Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. (The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh
Yêu thương và từ bi là thiết yếu chứ không phải những điều xa xỉ. Không có những phẩm tính này thì nhân loại không thể nào tồn tại. (Love and compassion are necessities, not luxuries. Without them humanity cannot survive.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Khi thời gian qua đi, bạn sẽ hối tiếc về những gì chưa làm hơn là những gì đã làm.Sưu tầm
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Hương lúa chùa quê - Phần 2: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển »» Những ngôi chùa nổi tiếng tại Hội An »»

Hương lúa chùa quê - Phần 2: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển
»» Những ngôi chùa nổi tiếng tại Hội An

(Lượt xem: 2.725)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Hương lúa chùa quê - Phần 2: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển - Những ngôi chùa nổi tiếng tại Hội An

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Nếu không có sự kiện nhà Trần soán ngôi nhà Lý do Trần Thủ Độ chủ mưu vào năm 1224 thì đã không có Hoàng Tử Lý Long Tường cùng tướng sĩ và ba quân chạy sang Triều Tiên để tỵ nạn. Vì lúc ấy những người thuộc nhà Lý không thích những hành động nghịch đời, đi ngược đạo lý của Trần Thủ Độ. Nếu không có Hoàng Tử Lý Long Tường thì đã không có dòng họ nhà Lý có mặt tại Triều Tiên để đến bảy, tám trăm năm sau vẫn còn nhớ đến quê cha đất tổ và trở về lại Việt Nam để viếng thăm lăng miếu của Tổ Tiên họ.

Nếu không có nhà Thanh lên chiếm ngôi nhà Minh tại Trung Hoa vào năm 1640 thì đã không có những người bài Thanh phục Minh chạy đến Đàng Trong để xin tỵ nạn. Nếu không có sự kiện này thì vai trò lịch sử của Hội An không sáng chói như ngày hôm nay.

Nếu không có ba anh em Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đứng lên khởi nghĩa chống lại quân của Nguyễn Ánh từ năm 1780 thì Nguyễn Ánh và quan quân không có cơ hội để chạy sang Thái Lan tá túc. Nếu không có sự kiện này thì làm sao tại Thái Lan ngày nay vẫn còn lại 18 ngôi chùa được xây dựng từ thuở ấy đến nay.

Nếu không có ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì làm sao có cả gần 3 triệu người bỏ nước ra đi và đang định cư khắp nơi trên thế giới. Nếu không có những nhà Sư và các Phật Tử đi cùng thì không thể có 600 ngôi chùa Phật Giáo lớn nhỏ được xây dựng khắp nơi trên 5 châu lục này, mang giáo lý nhiệm mầu của đấng Thế Tôn đến cho người Việt và người dân bản xứ, nhằm xoa dịu những đau thương của tâm thức xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.

Tất cả những sự kiện lớn tiêu biểu bên trên được khởi đầu bằng chữ “nếu”. Chữ “nếu” ấy nếu đứng bên này để nhìn và lý giải thì nó thuận tai, nhưng nếu đứng bên kia để nhìn sự việc, thì trở thành trái ngược. Do vậy lịch sử xảy ra cũng chỉ là những sự kiện, còn việc đúng sai của từng việc hay từng triều đại, từng thời kỳ lại là việc khác nữa. Tất cả cũng chỉ nằm dưới cái nhìn tương đối mà thôi.

Riêng Hội An có một nét đặc thù khác. Vì lẽ không phải người từ Hội An ra đi, mà các nơi khác đến Hội An để sinh sống lập nghiệp. Đây là câu chuyện đáng nói hơn cả. Ngày nay nếu ai đó có đến thăm Hội An sẽ thấy một ngôi chùa Cầu, trên đó người người qua lại và xe cộ vẫn có thể chạy qua được. Cho đến ngày nay người ta vẫn không biết là chiếc cầu có hình thức ngôi chùa này đã được xây dựng từ thời nào, chỉ thấy 2 bên đầu cầu người ta có tạc tượng của hai con chó và hai con khỉ. Cho nên nhiều người đoán là chùa Cầu ấy được xây dựng từ năm Thân và đến năm Tuất thì xong, hoặc giả từ năm Tuất và đến năm Thân thì hoàn thành. Chùa có hình vòm, hai bên có lối đi dành cho người đi bộ và ở giữa lót bằng ván và cầu bắc qua một nhánh sông nhỏ chảy ra sông Phố Hiến, nằm gần Tòa Hòa Giải thuở xưa. Cầu không lớn nhưng có lẽ do người Nhật xây nên gọi là Chùa Cầu Nhật Bổn.

Hội An chỉ có mấy con đường chính. Thông thường những con đường này có chiều dài một vài cây số tính từ bến xe Hội An xuống tới chùa Bảo Thắng Sư Nữ, nhưng bề ngang rất hẹp. Nhiều nhà cổ kiến trúc thông thương từ con đường này qua con đường khác và hai bên mặt đường dùng làm các cửa tiệm buôn bán.

Khi an cư lạc nghiệp tại Hội An sau năm 1640, những người chạy nạn đã lập ra chùa Ngũ Bang và chùa Ông Bổn. Chùa Ngũ Bang gồm các Bang của người Triều Châu, Phước Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam. Đây là những bang gần biên giới Việt Nam nhất, nên họ đã dùng thuyền đi tỵ nạn nhà Thanh một cách dễ dàng. Lúc ấy họ không ghé Hà Nội vì biết rằng Vua Lê, Chúa Trịnh trị vì Đàng Ngoài bị lệ thuộc nhà Thanh bên Trung Hoa. Họ đã dong buồm đi tiếp đến cửa biển Hội An để vào đây xin tỵ nạn và được những Chúa Nguyễn Đàng Trong cho họ ở lại một cách dễ dàng. Có lẽ nhờ trước đó từ năm 1600 đến 1640, trong 40 năm trời ấy dân quân Đàng Trong đã làm quen với các thương thuyền của Trung Hoa, Nhật Bản hay xa hơn nữa như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ấn Độ v.v… Luật lệ hàng hải lúc ấy chắc cũng đã hình thành, nên những người tỵ nạn nhà Thanh đã có cơ hội tốt để ở lại Hội An sinh sống, xây dựng cơ sở và lập thành phố Hội, tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Trong Hải Ngoại Ký Sự của Ngài Thạch Liêm Thích Đại Sán, đã đến Hội An vào giữa thế kỷ thứ 17, Ngài đã mô tả lại sự sinh hoạt buôn bán của Hội An lúc bấy giờ rất sầm uất. Sau đó Ngài đi vào Bình Định và trước khi trở lại Trung Quốc, Ngài được Chúa Nguyễn Phúc Chu yêu cầu về lại quê hương Ngài, thỉnh cho được Tam sư Thất chứng sang Đàng Trong, chứng minh giới đàn tại kinh đô Huế vào cuối thế kỷ thứ 17. Trong chuyến đi kia, Ngài Nguyên Thiều được thỉnh làm Đàn Đầu Hòa Thượng và 9 vị Đại Sư khác, mỗi người nhận một nhiệm vụ khác nhau trong Hội Đồng Thập Sư. Sau khi truyền giới tại Huế và Hội An, Ngài Nguyên Thiều trở về Bình Định, các vị Đệ tử khác như Ngài Minh Hải Pháp Bảo, Minh Lượng Thành Đẳng chọn thành phố Hội An để ở lại. Có lẽ lúc đó người Hoa ở thành phố này đông đúc, việc giao tiếp không gặp khó khăn nên quý Ngài đã ra cồn cát phía Đông thành phố lập am tranh và tu hành tại đó.

Nhờ vào uy tín và đức độ của các Ngài nên am tranh nơi Ngài Minh Hải cư ngụ đã trở thành ngôi Tổ Đình Chúc Thánh ngày nay và am tranh nơi Ngài Minh Lượng trú ngụ, nay đã trở thành ngôi Tổ Đình Vạn Đức. Đây là hai ngôi chùa cổ nhất tại Hội An do người Trung Hoa xây dựng và sau này các bậc Tổ Sư người Trung Hoa không còn tại thế nữa, thì các thế hệ truyền thừa người Việt Nam tiếp tục lo vấn đề “y bát chơn truyền” này. Ngày xưa khi các Ngài từ Trung Hoa qua Việt Nam truyền giới, chắc rằng quý Ngài cũng không nghĩ rằng phải ở lại nơi quê hương đất Việt này. Thế nhưng nhân duyên và hoàn cảnh đã giữ chân quý Ngài lại. Từ đó các Ngài xuất kệ truyền thừa về người Việt Nam ở thế hệ thứ hai như Ngài Thiệt Dinh (xây dựng chùa Phước Lâm), Ngài Pháp Chuyên Luật Truyền, Ngài Toàn Nhật Quang Đài đều là những danh Tăng của xứ Quảng đã tiếp nối được dòng Thiền ấy.

Cách kiến trúc của hai ngôi chùa Tổ Chúc Thánh và Vạn Đức giống hệt như các chùa được xây dựng tại Trung Hoa. Từ ngoài đi vào có cổng Tam Quan. Ở giữa là một hoa viên lớn. Kế tiếp là một bình phong, hồ sen. Theo sau hai bên Tả Hữu xây Đông Đường và Tây Đường. Chính giữa xây Tiền Đường rồi Chánh Điện, lầu chuông, lầu trống. Phía sau là liêu Đông, liêu Tây rồi mới đến Tổ Đường. Sau liêu Đông là nhà Trù, giếng nước và giữa nhà Tổ, liêu Đông, liêu Tây có một khoảng đất vuông hình chữ khẩu, dùng làm nơi trồng cây kiểng. Chỉ có một điều là chùa chiền tại Trung Quốc cao ráo và to lớn hơn, trong khi đó các chùa Trung Quốc xây dựng ở Việt Nam thì thấp và nhỏ hơn. Có lẽ do khí hậu phương Nam mưa nhiều hơn nắng và đời sống của người Nam phương không trù phú bằng người phương Bắc nên những kiến trúc chùa viện thuở xa xưa có sự cách biệt này chăng?

Ngày nay nếu ai đó có cơ hội đi đến xứ Trung Quốc hay Nhật Bản sẽ thấy điều tôi dẫn chứng không sai. Vì có những cây cột chùa của Đông Đại Tự (Todaiji) hay Đông Bản Nguyện Tự (Higashi Honganji) tại Nara và Kyoto cao sừng sững đến hơn cả 30 mét và thân cây cột 2, 3 người ôm vẫn còn thừa. Hoặc giả những ngôi chùa Nam Hoa ở Quảng Đông, Nga Mi ở Tứ Xuyên Trung Quốc v.v… khi xem xong phải cúi đầu bái phục cho ý chí và sức lực của người xưa quá kiên cường. Cách đây hàng ngàn năm về trước, phương tiện xây dựng còn thô sơ, con người còn chật vật về vật chất, thế nhưng đời sống tâm linh của họ cao vời vợi như những cây cột chùa kia, nhờ vậy họ mới lập nên những ngôi cổ tự để đời sau tôn thờ.

Khi học trong văn Cảnh Sách tôi nhớ Tổ Qui Sơn Linh Hựu dạy rằng: “Đời người xưa các bậc Tổ đức sống như cây tùng, cây bách. Đời ngày nay chúng ta nếu không làm được thân cây tùng cây bách thì hãy làm dây leo, tùng cao đến đâu thì dây leo hãy leo đến đó.” Thế mà đã có mấy người leo đến đích được, đa phần chỉ bò quẩn bò quanh bên gốc tùng, gốc bách, đâu có ai đủ can đảm để leo lên cây Bách cây Tùng?

Cây này sống cả hàng trăm, hàng ngàn năm trên núi cao, trong rừng rậm. Dầu cho đông sang lạnh lẽo, tuyết phủ triền miên, nhưng lá tùng, lá bách vẫn xanh thẳm với thời gian. Thân cây vẫn cứng cáp, không bị gió sương, giá buốt chi phối. Do vậy cái bản thể của Tăng Già phải sừng sững như vậy thì Đạo Phật mới được trường cửu dài lâu trên thế gian này. Đó là những lời khuyên mà cũng là những lời chỉ thị cho đàn hậu học, bắt buộc phải làm theo. Nếu không được như vậy thì Phật Pháp sẽ suy tàn.

Hoặc trong giới thứ 8 của Sa Di có dạy rằng: “Cao Phong Diệu Thiền Sư tam niên lập nguyện bất triêm sàng đẳng.” Nghĩa là Ngài Thiền Sư Cao Phong Diệu lập nguyện trong 3 năm lưng không hề dính chiếu. Như vậy có nghĩa là Ngài chỉ ngồi, đi và đứng, còn động tác thứ tư là nằm, Ngài đã chối từ trong 3 năm như vậy. Thật sự ra trong 4 động tác này, động tác nằm là lâu và nhiều nhất trong 24 tiếng đồng hồ của một ngày đêm, nhưng người xưa đã thể hiện được, còn chúng ta ngày nay thì yếu đuối vô cùng. Trong khi ý chí không có mà cứ mong thành tựu được những việc phi thường.

Tại Hội An ngoài hai chùa Tổ cổ nhất trên 300 năm như Chúc Thánh, Vạn Đức còn có các chùa Tổ như Phước Lâm, Long Tuyền. Đây là những chùa Tổ do các bậc Tổ Sư người Việt Nam xây dựng và truyền thừa cũng đã trên dưới 200 năm lịch sử. Những ngôi chùa này tôi đã có dịp giới thiệu với quý vị chi tiết phía trên rồi. Ngoài ra tại Hội An còn có chùa Viên Giác hay chùa Tỉnh Hội, nay gọi là chùa Pháp Bảo, cũng mới được xây dựng chừng 100 năm nay. Đó là những ngôi chùa Tăng.

Hội An cũng có một ngôi chùa Ni nổi tiếng do Sư Bà Thích Nữ Đàm Minh xây dựng và sau này Sư Bà Thích Nữ Như Hường cũng như Sư Bà Thích Nữ Diệu Hạnh kế tục trụ trì. Ngày xưa cũng như nay, ngôi chùa Sư Nữ Bảo Thắng đã đào tạo rất nhiều Ni tài và tại chùa này cũng có xây dựng Ký Nhi Viện để giữ trẻ và giáo dục thiếu nhi theo tinh thần Phật Giáo từ tuổi mới lọt lòng mẹ.

Nhớ lại niên học 1967-1968 tôi được trường Trung Học Bồ Đề Hội An phát cho 3 phần thưởng. Hôm đó chở cả hai, ba chiếc xích-lô mới hết. Sau khi lãnh thưởng, Sư Bà Thích Nữ Như Hường ghé tai tôi bảo rằng: “Nhờ chú mùa hè này xuống chùa Bảo Thắng kèm cho các cô môn Pháp văn và toán, lý, hóa.” Tôi nghe như nhẹ nhỏm trong lòng. Vì cái học của mình ngày nay đã đi đến được kết quả như vậy.

Thế rồi mùa hè năm ấy, tôi đạp xe đạp từ chùa Viên Giác xuống chùa Sư Nữ Bảo Thắng mỗi tuần 2 lần vào ngày thứ ba và thứ năm để kèm cho quý cô đang học trường Bồ Đề và Trần Quý Cáp lúc bấy giờ. Trước khi vô học tôi được Sư Bà tiếp tại phòng khách rất trịnh trọng, sau đó vào lớp và trước khi ra về còn được dùng mấy ly chè đậu ván hay hạt sen ngọt lịm đến tận cổ. Hương vị ấy cho đến giờ này tôi cũng chẳng quên bao giờ. Hình ảnh dịu dàng của Sư Bà Từ Hạnh trụ trì chùa Châu Phong ở Thanh Quít, nay cũng đã gần 100 tuổi, Cố Ni Trưởng Thích Nữ Như Hường, Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Hạnh v.v… là những tấm gương của Ni giới quê hương xứ Quảng Nam ngày ấy.

Trong những cuộc tranh đấu năm 1963 rồi 1966, nếu chư Tăng Quảng Nam ở trong vòng lao lý, kể cả Sư Phụ tôi và Hòa Thượng Thích Như Huệ, mà không có quý Sư Bà và quý Ni Sư, Sư Cô bảo bọc, lo lắng, thăm nuôi v.v… thì ngày nay đâu còn có những bậc long tượng của Phật Giáo như: Cố Hòa Thượng Thích Tâm Thanh, Sư Cô Diệu Định vị pháp thiêu thân v.v… chỉ chừng đó thôi, Hội An và những ngôi chùa này đã đi vào lịch sử.

Nhắc lại ngôi chùa Tổ Chúc Thánh tại Hội An, tôi cũng muốn trải bày một ít tâm sự nơi đây, nếu không nói bây giờ thì ngày sau sẽ dễ quên đi và ít có cơ hội để đề cập đến.

Tuy tôi sống xa quê cho đến năm 1991, cũng đã gần 30 năm ở ngoại quốc, nhưng lúc nào cũng nhớ nghĩ về quê hương, trong đó có các chốn Tổ Đình và Thầy Tổ của mình. Khi nghĩ về Chúc Thánh thấy Hòa Thượng Thích Trí Nhãn đã lớn tuổi, trong khi Thầy Hạnh Chánh thì đi học phương xa, nên tôi đã có thư về thăm Thầy tôi và Hòa Thượng Thích Trí Nhãn, gợi ý với quý Ngài là nên trùng tu lại Tổ Đình Chúc Thánh tại Hội An. Vì lẽ đây là chốn Tổ đã sản sinh ra không biết bao nhiêu là bậc long tượng của Phật Giáo như: Tổ Khánh Anh, Hòa Thượng Thích Quảng Đức, Hòa Thượng Thích Hành Trụ v.v… Vả lại năm 1991 chùa Viên Giác ở Đức đã xây xong và khánh thành đợt một, nên tôi đã đề ra một phương án có thể khả thi được. Đó là sự đóng góp của con cháu Tổ ở khắp nơi, nên chia đều ra mới công bình. Đầu tiên tôi đề nghị mỗi châu lục đóng góp 100.000 US$. Ví dụ như tại Âu Châu, tôi đại diện quyên góp số tiền ấy. Tại Úc Châu Hòa Thượng Thích Như Huệ và Hòa Thượng Thích Bảo Lạc lo. Tại Mỹ Châu thì Thượng Tọa Thích Hạnh Tuấn đảm trách. Một phần tư còn lại các chùa thuộc môn phái Chúc Thánh ở Sàigòn và các tỉnh thành miền Trung đóng góp.

Kế hoạch thì rất hay, nhưng có lẽ nhân sự trong tỉnh lúc bấy giờ chưa thống nhất, mãi cho đến sau này khi Hòa Thượng Thích Trí Nhãn viên tịch rồi, Thầy Đồng Mẫn kế thế trụ trì Tổ Đình, công việc xin giấy phép trùng tu Tổ Đình mới tiến hành khả quan. Tuy trước đó Thầy Hạnh Chánh cũng đã góp ý trong vấn đề này, nhưng Thầy Hạnh Chánh lúc ấy đang học ở Ấn Độ xa xôi, nên ý kiến của Thầy ấy không ảnh hưởng trực tiếp được.

Sau khi có giấy phép trùng tu rồi, chúng tôi ở ngoại quốc bắt đầu vận động một cách mạnh mẽ và kết quả đã như kế hoạch được đặt ra. Riêng ở Mỹ có Hòa Thượng Chơn Điền, Hòa Thượng Thanh An và Hòa Thượng Hành Đạo chứng minh và Thầy Hạnh Tuấn lo vận động, đôn đốc thực hiện những bữa cơm chay gây quỹ tại Santa Ana, San Jose, Houston, Chicago và Montreal. Kết quả phần Mỹ Châu đã đóng góp vào công trình trùng tu Tổ Đình gần 150.000 US$. Trong khi đó Âu Châu không gây quỹ mà chỉ kêu gọi Phật Tử đóng góp, con số cũng vừa đúng 100.000 US$. Tại Úc Châu Hòa Thượng Thích Như Huệ và Hòa Thượng Thích Bảo Lạc tổ chức những bữa cơm gây quỹ trùng tu Tổ Đình kết quả cũng trên dưới 100.000 Úc kim. Trong khi đó tại quê hương vừa xây dựng vừa lo trả tiền xây cất, thiếu hụt đâu, ở trong nước lo trang trải cho đủ và sau gần 3 năm thi công mọi công trình đã được hoàn thành.

Ngày khánh thành cách đây 5 năm về trước, phần tôi phát nguyện cúng dường Trai Tăng cho 1.000 vị. Gọi là Thiên Tăng Hội. Đây cũng là lần đầu tiên tại Hội An có lễ khánh thành trong 3 ngày, có cả mấy ngàn Tăng Ni và Phật Tử câu hội, trong cũng như ngoài môn phái và quý Ngài tại Trung Ương cũng đã về đây tham dự Đại Lễ Khánh Thành này. Phải nói một lời không ngoa là cho đến thời điểm ấy, tại miền Trung Việt Nam chưa có chùa Tổ nào có được có cơ ngơi rộng rãi, đồ sộ, xứng đáng là chốn Đại Tùng Lâm như Chúc Thánh vậy. Sau này nhờ Thầy Như Tịnh viết bộ “Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh” truy tầm tổ tông của từng miền một, nên sơn môn Tổ Đình Chúc Thánh, con cháu của Tổ càng ngày càng hội tụ về đông hơn.

Ở ngoại quốc, Châu Mỹ và Châu Úc mỗi năm đến ngày kỵ của Tổ Minh Hải vào mồng 7 tháng 11 âm lịch đại diện các chùa thuộc môn phái Chúc Thánh đều có cử hành ngày húy kỵ của Tổ để nhắc lại công hạnh của các Ngài đã đến quê hương xứ Quảng hơn 300 năm trước, nhờ đó mà ngày nay môn phong tử đệ ở khắp nơi mới đượm nhuần được ân pháp vũ.

Năm 1991 lễ khánh thành chùa Viên Giác tại Hannover được cử hành trong một tuần lễ vào cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 năm ấy. Đây là cơ hội để tôi cung thỉnh chư Tôn Đức khắp nơi trên thế giới về Hannover Đức quốc để chứng minh và tham dự lễ khánh thành. Nhân cơ hội này, tôi cũng đã gởi thư mời về Sư Phụ tôi để thỉnh Ngài sang chứng minh trong những ngày lễ trọng đại kia. Giấy tờ bên chính quyền Đức đã xong, nhưng chờ mãi mà hộ chiếu phía Việt Nam vẫn không cấp. Chờ cho đến gần xong lễ khánh thành họ mới cấp hộ chiếu cho Sư Phụ và Ngài đến Đức, lễ khánh thành đã xong, nhưng Ngài còn cơ hội hiếm hoi là gặp lại được Hòa Thượng Thích Như Huệ, người bạn Đạo cố tri năm nào, tại phi trường Frankfurt trong mấy tiếng đồng hồ để hàn huyên tâm sự sau bao nhiêu năm xa cách qua việc sắp xếp của Thượng Tọa Thích Hạnh Tuấn. Riêng tôi và tử đệ chùa Viên Giác đến phi trường Hannover để đón tiếp Thầy tôi.

Thầy vẫn trẻ, khỏe, đẹp lão như những năm xưa và gặp tôi, Thầy ôm sát vào lòng để nhớ lại tình Thầy trò đã lâu năm không gặp. Lúc ấy đã có Thầy Hạnh Tấn, Thầy Hạnh Bảo xuất gia rồi, cho nên tôi giao qua cho mấy Thầy làm Thị Giả cho Sư Ông. Phần tôi mỗi ngày hầu trà Thầy một lần vào mỗi buổi sáng sau giờ công phu khuya tại chùa mới. Ngoài ra mỗi cuối tuần Thầy Thiện Sơn đưa Thầy sang Pháp thăm chùa Khánh Anh cũng như một số chùa khác, hoặc giả Ngài đi xe cùng tôi đến các Chi Hội và các chùa trong nước Đức để thuyết giảng và thăm viếng.

Thầy Hạnh Tuấn còn ở lại cả nửa tháng sau mới về lại Hoa Kỳ, nên cũng đã có cơ hội hầu chuyện với Thầy tôi về tình hình của Giáo Hội trong nước dưới sự lèo lái của Cố Hòa Thượng Thích Đôn Hậu và Hòa Thượng Thích Huyền Quang. Nói gì thì nói, nhưng nói đến vấn đề hành chánh hay tổ chức của Giáo Hội thì chúng tôi chỉ có đứng vòng tay nghe thôi. Không biết Thầy đã học ở đâu mà có kinh nghiệm đầy mình. Do vậy khi Viện Hóa Đạo còn lưu vong ở Quảng Ngãi. Cố Hòa Thượng Thích Huyền Quang đã mời Thầy tôi đảm trách chức Chánh Văn Phòng Viện Tăng Thống để giúp đỡ cho Hòa Thượng thuở bấy giờ. Đến ngày Thầy tôi vãng sanh, cả hai Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có đi một tấm trướng để thờ, mãi cho đến bây giờ vẫn còn sáng ngời nơi Linh Đường thờ Sư Phụ tại nhà Tây chùa Viên Giác ở Hội An.

Hình như tôi có duyên với Thầy Như Vạn và Thầy Như Huệ hơn là Thầy Bổn Sư của mình. Quý Thầy này tôi không ngại ngùng khi thưa bạch một việc gì, nhưng với Thầy Bổn Sư sao thấy có cái gì khó nói. Mặc dầu trong sách “Châu Ngọc Hồi Ký” của Thầy, Thầy đã viết và nói về người đệ tử thân thương là tôi bằng những lời lẽ rất đậm nghĩa Thầy trò, nhưng ở một điểm sâu kín nào đó của tâm hồn có cái gì đó thật là khó diễn tả.

Thường thường học trò, đệ tử hay trách Thầy mình là thế này hay thế nọ, nhưng đâu có ai biết rằng: Thầy vẫn thương mình đó chứ! Vẫn dõi mắt trông theo Phật sự của đệ tử mình thành tựu ở phương xa và tất cả mọi động tác của đệ tử, Thầy mình đều rõ biết, nhưng người đệ tử vẫn chưa hài lòng. Sau này khi có đệ tử xuất gia đông, tôi đã rõ tâm trạng của Thầy mình nhiều hơn nữa. Nhiều khi mình còn chứng tỏ sự thông thái, hiểu biết và thành thạo của mình đối với Thầy, nhưng việc ấy chỉ bằng thừa.

Trước khi Thầy viên tịch vào 14 năm trước, Thầy đã làm tờ di chúc chùa Viên Giác tại Hội An cho tôi trụ trì và có lời nhắn gởi sau thư là nên chăm sóc cho Như Tịnh để lo lắng những điều cần thiết khác, trong khi Sư huynh Tâm Thanh vẫn còn đó mà Thầy không đề cập gì. Đây là cái tích tắc, cái thông minh trong việc xử thế của Thầy trong khi sống cũng như lúc sắp ra đi.

Năm 2003, tôi trở về ngôi Phương Trượng, có nghĩa là mọi quyền hạn đều giao lại cho vị Trụ Trì, lúc ấy là Thầy Hạnh Tấn. Vì tôi muốn thong dong trong việc tu niệm cũng như dịch kinh, viết sách trong những ngày còn lại với cuộc đời và nhân cơ hội này Tông Môn Pháp Phái của Chúc Thánh từ Quốc Nội đến Hải Ngoại có mặt đầy đủ, tôi chính thức công cử Thầy Như Tịnh lên trụ trì chùa Viên Giác tại Hội An, thay thế cho tôi, như chúc thư của Sư Phụ lúc sanh tiền đã để lại. Vì lẽ tôi ở ngoại quốc lâu năm, chưa có cơ hội để về thăm quê hương, nên không thể đảm nhận chức vụ trụ trì chùa Viên Giác Hội An được. Nay thì mọi việc đã đâu vào đó. Ở ngoại quốc tôi đã có các Thầy đệ tử lo chăm sóc chùa Viên Giác tại Hannover. Còn tại Hội An có Sư đệ Như Tịnh tiếp nối con đường của Sư Phụ chúng tôi đã đi qua và tiếp tục thực hiện những hoài bão của Sư Phụ về những gì mà Ngài chưa làm được.

Sau một tháng ở Đức, Thầy muốn về lại Việt Nam, mặc dầu Visa ở Đức của Thầy còn giá trị gần 2 tháng nữa. Tôi và quý chú đưa Thầy xuống phi trường Frankfurt để Thầy về lại Sàigòn. Nghe đâu khi về đến Sàigòn, Thầy phải bay thẳng ra Hà Nội để phúc trình chuyến đi vừa rồi theo lệnh trên ban xuống.

Từ khi xuất gia năm 1964, đến 1969 tôi xa Hội An, năm 1972 xa Việt Nam đi Nhật du học, chưa bao giờ tôi có cơ hội để hầu chuyện với Thầy như cả tháng trong năm 1991 ấy. Đây là niềm vui của tôi và tôi cũng muốn giải tỏa một số khúc mắc giữa Thầy trò, tại sao lâu nay có những vấn đề như vậy. Dĩ nhiên là tôi cũng đã không thưa hết thật 100%, vì sự thật thì ít người muốn nghe mà khi nghe rồi thì nó không còn thật nữa. Vì lẽ vạn pháp đều không mà. Hiểu được như vậy cho nên tôi dừng câu chuyện lại ở nơi nào đáng dừng.

Đó là cơ hội chót để tôi bộc bạch với Thầy vì sau này mãi cho đến ngày Thầy viên tịch, tôi không có cơ hội để gần gũi Thầy được một ngày nào nữa, vì quan san cách trở cũng như mọi việc đã được an bài rồi.

Thầy ra đi xếp lại một khúc quanh lịch sử của đời mình. Mặc dầu trong “Châu Ngọc Hồi Ký” Thầy cũng đã nói, nhưng chưa nói hết. Hôm nay chúng con ôn lại những kỷ niệm này cũng chỉ để tưởng nhớ đến ân đức của người xưa, nhằm nhắn nhủ cho chính mình hay những người đời sau, bao giờ lịch sử cũng sẽ lặp lại như thế. Ngày nay “Chương Đức Đường” nơi khuôn viên chùa Viên Giác tại Hội An, Sư đệ Như Tịnh đã lập nên một ngôi nhà trang trọng để thờ Thầy, Thầy Tâm Thanh và con, có lẽ ý Thầy ấy cũng muốn ghi lại cho hậu thế biết rằng cả 3 vị Thầy ấy đều có những đóng góp nhất định cho lịch sử, cho đạo pháp và đặc biệt cho việc đào tạo Tăng tài cho mai hậu. Thầy có Thầy Như Tú đã đỗ Tiến sĩ tại Đại Học New Delhi Ấn Độ tháng 3 năm 2012. Thầy Tâm Thanh có đệ tử Nguyên Tân cũng đỗ Tiến sĩ cùng khoa với Thầy Như Tú và con có đệ tử Hạnh Giới tốt nghiệp Tiến sĩ Đại Học Hannover Đức quốc năm 2003 và Hạnh Giả cũng tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại Học này vào cuối năm 2011, đầu năm 2012 lãnh bằng tốt nghiệp.

Cái học thật ra nó không bằng cái tu, nhưng cái tu nếu thiếu sự học, quả thật khó thành tựu với sự tiến bộ của khoa học ngày nay. Do vậy cả tu và học phải song hành thì cơ may mang giáo lý của Đạo Phật vào đời mới dễ dàng được. Hội An tuy nghèo về vật chất, nhưng văn học và văn hóa không nghèo. Nay dưới mái chùa Viên Giác nơi “Chương Đức Đường” đã nói lên được tất cả những điều đó. Sự thành tựu của đệ tử chính là sự hoan hỷ của mình, nhưng tiếc rằng Sư Phụ và Sư huynh Tâm Thanh không còn có mặt trên cuộc đời này để chứng kiến cho sự thành công của những người Đệ tử của mình như vậy. Do vậy con vẫn thường nói rằng: “Bằng cấp không thể làm cho mình giải thoát, nhưng nếu muốn mở cánh cửa giải thoát kia, không thể thiếu sự tu và sự học được.”

Tưởng nên nhắc lại, niên khóa 1968-1969 tôi được qua trường công lập Trần Quý Cáp tại Hội An để học Ban A chuyên về Vạn Vật và Toán Lý Hóa. Thuở đó ở Việt Nam, khi học sinh qua Trung Học Đệ Nhị Cấp phải chọn Ban để học và chọn thêm một sinh ngữ phụ nữa. Đây là 2 vấn đề mà cần phải lưu tâm. Ban B chuyên về toán. Ban C là Ban văn chương. Lúc tôi học Trung Học Đệ Nhị Cấp Ban D không còn nữa. Ban D vốn là Ban Cổ Ngữ, chuyên Hán văn. Trung Học Đệ Nhất Cấp 4 năm tại trường Bồ Đề tôi lấy Pháp văn làm sinh ngữ chính, qua trường Trung Học Trần Quý Cáp tôi chọn Anh văn làm sinh ngữ phụ. Bao năm nay học ở trường Đạo, mặc dầu vẫn học văn hóa phổ thông. Bây giờ qua học trường Phổ Thông công lập, chỉ toàn là học sinh giỏi và không đặt nặng vấn đề Tôn Giáo, nên không có giờ học giáo lý trong chương trình. Vả lại giáo sư cũng không nhất thiết phải là những người Phật Tử thuần thành. Vì trường công lập người ta không chú trọng đến vấn đề này.

Mùa hè năm 1968 tôi an cư kiết hạ tại chùa Tỉnh Hội. Lúc ấy vẫn còn Hòa Thượng Thích Trí Minh làm trụ trì và Hòa Thượng Thích Như Huệ làm giảng sư của Giáo Hội. Các chú thì có chú Phấn, Thị Điểm, Thị Thiện, chú Duyên, chú Hạnh, chú Kỉnh v.v… An cư tại đây thảnh thơi hơn ở chùa Long Tuyền. Vì lẽ Thầy dạy ít nên chúng tôi học ít môn hơn. Còn những giờ công phu bái sám, tọa thiền vẫn giống như tại chùa Long Tuyền thuở nào. Sau này vào năm 1972, Long Tuyền chính thức thành Phật Học Viện thì tôi đã không còn có mặt nơi quê hương Việt Nam nữa. Nơi đây sau này cũng đã đào tạo được một số Thầy nổi tiếng vẫn còn hoạt động Phật sự tại Canada như Thầy Tâm Hòa hay nhà văn Vĩnh Hảo tại Hoa Kỳ.

Chùa Tỉnh Hội là cơ quan hành chánh của Tỉnh Giáo Hội nên người người qua lại, ngày đêm tấp nập vô cùng. Không khí tu học cũng có, nhưng đa phần nghiêng về hành chánh của Giáo Hội. Tuy nhiên trong 3 tháng An cư Kiết hạ tại đó, chúng tôi cũng đã học hỏi rất nhiều từ Thầy Như Huệ cũng như Thầy Như Vạn và các chú lớn khác.

Trong năm học này tôi có quen với Nguyễn Mậu Dũng, một thanh niên cao ráo đẹp trai và cùng học một lớp đệ tam A mà mãi cho đến bây giờ tôi vẫn còn trao đổi thư từ với Dũng cũng như giúp đỡ cho Dũng hằng năm với một số tiền thật khiêm nhường, chỉ vì đơn thuần là tình bạn và Dũng cần sự giúp đỡ ấy. Dũng và các bạn học thuở ấy bây giờ ai cũng đã có cháu nội, cháu ngoại hết rồi, nhưng tình bạn vẫn là tình bạn. Đã có nhiều lần đi chơi ở Cù Lao Chàm với Dũng và Tiến. Sau này vào Sàigòn học Đại Học, Dũng có ghé chùa Hưng Long thăm tôi và chúng tôi cũng đã có chuyến du ngoạn mấy ngày tại Vũng Tàu chung với Cường và Dũng thật là ý nghĩa.

Tình bạn, tình học trò, tình Thầy, tình Cô giáo của thuở còn nhỏ sao mà nó trong trắng dễ thương chi lạ. Nó không có sự tính toán, đo lường, kể lể hay thắc mắc gì cả. Cứ thương thì nói là thương. Điều gì không thích thì bảo là không thích. Cứ như thế mà xong. Còn những loại tình khác đa phần thuộc về sự đối đãi nhiều hơn. Cho nên người ta hay quý nhau tình bạn là vậy.

Từ chùa Viên Giác Hội An nhiều khi tôi thả bộ xuống trường Trần Quý Cáp. Như trên đã nói, thuở ấy tôi học buổi chiều. Vì buổi sáng ở chùa có thời gian ôn bài cũng như học kinh kệ và giáo lý. Vả lại buổi sáng ở chùa có gì cần sai biểu Thầy dễ sai hơn. Từ ngày đó chúng tôi 5 người đỗ đầu trường Trung Học Đệ Nhất Cấp Bồ Đề qua đây không còn chung lớp nữa, trong đó có chú Như Phẩm Phạm Phú Chín và Huỳnh Thị Xuân Hương. Riêng Hương có lẽ chọn giải pháp khác, không học chung với chúng tôi để có cơ hội đứng vị trí cao hơn vào cuối năm. Nếu học chung với chúng tôi, chắc gì cô ta có cơ hội ấy.

Hồi Đệ Ngũ và Đệ Tứ, khi tôi học Vạn Vật với cô giáo Huỳnh Thị Thúy Lan, sổ của tôi bao giờ điểm Vạn Vật cũng là 18 hay 19 trên 20 điểm và cuối năm Đệ Tứ, Cô phê trong học bạ mà ngày nay tôi cũng còn giữ mấy chữ là: “học hạnh kiêm toàn”. Không ngờ nhờ sự học và điểm ghi ấy mà tôi tìm lại được Cô giáo cũ dạy Vạn Vật ngày xưa, lúc ấy tôi đã ở Tây Đức.

Nguyên là năm 1977 tôi đã đến định cư và tỵ nạn tại Đức. Vào những năm 1979, 1980, chúng tôi thành lập các Chi Hội Phật Tử tại Hamburg và Berlin sau khi đã thành lập Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật Tử Việt Nam tại Đức trước đó. Có một lần tôi lên Hamburg làm lễ xong, lúc ấy chưa có Chùa Bảo Quang, có một anh Phật Tử người Huế đưa tôi ra xe lửa về lại Hannover và nhờ đó có cơ hội hỏi chuyện là ngày xưa anh ở Việt Nam làm việc tại đâu, thì anh bảo rằng: “Tại Ty Thủy Lâm Quảng Nam.” Tôi nghe anh nói giọng Huế nên liên tưởng đến Cô giáo Lan dạy Vạn Vật cho chúng tôi thuở nào, nên hỏi anh có quen biết cô ta không, thì anh bảo rằng: “đó là bà xã”. Từ đó, có lẽ cũng đã cách xa gần 20 năm tôi mới có cơ hội liên lạc lại với Cô giáo cũ và copy học bạ của mình có những lời phê của Cô khi xưa để cho Cô xem. May mà lúc ấy học giỏi, nếu chẳng may học dở chót lớp như hồi còn học Tiểu Học thì cũng chẳng dám nhìn nhận Thầy, Cô cũ làm gì. Cô là một Phật Tử rất thuần thành và người chồng cũ của Cô, chính là anh Nguyên Trí Nguyễn Hòa, làm Trưởng Ty Thủy Lâm Quảng Nam tại Hội An thuở nào, nay là Chủ bút báo Viên Giác tại Đức cũng đã 20 năm rồi.

Đúng là thời gian xoay vần, không gian dầu cho có thay đổi, nhưng con người với tấm lòng “ôn cố tri tân” thì đi đâu và ở đâu cũng sẽ gặp được những điều may mắn cả.

Trong sân trường Trần Quý Cáp có những hàng phượng vĩ rất đẹp. Hè về phượng nở ve kêu, báo hiệu cho mùa nghỉ đã đến. Có những học sinh ở trọ tại Hội An vội vã về quê thăm gia đình cũng như giúp đỡ cho gia đình trong công việc đồng áng, để sau 3 tháng hè trở lại Hội An tiếp tục công việc học hành. Thuở ấy những vùng như Quế Sơn, Trà Kiệu, Đại Lộc v.v… là những vùng xôi đậu, nên có nhiều cô, cậu học sinh sau mùa nghỉ hè về thăm quê, không còn trở lại mái trường xưa nữa. Họ có thể là những người có lý tưởng, muốn theo du kích hoặc bộ đội, bỏ ngang việc học để làm theo tiếng gọi của con tim, nhưng cũng có thể vì chán chường những sự sinh hoạt hằng ngày xảy ra nhan nhãn tại Hội An, Đà Nẵng nên họ đã bỏ học ra đi để bảo vệ lý tưởng của họ. Đây là thời điểm có nhiều điều đáng nói nhất.

Tết Mậu Thân, một cái Tết khó mà quên được. Mới sáng ngày mồng một đã thấy lố nhố một số người mặc đồ đen, mang súng AK xuất hiện trước cổng chùa Viên Giác. Tôi bảo chú Thứ chạy ra xem có việc gì thì chú bảo rằng: “Quân du kích tiếp thu Hội An.” Ai trong chúng tôi ở chùa lúc đó cũng rất ngỡ ngàng. Vì tối qua không nghe bao nhiêu tiếng súng, mà bây giờ quân du kích đã xuất hiện ở thành phố này rồi. Sau đó họ giải tán và chúng tôi tìm cách lần dò xuống chùa Tỉnh Hội để tìm hiểu sự tình. Dọc đường đi, tôi thấy những xác người cháy đen còn nằm treo lửng lơ trên dây điện, vì họ lấy những cây rựa bằng sắt để chặt điện cao thế, nên bị điện giật chết. Không biết đây gọi là hy sinh cho việc gì? Tất cả đều do sự không học và không được đào tạo mà ra. Nếu người có học không ai dại gì mà lấy sắt để chạm vào điện cả. Trong cảnh tượng hãi hùng ấy, ai cũng ngán ngẩm, chỉ có tắc lưỡi và không nói nên lời.

Sáng ngày mồng một Tết Mậu Thân, rồi mồng hai, mồng ba và những ngày sau nữa những người Phật Tử từ Cẩm Nam rồi những vùng bất an như Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn v.v… đổ về chùa Viên Giác đông nghẹt. Một mặt để nghe ngóng và mặt khác cũng muốn trốn khỏi nơi sinh sống của mình. Vì họ không muốn bom đạn lấy đi mạng sống của họ. Trong đám chạy loạn này có cả Trần Văn Nhơn tức nhà thơ Trần Trung Đạo và Lê Hoàng Anh tức là Sư Giác Ánh bây giờ.

Nhơn thì mảnh khảnh, dáng điệu thư sinh. Hầu như ít nói, thân thiện với Thứ nhiều hơn tôi. Khi tôi rời Hội An vào giữa năm 1969, lúc ấy Nhơn vẫn ở lại chùa Viên Giác để đi học Trung học Đệ Nhị Cấp trường Trần Quý Cáp. Con người im lặng đến thế mà sau này nổi tiếng một thời với bút hiệu làm thơ và viết văn là Trần Trung Đạo. Nhất là hai bài thơ nói về Cây Đa Chùa Viên Giác và Bao Giờ Nhỉ Tôi Về Thăm Xứ Quảng. Đây là 2 bài thơ nói lên tâm trạng của Nhơn mà cũng là tâm trạng của nhiều người, trong đó có tâm trạng của tôi, nhất là tâm trạng của người xa quê hương mấy mươi năm rồi, chưa về thăm xứ Quảng.

“Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng
Mười năm dài mồ mẹ có còn chăng
Cỏ có cao hơn nỗi nhớ trong lòng
Đất có lạnh hơn mùa đông Bắc Mỹ
Hải Vân đứng ngậm ngùi bao thế kỷ
Chảy về đâu lai láng nước Thu Bồn
Tuổi học trò tôi hay đứng ven sông
Nghe tiếng vỗ bên kia cầu Vĩnh Điện
Còn đâu nữa những con đường đầy kỷ niệm
Những bạn bè năm đứa lạc nơi đâu
Tóc chưa xanh mà vội đã hoen màu
Thuở ly loạn tìm nhau trong ký ức
Cho tôi ghé thăm trường Trần Quý Cáp
Những màu rêu gạch ngói cũ có còn chăng
Bài thơ xưa còn đọng mãi bên thềm
Tôi vẫn viết nhưng thơ buồn hơn trước
Đường Hội An chưa mưa đà ngập nước
Những căn nhà lụp xụp nối vai nhau
Đình Cẩm Phô, khu Khổng Miếu Chùa Cầu
Tên nghe lạ nhưng vô cùng thân thiết
Cho tôi ghé thăm bến đò Nam Phước
Lần cuối cùng em đến tiễn tôi đi
Giờ chia tay sao chẳng nói năng gì
Nghìn năm để buông sầu trong ánh mắt
Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quế
Đứng bên cầu chợ Đuộng nước buông xuôi
Mùa Sim lên tím rực cả lưng đồi
Hương ngây ngất tôi mộng làm thi sĩ
Ai đứng đó bên kia bờ Giao Thủy
Khăn lụa vàng còn chít ở ngang vai
Nghiệp tằm tang khuya sớm vẫn đua đòi
Nghề canh cửi chắc còn nhiều cực khổ
Trong tim tôi có một dòng máu đỏ
Sẽ có ngày chảy đến tận Câu Lâu
Nước sông Thu dầu lụt lội đục ngầu
Nghe vẫn ngọt hơn bòn bon Đại Lộc
Bao giờ nhỉ tôi về thăm Đà Nẵng
Gió ngàn khơi thổi lạnh xuống sông Hàn
Bến Bạch Đằng còn chăng chuyến đò ngang
Ngày hai buổi nối qua cầu An Hải
Em trường Nữ nay có còn trở lại
Thả thư tình trêu chọc đám con trai
Đường Hùng Vương thuở ấy thật là dài
Nhưng rất ngắn trong những chiều chung bước
Mây có phủ trên đỉnh chùa Non Nước
Mưa có buồn giăng kín bãi Tiên Sa
Về đi thôi sương xuống tận Sơn Chà
Còn chăng nhỉ mối chân tình trên cát
Rồi một thuở tôi ôm đàn đứng hát
Bài ca buồn tiếng quốc vọng đêm khuya
Quảng Nam ơi! Khúc ruột đã chia lìa
Chiều viễn xứ ngậm ngùi cho Non Nước
Tôi đã bảo thơ tôi buồn hơn trước
Đời lưu vong chưa hẹn bước quay về
Câu hỏi này chỉ để hỏi tôi nghe
Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng.

Đọc xong 56 câu này đã mệt nhoài. Thế mà tôi cũng đã ngâm bài thơ này tại chùa Quan Âm ở Montreal dạo nào để gây quỹ xây dựng Tổ Đình Chúc Thánh tại Hội An. Nhơn đứng đó gảy đàn cho tôi ngâm và chắc Nhơn cũng chẳng bao giờ nghĩ là có ngày như vậy.

Nhơn sống tình cảm sâu sắc với quê hương và đậm đà với Đạo Pháp cũng như Dân Tộc. Do vậy hồn thơ đậm nét quê hương. Tôi có thể đọc suốt mấy ngày mấy trăm bài thơ của: Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương, Nguyễn Bính, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến hay thơ Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Lục Vân Tiên v.v… nhưng tôi chưa hề làm một bài thơ nào. Chỉ làm được một bài thơ Đường luật 8 câu độc nhất vô nhị trong đời vào ngày 5 tháng 9 năm 2012, nhưng bài thơ này suốt đời, các độc giả cũng khó có cơ hội đọc được.

Tôi chỉ thích viết văn và đọc sách, mặc dầu văn của tôi không có gì bóng bảy chải chuốt, nhưng có tính tả chân, dễ viết, không khách sáo, rỗng tuếch và cũng chẳng cầu kỳ. Thỉnh thoảng ở đâu đó ngồi nghe một người nào đó nhắc lại tư tưởng của mình qua mấy đoạn văn, cũng cảm thấy vui vui. Ví dụ như Pháp ngữ này: “Con xin nguyện mình làm dòng sông để chuyên chở những trong đục của cuộc đời và con xin nguyện làm mặt đất để hứng chịu những sạch nhơ của nhân thế”. Câu Pháp ngữ này đã đi vào lòng người.

Đây chính là hạnh nguyện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và hạnh nguyện của Ngài Địa Tạng. Cách cứu khổ của Ngài Quán Âm không phân biệt màu da, ngôn ngữ. Hành động ấy cao cả giống như dòng nước trôi xuôi, chảy bất tận vào nơi đâu cần chảy. Còn đất vốn có tính nhẫn, mà hạnh nguyện của Ngài Địa Tạng lại vô cùng, nên với tôi, đây cũng là những lời đại nguyện vậy.

Hôm đó Nhơn nghe tôi ngâm không hay, nhưng cả một tấm lòng của người con xứ Quảng đang sống xa xứ nghĩ về quê hương. Có lẽ anh ta cũng cảm động lắm. Nhiều lúc có những giọt nước mắt âm thầm được giấu sau nếp áo, nhưng nào có ai biết, ai hay. Mười năm, hai mươi năm sau gặp lại, nhắc những kỷ niệm xưa, chắc là chúng tôi không bao giờ quên hai cây đa chùa Viên Giác và bài thơ của quê hương xứ Quảng này. Mới đọc lên nghe toàn là những địa danh của xứ Quảng Nam, nhưng nghĩ cho cùng và nghe cho kỹ, nội dung bài thơ thấm thía vô cùng.

Lúc đó còn có Nhiêu và Cúc ở tận cầu Câu Lâu về đây tá túc đi học nữa, nên chùa bây giờ rất đông đúc học trò. Cô Bốn có thêm Cúc phụ nhà bếp, Thầy tôi có Nhơn và Thứ. Còn tôi, chú Đồng, chú Như Biên phụ Thầy Tư Toàn đi cúng đám và làm những công việc của chùa. Bây giờ sau hơn 40 năm nhìn lại, thấy chẳng còn ai mang hạnh nguyện độ sanh, mà tất cả đã và đang hòa tan vào trong dòng đời hư ảo ấy.

Thời gian này ở chùa Viên Giác đông đúc, nên chúng tôi thường hay họp Chúng để phân chia công việc. Mỗi người một nhiệm vụ như: Lê Hùng Anh gánh nước tưới cây, Ngô dọn cơm, cắt rau, Sơn, Nhiêu phụ rửa chén. Tôi đi công phu khuya và công phu chiều. Hôm nào bận học buổi chiều thì chú Ngô hay Bác Thị Tâm thay thế. Thứ làm thị giả cho Thầy, lái xe đi đây đi đó. Nhơn phụ những công việc tiếp khách trà nước v.v…

Trong năm này có nhiều chuyện không hay xảy ra trong chùa Viên Giác. Tôi, chú Đồng và Thứ đi tìm mọi cách để can ngăn, nhưng chúng tôi đuối lý và điều đúng, điều hay nằm nơi kẻ có quyền, nên lúc ấy tôi rất buồn, muốn tìm một giải pháp khác để thay đổi và âm thầm tìm cách rút lui khỏi chùa Viên Giác này để đi càng xa càng tốt.

Thuở ấy Thầy Tâm Thanh đang ở Sàigòn cũng đã chẳng hay biết chuyện gì đã xảy ra ở Viên Giác Hội An. Còn Thứ, Nhơn cũng như bao nhiêu người khác âm thầm chấp nhận và chịu đựng, nên đã chẳng có một ý kiến gì thể hiện lúc ấy, nhưng dẫu sao tôi cũng phải cảm ơn cho cuộc chia ly, ra đi vội vã này. Nếu không có ngày ra đi khi vừa học xong Đệ Tam Ban A ấy, có ở lại Hội An tiếp tục học cho xong Tú Tài I rồi Tú Tài II như nhiều Thầy, Cô khác thuở bấy giờ thì Nhật Bản, Âu Châu rồi Úc Châu hay Mỹ Châu vẫn còn là một chân trời xa lạ.

Hội An ơi! Ta vẫy tay chào mi.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 12 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục


Tổng quan về các pháp môn trong Phật giáo Tây Tạng


Kinh Di giáo


Các bài tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 54.208.135.174 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (390 lượt xem) - Việt Nam (123 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - ... ...