Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Chúng ta có lỗi về những điều tốt mà ta đã không làm. (Every man is guilty of all the good he did not do.)Voltaire
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Những đêm mưa »» Chương 11. Còn nước còn tát »»

Những đêm mưa
»» Chương 11. Còn nước còn tát

(Lượt xem: 2.099)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Những đêm mưa - Chương 11. Còn nước còn tát

Font chữ:

Gần một năm trời sum họp với gia đình làm Trang ngao ngán. Đại gia đình của nàng mặc dầu trải qua mấy lần kinh hoàng với thời cuộc, trải qua bao nhiêu biến cố chết đi sống lại, vẫn không hề thay đổi chút nào. Hay là chỉ thay đổi tạm thời cho thích hợp hoàn cảnh, rồi khi sóng yên gió lặng, mọi nhân vật với những cá tính đặc biệt lại trở về với những thói quen xưa. Thì ra người ta chỉ tha thứ, hợp tác, tin cậy và dễ dãi với nhau trong cơn tai nạn mà thôi!

Và những đứa con đã lớn, đã sống dộc lập, đã chìm nổi gió sương bao nhiêu năm, khi trở về với đại gia đình, nó lại hiện nguyên hình trong nền nếp cũ: phản đối ngấm ngầm, phục tùng giả dối... Phần nhiều ý nghĩ và hành động trái ngược nhau một cách mỉa mai.

Trang không muốn nghĩ ngợi sâu hơn nữa về cha mẹ. Trang thấy ai cũng đúng mà ai cũng có điều sai lầm. Mỗi người đều cương quyết đi đến một cực đoan và không ai muốn quay đầu trở lại, thành ra sự lãnh đạm, xa cách càng ngày càng sâu. Tình yêu của cha mẹ, cái “Tình thiêng liêng” ngày xưa đã chết! Một chút Nghĩa rất mong manh giữ họ phải sống chung dưới một mái nhà mà mỗi người mơ một cảnh giới khác..

Ba Trang mặc dầu rất muốn xa hẳn bà vợ già để vui hạnh phúc với cô vợ trẻ nhưng không lẽ gần bốn chục năm trời tình nghĩa bây giờ đã lên cụ, đã thành ông nội, bà cố, đã gần đất xa trời lại còn bày chuyện ly dị cho thiên hạ chê cười. Dù sao vì danh tiếng của gia đình, vợ chồng vẫn phải nhẫn nại, cố chịu đựng để giữ tiếng với bà con thân thuộc, mà sự thực trong lúc ấy, làng trên xóm dưới đã kể chuyện giựt gân của họ không bỏ sót một chi tiết nào.

Xưa kia đã có lần Trang tưởng mình khổ, nhưng bây giờ so với tâm sự của mẹ, là một khôi hài mỉa mai. Tóm lại cũng chỉ vì không hiểu nhau mà ra cả. Cha mẹ hơn bốn chục năm trời chung sống còn chưa hiểu nhau thay!

Nhưng tại sao lại không hiểu? Tại người ta không muốn hiểu, không chịu hiểu, không hiểu nổi hay mình không giúp cho người ta hiểu?

Trang ngập ngừng thấy mình cứ muốn đi sâu vào tâm tư của cha mẹ. Nếu cách đây ba chục năm, đó là những “đấng thiêng liêng” mà các con chỉ biết cúi đầu vâng lệnh chứ không bao giờ dám cãi lại, hay phê bình phải, trái, dở, hay...

- Chị ơi, có thư!

Tân ở ngoài cửa vừa chạy vào vừa gọi Trang, đưa cho nàng một bức thư. Nhìn nét chữ Trang nhận ra thư của Dung. Dung hiện đang ở với hai con làm việc với một hãng buôn ở Saigon, cuộc sống cũng hơi chật vật. Trang bóc thư ra xem xong đem lên nhà đưa cho cha. Trang đứng bên cạnh chờ, nhìn kỹ nét mặt để xem sự phản ứng của ông thế nào.

Ông nằm trên phản gỗ ở giữa nhà hóng mát. Cô Tư ngồi bên cạnh đang đếm xâu hạt ngọc. Cô lần từng viên nói to:

- Sanh... lão... bệnh.... tử. Sanh, lão, bệnh, tử...

Ba Trang cầm bức thư, không tìm thấy kính đâu, ông cau mày hỏi:

- Nó gửi cho ai? Đọc nghe, Nó nói gì trong ấy?

- Dạ chị con gửi cho con. Nói nhờ bà Ban giúp nên mới được việc làm hiện tại. Bây giờ xin gởi vào cho chị một cặp nón Gò Găng để tặng bà Ban vì bà ấy đi xa muốn một đôi nón tốt nhưng tìm không có.

- Mua độ bao nhiêu tiền?

- Dạ độ một trăm đồng.

Ông cau mày:

- Hừ, những một trăm đồng! Mua nón cho nó làm ơn làm nghĩa! Tao thôi việc nằm đây còn làm gì ra tiền! Con cái đứa thì ăn, đứa thì xin.

- Dạ!

- Người ta thì con cái thành ông nọ bà kia cả, tháng tháng cung cấp cho cha mẹ, còn tao thì...

- Dạ, thưa ba muốn ăn trái thì phải trồng cây...

Ông quát lên:

- Đấy, lại sắp dở giọng! Thôi đi xuống nhà!

Trang lẵng lặng đi xuống, nàng nghe cô Tư cười rú lên:

- Hi hi hi, “Sanh” cụ ơi! Cụ mua chuỗi ngọc cho em đi. Chuỗi ni tốt lắm. Có sáu ngàn thôi mà. Chuỗi ni hên lắm. Sanh mà lị!

Trang lặng cả người. Thực là một cảnh tượng mâu thuẫn mỉa mai. Đứa con gái thuở bé không cầu, nhưng lớn lên đã làm ông đắc ý ngâm mấy câu Đường thi:

- “Tùng thử thiên hạ phụ mẫu tâm

Bất trọng sanh nam trọng sanh nữ”...

Mặc dầu Dung không làm Hoàng hậu, Vương phi gì cả như bài thơ tả nàng Dương Quý Phi, nhưng nàng đã nai lưng ghé vai lãnh cái gánh nặng của gia đình lúc nguy nan nhất trong thời loạn. Đứa con ấy bây giờ đang sống lao đao chật vật, xin ông một đôi nón Gò Găng để tạ ơn ân nhân ông cũng dằn vặt, trong khi cô hầu non đang đếm từng hạt ngọc “Sanh, lão, bệnh, tử” xem chữ nào đúng vào hạt may mắn.

Ba Trang cầm chuỗi hạt lên xem gật gù:

- Em thích thì mua nhưng...đừng cho bà biết. Nói là em tự mua nghe không?

Cô Tư bĩu môi:

- Hừ, em thiếu chi tiền! Tiền em cho vay đặt nợ đòi về hết cũng đủ mua một trăm chuỗi.

Cô nói mà không cười, vì bệnh nói khoác đã thâm nhập vào tâm can phế phủ từ lâu, thành bệnh kinh niên rồi, nên cô nói khoác không còn ngượng miệng nữa, và cũng không còn phân biệt được lúc nào là nói phét, lúc nào là nói thật.

Sự thực từ ngày chồng cô cưới cô vợ “đồng chí” trên khu, cô làm bánh bông lan bán sỉ, hai mẹ con kiếm đủ chi tiêu là may lắm rồi. Nhưng cuộc sống vật lộn vất vả cho cô một cái kinh nghiệm là càng khoe khoang nhiều, càng diện sang, càng dễ...đi vay, và với đàn ông, càng xem nhỏ đồng tiền, thì họ càng cho nhiều mà không dám tiếc.

- Nào ai nói em không tiền, nhưng mà tôi sợ...

Cô xoa bụng cười một cách kiêu hãnh:

- Để em đẻ một thằng con trai xem có ai dám làm gì em không.

- Con gì cũng được, con trai gái gì tôi cũng có đủ, miễn con em đẻ là tôi quí!

Cô nũng nịu:

- Không, em nhất định đẻ con trai, đẻ con gái em không thèm nuôi đâu.

Cô không bỏ một dịp nào có thể mỉa mai:

- Con gái cụ cả bầy đó, có ai “nên thân” đâu! Có ai làm vương làm tướng chi được mô mà đẻ ra cho thêm tội thêm nợ.

Cô mở hộp thuốc Cẩm Lệ vấn một điếu thực lớn hút phì phèo nói tiếp:

- Chi lạ, dạo ni em hút thuốc nhiều quá, hút ngày hút đêm không ngừng, không hút thì nhớ thèm ghê.

Ông âu yếm cười:

- Thế mới là tri kỷ của tôi. Bà ghét thuốc lá thành ra xưa nay tôi không được hưởng cái thú hút thuốc lá trên giường. Thật là phí cả mấy chục năm trời.

- Ờ mà lạ quá, em có mang lần này, chi cũng không thèm chỉ thèm thuốc.

Ông gật gù:

- Thế mới đúng là con của tôi.

Cô Tư kiêu hãnh hất hàm hỏi:

- Thế còn mấy anh mấy chị?

- Con ông già mới là đứa con “tinh thần” em biết không? Còn những đứa con đẻ lúc thanh niên toàn là con “vật chất” hết! Hai vợ chồng làm quần quật suốt ngày chưa đủ trả nợ còn ai dám nghĩ đến chuyện đẻ con. Nhưng lỡ có thì cũng đành chịu vậy, coi như “trời cho”!

- Chỉ lúc nào về già, trí não thong thả, sự nghiệp công danh gì cũng đầy đủ, rảnh rang uống rượu ngâm thơ, trồng hoa, xem sách mới nghĩ đến chuyện “đúc” một đứa con út để bồng bế vui đùa cho đỡ hiu quạnh lúc tuổi già. Để em xem, em sinh con rồi sẽ thấy tôi cưng nó đến như thế nào.

Cô Tư đang cười hi hi hi một tràng dài bỗng phát vào đùi đánh đét một cái nói:

- Chết! Cuối tháng rồi! Em phải đi đòi nợ mới được. Để mấy thằng cha đó lãnh lương ra, đi đánh bài hết. Chận đầu không được chỉ còn nước coi tụi nó nhăn răng cười trừ, xin góp tháng sau.

Ông lo lắng:

- Họ nợ em có nhiều không? Có ai quịt của em bao giờ không?

Cô lấy một chiếc gối nhỏ chêm chân cho ông trở mình, cong cớn:

- Quịt của em? Bộ muốn mồ mả ông bà được lật ngược lên phơi nắng hay sao! Em nói cho cụ biết, nếu cụ gặp em sớm hơn thì bây giờ đã giàu to rồi.

Ông cảm động nắm tay cô:

- Tôi tiếc quá, nếu gặp em ba mươi năm trước thì...

Cô cười rú lên:

- Hi hi hi, ba mươi năm trước em còn nằm trong nôi.

Ông không chú ý nghe lời cô nói. Trong trí ông chợt nhớ đến một bài thơ chữ nho trong có câu “tương phùng hận vãn”, ông muốn làm một bài thơ tặng cô nhưng nghĩ mãi không ra, hình như hôm nay tất cả văn chương thơ phú đều trốn đi đâu mất! Có một câu ông vừa ý nhất thì đã làm trong bài thơ tặng một bà “bạn gái” danh ca từ lâu lắm rồi! Ông gật gù ngâm lại câu kết: “Gặp nhau chi lúc chợ gần tan!”. Phải, chợ gần tan thì còn buôn bán gì được nữa! Cũng như giờ đây ông đã già rồi còn mong hưởng việc đời được bao lâu, biết còn có thể sống được mười năm nữa để trông thấy cảnh cô Tư làm giàu cho ông sung sướng, đẻ con quí tử cho ông vẻ vang lây.

Trong đời ông, mãi đến bây giờ mới thấy cái say sưa đối với đàn bà. Bà hiền lành quá, bà là người của thế hệ trước lúc nào cũng coi chồng như cấp trên. Chồng muốn là mệnh lệnh, dù những ý thích của ông thật là động trời. Tuy trong lòng bà không ưa gì người tình địch mà ngoài mặt vẫn phải ngọt ngào, phải tỏ ra vui vẻ, đại lượng. Gia giáo dạy bà như thế, tập quán của gia đình, xã hội đều yêu cầu như thế, ông được nuông chiều quá nên quen đi không thấy sung sướng nữa.

Những cô vợ lẽ nàng hầu bà đã cưới về cho ông xưa nay bà đã cố ý chọn cô nào không đẹp lắm, và nhất là không học hành thông thái gì cả để tránh sự ghen ngược và lấn quyền rất có thể xảy ra. Bà đã coi ông là ông Trời, các cô lại còn coi ông hơn cả Trời nữa, thành ra ông không thấy thú vị gì cả. Ông thấy đàn bà như một đàn ngựa thuần, ngoan ngoãn đến phát chán.

Mãi đến bây giờ gặp cô Tư như gặp một con ngựa hay, mà “ngựa hay thì có chứng” như tục ngữ đã nói, thỉnh thoảng nó lại dở chứng đá ông một cú đau điếng nhưng cũng thú vị biết bao! Xưa nay mỗi lúc ông cất tiếng gọi bà hay cô nào thì họ “miệng dạ, chân chạy” đến ngay lập tức. Bây giờ trái lại, ông thường gặp những trường hợp bất ngờ và đầy kích thích. Hôm cô Tư mới về ông gọi:

- Em Tư ơi!

- Dạ.

- Ra đây rót cho tôi chén nước!

- Thì cụ vô đây không được hay sao? Nước trong bình đó, rót lấy mà uống! À em cũng khát, rót nhiều cho em uống với.

Ông thấy ngạc nhiên và thú vị như lần đầu tiên lúc còn bé tí được trông thấy dòng nước chảy ngược lên và ngọn đèn chúc trở xuống. Nó lạ lùng và kích thích biết bao nhiêu.

Lại còn những lúc ông đang hút thuốc, cô giật lấy hút phì phèo vài hơi rồi trả lại trên môi ông cũng mới lạ đối với ông, hơn nữa lại còn âu yếm làm sao! Có lúc cô tự thắp một điếu hút trước vài hơi rồi đút cho ông, trông thân mật hấp dẫn quá chừng.

Từ lâu ông đã chán lối sống xa cách của những đôi vợ chồng thời phong kiến. Che dấu tình cảm, “tương kính như tân”, cái điểm mà bà lúc nào cũng giữ. Đã là vợ chồng mà phải kính sợ nhau, hay coi nhau như khách thì còn thú vị gì nữa!

Tiếng cô Tư gọi ông làm ông giật mình:

- Cụ, cụ nghĩ gì mà nghĩ lắm thế? Em đi đây. Nhân tiện em ghé lại anh Nam mời đến chữa bệnh cho cụ. Anh ta là anh họ của em làm thầy chuyên môn chữa bệnh bằng thuốc ngoại khoa có tiếng lắm. Cụ lành rồi phải thưởng cho em nghen!

Nói xong không đợi ông trả lời, cô xách nón nghoe ngoảy đi ra cửa.

***

Còn lại một mình, ông châm một điếu thuốc vừa hút vừa nghĩ ngợi lan man. Hồi nãy Trang vừa nói một câu, ông thấy đúng nhưng phải mắng chận nàng đi, bởi vì để Trang nói trắng ra thì có vẻ bất kính lắm. Mới cách đây không lâu bao giờ ông cũng chuyện trò bàn bạc với con như bạn, nhưng từ ngày có cô Tư, ông muốn xa cách bớt, để giữ cái uy nghiệm của một người cha, nhất là khi người cha ấy đã có nhiều hành vi, chính tự mình cũng thấy là hơi qua đáng.

Trang nói rằng: “Muốn ăn trái phải trồng cây”. Đúng, và đã trồng thì phải lo vun xới, chăm bón cẩn thận. Các con ngày nay không cung đốn ông được cũng là lỗi tại ông, ông đã thiếu bổn phận làm cha bây giờ còn phàn nàn gì nữa!

Xưa nay, mãi nghĩ đến khoái lạc riêng của mình, chạy theo công danh, và nữ sắc, ông không bao giờ nghĩ đến tương lai các con. Ông bà định lúc đám con gái lớn lên sẽ gả cho mỗi đứa một thằng chồng theo kiểu “làm quan tắt” là đủ sung sướng chán, nghĩa là yên phận theo chồng, bò lên bậc thang quan- lại, rồi thì “Cơm Vua Ngày Trời”, một ngày kia cũng ngựa anh võng nàng như ai vậy

Các con trai được quí trọng hơn, nhưng ông không để tâm đến sức học như thế nào. Nếu thế giới cứ bình yên mãi chắc mọi sự cũng không ra ngoài dự đoán của ông: đường hoạn lộ dài mấy đi lâu rồi cũng tới.

Nhưng khốn nỗi, ba, bốn thứ đảo chính liên tiếp. Mỗi lần đảo chính là một lần chết đi sống lại. Rồi cách mệnh bỗng bùng nổ, ông không ngờ. Mọi sự đều bị lật ngược. Phải có Ông Bà Cố Tổ trên ba đời bần cố nông mới mong được ăn nên làm ra, Ông đành chịu thua trước làn sóng ồ ạt dữ dội lan tràn khắp nơi. Tất cả dự tính của ông đều đổ xuống sông xuống biển hết.

Nhớ đến cái thời kỳ “phong trào” mới nổi lên, ông buồn đến lặng cả người! Của cải ruộng vườn nhà cửa gì cũng phải nộp hết, cả đến con trai con gái gì cũng phải “quyên” ra làm việc để đổi lấy sự bình yên của hai thân già. Ông bà đóng chặt cửa nhà trước tạ khách. Bà nhặt củi khô trong vườn để nấu cơm, ông ngồi ở góc vườn sau chăn bò, vì thằng bé chăn bò cũng phải đi Bình dân học vụ và Nhi đồng cứu quốc nhóm họp, học hành suốt ngày. Ông ngồi chăn đám bò ăn cỏ đã tức cảnh tập Kiều mấy câu:

“Hỏi ông, ông mắc ra đình,

Hỏi bà, bà mắc biểu tình đến mai

Hỏi cô, cô mắc “Một, Hai”

Hỏi cậu, cậu mắc hát bài Thanh niên

Cả nhà sung sướng như tiên...”

Nghĩ đến thời kỳ ấy ông thấy lòng nao nao. Mọi người đứng trước một tai nạn chung, đều hợp tác chặt chẽ để bảo vệ sự an toàn của gia đình. Nhưng đến lúc sóng yên gió lặn rồi, tai qua nạn khỏi rồi thì mỗi người lại dàn ra một mặt trận và cố sức phát triển mạnh mẽ. Ông lại cô này, cô nọ, bà lại cúng bái chùa chiền...

Có tiếng kẹt cửa ông quay lại, Bà rón rén đi vào tay bưng một chén trà nóng.

- Mình, đây là chén trà cúng Phật, tôi đã xin “phép” trong đó rồi. Mình uống đi cho khỏe.

Muốn từ chối nhưng không nỡ, và cũng không có mặt cô Tư, ông có thể uống cho bà vui lòng. Ông định uống vài ngụm rồi thôi nhưng chén trà thơm ngon quá, làm ông theo thói quen cứ uống dần cho đến hết.

Bà nhỏ nhẹ nói:

- Mình này, Đền thờ Mẫu ở gần cửa Tứ linh lắm. Hôm qua tôi có lại đằng ấy khấn xin Ngài về trị cho mình. Cô Ngọc là “lính” của Mẫu đã hơn mười năm nay, Mẫu ban phúc ban lộc cho nhiều lắm. Đền to hết sức mình à. Chỉ một cái mão Cửu châu của Mẫu đội chín cái hột xoàn cũng đến bạc vạn rồi.

- Thế nếu cúng thì hết bao nhiêu tiền?

- Chưa biết, nhưng chắc là không ít. Hôm nọ bà tham Bê sốt, khấn Mẫu lành rồi dâng một lễ tạ ngót vạn bạc.

Ông giật nẩy mình:

- Vạn bạc! Vạn bạc thì giết ai ra? Mẫu gì mà ăn cắt cổ thất nhân ác đức đến như thế?

- Mình đừng nói bậy không nên! Mẫu linh lắm, Mẫu cho lành rồi ban phúc ban lộc thì lại khá, lại ăn nên làm ra được, còn hơn nằm ôm bệnh biết đến bao giờ?

Ông thấy rất khó chịu, giả vờ nhắm mắt rên khe khẽ và chỉ vào chân có ý muốn nói ông đang đau đừng làm bận ông. Ông thấy giận lạ lùng. Ôâng đường đường là một người quân tử chính đại quang minh, nếu trong đời ông có lầm lỗi thì chỉ độc có một lỗi không trung thành với bà, lỗi này bà không bắt thì thôi chứ can thiệp gì đến Mẫu? Nay ông đau ốm là bệnh của vật chất chứ Mẫu nào lại làm ra bệnh tật, Mẫu nào lại vô duyên vô cớ hại ông để đòi ăn lễ được! Ông rên to lên để khỏi nghe tiếng bà nói thêm, để cho hả cái giận dữ trong lòng.

Bà thấy ông đau, hoảng hốt vội đi tìm chai dầu bóp. Trong trí não chất phác và cố chấp của bà, bà không tin gì hơn là Trời Phật Thánh Thần. Ngày xưa con trai út bà bị đau sốt rét rất nặng nhưng bà chỉ cho chữa thuốc ta. Và các ông lang ta xưa nay vẫn liệu “chạy” trước, khi thấy con bệnh gần chết. Còn thói quen của các ông lang tây là khi thấy bệnh nhân hấp hối hay chết rồi cũng còn tiêm thêm một mũi thuốc hồi dương để tỏ ra ta đây tận tâm với chức vụ, đã cố hết sức cứu tính mệnh bệnh nhân cho đến phút cuối cùng.

Và vì thế bà cứ nhớ mãi cái phút giây khi bác sĩ rút mũi tiêm ra thì thằng bé tắt thở! Như thế nghĩa là chính họ đã giết chết con bà. Từ đấy bà đâm ra ghét thuốc tây và định nghĩa các ông lang tây là những kẻ giết người công khai mà vô tội.

Thời gian trôi, khoa học tiến bộ không ngừng, xã hội cũng không phải là cái xã hội lúc bà còn xuân sắc, nhưng bà không chịu hiểu điều đó. Những cuốn Kinh Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Quan Âm ngày ngày bà vẫn tụng không có một chữ nào thay đổi, cũng như tư tưởng, quan niệm về việc đời của bà cũng vẫn không hề khác xưa.

Trong khi ấy thì ông đọc báo xem sách, theo dõi mọi biến chuyển của thời thế, ông khỏe mạnh cường tráng đúng là một con người của thời đại. Tư tưởng của ông cũng thay đổi, nhất là về địa hạt thẩm mỹ đối với đàn bà: cái gì lúc xưa ông cho là lõa lồ chướng mắt, trái với đạo đức thì bây giờ hóa ra mỹ thuật và đẹp đẽ văn minh vô cùng.

Vú cao, hông nở, răng trắng, môi son, nói cười hoạt bát, nếu có nũng nịu khêu gợi lại càng tốt! Tất cả những thứ ấy trước kia ông đã từng khinh bỉ, cho rằng người đàn bà như thế là đồ hư đồ bỏ, đồ lẳng lơ trắc nết, sẽ ế chồng, hay có lấy chồng cũng “vô mùng ba, ra mùng bảy”, hay nếu không, cũng làm lụn bại nhà chồng.

Trong khi bà vẫn trung thành với khuôn phép “Chồng Chúa Vợ Tôi” cổ truyền thì ông đã “cách mạng” nó từ lúc nào mà không bảo cho bà biết.

Ông thất vọng biết bao nhiêu khi thấy bà vẫn bo bo giữ những tư tưởng lạc hậu ấy, nếu là món đồ cổ thì càng xưa càng quí, nhưng trong cuộc sống, bà không theo kịp thì dại quá, đi ngược với thời đại như thế, hay nói cho đúng hơn, đi ngược với sự yêu cầu của ông như thế thì còn trách ai? Ông ngao ngán khi thấy bà cạo đầu trọc như các bà sư, ăn mặc cũng toàn một mầu nâu, lại còn ăn chay trường nữa! Nhưng tất cả những thứ ấy cũng không làm cho ông chán nản bằng một câu bà hay nhắc mỗi khi hờn ông:

- Tôi chỉ biết có Trời Phật! Chỉ có Trời Phật hiểu tôi mà thôi! Trời Phật thương tôi và tôi cũng không thương ai ngoài thương Trời Phật cả!

Ông thấy bà khiêu khích ông, và nhất là chạm đến lòng tự ái của người chồng “đại trượng phu” quá lắm! Ông nghĩ thầm như để trả thù: “À, bà đã không thương tôi thì tôi tìm người khác thương tôi vậy!”.

Cưới được cô Tư, ông rất mãn nguyện. Những cô trước kia thực không thể gọi là vợ lẽ được. Bà chỉ cưới về cho ông một chị bếp hay một cô quản gia mà thôi! Cô Tư mới thực là con người lý tưởng, con người ông có thể giới thiệu với bạn bè mà không xấu hổ, con người ông thích ngồi chung một xe xích lô đi dạo phố một cách hãnh diện. Cô Tư trẻ hơn ông nhiều, lại khéo cho vay đặt nợ lại vừa biết làm cho ông vui. Cô lẳng lơ, khêu gợi, sắc sảo và ngoài ra còn biết cống hiến và hưởng thụ nhiều du dương khác nữa!

Nếu ví người đàn bà là một đóa hoa thì phải là một đóa hoa hồng có gai mới quí, và gai càng nhiều giá trị càng tăng. Nếu hoa không gai, lúc chơi chán người ta sẽ dày đạp không thương tiếc, nhưng nếu hoa có gai họ sẽ vì sợ gai đâm vào tay chợt da chảy máu mà không dám dày vò. Nhờ gai mà hoa được hưởng đôi phần kính nể!

Trong khi ông suy nghĩ bà vẫn im lặng ngồi bên cạnh bóp chân vừa lẩm bẩm niệm Phật. Bà thấy giờ phút này thực là quí hóa, vì từ ngày cô Tư về, cô chiếm “độc quyền” ông, bà không còn được gặp ông một mình nữa. Cho đến từ lúc ông ốm bà cũng không được hỏi han bàn góp ý kiến trong chuyện chạy chữa. Bà hối hận lúc nóng giận đã xô đẩy ông, để ông ngã về cô Tư một cách công khai, đến lúc thấy tình hình càng ngày càng tệ, bà muốn vớt vát lại thì đã không kịp nữa.

Trong mắt ông và cô Tư hình như bà chỉ là một cái bóng, một kỷ niệm đã qua trong dĩ vãng chứ không phải là một nhân vật còn tồn tại và có uy quyền ảnh hưởng trong gia đình. Họ không muốn biết là có bà trong nhà, cho đến tấm ảnh bà, tấm ảnh thuở bà còn trẻ ông vẫn rất yêu quí đã gửi sang tận Pháp chụp lại và phóng đại tô màu vẫn treo trên tường cao bây giờ cũng thay vào tấm ảnh của cô Tư!

Sau khi đắn đo suy nghĩ mãi bà nhất định cũng nhúng tay vào một phần trong việc săn sóc chữa bệnh cho ông, kẻo rồi chúng nó không hiểu sẽ nói bà lãnh đạm không thèm ngó ngàng trong lúc ông đau ốm.

Thấy ông hơi bớt rên bà nhỏ nhẹ:

- Mình à, tôi đã nhờ cô Ngọc xin Mẫu giáng để chữa bệnh cho mình!

Ông nhăn mặt khó chịu:

- Bao giờ đến?

- Có lẽ cũng sắp đến.

Ông muốn từ chối, một phần vì không tin, một phần vì tiếc tiền, nhưng lại cũng muốn thử xem may ra có lành chăng nên không phản đối! Giờ phút này ông rất thèm thuồng ao ước sức khỏe. Trước kia ông cứ tưởng mình sẽ béo tốt, mình đồng da sắt như một lực sĩ cụ hoài, tương lai còn rực rỡ, ân sủng trời cho dồi dào vô tận. Không ngờ bây giờ lúc ông cần nhất, lại là lúc chúng nó chơi hú tim trốn đâu mất tiêu tìm hoài không thấy.

Có tiếng guốc đi vào ngoài sân gạch, bà vội chạy ra đón chào:

- Chào cô. Đúng hẹn quá đi mất! Kìa cả cô Mùi cũng đến, quí hóa quá!

Hai cô Đồng vái chào khép nép bước vào. Cả hai đều trạc độ bốn mươi tuổi nhưng chưa có chồng, hay là không có chồng công khai để giữ nghề vì họ là những Cô Đồng chuyên nghiệp, chồng con bận bịu sẽ có ảnh hưởng cho công việc làm ăn. Cô Ngọc là chủ am còn cô Mùi làm thông ngôn những lời Thánh “troàn” (truyền), mặc dầu Thánh cũng nói tiếng Việt như mọi người.

Cô Ngọc bước vào vái chào ba Trang xong, mở khăn gói lấy một chiếc áo đỏ ra mặc thêm bên ngoài. Cô vừa mặc áo vừa nói có vẻ quan tâm lắm:

- Tôi nghe tin cụ đau đã lâu mà cứ tưởng đau nhẹ thôi, đã định lúc nào rảnh lại hầu thăm. Thật không ngờ đau nặng thế này! Nếu tôi biết được thì dù ai mời đi chữa, dâng lễ bạc triệu tôi cũng không đi để đến đây cúng hầu cụ trước!

Ông nghe phát hoảng tưởng là cô giáo đầu để sau này đòi lễ tạ bạc triệu cũng vội vàng nói đón:

- Chúng tôi không có bạc triệu đâu, Thánh có thương mà chữa giúp thì chữa không thì thôi!

Bà vội đỡ lời ông, sợ ông nói quá, mất lòng cô Ngọc:

- Thánh thương Thánh mới chữa cho chứ Thánh Thần nào có cần gì ăn lễ! Miễn mình lòng thành chén nước cây hương ngài cũng chứng giám rồi!

“Mặt trận” vừa mới dàn ra đã có vẻ quyết liệt ngay lập tức. Cô Ngọc nghe bà và ông nói cũng sợ phát hoảng không kém. Cô tưởng ông bà nói rào đón thế để lúc chữa xong dâng lễ tạ, lòng rất thành mà chỉ có “chén nước cây hương” thôi thì thua non mất, nên vội đánh trống lảng:

- Có ai múc cho thau nước rửa tay đây. Xin Cụ cây diêm thắp hương.

Trang lấy nước và diêm cho cô xong tò mò đứng cạnh giường cha để xem cô Ngọc trong vai “Thánh” chữa bệnh.

Cô Ngọc đã mặc xong chiếc áo đỏ, cô xả tóc và vò cho rối bù lên, xong cầm bó hương cháy đỏ đến cạnh cửa sổ. Cô vái huyên thuyên, mồm lẩm bẩm những gì không nghe rõ, tay cô vẫn cầm hương và múa lung tung.

Mọi người im lặng kính cẩn nhìn cô. Trang chỉ thấy ngạc nhiên và buồn cười, mặc dầu cô Ngọc đã cố tạo ra cái vẻ khủng khiếp oai nghiêm huyền bí. Đang múa bỗng nhiên cô rú lên một tiếng thực ghê rợn, cô nhảy lên từng hồi, cười từng tràng the thé, xong cô móc túi lấy trầu ăn, trong khi nhai cô ợ ngáp luôn mồm.

Lúc nước trầu đã nhiều, cô đến cạnh giường ba Trang, mắt cô quắc lên, tay cầm hương múa lia lịa trên khắp người ông. Thình lình cô phun toẹt một búng nước cốt trầu lên đầu gối chỗ đau của ông, và phun tung tóe khắp cả chung quanh chỗ nằm. Mắt cô lờ đờ giọng nói kéo dài rất nhựa:

- Chánh chương chông chắm, chánh chữa cho chông chành!

Mọi người ngẩn mặt ra nhìn, chẳng hiểu thánh “troàn” cái quỉ quái gì. Cô thông ngôn của Thánh lúc này vội vàng làm phận sự:

- Thánh dạy, Thánh thương cụ lắm thế nào Thánh cũng chữa cho cụ lành.

- Chông chốt chắm, chúc chức lắm, chánh chan chúc chan chộc cho chợ chồng!

- Cụ tốt lắm, hai cụ phúc đức lắm Thánh sẽ ban phúc ban lộc phù hộ cho hai cụ!

Thánh “troàn” xong đi thẳng ra hiên, hái mấy ngọn lá Vạn niên, lá ổi và vài thứ lá cây khác trồng trong chậu làm cảnh. Trước khi đưa cho mẹ Trang cô còn cầm hương vẽ ngang vẽ dọc múa lung tung một lúc để làm phù làm phép.

- Chai chỏ, chòa chượu chắp cho chông, chánh cho chành, chạ chánh chông chật chết.

Cô Mùi lại trang nghiêm dịch:

- Nhai nhỏ hòa rượu đắp cho cụ. Thánh cho cụ lành, cụ nhớ tạ Thánh,không Thánh quở đấy!

Trang đã bắt đầu nghe quen nên hiểu nguyên văn của Thánh dạy là: “... không Thánh vật chết”. Có lẽ cô Mùi còn có một chút lịch sự, thấy nói trắng trợn quá không tiện chăng nên cô đổi lại là Thánh “quở”. Ai lại Thánh gì mà đòi ăn của đút không có thì vật chết bao giờ?

Tân đứng sau lưng Trang kéo tay chị thì thầm:

- Thánh “tống tiền” ba, chị ơi!

“Thánh” xõa tóc phủ cả mặt mày, giắt nén hương lên mang tai, hai tay uốn éo múa huyên thiên lên người ba Trang một lúc, và bỗng nhiên “Thánh” rú lên một tiếng rồi xỉu đi. Cô Mùi vội chạy đến đỡ nói:

- Ngài thăng rồi!

“Thánh” bây giờ đã trở lại là cô Ngọc. Cô ngồi dậy búi tóc lại, lấy nước súc miệng và vội vã:

- Chào hai cụ tôi xin về!

Mẹ Trang mời:

- Cô đi đâu mà vội! Ở lại dùng cơm chay với tôi đã rồi về!

- Thôi cảm ơn cụ để cho khi khác.Tôi còn phải đi cúng mấy đám nữa!

Mẹ Trang lấy hai tờ giấy trăm để vào tay cô:

- Tiền xe, cô cầm tạm.

Cô dẫy nẩy lên:

- Ấy chết! Sao cụ khách khí thế? Chỗ người nhà tiền bạc gì! Tôi “Hầu” thánh giúp cụ chứ có phải vì tiền bạc gì đâu!

Nhưng cô vội vàng lấy hai tờ giấy bạc ngay kẻo sợ mẹ Trang tưởng thực. Cô bảo cô Mùi

- Cô Mùi cầm lấy mà đi xe. Chỗ tôi với cụ không lấy tiền còn cô công khó thông ngôn, cụ đã cho thì cầm đi kẻo cụ giận!

Cô quay sang mẹ Trang:

- Bẩm cụ, ngày kia là vía Mẫu, cụ đến lễ tạ Mẫu nhé.

- Vâng, vâng, thế nào chúng tôi cũng đến.

Cô cười một chuỗi dài hi hi hi như ngựa hí, và vội vã đi ra cửa.

Khách vừa ra khỏi ngõ thì cô Tư cũng vừa về. Chưa vào đến nhà đã nghe tiếng cô lanh lảnh:

- Ai cho phép rước mấy con mẹ đồng bóng tới đó? Đồ buôn thần bán thánh! Đồ nói láo ăn tiền, đồ bán trời không văn tự, đồ...

Vào đến cửa trông thấy ba Trang cô đổi ngay giọng cười:

- Cụ ơi, em đã rước được anh Nam em về đây rồi! Anh em làm thầy thuốc ngoại khoa chỉ chuyên môn chữa bệnh bằng thuốc gia truyền thôi! Cụ cứ tin đi, tin là lành liền!

Theo sau lưng cô, một người đàn ông gầy gò quê mùa, khăn đen áo dài rất tề chỉnh. Ông ta vái chào ba Trang rồi tức khắc cất giọng tuyên truyền:

- Bẩm tôi nghe nói cụ đau chân. Bẩm bệnh này gọi là bệnh đau đầu voi. Chắc là cụ bị phong hàn. Tôi đã từng chữa nhiều đám đau như thế này lành hẳn. Bẩm để tôi xin chữa cho cụ để quảng cáo, bẩm tôi chỉ xin lấy đủ tiền thuốc thôi, bẩm để lúc cụ lành rồi thưởng cho bao nhiêu cũng được!

Sau một tràng những bẩm là bẩm, ông ngồi yên, mắt đảo quanh một lượt quan sát cách bầy biện trong nhà, như để đánh giá các thứ đồ vật và thân chủ để sau này tính tiền cho hợp lý, hay nghĩ gì không biết, chỉ thấy mắt ông đảo lia lịa, nhìn khắp nơi như một thám tử đang điều tra một vụ án mạng ly kỳ bí mật.

Lại thêm một tấm lòng bác ái nghĩa hiệp, một danh y làm việc mục đích cứu nhân độ thế nữa đây! Những người này không ai lấy tiền công bao giờ, họ chỉ lấy tiền thuốc thôi, còn lễ tạ và tiền thưởng thì không có không được.

Cô Tư không kịp đợi ông trả lời vội vàng rút cái bóp của ông dưới gối lấy ra năm tờ giấy một trăm đồng đưa cho ông Nam bảo:

- Anh đi mua thuốc cho cụ ngay bây giờ, thiếu bao nhiêu tôi đưa thêm sau.

Cô quay lại cười rất tình tứ:

- Cứu bệnh như cứu hỏa mà, phải không cụ! Em phải lo chữa cho cụ lành gấp mới được!

Mẹ Trang lặng lẽ bỏ đi lên nhà thờ. Cũng như mọi khi, có mặt cô Tư là bà tránh đi nơi khác. Tránh để khỏi trông thấy những cử chỉ âu yếm của cô, những lời nói hách dịch, hay những cử chỉ khiêu khích một cách vô phép. Bà rửa mặt đi tụng kinh để cầu nguyện cho ông lành mạnh. Dù sao bà cũng là vợ chánh, ông đối xử thế nào bà cũng phải lo tròn nhiệm vụ. Bà tin rằng tất cả những sự đau khổ đang dày vò ông hiện tại là một sự trừng phạt, vì ông đã xử tệ với bà, một đứa con cưng của Trời Phật.

Bây giờ bà vui lòng cầu xin Trời Phật tha thứ đừng trị tội ông nữa! Bà say sưa với cái ý nghĩ những người nào có lỗi đối với bà không sớm thì muộn thế nào cũng bị Trời phạt! Cái ý nghĩ ấy đã an ủi, gây sinh lực, giúp bà đủ can đảm, nhẫn nại trong cuộc sống đầy bất mãn cho đến ngày nay. Bà hằng trông mong phần thưởng của sự tu nhân tích đức đến trong những ngày tàn, thì hóa ra Trời Phật lại ban thưởng bằng cách hành hạ người chồng bội bạc nhưng bà yêu thương!

Suốt một tháng trời ba Trang được đem ra làm thí nghiệm cho các thứ thuốc bá láp không tên mà rất đắt rất quí. Nó đắt và quí ở chỗ nó là thuốc “bí mật gia truyền”, không cho ai được biết tên thuốc, tính chất và mua ở đâu. Bệnh nhân chỉ biết ngày ngày tuân lệnh xoa, đắp hay uống các thứ thuốc lền đặc quánh hay lỏng như nước lạnh và có đủ các thứ mầu không tên. Uống, xoa, đắp mà không được biết nó là cái thứ nước quái quỉ gì. Và những người chung quanh chỉ thấy giấy bạc phơi phới bay đi đâu mất, còn bệnh vẫn mỗi ngày một trầm trọng thêm lên.

Thấy không hy vọng gì vào các ông thầy chuyên môn “ngoại khoa gia truyền” được, ba Trang phải bằng lòng cho mời bác sĩ đến hàng ngày. Trước kia vẫn có bác sĩ đến thăm nhưng thỉnh thoảng thôi vì không được tín nhiệm của bệnh nhân. Bác sĩ không có những bài thuốc bí mật “gia truyền” quí hóa để làm cho bệnh nhân hy vọng, bác sĩ không hề ba hoa tán tỉnh “chữa lành quảng cáo” để bệnh nhân nghe cho vui tai, như thế bệnh nhân làm sao có đủ can đảm và nghị lực để chống lại được những cơn đau ghê gớm tưởng chừng như tử thần đang chờ sẵn đâu đây!

Mặc dầu bác sĩ đã được mời đến hàng ngày để xem sự biến chuyển của căn bệnh nhưng ba Trang vẫn không thấy có được sự ký thác của tinh thần. Mỗi sáng mẹ Trang lại đem một cốc trà nóng có “xin phép” trong đó cho ông uống, nhưng không đủ an ủi, ông chỉ xem như giá trị của nó chỉ là một cốc nước trà thơm ngon mà thôi!

Cô Tư lại chạy tìm đâu ra được một ông thầy “anh họ” khác đến chữa bệnh, nhưng ông này chữa bằng cách châm cứu và tiền công rất mắc. Ôâng tự giới thiệu rằng đã chữa lành rất nhiều bệnh, chữa được tất cả các chứng bệnh đã có ở trên đời và sẽ có trong tương lai. Cô Tư vui lòng rút ví tiền của chồng ra trả không hề chớp mắt.

Ba Trang lúc này không còn là con người oai nghiêm chỉ huy tất cả mọi việc trong gia đình nữa, trái lại ông đâm ra hiền lành ngoan ngoãn và vâng lời mọi người như một cái máy.

Ôâng nhắm mắt làm theo tất cả những ai mách thuốc một cách mù quáng. Người nào đến thăm ông, cũng đều có vài bí phương “gia truyền” mà họ chứng nhận rằng đã thí nghiệm rất hay, thuốc của ông Cố ông Sơ, ba, bốn đời gì truyền lại. Mỗi lần như thế ông lại có một tia hy vọng mới, tiêu thêm một số tiền và đau khổ điêu đứng thêm một lần nữa.

Ngày ngày ba Trang nghiến răng chịu vài mũi tiêm của bác sĩ, hàng chục mũi kim châm, hàng tá vết bỏng của ông thầy “châm cứu”, cố chịu những thứ thuốc xoa rát bỏng của quí vị thầy lang vườn chuyên chữa ngoại khoa. Ông chịu một tháng trời như thế cho đến khi cả nhà đều nổi lên phản đối cách chữa bệnh “độc quyền” của cô Tư.

Mỗi lúc ông nổi cơn rét lên là cô đóng cửa chui vào chăn cùng nằm bảo là để “ấp” cho ông bớt rét! Cô không cho ai vào phòng để dám biết đến bệnh tình của ông. Thần chết đang lảng vảng trước cửa đợi giờ vào mà “đương sự” vẫn chống cự như chơi trò hú tim!

Sau một buổi họp gia đình có đủ mặt bà con và cũng làm theo lời bác sĩ, ông được đưa vào nhà thương chiếu điện. Các bác sĩ nghiên cứu bệnh tình ông cùng đồng ý phải chở vào Saigon mổ vì ông bị lao xương và một khớp xương ống chân đã bị mục rồi, cần phải thay miếng xương khác vào.

Hay tin ấy các ông “anh họ” lang ngoại khoa, châm cứu, các bà đồng đều tiếc ngẩn cả người! Họ cứ tưởng rằng cái cây tiền còn đứng vững được ít lâu để họ tha hồ hái, rồi mai đây bệnh nhân có mệnh hệ thế nào đã có chữ số mệnh làm bình phong, tiền họ cứ bỏ túi là được rồi. Nhưng bây giờ bệnh nhân phải dời đi họ đành phải “rút lui có trật tự”, và khi từ giã mỗi người đều có một phong bao gọi là để tạ ơn thầy, tạ cái ơn thầy đã dày vò con bệnh, làm cho con bệnh điêu đứng khổ sở chết đi sống lại bao phen!

Nhưng dù không thể chữa lành được bệnh, điều này đã biết trước rồi, họ cũng đã thành công một phương diện khác. Chỉ với một vài thứ lá cây không tên, một ít tàn nhang nước thải họ đã làm tiêu tán được cả một số tiền bán tòa nhà thờ lớn của ba Trang ở nhà quê, và trong khi ấy họ vẫn được tiếng là phúc đức cứu nhân độ thế, vì họ chữa bệnh không cần lấy tiền công bao giờ! Và mai đây nếu có ai hỏi họ sẽ trả lời: “Ấy, chỉ tại ông cụ không chịu theo thuốc tôi, cho đến phút cuối cùng”.v.v. và v... v!

****

Ngày ba Trang được chở vào Saigon cô Tư không đi theo, cô xin ở lại dưỡng thai vì đã gần ngày đẻ. Sự thực cô nghĩ chẳng dại gì theo ông vào nhà thương để ngày ngày chỉ độc có một việc ngồi đối diện với một người ốm mê man, nhất là phải phục dịch những việc không sạch sẽ lắm!

Bấy giờ cô mới thấy là cô dại. Trước kia, khi nhận lời lấy ba Trang, cô cứ tưởng là mình đã đánh một trận đại thắng như Đức quân vào được Ba Lê, tưởng cứ ở lỳ đấy để hưởng sự khoái lạc vật chất từ đời cha đến đời con cháu chắt chiu, ăn hoài không hết! Cô nghĩ rằng với cái tuổi đã sồn sồn của cô, lại đèo thêm một đứa con riêng cao đến mang tai cô rồi, thanh niên trẻ trung ai người ta chịu cưới, bằng trang lứa thì ai cũng có gia đình vợ con đàng hoàng hạnh phúc ra phết. Kể ra cũng có người muốn chiếm cô lắm, nhưng vợ con họ ngồi sờ sờ ra đấy, cô tài giỏi cách gì cũng không thể nào qua mặt được các bà, có khi các bà còn “cao tay ấn” đáng làm thầy cô nữa là khác! Vì thế ngắm đi ngắm lại trong đám ngũ, luc tuần, chỉ có ba Trang là xuất sắc hơn cả.

Dù nhiều tuổi nhưng người ông trông rất trẻ, lại có cái vẻ tuấn tú, cái phong độ rất dễ chinh phục đàn bà, lại là Giám Đốc một cơ quan chánh phủ. Vợ ông ăn chay niệm Phật từ bi hiền lành đến nỗi ai than khóc cũng tìm cách giúp đỡ, ai không có tiền thì đi mượn giùm, xong lại phải trả nợ thay cho họ để khỏi bị chủ nợ chửi, còn đối với đám người quịt nợ kia thì bà chỉ niệm Phật mà trừ!

Hừ nếu vào tay cô thì phải biết nhé! Cả tổ tiên dòng họ, mồ mả ông bà nhà con nợ đều được cô “van vái” mời ra xem cách cô đòi!

Cô đã có một chương trình rõ ràng. Này nhé, vợ già ông sẽ phải bỏ xó để âu yếm một mình cô thôi. Về phần tài chính dần dần cô sẽ nắm hết, cố nhiên là khi ông đã làm “tù binh” của cô rồi thì bảo gì chẳng nghe! Con cái ông dù đông bao nhiêu cô cũng không sợ. Tất cả đều ở riêng cả rồi. Của chìm sờ sờ ra đấy không sứt mẻ được, nhưng của nổi, ông còn kiếm ra được đồng nào sẽ vào tay cô hết, đến ma xó cũng không hay!

Nào có ai ngờ cô mới về nhà chồng, mới từ giã cái lò bánh nóng rực làm cô nám da bỏng thịt mấy năm nay chưa được bao lâu, thì ông cụ chồng bỗng lăn đùng ra ốm, ốm điêu ốm đứng, ốm khổ ốm sở, ốm làm cho cô phát chán phát ngấy. Cô về với ông vì sự tính toán lợi hại, ăn ở mấy tháng chưa sinh ra được nghĩa nặng tình sâu gì cả, những sự sung sướng của xác thịt cũng như tinh thần cô chưa được thỏa mãn, làm sao cô cam tâm chịu sống trong phòng bệnh như thế này được. Càng nghĩ càng ngán lên đến cổ, tưởng là ngựa được sổng chuồng, hóa ra laị bị cột đến hai lần cương!

***

Vào đến Saigon, Dung tìm được một người tạm thời săn sóc ba Trang trong lúc cô Tư vắng mặt. Cô này là một cô nàng hầu cũ của ông. Trước kia cô ngán cái mùi mồ hôi ông già nặng mùi mà cô lại không “cao tay ấn” nên chẳng xoay xở được cái “sự nghiệp” gì, cô tự động xin về lấy chồng khác. Người chồng cô không biết hiện nay ở đâu, chỉ thấy cô xin săn sóc ông vì “tình xưa nghĩa cũ”.

Nếu ở đời có cái sự “khôn ba năm dại một giờ” là một thất bại nặng nề thì “dại ba năm khôn một giờ” như cô cũng vớt vát còn kịp chán! Chỉ trong mấy ngày cô đã “thành công rực rỡ” sau một buổi thỏ thẻ:

- Cụ xem, các anh chị khôn lớn cả rồi, ai cũng đã có gia đình, ai cũng phải làm việc để sống. Cụ bà thì già yếu và cũng cần có người hầu hạ, làm sao săn sóc cụ được. Cụ để em lo quán xuyến tất cả mọi việc trong ngoài cho cụ.

- Nhưng nhà cửa bây giờ khó khăn lắm, cụ đang đau ốm ở chung với ai cũng bất tiện. Em có người bà con có gian nhà muốn sang lại. Nhà ấy đáng giá một trăm ngàn nhưng họ cần tiền gấp nên chỉ sang có bảy chục ngàn thôi. Nếu mình không lợi dụng cơ hội sang ngay bỏ mất thì uổng quá! Bây giờ cụ còn ở nhà thương, ta cho thuê để lấy tiền nhà tiêu dùng, lúc cụ lành mạnh ra khỏi nhà thương là có nhà ở ngay, có nơi ăn chốn ở đàng hoàng để tỉnh dưỡng. Cụ nghe em nói có phải không?

Ba Trang cảm động vô cùng. Thực là những lời chí tình chí lý! Ông lấy gói bạc ra đếm đúng bảy chục ngàn đưa cho cô. Đấy là số tiền bà vừa bán cái nhà cuối cùng trong Thành Nội, bà giao cho ông để trả tiền nhà thương và tiền phí tổn thuốc men.

Ông được cô chiều chuộng săn sóc ít lâu thì bỗng nhiên đất bằng nổi sóng. Cô Tư đẻ xong bế con vào nhà thương đùng đùng đánh ghen. Cô vò đầu bứt tai, cô rên rỉ trách móc ông:

- Đồ bạc tình, đồ có mới nới cũ. Chỉ xa có hai tháng đã rước một con đĩ khác về...

Ba Trang trong hoàn cảnh toàn thân thể bị gói trong một gói bột cứng, ông đã mất hết tự do cử động, chỉ còn cái miệng để phân trần. Ông dỗ dành cô, hôn thằng bé, thề thốt hứa hẹn, giải thích đủ cả để cô bớt giận.

Trong khi cô Tư “đại náo” phòng ông, cô em lẳng lặng xách gói ra đi. Cô đi không ân hận một chút nào vì đã có bẩy chục ngàn lót tay. Cô, với cả số tiền, ra đi như một chiến sĩ anh dũng ra sa trường: không thèm hẹn ngày về!

Cô Tư đã lấy lại được địa vị cũ, nhưng cô không phải ở lại săn sóc ông vì cô có lý do bận con, chỉ vài ngày vào nhà thương thăm một lần. Cuộc săn sóc sắp theo “chiến thuật trường kỳ”, các con cháu thay phiên nhau mỗi người vào một ngày với ông. Các bác sĩ cũng đem hết tài năng ra nghiên cứu bệnh tình của ông.

Trong người ông bây giờ không còn “nguyên chất” nữa. Dòng máu tuần hoàn trong cơ thể một nửa là máu của ai không biết, có thể là của những người hảo tâm ở tận góc bể chân trời nào. Đầu gối của ông được thay bằng xuơng của người khác, một cái xương sau cổ ông cũng được đổi mới, lại còn một ít “nhau” của bà nào đó cũng được nhét vào dưới lớp da ông.

Người ta dùng tất cả mọi phương pháp khoa học đương thời để cứu vãn một sinh mệnh, mặc dầu sinh mệnh ấy nếu được cứu vãn cũng chỉ còn sống những ngày chờ “tính lại sổ đời”.

Nhưng dù đã cố hết sức, không ai chống cự được với tử thần. Các bác sĩ trứ danh cúi đầu trước chứng bệnh ngặt nghèo, bệnh nhân cúi đầu trước thần chết, con cháu và “những” vị vong nhân cúi đầu trước linh sàng.

***

Sau khi người chết đã được mồ yên mả đẹp, người sống trở về quây quần nhắc nhở đến những tính hay nết tốt của người xưa. Kẻ khuất mặt được ca tụng rất nhiều, nhiều như những nến, trướng, liễn, vòng hoa cườm, và câu đối của thân bằng quyến thuộc phúng viếng. Tất cả đều là những món rất đắt tiền mà người ta đã bỏ ra một cách hoan hỉ, vì suốt đời chỉ có một lần mà! Số tiền ấy khi bệnh nhân còn sống giá họ chỉ dùng một phần trăm, hay phần nghìn thôi để mua chút ít hoa quả đi thăm người ốm, họ cũng còn phải đắn đo suy nghĩ chán chê.

Căn nhà bây giờ vách tường treo đầy cả trướng liễn và vòng hoa, treo đến tận nóc nhà. Hai cây nến lớn thắp suốt ngày đêm trên bàn thờ, vì không thắp như thế thì biết để làm gì cho hết được! Người sống, với cái đau thương khóc lóc ồ ạt kêu gào, kể lể, ra về hết cả rồi, yên ngủ rồi, hai ngọn nến Bạch lạp để rơi những giọt lệ âm thầm lặng lẽ khóc tiếp.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 12 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chớ quên mình là nước


Sống đẹp giữa dòng đời


Học Phật Đúng Pháp


Chắp tay lạy người

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 44.220.41.148 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (390 lượt xem) - Việt Nam (123 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - ... ...