của nó luôn sẵn có trong khu vườn Phật pháp nên bất cứ ai cũng có thể mang về gieo trồng. Rất nhiều người đã gieo trồng loài hoa này và thu hoạch được những lợi ích vô cùng lớn lao. Mặc dù vậy, cho đến nay nó vẫn còn là một loài hoa quý hiếm, vì số người thành công trong việc gieo trồng hoa nhẫn nhục vẫn còn là quá ít so với số người chưa từng được biết đến những công năng kỳ diệu và lợi ích lớn lao của nó.

Vì sao một loài hoa luôn sẵn có hạt giống và bất cứ ai cũng có thể mang về gieo trồng nhưng vẫn là quý hiếm? Đó là vì sự chăm sóc cây hoa này có nhiều điểm đặc biệt không dễ dàng. Những người thất bại thường là vì không biết chăm sóc đúng cách, vì thế mà việc trồng hoa của họ không mang lại kết quả. Nếu việc trồng hoa đã không mang lại kết quả, thì việc sẵn có hạt giống liệu có ích gì?

Ngày xưa có một vị tăng trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, sau khi được nghe thầy giảng dạy về hạnh nhẫn nhục liền hạ quyết tâm là phải tu tập thành tựu pháp môn này. Vị ấy rời khỏi ngôi chùa trong làng, tìm đến sống trong một hang đá trên ngọn đồi cách làng khá xa. Ngày ngày ông ta uống nước suối, ăn rau rừng để sống qua bữa và tập trung tinh thần suy xét về pháp môn nhẫn nhục. Vì nơi ông ở cách xa làng nên không có bất cứ ai đến quấy rầy việc tu tập của ông. Cứ như vậy trong một thời gian khá lâu.

Nhưng ngày kia có một nông dân trong làng bị lạc mất con nghé, tìm mãi suốt ngày không thấy. Sau cùng, ông phát hiện thấy dấu chân chú nghé con chạy về phía ngọn đồi nên tìm theo về hướng đó. Khi mặt trời gần khuất bóng thì ông lên đến lưng chừng đồi và nhận thấy ở đó có một cái hang nằm sau mấy lùm cây rậm. Nghĩ rằng chú nghé con có thể đang ẩn náu trong đó nên ông tìm đến. Nhìn vào trong hang, ông thấy một vị tăng đang ngồi trong tư thế tĩnh tọa.

Vì là một người khá nóng tính nên ông to tiếng hỏi một cách thô lỗ: “Ông kia! Có nhìn thấy con nghé của tôi lạc vào đây không?”

Người trong hang lặng thinh. Người nông dân nghĩ rằng ông ta vẫn chưa nghe rõ, liền hét lớn: “Này, tôi hỏi ông đấy. Có nhìn thấy một con nghé lạc vào đây không?” Bấy giờ, người trong hang mới từ từ ngẩng đầu lên, đáp: “Không.”

Người nông dân bực tức, tiếp tục quát tháo: “Hừ, không thấy thì nói không thấy, sao phải đợi hỏi nhiều lần đến thế? Ông làm gì ở đây?”

Ông tăng đáp: “Tôi tu hạnh nhẫn nhục.”

Người nông dân bỗng phá lên cười rất to rồi nói: “Tu hành gì cái ngữ như ông đấy! Gặp người không muốn chào hỏi. Thấy người cần kíp không muốn giúp, chỉ biết ngồi yên một chỗ như thế thì tu hành cái quái gì?”

Ông tăng trẻ không chịu đựng được nữa, bực tức đứng dậy sừng sộ: “Này, tôi ngồi yên thì đã sao nào? Có can dự gì đến việc của ông mà vào đây quấy phá tôi?”...

Câu chuyện tạm dừng ở đây, vì không nói thì ai cũng có thể thấy là hạt giống nhẫn nhục mà vị tăng trẻ tuổi kia gieo trồng đã không mọc nổi thành hoa! Mặc dù vậy, bài học rút ra từ câu chuyện này có vẻ như sẽ là hữu ích cho nhiều người trong chúng ta.

Nhẫn nhục không phải là một đức tính có thể đạt được trong môi trường cách biệt. Khi chúng ta nhiều năm không nổi giận vì không có ai chọc giận, điều đó hoàn toàn không phải là nhẫn nhục. Chỉ khi đối mặt với những hoàn cảnh thách thức, khơi dậy sự sân hận mà ta có thể vượt qua được một cách thản nhiên, đó mới gọi là nhẫn nhục. Và hơn thế nữa, cũng cần lưu ý đến những yếu tố mà ta đã bàn đến trong phần trước. Đó là: không có tâm sân hận, không kết thành thù oán và không khởi ý xấu ác.

Khi chúng ta tu tập hạnh nhẫn nhục, sự thành tựu cũng không thể nhất thời đạt đến. Vấn đề là những khác biệt nhất định mà ta có thể tạo ra trong sự ứng xử của mình. Chính sự chuyển hóa tích cực trong lòng ta – cho dù có thể rất ít – là dấu hiệu của sự nảy mầm và phát triển hạt giống nhẫn nhục. Và chỉ trong một môi trường rèn luyện thích hợp dài lâu thì cây mới có thể trưởng thành để trổ hoa, kết hạt.

Nói về môi trường tu tập cũng như sự rèn luyện hạnh nhẫn nhục, người xưa đã có sự đúc kết trong một câu tục ngữ rất cô đọng và chính xác: “Thứ nhất tu nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.” Bằng vào kinh nghiệm thực tế trong dân gian, người ta đã thấy rằng sự tu tập chỉ có thể đạt được kết quả tốt và phát triển trong những môi trường có sự va chạm, tiếp xúc và chướng ngại. Nếu ai đó sớm lìa bỏ mọi quan hệ gia đình và xã hội để vào chùa tu tập, người ấy sẽ không có được những cơ hội rèn luyện qua sự va chạm, tiếp xúc, và vì thế sẽ khó có được một nội tâm vững chãi. Một khi gặp phải sự thách thức, trở ngại, những người như thế sẽ rất dễ dàng bị quật ngã, như trong trường hợp mẩu chuyện nhỏ mà chúng ta vừa kể trên. Vì thế, có thể thấy là câu tục ngữ trên hoàn toàn có thể được vận dụng trong trường hợp thực hành hạnh nhẫn nhục mà chúng ta đang bàn đến. 

Thật vậy, gia đình là môi trường tiếp xúc đầu tiên và quan trọng nhất của tất cả chúng ta. Vì thế, đây cũng là điểm khởi đầu tốt nhất để tu tập hạnh nhẫn nhục. Khi thực hành nhẫn nhục với những người thân trong gia đình, chúng ta có được sự hỗ trợ của yếu tố tình thân nên chắc chắn sẽ dễ dàng hơn so với khi đối diện người ngoài. Vì thế, cây non nhẫn nhục mà chúng ta gieo trồng sẽ có được một môi trường thích hợp nhất để dần dần phát triển.

Mặc dù gia đình là tổ ấm của chúng ta, là nơi chỉ quy tụ toàn những người ta thương yêu và gắn bó, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là sẽ không có những va chạm, xung đột hay mâu thuẫn. Sự thật, chính trong môi trường gia đình mới là nơi xảy ra nhiều sự va chạm, mâu thuẫn nhất, đơn giản chỉ là vì phần lớn những sự trao đổi, tiếp xúc của chúng ta đều diễn ra trong gia đình.

Mỗi ngày bạn có hai buổi làm việc, nhưng trong hai buổi đó thì công việc đã chiếm hầu hết thời gian của bạn. Ngược lại, mỗi giây phút bạn trở về với gia đình đều là những giây phút để trao đổi, tiếp xúc với người chung quanh. Bạn có thể trò chuyện khi dọn dẹp nhà cửa, rửa bát đĩa, dọn bàn ăn hoặc ngay cả trong khi ăn... Và mọi hành vi ứng xử, mọi công việc bạn thực hiện trong gia đình đều có những ảnh hưởng nhất định đến mọi người chung quanh. Chính vì thế mà trong những sự giao tiếp, tiếp xúc quá thường xuyên này sẽ dễ dàng nảy sinh những vấn đề bất đồng, những mâu thuẫn, những sự trái ý...

Điều tất nhiên là những vấn đề mới nảy sinh trong gia đình thường rất nhỏ nhặt, thậm chí chỉ là vụn vặt. Nhưng nếu chúng ta không giải tỏa được ngay từ những vấn đề nhỏ nhặt, vụn vặt đó, thì chúng sẽ tích tụ và phát triển dần để trở thành một ngọn lửa hung dữ, có thể thiêu cháy mọi tình cảm của chúng ta. Những xung đột giữa vợ chồng chẳng hạn, thường chỉ bắt đầu từ những điều trái ý nho nhỏ, dần dần mới trở thành những định kiến không tốt nơi mỗi người. Rồi từ những định kiến đó, mọi vấn đề tiếp theo sẽ được phóng đại lên, cường điệu hóa đến mức gần như vô lý. Và vì nhận thức của mỗi người đều trở nên gần như vô lý, nên khả năng hòa giải, cảm thông nhau ngày càng trở thành khó khăn hơn.

Những hố sâu cách biệt trong tình cảm giữa cha con, mẹ con hay anh chị em cũng bắt đầu từ những điều rất nhỏ. Chỉ vì những điều rất nhỏ đó không được hóa giải, không được triệt tiêu, nên nó mới có cơ hội để lớn dần theo với thời gian và cuối cùng tạo nên những tai họa không ai lường trước được.

Việc bắt đầu thực hành nhẫn nhục trong gia đình là một sự chọn lựa môi trường thích hợp, cho dù tính chất của hạnh nhẫn nhục thì không có gì khác biệt khi ta vận dụng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khi một người thân trong gia đình làm điều gì đó gây tổn hại cho bạn, tôi tin chắc là bạn sẽ dễ dàng tha thứ hơn so với một người xa lạ. Đây chính là điểm tốt nhất cho một sự khởi đầu. Vấn đề là bạn biết chấp nhận, chịu đựng trong tinh thần nhẫn nhục, nghĩa là không sinh khởi bất cứ sự giận hờn hay bực tức nào. Khi bạn có thể thực hiện điều này một lần, hai lần, cho đến nhiều lần..., từ sự chấp nhận và tha thứ một lời nói xúc phạm, một hành vi gây tổn hại, cho đến cả một sự khiêu khích hung hãn... thì rõ ràng hạt giống của cây hoa nhẫn nhục đã bắt đầu bén rễ đâm chồi trên đất tâm của bạn.

Việc thực hành nhẫn nhục trong gia đình không chỉ mang lại sự chuyển hóa riêng cho bản thân chúng ta. Sự thật là, mọi người quanh ta chắc chắn sẽ cảm nhận được những thay đổi tốt đẹp hơn, cao thượng hơn trong cung cách ứng xử cũng như lời nói và việc làm của ta. Vì thế, họ không thể không có những phản ứng tích cực hơn. Một người chị dù hung hăng đến đâu cũng không thể tiếp tục chì chiết đứa em mình khi nó luôn đáp trả bằng sự nhẫn nhục, hòa kính. Một người cha dù khó tính đến đâu cũng không thể tiếp tục quát tháo con cái khi nó luôn đáp lại bằng sự nhẫn nhục, hiếu thuận... Tương tự như vậy, mọi sự căng thẳng trong gia đình chắc chắn sẽ giảm dần đi, trong khi tình thương được nuôi dưỡng và không khí ngày càng trở nên thuận hòa, đầm ấm hơn.

Nhưng ngay cả trong tình huống xấu nhất, khi mọi người quanh ta đều bị đắm chìm trong si mê và sân hận, thì sự thực hành nhẫn nhục chắc chắn cũng sẽ giúp ta sống tốt hơn, an ổn hơn trong một môi trường như thế. Mặt khác, chính trong những môi trường khắc nghiệt như thế sẽ càng giúp cho tâm nhẫn nhục được trau giồi, rèn luyện, và nếu có thể vượt qua được thì cây hoa nhẫn nhục của ta sẽ càng sớm được trưởng thành, phát triển một cách nhanh chóng hơn.

Khi ta đã có thể thực hành tốt hạnh nhẫn nhục với cha mẹ, anh chị em và tất cả những người thân khác trong gia đình, đó là lúc ta có thể bắt đầu thực hành việc “tu chợ”, nghĩa là vận dụng tinh thần nhẫn nhục vào những mối quan hệ tiếp xúc ngoài xã hội. Đó là những mối quan hệ trong công việc, trong giao tiếp bạn bè, trong lúc đi đường hoặc trong khi mua sắm... Nói chung là tất cả những mối quan hệ, tiếp xúc nằm ngoài môi trường gia đình.

Môi trường xã hội tất nhiên là sẽ phức tạp hơn nhiều so với trong gia đình, vì chúng ta thường không hiểu được gì nhiều về những người mà ta tiếp xúc. Mặt khác, những nội dung và hoàn cảnh tiếp xúc cũng đa dạng và phức tạp hơn. Chúng ta thường ít khi có được kinh nghiệm về những trường hợp tương tự như sự việc đang xảy ra, và vì thế để thực hành nhẫn nhục đòi hỏi phải có một nội tâm vững chãi và sự hiểu biết sâu sắc. Những điều này ta cần phải đạt được từ sự rèn luyện trong môi trường gia đình, và tiếp tục phát triển hơn nữa khi vận dụng vào môi trường xã hội.

Tuy có sự phân biệt về môi trường tiếp xúc như trên, nhưng thật ra thì dù ở nơi đâu cũng vẫn là sự tiếp xúc với những con người. Và con người thì bao giờ cũng có những điểm chung mà ta có thể học hỏi được qua từng trường hợp giao tiếp. Vì thế, khi bạn thực hành nhẫn nhục qua một thời gian dài, bạn sẽ có thể tích lũy được những vốn liếng kinh nghiệm quý giá, giúp bạn ứng xử tốt hơn trong từng trường hợp cụ thể.

Khi đã thành công và vượt qua được hai giai đoạn “tu nhà” và “tu chợ”, vấn đề sẽ trở nên dễ dàng hơn khi chúng ta bắt đầu việc “tu chùa”. Đây cũng có thể xem là giai đoạn cuối cùng dành cho sự hoàn thiện và nâng cao khả năng thực hành nhẫn nhục của mỗi người chúng ta.

Chúng ta nên hiểu việc “tu chùa” ở đây không có nghĩa là phải vào chùa ở để tu, mà là sự tu tập với những tiêu chuẩn và định hướng mang tính chuyên sâu và thuần khiết hơn. Sở dĩ ta nên hiểu như thế, vì chùa là nơi chỉ dành riêng cho việc tu tập, nên tu tập trong môi trường ở chùa có nghĩa là dành trọn mọi nỗ lực tinh thần cho việc tu tập mà không còn bị chi phối vào bất cứ mục đích nào khác. Khi ta có thể tu tập được như vậy, thì dù không bước chân vào ở hẳn trong chùa cũng có thể gọi là “tu chùa”.

Nếu như trong những giai đoạn trước, chỉ cần ta giữ được sự bình thản để vượt qua những trường hợp thử thách là có thể xem như thành công, thì trong giai đoạn này chúng ta còn cần phải soi rọi sâu vào tự tâm mình để thấy được hết thảy mọi tâm niệm, cho đến những tâm niệm nhỏ nhiệm, vi tế nhất. Mỗi một sự nhẫn nhục của ta phải bao hàm trọn vẹn, đầy đủ các tính chất không sân hận, không kết oán và không có ác ý. Và nhờ có ba yếu tố này mà cả bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ, xả sẽ được sinh khởi và nuôi dưỡng.

Nhờ không khởi tâm sân hận nên khi nhìn rõ sự việc một cách khách quan và sáng suốt, ta sẽ khởi tâm thương xót những kẻ đã gây tổn hại cho ta, vì điều đó biểu lộ sự si mê và sân hận của họ. Từ đó mà tâm từ và tâm bi được sinh khởi: chúng ta mong muốn giúp họ vượt thoát khổ đau cũng như mong muốn mang đến niềm vui cho họ. Nhờ không kết thành oán thù và không sinh khởi ác ý nên tâm hỷ và tâm xả được sinh khởi: chúng ta có thể buông xả sự việc để thật lòng cảm thông và tha thứ cho hành vi sai trái của đối phương, thản nhiên và vui vẻ chấp nhận những tổn hại mà họ đã gây ra cho ta.

Những yêu cầu và chuẩn mực như thế rõ ràng không phải là chuyện dễ dàng chút nào đối với những người đang mưu sinh trong vòng thế tục. Vì thế mà tôi nghĩ rằng ta nên hiểu chúng thuộc về môi trường “tu chùa”. Tuy nhiên, với những ai đã kiên trì tu tập hạnh nhẫn nhục trong một thời gian dài thì việc đạt đến những chuẩn mực như thế cũng không phải là điều không thể được.

Mặt khác, cũng trong quá trình tu tập, khi quay về soi rọi tự tâm chúng ta sẽ nhận ra một sự thật là: những tâm sân hận, những sự bực dọc hay khó chịu của chúng ta không chỉ sinh khởi do những nguyên nhân đến từ người khác. Chúng còn được khởi lên – và thậm chí với một mức độ thường xuyên hơn – bởi những cảm xúc trong tâm ta và những cảm xúc được sinh ra từ các yếu tố môi trường bất lợi. Chẳng hạn, khi ta có một cơn đau nhức ở đâu đó trong thân thể, điều đó có thể là nguyên nhân khiến ta sinh ra những ý niệm bực tức, khó chịu. Hoặc khi thời tiết quá nóng bức đến mức tưởng chừng như ta không thể chịu đựng thêm được nữa, điều đó cũng có thể là nguyên nhân làm ta khó chịu, bực tức. Khi ta mong muốn một sự việc nào đó xảy ra, nhưng phải chờ đợi rất lâu mà sự việc ấy vẫn chưa xảy ra, ta cũng có thể cảm thấy bực mình. Hoặc khi ta hết sức khó chịu vì tiếng nhạc ồn ào của nhà bên cạnh, nhưng chờ đợi mãi mà nó vẫn không chấm dứt, ta có thể sinh ra khó chịu, bực tức...

Và còn có vô số trường hợp như thế, những nguyên nhân tương tự như thế trong cuộc sống, lúc nào cũng có thể làm cho ta sinh khởi những ý niệm bực tức, khó chịu. Khi thực hành nhẫn nhục, ta quan sát tất cả những tâm niệm khó chịu này ngay từ khi chúng vừa khởi lên và sử dụng sự sáng suốt, tỉnh thức của mình để phân tích chúng. Khi ấy, ta luôn thấy ra được những nguyên nhân đích thực của vấn đề, và vì thế cũng sẽ thấy rằng sự khó chịu, bực mình của ta là hoàn toàn vô lý cũng như không mang lại chút lợi ích nào. Chúng thường được sinh ra do thói quen, tập quán từ lâu đời lâu kiếp, lâu đến nỗi đã ăn sâu vào trong tâm thức chúng ta đến mức ta rất khó lòng nhận biết. Dù vậy, một khi đã nhận biết và từ bỏ được những thói quen này, tâm thức ta sẽ được giải thoát khỏi vô số những gánh nặng, sẽ được thoát khỏi vô số sự trói buộc, và sẽ cảm nhận được vô số những niềm vui thanh thản, an nhiên và tự tại.

Nói tóm lại, nếu ta biết thực hành và nuôi dưỡng hạnh nhẫn nhục qua từng môi trường thích hợp, khả năng thành công sẽ lớn hơn nhiều. Một khi cây non nhẫn nhục được gieo trồng trong môi trường gia đình đã đủ lớn mạnh, nó sẽ không dễ dàng bị thui chột, héo úa trước nắng gió trong môi trường xã hội phức tạp hơn.

Và cũng chính sự phát triển tuần tự, hợp lý này sẽ mang lại cho chúng ta những kết quả lợi ích lớn lao trong đời sống. Và những lợi ích thực tiễn này lại chính là chất liệu để nuôi dưỡng cây hoa của chúng ta ngày càng phát triển hơn nữa. Chẳng hạn, do thực hành nhẫn nhục mà chúng ta trừ bỏ được tâm sân hận, nuôi dưỡng được tâm từ bi, và nhờ sự phát triển của tâm từ bi mà ta có thể thực hành nhẫn nhục ở mức độ sâu xa, vững chãi hơn. Đó là những mối tương quan rất chặt chẽ và thiết thực. Và điều này cũng giải thích sự thất bại của những người thực hành nhẫn nhục trong môi trường cách biệt, thiếu sự va chạm và rèn luyện thích hợp.

Trong một môi trường tốt đẹp, chẳng hạn như trong tu viện, khi mọi người đều sống hòa hợp và tôn kính lẫn nhau, thì sự thực hành nhẫn nhục hầu như rất khó đạt kết quả tiến triển. Trong môi trường đó, bạn có thể sống hiền hòa trong nhiều năm dài chẳng bao giờ nổi giận với ai – vì thật ra là chẳng có ai chọc giận bạn. Nhưng nếu một hoàn cảnh nhất định nào đó đẩy đưa bạn vào môi trường sống thực tế của đời thường, với vô số những sự va chạm, mâu thuẫn hầu như xảy ra mỗi ngày, thì sự yếu ớt của bạn sẽ dễ dàng bộc lộ, và rất ít có khả năng bạn sẽ vượt qua được thử thách.

Nói như thế không có nghĩa là chúng ta chê bỏ những môi trường tốt đẹp hoặc mong muốn tìm đến những môi trường phức tạp, nhiều va chạm. Nhưng điều quan trọng ở đây là phải nhận biết được những tác động tích cực của môi trường đối với sự tu tập, rèn luyện của chúng ta. Khi hiểu được điều này, chúng ta càng cảm thấy dễ dàng hơn trong việc chấp nhận những sự trở ngại, những khó khăn hoặc thậm chí là đối nghịch giữa cuộc đời. Đó chính là những chất liệu tốt nhất để nuôi dưỡng loài hoa nhẫn nhục mà ta đã gieo trồng trên đất tâm.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2


Hai Gốc Cây


Gõ cửa thiền

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 44.212.50.220 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (395 lượt xem) - Việt Nam (119 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...