Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó. (We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan
Nếu muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm.Sưu tầm
Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không. (There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ làm được. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không làm được thì điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. (If you think you can, you can. And if you think you can't, you're right.)Mary Kay Ash
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Đường Không Biên Giới »» 24. Trở lại xứ Phù Tang »»

Đường Không Biên Giới
»» 24. Trở lại xứ Phù Tang

(Lượt xem: 2.186)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Đường Không Biên Giới - 24. Trở lại xứ Phù Tang

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Ngày 23 tháng giêng năm 1987 tôi viết Đường Không Biên Giới để gởi đến các độc giả xa gần trên chuyến bay Singapore Airline số 7 từ Tokyo hướng về Singapore, rồi Hòa Lan.

Đây cũng là chuyến bay dài nhất trong năm 1986 và 1987, có lẽ rằng trong những năm tới tôi không tiếp tục những chuyến bay xa, để dành thời giờ lo việc xây dựng ngôi chùa Viên Giác.

Trong chuyến đi tôi đã ghé 4 nước và 4 nước ấy cũng chẳng xa lạ gì, nhưng lại có những niềm vui nho nhỏ. Hay nói đúng hơn là tại mỗi nước tôi lại có một cái nhìn ý vị lạ lùng.

Như ở Thái Lan, người được gọi là Tăng sĩ phải cạo đầu và cạo cả lông mày. Khi tôi đến Thái, người Thái chỉ nhìn hàng lông mày mà chẳng để ý đến y phục hay những điều kiện khác. Trong khi đó tôi đến Đài Loan để thăm và làm Phật sự tại đấy, Phật tử không nhìn hình tướng đầu tròn áo vuông của tôi mà lại nhìn đôi giày đi mùa đông bên xứ Đức. Họ nhìn tôi mang giày có vẻ ngạc nhiên, không phải vì đôi giày quá tốt hoặc quá xấu, mà vì ở Đài Loan hầu như không có tăng sĩ nào mang giày da cả mà chỉ mang giày bố thôi. Tôi phải giải thích đủ mọi điều, rằng Tây Đức lạnh không thể đi giày vải được, rằng đây là phương tiện v.v... Nhưng chẳng ai để ý đến chữ “rằng” của tôi khi giải thích cả, mà họ nhìn tôi như có vẻ mỉa mai.

Rồi đến Nhật, như quý vị đã biết, các tăng sĩ ở đấy đều dễ dãi ở mọi vấn đề. Họ nhìn tôi trong chiếc áo nhà tu Việt Nam, sống khổ hạnh và kham nhẫn, họ cảm thấy thương hại cho thân phận của người tăng sĩ Việt Nam nơi xứ lạ.

Đi qua Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan và Nhật Bản, tuy rằng cũng là Phật giáo cả, nhưng hầu như mỗi nơi đều có những điểm khác biệt, từ cách phục sức cũng như quan niệm về việc tu hành.

Đi nhiều nơi, đến nhiều chốn, ta mới thấy rằng chư tăng Việt Nam tu hành rất khắc khổ và vượt xa hơn các nước rất nhiều. Không phải vì chúng ta là người Việt Nam nên bênh vực cho người Việt. Phải thành thực mà nói, các vị tăng sĩ Phật giáo Việt Nam của chúng ta có nhiều điểm đáng hãnh diện vô cùng. Tiếc rằng nước ta bị chiến chinh triền miên và tiếng nói rất nhỏ bé trên chính trường quốc tế nên thân phận của người tăng sĩ Việt Nam cũng chưa được lớn mạnh thôi. Từ điểm ấy chúng ta có thể nhìn những điểm khác cũng tương tự như vậy. Nếu chúng ta trở thành nước kỹ nghệ tiên tiến hàng đầu như Nhật Bản thì ngôn ngữ của chúng ta có thể nổi tiếng và dễ học hơn ngôn ngữ của Nhật rất nhiều.

Trong 10 năm xa Nhật, tôi đã trở lại đó 3 lần. Mỗi lần thấy mỗi khác và mỗi tiến bộ hơn. Trong khi đó quê hương của chúng ta vẫn còn khói lửa mịt mờ, người người bỏ nước ra đi tỵ nạn để tránh cảnh thiếu tự do và tù ngục.

Người Nhật bây giờ giàu có hơn xưa, sang trọng hơn xưa và theo Âu Mỹ rất nhiều, mặc dầu xứ Nhật không phải là nơi hoàn toàn thuận lợi cho việc sinh sống làm ăn. Ví dụ như động đất, núi lửa là những thiên tai không nhỏ. Có ngày động đất đến 5, 7 lần. Đất rung rinh, mọi vật rung chuyển. Mọi cơ cấu đều ngưng hoạt động trong thời gian ngắn 5, 10 phút. Có lần tôi dùng xe Shinkansen đi về Sendai, xe đã phải ngừng giữa đường khi có động đất và sau 2 tiếng đồng hồ mới tiếp tục chạy lại. Tôi nhìn vẻ mặt của những người ngoại quốc đi cùng tàu có vẻ sợ sệt, lo âu, nhưng khi nhìn những người Nhật, họ vẫn an nhiên tự tại. Có lẽ vì đó là một định luật mà thiên nhiên đã an bài cho xứ hải đảo nên họ phải chấp nhận chứ chẳng còn cách nào hơn. Trong khi đó người ở nơi khác thì bảo nơi này sướng hơn nơi kia, nhưng thực ra khi chúng ta còn ở trong cõi Ta Bà này là vẫn còn khổ. Vì thế, trong kinh Pháp Hoa đức Phật dạy rằng: “Ba cõi không yên giống như nhà lửa.” Khi nào thoát ly khỏi sinh tử luân hồi, chứng thành đạo quả, thì lúc ấy mới không còn cái khổ của sanh tử luân hồi kia nữa.

Lần này về lại Nhật, tôi có đi thăm trại tỵ nạn tại Shinagawa. Cách đây 2 năm về trước, việc vào trại thăm còn tương đối khó khăn, nhưng lần này nhờ sự ngoại giao khéo léo của Thầy Thích An Thiên mà chúng tôi được vào trại một cách dễ dàng, được ông Giám Đốc cùng các nhân viên cũng như các thông dịch viên Việt Nam tại đó tiếp đãi một cách nồng hậu, cởi mở và vui vẻ hơn xưa nhiều. Trại bây giờ cũng tương đối sáng sủa. Cuối tuần, đồng bào trong trại được ra ngoài để thay đổi không khí. Một ngày học 4 giờ Nhật ngữ và chỉ có thể học 3 tháng, sau đó lại ra ngoài trại để đi làm, nếu người tỵ nạn dự định ở luôn tại Nhật.

Tiếng Nhật khó gần như tiếng Đức, nhưng chỉ học có 3 tháng thì chẳng đủ vào đâu. Hy vọng trong tương lai trung tâm lại có thêm giờ Nhật ngữ cho đồng bào.

Có nhiều người ở tạm để chờ đi định cư một nước thứ ba thì lo học tiếng Anh hoặc tiếng địa phương của nước đó. Nghe đâu hiện tại có khoảng 3.000 đồng bào Việt Nam, kể cả 200 sinh viên thuở xưa du học, đang cư trú vĩnh viễn tại Nhật.

Bây giờ tại Nhật đã có nhiều tiệm buôn thực phẩm Á Đông, tiệm sách, cung cấp các sách vở cần thiết, tiệm ăn v.v... mở khắp đó đây, nên không khí sinh hoạt của người Việt Nam tại Nhật ngày nay có phần đổi khác hơn xưa rất nhiều. Cũng có nhiều đồng bào mua xe hơi, ở nhà rộng rãi. Một số sinh viên ở lâu năm, có công ăn chuyện làm, đã lấy quốc tịch Nhật. Nhưng gặp ai cũng than là cực quá, khổ quá, chạy đua với Nhật cũng đừ người.

Đời sống ở Nhật rất tiện nghi, nhưng quá chật chội và phải cố gắng nhiều lắm mới có thể sống được, nên có nhiều người lại nghĩ đến nước thứ ba. Vật giá ở Nhật bây giờ cao gấp 3 hoặc 4 lần so với 15 năm trước khi tôi mới đến, còn lương thì tăng không nhiều, nên nhiều người đã than thở.

Thầy An Thiên và tôi đã nói chuyện tại trung tâm tỵ nạn trong vòng một tiếng đồng hồ rất cởi mở và vui vẻ.

Sinh hoạt cộng đồng của người Việt tại Nhật cũng giống như tại Âu Châu hay các nơi khác tại Mỹ hoặc Úc Châu, mỗi năm có tổ chức Tết, ra báo gây quỹ giúp tàu Cap Anamur v.v... kể cũng nhộn nhịp hơn xưa rất nhiều.

Riêng về Phật tử thì cho đến lễ Phật Đản 2531 (1987) mới ra mắt một cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Nhật một cách chính thức. Hy vọng rằng trong tương lai, tầm hoạt động sẽ rộng rãi và vững mạnh hơn.

Ngày xưa quý thầy du học tại Nhật rất đông, một số lớn về nước làm việc, số khác thì hiện đang ở các nước khác để giúp đỡ đời sống tinh thần cho đồng bào. Do đó, ở Nhật hiện chỉ còn lại 2 thầy nên việc Phật sự cũng đa đoan lắm.

Lớp cũ nhất có quý Hòa Thượng Thích Thiên Ân, Hòa Thượng Thích Tâm Giác, Thượng Tọa Thích Quảng Minh. Sau đó thì các Hòa Thượng Thích Thanh Cát, Hòa Thượng Thích Thiền Định, Thượng Tọa Thích Mãn Giác. Kế đến là quý Thượng Tọa Thích Minh Tâm, Thượng Tọa Thích Minh Lễ, Thượng Tọa Thích Trí Quảng, Thượng Tọa Thích Long Nguyệt. Lớp sau lại có Thầy Chơn Minh, Thầy Giác Thiện, Thầy Như Tạng, Thượng Tọa Thích Minh Tuyền, Thượng Tọa Thích Trí Đức, Thượng Tọa Thích Chơn Thành, Thượng Toạ Thích Trí Hiền, Thượng Tọa Thích Nguyên Đạt.

Lớp từ 1972 đến năm 1975 có chúng tôi, Đại Đức Thích An Thiên, Thượng Tọa Thích Bảo Lạc, Thầy Minh Tuấn, Thượng Tọa Thích Phước Toàn v.v... Chắc chắn rằng còn thiếu nhiều vị, nhưng những vị chúng tôi nhớ được, đa số hiện vẫn còn phục vụ cho đồng bào Phật tử đó đây.

Giáo Hội ngày xưa gởi quý thầy đi du học tại Nhật cũng đã nghĩ xa, và sự thành công của quý Thầy đóng góp cho việc phát triển đạo pháp tại quê nhà cũng như tại hải ngoại không phải là nhỏ.

Bên quý sư cô thì ít có vị học tại Nhật, chỉ có cô Mạn Đà La, năm 1964 học cao học Phật giáo tại Đại Học Komazawa, bây giờ ở Pháp và thân chính quyền Cộng Sản Việt Nam trong hiện tại, nên chẳng có liên lạc gì. Sư Cô Như Chính năm 1975 cũng đã đi Hoa Kỳ. Sư Bà Vĩnh Bửu có học thiền một thời gian tại Nhật, nhưng Sư Bà đã tịch.

Sau này có anh Trần Đức Giang và anh Nguyễn Quang Dục, là những sinh viên du học tại Nhật lâu năm, đã xuất gia theo các tông phái tại Nhật. Cũng có một số quý thầy và quý cô tỵ nạn, được tàu ngoại quốc vớt đem về Nhật tạm trú một thời gian rồi đi các nước khác như Thượng Tọa Thích Như Huệ, Đại Đức Thích Minh Mẫn, Sư Cô Diệu Từ v.v...

Nước Nhật cũng có nhiều điều hay và lắm cái dở, nhưng nếu học, chúng ta chỉ học những cái hay thôi để làm hành trang đời mình đi làm việc đạo thì quí giá vô ngần. So trong các nước mà Giáo Hội gởi quý Thầy đi du học như Nhật, Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan, Đài Loan, Hoa Kỳ, Anh Quốc, Tây Đức v.v... thì Nhật chiếm một tỷ lệ tương đối nhiều và thành công hơn cả. Tuy không hoàn toàn đỗ bằng tiến sĩ hết như quý thầy tại Đài Loan và Ấn Độ, nhưng bằng cấp cử nhân và cao học tại Nhật cũng đã giúp chư tăng Việt Nam rất nhiều trong mọi lãnh vực giao tế giữa đạo và đời.

Tôi về lại Nhật như thấy hoa Anh Đào đã nở rộ và đang đi đến độ về chiều, vì sau 10 năm thấy ai cũng già đi, so với sự lớn lên nhanh chóng của thế hệ mới. Thế hệ trẻ ngày xưa khi tôi đến Nhật mới học tiểu học mà bây giờ đã gần xong đại học rồi. Tôi cảm thấy như già đi và trở nên lặng lẽ, không băn khoăn nghĩ ngợi so đo nữa mà thấy rằng có một cái gì đó ý vị nhiệm mầu. Vả chăng thời gian, cuộc đời, tư tưởng đã làm cho người ta thay đổi, ngay cả quan niệm sống cũng khác hơn xưa. Không phải tôi muốn nói việc duy tân Phật giáo Việt Nam trong hiện tại ở ngoại quốc, mà tôi muốn nói rằng quan niệm của con người cũng có lúc thay đổi như hoa anh đào lúc nở, lúc tàn. Hoa đào năm trước sẽ khác hoa đào năm sau, tuy rằng vẫn chỉ nở từ một cây đào ấy.

Máy bay vẫn bay, tư tưởng tôi vẫn dạt dào trôi chảy như nhảy múa trong không trung, như nương theo thần thông của chư thiên để đưa ý tưởng về một nơi xa lạ.

Từ Tokyo, Hồng Kông, Singapore rồi Hòa Lan, Đức Quốc, tôi muốn mắt mình nhìn thấy tận quê hương yêu dấu Việt Nam trên đường bay ngang ấy. Nhưng cao độ 10.000 thước nhìn xuống chỉ thấy toàn mây bạc với trời trong. Quê hương tôi giờ đây vẫn đọa đày như bao năm trước. Thầy Tổ giờ đây đang khổ cực lo âu. Bạn bè giờ đây không còn tự do hành đạo nữa... Chỉ bấy nhiêu cảm tưởng ấy cũng đã làm cho tôi thao thức rất nhiều, khó có dịp bay ngang lại đây. Ngày xưa khi đi ngang qua lãnh thổ Việt Nam, phi hành đoàn thường hay giới thiệu với hành khách, nhưng bây giờ hai tiếng Việt Nam đã làm cho thế giới hãi hùng nên họ không còn đề cập nữa chăng? Việt Nam của chiến tranh, Việt Nam của nghèo đói, Việt Nam của xâm chiếm láng giềng... Ôi nước mắt mẹ Việt Nam đã bao nhiêu lần chảy. Ôi xương máu của Việt Nam đã lấp được mấy biển khơi! Không biết bao giờ những người Cộng Sản Việt Nam mới có được cái nhìn bao dung cởi mở?

Sau 15 ngày ở Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan và 21 ngày ở lại Nhật, tôi lại trở về với xứ lạnh giá buốt quanh năm, mang bao tin vui về cho Phật tử và cũng mong rằng đồng bào Phật tử Việt Nam tại Đức sẽ chia sẻ những khó khăn với đồng bào trong các trại tỵ nạn tại Thái Lan cũng như Hồng Kông.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 26 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa


Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)


Kinh Đại Bát Niết-bàn - Tập 2


Dưới bóng đa chùa Viên Giác

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 3.237.64.198 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (401 lượt xem) - Việt Nam (130 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - ... ...