Để có đôi mắt đẹp, hãy chọn nhìn những điều tốt đẹp ở người khác; để có đôi môi đẹp, hãy nói ra toàn những lời tử tế, và để vững vàng trong cuộc sống, hãy bước đi với ý thức rằng bạn không bao giờ cô độc. (For beautiful eyes, look for the good in others; for beautiful lips, speak only words of kindness; and for poise, walk with the knowledge that you are never alone.)Audrey Hepburn
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Ai cập huyền bí »» CHƯƠNG 10 : BÍ MẬT CỦA NHỮNG KỲ QUAN Ở KARNAK »»

Ai cập huyền bí
»» CHƯƠNG 10 : BÍ MẬT CỦA NHỮNG KỲ QUAN Ở KARNAK

(Lượt xem: 4.109)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Ai cập huyền bí - CHƯƠNG 10 : BÍ MẬT CỦA NHỮNG KỲ QUAN Ở KARNAK

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Sau cùng, chúng tôi đã đến xứ Ai Cập cổ kính, thâm nghiêm và hấp dẫn mà con sông Nile, những đền đài, đồng ruộng, làng mạc và nền trời xanh đậm cùng nhau phối hợp để tạo nên một cảm giác quyến rũ và sống động. Đó là xứ Ai Cập của những thời đại mà các vị Pharaoh sang cả quyền uy còn đang trị vì, mà hết ngày này sang ngày kia, những sân đền còn vang dội âm hưởng tiếng thánh ca của các vị tăng lữ.

Tôi đến Louqsor, cách thủ đô Cairo bốn trăm năm mươi dặm sau khi đi ngược giòng sông Nile. Đến đây, người ta có thể trở về dĩ vãng và sống với dĩ vãng một cách dễ dàng không cần một cố gắng nào cả. Cảnh vật chung quanh đem đến cho ta một loạt những hình ảnh cổ xưa. Chỉ có miền nam Ai Cập, mà các nhà địa lý học gọi là miền thượng du Ai Cập, mới còn giữ được cái phong vị đó trước mắt những du khách thời nay. Cố đô danh tiếng của nó, thành phố cổ điển Thèbes, mà thi hào Homère gọi là “Thành phố một trăm cửa”. Ngày nay thành phố này đã mất dấu, nhưng nó còn để lại cho chúng ta Karnak, một trong những trung tâm tôn giáo của giới tăng lữ Ai Cập.

Ngày nay, Karnak là viên ngọc quí của vùng này. Những đền đài cổ của nó, tuy điêu tàn nhưng vẫn còn hùng vĩ, nổi tiếng khắp nơi trên thế giới. Một trong những ngôi đền này là ngôi đền to lớn nhất mà người ta có thể tìm thấy ở Ai Cập. Đó là đền thờ Amen-Ra. Thời xưa, tất cả những ngôi đền khác ở Ai Cập đều phụ thuộc vào ngôi đền này.

Thế là tôi đã đi hành hương tại Karnak và chiêm ngưỡng những đền thờ hoang tàn sụp đổ dưới ánh mặt trời gay gắt cũng như ánh trăng khuya êm dịu.

Karnak ở kế cận một khu rừng dừa xanh biếc, cách hai hay ba dặm phía bắc Louqsor. Để đến được nơi đây, người ta phải đi theo một con đường đầy bụi bặm, xuyên qua một cánh đồng lớn dưới nền trời xanh nhạt. Trên đường đi có ngang qua ngôi mộ của một vị vua Ả Rập, nóc bầu tròn sơn trắng. Sau cùng, nhô lên trước mắt tôi là hai cây cột trụ đá cao vút của cổng đền.

Cổng đền xem rất hùng vĩ ngoạn mục, đặc biệt hấp dẫn sự chú ý của du khách. Trên chóp đỉnh, người ta thấy pho tượng vua Ptolémée, người đã xây dựng ngôi đền này, đang dâng cúng dâng lễ vật cho các vị thần của thành Thèbes.

Bước vào cổng, tôi đã lọt vào trong sân đền thờ thần Khonsou, vị thần đầu chim ưng mà ngôn ngữ bình dân gọi là con của Amen. Trên tường có chạm hình nổi diễn tả một đám rước lễ du thuyền tấp nập trên sông, dưới thuyền chở tượng thần Amen-Ra đi ngược dòng sông Nile đến tận Louqsor.

Tôi bước hẳn vào bên trong ngôi đền sụp đổ. Tại đây, ngày xưa người ta giữ chiếc linh thuyền rước tượng thần Konsou. Tất cả những đồ vật dùng để rước lễ được cất giữ tại đây có ý nghĩa rất nhiều đối với quần chúng, những tăng lữ tham quyền cố vị và nhất là đối với các vị vua chúa. Trái lại, nó không quan trọng đối với một số ít đạo đồ, vì những vị này xem các nghi lễ cúng tế như những hình thức tượng trưng chứ không có một giá trị tâm linh thật sự.

Kế đó, tôi phát hiện một loạt những hình nổi rất lý thú chạm trổ trên tường phía đông của một gian phòng bên trong, tiếp cận với chánh điện. Điều làm cho tôi chú ý trước nhất là pho tượng một nhân vật đã từng quen thuộc với tôi trong một đêm suy tư giữa bãi sa mạc: thần tượng Sphinx! Tôi liền hiểu ngay rằng đó là một điều quan trọng, vì người ta có thể quan sát khắp đền trong nhiều ngày giữa những tường, vách và cột trụ đá mà không tìm thấy có thần tượng này.

Hình nổi đầu tiên là hình vua Ramsès II, đang đứng trước mặt nữ thần Amen và dâng cho nữ thần một pho tượng nhỏ. Kế đó là một hình nổi trên tường chạm hai nhân vật. Phía trước là hình một thiếu nhi, không ai khác hơn là Horus, con của Osiris. Trên đầu Horus có hình biểu tượng mặt trời và con rắn, tay trái để lên hai đầu gối, còn tay mặt đưa lên, ngón tay trỏ lên chỉ môi, ngụ ý giữ im lặng. Còn nhân vật kia, phía sau Horus, là thần tượng Sphinx. Nữ thần Amen đưa bàn tay mặt về phía Ramsès, tay cầm một thập tự giá có quai hình vòng tròn ở một đầu, còn đầu kia thì điểm vào giữa hai mắt của vua Ramsès.

Bức hình đó có ý nghĩa gì? Một nhà Ai Cập học chắc sẽ đưa ra một sự giải thích hoàn toàn hợp lý và khá đúng theo quan điểm của ông ta, đó là nhà vua đang hiến dâng lễ vật cho nữ thần, thế thôi! Ông ta sẽ không còn nói gì hơn nữa. Những cảnh tượng chạm trổ trên vách như thế thường chỉ diễn tả những mẩu chuyện vặt hoặc nhắc lại điển tích những chiến công rực rỡ của một triều vua nào đó. Nhưng ở đây thì lại là một chuyện khác.

Trước hết người ta nhận ra đó là việc thực hành một nghi lễ tối thiêng liêng, nhất là bức hình nổi được chạm gần bên chánh điện trung ương là chỗ thâm nghiêm nhất của ngôi đền này. Cũng như loại ám tự Ai Cập được dùng để diễn tả một ý nghĩa bí truyền mà chỉ có những vị tăng lữ đã điểm đạo được biết mà thôi, thì ở đây cũng vậy, gương mặt các vị thần đối với những vị đạo đồ thời cổ có hàm súc một ý nghĩa thâm sâu hơn là đối với quần chúng. Như vậy, ý nghĩa huyền diệu của các bức hình này chỉ có thể hiểu được bởi những người nào đã từng thấu triệt giáo lý huyền môn. Điểm cốt yếu trên bức hình nổi là cử chỉ hành động của nữ thần Amen. Cái thập tự giá có quai hình vòng tròn mà nữ thần điểm vào khoảng giữa hai mắt của vua Ramsès, các vị tăng lữ điểm đạo gọi là cái chìa khóa của huyền môn, nó tượng trưng cho việc điểm đạo để thu nhận vào tổ chức huyền môn thật sự.

Một nhà Ai Cập học sẽ cho rằng nó chỉ tượng trưng cho việc mở cửa, từ lâu vẫn khép chặt, để bước vào tổ chức thiêng liêng này. Dưới hình thức kỷ hà, nó tượng trưng linh hồn bất diệt của người đạo đồ đã được giải thoát ra khỏi cái thể xác vật chất bị “đóng chặt trên thập tự giá”. Cái vòng tròn, không đầu không đuôi, tượng trưng tính chất bất diệt của linh hồn tương đương với các đấng thần minh, còn cái thập tự giá tượng trưng cho trạng thái xuất thần của người đạo đồ, và do đó, sự chết và bị “đóng chặt vào thập tự giá” của người ấy.

Trong vài đền thờ cổ, người ta đặt người môn đồ nhận lễ điểm đạo nằm trên một cái giường gỗ có hình thập tự giá. Điểm giữa hai chân mày chỉ vị trí của tùng quả tuyến, tức bộ hạch óc mà những tác dụng phức tạp vẫn chưa được khoa học hoàn toàn biết rõ. Trong những cấp bậc điểm đạo đầu tiên, vị đạo trưởng dùng phép làm kích động bộ hạch ấy một phần nào, để giúp cho người thí sinh tạm thời mở rộng khả năng nhận thức và nhìn thấy những ma quái hiện hình hoặc những nhân vật tâm linh xuất hiện ở gần bên. Phương pháp sử dụng vào việc này một phần do mãnh lực từ điển, một phần tùy thuộc vào vài chất hương liệu rất mạnh.

Bởi đó, khi nữ thần Amen cầm cái thập tự giá điểm vào giữa hai mắt của vị Pharaoh, cử chỉ đó ngụ ý rằng nhà vua đã được điểm đạo theo tổ chức huyền môn, và nhà vua sẽ tạm thời mở rộng khả năng nhận thức trong một thời gian. Nhưng nhà vua bị cấm ngặt không được tiết lộ cho ai biết những gì nhà vua được thấy và xúc cảm trong cuộc lễ điểm đạo. Điều này được diễn tả bởi nhân vật đầu tiên trong bức hình nổi, thiếu nhi Horus, tức là vị thần Hormakhou, mà ngón tay đưa lên môi khép chặt ngụ ý phải tuyệt đối giữ im lặng và bí mật.

Những hình ảnh tương tự cũng được phô bày gần bên các thánh điện và những gian phòng điểm đạo trong tất cả các ngôi đền thờ cổ, luôn luôn với ngón tay trỏ đưa lên môi, một hiệu lệnh ngầm có ý nghĩa tượng trưng: “Hãy giữ im lặng về tất cả những gì liên hệ đến những điều bí mật thiêng liêng.” Còn nhà vua cầm pho tượng nhỏ với một cử chỉ hiến dâng có nghĩa là người sẵn sàng hy sinh lời nói của mình và luôn luôn giữ im lặng.

Phía sau thần Hormakhou còn có hình chạm một nhân vật thứ hai, thần tượng Sphinx. Điều đó là ngụ ý gì? Cũng như vị đạo đồ trong cơn xuất thần đã mất khả năng dùng lời nói trong thời gian điểm đạo, thần tượng Sphinx vẫn luôn luôn im lặng, không hề thốt ra một tiếng nào. Thần tượng Sphinx luôn luôn vẫn biết giữ gìn bí mật. Vậy đó là những bí mật gì? Đó là những điều huyền bí trong các cuộc điểm đạo. Thần tượng Sphinx canh gác ngôi đền diểm đạo hùng vĩ nhất của thế giới cổ là ngọn Kim Tự Tháp. Những người đi hành lễ ở Kim Tự Tháp thời xưa đều luôn luôn đến từ bờ sông Nile, trước khi đến nơi họ phải đi ngang qua trước thần tượng Sphinx. Trong cái im lặng của nó, thần tượng Sphinx tượng trưng cho sự im lặng và sự bí mật của cuộc điểm đạo.

Như thế vị Pharaoh đã được mời tham dự một nghi lễ huyền bí lớn nhất có thể được ban cho con người. Ba bức hình khác hoàn thành một loạt những cảnh tượng lễ điểm đạo mà ngày nay du khách có thể được xem tự do, nhưng ngày xưa chỉ được dành cho một số ít người biệt đãi. Trên những bức hình đó, người ta thấy những cảnh tượng tiếp theo sau khi nhà vua đã bước vào cửa huyền môn.

Trong bức hình thứ hai, nhà vua đứng giữa hai vị thần, Horus trưởng thành và Thoth. Mỗi vị thần này cầm một cái bình rót lên trên đầu vua Ramsès, không phải rót nước, mà rót một dòng những thập tự giá có quai tròn tràn ngập đầu và rớt xuống chung quanh vua. Thoth là vị thần minh triết và bí giáo. Trong hình này, ngài ban cho vua sự hiểu biết bí truyền về những sức mạnh thần bí và minh triết tâm linh, là những điều quí báu đã từng làm cho xứ Ai Cập nổi tiếng vào thời đại cổ. Ngài cũng là vị thần mặt trăng. Bởi đó, tất cả những nghi lễ tôn giáo và phù phép có một tầm quan trọng bí mật, nhất là những cuộc lễ điểm đạo huyền môn, đều diễn ra ban đêm vào những lúc trăng non và trăng rằm, là những giai đoạn mặt trăng có ảnh hưởng lớn nhất. Horus khi trưởng thành là thần Thái Dương. Vai trò của thần Horus trong bức hình này chỉ rằng, mặc dầu khởi sự vào lúc ban đêm, lễ điểm đạo kết thúc lúc ban ngày vào giờ bình minh. Khi những tia nắng đầu tiên của mặt trời sớm mai rọi thẳng vào đỉnh đầu người môn đồ thì vị đạo trưởng làm cho anh ta tỉnh dậy.

Trong bức hình thứ ba, vua Ramsès trở nên vị đạo đồ đầy minh triết, được hai vị thần khác vừa nắm lấy tay vua để chúc mừng, vừa đưa lên trước mặt vua những thập tự giá có quai, ngụ ý rằng từ nay nhà vua đã trở nên bạn hữu đồng môn với các đấng thần minh nhờ vào cuộc điểm đạo vừa trải qua.

Trong cảnh cuối cùng, nhà vua dâng một pho tượng nhỏ cho thần Amen-Ra. Đó là pho tượng một vị thần ngồi, có một lông chim cắm trên đầu, tức là thần Chân Lý. Cảnh ấy ngụ ý rằng vị Pharaoh từ nay đã đạt được minh triết, người sẽ hy sinh cuộc đời trên bàn thờ chân lý, nghĩa là với một sự hiến dâng trọn vẹn, người sẽ hướng mọi tư tưởng và hành vi theo những định luật tâm linh cai quản đời sống con người, như đã được tiết lộ cho nhà vua trong cuộc lễ điểm đạo.

Như vậy, những bức hình chạm trổ này đã cho tôi thấy đời sống tâm linh của một vị Pharaoh có đạo đức, và phát hiện cho tôi biết vài điều về những nghi lễ trong khoa huyền môn Ai Cập.

lll

Tôi bước qua cánh cửa ở đầu gian phòng lớn của chánh điện và đứng trước một bàn thờ nhỏ, hai bên có hình tượng vị Pharaoh đang chiêm bái và cây linh kỳ của nữ thần Hathor. Phía dưới có một lỗ hổng lớn của nền đá bị sụp lở tối đen ngòm, tôi lấy đèn pin soi xuống thì thấy chỗ sụp lở đó đưa xuống một đường hầm dưới đất.

Đó là cái động xây dưới hầm của đền thờ Karnak, có nhiều ngõ ngách và hành lang dài. Ở bên mặt cánh cửa lớn, tôi nhận thấy có hai lỗ hổng khác nữa cũng là chỗ nền đá bị sụp lở và đưa xuống những đường hầm nhỏ hẹp đầy bụi bặm dường như đã lâu không có vết chân người bước đến. Tôi bèn thám hiểm những con đường hẹp này thì thấy một đường đi xuyên qua động dưới hầm đến chỗ đền thờ thần Khonsou.

Đường dưới hầm bao phủ một lớp bụi dày đặc đến nỗi người ta phải nghĩ rằng bụi đã đóng ở đây từ nhiều thế kỷ. Tôi cố tìm dấu vết xem có người nào đã từng đến đây chăng. Nhưng ngoài những dấu chân trần, hẳn là của người Ả Rập gác đền thờ Khonsou ở gần bên, tôi không thấy gì nữa. Không có một vết giày nào. Trên lớp bụi dày đặc chỉ thấy những đường cong ngoằn ngoèo rất nhiều và rất có mỹ thuật, được vẽ ra giữa hai cái lỗ đen bởi một vài con rắn nhỏ.

Những đường hầm đen tối và cái động đá bí mật kia có ý nghĩa gì? Tôi đang tự hỏi như thế thì cái động thâm u dưới hầm, giống như cái nhà mồ, dường như đã xuất hiện ngay trước mắt tôi. Tôi nhớ lại cuộc hành lễ cổ truyền tái diễn sự chết và sự phục sinh của Osiris, cuộc lễ mà tôi đã thấy khắc trên vách đá của thánh điện nhỏ trên nóc bằng của đền thờ Denderah. Cũng chính là cuộc lễ mà tôi đã nhìn thấy trong linh ảnh và tôi đã sống qua kinh nghiệm bản thân một đêm trong Kim Tự Tháp. Chính cuộc lễ mà Osiris đã truyền lại từ châu Atlantide cho những vị đạo trưởng và tăng lữ của thời cổ Ai Cập.

Tại sao người ta lại làm lễ điểm đạo huyền môn ở những nơi đen tối và âm u như những chốn này? Có ba lý do để giải thích câu hỏi đó. Thứ nhất là để giữ gìn tuyệt đối bí mật và an toàn cho việc ban phép mầu vừa có tính cách riêng tư lại vừa nguy hiểm. Thứ hai là để làm cho người môn đồ bước vào trạng thái xuất thần một cách dễ dàng hơn, bằng cách không cho y nhìn thấy vật gì ở chung quanh và như vậy dễ tập trung sự chú ý vào nội tâm. Sau cùng, để có được một hình thức biểu tượng hoàn hảo mà cổ nhân vẫn thích dùng, phải chăng các vị đạo trưởng nhận thấy người môn đồ vẫn còn ở trong trạng thái vô minh u tối về phương diện tâm linh vào lúc sắp sửa bắt đầu cuộc lễ điểm đạo? Và sự thức tỉnh của y sẽ được thực hiện bằng cách mở mắt chào đón những tia sáng mặt trời ở một nơi khác, nơi mà anh ta được đưa đến sau khi điểm đạo. Khi đó anh ta đã đạt được sự giác ngộ tâm linh. Sau một cuộc điểm đạo kéo dài một cách chậm chạp, bắt đầu lúc đêm khuya và kết thúc vào lúc trời rạng sáng, người đạo đồ đã vượt qua từ sự vô minh hắc ám (đêm tối) đến sự soi sáng tâm linh (ánh sáng).

Cuộc hành lễ điểm đạo huyền môn được thực hiện trong những động đá dưới hầm, hoặc trong những gian phòng đặc biệt bên cạnh thánh điện thâm nghiêm, hoặc trong những thánh điện nhỏ trên nóc bằng của ngôi đền, chứ không bao giờ ở một nơi nào khác. Tất cả những nơi này đều triệt để cấm ngặt đối với dân chúng. Họ không bao giờ dám lại gần, vì kẻ nào vi phạm sẽ bị những sự trừng phạt rất nặng nề, khủng khiếp.

Những vị đạo trưởng nhận lãnh việc điểm đạo cho một môn đồ là đảm đương một trách nhiệm rất nặng nề, vì vấn đề sống chết của người môn đồ ấy nằm trong tay các ngài. Người môn đồ có thể bị thiệt mạng nếu vô phúc có kẻ nào đó thình lình xuất hiện, làm gián đoạn cuộc hành lễ điểm đạo thiêng liêng. Như vậy có khác nào trong khi một người bệnh nặng đang trải qua một cuộc phẫu thuật hiểm nghèo mà có người ngoài cuộc bỗng nhiên đột nhập vào phòng mổ? Nói cho cùng thì lễ điểm đạo cũng không khác gì một cuộc phẫu thuật để tách rời linh hồn ra khỏi thể xác. Đó là lý do vì sao tất cả những phòng điểm đạo đều được giữ gìn, canh phòng cẩn mật và đặt ngoài vòng xâm nhập của người đời.

Đối với những phòng gần bên thánh điện của một ngôi đền lớn, người ta chỉ có thể đi đến sau khi đã vượt qua một con đường hẹp tối om, ánh sáng càng lúc càng mờ dần từ phía cửa vào, để rồi hoàn toàn biến mất khi người ta đến ngưỡng cửa thánh điện. Khi người môn đồ đã hoàn toàn mê thiếp đi trong cơn xuất thần, thì thể xác người ấy được đặt trong bóng tối âm u của gian phòng, cho đến khi cuộc điểm đạo chấm dứt, người ta mới đưa người ấy ra ngoài ánh sáng.

Còn ở những phòng điểm đạo trong động đá dưới hầm, người ta cũng hành lễ một cách tương tự, tất cả mọi thứ ánh sáng đều tắt hẳn trong cơn đồng thiếp, và động đá trở thành cái nhà mồ, nói theo cả hai ý nghĩa tượng trưng và thật sự.

lll

Tôi chui xuống động đá dưới hầm do một lỗ hổng trên nền đá và thám hiểm một gian phòng tối âm u. Tại đây, ngày xưa các vị tăng lữ đã cử hành những nghi lễ huyền bí nhất của họ.

Sau đó, tôi chui lên khỏi hầm với một cảm giác thoải mái dễ chịu giữa ánh nắng mặt trời ấm áp và không khí trong lành. Tôi đi qua những cánh cổng vĩ đại của đền thờ Amen-Ra, kéo dài cuộc hành hương của tôi giữa những di tích của một thời đại huy hoàng ngày nay đã mất.

Những cổng đền này có lẽ vừa với kích thước của những người khổng lồ hơn là với những người trần gian nhỏ bé như chúng ta. Sở thích của người Ai Cập về những kích thước đại qui mô đôi khi đưa đến kết quả là gây ra một cảm giác rợn người, cũng như trường hợp của Đại Kim Tự Tháp gần thủ đô Cairo và những bức tường rào với những cổng đền mà tôi đang đứng núp dưới bóng mát trong lúc này. Bề dày của những vách tường này đến mười lăm thước, dẫu cho những thành quách quan trọng cũng không bao giờ cần đến một bề dày như vậy. Hẳn là người ta ngụ ý rằng thế giới phàm tục bên ngoài phải được ngăn cách để khỏi làm hoen ố vòng thành thiêng liêng của ngôi đền mà người cổ Ai Cập gọi một cách hãnh diện là “Ngai vàng của thế giới”. Than ôi! “Ngai vàng” ngày nay đã điêu tàn trong cô quạnh.

Khi tôi bước vào sân đền rộng lớn, tôi thấy có một đống gạch ngói còn sót lại của những tòa kiến trúc đồ sộ đã sụp đổ, chỉ còn vài cây cột trụ đứng trơ vơ giữa cảnh đổ nát hoang tàn. Tôi chậm rãi tiến bước, chân giẫm lên nền đất gồ ghề mọc đầy cỏ dại, nay đã giành lấy chỗ của một thềm đá hoa đẹp lộng lẫy ngày xưa được xây trên một diện tích rộng lớn, chiều dài có đến hơn một trăm thước.

Qua khỏi sân đền hình chữ nhật, tôi đến một cổng cao có chạm đầy những hình nổi sơn màu và mở ra giữa những tàn tích của một cái cổng khác mà hai cột trụ đá hai bên đã sụp đổ chỉ còn trơ lại một đống đá ngổn ngang dưới ánh nắng thiêu đốt của mặt trời.

Ngày nay, cổng đền này có bề cao không dưới ba chục thước. Bảy bậc đá tam cấp mà những nhà kiến trúc thời xưa xây ở ngoài cổng đền cũng đã biệt tích. Chúng được xây dựng như những biểu tượng ám chỉ sự tuần tự tiến hóa của con người từ chỗ thấp kém lên đến cảnh giới cao siêu nhất bằng sự phát triển tâm linh.

Cũng như nhiều dân tộc khác của những nền văn minh cổ, người cổ Ai Cập diễn đạt ý nghĩa huyền bí của số hệ theo qui mô trật tự của sự cấu tạo vũ trụ. Họ quan niệm rằng ngày thứ bảy hay cõi thứ bảy đem đến sự nghĩ ngơi, sự bằng an tuyệt vời cho con người cũng như cho muôn loài vạn vật trên thế gian. Tôi đã nhận thấy sự hiện diện của con số bảy trong tất cả các đền thờ ở khắp nơi tại xứ này, và dãy hành lang lớn trong Kim Tự Tháp cũng có sự biểu lộ của con số bảy một cách rõ ràng và lạ lùng. Bởi đó, thật là một điều tự nhiên mà thấy bảy bậc tam cấp, ngày nay đã sụp đổ, được dựng lên ngoài cổng vào tòa kiến trúc to lớn và hùng vĩ nhất của Karnak, tòa đại sảnh đường của đền thờ Amen-Ra.

Tôi bước vào và nhìn thấy ngay một cảnh tượng phi thường: chín hàng cột trụ đá khổng lồ chen nhau xuất hiện trước mắt tôi. Ánh nắng mặt trời rọi xuống cảnh tượng đó, tạo thành một hình ảnh độc đáo mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Mỗi cây cột trong số một trăm hai mươi hai cây cột trụ đều cao đến hai mươi mốt mét và đổ xuống một cái bóng dài trên nền đá đã loang lỗ nhiều nơi. Những cột trụ đá trắng ấy dựng lên chơm chởm như một đạo binh khổng lồ, chu vi mỗi cột có đến mười thước tây! Thật là kinh khủng, một kỹ thuật kiến trúc đại qui mô không tiền khoáng hậu, vĩ đại vô cùng! Một rừng cây cổ thụ khổng lồ bằng đá trên một diện tích một trăm thước bề rộng, thật là một điều rất... Ai Cập!

Tòa đại sảnh đường này phần lớn được xây cất vào triều đại vua Seti, chính vị Pharaoh này cũng đã xây dựng ngôi đền Abydos là nơi tôi đã được hưởng một sự yên tĩnh lạ thường. Nhưng ở đây thì cái ấn tượng hùng tráng, oai vệ ngự trị khắp cả. Nó khêu gợi hình ảnh của một thời đại đã tàn, mà người ta đã từng thực hiện được một công trình vĩ đại như thế.

Vua Seti đã không sống được lâu để hoàn thành công trình sáng tạo khổng lồ này. Chính đại đế Ramsès đã tiếp tục công trình ấy. Ông dùng những khối đá của vùng đồi núi Aswan để tạc thành những cây cột trụ to lớn của sảnh đường. Bằng lối kiến trúc đại qui mô đó, cổ nhân đã dụng ý khai phóng tâm hồn cho con người thấy những viễn ảnh rộng lớn hơn, làm cho con người thoát ly ra khỏi cái vòng chật hẹp nhỏ nhen của những tham vọng thường tình, gây nguồn cảm hứng cho những hoài bão to lớn và chí nguyện cao cả, mở rộng tầm nhận thức và nung nấu chí khí để làm nên những việc vĩ đại phi thường.

Nói tóm lại, đứng trước cảnh tượng này, người ta dường như ai cũng muốn được giống như vị minh quân Ramsès ngày xưa, người đã xây dựng nên những ngôi đền to lớn vĩ đại rồi thiết lập chung quanh đó những thành thị kiểu mẫu, nơi đó người ta có thể sống trong ánh sáng của những hoài bão thanh cao và những lý tưởng siêu việt.

Trời đã sắp sửa về chiều. Tôi còn dừng bước ở nán lại, trong khi mặt trời sắp lặn tỏa ra khắp vùng những ánh hào quang rực rỡ đủ màu. Cuộc hành hương của tôi đã kết thúc. Toàn thể cảnh vật gồm những đền miếu sụp đổ hoang tàn, những cánh đồng và bãi sa mạc chung quanh nhuộm bao nhiêu màu sắc dồi dào phong phú của bóng hoàng hôn ở vùng nhiệt đới, đã đem đến cho tôi một niềm phúc lạc thâm trầm say sưa, lâng lâng thoát tục. Cái thú vị thần tiên của chốn này thật thấm thía đậm đà, nó thấm nhuần vào người chúng ta giống như sương mù bao phủ trên sông, một cách từ từ mà ta không hề hay biết, cho đến khi ta nhận thấy rằng nó đã hiện diện ở khắp chung quanh ta.

Nếu người ta không có một tâm hồn tinh vi, tế nhị, thì người ta còn thấy gì hơn trong những ngôi đền sụp đổ này, ngoài những đống gạch đá, cát sỏi và bụi bặm? À, phải chứ, trong sự chiêm ngưỡng những nơi cổ tích hùng vĩ này, chúng ta hãy biết tìm thấy những ấn tượng khác nữa, để khi trở về ta sẽ thấy rúng động đến tận tâm hồn, trong lòng tràn ngập một niềm sùng kính thiêng liêng, ý thức được cái vẻ đẹp huy hoàng và sự trang trọng tôn nghiêm nó vẫn còn phảng phất và tồn tại mãi với thời gian.

Bầu không khí vắng vẻ hoang vu của Karnak đã đem đến cho tôi một điều ích lợi rất lớn. Tôi đã có thể đắm mình trong sự im lặng thần tiên của nó để thụ hưởng được nhiều lạc thú tâm linh luôn luôn đổi mới. Thời đại hiện nay không giúp cho chúng ta biết hưởng cái thú ngồi cô đơn một mình. Thế hệ cơ giới ngày nay không còn để cho ta thưởng thức cái vui trong im lặng. Tuy nhiên, tôi tin rằng dù sao thì mỗi ngày chúng ta cũng cần phải có một sự ẩn dật tạm thời, phải biết dành ít nhiều thời gian cho một sự trầm tư vắng lặng. Chính bằng cách đó mà người ta có thể khôi phục lại sự bình an của cõi lòng, và nguồn cảm hứng tốt lành sẽ trở về với những tâm hồn chán nản.

Đời sống của xã hội hiện nay giống như một nồi nước được nấu sôi lên sùng sục và con người chỉ biết lăn xả vào trong đó. Mỗi ngày, người ta càng mất đi sự gần gũi thân mật với chính bản thân mình và lại càng gần gũi thân mật nhiều hơn với cái nồi nước đang sôi đó! Sự suy tư trầm lặng hằng ngày đem đến những kết quả dồi dào cho sinh hoạt tâm linh. Nhờ đó mà người ta có được sự cương nghị trong những giờ phút quyết định, sự can đảm dám sống một cuộc đời độc lập không tùy thuộc vào dư luận của một số đông người, và sự ổn định tinh thần giữa tất cả những cơn loạn động ồn ào của cuộc đời thế tục.

Đời sống hiện đại có cái tác động tệ hại nhất là làm nhụt đi khả năng suy tưởng thâm trầm của con người. Trong sự náo động ầm ĩ của một thành phố lớn, ai còn có thể tạm dừng đôi phút để nhớ lại rằng đời sống nội tâm của mình đang đi đến chỗ tê liệt? Họ chỉ biết rằng họ đang vội vàng gấp rút, thế thôi! Nhưng luật tự nhiên không hề gấp rút vội vàng. Nó đã phải cần đến bao nhiêu triệu năm mới hình thành được cái kiểu mẫu vừa yếu đuối vừa loạn động như con người thời nay. Và rất có thể rằng nó sẽ phải đợi chờ đến một thời kỳ mà con người biết sống một cuộc đời bình dị hơn, yên tĩnh và trầm lặng hơn, để có thể thoát ra khỏi tình trạng đọa lạc và đau khổ mà họ đang tự chuốc lấy. Chừng đó, con người mới có thể nhìn vào cái nguồn cội thâm sâu của mọi tư tưởng thiêng liêng đã bị vùi lấp đi trong sự náo động cuồng loạn mà nhân loại đã từng lao vào trong cuộc sống hằng ngày.

lll

Những cuộc thăm viếng của tôi vào ban đêm tại Karnak là những chuyến đi thích thú nhất, nhất là vào đêm trăng rằm. Màn đêm Ai Cập bao phủ những ngôi đền cổ với một ánh trăng huyền ảo, nó hé lộ cho ta thấy những khía cạnh thú vị, và che khuất phần còn lại trong một bóng tối thích hợp với những nơi đền miếu thâm nghiêm này.

Trong những chuyến hành hương về đêm, tôi đã dùng nhiều phương tiện di chuyển khác nhau, mà tất cả đều làm cho tôi thích thú. Tôi đã đi thuyền buồm ngược dòng sông Nile nhờ xuôi theo chiều gió thổi mạnh, hoặc cưỡi lạc đà, hoặc dùng xe ngựa đi theo con đường mòn cũ kỹ, với ít nhiều tiện nghi.

Nhưng trong đêm trăng rằm như đêm nay, tôi thấy không gì thích thú hơn là đi bộ, và tôi đã chậm rãi vượt qua quãng đường hai hay ba dặm bằng chân như các vị tăng lữ thời xưa, dầu trong những ngày lễ long trọng rực rỡ của xứ cổ Ai Cập.

Một ánh trăng bạc rọi xuống lớp bụi trắng dày đặc bao phủ con đường mòn mà tôi đi qua. Thỉnh thoảng, những con dơi lớn vỗ cánh trên không và kêu to rồi bay mất dạng. Ngoài ra không còn tiếng động nào khác nữa. Một sự im lặng thâm trầm chiếm lấy cả vùng chung quanh cho đến khi tôi bước chân đến làng Karnak. Trên con đường làng, thỉnh thoảng tôi gặp một vài người đi lưa thưa, tay xách một ngọn đèn lồng nhỏ ánh sáng lập lòe. Những ánh đèn dầu khi mờ khi tỏ chiếu ra ngoài những cửa sổ hai bên đường. Thỉnh thoảng, tiếng chân người làm cho vài con chó cất tiếng sủa vang. Đến đầu đường, tôi thấy nhô lên trước mặt tôi cái cổng đền màu bạc của vua Ptolémée, giống như một tháp canh khổng lồ gìn giữ mặt ngoài của ngôi đền lớn mà nóc nhọn vươn lên trên nền trời xanh thẫm.

Vì là ban đêm nên cổng đền đã bị ngăn lại bằng một bức rào. Tôi đánh thức người gác cổng đang ngủ trong một cái chòi tranh gần bên, ngọn đèn pin chói sáng của tôi làm cho anh ta phải nheo cặp mắt đỏ ngầu còn đang ngái ngủ. Sau khi anh ta đã mở cổng cho tôi bước vào, tôi đưa cho anh ta một món tiền thù lao để đền bù việc làm anh ta thức giấc lúc nửa đêm, và anh ta để cho tôi đi lại tự do.

Tôi bước qua sân đền và ngồi trong vài phút giữa đống đá tảng ngỗn ngang của một cái cổng thứ nhì đã sụp đổ. Cổng này ngày xưa đứng ở chỗ cuối sân trước khi đưa vào gian phòng đại sảnh đường. Tôi suy tư một lúc về sự cao cả huy hoàng xưa kia của đền thờ Amen-Ra ngày nay đã suy tàn.

Một lúc sau tôi đã đứng giữa những cột trụ hùng vĩ và những cảnh tượng loang lỗ điêu tàn của tòa đại sảnh đường. Ánh trăng khuya soi xuống các cột trụ, tỏa xuống nền đất những bóng đen dày, làm cho những hàng ám tự khắc trên cột ẩn hiện chập chờn khi mờ khi tỏ. Tôi tắt ngọn đèn pin để thưởng thức cái đẹp của đêm trăng đang làm cho toàn thể ngôi đền đượm nét ảo huyền như cảnh mộng.

Trước mặt tôi là cây trụ thạch tiễn (obélisque) của nữ hoàng Hatshepsut, vươn mình lên cao giống như một cây kim khổng lồ bằng bạc. Tôi vừa từ từ bước đi trong bóng tối mờ ảo đến nơi thánh điện ở phía sau những dãy cột trụ khổng lồ của đại sảnh đường, thì tôi có cảm giác mơ màng dường như có một sự hiện diện nào đó ở bên tôi. Hay là ở đây không phải chỉ có một mình tôi?

Tuy nhiên, ít nhất cũng đã mười lăm thế kỷ trôi qua kể từ khi những người sùng tín không còn đặt chân đến nơi đền miếu hoang tàn này nữa. Những tượng thần bằng đá bị sứt mẻ cũng chịu đựng trong sự im lặng cô đơn đó đã từng bấy nhiêu lâu. Tôi cũng biết rằng ở xứ Ai Cập ngày nay không có một người nào còn sự tin tưởng và truyền bá nền tôn giáo cổ. Vậy tại sao tôi lại cảm thấy có sự hiện diện của người sống ở chung quanh tôi, trong ngôi đền đã chịu sức tàn phá của thời gian và đắm chìm trong sự im lặng của nhà mồ?

Tôi rọi đèn pin khắp nơi, soi khắp các cột trụ cùng vách tường, những đống gạch đá sụp đổ ngổn ngang và những thềm đá sứt mẻ, cũng không thấy có dấu vết của một bóng người nào.

Tôi lại rảo bước tiến tới, một mình cô quạnh trong đêm khuya, nhưng vẫn không sao thoát khỏi cái cảm giác ám ảnh đó. Đêm tối luôn mang theo những sự sợ hãi rùng rợn đến với nó, luôn làm tăng thêm sự sợ sệt của người ta, dẫu cho lúc đầu đó chỉ là những sự e ngại nhỏ nhặt nhất.

Tôi đã từng chấp nhận và mến yêu những đêm ấm áp và yên tĩnh của xứ Ai Cập mà cái thú vị thần tiên đã thâm nhập vào người tôi. Nhưng đêm nay thì lại khác hẳn! Những ngôi đền sụp đổ tàn tạ này khoác lấy dưới ánh trăng huyền ảo những nét hầu như rùng rợn. Tôi ý thức được một cảm giác bức rức khó chịu dưới ảnh hưởng của giờ đêm khuya khoắt và của nơi chốn này. Tại sao?

Tôi đi lần theo con đường lót đá cũ đưa đến những ngôi kiến trúc điêu tàn ở về hướng bắc, và đến cái miếu nhỏ thờ thần Ptah. Tôi đi qua cái sân hẹp có nhiều cột và qua một cửa khác, tôi đã bước vào thánh điện. Một ánh trăng rọi vào một trong những bức tượng kỳ lạ nhất của Karnak, đó là pho tượng nữ thần Sekhmet, với thân thể một nữ nhân mang đầu sư tử. Truyện thần thoại Ai Cập gán cho nữ thần này vai trò trừng phạt và tiêu diệt nhân loại.

Tôi ngồi xuống một bậc thềm đá, và ngắm ánh trăng soi xuống những bức tường đổ nát. Từ xa xa vọng lại tiếng kêu rùng rợn của một con chó rừng săn mồi. Tại đây, trong trạng thái thụ cảm, tôi lại cảm thấy trong lòng tôi có cái ấn tượng về một sự hiện diện vô hình, pha lẫn với sự sợ sệt hoang mang. Phải chăng những vong hồn của các vị tăng lữ thời xưa, của những đám đông tín đồ tôn sùng hãy còn lởn vởn ở chung quanh những nơi đền miếu cổ xưa này? Hay họ vẫn còn khấn vái cầu nguyện thần Ptah, tay cầm một linh trượng tượng trưng cho quyền lực và sự ổn định? Phải chăng vong hồn các vị tăng lữ và vua chúa thời xưa nay vẫn còn phảng phất trong những tòa đền đài cổ của họ, như những hình bóng sống động, tuy không còn thể chất?

Tôi tình cờ nhớ lại câu chuyện lạ lùng mà tôi được nghe thuật lại do một người bạn, một viên chức người Anh làm việc cho chính phủ Ai Cập tại Cairo.

Người bạn tôi đã gặp một thanh niên dòng quí tộc ở Anh quốc đến Ai Cập trong vài tuần để du ngoạn và xem thắng cảnh. Đó là một thanh niên vô tư lự, chỉ biết ưa thích sự xa hoa vật chất. Từ Louqsor, anh ta đến Karnak vào một buổi trưa và chụp một bức ảnh tòa sảnh đường của đền thờ Amen-Ra. Khi tấm hình được rửa xong, anh ta lấy làm ngạc nhiên khi nhìn thấy trong đó có hình một vị đại tư tế Ai Cập, đứng dựa lưng vào một cột trụ đá, hai tay khoanh trước ngực. Anh ta cảm thấy rúng động trong tâm hồn đến nỗi tâm tính anh ta hoàn toàn thay đổi. Kể từ khi đó, người thanh niên này chăm chỉ khảo cứu học hỏi về các hiện tượng thần bí và các vấn đề tâm linh.

Tôi vẫn ngồi yên trên thềm đá, không còn muốn đứng dậy. Lúc ấy tôi đã đắm chìm trong một cơn suy tư triền miên không dứt, giữa những hình tượng câm lặng của các vị thần. Nửa giờ trôi qua như thế, kế đó tôi bước vào một trạng thái mơ màng. Một tấm màn dường như rơi xuống che phủ tầm nhìn của tôi. Tất cả sự chú ý của tôi đều tập trung vào một điểm ở khoảng giữa hai chân mày. Sau đó, một luồng ánh sáng kỳ diệu phi thường, không hề thấy ở trần gian, bao phủ lấy tôi. Trong ánh sáng đó, tôi thấy một người đàn ông màu da sậm, vai rộng và cao, đứng gần một bên tôi. Khi tôi ngẩng mặt lên để nhìn người ấy thì y cũng quay mặt lại và ngó ngay tôi. Tôi run rẩy dưới cơn xúc động, khi tôi nhận ra y. Vì người ấy không phải ai xa lạ mà chính là... tôi!

Phải, người ấy có một khuôn mặt giống như của tôi bây giờ, nhưng y mặc y phục của xứ Ai Cập thời cổ. Đó không phải là bậc vương giả hay một người dân thường, mà là một tăng lữ với một cấp bậc nào đó, mà tôi nhận ra ngay do cái mão và chiếc áo. Luồng ánh sáng lan rộng một cách mau chóng chung quanh người ấy và lan ra tận phía sau, cho đến khi nó bao trùm một cảnh tượng diễn ra bên một bàn thờ: nhân vật trong linh ảnh của tôi bắt đầu cử động và từ từ tiến đến chỗ bàn thờ. Khi đến nơi, ông ta bèn chắp tay cầu nguyện thì thầm... Khi ông ta bước đi, tôi cũng bước đi; khi ông ta cầu nguyện, tôi cũng cầu nguyện, không phải như một người ngoài cuộc đi kèm theo một bên, mà như chính tôi cũng là người ấy.

Một linh ảnh mâu thuẫn: trong đó tôi vừa là khán giả lại vừa là diễn viên. Tôi nhận thấy người ấy đang đau xót đến tận đáy lòng, vì tình trạng xứ sở của mình. Người ấy động mối thương tâm vì nhìn thấy xứ cổ Ai Cập của mình đang lâm vào cảnh suy tàn. Trên hết mọi sự, người ấy đang đau khổ mà nhìn thấy nền tôn giáo thiêng liêng của mình đang lọt vào bàn tay nhơ bẩn của những kẻ bất lương tàn bạo. Trong cuộc cầu nguyện, người ấy luôn khẩn cầu các vị thánh thần hãy ra tay cứu vớt nền chân lý cho dân tộc của mình. Nhưng sau cùng, cơn buồn thảm của người ấy vẫn không vơi đi, vì không nhận được một lời đáp ứng nào và hiểu ra rằng sự suy tàn của Ai Cập là một điều không thể cứu vãn. Người ấy bèn lui ra trong cơn thất vọng, nét mặt ưu tư, lòng buồn rười rượi.

Ánh sáng ấy trở lại, vị tăng lữ đã biến mất cùng với cái bàn thờ. Tôi vẫn ngồi trơ một mình, trầm lặng suy tư gần bên đền thờ Ptah, một lần nữa. Lúc ấy tôi cũng đang mang nét mặt ưu tư, lòng buồn rười rượi... Phải chăng đó chỉ là một giấc mơ, do cái khung cảnh đặc biệt chung quanh tôi lúc ấy gây nên? Phải chăng đó là sự tưởng tượng cuồng loạn của một khối óc suy tư? Phải chăng đó là sự thoát thai của một ý nghĩ tiềm tàng gây nên bởi lòng tha thiết của tôi đối với dĩ vãng? Phải chăng đó là do nhãn quang thần bí khiến cho tôi nhìn thấy vong hồn của một vị tăng lữ thật sự đã xuất hiện ở ngay chỗ ấy? Hay phải chăng đó là cái ký ức xa xôi về một tiền kiếp của chính tôi khi xưa ở Ai Cập?

Đối với tôi, vì nhận biết biết rõ sự cảm xúc của tôi đã căng thẳng đến mức độ nào trong khi và sau khi tôi có cái linh ảnh đó, nên tôi chỉ có thể có một câu trả lời. Người khôn ngoan không bao giờ kết luận một cách quá vội vàng, vì sự thật là một cái gì quá mỏng manh mà ta khó nắm chắc. Cổ nhân đã từng nói rằng sự thật nằm ở tận đáy của một cái giếng vô cùng sâu thẳm. Nhưng dù thế nào, tôi cũng phải nhìn nhận rằng tôi chọn trả lời là đúng cho câu hỏi cuối cùng vừa nêu trên.

Nhà bác học Einstein đã từ bỏ quan niệm bảo thủ vẫn có từ trước về vấn đề thời gian. Ông đã chứng minh bằng toán pháp rằng người nào có thể quan niệm sự vật theo hệ thống bốn chiều đo, sẽ nhìn dĩ vãng và hiện tại với một tầm hiểu biết khác hẳn với quan niệm thông thường của người đời. Điều đó có thể giúp cho ta hiểu rằng thiên nhiên vẫn giữ một ký ức toàn vẹn về dĩ vãng, nghĩa là tất cả những gì diễn biến trong vũ trụ qua hàng bao nhiêu thế kỷ đều vẫn tồn tại trong ký ức của thiên nhiên. Do đó tôi mới hiểu ra được bằng cách nào mà trong những cơn thiền định thâm sâu người ta có thể giao cảm một cách bí mật và tự nhiên với cái ký ức đó.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 13 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tây Vực Ký


Tổng quan về Nghiệp


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục


Hai Gốc Cây

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.84.7.255 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (400 lượt xem) - Việt Nam (119 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - ... ...