Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cuộc sống là một sự liên kết nhiệm mầu mà chúng ta không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc thật sự khi chưa nhận ra mối liên kết ấy.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Dưới bóng đa chùa Viên Giác »» Tết Mậu Thân - Thầy tôi - Di tích - Chiếc nón bài thơ »»

Dưới bóng đa chùa Viên Giác
»» Tết Mậu Thân - Thầy tôi - Di tích - Chiếc nón bài thơ

(Lượt xem: 2.988)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Dưới bóng đa chùa Viên Giác - Tết Mậu Thân - Thầy tôi - Di tích - Chiếc nón bài thơ

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Năm 1968 cũng là năm có nhiều kỷ niệm, năm ấy chính là Tết Mậu Thân. Ở Hội An tương đối không bị hư hao thiệt hại nhiều như ở Huế và Hội An. Thuở đó hình như không bị chiếm đóng ngày nào mà họ chỉ đến đánh mạnh rồi bỏ đi. Có rất nhiều chiến sĩ áo đen hy sinh chỉ vì cầm rựa chặt dây điện để cắt đường liên lạc, cuối cùng bị chết cháy thảm thương trên đường phố vì điện giật. Có lẽ họ không được học về điện trước khi xuống núi nên mới ra nông nỗi ấy. Còn bây giờ, sau 30 năm tiếp thu miền Nam, nghe đâu họ sống rất là đế vương trong khi chung quanh họ còn không biết bao nhiêu người đói khổ vẫn còn sống lê lết nơi hè phố, bữa đói, bữa no và chẳng có một mái ấm gia đình. Họ vẫn nhà cao cửa rộng, kín cổng cao tường.

Năm ấy tôi được đi Huế với Thầy tôi để cứu trợ. Huế là một cố đô của Việt Nam giống như Kyoto của Nhật Bản. Chữ Kyoto có nghĩa là Kinh đô. Có nghĩa là nơi Vua đã ở. Còn Tokyo chính là Đông Kinh, nơi đây cũng là nơi Vua đang ở, nhưng mới mẻ hơn. Kể từ 1868 sau khi Vua Minh Trị duy tân thì Kinh đô được dời về Tokyo. Trong khi đó tại Việt Nam của chúng ta đến năm 1945 thì chính thức Vua Bảo Đại đã thoái vị và nếu kể từ khi chúa Nguyễn Hoàng từ Nghệ An vào Huế để xây nghiệp Đế năm 1601 cho đến 1945 là gần 350 năm lịch sử gồm có 9 vị chúa và 13 vị Vua trị vì đất nước Việt Nam của chúng ta thuộc triều Nguyễn. Như vậy đây là triều đại dài nhất trong lịch sử Việt Nam của chúng ta. Tuy nhiên nếu kể từ thời Vua Gia Long lên ngôi Hoàng Đế năm 1802 thì triều Nguyễn chưa bằng triều Lý và triều Trần ở vào đầu thế kỷ thứ 11 và kéo dài cho đến hết thế kỷ thứ 14.

Ai xem quyển “Danh Thắng miền Trung” của Quách Tấn người Bình Định mới thấy 11 ông Vua triều Nguyễn có những lăng mộ xây cũng rất kiên cố, đâu có khác gì 13 ngôi lăng mộ của vua nhà Minh tại Yên Kinh bây giờ đâu. Nhà Nguyễn có hai ông Vua, đó là Vua Duy Tân mất tại đảo Réunion ở Châu Phi và nghe đâu thập niên 90 đã đưa hài cốt về lại Việt Nam rồi. Còn Vua Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn mất ở tuổi 84 và được chôn ở Pháp dưới nấm mộ bình thường mà thôi. Như thế cũng là một đời làm vua.

Thuở ấy tôi có xem Lăng Khải Định, còn những Lăng khác như Gia Long, Minh Mạng thuộc vùng xôi đậu nên bị cấm không được đi, nhưng theo ông Quách Tấn trình bày thì Lăng Khải Định là Lăng xây cất vụng về nhất, vì nửa Tây nửa Ta, nhưng lúc ấy theo tôi, đã đồ sộ quá rồi. Vì tôi đã chẳng có nhân duyên để viếng thăm những lăng tẩm khác của các ông Vua nhà Nguyễn.

Thầy tôi mang đủ thứ từ Hội An ra chùa Diệu Đế để cứu trợ. Sau đó tôi được dẫn đến chùa Từ Đàm và chùa Linh Mụ và được biết Ôn Linh Mụ đã bị người ta vào cõng đi hôm tối 30 rồi, mặc dầu Ôn đang bị bệnh. Lúc ấy Thầy tôi cũng chẳng kể cho tôi nghe là Thầy và gia đình Thầy là đệ tử tại gia của Ôn Linh Mụ, tức cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu mà sau này tôi mới biết khi đọc qua “Châu Ngọc Hồi Ký” của Thầy viết để lại. Khi xuất gia thì Thầy tôi xuất gia với Hòa Thượng Phổ Thoại tại Hội An, nên mới có pháp danh bắt đầu bằng chữ Chơn là vậy. Thầy tôi vốn ít tâm tình với đệ tử. Suốt từ năm 1966 đến 1969 tôi ở bên Thầy, nhưng tôi không nghe Thầy la mình mà cũng chẳng bảo ban một điều gì. Lúc nhỏ tôi không nghĩ là Thầy ghét mình nên không dạy bảo. Thôi thì cứ xem Thầy làm cái gì thì mình làm theo cái đó và nhìn Thầy để hiểu ý Thầy và mình làm theo là được. Thầy tôi hoạt động xã hội rất nhiều, nhất là khâu tổ chức thì khỏi chê. Có lẽ tôi nhờ ảnh hưởng ấy mà ngày nay mỗi lần tổ chức lễ cho mấy ngàn người, tôi cũng chẳng thấy là khó. Cách ăn nói cộng với điển trai của Thầy thì khi thuyết phục một việc gì, chẳng ai bì nổi. Thời kỳ quốc gia, lính quốc gia cũng ngán. Đến thời cộng sản vào, Thầy tôi cũng kháng cự lại họ bằng lối lý luận của Quảng Nam thì họ cũng chạy làng. Ví dụ một câu chuyện như sau:

Gia Đình Phật Tử Việt Nam là một bộ phận thanh niên và trung niên rất quan trọng, sinh hoạt đều đặn hằng tháng tại mỗi địa phương và là đứa con cưng của Giáo Hội, rất được tin tưởng. Thế nhưng khi người cộng sản vừa nắm quyền thì họ không cho tổ chức này sinh hoạt cũng như cắm trại và Đại Hội. Thầy tôi cứ tổ chức cắm trại và Đại Hội tại Hội An. Khi bị công an hỏi giấy phép của chính quyền thì Thầy tôi trả lời rằng: Nếu có xin phép các anh cũng không cho. Do vậy tôi vẫn tổ chức. Vì cái gì các anh không cho thì cái ấy nó nằm ngoài cái phép ấy. Nói như thế cũng chẳng khác gì “thí mạng cùi” cho họ. Nhưng được một cái là đã tổ chức và Đại Hội xong thì họ mới hay tin. Nên xem như huề cả làng. Còn nhiều chuyện khác nữa Thầy tôi đã kể lại cho nghe vào năm 1991 khi Thầy được tôi bảo lãnh và mời qua dự lễ khánh thành chùa Viên Giác vào tháng 7 năm ấy. Hãy quên đi những chuyện cười ra nước mắt thuở ấy, nhưng đại loại cũng có thể hiểu là những câu chuyện làm cho xong, làm cho được, miễn sao ai đó ra sao thì ra, chuyện mình mình cứ làm.

Huế thuở ấy đã hoàn toàn đổ nát (1968). Nếu ai đọc quyển “Giải khăn sô cho Huế” của nhà văn Nhã Ca thì rõ ràng hơn, thiết tưởng tôi không cần nhắc lại ở đây nhiều hơn nữa. Nếu có nói cũng là những chuyện đau lòng và đáng thương tâm nhiều hơn và nỗi ngăn cách giữa bên này và bên kia lại còn nhiều hơn nữa.



THẦY TÔI

Lúc ấy tôi cũng đã chẳng đòi hỏi Thầy mình là phải như thế này hay như thế kia, nhưng bây giờ sau khi đã thâu nhận và nuôi dưỡng 45 đệ tử xuất gia và quy y cho 7.000 đệ tử tại gia, tôi mới thấy ở cương vị của một vị Thầy không dễ. Trong khi đệ tử thì muốn thế này mà mình lại hướng về hướng khác. Khó lắm và khó lắm. Khi đệ tử muốn thì đa phần là Sư Phụ không muốn. Điều mà Sư Phụ mong muốn thì phần nhiều giới đệ tử không làm được. Ví dụ như đức tính vâng lời, siêng năng, học giỏi, thanh tịnh v.v..., rất khó và rất khó.

Cũng giống như khi chúng ta còn làm con, chúng ta đòi hỏi cha mẹ phải như thế này hay thế khác, mình phải nói rằng tại sao Thầy mình xử sự không đều, hoặc có thiên vị người này, người kia. Rồi đến khi mình làm Thầy, đệ tử của mình cũng sẽ lại như thế. Nghĩa là người mình thương, mình lo mà mình cho là sự công bình thì người đệ tử khác lại không thấy được như vậy, nên những sự bất bình lại xảy ra. Tôi không biết cho đến bao giờ thì trên đời này có được một sự tuyệt đối. Chỉ có một điều là khi nào người đệ tử ấy lên làm Thầy, lúc đó sẽ hiểu được giá trị cũng như cách cư xử của một vị Thầy đối xử với đệ tử của mình như thế nào, thì may đâu lúc ấy mình mới hiểu được Thầy của mình, nhưng lúc ấy đã trễ quá rồi. Vì Thầy của mình không còn hiện diện trên thế gian này nữa.

Người xưa cũng có than rằng: “Làm con muốn báo đền công ơn của cha mẹ mà cha mẹ không còn nữa.” Do vậy trong nhà Thiền có quan niệm “ở đây” và “bây giờ” rất quan trọng và cần thiết. Nếu mình không hiểu mình là ai và cái giá trị mình đang hiện có thì quả thật là chẳng tỉnh thức chút nào. Do đó sự tỉnh thức đối với Thiền không phải là lúc chết hay sau khi chết, mà lúc đang còn sống mới là vấn đề quan trọng.

Thường thường mình nuôi trong nhà một con vật, khi con vật ấy mất đi vì bất cứ lý do gì, mình còn khởi lên một niệm buồn, huống gì là một người đệ tử đã để cho mình cạo đầu xuống tóc và cho quy y thọ giới và sống với mình bao nhiêu năm mà thương hay không, khi người đệ tử ấy có việc gì xảy ra thì mình cũng phải đắn đo suy nghĩ chứ.

Nói không lo hoặc không thương là không đúng. Cha mẹ dẫu bất hạnh có sinh con ra què quặt còn phải thương và lo cho hết bổn phận mình, hà huống gì ở đây là một người đệ tử còn lành lặn với vóc hình. Điều này chỉ có thể giải thích được rằng: Do nhân duyên giữa Thầy trò và cha mẹ nên mới xảy ra những việc như vậy. Còn tốt xấu, giỏi, dở v.v..., việc ấy rất khó lường. Vì lẽ ai mà chẳng muốn cho đệ tử mình hay, đệ tử mình giỏi. Nhưng đệ tử thì muốn khác. Ví dụ trong khi người đệ tử chỉ muốn tu hành sâu vào thiền định, thì Thầy mình chỉ lo vấn đề xã hội và từ thiện. Thật ra hai khuynh hướng này khó gặp nhau lắm. Tuy nhiên nếu một vị Thầy mà chỉ chuyên lo những công việc của thế gian pháp, trong khi đó việc nhập thất, tham thiền, tụng Kinh, trì Chú ít thực tập thì chắc chắn Ma Vương sẽ thừa cửa mở ấy và dễ tiến sâu vào nội tạng để phá vỡ nội lực của mình. Điều ấy chính vị Thầy cũng phải suy nghĩ lại, chớ không phải chỉ trách cứ đệ tử của mình.



DI TÍCH

Trên toàn cõi Việt Nam cho đến năm 2005 mới chỉ có bốn nơi được cơ quan văn hóa của Liên Hiệp Quốc xếp vào di sản văn hóa thế giới, khắp Bắc Trung Nam, thì Quảng Nam đã có hai nơi rồi. Đó là Hội An và tháp Chàm Mỹ Sơn gần Trà Kiệu. Động Phong Nha thì chưa. Chỉ có Vịnh Hạ Long ngoài Bắc và Kinh Đô Huế triều Nguyễn là hai nơi khác đã được liệt kê vào di tích lịch sử của thế giới. Như thế đủ thấy vị trí của Quảng Nam không kém phần quan trọng vậy.

Mỹ Sơn là khu tháp Chàm của người Chàm đã tạo dựng và sinh sống tại đây vào khoảng từ thế kỷ I đến thế kỷ XIV. Sau đó họ lùi dần vào phía Nam để đóng đô tại Đồ Bàn ở Bình Định, cuối cùng là Phan Rang và năm 1744 chính thức đã bị các chúa Nguyễn ở Đàng Trong lấn đất giành dân, xem như quốc gia của họ không còn có mặt trên bản đồ Đông Dương và bản đồ thế giới nữa. Họ chỉ còn lại chừng 50.000 người ở Bình Thuận và nghe đâu có cả hai ba trăm ngàn người Chàm vẫn còn sinh sống tại Campuchia ngày nay.

Năm 1285 và 1288 hai lần đại phá quân Nguyên, Mông, vua tôi Trần Nhân Tông đã được nhân dân và lịch sử tôn vinh là bậc anh hùng của dân tộc. Cũng chẳng phải vì chiến thắng lẫy lừng như vậy mà vua tôi nhà Trần tự mãn với chiến công của mình. Ngược lại sau hai trận chiến thắng đó Vua Trần Nhân Tông có lẽ thấy da ngựa bọc thây của chiến sĩ hai bên, nên Ngài đã có ý xuất gia học đạo để nối chí ông mình là Vua Trần Thái Tông khi ở ngôi muốn xuất gia mà đã bị quân sư Trần Thủ Độ cũng như triều đình ngăn cản và bây giờ Vua Trần Nhân Tông sẽ thực hiện điều ấy, nên ông đã chuẩn bị lui về làm Thái Thượng Hoàng và nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông lên thay thế. Mãi cho đến năm 1296 ông mới chính thức xuất gia và kể từ lúc ấy chắc ông rõ lý vô thường còn nhiều hơn ai nữa, nên đã tỉnh tu nhập định và thỉnh thoảng chống gậy về phương Nam để thăm dò tình hình và muốn tạo sự giao hảo bền bỉ hơn với Vua Chiêm Thành là Chế Mân thuở bấy giờ. Và có lẽ qua bao nhiêu câu chuyện trao đổi, Vua Trần Nhân Tông đã muốn gả con gái của mình là Huyền Trân Công Chúa về làm Hoàng Hậu xứ Chiêm quốc. Thuở ấy đã có nhiều người không thích việc này, cho nên trong nhân gian có hát mấy câu thơ như sau để chế giễu và tiếc thương cho việc ấy:

Tiếc thay cây Quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo.

Hoặc giả là:

Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.

Thế nhưng trong đầu óc của vị Vua đã hai lần đại thắng quân Nguyên Mông có lẽ còn có kế hoạch to lớn khác hơn. Năm 1306, khi Huyền Trân Công Chúa về Chiêm quốc làm dâu thì Vua Trần Nhân Tông nhắn với Chế Mân là phải đổi hai Châu Ô và Châu Rí mới được rước nàng về Kinh đô Đồ Bàn ở Bình Định. Với nữ nhi thường tình và công chúa vốn là cành vàng lá ngọc cũng sẽ có nỗi đau như bao nhiêu người khác, khi phải về nhà chồng, mà chồng ở đây là chồng ngoại quốc nữa, chắc là người phải đau buồn lắm. Thuở ấy một trong hai người phải biết nói cùng một ngôn ngữ là tiếng Việt hay tiếng Chàm mới có thể cảm thông được để mà trao đổi những công việc sinh hoạt hằng ngày trong chốn Hoàng Cung. Chính nhờ nàng mà giang sơn gấm vóc của Việt Nam chúng ta mới có một dải giang sơn ở thế kỷ XIV từ Ải Nam Quan kéo dài cho đến hết đất Quảng Nam ngày nay, vì có thêm Châu Ô và Châu Rí và sau này Vua Lê Thánh Tông mới đem quân đánh tiếp vào năm 1734 thẳng vào những nơi chính yếu tại Đồ Bàn và cứ thế mà cuộc Nam tiến của dân tộc chúng ta kéo dài mãi cho đến năm 1744 thì chấm dứt. Bờ cõi ấy, giang sơn này ngày nay có được là do những ông Vua và những nàng công chúa biết hy sinh cái tình riêng để tạo lập cho non sông tổ quốc một dải cơ đồ như thế cho đến ngày hôm nay.

Trên quốc lộ số 1, bên trong cầu Câu Lâu và bên ngoài cầu Bà Rén nằm trong địa phận quận Duy Xuyên có một ngã ba gọi là trạm Nam Phước. Ngày xưa 40 năm về trước, tại đây chỉ là khu đất mới, dân các nơi kéo về làm ăn buôn bán và dần dần trở nên sầm uất và bây giờ được gọi là Thị Trấn Nam Phước. Từ đây có một con đường rẽ đi thẳng lên cầu Chìm, lên Trà Kiệu và lên Hòn Non Trược. Nơi đây chính là Thánh Địa Mỹ Sơn của người Chàm. Tại đây ngày nay hầu như không còn người Chàm nào sinh sống nữa. Tuy nhiên những nền móng cũ của những ngôi Đại Tháp mà họ đã xây trong những thế kỷ trước bằng loại gạch nung đặc biệt, khi xây tường chẳng cần vôi hồ như bây giờ mà được tồn tại cả hai ngàn năm như thế quả là một kỳ công trong việc kiến trúc.

Những khách tham quan du lịch ngày nay khi đến Đà Nẵng dù bất cứ giá nào cũng phải thăm Ngũ Hành Sơn, Hội An và Mỹ Sơn là những nơi còn lưu lại nhiều dấu tích của người xưa nhất. Nhiều khi người ngoại quốc rành hơn người địa phương là khác, vì lẽ những người ở tại nơi ấy họ ít cần tìm hiểu và họ nghĩ rằng đó là một chuyện tự nhiên thôi, trước sau gì họ cũng có thể đến thăm. Không náo nức lắm. Điều ấy cũng rất là dễ hiểu.

Ví dụ như có nhiều người ở Paris và ở Pháp, ai ai cũng biết rằng tháp Effel là một tháp nổi tiếng thế giới đã có mặt tại Paris hơn 200 năm nay, nhưng hỏi nhiều người địa phương thì có rất nhiều người chưa hề leo lên trên đỉnh tháp bao giờ. Vì họ nghĩ rằng họ còn có cơ hội để đến đó xem. Trong khi đó khách du lịch từ ngoại quốc đến, dẫu biết rằng đến đó phải đứng sắp hàng lâu mới có thể mua vé vào cửa được, nhưng họ sẽ hy sinh thời gian và tiền bạc để làm việc ấy. Vì họ suy nghĩ rất thực tế rằng biết bao giờ họ mới có cơ hội thứ hai để quay lại Paris. Do vậy mà khách du lịch có nhiều cơ hội để xem các di tích lịch sử nơi đi du lịch, hơn là người địa phương.

Hồi nhỏ còn ở nhà với gia đình, lâu lâu tôi nghe các chị dâu hoặc mẹ hát ru con, ru cháu những câu ca dao xứ Quảng rất mộc mạc nhưng đậm đà tình nghĩa quê hương vô cùng. Ví dụ như những câu:

Ngó lên Hòn Kẽm đá vừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi...
Ngó lên trên rừng thấy một cặp bồ câu đang đá
Ngó về dưới biển thấy một cặp cá đang đua...
Hỏi người quân tử biết chưa,
Chớ lập lăng thờ mẹ mà lập chùa thờ cha.

Đại loại là như thế. Bây giờ tôi không còn nhớ nhiều những bài và những câu hát chân tình như thế nữa. Vì lẽ đã xa quê quá lâu.

Ngoài ra Quảng Nam còn có mỏ than đá Nông Sơn, mỏ vàng Bồng Miêu và nhiều quế ở Quế Sơn, nhiều trái Nam Trân ở Đại Lộc, nhiều lụa là gấm vóc ở đất Mã Châu, Duy Xuyên sản xuất và đặc biệt những anh hùng liệt nữ xuất hiện rất sớm tại đất Quảng như Đặng Dung, Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Ông Ích Khiêm, Thoại Ngọc Hầu v.v... Đó là về võ tướng. Còn Văn học thì xuất hiện quá nhiều qua “Ngũ Phụng Tề Phi” mà Vua Thành Thái năm thứ 10 nhằm khoa thi năm Mậu Tuất 1898 đã ban cho ba người đỗ đầu Tiến sĩ và hai Phó bảng thuở ấy. Sau này có Phan Khôi, Bùi Giáng, Thạch Lam v.v..., còn hiện đại Văn học của xứ Quảng Nam từ trong nước ra ngoại quốc đã xuất hiện quá nhiều nhân tài và văn tài không thể trình bày hết được. Cho nên hai câu thơ:

Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhắm đã say.

Rất hợp với tâm tình của người con xứ Quảng sống ly hương hay ngay ở tại quê nhà của ngày hôm nay.



CHIẾC NÓN BÀI THƠ

Trước khi đi xuất gia tôi đã biết chằm nón lá. Đây là một nghề gia truyền từ cha mẹ và các anh chị đều biết, nên tôi đã học lóm theo và đã thành nghề hẳn hoi vào năm tôi lên 12 đến 14 tuổi, tôi đã phụ cho gia đình qua tay nghề này, nên cũng có thể tự làm ra tiền để lo cho bản thân kể từ thuở ấy.

Ta cầm chiếc nón lá hay nón bài thơ đội lên đầu một cách nhẹ nhàng đơn giản, nhưng muốn có được một chiếc nón như thế phải qua những công đoạn như sau:

Đầu tiên phải đốn tre và chẻ vành, vành là những đoạn tre được cắt ra chín đoạn từ dài đến ngắn, sau đó phơi cho vành tre khô. Công đoạn này người chằm nón không nhất thiết phải làm, mà chỉ cần mua vành tre chẻ sẵn về và chỉ cần bắt vành lên khuôn và sau đó là xây lá. Hai đầu mối của vành được nối lại bằng một sợi mây rất nhỏ và mỏng. Càng nhỏ và càng mỏng bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Đó là cái đẹp phần bên trong của chiếc nón lá.

Sau khi bắt vành xong cứ để nguyên đó, nhiều khi cũng có thể tháo vành ra và xâu lại thành xâu, đoạn đi bắt những bộ vành khác để tiết kiệm thời gian. Vì lẽ sau khi chằm xong một chiếc nón, đã có sẵn bộ vành đã bắt rồi, chỉ cần bắt vào khuôn nón trở lại là xong. Thế là ta có thể lên khuôn để chằm tiếp tục chiếc nón khác.

Lá chằm nón là loại người ta cắt trên núi về đã phơi khô và lá có nhiều hạng tốt, xấu, trắng, đục khác nhau, nên giá cả cũng khác nhau. Tối hôm trước phải ủ lá ở dưới sương và khuya đó dậy gỡ lá ra và sau đó là công đoạn kéo lá cho thẳng. Dụng cụ để kéo lá gồm một nồi than đang cháy, trên đó có bắt một miếng chảo gang đã bị bể, dùng mở thoa cho trơn mặt gang, một tay cầm chiếc lá, một tay cầm gùi vải để ủi lá. Phải thật nhanh tay, nếu để chậm, lá sẽ cháy vàng và nếu nhanh quá thì lá còn sống. Sau khi ủi lá rồi phải lựa ra ba loại lá để xây nón đầu ngoài, đầu trong và loại lá xấu cũng như ngắn nhất thì chèn ở giữa. Nếu ở giữa đã có giấy bài thơ thì loại lá thứ ba này không hữu dụng lắm.

Sau khi chằm xong đến vành thứ 17, 18 thì lật ngửa khuôn nón ra gọi là tháo nón. Bây giờ cái nón đã thành hình và khuôn nón trở lại vị trí trống trơn như cũ. Nếu muốn chằm chiếc nón tiếp tục thì bắt vành lên khuôn và làm lại từ đầu và sẽ làm những công đoạn giống như đã làm bên trên là xong chiếc nón thứ hai, thứ ba trong cùng ngày v.v... Chiếc nón khi mới tháo ra khỏi khuôn thì còn thô kệch lắm, người thợ chằm nón có bổn phận phải dùng kéo để cắt tỉa những mối chỉ nối lại với nhau, tiếp theo dùng kéo để cắt cho bằng nơi vành cuối cùng. Sau đó dùng chỉ và 2 hay 3 sợi tre nhỏ gộp chung lại để khâu cho nón khỏi bị hư. Danh từ chuyên môn gọi là “nức nón”.

Như thế đã tạm hoàn thành một chiếc nón bình thường và có thể mang ra chợ bán để đổi lấy những thức ăn khác mà gia đình mình cần. Nhưng trước khi đội đi giữa mưa gió ngoài trời thì chủ thầu mua nón ấy phải cho người đánh dầu rái lên trên nón, đem phơi cho khô, sau đó mới bán ra ngoài thị trường được.

Dĩ nhiên là có rất nhiều công đoạn chứ không phải chỉ một hay hai người làm mà có thể có được một chiếc nón đẹp để đội như thế. Thông thường mỗi chiếc nón như thế, người nông dân miền Trung đội chừng 2 đến 3 mùa mưa nắng là phải thay chiếc khác. Vì lẽ độ bền của lá cũng như độ thưa dày khi chằm nón quyết định thời gian cho một chiếc nón. Đồng thời cũng lệ thuộc vào chủ nhân của chiếc nón, nếu trong một năm mà ngày nào cũng đội nón đi ra ngoài đồng làm việc thì chiếc nón ấy dễ hư hơn.

Người nông dân Việt Nam đặc biệt ở miền Trung hay đội nón lá như thế để đi cấy cày. Người phụ nữ đội nón lá ấy để đi chợ, đi hái rau, đi giặt đồ. Các cô nữ sinh đội nón lá ấy để đi học và nhiều khi mấy bà đi buôn lót chiếc nón lá ấy để ngồi nghỉ mát giữa đường chẳng hạn. Thật là muôn hình vạn trạng do công dụng của chiếc nón lá. Tôi không rành về lịch sử của chiếc nón lá ấy có từ bao giờ, nhưng rất là hữu dụng cho người nông dân Xứ Quảng.

Vào Bình Định, đàn ông đội chiếc nón gò găng và càng vào Nam thì thấy người ta ít đội. Có lẽ cái nắng Sài Gòn không gay gắt như nắng miền Trung và người Sài Gòn tân thời hơn, không còn sử dụng đồ nội địa nhiều nữa. Càng đi về phía Nam như Thái Lan, Lào v.v..., thấy họ cũng có đội nón, nhưng đa phần được đan bằng tre, chứ không được chằm như những chiếc nón lá của Việt Nam mình. Bây giờ mỗi lần tôi ghé đổi máy bay tại phi trường Bangkok hay Singapore mà thấy một người ngoại quốc nào trên tay có chiếc nón lá, biết rằng họ đã ghé thăm Việt Nam rồi.

Chẳng bù với Ấn Độ nơi có cái nóng thiêu đốt vào mùa hè, nhiều khi lên đến 45 hay 50 °C, nhưng đâu có thấy họ đội cái gì lên đầu. Người ngoại quốc ở đây thấy vậy rất phục người Ấn Độ. Có lẽ một phần nhờ họ chịu đựng giỏi, vì nghèo quá nên không có tiền mua nón để đội. Phần khác tại Ấn Độ tuy có núi cao, tuyết nhiều, nhưng có lẽ không có lá nón như ở Việt Nam chúng ta, nên họ không chằm nón để đội. Có lẽ đây là lý do chính.

Riêng tôi, tôi cũng không dại gì mà giấu đi cái quá khứ hiền hòa tốt đẹp ấy. Tuy những nghề nghiệp như thế nó đã chẳng có địa vị gì trong xã hội, nhưng nói như Bà Hồ Xuân Hương là:

Mát mặt anh hùng khi vắng gió
Che đầu quân tử lúc mưa rơi.

Đó là hai câu thơ bà Hồ vịnh cái quạt, nhưng trong trường hợp này gán cho cái nón lá miền Trung cũng có ý nghĩa lắm chứ. Chỉ chiếc nón lá ấy thôi, mà anh hùng hay quân tử gì cũng phải cần đến khi nóng nực, lấy nón làm quạt và khi trái gió trở trời, mưa rơi nặng hạt thì ta có thể lấy nón đội để đi về nhà. Do vậy mà tôi chẳng hổ thẹn về ba cái nghề mà mình biết sử dụng lúc đi xuất gia cũng như trước đó. Đó là nghề chằm nón, nghề xe hương và nghề làm đậu hủ. Nghề chằm nón và nghề xe hương thì tôi đã không truyền lại cho ai ở ngoại quốc này được cả. Vì những nghề này ngày nay ở ngoại quốc không còn thông dụng nữa. Nhưng nghề làm đậu hủ thì tôi đã truyền lại cách làm cho quý chú, quý cô, quý bà tại chùa Viên Giác Hannover Đức quốc và họ đã làm thành công từ đó đến nay cũng đã được mấy chục năm rồi.

Bởi vậy nhiều lúc tôi rất hãnh diện để nói rằng: Nếu tôi không đi xuất gia, thì tôi chỉ là người nông dân của xứ Quảng mà thôi! Bây giờ nhờ Phật lực, nhờ Tam Bảo và nhất là nhờ Thầy tôi cũng như nhờ đàn na tín thí mà tôi có được ngày hôm nay. Có cơ hội đỗ hai bằng tú tài, bằng cử nhân và đỗ vào cao học, có thể nói đọc, viết, nghe, dịch cả 6 hay 7 ngôn ngữ thông dụng trên thế giới thì quả thật điều này chỉ có câu “pháp Phật nhiệm mầu” mới có thể giải thích hết được mà thôi.

Nếu mình là một người con trong gia đình nghèo, có cơ may học hành đỗ đạt ra làm quan và ở quan trường thì mình vẫn là ông này bà nọ, nhưng với gia đình cha mẹ thì mình vẫn là cậu cu tí thuở nào, chớ đâu có xấu hổ gì mà che đậy những ý vị ấy. Chẳng lẽ lúc ấy mình không gọi là cha là mẹ nữa, mà gọi họ là anh chị hay người hàng xóm sao? Dẫu cho cha mẹ mình có là người ăn xin hay say rượu đi chăng nữa mà nuôi mình ăn học thành tài, mình vẫn gọi là cha mẹ, chớ không lẽ vì cái sang trọng bằng cấp hào nhoáng ngày hôm nay ta có được mà đày đọa cha mẹ đi nơi khác cho đỡ tủi nhục. Hay mong cho cha mẹ đừng xuất hiện trước mọi người để chứng tỏ cho họ thấy rằng ta là những người con nhà lành? Điều ấy thiết tưởng chẳng cần thiết như thế. Vì lẽ, nếu ta có cơ hội đọc lại lịch sử nước nhà thì thấy rằng: Đinh Bộ Lĩnh trước khi lên xưng Vương là Đinh Tiên Hoàng thì khi cờ lau tập trận vẫn là chú bé chăn trâu, nhưng sau khi lên làm vua vào cuối thế kỷ thứ 10, đã mở ra một triều đại tự chủ cho dân Việt. Như vậy ta đâu có xấu hổ gì?

Lê Lợi, Lê Lai 17 năm kháng cự với quân Minh từ 1400 đến 1417 để đem lại độc lập tự chủ cho nước nhà cũng là những người nông dân, là những anh hùng áo vải đất Lam Sơn và sau khi lên làm vua, Lê Lợi đã mở ra một triều đại Hậu Lê rạng ngời trong lịch sử của dân tộc mình, điều đó ai dám chê là nông dân không có thể cầm quân dẹp giặc và làm chủ cõi sơn hà?

Cái sĩ khí ngày xưa theo cụ Nguyễn Công Trứ là:

Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên
Có giang sơn thì sĩ đã có tên
Từ Chu, Hán vốn sĩ này là quý...

Rõ ràng là như thế, nhưng sau này Trần Tế Xương, sau bao nhiêu cơn lận đận, thi không đỗ mà suốt đời chỉ nhờ vợ, nên lại có thơ rằng:

Nhất sĩ nhì nông
Hết gạo chạy rông
Nhất nông nhì sĩ

Dĩ nhiên là kẻ sĩ rất cần trong cách an bang tế thế, nhưng vai trò của người nông dân cũng không kém phần quan trọng, lo phục vụ cho cái bao tử của mọi người. Khi bụng đói, Vua hay Quan, thứ dân hay Hoàng Hậu đều giống nhau là đói và khi đói cần phải ăn. Do vậy, vai trò của người nông dân rất quan trọng.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 17 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Nắng mới bên thềm xuân


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng


Phật giáo và Con người


Đừng đánh mất tình yêu

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 54.163.221.133 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (395 lượt xem) - Việt Nam (119 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...