Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [Home Page]
Ðông và Tây, và ta Bùi Mộng Hùng
Ðông là Ðông, Tây là Tây, Ðông và Tây không bao giờ gặp nhau ! Những câu như dao chém đá kiểu này đã in sâu vào tiềm thức. Cả Ðông lẫn Tây. Và một thời gian dài Tây và Ðông, mỗi bên sững đứng trong tư thế của mình. Tây phương chiến thắng, át cả về vật chất lẫn tinh thần, đem giá trị riêng làm tiêu chuẩn của cả nhân loại mà giáo hóa cho các dân tộc lạc hậu. Ðông phương co ro trong mặc cảm. Nghi ngờ, dằn vặt tới gốc tới rễ, tới tư tưởng truyền thống. Nhưng đâu đó thâm tâm ngấm ngầm tự tôn, rằng có thua kém là thua kém sức mạnh vật chất. Còn văn hóa nghìn năm của mình...
Một nếp nghĩ như cục than hồng vùi lấp dưới tro tàn nhưng cứ le lói, ở ta cũng như ở Trung quốc. Tiêu biểu là lối suy nghĩ đã có ngay từ thuở Việt nam mới thảm bại ta nhận thấy nơi Phạm Phú Thứ trong sứ bộ qua Pháp và Tây ban nha năm 1863 xin chuộc lại ba tỉnh Nam kỳ :
Ta thua kém kỹ thuật, chỉ có thế mà thôi...Ðông phương mà biết thêm kỹ thuật
Pha Lý, Long Ðông chưa hẳn tài.
(Tảo giao Ðông thổ kiêm trường kỹ
Pha Lý, Long Ðông vị túc hiền)Rồi mới gần đây, rồng lớn rồng con Á đông nối tiếp nhau theo tỷ số phát triển mà thăng thiên trên bầu trời kinh tế. Hội nghị thượng đỉnh Âu - Á đầu tiên ở Bangkok vừa qua khẳng định vai trò đang lên của Ðông và Ðông nam Á. Cái thế giữa Ðông và Tây quân bình hơn, có phần thuận lợi hơn cho những trao đổi nghiêm chỉnh về tư tưởng, về giá trị.
Tuy nhiên, ngẩng được đầu trong thành công kinh tế, cái nhìn đổi khác. Chính những truyền thống trước đây bị đề quyết là nguyên nhân kìm hãm chôn chân Ðông phương trong nghèo hèn muôn thuở hôm nay được tôn vinh như những yếu tố động cơ của phát triển vượt bực. Than hồng le lói trong tủi nhục bị thống trị bùng lên với thời cơ, không khỏi chưa gột sạch hết tâm tư trả thù lịch sử. Thêm phần được khơi dậy, thổi lên bởi các thế lực cầm quyền muốn biện minh cho chế độ chính trị cứng rắn của mình.
Việt nam ta đã đổi thay trong trăm năm cuộc hôn phối bắt buộc và không bình đẳng với Tây phương. Hôm nay, nhìn sao đây trong mặc cảm bị trị chưa nguôi, trong hỏa mù ý đồ chính trị của những thế lực cầm quyền ? Ðể bình tĩnh nhận định ra những gì là của báu trong vốn liếng văn hóa truyền thống, những gì nhất quyết ta còn phải học hỏi phương Tây. Dù rằng, ta đã hấp thụ được không ít từ nền văn hóa xa lạ đó, hình thành ra một xã hội khác xưa, một nền văn học, một nền văn hóa có nhiều độc đáo.
Phương Ðông muôn thuở.
Tháng tám 1995 vừa qua tạp chí Far Eastern Economic Review, qua cuộc thăm dò ý kiến bạn đọc, kê ra một loạt giá trị phương Ðông : đặt quyền lợi tập thể trên quyền lợi cá nhân ; đặt nặng vai trò gia đình ; xu hướng phó cho nhà cầm quyền nêu những đòi hỏi đạo lý của quốc dân ; xu hướng chống chuyện con cái lộng hành vì cha mẹ buông lỏng giáo dục ; ưa thích thiên bẩm chạy chọt phe phẩy, thương mãi ; không chờ đợi nhà nước ban ân che chở ; lòng tin vào tính ưu việt của học vấn ; và tinh thần tiết kiệm cao.
Xét cho kỹ thì đó là một bảng liệt kê thái độ ứng xử trong đời sống hơn là những giá trị. Một phần lớn bắt nguồn từ tập quán sống đạo lý cổ truyền. Còn sinh động trong nếp sống thường ngày Á đông.
1.Sống đạo lý như một phong cách, với những thái độ ứng xử mình với mình, mình với người phù hợp theo một số giá trị truyền thống, đi vào nề nếp ngày thường, thành nghệ thuật sống. Ðặc điểm dường như riêng Ðông phương còn giữ. Ít nhiều vương vấn trong lòng mỗi người. Dù cho có tràn ngập làn sóng tiêu thụ vị kỷ, dù không đoái hoài đến đạo lý trong chen đua, thâm tâm nhiều người vẫn nghĩ rằng sống đạo lý là phải dạy con cháu sống theo đạo lý. Thật xa với thái độ Tây phương ngày nay, cốt sao triển khai tư tưởng cho thành một hệ thống thuần lý toàn bích, còn đạo lý có tách khỏi đời sống hàng ngày là chuyện hoàn toàn thứ yếu.
Chẳng phải Tây phương không biết sống đạo. Thời cổ đại, kiến thức có đi đôi với đạo lý, đạo lý có đi vào đời sống mới là hiền triết. Thế kỷ thứ tư trước công nguyên, Platon giải thích tại sao mình phải dấn thân làm chính trị tại Syracuse :"Tôi sợ chính mình nhận ra mình chỉ là một kẻ khéo nói, không có khả năng kiên quyết dấn thân vào hành động." (Lettres, VII). Kant cũng từng nhắc lại một giai thoại : Platon, nghe một ông lão kể lể lão ta thường đi nghe giảng về đạo đức liền hỏi rằng : Thế còn bản thân cụ thì đợi đến khi nào mới bắt đầu sống đạo đức ?
Nhưng cái mạch sống đạo ấy đã bị đứt đoạn dần ở Tây phương từ thời Trung cổ. Ðể cho các triết gia từ Descartes qua Kant đến Bergson, Merleau Ponty tiếc nuối, quan niệm triết học là hoạt động cụ thể và thực tiễn nhưng trong thực tế chẳng được mấy người nghe theo. Marx là người có quan niệm đem triết học vào đời sống bao quát, quán triệt và có hệ thống. Ông được theo rất nhiều như lý thuyết gia cách mạng, được theo không ít trong quan điểm, phương pháp mổ xẻ phê phán tìm hiểu xã hội. Nhưng còn Marx triết gia có lẽ bị phản bội nhiều hơn là được nghe theo.
Trong thời điểm kinh tế, xã hội là yếu tố quyết định đời sống con người này, tìm cách chuyển đổi xã hội là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên không khỏi vì đó xem nhẹ, bỏ mất những kinh nghiệm hướng con người cá nhân vươn lên sống theo lý tưởng mình chọn lựa. Kinh nghiệm nghìn đời ấy đứt đoạn thì không dễ một ngày một buổi tìm lại được.
Chính vì vậy mà những manh mún còn sót lại của vốn liếng tích lũy kinh nghiệm, tranh biện hàng ngàn năm thành lý thuyết, phương pháp, kỹ thuật để cho ai ai cũng có thể lấy cái sống ngày lại ngày làm một nghệ thuật sống, là kho báu mà Ðông phương cần gìn giữ và phát huy. Cho mình và cho nhân loại. (xem Bùi Mộng Hùng, Philosophie, créativité et technique du corps en Extrême Orient, Triết lý, sức sáng tạo và kỹ thuật thân xác ở Viễn đông, Quel Corps, số 34-35, Paris 1987, tr.112-122, và Thân xác trong đạo Phật, Hương Sen số 61, tr. 16-21.)
2 . Sức sinh động trong đời sống thường ngày của đạo lý phương Ðông là do phương pháp, kỹ thuật rất cụ thể, đã đành. Nhưng cũng vì cơ sở ấy vững vàng đặt trên một số trực quan về con người và vũ trụ : không đối lập vật chất với tinh thần, không phân cách con người với thiên nhiên, xem con người như một ứng tác cùng vạn vật biến chuyển trong tiến trình không cùng. Quan điểm "động" này của đạo Phật đã được trình bày gần đây (Hương Sen số 59 tr. 24-30 Sống thời đại và tinh thần đức Phật). Nhưng lối nhìn không chỉ riêng của nhà Phật, mà cũng là của kinh Dịch, của Lão Trang, của Ấn độ.
Các trực quan căn bản, quan điểm động trong nhận định, phương thức tư tưởng xuất phát từ toàn phần đi đến bộ phận là nền tảng cho những vũ trụ quan và nhân sinh quan phóng khoáng, bao la trong không gian và trong thời gian. Cho tới ngày nay không rạn vỡ trước những tiến triển của kiến thức loài người, với thử thách của thời gian (xem Cao Xuân Huy, Tư tưởng phương Ðông, nxb Văn học, Hà nội, 1995).
Ðó là cơ sở để Ðông phương chắt lọc giá trị xã hội cho ngày nay, bồi bổ vào vốn văn hóa chung của nhân loại.
Ðông và Tây, khác mà chẳng khác.
1 . Cá nhân và tập thể : những đức tính thường được nêu lên như đặc biệt Khổng giáo đặc trưng Á đông : hiếu học, cật lực làm ăn, tiết kiệm, đạm bạc, tôn trọng quyền lực, xét lại cũng là những đức tính được giáo lý Calvin trau dồi và thấm nhuần nhiều dân tộc phương Tây - người Hòa lan chẳng hạn - suốt nhiều thế kỷ. Tìm hiểu những vấn đề mà thời sự cho là Ðông Tây xung khắc, như vấn đề nhân quyền, cần bình tĩnh, không hồ đồ vội vã.
Con người cá nhân, Lão Trang chủ trương tự do phóng khoáng không bó mình trong lễ nghi nhân tạo ; Phật giáo xem mỗi người là duy nhất, là một vị Phật tiềm năng, tự do hành động lèo lái thân phận mình, ảnh hưởng vào tiến trình chung của nhân loại, của thiên nhiên. Nền móng văn hóa, xã hội dù ở Trung quốc, Triều tiên, Nhật bản hay là ở Việt nam, suốt nghìn năm lịch sử không duy nhất dựa vào Khổng giáo mà dung hợp cả Khổng, Phật, Lão.
Ngay đến Khổng giáo, chủ trương trật tự xã hội. Nhưng xác định "nhân nghĩa" là giềng mối trong quan hệ giữa người với người ; trật tự có nghĩa là ai ai cũng có chỗ đứng : vua phải ra vua thì tôi mới ra tôi, cha phải ra cha, con mới ra con. Người cầm quyền được tôn trọng, nhưng lý do tồn tại của vua quan là lợi ích của người dân : dân là quý, xã tắc thứ hai, vua là khinh (Mạnh Tử, Tận tâm, hạ). Nhà cầm quyền hại dân là giặc chứ không phải là chính quyền nữa : Kẻ nào tàn tặc chữ nhân thì gọi là tặc, kẻ nào tàn tặc chữ nghĩa thì gọi là tàn. Con người tàn tặc gọi là độc phu. Có nghe người ta đã giết tên Trụ độc phu, chưa nghe rằng đó là giết vua vậy. (Mạnh Tử, Lương Huệ Vương, hạ).
Chỉ vào những thời đại mà văn hóa xơ cứng, kiệt sức sống như thời Minh mạt, thời Thanh ở Trung quốc, đời Nguyễn ở Việt nam, bộ máy thống trị mới cường điệu một biểu văn Khổng giáo độc tôn. Nhưng chỉ là biểu văn. Trong thực tế xã hội, văn hóa không bao giờ chẳng dung hợp Khổng, Phật, Lão, thành xu hướng tam giáo đồng nguyên.
Mà cả ba đạo đều tôn trọng con người cá nhân. Còn quan hệ cá nhân với tập thể, với nhà cầm quyền, cần được đặt trong điều kiện xã hội cụ thể.
Suốt nhiều thế kỷ, dân Á đông, Trung quốc cũng như Việt nam, sống trong xã hội nông nghiệp, nhà nước là một bộ máy thu cống nạp : người dân nộp sưu thuế, chịu lao dịch, vua quan lo tổ chức thực hiện những việc lợi ích chung, sửa sang đê điều, bảo đảm an ninh trật tự.
Bộ máy nhà nước là ở ngoài dân, trên dân. Khi có ăn có chung dân còn ráng gánh chịu. Không có an ninh, đê điều liên miên vỡ, mùa màng thất bát, dân đen xem bộ máy nhà nước bòn rút chẳng khác gì giặc cướp, "cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan". Người thường dân đứng xa xa mà "kính nhi viễn chi", bề ngoài làm ra bộ ngoan ngoãn cúi đầu vâng dạ, ngấm ngầm bên trong che giấu bòn xẻn cho mình được bao nhiêu đồng tiền đấu lúa càng hay bấy nhiêu.
Gần gũi và bảo vệ cho cá nhân người dân đen là họ hàng, là làng xóm. Tập thể người nông dân nhận như của mình là đó, chẳng phải là quốc gia là nhà nước. Làng xóm, họ hàng và cá nhân ràng buộc với nhau bởi hợp đồng đơn sơ như hương ước, nhưng thường là bất thành văn tự. Chung lo những việc hệ trọng trong đời người như cưới xin, chôn cất. Tối lửa tắt đèn có nhau. Lá lành đùm lá rách. Che chở cá nhân con người trước quyền lực của bộ máy nhà nước trung ương. Phép vua phải thua lệ làng.
Mất đi quan hệ họ hàng, làng xóm, con người cảm thấy nhỏ bé bơ vơ không nơi nương tựa, lọt thỏm giữa xã hội mênh mông, cô độc trước bộ máy của ông nhà nước quyền uy không đối trọng nào giới hạn nữa.
Phần nào, đó là tình trạng con người cá nhân trong xã hội Á đông ngày nay, đang nhanh chóng đô thị hóa. Vụn ra những gia đình hạt nhân. Vai trò làng xóm, họ hàng còn đẹp tình cảm nhưng ngày càng thêm vô hiệu. Tập thể trực tiếp là toàn thể xã hội mà đại diện là nhà nước.
Cấu trúc xã hội đã đổi, quan hệ đã đổi. Ðông phương tôn trọng con người, tôn trọng cá nhân - chẳng khác Tây phương. Nhưng cụ thể làm thế nào cho con người không bị đè bẹp, nhân phẩm bị chà đạp trong những quan hệ mới. Nếu không có hợp đồng xã hội mới ? Mà khái niệm, cơ sở lý luận, thể hiện cụ thể hợp đồng xã hội trong văn hóa đô thị, Tây phương lại kinh nghiệm tích lũy từ thời cổ Hy lạp đến ngày nay.
Cứ mãi chần chừ chẳng thấy đâu là thực sự thể hiện hợp đồng xã hội mới trong đất nước, lại viện đặc trưng Á đông trong quan hệ cá nhân với tập thể là chơi chữ trên từ nhân quyền, là ngụy biện. Là lý luận giảo quyệt để biện minh cho chính sách đạo đức ngoài miệng, trong thực tế chà đạp nhân phẩm con người chẳng chút ngần ngại của một số chính quyền Á đông hiện nay.
2 . Biết nói rằng biết, không biết nói không biết. Câu Luận ngữ "Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri..." này (II, 17) ta thuộc nằm lòng suốt bao thế kỷ.
Tây cũng như Ðông, đều tìm hiểu thiên nhiên, tìm hiểu con người. Ngày nay tinh thần khoa học rất nghiêm ngặt trong tiêu chuẩn của cái biết. Thâm tâm một số "trí thức" và "học giả" Việt, trong cũng như ngoài nước, không khỏi cho rằng ta, Ðông phương đã biết cả rồi.
Einstein tìm ra thuyết tương đối, thế giới bái phục thiên tài. Có những người ngồi rung đùi cười mỉm, ta đã biết từ xửa từ xưa rồi, có lọt ra ngoài kinh Dịch đâu ! Toán học tập mờ (fuzzy sets) vừa xuất hiện, ta đã có học giả điềm nhiên giải thích trên giấy trắng mực đen rằng đó là chỉ dẫn thiên tài của Lão Trang, khoa học chỉ đem ra mà ứng dụng...
Nếu có tương đồng giữa ta và người có lẽ là ở chữ "mờ". Ta thì mù mờ. Người ta cũng dùng chữ mờ trong toán học đấy, nhưng khái niệm "mờ" có ý nghĩa chính xác, vận hành tiện lợi khi đem ra sử dụng giải quyết một số vấn đề cụ thể.
Thói cũ của ta chỉ lý luận miễn sao cho phù hợp với hệ tư tưởng là đủ, là đúng, là biết. Tinh thần khoa học ngày nay thì lý luận thuần lý nghiêm túc chưa đủ. Phải có kiểm soát của thực nghiệm. Einstein đề xuất lý thuyết tương đối tổng quát năm 1915-1916. Arthur Eddington đợi đến 1919 lợi dụng nhật thực toàn phần năm ấy kiểm nghiệm mặt trời làm chệch hướng ánh sáng phát ra từ một vì sao ở xa, và như vậy xác nhận tiên đoán của lý thuyết tương đối là đúng thật. Khi ấy, Einstein viết thư cho mẹ, mừng rằng nhờ Eddington ông ta mới tin lý thuyết của mình là đúng.
Ngày nay, lý thuyết tương đối là công cụ thực tiễn để tính toán chính xác quỹ đạo hỏa tiễn, để tìm hiểu vũ trụ. Biết đi đôi với hành động, làm được cái mình nói biết và hệ quả của nó. Có khác với thói cũ, ba hoa lời nói, qua cầu gió bay !
Việt nam ngày nay đã có kỹ thuật gia. Một số ít hơn nhà khoa học. Nói nhiều đến khoa học, sùng bái như một vật thờ. Nhưng chưa có văn hóa khoa học. Chưa phổ biến tinh thần linh động, khước từ giáo điều, không để lĩnh vực tư tưởng nào bị khép kín trong một thuyết toàn diện có sẵn giải đáp cho mọi sự việc, tinh thần tuyệt đối tôn trọng sự kiện - nghĩa là chấp nhận đặt thực tế ở trên bất cứ thành kiến nào, chấp nhận tiêu chuẩn khách quan dựa trên kiểm nghiệm nghiêm túc. Tinh thần này chưa đi vào giáo dục, vào thể chế, vào nề nếp thông tin trung thực đầy đủ, số liệu chính xác và nghiêm túc, quan sát khách quan xã hội và kinh tế...
Ta, văn hóa có nền nếp. Nhưng sau trăm năm giao tiếp với Tây phương, nửa thế kỷ xây dựng độc lập, Việt nam vẫn chưa tạo cho mình được nền văn hóa khoa học. Ðúng thời điểm cần phải nhập cuộc vào thế giới ngày nay là thế giới của sáng tạo trí tuệ, yếu tố thiết yếu cho sáng tạo là văn hóa. Trong đó văn hóa khoa học chiếm vị trí trung tâm.
bùi mộng hùng (3.1996)
[ Trở Về ]