Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Hãy dang tay ra để thay đổi nhưng nhớ đừng làm vuột mất các giá trị mà bạn có.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Cảm tạ xứ Đức »» Chương II. Sự Liên Hệ Giữa Chùa Viên Giác, Hội Phật Tử, Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Với Chính Quyền Đức Qua Bộ Nội Vụ Liên Bang Tại Bonn »»

Cảm tạ xứ Đức
»» Chương II. Sự Liên Hệ Giữa Chùa Viên Giác, Hội Phật Tử, Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Với Chính Quyền Đức Qua Bộ Nội Vụ Liên Bang Tại Bonn

(Lượt xem: 2.670)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Cảm tạ xứ Đức - Chương II. Sự Liên Hệ Giữa Chùa Viên Giác, Hội Phật Tử, Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Với Chính Quyền Đức Qua Bộ Nội Vụ Liên Bang Tại Bonn

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Ngày 22 tháng 4 năm 1977 tôi đã đặt chân đến phi trường Hamburg của nước Đức, sau đó về ở Kiel một năm học tiếng Đức tại Đại Học Kiel. Sau đó có giấy nhập học tại Đại Học Hannover, Phân khoa Giáo dục, nên tôi đã dời về Hannover vào tháng 3 năm 1978.

Lẽ ra tôi không ở lại Đức. Vì chương trình học hậu Đại Học ở Nhật chưa xong, nên tôi muốn về đó để làm luận án cho xong, nhưng qua sự yêu cầu của các anh em Sinh viên Phật Tử lúc bấy giờ, nên tôi đã ở lại đây từ đó cho đến nay. Đúng là một nhân duyên vậy.

Sau đó tôi đưa đơn xin tỵ nạn vì lý do Phật Giáo bị đàn áp tại Việt Nam và ngày 29.3.1979, Sở Công Nhận Tỵ Nạn Liên Bang đã chính thức công nhận và sau đó tôi đã nhận được Thông Hành Tỵ Nạn màu xanh có 2 gạch đen bên góc.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi và một số các anh chị em Sinh viên đang du học tại Nhật có lên Sứ quán Việt Nam Cộng Hòa tại Tokyo gia hạn thêm Thông Hành được 5 năm nữa, nghĩa là sổ Thông Hành ấy đến năm 1980 mới hết giá trị, mặc dầu miền Nam Việt Nam không còn hiện hữu nữa. Tuy nhiên cũng nhờ Thông Hành của Việt Nam Cộng Hòa mà năm 1977 tôi mới được qua Đức, do Tòa Đại Sứ Đức tại Tokyo cấp Visa. Lúc ấy có giấy mời của Bác sĩ Văn Công Trâm, là bạn học cũ, từ Đức gởi sang cùng với giấy học Đức ngữ.

Từ năm 1975 đến 1977, chính quyền Nhật đã không cấp cho Sinh viên chúng tôi một loại giấy tờ nào cả. Trong khi đó chính quyền Đức sau năm 1975 đã cấp cho các Sinh viên Việt Nam tại đây Thông Hành tạm (Fremdenpaß) màu xám và sau đó chuyển qua Thông Hành Tỵ Nạn với quy chế cho người tỵ nạn thuộc Hiệp Ước ngày 28 tháng 7 năm 1951 ở Genève về người tỵ nạn. Ở Nhật không rõ ràng như thế cho nên ai cũng lo và sau khi tôi làm đơn xin tỵ nạn, tôi cũng đã được cấp một thông hành màu xám (Fremdenpaß) như thế, để đến ngày 29 tháng 3 năm 1979 được chính thức có Thông Hành Tỵ Nạn. Thời gian xem chừng 3 tháng là có kết quả. Lúc ấy ít người xin tỵ nạn và lý do vững vàng, do vậy có kết quả rất nhanh.

Từ 1979 đến 1986 tôi vẫn dùng Thông Hành Tỵ Nạn này và từ ngày 15 tháng 7 năm 1986 chính quyền Hannover đã nhận cho tôi vào quốc tịch Đức và kể từ đó đến nay vẫn giữ quốc tịch Đức như vậy. Có nhiều lý do để trở thành dân Đức, vì lẽ ngày về Việt Nam chưa biết là bao giờ, vả lại Việt Nam cho đến nay Phật Giáo vẫn còn bị đàn áp. Thứ hai, có quốc tịch như thế dễ hội nhập nơi đây và dễ dàng di chuyển trên thế giới. Vì với quốc tịch Đức thì có nhiều quốc gia trên thế giới không cần chiếu khán mà vẫn đến được như Mỹ, Canada, Úc chẳng hạn. Tôi là Tổng Thư Ký của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, phải đi hội họp và hoằng pháp khắp nơi, nếu không có quốc tịch Đức sẽ phải chờ đợi lâu ngày xin Visa thì cuộc họp đã khai mạc, mà nhiều khi chưa chắc gì đã nhận được Visa để đi.

Vào ngày 2 tháng 4 năm 1978 là Lễ An Vị Phật tại Niệm Phật Đường Viên Giác ở đường Kestnerstr. số 37 và vào ngày 24 tháng 7 năm 1978 chúng tôi đã hoàn thành xong bản Nội Quy Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật Tử Việt Nam tại Đức Quốc bằng tiếng Việt cũng như tiếng Đức.

Ngày 2 tháng 10 năm 1980 gởi đơn xin ghi danh tại Tòa án Hannover và ngày 27 tháng 6 năm 1981, Tòa án Hannover đã chính thức ghi danh vào Sổ Hội Đoàn với số hiệu 4844. Đồng thời ngày 27 tháng 2 năm 1981, Bộ Tài Chánh Hannover cũng đã công nhận Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật Tử Việt Nam tại Đức là một hội công ích từ thiện (gemeinnützigkeit).

Riêng phần Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Đức cho đến ngày 5 tháng 10 năm 1980 chúng tôi mới thành lập được nội quy bằng tiếng Việt và tiếng Đức để sau đó ghi danh nơi Tòa án và xin tư cách công ích từ thiện tại Bộ Tài Chánh.

Ngày 23 tháng 12 năm 1981 đã được Tòa án Hannover chuẩn y với số hiệu 4826. Ngày 13 tháng 1 năm 1981, Bộ Tài Chánh Hannover đã công nhận là một tổ chức công ích từ thiện (gemeinnützigkeit) với số hiệu 25/206/28507-227. Như vậy cả 2 tổ chức đều có pháp nhân và pháp lý để dễ dàng hoạt động trên mọi bình diện của Liên Bang. Thành viên của Chi Bộ chỉ toàn là Tăng Ni và thành viên của Hội Phật Tử hoàn toàn là các vị cư sĩ.

Ngày 10 tháng 12 năm 1978, chính quyền Tiểu Bang Niedersachsen, khi ấy ông Dr. Ernst Albrecht là Thủ Hiến, đã nhận 1.000 người tỵ nạn Việt Nam đầu tiên trên chuyến tàu Hải Hồng từ Việt Nam đến Hồng Kông, rồi từ Hồng Kông sang Đức. Đây là sự cứu trợ nhân đạo cao cả nhất và cũng là lần đầu tiên số người tỵ nạn đến từ Việt Nam đông đảo nhất. Hôm đó các anh em sinh viên và chúng tôi ra phi trường Hannover để đón tiếp họ. Tôi xin nghỉ học một semester tại Đại Học Hannover để đi giúp đồng bào mới đến tại bệnh viện Göttingen và trại tỵ nạn Friedland. Tôi cũng chỉ mới đến Đức hơn một năm nên tiếng Đức còn giới hạn lắm.

Sau đó anh Nguyễn Ngọc Tuấn, chị Nguyễn Thị Thu Cúc, các anh Văn Công Trâm, Lâm Đăng Châu v.v... lần lượt được chính quyền Tiểu Bang Niedersachsen mướn làm thông dịch viên dài hạn. Có người làm đến 5 năm. Còn tôi đầu năm 1979 đã trở lại chùa để chăm sóc cho Niệm Phật Đường cũng như đi học tiếp tục. Ngày ấy có giấy khen của Thủ Hiến gởi đến những người làm thiện nguyện như chúng tôi và giấy ấy, nay chúng tôi vẫn còn giữ để làm kỷ niệm.

Trong khi làm thiện nguyện cho đồng bào tỵ nạn như thế các đài truyền hình và báo chí có phỏng vấn chúng tôi. Chúng tôi trả lời thành thật về những gì đang xảy ra lúc đó cũng như dự tính trong tương lai cho Phật Giáo Việt Nam tại xứ này. Thuở ấy người dân Đức và chính quyền rất có thiện cảm với người tỵ nạn Việt Nam. Vì vậy vào ngày 17 tháng 10 năm 1979 chúng tôi, anh Tuấn, chị Cúc đã được ông Geißler là một công chức làm trong Bộ Nội Vụ Liên Bang mời đến văn phòng của Thiên Chúa Giáo tại Kaiser-Friedrichstr. 9 giới thiệu về những sinh hoạt của Niệm Phật Đường cũng như của Hội Phật Tử và ngày 23 tháng 11 năm 1979 chúng tôi đã gởi lên Bộ Nội Vụ Liên Bang một lá thư trình bày những buổi lễ tổ chức trong năm, báo Viên Giác, tiền thuê nhà v.v...

Ngày 11 tháng 2 rồi ngày 30 tháng 4 năm 1980 chúng tôi đã nhận được 2 văn thư chính thức của ông Dr. Geißler gởi, nhưng chúng tôi chưa quen với hành chánh, nên đã chẳng trả lời kịp thời. Sau đó ngày 7.5.1980 chúng tôi mới làm đơn xin tài trợ. Đầu tiên chính phủ cho 11.800 Đức Mã để lo lễ Phật Đản. Cho 3.000 Đức Mã xuất bản báo Viên Giác và 5.400 Đức Mã trả tiền thuê nhà tại Kestnerstr. số 37. Tổng cộng là 20.200 Đức Mã. Ngoài ra Bộ Văn Hóa của Tiểu Bang Niedersachsen cũng có giúp cho 15.000 Đức Mã nữa. Tổng cộng của 2 nơi là 35.200 Đức Mã.

Ngày 5 tháng 8 năm 1980 chúng tôi nhận được một thư khẩn nữa từ Bộ Nội Vụ, bảo rằng hãy làm đơn nhanh lên cho những nhu cầu mua máy móc của nhà in và ngày 8 tháng 8 năm 1980 chúng tôi nhận được thư của ông Broschat một lần nữa bảo rằng cần 3 giấy khảo giá khác nhau của 3 hãng bán cùng một loại máy. Thế là chúng tôi quýnh lên phải chạy đi tìm, nhưng lúc ấy tiếng Đức chẳng rành, vả lại tiếng Đức thuộc về lãnh vực chính phủ nên phải ngồi tra lại tự điển mới có. Không hiểu tại sao chính phủ bắt mình phải đi khảo giá 3 hãng bán máy cùng một hiệu mà 3 nơi khác nhau. Sau này chúng tôi mới rõ là: tuy một loại máy giống nhau mà 3 cửa hàng bán giá khác nhau, chứ không giống nhau, chính phủ sẽ chọn hãng bán máy rẻ nhất. Từ đó về sau chúng tôi đã có kinh nghiệm.

Năm đó chúng tôi còn nhận thêm được 10.000 Đức Mã mà chính phủ cho lễ Vu Lan nữa. Ngày 8 tháng 10 năm 1980 chúng tôi làm đơn xin chính phủ tiền thuê nhà để làm chùa mỗi tháng độ 3.000 Đức Mã và ngày 10.12.1980 chính phủ đã đồng ý cho từng năm một. Cho đến ngày 24 tháng 11 năm 1980 chúng tôi đã nhận được một thư khác của ông Dr. Geißler đồng ý cho mua máy móc cho nhà máy in cũng như những lễ lộc khác trong năm tổng cộng là 62.011,80 Đức Mã.

Đến ngày 1 tháng 1 năm 1981 chúng tôi đã dời địa điểm về Eichelkamstr. 35A và mỗi tháng chính phủ cho 3.000 Đức Mã để trả tiền nhà. Năm 1981 này chúng tôi tương đối đã có kinh nghiệm, nên việc làm đơn xin tương đối dễ dàng hơn một chút. Tổng cộng năm 1981 chính phủ giúp 99.800 Đức Mã. Ở đây tôi xin làm một bản thống kê để tạ ơn nước Đức đã giúp cho người tỵ nạn Việt Nam của chúng tôi và đặc biệt là người Phật Tử từ đó đến nay, để tuyên dương chính phủ và nhân dân Đức đã hết lòng hỗ trợ cho chùa Viên Giác, Hội Phật Tử cũng như Chi Bộ tại đây.

Năm 1982 chính phủ giúp tổng số tiền là 70.488 DM

Năm 1983 -nt- 71.500 DM

Năm 1984 -nt- 72.700 DM

Năm 1985 -nt- 75.600 DM

Năm 1986 -nt- 79.400 DM

Năm 1987 -nt- 78.300 DM

Năm 1988 -nt- 79.880 DM

Năm 1989 -nt- 82.400 DM

Năm 1990 -nt- 86.000 DM

Năm 1991 -nt- 138.200 DM

Năm 1992 -nt- 87.700 DM

Năm 1993 -nt- 140.100 DM

Năm 1994 -nt- 127.100 DM

Năm 1995 -nt- 162.465 DM

Năm 1996 -nt- 131.760 DM

Năm 1997 -nt- 131.630 DM

Năm 1998 -nt- 138.230 DM

Năm 1999 -nt- 138.230 DM

Năm 2000 -nt- 124.400 DM

Năm 2001 -nt- 155.000 DM

Năm 2002 -nt- 77.500 Euro

Nếu làm con số thống kê chung trong suốt 23 năm qua mà Chính Phủ Liên Bang Đức đã trợ giúp cho chùa Viên Giác tại Hannover thì lên đến 2.118.206,80 Đức Mã cộng với 77.500 Euro, tương đương với 155.000 Đức Mã. Như vậy số tiền tổng cộng là 2.273.206,80 Đức Mã. Nếu tính ra Đô-la Mỹ trong hiện tại, độ chừng hơn Một Triệu Đô-la Mỹ.

Sở dĩ mỗi năm có sự tài trợ khác nhau vì lẽ có nhiều nhu cầu khác nhau. Ví dụ như ngoài việc tài trợ cho Lễ Phật Đản, Vu Lan, báo Viên Giác, tiền điện, gas, nước, sưởi, sách bút chỉ văn phòng v.v... thì số tiền tài trợ lại tăng lên. Trong hơn 2 triệu Đức Mã tài trợ đó chúng ta phải tự đóng góp vào là một phần ba. Đây chỉ là những chi tiêu có liên quan đến Bộ Nội Vụ Liên Bang. Còn những chi tiêu như sinh hoạt phí, xây chùa, xe cộ, bảo hiểm, người làm, chợ búa, xăng nhớt v.v... phải trình cho Bộ Tài Chánh Hannover cứ mỗi 3 năm một lần như thế. Vì lẽ người Phật Tử cúng dường tiền vào chùa, cuối năm họ xin lại thuế từ chính phủ, cho nên chùa phải chứng minh sổ chi thu thật rõ ràng. Những gì mà báo Viên Giác đã đăng tải lên mỗi năm 6 lần và cho đến nay gần 25 năm rồi, đều có báo cáo với Bộ Tài Chánh để họ theo dõi. Người cúng dường tiền cho chùa mỗi năm có thể nhận lại một số tiền trừ thuế từ Bộ Tài Chánh nơi sở tại, nếu người đó có đi làm. Chỉ độ 10 đến 20% người đi làm có xin lại thuế, còn đa phần không muốn xin lại, hoặc lãnh tiền trợ cấp xã hội nên họ không cần đến điều này.

Chính phủ giúp người dân, đặc biệt là dân tỵ nạn cũng từ thuế của dân ra mà thôi. Dĩ nhiên là trong đó vẫn có phần đóng góp của 100.000 người Việt Nam đang tỵ nạn và sinh sống tại nước Đức này, mà chùa đã làm được những gì cho đồng bào. Do vậy chính phủ vẫn tiếp tục hỗ trợ. Sự giúp đỡ ấy nhằm ổn định đời sống của ngoại kiều thuộc về tâm lý, văn hóa khi còn bỡ ngỡ cho việc hội nhập tại đây. Sự giúp đỡ ấy của chính phủ không phí phạm chút nào. Vì một người có niềm tin với Tôn Giáo chính là những người đang thực hành đạo đức! Có vậy xã hội sẽ không bạo động, đời sống tinh thần được yên ổn. Đây là sự giúp đỡ cao quý nhất của chính phủ vậy.

Khi người nhận được sự trợ giúp như chúng tôi phải tự hiểu rằng mình phải làm gì với bổn phận và trách nhiệm, chứ không phải chỉ nhận suông mà không có điều kiện. Suốt gần 25 năm qua chúng tôi đã thể hiện tinh thần tự lực và hội nhập bằng cách tạo lập tại Hannover một Cơ sở Văn hóa Tôn giáo trị giá độ 9 triệu Đức Mã, tương đương với 5 triệu rưỡi Mỹ kim thời giá 1991. Số tiền ấy có được là do Phật Tử khắp nơi tại Đức, Âu, Mỹ, Úc Châu đóng góp cũng như cho mượn không có lời. Ngoài ra chúng tôi đã mượn ngân hàng 700.000 Đức Mã cho vấn đề xây dựng này. Cho đến gần giữa năm 2007 thì hết nợ của ngân hàng và nhà thầu. Thành quả ấy là một sự cố gắng vượt bực, chính phủ giúp mặt này để chúng tôi giúp mặt khác, nhằm làm cho vững vàng cộng đồng của người Việt Nam đang sống tại xứ Đức này.

Trong gần 25 năm qua, chúng tôi đã đào tạo được hàng ngàn, hàng vạn người Phật Tử thuần thành có quy y Tam Bảo, có ăn chay giữ giới. Không những chỉ người Việt mà người Đức cũng đến đây để làm quen với giáo lý từ bi lợi tha này. Đạo Phật không có cơ quan truyền giáo, nhưng nếu ai muốn theo thì cứ việc đến chùa. Chúng tôi đến nước Đức tỵ nạn chính trị và tỵ nạn Tôn Giáo, chúng tôi đã mang theo niềm tin của mình cũng giống như người Trung Hoa đã đến Việt Nam gần 2000 năm trước để tỵ nạn và họ đã mang đạo Phật vào Việt Nam. Các nhà sư thực hành đạo Phật tại Việt Nam, người Việt Nam thấy hay nên đã chọn lựa đạo Phật mà theo. Kể từ đó đến nay đã 2000 năm lịch sử rồi. Có lúc cũng là quốc giáo như vào đời Lý và đời Trần ở thế kỷ 11 đến 14. Suốt 400 năm ấy Phật Giáo đã đóng góp rất nhiều cho dân tộc Việt Nam.

Phật Giáo đến Đức cũng bằng con đường như thế, rất từ bi, hài hòa, không gây hấn chiến tranh cũng như thù hận, nên được chính phủ và người dân ở đây thương yêu, mến mộ. Do vậy chúng tôi rất ít gặp khó khăn ở đây. Chúng tôi đã tiếp xúc với những nhân viên công chức của chính quyền Bộ Nội Vụ như ông Dr. Geißler, bà Michael, ông Dammemann, ông Dubbert v.v... qua nhiều lần và nhiều năm tháng như thế. Chúng tôi thấy họ rất tận tình giúp đỡ, chỉ vẽ cũng như thân thiện, làm cho chúng tôi lại tin tưởng hơn. Cho đến hôm nay thì ông Dr. Geißler, bà Michael, ông Dammemann đã về hưu, nhưng những ơn nghĩa đó của quý vị chúng tôi không bao giờ quên được. Bằng chứng là những năm 1980, 1981 chúng tôi chẳng biết gì về hành chánh, vì có học hành chánh bao giờ đâu, nhưng quý vị đã thôi thúc, chỉ vẽ từng li từng tí một để chúng tôi nhận được sự trợ cấp một cách dễ dàng. Dĩ nhiên, đường đi nào cũng chẳng đơn giản, nhưng có khó khăn thử thách thì sự thành công ấy mới có giá trị. Nếu không thì cuộc đời này đã không đầy đủ ý nghĩa của nó.

Có nhiều lúc từ Bonn quý vị gọi lên thúc hối chúng tôi gởi đơn xuống gấp cho kịp thời gian tính, hay bảo nên làm giấy tờ chi xuất trước, Bộ có thể ứng liền. Những cử chỉ như thế làm sao chúng tôi quên được. Quý vị là những người làm ơn, có thể quý vị hay quên, nhưng chúng tôi là những kẻ chịu ơn, chúng tôi bắt buộc phải nhớ.

Để nhận được sự tài trợ như thế, phải là một tổ chức chứ không phải tư nhân. Như quý vị đã thấy bên trên, chúng tôi có 2 tổ chức - Một tổ chức toàn là Tăng Ni và một tổ chức khác toàn là cư sĩ tín đồ. Với mô hình này tôi cũng muốn ứng dụng cho Hội Phật Giáo Đức (BDV) nhưng chưa thành công. Vì người Đức tin theo Phật Giáo mới chừng hơn 100 năm nay thôi, nên chưa hệ thống hóa và tổ chức hóa Giáo Hội Phật Giáo tại đây. Dĩ nhiên là ở Đức có nhiều người giỏi, nhưng cũng không có nghĩa là trường học không cần thầy giáo, ở nhà con cái không cần cha mẹ. Cha mẹ và thầy giáo chỉ làm bổn phận của mình chỉ dạy, còn nên hư là do học đường, môi trường cũng như hoàn cảnh của người con, người học trò. Tuyệt nhiên không thể nói và không thể đòi hỏi người con phải bình đẳng với cha mẹ, người học trò bình đẳng với thầy cô giáo được. Như vậy ý nghĩa của sự giáo dục, đào tạo đâu còn nữa.

Ở đây cũng vậy, Tăng Ni có giới luật riêng. Họ không lập gia đình và sống đời phụng sự, phải có một tổ chức riêng, chứ không thể chung đụng với người cư sĩ được. Đây là một trong những lý do mà cho đến nay ở nước Đức này chưa trở thành một tổ chức Offenliches Recht được. Trong khi đó Phật Giáo tại Áo đã được công nhận từ năm 1983 và ở Ý vào năm 2000 là một Tôn Giáo sánh ngang vai với những tôn giáo khác, hiện có mặt tại Âu Châu này. Chính nhiều người Phật tử Đức họ cũng bảo rằng các tổ chức Phật Giáo tại Đức ngày nay rất phức tạp, giống như một gian hàng bày bán mọi loại, mọi thứ như là một Bazar vậy. Nói thế thì thê thảm quá, nhưng thực tế là vậy. Vì lẽ người theo Thiền Tông chỉ muốn giới thiệu Thiền của mình, người theo Tịnh Độ cũng thế. Gần đây phong trào học Phật Giáo Tây Tạng cũng nhiều lại cũng chẳng thiếu người Đức tin theo và đề cao tông phái của mình. Nhớ lại lịch sử thì thấy rằng đầu tiên thời Schopenhauer và sau đó, tại Đức này chỉ ảnh hưởng về Nam Tông Phật Giáo, nhưng ngày nay tại xứ Đức ảnh hưởng của Thiền và Mật Tông Tây Tạng mạnh hơn khuynh hướng cổ điển này rất nhiều.

Ở Đức này là một xứ tự do, muốn lập một Hội Đoàn chỉ cần 5 đến 7 người là đủ. Thế mà năm 1978 ở tại Đức này chưa đủ số tu sĩ như thế nên giữa năm 1978 tôi phải lập Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật Tử Việt Nam trước, để rồi sau đó năm 1979 có nhiều Thầy Cô qua Đức tỵ nạn, số Tăng sĩ mới đầy đủ để trở thành một Chi Bộ Phật Giáo đúng nghĩa tại đây. Thuở ấy có quý Thầy Thích Trí Hòa, Thích Minh Thân, Thích Giác Minh đã cùng với tôi, Thầy Thiện Tâm, Thầy Minh Phú, Sư Cô Diệu Ân, Sư Cô Diệu Hạnh, Cô Minh Loan đứng vào danh sách của Chi Bộ để thành lập Hội. Sau này các thầy Thích Trí Hòa, Thầy Minh Thân và Sư Giác Minh đi Hoa Kỳ thì có Ni Sư Diệu Tâm đến cũng như một số quý vị xuất gia thêm, đã có chân trong Chi Bộ nên Chi Bộ đã phát triển không ngừng từ đó đến nay và số thành viên hiện đã hơn 40 người xuất gia. Đây là số Tăng Ni đông đảo nhất trong các cộng đồng của Phật Giáo Đức tại đây. Nếu tính hết những người Đức xuất gia đang ở Thái Lan, Nhật Bản, Tích Lan, con số ấy cũng chưa đến. Vì lẽ đời sống của người xuất gia không đơn giản chút nào. Còn ở tại nước Đức này số người Đức xuất gia theo Đạo Phật chưa đến 20 người, trong khi đó số tín đồ theo Phật Giáo không dưới 200.000 người và số người thích đọc sách Phật Giáo cũng từ 500.000 đến 1 triệu người.

Tôi phải cảm ơn chính phủ Đức và Bộ Nội Vụ đã đành, nhưng tôi cũng phải cảm ơn những Thầy, những Cô người Việt Nam nữa. Nếu không có họ, tổ chức Phật Giáo tại đây khó thành tựu. Đầu tiên, người chúng tôi nhắc đến là Sư Giác Minh. Sư theo hệ phái Khất Sĩ, đã đến tỵ nạn tại Aachen vào năm 1979. Sau khi Sư ở trại tỵ nạn được mấy tháng, Sư có dọn về Niệm Phật Đường Viên Giác ở Kestnerstr. số 37, Hannover, từ cuối năm 1979 đến giữa năm 1980, ở chung với chúng tôi, sau đó Sư di dân sang Mỹ và hiện đang sống ở Tiểu Bang California vùng Los Angeles. Cuộc họp ngày 5 tháng 10 năm 1980, Sư được mọi người hiện diện bầu làm Chi Bộ Phó Nội Vụ.

Riêng tôi được bầu làm Chi Bộ Trưởng từ năm 1980 đến nay. Cứ mỗi 2 năm bầu lại một lần và nhiệm kỳ này (2001-2003) có lẽ là nhiệm kỳ cuối. Vì chúng tôi muốn trẻ trung hóa thành phần lãnh đạo của Chi Bộ, đưa lớp Tăng Ni trẻ lên làm việc. Dẫu sao đi nữa cá nhân tôi cũng đã làm việc trong Chi Bộ và tại nước Đức này hơn 25 năm rồi. 25 năm làm việc tại đây tôi được phép xem như 50 năm tại Việt Nam. Vì lẽ ở nước Đức này cái gì cũng mới mẻ. Tất cả đều bắt đầu bằng con số không to tướng. Công việc từ A đến Z phải thành thục. Nếu không, sẽ dễ bị đổ gãy giữa đường.

Cuối năm 1978, Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật Tử Việt Nam được thành lập và với danh nghĩa này chúng tôi đã khai báo tại Ordnungsamt Hannover. Đến năm 1979 chúng tôi đã đứng trên danh nghĩa này để xin tài trợ của Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Đức. Năm 1981 Tòa án mới công nhận tổ chức (ngày 27.6.1981) và cùng năm này Bộ Tài Chánh cũng đã công nhận tư cách công ích từ thiện của tổ chức. Chi Bộ được thành lập vào ngày 5 tháng 10 năm 1980 và ngày 23 tháng 12 năm 1981 cũng đã được Tòa án Hannover công nhận, đồng thời trong năm 1981 này tổ chức của Chi Bộ cũng đã được công nhận là một tổ chức từ thiện công ích (Gemeinnützigkeit). Như thế cả 2 tổ chức có cái trước cái sau, nhưng tất cả đều được tư cách pháp nhân vào năm 1981 để chúng tôi làm việc nhịp nhàng từ 1981 đến nay (2002) và trong năm này chúng tôi sẽ đệ đơn lên Bộ Văn Hóa của Tiểu Bang Niedersachsen xin hợp thức hóa tính cách Offenliches Recht để Phật Giáo được công nhận như là một Tôn Giáo như tại Áo và Ý đã thành công.

Người thứ ba được bầu vào chức vụ Chi Bộ Phó Ngoại Vụ thuở ấy là Thầy Thích Thiện Tâm. Thầy ấy đến tỵ nạn tại Đức vùng Münerstadt gần Würzburg từ năm 1979 và Thầy tham gia Chi Bộ cho đến khoảng 1985 thì không còn trực tiếp nữa. Mặc dầu Thầy ấy vẫn còn ở nước Đức và đã về hưu, Thầy thích đời sống nhập thất, an tĩnh tu hành hơn là đi vào những việc hành chánh.

Vị Thư Ký của Chi Bộ được bầu thuở đó là Thầy Thích Minh Thân. Thầy Minh Thân cũng đến tỵ nạn tại Đức vùng Barntrup vào cuối năm 1979 và dời về Düsseldorf để đến năm 1985, 86 thì Thầy ấy sang Mỹ, hiện ở tại vùng San Jose Tiểu Bang California tại Hoa Kỳ.

Ni Sư Thích Nữ Diệu Hạnh được bầu làm Thủ Quỹ của Chi Bộ. Ni Sư cũng đến tỵ nạn tại Đức từ năm 1979, ở vùng Barntrup cho đến ngày nay và hiện là Trụ trì chùa Phật Bảo tại Barntrup.

Thầy Minh Phú và Cô Minh Loan thuở ấy được bầu vào Ủy Viên Văn Hóa. Thầy và Cô đều đến Đức tỵ nạn từ năm 1979. Đầu tiên đến ở trại tỵ nạn Münerstadt và sau đó Thầy Minh Phú về chùa Viên Giác Hannover ở với tôi từ năm 1981 đến 1983, sang năm 1984 Thầy về Düsseldorf lập nên Niệm Phật Đường Thiện Hòa để sau đó dời về Mönchengladbach và trụ ở đó cho đến ngày nay. Cho đến nhiệm kỳ 2001-2003 này, Thượng Tọa Thích Minh Phú giữ chức vụ Chi Bộ Phó Ngoại Vụ. Cô Minh Loan đến năm 1990 không đủ nhân duyên nữa nên đã hoàn tục, không còn giữ những nhiệm vụ trong Chi Bộ nữa.

Người cuối cùng trong 7 người của Chi Bộ là Ni Sư Thích Nữ Diệu Ân. Ni Sư đảm trách Ủy Ban Nghi Lễ thuở đó và qua nhiều nhiệm kỳ khác nhau Ni Sư cũng đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau trong Chi Bộ. Ni Sư cũng đến tỵ nạn tại Đức từ năm 1979, ở Münerstadt và có về chùa Viên Giác Hannover ở một thời gian ngắn, sau đó Ni Sư về Aachen để lập nên chùa Quan Thế Âm Ni Tự và trụ tại đó cho đến ngày nay.

Khi Sư Giác Minh, Thầy Minh Thân, Thầy Thiện Tâm không còn cộng tác với Chi Bộ nữa thì một số chức vụ trong Chi Bộ được thay thế bởi Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm, Ni Sư Diệu Phước, Thầy Trí Hòa cũng như một vài vị mới đến tỵ nạn tại nước Đức sau này. Về sau Thầy Trí Hòa đi Mỹ, nên nhân sự cứ phải hoán đổi mãi để hợp với nhu cầu, tình hình sinh hoạt Phật sự của từng thời điểm và nhất là làm sao phải phù hợp với tinh thần Nội Quy của Chi Bộ theo luật lệ của nước Đức.

Bản Nội Quy của Chi Bộ gồm có 5 chương, 10 điều và 14 điểm - là chỉ đạo nòng cốt của việc Phật sự tại Đức từ đó đến nay. Hôm nay tôi viết những dòng chữ này để tạ ơn chính phủ Đức, đồng thời cũng xin tạ ơn những Thầy, Cô đã cộng tác với Chi Bộ trong suốt thời gian hơn 20 năm qua, hoặc ngắn hạn hoặc dài hạn. Tất cả là những cây trụ cột của Giáo Hội tại xứ Đức này. Phải thành thật nói rằng chúng tôi không giỏi như những nơi khác, nhưng chúng tôi biết lắng nghe, nên đã giữ vững Chi Bộ được suốt hơn 20 năm qua. Tôi là người lãnh đạo luôn luôn quan niệm rằng phải cần nhiều bàn tay, khối óc góp sức vào, dầu dở cũng sẽ trở nên mạnh mẽ. Cũng như thế ấy, một cây dầu to, cao lớn đến thế mấy mà đứng trơ vơ giữa khoảng không, khi gió bão thổi qua chắc chắn sẽ dễ bị trốc gốc. Còn chúng tôi, giống như những chùm cây dại mọc dọc theo hai bên lề đường, tuy xấu xí, khó xem, nhưng chúng tôi đã chạm lưng vào nhau, nương tựa lẫn nhau, nên gió nào có thổi đến chúng tôi vẫn không bị dao động. Nhiều lúc những thành viên trong Chi Bộ cũng có những sự bất mãn, có lúc nhỏ, có lúc lớn, nhưng cuối cùng rồi chúng tôi cũng đã giải quyết một cách êm thắm, nhẹ nhàng. Điều này chúng tôi đã học được ở người Đức và người Âu Mỹ rất nhiều. Nghĩa là cái gì không thích, không đúng thì cứ nói, cứ bàn cãi và cuối cùng cái hay nhất được tuyển chọn ra và đem vào ứng dụng cho tổ chức. Có như thế tổ chức mới mạnh và tạo nên sự tin tưởng của mọi người được.

Năm 1977, đơn thương độc mã một mình tôi đi vào xứ Đức này, đến năm 1979 có đầy đủ 7 người Tăng sĩ để lập nên một Tổ Chức của Giáo Hội. Và ngày nay, sau hơn 20 năm, đã có hơn 40 người xuất gia, nhằm duy trì cũng như phát triển mạng mạch cho Phật Giáo tại xứ này. Con số ấy thực sự không nhiều đối với việc phải lo chăm sóc đời sống tinh thần của gần 70.000 đồng bào Phật Tử Việt cũng như Đức tại đây, nhưng so với truyền thống xuất gia của người Việt Nam đối với Phật Giáo các nước khác tại xứ Đức này, con số ấy không phải nhỏ.

Khi chúng tôi nhận được sự tài trợ của Chính Phủ Liên Bang như thế, không có nghĩa là nhận tiền riêng cho mỗi cá nhân trong Chi Bộ, mà mỗi một khoản chi thu đều phải rõ ràng. Nếu dư phải trả lại cho chính phủ, nếu thiếu, chính là mình không biết tính, nhưng dầu dư hay thiếu cũng không được dưới và trên 20% của số tiền đã dự chi cho mỗi công việc. Quý vị nhìn hơn 2 triệu Đức Mã mà chính phủ đã giúp cho Giáo Hội tại Đức trong suốt hơn 20 năm qua đều thuộc về lãnh vực văn hóa của Tôn Giáo. Ví dụ như tài trợ một phần cho lễ Phật Đản, Vu Lan, đóng tiền thuê chùa để có nơi sinh hoạt. Sau này, kể từ năm 1991 đến nay chuyển tiền thuê ấy qua trả tiền điện, gas, nước v.v... Rồi xuất bản báo Viên Giác, sách vở của chúng tôi viết, bút chỉ văn phòng v.v... nghĩa là tất cả những sự chi tiêu đó không còn đọng lại một vật gì cả. Ngoại trừ những máy in, sách vở, bàn ghế văn phòng của chính phủ cho. Bây giờ đã quá 20 năm rồi, nên đa phần đã bị hư hoặc không còn dùng đến nữa.

Ngoài ra tất cả những chi thu ấy, cuối năm đều phải tường trình về Bonn. Bonn sẽ gởi cho một bộ khác gọi là Bundesausgleichsamt (Bộ so sánh) để thẩm định lại việc chi thu của Giáo Hội có đúng hay không? Nếu sai, số tiền chi ấy sẽ bị rút lại. Ví dụ như trong chi thu ăn uống cho buổi lễ, nếu có ai trong Ban Tổ Chức mua lộn vào đó một ít xà-phòng, một cây chổi quét nhà v.v... điều ấy trở nên không hợp lệ. Vì lẽ chi cho thực phẩm thì phải chi cho thực phẩm, thứ khác không được tính thêm vào. Điều ấy có nghĩa là những vật sử dụng ấy sẽ mất luôn, chứ không được phép còn tồn tại.

Có năm chúng tôi nhận được sự tài trợ của chính phủ nhiều. Vì lẽ năm ấy có tổ chức Hội thảo, hội nghị, hoặc khánh thành v.v... chúng tôi được trợ giúp cho việc di chuyển trong nước Đức, chỗ ăn, chỗ ở v.v... Và dĩ nhiên trong mỗi khoản chi như thế chúng tôi đều phải có phần đóng góp của tổ chức mình độ chừng 1/3 tổng chi phí.

Cá nhân tôi trong suốt 25 năm qua cũng như quý Thầy, quý Cô trong Chi Bộ phải nói rằng đã không nhận một đồng lương nào của chính phủ cả, mà tất cả đều với mục đích từ thiện, công ích như Bản Nội Quy đã đề ra. Vì nhu cầu chúng tôi không nhiều, như chỗ ở đã có chùa, di chuyển có Phật Tử cúng, ăn uống thực phẩm cũng Phật Tử cúng dường và ngay cả tiền túi cũng không cần nhiều. Chúng tôi chỉ cần bảo hiểm sức khỏe và mỗi người đã được Giáo Hội hoặc chùa địa phương lo việc ấy. Chúng tôi sống độc thân, không có gia đình, nên chẳng cần tài sản, của cải để lại cho con cháu đời sau như người đời vẫn thường làm.

Tôi chẳng biết mình còn sống được bao lâu nữa, nên hôm nay sau 25 năm làm việc ở xứ Đức này, tôi phải nói lên hai tiếng “cảm ơn” với chính phủ Đức và với những người đồng đạo của tôi, đã giúp tôi đi suốt một đoạn đường dài của một thế hệ 20 năm và thế hệ khác của 20 năm sau chắc chắn sẽ khác hơn bây giờ. Vì “thời gian và thủy triều đâu có đợi chờ ai”. Do vậy phải làm những gì khi có thể làm được để tạ ơn Tam Bảo, ơn Quốc gia, ơn Sư trưởng, ơn bằng hữu, ơn thiện hữu tri thức, ơn chúng sanh v.v... là những điều mà một người tu Phật như chúng tôi không được phép quên, phải luôn luôn nhớ.

Sau đây tôi xin ghi lại một vài diễn tiến với Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật Tử Việt Nam tại Tây Đức.

Ngày 20 tháng 11 năm 1979, Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật Tử Việt Nam tại Đức được thành lập và Hội Trưởng lúc bấy giờ là anh Thị Minh Văn Công Trâm. Lúc ấy Trâm còn là Sinh viên Y khoa, du học tại Đức từ năm 1969, nghĩa là đã ở Đức 10 năm, nên tiếng Đức khá vững vàng. Bây giờ là Bác sĩ gây mê tại bệnh viện Iserlohn. Tôi phải cảm ơn vị này. Vì nếu không có anh Văn Công Trâm thì tôi không có mặt tại xứ Đức, mà cũng chẳng có giấy mời đến Đức thăm vào năm 1977. Trâm vốn là bạn học cùng trường thuở Tiểu Học và bây giờ là đệ tử quy y Tam Bảo của tôi.

Người thứ hai là Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp, lúc ấy cũng còn là sinh viên và hiện tại là kỹ sư nhưng không còn hành nghề kỹ sư mà làm nghề nhà hàng, du học Đức từ năm 1968. Anh này cũng hỗ trợ cho tôi rất nhiều từ khi Niệm Phật Đường Viên Giác mới thành lập vào năm 1978 cho đến năm 1992 thì mới chính thức không giúp đỡ trực tiếp nữa.

Người thứ ba là anh Tusito Nguyễn Ngọc Tuấn, Sinh viên du học Đức từ năm 1968 và đã xong kỹ sư, hiện đang làm việc tại Bưu Điện ở Bonn. Thuở ấy anh giữ chức Phó Hội Trưởng Ngoại Vụ, còn Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp là Phó Hội Trưởng Nội Vụ.

Người thứ tư là chị Diệu Hoa Nguyễn Thị Thu Cúc, giữ chức Thư Ký của Hội. Chị cũng là sinh viên du học Đức từ năm 1968 và đã cộng tác với chùa Viên Giác cho đến năm 1980, sau đó vì công ăn việc làm nên đã dọn về Hamburg và bây giờ thì cư trú tại Bonn.

Người thứ năm là cô Thủ Quỹ Thị Nhân Đoàn Thị Thu Hạnh, người này không phải là sinh viên du học. Tuy nhiên chồng cũng là Tiến sĩ người Đức. Cô đến Đức độ năm 1977. Hiện giờ ở gần Braunschweig. Những năm đầu cô là Thủ Quỹ của Niệm Phật Đường cũng như của Hội Phật Tử, những chi thu ngày ấy tôi vẫn còn giữ cho đến nay, để sang năm (2003) kỷ niệm 25 năm thành lập chùa Viên Giác sẽ trưng bày những kỷ niệm khiêm nhường ấy cho mọi người xem. Nghĩa là sau 25 năm, Viên Giác đã tiến theo lũy thừa 100 hoặc lũy thừa 1000 chứ không phải ít.

Trong năm người của Ban Chấp Hành Hội Phật Tử đã có 4 người là sinh viên du học. Do vậy tên của Hội được đặt là Hội Sinh Viên và Kiều Bào Phật Tử Việt Nam tại Đức, và đến năm 1987, vì lẽ đồng bào Phật Tử đến tỵ nạn tại Đức càng ngày càng đông và số sinh viên đã ra trường, cho nên Đại Hội năm ấy đã đổi danh xưng là Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Tây Đức. Đây là một Hội có tầm vóc của người Việt Nam tại xứ Đức này. Cho đến nay sau hơn 20 năm hoạt động đã có 18 Chi Hội tại các địa phương như: Hamburg, Norden, Bremen, Hannover, Berlin, Koblenz, Nürnberg, Frankfurt, Aschaffenburg, Wiesbaden, Saarland, Freiburg, Mannheim, Stuttgart, Tüttlingen, Reutlingen, München và trong 18 Chi Hội đó có 7 Gia Đình Phật Tử quy tụ các em thiếu nhi và thanh thiếu niên Việt Nam hiện đang đi học tại các trường Đức. Bảy Gia Đình Phật Tử ấy sinh hoạt tại các địa phương như: Norden, Bremen, Hamburg, Hannover, Berlin, Nürnberg, München và những Gia Đình Phật Tử ấy đang sinh hoạt dưới các chùa tại các địa phương như:

- GĐPT Pháp Quang tại Hamburg sinh hoạt với chùa Bảo Quang

- GĐPT Tâm Minh sinh hoạt với chùa Viên Giác tại Hannover

- GĐPT Chánh Niệm sinh hoạt với chùa Linh Thứu tại Berlin

- GĐPT Chánh Tín sinh hoạt với chùa Tâm Giác tại München

Có 3 Gia Đình Phật Tử sinh hoạt trực tiếp với các Chi Hội không có chùa. Đó là:

- Gia Đình Phật Tử Minh Hải tại Norden

- Gia Đình Phật Tử Chánh Giác tại Bremen, và

- Gia Đình Phật Tử Chánh Dũng tại Nürnberg, nhưng có lẽ nay mai Chánh Dũng sẽ được sinh hoạt với Niệm Phật Đường Viên Âm vừa mới được thành lập tại Fürth.

Ngoài ra có một số chùa tại Đức không có Gia Đình Phật Tử sinh hoạt thường xuyên như:

- Chùa Phật Bảo tại Barntrup

- Chùa Quan Thế Âm Ni Tự tại Aachen

- Chùa Thiện Hòa tại Mönchengladbach

- Chùa Tam Bảo tại Reutlingen

- Chùa Phật Huệ tại Frankfurt.

Như vậy nếu tính chung lại, tại Đức ngày hôm nay có 10 ngôi chùa để tổ chức những khóa tu học, lễ bái, cầu nguyện, ma chay, cưới hỏi cho khoảng 70.000 người Việt Nam, quả là một sự dung chứa quá tải. Trong khi đó người Đức mỗi nhóm chỉ 5 hay 10 người trở lên, họ đã có một cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng, dầu cho thuê mướn hay mua sắm.

Vào năm 1995, theo ông Dr. Baumann trong quyển Deutsche Buddhisten mà ông đã cho xuất bản thì số lượng Hội Đoàn cũng như Tổ Chức và Nhóm theo Đạo Phật của người Đức hiện ở rải rác trên Cộng Hòa Liên Bang Đức này không dưới 500 Hội. Tôi chẳng biết nhiều như vậy là tốt, hay ít là tốt. Tuy nhiên sự tự phát ấy nó cũng chỉ có tính cách thời gian. Nếu tổ chức nào có đường hướng hoạt động lâu dài, rõ ràng thì tổ chức ấy sẽ được nhiều người tham gia cộng tác. Bằng ngược lại, các tổ chức ấy sẽ tự tan rã.

Tôi quan niệm rằng: Tất cả các tổ chức của Phật Giáo tại xứ Đức này hay bất cứ nước nào trên thế giới theo Phật Giáo cũng giống như thế thôi. Nghĩa là: Thân mẹ của một cây đại thụ phải gồm nhiều cành lá. Nếu cành nào phát triển tốt thì sẽ sống mãi trên thân cây mẹ ấy, nếu cành nào khô, tự nó phải bị hoại diệt để cho cành khác tăng trưởng. Đây là nguyên tắc mà tôi đã điều khiển Chi Bộ cũng như cố vấn cho sự sinh hoạt của Hội Phật Tử Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức này. Tôi không sợ hơn hoặc thua, nhiều hoặc ít, mà tôi chỉ nói đến sự tồn tại trong sự tồn tại để được phát triển, thì đó là một nguyên tắc tương đối cho nhiều vấn đề mà tôi đã làm cơ sở cho sự hoạt động tại đây. Không tranh giành ảnh hưởng, không sợ hơn kém, mà chỉ sợ rằng mình không đủ đức tu để lo vun xới vườn hoa nội tâm giác ngộ của mình khi đi vào một xứ sở có nền văn hóa xa lạ với Đông Phương như thế này.

Trên đây là sự tổ chức cũng như cơ cấu của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Đức và nhờ có tổ chức chặt chẽ như thế nên sự liên hệ với chính quyền, điều hành Phật sự cũng như phát triển mỗi ngày một khởi sắc hơn. Giữa cư sĩ và Tăng sĩ đã hoạt động một cách nhịp nhàng. Giữa Đời và Đạo chúng tôi đã kiện toàn giai đoạn 20 năm xây dựng cơ sở và từ đây trở đi là đào tạo con người và đi vào hoạt động. Có như thế tổ chức mới lớn mạnh và cành cây kia trên thân thể của cây cổ thụ Phật Giáo mới còn có cơ hội để triển khai ở nhiều phương diện hơn thế nữa.

Nước Đức và Chính phủ Đức là một nhà nước pháp trị. Nghĩa là dùng luật pháp để cai trị và bảo đảm đời sống cho người dân, nên chúng tôi cảm thấy rất yên ổn, hài hòa dễ sống. Đời sống thoải mái ấy không nhất thiết do vật chất tạo nên, mà phải do tâm thức của con người có một lối sống thích hợp với những gì tự do của ta đang có thì đời sống ấy càng có ý nghĩa nhiều hơn.

Do đó, ngày càng có nhiều người muốn đến thăm Đức, hoặc muốn ở lại Đức cũng từ lý do ấy là chính, chứ không phải ai cũng muốn đến đây vì lý do kinh tế như nhiều nhà chính trị hoặc dân chúng Đức đã phê phán. Nghĩ như vậy thì quả là rất tội nghiệp cho con người khi phải đánh đổi mạng sống của mình để đi tìm hai chữ Tự Do.

Chương này tôi muốn đề cập đến sự liên hệ giữa Giáo Hội và Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Đức từ khi hình thành cho đến khi phát triển, và chương sau tôi sẽ có một cái nhìn chủ quan cũng như khách quan sau hơn 25 năm sống tại xứ Đức này.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chuyện Vãng Sanh - Tập 2


Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc


Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn


Chuyển họa thành phúc

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 44.220.41.140 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (395 lượt xem) - Việt Nam (119 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - ... ...