Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page]

Chuyện  Cỏ Cây

Nguyên Khánh
______________

"May I a small house and large garden have,
And a few friends and many books both true
Both wise, and both delightful too!"
Abraham Cowley
Hiện tượng El Nino đã đem mùa Xuân lại với Thủ đô Washington sớm hơn một tuần và đánh lừa du khách: ngày April Fool 1998 chỉ còn hoa đào cuối mùa tơi tả. Dân thủ đô năm nay trốn được mùa tuyết và không quên chia xẻ niềm bất hạnh với các tiểu bang bị bão lụt tàn phá, và cả quê hương bên kia bán cầu bị thiệt hại nặng nề do bão Linda.

Cứ đến tháng tư là những kẻ quan tâm đến cỏ cây lại lo kiểm điểm hoa lá trong nhà, trong vườn, sửa soạn ươm hạt trong nhà, đem cây ra vườn để kiếm chút không khí và nắng trời sau ba bốn tháng phải trốn tránh những cơn lạnh đột xuất, hàn thử biểu xuống thấp dưới 0 độ C. Bắt đầu những niềm vui mới, pha với lo lắng chờ đợi... Cũng có ganh tị với bà con ở miền Tây, mùa xuân bên ấy đến sớm hơn và mùa đông không da diết lắm. Thật là bất công: Tại sao hoa Trà My (Camellia) bên đó trồng hàng rào, mà bên này phải nâng niu từng đóa một? Còn Impatiens cao đến 5, 6 feet và mọc năm này qua năm nọ, đâu có phải trồng hàng năm như ở đây! Hoa Cyclamen thì tha hồ phơi sương phơi nắng, đâu có khó tính, phải chọn chỗ trong nhà như bên này! Hoa hồng thì không bị bầy thổ phỉ Japanese Beetle phá phách, làm tổ và sinh sản, tàn nhẫn đục khoét tan nát bao cánh hoa. Khí hậu ôn hòa như thế mà còn được các loại hoa xương rồng rực rỡ tô điểm đây đó! Và cả lan đủ loại ngoài vườn, trong nhà. Các loại hoa trái nhiệt đới cũng thích nghi dễ dàng, hoa giấy, huỳnh anh, thông thiên, trúc đào mọc đầy, đâu có mỗi độ cuối thu là phải khệ nệ khiêng vào nhà trốn lạnh. Hèn chi di dân Ðông Nam Á đa số tập trung về California. Nói vậy chứ dân miền Ðông mình có thật tâm muốn dọn qua miền Tây không? Ði rồi thì làm sao hồi hộp khám phá cánh hoa xuyên tuyết (Crocus) đầu mùa, và đếm từng ngày cho đến một sáng thức dậy bỗng thấy hoa anh đào nở rộ? Ði mà để nhớ hoa Dogwood hồng tươi thắm trong vườn; nhớ những nét chấm phá của hoa Dogwood trắng dại, giữa rừng lá mầu lục nõn thật nên thơ? Nhớ những chú chim cổ đỏ đi trốn lạnh, từ miền Nam trở về, xa lạ ngay với tổ cũ của chính mình đang nằm trơ trên cành trụi lá! Nhớ những trứng sáo mầu xanh lơ do chim mẹ ham vui lơ đễnh đánh rơi trên cỏ. Và nhớ nhất là những buổi giao mùa, xuân hạ thu đông rõ rệt.

Gần hai thập niên định cư ở miền Ðông Bắc này, được chứng nghiệm bao nhiêu lần đổi đời của mọi người và của chính bản thân mình; một trong những điều thú vị nhất là biết thêm về thảo mộc của xứ ôn đới, với biết bao khám phá mới cho dân miền nhiệt đới. Làm vườn đã trở thành kỹ nghệ lớn thu hút bao nhiêu thành phần dù giầu dù nghèo. Ngoài ra làm vườn còn là một môn thể thao, một thứ giải trí, hay là một loại thuốc an thần, một cách thực tập Thiền cần thiết trong cuộc sống căng thẳng ở các nước kỹ nghệ tiên tiến... Và nghệ thuật làm vườn có khi trở thành triết lý sống, cho ta bao bài học không khác trường đời!

Bước ra vườn là như thấy hình ảnh cuộc đời thu nhỏ lại, cũng thiên hình vạn trạng. Nhu cầu và điều kiện tăng trưởng dù trong cùng môi trường sống nhưng vẫn có nhiều điểm dị biệt. Cũng định luật "Mạnh được yếu thua" muôn thuở. Cứ thử bỏ đi vài tuần không chăm sóc thì vườn sẽ trở thành khu rừng nho nhỏ, với cây hoang, cỏ dại lấn át hết các loài hoa thơm cỏ lạ. Phải bỏ công sức từng ngày mới loại trừ hết các loại thảo khấu lẫn sâu bọ chỉ chực xâm lấn và phá hoại. Cũng chẳng khác tổ chức xã hội; nơi nào mà "sâu bọ lên làm người" thì đúng là bể khổ.

Ăn trái nhớ kẻ trồng cây
Câu cách ngôn mộc mạc từ nghìn xưa vẫn mãi mãi là khuôn vàng thước ngọc cho nhân loại. Nhà nông có bốn món chính là Nước, Phân, Cần, Giống, cả bốn món chứ không riêng gì giống, tạo điều kiện cho cây đơm quả. Ông bà VN ngày xưa có câu: "Có phước thì trồng lau lên lúa, mà vô phước thì trồng lúa hóa lau". Thật ra các giống cây và hoa trái đẹp quí phần lớn đều được con người vun trồng và làm lai giống từ các giống hoang từ ngàn vạn năm kinh nghiệm và cày sâu cuốc bẫm. Con cháu được phát đạt là do phước đức ông bà tổ tiên để lại. Thế hệ chúng ta sắp bước sang thế kỷ 21 không thể quên ơn bao đời tiền nhân đã dày công tạo dựng nên cuộc sống tiện nghi và thoải mái ngày hôm nay... Những phong trào trồng cây xanh, bảo vệ môi trường (environment), tái xử dụng nguyên liệu (recycling), nhắc nhở cho thế giới tiêu thụ nhớ dành dụm cho thế hệ mai sau!
Trung đạo
Căn bản của sự sống là điều độ và nhờ đó mà có được quân bình. Nhiều nắng, phân hoặc nước quá chẳng có lợi, mà có khi còn làm hại cây cối.

Việc xén tỉa đúng mức cũng rất cần thiết cho thu hoạch. Nhớ là tốt lá thì không tốt hoa; nhiều phân quá sẽ làm cháy luôn bãi cỏ. Không nên tham lam ôm đồm mà quên mất trọng tâm của đời sống mà mình cần chăm bón. Quan niệm về TRI TÚC (biết đủ) đem áp dụng thật là khó: Biết thế nào là vừa đủ? Cho mình, cho mọi người. Nhờ giáo dục và phương tiện truyền thông tối tân, con người đã biết quá nhanh và quá nhiều, nhưng cần bao nhiêu cho đời sống được quân bình, thoải mái, thì vẫn còn mò mẫm. Cho và nhận bao nhiêu là đủ? Có thể bằng cách kiểm điểm những gì đã xảy đến, bằng tĩnh tâm, bằng thiền quán...?

Thời điểm
Ở miền Ðông Bắc này, nếu kiên nhẫn theo dõi và khéo chọn thì hầu như cứ mỗi tuần là vườn nhà bạn có thể có một vài loại hoa mới, mỗi loại nở chừng 3 tuần. Bắt đầu từ hoa Xuyên tuyết (Crocus), đến Mộc lan (Magnolia), đến Thủy tiên (Daffodils), Anh đào (Cherry) rồi Tulip... báo hiệu cho mùa xuân. Ấm hơn một chút là Bích đào (Peach) và Red Butt (tựa như hoa khế bên mình)... đua nở. Những chùm Tuyết cầu (Snowball) trắng xóa là một dư ảnh của mùa đông. Cuối tháng tư là mùa của Dogwood (không làm sao dịch tên này nguyên văn cho hay được!) hồng và trắng với dáng cây như trong tranh thủy mạc. Rồi tháng 5 rực rỡ, thật xứng đáng với công của "April shower" đã đem lại cả rừng "May flower" hoa Ðỗ quyên (Azalea) muôn mầu. Bên cạnh đó là những bụi Ngọc tú cầu (Hydrangea) và Rhododendron... Ngày lễ Mother's day (chủ nhật thứ nhì của tháng 5) thường được chọn làm mốc để đem cây ra vườn, nào bầu, bí, mướp, nào ớt đủ loại; và trồng hoa mùa hè muôn hồng ngàn tía: Begonia, Petunia, Verbena, Impatiens... có loại nở suốt 5 tháng. Nếu không kiên nhẫn và vội vàng mang cây ra sớm hơn vài tuần thì những cơn lạnh đột ngột dưới 0 độ (frost) sẽ không tha. "The right thing, the right person, in the right place, at the right time", hiểu được và biết kiên nhẫn chờ đợi thì vườn hoa cuộc đời tha hồ đâm chồi nẩy lộc. Nhớ lại một chị bạn đặt tên cho tình yêu của tuổi Teenage trên xứ Mỹ này là "Tình 3 tuần" chóng nở, chóng tàn. Có phải phong cảnh và thủy thổ cũng ảnh hưởng phần nào lên tâm tư, tình cảm của con người?
Thương yêu, nâng đỡ, bảo vệ
Cây cỏ cần được nâng niu và có cá tính cần được tôn trọng để nẩy nở không khác chi người. Nhớ đến chú Hoàng tử Bé của văn hào St Exupéry ráng bảo vệ cho cây hoa hồng trên tinh cầu tí hon của mình với câu bất hủ: "Je suis responsable de ma rose". Có nhiều người đã kinh nghiệm là cây cối cũng có tình cảm. Một loại thần giao cách cảm nào đó đã làm cây ủ rũ hoặc chết đứng khi trong gia đình có tang. Hoặc nếu mình chặt cây bừa bãi có thể đưa đến điềm xui xẻo cho người thân. Ai mà không cảm thấy nhói tim khi vô tình làm gẫy một chồi hoa mình từng nâng niu và chờ cho hoa nở mỗi ngày.

Cắm cột, dựng giàn, giúp cho cây đứng vững chẳng khác nào tập cho con biết đứng, biết đi những bước đầu chập chững; hoặc đưa tay ra đỡ người thân hoặc bè bạn đang rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã. Lại còn cái bệnh dị ứng (allergy) làm khổ các người không yêu hoa đã đành, mà hành hạ những người yêu hoa mới là bất công. Ðúng là hạnh phúc có khi phải trả giá đắt! Một loại "thú đau thương", vừa ngắm hoa vừa sụt sùi, chảy nước mắt! Người ta bạc đãi, hắt hủi mà mình vẫn không muốn rời. "Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa" của Tế Hanh đâu có ngờ cũng là nỗi khổ cho một số người.

Thích ứng môi trường
Ðã có bao nhiêu loài thảo mộc đã bị diệt chủng trên quá trình tiến hóa của vũ trụ theo luật sinh tồn. Có thể than "Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép hoa" với mấy công ty cây cảnh cứ muốn thay đổi thủy thổ của bao nhiêu giống cây, chỉ vì mục đích phục vụ thị hiếu của con người. Họ đã thành công với kỹ nghệ cây kiểng "Bonsai", không ai biết cây có Ðau Khổ vì phải sống chật vật trong cả trăm năm! Trở lại vấn đề của chúng ta: Trong quá trình di tản của dân VN, vấn đề thích nghi với cuộc sống để vươn lên đã không khó khăn đối với giới trẻ, dĩ nhiên là phải chấp nhận "Nhập gia tùy tục", có khi phải thay đổi theo kiểu quay 180 độ. Nhưng đối với các cụ già thì chẳng khác nào bứng cây cổ thụ sang trồng đất mới. Vì mục đích Ðoàn tụ gia đình, hay đúng hơn để Lương tâm được yên ổn, để được lo tròn chữ Hiếu, chúng ta đã đem cha mẹ già sang sống cho hết cuộc đời ở xứ người. Làm sao bứng hết gốc rễ cây cổ thụ? Thế nào rồi cũng có ít nhiều thiệt thòi và hy sinh, theo luật chọn lọc và đào thải tự nhiên (sélection naturelle). Và có phải thế hệ "bánh kẹp" ở tuổi trung niên mà Mỹ gọi là "Sandwich generation" là khó xử nhất, vì ngoài việc chính bản thân mình phải lo thích nghi hoàn cảnh mới trong lúc vất vả lo sinh kế, lại còn phải đương đầu và tìm cách giải quyết nhiều vấn đề cho thế hệ cha anh rất khó thay đổi, và thế hệ con em thay đổi quá nhanh!

Ai đã nói câu: "Tous les changements, même les plus souhaités, ont leur mélancolie"...?

*

Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa,
Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa
                                                (Thơ Tế Hanh)


Gió heo may đã về... Cỏ cây ở miền Ðông Bắc chuẩn bị cho nhiều thay đổi lớn, để bắt đầu chu kỳ mới, theo luật tuần hoàn của vũ trụ. Diệp lục tố từ từ nhường chỗ cho các sắc tố vàng và đỏ, tô mầu rực rỡ những rừng phong, rừng sồi nổi bật trên nền trời trong xanh. Với trời này, đất này, nhà văn Thanh Tịnh chắc sẽ cảm hứng nhiều hơn là "Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều...". Và không biết có ai cùng chia xẻ nỗi niềm nhung nhớ với thi sĩ Tế Hanh, với Lá phong đỏ và Hoa cúc vàng trong "Thơ Tình Hàng Châu".

Anh xa nước nên anh yêu thêm nước,
Anh xa em nên anh nhớ em thêm...
Còn những người yêu thơ văn lãng mạn Pháp, sẽ dễ tìm thấy đâu đây hình ảnh quen thuộc của cậu bé Anatole France đang đi qua vườn Luxembourg, ngắm lá rơi rơi trên tượng đá trắng, vào mùa tựu trường.
Gặt hái và san sẻ
Ðối với dân trồng trọt, mùa thu tức là mùa thu hoạch, và phải lo vội vã gặt hái sao cho những cơn lạnh đột xuất không đuổi bắt kịp. Nhưng thế nào rồi cũng có hôm thức dậy thấy hoa lá, cỏ cây ủ rũ vì trải qua một dêm giá băng, báo hiệu mùa đông sắp tới.

Ðến tháng 9, tháng 10 là những kẻ yêu hoa cỏ có thêm thú vui trao đổi cho nhau các "hoa lợi", và các giống cây mới, bằng cách chia cây hay xẻ củ, hoặc tặng nhau các loại hạt giống. Rồi đến tháng 11 với lễ Thanksgiving, là ngày lễ nói lên lòng biết ơn các bậc tiền nhân. Cũng đừng quên những quả bí, quả ngô, củ khoai, hạt đậu, tuy đạm bạc nhưng là món miếng ăn chính của những ngày đầu lập quốc. Ðây cũng là ngày con cháu khắp bốn phương quay về sum họp đại gia đình, và san sẻ thành quả của một năm trời bôn ba vất vả.

Thế hệ thứ nhất di dân sang Mỹ học được một chữ rất hay là Sharing (san sẻ). Với lợi tức rất thấp lúc ban đầu, nhiều người đã "share" phòng cho đỡ tốn tiền nhà, dùng "car pool" cho đỡ tốn tiền xe cộ, xăng nhớt, và còn chia xẻ nhiều thứ khác nữa. Cả một thế hệ trẻ, thường được gọi là YUPee (Young Urban Professional) người Mỹ gốc Việt, đạt được thành quả rực rỡ trên nhiều lãnh vực, đã bước vào "mainstream" của nước này, đáng cho cha anh hãnh diện như ngày hôm nay, cũng là nhờ biết chia xẻ vui buồn, sướng khổ trong những năm đầu tị nạn. Vấn đề là làm sao tiếp nối truyền thống tốt đẹp, để cho thế hệ con em về sau không chỉ biết chạy theo cá nhân chủ nghĩa, như nhiều bậc cha mẹ đang bắt đầu than phiền.

Tiềm năng tái tạo
Ða số cây cỏ chỉ nở được 4, 5 tháng mùa hè, phải trồng lại hàng năm (annual). Cám ơn các vườn ươm cây ở xứ này, trong suốt mùa đông đã giúp tái tạo cả rừng cây con trong các nhà kính, sẵn sàng đón chào mùa xuân mới. Còn các loại cây lưu niên (perennial) dù khô cành trụi lá, nhưng chứa đựng sức sống tiềm tàng, chịu đựng có khi cả nửa thước tuyết. Các loại này đâm rễ nhánh hoặc củ và tiếp tục sinh sôi nẩy nở dưới lòng đất, chờ đến mùa xuân là tuôn trào nhựa sống còn mạnh hơn năm trước. Giấc ngủ đông miên (hibernation) rất cần thiết cho nhiều loại thảo mộc. Cũng là bài học quí cho những ai mải thích bôn ba, không chịu ngưng nghỉ. Một weekend tĩnh tâm; một tuần xa lánh bụi trần cũng là một cách để tái tạo năng lực (recharge). Dân xứ tuyết dù muốn dù không, cũng được trời bắt bước chậm lại, khi mùa đông tới.

Ðợt sóng di dân của những thập niên 70-80 đã cho người Âu Mỹ làm quen với cây cảnh Á Ðông, đặc biệt hồ sen, hồ súng và các vườn Nhật Bản, v.v... song song với phong trào nghiên cứu triết lý Ðông phương và Thiền học ngày càng phổ biến, và tỏ ra có ích lợi thiết thực trong cuộc sống thừa tiện nghi vật chất nhưng quá "động", nên nhiều khi bế tắc về mặt tâm linh.

Chu kỳ sinh diệt
Bài học sơ cấp về Sinh học thật dễ hiểu đối với các loài thảo mộc có đời sống ngắn ngủi, đa số chỉ có hoa lá vào mùa xuân và mùa hè. Sau vài ba đợt giá băng, cây cỏ héo tàn để cho các chu kỳ Carbon và Nitrogen bắt đầu, với sự góp sức của các côn trùng và vi sinh vật trong lòng đất, tạo thành chất nuôi dưỡng cho thế hệ kế tiếp. Chỉ loại trừ các loại cây Trường xuân (Evergreen), như các giống tùng và thông, là còn đứng vững, lá vẫn xanh, mặc cho băng tuyết. Có hình ảnh nào thơ mộng hơn tuyết trắng vắt vẻo trên mấy nhánh thông? Có lẽ vì vậy mà anh hùng thất thế Nguyễn Công Trứ chỉ xin kiếp sau được làm "Cây thông đứng giữa trời mà reo!"

Nếu nhìn dưới lăng kính Sinh học phân tử (molecular biology) thì đúng là "cát bụi lại trở về với cát bụi". Loài người đã sinh sôi nẩy nở, qua bao quá trình tan rã rồi tái hợp (với triệu triệu phản ứng sinh hóa) của bốn nguyên tố chính là C, H, O, N; cũng phần nào tương đương với Thân Tứ Ðại, do đất, nước, gió, lửa tạo thành theo quan niệm Ðông phương. Chu kỳ Luân hồi Sinh tử cũng không ra ngoài định luật Bảo tồn Vật chất và Năng lượng, hay nói cách khác là: "Bất tăng, bất giảm, bất sanh, bất diệt!" (Loi de Conservation: Rien ne se perd, rien ne se crée).

Cũng với từng ấy C,H,O,N và các nguyên tố khác trên bản tuần hoàn Mendeleiev, con người đã từ khám phá này sang sáng kiến khác, từ thế giới vi mô (micro) sang thế giới vĩ mô (macro) và với cố gắng không ngừng, từ thời kỳ đồ đá đến kỷ nguyên điện tử, tạo dựng một hoàn vũ như ngày hôm nay, mà chắc chắn nếu thủy tổ chúng ta nếu sống lại sẽ khiếp sợ. Nhưng cũng mỉa mai thay, điều mà một số người cuối thế kỷ 20 đang lo ngại là: Với dự trữ nguyên tử quá thừa thãi; với xung đột giữa các dân tộc hãy còn trầm trọng; với thiên tai vẫn vượt quá sức người... có phải Nhân loại sắp bắt đầu một chu kỳ Sinh diệt mới? Như cỏ cây miền Ðông Bắc sắp bước vào mùa đông?

Mỗi chúng ta chỉ là hạt cát trong vũ trụ, nhưng cũng là cây sậy biết suy nghĩ (Pascal), nên mãi còn nhiều băn khoăn thắc mắc về nguồn gốc con người, về hạnh phúc và khổ đau, về kiếp này, kiếp sau... Câu hỏi lớn vẫn là: "Chết rồi sẽ đi về đâu?" Nếu chỉ suy nghĩ đơn giản, xem mình cũng như cỏ cây, thì đời sống dài ngắn cũng chỉ là tương đối. Có quan trọng chăng là làm sao trong chu kỳ sống, mình đã góp phần hữu ích cho đồng loại, cho môi sinh. Có phải vậy không?

Hãy bắt chước Krishnamurti (trong "His last journal"), ngắm chiếc lá vàng vừa lìa cành. Các đường gân nhỏ trên phiến lá đã mang hình ảnh sự sống của cả thân cây. Lá đã xanh tươi suốt mùa xuân và mùa hè, chuyển sang mầu vàng thắm lúc sang thu. Lá vẫn còn tươi thắm và sau khi lìa cành, để thản nhiên tiếp tục chu kỳ sinh diệt, theo lẽ tự nhiên của Trời Ðất.

 Nguyên Khánh
Thu 1998


[ Trở Về ]